Tải bản đầy đủ (.pdf) (61 trang)

Những phương tiện từ vựng biểu thị ý nghĩa tình thái trong thơ tố hữu (2016)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (863.54 KB, 61 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA: NGỮ VĂN
**************

NGUYỄN THỊ HẠNH

NHỮNG PHƯƠNG TIỆN TỪ VỰNG
BIỂU THỊ Ý NGHĨA TÌNH THÁI
TRONG THƠ TỐ HỮU
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Ngôn ngữ
Người hướng dẫn khoa học
TS. LÊ THỊ THÙY VINH

HÀ NỘI – 2016


LỜI CẢM ƠN
Đối với sinh viên cuối cấp khi được làm khóa luận tốt nghiệp là điều vô cùng
vinh dự. Nhưng để có thể hoàn thành khóa luận đòi hỏi sự cố gắng rất lớn của bản
thân và quan trọng hơn đó là sự chỉ bảo của các thầy cô giáo trong trường, thầy cô
hướng dẫn, sự giúp đỡ, động viên của gia đình, bạn bè và người thân.
Em xin chân thành cảm ơn quí thầy cô giáo trong trường Đại học Sư phạm
Hà Nội 2 và quí thầy cô giáo trong Tổ Ngôn ngữ đã truyền đạt những kiến thức
chuyên ngành, chỉ dạy em trong suốt quá trình học tập tại trường. Đặc biệt là cô
giáo TS. Lê Thị Thùy Vinh là người đã giúp em định hướng đề tài và hướng dẫn,
chỉ bảo, giúp đỡ em một cách tận tình để em hoàn thành khóa luận của mình. Em
cũng xin gửi tới những người thân yêu, bạn bè lòng biết ơn chân thành nhất, vì đã
luôn ở bên em, động viên, giúp đỡ em hoàn thành khóa luận này.
Tuy nhiên, với những kiến thức và kinh nghiệm thực tế của bản thân còn
nhiều hạn chế. Do vậy, khóa luận này không tránh khỏi những thiếu sót, em rất


mong nhận được sự góp ý của các thầy, cô giáo và các bạn để bài viết được hoàn
thiện hơn.
Em xin chân thành cảm ơn!


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi và được sự
hướng dẫn khoa học của TS. Lê Thị Thùy Vinh. Các nội dung nghiên cứu, kết quả
trong đề tài này là trung thực và chưa công bố dưới bất kỳ hình thức nào trước đây.
Những số liệu trong các bảng biểu phục vụ cho việc phân tích, nhận xét, đánh giá
được chính tác giả thu thập từ việc khảo sát, thống kê, phân loại ngữ liệu. Ngoài ra,
một số nhận xét, đánh giá khác trong khóa luận đều được sử dụng trung thực, nguồn
trích dẫn có chú thích rõ ràng, minh bạch, có tính kế thừa, phát triển từ các tài liệu,
tạp chí, các công trình nghiên cứu đã được công bố.
Nếu phát hiện có bất kỳ sự gian lận nào tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về
nội dung khóa luận của mình.

Hà Nội, tháng 05 năm 2016
Tác giả
Nguyễn Thị Hạnh


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ....................................................................................................................1
1. Lí do chọn đề tài ......................................................................................................1
1.1. Cơ sở lí luận .........................................................................................................1
1.2. Cơ sở thực tiễn .....................................................................................................1
2. Lịch sử vấn đề .........................................................................................................3
3. Mục đích nghiên cứu ...............................................................................................4

4. Nhiệm vụ nghiên cứu ..............................................................................................5
5. Phương pháp nghiên cứu.........................................................................................5
6. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu ........................................................5
7. Đóng góp của khóa luận ..........................................................................................6
8. Bố cục khóa luận .....................................................................................................6
NỘI DUNG ................................................................................................................7
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ THUYẾT ........................................................................7
1.1. Khái quát về nghĩa tình thái .................................................................................7
1.1.1. Khái niệm nghĩa tình thái ..................................................................................7
1.1.2. Phân loại nghĩa tình thái ....................................................................................9
1.1.2.1. Các quan niệm phân loại ................................................................................9
1.1.2.2. Tình thái của hành động ngôn ngữ (tình thái của hành động nói) ...............13
1.1.2.3. Tình thái của câu (phát ngôn) ......................................................................13
1.1.3. Những phương tiện ngôn ngữ biểu thị tình thái trong tiếng Việt ...................14
1.1.3.1. Phương tiện ngữ âm .....................................................................................14
1.1.3.2. Phương tiện từ vựng .....................................................................................15
1.2. Khái quát chung về nhà thơ Tố Hữu ..................................................................22
1.2.1. Vài nét về cuộc đời và sự nghiệp thơ của Tố Hữu ..........................................22
1.2.1.1. Cuộc đời .......................................................................................................22
1.2.1.2. Sự nghiệp......................................................................................................22
1.2.2. Vài nét về phong cách ngôn ngữ thơ Tố Hữu .................................................23
1.2.2.1. Về nội dung ..................................................................................................23
1.2.2.2. Về nghệ thuật ...............................................................................................24


CHƯƠNG 2: KHẢO SÁT NHƯNG PHƯƠNG TIỆN TỪ VỰNG BIỂU THỊ Ý
NGHĨA TÌNH THÁI TRONG THƠ TỐ HỮU ....................................................25
2.1. Tình hình khảo sát, thống kê ngữ liệu ................................................................25
2.1.1. Kết quả thống kê, phân loại.............................................................................25
2.1.2. Nhận xét chung ...............................................................................................27

2.2. Phân tích kết quả thống kê, phân loại ................................................................28
2.2.1. Trợ từ ...............................................................................................................28
2.2.2. Thán từ ............................................................................................................30
2.2.3. Động từ tình thái .............................................................................................33
2.2.4. Tiểu từ tình thái cuối câu. ...............................................................................34
2.2.5. Quán ngữ .........................................................................................................35
2.2.6. Kết từ phối hợp ...............................................................................................37
2.2.7. Phụ từ ..............................................................................................................38
2.3. Hiệu quả của cách dùng các phương tiện từ vựng biểu thị ý nghĩa tình thái trong
thơ Tố Hữu ................................................................................................................51
2.3.1. Về nội dung .....................................................................................................51
2.3.2. Về nghệ thuật ..................................................................................................52
KẾT LUẬN ..............................................................................................................54
TÀI LIỆU THAM KHẢO
DẪN LIỆU


MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1. Cơ sở lí luận
Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp cơ bản và quan trọng nhất của các thành
viên trong một cộng đồng người. Ngôn ngữ đồng thời cũng là phương tiện phát
triển tư duy, truyền đạt truyền thống văn hóa – lịch sử từ thế hệ này sang thế hệ
khác. Tuy nhiên con người tư duy và giao tiếp với nhau không phải bằng những đơn
vị ngôn ngữ cô lập mà bằng lời, đơn vị cơ bản của lời nói. Nghĩa của lời tức là
nghĩa của “câu được ngôn cảnh hóa” không chỉ là nội dung mệnh đề của câu mà
còn có những yếu tố khác. Những yếu tố ấy được khái quát thành nghĩa tình thái –
một phạm trù ngữ nghĩa chức năng tồn tại trong bất kì ngôn ngữ nào.
Trong giao tiếp bằng ngôn ngữ, một sự tình có thể phản ánh đúng hoặc khác
thế giới thực tại khách quan, điều này phụ thuộc vào chủ đích của chủ thể phát

ngôn, vào ngôn/văn cảnh và năng lực tiếp thụ của chủ thể tiếp nhận. Vấn đề này liên
quan đến một số phương tiện ngôn ngữ, trong đó có những phương tiện biểu thị ý
nghĩa tình thái. Trong những năm gần đây, giới Việt ngữ học quan tâm nhiều đến
tình thái và đã có nhiều nghiên cứu bàn về vấn đề này. Các tác giả hiểu và tiếp cận
vấn đề tình thái với nhiều cách khác nhau (dựa trên những quan điểm rộng hẹp),
phổ biến nhất là quan điểm xem tình thái là tình cảm và cảm xúc của người nói, tình
thái của hành động phát ngôn, tình thái của nội dung mệnh đề,…
Việc nghiên cứu ý nghĩa tình thái, đặc biệt là những phương tiện từ vựng
biểu thị ý nghĩa tình thái trong tác phẩm văn chương càng có ý nghĩa đặc biệt. Nó
giúp người đọc nhận biết sâu sắc tính đa giọng điệu, nhận ra giọng điệu riêng,
phong cách riêng của từng nhà văn, nhà thơ.
1.2. Cơ sở thực tiễn
Trong nền thơ ca Việt Nam hiện đại, Tố Hữu là một tác gia có vị trí đặc biệt
quan trọng. Suốt nhiều thập kỉ qua, Tố Hữu luôn được coi là “cánh chim đầu đàn
của thơ ca cách mạng”. Trên sáu mươi năm hoạt động và sáng tác, Tố Hữu đã dành

1


trọn vẹn sự nghiệp thơ ca của mình phục vụ cách mạng, phục vụ công cuộc đấu
tranh giải phóng dân tộc. Sự nghiệp thơ Tố Hữu luôn gắn với những chặng đường
cách mạng, những giai đoạn lịch sử của dân tộc. Những tập thơ “Từ ấy”, “Việt
Bắc”, “Gió lộng”, “Ra trận”, “Máu và hoa”, “Một tiếng đờn”, “Ta với ta”…
không chỉ đơn giản là những đỉnh cao, những dấu mốc quan trọng trong bước
đường thơ Tố Hữu , mà còn tái hiện lại những sự kiện vĩ đại vẻ vang nhưng cũng
không ít gian khổ, thăng trầm của cách mạng Việt Nam.
Thơ Tố Hữu được nhiều thế hệ độc giả yêu mến, trân trọng. Có được thành
công bởi vì thơ ông không chỉ nói lên được khát vọng của cả dân tộc; là tiếng hát ân
tình, thủy chung của nhân dân; là lời tâm tình đằm thắm của những người đồng chí,
đồng đội; là kết tinh những giá trị văn hóa của dân tộc…mà còn do Tố Hữu đã sử

dụng những phương tiện nghệ thuật độc đáo, trong đó phải kể đến các phương tiện
từ vựng biểu thị ý nghĩa tình thái trong các sáng tác của ông. Có thể nói các phương
tiện từ vựng biểu thị ý nghĩa tình thái trong thơ Tố Hữu được sử dụng như một biện
pháp nghệ thuật và trở thành ngôn ngữ nghệ thuật. Điều này không phải nhà thơ nào
cũng làm được. Cho nên nghiên cứu việc sử dụng các phương tiện từ vựng biểu thị
ý nghĩa tình thái trong thơ Tố Hữu sẽ góp phần hiểu rõ về quan điểm nghệ thuật và
phong cách sáng tác của nhà thơ, cũng như giúp ta thấy được giá trị của nó đối với
việc biểu hiện tư tưởng, tình cảm của nhà thơ.
Ngoài ra, đây cũng là tác giả có vị trí quan trọng trong chương trình Ngữ
văn THPT với nhiều tác phẩm được chọn giảng. Do đó việc đi sâu tìm hiểu những
phương tiện từ vựng biểu thị tình thái trong thơ Tố Hữu sẽ mở ra một hướng tiếp
cận mới khi tìm hiểu tác phẩm, đồng thời điều này càng có ý nghĩa lớn trong việc
phục vụ, trau dồi kiến thức, bồi dưỡng nghiệp vụ của bản thân người viết nói riêng,
góp một phần nhỏ vào giảng dạy ở trường phổ thông nói chung.
Từ những lí do trên, chúng tôi lựa chọn đề tài: Những phương tiện từ vựng biểu
thị ý nghĩa tình thái trong thơ Tố Hữu để nghiên cứu.

2


2. Lịch sử vấn đề
Tình thái (modality), một vấn đề rất rộng và phức tạp, đã được rất nhiều các
nhà ngôn ngữ học qua tâm, nghiên cứu. Đặc biệt, việc xem xét các phương tiện
ngôn ngữ biểu thị nghĩa tình thái trong tiếng Việt đã được các nhà Việt ngữ học đề
cập ở mức độ rộng hẹp khác nhau. Tình thái là loại ý nghĩa thường trực của tín hiệu
ngôn ngữ. Đặc biệt khi ngôn ngữ học mở rộng đối tượng và phạm vi nghiên cứu
sang hoạt động hành chức thì việc tình thái càng trở nên quan trọng.
Việc nghiên cứu phương tiện ngôn ngữ biểu thị ý nghĩa tình thái đã được đề
cập trong nhiều công trình nghiên cứu. Có thể kể ra các tác giả và các công trình
nghiên cứu về tình thái trong ngôn ngữ như: Ch.Bally với“Ngôn ngữ học đại cương

và ngôn ngữ học Pháp” (Bản dịch của Phan Ngọc - Tài liệu đánh máy của Viện
ngôn ngữ học Việt Nam), Cao Xuân Hạo “Tiếng Việt - Sơ thảo ngữ pháp chức
năng”, Nguyễn Minh Thuyết “Thành phần câu tiếng Việt”, Đỗ Hữu Châu “Đại
cương ngôn ngữ học”, Diệp Quang Ban “Ngữ pháp tiếng Việt phổ thông”,v.v…
Tuy nhiên, ở những công trình nghiên cứu nêu trên, các tác giả đã đưa ra các khái
niệm và cách phân loại về tình thái chưa thực sự thống nhất. Hơn nữa, do mục đích
nghiên cứu riêng của các công trình nên các tác giả mới chỉ đề cập đến vấn đề tình
thái ở mức độ sơ lược và khái quát.
Trong các công trình nghiên cứu, chúng tôi đặc biệt chú ý đến công trình
“Cơ sở ngữ nghĩa phân tích cú pháp” của Nguyễn Văn Hiệp. Trong đó tác giả đã
làm rõ những vấn đề về nghĩa tình thái và đặc biệt nhấn mạnh đến những phương
tiện biểu thị biểu thị tình thái trong tiếng Việt. Bên cạnh đó phải kể đến luận văn
“Các phương tiện từ ngữ biểu thị tình thái chủ quan trong tác phẩm của Nam Cao”
của Dương Thị Thúy Vinh (2006) – luận văn thạc sĩ ĐHSP Hà Nội, luận văn “Tiểu
từ tình thái trong tác phẩm của Nam Cao từ góc nhìn ngôn ngữ học” của Nguyễn
Thị Kim Chi (2009) – Luận văn thạc sĩ ĐHSP Thái Nguyên và khóa luận “Những
phương tiện ngôn ngữ biểu thị tình thái chủ quan trong truyện ngắn Nguyễn Công
Hoan” của Nguyễn Thị Thúy Ngân (2011) – khóa luận tốt nghiệp đại học ĐHPS Hà

3


Nội 2. Đây là những gợi ý quan trọng để những người làm ngôn ngữ tiếp tục nghiên
cứu.
Thơ Tố Hữu luôn là đối tượng nghiên cứu của các nhà nghiên cứu, phê bình
trong và ngoài nước. Xuất phát từ những góc độ, khía cạnh tiếp cận khác nhau, các
nhà nghiên cứu đều gặp gỡ và thống nhất trong đánh giá: Tố Hữu là một phong
cách lớn trong sự phát triển của nền văn học dân tộc. Thơ ông không chỉ đặc sắc ở
nội dung, tư tưởng mà còn có giá trị đặc sắc về nghệ thuật trên các phương diện về
phong cách và ngôn ngữ thơ. Chính vì thế, cho đến nay đã có rất nhiều công trình

biên khảo chuyên sâu về thơ ông. Trong đó nổi bật nhất là các công trình: “Thơ Tố
Hữu” của Lê Đình Kị (1979), “Thơ Tố Hữu, tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói
đồng chí” của Nguyễn Văn Hạnh (1985), và “Thi pháp thơ Tố Hữu” của TrầnĐình
Sử (1987). Nghiên cứu về thơ Tố Hữu từ phương diện ngôn ngữ đã có các công
trình của tác giả như: “Về cách dùng từ chỉ mầu sắc trong thơ Tố Hữu” của Lê Anh
Hiền (Tạp chí Ngôn ngữ số 4- 1976 ), “Tính dân tộc hiện đại của ngôn từ thơ Tố
Hữu” của Trần Đình Sử (Báo Văn nghệ số 36 – 1985), “Nhạc điệu thơ Tố Hữu”
của Nguyễn Trung Thu (Tạp chí văn học số 6 – 1968) và nhiều công trình khác.
Tuy nhiên những nghiên cứu về việc sử dụng các phương tiện từ vựng biểu thị ý
nghĩa tình thái trong thơ Tố Hữu thì chưa có nhiều tác giả quan tâm. Như vậy, có
thể nói rằng đây là một vấn đề rất thú vị, hấp dẫn và có phần mới mẻ.
Trên cơ sở lí thuyết về nghĩa tình thái, phương tiện biểu thị nghĩa tình thái
trong tiếng Việt và cơ sở thực tiễn về những nghiên cứu trong thơ Tố Hữu, ở đề tài
này chúng tôi đi sâu xem xét những phương tiện từ vựng biểu thị ý nghĩa tình thái
trong thơ Tố Hữu để thấy được bản chất của ngôn ngữ với tư cách là công cụ phản
ánh thế giới trong hoạt động nhận thức và tương tác xã hội, đồng thời làm nổi rõ
phong cách Tố Hữu trong thơ ca cách mạng nói riêng và văn học Việt Nam nói
chung.
3. Mục đích nghiên cứu
- Khắng định, củng cố một vấn đề lý thuyết của ngôn ngữ học: vấn đề các
phương tiện từ vựng biểu thị ý nghĩa tình thái trong tác phẩm văn học

4


- Góp phần khẳng định sự độc đáo trong phong cách nghệ thuật của Tố Hữu
qua tìm hiểu các phương tiện từ vựng biểu thị ý nghĩa tình thái trong thơ ca của
ông.
- Góp phần phục vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu tác phẩm văn học của Tố
Hữu nói riêng và các tác phấm văn học nói chung.

4. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Nghiên cứu lí luận về vấn đề nghĩa tình thái và tình hình nghiên cứu về
nghĩa tình thái trong tiếng Việt hiện nay.
- Tiến hành khảo sát, thống kê, phân loại tư liệu về những phương tiện từ
vựng biểu thị ý nghĩa tình thái trong thơ Tố Hữu ở giới hạn nghiên cứu.
- Phân tích, đánh giá các phương tiện từ vựng theo nhóm để rút ra kết luận về
ý nghĩa tình thái khi tiếp nhận tác phấm văn học.
5. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình nghiên cứu chúng tôi vận dụng các phương pháp, thủ pháp sau:
- Phương pháp miêu tả.
- Phương pháp thống kê.
- Phương pháp phân tích ngôn ngữ học.
- Thủ pháp phân loại.
- Thủ pháp so sánh, đối chiếu.
6. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: Trong đề tài này chúng tôi chỉ xem xét những
phương tiện từ vựng biểu thị ý nghĩa tình thái trong thơ của Tố Hữu.
- Phạm vi nghiên cứu: Nguồn ngữ liệu mà chúng tôi khảo sát là các tập thơ
“Từ ấy”, “Việt Bắc”, “Gió lộng”, “Ra trận”, “Máu và hoa”, “Một tiếng đờn”,
“Ta với ta” trong “Toàn tập thơ Tố Hữu” – NXB văn học (2011).

5


7. Đóng góp của khóa luận
- Về phương diện lí luận: Khóa luận góp phần làm rõ bản chất của ngôn ngữ
với tư cách là công cụ của con người dùng để phản ánh thế giới trong hoạt động
nhận thức và tương tác xã hội.
- Về mặt thực tiễn: Khóa luận có giá trị thực tiễn trong quá trình xem xét và
thẩm định các tác phẩm văn chương của Tố Hữu trong nhà trường phổ thông.

8. Bố cục khóa luận
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, danh mục tài liêu tham khảo, khóa luận
được cấu trúc thành 2 chương.
- Chương 1: Cơ sở lí thuyết.
- Chương 2: Khảo sát những phương tiện từ vựng biểu thị tình thái trong thơ
Tố Hữu.

6


NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ THUYẾT
1.1. Khái quát về nghĩa tình thái
1.1.1. Khái niệm nghĩa tình thái
Trong lịch sử nghiên cứu ngôn ngữ học, mặc dù còn là một vấn đề khá mới
so với các vấn đề ngôn ngữ khác, nhưng tình thái lại được các nhà nghiên cứu quan
tâm một cách đặc biệt bằng những công trình nghiên cứu chuyên sâu, tiếp cận theo
nhiều hướng với những phương diện khác nhau. Chính sự quan đặc biệt của các nhà
ngôn ngữ đã khiến cho lĩnh vực nghiên cứu nghĩa tình thái ngày một phát triển.
Nghĩa tình thái là một thành phần nghĩa phức tạp, bởi vậy nó được hiểu theo nhiều
cách khác nhau và quan niệm về nó chưa có sự nhất quán trong các nhà ngôn ngữ
học. Điều đó được thể hiện như sau:
- Quan niệm của một số nhà ngôn ngữ học nước ngoài:
+ Vinogradov xem tình thái như phạm trù ngữ pháp độc lập, tồn tại song
song với phạm trù vị tính và định nghĩa nó như sau: “Mỗi câu đều mang một ý
nghĩa tình thái như dấu hiệu cấu trúc cơ bản, tức chỉ ra quan hệ đối với hiện thực”.
+ Ch. Bally cũng là một trong những người đầu tiên đề cập đến vấn đề tình
thái một cách hệ thống. Ông chủ trương phân biệt trong cấu trúc nghĩa của phát
ngôn hai thành phần cơ bản tương ứng là dictum (tình thái) và modus (ngôn liệu).
Xuất phát từ hai thuật ngữ dictum và modus trên, Ch. Bally đã đưa ra định nghĩa

như sau: “Tình thái là thái độ của người nói được biểu thị đối với sự việc hay trạng
thái diễn đạt trong câu”.
+ Liapol quan niệm: “Tình thái là phạm trù ngữ nghĩa chức năng thể hiện
các dạng quan hệ khác nhau của phát ngôn với thực tế cũng như các dạng đánh giá
chủ quan khác nhau với điều được thông báo”. (Liapol, 1990, T30)
+ Palmer định nghĩa: “Tình thái là thông tin ngữ nghĩa của câu thể hiện thái
độ hoặc ý kiến của người nói đối với điều được nói đến trong câu”. (Palmer, 1986,
T14)

7


+ Theo Lyons: “ Tình thái là thái độ của người nói với nội dung mệnh đề mà
câu biểu thị hay sự tình mà mệnh đề miêu tả”. (Lyons, 1977, T125)
- Quan niệm của một số nhà ngôn ngữ học Việt Nam:
+ Hoàng Trọng Phiến cho tình thái là một điều kiện để tạo câu (cùng với tính
vị ngữ: “Câu bao giờ cũng mang tính tình thái nhất định. (…). Nó có tác dụng thông
báo một điều gì mới mẻ. Qua câu, người nhận hiểu rõ người nói có thái độ như thế
nào đối với hiện thực, người nói trình bày hiện thực với sự đánh giá của mình”
(đúng hay sai, tin hay ngờ, ước đoán hay đã tồn tại thực, khuyên bảo hay ra lệnh…).
[dẫn theo 34, 105].
+ Cao Xuân Hạo phân biệt: “Trong lôgic học, nội dung của một mệnh đề
được chia làm hai phần. Phần thứ nhất gọi là ngôn liệu (lexis hay dictum), tức cái
tập hợp gồm sở thuyết (vị ngữ lôgic) và các tham tố của nó được xét như một mối
liên hệ tiềm năng, và phần thứ hai gọi là tình thái (modalité), là cách thực hiện mối
quan hệ ấy, cho biết mối liên hệ ấy là có thật (hiện thực) hay là không có (phủ định
nó, coi nó là phi hiện thực), là tất yếu hay là không tất yếu, là có thể có được hay
không thể có được” [dẫn theo 34, 105 - 106].
+ Theo Diệp Quang Ban thì câu có nghĩa miêu tả và nghĩa tình thái. Nghĩa
miêu tả phản ánh vật, việc, hiện tượng được nói đến trong câu. Nghĩa tình thái chỉ ý

định (ý chí, ý muốn), thái độ, tình cảm của người nói đối với điều được nói ra (còn
được gọi là nghĩa liên nhân, nghĩa bộc lộ). Ngoài ra, phần nghĩa chỉ quan hệ của
người nói đối với người nghe cũng có thể xếp vào nghĩa tình thái. [1, 181].
+ Nguyễn Văn Hiệp cho rằng “Nghĩa tình thái là phạm trù ngữ nghĩa bao
gồm những quan điểm, thái độ khác nhau của người nói, được hiểu như là những
thông tin kèm theo, có tác dụng định tính cho nội dung được miêu tả trong câu, xét
trong mối quan hệ với người nghe, với hoàn cảnh giao tiếp” [22, 84].
+ Nguyễn Thiện Giáp đã phân biệt tình thái trong lô gích và trong ngôn ngữ.
Lô gích học quan tâm tới tình thái khách quan, chỉ quan tâm tới giá trị chân lí của
mệnh đề. Tình thái trong ngôn ngữ liên quan đến thái độ chủ quan của người nói.
Đó là thái độ của người nói với nội dung mệnh đề mà câu biểu thị hay tình trạng mà

8


mệnh đề đó miêu tả, là thông tin ngữ nghĩa của câu thể hiện thái độ hoặc ý kiến của
người nói đối với điều được nói ra. [17, 334 - 335].
+ Nguyễn Thị Lương định nghĩa: “Tình thái là một phần nghĩa của câu thể
hiện thái độ, ý định, mục đích hay quan hệ giữa người nói với người nghe, giữa
người nói với hiện thực (sự tình) được phản ánh trong câu, giữa nội dung được phản
ánh trong câu với hiện thực ngoài thực tế khách quan” [27, 178].
Tổng hợp những quan niệm của các nhà ngôn ngữ học về khái niệm nghĩa
tình thái từ trước đến nay, chúng tôi thấy rằng: Tình thái là một phạm trù phức tạp
và chưa thể thống nhất.
1.1.2. Phân loại nghĩa tình thái
1.1.2.1. Các quan niệm phân loại
Như chúng ta đã biết, hiện nay một trong những trọng tâm mà ngữ pháp chức
năng - khuynh hướng ngữ pháp thiên về ngữ nghĩa đang theo đuổi là nghiên cứu
tình thái của câu. Cũng như những quan niệm về định nghĩa, khái niệm tình thái thì
việc phân loại nghĩa tình thái cũng trở nên vô cùng phức tạp khi ngành ngôn ngữ

học đón nhận rất nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này. Việc phân loại nghĩa
tình thái cũng đã có nhiều ý kiến, quan điểm không thống nhất và có sự khác nhau
tương đối:
- Cách phân loại của các nhà ngôn ngữ học nước ngoài
+ V.N. Bondrenko cho rằng chỉ có hai nhóm ý nghĩa dưới đây mới đúng là
các ý nghĩa tình thái:
Nhóm 1: Tính khả năng, tính thực tế và tính cần yếu. Nhóm ý nghĩa này là
cơ sở cho tình thái khách quan.
Nhóm 2: Sự nghi ngờ, tính không chắc chắn (giả định khả năng) và tính dứt
khoát. Nhóm ý nghĩa này là cơ sở chính cho tình thái chủ quan.
+ J. Lyons nêu lên hai loại ý nghĩa tình thái là tình thái nhận thức và tình thái
đạo nghĩa. Cả hai tình thái này đều có thể mang tính khách quan hoặc chủ quan.
Tính khách quan có ở “tình thái được trình bày như một cái gì đó hiện tồn trong thế

9


giới khả hữu mang tính nhận thức hay đạo nghĩa nào đó, vốn ở bên ngoài bất kì ai
nói câu đó trong những trường hợp phát ngôn cụ thể” [29, 340]. Tính chủ quan thể
hiện “khi phát ngôn câu này, người nói (khái quát hơn, tác thể tạo lời) có thể biểu
đạt hoặc niềm tin và thái độ riêng, hoặc mong muốn và thẩm quyền riêng của mình
chứ không phải chỉ là tường thuật sự tồn tại của một sự tình này nọ, với tư cách của
một người quan sát trung dung. Tình thái chủ quan phổ biến hơn rất nhiều so với
tình thái khách quan trong hầu hết những trường hợp sử dụng ngôn ngữ thường
ngày” [29, 340].
+ F. Pamer cũng nói tới tình thái nhận thức và đạo nghĩa. Trong đó, tình thái
nhận thức “cần được xem là dùng để chỉ ra vị thế hiểu hay biết của người nói”, nó
“không chỉ liên quan đến tính khả năng hay tất yếu mà còn liên quan đến mức độ
cam kết của người nói đối với điều anh ta nói ra”. Còn “tình thái đạo nghĩa lại liên
quan đến tính hợp thức về đạo lý của hành động do một người nào đó hay chính

người nói thực hiện” [47, 16].
+ M. Liapon có cách chia khác như sau: Ông chia ý nghĩa tình thái thành hai
loại là tình thái khách quan và tình thái chủ quan. Tình thái khách quan là dấu hiệu
tất yếu của một phát ngôn bất kì, biểu thị mối quan hệ giữa cái được thông báo với
thực tế ở bình diện hiện thực tính và phi hiện thực tính. Tình thái chủ quan là dấu
hiệu không bắt buộc của một phát ngôn, biểu thị quan hệ của người nói với điều
được thông báo. Khái niệm “đánh giá” làm nên cơ sở ngữ nghĩa cho “tình thái chủ
quan” nó bao gồm không chỉ các đánh giá lô gich (lí tính, duy lí) mà cả các dạng
khác nhau về phản ứng có tính cảm giác (phi lí tính).
Như vậy, các nhà ngôn ngữ học nước ngoài thường phân biệt giữa tình thái
nhận thức và tình thái đạo nghĩa (ở các mức độ khác nhau) khi nói tới tình thái. Họ
đều dựa trên hai tiêu chí là tính chủ quan và tính khách quan trong mối quan hệ với
hành động và ý nghĩa ngôn từ.
- Quan niệm của các nhà ngôn ngữ học Việt Nam
+ Cao Xuân Hạo trước hết phân biệt hai loại tình thái: tình thái của hành
động phát ngôn và tình thái của lời phát ngôn. Tình thái của hành động phát ngôn

10


thuộc bình diện dụng pháp, phân biệt các lời về phương diện mục tiêu, tác dụng của
giao tế. Tình thái của lời phát ngôn thuộc bình diện nghĩa học, gắn với nội dung
được truyền đạt, thái độ của người nói với điều được nói ra, quan hệ giữa sở đề và
sở thuyết của mệnh đề. Tình thái của lời phát ngôn lại được chia thành: tình thái của
câu (thái độ của người nói với điều nói ra, tính hiện thực, xác thực, tất yếu, khả
năng,…); tình thái của cấu trúc vị ngữ hạt nhân (dạng thức của hành động, tính chất,
trạng thái do phần thuyết biểu thị). [dẫn theo 34, 110].
+ Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học (Nguyễn Như Ý chủ biên) phân
biệt tình thái khách quan với tình thái chủ quan. Tình thái khách quan “biểu hiện
mối quan hệ của điều được thông báo đối với hiện thực khách quan (có thật hay

không có thật, có thể hay không có thể, tất yếu hay ngẫu nhiên) bằng các phạm trù
thức, phạm trù thời, các loại ngữ điệu khác nhau v.v…” [48, 297]. Tình thái chủ
quan “biểu hiện thái độ (quan hệ) của người nói đối với điều được thông báo (tin
hay không tin, đồng ý hay không đồng ý, đánh giá, biểu cảm) bằng trật tự từ, ngữ
điệu, phép kí từ, từ tình thái, tiểu từ, từ cảm, từ xen, v.v…” [48, 297].
+ Nguyễn Văn Hiệp cho rằng, phải qua những đối lập thì bức tranh về tình
thái mới hiện ra một cách rõ ràng nhất, đúng bản chất nhất. Tác giả đã đưa ra các
thể đối lập: tình thái trong logic và tình thái trong ngôn ngữ; trong ngôn ngữ lại có
đối lập giữa tình thái nhận thức và tình thái đạo nghĩa, đối lập giữa tình thái nhận
thức và tình thái căn bản, đối lập giữa tình thái hướng tác thể và tình thái hướng
người nói, đối lập giữa tình thái của mục đích phát ngôn và tình thái của lời phát
ngôn và cuối cùng là những đối lập tình thái mang tính “lập trường” thuộc chủ quan
của người nói. [22, 96 - 127].
+ Diệp Quang Ban cũng phân biệt tình thái của hành động nói và tình thái
của phát ngôn: “Tình thái của hành động nói là ý định (ý chí, ý muốn, còn gọi là cái
đích, mục đích) thực hiện một hành động nào đó của người nói khi nói ra một lời.
Tình thái của phát ngôn là cách đánh giá, thái độ của người nói đối với sự thể (vật,
việc, hiện tượng) được nói đến trong phát ngôn”. [1, 183]. Tình thái của phát ngôn
gồm tình thái khách quan và tình thái chủ quan. Tình thái khách quan có thể kiểm

11


tra được tính đúng sai, gồm tình thái khẳng định và tình thái phủ định. Tình thái chủ
quan là thứ tình thái không kiểm tra được tính đúng sai, chỉ thái độ, cách đánh giá
của người nói đối với vật, việc, hiện tượng được nói đến. Ngoài ra, tình thái chỉ ý
kiến và tình thái chỉ quan hệ của người nói đối với người nghe cũng có thể xếp vào
phạm trù tình thái trong câu. [1, 201-204].
+ Nguyễn Thị Nhung, trên cơ sở hai công trình Cơ sở ngữ nghĩa phân tích cú
pháp (Nguyễn Văn Hiệp, 2007, 74 - 186) và Ngữ pháp tiếng Việt (Diệp Quang BanHoàng Dân, 2000, 196 - 206) đã đưa ra những nhận định và có cách nhìn bao quát

về các thành phần NTT. Tác giả cho rằng, trong tình thái của lời phát ngôn cần phân
biệt nghĩa tình thái hướng về sự việc và nghĩa tình thái hướng về người nghe.
Ở nghĩa tình thái hướng về sự việc có hai nhóm: nhóm tình thái khách quan
và nhóm tình thái chủ quan. Nhóm tình thái khách quan gồm tình thái khẳng định,
tình thái phủ định, tình thái của sự tình được truyền đạt. Nhóm tình thái chủ quan lại
gồm tình thái biểu thị nhận thức, ý kiến, tình thái biểu thị đạo nghĩa, tình thái biểu
thị thái độ, tình cảm và tình thái đánh giá”. [34, 112].
Tóm lại, các tác giả trên đã có cách nhìn nhận các thành phần nghĩa tình thái
không chỉ trong quan hệ đẳng lập mà cả trong quan hệ cấp độ. Trong thực tế sử
dụng ngôn ngữ, thật khó mà có được một sự phân biệt thật rõ ràng, bao quát cho tất
cả các ý nghĩa thuộc phạm trù tình thái. Bởi trong ngôn ngữ tự nhiên, các phương
tiện biểu hiện tính tình thái là rất đa dạng. Tuy vậy, để bức tranh về nghĩa trong câu
tiếng Việt hiện lên một cách sáng rõ thì việc phân loại vẫn là một yêu cầu bắt buộc
đối với người nghiên cứu.
Xuất phát từ cách phân loại về nghĩa tình thái của các tác giả trên, chúng tôi
có thể tổng hợp và đưa ra những bộ phận nghĩa tình thái cụ thể như sau: Đầu tiên,
chúng tôi chia nghĩa tình thái thành hai bộ phận lớn: Tình thái của hành động ngôn
ngữ (tình thái của hành động nói) và tình thái của câu (phát ngôn). Trong tình thái
của câu gồm có: Tình thái khách quan và tình thái chủ quan.

12


1.1.2.2. Tình thái của hành động ngôn ngữ (tình thái của hành động nói)
Khi ta nói ra một câu nghĩa là đã thực hiện một hành động ngôn ngữ như:
hỏi, trả lời, khẳng định, phủ định, bác bỏ, ra lệnh, mời chào… Trong câu những
hành động được thực hiện bằng ngôn ngữ như vậy được gọi là hành động ngôn ngữ.
Những hành động này không được thực hiện một cách ngẫu nhiên hoặc tự phát mà
nhìn chung do ý định (ý chí, ý muốn) của người nói đó là tình thái của hành động
ngôn ngữ (hành động nói).

Việc diễn đạt hành động ngôn ngữ có thể được thực hiện bằng nhiều cách: có
thể dùng câu ngôn hành, dùng câu phân loại theo mục đích nói theo lối trực tiếp,
dùng câu phân loại theo mục đích nói gián tiếp.
1.1.2.3. Tình thái của câu (phát ngôn)
Tình thái của câu là tình thái chỉ quan hệ, thái độ, cách đánh giá của người
nói đối với cái được nói đến trong câu (tức là đối với phần nghĩa miêu tả của câu).
Tình thái của phát ngôn được phân biệt thành tình thái khách quan và tình thái chủ
quan.
a. Tình thái khách quan
Là tình thái được xác định dựa trên mối quan hệ của sự việc nêu lên trong
câu với hiện thực khách quan (thời gian, cách thức diễn ra hành động…). Tình thái
khách quan là tình thái có thể kiểm tra được tính đúng sai. Nó được phân biệt thành:
tình thái khẳng định và tình thái phủ định.
Tình thái khẳng định là tình thái nêu sự thừa nhận là có, là đúng sự tồn tại
của sự vật, việc, hiện tượng được nói đến.
Ví dụ: Đúng bài văn này do tôi làm
Tình thái phủ định gồm: Phủ định miêu tả và phủ định bác bỏ.
Phủ định miêu tả là trường hợp sử dụng yếu tố phủ định vào việc xác nhận
sự vắng mặt của vật, việc, hiện tượng hay đặc trưng, quan hệ của chúng.
Ví dụ: Tôi chưa làm bài tập.

13


Phủ định bác bỏ là trường hợp dùng yếu tố phủ định vào việc không thừa
nhận, phản bác một ý kiến, một nhận định nào đó. Các yếu tố phủ định trong trường
hợp này đánh dấu tình thái hành động bác bỏ được diễn đạt bằng câu đó.
Ví dụ: Tôi không thể hát hay được.
b. Tình thái chủ quan
Là ý nghĩa tình thái chỉ thái độ, cách đánh giá của con người đối với sự việc

nêu lên trong câu và thái độ, cách đánh giá của người nói đối với người nghe. Tình
thái chủ quan là tình thái không thể kiểm tra được tính đúng – sai và được bộc lộ ở
2 phương diện:
Quan hệ của người nói với nội dung của câu:
Ví dụ:

“Có lẽ nhiều mỏm đá với phong ba
Sẽ đánh đắm một đôi tàu mỏng mảnh”
(Như những con tàu – Tố Hữu)

“Có lẽ” biểu thị ý phỏng đoán của tác giả về những khó khăn, trở ngại trên
con đường cách mạng.
Quan hệ của người nói với người nghe:
Ví dụ:

“Anh ạ, quê ta lại khá rồi”
(Lá thư bến tre – Tố Hữu)

Từ “ạ” cho thấy thái độ lễ phép của người nói với người nghe. Đồng thời
người nói thực hiện được vai giao tiếp của mình là bề dưới đối với bề trên.
Việc phân loại tình thái như trên cho thấy nghĩa tình thái rất phong phú, đa
dạng và phức tạp.
1.1.3. Những phương tiện ngôn ngữ biểu thị tình thái trong tiếng Việt
1.1.3.1. Phương tiện ngữ âm
a. Âm vị âm đoạn tính
Âm vị đoạn tính là những âm vị được thể hiện riêng rẽ hoặc kế tiếp nhau
theo thời gian. Nguyên âm, phụ âm, bán nguyên âm/bán phụ âm là những âm vị
đoạn tính.

14



b. Âm vị siêu đoạn tính
Âm vị siêu đoạn tính là những âm vị không được thể hiện riêng rẽ hoặc kế
tiếp nhau theo thời gian mà luôn luôn được thể hiện đồng thời với âm tố hoặc toàn
bộ âm tiết. Trọng âm, thanh điệu và ngữ điệu là những âm vị siêu đoạn tính.
1.1.3.2. Phương tiện từ vựng
a. Trợ từ
Trợ từ dùng trong câu biểu thị ý nghĩa tình thái bằng cách nhấn mạnh vào từ,
kết hợp từ…có nội dung phản ánh liên quan với thực tại mà người nói muốn lưu ý
người nghe.
Trợ từ không có khả năng làm trung tâm của cụm từ, thành phần chủ ngữ hay
vị ngữ của câu. Vị trí của trợ từ thường tương ứng với chỗ ngừng hay chố ngắt đoạn
khi phát ngôn câu. Do đó trợ từ có thể có tác dụng phân tác thành phần câu.
Một số trợ từ thường gặp:
- “Thì” dùng nhấn mạnh với ý nghĩa khẳng định chủ đề hoặc khẳng định
quan hệ giữa các sự vật hay sựu kiện được nêu trong câu.
Ví dụ: “Học thì biết thế nào cho đủ.” ( THƯ, II, 182)
- “Ngay, ngay cả” nhằm nhấn mạnh với sắc thái khẳng định là không bình
thường.
Ví dụ: “Ngay từ lúc ông ta thoạt vào, Duyện đã chột dạ.” (VTT, I, 388)
- “Đúng, đúng là, đích, chính” dùng nhấn mạnh với sắc thái xác nhận.
Ví dụ: “Đúng là tụi giặc đuổi theo rồi.” (HPH, I, 331)
- “Những” dùng nhấn mạnh với sắc thái không bình thường về số lượng.
Ví dụ: “Đôi giày này những một triệu đồng”
- “Chỉ, chỉ là” dùng nhấn mạnh với sắc thái khẳng định có giới hạn.
Ví dụ: “Chỉ cần một số để nhân giống.” ( NVB, II, 15)
- “Thật, thật ra, thực ra” nhấn mạnh với sắc thái khẳng định bản chất.
Ví dụ: “Thực ra tôi rất mệt”


15


- “Đến, đến cả, đến nỗi” nhấn mạnh với sắc thái khiên cưỡng.
Ví dụ: “Đàn bà chửa mà đến nỗi cho là có lựu đạn giắt trong quần” (NCA
,I, 62)
- “Tự” nhấn mạnh với sắc thái khẳng định ý chí chủ quan.
Ví dụ: “ Tôi tự động viên mình thế .” (TBO, I, 18)
b. Thán từ
Thán từ là những từ có vai trò biểu thị cảm xúc, tâm trạng của người nói
trước những tác động của hoàn cảnh hay nội tâm. Nó còn là những từ dùng làm
tiếng gọi, tiếng đáp, tiếng than trong câu.
Thán từ không có chức năng cấu tạo cụm từ hay làm thành phần chính của
câu, nó chỉ có chức năng làm thành phần biệt lập trong câu và bổ sung thêm nghĩa
biểu cảm, nghĩa tình thái cho câu.
Dựa vào ý nghĩa mà từ tạo ra câu, thán từ gồm các nhóm sau:
- Nhóm thán từ dùng với mục đích gọi, hỏi: hỡi, ôi, ơi, ạ, này, ê,…
Ví dụ: “U ơi! Nhà tôi nó đi rồi.” (THO, I, 169)
- Nhóm thán từ dùng với mục đích làm tiếng đáp: vâng, dạ, đây, ừ, …
Ví dụ: “Cả đấy à?
Vâng, con đây.” (XCA, I, 74)
- Nhóm thán từ dùng với mục đích làm lời than biểu thị cảm xúc vui mừng,
ngạc nhiên, sợ hãi, đau xót,... như: ơi, chao ơi, ái ,ái chà, eo ôi, trời, trời ơi, …
Ví dụ: “Ôi chao, sao nay mới về?” (NTL, II, 311)
c. Động từ tình thái
Động từ tình thái là tiểu loại của động từ không độc lập, nó thường biểu thị
các ý nghĩa tình thái khác nhau.
Dựa vào ý nhĩa tình thái mà nó biểu thị trong câu, động từ tình thái gồm các
nhóm sau:
- Nhóm có ý nghĩa tình thái về sự cần thiết: cần, nên, phải, cần phải,…


16


Ví dụ: “Người ta bầu thì tôi phải đứng ra. Bố đay gì tôi?” (NKI, I, 225)
- Nhóm biểu thị ý nghĩa tình thái về ý chí: định, toan, nỡ, dám,…
Ví dụ: “Còn bây giờ, Đông có định giúp đỡ tôi không?” (NKC, II, 75)
- Nhóm biểu thị ý nghĩa tình thái mong muốn: mong, muốn, ước,…
Ví dụ: “Tôi muốn gặp đồng chí Phòng.” (HMA, I, 209)
- Nhóm biểu thị tình thái tiếp thụ, chịu đựng: bị, mắc, phải,…
Ví dụ: “Bà phải hầu hạ ông cho tới chết mới xong nợ.” (ĐQN, II, 339)
- Nhóm biểu thị ý nghĩa tình thái đánh giá, nhận định: cho, xem, thấy…
Ví dụ: “Em xem ra cũng là người thành thật.” (NKH, I, 206)
d. Tiểu từ tình thái cuối câu
Tiểu từ tình thái là các từ biểu đạt ý nghĩa tình thái trong mối quan hệ với
mục đích phát ngôn biểu thị cảm xúc của người nói, thường đứng ở cuối câu.
Dựa vào ý nghĩa tạo ra trong câu, ta có thể chia tiểu từ tình thái thành các
nhóm sau:
- Nhóm từ tình thái thể hiện thái độ đánh giá của người nói về lượng, mức
độ, vì tính tiêu cực , tiêu cực hay tính hợp lý của những điều được nói tới trong câu:
quá, lắm, đấy, thôi, kia,…
Ví dụ: “Cái áo này có hai trăm ngàn thôi.”
- Nhóm từ tình thái biểu thị thái độ băn khoăn, hoài nghi của người nói đối
với điều được nói đến trong câu: chăng, chứ, hử, hả, à, ư,…
Ví dụ: “Bạn muốn nghỉ học thật chứ.”
- Nhóm biểu thị thái độ ngạc nhiên: à, nhỉ,..
Ví dụ: “Chị vẽ đẹp nhỉ?”
- Nhóm từ tình thái thể hiện thái độ dứt khoát của người nói: đâu, đấy, thật,..
Ví dụ: “Em không đi chơi đâu.”
- Nhóm từ tình thái biểu thị cảm xúc chủ quan hoặc khách quan: á, kia,

vậy,...
Ví dụ: “Xe tây bắt lính ở Ninh Giang sang kia.” (THO, I, 170)
e. Quán ngữ

17


Quán ngữ là tổ hợp từ cố định đã dùng lâu thành quen, nghĩa có thể suy ra từ
các nghĩa của các yếu tố tạo thành.
Ví dụ: có lẽ, có thể, lên mặt, kể ra, nói trộm vía, ai bảo, tội gì, xem chừng,
may ra…
“Tội gì mày phải nghe lời nó.”
f. Kết từ phối hợp
Kết từ phối hợp là cặp kết từ thuộc kiểu kết từ chính phụ. Về mặt ý nghĩa
khái quát, nó biểu thị ý nghĩa về quan hệ giữa các khái niệm và đối tượng được
phản ánh. Đồng thời là dấu hiệu biểu thị các quan hệ cú pháp giữa các thực từ (và
hư từ) một cách tường minh.
Về khả năng kết hợp và chức năng cú pháp, nó được dùng nối kết các từ, các
câu và các đoạn văn có quan hệ cú pháp. Nó đứng trước cả thành phần phụ lẫn
thành phần chính.
Căn cứ vào phạm vi hoạt động, kết từ phối hợp gồm một số cặp như sau:
- Nhóm chỉ ý nghĩa quan hệ nhượng bộ hay đối lập: tuy/dù/mặc dù…nhưng…
Ví dụ: “Cô không còn là cô bé gầy gò, đen đủi, rách tả tơi mà đã thành một
cô gái tuy không xinh đẹp nhưng mặn mà tươi tắn.” (NKI, II, 271)
- Nhóm chỉ ý nghĩa quan hệ giả thiết – hậu quả: Nếu/giá/ hễ…thì/là/thì là…
Ví dụ: “Hễ vợ nói gì là anh ta gạt phắt ngay đi.” (NKI, I, 235)
- Nhóm chỉ ý nghĩa quan hệ nhân – quả: vì/bởi/ tại/do…nên/cho nên/mà…
Ví dụ:“Vì cái đồng hồ hỏng mà tôi phải tốn mất khá nhiều thì
giờ.”(HMA,I,283)
g. Phụ từ

Phụ từ là hư từ thường dùng kèm với các thực từ (động từ, tính từ) để bổ
sung ý nghĩa cho từ đó.
Về mặt ý nghĩa, phụ từ không thực hiện được chức năng gọi tên (định danh).
mà chỉ làm dấu hiệu cho một loại ý nghĩa nào đó mà thôi.

18


Về đặc điểm ngữ pháp, phụ từ không thể đảm nhiệm vai trò thành tố chính
của cụm từ, chúng chuyên làm thành tố phụ trong cụm từ để bổ sung cho thành tố
chính một ý nghĩa nào đó.
Một số nhóm phụ từ thường gặp:
- Nhóm phụ từ thời gian: đã, từng, mới , sẽ, sắp… chỉ quan hệ về thời gian
với quá trình hay đặc trưng trong cách phản ánh của tư duy. Phụ từ thời gian còn
xác định tính hiện thực hoặc phi hiện thực của hành động, trạng thái, tính chất theo
quan hệ thời gian.
Ví dụ: “Nó đã đi đâu kia chứ.” (XCA, I, 88)
- Nhóm phụ từ so sánh và phó từ chỉ tiếp diễn – tương tự: cũng, đều, vẫn,
cứ, còn, nữa, cùng, lại,... Phụ từ so sánh biểu thị ý nghĩa về quan hệ so sánh có tính
đồng nhất giữa quá trình hay đặc trưng với hoàn cảnh không gian và thời gian nhất
định. Phụ từ chỉ tiếp diễn – tương tự biểu thị quá trình hoặc đặc trưng kéo dài, liên
tục hoặc lặp lại trên cơ sở đồng nhất.
Ví dụ: “Mọi người đều nhảy, trừ chị Lộc.” (AĐƯ, I, 141)
- Nhóm phụ từ trình độ: rất, quá, lắm, cực kì, hơi, khí, khá,... chỉ ý nghĩa
quan hệ về trình độ.
Ví dụ: “Anh thổi tiêu đấy ư, em thích nghe lắm đấy nhé.” (NKH, I, 205)
- Nhóm phụ từ phủ định, khẳng định: Không, chẳng, chưa, có,... chỉ ý nghĩa
quan hệ trong thế đối lập khẳng định, phủ định sự vật, hành động hay trạng thái,
tính chất.
Ví dụ: “Các cụ ai chẳng tham công tiếc việc.” (THO, I, 179)

- Nhóm phụ từ sai khiến: hãy, đừng, chớ,... chỉ ý nghĩa quan hệ có nội dung
khuyên bảo, ngăn cấm, đòi hỏi, sai khiến.
Ví dụ: “Lần sau nếu dừng xe, cô đừng nhảy xuống như thế này nhé.” (NMC,
I, 97)
- Nhóm phụ từ chỉ kết quả: mất, được, ra, đi,… chỉ ý nghĩa quan hệ có nội
dung tiêu biến (mất), tiếp thụ (được), hướng (ra) hoặc dời chuyển (đi).

19


Ví dụ: “Tôi lạnh người, chúng tôi cũng chết mất thôi” (NVB, II, 16)
- Nhóm phụ từ chỉ tần số: thường, năng, hay, ít, hiếm, luôn, luôn luôn,
thường thường,… chỉ ý nghĩa quan hệ về tần số lặp lại quá trình hay đặc trưng.
Ví dụ: “Giữa bữa ăn, mẹ thường im lặng nhìn cả nhà.” (XCA, I, 75)
- Nhóm phụ từ tác động: cho chỉ ý nghĩa quan hệ về hướng tác dụng của quá
trình (có lợi hoặc không có lợi).
Ví dụ: “Xin mời bác đi ngay cho.” (HKL, II, 306)
- Nhóm phụ từ chỉ các ý nghĩ tình thái chủ quan hoặc khách quan:
Biểu thị tình thái diễn biến bất ngờ, hoặc diễn biến với tốc độ nhanh, mạnh:
Vụt, thốt, chợt, bỗng,… bỗng dưng, thình lình, đột nhiên, thoạt, thoắt,…
Ví dụ: “Bỗng từ đài truyền thanh có lệnh tắt đèn.” (XCA, I, 75)
Biểu thị tình thái khẳng định ý chí của chủ thể đối với quá trình hay đặc
trưng: quyết, nhất quyết,…
Ví dụ: “Bây giờ thì Keng nhất quyết lấy Lạt.” (NKI, I, 232)
Biểu thị tình thái khẳng định hậu quả theo thái độ người nói: Ắt, ắt là, nhất
định, hẳn là, chắc là, quả, đành phải,…
Ví dụ:“Hầm tàu quả là một cái dạ dày háu đói đến tàn nhẫn” (AĐƯ, I, 141)
1.1.3.3. Phương tiện ngữ pháp
Câu là đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có khả năng thông báo một sự việc, một ý
kiến, một tình cảm hoặc một cảm xúc.

Định nghĩa này nêu lên hai đặc điểm của câu: Về mặt chức năng, câu là đơn
vị có khả năng thông báo. Về mặt cấu tạo, trong số các đơn vị có chức năng thông
báo, câu là đơn vị nhỏ nhất.
Định nghĩa nêu trên còn khẳng định câu là một đơn vị ở bậc ngôn ngữ, tức là
một đơn vị trừu tượng, chỉ có thể nhận thức thông qua các biến thể trong lời nói.
Sự phân loại câu trong ngôn ngữ khá phức tạp, dựa vào các tiêu chuẩn khác
nhau:

20


×