Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

TIẾNG VIỆT ĐANG KHỦNG HOẢNG ?

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (112.74 KB, 4 trang )

Tiếng Việt đang khủng hoảng?
Chúng ta không thể không cảm thấy xót xa khi thế hệ trẻ có riêng "một cách
tạo từ vựng mới", vô hình chung dựng nên khoảng cách lớn giữa các thế hệ
trong gia đình (ví dụ: ặc ặc, seo mừ pậy pạ wúa, vìa dzụ nè hén, mẹc mẹ ló
đei...)
Chúng ta càng xót xa hơn khi đa số đám đông chỉ "cười xòa", bình thản
trước sự lẫn lộn này mà không hề có bất kỳ thái độ phản ứng nào khác. Sự
bình thản trước những hiện tượng bất thường này không tìm cũng thấy trong
nhiều vấn đề khác của xã hội.
Và trong lĩnh vực ngôn ngữ học, thái độ đó đang đẩy tiếng Việt của chúng ta
vào sự khủng hoảng. Vậy có muộn không khi chúng ta cần thẳng tay tuyên
chiến với sự thật này?
GS TS Nguyễn Như Ý, nguyên Viện phó Viện Ngôn ngữ học: Nên thiết kế
chương trình giáo dục ngôn ngữ cộng đồng trong thời gian dài
Vấn đề nêu trong bài viết này nếu được quan tâm đúng mức chắc chắn sẽ
góp phần làm dịu bớt cơn khủng hoảng của tiếng Việt hiện nay. Nói năng,
viết lách chính xác, chuẩn mực, trong sáng trước hết là phẩm chất tất yếu mà
mỗi cá nhân phải trau dồi từ bé đến lớn, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường
đến khi ra làm việc, sống giữa mọi người, chứ không còn là yêu cầu xã hội
như lâu nay ta vẫn nghĩ.
Để làm được điều đó, trước hết phải làm cho xã hội, đặc biệt là giới trẻ ý
thức được giá trị của ngôn ngữ nói và viết. Đồng thời tạo ra hệ thống xã hội
quan tâm, chăm sóc, uốn nắn, dạy bảo, kiểm soát lời nói ra của mỗi con
người, không thể chỉ dừng lại ở việc "đánh động" như "chống dịch H5N1"
mà cần phải tìm ra loại vắc-xin "tiêm" vào lớp trẻ để "chiến đấu" với loại "vi
khuẩn" gây "mầm bệnh".
Theo tôi, chúng ta nên thiết kế một chương trình và lộ trình khả thi với sự
đồng thuận, sự hợp lực tự giác của tất cả các cá nhân, tổ chức (trường học,
cơ quan, doanh nghiệp, báo chí...) cùng thực hiện chức năng giáo dục ngôn
ngữ cộng đồng trong một thời gian dài.
TS Hà Quang Năng, Trưởng Phòng Từ vựng tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ


học: Tiếng Việt đang bị biến dạng trong giới trẻ
Chúng ta có thể thống kê sự khủng hoảng của tiếng Việt ở mọi cấp độ, mọi
nơi, mọi lúc và đặc biệt đang bị biến dạng trong giới trẻ khi có quá nhiều từ
tiếng Anh, từ lóng được dùng chêm vào một cách tùy tiện.
Hiện tượng phổ biến trong ngôn ngữ, cách sử dụng văn phong của giới trẻ là
biến cái sai thành thói quen, một cách có hệ thống để trở thành cái đúng.
Chẳng hạn như "Xì-tin" (style) là một từ sai, nhưng lại được sử dụng khá
phổ biến và được mọi người công nhận. Vậy làm thế nào để hạn chế tình
trạng đó và cần bắt đầu từ đâu?
Rồi tình trạng các phương tiện thông tin đại chúng cũng "vô tình" quảng bá,
cổ súy cho những hiện tượng lệch chuẩn đó. Cụ thể, trên các báo điện tử,
báo giấy, tạp chí, đặc biệt là báo dành cho học trò, thể thao việc sử dụng
ngôn ngữ theo kiểu biến âm, biến thể đã trở nên quá phổ biến.
Ví dụ các fan hâm mộ, phong cách xì-tin (style), trận play off (loại), join vào
(gia nhập), cho die luôn (chết)... Lẽ ra các phương tiện thông tin đại chúng
phải đóng vai trò quan trọng đặc biệt trong việc hình thành và phát triển
ngôn ngữ của giới trẻ nói chung nhưng thực tế đang diễn ra hoàn toàn trái
ngược.
Vậy bằng cách nào để chúng ta có được một quy định thống nhất trên các
phương tiện thông tin đại chúng này? Hàng loạt những câu hỏi tương tự như
thế cần phải được đặt ra và giải quyết một cách chuẩn xác, triệt để để nhằm
vãn hồi sự trong sáng của tiếng Việt.
TS Hoàng Anh, Trưởng ban Quản lý khoa học, giảng viên Ngôn ngữ học,
Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Lạm dụng ngoại ngữ: Phá hoại sự
trong sáng của tiếng Việt
Không cẩn thận, tiếng Việt sẽ trở thành mớ hổ lốn, không mang dấu ấn văn
hóa dẫn đến tầm thường hóa ngôn ngữ như một thứ mốt. Việc lạm dụng quá
mức tiếng nước ngoài cũng là một biểu hiện coi thường và tẩy chay tiếng
Việt.
Một số báo chỉ hướng tới nhu cầu, thị hiếu của giới trẻ để đáp ứng mà quên

mất chức năng quảng bá văn hóa, tôn vinh giữ gìn các giá trị văn hóa truyền
thống.
Giới trẻ nói chuyện với nhau hay đệm từ nước ngoài nhưng họ lại không
phân định được lúc nào thì nên sử dụng, không phân biệt được hoàn cảnh
giao tiếp. Trên truyền hình gần đây có câu: "Tôi với LVS nhảy cẫng lên như
những thằng điên", rất dị ứng. Hay kiểu như: 2 anh! = Chào anh!; Anh 6 chó
lại = Anh xích chó lại... đó là kiểu đánh tráo khái niệm, chỉ phù hợp trong
các truyện cười, cách tư duy vòng vèo. Kiểu nói như thế đang phá hoại sự
trong sáng của tiếng Việt.
Sẽ không có một quy tắc nào có thể áp dụng cho mọi người, mọi cơ quan
phát ngôn. Cũng không có một người thầy nào có thể theo suốt cuộc đời học
trò để rèn giũa. Môi trường sống, nhận thức giáo dục của cha mẹ, của quá
trình nhận thức... chính là yếu tố cốt lõi tạo nên một nền tảng ngôn ngữ vững
chắc cho mỗi người.
Mỗi báo có một quy định riêng và được công chúng của báo đón nhận. Ngôn
ngữ giới trẻ hiện nay sai nhiều thứ quá, đáng báo động từ lâu. Báo chí phải
là tấm gương về ngôn ngữ.
Việc sử dụng ngôn ngữ vốn thuộc về quyền chủ quan của người sử dụng nó,
chỉ có cách mỗi người tự nâng cao văn hóa đọc của bản thân, nâng cao tính
tự trọng của bản thân để tự trang bị cho mình trở thành một con người văn
hóa.
GS TS Văn Giá, khoa Sáng tác Văn học, ĐH Văn hóa: Tâm hồn nghèo
nàn, trí tuệ cạn kiệt là đồng lõa của sự phá hoại tiếng Việt
Các phương tiện truyền thông đại chúng và năng lực ngôn ngữ cá nhân
chính là 2 tầng tác động lớn nhất đến sự trong sáng của tiếng Việt. Các cơ
quan truyền thông chưa chú ý đúng mức, thể hiện ngay trong các tác phẩm
báo chí, giật tít, sử dụng tiếng Hán Việt, tiếng nước ngoài, ý thức, lòng tự
trọng tiếng Việt cũng rất yếu, họ không trau chuốt cho ngôn từ.
Giới trẻ sống vội, nghĩ vội, làm vội, nói vội dẫn tới ý thức làm đẹp, bảo vệ
tiếng Việt vốn đã yếu kém nay lại càng trở nên nguy hại. Họ chế biến, lai

tạo, lắp ghép ngôn ngữ, dẫn đến việc tiếng Việt biến thái đang trở thành mốt.
Không nói theo, không làm theo thì cảm thấy kém cỏi trước bạn bè.
Tiếng Việt đang bị tấn công, hàng ngày hàng giờ. Điều đó không đáng sợ
bằng mỗi chủ thể phát ngôn tự làm mòn mỏi, nghèo nàn đi tiếng mà họ đang
sử dụng. Trên các phương tiện truyền thông, hàng ngày vẫn diễn ra tình
trạng đưa những ngôn ngữ chỉ có trong giao tiếp cá nhân lên, tạo ra một thói
quen nghe, thói quen nói làm vẩn đục sự trong sáng của tiếng Việt.
Việc nói trơn miệng, đại ngôn tráng ngữ, nói tục, nói kinh dị, nói theo mốt...
đang trở nên quá phổ biến. Chưa bao giờ, tiếng Việt bị suy thoái như ngày
nay.
Tâm hồn nghèo nàn, trí tuệ cạn kiệt đồng nghĩa với sự phá hoại của tiếng
Việt. Trong blog có vàng, nhưng cũng có rác rưởi, vi khuẩn lây bệnh chính
là thứ ngôn ngữ biến thái, phóng tính đó. Tôi không đưa ra những ví dụ đó ở
đây bởi chính tôi cũng không dám nhớ, tôi sợ đầu óc mình bị vẩn đục theo
những thứ rác rưởi đó nếu mình nhớ.
Khó có cách nào để bắt người khác phải nói theo một quy tắc nào đó, chỉ có
thể là quá trình tự nhận thức. Các phương tiện truyền thông đại chúng phải
dấy lên một phong trào bảo vệ tiếng Việt, tiếp tục đưa phong trào "Gìn giữ
sự trong sáng của tiếng Việt" vào cuộc sống để tiếng Việt mãi "giàu và đẹp"
trong tầm thức của mỗi người Việt Nam. Ngôn ngữ nào cũng có cá tính và
vẻ đẹp của nó.
Theo Hồng Anh, Tô Hội (KH&ĐS)

×