Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

XIN ĐỪNG HIỆU ĐÍNH TRUYỆN KIỀU NHƯ THẾ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (88.84 KB, 5 trang )

Xin đừng hiệu đính Truyện Kiều như thế

Những năm gần đây, tác phẩm của Nguyễn Du, đặc biệt là "Truyện Kiều"
được xuất bản khá rầm rộ. Ngoài việc tái bản các công trình của các học giả
thời trước, nhiều soạn giả mới cũng xuất hiện. Tuy nhiên, có quyển chất
lượng thật hạn chế, dễ làm bạn đọc hiểu sai lệch về nhiều câu, nhiều ý trong
"Truyện Kiều". Tác phẩm "So sánh dị bản Truyện Kiều" của soạn giả Lê
Quế, do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 2006 là một quyển sách
như thế.

Ở phần "Phương pháp hiệu đính", soạn giả đã nêu ra bảy tiêu chí để "Kết
quả hiệu đính phải đạt được một văn bản cân đối hài hòa về mọi phương
diện, không còn tồn tại bất cứ một nghi vấn nào". Nếu ông Lê Quế làm được
như vậy thì từ nay về sau, về mặt văn bản của "Truyện Kiều" coi như đã
hoàn toàn được giải quyết. Bây giờ ta xem ông Quế hiểu "Truyện Kiều" và
đã hiệu đính như thế nào?

Trong tiểu mục "Khách viễn phương làm gì?", soạn giả Lê Quế đã dành ra
hơn ba trang để tìm hiểu nội dung hai câu thơ: Sắm sanh nếp tử xe châu/ Vùi
nông (bụi hồng) một nấm mặc dầu cỏ hoa.

Để đi đến kết luận người khách viễn phương ấy không hề chôn cất Đạm
Tiên mà chỉ đốt vàng mã bên mồ nàng mà thôi. Tóm tắt lại lập luận của soạn
giả Lê Quế như sau:

1 - Người khách ấy đến sau khi Đạm Tiên đã chết lâu rồi. Ông Quế tính toán
để cho rêu lên xanh, nếu là "vào tiết mưa ẩm thì có nhanh cũng phải gần một
tháng. Còn vào mùa khô hanh thì ba tháng chưa chắc đã có rêu lên. Với thời
gian đó, một cái xác không được chôn sẽ bốc mùi và thối rữa từ lâu... Thật
vô lý... Đoạn văn không hề có chút bằng chứng nào nói đến việc người
khách viễn phương chôn Đạm Tiên".



2 - Không ai dùng gỗ thị để đóng quan tài nên nếp tử không thể là cái quan
tài gỗ thị như xưa nay mọi người vẫn hiểu.

3 - Không ai dùng xe châu để làm đám tang mà xe gắn hạt châu chỉ dùng
cho đám cưới...

Với những lập luận của ông, tôi có đôi lời trao đổi như sau:

1- Chúng ta đều biết rằng, về nội dung, Nguyễn Du khá tôn trọng cốt truyện
của Thanh Tâm Tài Nhân trong "Kim Vân Kiều truyện" khi sáng tác
"Truyện Kiều".

Trong "Kim Vân Kiều truyện", Vương Quan giải thích cho Thúy Kiều như
sau: "Đấy là mộ Lưu Đạm Tiên, danh kỹ đệ nhất đất Bắc Kinh này. Lúc
nàng sống có một hồi đã vang động tiếng tăm. Sau khi chết, mụ dầu (chủ
chứa) bất nhân định vứt bỏ xác nàng ra khe suối, may gặp người khách ở xa
tới thăm, thấy nàng đã chết thì nức nở khóc than... Thế rồi người khách sắm
xiêm áo quan quách khâm liệm chôn nàng ở đây. Là nấm mồ cô đơn vô chủ
thì còn ai lui tới viếng thăm?".

Tất nhiên Nguyễn Du không phải khi nào cũng giữ nguyên các chi tiết của
Thanh Tâm Tài Nhân, nhưng trong trường hợp này, không có lý do gì lại
biến một người chôn cất Đạm Tiên thành người tới viếng và đốt vàng mã.

Còn việc ông Quế quan sát "rêu lờ mờ xanh" để phỏng đoán thời gian Đạm
Tiên đã chết trước khi người khách phương xa đến là từ một đến ba tháng
xem ra khá máy móc và thiếu chính xác. Liệu ông có biết Đạm Tiên ốm
trong bao lâu không, và khi Đạm Tiên ốm thì chắc không "Xôn xao ngoài
cửa thiếu gì yến anh" chứ? Đáng ra tôi không nên đặt câu hỏi này, nhưng vì

ông là người tỉ mẩn, nên tôi cũng tỉ mẩn khi trao đổi với ông.

Ca kỹ như Đạm Tiên, người ta chỉ ghé thăm khi xinh đẹp, còn khi ốm đau
bệnh tật là không ai đoái hoài, dấu xe ngựa tha hồ lên rêu xanh, chứ không
chỉ đợi đến khi nàng chết đâu. Bởi vậy không thể dùng hiện tượng rêu lên
xanh để tính thời gian Đạm Tiên đã chết trước khi người khách phương xa
đến được.

2 - Ông Quế bảo xưa nay không ai dùng gỗ thị để đóng quan tài, điều đó có
thể đúng với vùng quê ông sinh sống, nhưng "Truyện Kiều" là kể chuyện
thời "Gia Tĩnh triều Minh" bên Trung Hoa, cách đây hơn 500 năm chứ đâu
phải chuyện ở Việt Nam hôm nay. Ai dám bảo đảm thời đó không ai dùng
gỗ thị đóng quan tài?

3- Ông Quế bảo rằng không ai dùng xe châu trong đám ma mà chỉ dùng
trong đám cưới, xem ra có vẻ đúng trong thực tế nhưng không đúng trong
ngôn ngữ văn học, nhất là trong "Truyện Kiều".

Trong "Truyện Kiều" cũng như trong nhiều tác phẩm cổ điển, để làm đẹp
câu văn, nhiều khi người ta thêm mỹ từ vào các danh từ như Cửa sài vừa mở
then hoa, hay Cất mình qua ngọn tường hoa... thì người đọc không mấy ai
hiểu một cách thô thiển rằng cái then cài cửa sài ở ngôi nhà Kim Trọng ở trọ
có chạm hoa và bức tường nhà Hoạn Thư mà Thúy Kiều nửa đêm leo qua có
các hình hoa!

Bởi vậy, xe châu trong câu thơ trên cũng không nên nghĩ rằng đó là chiếc xe
có đính các hạt châu như một số người đã chú thích, mà coi châu chỉ là một
mỹ từ cho đẹp lời, đẹp ý mà thôi.

Đó là tôi lần theo điều ông lập luận mà trao đổi lại, tuy nhiên, ý câu thơ này

chúng ta có thể hiểu được, không cần tỉ mẩn như thế, mà theo văn cảnh của
đoạn này trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du.

Vương Quan giải thích cho Thúy Kiều rằng tại sao nấm mồ Đạm Tiên lại
nhỏ và không ai viếng thăm. Nếu hiểu như ông Lê Quế thì Vương Quan
chẳng giải đáp được gì cho Thúy Kiều cả, đáng ra phải giải thích không ai
đến thăm mộ Đạm Tiên thì lại kể chuyện người khách viễn phương tới đốt
vàng mã, khóc than bên mộ thì thậm vô lý!

Cũng trong đoạn này, câu 68, từ xưa đến nay các văn bản đều ghi "Xa nghe
cũng nức tiếng nàng tìm chơi", nhưng ông Lê Quế phân tích rằng "Nói cũng
nức tiếng nàng tạo nên sự gượng ép. Đạm Tiên nức tiếng thật chứ không
phải gượng ép". Rồi ông sưu tầm từ truyền miệng của ông Phúc ở Hà Tĩnh
mà hiệu đính thành "Xa nghe nức tiếng đánh đường tìm chơi" và kết luận:"
Giọng văn khoan thai đúng giọng văn Nguyễn Du"!

Ta đọc lại hai câu: Có người khách ở viễn phương/ Xa nghe cũng nức tiếng
nàng tìm chơi.

Thì thấy rằng, ông Lê Quế đã hiểu sai lệch chữ cũng ở đây vì tách khỏi văn
cảnh. Ý của Nguyễn Du bao hàm ý rằng "Đạm Tiên không những ở gần mới
nghe nức tiếng, mà xa cũng nghe nức tiếng", chứ không hề có sự chiếu cố,
gượng ép nào như soạn giả đã ngộ nhận. Còn câu ông sưu tầm được từ ông
Phúc nào đó vốn dị bản một câu hát phường vải rất quen thuộc ở Nghệ Tĩnh:
Anh là khách ở viễn phương/ Nhờ người quen thuộc, đánh đường tìm chơi.

Thế là từ sự nhầm lẫn của một người dân, dẫn đến sự sai lầm của người hiệu
đính "Truyện Kiều", làm sai hẳn nguyên bản.

Với hai câu tả cảnh gia biến của Thúy Kiều, Nguyễn Du viết: Hạ từ van lạy

suốt ngày/ Điếc tai lân tuất phũ tay tồi tàn.

Ông Lê Quế nhận định rằng: "Câu thơ không có dị bản về âm nhưng cách
hiểu chữ lân tuất thì cần phải bàn. Xưa nay lân tuất vẫn được hiểu là thương
xót và điếc tai lân tuất được giảng là lời kêu oan thương xót làm điếc tai
người ta hoặc bọn sai nha điếc tai trước tiếng kêu thương xót". Ông Lê Quế
cho rằng hiểu như vậy là không đúng vì "thiếu chủ ngữ và thừa vị ngữ, do đó
câu không hoàn chỉnh...".

Ông phân tích: "Đây có thể là một dị bản đồng âm mà lân là gần, là bên cạnh
chứ không phải là thương, mà tuất là con chó chứ không phải là xót". Rồi
ông kết luận: "Câu văn được hiểu là: chó quanh xóm sủa điếc tai, tay tồi tàn
đánh đập phũ phàng"!

Khi đọc cách giải thích này, tôi ngờ rằng ông Lê Quế chưa thật hiểu về đặc
trưng ngôn ngữ "Truyện Kiều" và nghệ thuật sử dụng tiểu đối của Nguyễn
Du. Đọc thơ mà khi nào ông cũng đòi hỏi chủ ngữ, vị ngữ rõ ràng như
những câu đơn giản trích ra để dạy ngữ pháp cho học sinh tiểu học thì thật lạ
lùng! Hiện tượng chủ ngữ ẩn trong thơ đâu phải hiếm hoi. Trong câu thơ
trên, chủ ngữ là bọn sai nha, chúng không nghe tiếng kêu thương xót và
đánh đập người ta tàn nhẫn.

Ở đây, Nguyễn Du dùng phép tiểu đối: Điếc tai lân tuất /phũ tay tồi tàn. Bên
cạnh điếc tai đối với phũ tay, lân tuất và tồi tàn là hai tính từ đối nhau rất
chỉnh. Mặt khác trong văn học xưa nay cũng như trong lời nói nghiêm chỉnh
hàng ngày, tôi chưa từng nghe ai gọi chó là con tuất cả, nếu có thì chỉ là lời
khôi hài của các bợm nhậu ở quán thịt cầy!

Một điều nữa cũng cần lưu ý là trong các bản Nôm, Nguyễn Du dùng chữ
lân với nghĩa thương xót chứ không dùng chữ lân với nghĩa lân cận. Không

biết trước khi đi đến kết luận khá lạ tai trên kia, ông Lê Quế có tra lại hai
chữ lân này không?

Trong công trình này, qua sự hiệu đính của ông, nhiều chỗ câu thơ của Đại
thi hào đã bị hạ cấp. Ví như câu Nguyễn Du tả một năm trôi qua bằng cặp
lục bát thần tài: Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang
xuân.

Mọi văn bản xưa nay đều như thế, nhưng ông Lê Quế sau một hồi lý luận,
đổi thành: Sen tàn cúc lại nở hoa/ Đêm dài ngày ngắn đông đà sang xuân.
Hay: Sống làm vợ khắp người ta/ Hại thay thác xuống làm ma không chồng
đổi thành: Sống thời tình chẳng riêng ai/ Khéo thay thác xuống ra người tình
không. Và: Dẫu rằng đá cũng nát gan lọ người đổi thành: Dẫu người đá cũng
nát gan lọ người.

Tôi nghĩ rằng, phần lớn dị bản "Truyện Kiều" là sản phẩm của chính
Nguyễn Du qua từng lần sửa chữa khác nhau của tác giả. Vậy nên công việc
chính của các nhà hiệu đính là căn cứ vào các văn bản đã có, cân nhắc các dị
bản để chọn lấy một văn bản hợp lý, hay và đúng phong cách của Nguyễn
Du hơn.
Tiếc rằng một số soạn giả của những bản "Truyện Kiều" xuất bản gần đây
chưa làm được như vậy. Và ông Lê Quế là một ví dụ.

×