Tải bản đầy đủ (.docx) (10 trang)

Phương pháp siêu phân tích trong nghiên cứu khoa học giáo dục

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (89.64 KB, 10 trang )

PHƯƠNG PHÁP SIÊU PHÂN TÍCH
TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC GIÁO DỤC
PGS.TS. Đào Thị Oanh
Viện Nghiên cứu Sư phạm-Trường ĐHSP Hà Nội

Tóm tắt: Ở nước ngoài, siêu phân tích là một phương pháp được sử dụng
khá phổ biến trong nghiên cứu khoa học giáo dục song còn là mới mẻ đối với
nước ta. Bài viết đề cập đến những lợi ích cũng như những thách thức đối
với các nhà nghiên cứu giáo dục Việt Nam hiện nay nếu muốn thực hiện
phương pháp này.

1. Sự cần thiết của nghiên cứu siêu phân tích
Khoa học giáo dục được xem là lĩnh vực các “khoa học mềm” bởi các hiện
tượng giáo dục luôn luôn vận động, phát triển và chịu tác động của nhiều yếu
tố khác nhau khiến cho nhà nghiên cứu khó có thể đánh giá một cách tuyệt
đối chính xác và khách quan về hiện tượng nghiên cứu thông qua phương
pháp định lượng như đối với các hiện tượng tự nhiên. Vì vậy đã có những
khuyến nghị được các nhà nghiên cứu đưa ra nhằm khắc phục điểm yếu nói
trên trong các nghiên cứu về giáo dục, theo đó, cách tốt nhất để giúp đưa ra
những quyết định giáo dục khách quan nhất có thể là phải phân tích càng
nhiều càng tốt những nghiên cứu về cùng một chủ đề (Larry Hedges, Morton
Hunt, Robert J. Marzano...). Đó là vì, bất kì một nghiên cứu đơn lẻ nào, dù
được thiết kế tốt đến đâu cũng không thể khắc phục hoàn toàn những “lỗi
không kiểm soát được” [dẫn theo 3]. Đây cũng là lí do vì sao các nghiên cứu
trong lĩnh vực giáo dục được phép có xác suất sai tối đa là 5 phần trăm (hay,
mức ý nghĩa = 0,05). Bằng cách kết hợp phân tích kết quả của nhiều nghiên
cứu, nhà nghiên cứu có thể nói chắc chắn hơn nhiều so với khi chỉ dựa trên
1


một nghiên cứu đơn lẻ, rằng một phương pháp/biện pháp giáo dục nào đó là


hiệu quả hay không hiệu quả.
Nghiên cứu siêu phân tích trong lĩnh vực giáo dục đã được thực hiện từ
những năm cuối thế kỉ 20 và hiện nay được triển khai ngày càng nhiều bởi
các chuyên gia nghiên cứu giáo dục, đặc biệt là ở Mỹ, như: Christopher
Jencks (1972), Powell G. (1980), Redfield D.L. & Rousseau E.W (1981),
Jacob Cohen (1988), Hunter & Schmidt (1990), Rosenthal R. (1991), John
Hattie (1992, 1996 – đánh giá và bài tập về nhà), Robert J. Marzano (2001,
2003, 2007), Debra J. Pickering, Jane E. Pollock (2001), David P. Baker &
Gerald K. LeTendre (2004)…Kết quả thu được từ các nghiên cứu siêu phân
tích là những công trình khoa học có giá trị tham khảo lớn không chỉ đối với
những người làm công tác nghiên cứu khoa học giáo dục, mà còn đối với cả
các giáo viên, các nhà quản lí giáo dục và những người làm chính sách về
giáo dục. Nhiều công trình trong số đó đã được nhiều nước dịch ra trong đó
có Việt Nam: “Khác biệt quốc gia - Đồng dạng toàn cầu”, “Các phương pháp
dạy học hiệu quả”, “Quản lí hiệu quả lớp học”, “Nghệ thuật và khoa học dạy
học”… Phương pháp siêu phân tích cho phép xây dựng những khái quát hóa
về giáo dục mà trước đây chưa có.
Dưới đây là một vài minh họa:
- Xu hướng chung và những điểm khác biệt của giáo dục học đường trên
toàn cầu và ở từng quốc gia; những điều đã làm được hay những điều chưa
làm được của giáo dục học đường trong quá khứ và hiện tại; những nghịch lí
trong giáo dục học đường hiện nay; những khó khăn mà các quốc gia đang
phải đối mặt trong việc cung cấp giáo dục học đường cho thế hệ trẻ; những
định hướng phát triển giáo dục trong tương lai trên toàn cầu…là những vấn
đề được chia sẻ trong cuốn sách “National Differences, Global Similarities.
World Culture and the Future of Schooling” của các tác giả David P. Baker &

2



Gerald K. LeTendre. Đây là kết quả nghiên cứu siêu phân tích từ một tập hợp
dữ liệu khổng lồ về thực trạng giáo dục học đường của nhiều quốc gia trên
thế giới, cung cấp cho các nhà nghiên cứu khoa học giáo dục những thông tin
có giá trị khoa học lớn, đồng thời gợi ý về những kĩ thuật định lượng cần
thiết trong các nghiên cứu nói chung [1].
- Cuốn sách “Quản lí hiệu quả lớp học” của Robert J. Marzano & cộng sự
là kết quả của công trình tập hợp từ hơn 100 nghiên cứu riêng lẻ về quản lí
lớp học đối với cả 3 cấp học phổ thông, ở cả hình thức giáo dục thông thường
lẫn chuyên biệt và đề cập tới nhiều khía cạnh khác nhau cùng một lúc, như:
Nội quy lớp học, quy tắc ứng xử trong lớp học, kỉ luật, trách nhiệm, quan hệ
thầy-trò, định hướng tâm lí. Nhiều khuyến nghị trong cuốn sách này được
đưa ra dựa trên một cách tiếp cận nghiên cứu mới chưa từng được vận dụng
trước đây đối với các nghiên cứu về quản lí lớp học đó là phương pháp siêu
phân tích. Về mặt kĩ thuật, việc vận dụng siêu phân tích vào công trình
nghiên cứu này khiến cho vấn đề định lượng trở nên phức tạp hơn nhiều khi
số lượng các “mức độ hiệu quả” cần được xem xét tính toán lên tới con số
134, trong khi ở hầu hết các trường hợp, thường chỉ có một mức độ hiệu quả
được tính toán đối với mỗi nghiên cứu [3].
- Tương tự, để đánh giá hiệu quả tổng thể của các phương pháp mới trong
dạy học và đánh giá kết quả học tập của học sinh, Robert J. Marzano & cộng
sự của ông đã phân tích hàng trăm nghiên cứu về chủ đề này ở các lớp học từ
mẫu giáo cho đến lớp 12. Phương pháp nghiên cứu sử dụng cho việc phân
tích đó là siêu phân tích. Cuốn sách “Classroom Instruction that Works” của
Robert J. Marzano đã cung cấp những kĩ thuật nghiên cứu cần thiết cũng như
các gợi ý thực tiễn để giúp các giáo viên mới vào nghề và cả giáo viên đã có
kinh nghiệm có thêm công cụ khoa học để làm cho việc dạy học trở nên hiệu
quả [2].

3



- Một số công trình nghiên cứu khác về giáo dục đã khẳng định quá trình
dạy học hiệu quả đòi hỏi ở người giáo viên không chỉ nghệ thuật mà cả khoa
học. Phần nghệ thuật của dạy học thể hiện ở chỗ, không có nghiên cứu nào có
thể đưa ra câu trả lời cho từng học sinh và mọi tình huống; hay, cùng một loại
hành vi, song có thể được thực hiện theo những trình tự, những cách thức
khác nhau do đó có thể đưa đến những kết quả không giống nhau ở hai giáo
viên khác nhau. Bằng chứng là, khi tập hợp các nghiên cứu đơn lẻ lại để đánh
giá thì các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng có những nghiên cứu thực
nghiệm có mức độ hiệu quả là âm và điểm phân vị giảm. Phần khoa học của
quá trình dạy học thể hiện ở sự đúc kết từ những nghiên cứu, hướng dẫn cho
giáo viên khá cụ thể về các hành vi làm nên việc dạy học hiệu quả, đồng thời
còn cung cấp các kĩ thuật để giáo viên sử dụng trong quá trình dạy học đó.
Và, giống như những nghiên cứu được nêu ở phần trên, phương pháp được sử
dụng trong các nghiên cứu này cũng là siêu phân tích [4].
Vậy siêu phân tích là gì?
Siêu phân tích (Meta-analysis) là một phương pháp nghiên cứu đã được
Gene Glass & cộng sự chính thức xây dựng vào đầu những năm 70 của thế kỉ
XX. Hiểu đơn giản thì đó là kĩ thuật kết hợp định lượng các kết quả từ nhiều
nghiên cứu. Ngay từ khi mới ra đời phương pháp này đã được sử dụng rộng
rãi trong các lĩnh vực nghiên cứu Tâm lí học, Y học, Giáo dục học, Tội phạm
học và nhiều lĩnh vực khác, mà ở đó người ta bắt buộc phải đưa ra những
quyết định đối với hình thức can thiệp hoặc hình thức tác động tốt nhất có thể
có. Liên quan đến vấn đề này, nhà nghiên cứu Morton Hunt (1997) đã nêu ra
những tác động mạnh mẽ của phương pháp siêu phân tích đến các lĩnh vực
nghiên cứu khác nhau [dẫn theo 3].
Ngày nay, hiểu một cách khái quát nhất, siêu phân tích là một phương
pháp nghiên cứu sử dụng kĩ thuật thống kê sác xuất nhằm kết hợp định lượng

4



những dữ liệu từ nhiều nghiên cứu thuộc về cùng một chủ đề chung, trên cơ
sở đó đánh giá thực trạng dựa trên minh chứng hay xác định tính hiệu quả
của cách thức can thiệp hoặc cách thức tác động. Khi mức độ hiệu quả ở tất
cả các nghiên cứu được tập hợp là phù hợp và nhất quán thì việc siêu phân
tích có thể được sử dụng để xác định mức độ hiệu quả chung đó. Còn khi
mức độ hiệu quả của các nghiên cứu là khác nhau, thì siêu phân tích có thể
được sử dụng để xác định nguyên nhân của sự khác nhau đó.
Phương pháp siêu phân tích có thể được sử dụng cả trong nghiên cứu cơ
bản lẫn trong nghiên cứu ứng dụng. Trong nghiên cứu ứng dụng, siêu phân
tích được sử dụng nhằm xác định cách thức can thiệp hiệu quả nhất [2],[3],
[4]. Còn trong nghiên cứu cơ bản, siêu phân tích được sử dụng để đánh giá
thực trạng dựa trên minh chứng trong các lĩnh vực khoa học khác nhau, như:
Giáo dục học, Xã hội học, Tâm lí học Xã hội, Kinh tế - Tài chính, Khoa học
Chính trị, Khoa học Môi trường…[1].
2. Kĩ thuật thống kê sử dụng trong nghiên cứu siêu phân tích
Cùng với sự phát triển của khoa học đo lường và ứng dụng công nghệ
thông tin vào NCKHGD, kĩ thuật thống kê được sử dụng trong nghiên cứu
siêu phân tích đã có những bước tiến quan trọng, giúp cho kết quả đánh giá
trở nên dễ hiểu, chính xác, khách quan, thuyết phục hơn. Nếu như trước đó,
trong các nghiên cứu về giáo dục, người ta thường chủ yếu tập trung vào tỉ lệ
phần trăm sự khác biệt giữa các điểm số, thì ở những nghiên cứu siêu phân
tích, kĩ thuật được sử dụng là tính toán mức độ hiệu quả và điểm phân vị
tăng dựa trên các mô hình toán học.
Thông thường trong nghiên cứu khoa học giáo dục, siêu phân tích bao
gồm những kết quả thu được từ một số nghiên cứu cùng loại để xác định hiệu
quả trung bình của một phương pháp tác động giáo dục nào đó. Khi thực hiện
phương pháp siêu phân tích nhà nghiên cứu chuyển đổi kết quả của nghiên


5


cứu này thành đơn vị đo lường được gọi là “mức độ hiệu quả” (“effect size”).
Như vậy, có thể nói, mức độ hiệu quả là một chuẩn đo lường được sử dụng
trong nghiên cứu siêu phân tích. Chẳng hạn, trong một nghiên cứu về phương
pháp dạy học hiệu quả thì nó cho biết mức độ khác biệt giữa hành vi (mà
người nghiên cứu có thể kì vọng) của lớp học có áp dụng hiệu quả một
phương pháp dạy học nào đó so với những lớp học không được áp dụng
phương pháp đó. Mức độ hiệu quả biểu thị sự tăng lên hay giảm đi của kết
quả đạt được trong nhóm học sinh tham gia thực nghiệm (là nhóm học sinh
được tiếp cận với một phương pháp dạy học nào đó) bởi những đơn vị độ
lệch chuẩn (Standard Deviation). Những đơn vị độ lệch chuẩn này sẽ được
phiên sang điểm phân vị, theo đó, có điểm phân vị tăng và điểm phân vị
giảm. “Phân vị” là một thuật ngữ của thống kê toán học, thể hiện vị trí của
một cá nhân trong phân bố chung của nhóm mẫu. Một phân vị biểu diễn cho
1 trong 100 nhóm bằng nhau được chia ra từ một tập hợp. Ví dụ, một học
sinh đạt được điểm phân vị là 21 trong một bài trắc nghiệm, có nghĩa rằng
học sinh đó làm bài có kết quả kém hơn 79% tổng số học sinh tham gia làm
bài trắc nghiệm đó [dẫn theo 4]. Giả sử mức độ hiệu quả tính được cho một
phương pháp tác động giáo dục nào đó bằng 1,0, có nghĩa là, điểm trung bình
của học sinh tham gia nhóm thực nghiệm phương pháp đó cao hơn một độ
lệch chuẩn so với điểm trung bình của học sinh trong nhóm đối chứng (là
nhóm không nhận được sự tác động thực nghiệm). Hay nói cách khác, một
học sinh đạt 50 điểm phân vị trong nhóm thực nghiệm sẽ ở thứ hạng cao hơn
1 độ lệch chuẩn so với học sinh có cùng điểm phân vị trong nhóm đối chứng.
Như vậy, nếu một nghiên cứu cho thấy mức độ hiệu quả của một phương
pháp dạy học bằng 1 độ lệch chuẩn (1,0 SD) thì người ta có thể phiên sang
điểm phân vị tăng.
Mỗi nghiên cứu siêu phân tích về bất cứ lĩnh vực nào cũng đều cố gắng

tổng hợp lại những phát hiện từ các công trình nghiên cứu thuộc lĩnh vực đó
6


dưới dạng định lượng. Những phát hiện từ các nghiên cứu được chuyển thành
“mức độ hiệu quả”.
- Trong trường hợp siêu phân tích hướng vào đánh giá tác động lên một
nhóm/lớp học, mức độ hiệu quả sẽ được xác định theo công thức tính độ lệch
chuẩn.
Theo cách đó, hiệu số giữa giá trị trung bình của nhóm thực nghiệm và giá trị
trung bình của nhóm đối chứng sẽ được phiên sang đơn vị của độ lệch chuẩn.
Ví dụ, nhóm thực nghiệm là một lớp học có sử dụng một phương pháp dạy
học mới nào đó, còn nhóm đối chứng là một lớp học không sử dụng phương
pháp dạy học này. Khi đó mức độ hiệu quả sẽ là độ tăng lên của điểm trung
bình của toàn bộ lớp học.
- Còn trong trường hợp siêu phân tích hướng vào đánh giá cá nhân học
sinh, việc tính toán mức độ hiệu quả sẽ khác một chút so với trường hợp lớp
học, tức là sẽ dựa trên độ tăng của điểm trung bình của từng học sinh
(Crosbie, 1993). Tuy nhiên, cho dù thực nghiệm được thiết kế đối với toàn
lớp học hay đối với từng đối tượng học sinh thì mức độ hiệu quả vẫn có thể
chuyển sang điểm phân vị. Đó là vì mức độ hiệu quả thường được biểu diễn
bằng đơn vị là độ lệch chuẩn, còn độ lệch chuẩn lại dễ dàng được phiên sang
điểm phân vị. Điều này hoàn toàn có thể dễ thấy khi quan sát đường cong của
phân bố chuẩn và đó là một trong những điểm lợi thế của siêu phân tích trong
nghiên cứu khoa học giáo dục.
Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, đã có
những phần mềm ứng dụng được viết ra giúp các nhà nghiên cứu dễ dàng,
thuận lợi hơn trong việc triển khai thực hiện siêu phân tích về khoa học giáo
dục. Thực tế là, hiện nay đã có sẵn một bảng điểm phân vị tăng hoặc giảm
tương ứng mà các nhà nghiên cứu đưa ra để tiện tra cứu sử dụng cho mọi


7


người khi tiến hành siêu phân tích. Mức độ hiệu quả trong bảng này được bao
quát từ 0,00 đến 2,33 và/hoặc -2,33.
3. Nghiên cứu siêu phân tích có ích lợi gì?
Siêu phân tích là những nghiên cứu vô cùng công phu, đòi hỏi thời gian và
sự tỉ mỉ kĩ lưỡng, đặc biệt đòi hỏi sự thành thạo trong việc vận dụng kĩ thuật
định lượng của thống kê toán học vào lĩnh vực khoa học giáo dục. Điều này
khiến cho không phải có thể dễ dàng thực hiện bất cứ khi nào cho dù nhà
nghiên cứu mong muốn. Bù lại, nếu thực hiện được thì kết quả nghiên cứu
siêu phân tích mang lại cho người nghiên cứu nhiều tác dụng thiết thực.
Từ việc phân tích các tư liệu tham khảo được, có thể đưa ra một số lợi
điểm rõ rệt của siêu phân tích trong nghiên cứu khoa học giáo dục như sau:
-Kết quả nghiên cứu siêu phân tích cung cấp những đánh giá khách quan
nhất đối với khuynh hướng chung trong những phát hiện từ các nghiên cứu
đơn lẻ về cùng một chủ đề dựa trên việc xây dựng những khái quát mà trước
đó chưa có. Một thực tế được các nhà nghiên cứu đưa ra là, không có một
phương pháp tác động giáo dục nào cho kết quả giống như nhau trong mọi
tình huống dạy học và với mọi đối tượng học sinh.
Hiện nay, việc nghiên cứu tính hiệu quả của mỗi phương pháp dạy
học/giáo dục/đánh giá kết quả học tập/quản lí lớp học đối với từng loại học
sinh trong những hoàn cảnh cụ thể và với những môn học cụ thể là một nhu
cầu cấp thiết cần phải được các nhà nghiên cứu quan tâm đúng mức. Tuy
nhiên, cho tới lúc đó thì việc áp dụng các phương pháp khác nhau vào thực tế
lớp học hiện nay cần được các giáo viên hết sức cân nhắc và phải dựa vào sự
hiểu biết của mình về học sinh, về hoàn cảnh dạy học. Bởi vì, các phương
pháp cho dù là tốt cũng chỉ là những công cụ mà thôi.
- Nghiên cứu siêu phân tích góp phần xây dựng, cung cấp cơ sở dữ liệu

định lượng và định tính quan trọng về nhiều khía cạnh khác nhau của giáo
8


dục nhà trường cho các đối tượng quan tâm (cán bộ nghiên cứu giáo dục, các
cấp quản lí giáo dục, giáo viên, giáo dục viên…) thông qua những kết quả về
hiệu quả tổng thể của các phương pháp nhà trường.
- Về mặt kĩ thuật thống kê, việc đo lường bằng mức độ hiệu quả sẽ giúp
nhà nghiên cứu dễ dàng chuyển sang điểm phân vị tăng do đó giúp xác định
một cách khách quan về tính hiệu quả của một phương pháp nào đó, cho dù
cách diễn giải mức độ hiệu quả ở các nhà nghiên cứu có thể là khác nhau
(chẳng hạn, Jacob Cohen đưa ra một cách khác với nhiều nhà nghiên cứu để
diễn giải các mức độ hiệu quả. Theo ông, mức độ hiệu quả là 0,20 được coi là
thấp; 0,50 được coi là trung bình và 0,80 được coi là cao).
- Nghiên cứu siêu phân tích cung cấp kĩ thuật định lượng giúp đưa ra
những đánh giá khách quan đối với kết quả của các nghiên cứu khoa học giáo
dục đã được thực hiện, đặc biệt là những nghiên cứu thực nghiệm. Kĩ thuật
tính toán mức độ hiệu quả và điểm phân vị tăng có thể vận dụng vào các
nghiên cứu thực nghiệm giáo dục đơn lẻ nhằm đánh giá hiệu quả tác động
đến người học của các phương pháp ứng dụng. Đồng thời, kết quả siêu phân
tích giúp củng cố quan điểm cho rằng, trong lĩnh vực khoa học giáo dục, để
có được những quyết sách giáo dục tốt nhất có thể, thì cần phải thực hiện
càng nhiều càng tốt các nghiên cứu về cùng một chủ đề và chúng phải được
phân tích kết hợp.
- Kết quả siêu phân tích có vai trò hỗ trợ cho việc thiết kế các nghiên cứu
khoa học mới khi các nhà nghiên cứu thấy được những vấn đề nào về cơ bản
đã được giải quyết, còn vấn đề nào cần phải được tiếp tục nghiên cứu sâu
hơn. Bên cạnh đó, nghiên cứu siêu phân tích có thể tạo điều kiện cho việc
triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn giáo dục bởi tính thuyết
phục của nó. Hiện nay, nhiều tạp chí chuyên ngành về khoa học giáo dục ở


9


nước ngoài thường khuyến khích các nhà nghiên cứu đưa vào bài viết của
mình những kết quả siêu phân tích, thể hiện ở phần tổng quan nghiên cứu.
4. Kết luận
Mặc dù theo nhà thống kê toán học George Box, các mô hình toán học tạo
nên cơ sở của các nghiên cứu định lượng chỉ là sự gần giống với hiện thực,
nhưng chúng vẫn giúp chúng ta hiểu được sự vận động hàm ẩn trong tình
huống cụ thể [dẫn theo 4], nghiên cứu siêu phân tích trong khoa học giáo dục
cung cấp các định hướng chung để các nhà quản lí giáo dục trường học và
các giáo viên có thể hiểu, vận dụng hiệu quả vào hoàn cảnh cụ thể của mình.
Nghiên cứu khoa học giáo dục là cuộc tìm kiếm liên tục, cũng giống như các
nghiên cứu trong y học, người thầy thuốc phải dựa vào vô số nghiên cứu và
những ý kiến trao đổi để có được cơ sở kiến thức mang tính cá biệt trong việc
trao đổi với từng bệnh nhân.
Tài liệu tham khảo chính
[1] David P.Baker, Gerald K. Le Tendre (2010). Khác biệt quốc gia - Đồng
dạng toàn cầu. Văn hóa thế giới và tương lai của giáo dục học đường. NXB
“VHSG”. Đại học Hoa sen. T/P Hồ Chí Minh. (Bản dịch của Phạm Tấn
Hoàng Sơn).
[2] Robert J. Marzano, Debra J. Pickering – Jane E. Pollock (2011). Các
phương pháp dạy học hiệu quả. NXB Giáo dục Việt Nam. Hà Nội. (Bản dịch
của Nguyễn Hồng Vân).
[3] Robert J. Marzano (2011). Quản lí hiệu quả lớp học. NXB Giáo dục Việt
Nam. Hà Nội. (Bản dịch của Phạm Trần long).
[4] Robert J. Marzano (2011). Nghệ thuật và khoa học dạy học. NXB Giáo
dục Việt Nam. Hà Nội. (Bản dịch của Nguyễn Hữu Châu).


10



×