Tải bản đầy đủ (.docx) (9 trang)

Tết xưa và nay của việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.49 MB, 9 trang )

Tết xưa và nay
Tự bao giờ, Tết Nguyên đán đã in sâu trong tiềm thức của mỗi người con đất Việt bởi nó là thời
điểm linh thiêng, đánh dấu sự khởi đầu cho một mùa xuân tràn trề nhựa sống, vạn vật sinh sôi.
Thời hiện đại, phong tục đón Tết cũng có nhiều thay đổi nhưng vẫn giữ lại những nét đẹp truyền
thống của dân tộc.
Ngày trước, khi đời sống còn thiếu thốn, việc đón Tết đã trở thành một sự kiện lớn trong gia đình,
được chuẩn bị hàng tháng trời. Nào là chăm sóc mấy bụi dong, bụi chuối để chuẩn bị lá gói bánh
chưng, bánh tét; nào là vỗ béo đàn gà để dành giết thịt, dành riêng loại gạo và đậu ngon nhất để gói
bánh hay chuẩn bị tiền mua sắm quần áo cho bọn trẻ. Đầu tháng Chạp đã tất bật nén một vại dưa
hành, dưa kiệu và sau lễ cúng ông Táo về trời thì tất bật chợ búa, dọn dẹp nhà cửa.

Nhà nhà quây quần bên nồi bánh chưng, bánh tét đón giao thừa trong tiết xuân se lạnh. Cây nêu
dựng trước sân, câu đối đỏ treo trước hiên nhà hay tràng pháo chuột đuổi tà ma hay hội làng với
thật nhiều trò chơi thú vị như chọi gà, bài chòi, cờ người… làm nên một cái Tết thật rộn ràng. Mùa
xuân lấp lánh còn hiển hiện trên ánh mắt hân hoan của bọn trẻ con được mặc áo mới và nhận
phong bao lì xì đỏ chót đầu năm hay trên gương mặt rạng rỡ của những bà mẹ sáng mùng Một Tết
khi nhìn thấy bàn thờ tươm tất, mâm cơm thịnh soạn khác hẳn ngày thường.
Tết nay, ta nhận ra có ít nhiều sự khác biệt khi việc sắm Tết của các bà nội trợ có phần nhẹ nhàng
và thong thả hơn. Không cần mất nhiều thời gian chuẩn bị, chỉ cần dạo quanh một vòng siêu thị hay
đi chợ vào những ngày giáp Tết hay thậm chí là một cú click chuột, mọi thứ đã sẵn sàng để cả gia
đình đón xuân vui vẻ, đủ đầy. Các vị nội tướng thời nay cũng ít lâm vào tình cảnh phờ phạc chuẩn bị
quá nhiều mâm cao cỗ đầy để cúng kiến tổ tiên mà có nhiều thời gian để nghỉ ngơi và vui chơi hơn.


Đời sống ngày càng phát triển, khái niệm “ăn Tết” đã được thay thế dần bởi cụm từ “nghỉ Tết, chơi
Tết” nên mọi người có nhiều sự lựa chọn phù hợp cho mùa xuân của mình. Có gia đình chỉ sau
ngày mùng Một cúng gia tiên xong xuôi là kéo vali đi du lịch để khám phá, xả stress và hào hứng vui
chơi. Có người lại chọn cung đường Đông Bắc, Tây Bắc lộng gió để cùng các “phượt tử” đắm mình
giữa vườn hoa xuân tuyệt đẹp và mang chiếc áo ấm nghĩa tình, chút bánh kẹo miền xuôi cho lũ trẻ
vùng cao còn nhiều thiếu thốn


Điều đáng quý là ta vẫn tìm thấy nhiều phong tục đẹp mà cha ông đã lưu truyền từ đời này sang đời
khác. Dù sống trên quê hương hay phiêu bạt khắp năm châu, Tết luôn là dịp hậu thế thể hiện lòng
thành kính, tri ân và nhớ về tổ tiên. Vì thế, vào thời khắc giao thừa và sáng mùng Một Tết, gia đình
nghèo khó hay giàu sang đều cố gắng sắm sửa mâm cỗ thịnh soạn dâng lên ông bà, mong phù hộ


cho một năm mới bình an, vạn sự như ý. Ngày 23 tháng Chạp, dù bận bịu thế nào, các gia đình
cũng dành thời gian đi chợ mua sắm mũ, áo giấy và cá chép để cúng ông Công, ông Táo.
Xuất hành, hái lộc là các phong tục vẫn còn gìn giữ đến ngày nay. Đến đền chùa, người ta thường
mang về một cành cây nhỏ để mang “lộc” về cho cả nhà. Khác với miền Bắc, miền Trung không có
tục hái lộc đầu năm nhờ thế mà cây cối trong các đền chùa vẫn giữ nguyên lá xanh biếc suốt mùa
xuân.
Người Việt vẫn giữ nếp chúc Tết nhau mỗi độ xuân về, để mời nhau chén trà xuân cùng những ước
vọng tốt đẹp nhất. Con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng thắp hương cho tổ tiên và chúc tết ông bà, cha
mẹ và lì xì mừng tuổi cho trẻ con ngoan ngoãn, chóng lớn. Nhà nào cũng phải có một chậu mai
vàng hay cành đào, hoa cúc trước sân để chuẩn bị đón Tết. Miền Bắc thường chọn cành đào để
cắm trên bàn thờ hoặc trang trí trong nhà bởi màu đỏ có quyền lực trừ ma và là lời chúc phúc. Miền
Trung và miền Nam lại chưng mai vàng vì màu này tượng trưng cho sự cao thượng, vinh hiển. Đặc
biệt, cây quất với lộc xanh mơn mởn, hoa trắng lốm đốm, quả chín vàng, sum suê biểu tượng cho
sự sinh sôi, thịnh vượng luôn đặt tại vị trí trang trọng nhất nhà.


Mỗi độ Tết đến, từ Bắc chí Nam, hễ nơi đâu có thầy đồ là có những người xin chữ thành tâm. Thư
pháp ngày nay ngoài chữ nho còn có thêm chữ quốc ngữ nên khách du xuân tha hồ lựa chọn
những câu chữ hay nhất để treo trong nhà. Ngày Tết Việt cũng vì thế mà thêm phần linh thiêng, đậm
đà bản sắc.


Tết hiện đại vắng bóng những điều gì?
Những ngày rộn ràng nhất của Tết đã đi qua nhưng liệu Tết cùng những vẻ đẹp truyền thống

đặc trưng sẽ vẫn vẹn nguyên, trường tồn… để mãi trở thành một dòng chảy văn hóa thiêng
liêng nhất trong đời sống tinh thần của người Việt?

Tết trong quan niệm của người xưa gắn liền với sự sum họp của nhiều thế hệ gia đình: con cháu về quê đón Tết với
ông bà, những người đi xa trở về nhà đoàn tụ bên mâm cơm ấm cúng. Ngoảnh nhìn lại mấy cái Tết gần đây, không
biết nên buồn hay vui khi trẻ con được ăn Tết trong nhà hàng, khách sạn khi cả nhà đang mải mê du lịch xa trong 3
ngày Tết.

Ngày nay, những bà mẹ hiện đại dần dần đón Tết ngày càng “gọn nhẹ”, chẳng còn cái sự công phu, lo lắng, tất bật
như người xưa. Với mẹ, Tết là dịp để nghỉ ngơi, book tour du lịch… một phần bởi trong năm mẹ đã quá vất vả.


Những cô bé, cậu bé chẳng còn cơ hội cùng ông bà, bố mẹ quây quần gói bánh chưng, háo hức lắng nghe những
câu chuyện “Ngày xưa, nhà mình...”. Thật vậy, không phải người mẹ nào cũng có đủ quyết tâm và lòng dũng cảm
“ngụp lặn” với nồi bánh ngày Tết.

Trẻ em ngày nay không có nhiều cơ hội cùng bố mẹ chăm bẵm cây mai từ những này đầu tháng Chạp và càng
không biết đến cái thú đi ra đi vào mong ngóng những cánh mai đầu tiên nở bung vào đêm giao thừa bởi mai được...
thuê từ các nhà vườn lúc nào cũng rực rỡ và khá... kinh tế.


Ngày 23 tháng Chạp, phong tục thả cá chép tiễn ông Táo về trời đang dần bị lấn át bởi việc... hóa vàng cá chép giấy!

Ngày nay, các gia đình trẻ thường đón giao thừa ở... địa điểm bắn pháo hoa. Có còn không hình ảnh đêm giao thừa,
cả gia đình già trẻ lớn bé quây quần bên bàn thờ thành kính thắp nhang, mời ông bà tổ tiên về ăn Tết?

Ngày xưa, trẻ thường được bố mẹ đưa tới những lễ hội xuân và tham gia bịt mắt bắt dê, kéo co, nặn tò he, xin chữ
đầu năm… Ngày nay, những chiếc tablet, smartphone khiến các cô bé, cậu bé trở nên trầm hẳn trong 3 ngày Tết.



Khai bút đầu xuân giúp trẻ “mở hàng” may mắn cho việc học cả năm và hiểu hơn tinh thần hiếu học, trọng chữ nghĩa
của dân tộc. Thế nhưng đa số mọi người hiện nay, kể cả trẻ con tiểu học, chủ yếu khai bút trên... Facebook!

Những biến đổi do tác động tiếp xúc văn hoá Đông - Tây trong Tết Nguyên Đán ở Việt Nam
Với một hệ thống lễ nghi vô cùng phong phú và giàu ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tết Nguyên
Đán đã trở thành ý thức hệ dân tộc, thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Tết Nguyên
Đán là một phong tục đẹp mà nhân dân ta còn duy trì tới ngày nay. Thế nhưng trong thời kỳ toàn
cầu hoá như hiện nay cách ăn Tết của người Việt Nam phần nào đã thay đổi. Một số tập tục trong
ngày Tết xưa không còn phù hợp với xã hội hiện đại đã dần bị loại bỏ.
Ngày nay người dân ăn Tết đã có phần đổi khác hơn so với trước kia, dường như dân ta ăn
Tết “tây hoá”dần đi, sự thay đổi đó phần nào được thể hiện qua cách đón tết và trong việc sắm tết.
Đời sống kinh tế được nâng cao đi kèm với những giá trị hưởng thụ về văn hoá tinh thần và
vật chất, nhu cầu ăn ngon mặc đẹp là tự nhiên và có thể đáp ứng ngay khi cần chứ không phải đợi
đến Tết như ngày xưa. Hơn nữa, ngày nay trong một năm có rất nhiều ngày lễ khác đang chi phối
tầm quan trọng của ngày Tết cổ truyền. Vì vậy, dường như Tết bây giờ có phần nhạt hơn so với Tết
xưa.
Trong đời sống hiện đại, việc sắm Tết cũng ”hiện đại” theo và sự ảnh hưởng văn hóa phương Tây
rất rõ nét. Giờ đây người dân ít hào hứng với việc mua thực phẩm về tự chế biến mà đặt mua đồ đã
chế biến sẵn cho tiện. Mâm cỗ ngày Tết giờ cũng phong phú hơn và đa dạng hơn. Bên cạnh những
món ăn truyền thống của người Việt như bánh chưng xanh, giò, các món rau, món xào thì còn có
những món ăn được du nhập từ Phương Tây.
Trải qua bao biến thiên của thời đại, đến nay, quan niệm về Tết đã có nhiều thay đổi cả về mặt khái
niệm lẫn hành vi. Bây giờ người ta quan niệm là “nghỉ Tết”, “chơi Tết” chứ không còn là “ăn Tết”. Khi
cái ăn, cái mặc không còn là vấn đề quan trọng trong ngày Tết thì người ta hướng đến tinh thần
nhiều hơn. Tết hiện đại mọi người thích nghỉ ngơi thoải mái, đi chơi nhiều hơn, nhân dịp Tết nhiều
gia đình đã lên lịch trình cho một chuyến du lịch với người thân trong nhà hoặc cùng bạn bè, đồng
nghiệp.
Quà Tết bây giờ cũng khác. Trước đây, mọi người có thể chúc Tết nhau bằng cặp bánh, cân giò,
với tấm lòng trân trọng mến thương. Bây giờ người ta có thể tặng nhau những món quà có giá trị
cao nhưng tình cảm trong đó hầu như không có mà xen vào đó là lợi ích cá nhân, lợi ích kinh tế.

Quả thật, quá trình tiếp xúc văn hoá Đông – Tây đã làm cho Tết thay đổi, những đồ ăn nhanh, làm
sẵn đã làm mất đi không khí chuẩn bị vui tươi của ngày tết. Trẻ con không còn ngồi xem bố mẹ, ông
bà gói bánh chưng và mong chờ còn ít gạo vét để gói chiếc bánh ống với nhiều đậu và một miếng
thịt to, không còn vui thú khi vùi củ khoai nướng trong lúc trông nồi bánh chưng, các cô thiếu nữ đã
dần quên thói quen đi ngắm hoa đào, hoa mai trên phố chợ. Những điều thay đổi đó khiến nhiều
người không khỏi chạnh lòng “bao giờ cho đến Tết xưa”.
Tuy nhiên, tiếp xúc với văn hóa phương Tây đã làm cho ngày Tết của người Việt có nhiều thứ mới
lạ hơn, thực phẩm vừa ngon vừa phong phú đa dạng, những đồ ăn sẵn thật là thuận tiện, mâm cỗ
cúng gia tiên có thêm chai rượu vang thì thật là sang trọng. Ngày Tết được đi du lịch với cả gia đình,
bạn bè, đồng nghiệp khiến mọi người cảm thấy nhẹ nhõm, gạt bỏ được những căng thẳng trong một
năm làm việc vất vả, tìm được sự bình yên, thư thái trong tâm hồn.
Chúng ta không thể phủ nhận mặt tích cực của hội nhập văn hoá đem lại. Nếu chúng ta “khép”
cửa “ăn Tết” với nhau thì Tết Việt đương nhiên chỉ là một sản phẩm của văn hoá thuần tuý đơn lẻ,


nó sẽ không thể trở thành sản phẩm văn hoá đặc trưng của quốc gia trong mối quan tâm của bạn
bè quốc tế. Sự mở cửa giao lưu, tiếp xúc lại chính là những phương thức tốt nhất giúp chúng ta giới
thiệu đến bạn bè quốc tế về Tết cổ truyền của người Việt Nam. Vấn đề ở đây là chúng ta phải làm
chủ được quá trình tiếp xúc với văn hóa phương Tây để tết cổ truyền của người Việt vẫn giữ được
bản sắc riêng của mình mà không bị “ Tây hoá”.
Có thể nói, Tết Nguyên Đán vẫn là một sinh hoạt văn hoá vừa lưu giữ những giá trị truyền thống
vừa thích nghi với nhịp sống hiện đại. Trong ngày Tết vẫn còn nhiều phong tục tốt đẹp và đậm tính
nhân văn mà chúng ta cần giữ gìn và phát huy để Tết Nguyên Đán mãi là nét văn hoá đặc sắc của
dân tộc Việt Nam.



×