Tải bản đầy đủ (.doc) (25 trang)

Nghiên cứu so sánh truyện dân gian của hai nhóm tộc người mã lai đa đảo và môn khmer ở trường sơn tây nguyên tt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (198.05 KB, 25 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
-------- — — –--------

PHAN XUÂN VIỆN

NGHIÊN CỨU SO SÁNH TRUYỆN DÂN GIAN CỦA HAI
NHÓM TỘC NGƯỜI MÃ LAI ĐA ĐẢO VÀ MÔN KHMER Ở
TRƯỜNG SƠN-TÂY NGUYÊN

Chuyên ngành: VĂN HỌC VIỆT NAM
Mã số: 62.22.34.01

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
2017

1


Luận án được hoàn thành tại:
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh

Người hường dẫn khoa học:
PGS. Chu Xuân Diên

Phản biện 1:

Phản biện 2:


Phản biện 3:

Luận án sẽ được trình tại Hội đồng chấm luận án cấp cơ sở đào tạo họp tại
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh
Vào hồi ….. giờ …., ngày ….. tháng ….. năm…..
Phản biện độc lập 1: /.
Phản biện độc lập 2:

Có thể tìm hiểu luận án tại:
- Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh
- Thư viện Khoa học Xã hội TP. Hồ Chí Minh
- Thư viện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG.HCM

2


CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ
LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN

1. “Sử thi tộc người Stiêng ‘Krông Kơ Laas đoạt hồn nàng Rơ Liêng Mas’”, (viết chung với
Phùng Thị Thanh Lài), Tạp chí Nguồn sáng dân gian, số 1 năm 2010, tr.3-25.
2. “Tìm hiểu truyện cổ tộc người Stiêng ở Bình Phước”, in trong Thông báo văn hoá 2010, Viện
nghiên cứu Văn hóa, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2011, tr.129-156.
3. “Mô típ đá thiêng / hóa đá và tín ngưỡng thờ đá trong truyện kể dân gian Nam Đảo”, Tạp chí
Phát triển Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Số X2 năm 2011,
tr.10-21.
4. “So sánh tín ngưỡng hồn lúa trong đời sống văn hoá cổ truyền của hai nhóm tộc người Nam
Đảo và Môn Khơ Me ở Trường Sơn-Tây Nguyên”, Tạp chí Khoa học xã hội vùng Nam bộ, số 8
năm 2013, tr.76-90.
5. “Type truyện thanh gươm thần và tục thờ gươm qua truyền thuyết của các dân tộc Trường SơnTây Nguyên”, Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung, Số 1 năm 2015, tr.44-58.

6. “Lửa, sắt, nghề rèn và thanh gươm: những biểu tượng của quyền năng và sự thay đổi”, Tạp chí
Nghiên cứu văn học, Số 4 năm 2015, tr.112-116.
7. Về loại truyện cổ tích lũy tích ở các dân tộc Trường Sơn-Tây Nguyên, trong sách Bình luận

văn học niên giám 2015 (chuyên san của Tạp chí Đại học Sài Gòn), xuất bản năm
2015, tr.222-231.
8. “Tìm hiểu loại truyện cổ tích lũy tích các dân tộc Việt Nam”, Tạp chí Văn hóa dân gian, Số 2
năm 2016, tr.39-51.
9. “Motif trong truyện ma lai của các dân tộc thiểu số ở Trường Sơn-Tây Nguyên: Một vài nét so
sánh”, Tạp chí Khoa học Xã hội miền Trung, Số 2 năm 2016, tr.58-71.
10. Tìm hiểu truyện cổ Chăm Nam Bộ, in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Những vấn đề Văn học
và Ngôn ngữ Nam Bộ”, Tập 1, Nxb Đai học Quốc gia TPHCM, 2016, tr. 242-253.
.

3


MỞ ĐẦU
1. Lí do và mục đích của đề tài:
Vùng văn hóa Trường Sơn-Tây Nguyên (TS-TN) là vùng văn hóa khép kín, ít giao lưu
nên còn bảo lưu văn hóa truyền thống với tính bản địa Đông Nam Á (ĐNÁ) cổ đại-tiền
Đông Dương trước khi tiếp xúc với hai nền văn minh Trung Quốc và Ấn Độ / nền văn hóa
“phi Ấn, phi Hoa”. Về quan hệ lịch sử-cội nguồn, trong vùng có 20 tộc người thuộc hai
nhóm ngữ hệ Mã lai Đa đảo (MĐ) gồm 5 tộc người và Môn Khmer (MK) gồm 15 tộc
người cư trú lâu đời và có quan hệ giao lưu-ảnh hưởng qua lại từ hàng nghìn năm nay.
Truyện dân gian là một bộ phận cấu thành nền văn hóa dân gian của các dân tộc trong
vùng. Những giá trị văn hóa tinh thần kết tinh trong đó-nhóm MĐ với 632 truyện và nhóm
MK với 1,108 truyện là di sản phi vật thể to lớn của vùng TS-TN. Từ trước đến nay, chưa
có công trình nào đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu so sánh truyện dân gian của hai nhóm tộc
người này. Nhiệm vụ của luận án là nhằm chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt trong

truyện dân gian của hai nhóm tộc người, cố gắng nêu rõ nguyên nhân của chúng.
2. Ý nghĩa khoa học của đề tài:
Khảo sát so sánh truyện dân gian của hai nhóm tộc người dưới góc độ thể loại, type và
motif sẽ tạo một cái nhìn khái quát để từ đó có thể nêu lên được những sắc thái riêng của
truyện dân gian của từng nhóm tộc người nói chung và của từng tộc người nói riêng.
3. Lịch sử vấn đề
3.1. Về lý thuyết so sánh
Trên tạp chí Văn học số 5.1982, Đỗ Nam Liên có bài viết về một phương pháp so sánh
truyện dân gian Vài nét về phương pháp so sánh loại hình lịch sử trong khoa nghiên cứu
folklore ở Liên Xô. Năm 1983, tại Liên Xô, luận án tiến sĩ về phương pháp nghiên cứu so
sánh loại hình lịch sử của Lê Chí Quế đã làm sáng tỏ những nguyên tắc, bình diện những lý
luận cơ bản về nghiên cứu loại hình học so sánh lịch sử của cổ tích học Xô Viết dưới ánh
sáng của phương pháp hệ thống.
3.2. Về so sánh truyện dân gian trong nước
Năm 1982, Nguyễn Thị Huế công bố bài nghiên cứu so sánh truyện thần thoại của hai
tộc người Việt và Mường trong cùng nhóm Việt-Mường trên tạp chí Văn học (số 2.1982) có
nhan đề Về những nét tương đồng giữa truyện Họ Hồng Bàng (người Việt) và truyện Đẻ
Đất Đẻ Nước (người Mường). Trong công trình tập thể So sánh Folklore (2012), Lê Hồng
Phong có bài viết Motif cổ tích Mạ và K’Ho so với cổ tích người Việt, trích từ luận án tiến
sĩ Đặc điểm truyện cổ Mạ-K’Ho Lâm Đồng (bảo vệ năm 2003).
3.3. Về so sánh truyện dân gian các dân tộc Việt Nam và thế giới
Năm 1996, có luận án tiến sĩ so sánh truyện dân gian hai dân tộc Việt và Lào của Lại
Phi Hùng So sánh một số kiểu truyện cổ dân gian ở Lào và Việt Nam tại Trường
ĐHKHXH&NV-ĐHQGHN. Năm 2008, tại Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQGHN, có luận án
tiến sĩ So sánh kiểu truyện Cô Lọ Lem của một số dân tộc miền Nam Trung Quốc và kiểu
truyện Tấm Cám của Việt Nam của nghiên cứu sinh Trung Quốc Đường Tiểu Thi.Trên tạp
chí Nghiên cứu văn học, số 3.2009, Toàn Huệ Khanh (Jeon Hye Kyung) người Hàn Quốc
1



có bài viết Nghiên cứu so sánh truyện Kông Chuy Pát Chuy của Hàn Quốc và truyện Tấm
Cám của Việt Nam. Năm 2010, bài viết Truyện cổ Tây Nguyên trong tương quan truyện cổ
Đông Nam Á của Lê Hồng Phong có phân tích so sánh một số thể loại, kiểu truyện, tác
phẩm hay motif tương đồng giữa truyện cổ Tây Nguyên và truyện cổ ĐNÁ. Năm 2012,
trong công trình tập thể So sánh Folklore của Chi hội văn nghệ dân gian tỉnh Lâm Đồng,
Lưu Thị Hồng Việt có bài nghiên cứu trên phương diện nghệ thuật về So sánh truyện cổ
tích Việt-Hàn.
3.4. Về so sánh type truyện và motif truyện
Năm 2000, tại Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQGHN, có luận án tiến sĩ của Nguyễn Thị
Nguyệt Khảo sát và so sánh một số tip và môtip truyện cổ dân gian Việt Nam-Nhật Bản.
Năm 2001, trong công trình Đọc truyện dân gian bằng Type và Motif, Nxb KHXH, Nguyễn
Tấn Đắc qua bài viết Từ truyện Quả Bầu Lào đến Huyền thoại Lụt Đông Nam Á đã khảo
sát các dị bản thuộc type truyện này ở các quốc gia ĐNÁ và cả ở hai khu vực Trung ĐôngHy Lạp và Châu Mỹ. Ở cuối bài viết có bảng so sánh huyền thoại lụt giữa ba vùng này.
Xung quanh type truyện Tấm Cám, Nguyễn Tấn Đắc có loạt bài nghiên cứu so sánh type và
motif để tìm hiểu sự giao lưu tương tác văn hóa giữa các dân tộc trong khu vực ĐNÁ.
4. Nhiệm vụ, đối tượng và phạm vi đề tài
Nhiệm vụ: khảo sát các tư liệu lịch sử, văn hóa về vùng đất và các tộc người bản địa
MĐ và MK ở TS-TN; sưu tầm điền dã, sưu tập, phân loại, thống kê; phân tích, so sánh các
thể loại, type và motif truyện tiêu biểu; lý giải những điểm tương đồng và khác biệt chung
và riêng giữa hai nguồn truyện dân gian; đề xuất những hướng tiếp cận thiết thực và những
đề tài chưa khai thác góp phần tìm hiểu những giá trị cơ bản của truyện dân gian MĐ và
MK. Đối tượng: xác định các thuật ngữ thể loại, type truyện và motif truyện, từ đó nêu ra
ba đối tượng khảo sát nghiên cứu so sánh gồm toàn bộ các văn bản truyện dân gian sưu
tầm và sưu tập được của hai nhóm tộc người. Phạm vi khảo sát của luận án được giới hạn
về tiêu chí không gian là vùng văn hóa TN mở rộng và về tiêu chí thời gian là từ thời
nguyên thủy đến cuối thế kỷ 20; công việc so sánh được tiến hành trên cơ sở có sự lựa
chọn, qua các bảng thống kê phân loại, năm thể loại truyện dân gian và một số type truyện
và motif truyện tiêu biểu.
1. Phương pháp nghiên cứu
5.1. Phương pháp sưu tầm điền dã

5.2. Phương pháp thống kê
5.3. Phương pháp so sánh
5.4. Phương pháp nghiên cứu liên ngành
6. Đóng góp mới: là công trình đầu tiên có ý nghĩa đóng góp về đề tài này.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, luận án được triển khai trong ba
chương và bốn phần phụ lục:
Chương 1: Lý thuyết so sánh truyện dân gian và tổng quan truyện dân gian hai
nhóm tộc người MĐ và MK
2


Chương 2: So sánh thể loại
Chương 3: So sánh type truyện và motif truyện tiêu biểu
Phụ lục:
Phụ lục 1: Tóm tắt cốt truyện truyện dân gian các tộc người MĐ (PL1)
Phụ lục 2: Tóm tắt cốt truyện truyện dân gian các tộc người MK (PL2)
Phụ lục 3: Các bảng thống kê, phân loại, so sánh truyện dân gian hai nhóm tộc
người MĐ và MK (PL3)
Chương 1
LÝ THUYẾT SO SÁNH TRUYỆN DÂN GIAN VÀ TỔNG QUAN TRUYỆN DÂN
GIAN HAI NHÓM TỘC NGƯỜI MÃ LAI ĐA ĐẢO VÀ MÔN KHMER
1.1. Lý thuyết so sánh truyện dân gian
Những thành tựu nghiên cứu của các lĩnh vực như văn học so sánh, nhân học so
sánh và folklore học so sánh, trải nghiệm bằng các lý thuyết Ấn-Âu ( anh em Grimm), lịch
sử-địa lý Phần Lan (Antti Aarne), tiến hóa đơn tuyến (E.B.Tylor), truyền bá luận (G.Elliot
Smith), thi pháp lịch sử (A.N. Veselovski), di chuyển cốt truyện hay giao lưu tiếp biến văn
hóa (Theodor Benfey), sinh thái học văn hóa (Julian Steward), loại hình lịch sử
(V.Zhirmunski) đã tạo một bước thuận lợi cơ bản về mặt tiền đề phương pháp luận cho
người nghiên cứu so sánh truyện dân gian thuộc lĩnh vực folklore ngôn từ. Nghiên cứu so

sánh đã trở thành một hướng đi quan trọng và cần thiết trong nghiên cứu truyện dân gian.
Từ hướng nghiên cứu so sánh, người nghiên cứu có thể giải quyết được nhiều vấn đề thiết
yếu mang tính quy luật và đặc thù của truyện dân gian. Trên bình diện khái quát, folklore
ngôn từ vừa mang tính cộng đồng cao vừa có đặc thù quan trọng là sự lặp đi lặp lại của các
motif và có nhiều dị bản. Tính chất toàn nhân loại của văn học nói chung và folklore ngôn
từ nói riêng đã khiến cho các truyện dân gian trở thành những đối tượng nghiên cứu phù
hợp của người nghiên cứu so sánh và phương pháp so sánh trở nên cần thiết trong việc
khảo sát và đối chiếu các bản kể đa dạng và phong phú này. Việc nghiên cứu có thể phát
hiện ra những đặc thù của truyện dân gian trong bối cảnh quan hệ giao lưu ảnh hưởng giữa
các vùng văn hóa đồng thời xác định những mối quan hệ văn hóa giữa vùng văn hóa đang
nghiên cứu với các vùng văn hóa là trung tâm hoặc ngoại vi của nó. Bên cạnh đó, việc
nghiên cứu so sánh cũng có thể ứng dụng trong nghiên cứu truyện dân gian ở những vùng
văn hóa không có mối liên hệ giao lưu ảnh hưởng trực tiếp bằng cách xác định mối quan
hệ về loại hình giữa các đối tượng nghiên cứu. Điều quan trọng trong khi triển khai nghiên
cứu so sánh truyện dân gian là việc khảo sát được càng nhiều bản kể sẽ càng mang lại hiệu
quả cao và kết quả nghiên cứu chính xác hơn. Người nghiên cứu có thể dùng phương pháp
này để xâu chuỗi, liên kết các nguồn truyện dân gian xuất phát từ nhiều vùng văn hóa địa
lý, nhiều dân tộc khác nhau lại với nhau trên một bình diện chung để lý giải những đặc
trưng mang tính quy luật. Những hiện tượng trùng lặp, tương đồng về motif và cốt truyện ở
các truyện dân gian có thể là hiện tượng nội sinh, cũng có thể là hiện tượng vay mượn, tiếp
3


biến mang tính quy luật. Hướng nghiên cứu so sánh truyện dân gian có thể giúp xác định
được mối quan hệ giữa các đối tượng nghiên cứu. Đó là mối quan hệ giao lưu ảnh hưởng,
đó cũng có thể là mối quan hệ loại hình. Ngoài những phát triển từ nội tại của một nền văn
học dân tộc thì những giao lưu về văn hóa và hiện tượng di chuyển cốt truyện trong đời
sống folklore ngôn từ đã đóng góp cho di sản chung của văn học dân gian nguồn truyện kể
phong phú và đa dạng.
1.2. Tổng quan truyện dân gian của hai nhóm tộc người MĐ và MK

1.2.1. Về hai nhóm tộc người MĐ và MK ở TS-TN-đặc điểm lịch sử, xã hội,
kinh tế, văn hóa
+ Giai đoạn trước-sau CN, các tộc người ở TS-TN không / chưa bị Hán hóa, Ấn
hóa hay Nhà nước hóa. Một số nét cơ bản: 1. Buôn làng là một cộng đồng sở hữu; 2. Tư
duy, tâm lí của con người bị chi phối sâu đậm bởi ý thức cộng đồng; 3. Đời sống cộng
đồng vận hành dựa trên những nguyên tắc của luật tục; 4. Mối quan hệ nguồn gốc và lịch
sử khá chặt chẽ: hoặc MĐ ở đây vốn là MK sau đó bị MĐ hóa, hoặc là các tộc MK ở đây
vốn gốc MĐ sau bị MK hóa; 5. Cùng chung nền văn hóa Nam Á với cơ tầng văn hóa ĐNÁ,
qua so chiếu với nhiều giá trị văn hóa, nhiều phong tục tập quán ĐNÁ, theo quy luật hóa
thạch ngoại biên (peripheral fossilization, fossilisation périphérique) nhiều giá trị văn hóa,
lịch sử phong tục quý và lâu đời đã bị mất đi ở các vùng thuộc về trung tâm văn hóa của
dân tộc, lại được lưu giữ ở vùng ngoại biên là các dân tộc thiểu số.
+ Ngoại trừ tộc người Chăm, xã hội cộng đồng các tộc người MĐ và MK ở TS-TN
thuộc loại hình xã hội chưa hình thành giai cấp / tiền giai cấp với những đặc điểm riêng
biệt không thể lẩn với các loại hình xã hội-văn hóa khác: chỉ có văn hóa dân gian, chưa có
văn hóa bác học.
+ Tính chất cộng đồng, tinh thần dân chủ cao là đặc điểm cơ bản của sự phân phối
văn hóa trong loại hình văn hóa tiền giai cấp. Tính chất này là sản phảm của xã hội, đồng
thời chính nó tác động trở lại để củng cố và phát triển tính chất dân chủ, công bằng nguyên
thủy của xã hội.
1.2.2. Kho tàng truyện dân gian hai nhóm tộc người (sưu tầm/tập từ 153 tài liệu)
* Các dân tộc TS-TN với vốn folklore cổ xưa đã tạo nên một ĐNÁ với dạng thu
hẹp. Truyện dân gian của họ vừa mang những nét riêng, nét đặc trưng của dân tộc vừa
mang những nét chung, luôn có những chủ đề riêng bên cạnh những chủ đề chung. Những
tương đồng và khác biệt trong truyện dân gian ĐNÁ nói chung và các tộc người TS-TN nói
riêng bắt nguồn từ những hình thái sản xuất văn hóa tinh thần như nhau đến những thể
chế xã hội như nhau hoặc giống nhau, đến những công cụ sản xuất giống nhau, những
quan niệm tôn giáo, đời sống nghi lễ, ngôn ngữ và tư duy,v.v…
** Các dân tộc MĐ như Ê Đê, Gia Rai, Ra Glai, Chu Ru đều là bà con thân thuộc
của người Chàm với yếu tố Chàm thể hiện rõ trong truyện cổ, đượm chất Ấn Độ… Tổ tiên

họ đã vượt biển vào đất liền và một bộ phận đã chiếm lấy vùng Tây Nguyên trở thành cư
4


dân bản địa. Yếu tố biển trong truyện MĐ khá đậm đặc so với truyện MK. Đa số truyện dân
gian MĐ xuất hiện vào giai đoạn cuối thuộc thời kỳ tiền nhà nước, tiền quốc gia được nhận
biết ở các thể / tiểu loại như truyền thuyết, truyện cổ tích thần kỳ, truyện cổ tích sinh hoạt,
truyện cười, truyện ngụ ngôn và sử thỉ anh hùng Ê Đê, Gia Rai, Ra Glai và Chăm Hơroi.
*** Ở VN, cư dân Nam Á bản địa trên toàn cõi Đông Dương là những chủ nhân lâu
đời của miền sơn nguyên Trung và Nam Trung bộ VN… Chịu ảnh hưởng của văn hóa Việt,
Chăm, Khmer, Lào, truyện cổ MK vừa giữ được những sắc thái dân tộc địa phương, vừa
hằn in dấu vết của các nét văn hóa vùng, bên cạnh hiện tượng vay mượn hẳn cốt truyện của
các tộc láng giềng. Đã có quá trình tiếp biến văn hóa thật nhuần nhuyễn, b ằng phương
pháp so sánh lịch sử mới thấy được nhiều câu chuyện vay mượn được địa phương hóa. Xã
hội MK trong truyện dân gian còn ở trình độ rất thấp, bị khép kín trong những vùng khắc
nghiệt về địa lý nên bị suy thoái rõ rệt: họ chưa qua ngưỡng cửa của xã hội nguyên thủy,
còn ở thời kỳ dân chủ quân sự với những công xã láng giềng (những làng) đơn lẻ, còn giữ
được nhiều nét trong sinh hoạt văn hóa cổ xưa… Tuy nhiên, sự khác biệt không lớn về
nhiều mặt chưa đủ sức cản trở truyện MK mang một phong cách chung với truyện MĐ.
1.2.2.1. Về truyện dân gian của nhóm tộc người MĐ
1.2.2.1.1. Tài liệu sưu tầm và sưu tập
Về nhóm tài liệu sưu tầm: Có 125 truyện được tác giả luận án sưu tầm và công bố
thành 2 tập truyện cổ Ra Glai (1990, có tái bản bổ sung), truyện cổ Chu Ru (2007, chưa tái
bản bổ sung).
Về nhóm tài liệu sưu tập: Có 507 truyện được sưu tập từ hai nguồn tài liệu: các
công trình nghiên cứu và các công trình sưu tầm.
1.2.2.1.2. Thực trạng kho tàng truyện dân gian MĐ: Có 632 truyện dân gian của
5 tộc người MĐ được khảo sát so sánh gồm: 91) 216 truyện Chăm, (2) 114 truyện Ra
Glai, (3) 68 truyện Chu Ru, (4) 128 truyện Ê Đê, (5) 106 truyện Gia Rai.
1.2.2.1.3. Phân loại và miêu tả, thống kê, tổng hợp truyện dân gian MĐ

Thể loại thần thoại có 35 truyện (5,53%) gồm: 16 thần thoại về vũ trụ (2,53%), 12
thần thoại về nhân loại (1,89%) và 7 thần thoại sáng tạo văn hóa (1,10%). Thể loại truyền
thuyết có 106 truyện (16,77%) gồm: 3 truyền thuyết thần thoại (0,47%), 15 truyền thuyết
lịch sử (2,37%), 15 truyền thuyết anh hùng (2,37%), 39 truyền thuyết địa danh (6,17%), 32
truyền thuyết phong tục tín ngưỡng (5,06%) và 2 truyền thuyết Phật giáo (0,31%). Thể loại
cổ tích có 469 truyện (74,20%) gồm: 81 cổ tích loài vật (12,81%), 287 cổ tích thần kỳ
(45,41%) và 101 cổ tích sinh hoạt (15,98%). Thể loại truyện cười có 15 truyện (2,37%).
Thể loại truyện ngụ ngôn có 7 truyện (1,10%).
1.2.2.2. Về truyện dân gian của nhóm tộc người MK
1.2.2.2.1. Tài liệu sưu tầm và sưu tập

5


Về nhóm tài liệu sưu tầm: Có 288 truyện gồm 53 truyện Mơ Nông và 235 truyện
Xtiêng được tác giả luận án sưu tầm từ 1995 đến 2015.
Về nhóm tài liệu sưu tập: Có 820 truyện của 13 tộc người MK sưu tập từ hai nguồn
tài liệu: các công trình nghiên cứu và các công trình sưu tầm.
1.2.2.2.2. Thực trạng kho tàng truyện dân gian MK: Có 1108 truyện của 13 tộc
người MK: (1) 110 truyện Ba Na; (2) 43 truyện Bru-Vân Kiều; (3) 36 truyện Chơ Ro; (4)
62 truyện Cor; (5) 36 truyện Cơ Tu; (6) 46 truyện Giẻ Triêng; (7) 40 truyện Hrê; (8) 101
truyện Kơ Ho; (9) 93 truyện Mạ; (10) 165 truyện Mơ Nông; (11) 51 truyện Tà Ôi; (12) 90
truyện Xơ Đăg; (13) 235 truyện Xtiêng.
1.2.2.2.3. Phân loại và miêu tả, thống kê, tổng hợp truyện dân gian MK:
Thể loại thần thoại có 122 truyện (11,01%) gồm: 31 thần thoại về vũ trụ (2,79%),
51 thần thoại về nhân loại (4,60%), và 40 thần thoại sáng tạo văn hóa (3,61%). Thể loại
truyền thuyết có 177 truyện (15,97%) gồm: 4 truyền thuyết lịch sử (0,36%), 7 truyền
thuyết anh hùng (0,63%), 57 truyền thuyết địa danh (5,14%), 109 truyền thuyết phong tục
(9,83%). Thể loại cổ tích có 795 truyện (71,75%) gồm: 161 cổ tích loài vật (14,53%); 477
cổ tích thần kỳ (43,05%) và 157 cổ tích sinh hoạt (14,16%). Thể loại truyện cười có 12

truyện (1,08%). Thể loại truyện ngụ ngôn có 5 truyện (0,45%).
1740 truyện dân gian của hai nhóm tộc người được tóm tắt cốt truyện trong hai
phần phụ lục PL-truyện MĐ và PL2-truyện MK, từ sau ngày 16.06.2015, chúng tôi có tiếp
tục sưu tầm và sưu tập thêm một số truyện được mã hóa với ký hiệu bổ sung bằng các ký
tự la-tinh a, b, c,… sau các con số thứ tự của truyện.
Chương 2
SO SÁNH THỂ LOẠI
2.1. Về thực trạng phân loại truyện dân gian của hai nhóm tộc người
2.1.1. Danh xưng bản ngữ các thể loại truyện dân gian của hai nhóm tộc người
4/5 tộc người MĐ có danh xưng bản ngữ gọi chung cho các thể loại, còn tên gọi
riêng cho các thể loại chỉ có 3 danh xưng của người Chăm và người Ra Glai. Trong khi đó,
nhóm MK gồm 13 tộc người mà chỉ có 6 tên gọi chung cho các thể loại, nhưng lại có đến
24 danh xưng riêng ở các thể loại. Về đại thể, 4 tộc người MĐ gồm Ra Glai, Chu Ru, Ê Đê
và Gia Rai đã / đang còn chưa chú ý đến việc phân loại. Ngược lại, một số tộc người MK
như Kơ Ho, Mơ Nông và Xtiêng lại có gần như đầy đủ tên gọi riêng cho từng thể loại, điển
hình là nhóm Mơ Nông Preh ở tỉnh Đăk Nông có nhiều hơn cả các thuật ngữ về các thể /
tiểu loại truyện dân gian - nhờ công trình nghiên cứu dạy tiếng. Về số lượng truyện, ở vùng
Nam TN có ba tộc người Kơ Ho, Mơ Nông và Xtiêng vừa có số truyện nhiều hơn cả vừa
phong phú hơn cả về thể loại (khoảng 250 truyện / tộc người), gồm chủ yếu các thể loại
lớn như thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười.

6


2.1.2. Về nhóm truyện dân gian của hai nhóm tộc người có độ dài khác thường
hay loại truyện sử thi được cổ tích hóa
Đa số truyện trong dạng truyện kể bằng văn xuôi dài hơi này (10-64 trang) là
truyện cổ tích thần kỳ (32/61truyện) tập trung kể về hai đề tài chính “nhân vật dũng sĩ” và
“nhân vật xấu xí mà tài ba”, số truyện còn lại thuộc các thể / tiểu loại khác kể về các đề tài
như “nhân vật mồ côi”, “vật trả ơn”, “lấy vợ / chồng tiên”, “trộm cánh tiên”,… Tham khảo

ý kiến của V.Ia.Propp, Nguyễn Xuân Kính và Phan Thị Hồng, chúng tôi tạm gọi đó là
những câu chuyện cổ tích thần kỳ chuyển tiếp sử thi anh hùng hay là những tiểu tinh sử
thi-cổ tích anh hùng / sử thi anh hùng cổ tích hóa (tên gọi tạm thời).
2.2. So sánh thể loại
+ Về thể loại thần thoại
Điểm tương đồng: Cả hai nhóm tộc người có đủ các nhóm thần thoại suy nguyên
về vũ trụ, nhân loại tộc người và sáng tạo văn hoá với tỷ lệ truyện vừa tương ứng vừa có
mức chênh lệch phù hợp với đặc trưng bản địa lâu đời của nhóm MK so với nhóm MĐ du
nhập muộn vào VN: về vũ trụ tự nhiên có 16/31 truyện, về nhân loại tộc người 12/51, và
về nhân vật sáng tạo văn hoá 7/40.
Điểm khác biệt: (1) Người Chu Ru thừa nhận mình có nguồn gốc từ người Chăm ở
đồng bằng ven biển di cư lên miền cao cho nên không có riêng thần thoại sáng thế, suy
nguyên về nhân loại tộc người. (2) Người Chơ Ro - một nhóm Kơ Ho địa phương, không
sáng tạo thần thoại thời nguyên thủy về vũ trụ tự nhiên và nhân loại tộc người nên vay
mượn thần thoại của người Kơ Ho. (3) Người Hrê thiếu khuyết hai nhóm thần thoại suy
nguyên về vũ trụ tự nhiên và về nhân loại tộc người là do họ được hình thành rất muộn ở
thời hiện đại sau Cách mạng tháng Tám 1945, tập Truyện cổ Hrê chỉ hai thể loại truyện:
truyền thuyết và cổ tích. (4) Yếu tố Chăm mang tính riêng với thần thoại về thần Mẹ xứ sở
Pô Inư Naga-vừa là thần thoại nhân loại tộc người vừa là thần thoại sáng tạo văn hoá.
+ Về thể loại truyền thuyết
Điểm tương đồng: (1) Các tộc người trong hai nhóm đều có nhiều câu chuyện
truyền thuyết địa danh đặc sắc thuộc type truyền thuyết về “Bàu, vũng, ao, hồ, sông, suối,
đầm, thác, đảo, hòn, biển”. (2) Khảo sát so sánh nhóm truyền thuyết phong tục tín ngưỡng
về “sự tích các dòng họ”, có thể ghi nhận có hai trung tâm vật tổ ở hai tiểu vùng văn hóa:
Nam TN với tộc người Ra Glai (MĐ) và Bắc TN với hai tộc người MK là Tà Ôi và Giẻ
Triêng.
Điểm khác biệt: So với văn hóa-văn học dân gian của các dân tộc khác trong cả hai
nhóm tộc người, văn hóa-văn học dân gian Chăm vượt trội hơn hẳn với các nhóm truyền
thuyết: nhóm truyền thuyêt lịch sử-anh hùng dân tộc về “các vị vua Chăm có công tích”,
nhóm truyền thuyết về “thi xây tháp”, và nhóm truyền thuyết Phật giáo kể về mức ảnh

hưởng của Phật giáo đến nền văn hoá Chămpa xưa nói chung và cụ thể ở thành Đồ BànVijaya nói riêng (trung tâm chính trị, quân sự, văn hóa của một quản hạt, một vương quốc
dưới thời Chămpa).
7


+ Về thể loại truyện cổ tích
Điểm tương đồng: So sánh số lượng truyện cổ tích của hai nhóm tộc người (MĐ so
với MK) có nét tương đồng về tỷ lệ xấp xỉ ½ chung ở cả ba tiểu loại truyện cổ tích: truyện
cổ tích loài vật (81/161), truyện cổ tích thần kỳ (287/477) và truyện cổ tích sinh hoạt
(101/157). Tiểu loại truyện cổ tích lũy tích ít được biết đến ở VN nay được tìm thấy ở vùng
TS-TN có 9 truyện, trong đó nhóm MĐ có 3 truyện Ê Đê và nhóm MK có 6 truyện (1
truyện Kơ Ho, 1 truyện Mạ, 1 truyện Mơ Nông, 2 truyện Tà Ôi, 1 truyện Xơ Đăng).
Điểm khác biệt: Người Chăm có riêng hai nhóm truyện cổ tích sinh hoạt về tình
yêu chung thủy và về tình yêu khác đạo.
+ Về thể loại truyện cười
Điểm tương đồng: Số truyện cười của hai tộc người MĐ Ra Glai (3 truyện) và Ê
Đê (9 truyện) ngang bằng với 12 truyện cười Xtiêng (MK); tất cả 24 truyện cười này đều
thuộc nhóm truyện cười khôi hài mua vui giải trí.
Điểm khác biệt: Người Chăm có riêng truyện cười trào phúng thù kết chuỗi
(N612Lật đời).
+ Về thể loại truyện ngụ ngôn
Điểm tương đồng: Có hai chủ đề phổ biến được thấy ở truyện Chăm và truyện các
tộc người MK: ở cùng chủ đề “dũng cảm-đấu tranh-đoàn kết” có 1 truyện Chăm và 1
truyện Ba Na; ở cùng chủ đề “ba hoa-khoác lác-hợm mình-khoe khoang” có 2 truyện
Chăm có cùng lời qui chăm với 5 truyện của 4 tộc người MK (1 truyện Cor, 1 truyện Giẻ
Triêng, 2 truyện Xơ Đăng và 1 truyện Xtiêng).
Điểm khác biệt: Hai truyện Chăm vượt trội hơn hẳn về nội dung tư tưởng với chủ
đề mang tính triết lý nhân sinh “qui luật-chân lý” (N626Ông vua Chăm nuôi khỉ và
N627Ai mạnh hơn hết?).
2.2.1. So sánh thể loại thần thoại

Những điểm tương đồng giữa thần thoại của hai nhóm tộc người MĐ và MK được
thấy ở ba chủ đề lớn: 1. Các dân tộc có cùng nguồn gốc chung và cùng nền văn hoá chung;
2. Tổ tiên họ đã có công khai phá thiên nhiên, sáng tạo ra những thành tựu văn hóa; 3. Tổ
tiên họ là những nhân vật kiệt xuất đầy mưu trí và dũng cảm, đứng lên chống lại thù trong
giặc ngoài, bảo vệ thành quả lao động, thành tựu văn hóa, cuộc sống cộng đồng. Có một
trường hợp ngoại lệ, ở tộc người Chu Ru giai đoạn khởi thủy của vũ trụ, sự ra đời của
muôn loài không tìm thấy trong huyền thoại của họ.
2.2.1.1. So sánh thần thoại suy nguyên về nhân loại, tộc người: nhóm truyện về
lũ lụt (hồng thủy)

8


Điểm tương đồng: (1) Motif anh trai-em gái sống sót sau trận lụt phải kết hợp thành
vợ chồng để tái tạo loài người là một nét có tính chất đặc trưng của huyền thoại lụt Đông
Nam Á. Khảo sát hai bảng liệt kê của hai type truyện Nạn lụt và sự tái tạo loài người và
Nạn lụt và sự tái tạo loài người từ quả bầu, có thể ghi nhận ở hai type truyện này đều có
các dị bản của các dân tộc thuộc hai nhóm tộc người. (2) Nguyên nhân gây ra lũ lụt trong
các truyện rất đa dạng. (3) Về phương tiện tránh nạn, có thể là giường, hòm gỗ, trống, cối
giã, ổ rơm, bè, thuyền, tàu, khúc gỗ đục rỗng lòng,… là những vật dụng có sẵn trong nhà,
trong làng vì những công cụ tránh lụt tùy tiện này không mang một ý nghĩa biểu tượng gì
đáng kể. (4) Độc đáo nhất là quả bầu tránh lụt mang ý nghĩa biểu trưng nuôi sống người và
thúc đẩy xã hội phát triển. Ở type Nạn lụt và sự tái tạo loài người từ quả bầu, không thấy
có mối quan hệ loạn luân giữa cặp người còn sống sót sau nạn lũ lụt, dạng truyện này xuất
hiện ở người Ê Đê (MĐ), Bru-Vân Kiều và Tà Ôi (MK).
Điểm khác biệt : (1) Vài trường hợp hợp logic là không nhất thiết hư cấu cần đến
phương tiện tránh lụt vì cư dân đang cư trú trên đỉnh núi cao (Xê Đăng) hay đang leo lên
ngọn cây trên đỉnh núi cao (Cơ Tu). (2) Sau trận lũ lụt, cô gái Cơ Tu duy nhất còn sống sót
mang thai không rõ nguyên do sinh ra hai con một trai một gái và cô em gái của cặp anh
em Tà Ôi còn sống sót lại mang thai với con chó từ nước tiểu chó phóng uế nơi nằm ngủ.

2.2.1.2. So sánh nhóm truyện thần thoại về ma lai
Về khái niệm ma lai: Phần nhiều các dân tộc TS-TN gọi đó là ča, čà, čạ, phiên ra
tiếng Việt là chà ăn người thường mang dáng dấp người, người-ma, ma lai/malai… Với tín
ngưỡng nguyên thủy còn rơi rớt lại, người ta tin rằng không chỉ có thần thánh, ma quỷ mà
một số con người nào đó cũng có phép thuật hại người. Từ đó, khi có những hiện tượng bất
thường nào đấy, trong cộng đồng làng và các làng với nhau luôn có mối nghi kỵ dẫn đến lo
sợ người nào đó có ma thuật gây dịch bệnh, chết chóc… Niềm tin sai lạc đó đã chi phối đời
sống xã hội, cách ứng xử trong cộng đồng, tạo nên mối nghi ngờ có người-ma…
Vấn đề xác định thể loại của truyện ma lai: Tham khảo quan niệm của hai nhà
folklore học và ngữ văn học người Nga V.Ia.Propp và X.Iu. Nekliuđôv, luận án cho rằng
truyện về nhân vật ma lai là dạng thần thoại cấp thấp thuộc loại truyện đời xưa với nội
dung có thật nói về ma quỷ / ma lai / ma cà rồng trong hệ thống thần thoại-tôn giáo được
hình thành trong đời sống hàng ngày gần như thường xuyên có sự tiếp xúc với con người
và được chuyển tải bằng một thể tài văn xuôi dân gian không được thiêng hóa. Nó khác
với cổ tích vì không phải là chuyện bịa đặt, khác với truyền thuyết vì không mang cảm
hứng tôn vinh hoặc ca ngợi cộng đồng, và trên hết, cùng với một số thể loại tự sự dân
gian khác nó có những mưu toan truyền đạt hiện thực.
So sánh truyện thần thoại về ma lai: Tổng cộng có 17 truyện gồm: 7 truyện MĐ
(1 truyện Chăm Hơroi, 3 truyện Ê Đê và 3 truyện Gia Rai), và 10 truyện MK (2 truyện Kơ
Ho, 1 truyện Mạ, 3 truyện Mơ Nông, 1 truyện Tà Ôi và 3 truyện Xtiêng).
Điểm tương đồng: (1) Có 3 truyện kể về nguồn gốc hay sự tích của ma lai: 1 truyện
Chăm Hơroi, 1 truyện Ê Đê (MĐ) kể sự tích ma lai có từ nguồn gốc thần linh / mang yếu
tố thần thoại rõ nét, còn 1 truyện Kơ Ho (MK) kể sự tích về nguồn gốc của ma lai mang
9


nội dung của xã hội hiện đại, không có yếu tố thần thoại với chi tiết “chàng trai đi lính xa
nhà” và cách hành xử mang trí khôn của người hiện đại. (2) Các motif dân tộc học “biến
hình”, “ăn thịt người”, “phép thử/cúng thử”, “người lấy ma lai”, “diệt ma lai” xuất hiện
trong đa số truyện của hai nhóm tộc người.

Điểm khác biệt: (1) Motif “thôi miên” chỉ có ở 1 truyện Mạ kể về người cậu ma lai
biến hình thành bạn của cháu gái muốn dùng thuật thôi miên để bắt cháu gái nhưng không
thành. (2) Hai motif “trù yểm” và “điềm triệu” chỉ có ở 1 truyện Gia Rai được sử dụng
cùng lúc. (3) Motif “tái sinh” chỉ có ở 1 truyện Mơ Nông trong tình tiết người con trai vì
thương cha bị ma lai bắt hồn về xứ ma biến thành trâu (linh hồn cha nơi xứ thần ma) đã tìm
đến dắt trâu về trần gian biến lại là nhện (linh hồn cha nơi xứ con người) và dùng nhện xoa
vào đầu xác cha cứu sống được ông.
2.2.2. So sánh thể loại truyền thuyết
2.2.2.1. So sánh nhóm truyền thuyết địa danh - “Sự tích về bàu, vũng, ao, hồ,
sông, suối, đầm, thác, đảo, hòn, biển”: Có 14 truyện MĐ: 3 truyện Chăm (bàu, hòn), 2
truyện Ra Glai (vũng, thác), 1 truyện Chu Ru (thác), 7 truyện Ê Đê (hồ, sông, suối, đảo
Singapor) và 1 truyện Gia Rai (hồ). Và 30 truyện MK: 1 truyện Ba Na (thác), 2 truyện Chơ
Ro (sông, suối), 5 truyện Cor (bàu, eo, hòn, đảo), 1 truyện Cơ Tu (thác), 1 truyện Hrê (hồ),
1 truyện Kơ Ho (sông), 5 truyện Mạ (bến, bãi, thác), 6 truyện Mơ Nông (hồ, thác, vực,
suối), 1 truyện Xê Đăng (hồ), 7 truyện Xtiêng (bàu, thác, suối, bãi).
Điểm tương đồng: (1) Nhiều truyện của hai nhóm tộc người có chung motif ‘’con
người vi phạm điều cấm kỵ bị thần linh trừng phạt nhấn chìm trong hồ nước’’ (truyện Gia
Rai-MĐ và truyện Xê Đăng-MK). (2) Hai truyện cùng kể về sự ra đi kiếm sống nơi hai đảo
xa, từ hai nguyên nhân và với hai phương cách kiếm sống ở hai giai đoạn lịch sử khác nhau
(1 truyện Ê Đê-MĐ và 1 truyện Cor-MK). (3) Motif "người thợ săn" và "dòng nước phun
lên từ đất / phun ra từ đá đuổi theo người tìm đến sông suối mẹ": 3 truyện gồm 1 truyện
Chu Ru-MĐ, 1 truyện Chơ Ro và 1 truyện Kơ Ho-MK) cùng chủ đề « thợ săn tìm được
nguồn nước cho cộng đồng » có sử dụng motif này, cả 3 tộc người này cùng cư trú ở vùng
giáp ranh giữa hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng - vùng Đồng Nai Thượng.
Điểm khác biệt: (1) Có 2 truyện địa danh MK - 1 Mạ và 1 Cor, kể về lịch sử chống
xâm lược của cộng đồng. (2) Truyện Ba Na M135Sự tích tên thác Iali được cổ tích hoá từ
mối quan hệ anh ác em thiện được thần Nước can thiệp với motif bắt chước thất bại. (3)
Các tác giả dân gian MK ưa chuộng gắn kết tên gọi các địa danh tự nhiên với những câu
chuyện xã hội xảy ra trong các mối quan hệ đời thường: M143Sự tích Suối Thề (Chơ Ro),
M183Sự tích thác Đứng (Xtiêng), M149Sự tích bàu Mẹ Con (Cor). (4) Yếu tố thần kỳ tham

gia cấu tạo nhiều câu chuyện địa danh MK gồm các motif “con gái thần linh đầu thai”,
“người trần lấy vợ tiên”, “người lấy trăn”...
2.2.2.2. So sánh nhóm truyền thuyết về phong tục tín ngưỡng địa phương “Sự tích về các dòng họ”: Tiêu biểu cho nhóm truyện MĐ là một số truyện Ra Glai kể về
sự tích của 4 họ chính cùng hơn 50 chi / nhánh. Còn tiêu biểu cho nhóm MK có đến 125

10


truyện về sự tích các họ của tộc người: 18 truyện Kơ Ho Cil, 4 truyện Mơ Nông, 12 truyện
Xtiêng, 25 truyện Giẻ Triêng, và đặc biệt có đến 65 truyện Tà Ôi (Bảng 2- PL3).
Điểm tương đồng: Có hai trường hợp điển cứu so sánh truyện sự tích các họ Ra
Glai (MĐ) với truyện sự tích các họ Tà Ôi (MK) - cùng có số truyện phong phú lưu truyền
hầu khắp các địa phương cư trú ở hai tiểu vùng Nam TN (Ra Glai) và Bắc TN (Tà Ôi).
Điểm khác biệt: (1) Một số truyện Tà Ôi có vật tổ động vật và bộ phận cơ thể của
động vật mang tính thần kỳ nhiều hơn so với truyện Ra Glai (13/2). (2) 10 truyện Tà Ôi kể
về quan hệ hôn nhân và đời sống vợ chồng phản ánh chế độ phụ hệ với các sự tích cụ thể
có nguồn gốc từ những điều kiêng kỵ và tôn thờ các “sự việc”, “hoạt động”, “tính chất” và
“trạng thái”.
2.2.2.3. Hai nhóm truyền thuyết Chăm về các vị vua-thần có công tích và đề tài
thi xây tháp
Nhóm truyền thuyết về các vị vua-thần có công tích: Trong lịch sử dựng nước và
giữ nước của mình, người Chăm luôn nhắc đến các vị vua-thần có công đức được tôn thờ
và lưu lại trong đời sống tâm linh của tộc người với motif trở về cõi vĩnh hằng trở thành
thần. Đó là các nhân vật nữ thần Pô Nưgar, vua Pô Klaong Girai và vua Pô Rômê qua pho
thần thoại N2Nữ thần Pônaga, N29Ina Nưgar và các truyền thuyết N37Truyền thuyết về
Thiên-Ya-Na/Truyện nàng Mưjưk, N80Sự tích tháp Pô Klaung Garai trên núi Trầu, N85Sự
tích đập Nha Trinh, Mương Cái Mương Dàu, N42Sự tích tháp Prômê.
Đề tài thi xây tháp trong truyền thuyết Chăm: Có 3 truyện Chăm N79Sự tích vua
Klong Garai xây tháp thi, N80Sự tích tháp Pô Kalong Garai và N81Sự tích tháp Nhạn kể
về việc dùng mẹo vặt giành chiến thắng với motif đan tre, phết giấy làm công trình giả

đánh lừa đối phương. Cốt truyện thách đố thi tài giành chiến thắng cùng với motif “thi xây
tháp” đặc trưng chính là sáng tạo của tộc người Chăm. Trên thực tế, motif này mang tính
phổ quát ở nhiều tộc người Đông Nam Á. Ở người Chăm nó được chuyển hóa thành motif
đặc trưng với tháp bằng tre được phết giấy. Nhóm truyền thuyết này phảng phất dấu ấn một
dân tộc thiện chiến, tài hoa về kỹ thuật xây dựng tháp mang đậm sắc thái văn hóa Ấn.
2.2.3. So sánh thể loại truyện cổ tích
2.2.3.1. So sánh tiểu loại truyện cổ tích loài vật – nhóm truyện “Về mối quan
hệ giữa con người với loài vật”: Truyện cổ tích loài vật có 3 lớp chính: (1) Lớp sớm nhất
là truyện vật tổ còn nhiều trong các dân tộc bán khai. (2) Lớp phản ánh đặc điểm của loài
vật nhằm chinh phục tự nhiên phục vụ đời sống con người. (3) Lớp ngụ ngôn hóa đồ chiếu
quan hệ xã hội loài người vào quan hệ của các con vật. Nhóm truyện về quan hệ giữa con
người với loài vật là lớp truyện đặc sắc mang nhiều nét đặc trưng trong tiểu loại truyện cổ
tích loài vật của các dân tộc.
So sánh chủ đề “con người phải vận dụng trí khôn để chống lại những loài
mãnh thú”: Chủ đề này có 5 truyện: 2 truyện Ra Glai (MĐ), 1 truyện Bru-Vân Kiều, 1
truyện Mơ Nông và 1 truyện Tà Ôi (MK).

11


Điểm tương đồng: Nét tương đồng ở 4 truyện (1 Ra Glai, 1 Bru-Vân Kiều, 1 Mơ
Nông và 1 Tà Ôi) thuộc type truyện Trí khôn của tao đây (249C, A-T: Nguồn gốc bộ lông
hổ) là: con người muốn thắng đoạt được loài vật hung dữ trong môi trường sinh tồn của
mình thì luôn phải biết vận dụng trí khôn của mình.
Điểm khác biệt: 2 truyện Ra Glai (MĐ) đã góp phần làm nên nét khác biệt rõ so
với các truyện MK: 1 truyện phản ánh trí khôn của người đàn ông Ra Glai (N188Truyện
con người) và 1 truyện phản ánh sự nhanh trí của phụ nữ Ra Glai (N189Người đuổi gấu).
So sánh chủ đề “con người hoà đồng, thấu hiểu và khoan hậu với loài vật trong
một môi trường thiên nhiên chung sống”: Chủ đề này 6 truyện: 2 truyện Ra Glai và 1
truyện Ê Đê (MĐ) và 3 truyện Mơ Nông (MK).

Điểm tương đồng: Nét tương đồng ở 4 truyện thuộc type truyện Ngủ đêm tại nhà
của loài thú này (1 Ra Glai và 1 Ê Đê-MĐ và 2 Mơ Nông-MK) là muốn nhắn nhủ, khi con
người bị lạc trong rừng nhờ muôn loài mà tìm được đường về nhà, rằng luôn có sự hòa
đồng giữa người và vật trong một môi trường sống chung là thiên nhiên miền núi. Riêng
truyện Ra Glai N195Sự tích con voi còn mang một ý nghĩa giáo dục sâu xa là lời cảnh cáo
rằng “ác giả ác báo” - con người tệ bạc với loài vật thì sẽ hóa thành vật.
Điểm khác biệt: Có cùng chủ đề nhưng hai truyện (1 Ra Glai và 1 Mơ Nông) lại kể
về cách ứng xử khác nhau của loài vật là ân nhân của con người. Ở truyện Ra Glai N147Sự
tích cái gai của cây song mây, tre ngà và rau dền, cô gái đã phải tìm đến sống với gia đình
nhà voi ân nhân cứu mạng hơn là ở với hai người chồng thợ rèn lơ là với mình. Còn trong
truyện Mơ Nông M446Con nai giúp bon Bu Mbrăng, con nai ân nhân là vị cứu tinh của
bon, đồng thời giữ vai trò hòa giải thấu tình đạt lý, góp phần giải quyết sự công bằng và
đem lại bình ổn cho cuộc sống của hai cộng đồng.
2.2.3.2. So sánh tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ - nhóm truyện về Con vật thần
kỳ và tro của nó: Tương đương với type truyện 503E: đám tro thần bắt ngỗng [A-T], nhóm
truyện này có 8 truyện: 5 truyện MĐ (3 truyện Ê Đê và 2 truyện Gia Rai) và 3 truyện MK
(1 truyện Mạ và 2 truyện Bru-Vân Kiều). Khảo sát so sánh cho thấy các truyện của hai
nhóm tộc người đều có những yếu tố cấu thành cốt truyện như: công việc bắt cá, con vật
thần kỳ, khả năng của con vật thần kỳ, lớn nhanh như thổi, báo mộng, cây thần, đám tro
thần, bắt chước thất bại. Có 3 điểm khác biệt: (1) quan hệ xung đột trong truyện MĐ xuất
hiện cả trong gia đình và ngoài xã hội (bác-cháu và mtao / chủ làng-mồ côi), còn trong
truyện MK chỉ có xung đột trong gia đình giữa bác-cháu và anh-em; (2) motif vi phạm cấm
kị là tác nhân gây ra cái chết của con vật thần kỳ ở truyện MĐ có phần ác liệt hơn ở truyện
MK; (3) motif đám tro thần trong truyện MĐ được kẻ ác xấu chủ động gây hại cho mình
(rắc tro vào dấu chân mình), còn trong truyện MK đó là đều do yếu tố khách quan gây nên
cái chết cho kẻ ác xấu / thần linh trừng phạt (tro thần mang trên lưng khi chạy về nhà bị rơi
vãi xuống dấu chân và rắc nhầm tro thần vào dấu chân của mình mà tưởng nhầm là dấu
chân của người hàng xóm mình muốn chiếm đoạt của cải).
2.2.3.3. So sánh tiểu loại truyện cổ tích luỹ tích


12


Giới thuyết về truyện cổ tích luỹ tích: Truyện cổ tích lũy tích được xây dựng
không những theo nguyên tắc xâu chuỗi, mà còn theo cả những hình thức hết sức đa dạng
của sự kết hợp, chồng chất, tích lũy, thường kết thúc bằng một tai nạn vui vẻ nào đó.
So sánh truyện cổ tích lũy tích: Có 9 truyện cổ tích lũy tích hoặc truyện thuộc thể
loại khác có yếu tố lũy tích: 3 truyện Ê Đê (MĐ) và 6 truyện MK (1 Kơ Ho, 1 Mạ, 1 Mơ
Nông, 2 Tà Ôi, 1 Xê Đăng). Chúng thuộc hai mẫu loại: Loại sai đi hay đuổi theo và Loại
đổi chác (type truyện “Những cuộc đổi chác có lãi”, 842A, A-T).
Điểm tương đồng:
+ Loại sai đi hay đuổi theo: Truyện Ê Đê N222Quạ là kẻ gian và truyện Tà Ôi
M456Coai Turoai và tên nhà giàu độc ác đều là truyện cổ tích loài vật tương đồng loại
hình với truyện cổ tích lũy tích Việt Vụ kiện châu chấu và Khơ Mú Chim ngói kiện cú mèo
thuộc một kiểu tư duy và từ một loại nghi lễ luận tội thời nguyên thủy.
+ Loại đổi chác
(1) Đổi chác-bắt đền: Có cùng chủ đề “bắt đền” thuộc type truyện “những cuộc đổi
chác có lãi”, 3 truyện Mạ, Ê Đê và Tà Ôi được phân bố ở 3 tiểu vùng văn hóa TN: Mạ ở
Nam TN, Ê Đê ở Trung TN và Tà Ôi ở Bắc TN. Ba cuộc đổi chác tăng tiến tích cực từ con
vật nhỏ bắt đền được con vật lớn nhưng kết cục lại khác nhau. Nhân vật chính ở hai truyện
Mạ và Ê Đê đều bị thua thiệt hay mất mạng từ công dụng của hai yếu tố lửa và nước. Còn
chàng rùa thần trong truyện Tà Ôi, sau khi mang các vật bắt đền tăng tiến đi đổi lấy cái áo
khoác cũ rách, lại biết dùng mưu mẹo để câu được rùa đẻ trứng vàng.
(2) Đổi chác-được đền: 4 truyện đổi chác-được đền cũng được phân bố ở ba tiểu
vùng văn hóa: Kơ Ho và Mơ Nông ở Nam TN, Ê Đê ở Trung TN và Xơ Đăng ở Bắc TN.
Ngoài truyện Kơ Ho chỉ sử dụng yếu tố lũy tích ở phần đầu câu chuyện, còn lại ba truyện
Ê Đê, Mơ Nông và Xơ Đăng đều có diễn tiến cuộc đổi chác giống nhau. Đó là việc tác giả
dân gian ba dân tộc đều thể hiện ước mơ mang đến hạnh phúc, sự giàu có cho những người
nghèo khổ hoặc thiếu khuyết về tinh thần nhưng lại tốt bụng và hiền lành, với các lối kết
thúc kết hậu tùy theo tâm lý của từng dân tộc.

Điểm khác biệt: Ở truyện cười Ê Đê N617Chàng Tân thật thà, tác giả dân gian
muốn thông qua câu chuyện về “chàng trai mồ côi chăm chỉ lại có tính thật thà” nhằm nhắn
gởi đến người nghe thông điệp về đạo lý làm người “ăn ngay ở thẳng, thật thà như đếm sẽ
có cơ may được giàu sang”. Đây là chức năng kép giáo dục và thẩm mỹ cho việc xây dựng
nhân cách cá nhân trong một câu chuyện cười dân gian vừa là đặc sản riêng của con người
TN thật thà không tham lam vừa mang tính toàn nhân loại của tác phẩm văn học dân gian.
2.2.3.4. Hai nhóm truyện cổ tích sinh hoạt riêng của các tộc người MĐ
Nhóm truyện giáo huấn của người Ê Đê: Người Ê Đê có 4 truyện cổ tích sinh
hoạt gồm N470Hồn lúa và lão Mơtao, N603Y Rít và con chó bảy đuôi, N218Anh chàng
mắc nợ và N461Đạo bùa linh có nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật còn giữ được
tính chất ngây thơ, bay bổng của các yếu tố thần kỳ; nhân vật và tình tiết không mang ý
nghĩa tượng trưng; lời khuyên kết thúc câu chuyện nhẹ nhàng mong góp ý giúp cho con
13


người sống tốt hơn chứ không nhằm phê phán, chê bai. Có thể xem đây là các bước chuyển
dần từ hai tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ và truyện cổ tích sinh hoạt sang những nội dung
tư tưởng và hình thức ngụ ý của những truyện dân gian mang bản chất và đặc trưng của thể
loại truyện ngụ ngôn.
Nhóm truyện về tình yêu chung thủy của người Chăm: Các truyện Chăm
N525Hà Niên lấy người, N536Chuyện chàng Gãy cưa, N524Cucai-Marút, N523Câu
chuyện một mối tình, N526Chuyện tình Chăm-Bàni, N527Chuyện hai người khác đạo,
N108Sự tích lễ tế trâu ở núi Ông thuộc hai chủ đề tình yêu chung thủy và tình yêu khác
đạo có nội dung nhằm tố cáo giai cấp phong kiến xưa kia đã khắt khe cấm đoán tình yêu
chân chính của con người, lên án sự phân biệt đẳng cấp, phá hoại ước mơ hạnh phúc chính
đáng của nhân dân.
2.2.4. So sánh thể loại truyện cười: Có 29 truyện cười gồm: 17 truyện MĐ (4
truyện Chăm, 3 truyện Ra Glai, 9 truyện Ê Đê và 1 truyện Gia Rai) và 12 truyện MK của
người Xtiêng. Luận án chọn khảo sát so sánh hai chủ đề:
(1) Chủ đề về nhân vật ngốc: có hai kiểu nhân vật ngốc

(a) Kiểu nhân vật ngốc thật sự-gặp may : Có 2 truyện MĐ tiêu biểu gồm 1 truyện Ê
Đê (N617Chàng Tân thật thà) và 1 truyện Gia Rai (N625Anh khờ Xâypơ). Xu hướng bênh
vực với lối kết thúc có hậu cho nhân vật ngốc là do tác giả dân gian luôn mong muốn cho
ngốc-khách quan mà nhìn nhận là những người có khiếm khuyết về trí tuệ song là người
chân chất, thật thà, lành hiền, thường bị khinh rẻ, gặp may mắn, được sống hạnh phúc và
sung sướng.
(b) Kiểu nhân vật ngốc thật sự-thất bại : Có 4 truyện MĐ gồm 3 truyện Ra Glai
(N613Anh khờ Chabuáh, N614Thằng Đui và thằng Điếc, N615Ông Điếc bà Điếc), 1
truyện Ê Đê (N616Anh em Y Tang và Y Bút) và 2 truyện MK của người Xtiêng
(M1092Câu chuyện hẹn hò, M1098Chuyện ông Yô Yốt). Nhóm truyện cười khôi hài này
nảy sinh từ tiếng cười trước những thiếu sót về cơ thể và lí trí của con người. Những truyện
như thế gây ra tiếng cười đối với những người có khuyết tật, mà lại có thể làm ta mua vui
được vì chúng không có mục đích đả kích vào những con người bất hạnh ấy.
(2) Chủ đề về mẹo lừa, chơi khăm
Điểm tương đồng: Có 6 truyện MĐ gồm : 4 truyện Chăm (N611Kén rể, N612Lật
đời, N612aTu chí làm ăn, N612bGiúp việc đôi vợ chồng trẻ) và 2 truyện Ê Đê
(N621Mơtao lười, N624Ba chàng đi săn), và 3 truyện MK của người Xtiêng
(M1093Chàng trai và ông già chăn của, M1094Chuyện trái bầu, M1095Đi bắt cá). Xét về
nội dung cốt truyện và đối tượng đả kích châm biếm, có 6 truyện là loại truyện cười trào
phúng bạn, duy chỉ có 1 truyện Chăm N612Lật đời thuộc loại trào phúng thù.
Điểm khác biệt : Người Ê Đê và người Xtiêng đại diện cho hai nhóm tộc người MĐ
và MK có điểm khác biệt về truyện cười : truyện cười Ê Đê còn bảo lưu nhiều giá trị truyền
thống chứa đựng trong những câu chuyện cười còn mang đậm dấu ấn của tính cộng đồng
dân chủ, bình đẳng và chất phác hồn nhiên, còn phần lớn truyện cười Xtiêng có nguồn gốc
14


từ quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa giữa họ với các tộc người anh em sống cộng cư-xen
cư gần đây nên có tính chất hiện đại hơn.
2.2.5. So sánh thể loại truyện ngụ ngôn: Có 13 truyện ngụ ngôn gồm: 7 truyện

MĐ của người Chăm, và 6 truyện MK của 5 tộc người Ba Na, Cor, Giẻ Triêng, Xê Đăng
và Xtiêng.
Điểm tương đồng: (1) Chủ đề về « tinh thần dũng cảm và ý chí đoàn kết của lực
lượng cô thế trong đấu tranh chống lại các thế lực ác xấu trong dân gian » có 2 truyện : 1
truyện Chăm N628Đàn trâu hiệp sức đánh nhau với cọp và 1 truyện Ba Na M1104Cái ná.
(2) Chủ đề về “thói ba hoa, khoe khoang, khoác lác, hợm mình, học đòi, lòng ganh tị, kiêu
hãnh’’ có 6 truyện về: con ngựa khoác lác huênh hoang (N629Truyện hổ và ngựa-Chăm),
con hươu ba hoa (M1105Hươu và Cọp-Cor), con chuột xám tự phụ khoe mình tài giỏi khôn
ngoan (M1105aCon chuột kiêu ngạo-Giẻ Triêng), con voi dữ dọa giẫm chết đàn kiến
(M1106Kiến giết voi-Xơ Đăng), con gà trống choi kiêu kì hay khoe khoang (M1107Con gà
trống dại dột-Xơ Đăng), con rái cá hợm mình chiếm giữ một khúc sông (M1108Chú thỏ
thông minh-Xtiêng).
Điểm khác biệt : Ở 5 truyện ngụ ngôn Chăm còn lại, tính chất xã hội và tính chất
triết lý nhân sinh được vận dụng thật nhuần nhuyễn và khéo léo, mang tính sáng tạo riêng
của tác giả trí thức dân gian Chăm từng sống qua thời đại văn minh nông nghiệp có nhà
nước Chămpa hùng mạnh (ví dụ: N626Ông vua Chăm nuôi khỉ và N627Ai mạnh hơn hết).
Chương 3
SO SÁNH MỘT SỐ TYPE TRUYỆN
VÀ MOTIF TRUYỆN TIÊU BIÊU
3.1. So sánh type truyện tiêu biểu
3.1.1. So sánh type truyện truyền thuyết anh hùng « thanh gươm thần »
3.1.1.1. Về type truyện thanh gươm thần
Thuộc nhóm 1, gồm 9 truyện MĐ và 2 truyện MK: (1) N57Thanh gươm thầnChăm, (2) N62Thần gươm (Ê Đê), (3) N62Lưỡi gươm chàng Y Thi (Ê Đê), 4/ Thanh gươm
chàng Y Thih (Ê Đê), 5/ N63Đăm Thí (Ê Đê), 6/ Thanh gươm thần (Ê Đê), 7/ Thanh gươm
thần (Gia Rai), 8/ N67Lưỡi gươm thần (Gia Rai), 9/ N68Pô Thê (Gia Rai), và truyện MK
có: 10/ M127Lưỡi gươm ông Tú / Gươm ông Tú (Ba Na), 11/ M129Vua Thủy Xá và Vua
Hỏa Xá (Ba Na).
Thuộc Nhóm 2 : 3 truyện MK có nội dung liên quan đến hình tượng gươm thần và
nguồn gốc của nghề rèn gươm gồm: (1) M128Núi rèn gươm (Ba Na), (2) M191Cô gái thợ
rèn (Ba Na), (3) M274Tung và Xết, hai ông tổ thợ rèn người Xơ Đăng (Xơ Đăng).

3.1.1.2. So sánh các bản kể của type truyện
Luận án khảo sát so sánh nội dung các truyện:
15


Thuộc nhóm 1 có 11 truyện của bốn dân tộc Ê Đê, Gia Rai, Chăm và Ba Na theo
mô hình kết cấu: lai lịch đá lạ / thanh sắt → rèn gươm thần → xung đột, mất gươm → tìm
gươm → người giữ gươm, gồm hai phần:
Phần 1: Thanh gươm gồm hai tiết đoạn: Lai lịch đá lạ / thanh sắt và người sở
hữu thanh sắt và rèn gươm
Phần 2: Người giữ thanh gươm gồm hai tiết đoạn: Xung đột, mất gươm và tìm
gươm, mò gươm và những người giữ các bộ phận của thanh gươm.
Thuộc nhóm 2 có 3 truyện của hai dân tộc Ba Na và Xơ Đăng là những truyền
thuyết về tổ nghề rèn theo mô hình kết cấu đơn giản: lai lịch đá lạ / thanh sắt → người sở
hữu → rèn gươm, tôi gươm.
Nhóm 1: Truyện Ê Đê gồm có Thần Gươm, Lưỡi gươm chàng Y Thi (ký hiệu riêng
trong Chương 3 này là E1), Thanh gươm chàng Y Thih (E2), Đăm Thí (E3), Thanh gươm
thần (E4); truyện Gia Rai là Thanh gươm thần 1 (G1), Thanh gươm thần 2 (G2), Lưỡi
gươm thần (G3); người Chăm có truyện Thanh gươm thần (C) ; người Ba Na có truyện
Gươm ông Tú (B1) và Vua Thủy Xá và Hỏa Xá (B2).
Theo Jacques Dournes, con đường của kim loại sắt được rèn thành gươm thần được
tóm lược sau :
Sắt nguyên khởi → thầy rèn  sắt nung, uy lực huỷ diệt / hiến sinh của một người  sắt
được đầy sinh khí, quyền lực thống trị → Rít / hiến sinh của Rít  sắt được thu hồi như là
biểu hiện; không ai chạm đến nó nữa, đấy là Quyền uy cấm chỉ. Chuyển động dừng lại.
Gươm đã “cố định”. Sau nhiều thử nghiệm, nó chứng tỏ nó sinh ra là để làm điều đó –
Quyền uy không thực thi, cũng giống như quyền uy của Trời.
Nhận xét và so sánh:
Các dân tộc Ê Đê, Gia Rai, Ba Na đều có chung type truyền thuyết về thanh gươm
thần. Có nguồn gốc từ tộc người Gia Rai, thanh gươm đó khi được rèn cứ đỏ mãi không

chịu nguội, sau khi được tôi / đã ăn máu người (hiến sinh) hoặc của nô lệ, hoặc của người
giúp việc, hoặc của cô gái, phụ nữ có thai, thì vừa nguội liền bị rơi xuống sông, hoặc do
xung đột mà gươm thần bị quăng xuống sông. Hay tin, người Ê Đê, người Lào, người
Khmer, người Ba Na, người Việt đến lặn tìm gươm. Lặn tìm được thì người Ê Đê / Gia Rai
giữ lưỡi gươm, người Lào / Khmer giữ cán gươm, còn người Việt giữ vỏ gươm. Xét đến
mối quan hệ lịch sử gần gũi gắn bó lâu đời giữa hai tộc người Ê Đê và Gia Rai, nội dung
phản ánh của type truyền thuyết thanh gươm thần của hai tộc người này (chiếm 7/11 dị
bản) đã minh định cho sự thật lịch sử khách quan của quá trình tiếp xúc giao lưu và tiếp
biến văn hóa giữa họ. Cụ thể là, những yếu tố văn hóa của tộc người Gia Rai qua quá trình
được tiếp nhận / địa phương hóa / tiếp biến văn hóa đã trở thành những yếu tố hữu cơ của
văn hóa bản địa Ê Đê (Ê Đê hóa): cả 4 truyện Ê Đê (E1, E2, E3 và E4) đều có kết cấu cốt
truyện hoàn chỉnh / được làm mới hơn hẳn so với 3 truyện Gia Rai (G1, G2 và G3). Trong
khi đó, trên thực tế thì tục thờ gươm thần thông qua sự tôn sùng các vị Vua Lửa-vua tôn
16


giáo, được ghi nhận chỉ xảy ra trong dân gian các Plei Gia Rai và các vị Vua Lửa / các Ơi –
cho đến nay đã đến đời Vua Lửa thứ 15, đều là người Gia Rai. Riêng, vai trò của người
Chăm chưa từng được nhắc đến là người giữ các bộ phận của thanh gươm thần trong đoạn
kết của các câu chuyện thuộc type truyện này.
Nhóm 2: Có 2 truyện Ba Na Núi rèn gươm (B3) và Cô gái thợ rèn (B4) và 1
truyện Xơ Đăng Tung và Xết, hai ông tổ nghề rèn người Xơ Đăng (X). Nhóm truyện này
có mô hình kết cấu đơn giản: lai lịch đá lạ / thanh sắt → người sở hữu → rèn gươm, tôi
gươm.
Qua khảo sát cho thấy:
Với nội dung suy nguyên về nguồn gốc nghề rèn ở hai tộc người Ba Na và Xơ
Đăng ở vùng Bắc TN, cả ba truyện B3, B4 và X đều sử dụng các motif thần kỳ đượm chất
linh thiêng huyền bí như: ba quả trứng nở ra chàng trai, chim ưng, cá sấu, rồng phun lửa,
hóa thân, cá sấu tôi gươm, gươm thần, đá thiêng / hoá đá, các loài vật giúp đỡ, đá lạ, da
con mang, nhện thần, thần nước, phép thuật,… Các truyền thuyết này đều chứa đựng hồi

ức sâu xa pha lẫn niềm tự hào về thành tựu kì diệu của tổ tiên họ vào giai đoạn thị tộc cổ
đại-đã phát hiện ra một thứ vật chất mới hết sức quí báu là kim loại (sắt và thép), và đã chế
tạo nó thành vũ khí / thanh gươm bảo vệ cuộc sống của cộng đồng cùng các công cụ lao
động sản xuất phục vụ đời sống thường ngày. Nghề rèn đã được dân gian Ba Na và Xơ
Đăng linh thiêng hóa thành những câu chuyện thần bí với các motif thần kỳ biểu trưng như
chim ưng-núi đá, cá sấu-nước, các loài vật giúp đỡ, … Các nhân vật là loài vật mách bảo
như chồn, sóc, nhện vốn là vật tổ của thị tộc được cộng đồng nhận ra chúng như là tổ tiên
trở về mách bảo điều tốt lành có lợi cho mình: con chồn mách lấy đá lạ đan vào lửa nung
cho đỏ, con sóc mách dùng da con mang làm bễ thổi tốt hơn khiến đá lạ được nung đủ độ,
nhện thần khuyên chàng trai nên lấy vợ con gái thần nước có phép thuật tạo dựng nghề rèn,


3.1.2. So sánh type truyện cổ tích thần kỳ về “nhân vật dũng sĩ”- điển cứu
trường hợp Ê Đê - Mơ Nông
Có 17 truyện gồm: 9 truyện Ê Đê và 8 truyện Mơ Nông.
Điểm tương đồng: (1) Có chung kết cấu: (a) Ra đời thần kỳ, ăn khoẻ, có sức mạnh,
có tài; (b) Thử thách gian nan để trưởng thành, tập hợp lực lượng để làm việc nghĩa (ở
nhóm truyện các chàng trai khoẻ kết nghĩa); (c) Chiến đấu ác liệt, dũng cảm để trừ ác thú,
yêu quái; (d) Cứu được nhân dân, đồng đội, đem lại cuộc đời bình yên hạnh phúc.(2) Có
chung hai chủ đề chính: (a) Biểu dương những chàng trai dũng sĩ có công chinh phục tư
nhiên, mở mang địa bàn sinh tụ và ca ngợi chiến công phi thường diệt yêu quái cứu dân
làng, (b) Ca ngợi sức mạnh trí tuệ của cộng đồng trong xã hội tiền giai cấp được hun đúc
nơi người anh hùng-dũng sĩ. (3) Motif và hệ thống motif: (a) Motif cơ bản “dũng sĩ diệt
yêu quái cứu người đẹp, cứu cộng đồng”; (b) Motif “sự ra đời thần kỳ”; (c) Motif “lớn
17


nhanh như thổi”; (d) Motif “chiến công phi thường”; (e) Motif “trợ thủ thần kỳ”; (f) Motif
“so đuôi khố / ướm vỏ gươm”
Điểm khác biệt: (1) Đề tài chiến tranh cướp vợ-giành lại vợ (phổ biến ở truyện Ê

Đê) (2) Motif và hệ thống motif : (a) Motif trả thù (phổ biến ở truyện Ê Đê); (b) Motif trợ
thủ thần kỳ (là thần linh và động vật ở truyện Ê Đê; là hiện tượng tự nhiên ở truyện Mơ
Nông); (c) Motif thiêng hóa-trở về cõi vĩnh hằng là motif duy nhất chỉ thấy xuất hiện ở
truyện Mơ Nông M520bChàng Trăng (một truyền thuyết dân gian được cổ tích hoá).
3.2. So sánh motif truyện tiêu biểu
3.2.1. So sánh motif “đá thiêng / hoá đá”: Motif xuất hiện trong ba thể loại thần
thoại, truyền thuyết và truyện cổ tích, gồm có 47 truyện MĐ và 54 truyện MK. Trong 47
truyện MĐ có 43 dạng thức biểu hiện / biến thể của motif thắm đượm những yếu tố tôn
giáo nguyên thủy. Còn trong 54 truyện MK, có 33 dạng thức thể hiện / biến thể của motif.
3.2.1.1. So sánh motif đá thiêng / hoá đá trong truyền thuyết địa danh
Điểm tương đồng: (1) Là những truyền thuyế về “tinh đá”, “ông thần đá”. (2) Là
những truyền thuyế về các nhóm đá linh thiêng. (3) Đặc biệt, tín ngưỡng đá của người Ra
Glai đã phát triển theo một hướng riêng, song lại có nét chung với người Mơ Nông cùng
nhạy cảm và giỏi thẩm âm về lịch sử phát hiện và sáng tạo nên các nhạc cụ bằng đá như mã
la đá, đàn đá, cồng đá, goong đá. Các loại nhạc cụ này đều mang theo các sự tích vừa
huyền thoại vừa hiện thực.
Điểm khác biệt: (1) Những quan niệm phồn thực từ đá: Tục thờ sinh thực khí bằng
đá trong truyện Ê Đê về thác Chăm Yang Prong ở Tây Nguyên. (2) Địa hình tự nhiên của
các vùng ven biển thường tạo ra những hình thù độc đáo tạo nên hiện tượng thờ cúng
những tảng đá có hình thù đặc biệt như người, con vật, đồ vật sinh hoạt,… nằm ở những
chỗ đặc biệt trên ngọn núi, trong hang động, dưới gốc cây cổ thụ…trong truyện Ra Glai,
Gia Rai, Chăm. (3) Motif người hóa đá xuất hiện trong truyện Chăm, Ê Đê ở tiểu vùng
Trung TN lan truyền đến người Gia Rai và Mơ Nông ở hai tiểu vùng Nam và Bắc TN. (4)
Motif đá thiêng “nuốt người” xuất hiện hiếm hoi trong truyện Ê Đê N99Truyền thuyết về
đá thần Mau Giang Tao. (5) Bốn truyện Xtiêng và 1 truyện Mơ Nông (MK) có cùng motif
“trời chứng giám / phạt hoá đá” (6) Motif đá thần và thần đá trong truyện Mơ Nông và
Xtiêng giải thích nguồn gốc tục cúng thần đá sau hiện tượng mặt trăng ăn mặt trời.
3.2.1.2. So sánh motif đá thiêng / hoá đá trong truyện cổ tích sinh hoạt: Có 3 truyện
Chăm (N512Nai Krao Chao Phò, N521Nàng Jaki và chàng Rirá và N569Chiếc cầu vòng hóa đá),
1 truyện Kơ Ho (M981Nàng Ka Giờng) và 1 truyện Ba Na (M1058Chuyện Bok Plal) có nét khác

biệt. Truyện Chăm (MĐ) nhằm tôn vinh ca ngợi, bất tử hóa những mối tình chung thủy của người
đời bằng “hình tượng ngóng đợi nhau đến hóa đá” hoặc khuyên răn điều tốt qua những lời chê
trách. Còn truyện MK hồn nhiên, thô phác hơn là nhằm lên án đến mức mượn tay thần linh trừng
phạt hóa đá / “hóa kiếp-vô hiệu hóa” những kẻ bội ước (truyện Kơ Ho) hoặc qua dư luận xã hội mà
lên án tẩy chay kẻ hoang dâm vô độ đã trá hình lợi dụng tiếng nói của thần linh/thần đá mưu lợi
cho mình (truyện Ba Na).

18


3.2.2. So sánh các motif “diệt rắn ác”, “diệt chim dữ”, “chống xâm lược” trong
type truyện cổ tích thần kỳ “Người giết rắn cứu công chúa”: Type truyện “Người giết
rắn cứu công chúa” (Type 300, A-T: Người giết rồng cứu công chúa) là một type truyện
khá phổ biến trong kho tàng truyện dân gian các nước Đông Nam Á nói chung và các dân
tộc TS-TN ở VN nói riêng. Có 18 truyện MĐ và 43 truyện MK thuộc type truyện Người
giết rắn cứu công chúa. Qua khảo sát phân tích so sánh ba motif “diệt rắn ác”, “diệt chim
dữ”, “đánh giặc” cho thấy:
Điểm tương đồng: (1) Motif “diệt rắn ác” xuất hiện nhiều hơn motif “diệt chim dữ”
trong cả hai nhóm truyện MĐ và MK; hai nhóm tộc người này từ lâu đã có nhiều nét tương
đồng về địa bàn cư trú, văn hóa, xã hội, tín ngưỡng cùng những mối giao lưu tiếp biến văn
hoá như: tín ngưỡng sùng bái thiên nhiên, tín ngưỡng vật tổ, nghi lễ trưởng thành cũng như
những phong tục tập quán đặc trưng của chế độ thị tộc mẫu hệ. Đặc biệt qua kiểu truyện
này cho thấy những ánh hồi quang về những tập tục của nghi lễ trưởng thành thời kỳ thị
tộc bộ lạc được thấy trong truyện cũng là giống nhau về mọi khía cạnh. (2) Motif “diệt
chim dữ”: loại truyện có motif này ở hai nhóm tộc người MĐ và MK vốn có nguồn gốc xa
xưa từ một phong tục hôn nhân thời cổ, phong tục cướp vợ.
Điểm khác biệt: (1) Ở loại kết cấu “diệt rắn ác”, trong 2 truyện của người Chăm có
sự kết hợp nhiều chủ đề trong cùng một truyện, gồm có các chủ đề ‘’các chàng trai khoẻ
có biệt tài kết nghĩa’’, ‘’chàng dũng sĩ diệt yêu tinh’’ / ‘’chàng dũng sĩ diệt phù thuỷ’’ và
‘’công cuộc đấu tranh xã hội ở bình diện dân tộc’’ : truyện Chăm ra đời sau là loại truyện

được bổ sung thêm các chủ đề xã hội « anh em kết nghĩa » và « đấu tranh xã hội ở bình
diện dân tộc ». (2) Ở loại kết cấu “diệt chim dữ”, loài chim ác trong truyện Gia Rai được
đồng hóa với loại nhân vật lũ ma trên làng trời - một biến thể hiếm thấy. (3) Về motif đánh
giặc, bên cạnh nét tương đồng lớn là kẻ thù của cộng đồng buôn làng và các nhân vật dũng
sĩ như bọn ác, lũ giặc cướp, chúa đất, chúa rừng, trai làng tranh công, con trời / trai nhà trời
/ lũ ma trên trời, người sắt hóa thân từ thế lực tự nhiên hoang dã,…điểm khác biệt là trong
truyện Ra Glai N239Con ông Thác bà Ghềnh, vị chúa rừng đã cầu viện hai vua nước láng
giềng là vua Ấn và vua Xiêm cùng quân lính đến giúp đánh ba chàng dũng sĩ của dân làng.

Kết luận
1. Luận án đã hệ thống hóa số lượng truyện dân gian khá đồ sộ và phong phú (1740
truyện) của hai nhóm tộc người MĐ (632 truyện) và MK (1108 truyện) từ hai nguồn sưu
tầm và sưu tập, trong đó có 408 truyện do chúng tôi sưu tầm. Tuy nhiên, nguồn tài liệu này
vẫn luôn “mở”, theo thời gian có thể “thu nạp” hoặc “giảm thiểu” về số lượng bản kể, do
các đặc trưng-thuộc tính của văn học dân gian. Có tất cả 26 bảng biểu thống kê, phân loại
được sử dụng trong hai chương chính là Chương 2 và Chương 3.
2. Luận án nghiên cứu so sánh truyện dân gian của hai nhóm tộc người cụ thể ở ba
bình diện, ba cấp độ: thể loại-tiểu loại-nhóm truyện, type truyện và motif truyện. Trên cơ
sở lý thuyết về thể loại, về type, về motif của các nhà nghiên cứu văn học dân gian, chúng
tôi nhận diện, phân loại, mã hóa nguồn truyện dân gian hai nhóm tộc người. Bên cạnh
những đề tài, chủ đề, type, motif truyện mang tính phổ biến, trong nguồn truyện dân gian
19


của hai nhóm tộc người xuất hiện những đề tài, chủ đề, type, motif truyện riêng biệt, phản
ánh bản sắc văn hóa tộc người.
3. Trên bức tranh toàn cảnh về văn hóa của hai nhóm tộc người, có vai trò chi phối
của bốn tộc người Chăm, Ê Đê (MĐ) và Mơ Nông, Xtiêng (MK). Trong tiến trình lịch sử
cộng / xen cư hàng nghìn năm, giữa các tộc người tất yếu xảy ra sự tiếp xúc, giao lưu và
tiếp biến văn hóa, nghiên cứu so sánh truyện dân gian giữa các tộc người thuộc hai nhóm

tộc người là một điều khó khăn. Truyện dân gian các tộc người soi chiếu văn hóa cùng thực
tại có sự cộng gộp, hòa trộn và sự chung lộn lâu dài đó đã tạo nên nét tương đồng lớnnhiều bên cạnh nét khác biệt nhỏ-ít. Song từng điểm khác biệt cụ thể luôn được xem xét là
thật đắc địa phản ánh bản sắc văn hóa của từng tộc người nói riêng và của cả nhóm tộc
người nói chung. Trong mỗi trường hợp so sánh, luận án đều có những nhận xét về những
điểm khác biệt được bóc tách ra từ những hiện tượng đại đồng mà tiểu dị cụ thể. Trong đó,
truyện MK mang sắc thái thái cổ hơn truyện MĐ, do chúng còn phản ánh xã hội truyền
thống cổ sơ cuối thời nguyên thủy, sử dụng nhiều motif thần thoại hoặc motif thần kỳ kế
thừa từ thần thoại nguyên thủy.
4. Về phát hiện mới, trong kho tàng truyện dân gian hai nhóm tộc người thấy có thêm
hai nhóm truyện và một tiểu loại: nhóm thần thoại cấp thấp về ma lai, nhóm truyện “sử thi
anh hùng cổ tích hóa” và tiểu loại truyện cổ tích lũy tích.
5. Qua khảo sát so sánh truyện dân gian của hai nhóm tộc người, chúng tôi nhận thấy
có những nét tương đồng và khác biệt sau:
- Những điểm tương đồng cơ bản về thể loại: (1) Số lượng truyện cổ tích, cụ thể ở 3
tiểu loại chính, có tỷ lệ xấp xỉ ngang nhau, trong đó tỷ lệ của truyện cổ tích thần kỳ là lớn
hơn cả mang tính qui luật chung của văn học dân gian toàn nhân loại. (2) Hiện tượng các
“sử thi cổ tích hóa” được thấy ở các tộc người lớn như Ê Đê, Gia Rai, Chăm Hơ Roi (MĐ)
và Ba Na, Mơ Nông; Xơ Đăng (MK). (3) Tiểu loại truyện cổ tích lũy mới được tìm thấy
được phân bổ đồng đều 3-3-3 ở 3 tiểu vùng văn hóa Bắc-Trung-Nam TN trùng khớp với
địa bàn cư trú lâu đời của hai nhóm tộc người.
- Những điểm khác biệt:
+ Điểm khác biệt lớn về thể loại: do xã hội truyền thống trong truyện dân gian MĐ
sớm phát triển hơn so với xã hội truyền thống trong truyện dân gian MK cho nên hiếm /
không thấy có nhóm truyền thuyết lịch sử và thể loại truyện ngụ ngôn trong kho tàng
truyện dân gian MK.
+ Truyện MĐ: (1) Người Chăm có số truyện dân gian nhiều hơn cả trong nhóm MĐ
và gồm đủ năm thể loại. (2) Thần thoại Chăm về thần Mẹ xứ sở Pô Inư Naga vừa là thần
thoại suy nguyên về vũ trụ tự nhiên và nhân loại tộc người vừa là thần thoại sáng tạo văn
hóa, không thấy có ở các tộc người MĐ và MK khác. (3) Thần thoại Ê Đê suy nguyên về
vũ trũ tự nhiên kể về vị nam thần tối cao Ai Diê kiến tạo vũ trụ theo quan niệm thần nhân

đồng hình cùng loại với thần thoại các dân tộc Việt (thần Trụ trời), Mường (Mụ Dạ Dần),
Dao (Thần Bàn Cổ). (4) Người Chu Ru không có thần thoại suy nguyên về tộc người do
20


cùng chung nguồn gốc tộc người Chăm. (5) Người Chăm có hai nhóm truyền thuyết lịch sử
về “các vị vua-thần Chăm có công tích” và về đề tài “thi xây tháp”. (6) Type truyền thuyết
anh hùng về thanh gươm thần gắn liền với lịch sử cận đại của hai tộc người MĐ Gia Rai-Ê
Đê có chung nguồn gốc và láng giềng thuyết minh cho tục thờ Vua Lửa ở vùng Bắc và
Trung TN; từ đó, truyền thuyết về nghề rèn Ba Na và Xơ Đăng xuất hiện trong tiểu vùng
Bắc TN. (7) Người Ra Glai ở tiểu vùng Nam TN có nhóm truyền thuyết phong tục về bốn
dòng họ chính gắn với các loài tô tem thực vật như cây cau), cây dây máu, cây bobo, tro
bếp cùng hàng chục chi nhánh khác của mỗi họ lớn. (8) Truyện Ra Glai về người phụ nữ
đuổi gấu trong nhóm truyện cổ tích về mối quan hệ giữa loài vật và con người có chủ đề
“con người phải vận dụng trí khôn để chống lại những loài mãnh thú”. (9) Một số motif
trong truyện cổ tích thần kỳ MĐ xuất hiện vào giai đoạn cuối thuộc thời kỳ tiền nhà nước,
tiền quốc gia như “lập mưu”, “phong tướng”. (10) Motif chiến tranh cướp vợ-giành lại vợ
được thấy phổ biến ở type truyện dũng sĩ MĐ. (11) Người Ê Đê có nhóm truyện cổ tích
sinh hoạt giáo huấn gần gũi với / tiền thân của thể loại truyện ngụ ngôn. (12) Người Chăm
có số truyện cổ tích sinh hoạt nhiều nhất (65 truyện, chiếm 30,1% tổng số truyện dân gian
Chăm), trong đó có nhóm truyện thuộc chủ đề riêng về tình yêu chung thủy / tình yêu khác
đạo. (13) Do thiết chế xã hội Chăm phát triển sớm cho nên truyện cười Chăm bao gồm cả 3
loại khôi hài, trào phúng bạn và trào phúng thù. (14) Truyện ngụ ngôn Chăm phát triển
sớm, vượt trội về số lượng và hội đủ các chủ đề, trong đó có chủ đề tinh hoa mang tính
triết lý nhân sinh “qui luật-chân lý”(chịu ảnh hưởng từ truyện ngụ ngôn Ấn Độ). (15) Yếu
tố Chăm thể hiện rất rõ trong truyện của các dân tộc MĐ, có nhiều truyện MĐ đượm chất
Ấn Độ. (16) Yếu tố biển trong truyện MĐ khá đậm đặc hơn so với truyện MK.
+ Truyện MK: (1) Về danh xưng bản ngữ các thể loại truyện dân gian, nhờ tác nhân
bên ngoài như công trình biên soạn từ điển và giáo trình dạy tiếng mà truyện dân gian Mơ
Nông và Xtiêng có được danh xưng tương đối đầy đủ của các thể loại. (2) Hai tộc người

Chơ Ro và Hrê không có thần thoại suy nguyên về vũ trụ và nhân loại; nguyên nhân: người
Chơ Ro là một nhóm địa phương của tộc người Kơ Ho, người Hrê có quá trình cố kết tộc
người diễn ra muộn màng từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945. (3) Trong thần thoại về nạn
hồng thủy tái tạo loài người, truyện Ba Na và Tà Ôi ở tiều vùng Bắc TN có motif người lấy
vật (ngựa, chó) sinh ra người theo quan niệm thái cổ của người nguyên thủy. (4) Cũng
trong thần thoại về nạn hồng thủy tái tạo loài người, truyện Cơ Tu và Xơ Đăng cùng ở tiểu
vùng Bắc TN không kể về việc tránh lụt cho nên không có motif chiếc trống-phương tiện
tránh lụt. (5) Các tộc người MK (tuyệt đại đa số 12/13) không có nhóm truyền thuyết lịch
sử, phản ánh xã hội truyền thống MK đang còn ở giai đoạn cuối thời công xã nguyên thủy.
(6) Truyền thuyết địa danh MK về sông, hồ…được cổ tích hóa với nhiều yếu tố thần kỳ
hơn truyền thuyết địa danh cùng loại MĐ. (7) Ngoài bốn tộc người Giẻ Triêng (có 25 họ),
Kơ Ho Cil (có 18 họ), Mơ Nông (có 4 họ lớn), Xtiêng (có 12 họ) thì người Tà Ôi ở tiểu
vùng Bắc TN có đến 65 truyền thuyết phong tục về 65 dòng họ gắn với tôtem động vật,
thực vật, sự việc, hoạt động, tính chất, trạng thái. (8) Người Cor, Giẻ Triêng, Hrê không có
truyện cổ tích loài vật về nhân vật con thỏ tinh khôn, và người Mơ Nông và Tà Ôi không
có truyện cổ tích loài vật về các con vật tinh khôn khác đồng loại hình với nhân vật thỏ. (9)
Người Giẻ Triêng không có type truyện về nhân vật dũng sĩ. (10) Số motif trong truyện cổ
tích thần kỳ MK đa dạng và phong phú hơn hẳn trong truyện cổ tích thần kỳ MĐ. Nguyên
21


nhân: đa số truyện MK xuất hiện vào giai đoạn cuối của thời kỳ công xã nguyên thủy còn
chịu ảnh hưởng rõ nét tư duy thần thoại hoặc kế thừa từ thần thoại ở những motif thần kỳ
(11) Motif trả thù hiếm thấy trong type truyện dũng sĩ MK; nguyên nhân: xã hội truyền
thống MK còn mang tính cộng đồng dân chủ bình đẳng cao, còn chưa phân hóa thành các
giai tầng cụ thể (12) Trong tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ của hai nhóm tộc người, bên
cạnh 12/15 chủ đề có tỷ lệ số truyện gần bằng nhau giữa truyện MĐ và truyện MK, còn có
3 chủ đề khác biệt về tỷ lệ: (a) chủ đề Nghèo có tỷ lệ 2,09% so với 6,54%; (b) chủ đề
Người lấy vật, là 0% so với 1,89%; và (c) chủ đề Ma quỷ, là 12,19% so với 7,17%. trong
đó 6 tộc người MK không có loại truyện ma quỷ gồm: Bru-Vân Kiều, Chơ Ro, Cor, Cơ Tu,

Giẻ Triêng, Hrê. (13) Truyện cười MK chỉ thấy có ở người Xtiêng.
6. Chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ từ sớm, truyện Chăm nói riêng và yếu tố
Chăm nói chung trong truyện của hai nhóm tộc người là đáng được lưu ý, vì vậy có thể đặt
để truyện Chăm thành một giá trị riêng biệt với gam màu văn hóa vượt trội. Nguyên nhân
là văn hóa xã hội Chăm vừa sớm phát triển vừa giữ vai trò chủ thể xưa kia trong nhóm MĐ
qua nhiều thế kỷ từ cuối thế kỷ II đến đầu thế kỷ XIX..
7. Nghiên cứu so sánh truyện dân gian hai nhóm tộc người MĐ và MK, do nhiều
nguyên nhân chủ quan, khách quan nên chúng tôi nhận thấy kết quả chưa được tận cùng. Ở
các thể / tiểu loại đều còn bỏ ngỏ nhiều đề tài thiết thực và thú vị nhằm góp phần làm rõ
hơn nét tương và khác biệt của truyện dân gian hai nhóm tộc người. Từ kết quả của luận án
này, chúng tôi dự định sẽ thực hiện đề tài mở rộng Nghiên cứu so sánh truyện dân gian
của hai nhóm tộc người Mã lai Đa đảo và Môn Khmer ở Việt Nam và Đông Nam Á.

22


×