Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Tính đạo đức của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (103.52 KB, 4 trang )

Họ tên: Phạm Thành Công
MSSV: 107209406
Lớp: TC13
Trường: Đại học kinh tế thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0908.012.177
Email:

Tính đạo đức của các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường –
Ví dụ cụ thể ở Việt Nam
Thế kỷ XX là một thế kỷ đầy biến động của nhân loại với hai cuộc chiến tranh thế giới,
sự tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, sự trỗi dậy của những hệ tư tưởng từ hàng
ngàn năm trước…và trong đó không thể không nhắc đến cuộc đấu tranh dai dẳng và
không kém phần quyết liệt giữa mô hình kinh tế thị trường mà đại diện là Mỹ và các
nước Tây Âu với mô hình kinh tế tập trung mà đại diện là Liên Xô và các nước Đông Âu.
Ngày nay, với việc hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới đều theo đuổi mô hình kinh
tế thị trường đã cho thấy mô hình kinh tế thị trường đang là xu hướng của thế giới hiện
đại. Sự phát triển của mô hình kinh tế thị trường là do những ưu điểm vượt trội mà mô
hình này đem lại, đó là môi trường kinh doanh tự do, dân chủ thúc đẩy sự sáng tạo của
các nhà sản xuất, bảo vệ quyền lợi của những người tiêu dùng, phân bổ hiệu quả nguồn
lực của xã hội…Mặc dù là mô hình kinh tế phổ biến và hiện diện ở hầu hết các quốc gia
trên thế giới nhưng kinh tế thị trường đã phải nhận rất nhiều sự chỉ trích và phản đối. Có
nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chỉ trích đối với kinh tế thị trường. Một trong số đó đến từ
vấn đề đạo đức xã hội. Những người theo quan điểm này cho rằng trong nền kinh tế thị
trường với mục tiêu lợi nhuận là hàng đầu, các doanh nghiệp sẽ bất chấp tất cả, kể cả vi
phạm những chuẩn mực đạo đức để đạt được mục tiêu lợi nhuận và vì thế kinh tế thị
trường sẽ làm xói mòn đạo đức của các doanh nghiệp. Vậy, thực tế có phải như vậy
không?


Lợi ích ngắn hạn, hậu quả nghiêm trọng
Trong nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp cần phải tiến hành đầu tư vào máy móc,


công nghệ, nâng cao năng suất lao động, quản lý hiệu quả các nguồn lực nhằm tối đa hóa
lợi nhuận. Tuy nhiên, có những doanh nghiệp thay vì cố gắng đầu tư để nâng cao sức
cạnh tranh trên thị trường thì lại tiến hành những hành động vi phạm đạo đức để đạt được
mục tiêu về lợi nhuận. Những doanh nghiệp này có thể sử dụng những nguyên liệu rẻ tiền
có hại cho sức khỏe của người tiêu dùng hay sử dụng những công nghệ sản xuất gây ô
nhiễm cho môi trường mà không có biện pháp khắc phục… nhằm giảm chi phí sản xuất.
Những hành động vi phạm đạo đức này trong trường hợp không bị phát hiện có thể mang
lại cho doanh nghiệp một nguồn lợi trước mắt. Nhưng những những hành động phi đạo
đức này khó có thể được che dấu được mãi và hậu quả nếu bị phát hiện thì sẽ rất to lớn.
Vedan là một doanh nghiệp sản xuất bột ngọt của Đài Loan. Được thành lập ở Việt Nam
từ năm 1991, bột ngọt Vedan là một trong những sản phẩm quen thuộc và ưa dùng đối
với nhiều người tiêu dùng ở Việt Nam. Mọi chuyện sẽ không có gì để nói nếu không có
sự việc Vedan bị phát hiện xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải vào tháng 9 năm
2008. Sự việc này đã khiến Vedan phải nộp phạt phí bảo vệ môi trường hơn 127 tỷ đồng,
sản phẩm của Vedan bị tẩy chay ở các siêu thị và hơn cả là hình ảnh của Vedan đã bị xấu
đi trong mắt công chúng. Chính hành động phi đạo đức nhằm tiết kiệm một khoản chi phí
để gia tăng lợi nhuận đã khiến Vedan phải một cái giá rất đắt. Có thế nói, mặc dù bằng
những thủ đoạn tinh vi Vedan đã che dấu được hành động phi đạo đức của mình trong
nhiều năm nhưng cuối cùng cũng bị phát hiện và phải trả giá cho hành động đó.
Ai phục vụ tốt nhất cho ngưởi tiêu dùng lẫn cộng đồng thì được hưởng nhiều nhất
Thị trường hoạt động gần như theo nguyên tắc: “ai phục vụ tốt nhất thì được hưởng nhiều
nhất”. Thị trường cạnh tranh tạo động lực khiến cho các doanh nghiệp không ngừng đổi
mới, gia tăng giá trị sản phẩm nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu
dùng. Đồng thời, thị trường tự do cũng đã tạo ra sự chuyển dịch nhanh chóng về công
nghệ giữa các doanh nghiệp. Một doanh nghiệp nào đó vừa tung một sản phẩm mới ra thị
trường và gặt hái được những thành công thì ngay lập tức các doanh nghiệp khác cũng sẽ
tung ra sản phẩm có tính năng và công dụng tương tự để cạnh tranh.


Năm 2001, khi Tân Hiệp Phát tung ra sản phẩm nước tăng lực Number One đã thu được

những thành công nhất định thì chỉ một thời gian sau đó, Tribeco đã tung ra thức uống
tăng lực Sting để cạnh tranh với Number One. Trước tình hình Number One ngày càng bị
lấn lướt bởi Sting, Tân Hiệp Phát đã tạo ra một bước đột phá khi tung ra sản phầm trà
xanh 0 độ, một sản phẩm không chỉ là nước giải khát mà còn có lợi cho sức khỏe của
người tiêu dùng. Kết quả kinh doanh của trà xanh 0 độ rất khả quan với mức độ tiêu thụ
sản phẩm có lúc tăng tới 190%. Như vậy, bản thân Tân Hiệp Phát không hề chủ đích
quan tâm, chăm sóc đến sức khỏe của người tiêu dùng mà chính là nền kinh tế thị trường
cụ thể là sự cạnh tranh trong việc giành thị phần đã vô tình thúc đẩy Tân Hiệp Phát thực
hiện những hành động mang tính đạo đức đem đến lợi ích cho người tiêu dùng.
Không chỉ cung cấp những sản phẩm mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, các doanh
nghiệp còn thực hiện nhiều hoạt động mang đến lợi ích cho cả cộng đồng: Vinamilk với
chương trình “Quỹ 6 triệu ly sữa cho trẻ em nghèo”, Kinh Đô với hoạt động tặng bánh
trung thu cho trẻ em lang thang hay chương trình “Vui học an toàn giao thông” do Honda
tổ chức… Có thể thấy những hoạt động trên đều mang tính đạo đức cao nhưng tựu chung
lại thì các hoạt động đó đều nhằm mục đích là giúp các doanh nghiệp xây dựng hình ảnh
của mình tốt hơn trong mắt người tiêu dùng. Như vậy, kinh tế thị trường không những
không làm suy thoái đạo đức mà còn thúc đẩy các doanh nghiệp hành xử có đạo đức hơn
trên thị trường. Trong hoàn cảnh hiện nay, nguyên tắc của thị trường có thể được hiểu rõ
hơn là: “ai phục vụ tốt nhất cho ngưởi tiêu dùng lẫn cộng đồng thì được hưởng nhiều
nhất”.
Vai trò của chính phủ
Khi kinh tế thị trường càng phát triển thì vai trò của chính phủ ngày càng được đem ra
tranh luận một cách sôi nổi. Đa số các quan điểm cũng như thực tế hiện nay đều không
thể phủ nhận vai trò quan trọng của chính phủ trong nền kinh tế. Vậy thì phải chăng
chính phủ cũng có một sự ảnh hưởng nhất định đối với đạo đức của các doanh nghiệp
trong nền kinh tế thị trường?
Chính phủ chính là người thiết lập và đảm bảo tính thực thi của các quy tắc thị trường.
Nếu chính phủ tạo ra được những hệ thống pháp luật chặt chẽ thì sẽ thúc đẩy một môi



trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, khi đó lợi ích của doanh
nghiệp sẽ song hành củng với đạo đức của doanh nghiệp. Ngược lại, nếu chính phủ
không có những biện pháp chế tài đủ mạnh đối với những hành động phi đạo đức thì sẽ
vô tình tạo điều kiện cho những hành vi này gia tăng.
Tình trạng “loạn thu phí” trông giữ xe đạp, xe máy ở Hà Nội đã tồn tại nhiều năm nay.
Nhu cầu mặt bằng cho các phương tiện đi lại ngày càng gia tăng nhưng cơ sở hạ tầng
không phát triển theo kịp khiến cho các điểm trông giữ xe trái phép mọc lên ngày càng
nhiều. Không những vậy, các điểm trông giữ xe này ngang nhiên thu phí cao gấp nhiều
lần mức quy định. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc và xử lý những trường vi phạm
nhưng tình trạng vẫn tiếp tục diễn ra. Nguyên nhân là do các biện pháp chế tài còn quá
nhẹ, chưa đủ sức răn đe khi người vi phạm chỉ bị phạt 750.000 đồng đối với trường hợp
vi phạm lần 1, phạt 1.000.000 đồng nếu tái phạm, một mức phạt không đáng kể so với
mức siêu lợi nhuận mà việc kinh doanh sai quy định này mang lại.
Chính phủ đóng một vai trò không thể tách rời trong nền kinh tế thị trường và ảnh hưởng
của chính phủ đến đạo đức của doanh nghiệp là điều không phải bàn cãi. Đôi khi chính sự
quản lý kém hiệu quả của chính phủ đối với các hoạt động phi đạo đức mới là nguyên
nhân dẫn đến sự xói mòn đạo đức của các doanh nghiệp chứ không phải là do bản thân
của nền kinh tế thị trường.
Kết luận
Dựa trên những ví dụ ở thị trường Việt Nam, có thể thấy rằng tính đạo đức của doanh
nghiệp trong kinh tế thị trường không thực sự như nhiều người vẫn thường nghĩ. Những
doanh nghiệp hoạt động phi đạo đức sớm hay muộn cũng sẽ phải trả giá cho nhưng hành
vi của họ. Không những vậy, nền kinh tế thị trường còn thúc đẩy các doanh nghiệp hành
xử ngày càng đạo đức hơn bởi lẽ thị trường rất công bằng và luôn hoạt động theo nguyên
tắc “ai phục vụ tốt nhất thì được hưởng nhiều nhất”. Vai trò của chính phủ cũng rất cần
được nói đến bởi lẽ tính đạo đức của các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường phụ
thuộc rất nhiều vào hiệu quả quản lý của chính phủ đối với thị trường.




×