Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

DSpace at VNU: PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI Ở VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU Pham Trung Luong

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (195.02 KB, 10 trang )

Hội thảo “Môi trường và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu”
Hà Nội, ngày12/11/2015

PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI Ở VIỆT NAM
TRONG BỐI CẢNH BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
PGS.TS. Phạm Trung Lương
Viện Môi trường và Phát triển Bền vững
1. Du lịch sinh thái với biến đổi khí hậu
Khái niệm về ''Du lịch sinh thái'' (Ecotourism), với tư cách là một loại
hình/một sản phẩm du lịch cụ thể, đã xuất hiện từ khá lâu trong các nghiên cứu về
du lịch và gần đây là trong các ấn phẩm quảng cáo về du lịch ở các quy mô khác
nhau từ quốc gia, địa phương đến doanh nghiệp. Từ khi xuất hiện khái niệm này vào
những năm 1970, du lịch sinh thái (DLST) đã thu hút được sự quan tâm không chỉ
của các nhà nghiên cứu mà còn của các doanh nghiệp du lịch, các nhà quản lý về du
lịch và của khách du lịch. Tuy nhiên nhận thức về du lịch sinh thái còn có sự chưa
thống nhất, theo đó đối với nhiều người DLST được hiểu đơn giản là sự kết hợp
giữa ý nghĩa của 2 từ ghép ''Du lịch'' và ''Sinh thái'' hoặc được hiểu là du lịch gắn
với thiên nhiên vốn đã xuất hiện từ đầu những năm 1800 (Ashton, 1993). Với khái
niệm này mọi hoạt động du lịch gắn với thiên nhiên như du lịch tham quan thắng
cảnh, du lịch tắm biển, du lịch nghỉ dưỡng,v.v. đều được hiểu là DLST.
Với một cách nhìn khác, Hiệp hội Du lịch Sinh thái Quốc tế đã đưa ra khái
niệm, theo đó: “Du lịch sinh thái là việc đi lại có trách nhiệm tới các khu vực thiên
nhiên mà bảo tồn được môi trường và cải thiện phúc lợi cho người dân địa
phương”.
Khái niệm trên cho thấy DLST không chỉ đơn thuần là du lịch gắn với thiên
nhiên mà DLST còn tạo cơ hội để du khách trải nghiệm, tìm hiểu về thiên nhiên, đặc
biệt về các giá trị sinh thái và đa dạng sinh học và văn hóa bản địa ở những nơi du
khách đến du lịch, qua đó làm tăng thêm nhận thức và trách nhiệm của du khách đối
với việc bảo tồn và phát triển tự nhiên và cộng đồng địa phương.
Ở Việt Nam, DLST đã được quan tâm nghiên cứu từ đầu những năm 1990,
tuy nhiên nhận thức về DLST lần đầu tiên có sự thống nhất tại Hội thảo về “Xây


dựng khung chiến lược cho phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam” do Tổng cục Du
lịch phối hợp với Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) và Uỷ ban Kinh tếXã hội Châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) tổ chức từ 07 - 09/09/1999, theo đó:
“Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hoá bản địa gắn
với giáo dục môi trường, có đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với
sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương”.

1


Hội thảo “Môi trường và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu”
Hà Nội, ngày12/11/2015

Mặc dù hiểu biết về DLST còn có những điểm chưa thống nhất và sẽ được
tiếp tục hoàn thiện trong quá trình phát triển của nhận thức, song những nguyên tắc
cơ bản của DLST đã được thừa nhận cần tuân thủ trong quá trình phát triển của
mình bao gồm :
* Giáo dục nâng cao hiểu biết của du khách về môi trường tự nhiên, qua đó
tạo ý thức tham gia của khách du lịch vào các nỗ lực bảo tồn.
Đây là một trong những nguyên tắc chính của DLST tạo sự khác biệt cơ bản
giữa DLST với các loại hình du lịch tự nhiên khác. Với những hiểu biết mà du
khách có được nhờ tham gia vào hoạt động DLST, thái độ cư xử của du khách được
thay đổi và sẽ thể hiện bằng những nỗ lực hành động tích cực trong việc bảo tồn và
phát triển những giá trị của môi trường tự nhiên và văn hoá bản địa ở khu vực mà du
khách đặt chân đến.
* Góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường và duy trì hệ sinh thái tự
nhiên.
Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản của du lịch sinh thái bởi đó là mục
tiêu của hoạt động DLST và đảm bảo cho sự tồn tại của DLST.
* Góp phần bảo vệ và phát huy văn hoá bản địa.
Là một trong những nguyên tắc quan trọng đối với hoạt động DLST bởi các

giá trị về văn hóa bản địa là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời các giá trị môi
trường tự nhiên đối với một hệ sinh thái cụ thể.
* Tạo thêm việc làm và mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương.
Nếu như các loại hình du lịch dựa vào tự nhiên khác ít quan tâm đến vấn đề
này và phần lớn lợi nhuận từ các hoạt động du lịch đều thuộc về các doanh nghiệp
du lịch thì ngược lại lợi nhuận từ DLST sẽ dành một phần đáng kể để đóng góp cải
thiện môi trường, nâng cao mức sống của cộng đồng địa phương.
Bên cạnh đó DLST sẽ luôn hướng tới việc huy động tối đa sự tham gia của
cộng đồng địa phương vào hoạt động của mình dưới nhiều hình thức dịch vụ: dẫn
viên (guider), lưu trú tại nhà (homestay), cung ứng các nhu cầu về thực phẩm (food
supply), về hàng lưu niệm cho khách (souvenir supply), v.v. Điều này đặc biệt có ý
nghĩa đối với việc giảm sức ép của cộng động sống trong và ở vùng đệm các vườn
quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên lên môi trường và đa dạng sinh học.

2


Hội thảo “Môi trường và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu”
Hà Nội, ngày12/11/2015

Như vậy có thể thấy phát triển DLST sẽ là cách tiếp cận quan trọng của phát
triển bền vững, đảm bảo được sự cân bằng giữa các mục tiêu kinh tế, văn hóa - xã
hội và môi trường cho một lãnh thổ ở những quy mô khác nhau từ địa phương đến
vùng, quốc gia, khu vực và toàn cầu và qua đó sẽ góp phần tích cực vào nỗ lực ứng
phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang có những tác động tiêu cực đến phát
triển bền vững ở Việt Nam cũng như trên phạm vi toàn cầu.
Vậy BĐKH là gì và tác động thế nào đến phát triển kinh tế - xã hội, trong đó
có du lịch?
BĐKH là sự biến đổi trạng thái của khí hậu so với trung bình/hoặc dao động
của khí hậu duy trì trong một khoảng thời gian dài, thường là vài thập kỷ hoặc dài

hơn.
Biểu hiện rõ nhất của BĐKH là hiện tượng nóng lên toàn cầu đã được phát
hiện từ nửa cuối thế kỷ XX và được khẳng định dần qua các kết quả nghiên cứu của
Ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hiệp Quốc từ đầu thập
kỷ 90 của thế kỷ trước đến nay (IPCC-2006). Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu tại Rio
de Janero (1992) với Công ước khung về biến đổi khí hậu (BĐKH), Hội nghị Kioto
(1997) với nghị định thư Kioto, v.v đã là những hiệp ước quốc tế nói lên tầm quan
trọng và tính cấp bách của vấn đề BĐKH, đòi hỏi các quốc gia phải liên kết hành
động nhằm giảm bớt những hiểm hoạ đối với nhân loại trong một tương lai không
xa. Tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới ở Johannesburg (2002) và trước đó là
"Chương trình nghị sự 21" về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, BĐKH tiếp
tục được coi là nguy cơ trọng yếu đối với mục tiêu phát triển bền vũng đòi hỏi sự
chung sức khắc phục của toàn nhân loại. Trong thời gian gần đây, liên tiếp các năm
từ 2009 - 2014 Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc lần lượt được tổ chức tại
Copenhagen (Đan Mạch), Concun (Mexico), Durban (Nam Phi), Doha (Qatar),
Warsaw (Ba Lan) và New York (Mỹ) thể hiện sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng
quốc tế đến BĐKH
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, nguyên nhân của hiện tượng biến đổi khí
hậu 90% là do con người gây ra, 10% là do tự nhiên. Những tác động từ biến đổi khí
hậu đã khiến nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ XX tăng 0,55°C và dự báo sẽ tiếp tục
tăng 2-5°C trong thế kỷ XXI kèm theo hậu quả rất nặng nề cho con người và môi
trường.
Các nghiên cứu cũng cho thấy mỗi năm biến đổi khí hậu có thể làm kinh tế
thế giới tổn thất 1,2 nghìn tỷ USD; khiến hơn 4,5 tỷ người (khoảng 64% dân số toàn

3


Hội thảo “Môi trường và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu”
Hà Nội, ngày12/11/2015


cầu) phải sống tại các khu vực có nguy cơ cao chịu hiện tượng thời tiết cực đoan
như hạn hán, mưa lớn, lũ lụt, bão, lốc xoáy...
Việt Nam được xem là một trong các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng
nhất do tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là do tác động của nước biển dâng, vì
có đường bờ biển dài, dân cư tập trung đông tại các vùng đồng bằng ven biển và các
hoạt động kinh tế phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên và lâm
nghiệp.Theo các số liệu nghiên cứu, trong khoảng 50 năm qua (1958-2007), nhiệt độ
trung bình năm tại Việt Nam đã tăng 0,5-0,7ºC, mực nước biển trung bình đã dâng
thêm 20cm. Những dự báo mới nhất cho thấy nhiệt độ trung bình của Việt Nam có
thể tăng thêm 2,3ºC và mực nước biển có thể dâng thêm 75cm vào năm 2100 và nếu
nước biển dâng từ 75cm đến 1m thì các vùng đồng bằng và ven biển của Việt Nam
sẽ ngập từ 19% đến 38%, gây ảnh hưởng nghiêm trọng trực tiếp đến kinh tế - xã hội
và đời sống người dân ở Việt Nam.
“BĐKH đã làm cho thiên tai ngày càng ác liệt hơn. Bão xảy ra nhiều hơn, đường đi của bão có xu
hướng dịch chuyển về phía Nam; số ngày nắng nhiều hơn; nhiệt độ trung bình trong 30 năm qua tăng
0,5oC; mực nước biển tăng 3mm/năm; mưa lớn dị thường xảy ra nhiều hơn; v.v.”
GS.TS. Trần Thục, Nguyên Viện trưởng Viện KTTV và MT Quốc gia

Đến nay chưa có thống kê, nghiên cứu đầy đủ, toàn diện về tình hình BĐKH
ở Việt Nam nhưng nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đều khẳng định BĐKH
đã và đang diễn ra với những biểu hiện bất thường của thời tiết; sự gia tăng về mức
độ, quy mô và tần suất của các hiện tượng thời tiết cực đoan không theo quy luật
ngày một gia tăng. Sự xuất hiện và tác động trực tiếp của cơn bão số 8 (có tên quốc
tế là Sơn Tinh) với sức gió lên đến trên cấp 12 đến các tỉnh ven biển phía Bắc từ
Quảng Ninh đến Thanh Hóa vào những ngày cuối tháng 10/2012; sự xuất hiện, tác
động của cơn bão số 1 ở khu vực phía Nam vào những ngày đầu năm 2013 và của
siêu bão Hayan với cấp độ lên tới 16 đổ bộ vào vùng duyên hải Đông Bắc vào cuối
tháng 11/2013; đợt nóng khô hạn, đặc biệt ở các tình miền Trung mùa hè năm 2015;
trận mưa lớn kỷ lục ở phía Bắc, đặc biệt ở Quảng Ninh trong tháng 7/2015 là những

minh chứng rõ rệt.
Những tác động trên đã có những ảnh hưởng rất lớn đến phát triển du lịch nói
chung và DLST nói riêng.
Như vậy có thể thấy ở chiều ngược lại, BĐKH sẽ làm thay đổi quy luật diễn
thế theo mùa của các yếu tố khí hậu, đặc biệt là nhiệt độ, lượng mưa vốn đã tồn tại
hàng triệu năm và là nền tảng để hình thành nên sự đa dạng và giá trị của các hệ sinh
thái tự nhiên trên Trái đất nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Sự thay đổi chế độ khí

4


Hội thảo “Môi trường và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu”
Hà Nội, ngày12/11/2015

hậu sẽ làm thay đổi sinh cảnh và môi trường sống (habitat) của nhiều loài sinh vật và
điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tổ chức khai thác các giá trị cảnh quan, sinh thái
và đa dạng sinh học cho phát triển DLST.
Sự dịch chuyển nhiều loài thực vật trên dãy Hoàng Liên Sơn
Sự ấm lên của khí hậu khiến nhiều loài cây trên dãy Hoàng Liên Sơn đang phải dịch chuyển lên phân bố ở đai
cao hơn để tồn tại.
Đây thực sự là khó khăn của vườn quốc gia Hoàng Liên - nơi đang lưu trữ nguồn gen hệ động, thực vật bậc nhất
Việt Nam với gần 2.850 loài, trong đó có 149 loài thuộc quý hiếm, nguy cấp. Điển hình có thông Vân San Hoàng
Liên (một loài thực vật chỉ tìm thấy duy nhất tại đây), trước đây chỉ sinh trưởng ở độ cao 2.200m - 2.400m, thì
nay chỉ có thể gặp ở độ cao 2.400m - 2.700m. Cùng với nó là Thông thích Xi-Pan, Thông thích SaPa trước đây
chỉ sinh trưởng ở độ cao dưới 1.700m nay đã bắt gặp ở độ cao trên 2.000m và một số loài khác cũng đang “leo”
dần lên cao.
Nguồn: Dự án nghiên cứu đánh giá tác động của BĐKH tới các khu bảo tồn của Việt Nam, Tổng cục MT

Suy thoái hệ sinh thái biển tại Kiên Giang
Tại Kiên Giang đã ghi nhận, các hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái về diện tích là HST rạn san hô 700 ha, thảm cỏ

biển 12.000 ha và về số lượng loài có 10 loài cỏ biển, 87 loài san hô. Thêm vào đó là nguy cơ tuyệt chủng của
các loài quý hiếm như Rùa biển, Rùa xanh, Rùa quản đồng hay Đồi mồi, Bò biển, cá ong sư, cá heo xám, cá lưng
gù, các heo mỏ dài…
Nguồn: BĐKH và bảo vệ vùng ven biển, du lịch và bảo tồn thiên nhiên Kiên Giang, TS. Thái Thanh Lượm

Theo nghiên cứu của Tổ chức chim Quốc tế (BirdLife International), dưới tác
động của nước biển dâng, từ 1/4 đến 1/3 tất cả các vùng sinh cảnh tự nhiên then chốt
ở Việt Nam có thể bị tác động. Những khu vực này bao gồm phần lớn các khu bảo
tồn và đề nghị bảo tồn hiện nay của Việt Nam vì chúng thường tập trung trên các
đảo và khu vực bờ biển. Thậm chí đáng chú ý hơn nữa là chỉ với mức dâng nước
biển khá nhỏ (1 m) cũng sẽ tác động hầu hết đến sinh cảnh tự nhiên chủ yếu - và hầu
hết tất cả các điểm bảo tồn sinh cảnh khi mức nước biển dâng cao (5m). Rõ ràng hệ
đa dạng sinh học Việt Nam đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng khi mức nước
biển dâng, thậm chí với hầu hết các kịnh bản BĐKH được xem xét tính toán một
cách thận trọng nhất.
Cùng với sự thay đổi về chế độ khí hậu, BĐKH sẽ làm thay đổi quy luật và
gia tăng về cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan. Hậu quả của tác động
này không chỉ làm suy giảm giá trị tài nguyên DLST, từ đó ảnh hưởng đến chất
lượng sản phẩm DLST mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ
thuật du lịch nói chung và DLST nói riêng; ảnh hưởng đến việc tổ chức các chương
trình (tour) DLST do các doanh nghiệp lữ hành xây dựng.
Như vậy có thể thấy phát triển DLST trong bối cảnh BĐKH là mối quan hệ
hai chiều, một mặt DLST là phương thức phát triển bền vững góp phần tích cực vào
nỗ lực “giảm nhẹ” tác động với BĐKH, mặt khác sự phát triển của DLST bị ảnh
hưởng bởi tác động của BĐKH và vì vậy rất cần phải có được những định hướng
5


Hội thảo “Môi trường và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu”
Hà Nội, ngày12/11/2015


phát triển phù hợp để “thích ứng” với những tác động của BĐKH, đặc biệt là ảnh
hưởng của những hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lốc xoáy, mưa lớn, khô hạn,
v.v.
3. Hiện trạng và những vấn đề đặt ra đối với phát triển DLST ở Việt
Nam
Với đặc điểm tự nhiên, tính đa dạng cao về các hệ sinh thái và đa dạng sinh
học với tư cách là một trong những trung tâm đa dạng sinh học lớn nhất của thế giới,
nơi có tới 02 di sản thiên nhiên thế giới, 01 di sản hỗn hợp, 09 khu dự trữ sinh
quyển, 34 VQG, 58 khu bảo tồn thiên nhiên, 14 khu bảo tồn loài/sinh cảnh và 61
khu bảo vệ cảnh quan, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng rất lớn để phát triển
DLST.
Hoạt động nghiên cứu về phát triển DLST ở Việt Nam mới bắt đầu từ cuối
những năm 90 với một số công trình đáng chú ý như “Cơ sở khoa học cho phát triển
du lịch sinh thái ở Việt Nam”; “Du lịch sinh thái - những vấn đề lý luận và thực tiễn
ở Việt Nam”; “Nghiên cứu đề xuất tiêu chí về khu du lịch sinh thái ở Việt Nam” ;
v.v. Bên cạnh đó một số nghiên cứu có tính ứng dụng đánh giá tiềm năng và bước
đầu đề xuất định hướng phát triển DLST ở hệ thống các vườn quốc gia và khu bảo
tồn thiên nhiên như Cúc Phương, Ba Vì, Cát Bà, Phong Nha - Kẻ Bàng, Cát Tiên,
Côn Đảo, v.v.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2001-2010 đã xác định
DLST là loại hình du lịch được ưu tiên bởi đó chính là phương thức tiếp cận hướng
đến phát triển du lịch bền vững và có những đóng góp tích cực cho nỗ lực xóa đói
giảm nghèo ở Việt Nam.
Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt nam đến năm 2020, tầm nhìn đến
năm 2030, tư tưởng đối với phát triển DLST vẫn được khẳng định song mở rộng
hơn với khái niệm “Du lịch xanh” với nòng cốt là DLST, theo đó một trong 3 mục
tiêu cụ thể của Chiến lược đã xác định: “Phát triển du lịch “xanh”, gắn hoạt động
du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường. Khẳng
định môi trường là yếu tố hấp dẫn du lịch, đảm bảo chất lượng và giá trị hưởng thụ

du lịch, thương hiệu du lịch. Các dự án phát triển du lịch phải tuân thủ theo quy
định của pháp luật về môi trường” nhằm hỗ trợ cho mục tiêu phát triển bền vững và
ứng phó với BĐKH.
Tuy nhiên một chiến lược riêng đối với phát triển DLST ở quy mô quốc gia
cho đến nay vẫn còn chưa được xây dựng. Đây chính là hạn chế cơ bản đối với hoạt
động phát triển DLST ở Việt Nam.
6


Hội thảo “Môi trường và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu”
Hà Nội, ngày12/11/2015

Việc chưa có được một chiến lược phát triển DLST ở tầm quốc gia là một
trong những khó khăn cho phát triển DLST ở các điểm đến có tiềm năng. Tuy nhiên
để có thể khai thác có hiệu quả tiềm năng, đẩy mạnh phát triển DLST, nhiều điểm
đến du lịch như Tràm Chim (Đồng Tháp), Láng Sen (Long An), VQG Côn Đảo (Bà
Rịa – Vũng Tàu), khu bảo tồn Bắc Đèo Cả (Phú Yên), Khu dự trữ sinh quyển Cù
Lao Chàm (Quảng Nam), VQG Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), VQG Xuân
Thủy (Nam Định), Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà (Hải Phòng), VQG Bái Tử Long
(Quảng Ninh), v.v. đã phải xây dựng riêng cho mình chiến lược, quy hoạch hoặc
định hướng phát triển DLST.
Ở Việt Nam, do nhiều điều kiện khách quan và chủ quan, hoạt động phát
triển DLST đích thực theo đúng những khái niệm và nguyên tắc của loại hình du
lịch này chưa thực sự diễn ra trong thực tế. Những biểu hiện của hạn chế này có thể
được tóm tắt bao gồm :
- Phát triển loại hình/sản phẩm DLST còn thiếu những căn cứ khoa học cần
thiết, đặc biệt trong việc xác định “tính hấp dẫn, độc đáo/duy nhất, nguyên bản và
đại diện” của tài nguyên du lịch DLST được khai thác theo các nguyên tắc đặc thù
của loại hình du lịch này. Đây là nguyên cơ bản của tình trạng cho đến nay du lịch
Việt Nam còn thiếu những sản phẩm DLST đặc thù ở cấp độ vùng và ở cấp quốc

gia, để thu hút khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam với tư cách là một trung tâm
của thế giới về đa dạng sinh học.
Nhiều tài nguyên DLST, đặc biệt ở các khu di sản thế giới, các khu dự trữ
sinh quyển, các VQG và khu bảo tồn thiên nhiên có được những đặc tính cần thiết
để phát triển thành sản phẩm DLST đặc thù, song trong thực tế đã không được khai
thác một cách hợp lý, thậm chi còn bị “biến dạng” bởi những “ý tưởng” thiếu căn cứ
khoa học. Ví dụ điển hình là du lịch Phú Quốc nơi cảnh quan tự nhiên - gíá trị được
UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới - đã có sự “biến dạng” ở một
số khu vực bởi sự phát triển của công trình nhân tạo, bởi sự thu hẹp không gian biển
do mật độ xây dựng các công trình dịch vụ du lịch, v.v. Hơn thế nữa, tính “xanh”
trong các dịch vụ du lịch như vận chuyển khách, dịch vụ lưu trú, v.v. chưa được
nhìn nhận và thể hiện một cách đầy đủ để tạo ra tính “đích thực” của loại hình/sản
phẩm DLST.
- Phát triển sản phẩm DLST với mục tiêu kinh doanh ngắn hạn : nhằm giảm
chi phí và tăng thu, nhiều công ty du lịch thay vì phải tiến hành điều tra khảo sát xây
dựng chương trình tour, đánh giá “cung - cầu”, v.v. để xây dựng sản phẩm DLST
phù hợp với xu thế hướng tới du lịch “xanh” đã tiến hành việc “sao chép” sản phẩm
du lịch của các công ty khác. Đây là tình trạng khá phổ biến hiện nay ở Việt Nam
trong phát triển sản phẩm du lịch nói chung, sản phẩm DLST nói riêng. Tình trạng
này cũng là phổ biến đối với việc xây dựng các chương trình DLST tại những điểm
7


Hội thảo “Môi trường và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu”
Hà Nội, ngày12/11/2015

đến du lịch tự nhiên nổi tiếng ở Việt Nam như Hạ Long, Cát Bà, Tràng An, Phong
Nha - Kẻ Bàng, Côn Đảo, v.v.
- Phát triển sản phẩm DLST chưa đúng với bản chất do sự thiếu hiểu biết của
các nhà đầu tư. Thể hiện điển hình nhất của tình trạng này là việc phát triển các sản

phẩm “du lịch sinh thái” - loại sản phẩm du lịch được xem là “xanh” điển hình, theo
đó phần lớn các sản phẩm DLST hiện nay ở Việt Nam đều không đúng với bản chất
của loại hình du lịch này. Việc thiếu nội dung về “giáo dục môi trường”; “có sự
đóng góp cho nỗ lực bảo tồn”; và “có sự tham gia tích cực của cộng đồng” trong cấu
thành sản phẩm DLST được xem là phổ biến trong phát triển DLST ở các điểm đến
tiềm năng ở Việt Nam. Kết quả của tình trạng này đã ảnh hưởng đến “hình ảnh” về
sản phẩm DLST của Việt Nam. Trong nhiều trường hợp điều này đã làm thất vọng
đối với những gì mà khách DLST kỳ vọng ở du lịch Việt Nam nơi có sự đa dạng về
sinh cảnh với tính đa dạng sinh học cao, trong đó có nhiều loài sinh vật quý hiếm có
giá trị toàn cầu.
Thực trạng chung về phát triển DLST trên đây ở Việt Nam, đặc biệt là sự
thiếu vắng những sản phẩm DLST đặc thù đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến
khả năng cạnh tranh, tính hấp dẫn du lịch của điểm đến du lịch Việt Nam, trong đó
yếu tố “sản phẩm DLST” được xem là yếu tố có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, nếu
không nói là quyết định.
Tình trạng phát triển trên về DLST cũng thể hiện đóng góp còn rất hạn chế
của DLST vào nỗ lực chung ứng phó với tác động của BĐKH ở Việt Nam.
Có nhiều nguyên nhân của tình trạng trên, tuy nhiên một trong những nguyên
nhân cơ bản là nhận thức xã hội, đặc biệt nhận thức của các nhà quản lý, về tầm
quan trọng của phát triển DLST đối với việc nâng cao sức cạnh tranh của du lịch
Việt Nam và góp phần vào ứng phó với BĐKH cũng như như năng lực tổ chức thực
hiện nhiệm vụ chiến lược này còn nhiều hạn chế.
3. Một số giải pháp đẩy mạnh phát triển DLST góp phần ứng phó với
BĐKH ở Việt Nam
Căn cứ vào những vấn đề mang tính lý luận và thực trạng phát triển DLST ở
Việt Nam thời gian qua, một số giải pháp cơ bản cần được xem xét thực hiện bao
gồm:
- Cần nâng cao nhận thức xã hội, trước hết là nhận thức của các nhà quản lý
các cấp, về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển DLST, nhất là các sản
phẩm DLST đặc thù, nhằm góp phần nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam

trong bối cảnh hội nhập hiện nay và góp phần tích cực vào nỗ lực ứng phó với
8


Hội thảo “Môi trường và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu”
Hà Nội, ngày12/11/2015

BĐKH ở Việt Nam. Nhận thức này cần được chuyển hóa thành hành động cụ thể
trong hoạt động tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, trong thẩm định các dự án
đầu tư phát triển sản phẩm DLST ở các cấp, từ địa phương đến vùng và quốc gia.
- Dù có thể đã muộn, tuy nhiên rất cần phải xây dựng đề án về “Chiến lược
phát triển du lịch sinh thái Việt Nam” nhằm hỗ trợ cho việc thực hiện các mục tiêu
chiến lược của du lịch Việt nam đồng thời góp phần tích cực thực hiện Chương trình
Nghị sự 21 của Việt nam và nỗ lực ứng phó với BĐKH ở Việt Nam.
- Trên cơ sở định hướng chiến lược về phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam
đã được xác định trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm
nhìn đến năm 2030, cần tổ chức xây dựng một số chương trình hành động cụ thể
phát triển các sản phẩm “Du lịch xanh” đặc thù với nòng cốt là DLST cho từng địa
phương và từng vùng du lịch ở Việt Nam.
Những Chương trình này cần được xây dựng trên cơ sở những nghiên cứu cơ
bản có định hướng về tài nguyên du lịch tự nhiên đặc thù của địa phương/vùng;
khuyến khích và tăng cường tính “xanh” trong phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du
lịch và trong các dịch vụ du lịch với những điều kiện cụ thể ở cấp địa phương và cấp
vùng. Ở đây cần đặc biệt chú trọng đối với việc khai thác các giá trị di sản văn hóa
truyền thống; các tri thức bản địa trong phát triển DLST ở Việt Nam.
- Để có được hướng dẫn cụ thể đối với việc thực hiện các Chương trình hành
động trên đối với các nhà quản lý, các nhà đầu tư, cần thiết phải có được đánh giá
toàn diện có tính hệ thống về hệ thống các sản phẩm DLST, đặc biệt là các sản phẩm
du lịch đặc thù. Trên cơ sở những đánh giá này mới có thể xác định được sản phẩm
du lịch nào cần được “nâng cấp” hoàn thiện theo đúng nguyên tắc của DLST và sản

phẩm DLST đích thực nào cần được phát triển mới.
- Cần nâng cao hiệu quả của hoạt động quản lý và hướng dẫn đối với các dự
án đầu tư phát triển DLST, đặc biệt là phát triển sản phẩm DLST ở các khu di sản
thiên nhiên, các khu dự trữ sinh quyển, các VQG, khu bảo tồn thiên nhiên thông qua
việc xây dựng các tiêu chí và đưa vào áp dụng trong thực tiễn; đẩy mạnh công tác
quy hoạch, quản lý quy hoạch và thẩm định các dự án đầu tư của các cơ quan quản
lý, tư vấn du lịch. Ở đây vấn đề nâng cao năng lực của đội ngũ quản lý và tư vấn du
lịch cần được đặt ra một cách nghiêm túc. Thực tế cho thấy năng lực của đội ngũ cán
bộ trực tiếp quản lý và tư vấn các dự án phát triển du lịch nói chung, phát triển
DLST nói riêng ở Việt Nam còn rất hạn chế. Tình trạng này đã và đang là một trong
những nguyên nhân của những hạn chế đối với phát triển DLST ở Việt Nam như đã
được đề cập ở trên.

9


Hội thảo “Môi trường và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu”
Hà Nội, ngày12/11/2015

- Cơ chế phân cấp xét duyệt các dự án đầu tư phát triển du lịch hiện nay đã
tạo điều kiện để các địa phương chủ động, đẩy nhanh quá trình đầu tư phát triển du
lịch nói chung, phát triển các sản phẩm DLST nói riêng. Tuy nhiên trong điều kiện
hiện nay, khi năng lực thẩm định của các địa phương nhìn chung còn hạn chế, vì vậy
đòi hỏi cần có sự hợp tác liên kết, tham vấn với các cơ quan quản lý, tư vấn vùng và
trung ương đối với những dự án phát triển DLST nói chung và phát triển sản phẩm
DLST có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt đối với những khu vực nhạy cảm về môi
trường sinh thái. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các địa phương nằm trên các
địa bàn trọng điểm phát triển du lịch đã được xác định trong Chiến lược phát triển
du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
- Tăng cường hoạt động bảo vệ môi trường du lịch với việc nâng cao năng

lực và hiệu lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch;
nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách khuyến khích phát triển du
lịch “Du lịch xanh” với nòng cốt là DLST với sự tham gia tích cực của cộng đồng
địa phương.
Việc thực hiện một số giải pháp cơ bản trên đây sẽ góp phần tích cực vào
phát triển DLST, đặc biệt là quá trình hình thành hệ thống các sản phẩm DLST đặc
thù, góp phần tích cực vào nỗ lực bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH ở Việt
Nam cũng như tạo ra sự khác biệt, nâng cao tính hấp dẫn, khả năng cạnh tranh
chung của du lịch Việt Nam./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO :
1. Phạm Trung Lương, nnk.
“Du lịch sinh thái: Những vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam”
NXB Giáo dục, Hà Nội, 2002
2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
“Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030”.
Hà Nội, 2011
3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Báo cáo “Đánh giá tác động và kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu đến lĩnh vực
du lịch”. Đề án “Xây dựng kế hoạch ứng phó với BĐKH của Bộ VHTTDL”.
Hà Nội, 2012.

10



×