Tải bản đầy đủ (.pdf) (2 trang)

DSpace at VNU: Công chúng văn học và quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (63.11 KB, 2 trang )

CÔNG CHÚNG VĂN HỌC
VÀ QUÁ TRÌNH HIỆN ĐẠI HOÁ VĂN HỌC VIỆT NAM
ThS.Phạm Văn Hưng
Khoa Văn học, Đại học KHXH&NV

Trong quá trình hiện đại hoá văn học Việt Nam, các yếu tố của đời sống văn học
nhất là các yếu tố nội tại đã được quan tâm một cách đúng mức nhưng các yếu tố ngoại tại
lại đã từng bị xem là “xã hội học” nên bị bỏ qua hoặc chưa quan tâm đúng mức, trong đó
có mối quan hệ công chúng – tác giả, đặc biệt là vai trò của công chúng văn học trong quá
trình hiện đại hoá văn học Việt Nam.
Trong lịch sử văn học Việt Nam trung đại, vấn đề công chúng văn học gần như
không được đặt ra. Như một số nhà nghiên cứu đã nhận xét: Nhà nho viết văn không để
nông dân đọc và đọc văn không để nông dân nghe. Trong xã hội trung đại, con người sống
và quan hệ với nhau theo phận vị, theo thứ bậc, người đọc tự đi tìm tác phẩm, tác phẩm
văn học là quà tặng chứ không phải mặt hàng. Sang thời cận hiện đại, nhà nho phải tự
bươn trải để kiếm sống, tác phẩm trở thành hàng hoá, bên cạnh đó một số nhà nho duy tân
dùng văn chương làm vũ khí tuyên truyền nên văn chương phải phù hợp với thị hiếu của cả
công chúng thành thị và công chúng nông thôn. Đây là một bước chuyển thầm lặng mà vô
cùng quan trọng. Quan hệ tác giả - công chúng đã chuyển từ quan hệ bề trên - kẻ dưới
thành quan hệ ngang hàng, thậm chí khách hàng phần nào đã là “Thượng đế” theo đúng
cách hiểu của chúng ta ngày nay.
Khi văn học Việt Nam đi lên con đường hiện đại hoá, công chúng văn học dần
chuyển mình trong đó có sự đa tạp của nhóm công chúng là nhà nho, nhóm công chúng là
trí thức tân học, nhóm công chúng là dân nông thôn, nhóm người chỉ biết đọc - viết đơn
thuần và nhóm có học thực sự (biết Nho, biết Pháp, biết quốc ngữ). Tuy nhiên, về cơ bản,
đây vẫn là một công chúng chưa được đào tạo căn bản và đáng tin cậy vì dến 1945 ta vẫn
có 95% dân số mù chữ. Đến 1930, biết chữ và có học mặc định là biết quốc ngữ và được
đào tạo tân học, Tây học. Thêm nữa, phần đông nhóm công chúng này bị giãn cách về mặt
văn hoá với quá khứ nên có những mặt thuận lợi và hạn chế trong tiếp thu di sản truyền
thống của dân tộc. Chính việc truyền bá chữ Quốc ngữ - thứ chìa khoá vạn năng cho công
cuộc hiện đại hoá trên mọi phương diện – đã giúp việc phổ biến văn học ra với đông đảo


công chúng, trong đó có công lao mang tính chuyển tiếp của chữ Nôm. Số độc giả của chữ
Hán hao hụt dần và đến một lúc sẽ không còn đáng kể trong biển công chúng kiểu mới
nữa.
Trong quá trình hiện đại hoá, văn học Việt Nam và cụ thể hơn là các tác giả thường
tiếp thu phương Tây qua con đường Trung Hoa, Nhật Bản. Trừ một số ít người giai đoạn
đầu đượctiếp xúc trực tiếp với Tây học như Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Kí… còn lại
hầu như đều phải đi qua lối mòn này, Ngay khẩu vị của công chúng văn học cũng vậy. Bên
cạnh các mục “Tiểu thuyết Tây diễn Nôm” còn có “Tiểu thuyết Tàu diễn Nôm”, các câu


chuyện nước ngoài được phóng tác cho phù hợp với tinh thần Việt Nam. Những tác gia
Tàu được thâm canh như Từ Trẩm Á là những ca cần được xem xét kĩ. Tuy nhiên sự
chuyển dịch từ con đường này sang việc tiếp nhận trực tiếp là một tất yếu, nó thể hiện ngay
trong vịêc gọi tên các tác gia phương Tây, từ Mạnh đực tư cưu, Lư thoa đến A. France. A.
Gide hay Rimbaud, Lamartine…
Khi bước vào hiện đại hoá, nhà văn là người cung để tạo cầu nhưng khi họ lạc hậu
thì sẽ bị vứt bỏ không thương tiếc. Công chúng văn học ban đầu có thể có sức ỳ lớn hơn
tác giả nhưng đến một lúc nào đó họ sẽ bật dậy nhanh hơn, hiện đại hơn, và cập nhật hơn
cchính các tác giả đã từng hướng đạo họ khi trước. Trường hợp tản Đà nhanh chóng bị
quên lãng, bị vùi dập không thương tiếc sau khi đã từng là cơn gió lạ thổi suốt trong Nam
ngoài Bắc, trường hợp thơ Thái Can bị thờ ơ, trường hợp Tự lực văn đoàn tụt hậu so với
Vũ Trọng Phụng và không được coi là văn đoàn của thế hệ trẻ, trường hợp Tố Tâm bị chê
ngay sau khi ra đời chưa đến chục năm là những ví dụ tiêu biểu… Công chúng văn học rất
sang suốt và vô tư khi chính điều họ yêu thích trước kia bị chê bai mà họ cũng không hề tự
ái. Và một đặc điểm quan trọng là họ phần đông còn rất trẻ, trẻ người và trẻ lòng.
Để đi lên hiện đại hoá, nhà văn phải tự làm mới mình và tự trở nên chuyên nghiệp.
Song song với đó là công chúng cũng phải tự trở thành chuyên nghiệp. Chính vì vậy mà có
lịch sử phê bình, vụ án Truyện Kiều, vụ án chữ Nho, vụ án Dâm hay không dâm… Mối
quan hệ qua lại này sẽ giúp cả công chúng văn học và tác giả cùng trưởng thành “ngang
tầm nhiệm vụ”.

Như vậy, công chúng văn học có một vai trò quan trọng trong hiện đại hoá văn học
Việt nam, giúp đời sống văn học hiện đại trở nên trọn vẹn để đón quá trình hiện đại hoá và
cũng là đương đại hoá.



×