Tải bản đầy đủ (.doc) (6 trang)

Giới thiệu nhà thơ chiến sĩ Thủ Khoa Huân.

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (103.15 KB, 6 trang )

Giới thiệu nhà thơ chiến sĩ Thủ Khoa Huân.
Thủ Khoa Huân (1830 - 1875), tên thật Nguyễn Hữu Huân, là một sĩ phu yêu
nước, là một lãnh tụ khởi nghĩa chống thực dân Pháp ở các tỉnh Miền Đông
Nam Kỳ (Việt Nam).
Thủ Khoa Huân, người làng Mỹ Tịnh An, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định
Tường; nay là xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.
Thưở nhỏ ông thông minh và học giỏi. Năm 1852 (triều Tự Đức), ông dự thi
Hương và đỗ đầu, nên được gọi là Thủ Khoa Huân. Sau đó, ông được bổ
nhiệm làm Giáo thụ huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường.
Khi Pháp xâm lược ba tinh miền Đông Nam kỳ (trong đó có tỉnh Định
Tường, quê ông), cũng giống như nhiều nhà nho yêu nước ở Nam kỳ, ông đã
từ bỏ dạy học, cầm vũ khí đứng lên chống Pháp năm 1860.
Năm 1861, ông cùng nghĩa quân hoạt động trên địa bàn từ Tân An đến Mỹ
Tho. Đầu năm 1862, bị Pháp đánh úp, bắt và giải ông về Sài Gòn. Lựa lúc
đối phương sơ hở, ông trốn thoát được. Đầu năm sau, ông cùng Võ Duy
Dương (Thiên Hộ Dương) chiêu mộ nghĩa binh để khởi nghĩa lần thứ hai.
Tháng 6 năm 1863, lúc ban đêm Pháp bất ngờ đem quân càn quét căn cứ
Thuộc Nhiêu (Cai Lậy, Định Tường), ông chuyển về vùng Thất Sơn (tức
vùng Bảy Núi, An Giang) tiếp tục đấu tranh. Pháp rất lo ngại nên gửi tối hậu
thư, buộc Tổng đốc An Giang là Phan Khắc Thân phải giao nộp Thủ Khoa
Huân cho họ làm tội, viện lẽ ông Huân không tuân theo hòa ước 1862. Án
sát Phạm Hoàng Đạo hay tin tâu lên vua Tự Đức, xin đưa ngay Nguyễn Hữu
Huân về Huế. Thế nhưng do áp lực của người Pháp, tháng 7 năm 1864,
Tổng đốc Thân đã phớt lờ lệnh vua, bắt ông giao nộp cho thực dân.
Sách Nửa tháng trong miền Thất Sơn của Nguyễn Văn Hầu có đoạn: “Sau
khi De la Grandière biết tin Thủ Khoa Huân lẫn trốn ở Thất Sơn, viên sĩ
quan Pháp này buộc Tổng đốc An Giang phải bắt ông Huân, giao cho họ làm
tội. Tổng đốc An Giang không thuận. Tức thời, Doudart de Lagrée được
lệnh đem 500 quân cùng đại bác từ Oudong xuống huy hiếp Thành An
Giang. Trước áp lự đó, Tổng đốc An Giang đành nhượng bộ.” (NXB Trẻ,
2006, tr. 155).


Vợ Thủ Khoa Huân là Lê Thị Lộc đã làm đơn kiện viên quan đầu tỉnh An
Giang về việc đã không tuân theo chiếu chỉ, đồng thời đòi Pháp phải thả
ngay chồng mình. Ở Sài Gòn, dù Pháp đem mọi thứ ra dụ dỗ nhưng ông vẫn
kiên quyết chối từ. Cuối cùng, vào ngày 22 tháng 8 năm 1864, ông bị kết án
10 năm tù khổ sai và bị đày đi Cayenne, là một thuộc địa của Pháp ở Nam
Mỹ.
Về sự việc này, ''Định Tường Thủ Khoa Huân tiểu truyện'' chép:
“Năm Giáp Tý, chính quyền Pháp kết án Nguyễn Hữu Huân mười năm khổ
sai, đày ra biển cả ở Nam Mỹ châu, tục gọi Cai Danh (tức Cayenne, thuộc
Guyane).
Trong ''Hồ sơ cá nhân Đỗ Hữu Phương'' (Dosier Individuel Do Huu Phương
trong Sẻvices Locaux, ký hiệu SL. 312 tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II,
Sài Gòn) cũng cho biết tương tự: “Thủ Khoa Huân, dính líu trong một vụ
phiến loạn, từng bị đày đi Cayenne”. (Dẫn lại theo “Người Việt đầu tiên đi
đày ở Guyane''? trong ''Nhà lao An Nam ở Guyane'', NxbTrẻ, 2008, tr. 116)
Sau 5 năm tù, ngày 4 tháng 2 năm 1869, Pháp cho lệnh ân xá và đưa ông về
quản thúc tại nhà Tổng đốc Đỗ Hữu Phương, đồng thời cử ông làm giáo thọ
dạy bảo "sinh đồ" ở Chợ Lớn với hy vọng lôi kéo ông về phía họ.
Nguyễn Hữu Huân lợi dụng điều kiện đi dạy học, liên lạc với các sĩ phu yêu
nước và hội kín Hoa kiều ''Trường Phát'', nhờ mua vũ khí để chuẩn bị khởi
nghĩa.
Trong khi cuộc khởi nghĩa đang được chuẩn bị khẩn trương, nhờ do thám
nên Pháp bắt được thuyền chở vũ khí.
Trước tình hình bất lợi đó, ông ra lệnh giải tán, bí mật tìm đường về lại Mỹ
Tho họp cùng Âu Dương Lân tiến hành khởi nghĩa lần thứ 3. Lần này dân
chúng theo ông rất đông,trong số đó có cả một số hương chức, hội tề, địa
chủ... địa bàn kháng chiến của ông kéo dài từ Mỹ Tho đến Mỹ Quý - Cai
Lậy.
Đầu năm 1875, thất trận ở Bình Cách, Thủ Khoa cùng tùy tùng là Đốc binh
Hương về Chợ Gạo, dự định quá giang thuyền buôn ra Bình Thuận cầu viện.

Nhưng đốc binh Hương bị Trần Bá Lộc mua chuộc, đã dẫn quân bắt Nguyễn
Hữu Huân ở Chợ Gạo ngày 15 tháng 05 năm 1875, rồi đem giam ông tại Mỹ
Tho.

Sau bốn ngày dùng mọi mưu chước chiêu hàng không thành, Pháp kết án tử
hình Nguyễn Hữu Huân. Trước khi thụ hình, ông nhắn vợ con tế sống mình
trong một tuần và xin vải viết bài thơ tuyệt mệnh và hai câu đối để thờ.
Ngày 19 tháng 5 năm 1875 (14 tháng 4 âm lịch năm Ất Hợi), Pháp cho tàu
chở ông xuôi theo dòng Bảo Định về Mỹ Tịnh An, để hành quyết tại Bến
Tranh lúc 12 giờ trưa. Năm ấy ông 45 tuổi.
***
Không rõ Thủ Khoa Huân có làm nhiều thơ không (1), nhưng chỉ bấy nhiêu
bài còn lại sau đây, bài nào cũng bộc lộ được tinh thần bất khuất, kiên
cường, dám xả thân vì nước Việt của ông.
Cho nên, Nguyễn Hữu Huân được ghi nhận là “một hiện tượng đặc sắc của
văn học yêu nước thế kỷ 19 của Việt Nam: hiện tượng nhà thơ - chiến sĩ.
Bài thơ chữ Hán dưới đây, ông làm trước khi bị chém, nay được tạc nơi bia
mộ ông.
Sau đây là bản dịch của Phan Bội Châu:

Ruổi dong vó ngựa trả thù chung
Binh bại cho nên mạng phải cùng.
Tiết nghĩa vẫn lưu cùng vũ trụ,
Hơn thua xá kể với anh hùng.
Nổi xung mất vía quân Hồ lỗ.
Quyết thác không hàng, rạng núi sông.
Tho thuỷ ngày rày pha máu đỏ,
Đảo Rồng hiu hắt ngọn thu phong.

(Quân Hồ lỗ ý nói quân mọi rợ, ám chỉ giặc ngoại xâm. Tho thủy: Sông Mỹ

Tho. Đảo Rồng: là nơi Thủ Khoa Huân bị chết chém)
Và:
Hai bên thiên hạ thấy hay không ?
Một gánh cương thường, há phải gông.
Oằn oại hai vai quân tử trúc,
Long lay một cổ trượng phu tòng.
Sống về đất Bắc, danh còn rạng
Thác ở thành Nam, tiếng bỏ không
Thắng bại, doanh thâu trời khiến chịu
Phản thần,“đéo ỏa” đứa cười ông!
(Đéo ỏa: tiếng chửi ở miền Nam, sách ''Nguyễn Hữu Huân'' của NXB Trẻ
ghi: ''đéo mẹ'')
Bài thơ ông làm nghe tin vợ dám đi kiện quan đầu tỉnh An Giang, và
đòi Pháp thả chồng:

Xem qua thư gửi rất kinh hoàng
Nhi nữ chà chà cũng lớn gan
Đơn bẩm cuối lòn loài bạch quỷ,
Sân quỳ vất vả phận hồng nhan
Bán mình đâu nệ phiền lòng sắt,
Chuộc tội thà xin trọn nghĩa vàng
Tiết khí dưới trần coi ít mặt,
Cang thường càng chuộng gánh giang san.

Ông làm trước khi bị đày ra đảo Cayenne ở Nam Mỹ:
Muôn việc cho hay số bởi trời
Chiếc thân chìm nổi biết bao nơi
Mấy hồi tên đạn ra tay thử,
Ngàn dặm non sông dạo gót chơi.
Chén rượu Tân đình nào luận tiệc

Vần thơ cố quốc chẳng ra lời.
Cương thường bởi biết mang nên nặng,
Hễ đứng làm trai trả nợ đời.
Nhân nhà Tổng đốc Phương có tiệc, ông làm bài này để đọc cho mọi người
nghe:
Nghĩ thẹn râu mày với nước non
Nhìn nay tùng, cúc bạn xưa còn.
Miếu đường cách trở niềm tôi chúa,
Gia thất riêng buồn nỗi vợ con.
Áo Hán nhiều phen thay vẻ lạ,
Rượu Hồ một mặt đắm mùi ngon
Giang Đông nổi tiếng nhiều tay giỏi,
Cuốn đất kìa ai, dám hỏi đon!
Qua hình ảnh “cây bắp”, để tỏ bày tấm lòng cùng khát vọng của ông:
Luống chịu ba trăng trấn cõi bờ,
Hiềm vì thương chút chúng dân thơ.
Nương oai tích lịch ôm con đỏ,
Vâng lịnh nam phong phất ngọn cờ.
Miễn đặng an nhà cùng lợi nước
Chỉ nài dãi gió với dầm mưa.
Biển hồ dầu lặng, tằm kình bặt
Giải giáp một phen chúng thảy nhờ.
(Oai tích lịch: oai sấm sét)
Hai câu đối do Nguyễn Hữu Huân làm trước khi bị thụ hình, hiện được treo
trang trọng tại bàn thờ của ông.
Hữu chí nan thân, không uổng bách niên chiêu vật nghị,
Tuy công bất tựu, diệc tương nhất tử báo quân ân.
Tạm dịch:
Có chí khôn bày, không uổng trăm năm lời nghị chúng
Tuy công chưa thành, cũng đành một thác báo ơn vua.

(Có dị bản: Duy công bất tựu diệt quyên bất tử báo quân ân, nghĩa là: Dầu
công không đạt được, cũng liều một chết báo ơn vua.).
Hiện nay, mộ và đền Thủ Khoa Huân được xây dựng ngay tại quê nhà của
ông. Ban đầu mộ được đấp bằng đất. Đầu thế kỷ 20, cháu ngoại của ông là
Trần Văn Thông xây lại bằng đá xanh. Trong đền thờ có nhiều hoành phi và
câu đối ca ngợi khí tiết của ông. Và nơi Thủ Khoa Huân bị chém là chợ Phú
Kiết, tỉnh Định Tường xưa. Nơi đấy, cũng có bia tưởng niệm.
Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn.
Chú thích:
(1) Thơ Nguyễn Hữu Huân không có tựa đề, đa phần các sách dựa vào nội
dung để đặt tên cho bài. Và trong thơ của ông, ở một vài câu chữ cũng
không tránh khỏi dị bản. Người soạn dựa vào các nguồn sau, so sánh rồi
chọn ra những câu chữ tạm cho là phù hợp hơn cả: Sách ''Hợp Tuyển Thơ
Văn VN'' 1858-1920 (Huỳnh Lý chủ biên, NXB Văn Học, 1984); Sách ''Thủ

×