Tải bản đầy đủ (.doc) (12 trang)

Tiền là động cơ quan trọng nhất hãy thảo luận về vấn đề này thông qua các học thuyết về tạo động lực

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (131.67 KB, 12 trang )

--------------------------------------------------------------------------------------------------------Chủ đề: “Tiền là động cơ quan trọng nhất” - Hãy thảo luận về vấn đề này
thông qua các học thuyết về tạo động lực
--------------------------------------------------------------------------------------------------------Sự xuất hiện của tiền là phát minh vĩ đại nhất trong quá trình phát triển của xã
hội loài người. Tiền tệ ra đời và tồn tại gắn liền với sự ra đời và tồn tại của sản
xuất hàng hoá, trong đó mọi sự vận động của sản xuất và tiêu dùng đều lấy
đồng tiền làm cơ sở. Mặc dù trải qua rất nhiều giai đoạn phát triển khác nhau
nhưng đồng tiền luôn đóng vai trò là thước đo chung của tất cả các hoạt động
trong nền kinh tế, nó đã thúc đẩy nhanh chóng các hoạt động giao lưu kinh tế
và làm thay đổi bộ mặt của nền kinh tế - xã hội.
Không xét đến bối cảnh nền kinh tế vận hành theo cơ chế kế hoạch hoá tập
trung thống nhất của Nhà Nước do ở đó một số chức năng của đồng tiền đã bị
tê liệt khi nó chỉ đóng vai trò làm “vật trang sức” mà không phản ánh bản chất
của sự vận động kinh tế xã hội, bài viết này sẽ chỉ đề cập đến các vai trò của
tiền xét trong bối cảnh nền kinh tế thị trường mà ở đó đồng tiền được đặt ở
đúng vị trí đích thực của nó để phản ánh đúng quan hệ cung cầu và quy luật
giá trị.


Trong bài viết này, nhóm tác giả sẽ sử dụng lý thuyết về tháp nhu cầu của
Maslow kết hợp với lý thuyết về tạo động lực để phân tích, bình luận vai trò
của tiền đối với đời sống con người. Bài viết cũng thông qua những tình
huống xảy ra trong thực tiễn để phân tích, bình luận và đưa ra tổng kết về chủ
đề thảo luận nêu trên.
Trước hết, nói về lý thuyết nhu cầu của Maslow: được đưa ra vào năm 1943
bởi nhà tâm lý học Abraham Maslow, đây được đánh giá là một trong những
lý thuyết quan trọng nhất của quản trị kinh doanh; đặc biệt là những ứng dụng
cụ thể trong quản trị nhân sự và quản trị marketing. Maslow chia nhu cầu của
con người được thành 05 cấp độ với 02 nhóm nhu cầu chính: nhu cầu cơ bản
(basic needs) và nhu cầu bậc cao (meta needs). Ông đưa ra mô hình tháp như
sau:



Trong mô hình này, nhóm nhu cầu cơ bản của con người bao gồm các yếu tố
mang tính bản năng, bẩm sinh: ăn, uống, ngủ nghỉ... - những nhu cầu không
thể thiếu hụt vì nếu con người không được đáp ứng đủ những nhu cầu này, họ
sẽ không thể tồn tại, do đó họ sẽ đấu tranh để thỏa mãn được nó và tồn tại
trong cuộc sống hàng ngày.
Nhóm nhu cầu bậc cao bao gồm nhiều nhân tố tinh thần như sự đòi hỏi công
bằng, an tâm, vui vẻ, địa vị xã hội, sự tôn trọng, vinh danh với một cá nhân
v.v. - đây là những nhu cầu xuất hiện khi nhóm nhu cầu cơ bản đã được thỏa
mãn. Nói cách khác, các nhu cầu cơ bản thường được ưu tiên chú ý trước so
với những nhu cầu bậc cao này. Một dẫn chứng từ bản thân chúng ta: nếu
thiếu ăn, thiếu uống... chúng ta sẽ không quan tâm đến các nhu cầu về vẻ đẹp,
sự tôn trọng..., hay như thành ngữ Việt Nam có câu “có thực (ăn) mới vực
được đạo (làm những việc cao cả, phi thường)”
Mặc dù sau Maslow đã có nhiều người phát triển lý thuyết này nhưng về cơ
bản mô hình 5 cấp độ như trình bày ở trên vẫn được chấp nhận rộng rãi nhất
cho tới nay.
Vậy lý thuyết Maslow có vai trò như thế nào trong việc phân tích vai trò
của tiền?
Chúng ta thấy rằng 5 cấp độ nhu cầu Maslow đã tổng hợp chỉ ra đầy đủ các
nhu cầu cơ bản của con người ứng với mỗi điều kiện phát triển khác nhau.
Trong xã hội hiện đại, điểm lại các cách thức và công cụ mà con người đã và
đang vận dụng để thỏa mãn nhu cầu của chính mình, ta đều dễ dàng nhận thấy


vai trò của tiền xuất hiện trong tất cả các tình huống giải quyết nhu cầu ở từng
cấp độ khác nhau, trong đó:
- Con người cần có tiền để thỏa mãn nhóm các nhu cầu cơ bản: mua các nhu
yếu phẩm đáp ứng cho nhu cầu ăn, ở, mặc, nghỉ ngơi, chữa bệnh…
- Con người thông qua tiền làm công cụ để thỏa mãn nhóm các nhu cầu bậc

cao: tham gia cộng đồng, được đóng góp, được tôn trọng hoặc được thể hiện
mình…
Nhu cầu của con người trong xã hội hiện nay không đơn thuần theo đúng các
cấp độ mà thuyết Maslow đã tổng kết, nhu cầu đó là sự đan xen của các cấp
độ nhu cầu khác nhau. Nói cách khác, con người có thể cùng lúc có những
nhu cầu thuộc các cấp độ khác nhau, không nhất thiết tuân theo quy luật: nhu
cầu ở cấp độ thấp phải được thoả mãn trước khi nghĩ đến các nhu cầu ở cấp độ
cao hơn, các nhu cầu ở những cấp độ khác nhau nhưng đều có sự thôi thúc
mãnh liệt như nhau, thậm chí các nhu cầu ở cấp độ cao (sự thể hiện mình, nhu
cầu được quý mến - tôn trọng hay sự tham gia vào cộng đồng) còn được ưu
tiên đáp ứng trước các nhu cầu cơ bản (ăn uống, nghỉ ngơi…).
Với mỗi người, sự xuất hiện nhu cầu luôn đi kèm với sự thôi thúc mãnh liệt
được thỏa mãn nhu cầu đó và trong bối cảnh nền kinh tế thị trường mà mọi giá
trị đều được thể hiện thông qua tiền thì một điều hiển nhiên rằng con người
cần phải có tiền để thỏa mãn nhu cầu của mình. Nói cách khác, chính những
nhu cầu của con người đã tạo ra cho họ những động cơ mạnh mẽ để vận động,
để phấn đấu nhằm kiếm tiền để thỏa mãn nhu cầu.
Vậy, tiền có phải là động cơ quan trọng nhất?


Trước hết, cần khẳng định rằng: tiền là vô cùng quan trọng bởi nó giúp cho
con người thỏa mãn được hầu hết các cấp độ nhu cầu của mình, đặc biệt trong
điều kiện nền kinh tế thị trường như hiện nay khi tất cả các giá trị trao đổi đều
được định giá bằng tiền. Đa số trong chúng ta dành phần nhiều quỹ thời gian
và công sức cho mục đích kiếm tiền. Có tiền, chúng ta có thể dễ dàng mua
những nhu yếu phẩm phục vụ cho nhu cầu mang tính bản năng, bẩm sinh của
con người; có tiền chúng ta có điều kiện tham gia mạnh mẽ vào các hoạt động
mang tính xã hội và cộng đồng một cách dễ dàng. Không có tiền, chúng ta
không thể có điều kiện để mặc sức sáng tạo và thể hiện mình; một người
không có tiền khó có thể được xã hội coi là một người thành đạt. Sự thiệt thòi

của việc không có tiền cũng đã và đang từng ngày, từng giờ hiển hiện trong
cuộc sống của chính chúng ta:
Có những người không đủ tiền trang trải chi phí cho một cuộc phẫu thuật, điều
trị bệnh, dù y học có thể chữa được căn bệnh của họ.
Hoặc có những em học sinh học rất giỏi, thi đỗ vào đại học nhưng rồi đành bỏ
cuộc vì điều kiện kinh tế gia đình quá nghèo không thể trang trải nổi chi phí
cho 4 năm đại học. Các em phải ra đời, bươn chải kiếm sống. Có thể với năng
lực thực sự các em cũng sẽ tìm ra hướng đi cho mình để thành công, tuy nhiên
nếu việc học tập không bị dang dở thì con đường của các em cũng bớt gian
nan hơn rất nhiều.
Rất ít người trong số chúng ta không phải hàng ngày hàng giờ đối mặt với
những nỗi lo cơm áo gạo tiền. Chúng ta vất vả làm việc, chấp nhận chịu đựng
áp lực hoặc luôn luôn trăn trở tìm kiếm những cơ hội việc làm tốt hơn chung


quy lại cũng đều xuất phát từ động cơ muốn kiếm được nhiều tiền hơn để
trang trải cuộc sống và thỏa mãn các nhu cầu đa cấp độ của chính chúng ta.
Vai trò quan trọng của tiền đối với mỗi chúvg ta là điều không thể phủ nhận.
từ cổ chí kim, đã có rất nhiều những ngạn ngữ, danh ngôn đúc kết về điều này
mà chúng ta đều biết. Người Việt Nam chắc đã rất quen thuộc với câu nói trào
lộng: "Vai mang túi bạc kè kè. Nói bậy, nói bạ, chúng nghe rầm rầm”, mặc dù
ý nghĩa của nó có phần tiêu cực nhưng là sự đúc rút đầy thực tế về sức mạnh
của đông tiền mà hầu hết người Việt đều không thể không chia sẻ sự đồng
tình.
Người phương Tây sống trong một xã hội hiện đại và có đời sống vật chất tinh
thần ở mức rất cao, nền văn minh của họ đi trước mặt bằng văn minh của phần
thế giới còn lại hàng vài chục năm nhưng tiền vẫn luôn có vai trò rất quan
trọng đối với họ. Đã có rất nhiều những câu nói đúc rút về tầm quan trọng của
tiền:
Clinton Jones nói:“Chưa bao giờ tôi gặp một tình huống mà tiền chỉ làm cho

câu chuyện tồi tệ đi.”
Bo Derek: “Người nào nói rằng tiền không mua được hạnh phúc rõ là không
biết đi shopping ở đâu.”
Spike Milligan:“Hãy cho tôi một cơ hội để chứng minh là tiền không mua
được hạnh phúc.”
Henry Youngman: “Hạnh phúc để làm gì cơ chứ? Nó có mua được tiền đâu.”


Jenny Marx, vợ Karl Marx: “Tôi ước rằng Karl dành nhiều thời gian hơn để
kiếm tiền (tư bản), hơn là chỉ có viết về nó.”
Tuy nhiên, dù với tất cả những vai trò rất quan trọng nêu trên, tiền vẫn không
thể được coi là động cơ quan trọng nhất trong mọi trường hợp. Cuộc sống
còn có rất nhiều phạm trù giá trị mà chúng ta không thể dùng tiền để đánh đổi
được. Báo The Age của thành phố Melbourne, Australia, ngày 03/07/2006, có
đăng một bài với tựa đề rất trang trọng: “Tiền bạc có mua được hạnh phúc
không? Đây là câu trả lời chính thức: tiền bạc không mua được hạnh phúc”.
Theo bài báo này, công trình nghiên cứu của Đại học Princeton đã đi đến kết
luận rằng: “Trong khi đại đa số tin rằng có thêm thu nhập có thể làm người
ta hạnh phúc hơn, thì các nhà nghiên cứu thuộc viện đại học Princeton
University khám phá rằng sự liên hệ này đã bị thổi phồng quá đáng và hầu
như chỉ là ảo tưởng." (Bài đăng trên website www.tinlanh.org.au)
Trở lại lý thuyết về nhu cầu của Maslow, chúng ta thấy rằng, con người trong
một xã hội văn minh ngoài những nhu cầu cấp thiết mang tính bản năng bẩm
sinh: ăn mặc, ở, đi lại… còn có những nhu cầu ở cấp độ cao hơn, đó là mong
muốn được đảm bảo về sức khỏe, được tôn trọng hoặc được tự do sáng tạo,
thể hiện mình… Đến một giai đoạn nào đó, khi các cấp độ nhu cầu căn bản đã
được đáp ứng thì vai trò của tiền cũng sẽ dần bị lu mờ đi, có rất nhiều tình
huống trong đời sống thực tế minh chứng cho điều này:
Bạn biết rằng công việc hiện tại đang mang lại cho bạn thu nhập rất cao so với
khả năng thực tế của bạn nhưng đổi lại, bạn đang phải làm việc trong môi

trường độc hại và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bạn, vậy bạn sẽ lựa


chọn tiếp tục công việc để duy trì mức thu nhập cao mà bạn đang có? Nếu tôi
ở vào vị trí của bạn, câu trả lời của tôi là KHÔNG bởi tiền bạc không thể bảo
đảm mang lại cho tôi sức khỏe. Bạn phải chứng kiến những con người đang
ngày đêm vật lộn với các căn bệnh nan y vô phương cứu chữa, bạn mới thấy
sức khỏe quan trọng đến nhường nào.
Hay một sự đánh đổi khác: Bạn đang có một công việc với mức thu nhập khá
cao so với các bạn bè của mình nhưng đổi lại, bạn chưa bao giờ có cảm được
ông chủ tôn trọng. Trong mọi giao tiếp về công việc, ông ta luôn quan niệm
rằng bạn chỉ là người làm thuê, các ý kiến của bạn không bao giờ được coi
trọng. Vậy bạn sẽ bằng lòng tiếp tục với công việc đang có và chấp nhận sự
đối xử phân biệt của ông chủ? Nếu tôi là bạn, câu trả lời dứt khoát của tôi
cũng là KHÔNG bởi con người sống trong bất kỳ điều kiện hay hoàn cảnh nào
cũng đều có một nhu cầu chung là được tôn trọng, tiền bạc có thể mua được
nhiều thứ nhưng phạm trù giá trị con người lại là thứ không mua được bằng
tiền
Có rất nhiều những nhà khoa học đã dành cả cuộc đời mình cho các công trình
nghiên cứu khoa học mà động cơ duy nhất của họ chỉ là tìm ra hoặc khẳng
định một chân lý, một chỉ hướng cho người đi sau. Và rất nhiều các công trình
nghiên cứu có ý nghĩa thực tiễn lớn lao đối với nền văn minh nhân loại nhưng
được khởi đầu từ sự say mê sáng tạo, từ sự thôi thúc được khẳng định mình
của các nhà khoa học mà tuyệt nhiên không ai có thể tìm thấy dấu hiệu của
động cơ tiền bạc trong đó.


Một trường hợp điển hình trong đời sống hiện đại đó là Bill Gates - người đàn
ông thành đạt và giàu có nhất thế giới. Sau thành công cùng tập đoàn
Microsoft ông đã dùng số tiền có được để làm từ thiện, thành lập các quỹ hỗ

trợ để giúp thúc đẩy sự phát triển về giáo dục và y tế tại các nước nghèo. Việc
làm của ông chắc chắn cũng không xuất phát từ ý tưởng kinh doanh hoặc động
cơ kiếm tiền.
Thời báo Time cho biết, hai vợ chồng tỷ phú Bill và Melinda Gates đã bỏ ra
29 tỷ USD để làm từ thiện “nhanh hơn bất kỳ ai khác”. Tổ chức Bill và
Melinda Gates (BMF) đã cứu ít nhất 700.000 người bằng các chương trình
tiêm chủng vắcxin, tặng máy tính và giúp nối mạng cho 11.000 thư viện thế
giới cũng như tài trợ quỹ học bổng lớn nhất lịch sử.
Từ khi BMF được thành lập năm 2000 đến nay, vợ chồng tỷ phú Mỹ này “đã
thay đổi lĩnh vực y tế toàn cầu, đẩy các bệnh tật gây ra từ đói nghèo lên điểm
chú ý và làm hồi sinh các nguyên tắc hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ
nghiên cứu ký sinh học đến khoa học vắcxin” - (tác giả Geoffrey Cowley viết
trên tờ Newsweek ngày 19/12/2005).
Nước Mỹ có nhiều tỷ phú làm từ thiện nhưng hầu hết đều ngồi trên ghế bành
salon và điều khiển chương trình tài trợ, còn vợ chồng Bill Gates, họ đích
thân đến tận những địa điểm đói nghèo, lạc hậu và khốn khó. Năm 1992, Bill
Gates từng tặng ngân sách từ thiện hơn 21 triệu USD (chủ yếu cho các tổ
chức từ thiện địa phương và trường học tại Mỹ). Lúc đó, gia sản Bill Gates
chỉ mới 8 tỷ USD (Trích từ bài “Tỷ phú Bill Gates: Một tấm lòng cho toàn cầu”
đăng trên website www.vnn.vn ngày 04/04/2006).


Ngày nay, khi đời sống vật chất của con người đã được nâng cao, nhu cầu của
con người có xu hướng chú trọng dần vào các yếu tố tinh thần thì tiền
không còn giữ vai trò là động cơ tối thượng. Trong các tổ chức, người
lãnh đạo cũng đã nhìn nhận được vấn đề này và có những điều chỉnh
trong chính sách đãi ngộ đối với người lao động. Cơ chế tạo động lực
bằng tiền vẫn còn nguyên giá trị nhưng nó không còn được xem như
phương cách duy nhất. Yếu tố lương cao không còn có ý nghĩa quyết
định nếu tổ chức không có các cơ chế nhằm khích lệ về mặt tinh thần

cho nhân viên: chính sách khen thưởng một cách công bằng và kịp thời;
sự ghi nhận đối với nhân viên; các chính sách phúc lợi: quan tâm đến
đời sống riêng; giảm stress cho nhân viên… “Các nhân viên hiểu rằng
làm việc chăm chỉ không cần thiết phải được trả lương cao mà chúng
được thay thế bằng khả năng khen thưởng của Công ty và sự thỏa mãn
các nhu cầu cá nhân” (Trích nội dung Chương 5 - Động lực và phác
thảo công việc môn Quản trị hành vi tổ chức Chương trình GaMBA Đại
học GRIGGS - ETC), việc khen thưởng đối với nhân viên cũng được
khuyến nghị theo cách thức để người được khen thưởng cảm nhận được
rằng “Chúng tôi đánh giá cao những gì mà anh đã mang lại cho
công ty. Công sức đó không thể tính đếm bằng tiền”(Theo Essortment
- Gia Nam dịch trong bài “Đừng lãng quên những cố gắng của nhân
viên” đăng trên www.dantri.com.vn ngày 20/04/2007)
Thay lời kết:


Dù trong bất kỳ một điều kiện/ hoàn cảnh kinh tế nào, đồng tiền luôn có vai
trò và vị trí quan trọng trong việc giúp giải tỏa các nhu cầu cuộc sống của con
người. Nhu cầu của co người là vô cùng và để thỏa mãn được nó nhất thiết
phải thông qua tiền, vì vậy nó tạo cho chúng ta động lực để làm việc và cống
hiến. Tuy nhiên, mỗi người trong chúng ta đều cần hết sức thận trọng với vai
trò chi phối của đồng tiền trong cuộc sống của mình. Sự đề cao quá mức dành
cho nó có thể sẽ đẩy chúng ta vượt qua các giới hạn của đạo đức, vi phạm
những chuẩn mực chung của xã hội và gánh chịu những hậu quả không thể
lường trước. Đứng trước sức hấp dẫn của tiền, hãy cùng nhớ những điều sau
đây:
Có tiền, ta có thể mua được một ngôi nhà nhưng không mua được một tổ
ấm
Có tiền, ta có thể mua được đồng hồ nhưng không mua được thời gian
Có tiền, ta có thể mua được chiếc giường nhưng không mua được giấc

ngủ
Có tiền, ta có thể mua được một cuốn sách nhưng không mua được kiến
thức
Có tiền, ta có thể đến khám bác sĩ nhưng không mua được một sức khỏe
tốt
Có tiền, ta có thể mua được địa vị nhưng không mua được sự nể trọng
Có tiền, ta có thể mua được máu nhưng không mua được cuộc sống
Có tiền, ta có thể mua được thể xác nhưng không mua được tình yêu


Hà Nội, ngày 22 tháng 06 năm
2009



×