Tải bản đầy đủ (.docx) (11 trang)

Tiểu luận luật hình sự 2015, sđ bs 2017 đánh bạc, gá bạc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (90.89 KB, 11 trang )

1

Đề tài số 17: Phân tích các dấu hiệu pháp lí của tội đánh bạc? Phân biệt tội
đánh bạc với tội gá bạc?

Lời mở đầu
Công cuộc đổi mới xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội
chủ nghĩa với xu thế Toàn cầu hóa- Hội nhập hóa đã đem lại “bộ áo mới” cho
đất nước ta. Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, song cũng bộc lộ không
ít những hạn chế với việc chuyển biến tình hình tội phạm ngày một phức tạp hơn
bên cạnh việc xuất hiện những tội phạm mới thì những tội phạm điển hình, tiêu
biểu ngày một diễn biến nghiêm trọng, trong đó có nhóm Các tội xâm phạm an
toàn công cộng, trật tự công cộng. Với “tệ nạn cờ bạc” đặc trưng, tiêu biểu trong
nhóm tội phạm này, phát triển một cách nhanh chóng do một bộ phận không nhỏ
người dân thất nghiệp, thiếu việc làm, văn hóa lối song trụy lạc, thực dụng, sự
buông lỏng của gia đình, xã hội đã làm tha hóa bản thân trở thành những con
bạc, tham gia vào những canh bạc đỏ đen với mong muốn đổi vận đổi đời. Cùng
với sự gia tăng ngày một lớn về quy mô, số lượng và tính nghiêm trọng, phức
tạp của các vụ án “tổ chức đánh bạc”, những vấn đề đó đã khiến xã hội ngày một
“xuống cấp” bởi những hệ lụy mà nó mang lại gây mất trật tự trị an, an toàn xã
hội. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, người viết sẽ triển khai đề tài: “Phân tích các
dấu hiệu pháp lí của tội đánh bạc? Phân biệt tội đánh bạc với tội gá bạc? ”.


2

I. Sơ lược lịch sử về sự hình thành cơ sở pháp lí tội đánh bạc, tội gá bạc
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Nhà nước ta đã nhìn nhận rất xác
đáng và khách quan về hành vi đánh bạc, trong Sắc lệnh số 168-SL ngày
14/04/1948 của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã coi hành vi đánh bạc
là tội phạm và ấn định hình phạt với tội đánh bạc. Trải qua nhiều biến cố lịch sử,


đến năm 1985, nước ta ban hành Bộ luật hình sự đầu tiên với tội danh và khung
hình phạt được quy định tại điều 200 (Điều 200 Tội đánh bạc, tội tổ chức đánh
bạc hoặc gá bạc). Đến năm 1999, Quốc hội đã thông qua Bộ luật hình sự năm
1999, tại Bộ luật này đã tách tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc
thành hai điều luật riêng biệt. Theo đó, tội đánh bạc được quy định tại Điều 248
và tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc quy định tại Điều 249 BLHS. Tiếp đến, do
sự phát triển của tình hình kinh tế, xã hội đất nước, và tình hình nhu cầu cải cách
tư pháp nói chung tại Nghị quyết số 48-NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn
thiện và hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020,
và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp
đến năm 2020, nên ngày 19/6/2009 tại kỳ họp thừ 5 Quốc Hội khóa XII, Quốc
hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2009, trong
đó đã sửa đổi, bổ sung tội đánh bạc tại Điều 248 BLHS chủ yếu về mức tiền
đánh bạc, còn về cơ bản các dấu hiệu cấu thành tội đánh bạc được giữ nguyên.
Chưa dừng lại tai đó, đến năm 2015, Quốc Hội khóa XIII tại kì họp thứ 10 đã
thông qua Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/07/2016. Tuy nhiên
do những sai sót không mong muốn nên Bộ luật hình sự năm 2015 đã bị tạm
ngừng thi hành. Đến năm 2017, để đáp ứng nhu cầu mong mỏi trong nước, Quốc
Hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình
sự số 100/2015/QH13 (Luật số 12/2017/QH14) có hiệu lực từ ngày 01/01/2018

1

trong đó, hai tội danh quy định tại Điều 321 Tội đánh bạc và Điều 322 Tội tổ
chức đánh bạc hoặc gá bạc đã có những thay đổi đáng kể để góp phần hoàn thiện
1 Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/06/2017 về việc thi hành Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa
đổi, bổ sung một số điều theo luật số 12/2017/QH14 và hiệu lực thi hành của Bộ luật tố tụng hình sự số
101/2015/QH13, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam số
94/2015/QH13.



3

công tác áp dụng pháp luật tại Việt Nam và phục vụ quá trình đấu tranh phòng
chống tội phạm tại nước ta.
II. Phân tích các dấu hiệu pháp lí của tội đánh bạc
Theo lí luận về khoa học luật hình sự, dấu hiệu pháp lí là các yếu tố tồn
tại trong một chỉnh thể quy định trong luật hình sự. Tổng hợp các dấu hiệu pháp
lí đặc trưng của từng tội phạm được quy định trong luật hình sự là cấu thành tội
phạm của tội phạm đó 2. Phân tích các dấu hiệu pháp lí của tội phạm chính là
phân tích cấu thành tội phạm của một tội nào đó. Cấu thành tội phạm bao gồm
bốn yếu tố là khách thể của tội phạm, mặt khách quan của tội phạm, chủ thể của
tội phạm và mặt chủ quan của tội phạm. Theo đó cấu thành tội phạm của tội
đánh bạc như sau.
1. Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ khỏi
sự xâm hại của tội phạm và bị tội phạm xâm hại đến. Tại điều 8 Bộ luật hình sự
năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy
định về khách thể của tội phạm trong đó có “xâm phạm nền văn hóa,… trật tự,
an toàn xã hội”. Cụ thể với khách thể của tội đánh bạc, tội phạm này xâm phạm
đến trật tự công cộng và nếp sống văn hóa, và còn có thể là tính mạng, sức khỏe
và tài sản cuẩ công dân. Bởi đánh bạc là một tệ nạn xã hội thường dẫn đến các
hậu quả nghiêm trọng khác như giết người, cố ý gây thương tích, cướp của, trộm
cắp... những điều trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự trị an, đời sống công
cộng của xã hội.
2. Mặt khách quan của tội phạm
Mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện của tội phạm diễn ra
hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan. Trong tội đánh bạc, mặt khách quan
của tội phạm thể hiện ở hành vi đánh bạc trái phép dưới bất kì hình thức nào
được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ 5.000.000 đồng trở lên hoặc dưới

5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc
2 Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung) trang 58, NXB Chính trị
Quốc gia, năm 2014.


4

hành vi tại Điều 322 của Bộ luật hình sự hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội
quy định tại Điều 322 của Bộ luật hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi
phạm.
Tại điều 1 khoản 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP (ngày 22/10/2010)
giải thích về hành vi “đánh bạc trái phép” là hành vi đánh bạc được thực hiện
dưới bất kì hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà
không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà
nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong
giấy phép được cấp. Mặc dù không quy định các hình thức đánh bạc cụ thể, song
từ những cơ sở pháp lí đã có, có thể thấy hình thức đánh bạc diễn ra khá đa
dạng, phong phú theo nhiều hình thức, cách thức tổ chức với quy mô khác nhau
như: sóc đĩa, chơi số đề, số lô, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa, chọi gà, đánh bài
bao gồm tá lả, ba cây, tổ tôm, chắn, sâm, liêng,… Trong giải thích tại khoản 1
điều 1 Nghị quyết số 01, lại xuất hiện khái niệm “tiền hay hiện vật”, cụ thể là
tiền hay hiện vật dùng đánh bạc, theo đó tại điều 1 khoản 3 Nghị quyết số
01/2010/NQ-HĐTP cũng giải thích về khái niệm theo hướng liệt kê bao gồm:
điểm a) tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc;
điểm b) tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ
xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc; điểm c) tiền hoặc hiện vật thu
giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng
đánh bạc. Tiền có thể là tiền Việt Nam Đồng hay ngoại tệ; hiện vật có thể là tài
sản, như: ô tô, xe máy, nhà cửa, gia súc, hàng hóa,…hoặc bất cứ tài sản nào khác
mà các bên trong chiếu bạc thỏa thuận được với nhau dùng để đánh bạc.

Khi xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc cần phân biệt rõ những
trường hợp sau. Thứ nhất, trường hợp nhiều người cùng tham gia đánh bạc với
nhau thì việc xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc đối với từng người
đánh bạc là tổng số tiền, giá trị hiện vật của những người cùng đánh bạc. Thứ
hai, trường hợp đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua
ngựa…thì một lần chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa…(để tính là một


5

lần đánh bạc) được hiểu là tham gia chơi trong một lô đề, tham gia cá độ trong
một trận bóng đá, tham gia cá độ trong một kì đua ngựa… và trong đó, người
chơi có thể tham gia chơi làm nhiều đợt. Trách nhiệm hình sự được xác định đối
với người chơi một lần đánh bạc trong các trường hợp này là tổng số tiền, giá trị
hiện vật dùng để chơi trong các đợt đó; kể cả mỗi đợt chơi người phạm tội sử
dụng số tiền từ 5.000.000 đồng trở lên thì cũng không được áp dụng tình tiết
tăng nặng “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 điều 52 Bộ luật
hình sự.
Về hậu quả của tội đánh bạc, tội đánh bạc có cấu thành tội phạm hình
thức nên tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm người phạm tội có hành vi đánh
bạc, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc. Theo hướng dẫn tại Điều 1 của
Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP:
“2. Khi xác định trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc không được tính
tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà
phải căn cứ vào từng lần đánh bạc để xem xét, cụ thể như sau:
a. Trong trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần
đánh bạc đều dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (dưới
5.000.000 đồng) và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu
trách nhiệm hình sự (đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của
BLHS, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm) thì người đánh bạc không phải

chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc;
b. Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của lần đánh bạc nào
bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 5.000.000 đồng
trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với lần đánh
bạc đó.
c. Trường hợp đánh bạc từ hai lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng
đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách
nhiệm hình sự (từ 5.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu


6

trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết tăng nặng “phạm tội từ 02 lần
trở lên” theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự.
d. Trường hợp đánh bạc từ năm lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng
đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách
nhiệm hình sự (từ 5.000.000 đồng trở lên) và lấy tiền, hiện vật do đánh bạc mà
có làm nguồn sống chính thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình
sự về tội đánh bạc với tình tiết định khung “phạm tội có tính chất chuyên
nghiệp” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 322 Bộ luật hình sự….”
3. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách
nhiệm hình sự.
4. Mặt chủ quan của tội phạm
Tội đánh bạc được thực hiện với lỗi cố ý. Động cơ phạm tội là sát phạt
nhau, tư lợi. Mục đích phạm tội là nhằm tước đoạt tiền bạc, tài sản của nhau.
5. Hình phạt
Khung hình phạt tại khoản 1: người phạm tội bị phạt tiền từ 20.000.000
đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc phạt
tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Khung hình phạt tại khoản 2: người phạm tội bị phạt tù từ 03 năm đến 07
năm.
Hình phạt bổ sung: ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị
áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
III. Phân biệt tội đánh bạc với tội gá bạc
1. Cơ sở pháp lí


7

Tội đánh bạc được quy định tại điều 321 Bộ luật hình sự; còn tội gá bạc
được quy định tại điều 322 Bộ luật hình sự, quy định cùng tội tổ chức đánh bạc.
Về bản chất, điều 322 Bộ luật hình sự quy định hai tội danh trong cùng một điều
luật, đó là tội tổ chức đánh bạc và tội gá bạc.
2. Khách thể của tội phạm
Cùng là tội phạm trong Chương XXI Các tội xâm phạm an toàn công
cộng, trật tự công cộng nên khách thể của tội đánh bạc và tội gá bạc giống nhau,
tội phạm đều xâm phạm đến trật tự công cộng và nếp sống văn hóa xã hội.
3. Mặt khách quan của tội phạm
Mặt khách quan giữa tội đánh bạc và tội gá bạc có những điểm khác
nhau cơ bản. Tội đánh bạc có hành vi khách quan thể hiện ở hành vi đánh bạc
trái phép dưới bất kì hình thức nào đươc thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ
5.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị kết án về tội này
hoặc tội tổ chức đánh bạc, gá bạc, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Còn
tội gá bạc có hành vi khách quan là dùng nhà ở hay một địa điểm khác của mình
hoặc thuê, mượn của người khác để cho những người khác đánh bạc. Thêm nữa,
so với mặt khách quan của tội đánh bạc thì tội gá bạc có hành vi khách quan “sử
dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lí của mình để cho 10 người đánh
bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá
5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc chiếu bạc trở lên trong cùng một

lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên (điểm
b khoản 1); “Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có
lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc; khi đánh bạc có phân công
ngưòi canh gác, người phục vụ, sắp đặt lối thoát khi khi bị vây bắt, sử dụng
phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc (điểm d khản 1)”; hay người thực
hiện hành vi gá bạc nêu trên nếu không thuộc trường hợp trên thì phải thuộc
trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi đánh bạc và hành vi tổ chức
đánh bạc hoặc gá bạc hoặc bị kết án về tội tổ chức đánh bạc, gá bạc hoặc đánh


8

bạc chưa được xóa án tích mà còn vi phạm (điểm đ khoản 1) thì mới bị truy cứu
trách nhiệm hình sự về tội này. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội gá bạc,
trong trường hợp tách riêng điều luật 322. Cũng cần lưu ý hành vi gá bạc phải là
trái phép, tức là không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép.
Trong hành vi gá bạc (chứa chấp việc đánh bạc) nhất thiết phải lấy tiền (tiền hồ)
thì mới bị coi là gá bạc; nếu vì nể nang mà cho người khác dùng địa điểm thuộc
quyền sở hữu, quản lý của mình sử dụng để đánh bạc thì không bị coi là gá bạc.
Như vậy, dấu hiệu bắt buộc để xác định có hành vi gá bạc hay không là có thu
tiền hồ hay không.
Người thực hiện hành vi gá bạc có thể đồng thời là người đánh bạc và tổ
chức đánh bạc. Tại đây, cũng cần phân biệt hành vi khách quan của tội tổ chức
đánh bạc với hành vi khách quan của tội gá bạc, theo đó, hành vi khách quan của
tội tổ chức đánh bạc thể hiện ở hành vi rủ rê, lôi kéo, dụ dỗ, tụ tập những người
khác vào việc đánh bạc. Người đánh bạc có thể đồng thời là người tổ chức đánh
bạc. Trong trường hợp trên, người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự với
cả 03 tội danh: tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc và tội gá bạc.
4. Chủ thể của tội phạm
Tương tự như chủ thể của tội đánh bạc, chủ thể tội gá bạc là người từ dủ

16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.
5. Mặt chủ quan của tội phạm
Tội gá bạc cũng được thực hiện với lỗi cố ý như tội đánh bạc. Động cơ
phạm tội là tư lợi. Riêng mục đích phạm tội của tội đánh bạc là nhằm tước đoạt
tiền bạc, tài sản của nhau, thì mục đích của tội gá bạc nhằm thu lợi bất chính.
6. Hình phạt
Khung hình phạt tại khoản 1: người phạm tội bị phạt tiền từ 50.000.000
đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. So với khung


9

hình phạt tại khoản 1 của tội đánh bạc, thì khung hình phạt này nặng hơn cả về
hình phạt tiền, hình phạt tù.
Khung hình phạt tại khoản 2: người phạm tội thì bị phạt tù từ 05 năm
đến 10 năm. Tại khung hình phạt ở khoản 2 thì tội gá bạc thuộc tội phạm rất
nghiêm trọng, còn tội đánh bạc thuộc tội phạm nghiêm trọng (người phạm tội bị
phạt tù từ 03 năm đến 07 năm).
Hình phạt bổ sung: người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000
đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Hình
phạt bổ sung có thể áp dụng đối với người phạm tội gá bạc cũng nặng hơn so với
tội đánh bạc.
IV. Một số kiến nghị đối với tội đánh bạc, tội gá bạc
Thứ nhất, đối với việc áp dụng Nghị quyết 01/2010, tại điểm b khoản 3
điều 1: “Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ
xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc”. Trong một canh bạc những
người khi tham gia đánh bạc đều ý thức hành vi của mình, việc đánh thắngthua, dừng lại lúc nào hay tiếp tục thì không thể khẳng định được, nên việc đặt
ra vấn đề hỏi các đối tượng đánh bao nhiêu tiền, nếu thua hết số tiền lấy ra đánh
có lấy tiền trong người ra đánh tiếp không là một vấn đề rất khó chứng minh,
phụ thuộc vào lời khai của các đối tượng.

Thứ hai, Điều 1 khoản 3 Nghị quyết 01/2010 giải thích khái niệm “tiền
hoặc hiện vật dùng đánh bạc” theo hướng liệt kê, nên dễ dẫn tới tình trạng “bỏ
lọt” các trường hợp khác, ví dụ những khoản tiền hoặc hiện vật được dùng đánh
bạc với trường hợp người tham gia đánh bạc chạy trốn mang theo, khi bị lực
lượng chức năng ập vào, sau đó cũng không thu giữ được, bởi việc chạy trốn khi
mang theo có thể bị rơi rớt, hoặc có thể được chuyển giao cho người khác, nhằm
giảm bớt giá trị tiền hoặc hiện vật đánh bạc. Rõ ràng quy định như vậy sẽ không
công bằng đối với những người đánh bạc nhưng chấp hành tốt khi bị bắt quả
tang.


10

Thứ ba, trong thời buổi công nghệ đang rất phát triển, xuất hiện nhiều
loại trò chơi “đánh bạc” trên điện thoại, máy vi tính, thực chất nó là hình thức
chuyển hóa từ chơi thực tế sang chơi ảo. Người chơi muốn chơi được bên cạnh
khoản tiền ảo ít ỏi mà máy chủ cung cấp, thì người chơi cần nạp tiền Việt Nam
Đồng trực tiếp để có thể chơi với các đối tác khác. Những đối tác này có thể là
từ bất cứ đâu đang cùng truy cập và chơi đánh bạc ảo đó. Vấn đề đặt ra ở đây là
chơi thắng, người thắng sẽ có thể ra quán để quy đổi ra tiền mặt được. Do đó,
người viết nhận định đây cũng là một hình thức đánh bạc đã được “cải tiến”, vậy
nên cũng cần có hướng dẫn cho việc xử lí đối với những trường hợp này, bởi xét
đến cùng nó vẫn là “đánh bạc”.

Kết luận
Nhiệm vụ cải cách tư pháp nước ta đang đứng trước nhiều thách thức
trong tình hình tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp, với tính chất và hậu quả
ngày càng nghiêm trọng. Đòi hỏi của xã hội đối với các cơ quan tư pháp ngày
càng cao; các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc
bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ

pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội
phạm và vi phạm. Xuất phát từ các dấu hiệu pháp lý định tội trong lý luận hình
sự người viết đã đưa ra một số khác biệt cơ bản giữa cấu thành tội đánh bạc và
tội gá bạc. Điều này, trước tiên nhằm làm rõ các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của
tội đánh bạc, đồng thời giúp phân biệt với tội gá bạc có dấu hiệu khá giống
nhau. Với những phân tích và chỉ ra một số kiến nghị, người viết mong muốn
góp một ý kiến vào quá trình hoàn thiện pháp luật hình sự nói chung và với tội
phạm “đánh bạc” nói riêng, để pháp luật hình sự của Nhà nước ta ngày càng đáp
ứng tốt hơn nhu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm trong quá trình áp dụng
pháp luật.


11

Danh mục tài liệu tham khảo:
1. Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, Nhà xuất bản chính trị
quốc gia sự thật.
2. Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/06/2017 về việc thi hành Bộ luật hình sự
số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo luật số
12/2017/QH14 và hiệu lực thi hành của Bộ luật tố tụng hình sự số
101/2015/QH13, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật
thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13.
3. Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 về hướng dẫn áp dụng
một số quy định tại điều 248 và điều 249 của Bộ luật hình sự.
4. Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần
chung), NXB Chính trị Quốc gia, năm 2014.
5. Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần
các tội phạm) tập 2, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2016
6. –
Bài viết: ThS. Lê Văn Sua, Tội Đánh bạc- những vướng mắc, bất cập và kiến

nghị hoàn thiện, năm 2015.



×