Tải bản đầy đủ (.docx) (27 trang)

Cảm hứng thế sự trong Đi bước nữa của Nguyễn Thế Phương

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (352.93 KB, 27 trang )

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Sau một thời kỳ đấu tranh gian khổ, dân tộc Việt Nam đã giành được nền độc
lập với mốc lịch sử cách mạng tháng Tám 1945 chói lọi, lịch sử Việt Nam bước sang
thời đại mới. Điều này làm cho nền văn học Việt Nam hiện đại giai đoạn 1945-1975
mở ra thời kỳ mới và tác động sâu sắc đến quá trình vận động văn học Việt Nam.
Đứng trước thời cuộc, giai đoạn văn học 1945-1975 nghiêng mình theo khuynh
hướng sử thi. Có thể nói, cảm hứng sử thi bao trùm lên cả thời kỳ văn học 19451975, tuy nhiên, song hành cùng với nguồn cảm hứng sử thi vẫn tồn tại các nguồn
cảm hứng thế sự và cảm hứng đời tư. Các tác phẩm mang cảm hứng thế sự, đời tư
thường được viết theo thể tiểu thuyết. Trong số đó, tác phẩm Đi bước nữa của
Nguyễn Thế Phương nổi bật lên với mảng đề tài hôn nhân, gia đình. Đi bước nữa
cũng là một trong số ít những sáng tác mang đậm nét cảm hứng thế sự trong văn học
giai đoạn 1945-1975. Sau đó, tác phẩm còn được chuyển thể thành phim, để có thể
tiếp cận gần hơn tới đông đảo mọi người. Điều này cũng một phần đánh dấu sự vượt
trội của tác phẩm so với các tác phẩm cùng thời.
Đi vào cụ thể đời sống gia đình, Nguyễn Thế Phương trình diện cho người đọc
quan niệm của con người thời bấy giờ trong vấn đề hôn nhân và gia đình. Trước vấn
đề đó, hình ảnh người góa phụ trẻ tuổi trở thành nhân vật trung tâm, được tác giả
phác họa đậm nét, điển hình, lôi cuốn độc giả. Đi bước nữa mang những giá trị tư
tưởng mới mẻ liên quan đến nề nếp văn hóa gia đình, là tác phẩm có nhiều vấn đề
quan trọng cần được mổ xẻ, khai thác. Tìm hiểu cảm hứng thế sự trong Đi bước nữa
của Nguyễn Thế Phương là một đề tài có sức hút mạnh đối với các nhà nghiên cứu
văn học. Do vậy, mảng đề tài này cũng khá mới mẻ và hấp dẫn sinh viên theo ngành
Ngữ văn.
1


Trong quá trình học tập và nghiên cứu về học phần Văn học hiện đại Việt
Nam 3, qua sự hướng dẫn của cố vấn giảng dạy, với niềm hứng thú bản thân và nhu
cầu nghiên cứu khoa học, tôi quyết định chọn và nghiên cứu đề tài tìm hiểu về:
“Cảm hứng thế sự trong Đi bước nữa của Nguyễn Thế Phương”. Việc chọn đề tài


này nhằm hướng đến khẳng định vai trò của cảm hứng thế sự cũng đóng góp một
phần cho văn học hiện đại Việt Nam giai đoạn 1945-1975, đồng thời khẳng định
những đóng góp tích cực của nhà văn Nguyễn Thế Phương cho văn học hiện đại Việt
Nam. Để làm rõ đề tài nghiên cứu, người viết thông qua việc tìm hiểu về mặt lí luận,
tiến tới phân tích những biểu hiện cụ thể ở nội dung của tác phẩm Đi bước nữa của
Nguyễn Thế Phương. Đây cũng là dịp để tôi có điều kiện học tập, tìm hiểu rõ hơn
những giá trị của nền văn học hiện đại Việt Nam giai đoạn 1945-1975.
2. Lịch sử vấn đề
Đề tài về cảm hứng thế sự là một trong những mảng đề tài văn học lớn thu hút
các nhà nghiên cứu chú ý đến. Có rất nhiều nghiên cứu như các công trình tiểu luận,
bài phê bình, tạp chí văn nghệ… nghiên cứu về cảm hứng thế sự. Tuy nhiên, văn học
1945-1975 trải qua những biến cố lịch sử lớn lao buộc nhà văn phải trở thành người
chiến sĩ, chuốt nhọn vũ khí văn chương phục vụ cách mạng, cho nên, những thiên
hướng về đề tài thế sự ít được quan tâm trong giai đoạn này. Những nhà nghiên cứu
văn học cũng ít quan tâm đến đề tài thế sự trong giai đoạn 1945-1975. Về tác phẩm
Đi bước nữa của Nguyễn Thế Phương đã được ấn hành xuất bản và được nhận định
trong một số nghiên cứu văn học Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Trong Giáo trình văn học Việt Nam hiện đại, tập 2, NXB Đại học Sư phạm, đã
khẳng định vai trò tiểu thuyết Đi bước nữa của Nguyễn Thế Phương trong công cuộc
xây dựng cuộc sống mới. Đồng thời, nhấn mạnh những đóng góp đổi mới của tác
phẩm về nội dung thể tài.

2


Theo Nguyễn Văn Long trong Tiếp cận và đánh giá văn học Việt Nam sau
cách mạng tháng Tám nhận định Đi bước nữa của Nguyễn Thế Phương là một trong
những tác phẩm tiêu biểu cho những tiểu thuyết viết về “những con người nhỏ bé
trong quần chúng” [3;tr 34].
Theo Phạm Ngọc Hiền trong Tiểu thuyết Việt Nam 1945-1975, NXB Văn học,

đã tóm tắt tác phẩm và nhận định giá trị nghệ thuật của tác phẩm khá nổi bật và
thành công.
Theo Bùi Việt Thắng trong Dòng tiểu thuyết ngắn trong Văn học Việt Nam
thời kỳ đổi mới (1986-2006), về mục khảo sát tiểu thuyết ngắn Việt Nam, tác giả đã
khẳng định Đi bước nữa là “mầm mống của đổi mới văn học” [7; tr 3].
Những tìm hiểu trên là những nghiên cứu về tác phẩm Đi bước nữa của
Nguyễn Thế Phương trong bộ phận văn học Việt Nam. Ngoài ra, người viết chưa tìm
ra những công trình khác tìm hiểu riêng về tác phẩm Đi bước nữa của Nguyễn Thế
Phương. Tiếp thu đánh giá từ những nghiên cứu trên, tôi quyết định chọn và nghiên
cứu “Cảm hứng thế sự trong Đi bước nữa của Nguyễn Thế Phương”.
3.

Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là: Cảm hứng thế sự trong Đi bước nữa của

Nguyễn Thế Phương.
Phạm vi nghiên cứu gồm cảm hứng thế sự trong tiểu thuyết Việt Nam (19451975) và tác phẩm Đi bước nữa của Nguyễn Thế Phương.
4.

Nhiệm vụ nghiên cứu
Đề tài này tập trung nghiên cứu những nhiệm vụ sau:
4.1. Tìm hiểu, giới thuyết về cảm hứng thế sự trong tiểu thuyết Việt Nam giai
đoạn 1945-1975.
3


4.2. Trình bày, phân tích cảm hứng thế sự nhìn từ phương diện nội dung trong Đi
bước nữa của Nguyễn Thế Phương.
5.


Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài này, tôi sử dụng các phương pháp chính là:
5.1. Phương pháp phân tích, tổng hợp.
5.2. Phương pháp so sánh, thống kê.
5.3. Phương pháp hệ thống, đánh giá.

6.

Cấu trúc đề tài
Cấu trúc đề tài gồm ba phần: Mở đầu, Nội dung và Kết luận. Ngoài ra còn có

phần danh mục tài liệu tham khảo. Trong đó, trọng tâm là phần nội dung, bao gồm
hai chương:
Chương 1: Cảm hứng thế sự trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1945-1975
Chương 2: Cảm hứng thế sự trong Đi bước nữa của Nguyễn Thế Phương

4


CHƯƠNG 1
CẢM HỨNG THẾ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM
GIAI ĐOẠN 1945-1975
1.1.

Giới thuyết về cảm hứng thế sự

1.1.1. Khái niệm
Theo Từ điển thuật ngữ văn học (1999), khái niệm “cảm hứng hay cảm hứng
nghệ thuật, cảm hứng chủ đạo chỉ trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm xuyên suốt
tác phẩm nghệ thuật, gắn liền với một tư tưởng xác định, một sự đánh giá nhất định,

gây tác động đến cảm xúc của những người tiếp nhận tác phẩm” [1; tr35]. Trong
cuốn Từ điển Tiếng Việt (1997) của Hoàng Phê cũng định nghĩa “cảm hứng là trạng
thái tâm lí đặc biệt khi sức chú ý được tập trung cao độ, kết hợp với cảm xúc mãnh
liệt, tạo điều kiện để óc tưởng tượng, sáng tạo hoạt động có hiệu quả” [5; tr40]. Như
vậy, cảm hứng thế sự là trạng thái tình cảm về vấn đề thế sự như những vấn đề liên
quan đến đạo đức, quan niệm, hiện thực xã hội, suy tư của con người… xét trong các
mối quan hệ, được thể hiện mãnh liệt xuyên suốt tác phẩm, gắn liền với tư tưởng và
sự đánh giá của tác giả về các vấn đề ấy.
Từ khái niệm trên, cảm hứng thế sự luôn thống nhất với đề tài và tư tưởng của
tác phẩm. Belinxki, nhà lí luận văn học Nga, khẳng định cảm hứng chủ đạo là “điều
kiện không thể thiếu trong việc tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đích thực” [1;
tr35]. Thực vậy, các tác phẩm nghệ thuật đều thể hiện nguồn cảm hứng chủ đạo khác
nhau, tùy thuộc vào các yếu tố bên ngoài và chính bản thân tác giả mà nguồn cảm
hứng chủ đạo hướng về. Cảm hứng thế sự lại là cảm hứng về những vấn đề riêng tư,
nóng bỏng, quan trọng của xã hội và được xét trong các mối quan hệ. Thường
thường, cảm hứng thế sự trong văn chương hướng đến những điểm tiêu cực của xã
hội, những hiện thực cần soi xét trong đời sống mà tác giả quan tâm đến.

5


Cảm hứng thế sự cũng rất quan trọng trong việc chi phối cảm xúc, nội dung và
hình thức của tác phẩm. Tìm hiểu cảm hứng chủ đạo nói chung, cảm hứng thế sự nói
riêng là vấn đề quen thuộc trong văn học. Qua đó, giúp chúng ta thấy được mối quan
hệ giữa cảm hứng thế sự với các yếu tố nội dung, nghệ thuật của tác phẩm, giữa
nhiều tác phẩm với nhau. Cảm hứng thế sự trong tác phẩm giúp mọi người có thể
thấu hiểu được tâm tưởng của tác giả qua những thông điệp hàm ẩn của tác phẩm.
1.1.2. Đặc điểm cảm hứng thế sự trong tiểu thuyết
Tiểu thuyết là thể loại văn học có sức khái quát rộng lớn, dễ dàng tiếp cận, đi
sâu vào đời sống của con người. Cho nên, yếu tố thế sự chiếm vị trí rất quan trọng

trong tiểu thuyết. Theo Pospelov, nhà lí luận văn học Nga, phân chia văn học hiện
đại có ba nhóm nội dung thể loại cơ bản là lịch sử dân tộc, thế sự và đời tư. Nó đại
diện cho ba loại cảm hứng. Đó là các loại cảm hứng: “anh hùng ca (sử thi), hiện thực
phê phán (thế sự) và lãng mạn (đời tư)” [2; tr106]. Mỗi loại cảm hứng đều có những
đặc điểm riêng biệt để nhận diện và phân loại với nhau. Để làm rõ những đặc điểm
của cảm hứng thế sự trong tiểu thuyết, người viết dựa vào việc phân tích, so sánh đối
chiếu cảm hứng thế sự với dòng cảm hứng sử thi trong tiểu thuyết.
Nếu cảm hứng sử thi ưu tiên những vấn đề trọng đại của đất nước, hướng về
“đề tài lịch sử dân tộc, các cuộc chiến công cách mạng, sự đổi đời của nhân dân” [2;
tr107] thì cảm hứng thế sự lại nghiêng hẳn mình sang những vấn đề nhỏ hẹp trong
cuộc sống. Theo đó, đề tài của tiểu thuyết thế sự bao quát trong phạm vi nhỏ hẹp,
bám sát đời sống riêng tư dựa vào các mối quan hệ xã hội. Các tiểu thuyết mang cảm
hứng sử thi như Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng đề cập đến hành động
đánh Pháp ở Hà Nội là một đề tài gắn liền với lịch sử dân tộc. Đi bước nữa lại chỉ
xoay quanh câu chuyện của Hoan, đề cập những quan niệm về hôn nhân, gia đình
của con người trong tác phẩm. Tựa đề của tác phẩm cảm hứng sử thi mang tầm khái
quát rộng, trang trọng và đề cập những sự kiện lịch sử có tầm quan trọng ảnh hưởng
6


lớn đến dân tộc, dễ nhận diện.Tựa đề tác phẩm cảm hứng thế sự lại khác, người đọc
phải tiếp cận tác phẩm mới nhận biết được nội dung đề tài của tác phẩm.
Cảm hứng thế sự trong tiểu thuyết thể hiện cách nhìn của tác giả đối với
những vấn đề thế sự, đưa ra những hướng giải quyết của tác giả qua sự kiện, biến cố,
kết cục trong tác phẩm. Cảm hứng sử thi lại hướng đến cái nhìn chung cho công
cuộc kháng chiến, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, công cuộc xây dựng CNXH
trong thời kỳ mới, hướng tới lý tưởng hóa cách mạng. Đi bước nữa không chỉ là việc
Hoan có đi bước nữa, mà còn là việc cả làng Đoài có chịu đi thêm bước nữa hay
không. Còn Cao điểm cuối cùng (Hữu Mai), Người người lớp lớp (Trần Dần), Trước
giờ nổ súng (Phan Tứ)… đều thể hiện tinh thần chung của những chiến sĩ trên mặt

trận nói riêng, nhân dân ta nói chung rất quyết liệt và quả cảm. Những cuộc đấu
tranh này đều giành được những vang dội và được tác giả tập trung ca ngợi những
chiến thắng ấy.
Cảm hứng sử thi trong tiểu thuyết nâng hình tượng con người thành hình
tượng người anh hùng không tách rời lịch sử, “nhân vật bị cuốn vào vòng quay lịch
sử… nhân vật chứa đựng trong bản thân nó lịch sử dân tộc và thời đại” [2; tr 108].
Vì vậy, cốt truyện mang cảm hứng sử thi thường gắn liền với những mốc thời gian,
sự kiện lịch sử trọng đại. Đó là anh hùng Núp trong Đất nước đứng lên của Nguyên
Ngọc, chị Tư Hậu trong Một truyện chép ở bệnh viện của Bùi Đức Ái đều viết về
cuộc kháng chiến chống Pháp… Ngược lại với cảm hứng sử thi, cảm hứng thế sự
gắn liền với những sự kiện, những vấn đề thế sự, nhân vật trong tiểu thuyết rất gần
gũi với đời sống hiện thực. Nhân vật cảm hứng thế sự là con người của tâm tưởng.
Đi bước nữa gắn với quan niệm về hôn nhân, gia đình, trong đó, Hoan là nhân vật
điển hình cho những người góa phụ trẻ thời bấy giờ. Những sự kiện của tác phẩm đi
từ thắt nút đến mở nút giúp mở rộng vấn đề và miêu tả sát thực vấn đề thế sự.
Chuyện tình giữa Cần và Hoan tưởng chừng giúp cuộc đời Hoan thoát khỏi số phận
7


của người góa phụ, nhưng Cần lại phải rời xa Hoan, Hoan chửa hoang, đến cuối
Hoan bị bệnh, Cần trở về, cả làng Đoài dường như đã chấp thuận cho cuộc tình của
hai số phận đáng thương ấy.
Cảm hứng thế sự trong tiểu thuyết chú trọng miêu tả nội tâm hơn là miêu tả
hành động như tiểu thuyết mang cảm hứng sử thi. Các nhân vật trong tiểu thuyết thế
sự thường xuyên diễn ra những cung bậc phức tạp của nội tâm qua dòng tâm sự của
Hoan, Cần, Lượm, bà Hai… Đối với nhân vật trong tiểu thuyết sử thi là những anh
hùng chiến đấu vì lý tưởng cộng đồng, các chiến sĩ trong Người người lớp lớp (Trần
Dần) không thể chịu đựng cảnh ngồi im hay nhà sư Văn Thon không chấp nhận
không gian khép kín, tĩnh lặng của nhà chùa mà từ bỏ tu hành để bước vào cuộc
chiến đấu sục sôi của cách mạng trong Trước giờ nổ súng (Phan Tứ)…

Khác với không gian rộng lớn, âm hưởng hào hùng của tiểu thuyết cảm hứng
sử thi, thì không gian và giọng điệu của tiểu thuyết cảm hứng thế sự có sự biến hóa
hơn. Không gian chủ yếu của tiểu thuyết mang cảm hứng thế sự thường nhỏ gọn
trong một gia đình, một làng xóm cụ thể. Cảm hứng thế sự xoay quanh vấn đề thế sự
nên mang âm hưởng trầm tư, suy tưởng, triết lý theo dòng tâm tưởng của nhân vật.
Từ việc đối chiếu tiểu thuyết cảm hứng thế sự với tiểu thuyết cảm hứng sử thi
phần nào đã làm sáng rõ những đặc điểm cơ bản của cảm hứng thế sự trong tiểu
thuyết. Điều này giúp người viết có định hướng tốt hơn trong việc phân tích cảm
hứng thế sự trong Đi bước nữa của Nguyễn Thế Phương.
1.2.

Cảm hứng thế sự một hướng đi mới trong tiểu thuyết Việt Nam (1945-

1975)
1.2.1. Sự thay đổi hệ đề tài
Tiểu thuyết ra đời khá muộn ở Việt Nam nhưng đã phát triển nhanh chóng,
mau lẹ cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là giai đoạn 1930-1945. Trên nền vững
8


chắc của giai đoạn trước, tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1945-1975 vận động và
biến đổi theo những yêu cầu, điều kiện thời đại để tiếp tục phát triển tiểu thuyết Việt
Nam nói riêng, văn xuôi hiện đại Việt Nam nói chung.
Giai đoạn 1945-1975, xã hội Việt Nam nổi lên những biến cố trọng đại đối với
dân tộc, văn học Việt Nam tiếp tục khơi dậy và bùng nổ chủ nghĩa yêu nước, tinh
thần cộng đồng, chủ nghĩa anh hùng. Tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1945-1975 thể
hiện không khí sục sôi của những ngày kháng chiến gian khổ. Văn học giai đoạn
1945-1975 tập trung vào khuynh hướng sử thi để thể hiện tiếng nói chung của nhân
dân trước những sự kiện lớn lao của dân tộc, tiểu thuyết Việt Nam cũng không ngoại
lệ. Hệ đề tài ở giai đoạn này chủ yếu theo khuynh hướng sử thi, được chia theo thời

gian sự kiện như đề tài kháng chiến chống Pháp (Sống mãi với thủ đô, Thanh niên
Hà Nội, Trên mảnh đất này…), đề tài xây dựng CNXH (Xung đột, Bão biển, Những
người thợ mỏ…), đề tài kháng chiến chống Mỹ (Dòng sông phía trước, Những người
mở đường, Vùng trời…). Điều này một phần làm hạn chế sức sáng tạo của nhà văn,
mang tính phiến diện trong việc phản ánh đời sống của văn học. Việc hình thành đội
ngũ “nhà văn mặc đồng phục” [2; tr 29] tuân theo cái khung sử thi cũng không làm
cho tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1945-1975 bị nhàm chán về đề tài. Trong khi các
nhà văn thiên về hướng sáng tác tiểu thuyết theo khuynh hướng sử thi, thì Nguyễn
Thế Phương, một nhà văn xứ Thanh, lại có hướng sáng tác tiểu thuyết theo cảm
hứng thế sự.
Năm 1954, khi dân ta đã giành thắng lợi từ cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp, văn học miền Bắc có điều kiện thuận lợi hơn, tiểu thuyết Việt Nam cũng được
mở rộng phạm vi đề tài. Một số nhà văn có thiên hướng đi tìm hiểu sâu sát đời sống
hiện tại, phản ánh sự thay đổi của đất nước và con người trong thời kỳ xây dựng chủ
nghĩa xã hội ở miền Bắc đã tạo ra những tác phẩm thành công, gây tiếng vang đến
công chúng đương thời như Xung đột của Nguyễn Khải, Cái sân gạch của Đào Vũ,
9


Hai chị em của Vũ Thị Thường… Nổi trội hơn trong việc thể hiện số phận của người
phụ nữ, những quan niệm đạo đức mới trong xã hội là Đi bước nữa của Nguyễn Thế
Phương. Đề tài của Đi bước nữa không hướng về những vấn đề trọng đại của đất
nước, không hướng về công cuộc đổi mới, mà tập trung hướng về gia đình. Những
vấn đề trong hôn nhân và gia đình được tác giả lột tả qua việc thể hiện số phận của
Hoan. Tuy nhiên, Nguyễn Thế Phương vẫn bị ảnh hưởng bởi khuynh hướng sử thi
trong cách giải quyết tác phẩm. Tác phẩm kết thúc mở nhưng dường như đã được
định trước tạo nên những giới hạn trong quan niệm về hiện thực, không đủ sức bao
quát toàn bộ sự phong phú và phức tạp của đời sống. Cách bà Hoan chấp nhận Cần,
khóc than với Hoan; Binh Mâu thì đích thân cầm cán đỡ Hoan đi bệnh viện; bệnh
tình của Hoan vẫn còn khả năng chạy chữa theo lời ông Tân y tá; lời tuyên bố của

cán bộ Viên; khung cảnh kết thúc tươi sáng… Từ những chi tiết trên, dường như
chúng ta đã có thể vẽ ra được cái kết viên mãn cho tác phẩm. Tác phẩm Đi bước nữa
không thoát khỏi hiện thực lịch sử, nhưng tác giả đã tập trung đào sâu tâm lí nhân
vật Hoan để làm rõ những vấn đề mang tính thế sự, chứ không còn đi sâu vào nhân
vật quần chúng, hay tập trung ca ngợi hình tượng anh hùng. Tác phẩm nhằm hướng
về quan niệm mới trong hôn nhân, gia đình chứ không nhằm hướng tới những vấn đề
lớn lao của thời đại.
Việc khai thác đề tài gia đình của Nguyễn Thế Phương trong Đi bước nữa, tuy
vẫn gắn với cảm hứng lịch sử, với sự khẳng định cuộc sống mới, nhưng tác phẩm đã
thể hiện được tư tưởng thế sự, tạo sự thành công nhất định cho nguồn cảm hứng thế
sự. Cảm hứng chủ đạo của tác phẩm vẫn là cảm hứng thế sự. Đi bước nữa ra đời đã
góp phần vào việc sáng tạo trong hệ đề tài của tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 19451975 nói riêng và văn học hiện đại Việt Nam nói chung.
1.2.2. Sự thay đổi trong cấu trúc

10


Tiểu thuyết là hình thức tự sự phát triển phong phú nhất, hệ thống nhân vật
rộng lớn, cốt truyện phức tạp, ngôn ngữ đa dạng thể hiện rõ nét. Vì vậy, thông
thường tiểu thuyết có cấu trúc khá đồ sộ. Văn học Việt Nam thường gắn với điều
kiện lịch sử - xã hội đã làm cho tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1945-1975 gắn chặt
với khuynh hướng sử thi. Đa số tiểu thuyết của các nhà văn thời kỳ này “luôn khao
khát viết được những bộ tiểu thuyết tầm cỡ để nói lên được sự vĩ đại của dân tộc” [2;
tr25]. Trong Hội nghị tranh luận văn nghệ tại Việt Bắc năm 1949, các nhà văn
Nguyễn Đình Thi, Như Phong, Nguyễn Huy Tưởng từng “cam kết trong một năm,
kể từ ngày bế mạc hội nghị sẽ viết xong một cuốn tiểu thuyết dài từ 200 trang trở
lên” [2; tr30]… Các nhà văn miền Bắc trong thời kỳ này luôn cố gắng để đóng góp
vào “sức gắng gỏi chung của dân tộc” [2; tr30]. Ngay đến những nhà văn cách mạng
miền Nam cũng “khao khát viết nên một thiên anh hùng ca để nói lên hết tầm vóc
cuộc chiến tranh 1945-1975” [2; tr31]. Trong phần khảo sát danh mục tiểu thuyết –

truyện vừa – truyện ký Cách mạng Việt Nam 1945-1975 của tác giả Phạm Ngọc
Hiền, đa số các tiểu thuyết có dung lượng tương đối từ 150 trang trở lên. Có thể liệt
kê được một số tiểu thuyết có dung lượng từ 300 trang trở lên như: Ao làng (Ngô
Ngọc Bội) 320 trang; Bão biển (Chu Văn) 860 trang; Bất khuất (Lê Phương) 592
trang; Cao điểm cuối cùng (Hữu Mai) 307 trang; Con đường mòn ấy (Đào Vũ) 480
trang; Cơn bão đã đến (Nguyên Hồng) 520 trang; Dấu chân người lính (Nguyễn
Minh Châu) 525 trang; Dưới đám mây màu cánh vạc (Thu Bồn) 721 trang; Hòn Đất
(Anh Đức) 348 trang; Người người lớp lớp (Trần Dần) 329 trang… Còn có những
tiểu thuyết có số lượng hơn nghìn trang như: Dòng sông phẳng lặng của Tô Nhuận
Vỹ (1166 trang), Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi (1163 trang), Vùng trời của Hữu Mai
(1430 trang), Đống rác cu của Nguyễn Công Hoan (1603 trang). Với dung lượng đồ
sộ như vậy nên lượng nhân vật cũng xuất hiện đông đảo, ngoài ra còn xuất hiện nhân
vật quần chúng. Các sự kiện trong tiểu thuyết cũng hướng đến vấn đề lịch sử như:
Vỡ bờ với sự kiện năm 1939, khi phong trào dân chủ bị dập tắt; Vùng trời hướng tới
11


sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, Mỹ ném bom miền Bắc; Dưới đám mây màu cánh vạc
hướng tới sự kiện năm 1969, quân đội Mỹ và Sài Gòn tổ chức một cuộc càn quét lớn
vào huyện Hải Lăng (Quảng Trị); Hòn Đất với sự kiện năm 1961, ở vùng Hòn Đất –
Rạch Giá, quân đội Sài Gòn tổ chức cuộc càn quét, bao vây đội du kích gồm 17
người…
Trong khi đồng bộ các nhà văn có ý thức viết tiểu thuyết theo khuynh hướng
sử thi với dung lượng đồ sộ, Nguyễn Thế Phương lại cho ra đời cuốn tiểu thuyết Đi
bước nữa theo cảm hứng thế sự chỉ vỏn vẹn 126 trang (in năm 1960). Bản in lần thứ
tư có sửa chữa của NXB Văn học, 1983, cuốn tiểu thuyết đã tăng lên 150 trang. Tuy
nhiên, dung lượng của Đi bước nữa vẫn ngắn hơn so với các tiểu thuyết cùng thời.
Có thể thấy, dung lượng của Đi bước nữa có khi còn thua dung lượng của một cuốn
truyện vừa như các truyện Bầu trời và dòng sông của Mai Ngữ (131 trang), Bên kia
sông của Nguyễn Lai (130 trang), Giã từ tuổi thơ của Nguyễn Minh Châu (145

trang)… Các sự kiện trong Đi bước nữa được miêu tả chỉ hướng đến vấn đề đời tư
của Hoan. Những sự kiện cuộc họp dòng họ về chuyện của Hoan có được đi bước
nữa không, sự kiện Cần bỏ làng ra đi, Hoan có bầu… đều xoay quanh về những vấn
đề đời tư của nhân vật Hoan. Số lượng nhân vật trong Đi bước nữa không nhiều, chỉ
khoảng vài chục nhân vật nhưng lại hiện diện khá đa dạng và đầy đủ các tầng lớp,
kiểu người trong bối cảnh làng xã thời kỳ xây dựng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.
Có thể liệt kê ra như bí thư Viên, tổ trưởng Vạnh, tổ trưởng Vóc, ông Tân y tá xã,
ông đồ Mộc, Binh Mâu, Cần, Hoan, bà Hai, bà cả Nhạn, Lượm, bé Xoan, bé Nhàn…
Đặc biệt, Nguyễn Thế Phương đã xây dựng khá thành công nhân vật nội tâm, cốt
truyện giàu kịch tính, giọng kể linh hoạt. Chỉ qua 126 trang, tác giả đã có thể truyền
tải được những thông điệp thế sự rất sống động và chân thực, đậm chất tiểu thuyết.
Tuy dung lượng ít nhưng những đặc điểm nổi bật về nội dung cũng như nghệ
thuật trong Đi bước nữa đã tự nó chứng minh vị trí của mình trong dòng tiểu thuyết
12


Việt Nam. Thật vậy, nền văn học Việt Nam đã công nhận Đi bước nữa là cuốn tiểu
thuyết khá nổi bật trong văn học giai đoạn 1945-1975. Đặc biệt, cuốn tiểu thuyết còn
được chuyển thể thành phim để có thể truyền tải rộng rãi hơn. Điều này rất ít tác giả
cùng thời làm được. Việc thể hiện mới mẻ hệ đề tài cũng như sự sáng tạo trong cấu
trúc so với các tiểu thuyết cùng thời, Đi bước nữa đã đóng góp và khẳng định vai trò
của mình đối với tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1945-1975 nói riêng, nền văn học
hiện đại Việt Nam nói chung.

13


CHƯƠNG 2
CẢM HỨNG THẾ SỰ TRONG ĐI BƯỚC NỮA CỦA
NGUYỄN THẾ PHƯƠNG

2.1. Sự trăn trở của con người trong cái nhìn mới về hôn nhân và gia đình
Xung quanh câu chuyện của Hoan là cả một nỗi trăn trở giữa quan niệm cũ và
mới về hôn nhân, gia đình. Lấy nguồn cảm hứng thế sự từ đề tài gia đình, Nguyễn
Thế Phương đã trình bày cho độc giả những mối quan hệ ràng buộc trong gia đình,
những suy tư, sự tiếp nhận luồng tư tưởng mới về hôn nhân và gia đình. Tư tưởng cũ
bao giờ cũng khó bỏ, nó như một thói quen xấu của con người. Để có thể tiếp cận
được luồng tư tưởng mới và chấp nhận nó là cả một quá trình đánh dấu bước ngoặt
lớn đối với mỗi cá nhân. Nhân vật trong Đi bước nữa cũng như vậy, họ cũng có
những hành động đấu tranh, dằn vặt tâm lí để tiếp nhận cái mới, cái tiến bộ.
Những trăn trở trong cái nhìn mới được biểu hiện chủ yếu ở những người
trong gia đình Hoan. Không những thế, nó còn được biểu hiện ở những người ngoài
gia đình Hoan. Từ những nhân vật trong gia đình là Hoan, mẹ chồng, anh chồng,
những người trong dòng họ Bùi, đến anh Cần, cô Lượm hay anhViên cán bộ xã…
đều có những nỗi lo về việc đi bước nữa của Hoan. Đứng trước vấn đề của Hoan,
những con người ấy luôn phải suy nghĩ, băn khoăn với những quyết định, hành động
của mình. Trong lối phân tích tâm lí, cách dẫn dắt tình huống thật tài tình của tác giả
đã làm lộ rõ những ưu tư, trăn trở của con người, đặc biệt những diễn biến tâm tư
phức tạp của Hoan.
Hoan là một góa phụ trẻ tuổi. Hạnh phúc chưa gõ cửa gia đình Hoan được lần
nào, thì anh Hai chết đi, để lại cho Hoan hai đứa con thơ và những nỗi khổ tâm và
dằn vặt đau khổ. Đã bốn năm, nỗi nhớ thương của người góa phụ không biết tỏ cùng
ai đã dần nguôi ngoai. Cũng chính là lúc Hoan sắp phải đối diện với những quan
14


niệm cũ trong hôn nhân. Nó trói buộc cô, dày vò, làm héo hon tâm hồn người góa
phụ trẻ. Chỉ khi chính bản thân Hoan tự cởi trói cho bản thân thì những nỗi ưu phiền
ấy mới chấm dứt được. Hoan luôn đấu tranh nội tâm về việc mình nên đi hay nên
dừng lại. Dù là góa phụ hai con, Hoan vẫn được mọi người làng Đoài nhận xét “ăn
đứt gái tơ” [6; tr15]. Cho nên, được nghe những lời khen của người già, những lời

tán tỉnh của đám trai làng, lòng Hoan nhiều khi cũng “ba dây bảy mối” [6; tr16]. Cho
đến khi, Hoan gặp được Cần, người trai muộn vợ của làng, mối trăn trở của Hoan
bắt nguồn từ đây. Ban đầu, Hoan chỉ suy tư nỗi phiền muộn của người góa phụ khi
lấy chồng mới. Những cảnh bố dượng con riêng xưa nay còn lạ gì hay khi yêu có thể
hứa hẹn đến lúc chán chường, “chỉ thêm khổ con mình, còn cái thân mình, nó đã
dành một nhẽ” [6; tr17]. Thế nhưng, tâm tư ấy cũng được giải thỏa, bởi Cần hai
mươi chín tuổi mới nói đến chuyện vợ con và nghèo khổ, không thể nào lại muốn
rước gánh nợ vào thân, trừ khi, anh yêu Hoan thật lòng. Hoan nghĩ nhiều hơn về anh
chồng, về mẹ chồng: “người ta là anh cả, lại là trưởng họ mà lại bảo không có
quyền”, rồi thì “bà thằng Xoan hễ cứ bước chân sang thềm nhà là lại cạnh khóe…
sắp sửa mà đi bưng điếu thắp đóm cho người ta” [6; tr6]. Hoan lại băn khoăn nửa
muốn nửa không muốn đi bước nữa. Cô nói với Cần: “Cái duyên phận của em đã
vậy, hay là chịu đứng đó một đời thôi?” [6; tr7]. Mỗi lần Hoan trở về nhà thì ruột
gan cứ rối tung lên và tự nhiên “thấy có tội gì với con” [6; tr10]. Trong lòng Hoan
nổi lên những cơn “buồn rậm rật”, cô lặng lẽ nhìn bóng mình trên vách đất, ăn cơm
mà chỉ cảm thấy “nhạt thếch như rơm khô” [6; tr12]. Hoan chỉ biết than thở: “Giá
anh Hai đừng chết đi! Giá đời sống cứ bình thường như trước kia…” [6; tr17]. Hoan
muốn đi với Cần, nhưng cô lại băn khoăn “con cái lớn lên, còn phải ăn, phải học, thì
có tí ruộng nương nó vẫn hơn…” [6; tr60]. Tái hôn thì con không bỏ được, ruộng
nương cũng phải cần để nuôi con. Vấn đề chính là cô không thể dứt khoát, ngay cả
Cần hay Lượm vẫn thường nhắc “đi bước nữa là quyền của mình, chẳng ai ngăn cấm
được” [6; tr7]. Có lần Cần tâm sự với Hoan “tiếc cái mẫu ruộng nhà họ Bùi làm gì
15


cơ chứ?... Ta cứ xin cưới rồi nhờ xã giải quyết cho cũng được” [6; tr61]. Hoan không
thể thoát khỏi những suy nghĩ của mình, cô xin Cần: “Đừng đem chuyện riêng của
mình ra mà thưa với xã. Chuyện nhà mình mình lo, có việc gì mà phải kiện với cáo”
[6; tr61]. Trăn trở về con, về ruộng nương, về danh tiết của người phụ nữ, Hoan lại
quyết nợ Cần một đời, ở vậy nuôi con.

Bà Hai, mẹ chồng Hoan, suốt ngày lo thon thót, đêm không ngủ được. Chỉ
trực “thấy ánh đèn bên nhà Hoan còn leo lét, bà dò dẫm lần sang” [6; tr20]. Nghe
tiếng con dâu thổn thức, bà thắt cả ruột. Bà không ra tiếng, lẫm cẫm quay về. Bà Hai
cũng từng là góa phụ, nên bà hiểu cảm giác đứt gánh giữa chừng. Bà cũng không
muốn giữ Hoan, không muốn Hoan phải giống bà, nhưng cứ nghĩ đến hai đứa cháu,
bà lại không nỡ. Bà cứ nghĩ “nó lại đi bước nữa thì rồi ra sao?... phận thắp đóm bưng
điếu cho bố dượng” và cuối cùng bà cũng chỉ muốn rằng “giá nó chịu thiệt phận đi
mà ở lại nuôi cháu cho tôi” [6; tr21]. Từ hôm, bà nghe con dâu khóc thầm thì ruột bà
lại héo hon hơn, “cái thể này, không giữ được nó đâu”. Lần này bà không chỉ nghĩ
đến hai đứa cháu mà còn ruộng nương họ Bùi. Bà nghĩ: “Thời bây giờ, gì nó cũng
khác cả rồi. Có phải như xưa đâu mà bảo hễ gái góa đi bước nữa thì phải chân không
mà ra khỏi cửa nhà chồng” [6; tr25]. Càng nghĩ, bà lão càng nẫu cả ruột. Bà mãi
quẫn quanh với những suy nghĩ: Hay ngăn nó đừng đi? Ngăn làm sao?... Không thể
vượt qua sức ảnh hưởng của tư tưởng cũ, bà chỉ muốn Hoan đừng lấy chồng. Có lần,
bà quyết sang nói chuyện với Hoan. Thấy lòng Hoan cương quyết quá, “lòng thương
hai đứa cháu đã lấn hẳn lòng thương đứa con dâu trẻ góa chồng… nói sao thì nói,
chứ lòng nó đã quyết, nói lại không được với nó. Lại ra cái điều mẹ chồng thế này
thế khác” [6; tr27]. Nghĩ vậy, nhưng bà không nỡ gật đầu cho Hoan đi bước nữa, chỉ
ngồi khóc than cùng với đứa con dâu. Bà luôn tự vẽ khung cảnh con dâu bà không đi
lấy chồng nữa, con dâu bà sẽ ngồi lại nuôi cháu bà. Nghĩ tới đây, “bà lão chỉ lấy
tiếng thở dài làm khuây” [6; tr68]. Từ hôm bà nghe “con dâu tằng tịu với trai ở vườn
16


cô Ba Thoải” [6; tr68], bà buồn lòng lắm vì biết không thể giữ con dâu được nữa. Bà
không trách cứ con dâu, nhưng nghĩ Binh Mâu kiểm điểm Hoan để buộc chân cô ở
lại, bà lại bằng lòng. Bà tìm mọi cách để giữ hai đứa cháu, nếu Hoan đã quả quyết.
Bà mua cho bé Nhàn đủ thứ bánh, kẹo. Đêm xuống, bà rủ con bé ngủ với bà, rồi kể
mọi chuyện ghê rợn để diễn tả cảnh bố ghẻ con riêng cho cháu nghe. Đến khi nghe
Hoan không đi lấy chồng nữa, bà Hai “bỗng có cảm giác như ai vừa nhấc một tảng

đá lớn ra khỏi ngực”, “miệng bà nửa như mếu, nửa như cười” [6; tr90]. Tâm trạng bà
Hai thật phức tạp, bản thân bà không biết thật tâm bà vui hay bà buồn nữa. Mặc dù,
Hoan không lấy chồng nữa, nhưng cô đã lỡ có bầu với Cần. Điều này, làm bà Hoan
“đã hết thương chỉ còn ghét” [6; tr108]. Bà bực ở trong người, mà không nói ra. Đến
đây, bà cũng đồng ý với Binh Mâu đuổi Hoan ra khỏi nhà, chỉ có điều bà không
thích cháu bà cũng phải đi theo mẹ chúng nó. Cho nên, bà chấp nhận chuyện con dâu
bà lỡ dại chửa hoang, tuy nhiên vẫn không cho phép Hoan đẻ trên miếng đất của tổ
tiên họ Bùi. Cái ngày, bà thấy cảnh bé Xoan, bé Nhàn khóc nhớ mẹ, tránh né bà, bà
mới nghĩ tới Hoan. Rồi anh Cần đến mở lời xin phép chuyện giữa hai người, có cả
bà cả Nhạn khuyên nhủ nữa, bà Hai có vẻ mở lòng hơn. Đỉnh điểm khi nghe tin
Hoan lâm vào cảnh nguy kịch, bà mới ân hận hoàn toàn. Bà than khóc “mẹ làm khổ
con rồi con ơi…” [6; tr 149], tiếng khóc ấy mới thật tha thiết, cảm động biết bao. Bà
Hai không còn lăn tăn trăn trở nữa, lúc này, bà chỉ muốn con dâu bà khỏe trở lại.
Binh Mâu là anh chồng của Hoan, người anh trưởng của dòng họ Bùi, người
có nhiệm vụ giữ hương khói, chăm non, bảo quản tài sản tổ tiên để lại. Về chuyện đi
bước nữa của Hoan, Binh Mâu không ý kiến gì ngăn cấm. Duy chỉ việc Hoan đi như
thế nào mới là mối trăn trở của anh ta. Binh Mâu nghĩ đến “cái mẫu ruộng hai mùa
mà bà Hai đang cho Hoan làm sản lượng non ra cũng phải mươi lăm tạ. Được chân
ruộng thấy, nước quanh năm săm sắp, làm bỡn mà ăn thật. Cũng chưa giấy má gì để
chia hẳn cho mẹ con nhà nó.” [6; tr38]. Cho nên, việc không giữ được chân Hoan
17


không là vấn đề. Vấn đề chủ yếu, Binh Mâu phải làm sao để giữ lại cái mẫu chân
ruộng, cái ngôi nhà ba gian của Hoan. Từ những trăn trở ấy làm cho Binh Mâu trở
nên xấu xa, bỉ ổi hơn. Binh Mâu nghĩ tới nước: “Chết một cái là đàng hoàng ra, nó
mà đi lấy chồng phải phép thì có mọc sừng ra cũng chẳng giữ được ruộng được nhà
của mẹ con nhà nó. Nhưng ruộng đất nhà cửa ấy của tổ tiên ông cha để lại, mẹ lại
còn sống sờ sờ ra đó, không đời nào lại chịu để cho người khác máu hưởng được.
Vậy thì phải mọc sừng ra mà giữ lấy đất” [6; tr38]. Mới nghĩ như vậy nhưng nghe

tiếng con Nhàn cười, “tự dưng Mâu thấy trong người không vui” [6; tr44]. Binh Mâu
không hiểu được tại sao lòng lại không vui, khi nghe tiếng cháu mình cười. Tính ra,
bản chất Binh Mâu không xấu, mà chính những ảnh hưởng từ tư tưởng phong kiến
đã ăn mòn làm cho anh tính đến những mưu kế đen tối đến vậy. Cảm giác không vui
của Binh Mâu được tác giả lý giải rằng: “Đó là do lòng hối hận tương tự như lòng
hối hận của kẻ phạm tội nói dối lần đầu tiên trong đời mình, hay đó là do lòng
thương hại mẹ con đứa cháu thực, ai mà biết được” [6; tr44]. Khi đã đạt được mục
đích, làm cho cả dòng họ Bùi bị mọc sừng, Binh Mâu có vẻ hối hận, nhưng vẫn đổ
lỗi cho trách nhiệm của một người con trưởng trong gia đình. Binh Mâu tiếp tục
dòng suy nghĩ: “Đuổi nó đi rồi giữ lấy ruộng lấy nhà nhé! Không được. Hay cho nó
đi đàng hoàng rồi giữ lấy hai đứa cháu? Giữ được hai đứa cháu thì ruộng đấy, nhà
đấy có thánh cũng không mang đi được. Nhưng giữ được ruộng được nhà thì tự
dưng mình lại chuốc hai cái của nợ ấy vào tay! Phải làm thế nào kia! Làm thế nào để
chúng nó bồng bế nhau đi khỏi cái ngõ họ Bùi này mà không mang được tí gì của họ
Bùi này đi kia” [6; tr69]. Đến phút cuối, Binh Mâu mới thổ lộ ra hẳn: “Tôi chỉ muốn
giữ lại căn nhà đám đất cho tổ tiên, chỉ muốn vong linh chú nó đỡ tủi mà thôi” [6;
tr125]. Binh Mâu dường như đã thức tỉnh trước bệnh tình của Hoan, từ tư thế chết
đứng một chỗ, Binh Mâu đã tự chạy đến gần hơn và xin được đỡ phụ cán khiêng
Hoan. Hành động đỡ cán khiêng Hoan đi bệnh viện đã kết thúc dòng suy nghĩ của
Binh Mâu. Có thể thấy, Binh Mâu không còn băn khoăn về miếng đất nhà họ Bùi,
18


hay danh dự nhà họ Bùi nữa, mà có thể đã hòa nhập vào cái nhìn mới trong hôn
nhân.
Ngoài ba con người trên, còn có rất nhiều người cũng trăn trở trong việc chấp
nhận cái nhìn mới về hôn nhân, gia đình. Có những tư tưởng đã chấp nhận và ủng hộ
tuy chưa kiên định như Cần, Lượm, Viên, Thiềng, Vạnh, bà cả Nhạn… và cũng có
những con người phải trong quá trình trăn trở, suy tư mới có thể chấp nhận điều ấy
như bà Hai, Binh Mâu, ông đồ Mộc... Dòng suy nghĩ của Viên dường như đã góp

phần giải quyết được những tư tưởng lạc hậu, cổ hũ: “Nếu việc đời mà có thể giải
quyết được bằng cái tòa án không thôi, thì dễ quá” [6; tr125].
Mỗi người một dòng suy nghĩ, nhưng xét cho cùng mỗi con người trong tác
phẩm đều phải tranh đấu giữa quan niệm lạc hậu, khắt khe của thời phong kiến với
cái nhìn mới về hôn nhân và gia đình. Từ sự đấu tranh tâm lí đã góp phần dẫn tới
những hành động phù hợp hơn với hoàn cảnh.
2.2. Danh tiết của người phụ nữ trong hôn nhân và gia đình
Danh tiết của người phụ nữ trong hôn nhân và gia đình rất quan trọng, đặc biệt
là thời phong kiến. Hình ảnh người phụ nữ được rất nhiều tác giả quan tâm và thể
hiện trong văn học. Quan niệm “tam tòng, tứ đức” của người phụ nữ thời phong kiến
rất khắt khe. Nó được xem là biểu hiện của danh tiết mà người phụ nữ bắt buộc phải
đạt được trong hôn nhân và gia đình. Nếu vi phạm sẽ bị trừng trị rất nghiêm khắc.
Càng về sau, vai trò của người phụ nữ càng được khẳng định trong xã hội, nên cách
nhìn nhận về danh tiết người phụ nữ đã thoáng hơn và mang tính nhân văn.
Có thể nhận định, bà Hai và bà cả Nhạn là hai người phụ nữ đại diện cho hình
mẫu của những định kiến khắt khe thời phong kiến về danh tiết người phụ nữ. Tuy
nhiên, bà cả Nhạn đã có cái nhìn mới, tiến bộ hơn trong hôn nhân và gia đình. Bà
nửa đời góa bụa, bà không đi bước nữa, giữ gìn tiết hạnh như những phụ nữ xưa.
19


Trước tình cảnh của Hoan, bà lại biết cảm thông, xót thương cho người có hoàn cảnh
giống bà. Bà chỉ muốn Hoan lấy được chồng mới thật xứng với cô, nên có lần bà vẫn
chê Cần nghèo. Bà Hai cũng giống bà cả Nhạn, tuy nhiên bà Hai có phần khó hơn
trong việc tiếp nhận tư tưởng mới. Bà Hai cũng góa bụa, cũng ở lại nuôi con, tuy
nhiên bà không nghĩ lấy chồng mới là giải thoát cho người góa phụ. Bà là con người
tần tảo, cả đời ở vậy nuôi con, lúc già lại lo cho mấy đứa cháu. Đích thân bà đi kén
vợ cho anh Hai, chồng của Hoan. Bà dò xét rất kĩ Hoan, bà đánh giá không chê điều
gì, chỉ chê tính cô còn đễnh, “đi từ nhà ra đồng mà đánh rơi cái nón đến hai bận” [6;
tr23]. Anh Hai mất, Hoan cũng trở thành góa phụ. Thế nhưng Hoan còn trẻ đẹp quá,

được nhiều người để ý, bà lại càng dò xét, để ý Hoan hơn nữa. Chỉ cần Hoan có điều
gì hơi khác một chút, “bà cũng giật mình lo ngay ngáy” [6; tr21]. Những lúc mệt
mỏi, Hoan hơi xanh xao hay lúc người khỏe khoắn, xởi lởi ra, bà cũng lo. Bà sợ
Hoan lỡ làng, không giữ được thân mình. Bà kĩ tới mức khéo léo truyền lại cho con
dâu tất cả kinh nghiệm nửa đời góa bụa của mình. Bà khuyên Hoan thỉnh thoảng ăn
rau răm cho mát người hay bỏ lúa vào cối mà xay cho khuây khỏa nỗi nhớ thương
trong người. Hoan có bầu thật, bà chuyển hẳn từ thương sang ghét. Điều này rất cấm
kị trong xã hội xưa, mà chính bà Hai nhận định: “Có phải ngày xưa ấy ư? Ngày xưa
thì gọt đầu bôi vôi, đeo phèng phèng đằng sau lưng ấy!” [6; tr108]. Dù có thương
Hoan đến mức nào bà cũng quyết không cho con dâu nằm đẻ hoang trên mảnh đất tổ
tiên để lại. Tư tưởng cổ hũ của bà Hai là sự ảnh hưởng về thân phận người phụ nữ
phong kiến, mà Nguyễn Du trong văn học trung đại đã khái quát:
Đau đớn thay thân phận đàn bà,
Lời rằng bạc mệnh cung là lời chung!
Trong văn học Trung đại, Hồ Xuân Hương đã phê phán, đả kích mạnh mẽ
những định kiến xã hội về người phụ nữ. Danh tiết của người phụ nữ thời ấy bị định
đoạt bởi định kiến xã hội:
20


Quản bao miệng thế lời chênh lệch
Không có, nhưng mà có, mới ngoan!
Chuyện của Hoan cũng vậy. Hoan là người rất có ý thức giữ danh tiết cho cô
và cả gia đình chồng. Bốn năm Hoan chỉ biết làm lụng để lo cho hai đứa con nhỏ.
Khi cô bắt đầu ý thức về hạnh phúc cá nhân, cô vẫn giữ ý tứ rất cẩn trọng. Hoan luôn
giữ khoảng cách với Cần, lúc nào cũng sợ có ai nhìn thấy. Hoan yêu Cần nhưng
không mù quáng, cô luôn nghĩ con cô có bị thiệt thòi không nếu cô lấy chồng mới.
Sau chuyện vợ chồng Binh Mâu lập kế hại danh tiết của Hoan, Hoan không thể nào
giải thích sao cho tường tận được. Hoan tê dại cả người, uất hận, “cắn chặt đôi môi
tưởng đến bật máu” [6; tr64]. Hoan quay về nhà nằm úp mặt, ngậm chặt miệng, gục

đầu vào lòng cô bạn thân khóc nức nở. Vì con, vì danh tiết, Hoan quyết định không
lấy Cần. Tư tưởng xưa không chỉ hà khắc mà còn bám rễ rất chắc, chỉ vì thế, mà một
người phụ nữ ở thời hiện đại cũng phải từ bỏ đi hạnh phúc cá nhân để bảo vệ cái
danh tiết của người góa phụ. Hoan tránh mặt Cần, mãi cho đến giây phút chia li, hai
người không kìm nén tình cảm nữa, Hoan có bầu. Việc Hoan có bầu không thể trách
cô không biết giữ gìn đức hạnh của mình. Đó là tình cảm chân thật, là kết quả
củatình yêu trong sáng giữa Hoan và Cần. Chính Lượm còn nói: “Cái sự đã ra vậy,
có lẽ lại càng hay… là cái dịp để mà bồng bế về ở với nhau cho yên chuyện” [6;
tr104]. Hoan lại khác. Hoan chỉ thấy xấu hổ. Cô tìm mọi cách giấu đi cái bụng, tìm
cách lảng vào những ngõ không người đi, “lủi thủi như người đi trốn” [6; tr102].
Đến mức Hoan “nhai một lúc hàng nửa tá ký ninh… với cả quả cà độc dược mà nhai
đến nỗi cả xóm phải chạy đến cạo mùn thớt cho Hoan ăn để mửa ra mới thoát chết”
[6; tr102]. Mỗi lần tự vẫn, hình ảnh bé Xoan, con Nhàn hiện lên thôi thúc cô sống
tiếp. Đau khổ quá làm cho Hoan không thiết gì nữa, cũng chẳng giấu giếm nữa,
“Hoan xua đuổi ý nghĩ chết như xua đuổi một bóng ma quỷ quái độc ác” [6; tr122].
Vì con mà Hoan liều sống với những dị nghị, với lời đay nghiến của mẹ chồng, với
21


ánh mắt lạnh lùng của con bé Nhan. Dường như Hoan cũng có cảm nhận cô không
làm điều gì sai trái với lương tâm nữa, cô quyết sống để nuôi con. Tuy vậy, Hoan
vẫn im lặng về cuộc sống của mình với Cần, những món tiền Cần gửi về cô đều
không nhận, mà dành cho Cần lấy vợ. Như vậy, Hoan đã phải chịu nhiều lận đận
nhưng vẫn luôn giữ danh tiết cho bản thân lẫn gia đình nhà chồng, kể cả việc hi sinh
hạnh phúc cá nhân.
Xét về danh tiết của Hoan, có những ý kiến tiêu cực như bà Hai, Binh Mâu,
ông đồ Mộc hay những ý kiến tích cực như Lượm, Viên, Thiềng, Vạnh, bà cả
Nhạn… Xã hội lúc bấy giờ ủng hộ con người đi tìm hạnh phúc cho bản thân, mang
tính nhân văn cao cả. Cho nên, định nghĩa về danh tiết người phụ nữ trong hôn nhân
và gia đình cũng không còn gay gắt như xưa, mà mang những yếu tố tích cực, phù

hợp với hoàn cảnh. Đó là lí do số người ủng hộ Hoan chiếm số lượng đông đảo.
2.3. Hạnh phúc của người phụ nữ trong hôn nhân và gia đình
Hạnh phúc của người phụ nữ xưa thường bị ràng buộc bởi thuyết “tam tòng” đi
kèm với tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, thì hạnh phúc của người phụ nữ ngày nay
đã được mở rộng với tư tưởng phụ nữ thời hiện đại mạnh mẽ, quyết đoán trong hôn
nhân và gia đình. Trong tác phẩm, Hoan tuy chưa dứt khoát, chưa quyết liệt nhưng
cũng đã thể hiện tinh thần đấu tranh hạnh phúc. Ở đây, nhân vật Lượm lại là người
phụ nữ có tinh thần hiện đại, tinh thần đấu tranh giành hạnh phúc cá nhân hơn cả.
Một số nhân vật như bà cả Nhạn, mụ Binh Mâu, vợ Vạnh… cũng đều có sự mưu cầu
hạnh phúc, mỗi người một cảnh.
Hoan tuy có sự thiếu kiên định, nhưng cô cũng đã có những lần dũng cảm đấu
tranh giành lấy hạnh phúc. Bằng chứng Hoan dám nói chuyện thẳng thắn với mẹ
chồng: “Bây giờ con không ngồi lại trả nghĩa cho chồng được, con cam chịu tội với
mẹ… với vong linh bố thằng Xoan…” [6; tr27]. Người phụ nữ trong văn học Trung
đại chưa trực tiếp thổ lộ nỗi lòng nên chỉ đành phận trôi nổi như bánh trôi nước, hay
22


Vũ nương trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ phải nhảy sông tự vẫn… Hoan
đã có sự phản kháng trong tư tưởng và nói ra được nguyện vọng của bản thân. Nhiều
lúc, Hoan tự vẽ trong đầu mình những cảnh tươi sáng cùng với Cần và những đứa
con. Cô còn nhớ lại thời con gái có người tán tỉnh, chưa yêu ai đã phải lấy anh Hai.
Ý thức hạnh phúc cá nhân dần dần len lỏi trong Hoan ngày càng nhiều hơn. Dù đã
có ý thức, thế nhưng, quan niệm xưa như một con đỉa đói, khó lòng có thể rút ngay
ra được. Hoan chấp nhận thua cuộc, cô chỉ biết chúc Cần tìm được hạnh phúc mới.
Ý thức về hạnh phúc đã được nhen nhóm, thỉnh thoảng lại bùng lên, nhất là khi nghe
tin Cần ra đi. Lúc này, Hoan không màng tới chuyện gì nữa, chỉ chạy thật nhanh để
gặp Cần. Hoan thiết tha nghĩ “anh ở lại, anh đừng đi. Mai anh lên xã đi!... rồi ta về ở
với nhau…” [6; tr99]. Khoảng thời gian có bầu cũng là lúc Hoan phải kiên định nhất
để tồn tại nuôi những đứa con nhỏ đáng thương. Dù vậy, cái kết thương cảm của

Hoan thật đáng buồn. Vì chưa dứt khoát trong quyết định và hành động nên Hoan
chưa thể giành được hạnh phúc và đành gánh chịu những bi kịch cá nhân.
Tuy chưa dứt khoát trong tình cảnh như Hoan nhưng Lượm lại quyết liệt hơn
Hoan. Có thể là do Lượm ngày xưa có làm tổ trưởng, ít nhiều tính dứt khoát trong
công việc cũng ảnh hưởng tới. Lượm luôn là người ủng hộ Hoan, khuyên nhủ Hoan:
“Mày chỉ hơn tao ít tuổi, cái thời buộc khăn trắng lên đầu để chết rụi trong xó bếp
nhà chồng nó xửa xừa xưa rồi. Thủy chung thì để trong lòng. Chán cũng chả thủy
chung nữa là… Tao biết tỏng ra, có người đội khăn trắng chết rụi ở nhà chồng, chả
qua cũng chỉ là vì đống của nhà chồng nó cột chặt lấy chân mà phải để tàn lụi đời
mình thôi. Bây giờ có làm thế cũng chả ai khen. Họa may có bà Hai nhà mày với
ông đồ Mộc ở xóm đình có khen thì khen” [6; tr83]. Lượm chưa từng trải, chưa nếm
phải những đắng cay giống như Hoan, nhưng cũng đã thể hiện bản chất cứng rắn của
mình trong quan niệm về hạnh phúc.
Bà cả Nhạn là nạn nhân của tư tưởng phong kiến nhưng cũng có suy nghĩ
hướng tới hạnh phúc. Không bàn tới bản thân bà, bà chỉ biết Hoan còn trẻ còn thay
23


đổi được. Bà bênh vực cho Hoan mỗi khi Hoan bị oan. Bà chửi “con mẹ Binh Mâu”
mà góa chồng như Hoan “không khéo chưa héo ngọn cỏ, đã lại có năm bảy vè rồi
chứ chẳng phải một vè!” [6; tr33]. Khi Hoan quyết định từ bỏ hạnh phúc, bà an ủi
Hoan, còn khuyên Hoan “Con ơi, con nghĩ như vậy không xong” [6; tr89]. Bà còn là
người làm mối cho Hoan, khuyên bà Hai “mình cũng nửa đời góa bụa, mình biết
chán ra rồi, đừng để con trẻ nó khổ như mình nữa.” [6; tr142]. Ngay cả mụ Binh
Mâu chua ngoa cũng có ý nghĩ “Sao mà nó không chết mất xác đi tận ở cái nước Badi ấy cho bà đi lấy đứa nào thì lấy” [6; tr40], khi bị chồng đánh oan hai cái đòn gánh
vào mình. Tuy nhiên vẫn bị chi phối bởi tư tưởng “nó có đánh mình dăm ba cái cũng
là chồng mình; giận giận dữ dữ, nó tức lên nó lại quại cho mấy cái nữa, chỉ thêm
thiệt” [6; tr40]. Hay chị vợ Vạnh, vợ Viên cũng mấy lần tỏ ý không bằng lòng, giận
dỗi khi suốt ngày chồng phải đi lo việc dân, dù các anh chồng là cán bộ xã, là người
của dân.

Tính mưu cầu hạnh phúc của người phụ nữ trong thời kỳ mới đã mãnh liệt,
bạo dạn hơn thời xưa. Điều này mang giá trị nhân sinh cao. Tuy còn tàn dư từ thời
phong kiến cổ hủ, nhưng phần nào ý chí dành hạnh phúc cá nhân đã lan truyền rộng
rãi hơn. Con người ngày càng hoàn thiện bản thân, đi tìm những giá trị của hạnh
phúc.

24


KẾT LUẬN
Đi bước nữa là cuốn tiểu thuyết đặc biệt trong văn học thời kỳ 1945-1975.
Với cấu trúc đơn giản hóa và đề tài mới lạ, Nguyễn Thế Phương đã thể hiện thành
công nội dung đề tài hôn nhân và gia đình, mà về sau tác phẩm còn được chuyển thể
thành phim. Tác giả xây dựng hệ thống nhân vật tư tưởng đối lập để người đọc có
thể dễ dàng nhận diện vấn đề chính. Trước cái nhìn mới mẻ, con người trong tác
phẩm có thể chia thành hai bộ phận. Một bộ phận theo hướng mới, mở rộng tư
tưởng, tiếp thu những yếu tố tiến bộ, hiện đại. Bộ phận còn lại tuy có hướng tới cái
mới nhưng vẫn chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của tư tưởng phong kiến lạc hậu. Cái
nhìn mới về người phụ nữ trong mối quan hệ gia đình, đặc biệt là vấn đề danh tiết và
hạnh phúc của người phụ nữ, qua ngòi bút của tác giả được thể hiện như quá trình
đấu tranh của con người hướng tới giá trị nhân sinh. Thân phận người phụ nữ xưa
phải gánh chịu những đau khổ dày vò về thân xác và tinh thần. Theo quá trình hiện
đại hóa, người phụ nữ không còn là phận liễu yếu đào tơ nữa, mà mạnh mẽ thể hiện
cá tính, mưu cầu hạnh phúc cá nhân. Nhân vật chính Hoan là người phụ nữ dù có sự
mưu cầu hạnh phúc cá nhân nhưng cô vẫn bị ảnh hưởng từ quan niệm phong kiến và
đang trong quá trình đấu tranh phức tạp của tư tưởng. Kết cục đáng thương của
Hoan dường như đã vực tình thương từ những tâm hồn đang còn mờ mịt, chưa thể
mở lòng mình để hướng tới tương lai tươi sáng. Tác phẩm không những mang giá trị
hiện thực sâu sắc mà còn hướng tới giá trị nhân sinh cao đẹp, hướng con người tới
nhu cầu hạnh phúc cá nhân.

Qua việc phân tích cảm hứng thế sự trong Đi bước nữa của Nguyễn Thế
Phương, chúng ta càng thấy rõ đóng góp đáng kể của tác giả Nguyễn Thế Phương.
Như Bùi Viết Thắng nhận định Đi bước nữa có khả năng dự báo nhiệm vụ của hai
mươi năm sau và đóng góp cho sự đổi mới văn học. Nguồn cảm hứng thế sự đã góp
phần tạo nền móng cho tác phẩm vươn xa hơn.

25


×