Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Com 13 MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN CHẾ ĐỊNH CẦM CỐ TÀI SẢNpdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (63.77 KB, 6 trang )

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN CHẾ ĐỊNH CẦM CỐ TÀI SẢN

Trần Công Thịnh
Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Bộ Luật Dân sự nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ
VIII thông qua ngày 28 tháng 10 năm 1995 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 1996
đánh dấu một bước phát triển mới của hệ thống pháp luật nước ta. Đây là Bộ luật đầu tiên được xây
dựng khá đồ sộ và hoàn chỉnh, là nền tảng, cơ sở trong quá trình phát triển pháp luật dân sự nước
nhà và góp phần xây dựng một hệ thống pháp luật dân sự thống nhất, có hiệu lực pháp lý cao, từng
bước khắc phục tình trạng tản mạn, trùng lặp, mâu thuẫn, thiếu đồng bộ của pháp luật dân sự trước
đây.
Trong các chế định được ghi nhận tại Bộ Luật Dân sự thì nghĩa vụ và hợp đồng là chế định
chiếm một vị trí quan trọng vì nó điều chỉnh chủ yếu các giao lưu dân sự diễn ra trong cuộc sống
hàng ngày. Để tồn tại và phát triển, thoả mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần của mình, các chủ
thể quan hệ pháp luật đều chủ động tích cực tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự mà hợp
đồng là một trong những giao dịch dân sự chủ yếu.
Khi tham gia xác lập hợp đồng để thoả mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần, các chủ thể thông
thường thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình một cách tự giác, nhưng cũng có trường hợp chủ
thể nghĩa vụ không tự giác thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ của mình trước chủ thể quyền. Điều này
dẫn đến tình trạng quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền không được bảo đảm, thậm chí còn
ảnh hưởng cả đến lợi ích của Nhà nước, của cộng đồng, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ khác.
Bên cạnh đó, việc không thực hiện, thực hiện không đúng nghĩa vụ còn là nhân tố kìm hãm sự phát
triển giao lưu dân sự nói riêng cũng như kìm hãm sự phát triển của xã hội nói chung.
Để bảo đảm cho quyền và lợi ích của các chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng được thực hiện, Bộ
Luật Dân sự Việt Nam đã quy định tại Mục 5 chương I phần nghĩa vụ và hợp đồng dân sự các biện
pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Các biện pháp bảo đảm này nhằm góp phần bảo đảm cho các
quyền và nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng được thực hiện, nói cách khác đảm bảo cho các
quan hệ hợp đồng được thực hiện đúng pháp luật và đúng thỏa thuận [26, tr.2]. Đây chính là một trong
những cơ sở để xây dựng một xã hội ổn định và phát triển về mọi mặt...
Một trong những biện pháp bảo đảm mà Bộ Luật Dân sự ghi nhận là cầm cố. Đây là biện pháp


được các chủ thể áp dụng tương đối phổ biến nhằm bảo đảm quyền của chủ thể quyền trong mọi
trường hợp (chủ thể nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình).
Biện pháp này giống biện pháp thế chấp, đó là chỉ được áp dụng khi chủ thể nghĩa vụ có hành vi
vi phạm nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng, điều đó có nghĩa là nó hoàn toàn mang tính dự
phòng. Tuy nhiên nó tạo cho chủ thể quyền sự chủ động trong việc tác động một cách trực tiếp vào


tài sản của chủ thể nghĩa vụ để đảm bảo quyền và lợi ích cho chính anh ta. Điều này là hết sức cần
thiết bởi nó tạo cơ sở cho các chủ thể an tâm khi tham gia xác lập một hợp đồng.
Khác với thế chấp tài sản đối tượng của cầm cố là động sản, do vậy mà
các chủ thể có thể sử dụng các những tài sản mang tính động và thông
thường là những tài sản có giá trị không lớn. Điều này là hết sức phù hợp bởi
trong xã hội không phải ai cũng có thể là chủ sở hữu một bất động sản.
Mặc dù Cầm cố là biện pháp được áp dụng tương đối phổ biến trong giao lưu dân sự do những
đặc điểm thuận lợi nhất định so với các biện pháp bảo đảm khác. Tuy nhiên, trong quá trình áp
dụng, chế định này cũng đã bộc lộ một số hạn chế nhất định, ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng tham
gia của các chủ thể trong giao dịch dân sự cũng như phần nào hạn chế sự phát triển cúa các giao dịch
dân sự.
Để bảo đảm cho chế định cầm cố được áp dụng, thực hiện trong đời sống thực tiễn thuận lợi và
hiệu quả hơn, chúng tôi xin mạnh dạn đề xuất một số ý kiến về phương hướng hoàn thiện chế định
này.
Thứ nhất: Về hình thức thông báo
Như chúng ta đã biết, đối tượng của cầm cố tài sản là động sản và các quyền tài sản. Trong
trường hợp quyền tài sản được đem cầm cố (Điều 338 Bộ luật Dân sự) thì bên cầm cố phải báo cho
người có nghĩa vụ về việc cầm cố quyền tài sản đó. Vấn đề ở đây là Bộ luật không quy định hình thức
thông báo, luật cũng không quy định về thời hạn thông báo và cũng không dự liệu biện pháp chế tài
trong trường hợp bên cầm cố không thông báo cho người có nghĩa vụ.
Phải chăng ta có thể hiểu việc luật không quy định hình thức thông báo tức là hình thức thông
báo có thể tồn tại dưới một trong hai hình thức: miệng hoặc văn bản. Nếu quả thật như vậy thì sẽ
nảy sinh một vấn đề, đó là: nếu việc thông báo được thực hiện bằng miệng (người cầm cố nói cho

người có nghĩa vụ biết về việc cầm cố quyền tài sản) thì lấy gì làm căn cứ xác thực, người có nghĩa vụ
có thể dựa vào lý luận trên để phủ nhận việc người cầm cố đã thông báo cho anh ta, như vậy sẽ khó
khăn cho việc bảo vệ quyền lợi của bên nhận cầm cố.
Việc luật không quy định về thời hạn thông báo cũng là vấn đề đáng quan tâm. Có thể hiểu là
người cầm cố có thể thông báo cho người có nghĩa vụ vào bất kỳ lúc nào trong thời hạn hợp đồng
cầm cố còn có hiệu lực? Nếu người có nghĩa vụ viện cớ rằng anh ta được thông báo muộn hoặc không
được thông báo (do vậy anh ta trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ) thì ta sẽ phải giải quyết ra sao?
Theo chúng tôi, pháp luật dân sự nên quy định rằng việc thông báo phải được thực hiện bằng
văn bản. Thậm chí phải được thực hiện theo các thủ tục nào đó cho phép thiết lập chứng cứ rõ ràng
về ngày thông báo và về việc tiếp nhận thông báo. Việc quy định rõ ràng như vậy sẽ nhằm thông tin
cho người có nghĩa vụ và nhằm ngăn chặn người này thực hiện nghĩa vụ cho người cầm cố chứ
không phải cho người nhận cầm cố, hoặc tránh tình trạng người có nghĩa vụ với lý do chưa được
thông báo, từ chối thực hiện nghĩa vụ.
Một khi đã được thông báo rõ ràng bằng văn bản (kèm theo là ngày thông báo và việc tiếp nhận
thông báo) mà người có nghĩa vụ từ chối thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện nghĩa vụ cho người cầm


cố chứ không phải cho người nhận cầm cố thì anh ta ở trong tình trạng không ngay tình và không
được pháp luật bảo vệ. Lúc này dù muốn hay không người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ với
người nhận cầm cố.
Thứ hai: Về chủ thể phải đăng ký cầm cố và thời hạn đăng ký cầm cố:
Bộ Luật Dân sự coi việc đăng ký cầm cố (đăng ký giao dịch bảo đảm) như là một nghĩa vụ của
người cầm cố (Điều 332 khoản 3 BLDS).
Như vậy, việc đăng ký cầm cố do người cầm cố thực hiện chứ không phải là người nhận cầm cố.
Hơn nữa, Bộ luật cũng không quy định gì về thời hạn đăng ký. Sẽ không có vấn đề gì lớn phát sinh
trong trường hợp tài sản chỉ được cầm cố cho một người. Do không bị ràng buộc về thời hạn, người
cầm cố có thể thực hiện việc đăng ký chừng nào hợp đồng cầm cố còn chưa chấm dứt. Trong khi đó
người nhận cầm cố về phần mình, có thể yên tâm rằng mình sẽ được ưu tiên nhận tiền thanh toán từ
việc xử lý tài sản cầm cố, trong trường hợp người cầm cố không thực hiện nghĩa vụ bảo đảm.
Nhưng vấn đề sẽ phức tạp hơn nhiều nếu tài sản được cầm cố để bảo đảm nghĩa vụ với nhiều chủ

nợ khác nhau, kèm theo là việc: đăng ký là nghĩa vụ của người cầm cố và thời hạn đăng ký không
xác định. Câu hỏi trong trường hợp này là luật sẽ phản ứng ra sao, nếu người cầm cố đăng ký trước
việc cầm cố cho một chủ nợ đến sau và đăng ký cầm cố sau cho một chủ nợ đến trước trong trường
hợp tài sản cầm cố được dùng để bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ đã được quy định tại Khoản 2 điều 342
Bộ Luật Dân sự: "Thứ tự ưu tiên thanh toán được xác định theo thứ tự đăng ký việc cầm cố". Như
vậy không có gì để tin chắc rằng chủ thể có bảo đảm trước lại được đăng ký trước chủ thể có bảo
đảm sau và được ưu tiên thanh toán so với các chủ thể có bảo đảm sau, và đương nhiên quyền lợi
chính đáng của anh ta không được bảo đảm.
Chúng tôi cho rằng Bộ Luật Dân sự nên quy định lại là: việc đăng ký cầm cố là nghĩa vụ của bên
nhận cầm cố; có như vậy mới bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của anh ta. Để chứng minh
luận điểm trên, chúng ta xét một ví dụ sau.
A cần vốn để sản xuất kinh doanh nên đã đem cầm cố một động sản có giá trị của mình cho B.
Thế rồi khi B (người cho vay) cũng cần quay vòng đồng vốn của mình như A (người vay vốn để sản
xuất kinh doanh) thì quan hệ tín dụng trở nên bình đẳng. Lúc này, không chỉ có người vay mà cả
người cho vay đều muốn đẩy nhanh các thủ tục. Nói riêng đăng ký, ta có cơ sở để tin rằng chính
người cho vay, chứ không phải người đi vay, mong muốn việc đăng ký được thực hiện càng sớm càng
tốt, để các quyền của chủ nợ nhận cầm cố được người thứ ba biết đến và tôn trọng. Trong điều kiện
ấy, sẽ hợp lý hơn nếu ta coi đăng ký cầm cố là việc của người nhận cầm cố như là cách xử sự chủ
động nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trong quá trình giao kết hợp đồng dân sự.
Một khi đã tin rằng đăng ký là việc của người nhận cầm cố, thì ta không cần suy nghĩ thêm về
vấn đề nên hay không nên ấn định thời hạn đăng ký; người nhận cầm cố phải cố gắng đăng ký trong
thời hạn sớm nhất có thể, để bảo đảm được thứ tự đăng ký thông qua đó bảo đảm thứ tự ưu tiên
thanh toán trong trường hợp tài sản cầm cố được dùng để bảo đảm nghĩa vụ cho nhiều chủ nợ.
Nhận thức được hạn chế trên đây của Bộ Luật Dân sự, Nghị định số 165/CP ngày 19/11/1999 của
Chính phủ về giao dịch bảo đảm đã quy định tại khoản 1 Điều 13: "Các bên thoả thuận bên bảo đảm
hoặc bên nhận bảo đảm thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm". Như vậy Nghị định 165/CP đã


đưa ra một giải pháp thông thoáng hơn đối với việc đăng ký giao dịch bảo đảm, theo đó các bên có
thể thoả thuận với nhau về việc ai sẽ là người đăng ký chứ không nhất thiết đó phải là nghĩa vụ của

bên cầm cố.
Chính vì vậy ta có cơ sở để tin rằng, quy định hiện tại tại khoản 3 Điều 332 BLDS về đăng ký
cầm cố là chưa hợp lý và điều khoản này cần phải được sửa đổi, bổ xung nhằm bảo vệ hơn nữa
quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong hợp đồng cầm cố nói riêng và trong giao lưu dân sự nói
chung.
Thứ ba: Nghĩa vụ của bên cầm cố trong việc thanh toán chi phí bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố:
Khoản 4 Điều 332 Bộ Luật Dân sự quy định: "Bên cầm cố phải thanh toán cho bên nhận cầm cố
chi phí cần thiết để bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác". Như vậy
theo quy định tại khoản 4 Điều 332 thì người cầm cố chỉ phải có nghĩa vụ thanh toán các chi phí cần
thiết cho việc bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố cho bên nhận cầm cố giữ tài sản cầm cố. Vậy còn
người thứ ba giữ tài sản cầm cố thì sao? Chẳng lẽ người cầm cố sẽ không có nghĩa vụ đối với người
thứ ba giữ tài sản cầm cố đã bỏ ra các chi phí cần thiết cho việc bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố?
Mặc dù tại khoản 1 Điều 337 Bộ Luật Dân sự có quy định người thứ ba có quyền "Được nhận
thù lao và thanh toán chi phí bảo quản theo thoả thuận", nhưng việc khoản 4 điều 332 Bộ luật Dân
sự không quy định người cầm cố phải có nghĩa vụ với người thứ ba giữ tài sản cầm cố là chưa hợp lý.
Bởi lẽ trong quan hệ nghĩa vụ và hợp đồng thì quyền và lợi ích của các bên luôn tương xứng với
nhau, quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. Do vậy theo chúng tôi để bảo đảm cho
quyền lợi của người thứ ba thì khoản 4 Điều 332 cần được sửa đổi, bổ sung là: "Thanh toán cho bên
nhận cầm cố và người thứ ba giữ tài sản cầm cố những chi phí cần thiết cho việc bảo quản, giữ gìn tài
sản cầm cố, trừ trường hợp có thoả thuận khác".
Thứ tư: Về xử lý tài sản cầm cố
Việc xử lý tài sản cầm cố là biện pháp bất đắc dĩ mà các bên phải thực hiện để đảm bảo thực hiện
nghĩa vụ chính. Việc làm này là rất cần thiết và là biện pháp nhằm bảo đảm tối đa quyền và lợi ích
hợp pháp của cả hai bên (nhất là chủ thể quyền)
Việc xử lý tài sản cầm cố được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: bên nhận cầm cố
nhận luôn tài sản cầm cố thay cho nghĩa vụ thực hiện; bán tài sản theo cách thông thường, bán đấu
giá tài sản ... trong đó hình thức xử lý được quan tâm nhiều hơn cả là bán đấu giá tài sản. Trong
trường hợp khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện
không đúng thoả thuận thì tài sản cầm cố sẽ được xử lý bằng hình thức bán đấu giá (nếu các bên
không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản cầm cố và pháp luật không quy định).

Để tạo điều kiện thuận lợi trong việc bán đấu giá tài sản nói chung và bán đấu giá tài sản cầm cố
nói riêng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 86/CP ngày 19/12/1996 kèm theo quy chế bán đấu giá
tài sản. Tuy nhiên, trên thực tế một vài quy định của quy chế bán đấu giá tài sản còn hạn chế.
Theo quy chế này, việc bán đấu giá tài sản cầm cố được thực hiện thông qua hợp đồng uỷ quyền
bán đấu giá được ký kết giữa người bán đấu giá, người nhận cầm cố và người cầm cố nếu trong hợp


đồng cầm cố không quy định về biện pháp bán đấu giá tài sản. Trong trường hợp hợp đồng cầm cố
có thoả thuận về việc bán đấu giá tài sản mà bên cầm cố cố tình không ký kết hợp đồng bán đấu giá
thì hợp đồng ủy quyền bán đấu giá được ký kết giữa người nhận cầm cố với người bán đấu giá (Điều
7 khoản 3 quy chế bán đấu giá tài sản).
Có thể nói rằng quy định trên đây là chưa phù hợp với thực tế. Biện pháp cầm cố tài sản nhằm
bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nhận cầm cố, tạo cho họ có quyền chủ động yêu cầu xử
lý tài sản bảo đảm khi nghĩa vụ không được thực hiện hoặc được thực hiện không đầy đủ. Vậy mà
theo quy định tại Điều 7 khoản 3 quy chế bán đấu giá tài sản thì người nhận cầm cố luôn phụ thuộc
vào người cầm cố tài sản khi phải xử lý tài sản cầm cố. Trường hợp hợp đồng cầm cố không quy định
về biện pháp bán đấu giá tài sản cầm cố mà người cầm cố cố tình không ký hợp đồng bán đấu giá thì
việc bán đấu giá gặp rất nhiều khó khăn, khó có thể tiến hành được. Do vậy để đảm bảo quyền và lợi
ích cho người cầm cố, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ký kết hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá, quy chế
bán đấu giá nên quy định về việc ký hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản cầm cố, bảo đảm cho
nghĩa vụ được thực hiện như sau: "Hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá được ký kết giữa người bán đấu
giá, người nhận cầm cố và người cầm cố. Trong trường hợp người cầm cố từ chối ký kết hợp đồng
bán đấu giá mà không có lý do chính đáng thì hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá được ký kết giữa
người bán đấu giá và người nhận cầm cố".

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.
2.
3.

4.
5.
6.
7.
8.
9.
10.
11.
12.
13.
14.
15.

Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự Nhật bản, NXB Chính trị Quốc gia, 1996.
Bình luận khoa học một số vấn đề cơ bản của Bộ luật Dân sự Việt Nam, NXB Chính trị
Quốc gia, 1996.
Bộ luật Dân sự nước CHXHCN Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, 1995.
Bộ luật Hàng hải nước CHXHCN Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia.
Bộ luật Dân sự nước CH Pháp, NXB Chính trị Quốc gia, 1998.
Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái lan, NXB Chính trị Quốc gia, 1996.

Bùi Thị Thanh Hằng, Thế chấp quyền sử dụng đất bảo đảm HĐTDNH của
nước ta hiện nay, Luận án cao học Luật.
Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, tập 2 Trường ĐH Luật Hà Nội, NXB Công an nhân dân,
2000.
Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội.

Lê Văn Tư, Các nghiệp vụ ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê, 1997.
Hiến pháp nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam , NXB Chính trị Quốc gia, 1992.
Hỏi đáp về các quy định giao dịch bảo đảm và bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng,

NXB Đà nẵng 2000.
Hỏi đáp về thế chấp, cầm cố, bảo lãnh, bán đấu giá tài sản cố định, NXB Đà Nẵng, 1999.
Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, 1992.

Một số tạp chí chuyên ngành:
+ Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 05/1995, số 09/1996, số 10/1997, số 04/1998.
+ Tạp chí Luật học số chuyên đề về Bộ luật Dân sự, số 03 năm 1997.


+ Tạp chí Dân chủ Pháp luật số 10/1997, số 01/2000, số 02/2000.

Nghị định 86/ CP ngày 19/12/1996 ban hành kèm theo quy chế bán đấu giá tài
sản.
17. Nghị định 165/ CP ngày 19/11/1999 về giao dịch bảo đảm.
18. Nghị định 08/ CP ngày 10/03/2000 về đăng ký giao dịch bảo đảm.
19.
Nghị định 178/CP ngày 29/12/1999 về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín
dụng.
20. Nghị định 75/ CP ngày 08/12/2000 về công chứng chứng thực.
21. Nghiệp vụ ngân hàng hiện đại, Sách tham khảo, NXB Chính trị Quốc gia, 2000.
22. Nguyễn Mạnh Bách, Pháp luật về hợp đồng, NXB Chính trị Quốc gia, 1995
23.
Nguyễn Ngọc Điện, Một số suy nghĩ về đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong
Luật Dân sự Việt Nam, NXB Trẻ TPHCM , 1999.
24.
Nguyễn Ngọc Điện, Một số suy nghĩ về tài sản trong Luật Dân sự Việt Nam,
16.

NXB Trẻ TPHCM, 1999.


25. Thông tư 06/TT – NHVN ngày 04/04/2000 hướng dẫn thực hiện nghị định 178/ CP về bảo đảm
tiền vay của các tổ chức tín dụng.

26. Trần Công Thịnh, Cầm cố – Biện pháp đảm bảo thực hiện NVDS, Luận văn tốt nghiệp cử
nhân Luật, 2001.

SOME PROPOSALS TO PERFECT THE INSTITUTION: “PLEGDE OF PROPERTY”
IN VIETNAM CIVIL CODE
Tran Cong Thinh
Faculty of Law, Vietnam National University, Hanoi

To protect the legal rights and benefits of whom engaging contractual relations, Viet nam Civil
Code stipulated seven guaranty of obligation measures, of which Plegde of property measure is
applied rather popularly due to its certain convenient characters in comparison with other ones.
Nevertheless, in the process of implementing, this measure has exposed certains short-comings,
partly affect to the joint capacity of individuals in civil transactions also partly restrict the
development of civil transactions. From the above facts, the author has tried to bring out some
proposals in order to perfect this institution in Vietnam Civil Code.



×