Tải bản đầy đủ (.pdf) (32 trang)

Hình ượng người phụ nữ trong văn học trung đại

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (438.27 KB, 32 trang )

MÔN NGỮ VĂN MÃ CHẤM: V05a
MỤC LỤC

Trang
MỞ ĐẦU
NỘI DUNG
PHẦN 1: Quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học
1.1. Khái quát chung về con người trong văn học
1.2. Khái niệm “quan niệm nghệ thuật về con người”
1.3. Đặc điểm của quan niệm nghệ thuật về con người
1.4. Ý nghĩa quan niệm nghệ thuật về con người
1.5. Biểu hiện của quan niệm nghệ thuật về con người
Phần 2: Quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học Việt
Nam thời trung đại
2.1. Khái quát về văn học Việt Nam thời trung đại
2.1.1. Các giai đoạn phát triển của văn học trung đại
2.1.2. Quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học trung đại
2.2. Quan niệm nghệ thuật về con người qua một số hình tượng văn học
tiêu biểu thời trung đại
2.2.1. Hình tượng những nhà nho nghèo
2.2.2. Hình tượng người phụ nữ
2.2.3. Hình tượng người anh hùng trong Truyện Kiều (Nguyễn Du)
KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1


MỞ ĐẦU
I. Lí do chọn đề tài và mục đích nghiên cứu
Văn học là nhân học – khoa học về con người. Ở bất kì thời đại nào, con


người cũng là đối tượng trung tâm trong sự phản ánh của văn học. Mọi phân tích,
khám phá trong văn chương cuối cùng cũng quy tụ vào sự lí giải về con người.
Tìm hiểu quan niệm nghệ thuật về con người trong sáng tác cuả mỗi nhà văn, trong
sáng tác của mỗi chặng đường, mỗi giai đoạn, mỗi thời kì văn học là nội dung cơ
bản của nghiên cứu văn học, cũng là một phạm trù quan trọng trong thi pháp học.
Thành quả của những nghiên cứu ấy sẽ giúp cho việc nhìn nhận và đánh giá nhân
vật văn học cũng như việc khám phá tư tưởng của nhà văn có căn cứ khoa học, có
sự chính xác và mang tính hệ thống.
Văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến nay đã trải qua nhiều giai đoạn, nhiều
chặng đường. Ở mỗi giai đoạn, mỗi chặng đường, do nhu cầu và quan niệm thẩm
mĩ khác nhau, do những yêu cầu, đòi hỏi xã hội đặt ra với văn chương khác nhau
nên quan niệm nghệ thuật về con người ít nhiều cũng có sự khác biệt, thay đổi. Đặc
biệt, đối với văn học từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX (văn học trung đại), vì được
phát triển trong bối cảnh kinh tế, xã hội, chính trị đặc biệt của chế độ phong kiến
kéo dài hàng nghìn năm nên quan niệm nghệ thuật về con người có những đặc
điểm rất riêng. Ý thức được sâu sắc điều này thì sẽ nhận thấy sự biến đổi, khác biệt
khá rõ trong quan niệm nghệ thuật về con người giữa các thời kì văn học. Trên tinh
thần đó, có thể thấy, chính sự đổi mới trong quan niệm về con người là một nhân tố
quan trọng thúc đẩy nền văn học vận động, là cơ sở quan trọng để phân chia các
giai đoạn, thời kì văn học…
Trong giảng dạy bộ môn ngữ văn ở trường phổ thông, trọng tâm của đọc hiểu
văn bản văn học là tìm hiểu hình tượng nghệ thuật. Có hình tượng thiên nhiên, hình
tượng loài vật, đồ vật, hình tượng con người,… Song tất cả đều được tìm hiểu
khám phá trong mối liên hệ với con người. Những năm gần đây, việc đổi mới trong
2


thi cử đòi hỏi học sinh phải có năng lực tư duy bao quát, hệ thống, có khả năng
phân tích nhân vật, tác phẩm trong sự đối chiếu, so sánh, nhiều dạng đề so sánh
văn học được đưa vào trong thi cử, kiểm tra đánh giá. Hệ thống hóa quan niệm

nghệ thuật về con người trong cả một thời kì văn học kéo dài tới mười thế kỉ là một
việc làm cần thiết, có tính ứng dụng cao trong học tập và giảng dạy Ngữ văn ở phổ
thông, nhất là cấp phổ thông trung học. Nó cũng đặc biệt có ý nghĩa với giáo viên
các trường THPT chuyên trong việc bồi dưỡng các chuyên đề cho học sinh giỏi.
Với ý nghĩa ấy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài “Quan niệm nghệ thuật
về con người trong văn học Việt Nam thời trung đại”.
2. Lịch sử vấn đề
Nghiên cứu quan niệm nghệ thuật về con người trong lí luận, phê bình văn
học hiện đại không phải là nội dung mới mẻ. Đã có nhiều bài báo nghiên cứu quan
niệm nghệ thuật về con người của các nhà văn như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn
Khải, Lê Minh Khuê,… đăng trên các tạp chí chuyên ngành hay được in trong các
sách bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên Ngữ văn.
Tuy nhiên, vấn đề quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học trung đại
có lẽ ít được đề cập đến. Tài liệu quan trọng nhất mà chúng tôi có trong tay là cuốn
Sách giáo khoa Ngữ văn 10 tập 1 (chương trình Nâng cao), trong đó, phần Tri thức
đọc hiểu có giới thiệu vài nét sơ lược về quan niệm nghệ thuật về con người trong
văn học trung đại. Đây là tư liệu hết sức quý báu, có ý nghĩa định hướng, soi
đường cho chúng tôi trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu.
Trên cơ sở đó, chúng tôi tiến hành tìm hiểu đề tài quan niệm nghệ thuật về con
người trong văn học Việt Nam thời trung đại một cách tương đối hệ thống, đi sâu
vào những vấn đề liên quan gần gũi với việc giảng dạy phần văn học trung đại ở
trường trung học phổ thông hiện nay.
3. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu
Tìm hiểu quan niệm nghệ thuật về con người trong sáng tác của một nhà văn,
một chặng đường văn học đã là một việc làm hết sức công phu. Tìm hiểu quan
niệm nghệ thuật về con người trong cả một thời kì văn học kéo dài hàng nghìn năm
3


mà trong đó có nhiều giai đoạn, nhiều chặng đường nhỏ quả là đề tài rộng lớn và

đòi cần sự nghiên cứu công phu gấp nhiều hơn nữa. Nó đòi hỏi người viết không
chỉ phải có vốn kiến thức tác phẩm sâu rộng mà còn phải có năng lực phân tích,
tổng hợp, khái quát vấn đề sắc bén.
Do thời gian nghiên cứu có hạn, cũng căn cứ vào đặc trưng một đề tài tham dự
hội thảo trao đổi chuyên môn giữa các trường THPT chuyên, chúng tôi không có
tham vọng giải quyết vấn đề trọn vẹn, thấu đáo như các nhà nghiên cứu chuyên
sâu. Chúng tôi mong muốn trên cơ sở kế thừa thành quả nghiên cứu của người đi
trước, cùng với một số tìm tòi, nghiên cứu của bản thân trong quá trình giảng dạy
và tự học, tự bồi dưỡng đề hoàn thành đề tài. Khối lượng tác phẩm văn học trong
văn học trung đại Việt Nam vô cùng phong phú, đó là cơ sở nghiên cứu để rút ra
những kết luận khoa học, song chúng tôi chủ yếu tập trung vào những tác phẩm
được giảng dạy trong nhà trường và tác phẩm của các nhà văn gần gũi với trường
phổ thông.
4. Phương pháp nghiên cứu
Để tiến hành đề tài, chúng tôi sử dụng một số phương pháp nghiên cứu: phân
tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu.
5. Bố cục của đề tài
Ngoài phần mở đầu và kết luận, đề tài gồm hai phần:
Phần 1: Quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học
Phần 2: Quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học Việt Nam thời
trung đại

4


PHẦN I:
QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI
TRONG VĂN HỌC
1.1. Khái quát chung về con người trong văn học
Nhà văn, nhà phê bình văn học Nga Mác-xim Gooc-ki có nêu một định nghĩa

nổi tiếng, phản ánh đúng được bản chất quan trọng của văn học: “Văn học là nhân
học”. Văn học tái hiện muôn mặt đời sống con người, từ đời sống xã hội đến đời
sống riêng tư, từ quan hệ đẳng cấp đến quan hệ giới tính, từ đời sống vật chất đến
tâm hồn, từ tâm lí, phong tục tập quán đến tín ngưỡng, thói quen, thị hiếu thẩm
mĩ,… Văn học là tấm gương soi muôn mặt của đời sống con người. Nhà văn
Nguyễn Minh Châu cũng đồng quan điểm khi khẳng định: “Văn học và đời sống là
những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người”. Là “khoa học về con
người”, lấy con người làm đối tượng trung tâm, song không giống như sinh lí học
nghiên cứu mặt sinh học với đặc điểm về cấu trúc cơ thể, cơ chế hoạt động của các
cơ quan, bộ phận trên cơ thể người, văn học nghệ thuật quan tâm trước hết tới bản
chất xã hội của con người, nghiên cứu con người trong “tổng hòa các mối quan hệ
xã hội”. Con người trong văn chương là con người cụ thể - lịch sử, hiện lên trong
không gian và thời gian nhất định. Đó là con người với những tính cách riêng biệt
độc đáo, những số phận cụ thể. Lựa chọn con người làm đối tượng trung tâm, luôn
khám phá hiện thực trong mối liên hệ với con người, đó chính là đặc thù của đối
tượng nghệ thuật.
Thuộc về thế giới khách quan, đối tượng phản ánh của văn học rất đa dạng và
phong phú, bao gồm cả tự nhiên, xã hội và đời sống nội tâm của con người. Văn
học dù phản ánh đối tượng nào trong hiện thực khách quan thì cũng luôn đặt nó
trong mối liên hệ với con người. Hiện thực trong văn chương là “hiện thực trong
mối quan hệ thẩm mĩ với con người”. Điều đó cũng có nghĩa, con người là trung
tâm chú ý, là đối tượng chủ yếu, nổi bật của nghệ thuật.
5


1.2. Khái niệm “Quan niệm nghệ thuật về con người”
Trong nghiên cứu văn học xưa nay, người ta quan tâm nhiều đến thi pháp học.
Đó là bộ môn khoa học nghiên cứu các phương thức và phương tiện thể hiện cuộc
sống bằng nghệ thuật, khám phá cuộc sống bằng hình tượng, là khoa học về hình
thức nghệ thuật. Cùng với việc nghiên cứu đặc điểm về thể loại, kiểu tác giả, ngôn

ngữ, các yếu tố không gian và thời gian nghệ thuật,… trong văn chương thì nghiên
cứu quan niệm nghệ thuật về con người được xem là một phạm trù rất quan trọng
của thi pháp học.
Từ điển Thuật ngữ văn học định nghĩa: “Quan niệm nghệ thuật về con người
là hình thức bên trong của sự chiếm lĩnh đời sống, là hệ quy chiếu ẩn chìm trong
hình thức nghệ thuật, nó gắn với các phạm trù phương pháp sáng tác, phong cách
nghệ thuật, làm thành thước đo của hình thức văn học và là cơ sở của tư duy nghệ
thuật.” [2, tr.275].
Giáo sư Trần Đình Sử trong giáo trình về Thi pháp học đã cho rằng: “Quan
niệm nghệ thuật về con người là một cách cắt nghĩa, lí giải tầm hiểu biết, tầm đánh
giá, tầm trí tuệ, tầm nhìn, tầm cảm của nhà văn về con người được thể hiện trong
tác phẩm của mình”. [8,tr.15] Đó là “sự lí giải, cắt nghĩa, sự cảm thấy con người
đã được hoá thân thành các nguyên tắc, phương tiện, biện pháp, hình thức thể hiện
con người trong văn học, tạo nên giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cho các hình tượng
nhân vật trong đó.” Một cách đơn giản, quan niệm nghệ thuật về con người được
hiểu là cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ, cách cắt nghĩa lí giải về con người của
nhà văn.
Nhân vật là hình thức cơ bản để miêu tả con người trong văn học, tuy nhiên,
nhiều khi người ta thường chú ý xem nhân vật mang những phẩm chất gì ? Tính
cách nhân vật như thế nào ? Ngoại hình được khắc hoạ ra sao, tâm lý nhân vật có
gì đặc sắc ? Ngôn ngữ nhân vật có được cá tính hoá hay không ? v.v. Sau đó, đem
so nhân vật với thực tại để xem nhà văn nói được cái gì chưa ai nói, miêu tả có
giống với các nguyên mẫu thực tế hay không, vốn sống nhà văn giàu có nhường
nào,… Và tiêu chuẩn đánh giá ở đây là hiện thực sống động.
6


Sự chú trọng đến hình tượng khách thể của con người như vậy là cần thiết,
song xem nhẹ việc tìm hiểu quan niệm của nhà văn về con người, tức là các
nguyên tắc lý giải, cảm thụ của nhà văn về hình tượng sẽ dẫn đến việc giản đơn

hoá bản chất của sáng tác văn học, xem nhẹ vai trò sáng tạo tư tưởng của nhà văn,
rút gọn tiêu chuẩn tính chân thực vào một điểm là miêu tả giống hay không giống
so với hiện thực.
Quan niệm nghệ thuật về con người mở ra một hướng khác, nó hướng người
ta khám phá, phát hiện cách cảm thụ và biểu hiện chủ quan, sáng tạo của chủ thể
nhà văn, ngay cả khi miêu tả con người giống hay không giống so với đối tượng có
thật. Tuy nhiên, quan niệm nghệ thuật không phải là bất cứ cách cắt nghĩa, lý giải
nào về con người, mà là cách cắt nghĩa có tính phổ quát, nó thể hiện cái giới hạn
tối đa trong việc miêu tả con người mà chỉ ở trong giới hạn đó mới có khác biệt với
các quan niệm thông thường và mới có tính sáng tạo.
1.3. Đặc điểm của quan niệm nghệ thuật về con người
Nghệ thuật là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, là sản phẩm có ý
thức của người nghệ sĩ, kết tinh tài năng, tư tưởng, tình cảm của người nghệ sĩ. Do
vậy, quan niệm nghệ thuật về con người mang dấu ấn sáng tạo của cá nhân người
nghệ sĩ, gắn liền với thế giới quan nghệ sĩ trong sáng tác. Chẳng hạn, chúng ta có
thể nhận thấy sự khác biệt trong quan niệm nghệ thuật về con người trong sáng tác
của Nam Cao so với Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất Tố, trong sáng tác của Nguyễn
Thi so với Nguyễn Trung Thành hay Nguyễn Minh Châu,…
Văn học gắn liền với cuộc sống, thời đại nào văn học ấy. Quan niệm nghệ
thuật về con người cũng mang dấu ấn thời đại, gắn liền với sự vận động của lịch
sử. Cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ, cách lí giải về con người của nhà văn đều là
sản phẩm của lịch sử, xã hội và văn hóa thời đại nhà văn sáng tác. Cho nên, ở mỗi
thời kì, giai đoạn văn học khác nhau, quan niệm nghệ thuật về con người cũng có
sự khác nhau. Dễ thấy quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học trung đại
khác xa với quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học hiện đại. Quan niệm
nghệ thuật về con người trong văn học giai đoạn chống Pháp cũng khác ít nhiều so
7


với giai đoạn chống Mỹ, và khác với con người trong văn học giai đoạn đổi mới.

Là một hình thái ý thức xã hội, văn học tác động qua lại với các hình thái ý thức
khác như chính trị, đạo đức, tôn giáo, triết học.
Quan niệm nghệ thuật về con người cũng là sản phẩm của văn hoá, tư tưởng.
Cho nên dù quan niệm con người trong mỗi thời có thể đa dạng, nhưng vẫn mang
dấu ấn của quan niệm thống trị trong thời ấy. Chẳng hạn, thời trung đại phương
Tây, người ta xem con người là sản phẩm sáng tạo của Chúa trời; từ thời Phục
hưng đến Khai sáng thì con người được xem là sản phẩm của tự nhiên – con người
trần thế, con người tự làm chủ bản thân mình. Từ thế kỷ XIX thì con người được
xem là sản phẩm vừa của tự nhiên vừa của xã hội, nhưng do hoàn cảnh xã hội quy
định. Con người trong văn học trung đại Việt Nam ít nhiều bị chi phối bởi tư tưởng
trung quân…
Do chức năng và hệ thống phương tiện biểu hiện khác nhau, quan niệm
nghệ thuật trong các thể loại văn học khác nhau cũng có sự khác nhau. Đó là
những điểm cơ bản cần biết trước khi đi sâu vào tìm hiểu các biểu hiện của quan
niệm nghệ thuật về con người.
1.4. Ý nghĩa của quan niệm nghệ thuật về con người
Quan niệm nghệ thuật về con người tạo thành nhân tố vận động của nghệ
thuật. Và khi cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ, cách cắt nghĩa lí giải về con người
của nhà văn thay đổi thì văn học cũng được đổi mới. Nhiều nhà nghiên cứu khẳng
định “một nền nghệ thuật mới bao giờ cũng ra đời cùng với con người mới”. Có
người còn nhấn mạnh hơn: “Quan niệm con người tạo thành cơ sở, thành nhân tố
vận động của nghệ thuật “.
Nhưng ở đây cần phân biệt: con người mới xuất hiện trong thực tế là một
việc, mà sự suy nghĩ mới về con người ấy lại là một chuyện khác. Quả là sự vận
động của thực tế làm nảy sinh những con người mới, nhưng còn có một khía cạnh
khác nữa là đổi mới cách giải thích và cảm nhận về những con người ấy cũng làm
cho văn học đổi thay căn bản. Trong lịch sử văn học, việc sử dụng lại các đề tài,
cốt truyện, nhân vật truyền thống là rất phổ biến. Shakespeare, Racine hầu như
8



chẳng sáng tạo, hư cấu ra cốt truyện và nhân vật nào mới. Cốt truyện và nhân vật
của họ đều vay mượn trong truyền thuyết, lịch sử hoặc huyền thoại, nhưng cách
giải thích và cảm nhận của họ là mới, tạo thành tiếng nói nghệ thuật mới. Cũng vẫn
là con người đã biết, nhưng hôm qua được nhìn ở một góc độ, hôm nay nhìn sang
góc độ mới cũng tạo thành sáng tác văn học mới.
Quan niệm nghệ thuật về con người trong tác phẩm luôn hướng vào con
người trong mọi chiều sâu có thể có, cho nên đây là tiêu chuẩn quan trọng nhất để
đánh giá giá trị nhân văn vốn có của một hiện tượng văn học. Những tác phẩm
minh hoạ, sử dụng nhân vật như những con cờ trên ván cờ tư tưởng, tất nhiên rất
xem nhẹ việc khám phá về con người. Tác giả của chúng bằng lòng với một quan
niệm thông dụng nào đó, cho nên nội dung nhân văn trong sáng tác của họ thường
nghèo nàn. Nghệ sĩ đích thực là người suy nghĩ về con người, cho con người, nêu
ra những tư tưởng mới để hiểu về con người, do đó càng khám phá quan niệm nghệ
thuật về con người thì càng đi sâu vào thực chất sáng tạo của họ, càng đánh giá
đúng thành tựu của họ.
1.5. Những biểu hiện của quan niệm nghệ thuật về con người
Nhân vật văn học chính là mô hình về con người của tác giả, biểu hiện tập
trung nhất quan niệm nghệ thuật về con người của tác giả. Theo tác giả Trần Đình
Sử trong Dẫn luận Thi pháp học, quan niệm nghệ thuật về con người được biểu
hiện qua các phương diện cơ bản như sau:
Trước hết là cách xưng hô, gọi tên nhân vật của nhà văn. Các tác giả Khái
Hưng, Nhất Linh gọi nhân vật bằng “chàng, nàng” thể hiện một quan niệm khác
với cách gọi “hắn, y, thị” của Nam Cao, và gọi “anh, chị, ông” trong Tắt đèn của
Ngô Tất Tố. Mà người ta không thể tuỳ tiện thay đổi nếu không thay đổi luôn cả
cách cảm thụ cuộc sống tương ứng với cách xưng hô ấy trong văn học.
Cách miêu tả chân dung, số phận nhân vật cũng là một biểu hiện của quan
niệm về con người. Miêu tả chân dung con người như Từ Hải của Nguyễn Du,
quan phủ trong Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Thị Nở trong Chí Phèo (Nam Cao) đều gợi
9



lên những quan niệm về con người chứ không phải giản đơn là đặc điểm riêng cá
biệt của nhân vật hoặc là đặc điểm chủng loại của các nhân vật đó.
Quan niệm về con người của nhà văn còn bộc lộ qua hành động được lặp đi
lặp lại của nhân vật , thái độ của nhân vật đối với sự sống, cái chết, qua các chi tiết
nghệ thuật, ngôn ngữ ,… Song chúng chỉ biểu hiện trong tính hệ thống, trong sự
lặp lại có quy luật, có sự liên hệ chi phối lẫn nhau.
Tóm lại:
- Lịch sử của văn học nhân loại là lịch sử luôn luôn đổi thay quan niệm nghệ
thuật về con người. Quan niệm nghệ thuật về con người là yếu tố cơ bản, then chốt
nhất của một chỉnh thể nghệ thuật, chi phối toàn bộ tính độc đáo và hệ thống nghệ
thuật của chỉnh thể ấy.
- Sự đổi mới và đa dạng của văn học trước hết là đổi mới và đa dạng trong
quan niệm nghệ thuật về con người. Nghiên cứu quan niệm nghệ thuật về con
người giúp ta thâm nhập vào cơ chế tư duy của văn học, khám phá quy luật vận
động, phát triển của hình thức (thể loại, phong cách) văn học. Đó chính là nội dung
ẩn chứa bên trong mọi yếu tố hình thức văn học, phân biệt với nội dung cụ thể mà
mỗi tác phẩm biểu hiện.

10


PHẦN II:
QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI
TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM THỜI TRUNG ĐẠI
2.1. Khái quát về văn học Việt Nam thời trung đại
2.1.1. Các giai đoạn phát triển:
Ở nước ta lich sử văn học viết luôn gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ
nước của dân tộc. Cùng với sự phát triển toàn diện về chính trị, tôn giáo và các loại

hình nghệ thuật khác như: kiến trúc, điêu khắc, … bộ phận văn học viết chính thức
ra đời vào thế kỉ X. Văn học từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX thường được gọi là văn
học trung đại.
Trong tiến trình lịch sử văn học dân tộc, văn học trung đại chiếm một vị trí
vô cùng quan trọng. Từ đây tiếng Việt văn học đã ra đời cùng với hệ thống thể loại
du nhập từ nước ngoài đã được dân tộc hoá và các thể loại nội sinh thuần Việt. Đó
cũng là thời kỳ hình thành các truyền thống tư tưởng và nghệ thuật quan trọng
nhất, làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển phong phú của văn học dân tộc.
Trong khoảng mười thế kỉ, văn học trung đại Việt Nam đã trải qua 4 giai đoạn:
-

Từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIV - giai đoạn đặt nền móng toàn diện cho văn
học Việt Nam, từ chữ viết đến thể loại, với các tác giả tiêu biểu: Lý
Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão, …

-

Từ thế kỉ XV đến hết thế kỉ XVII: Giai đoạn chuyển mạnh theo hướng dân
tộc hoá từ văn tự đến thể loại văn học, từ nội dung đến hình thức; với các
tác giả tiêu biểu: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ, …

-

Từ thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX: Giai đoạn trưởng thành vượt bậc
của văn học Việt Nam; với các tác giả tiêu biểu: Nguyễn Du, Hồ Xuân
Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm, Ngô gia
văn phái, Phạm Thái, …

11



-

Từ nửa cuối thế kỉ XIX: Giai đoạn văn học yêu nước, chống ngoại xâm
phát triển mạnh mẽ; với các tác giả tiêu biểu: Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn
Khuyến, Tú Xương, …

2.1.2. Quan niệm nghệ thuật về con người :
a) Con người vũ trụ:
Người xưa quan niệm con người là một phần của thế giới trong trục thiên địa - nhân. Vì thế cá nhân được thể hiện trong quan hệ với vũ trụ hơn là trong quan
hệ với xã hội. Do đó, thi đề quen thuộc của thơ trữ tình là con người một mình đối
diện, đàm tâm với thiên nhiên vũ trụ:
“Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả
Niệm thiên đại chi du du
Độc thường nhiên nhi lệ hạ”
(Trần Tử Ngang)
Người anh hùng được nhắc đến với tầm vóc sánh ngang vũ trụ:
“Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu”
(Phạm Ngũ Lão)
“Trí chủ hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà”.
(Đặng Dung)
b) Con người đạo đức:
Toàn bộ xã hội thời trung đại được nhìn nhận trong một hệ thống tôn giáo
đạo đức (đạo Nho). Cho nên con người luôn được nhìn nhận ở phương diện đạo
đức luân lý. Vì thế, văn chương xưa chia xa hội thành hai tuyến: thiện – ác, tốt –
xấu. Mục đích, chức năng nổi bật của văn chương xưa là giáo huấn:
“Trai thời trung hiếu làm đầu

Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”.
(Nguyễn Đình Chiểu).
12


Chính vì vậy, con người sống theo luân lý đạo đức, theo lí trí thì được coi là
chân chính; còn những người sống theo xúc cảm, theo những ước muốn trần thế,
nhân bản thì bị coi thường, chê trách. Vì sống theo quy tắc đạo đức nên con người
ngày xưa sống rất trọng tình nghĩa. Câu chuyện “Tình và nghĩa” trong sách cổ
được lưu truyền là để tôn vinh những quy tắc đạo đức đó. Chuyện kể về vị tướng
Tề đưa quân tiến đánh nước Lỗ, trên đường thấy một phụ nữ cắp hai đứa nhỏ chạy
trốn. Bị lính đuổi, bà bỏ một đứa lại nhưng vẫn không thoát được. Tướng Tề hỏi
đứa bé bị bỏ là con ai. Người phụ nữ trả lời đó là con ruột tôi, còn đứa được mang
theo là cháu tôi. Con là tình riêng, cháu là nghĩa công nên tôi phải chọn như vậy.
Tướng Tề nghĩ người Lỗ ai cũng coi trọng nghĩa công tình hơn riêng như vậy thì
sao đánh chiếm nước họ được, bèn rút quân về. Vua Lỗ phong người đàn bà nọ là
“Nghĩa Cô”. Câu chuyện “Mua được nghĩa” cũng tương tự như vậy. Chuyện kể về
Mạnh Thường Quân thời Chiến Quốc là người hết sức giàu có và nghĩa hiệp. Một
hôm ông nhờ một môn khách là Phùng Huyên đi đòi nợ. Phùng Huyên hỏi: “Tiền
đòi nợ, ông có muốn dùng để mua gì không?” Thường Quân trả lời: “Ngươi xem
nhà ta còn thiếu thứ gì thì mua”. Phùng đến gặp các con nợ và tuyên bố Thường
Quân xoá hết nợ cho họ và đốt giấy vay ra tro. Khi về, ông nói với Quân rằng:
trong nhà tiên sinh của báu chất đầy, chỉ thiếu một thứ là Nghĩa, nay tôi đã mua về.
Sau này, Quân gặp nạn, bỏ trốn. Chính các con nợ nhớ ơn xưa đã ra tay cứu giúp…
Văn học Việt Nam thời trung đại cũng không hiếm những tác phẩm tôn vinh
chữ “tình” chữ “nghĩa” như vậy (Lục Vân Tiên, Truyện Kiều…).
c) Con người phi cá nhân:
Trong văn học trung đại, các nhà văn chú ý đến con người xã hội hơn con
người tự nhiên, chú ý đạo đức hơn trí tuệ và bản năng:
“Những phường bất nghĩa xin đừng tới,

Để mặc thềm ta xanh sắc rêu”.
(Nguyễn Trãi)
“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn người tới chốn lao xao”
13


(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Con người thời trung đại không được sống theo cái tôi của riêng mình mà bị
trói buộc bằng những qui tắc, lễ giáo của xã hội. Người ta cho rằng, con người do
Trời sinh và chịu sự chi phối của Trời về “tính” và “mệnh”. Chữ „tính” được hiểu
như sau: con người vốn thiện, sẵn mầm mống nhân, nghĩa, lễ, trí. Nhưng do hoàn
cảnh mà nhiều khi bị nhiễm tính ác vì thế cần phải tu thân để hoàn thiện, do đó, cả
xã hội phải lo giáo hoá để con người trở nên thuần hậu. Còn chữ „mệnh” được hiểu
là: giàu nghèo, sướng khổ, sống chết là do số Trời, con người không thể quyết định
điều đó. Tuy nhiên, con người phải tự chịu trách nhiệm về trí và ngu (có học hay
không học, có đức và vô đức (có tu dưỡng hay không).
Mặt khác, trong xã hội phong kiến có bốn giai tầng nhân dân là: sĩ, nông,
công, thương, trong đó, hai nhân vật quan trọng nhất là nhà nho và nông dân.
Trong tầng lớp sĩ phu lại có hai mô hình nhân cách: người quân tử và kẻ tiểu nhân.
Lúc đầu, sự phân biệt dựa trên đẳng cấp sang hèn, sau đó dựa trên trí và đức.
Người quân tử không coi tự do và hạnh phúc của bản thân là đích tìm kiếm của
cuộc đời. Họ sống theo lí tưởng nhân nghĩa, yêu thương người khác, sống có trách
nhiệm vơí cuộc đời. Họ sống theo triết lí “an bần lạc đạo”, không chạy theo lòng
dục. Họ không coi mình là cá nhân để quan tâm đến lợi ích của riêng mình, nhưng
lại có ý thức về cá nhân, nỗ lực học tập, tu dưỡng để nhìn nhận giá trị bản thân và
sống trách nhiệm với cộng đồng.
2.2. Quan niệm nghệ thuật về con người qua một số hình tượng văn học tiêu
biểu thời trung đại
2.2.1. Hình tượng những nhà nho nghèo

2.2.1.1. Khái quát chung:
Nhắc tới cảnh nghèo, ai cũng dễ dàng nhận thấy:
Trong trần thế cảnh nghèo là khổ
(Tản Đà)
14


Nhưng trong văn học, đặc biệt là thơ ca trung đại, nhiều bậc danh nho, cũng
là những thi sĩ, văn sĩ tài năng như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn
Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương,… lại lấy cảnh nghèo làm đề tài sáng tác,
coi việc sống chung với cái nghèo là lẽ thường, nhiều khi còn là thú vui riêng. Vì
sao vậy? Có lẽ, đằng sau một chữ “nghèo” kia còn nhiều điều ta chưa hiểu hết...
2.2.1.2. Nhà nho nghèo trong thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn
Khuyến, Tú Xương, Nguyễn Công Trứ:
Người đầu tiên có công giúp đề tài bước vào thi ca có lẽ là thi sĩ Ức Trai ở
thế kỉ XV với những vần thơ chứa đầy tâm sự:
“Bữa ăn dầu có dưa muối
Áo mặc nài chi gấm là”


“Hài cỏ dẹp chân đi đủng đỉnh
Áo bô quen cật vận xuềnh xoàng”
Nhà thơ đã vẽ những nét cơ bản nhất về cảnh sống của mình. Trong cảnh

sống ấy không có áo gấm, hài vải, không có sơn hào hải vị hay những đồ ăn thức
uống cầu kì mà một người như ông hoàn toàn có thể được hưởng. Ngược lại, bữa
ăn hàng ngày của ông chỉ là những món ăn dân dã, đạm bạc, đồ dùng của ông chỉ
là những thứ đơn giản, bình thường... Vậy mà người sống trong cảnh ấy lại không
cảm thấy khổ sở, mà ngược lại, còn tìm được niềm vui thú:
“Một cày, một cuốc, thú nhà quê

Áng cúc, lan chen vãi đậu kê”
Cuộc sống “cày, cuốc” nông gia trở thành niềm vui của thi sĩ . Phải chăng, vì
ở đó, ông đựơc gần gũi với trời mây sông nước, được hòa đồng với cái tự nhiên
của vũ trụ, ở đó ông được thanh thản, thoải mái - điều vô cùng khó kiếm trong
chốn quan trường? Nguyễn Trãi không chỉ vui với niềm vui của một “lão nông tri
điền” mà còn vui cùng cái vui của bậc danh nho sống ẩn, với thú chơi hoa tao nhã.
Cuộc sống của ông không chỉ có đậu, có kê mà còn có cúc, có lan, có hương thơm
và sự thanh khiết. Những loài hoa quý ấy tỏa sắc, ngát hương khiến cuộc sống
chốn làng quê vốn giản đơn, dân dã được thêm phần nồng nàn, ý vị.
15


Nhưng vì sao một bậc “công thần khai quốc” luôn nặng gánh trách nhiệm
với non sông như Nguyễn Trãi lại chọn sống trong cảnh nghèo? Phải chăng vì trải
qua bao phen dâu bể, nhà thơ đã ngẫm ra một điều triết lí:
“Dưới công danh, đeo khổ nhục
Trong dại dột, có phong lưu”
Hơn ai hết, Nguyễn Trãi thấm thía sự bạc bẽo của vòng công danh, sự khổ
nhục của những người ham danh, hám lợi trong triều. Do đó, ông đã treo mũ từ
quan, lựa chọn cuộc sống thanh bần, chấp nhận tiếng dại dột để được hưởng sự
nhàn hạ, thảnh thơi. Với ông, nghèo không phải là cực, là khổ mà là sự an lạc của
tâm hồn. Vậy nên, cảnh nghèo trong thơ Nguyễn Trãi không chỉ là cảnh nghèo, mà
còn là trí tuệ, nhân cách của một bậc danh nho.
Sống cách Nguyễn Trãi hàng trăm năm, song “người thầy sông Tuyết”
Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn có sự gặp gỡ thi sĩ Ức Trai trong việc lựa chọn lối sống.
Trạng Trình cũng rời bỏ chốn cửa quyền để chọn cuộc sống theo cách “cầu đạo,
bất cầu thực”, chuộng tự do tinh thần hơn là sự trói buộc của cuộc sống vật chất.
Dù viết về cuộc sống kham khổ, cảnh nghèo trong thơ ông vẫn tràn đầy “dư vị và
nhã thú”:
“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”
Măng trúc, giá đỗ là những món ăn quen thuộc, dân dã. Với nhiều người, ăn
uống như vậy thật đạm bạc, cuộc sống như vậy thật kham khổ. Nhưng đối với
Trạng, đó lại là nguồn thực phẩm thanh đạm, tinh khiết; là kết tinh của sương sớm,
nắng trưa; là đặc sản thiên nhiên dành tặng cho con người. Bên cạnh đó, ông còn
sung sướng tận hưởng không gian trong lành, thoáng đãng chốn quê nhà với hồ
sen, ao cá. Hồ sen là nơi vừa có nước trong, có hoa đẹp, vừa có hương thơm nhẹ
nhàng, thanh khiết. Cảnh sắc ấy rất thích hợp để con người cởi bỏ mọi ưu phiền,
tận hưởng sự thư thái, an nhàn. Từ bộ tứ bình xuân, hạ, thu, đông, có thể thấy,
cuộc sống của thi sĩ tuy có thiếu thốn về vật chất, nhưng thật sự giàu có, lành
mạnh, khoẻ khoắn về tinh thần. Với ông, sống như vậy không chỉ là “mùa nào thức
16


nấy” mà còn là “mùa nào thú nấy”, không chỉ được gần gũi, giao hoà với thiên
nhiên mà còn di dưỡng được tinh thần thanh sạch. Nói như nhà phê bình Xuân
Diệu thì câu thơ thứ nhất gợi cảm giác như được “ăn giá tuyết, uống băng đông”,
còn câu thứ hai giúp ta liên tưởng đến không gian “vừa có nước trong, vừa có
hương thơm thanh quý”. Trạng rất mãn nguyện vì lối sống đã chọn, vậy nên ông
mới viết:
“Cao khiết ai là kẻ sĩ trong thiên hạ?
An nhàn ta là bậc tiên trên cõi đời”
Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm, hai con người đều tìm thấy niềm vui
trong cuộc sống thanh bần, đều chọn cách lánh xa vòng danh lợi, về với thiên
nhiên để di dưỡng tinh thần. Nhưng vì thời đại, chí hướng hai người khác nhau,
nên cách thể hiện cũng có điểm khác biệt.
Thời đại của Nguyễn Trãi là giai đoạn lịch sử đầy biến động với sự suy tàn
của nhà Trần, sự non trẻ của nhà Hồ, sự khốn cùng của nhân dân dưới thời Minh
thuộc. Và phải trải qua hai mươi năm trường kì gian khổ, nghĩa quân Lam Sơn đứng đầu là Lê Lợi, đứng sau là Nguyễn Trãi - mới đưa đất nước thoát khỏi cảnh
binh đao. Nên trong sâu thẳm tâm hồn, ông luôn khao khát lý tưởng “phò đời giúp

nước”. Nhưng vì “Danh suông vạ mắc vòng oan uổng, Dạ thẳng đời bao kẻ ghét
ghen”, Nguyễn Trãi buộc phải cáo quan về ở ẩn. Vậy nên ông “thân nhàn mà tâm
không nhàn”, dù vui với thiên nhiên nơi thôn dã, ông vẫn luôn canh cánh nỗi niềm
“ưu quốc, ái dân” :
“Bui một tấm lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông”
Còn thời đại của Trạng Trình là thời Lê – Mạc phân tranh, đất nước loạn lạc,
triều đình suy vi, đạo đức con người bị băng hoại: “Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử,
Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi”. Vậy nên Trạng quyết để “chí ở sự nhàn dật”, lấy
việc sống nhàn, sáng tác thơ văn, khuyên con người trở về với “chí thiện” làm lẽ
sống của mình. Trong cảnh nghèo, nhà thơ vẫn thấy mãn nguyện, coi mình là một
ông tiên “nhàn”…
17


Cho dù có những điểm khác biệt như vậy, nhưng nhìn chung, các nhà nho
thế kỉ XV, XVI mà tiêu biểu là Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đều không thấy
nghèo là khổ, mà họ hài lòng và thậm chí, hãnh diện, coi sống nghèo chính là biểu
hiện của nhân cách trong sạch, thanh cao.
Cảnh nghèo đâu chỉ gói gọn trong những câu thơ thất ngôn thế kỉ XV, XVI,
mà còn xuất hiện với câu nối câu, vần hiệp vần trong thể phú ở thế kỉ XIX. Đó là
nhà nho Nguyễn Công Trứ với bài “Hàn nho phong vị phú” – có lẽ là bài phú “độc
nhất vô nhị” về đề tài này.
Ngay mở đầu, tác giả đã gây ấn tượng mạnh mẽ bởi tiếng chửi “phủ đầu”
dồn dập, gay gắt như trút nỗi ghét bỏ dồn tụ cả cuộc đời:
“Chém cha cái khó
Chém cha cái khó
Khôn khéo mấy ai?
Xấu xa một nó!
Lục cực bày hàng sáu, rành rành kinh huấn chẳng sai

Vạn tội lấy làm đầu, ấy ấy ngạn ngôn hẳn có.”
Tác giả đã kết án cái nghèo bằng những lí lẽ lấy trong kinh huấn và ngạn
ngôn. Nghèo là một trong sáu điều cực nhục của con người, lại là tội lớn nhất trong
vạn tội của con người. Lời lên án nghe như lời than thống thiết, bi phẫn của một kẻ
nghèo đang chì chiết, đay nghiến chính mình. Nhưng ngay sau đó, thật lạ, hai từ
“kìa ai” làm thay đổi mạch phú, từ thái độ ghét cay, ghét đắng sang thái độ bông
đùa, mỉa mai:
“Bốn vách tường mo, ba gian nhà cỏ
Đầu kèo mọt tạc vẽ sao, trước sân nhện giăng màn gió
… Đầu giường tre mối dũi quanh co
Góc tường đất giun đùn lố nhố”
Bậc danh nho đang tự khắc họa gia cảnh đặc biệt của mình. Căn nhà ba gian
cũng là dãy ngang, vách dọc, trong nhà cũng đủ phên, đủ giường. Thoạt nghe có
cảm giác như cơ ngơi khá là khang trang, đầy đủ. Nhưng đọc lại thì hỡi ôi, nhà ba
18


gian nhưng lợp bằng cỏ, tường bốn vách nhưng lót bằng mo! Vần o láy lại khiến
người đọc như rơi vào cái thế giới trống không của căn nhà, và hình dung rõ hơn
về sự xiêu vẹo, ọp ẹp đến thảm hại của nó. Gọi là nhà nhưng không thể đủ để che
nắng, che mưa chứ chưa nói đến việc chống chịu gió rung, bão giật! Vậy mà chủ
nhân của căn nhà ấy vẫn tìm thấy những điều thú vị. Vì sống trong căn nhà ấy thì
ông mới được gần gũi, gắn bó với thiên nhiên, trời đất mà chẳng cần đi đâu xa,
được chiêm ngưỡng nhiều hiện tượng thiên nhiên kì thú mà chẳng cần bỏ công bỏ
sức…
Như vậy, Nguyễn Công Trứ vẽ ra cảnh ấy không phải để than nghèo, kể
khổ; cũng không phải để ca tụng cuộc sống “an bần”; mà qua đó, ông muốn gửi
đến người đọc một “tâm thế sống”. Đáng trân trọng biết bao, đối diện với cảnh
nghèo, ông đã giữ một tâm thế thanh thản, lạc quan, đã chọn cho mình một giọng
điệu hài hước, dí dỏm. Có thể nói, qua bài phú về cảnh nghèo, nhà nho tài tử họ

Nguyễn hiện lên trong ánh sáng của nghị lực, trong vẻ đẹp của nhân cách và tài
năng.
Cũng viết về cảnh nghèo với giọng điệu ấy, với tâm thế ấy là nhà thơ
Nguyễn Khuyến. Đã từng là đại quan của triều đình, nhưng khi trở về với quê nhà,
cụ Tam Nguyên Yên Đổ lại chọn một cuộc sống bình dị, chất phác như bao người
dân quê khác. Điều đó đã tạo nguồn chất liệu thực tế giúp nhà thơ vẽ nên bức tranh
cảnh nghèo độc đáo, đặc sắc trong bài thơ “Bạn đến chơi nhà”.
Mở đầu bài thơ là lời chào hỏi thân thiết, quen thuộc “Đã bấy lâu nay bác
tới nhà”. Vì khách đã lâu ngày mới gặp, nên chủ nhà rất muốn tiếp đãi thật nồng
hậu, thết đãi bạn những món ngon mà mình có. Nhưng cũng từ ước muốn đó, bức
tranh cảnh nghèo bắt đầu hé mở:
“Trẻ thời đi vắng chợ thời xa.
Ao sâu nước cả khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.”
19


Thoạt nghe, ta có thể hình dung về một cuộc sống khá đầy đủ, sung túc với
không gian của “ao sâu nước cả”, “vườn rộng rào thưa”; với những sản vật phong
phú, những món ăn “cây nhà lá vườn” dân dã mà ngọt lành, đầy hấp dẫn: cải, cà,
bầu, mướp,…Chỉ vì tất cả đều đang ở độ “triển vọng, tiềm năng”, đều chưa thể đưa
ra đãi khách, vì những nguyên nhân rất khách quan và bất khả kháng: trẻ đi vắng,
chợ xa, cà mới nụ, mướp đương hoa,… Vậy nên chủ nhà không thể có một mâm
cơm tươm tất đãi khách. Song bù lại, dường như khách đã được chiêu đãi một “bữa
tiệc” tinh thần, với dư vị và nhã thú của một không gian sống rộng rãi, khoáng đạt,
gần gũi với thiên nhiên, ở đó, vạn vật đều đang vận động, sinh sôi, phát triển; đang
đơm nụ, kết trái, ra hoa…
Nhưng khi đọc câu tiếp theo:

“Đầu trò tiếp khách, trầu không có”
Thì người đọc mới vỡ lẽ! Hóa ra, đến cả thứ tối thiểu nhất “miếng trầu là đầu câu
chuyện” mà gia đình cũng không có, và cũng không thể tìm được lí do nào để biện
bạch nữa! Nghĩa là, tất cả những thiếu thốn ở trên không phải là “cái ngẫu nhiên”
mà là “cái bản chất”, không phải là “cái nhất thời” mà là “cái phổ biến”! Điều thú
vị là ở chỗ, khi cảnh nghèo đã “lộ” ra, khách và chủ không những không phải
sượng sùng, xa cách; mà còn thêm phần gần gũi, ấm áp. Bởi lẽ, câu kết mới là điều
chủ muốn nói với khách, cũng là với người đọc:
“Bác đến chơi đây, ta với ta.”
Tình cảm nồng hậu, chân thành của những người bạn tri âm tri kỉ chính là
món quà quý giá mà họ dành cho nhau, và phải chăng, sự giàu có về tinh thần mới
là thứ của cải mà không một thứ tiền tài nào có thể mua được? Giọng thơ của cụ
Tam nguyên Yên Đổ thật dí dỏm, nhẹ nhàng mà không kém phần sâu sắc.
Nhưng Tú Xương – người cùng thời với cụ Tam Nguyên Yên Đổ thì lại
khác. Vị nho sĩ bất đắc chí này luôn phải chịu sự bủa xiết, bao vây, thắt nghẹt của
cái khó, cái khổ. Vì vậy, cảnh nghèo trong thơ ông hiện lên thật xót xa, cay đắng:
“Bức sốt nhưng mình vẫn áo bông
Tưởng rằng ốm nặng hóa ra không
20


Một tuồng rách rưới con như bố
Ba chữ nghêu ngao: vợ chán chồng”
Song, nếu như mở đầu nhiều bài thơ viết về cảnh nghèo là lời than, là câu
hỏi vô vọng, thì kết lại bài thơ của Tú Xương bao giờ cũng là tiếng cười thoải mái.
Có lẽ, đó là cánh cửa để Tú Xương giải thoát tâm hồn mình. Ví như khi thiếu áo
mặc thì nhà thơ định:
“Gần chùa, gần cảnh ta tu quách
Cửa Phật quanh năm sẵn áo sồng”
Tú Xương là vậy, ông chỉ làm thơ theo lối “xuất khẩu thành chương”, nhưng

lời nào nói ra cũng chua chát, cay độc, cũng là những điệu “cười ra nước mắt”.
Ông gửi vào lời thơ niềm cảm thương cho mình, cho những người cùng cảnh ngộ,
cho dân tộc buổi lầm than...
2.2.1.3. Nhận xét :
Cảnh nghèo bước vào thi ca từ khi nào và bao giờ sẽ rời đi? Đó vẫn là một
câu hỏi thật khó trả lời. Nhưng chắc chắn, dòng chảy của đề tài độc đáo này trong
văn học trung đại đã mang theo nguồn sáng lung linh tỏa rạng từ tâm hồn và tài
năng của các bậc danh nho thuở trước. Và phải chăng, khi soi mình vào nguồn
sáng đó, chúng ta vẫn có thể thấu suốt nhiều vấn đề về cuộc sống còn nhiều khó
khăn vất vả hôm nay?
2.2.2. Hình tượng người phụ nữ :
2.2.2.1. Định hướng chung
- Đây là hình tượng nghệ thuật phổ biến, xuyên suốt trong văn học dân tộc, gắn với
cảm hứng nhân đạo.
- Trong văn học dân gian: tập trung ở thơ ca dân gian (ca dao-dân ca)
- Trong văn học trung đại, đặc biệt ở giai đoạn thế kỷ 16-18, đây là hình tượng
nghệ thuật trung tâm; qua đó, có thể nhận thấy diện mạo của thời đại. Đây là hình
tượng nghệ thuật mang chứa trong nó cả giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của
tác phẩm, góp phần làm nên “thời đại hoàng kim” của văn học trung đại.
2.2.2.2. Vẻ đẹp và sức sống của người phụ nữ
21


a) Ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ, đồng thời cảm
thương cho số phận bất hạnh của họ
- Trong ca dao: người phụ nữ xinh đẹp, duyên dáng, nết na, chung thủy, đảm
đang... nhưng thân phận đau khổ: bị lệ thuộc, bị chà đạp, bị ruồng bỏ...
+ Thân em như giếng giữa đàng
Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân
+ Thân em như dải lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai
+ Cái cò mà đậu bờ ao
Ăn sung sung chát, ăn đào đào chua...
- Trong văn học trung đại:
+ Truyện Kiều: người con gái tài hoa nhưng bất hạnh
+ Cung oán ngâm khúc: người cung nữ xinh đẹp bị ruồng bỏ
+ Chinh phụ ngâm khúc: người đàn bà mòn mỏi đợi chờ chồng
=> Thơ trung đại đã:
- Mở rộng phương diện ngợi ca (phương diện tài hoa…)
- Mở rộng đối tượng cảm thương (người phụ nữ quý tộc…)\
- Cụ thể hóa đối tượng lên án, tố cáo (thế lực đồng tiền, sự xa hoa trụy lạc của
vua chúa, chiến tranh phi nghĩa…).
b) Khẳng định sức sống mãnh liệt, ước mơ chính đáng của người phụ nữ
- Trong ca dao: đã có ý thức phản kháng đối với tư tưởng gia trưởng, xã hội bất
công nhưng còn mang tính bột phát.
+ Xưa kia ở với mẹ cha
Mẹ cha yêu dấu như hoa trên cành
Từ ngày tôi ở với anh
Anh đánh, anh chửi, anh tình phụ tôi
Đất xấu nặn chẳng nên nôi
Anh về lấy vợ để tôi đi lấy chồng…
+ Chồng gì anh, vợ gì tôi
22


Chẳng qua là cái nợ đời mà thôi.
- Trong văn học trung đại:
+ Truyện Kiều: chống lại lễ giáo phong kiến, chống lại số phận, hướng tới tình yêu
tự do, khát vọng hạnh phúc cá nhân…
+ Cung oán ngâm khúc: oán trách ông tơ bà nguyệt, khát vọng tháo cũi sổ lồng…

+ Chinh phụ ngâm khúc: khát vọng sum họp lứa đôi, hạnh phúc riêng tư…
+ Thơ Hồ Xuân Hương: phản kháng chế độ đa thê, khát khao hạnh phúc…
=> Thơ ca trung đại đã nói lên tiếng nói phản kháng mãnh liệt, đầy can đảm đối
với trật tự xa hội phong kiến bất công, luật lệ phong kiến hà khắc; trân trọng những
ước mơ chính đáng, gắn với sự thức tỉnh về quyền sống, quyền được hưởng hạnh
phúc cá nhân của người phụ nữ.
2.2.2.3. Nhận xét:
- Hình tượng người phụ nữ trong văn học trung đại có sự kế thừa và phát triển từ
ca dao dân gian.
- Qua hình tương nghệ thuật này, có thể nhận thấy giá trị hiện thực (xã hội bóp
nghẹt quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc của người phụ nữ); giá trị nhân đạo
(ngợi ca, cảm thương trước những bất hạnh và trân trọng những phẩm chất, khát
vọng của họ); giá trị nghệ thuật (kết tinh ở những thể loại văn học đặc sắc như
truyện thơ, khúc ngâm, thơ Đường luật…) của tác phẩm.
- Liên hệ hình tượng người phụ nữ trong văn học hiện đại (Người con gái Việt
Nam – Tố Hữu, Sóng – Xuân Quỳnh) để thấy vẻ đẹp mới mẻ, hiện đại của họ
(mạnh mẽ, kiên cường trong bảo vệ chủ quyền đất nước, chủ động, đầy bản lĩnh
trong hành trình kiếm tìm hạnh phúc cá nhân…).
2.2.3. Hình tượng người anh hùng trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du
2.2.3.1. Truyện Kiều – bản cáo trạng đanh thép đối với các thế lực đen tối
Với Truyện Kiều, có thể coi Nguyễn Du đã viết nên một bản cáo trạng đanh
thép đối với các thế lực đen tối trong xã hội phong kiến đương thời: từ bọn lưu
manh như Sở Khanh, Mã Giám Sinh, tay sai của Hoạn Thư... cho đến tầng lớp
23


quan lại như quan xử kiện, quan tổng đốc trọng thần Hồ Tôn Hiến… Tất cả đều là
những kẻ ích kỉ, tham lam, tàn nhẫn, coi rẻ sinh mạng và phẩm giá con người.
Truyện Kiều đã phơi bày những sự bất công, độc ác, dối trá, đê hèn của bọn
thống trị xã hội cũ, và có thể nói, đó là bản án đối với tất cả chế độ xã hội người

bóc lột người. Trong xã hội ấy, nạn nhân đau khổ, ê chề nhất vẫn là người phụ nữ.
Họ bị mua đi bán lại như một món hàng, bị coi như đồ chơi, bị đánh đập tàn nhẫn,
bị chà đạp lên danh dự và nhân phẩm..”
a) Thế lực của những kẻ “buôn thịt bán người”:
- Mã Giám Sinh: Trong con mắt của Mã Giám Sinh, nàng Kiều cùng với tài
sắc của nàng chỉ là một món hàng rồi đây sẽ sinh lợi cho hắn. Hắn đắn đo khi “cân
sắc, cân tài”, hắn “ép”, hắn “thử” tài nghệ của nàng. Khi đã hoàn toàn vừa ý, bản
chất con buôn của hắn vẫn còn lộ ra ở cái thái độ “tuỳ cơ dặt dìu” khi mặc cả. Bản
chất đó còn được che đậy bằng những lời lẽ mĩ miều, sang trọng nhưng cuối cùng
đã bộc lộ một cách trắng trợn và bỉ ổi:
“Cò kè bớt một, thêm hai
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”
Với sự mặc cả “cò kè” ti tiện, bẩn thỉu này, màn kịch “lễ vấn danh” lộ rõ
thực chất là một cảnh “mua thịt bán người” một cách trắng trợn và Mã Giám Sinh
hiện nguyên hình là một tên con buôn ghê tởm và đê tiện nhất.
- Tú Bà: Bà ta không chỉ ép nàng tiếp khách mà còn đánh đập nàng tàn nhẫn.
Khi Thúy Kiều tự vẫn, vì sợ “bao nhiêu vốn liếng đi đời nhà ma” nên ra sức chạy
chữa cho Kiều! Đó chính là bản chất tham lam, ích kỉ của mụ Tú Bà! Sau này nàng
còn rơi vào tay một kẻ buôn người nữa là Bạc Bà và thế là Kiều bị xô vào chốn lầu
xanh lần nữa“Hết nạn này đến nạn kia, Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần”
- Sở Khanh: Sở Khanh là tên riêng của một người con trai, có lẽ khi chưa
gặp nàng Kiều thì cái tên ấy nó cũng vô tội và bình thường như trăm ngàn những
cái tên khác. Nó chỉ nổi tiếng và trở thành tên chung để gọi đám lưu manh, dâm
đãng, chuyên lường gạt ái tình đàn bà con gái sau khi Sở Khanh âm mưu với mụ
Tú Bà để đưa nàng Kiều vào bẫy. Phần đau đớn vì roi vọt, phần hổ thẹn vì lén lút
24


trốn đi, Kiều van nài Tú Bà ngừng tay và tự nguyện sẽ chịu tiếp khách theo ý bà.
Khi trở về Thúy Kiều mới biết Sở Khanh cũng chỉ là một tên:

“Bạc tình nối tiếng lầu xanh
Một tay chôn biết mấy cành phù dung”
b) Thế lực của những kẻ có chức có quyền
- Hoạn Thư là vợ Thúc Kỳ Tâm tức là Thúc Sinh, con quan Lại Bộ. Cụ
Thượng Lại chết rồi, nhưng nhà của cụ Thượng bà vẫn nguy nga, đồ sộ:
“Ngước trông tòa rộng dãy dài,
Thiên quan Trủng tể có bài treo trên.
Ban ngày sáp thắp hai bên,
Giữa giường thất bảo, ngồi trên một bà”
Và nhà mụ Thượng góa đó còn nuôi một lũ Ưng Khuyển để tổ chức những
cuộc bắt cóc, đốt nhà giữa ban ngày, tại những địa điểm cách xa nhà chúng “đường
bộ tháng chầy”. Công việc của chúng lại tiến hành dưới ánh sáng „trời quang mây
tạnh”, giữa những giờ “bể lặng sông trong”. Hoạn Thư nghe tin chồng vợ nọ con
kia nhưng ngoài mặt lại làm như không hề hay biết, thẳng tay trừng trị những kẻ
định “tâng công”:
Vội vàng xuống lệnh ra uy
Ðứa thì vả miệng đứa thì bẻ răng.
Trong ngoài kín mít như bưng
Nào ai còn dám nói năng một lời!
Hoạn Thư nuôi ý định trả thù, vô cùng vui sướng khi được đày đọa người khác:
“Làm cho cho mệt cho mê
Làm cho đau đớn ê chề cho coi!
Trước cho bõ ghét những người
Sau cho để một trò cười về sau”
“Bề ngoài thơn thớt nói cười
Mà trong nham hiểm giết người không dao”
25



×