Tải bản đầy đủ (.pdf) (95 trang)

Quyền của người dân tộc thiểu số trong pháp luật quốc tế và pháp luật việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (956.33 KB, 95 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ TƯ PHÁP

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

ĐÀO NGỌC VÂN

QUYỀN CỦA NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG
PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM

LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC
Chuyên ngành: LUẬT QUỐC TẾ
Mã số: 60380108

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:TS. NGUYỄN THỊ THUẬN

HÀ NỘI - 2016


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các
đoạn trích, số liệu sử dụng trong luận văn đêu được dẫn nguồn có độ
chính xác cao nhất trong phạm vi hiểu biết của tôi. Những đánh giá và
kết luận khoa học của luận văn này là của tác giả.
GIÁO VIÊN HƯỚNG DẪN

TÁC GIẢ ĐỀ TÀI

PGS.TS NGUYỄN THỊ THUẬN


ĐÀO NGỌC VÂN


LỜI CẢM ƠN

Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Tiến sỹ Nguyễn Thị Thuận đã
tận tình giúp đỡ, chỉ bảo, hướng dẫn tôi hoàn thành luận văn này.
Tôi xin bày tỏ sự kính trọng và cảm ơn chân thành đến trường Đại học
Luật Hà Nội, các thầy cô giáo, bạn bè, đồng nghiệp và gia đình đã tạo mọi
điều kiện giúp đỡ tôi trong quá trình hoàn thiện luận văn.
Vì thời gian có hạn và vốn kiến thức hạn hẹp nên luận văn không
tránh khỏi những thiếu sót. Kính mong nhận được sự góp ý của thầy cô giáo
và các bạn để luận văn được hoàn thiện hơn.
Xin chân thành cảm ơn!


MỤC LỤC

PHẦN MỞ ĐẦU ............................................................................................ 1
PHẦN NỘI DUNG ........................................................................................ 4
MỞ BÀI ......................................................................................................... 4
Chương 1 ....................................................................................................... 5
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ QUYỀN ................................................... 5
CỦA NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ ............................................................ 5
1.1. Khái niệm và đặc điểm của người dân tộc thiểu số theo pháp luật
quốc tế ........................................................................................................... 5
1.1.1. Khái niệm người dân tộc thiểu số ......................................................... 5
1.1.2. Đặc điểm của người dân tộc thiểu số .................................................... 9
1.2. Khái niệm và đặc điểm của người dân tộc thiểu số theo pháp luật Việt
Nam ............................................................................................................. 11

1.2.1 Khái niệm dân tộc thiểu số ở Việt Nam ................................................ 11
1.2.2. Đặc điểm của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam .............................. 14
1.3. Phạm vi và nội dung quyền của người dân tộc thiểu số theo pháp luật
quốc tế ......................................................................................................... 17
1.3.1 Phạm vi quyền của người dân tộc thiểu số theo pháp luật quốc tế ....... 17
1.3.2. Nội dung quyền của người dân tộc thiểu số theo pháp luật quốc tế 19
Chương 2 ..................................................................................................... 27
QUYỀN CỦA NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ THEO PHÁP LUẬT QUỐC
TẾ VÀ PHÁP LUẬT MỘT SỐ QUỐC GIA ................................................ 27
2.1. Các văn kiện quốc tế về quyền của người dân tộc thiểu số .................. 27
2.1.1 Các điều ước quốc tế về quyền của người dân tộc thiểu số .................. 28
2.1.2 Các văn kiện quốc tế khác về quyền của người dân tộc thiểu số….31
2.2 Thiết chế quốc tế bảo vệ và thúc đẩy quyền của người DTTS ...................... 33
2.2.1 Cơ chế dựa trên Hiến chương .............................................................. 34


2.2.2 Cơ chế bảo vệ quyền của người DTTS trên cơ sở một số điều ước
quốc tế.......................................................................................................... 41
2.3. Pháp luật của một số quốc gia về quyền của người DTTS .................. 43
2.3.1. Pháp luật của Ucraine về quyền của người DTTS ............................. 43
2.3.2. Pháp luật của Ba Lan về quyền của người DTTS................................ 44
2.3.3. Pháp luật Hoa Kỳ về quyền của người DTTS...................................... 46
Chương 3 ..................................................................................................... 49
QUYỀN CỦA NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ THEO PHÁP LUẬT VIỆT
NAM ............................................................................................................ 49
3.1. Đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về quyền của người
DTTS ở Việt Nam ....................................................................................... 49
3.2. Cơ chế xây dựng, thực thi và giám sát chính sách, pháp luật về
quyền của người DTTS .............................................................................. 51
3.3. Pháp luật và chính sách về quyền của người dân tộc thiểu số ở

Việt Nam..................................................................................................... 54
3.3.1. Hiến pháp quy định về vấn đề quyền của người DTTS ........................ 55
3.3.2. Quy định về quyền của người dân tộc thiểu số trong các văn bản quy
phạm pháp luật Việt Nam ............................................................................. 57
3.3.3. Cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền của người dân tộc thiểu số ... 59
3.4. Thực trạng thực thi pháp luật về quyền của người dân tộc thiểu số ở
Việt Nam ..................................................................................................... 62
3.4.1. Quyền xác định dân tộc ...................................................................... 62
3.4.2. Quyền bầu cử, ứng cử và tham gia vào đời sống chính trị ....................... 64
3.4.3 Quyền bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa, ngôn ngữ dân tộc thiểu
số, thực hành tôn giáo, tín ngưỡng ............................................................... 66
3.4.4 Quyền được chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội, giáo dục, đào tạo.....69
3.4.5. Quyền về hôn nhân – gia đình, lao động, việc làm.............................. 71
3.4.6 Quyền phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo...................................... 73


3.5. Nguyên nhân và giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền của
người DTTS ở Việt Nam ............................................................................. 76
3.5.1 Nguyên nhân........................................................................................ 76
3.5.2 Giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ và thúc đẩy quyền của người
DTTS ............................................................................................................ 82
KẾT LUẬN .................................................................................................. 86


1

PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
DTTS là một trong những nhóm người dễ bị tổn thương. Quyền của người
DTTS được ghi nhận trong các Điều ước quốc tế mang tính phổ cập toàn cầu và

Điều ước quốc tế khu vực. Ở Việt Nam, theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở
năm 2009, có 54 dân tộc sinh sống trên lãnh thổ của cả nước, trong đó có dân tộc
Kinh là dân tộc đa số và 53 DTTS. Các dân tộc Việt Nam có truyền thống đoàn kết
lâu đời trong sự nghiệp đâu tranh xây dựng đất nước thống nhất. Trong mối quan hệ
giữa các dân tộc ở nước ta thì đoàn kết thống nhất là đặc điểm nổi bật nhất, xuyên
suốt trong mọi thời kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước. Các dân tộc sinh sống trên
đất nước ta trong những giai đoạn khác nhau, nhưng đều có chung một sứ mệnh lịch
sử. Quyền của người DTTS được Nhà nước Việt Nam ghi nhận tại Hiến pháp và
nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Đời sống về vật chất và tinh thần của đồng bào
DTTS đã được cải thiện đáng kể. Các quyền cơ bản của đồng bào DTTS về chính
trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục, chăm sóc y tế... được đảm bảo. Tuy nhiên, do
nhiều nguyên nhân khác nhau, đời sống của đồng bào DTTS ở nước ta nhìn chung
còn nhiều khó khăn, mặt bằng dân trí thấp, còn có khoảng cách đáng kể với dân tộc
đa số, giữa miền xuôi với miền ngược. Việc thể chế hóa quyền của người DTTS
bằng pháp luật cũng như cơ chế thực hiện quyền của DTTS còn những bất cập.
Với lý do trên, tác giả chọn đề tài nghiên cứu “Quyền của người dân tộc
thiểu số trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam” làm luận văn thạc sỹ của
mình, trên cơ sở đó có những giải pháp đề xuất góp phần bảo đảm quyền của người
DTTS, bảo đảm lợi ích quốc gia dân tộc.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
DTTS và quyền của người DTTS là một đề tài tuy không mới, tuy nhiên,
việc nghiên cứu đề tài này hầu như còn hạn chế, nhất là nghiên cứu dưới góc độ tiếp
cận từ luật pháp quốc tế. Hiện nay, theo khảo sát sơ bộ, có Luận văn thạc sỹ “Hoàn
thiện pháp luật về bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay”
của tác giả Nông Thị Kiều Diễm năm 2014 cũng tiếp cận vấn đề quyền của người
DTTS nhưng chỉ ở phạm vi pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, các nghiên cứu hiện


2


nay chủ yếu dưới dạng các bài viết, tham luận, báo cáo tại các hội thảo trong và
ngoài nước.
3. Đối tượng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu của luận văn
Luận văn nghiên cứu các văn kiện quốc tế, các điều ước quốc tế và các thiết
chế quốc tế quy định và bảo vệ quyền của người DTTS, pháp luật của một số quốc
gia trên thế giới về quyền của người DTTS. Nghiên cứu các chủ trương, chính sách,
pháp luật đối với người DTTS của Việt Nam, các cam kết quốc tế của Việt Nam đối
với vấn đề DTTS.
4. Mục tiêu nghiên cứu của luận văn
Luận văn tập trung nghiên cứu làm rõ khái niệm DTTS theo quy định của
pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia, các học giả quốc tế, quyền của DTTS theo
quy định của pháp luật quốc tế. Làm rõ DTTS là một trong các nhóm người thiểu
số, nhóm người dễ bị tổn thương cần được bảo vệ mà quyền của họ đã được pháp
luật quốc tế và pháp luật quốc gia ghi nhận. Luận văn nghiên cứu chủ trương, chính
sách, pháp luật của Việt Nam về DTTS, những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được
cũng như những hạn chế, khó khăn trong việc ghi nhận và đảm bảo thực hiện quyền
của người DTTS. Qua đó, đưa ra một số giải pháp góp phần thúc đẩy và bảo vệ
quyền của người DTTS.
5. Các câu hỏi nghiên cứu của luận văn
Luận văn tập trung giải quyết các cấu hỏi nghiên cứu như người DTTS được
hiểu như thế nào theo pháp luật quốc tế, quan điểm của cộng đồng quốc tế và theo
pháp luật Việt Nam; quyền của người DTTS theo pháp luật quốc tế được như thế
nào; các thiết chế, công cụ pháp lý hiện này về quyền của người DTTS là gì; pháp
luật Việt Nam quy định thế nào về quyền của người DTTS; thực trạng thực thi
quyền của người DTTS hiện nay ở Việt Nam như thế nào và giải pháp cần có để
nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền của người DTTS là gì.
6. Các phương pháp nghiên cứu áp dụng để thực hiện luận văn
Tác giả thực hiện luận văn dựa trên cơ sở sử dụng phương pháp luận của chủ
nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Bên cạnh đó, luận văn cũng được thực



3

hiện thông qua các phương pháp phân tích, tổng hợp, diễn giải, quy nạp, so sánh,
lịch sử, thống kê…
7. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận văn
Dưới góc độ là một luận văn nghiên cứu thạc sỹ, luận văn đưa ra đáng giá
tổng quan quy định của luật pháp quốc tế và Việt Nam về quyền của người DTTS,
trên cơ sở đó có những nhận định đánh giá, giải pháp về việc hoàn thiện hệ thống
pháp luật và cơ chế bảo đảm quyền của DTTS ở nước ta.
8. Bố cục (các chương) của luận văn.
- Chương 1: Một số vấn đề lý luận về quyền của người dân tộc thiểu số
- Chương 2: Quyền của người dân tộc thiểu số theo pháp luật quốc tế và pháp
luật của một số quốc gia
- Chương 3: Quyền của người dân tộc thiểu số theo pháp luật Việt Nam


4

PHẦN NỘI DUNG
MỞ BÀI
Trong tính đa dạng của thế giới tự nhiên, sự tồn tại của loài người cũng
phong phú, đa dạng dưới các hình thức chủng tộc, sắc tộc, nguồn gốc dân tộc khác
nhau với các đặc điểm nhân chủng học, ngoại hình, văn hóa, tâm lý khác biệt. Tổng
hợp các đặc điểm này tạo nên giá trị phong phú trong kho tàng văn hóa – xã hội của
nhân loại. Mặc dù sự tồn tại của con người là thiêng liêng, là bình đẳng và không
phân biệt dưới mọi hình thức chủng tộc, sắc tộc, nguồn gốc xuất thân… nhưng quá
trình lịch sử cho thấy những người DTTS vẫn thường là đối tượng yếu thế, chịu sự
kỳ thị, thiệt thòi, có cuộc sống kém chất lượng hơn, hạn chế hơn về các quyền tự do,
bình đẳng. Do đó, dù ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới, việc bảo vệ người DTTS có ý

nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ đối với sự tồn tại của nhóm người này nói riêng
mà còn đối với sự tiến bộ, phát triển của nhân loại nói chung. Pháp luật về nhân
quyền là một công cụ hữu hiệu để bảo vệ người DTTS khỏi những bất bình đẳng
nêu trên ở mọi cấp độ từ phạm vi quốc tế, khu vực đến các quốc gia.
Việt Nam là một quốc gia có đông thành phần DTTS. Các dân tộc chung
sống xen kẽ, đoàn kết với nhau trong quá trình hình thành, phát triển, dựng nước và
giữ nước. Đảng và Nhà nước luôn coi trọng công tác dân tộc, quan tâm bảo vệ
quyền và phát triển đời sống cho đồng bào DTTS. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng
kém phát triển, thua thiệt giữa DTTS so với dân tộc đa số vẫn diễn ra tại một số nơi,
trên một số lĩnh vực. Để bảo đảm triệt để quyền của người DTTS ở Việt Nam, cần
có những giải pháp hữu hiệu, tổng thể về cơ chế và pháp luật để giải quyết trực tiếp
các nguyên nhân gây ra hạn chế trong việc thực thi quyền của người DTTS. Các
giải pháp được xây dựng trên cơ sở tiếp cận lý luận về quyền của người DTTS thiểu
số, pháp luật quốc tế về quyền của người DTTS, tiếp thu kinh nghiệm pháp luật của
các quốc gia về quyền của người DTTS.


5

Chương 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ QUYỀN
CỦA NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ
DTTS luôn là một vấn đề phức tạp, do sự khác biệt về hoàn cảnh lịch sử, văn
hóa, địa lý, ý thức hệ và các yếu tố khác mà giữa các cộng đồng, các quốc gia có
các cách hiểu khác nhau về DTTS. Để thực hiện tốt quyền của người DTTS trên
phạm vi quốc tế cũng như ở Việt Nam thì việc tiếp cận các vấn đề pháp lý về khái
niệm và quyền của người DTTS dưới góc độ lý luận là vô cùng cần thiết. Ở Việt
Nam, vấn đề DTTS là một nội dung quan trọng, chiến lược trong sự nghiệp cách
mạng thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, phát triển đất nước toàn diện về mọi mặt chính
trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng. Do đó, lý luận về quyền của người

thiểu đưa ra những định hướng để xây dựng các biện pháp hữu hiệu bảo vệ quyền
của người DTTS ở Việt Nam.
1.1. Khái niệm và đặc điểm của người dân tộc thiểu số theo pháp luật
quốc tế
1.1.1. Khái niệm người dân tộc thiểu số
Hiện nay, trong pháp luật quốc tế về quyền con người không có định nghĩa
chung ở cấp độ quốc tế về người thiểu số cũng như người DTTS. Vì vậy, mối quan
hệ giữa DTTS và người thiểu số chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, hai khái
niệm này có nhiều điểm giống nhau nên tùy thuộc vào cách sử dụng và các ngữ
cảnh khác nhau mà có lúc nội hàm của hai khái niệm bao trùm lên nhau, có lúc lại
được hiểu tương đương.
Một số định nghĩa về người thiểu số đã được xây dựng, tuy nhiên, do tính
chất đa dạng, phức tạp và nhạy cảm của vấn đề về người thiểu số ở các lãnh thổ, các
khu vực trên thế giới nên không có định nghĩa nào được công nhận ở cấp độ quốc
tế.
Vào năm 1930, khi đưa ra ý kiến tư vấn về vấn đề tranh cãi giữa Hy Lạp và
Bungari liên quan đến vị thế của các cộng đồng nhập cư thiểu số, Tòa án Công lý
quốc tế đã xác định cộng đồng thiểu số là:


6

“Một nhóm người sống trên một quốc gia hoặc địa phương nhất định, có
những đặc điểm đồng nhất về chủng tộc, tín ngưỡng, ngôn ngữ và truyền thống, có
sự giúp đỡ lẫn nhau và có quan điểm thống nhất trong việc bảo lưu những yếu tố
truyền thống, duy trì tín ngưỡng, tôn giáo và hướng dẫn, giáo dục trẻ em trong cộng
đồng theo tinh thần và truyền thống của chủng tộc họ.”
Trong giai đoạn lịch sử này, vấn đề chủ quyền quốc gia là mối quan tâm
hàng đầu của các quốc gia1. Các quốc gia thường lo ngại về các mối đe dọa đến an
ninh, trật tự xã hội liên quan đến vấn đề người thiểu số, trong khi định nghĩa trên về

người thiểu số có phạm vi quá rộng, do đó, không được các quốc gia ủng hộ.
Các quan điểm về người thiểu số, trong đó có người DTTS tiếp tục được đưa
ra tranh luận tại các diễn đàn. Đến năm 1997, ông Phran-xex-cô Ca-pô-toóc-ti
(Francesco Capotorti), báo cáo viên đặc biệt của Tiểu ban về chống phân biệt đối xử
và bảo vệ người thiểu số của LHQ đã đưa ra định nghĩa “người thiểu số” trong báo
cáo của mình2:
“Một nhóm người, xét về mặt số lượng, ít hơn so với phần dân cư còn lại của
quốc gia, có vị thế yếu trong xã hội, những thành viên của nhóm – mà đang là kiều
dân của một nước – có những đặc trưng về chủng tộc, tín ngưỡng hoặc ngôn ngữ
khác so với phần dân cư còn lại và chứng tỏ rất rõ ràng là có một ý thức thống nhất
trong việc bảo tồn nền văn hóa, truyền thống, tôn giáo và ngôn ngữ của họ.”
Định nghĩa này trên thực tế đã được một số tổ chức quốc tế viện dẫn trong
một số trường hợp. Tuy nhiên, do gặp phải sự phản đối của một số quốc gia có tư
tưởng ủng hộ quá trình hợp nhất, đang thúc đẩy sự đồng hóa nên Tiểu ban về chống
phân biệt đối xử và bảo vệ người thiểu số của LHQ vẫn chưa thể đưa định nghĩa này
trở thành định nghĩa chính thức về người thiểu số. Các quốc gia Bắc Mỹ và Nam
Mỹ là các quốc gia ủng hộ việc hợp nhất giữa người thiểu số vào cộng đồng chung,
các quốc gia Châu Âu có tư tưởng đồng hóa người thiểu số, các quốc gia Đông Âu
lại quan tâm đến việc bảo vệ người thiểu số nên không thể đi đến sự thống nhất.

1

UNDP (2012), Promoting and Protecting Minority Rights – A guide for Advocates, Geneva, New york.
Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng (đồng chủ biên, 2009), Giáo trình Lý luận và pháp
luật về quyền con người, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội
2


7


Đến năm 1984, Ủy ban nhân quyền đã yêu cầu Tiểu ban đưa ra một
định nghĩa có phạm vi đối tượng thu hẹp hơn để tạo sự đồng thuận từ các
quốc gia, ông Jules Descheness – một chuyên gia của Tiểu ban đã đưa ra một
định nghĩa khác về người thiểu số đó là:
“… một nhóm công dân của một quốc gia, ít về mặt số lượng và yếu về vị thế
trong quốc gia đó, mang những đặc trưng về chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ mà
tạo ra sự khác biệt so với nhóm dân cư đa số, có một ý thức thống nhất, một động
cơ rõ rệt trong việc sử dụng ý chí tập thể để tồn tại và đạt được mục tiêu bình đẳng
với nhóm dân cư đa số, cả trên phương diện pháp luật và thực tiễn”.
So với định nghĩa của Francesco Capotorti, định nghĩa do Jules Descheness
chỉ khác biệt ở một vài điểm như yếu tố bổ sung: “có một động cơ rõ rệt trong việc
sử dụng ý chí tập thể để tồn tại và đạt được mục tiêu bình đẳng với nhóm dân cư đa
số, cả trên phương diện pháp luật và thực tiễn”. Yếu tố này dường như làm nổi bật
tính chất xung đột giữa người thiểu số và đa số, động chạm đến mối lo ngại về vấn
đề an ninh, trật tự của các quốc gia. Mặt khác, phạm vi của đối tượng cũng bị thu
hẹp quá mức do chỉ áp dụng đối với công dân của quốc gia, không bao gồm đối
tượng “kiều dân” như trong định nghĩa của Francesco Capotorti. Với những lý do
đó, Ủy ban quyền con người của LHQ đã chỉ trích và bác bỏ định nghĩa này.
Đến nay, mặc dù quyền của người thiểu số đã được khẳng định trong Công
ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) và Tuyên bố về quyền của
những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo hoặc ngôn
ngữ năm 1992 và một số văn kiện liên quan khác nhưng vẫn chưa có một định
nghĩa nào về người thiểu số được chính thức công nhận ở phạm vi quốc tế. Trên
thực tế, một số văn kiện về quyền con người của châu Âu như Công ước châu Âu về
bảo vệ người thiểu số hay Văn kiện Cô-pen-ha-ghen của Tổ chức An ninh và Hợp
tác châu Âu… đã nêu ra định nghĩa về người thiểu số, song những văn kiện này chỉ
có hiệu lực trong phạm vi khu vực.
Nội dung chưa thống nhất và còn gây nhiều tranh cãi là định nghĩa người
thiểu số có bao gồm người không phải là công dân, người không quốc tịch, kiều dân
của quốc gia khác, người bản địa, người di trú… hay không. Hiện nay, các quyền

của người thiểu số vẫn được ghi nhận mà không có định nghĩa về người thiểu số.


8

Việc thiếu vắng định nghĩa dẫn đến những quan điểm và cách hiểu khác nhau về
nhóm thiểu số giữa các quốc gia, các tổ chức. Các quốc gia có thể viện dẫn nhiều lý
do để không thừa nhận sự tồn tại của nhóm thiểu số ở quốc gia mình dẫn đến không
thực hiện các biện pháp đặc biệt để bảo vệ quyền của đối tượng này. Theo quan
điểm cá nhân, định nghĩa về người thiểu số cần được xây dựng theo hướng thu hẹp
phạm vi đối tượng, chỉ áp dụng đối với công dân của quốc gia. Bởi lẽ, nhóm kiều
dân, người bản địa…mặc dù cũng là những nhóm yếu thế và cần được bảo vệ quyền
nhưng đã có những quy định, nguyên tắc chung về quyền con người và một số cơ
chế riêng để bảo vệ nhóm đối tượng này như: Tuyên bố về quyền của các dân tộc
bản địa năm 2007, Công ước quốc tế bảo vệ quyền của người lao động di trú và các
thành viên gia đình họ năm 1990… Mặt khác, việc giới hạn phạm vi nội hàm người
thiểu số sẽ dễ dàng tạo sự đồng thuận của các quốc gia hơn. Nếu coi nhóm kiều dân
của quốc gia ví dụ như nhóm Việt Kiều tại Mỹ là người thiểu số ở Mỹ và được
hưởng các quyền của người thiểu số như tham gia vào việc quyết định các vấn đề
của quốc gia thì sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh và quản lý của quốc gia. Điều
này sẽ cản trở các quốc gia trong việc thừa nhận định nghĩa về người thiểu số theo
nghĩa rộng. Ngược lại, nếu người thiểu số chỉ bao gồm các công dân của quốc gia
thì việc thực hiện các quyền nêu trên là hoàn hợp lý. Để giải quyết triệt để hơn
quyền của những người không phải là công dân, người bản địa ở quốc gia thì nên
xây dựng cơ chế bảo vệ theo hướng: định nghĩa người thiểu số thì ở phạm vi hẹp,
quyền của người thiểu số được áp dụng cho người thiểu số, song trong một số
trường hợp, quyền của người thiểu số được mở rộng áp dụng cho các đối tượng
khác ở mức độ hưởng quyền khác nhau. Ví dụ như: quốc gia có nghĩa vụ xây dựng
chính sách và pháp luật để bảo tồn bản sắc của người thiểu số, trong khi đó, đối với
kiều dân sinh sống ở quốc gia mình, quốc gia cần tạo cơ hội để họ được thực hành

tôn giáo, duy trì văn hóa và được học hỏi, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ. Tóm lại, cần
tiếp cận vấn đề người thiểu số ở hai góc độ: định nghĩa về người thiểu số và phạm
vi quyền của người thiểu số. Định nghĩa về người thiểu số cần được xây dựng rõ
ràng, theo nghĩa hẹp, tương đương với khái niệm DTTS để phân biệt với các đối
tượng khác. Trong khi đó, quyền của người thiểu số lại được áp dụng rộng hơn,
không chỉ dừng ở đối tượng cơ bản của quyền là người thiểu số.


9

Ngoài các nội dung nêu trên, phần lớn các quan điểm đã thống nhất rằng định
nghĩa người thiểu số phải bao gồm hai yếu tố là khách quan và chủ quan. Yếu tố
khách quan bao gồm sự tồn tại khách quan của một nhóm người có chung chủng
tộc, tôn giáo và ngôn ngữ, có vị thế yếu trong xã hội và yếu tố chủ quan là ý thức tự
thừa nhận nguồn gốc chủng tộc của bản thân và ý thức bảo vệ bản sắc văn hóa của
cộng đồng mình. Các yếu tố này chính là các đặc điểm của người thiểu số cũng như
người DTTS.
1.1.2. Đặc điểm của người dân tộc thiểu số
Mặc dù chưa đưa ra được định nghĩa thống nhất về người DTTS trong pháp
luật quốc tế, song tổng hợp những thuộc tính được nêu trong các định nghĩa kể trên
và từ nội dung các văn kiện quốc tế liên quan, người DTTS có những đặc điểm cơ
bản về mặt khách quan và chủ quan.
Về mặt khách quan, có các yếu tố chính như đặc điểm về bản sắc, số lượng,
vị thế xã hội và tính chất tồn tại khách quan.
Thứ nhất, người DTTS có đặc điểm riêng biệt về sắc tộc (ethnicity), nguồn
gốc quốc tịch (national origin), văn hóa (culture), ngôn ngữ (language) hoặc/và tôn
giáo (religion). Những đặc tính trên được rút ra từ những chuẩn mực về người thiểu
số quy định tại Điều 1 của Tuyên bố về quyền của những người thuộc các nhóm
thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ năm 1992 “Các quốc gia sẽ
bảo vệ sự tồn tại và bản sắc dân tộc hay sắc tộc, văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ của

người thiểu số…” và Điều 27 Công ước về quyền dân sự - chính trị “Ở những quốc
gia có nhiều nhóm thiểu số về sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ…”. Các quy định đều
nhấn mạnh việc quốc gia phải bảo vệ các quyền liên quan đến bảo tồn phong tục tập
quán, bảo tồn ngôn ngữ (tiếng nói, chữ viết), bảo tồn tôn giáo, tín ngưỡng của các
cộng đồng DTTS. Tất cả các khía cạnh này, thực chất chỉ nhằm vào một vấn đề
chung là bảo tồn bản sắc dân tộc theo nghĩa rộng nhằm chống sự đồng hóa các
DTTS.
Thứ hai, những cộng đồng dân tộc được coi là thiểu số thường có lượng dân
số ít hơn so với nhóm đa số cùng sinh sống trên lãnh thổ. Ở hầu hết các quốc gia,
nhóm dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ có số dân đông nhất thường là nhóm có quyền
lực, vai trò và sức ảnh hưởng lớn nhất trong xã hội, các nhóm dân tộc ít người


10

thường có vị thế yếu hơn. Tại nhiều quốc gia, yếu tố số lượng được đưa vào định
nghĩa hoặc điều kiện làm tiêu chí xác định nhóm người thiểu số. Ví dụ, theo Luật về
quốc gia và DTTS và ngôn ngữ khu vực Ba Lan năm 2005, DTTS phải đáp ứng
điều kiện “có số lượng dân số ít hơn so với người Ba Lan” đồng thời thỏa mãn các
điều kiện khác; theo Luật về bảo vệ quyền và tự do của người thiểu số Liên bang
Nam Tư năm 2002 thì người thiểu số “là bất kỳ nhóm công dân nào của Liên bang
Nam Tư đủ về số lượng đại diện và mặc dù chỉ chiếm thiểu số trên lãnh thổ Liên
bang Nam Tư…”3. Theo pháp luật quốc tế, những cộng đồng có số dân ít, vị thế yếu
trong xã hội nêu trên cần có được bảo vệ quyền bằng những biện pháp riêng biệt.
Một lưu ý khi xác định số lượng của nhóm thiểu số đó là phải căn cứ trên
phạm vi lãnh thổ nhất định. Bởi lẽ, có trường hợp trong một vùng lãnh thổ quốc gia,
họ chiếm số lượng ít, nhưng lại là nhóm đa số trong phạm vi khu vực. Trường hợp
của người Fulani sinh sống ở một số quốc gia Tây phi, họ thường di cư qua biên
giới các quốc gia.Tại một số quốc gia, họ là dân tộc đa số, trong khi ở quốc gia
khác, họ chỉ chiếm số lượng nhỏ trong dân số quốc gia4. Do đó, việc đánh giá một

cộng đồng người có phải là thiểu số về số lượng hay không cần được xem xét trong
phạm vi lãnh thổ của từng quốc gia hoặc từng địa bàn khu vực. Việc xác định này
liên quan mật thiết đến việc bảo vệ quyền của của cá nhân và cộng đồng trong phạm
vi địa giới nhất định.
Thứ ba, nhóm thiểu số thường là nhóm yếu thế trong xã hội, thể hiện ở tiềm
lực, vai trò và ảnh hưởng của nhóm đối với đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở lãnh
thổ nơi họ sinh sống. Tuy nhiên, vị thế xã hội của các dân tộc có thể thay đổi trong
quá trình lịch sử và trong các lĩnh vực xã hội khác nhau, vị thế của họ cũng khác
nhau. Một nhóm đa số có vị thế trong xã hội có thể trở thành nhóm yếu thế, bị phân
biệt đối xử khi thể chế chính trị, xã hội thay đổi. Một nhóm thiểu số có ưu thế trong
lĩnh vực kinh tế nhưng đồng thời có thể chịu sự phân biệt đối xử về mặt chính trị, xã
hội nên họ cũng cần được bảo vệ. Do đó, để đánh giá một nhóm cộng đồng là có vị
thế hơn hay yếu thế hơn trong xã hội, cần phải xem xét trên từng lĩnh vực, khía cạnh

3
Hoàng Ngọc Giao (2015), Kinh nghiệm của một số quốc gia và cam kết quốc tế về dân tộc, Hội thảo xây
dựng Luật Dân tộc, Hà Nội.
4
UNDP (2010), Marginalised Minorities in Development Programming, New York.


11

cụ thể. Yếu tố địa lý cũng có thể ảnh hưởng đến việc xác định nhóm thiểu số yếu
thế. Một cộng đồng có thể là đa số trong phạm vi lãnh thổ quốc gia nhưng lại là
nhóm thiểu số trên địa bàn một khu vực nào đó của quốc gia. Đối với những cộng
đồng như vậy, việc xác định và bảo vệ quyền của những người thuộc nhóm đa số
được thực hiện tùy theo từng trường hợp cụ thể, đặc biệt là những nơi có khu tự trị.
Ví dụ như, một nhóm người thuộc dân tộc đa số sinh sống ở khu vực DTTS cần
được duy trì quyền học và sử dụng tiếng mẹ đẻ.

Thứ tư, cộng đồng quốc tế thống nhất cao rằng sự tồn tại của người DTTS là
một thực tế khách quan và không phụ thuộc vào sự công nhận của quốc gia sở tại.
Do đó, trong những trường hợp quốc gia không chính thức công nhận nhóm DTTS
trong cộng đồng mình thì những nhóm DTTS này vẫn có thể yêu cầu được bảo vệ
quyền của người DTTS theo quy định của pháp luật quốc tế tại các thiết chế bảo vệ
nhân quyền quốc tế.
Về mặt chủ quan, người DTTS cần có ý thức tự thừa nhận nguồn gốc sắc tộc
của bản thân, ý thức muốn bảo tồn truyền thống văn hóa của cộng đồng thiểu số
mình. Về ý thức đối với bản thân, một cá nhân có quyền tự nhìn nhận hoặc không
nhìn nhận mình là người thiểu số. Một nhóm cộng đồng có quyền khẳng định cộng
đồng mình là DTTS, từ đó đòi hỏi những quyền đặc thù của người DTTS. Cá nhân
có thể chứng minh mối quan hệ của họ trong cộng đồng DTTS căn cứ vào những
đặc điểm khách quan như sắc tộc, văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo. Ý thức bảo vệ văn
hóa truyền thống của cộng động DTTS được biểu hiện bằng ý chí chung thống nhất
của cộng đồng đó.
1.2. Khái niệm và đặc điểm của người dân tộc thiểu số theo pháp luật
Việt Nam
1.2.1 Khái niệm dân tộc thiểu số ở Việt Nam
Theo từ điển Bách khoa Việt Nam, khái niệm dân tộc có hai cách hiểu:
Một là, dân tộc (nation) hay quốc gia dân tộc là cộng đồng chính trị - xã hội
được chỉ đạo bởi một nhà nước, thiết lập trên một lãnh thổ nhất định, ban đầu do sự
tập hợp của nhiều bộ lạc liên minh, sau này của nhiều cộng động mang tính tộc
người (ethnie) của bộ phận tộc người.


12

Hai là, dân tộc (ethnie) còn đồng nghĩa với cộng đồng mang tính tộc người,
ví dụ dân tộc Tày, dân tộc Bana, Mường, Thái, Mông… Các cộng đồng này có thể
là bộ phận chủ thể hay thiểu số của một dân tộc (nation) sinh sống ở nhiều quốc gia

dân tộc khác nhau được liên kết với nhau bằng những đặc điểm ngôn ngữ, văn hóa
và nhất là ý thức tự giác tộc người.
Khái niệm dân tộc trong DTTS được hiểu theo nghĩa hẹp, chỉ một tộc người
(ethnie) cụ thể, khác với nghĩa rộng dân tộc – quốc gia (nation). Theo đó, dân tộc –
tộc người được định nghĩa là:
“Một cộng đồng có tính tộc người, có chung một tên gọi, một ngôn ngữ (trừ
trường hợp cá biệt), được liên kết với nhau bằng những giá trị văn hóa, tạo thành
tính cách tộc người, có chung một ý thức tự giác tộc người, tức là có chung khát
vọng, cùng chung số phận lịch sử thể hiện ở những ký ức lịch sử (truyền thống, lịch
sử, huyền thoại, tập tục…)”.5
Ở Việt Nam, tiêu chí xác định dân tộc hiện nay bao gồm: (i) Có tiếng nói
chung (ngôn ngữ mẹ đẻ); (ii) Có chung những đặc điểm sinh hoạt văn hóa (đặc
trưng văn hóa); (iii) Có ý thức tự giác nhận mình thuộc cùng một dân tộc.
Tuy nhiên, những đặc điểm và tiêu chí nêu trên chưa được sử dụng để đưa ra
một định nghĩa có tính pháp lý trong hệ thống pháp luật về DTTS. Trong hệ thống
pháp luật hiện hành, khái niệm dân tộc mới chỉ được ghi nhận duy nhất Nghị định
05/2011/NĐ-CP về Công tác dân tộc. Theo đó, DTTS là “những dân tộc có số dân
ít hơn so với dân tộc đa số trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam”6. Quy định này mới chỉ căn cứ về mặt số lượng, có tính chất loại trừ để
phân biệt chứ chưa nêu lên được nội hàm của khái niệm. Do vậy, cần nghiên cứu
xây dựng định nghĩa mới về DTTS trong hệ thống pháp luật quốc gia trên cơ sở
tổng hợp các đặc trưng của DTTS Việt Nam, tham khảo các đặc điểm của người
thiểu số được thừa nhận trong pháp luật quốc tế và các định nghĩa dưới góc độ văn
hóa về DTTS Việt Nam.

5
Giàng Seo Phử (2015), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn quản lý nhà nước về công tác dân tộc 30 năm đổi
mới, NXB Chính trị Quốc gia, tr 9.
6
quy định tại Khoản 2, Điều 4.



13

Tình trạng di cư, tị nạn của người DTTS trên thế giới từ quốc gia này sang
quốc gia khác đã dẫn đến sự sinh sống đan xen giữa các dân tộc, một dân tộc là
thiểu số ở quốc gia này nhưng cũng lại là đa số ở quốc gia khác. Chẳng hạn, người
Việt (Kinh) được coi là “dân tộc đa số” ở Việt Nam, nhưng lại được coi là “DTTS”
ở Trung Quốc7, ngược lại, người Hoa (Hán), được coi là “dân tộc đa số” ở Trung
Quốc, nhưng lại là DTTS ở Việt Nam8. Ở nước ta, khái niệm “DTTS” không có ý
nghĩa biểu thị tương quan so sánh về dân số giữa các quốc gia dân tộc trên phạm vi
khu vực và thế giới mà chỉ đánh giá trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Do đó, Việt
Nam xác định có một dân tộc đa số là dân tộc Kinh và 53 dân tộc thiểu số cùng sinh
sống trên lãnh thổ. Bên cạnh đó, DTTS ở Việt Nam được xác định là những tộc
người đã sinh sống lâu đời trên lãnh thổ Việt Nam và “có chung số phận lịch sử” do
đó khi nói đến DTTS ở Việt Nam thì không bao gồm: nhóm người di cư, người lao
động di trú, người lao động nước ngoài, kiều dân nước ngoài ở Việt Nam…
Trong các văn bản pháp luật, chính sách và ngôn ngữ đời sống ở Việt Nam,
có rất nhiều thuật ngữ có ý nghĩa diễn đạt về người DTTS như: người dân tộc, đồng
bào dân tộc, đồng bào DTTS, dân tộc ít người, người thiểu số, cộng đồng DTTS…
Nói đến yếu tố địa bàn, cũng có nhiều thuật ngữ để chỉ những vùng tập trung nhiều
đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như vùng dân tộc, vùng DTTS, vùng đồng bàn
dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng dân tộc miền núi, vùng
sâu, vùng xa… Các cách gọi này xuất phát từ những đặc điểm khác nhau của người
dân tộc và phụ thuộc vào văn cảnh sử dụng khác nhau. Tuy nhiên, tựu chung lại, các
thuật ngữ này đều không bao hàm ý nghĩa miệt thị, phân biệt chủng tộc mà ngược lại
những cụm từ như “đồng bào dân tộc” và “cộng đồng DTTS” được sử dụng phổ biến
trong các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chính thống của Đảng và Nhà nước
còn thể hiện rõ ràng quan điểm về tính thống nhất, đại đoàn kết dân tộc, trong đó có
sự gắn bó giữa dân tộc đa số với DTTS và giữa các DTTS với nhau.

Có thể nói, DTTS ở Việt Nam có nhiều đặc điểm giống với quan điểm về
người thiểu số và DTTS trên thế giới như số lượng ít, có bản sắc văn hóa, truyền

7
8

Người Kinh chỉ chiếm tỉ lệ 1/55 DTTS của Trung Quốc.
người Hoa chiếm tỉ lệ 1/53 DTTS của Việt Nam.


14

thống riêng, có tinh thần dân tộc, ý thức bảo vệ truyền thống của cộng đồng DTTS
mình.
1.2.2. Đặc điểm của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc. Cộng đồng dân tộc Việt Nam được
được hình thành và phát triển trong suốt hàng nghìn năm lịch sử. Theo thống kê dân
số năm 2009, ở Việt Nam có 54 dân tộc, dân tộc Kinh chiếm đa số với 86,2% và 53
DTTS còn lại chiếm 13,8%9, như: dân tộc Tày, Nùng, Thái, Mông, Bana, Ê đê,
Giarai, Chăm… DTTS ở các quốc gia khác nhau trên thế giới có những đặc điểm,
hình thức đa dạng khác nhau. Ở Việt Nam, cộng đồng DTTS Việt Nam cũng có
những đặc thù riêng, cơ bản như sau:
Một là, các dân tộc ở Việt Nam có tỷ lệ số dân không đều và sống xen kẽ
với nhau.
Tỷ lệ số dân giữa dân tộc đa số và DTTS khá lớn, giữa các DTTS, tỷ lệ số
dân cũng rất khác nhau. Có những dân tộc có số dân lớn như Tày, Thái, Mường,
Khmer, Mông với số dân trên một triệu người, cũng có những dân tộc ít người,
thậm chí rất ít người như: Ơ Đu, Cống, Mảng, Cờ Lao, La Hủ, Chứt…với số dân
dưới một nghìn người. Các DTTS ở nước ta cư trú phân tán và xen kẽ nhau. Cư dân
của một dân tộc cư trú phân tán ở nhiều tỉnh như người Mường cư trú ở 7 tỉnh,

người Mông cư trú ở 12 tỉnh, người Dao cư trú ở 17 tỉnh 10... Trên địa bàn một tỉnh,
huyện, xã, thôn, bản có nhiều dân tộc cùng sinh sống, đặc biệt có những tỉnh có
hàng chục dân tộc khác nhau cùng sinh sống như các tỉnh ở Tây Nguyên và các tỉnh
miền núi phía Bắc. Sự cư trú phân tán, xen kẽ tạo điều kiện để các dân tộc giao lưu
về văn hóa, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tăng cường đoàn kết dân tộc nhưng cũng
làm nảy sinh các mâu thuẫn, xung đột giữa một số dân tộc. Đặc điểm này quyết
định rất lớn đến việc hoạch định các chính sách, xây dựng pháp luật cho người
DTTS, đảm bảo quyền của người thiểu số thông qua các chính sách và pháp luật.
Hai là, các DTTS phân bố trên địa bàn rộng lớn, có vị trí quan trọng về
chính trị, kinh tế và quốc phòng.
9

Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương (2010), Báo cáo kết quả chính thức tổng điều tra
dân số và nhà ở 1/4/2009.
10
Giàng Seo Phử, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn quản lý nhà nước về công tác dân tộc 30 năm đổi mới,
nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, tr 53.


15

Dân tộc Kinh – dân tộc đa số sống chủ yếu ở đồng bằng, các DTTS
chủ yếu sống ở vùng biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đây là khu vực
rộng lớn, chiếm 2/3 diện tích của cả nước và có vị trí quan trọng về nhiều
mặt như kinh tế, chính trị và an ninh, quốc phòng. Ở miền núi, địa bàn có
nhiều tài nguyên khoáng sản, tài nguyên đất đai, rừng và nguồn nước, có
điều kiện khí hậu phù hợp để phát triển kinh tế các loại cây công nghiệp, cây
dược liệu… Đồng bào DTTS ở biên giới có vai trò quan trọng trong việc bảo
vệ an ninh, quốc phòng của đất nước, giao lưu kinh tế với các quốc gia láng
giềng. Khi quốc gia thực hiện các biện pháp thúc đẩy và bảo vệ quyền của

người thiểu số thì không thể không tính đến các đặc điểm về môi trường
sống, vị trí, vai trò bảo vệ an ninh, quốc phòng… của đồng bào nhằm bảo
đảm tính hiệu quả, bền vững và hài hòa mối quan hệ giữa quyền con người
và an ninh quốc gia.
Ba là, các dân tộc ở nước ta có lịch sử gắn bó lâu đời trong bảo vệ và xây
dựng đất nước thống nhất.
Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, các DTTS luôn phát huy
truyền thống yêu nước, đoàn kết bên nhau cùng chế ngự thiên nhiên, chống lại thiên
tai, địch họa; kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền dân
tộc. Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng bào các DTTS
tham gia vào mọi hoạt động lao động, sản xuất, kinh doanh đóng góp cho sự phát
triển chung của đất nước.
Bốn là, các dân tộc Việt Nam có trình độ phát triển kinh tế - xã hội không
đồng đều.
Về xã hội, các dân tộc ở vùng đồng bằng như dân tộc Kinh, Chăm, Khmer có
điều kiện tự nhiên thuận lợi và được tiếp thu sớm với các yếu tố văn minh, hiện đại
nên có đời sống văn hóa – xã hội tương đối phát triển. Trong khi đó, một số dân tộc
ở Tây Nguyên, miền núi, vùng cao phía Bắc và Trung Bộ còn tồn tại nhiều phong
tục, tập quán lạc hậu, trình độ dân trí chưa cao. Về kinh tế, một số ít dân tộc vẫn
sống dựa hoàn toàn vào tự nhiên, nhiều dân tộc duy trì phương thức sản xuất nương
rẫy, làm ruộng nước, chưa chuyển đổi kịp theo cơ cấu thị trường định hướng xã hội


16

chủ nghĩa của đất nước. Sự phát triển không đồng đều giữa các dân tộc vừa là động
lực vừa là thách thức trong việc thực hiện quyền con người của đồng bào DTTS.
Năm là, sắc thái văn hóa các dân tộc ở nước ta rất đa dạng, phong phú và
có sự thống nhất trong đa dạng.
Các dân tộc Việt Nam có nhiều dòng ngôn ngữ như ngôn ngữ Việt – Mường,

ngôn ngữ Môn – Khmer, ngôn ngữ Tày – Thái…, trong các dòng ngôn ngữ đều có
những phân nhánh, biến thể ngôn ngữ đối với từng dân tộc. Mô hình nhà cửa, trang
phục, phong tục, lễ hội văn hóa, kết cấu, hình thức làng bản cũng rất đa dạng, phong
phú. Tất cả sự đa dạng và phong phú trong bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam đóng
góp giá trị to lớn trong di sản văn hóa của nhân loại thế giới. Yếu tố bản sắc văn hóa
luôn là yếu tố được chú trọng cần bảo tồn và phát triển để đảm bảo tốt quyền của
người DTTS. Đặc biệt, vấn đề DTTS ở Việt Nam luôn gắn liên với vấn đề tôn giáo.
Việt Nam là một quốc gia có nhiều dân tộc sinh sống, đồng thời cũng là một quốc
gia có nhiều tôn giáo và tín đồ các tôn giáo. Trong số tín đồ các tôn giáo có một bộ
phận không nhỏ là đồng bào DTTS. Trong đời sống văn hóa, tinh thần, các DTTS ở
Việt Nam đều có nhu cầu về đời sống tâm linh, tôn giáo. Xa xưa, hầu hết các DTTS
theo tín ngưưỡng đa thần, với quan niệm vạn vật hữu linh và thờ cúng ông bà tổ tiên
và thần linh theo phong tục tập quán truyền thống. Thời kì sau này, các tôn giáo như
Công giáo, đạo Tin Lành, Phật giáo, đạo Cao Đài… cũng đã thâm nhập vùng đồng
bào DTTS ở Tây Bắc, Tây Nguyên. Việc truyền bá một số tôn giáo vào vùng đồng
bào DTTS thường gắn với quá trình chiếm lĩnh và khai thác của các thế lực đế quốc,
với các đợt di dân của người Kinh ở vùng đồng bằng lên lập nghiệp. Do vậy, ngày
nay, sự đa dạng về bản sắc DTTS còn được biết đến với sự đa dạng về tín ngưỡng,
tôn giáo vùng đồng bào DTTS.
Có thể thấy DTTS Việt Nam có những đặc điểm chung của người thiểu số,
DTTS trên thế giới, đó là: số lượng ít, vị thế xã hội yếu, có ý thức tự thừa nhận
nguồn gốc sắc tộc của cá nhân và ý thức bảo tồn truyền thống văn hóa của cộng
đồng DTTS mình. Bên cạnh đó, các DTTS Việt Nam có những đặc điểm độc đáo,
riêng biệt gắn với quá trình lịch sử, hoàn cảnh, điều kiện địa lý, khí hậu, tự nhiên
của đất nước. Những đặc điểm này chi phối không nhỏ đến cách thức, hiệu quả thực
hiện và bảo đảm quyền của người DTTS ở Việt Nam.


17


1.3. Phạm vi và nội dung quyền của người dân tộc thiểu số theo pháp
luật quốc tế
1.3.1 Phạm vi quyền của người dân tộc thiểu số theo pháp luật quốc tế
Như đã đề cập ở phần trên, trong hệ thống pháp luật quốc tế hiện nay chưa
đưa ra được định nghĩa về người thiểu số cũng như người DTTS, song các quyền
của người DTTS đã được ghi nhận tại các văn bản pháp lý và các văn kiện quốc tế,
đặc biệt là tại Điều 27 Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị và Tuyên bố về
quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo
hoặc ngôn ngữ năm 1992. Tổng hợp từ các công cụ điều chỉnh hiện có, phạm vi
quyền của người thiểu số áp dụng đối với nhóm thiểu số về dân tộc (national),
chủng tộc (ethinic), tôn giáo (religious) và ngôn ngữ (linguistic). Một số đối tượng
có đặc điểm khác biệt về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ so với đa số dân
cư còn lại trên lãnh thổ quốc gia cũng được hưởng quyền của nhóm thiểu số như:
người dân tộc bản địa, người di cư, người không quốc tịch, người tị nạn… Ở đây
không đòi hỏi vấn đề về quốc tịch và tư cách công dân. Bởi lẽ, xuất phát từ nguyên
tắc không phân biệt chủng tộc, quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ quyền bình đẳng cho
tất cả các cá nhân ở trong lãnh thổ hoặc nằm trong phạm vi tài phán của một
quốc gia, bất kể họ thuộc vào cộng đồng thiểu số hay không. Mặt khác, trên
thực tế, do có những đặc điểm khác biệt về dân tộc, chủng tộc, văn hóa, ngôn
ngữ mà các đối tượng trên gặp nhiều trở ngại trong việc thực hiện quyền. Có thể
viện dẫn thực tế một nhóm dân cư không được quốc gia thừa nhận là công dân
thường là do họ có sự khác biệt về chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ. Hầu hết
những người không quốc tịch trên thế giới hiện nay đều thuộc nhóm ít người và
khác biệt về chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ11 với đa số dân cư ở quốc gia sở
tại và họ gặp nhiều trở ngại trong việc hưởng các quyền con người. Quyền các
đối tượng trên được quy định tại nhiều văn kiện quốc tế như: Công ước quốc tế
bảo vệ quyền của người lao động di trú và các thành viên gia đình họ năm 1990,
Công ước về vị thế của người không quốc tịch năm 1954, Công ước về vị thế của

11


Office of the high Commissioner - United Nations Human Rights (2010), Minority Rights: International
Standards and Guidance for Implementation, New York and Geneva.


18

người tị nạn năm 1951, Tuyên bố về quyền của những người không phải là công
dân của quốc gia nơi họ đang sinh sống năm 1985…
Quyền của người thiểu số cũng tập trung vào các đối tượng như trẻ em, phụ
nữ, người mắc các bệnh truyền nhiễm, người đồng tính, song tính… Thực tế cho
thấy trong nội bộ cộng đồng các DTTS cũng tồn tại sự bất bình đẳng, những đối
tượng kể trên cũng có xu hướng không được coi trọng trong chính cộng đồng của
mình. Những nhóm người này thường phải chịu nhiều hình thức phân biệt đối xử
cùng lúc dưới nhiều hình thức khác nhau. Vì vậy, quyền của người thiểu số cũng bao
gồm quyền đặc biệt áp dụng cho các đối tượng trên.
Theo văn kiện quốc tế, quyền của người thiểu số được diễn đạt bằng cụm từ
“quyền của những người thuộc nhóm thiểu số”. Do đó, quyền của người thiểu số về
cơ bản hướng tới chủ thể cuối cùng là các cá nhân trong nhóm. Tuy nhiên, quyền
của người thiểu số có thể được tiếp cận dưới góc độ quyền tập thể và quyền cá
nhân. Quyền tập thể thể hiện ở chỗ các thành viên phải có những đặc thù chung để
tạo thành một cộng đồng, theo đó, nhóm người thiểu số là cộng đồng như cùng
chung nguồn gốc dân tộc, chủng tộc, có cùng văn hóa, ngôn ngữ. Việc thụ hưởng
như quyền bảo tồn văn hóa… chỉ áp dụng đối với thành viên của nhóm. Mặt khác,
để cá nhân được hưởng quyền một cách hiệu quả thì cần thực hiện quyền cho cả
cộng đồng, cho các thành viên khác trong cộng đồng. Mặc dù vậy. trên thực tế, có
trường hợp quyền cá nhân của người thuộc nhóm thiểu số và quyền tập thể của
nhóm thiểu số mâu thuẫn với nhau. Chẳng hạn, một số DTTS có phong tục không
cho phép người thuộc dân tộc mình kết hôn với người thuộc nhóm đa số hay nhóm
thiểu số khác... Lúc này, quyền tự do kết hôn của cá nhân theo nguyên tắc cơ bản về

quyền con người đã mâu thuẫn với quyền bảo vệ phong tục truyền thống của nhóm
thiểu số. Để giải quyết vấn đề này Khoản 2 Điều 8 Tuyên bố về quyền của những
người thuộc nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ năm 1992
quy định “việc thực hiện các quyền được nêu trong Tuyên bố này sẽ không ảnh
hưởng gì đến việc hưởng thụ các quyền con người và tự do cơ bản đã được công
nhận trên phạm vi toàn cầu của tất cả mọi người”. Trong mối quan hệ với các
quyền khác, quyền của người thiểu số bị giới hạn ở chỗ không được xâm phạm, ảnh
hưởng đến quyền cơ bản khác của con người đã được pháp luật quốc tế ghi nhận.


19

Về mặt lý thuyết, quan điểm chung của các nhà nhân quyền cho rằng quyền
con người nói chung và an ninh quốc gia hoàn toàn không phải là hai phạm trù đối
lập mà ngược lại, bổ sung hỗ trợ lẫn nhau. Việc bảo đảm tốt các quyền con người sẽ
giúp giảm thiểu, ngăn ngừa những mâu thuẫn xã hội, củng cố đoàn kết, thúc đẩy phát
triển kinh tế đất nước và bảo đảm an ninh quốc gia. Mối quan hệ giữa quyền của
người thiểu số và an ninh quốc gia cũng dựa trên nền tảng đó. Bảo đảm tốt quyền của
người thiểu số góp phần tăng cường tình đoàn kết các dân tộc, phát triển bản sắc văn
hóa đa dạng của đất nước, phát huy tri thức các dân tộc tạo nên sự thúc đẩy kinh tế,
xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, thực tế do sự khác biệt về trình độ,
quan điểm, nhận thức về văn hóa, chính trị, xã hội nên các lực lượng thù địch thường
tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo, kích động các nhóm thiểu số để chống, phá, gây mâu thuẫn
trong nội bộ quốc gia, làm suy yếu bộ máy chính quyền của quốc gia sở tại. Vì lẽ đó,
nhằm hỗ trợ các quốc gia trong việc bảo vệ an ninh, trật tự, Khoản 4 Điều 8 Tuyên bố
về quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và
ngôn ngữ khẳng định “Không có quy định nào trong Tuyên bố này có thể được hiểu
là cho phép bất kỳ hoạt động nào trái với những mục đích và nguyên tắc của LHQ,
bao gồm sự bình đẳng về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập về chính trị của các
quốc gia”.

1.3.2. Nội dung quyền của người dân tộc thiểu số theo pháp luật quốc tế
Pháp luật quốc tế về nhân quyền bảo vệ và thúc đẩy quyền con người cho tất
cả mọi người không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo, ngôn ngữ,
chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất
cứ thân trạng nào khác. Với nguyên tắc này, người thiểu số hay người DTTS được
hưởng các quyền con người cơ bản nói chung và ngoài ra, được bảo vệ các quyền
cơ bản, đặc thù gắn với tính chất, đặc điểm của người DTTS. Các văn kiện quốc tế
ghi nhận nhiều quyền cụ thể của người thiểu số trên các lĩnh vực dân sự, kinh tế,
văn hóa, xã hội… song tựu chung lại, tập trung vào bốn nhóm quyền chính là:
quyền được sống, quyền không bị phân biệt đối xử, quyền giữ gìn bản sắc và quyền
tham gia vào đời sống công cộng và quyết định các vấn đề liên quan đến họ.
Về quyền được sống: Trong pháp luật về nhân quyền nói chung, quyền sống
được coi là “quyền quan trọng nhất của con người mà trong bất cứ hoàn cảnh nào,


×