THẾ HỆ TRẺ VIỆT NAM KỲ VỌNG CỦA ĐẤT NƯỚC
TS. Lê Đình Viên
Chủ tịch HĐQT - Hiệu trưởng Trường Đại học
Kinh Tế Công nghiệp Long An
1. Cội nguồn
Đất nước Việt Nam ta đã trải qua bốn nghìn năm hình thành và phát triển. Bốn ngàn năm
dựng nước và giữ nước đã hun đúc, kết tinh lên một truyền thống lịch sử, văn hóa đặc sắc và độc đáo rất
đỗi “Việt Nam”, hết sức “Việt Nam”, của những con người sống trên dải đất hình cong chữ S này.
Để tồn tại và phát triển từ ngàn xưa dân ta “ăn cơm” từ việc trồng cây lúa nước. Nền văn
minh nông nghiệp, trồng lúa nước là văn minh cộng sinh của con người với môi trường, cố kết những
con người sống bằng nghề lúa nước lại thành một khối chặt chẽ, bền vững. Để có thể trồng cây lúa
nước, dân ta phải khai hoang, cải tạo san lấp đồng ruộng, xây dựng hệ thống thủy lợi, kênh mương, tưới
tiêu nội đồng. Đây là công việc to lớn đòi hỏi phải có sự đồng tâm, hiệp lực của mọi người dân cả làng,
cả xã, cả tổng, cả nước. Ở vùng thời tiết nhiệt đới, nắng lắm, mưa nhiều, hạn hán, lũ lụt như cơm bữa.
Nắng lắm, hạn hán, cây lúa có thể chết khô, dân ta phải chung lưng đấu cật với nhau “nghiêng sông đổ
nước vào đồng”. Mưa nhiều, úng lụt, dân ta lại gắn bó nhau “nghiêng đồng đổ nước ra sông”. Sức mạnh
con người chống thiên tai sánh ngang sức mạnh của trời đất.
“Phải lên che lấp mặt trời
Kéo mây ở khắp mọi nơi trở về
Phải lên bắt núi bắt khe
Bắt nguồn, bắt hói chảy về đồng ta”.
Để có chén cơm ăn con người phải lăn lộn cực nhọc vất vả
“Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.
Tuy nhiên sức người không phải lúc nào cũng chiến thắng thiên tai, không phải lúc nào cũng
có được chén cơm:
“Quai Mễ Thanh Liêm đã lở rồi,
Vùng ta thôi cũng lụt mà thôi.
Gạo dăm ba bát cơ còn kém,
Thuế một vài nguyên dáng vẫn đòi”.
(Nước lụt Hà Nam – Nguyễn Khuyến)
Cái đói, cái nghèo cứ đeo bám dân ta ngàn đời nay. Để vượt qua đói nghèo dân ta lại tương
thân, tương ái, cưu mang, đùm bọc nhau.
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
“Lá lành đùm lá rách”.
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Nghề canh tác lúa nước không chỉ cố kết gắn bó cộng đồng, mà còn tạo dựng bản chất
siêng năng, cần cù, nhẫn nại, một nắng hai sương, chất phác, thật thà, thông minh, sáng tạo, nhạy bén,
hiếu học, cầu tiến, hòa hợp, tôn sư trọng đạo của con người Việt Nam. Dân ta sẵn sàng đón nhận những
tinh hoa của nhân loại. Những tư tưởng thành kiến, hẹp hòi, bài ngoại, thủ cựu, cực đoan, đều xa lạ với
con người Việt Nam.
Nằm trên trục giao lưu văn hóa Bắc - Nam, Đông - Tây, nền văn hóa Việt Nam đã giao thoa,
hội tụ, kết tinh những tinh hoa văn hóa của cả nhân loại và thời đại, mà gần gũi có Nho giáo Trung Quốc,
Phật giáo Ấn Độ từ thời cổ đại.
Thiên tai địch họa xảy ra thường xuyên, nhưng không làm cho con người Việt Nam bi quan,
chán nản, đau buồn, trái lại trong tai ương, khốn khó, dân ta “xả xui” vươn dậy kiến tạo lại cuộc sống với
tâm hồn lạc quan, yêu đời, lãng mạn, “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”.
Ở vị trí đắc địa trên bản đồ thế giới lại có lắm tài nguyên thiên nhiên, dân tộc ta đã phải
đương đầu, chiến đấu, bảo vệ giang sơn gấm vóc, quyền sống, quyền làm người với nhiều thế lực xâm
lược hung bạo phương Bắc, phương Nam, phương Tây, phương Đông. Nước nhỏ, dân ít, nhân dân ta
phải cố kết chặt chẽ chống địch họa. Bốn nghìn năm từ thời các vua Hùng dựng nước, dân tộc ta đã trải
qua 12 thế kỷ chiến đấu chống giặc ngoại xâm với 18 cuộc giải phóng oai hùng giữ nước. Không một
trang nào trong cuốn lịch sử dân tộc ta mà không có hình ảnh một thanh gươm tự vệ. Không ở đâu trên
trái đất này quyền sống, quyền làm người phải bảo vệ bằng nhiều máu đến như vậy.
Chống ngoại xâm đã kết tinh ra chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước là dòng
chảy xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, trở thành đạo lý làm người, là niềm tự hào dân tộc, là bản sắc
văn hóa, tạo ra động lực, sức mạnh tồn tại và phát triển của dân tộc suốt 4.000 năm.
Bác Hồ đã tổng kết: “Dân tộc ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu
của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết tinh thành một làn
sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó bước qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán
nước và cướp nước”.
Chống thiên tai, địch họa, cải tạo tự nhiên, duy trì sản xuất, dân ta còn tạo lập được các thiết
chế gia đình, làng, nước… ổn định bền vững qua các thời kỳ lịch sử, các thiết chế mở cùng sự tác động
qua lại của cấu trúc bên trong và các thiết chế với nhau đã tạo ra đặc trưng đặc sắc, độc đáo về kinh tế,
lãnh thổ, ngôn ngữ, tâm lý, phong tục, tập quán, văn hóa của dân tộc Việt Nam. Những đặc trưng này tạo
dựng cơ sở lịch sử - văn hóa Việt Nam, nhân tố bảo đảm cho dân tộc đất nước Việt Nam trường tồn và
sánh vai với bè bạn năm châu.
2. Nỗi đau lịch sử
Mất nước, lầm than, nô lệ lặp đi lặp lại trong lịch sử là nỗi đau lớn nhất, là nỗi nhục của con
người đất nước, dân tộc Việt Nam.
Với truyền thống lịch sử - văn hóa đặc sắc oai hùng như vậy, nhưng do điều kiện khách
quan, chủ quan phức tạp mà lịch sử nước ta có những khúc quanh thăng trầm, biến động và bi hùng.
Mất nước, lầm than, nô lệ cứ lặp đi lặp lại suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Nguyên nhân khách quan là do
tâm địa tham lam, độc ác của các loại kẻ thù cướp nước gây ra. Về mặt chủ quan, vận nước khi thịnh,
khi suy còn do dân ta có lúc còn thiếu đoàn kết, Bác Hồ đã tổng kết: “Mỗi khi dân ta đoàn kết triệu người
như một thì nước ta độc lập, khi nào dân ta thiếu đoàn kết thì nước bị xâm lấn”. Nước mất, nhà tan còn
do chúng ta chưa xây dựng được đất nước hùng cường, có đủ tiềm lực kinh tế và quân sự bảo vệ vững
chắc bờ cõi. Đất nước khi thịnh, khi suy nhưng hào kiệt đời nào cũng có. Mỗi khi có ngoại xâm, dân tộc
lại xuất hiện những bậc hiền tài kiệt xuất lãnh đạo, đoàn kết dân chúng rửa nhục cho non sông. Bà
Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Hồ Chí Minh… là
những người có công đầu khắc họa chân dung đất nước con người Việt Nam.
Các triều đại Việt Nam trong lịch sử dân tộc, thì thời đại Hồ Chí Minh là thời đại hiển hách
nhất, oai hùng nhất. Bằng thiên tài Hồ Chí Minh mà Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, bằng
đường lối đúng đắn, đầy sáng tạo, cả dân tộc ta đi theo Đảng, theo Bác Hồ oanh liệt, trường kỳ kháng
chiến gần nửa thế kỷ đánh thắng các kẻ thù hung bạo nhất trên thế giới là Pháp, Nhật, Mỹ…, mở ra thời
đại Hồ Chí Minh huy hoàng trong lịch sử dân tộc. Cả nhân loại tiến bộ khâm phục, kính nể, mang ơn Việt
Nam ngàn lần anh hùng.
Sau đại thắng mùa xuân 1975 nước ta có hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, chúng ta
phải đối mặt với một nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Nghèo nàn, lạc hậu,
chậm phát triển chính là nỗi đau to lớn nhất, dai dẵng nhất trong lịch sử mà con người Việt Nam đã phải
chịu đựng. Đây là nỗi nhục thứ hai mà ngày nay con người Việt Nam, thế hệ trẻ Việt Nam phải quyết tâm
rửa cho kỳ được.
Nguồn gốc sâu xa của nỗi nhục này là nền kinh tế của ta chủ yếu là nông nghiệp sản xuất
nhỏ còn phổ biến, lao động thủ công là chính, lực lượng sản xuất chưa phát triển , chiến tranh tàn phá
nặng nề và lại bị các thế lực thù địch bao vây cấm vận chống phá quyết liệt.
Thấm thía nỗi nhục to lớn này, Đảng ta đã đề ra những chủ trương, giải pháp, nhằm nhanh
chóng đưa đất nước thoát khỏi tình trạng trên, nhưng do chủ quan, duy ý chí, nóng vội trong việc áp
dụng mô hình CNXH giáo điều và cơ chế quản lý kinh tế hành chính, tập trung, quan liêu, bao cấp, không
những tình trạng nghèo và chậm phát triển của nền kinh tế xã hội không được cải thiện mà còn nặng nề
thêm. Đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế nặng nề suốt một thập niên từ năm 1980 -1990. Lòng tin
của nhân dân vào Đảng và nhà nước vào con đường đi lên CNXH bị giảm sút.
3. Đổi mới, tự hào
Trước muôn vàn khó khăn thử thách, bằng bản lĩnh, trí tuệ của một Đảng khoa học và cách
mạng, Đảng ta đã đưa ra đường lối đổi mới đất nước. Sau hai lăm năm đổi mới, đến nay đường lối đổi
mới của Đảng đã định hình và đi vào chiều sâu. Đó là, đường lối phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều
thành phần, theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước theo định hướng XHCN, công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước; mở cửa hội nhập, kinh tế quốc tế, hòa nhập nhưng không hòa tan; giữ gìn
phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; kết hợp sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế; sức mạnh dân
tộc với sức mạnh thời đại; giữ vững ổn định chính trị; phấn đấu vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã
hội công bằng, dân chủ, văn minh… Đặc biệt về đối ngoại, Đảng ta đưa ra đường lối khép lại quá khứ,
hướng tới tương lai, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế… Việt Nam muốn là
bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, nhờ đó chúng ta đã bình thường hóa được
với tất cả các nước, các tổ chức quốc tế, trong đó có những nước đã từng xâm lược và thua trận ở Việt
Nam.
Với đường lối đúng đắn đó, nền kinh tế xã hội nước ta như được thức tỉnh, hồi sinh và có
bước phát triển mạnh mẽ liên tục trong nhiều năm. Đến nay nước ta cơ bản đã thoát khỏi tình trạng một
nước nghèo và chậm phát triển, đang tiến những bước vững chắc thành một nước công nghiệp theo
hướng hiện đại vào những năm 20 của thế kỷ này. Thế và lực của đất nước ta chưa bao giờ mạnh như
bây giờ, uy tín của ta trên trường quốc tế ngày càng cao.
Rõ ràng, thời đại Hồ Chí Minh là thời đại hiển hách nhất lịch sử Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo
của Đảng CSVN quang vinh, của lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại, bản chất và truyền thống yêu nước, anh
hùng, dũng cảm, đoàn kết, thông minh, cần cù, sáng tạo… của nhân dân ta được phát huy chưa từng
thấy. Dân tộc ta đã rửa xong nỗi nhục mất nước, lầm than, nô lệ, đang vươn dậy quyết tâm giải quyết tận
gốc nỗi nhục nghèo nàn, lạc hậu, chậm phát triển. Chúng ta có niềm tin vững chắc vào tương lai phát
triển rạng rỡ của dân tộc. Điều trăn trở trong bản di chúc lịch sử trước khi đi xa của Bác Hồ là: “Còn non,
còn nước, còn người, thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. “Điều mong muốn cuối cùng
của tôi là toàn Đảng, toàn dân đoàn kết, phấn đấu, xứng đáng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất,
độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào phong trào cách mạng thế giới” đang được
con cháu của Người từng ngày, từng giờ biến thành hiện thực.
4. Kỳ vọng
Sinh thời Bác Hồ luôn kỳ vọng vào thế hệ trẻ Việt Nam “người thừa kế xây dựng CNXH vừa
hồng vừa chuyên”. Bác viết: “Một năm khởi đầu là mùa xuân, đời người khởi đầu là tuổi trẻ. Tuổi trẻ là
mùa xuân của dân tộc”. Người kỳ vọng và yêu cầu cao đối với học sinh, sinh viên nước nhà. Trong thư
gửi học sinh nhân ngày khai trường năm học đầu tiên nước nhà độc lập, Người viết: “Non sông Việt Nam
có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường
quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Trong thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã tỏ ra xứng
đáng với những kỳ vọng lớn lao của Bác Hồ, của Đảng, và cả dân tộc. Lớp lớp thanh niên gắn cuộc sống
của mình với lý tưởng yêu nước cách mạng của Bác Hồ, không ngại hy sinh gian khổ, lao vào cuộc
trường chinh oanh liệt đánh bại những kẻ thù lớn là Pháp và Mỹ cùng các loại tay sai, lập nên kỳ tích vẻ
vang, làm rạng danh non sông đất nước. Các thế hệ thanh niên ấy có đông đảo là sinh viên, học viên các
Trường đại học, cao đẳng. Đất nước chưa được giải phóng họ phải xếp bút nghiên lên đường tranh đấu.
Trong bản di chúc Bác Hồ có lời khen: “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái
xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ”.
Ngày nay đất nước ta đã có hòa bình thống nhất, độc lập, dân chủ nhưng chưa “giàu mạnh”,
chưa “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong mỏi cháy bỏng của
Bác Hồ. Nhiệm vụ khó khăn, nặng nề nhưng hết sức vẻ vang này đang đặt lên vai thế hệ trẻ, nhất là học
sinh, sinh viên Việt Nam.
Thực tiễn nhân loại đang phát triển rất nhanh, thành tựu khoa học công nghệ bùng nổ, lực
lượng sản xuất của nhân loại phát triển như vũ bảo, toàn cầu hóa kinh tế, quốc tế hóa, mọi mặt đời sống
xã hội diễn ra mau lẹ, không gian thế giới bị thu nhỏ lại, thời gian được tiết kiệm từng giây. Nhân loại
đang tiến mạnh vào nền kinh tế trí thức, một dân tộc với những con người thiếu trí tuệ, bản lĩnh, sáng
tạo, dường như đứng ngoài lề của sự phát triển và bị đẩy lùi mãi mãi.
Thành tựu của công cuộc đổi mới đến với từng nhà, từng người, thu nhập, đời sống của các
tầng lớp nhân dân ta đã khá hơn trước rất nhiều: số hộ giàu có ngày càng nhiều; hộ khá giả ngày càng
đông; số hộ đói nghèo giảm nhanh chóng…mở ra điều kiện hết sức thuận lợi để từng nhà từng người
học tập nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài tạo ra động lực mới để xóa bỏ nỗi nhục
nghèo nàn, lạc hậu, chậm phát triển ngàn đời của dân tộc.
Tranh thủ điều kiện thuận lợi đó, tuyệt đại đa số học sinh sinh viên đã xác định rõ mơ ước,
hoài bão, sống có lý tưởng, gắn quá trình học tập phấn đấu, tu dưỡng rèn luyện bản thân vươn lên để
“Tri hành – Đạt nhân” họ say mê học tập làm việc nhằm khám phá, phát hiện những năng lực phẩm chất
tiềm ẩn của bản thân, từng bước định hình chúng và khẳng định những giá trị cá nhân mình trong hiện
thực, họ có mục đích trong sáng, phấn đấu cho mình thành đạt về của cải, tài sản, thăng tiến về vị thế và
vai trò xã hội, để có điều kiện cống hiến nhiều hơn cho quê hương đất nước. Những tấm gương đó khá
phổ biến, thật đáng trân trọng và tự hào.
Tuy nhiên, cũng thật đáng buồn và hổ thẹn có một bộ phận không nhỏ thanh niên, học sinh,
sinh viên sống thiếu lý tưởng, chẳng có mơ ước, hoài bảo gì, không xác định được mục đích cuộc sống,
sống theo kiểu vật vờ, nước chảy bèo trôi, đến đâu biết đấy, sống hoài, sống phí cuộc đời. Tai hại hơn có
một bộ phận thanh niên, sinh viên sống làm việc thực dụng chạy theo tiền bạc, của cải vật chất, nhằm
thỏa mãn những nhu cầu vật dục tầm thường. Nguy hại hơn một bộ phận không học cái hay cái tốt mà
sa vào lối sống ăn chơi, thác loạn, buông thả, nghiện hút, cờ bạc, đua đòi, coi tình dục là trò giải trí, nạo
phá thai là chuyện nhỏ không cần bận tâm. Nỗi cộm, nhức nhối là một bộ phận trở thành tội phạm, trong
đó không ít là con cái của những người có chức, có quyền, lắm tiền, nhiều của nhưng thiếu quan tâm
giáo dục con cái.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do gia đình chưa quan tâm tới việc học hành, rèn luyện
phấn đấu của con cái, xã hội chưa tạo ra được môi trường văn hóa lành mạnh, đặt biệt nhà trường chưa
quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên đồng đều cả về tri thức và đạo đức, chưa gắn chặt việc dạy chữ với
dạy người và dạy nghề. Nhiều trường thiếu quan tâm giáo dục đạo đức , các kiến thức khoa học nhân
văn, kiến thức lịch sử văn hóa. Học sinh, sinh viên không hiểu lịch sử văn hóa dân tộc, không thấm thía
hai nỗi nhục lớn của đất nước và con người Việt Nam. Thậm chí, có nỗi nhục tuy đã giải quyết rồi nhưng
rất dễ tái diễn vì các thế hệ hậu duệ say mê ăn chơi, hưởng lạc, không xác định được vị trí, vai trò, trách
nhiệm bản thân với quê hương đất nước. Nhiều giáo viên chưa thật sự là tấm gương sáng của học sinh
sinh viên.
Muốn tạo chuyển biến trong sự nghiệp đào tạo trước tiên bắt đầu phải từ giáo dục ở gia
đình, sau đó đến nhà trường và xã hội. Trong đó nhà trường là quan trọng nhất, các thầy cô giáo trước
hết phải là tấm gương về phẩm chất, đạo đức, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm trước học sinh, sinh viên.
Phải vững vàng và sâu về kiến thức, phương pháp giảng dạy phải phù hợp đối tượng. Trong giảng dạy
cần phát huy tính sáng tạo, tự học của trò, chú trọng đi sâu khơi gợi về kiến thức lịch sử, cội nguồn, nhiệt
huyết, hoài bão, lý tưởng, gắn tư tưởng Hồ Chí Minh với lý tưởng Đảng và mục tiêu của dân tộc, chú
trọng bồi dưỡng ý chí, bản lĩnh tự lực, tự cường vươn lên tự khẳng định bản thân của sinh viên. Phê
phán, lên án những tiêu cực, những thói hư tật xấu, lối sống xa đọa, hưởng lạc trong lớp trẻ.
Đối với học sinh, sinh viên cần phải thấy nỗi đau kéo dài của dân tộc ta. Đồng thời thấy rõ
thời cơ để chúng ta xóa bỏ tận gốc nỗi nhục này đang được mở ra, cần nắm cơ hội, mỗi người cần vươn
lên học hành làm việc cho thành đạt để cống hiến nhiều nhất cho sự nghiệp chung. Đề cao trách nhiệm
của mình với đất nước dân tộc, đòi hỏi sinh viên phải xác định mục đích, lý tưởng sống, mơ ước hoài
bão, hoàn thiện động cơ, củng cố, quyết tâm, nêu cao ý chí kiên trì, bền bỉ vươn lên quyết đạt được chí
hướng của mình. Cần phải đi sâu nắm những kiến thức lịch sử văn hóa nói chung, lịch sử văn hóa dân
tộc để định hình bản chất của mình trong đó kết tinh những giá trị truyền thống tinh hoa tốt đẹp của dân
tộc, đồng thời ra sức tiếp thu tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà
nước, học tập tiếp thu trí tuệ của thời đại là chủ nghĩa Mác – Lênin, những tri thức của nhân loại như kiến
thức khoa học, kinh tế, kỹ thuật, tư duy kinh tế, học buôn bán, hạch toán kinh doanh, tính lời tính lỗ, học
phương pháp tác phong làm việc công nghiệp khoa học, chính xác của người Phương Tây… cùng các
kiến thức tiến bộ như tự do, bình đẳng bác ái, nhân quyền..
Đất nước ta chỉ có thể thăng hoa cất cánh khi học sinh, sinh viên, thế hệ trẻ nước ta vững
vàng với những hiểu biết về cội nguồn lịch sử văn hóa dân tộc, thấy rõ nỗi nhục của đất nước con người
Việt Nam, thấy được thiên tài Hồ Chí Minh - danh nhân văn hóa thế giới, kính yêu Bác Hồ, tin tưởng vào
Đảng, thấy được sức mạnh vĩ đại của dân tộc trên con đường phát triển đất nước, sống học tập, lao
động nghiên cứu khoa học của sinh viên phải đồng hành cùng dân tộc.
Thế hệ trẻ Việt Nam phải là tương lai và là kỳ vọng của cả dân tộc, một dân tộc anh hùng
trong thời đại anh hùng hiện nay.