Tải bản đầy đủ (.pdf) (83 trang)

Pháp luật về giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng bằng toà án từ thực tiễn tỉnh sơn la

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.46 MB, 83 trang )

BẠC MỸ DUYÊN

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
VIỆN ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘI

LUẬN VĂN THẠC SỸ
LUẬT KINH TẾ

CHUYÊN NGÀNH: LUẬT KINH TẾ

PHÁP LUẬT VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP PHÁT
SINH TỪ HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG BẰNG TÒA ÁN
TỪ THỰC TIỄN TỈNH SƠN LA

BẠC MỸ DUYÊN
2014 - 2016
HÀ NỘI - 2016


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
VIỆN ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘI

LUẬN VĂN THẠC SỸ
CHUYÊN NGÀNH: LUẬT KINH TẾ

PHÁP LUẬT VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP PHÁT
SINH TỪ HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG BẰNG TÒA ÁN
TỪ THỰC TIỄN TỈNH SƠN LA

HỌ VÀ TÊN TÁC GIẢ LUẬN VĂN: BẠC MỸ DUYÊN
CHUYÊN NGÀNH: LUẬT KINH TẾ


MÃ SỐ

: 60380107

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: TS. NGUYỄN VĂN TUYẾN


HÀ NỘI – 2016


LỜI CAM ĐOAN
Em xin cam đoan đây là đề tài luận văn nghiên cứu của riêng em. Các luận
điểm, dẫn chứng, số liệu, ví dụ nêu trong luận văn đảm bảo tính chính xác, tin cậy
và trung thực. Kết quả nghiên cứu nêu trong luận văn chưa từng được ai công bố
trong bất kỳ đề tài, công trình nghiên cứu nào khác.
Trân trọng cảm ơn!

TÁC GIẢ LUẬN VĂN

Bạc Mỹ Duyên


LỜI CẢM ƠN
Em xin trân trọng cảm ơn tập thể lãnh đạo và các thầy cô giáo viên Viện Đại
học Mở Hà Nội, các cán bộ và giảng viên Khoa Sau đại học của trường cũng như
các thầy, cô đang công tác tại các trường Đại học khác đã vất vả tận tâm giảng dạy
và truyền đạt những kiến thức quý báu cho chúng em trong suốt hai năm học của
lớp Cao học Luật chuyên ngành Luật kinh tế K1 – Sơn La. Em đặc biệt xin gửi tới
lời cảm ơn sự giúp đỡ hết sức tận tình, chu đáo và sâu sắc nhất tới giáo viên hướng
dẫn TS. Nguyễn Văn Tuyến đã nhiệt tình hướng dẫn và ủng hộ em hoàn thành luận

văn.
Do điều kiện thời gian có hạn, kinh nghiệm và năng lực bản thân còn hạn chế
nên quá trình nghiên cứu không tránh khỏi thiếu sót. Em mong nhận được nhiều ý
kiến đóng góp của các thầy giáo, cô giáo để luận văn của em được hoàn thiện hơn.
Em xin chân thành cảm ơn!

TÁC GIẢ LUẬN VĂN

Bạc Mỹ Duyên


MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU ……………………………………………...…………………... 1
CHƯƠNG 1 ………………………………………………………...…………….. 5
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP PHÁT SINH
TỪ HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG BẰNG TÒA ÁN VÀ PHÁP LUẬT VỀ GIẢI
QUYẾT TRANH CHẤP PHÁT SINH TỪ HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG BẰNG
TÒA ÁN……………………………………………………………………….…... 5
1.1. Những vấn đề lý luận về giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng
bằng tòa án…………………………………………………………………………. 5
1.1.1. Khái luận về tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng……………...…. 5
1.1.1.1. Khái niệm và đặc điểm của tranh chấp hợp đồng……………...…... 5
1.1.1.2. Khái niệm tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng……………... 7
1.1.1.3. Các đặc điểm cơ bản của tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng . 8
1.1.1.4. Phân loại tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng……..……… 10
1.1.2. Khái luận về giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng bằng
tòa án…………………………………………………………………….………... 11
1.1.2.1. Khái niệm và đặc điểm của việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ
hợp đồng tín dụng bằng tòa án……………………………………………………. 12
1.1.2.2. So sánh hình thức giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng bằng tòa

án với các hình thức giải quyết tranh chấp khác…………………………………. 15
1.2. Những vấn đề lý luận pháp luật về giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng
tín dụng bằng tòa án………………………………………………………..……... 19
1.2.1. Khái niệm, đặc điểm của pháp luật về giải quyết tranh chấp phát sinh
từ hợp đồng tín dụng bằng tòa án…………………………………………………. 19
1.2.2. Đối tượng điều chỉnh và cấu trúc của pháp luật về giải quyết tranh
chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng bằng tòa án……………………...…………. 20
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1………………………………………………………... 23


Chương 2…………………………………………………………...…………….. 24
THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP PHÁT SINH
TỪ HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG BẰNG TÒA ÁN VÀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA……………………………...……………….. 24
2.1. Thực trạng pháp luật về giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng
bằng tòa án……………………………………………………...…………………
24
2.1.1. Thực trạng quy định về thẩm quyền của tòa án trong giải quyết tranh
chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng………………………………...…………… 24
2.1.2. Thực trạng quy định về thủ tục giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp
đồng tín dụng bằng tòa án………………………………………..……………….. 28
2.1.3. Thực trạng quy định về nguyên tắc giải quyết tranh chấp phát sinh từ
hợp đồng tín dụng bằng tòa án……………………………………………………. 40
2.2. Những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn giải quyết tranh chấp hợp đồng
tín dụng bằng tòa án trên địa bàn tỉnh Sơn La…………………………...……...... 44
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2………………………………………………....……... 63
Chương 3…………………………………………………………………....……. 64
CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
PHÁT SINH TỪ HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG BẰNG TÒA ÁN Ở VIỆT NAM.. 64
3.1. Các giải pháp hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp

đồng tín dụng bằng tòa án………………………………………………..…..…… 64
3.2. Các giải pháp tổ chức thực thi pháp luật về giải quyết tranh chấp phát sinh
từ hợp đồng tín dụng bằng tòa án…………………………………………………. 67
KẾT LUẬN CHƯƠNG 3………………………………………………………... 71
KẾT LUẬN CHUNG……………………………………………………..….….. 72
TÀI LIỆU THAM KHẢO…………………………………………..……….….. 73



DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT

HĐTD:

Hợp đồng tín dụng

TCTD:

Tổ chức tín dụng

TMCP:

Thương mại cổ phần

UBND:

Ủy ban nhân dân

NHTM:

Ngân hàng thương mại


NDTC:

Nhân dân tối cao

NN&PTNT:

Nông nghiệp & phát triển nông thôn


PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Thực tiễn ở Việt Nam trong những năm qua cho thấy rằng hệ thống quy định
pháp luật về giải quyết tranh chấp nói chung và giải quyết tranh chấp về HĐTD nói
riêng đã được Nhà nước ta quan tâm xây dựng và phát triển theo hướng ngày càng
hoàn thiện. Tuy nhiên, với số lượng tranh chấp phát sinh từ HĐTD có xu hướng
tăng lên cả về số lượng và tính phức tạp thì tình trạng tồn đọng tranh chấp ngày
càng nhiều. Các tranh chấp phát sinh từ HĐTD chậm được giải quyết đã cho thấy
những hạn chế, bất cập của pháp luật về nội dung, pháp luật về hình thức.
Với tình hình của nền kinh tế nước ta hiện nay, các tranh chấp phát sinh từ
HĐTD đang là thách thức lớn đối với lĩnh vực tài chính nước nhà, bởi nếu các tranh
chấp này không được giải quyết nhanh, kịp thời thì nợ xấu ngày càng gia tăng và tác
động tiêu cực đến việc lưu thông dòng tiền trong nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp
đến tính an toàn, hiệu quả kinh doanh của chính các NHTM.
Từ thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến HĐTD ở Việt Nam thời gian
qua, nhiều câu hỏi được đặt ra cần có lời giải đáp thỏa đáng như: cần nhận thức như
thế nào về bản chất của các tranh chấp và cơ chế giải quyết các tranh chấp phát sinh
từ HĐTD; làm thế nào để hạn chế các tranh chấp phát sinh từ HĐTD, nếu đã phát
sinh tranh chấp thì làm thế nào để giải quyết nhanh chóng, thuận tiện và ít tốn kém
về thời gian, tiền bạc cho các bên liên quan?

Xuất phát từ nhận thức về tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp phát
sinh từ HĐTD, cùng với những lợi thế do đang trực tiếp công tác trong ngành ngân
hàng, tôi quyết định chọn đề tài: “Pháp luật về giải quyết tranh chấp phát sinh từ
hợp đồng tín dụng bằng Tòa án từ thực tiễn tỉnh Sơn La” làm đề tài luận văn
thạc sỹ của mình.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Trong lĩnh vực pháp luật về HĐTD nói chung và giải quyết tranh chấp phát
sinh từ HĐTD nói riêng, đã có nhiều công trình nghiên cứu với những khía cạnh

1


khác nhau liên quan đến chủ đề này, chẳng hạn như:
- Luận văn thạc sỹ luật học của tác giả Hoàng Thanh Thúy năm 2010 với đề
tài: “Pháp luật về giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng bảo đảm tiền vay tại
ngân hàng thương mại ở Việt Nam”;
- Luận văn thạc sỹ luật học của tác giả Trần Thu Lan năm 2011 với đề tài:
“Hợp đồng cho vay tại ngân hàng thương mại – một số vấn đề lý luận và thực tiễn”;
- Luận văn thạc sỹ luật học của tác giả Nguyễn Thị Liên Hương năm 2012
với đề tài: “Mối quan hệ pháp lý giữa hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo đảm
bằng tài sản trong hoạt động cho vay tại các tổ chức tín dụng”;
- Luận văn thạc sỹ luật học của tác giả Phạm Thị Thanh Hà năm 2013 với đề
tài:“Tranh chấp phát sinh từ hoạt động thanh toán bằng thư tín dụng”…
Các công trình nghiên cứu này đã đưa ra các cơ sở lý luận và khảo sát việc
áp dụng pháp luật nhằm hoàn thiện các quy định trong lĩnh vực ngân hàng và giải
quyết các tranh chấp phát sinh từ HĐTD. Tuy nhiên, các công trình trên chưa tìm
hiểu, nghiên cứu về thực tiễn giải quyết các tranh chấp phát sinh từ HĐTD bằng tòa
án tại một địa phương cụ thể là tỉnh Sơn La, vì vậy có thể cho rằng việc lựa chọn
nghiên cứu đề tài “Pháp luật về giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng
bằng tòa án từ thực tiễn tỉnh Sơn La” là không trùng lặp với các công trình nghiên

cứu là luận văn thạc sĩ đã được công bố trước đó.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài
Mục đích nghiên cứu của đề tài là làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn
về giải quyết tranh chấp phát sinh từ HĐTD bằng tòa án thông qua việc nghiên cứu
các cơ sở pháp lý, khảo sát thực trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật về
giải quyết tranh chấp phát sinh từ HĐTD bằng tòa án; trên cơ sở đó, luận văn đưa ra
một số giải pháp, kiến nghị cụ thể nhằm hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh
chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng bằng tòa án ở Việt Nam.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là những quan điểm, tư tưởng, học thuyết và

2


các quy định hiện hành về giải quyết tranh chấp phát sinh từ HĐTD bằng tòa án;
kinh nghiệm điều chỉnh pháp luật ở một số nước trên thế giới về giải quyết tranh
chấp phát sinh từ HĐTD bằng tòa án.
Phạm vi nghiên cứu của đề tài tập trung vào việc giải quyết một số vấn đề lý
luận và thực tiễn cơ bản sau đây:
- Những vấn đề lý luận về tranh chấp và giải quyết tranh chấp phát sinh từ
HĐTD bằng tòa án;
- Khảo sát và phân tích thực tiễn giải quyết các tranh chấp phát sinh từ
HĐTD bằng tòa án trên địa bàn tỉnh Sơn La và chỉ ra những hạn chế, bất cập, các
khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết tranh chấp phát sinh từ HĐTD bằng
tòa án;
- Đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết tranh
chấp phát sinh từ HĐTD bằng tòa án ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
5. Phương pháp nghiên cứu đề tài
Để hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu mà đề tài đặt ra, luận
văn sử dụng phối hợp nhiều phương pháp nghiên cứu có tính phổ quát trong khoa

học xã hội như phương pháp phân tích, tổng hợp; phương pháp diễn dịch và quy
nạp; phương pháp thống kê, khảo sát; phương pháp so sánh, đối chiếu và một số
phương pháp nghiên cứu khác trong khoa học xã hội.
Cụ thể như sau:
- Nhóm phương pháp phân tích, tổng hợp, diễn dịch và quy nạp được sử
dụng chủ yếu để giải quyết các vấn đề lý luận liên quan đến tranh chấp và giải quyết
tranh chấp phát sinh trong hoạt động cho vay của NHTM.
- Nhóm phương pháp thống kê, khảo sát; so sánh và đối chiếu… được sử
dụng để giải quyết các vấn đề liên quan đến thực tiễn giải quyết tranh chấp phát
sinh trong hoạt động cho vay của NHTM.
6. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, luận văn được cấu trúc

3


gồm 3 chương như sau:
Chương 1: Những vấn đề lý luận về giải quyết tranh chấp phát sinh từ HĐTD
bằng tòa án và pháp luật về giải quyết tranh chấp phát sinh từ HĐTD bằng tòa án.
Chương 2: Thực trạng pháp luật về giải quyết tranh chấp phát sinh từ HĐTD
bằng tòa án và thực tiễn áp dụng trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Chương 3: Các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp phát
sinh từ HĐTD bằng tòa án ở Việt Nam.

4


Chương 1
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ GIẢI QUYẾT TRANH
CHẤP PHÁT SINH TỪ HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG BẰNG

TÒA ÁN VÀ PHÁP LUẬT VỀ GIẢI QUYẾT TRANH
CHẤP PHÁT SINH TỪ HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG BẰNG
TÒA ÁN
1.1. Những vấn đề lý luận về giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp
đồng tín dụng bằng tòa án
1.1.1. Khái luận về tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng
1.1.1.1. Khái niệm và đặc điểm của tranh chấp hợp đồng
Trong khoa học pháp lý, thuật ngữ “tranh chấp” được hiểu là sự bất đồng,
mâu thuẫn về quyền lợi và nghĩa vụ phát sinh giữa các bên liên quan. Những bất
đồng, mâu thuẫn này có thể phát sinh từ các quan hệ xã hội do nhiều ngành luật
khác nhau điều chỉnh, vì thế nên người ta thường đặt tên tranh chấp theo lĩnh vực
phát sinh tranh chấp, chẳng hạn như tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa,
tranh chấp về đất đai, tranh chấp về thuế… Thực tế cho thấy hầu hết các tranh chấp
trong đời sống kinh tế - xã hội đều liên quan đến vấn đề phân tranh lợi ích giữa các
chủ thể trong các mối quan hệ gắn liền với sự phân bổ các lợi ích. Trong điều kiện
nền kinh tế thị trường, do sự phân bổ lợi ích giữa các chủ thể là rất rõ ràng dựa trên
các quy luật và nguyên tắc của thị trường nên tranh chấp có xu hướng ngày càng trở
nên gay gắt và diễn biến rất phức tạp.
Theo Từ điển tiếng Việt, tranh chấp được hiểu là “sự giành giật, giằng co
nhau một cái gì không rõ thuộc về ai hoặc của ai; tranh chấp là giằng co những gì
mà không biết ai đúng, ai sai, là sự giằng co nhau về mặt lợi ích, có thể về vật chất

5


hoặc tinh thần, hoặc xung đột về quyền lợi1.
Trong số các loại hình tranh chấp rất đa dạng thường diễn ra trong đời sống
hiện nay, tranh chấp hợp đồng thường được xem là loại tranh chấp phổ biến nhất,
đồng thời cũng nhận được nhiều sự quan tâm nhất của giới học thuật.
Về phương diện lý thuyết, tranh chấp hợp đồng được hiểu là sự bất đồng

chính kiến, sự mâu thuẫn hay xung đột về quyền và lợi ích giữa các chủ thể tham
gia hợp đồng. Nói cách khác, tranh chấp hợp đồng thực chất là những xung đột về
lợi ích giữa các chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng, các xung đột này có thể phát
sinh trong đời sống dân sự hàng ngày hoặc đời sống kinh doanh.
Xét về phương diện lý thuyết, tranh chấp hợp đồng có những đặc điểm cơ
bản sau đây:
Thứ nhất, về khía cạnh chủ thể của tranh chấp, tranh chấp hợp đồng là loại
tranh chấp phát sinh giữa các chủ thể có địa vị pháp lý bình đẳng với nhau. Do có
địa vị pháp lý bình đẳng nên mỗi chủ thể hợp đồng đều có những quyền và nghĩa vụ
ngang nhau trong quá trình thực hiện hợp đồng, kể cả quyền khởi kiện và các quyền
khác trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa họ với nhau.
Thứ hai, về khía cạnh đối tượng của tranh chấp, Bộ luật tố tụng dân sự của
Cộng hòa Pháp quy định rằng “đối tượng của tranh chấp được xác định qua các yêu
cầu của bên này đối với bên kia. Các yêu cầu này được xác định trong đơn khởi
kiện và trong các văn bản lý giải để bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, đối
tượng của tranh chấp cũng có thể thay đổi trên cơ sở các yêu cầu bổ sung khi các
yêu cầu bổ sung có quan hệ chặt chẽ với những yêu cầu ban đầu”2. Như vậy, theo
pháp luật tố tụng của Cộng hòa Pháp thì đối tượng của tranh chấp luôn liên quan
đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp và lợi ích đó được thể hiện
qua yêu cầu cụ thể của các bên, đặc biệt là bên nguyên đơn trong hồ sơ khởi kiện tại
tòa án. Nói cách khác, đa số các tranh chấp hợp đồng là loại tranh chấp về lợi ích tư,
1

Xem: Từ điển Việt Nam, tr.476.
Vấn đề này được ghi nhận tại Điều 4 Bộ luật tố tụng của Cộng hòa Pháp. Dẫn bởi nguồn: Bộ luật tố tụng
dân sự của nước Cộng hòa Pháp, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1998, trang 8.

2

6



do luật tư điều chỉnh, trong đó quyền tự định đoạt của các bên tham gia tranh chấp
được pháp luật công nhận, tôn trọng và bảo vệ. Quyền tự định đoạt của các bên là
yếu tố then chốt, quyết định đến cách thức giải quyết tranh chấp giữa các bên. Điều
đó thể hiện ở chỗ, các bên tranh chấp có thể tự lựa chọn cách thức giải quyết tranh
chấp giữa họ với nhau như: giải quyết bằng phương thức hòa giải, thương lượng,
trọng tài, tòa án. Việc lựa chọn phương thức nào phù hợp nhất là quyền của các bên
nhưng phải dựa trên nền tảng nguyên tắc tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của
nhau, tôn trọng, bảo đảm thực hiện đúng pháp luật. Đặc điểm này cho phép phân
biệt giữa tranh chấp hợp đồng với các loại tranh chấp liên quan đến lợi ích công như
tranh chấp giữa các cơ quan nhà nước với nhau; tranh chấp giữa các quốc gia với
nhau hoặc với các tổ chức quốc tế; tranh chấp giữa nhà nước với tư nhân…
Thứ ba, tranh chấp hợp đồng được giải quyết trên tinh thần tôn trọng sự thỏa
thuận của các bên. Nói cách khác, việc giải quyết các tranh chấp hợp đồng được
thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên sự thỏa thuận hợp pháp của các bên có tranh chấp.
Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về cơ quan giải quyết tranh chấp và
phương thức giải quyết tranh chấp thì việc giải quyết tranh chấp mới được thực hiện
theo quy định của pháp luật.
1.1.1.2. Khái niệm tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng
Trong khoa học pháp lý hiện nay, khái niệm tranh chấp nói chung và
tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng nói riêng được sử dụng khá phổ biến. Tuy
nhiên, thực tế cho thấy dường như giữa các nhà nghiên cứu, các học giả vẫn chưa có
một quan niệm thực sự thống nhất về thuật ngữ này.
Theo cách hiểu thông thường, tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng được là sự
mâu thuẫn hay bất đồng về quyền và lợi ích phát sinh từ hợp đồng tín dụng giữa
NHTM với khách hàng vay vốn. Các tranh chấp này chủ yếu phát sinh trong quá
trình thực hiện các điều khoản của hợp đồng tín dụng giữa bên cho vay (NHTM) và
bên vay (tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay vốn). Trên nguyên tắc, một hợp đồng nói
chung và hợp đồng tín dụng nói riêng chỉ được coi là có tranh chấp khi sự xung đột,

bất đồng về phương diện quyền lợi giữa các bên tham gia hợp đồng đã được thể

7


hiện ra bên ngoài (mặt khách quan) thông qua những bằng chứng cụ thể và có thể
xác định được một cách chắc chắn3.
Như vậy, tranh chấp HĐTD là tình trạng pháp lý đặc biệt của quan hệ hợp
đồng, theo đó các bên tham gia quan hệ hợp đồng tín dụng có sự xung đột về quyền
lợi, bất đồng quan điểm trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ pháp lý phát sinh
từ hợp đồng tín dụng4. Thực tế cho thấy, không phải bất cứ hành vi vi phạm HĐTD
nào cũng đều tất yếu dẫn đến tranh chấp giữa các bên. Có những trường hợp có
hành vi vi phạm hợp đồng tín dụng nhưng không có tranh chấp bởi vì giữa các bên
chủ thể của HĐTD không thể hiện tranh chấp đó bằng các hành vi phản kháng cụ
thể. Qua khảo sát thực tiễn cho thấy, các tranh chấp phát sinh từ HĐTD chủ yếu là
tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, tranh chấp về chủ thể xác lập và thực hiện hợp
đồng, tranh chấp về lãi suất, tranh chấp về nợ gốc, tranh chấp về nợ lãi, tranh chấp
về việc giải ngân, tranh chấp về thực hiện các biện pháp bảo đảm, tranh chấp trong
định giá tài sản bảo đảm và xử lý tài sản đảm bảo, tranh chấp về luật áp dụng đối
với quan hệ hợp đồng…
Ở mức độ khái quát, có thể định nghĩa tranh chấp phát sinh từ HĐTD như
sau:
Tranh chấp phát sinh từ HĐTD là những bất đồng, mâu thuẫn, xung đột về
lợi ích phát sinh trong quá trình thực hiện các quyền và nghĩa vụ của các bên tham
gia giao kết HĐTD, được thể hiện ra bên ngoài thông qua những bằng chứng,
những hành vi cụ thể và có thể xác định được.
1.1.1.3. Các đặc điểm cơ bản của tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng
Xét về phương diện lý thuyết, ngoài những đặc điểm chung giống như mọi
loại tranh chấp nói chung và tranh chấp hợp đồng nói riêng, tranh chấp phát sinh từ
HĐTD còn có một số đặc trưng cơ bản sau đây:

Thứ nhất, về phương diện chủ thể, một bên chủ thể của tranh chấp phát sinh
3

Xem thêm: Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật ngân hàng Việt Nam, NXB Công an Nhân dân,
Hà Nội – 2012, trang 175.
4
Xem thêm: Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật ngân hàng Việt Nam, NXB Công an Nhân dân,
Hà Nội – 2012, trang 175, 176.

8


từ HĐTD luôn là tổ chức tín dụng có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật
hiện hành (với tư cách là bên cho vay vốn). Còn chủ thể bên kia có thể là tổ chức,
cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác… thỏa mãn các điều kiện vay vốn do pháp luật quy
định. Đặc điểm này cho phép phân biệt giữa tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín
dụng so với các loại tranh chấp khác không phải là tranh chấp phát sinh từ hợp đồng
tín dụng.
Thứ hai, về phương diện đối tượng tranh chấp, có thể nhận thấy đối tượng
của tranh chấp phát sinh từ HĐTD luôn mang yếu tố tài sản và gắn liền với quyền,
lợi ích của các bên trong quan hệ tranh chấp, bao gồm: nguồn vốn tiền tệ, quyền lợi
và nghĩa vụ, lãi suất, biện pháp bảo đảm, chủ thể xác lập hợp đồng và thẩm quyền
ký kết HĐTD... Cùng với sự gia tăng các tranh chấp hợp đồng tín dụng, đối tượng
của các tranh chấp phát sinh từ HĐTD đang có xu hướng ngày càng trở nên đa
dạng. Điều này gây không ít khó khăn cho chính các bên tranh chấp cũng như các
cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp như tòa án và trọng tài.
Thứ ba, về phương diện phạm vi tranh chấp, có thể cho rằng phạm vi tranh
chấp chính là các quyền, nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng tín dụng. Các quyền,
nghĩa vụ này được thể hiện thông qua các điều khoản cụ thể của hợp đồng tín dụng
do các bên thỏa thuận. Suy cho cùng, dù nội dung tranh chấp có thể rất khác nhau

nhưng mọi tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng đều là tranh chấp liên quan
đến quyền, nghĩa vụ pháp lý của các bên tham gia quan hệ hợp đồng.
Thứ tư, về nguy cơ phát sinh tranh chấp, các tranh chấp phát sinh từ HĐTD
luôn có nguy cơ xảy ra cao hơn so với các lĩnh vực khác. Sở dĩ như vậy là bởi vì,
hoạt động cho vay của NHTM luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro bởi người vay không
được ngân hàng giải ngân hoặc người vay không trả tiền vay cả gốc và lãi đúng hạn
cho ngân hàng, vì thế mà nguy cơ xảy ra tranh chấp giữa các bên cũng cao hơn so
với hầu hết các lĩnh vực kinh doanh khác.
Việc nhận diện các dấu hiệu, đặc điểm trên đây của tranh chấp phát sinh từ
HĐTD có ý nghĩa rất lớn về mặt lý luận. Điều đó thể hiện ở chỗ, việc làm rõ các
đặc điểm này sẽ góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận pháp luật về tranh

9


chấp và giải quyết tranh chấp nói chung cũng như tranh chấp về hợp đồng và hợp
đồng tín dụng nói riêng. Mặt khác, việc nhận diện rõ các dấu hiệu, đặc điểm này
cũng có những tác dụng nhất định đối với các nhà làm luật và những người áp dụng
pháp luật trong quá trình hoàn thiện pháp luật và thực hành pháp luật.
1.1.1.4. Phân loại tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng
Thực tiễn cho thấy tranh chấp phát sinh từ HĐTD thường rất đa dạng và
phức tạp. Về lý thuyết, có thể phân loại tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng
dựa vào các tiêu chí cơ bản như:
Thứ nhất, nếu dựa vào tiêu chí nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, có thể phân
chia tranh chấp hợp đồng tín dụng thành hai loại gồm:
- Tranh chấp phát sinh do hành vi vi phạm hợp đồng từ phía ngân hàng
thương mại: HĐTD là một dạng của hợp đồng ưng thuận có hình thức bắt buộc thể
hiện bằng văn bản. Vì thế, sau khi HĐTD có hiệu lực, việc giải ngân vốn mà hai
bên đã thoả thuận là nghĩa vụ của các NHTM. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó (lý do
khách quan hoặc lý do chủ quan) mà NHTM đã không thực hiện hoặc thực hiện

không đầy đủ nghĩa vụ giải ngân đối với khách hàng. Điều này làm ảnh hưởng tới
quyền và lợi ích hợp pháp, làm chậm tiến độ xây dựng, phá vỡ kế hoạch, mất cơ hội
kinh doanh... của khách hàng vay vốn, dẫn tới những tổn thất lớn về kinh tế, về uy
tín và thương hiệu của khách hàng. Do đó, khách hàng có thể kiến nghị, đòi bồi
thường cho những tổn thất đó, vì vậy mà tranh chấp HĐTD đã xảy ra.
- Tranh chấp phát sinh do hành vi vi phạm hợp đồng tín dụng từ phía khách
hàng vay vốn. Phần lớn các tranh chấp phát sinh từ HĐTD đều bắt nguồn từ hành vi
vi phạm nghĩa vụ trả gốc và lãi của khách hàng với nhiều lý do khác nhau như sự
tác động của tình hình suy thoái kinh tế khiến các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hoặc
do doanh nghiệp cố tình chiếm dụng vốn của ngân hàng; do doanh nghiệp phá sản
dẫn đến việc không có khả năng trả nợ cho NHTM khi đến hạn.
Thứ hai, nếu dựa vào tiêu chí thành phần chủ thể của quan hệ tranh chấp, có
thể phân loại tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng thành các loại chủ yếu sau

10


đây:
- Tranh chấp phát sinh giữa hai bên là ngân hàng cho vay với bên kia là
khách hàng vay vốn. Đây là loại tranh chấp phổ biến nhất hiện nay trong lĩnh vực
cho vay của NHTM vì quan hệ hợp đồng tín dụng có bản chất là giao dịch phát sinh
giữa hai chủ thể này với nhau.
- Tranh chấp phát sinh giữa ngân hàng với khách hàng vay vốn và với bên
thứ ba (ví dụ: bên thế chấp, bên bảo lãnh, bên được ủy quyền quản lý tài sản bảo
đảm…). Loại tranh chấp này ít xảy ra hơn vì các xung đột lợi ích nhiều bên thường
ít xảy ra hơn và nếu có xảy ra thì việc giải quyết tranh chấp cũng sẽ rất phức tạp.
- Tranh chấp phát sinh giữa ngân hàng (với tư cách là bên nhận bảo đảm) với
bên bảo đảm trong giao dịch bảo đảm tiền vay ngân hàng. Loại tranh chấp này tuy
không phổ biến như loại tranh chấp thứ nhất nhưng cũng thường xảy ra trên thực tế
do phần lớn các hợp đồng tín dụng đều là hợp đồng cho vay có bảo đảm bằng tài

sản.
Thứ ba, nếu dựa vào tiêu chí đối tượng của tranh chấp phát sinh từ HĐTD,
có thể phân loại tranh chấp này bao gồm các loại chủ yếu như:
- Tranh chấp về quyền và lợi ích của các bên trong hợp đồng tín dụng hoặc
hợp đồng bảo đảm tiền vay; tranh chấp về nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng tín
dụng hoặc hợp đồng bảo đảm tiền vay;
- Tranh chấp về số tiền vay và lãi suất cho vay;
- Tranh chấp về thời hạn vay vốn, thời hạn tính lãi quá hạn, thời hạn bảo đảm
tiền vay;
- Tranh chấp về tiền phạt vi phạm hợp đồng và/hoặc tiền bồi thường thiệt hại
phát sinh từ hợp đồng tín dụng.
1.1.2. Khái luận về giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng
bằng tòa án
Như đã đề cập ở trên, việc giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng có thể
được thực hiện bằng nhiều cách thức khác nhau, trong đó phương thức giải quyết

11


tranh chấp bằng thương lượng giữa các bên thường được ưu tiên áp dụng. Tuy
nhiên, trong trường hợp việc thương lượng không thành thì tranh chấp có thể được
các bên giải quyết bằng con đường khác, chẳng hạn như thông qua cơ quan tài phán
là trọng tài hoặc tòa án.
Trong khuôn khổ của luận văn này, tác giả chỉ đề cập đến việc giải quyết
tranh chấp phát sinh từ HĐTD bằng tòa án. Việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ
HĐTD bằng các các phương thức khác như thương lượng, hòa giải hay trọng tài chỉ
được nhắc đến với mục đích so sánh để nhằm làm nổi bật việc giải quyết tranh chấp
phát sinh từ HĐTD bằng con đường tòa án mà thôi.
1.1.2.1. Khái niệm và đặc điểm của việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ
hợp đồng tín dụng bằng tòa án

Về phương diện lý thuyết, giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng là việc
các bên tranh chấp hoặc bên thứ ba áp dụng các cách thức, biện pháp khác nhau
nhằm khắc phục hoặc loại trừ các mâu thuẫn, bất đồng đã phát sinh nhằm bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, bảo vệ trật tự kỷ cương xã hội.
Khi một tranh chấp phát sinh, đặc biệt là các tranh chấp phát sinh từ hợp
đồng tín dụng, việc giải quyết tranh chấp sẽ đặt ra hàng loạt vấn đề cần được pháp
luật quy định rõ như: chủ thể nào sẽ tham gia giải quyết tranh chấp; thẩm quyền và
thủ tục giải quyết tranh chấp như thế nào; hiệu lực của phán quyết khi giải quyết
tranh chấp ra sao?... Trên nguyên tắc, việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương
mại nói chung và tranh chấp phát sinh từ HĐTD nói riêng cần phải đáp ứng được
những yêu cầu cơ bản như: nhanh chóng, kịp thời; tiết kiệm và hiệu quả về kinh tế;
không làm hạn chế, cản trở hoạt động kinh doanh của các bên tranh chấp; có thể tận
dụng được những cơ hội kinh doanh; loại trừ những rủi ro từ tác động của thị
trường; bảo đảm giữ được bí mật của hoạt động kinh doanh cũng như uy tín, thương
hiệu của các bên chủ thể trong quan hệ tranh chấp; quyết định giải quyết tranh chấp
phải được bảo đảm thi hành... Mỗi bên đều phải tự cân nhắc những chi phí phải bỏ
ra khi giải quyết tranh chấp, lợi ích kinh tế và sự ổn định quan hệ kinh doanh để từ
đó lựa chọn phương thức và đưa ra yêu cầu giải quyết tranh chấp.

12


Nói cách khác, tranh chấp phát sinh từ HĐTD chỉ được giải quyết thỏa đáng
khi các bên đã tìm ra phương án dung hòa được quyền lợi và nghĩa vụ của nhau.
Thực tế cho thấy, không có một cơ chế giải quyết tranh chấp nào có thể thỏa mãn
toàn bộ các yêu cầu nêu trên, kể cả cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
thương mại, vốn dĩ được ca ngợi là rất phù hợp với yêu cầu của các chủ thể kinh
doanh.
Đối với cơ chế giải quyết tranh chấp HĐTD bằng tòa án, có hai vấn đề cơ
bản cần phải xác định, đó là: (i) thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc về tòa án và

(ii) thủ tục giải quyết tranh chấp là tố tụng tư pháp. Từ cách tiếp cận như vậy, tác
giả luận văn cho rằng có thể đưa ra khái niệm về giải quyết tranh chấp phát sinh từ
HĐTD bằng tòa án như sau:
Giải quyết tranh chấp phát sinh từ HĐTD bằng tòa án là việc cơ quan tòa án
có thẩm quyền chấp nhận yêu cầu khởi kiện của một trong các bên tham gia hợp
đồng tín dụng (gọi là nguyên đơn) để tiến hành phân xử về quyền, lợi ích giữa các
bên tranh chấp bằng một phán quyết dựa trên cơ sở áp dụng pháp luật về nội dung
và pháp luật tố tụng.
Từ định nghĩa nêu trên, có thể nhận thấy việc giải quyết tranh chấp phát sinh
từ hợp đồng tín dụng bằng tòa án có những đặc điểm cơ bản như sau:
Thứ nhất, chủ thể giải quyết tranh chấp là tòa án, theo đó cơ quan này nhân
danh quyền lực tư pháp của Nhà nước để đưa ra phán quyết nhằm chấm dứt sự xung
đột, bất đồng về quyền và lợi ích giữa các bên tranh chấp. Trên nguyên tắc, chỉ cần
một bên tranh chấp yêu cầu đúng cơ quan tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy
định của pháp luật thì khi đó tòa án có trách nhiệm phải thụ lý vụ việc để giải quyết
mà không được từ chối, bất kể vì lý do gì, kể cả trường hợp chưa có pháp luật điều
chỉnh đối với quan hệ tranh chấp5.
Thứ hai, phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng bằng tòa án
5

Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 và các Điều từ 43 đến 45 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015, tòa án không
được từ chối giải quyết tranh chấp vì lý do không có luật điều chỉnh và phải áp dụng các nguồn luật khác để
giải quyết tranh chấp.

13


dựa trên sự tôn trọng nguyên tắc tự định đoạt của các bên tranh chấp, kết hợp với
quyền tư pháp của Nhà nước được trao cho tòa án để đưa ra phán quyết cuối cùng
có giá trị ràng buộc đối với các bên tranh chấp. Trong phương thức giải quyết tranh

chấp bằng tòa án, mức độ ưu tiên, tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự tuy có
phần hạn chế hơn so với phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nhưng
quyền tự định đoạt của các đương sự vẫn được bảo đảm thực hiện. Điều này thể
hiện ở chỗ: phương thức giải quyết tranh chấp bằng tòa án cho phép các bên tham
gia tranh chấp có quyền tiếp tục thương lượng, hòa giải ngay cả khi vụ án đã được
tòa án thụ lý. Khi đó, tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho các bên thương lượng,
hòa giải và ra quyết định công nhận việc hòa giải thành nếu kết quả hòa giải cho
thấy rằng các bên đã đạt được mục đích chính là giải quyết được xung đột, bất đồng
giữa họ với nhau về quyền, nghĩa vụ và lợi ích.
Thứ ba, việc giải quyết tranh chấp hợp đồng nói chung và tranh chấp hợp
đồng tín dụng nói riêng bằng tòa án phải tuân theo nguyên tắc “hai cấp xét xử”. Đây
là một trong những điểm khác biệt cơ bản so với việc giải quyết tranh chấp hợp
đồng bằng cơ chế trọng tài. Nguyên tắc này vừa có mặt tích cực, vừa có mặt hạn
chế của nó. Mặt tích cực của nguyên tắc “hai cấp xét xử” thể hiện ở chỗ, do phải trải
qua hai cấp xét xử nên quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng tố tụng tòa án
sẽ đảm bảo tính khách quan, chính xác hơn cho phán quyết cuối cùng về vụ tranh
chấp. Còn mặt hạn chế của nguyên tắc này là ở chỗ, do việc xét xử được thực hiện
qua hai cấp nên sẽ tốn thời gian và chi phí cho các bên tranh chấp.
Thứ tư, nguyên tắc xét xử của tòa án là “xử công khai”, vì vậy các thẩm phán
và hội thẩm nhân dân tham gia hội đồng xét xử thường phải cẩn trọng hơn trong
việc xem xét sự thật khách quan của vụ án để đưa ra phán quyết cuối cùng bảo đảm
tính khách quan và chính xác, từ đó hạn chế nguy cơ tòa án “xử sai” gây ảnh hưởng
bất lợi đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp.
Thứ năm, việc giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng tòa án có khả năng đảm
bảo quyền lợi cho bên thắng kiện tốt hơn do phán quyết đã có hiệu lực của tòa án có
giá trị cưỡng chế thi hành và được giao cho cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thực

14



hiện việc cưỡng chế thi hành án.
1.1.2.2. So sánh hình thức giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng bằng tòa
án với các hình thức giải quyết tranh chấp khác
Trên thế giới, tùy thuộc vào quan điểm, tư tưởng của các nhà lập pháp của
từng quốc gia mà luật pháp mỗi nước có những quy định khác nhau về vấn đề giải
quyết tranh chấp phát sinh từ HĐTD. Mặc dù vậy, hầu hết các quốc gia đều thừa
nhận các hình thức giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại nói chung và giải
quyết tranh chấp phát sinh từ HĐTD nói riêng bao gồm: thương lượng; hòa giải;
trọng tài thương mại và toà án.
Thực tế cho thấy, mỗi hình thức giải quyết tranh chấp nói trên đều có những
lợi thế và đồng thời cũng thể hiện những điểm hạn chế nhất định. Tùy thuộc vào
tính chất của tranh chấp, mức độ phức tạp của tranh chấp, khả năng và điều kiện cụ
thể của các bên mà các chủ thể tranh chấp có thể lựa chọn hình thức này hay hình
thức khác, hoặc sử dụng phối hợp nhiều hình thức khác nhau nhằm giải quyết tranh
chấp đạt hiệu quả cao nhất.
Trong số các hình thức giải quyết tranh chấp nói trên, hình thức giải quyết
tranh chấp phát sinh từ HĐTD bằng tòa án thường chiếm tỷ lệ cao so với các hình
thức giải quyết tranh chấp khác do hình thức này có nhiều ưu điểm vượt trội như:
tòa án là cơ quan đại diện cho quyền lực tư pháp của nhà nước; nguyên tắc xét xử
công khai; việc giải quyết tranh chấp được thực hiện qua hai cấp; phán quyết có
hiệu lực của tòa án được cưỡng chế thi hành bởi Nhà nước thông qua cơ quan thi
hành án dân sự…
Ở mức độ khái quát, có thể hình dung phương thức giải quyết tranh chấp
phát sinh từ HĐTD bằng tòa án có những điểm tương đồng và khác biệt cơ bản sau
đây so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác như thương lượng, hòa giải
và trọng tài:
a) Những điểm tương đồng:
Một cách khái quát, giữa phương thức giải quyết tranh chấp HĐTD bằng tòa

15



án và các phương thức giải quyết tranh chấp khác như thương lượng, hòa giải và
trọng tài có những điểm giống nhau cơ bản như sau:
Thứ nhất, tất cả các phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh từ HĐTD
đều có mục đích chung giống nhau là thỏa mãn tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của
các bên tranh chấp. Đây là yêu cầu cơ bản nhất mà mọi cơ chế giải quyết tranh chấp
hợp đồng đều phải đáp ứng.
Thứ hai, tất cả các phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh từ HĐTD
đều được thực hiện dựa trên tinh thần của nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt
của các bên tranh chấp. Tuy nhiên, việc thực hiện nguyên tắc này có những yêu cầu
khác nhau giữa các phương thức giải quyết tranh chấp, trong đó phương thức
thương lượng giữa các bên được xem là cơ chế giải quyết tranh chấp thể hiện yêu
cầu cao nhất về nguyên tắc tự định đoạt trong giải quyết tranh chấp, tiếp theo đó là
phương thức hòa giải, phương thức trọng tài và cuối cùng là phương thức giải quyết
tranh chấp bằng tòa án.
Thứ ba, các phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh từ HĐTD đều được
thực hiện trên cơ sở các quy định hiện hành của pháp luật. Trong một số trường hợp
đặc biệt, việc giải quyết tranh chấp HĐTD bằng tòa án hoặc trọng tài có thể xem xét
các án lệ có liên quan để áp dụng trong quá trình giải quyết tranh chấp.
b) Những điểm khác biệt:
Xét về khía cạnh lý thuyết, giữa các hình thức giải quyết tranh chấp HĐTD
có những điểm khác biệt cơ bản sau đây:
Thứ nhất, về chủ thể giải quyết tranh chấp. Đối với hình thức thương lượng,
chủ thể giải quyết tranh chấp chỉ bao gồm các bên tranh chấp mà không có sự tham
gia của bên thứ ba. Trong khi đó, với các hình thức giải quyết tranh chấp khác như
hòa giải, trọng tài hay tòa án thì việc giải quyết tranh chấp sẽ do bên thứ ba (người
hòa giải, trọng tài, tòa án) thực hiện trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc tôn trọng quyền
tự định đoạt của các bên tranh chấp.
Thứ hai, về thủ tục giải quyết tranh chấp. Đối với hình thức thương lượng,


16


×