Tải bản đầy đủ (.pdf) (81 trang)

Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo pháp luật tố tụng dân sự việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (417.6 KB, 81 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ TƯ PHÁP

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

NGUYỄN THỊ KIỀU TRANG

THỦ TỤC GIẢI QUYẾT YÊU CẦU TUYÊN BỐ
MỘT NGƯỜI MẤT NĂNG LỰC HÀNH VI DÂN SỰ
HOẶC BỊ HẠN CHẾ NĂNG LỰC HÀNH VI DÂN SỰ
THEO PHÁP LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ VIỆT NAM
CHUYÊN NGÀNH

: LUẬT DÂN SỰ VÀ TỐ TỤNG DÂN SỰ

MÃ SỐ

: 60380103

LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: TS. NGUYỄN TRIỀU DƯƠNG

Hà Nội - 2015


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan Luận văn là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết
luận nêu trong Luận văn chưa được công bố trong bất kỳ công trình nghiên cứu nào
khác. Các số liệu, ví dụ và trích dẫn trong Luận văn đảm bảo tính chính xác, tin cậy
và trung thực.



TÁC GIẢ LUẬN VĂN

NGUYỄN THỊ KIỀU TRANG


LỜI CẢM ƠN
Em xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo trong tổ bộ môn Tố tụng dân
sự, các thầy cô giáo giảng dạy trong Khoa Pháp luật dân sự - Trường Đại học
Luật Hà Nội đã tạo điều kiện thuận lợi và giúp đỡ em trong quá trình học tập và
nghiên cứu.
Với tình cảm chân thành nhất của mình, em xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc
tới TS. Nguyễn Triều Dương, người thầy đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ em hoàn
thành luận văn này.
Xin cảm ơn gia đình, người thân và bạn bè đã luôn dành sự động viên,
khích lệ em trong quá trình thực hiện đề tài này.
Hà Nội, tháng 5 -2015
Tác giả luận văn


DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

BLDS

: Bộ luật Dân sự

BLTTDS

: Bộ luật Tố tụng dân sự


NLHVDS

: Năng lực hành vi dân sự

PLTTGQCVADS

: Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án
dân sự

TAND

: Tòa án nhân dân

TANDTC

: Tòa án nhân dân tối cao

TTDS

: Tố tụng dân sự

VKSND

: Viện Kiểm sát nhân dân

VKSNDTC

: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao



MỤC LỤC
Trang
Phần mở đầu

1

Chương 1: Một số vấn đề lý luận về thủ tục giải quyết yêu cầu

6

tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn
chế năng lực hành vi dân sự
1.1.

Khái quát về thủ tục giải quyết việc dân sự

6

1.2.

Khái quát về thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất

10

năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự
1.2.1. Khái niệm thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người

10

mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân

sự
1.2.2. Ý nghĩa của thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người

13

mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân
sự
1.3.

Cơ sở của việc xây dựng thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một

14

người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành
vi dân sự trong tố tụng dân sự Việt Nam
1.3.1. Cơ sở lý luận của việc xây dựng thủ tục giải quyết yêu cầu

14

tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế
năng lực hành vi dân sự
1.3.2. Cơ sở thực tiễn của việc xây dựng thủ tục giải quyết yêu cầu

16

tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế
năng lực hành vi dân sự
1.4.

Lược sử quy định về thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người


17

mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân
sự trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam
1.4.1. Giai đoạn trước năm 1945

17


1.4.2. Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1989

18

1.4.3. Giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2004

19

1.4.4. Giai đoạn từ năm 2005 đến nay

20

Chương 2: Quy định của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam

22

hiện hành về thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người
mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi
dân sự
2.1.


Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành

22

vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự
2.1.1. Thụ lý yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân

22

sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự
2.1.2. Chuẩn bị xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực

28

hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự
2.1.3. Phiên họp xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực

32

hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự
2.2.

Thủ tục xét đơn yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất

38

năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự
2.2.1. Yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất năng lực


38

hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự
2.2.2. Xét đơn yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất

39

năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự
2.3.

Giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân

40

sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, yêu cầu hủy bỏ quyết
định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn
chế năng lực hành vi dân sự theo thủ tục phúc thẩm
2.3.1. Kháng cáo, kháng nghị giải quyết yêu cầu tuyên bố một
người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành
vi dân sự, yêu cầu hủy quyết định tuyên bố một người mất năng

40


lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự
2.3.2. Thủ tục phúc thẩm giải quyết yêu cầu tuyên bố một người

41

mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân

sự, yêu cầu hủy quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành
vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự
Chương 3: Thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật tố

44

tụng dân sự Việt Nam về thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố
một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng
lực hành vi dân sự và một số kiến nghị
3.1.

Thực tiễn áp dụng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự Việt

44

Nam về thủ tục yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi
dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và những khó khăn
đặt ra
3.1.1. Thực tiễn giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng

44

lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự
3.1.2. Những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy

52

định về thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng
lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và
nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc

3.2.

Một số kiến nghị hoàn thiện chế định thủ tục giải quyết yêu cầu

61

tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế
năng lực hành vi dân sự
KẾT LUẬN
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

70


1

LỜI MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài
Khi xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu tham gia vào các quan hệ dân sự
ngày càng đa dạng. Cùng với năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự là
một bộ phận hợp thành năng lực chủ thể của cá nhân – chủ thể cơ bản và chủ yếu
của các quan hệ pháp luật dân sự, là điều kiện làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự
cụ thể. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân được pháp luật thừa nhận phụ thuộc
vào khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nên cá nhân ở mỗi độ tuổi, mỗi mức độ
phát triển của nhận thức có năng lực hành vi dân sự khác nhau: năng lực hành vi
dân sự đầy đủ; năng lực hành vi dân sự một phần; không có năng lực hành vi dân
sự; mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự. Việc một
người mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự không phải là tiêu chí để phân chia
mức độ năng lực hành vi dân sự, nhưng nó là tình trạng thực tế của một người mà
khi tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự, nó gây ra những ảnh hưởng không

nhỏ tới quyền và lợi ích hợp pháp của họ và những người có liên quan hoặc cơ
quan, tổ chức liên quan… Bởi khi một người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà
không thể nhận thức và làm chủ hành vi của mình (mất năng lực hành vi dân sự)
hoặc khi người nghiện ma túy và các chất kích thích khác dẫn tới phá tán tài sản của
gia đình (hạn chế năng lực hành vi dân sự) thì việc họ tham gia vào các quan hệ xã
hội sẽ là một vấn nạn không chỉ với những người xung quanh mà còn cho toàn xã
hội. Vì vậy, pháp luật quy định người có quyền, lợi ích liên quan hoặc cơ quan, tổ
chức hữu quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi
dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Việc xác định một cá nhân mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự đã
được pháp luật dân sự đề cập tới trong Bộ luật dân sự năm 1995 và sau đó là Bộ
luật dân sự năm 2005. Tuy nhiên, thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người
mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự lần đầu tiên
được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 15/6/2004 với tư cách là


2

một thủ tục độc lập được quy định trong một chương riêng gồm 5 Điều luật nằm
trong Phần thứ năm “Thủ tục giải quyết việc dân sự”. Đây là một bước đột phá về
thủ tục tố tụng, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết nhanh chóng, đúng đắn,
bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong việc yêu cầu giải
quyết vấn đề trên trước Tòa án. Mặc dù vậy, những quy định này không tránh khỏi
những sai sót, bất cập và dần bộc lộ những hạn chế. Ngày 29/3/2011, Quốc hội
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 2 tiếp tục thông
qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, đồng
thời cũng ban hành nhiều văn bản pháp luật hướng dẫn, tuy nhiên không có sự sửa
đổi, bổ sung, hướng dẫn nào đối với những quy định về vấn đề này. Điều này vô
hình chung đã dẫn tới nhiều cách hiểu và áp dụng không thống nhất trên thực tế,

gây quan ngại cho cả cơ quan tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng
trong quá trình yêu cầu cũng như giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng
lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Xuất phát từ đó, việc nghiên cứu “Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một
người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự
trong tố tụng dân sự Việt Nam” nhằm làm rõ những bất cập còn tồn tại, hoàn thiện
và nâng cao hiệu quả điều chỉnh của những quy định này trong pháp luật tố tụng
dân sự là cấp thiết, có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Đã có không ít những công trình khoa học, các bài viết nghiên cứu về việc
dân sự và thủ tục giải quyết việc dân sự, có thể kể đến như: Công trình nghiên cứu
khoa học cấp Bộ: ″Cơ sở lý luận và thực tiễn thi hành quy định tại phần thứ năm:
Thủ tục giải quyết việc dân sự của Bộ luật tố tụng dân sự Việt Nam″ của Viện khoa
học xét xử - TANDTC; Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường: "Việc dân sự và thủ
tục giải quyết việc dân sự tại Tòa án nhân dân" của Trường đại học Luật Hà Nội,
năm 2008; Luận văn thạc sỹ Luật học: ″Trình tự, thủ tục giải quyết các việc dân sự
theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự″, Lê Thanh Huyền, Trường đại học Luật
Hà Nội, năm 2006; “Thủ tục giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật tố


3

tụng dân sự” của tác giả Lê Thu Hà đăng trên Tạp chí Tòa án số 12 năm 2006 hay
bài viết “Về thủ tục giải quyết việc dân sự trong Bộ luật tố tụng dân sự” của tác giả
Tống Công Cường đăng trên Tạp chí Nhà nước và pháp luật số 11 năm 2007…
Những công trình này chủ yếu nghiên cứu về việc dân sự và thủ tục giải quyết việc
dân sự nói chung, khái quát những vấn đề cơ bản về thủ tục giải quyết một số việc
dân sự mà chưa đi sâu nghiên cứu về thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người
mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Tính đến thời điểm hiện nay cũng chưa có công trình nào nghiên cứu chuyên

sâu, đầy đủ và có hệ thống thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng
lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Các công trình chỉ
dừng lại ở việc nghiên cứu một hoặc một số khía cạnh hoặc dưới hình thức bài viết
trao đổi tình huống thực tiễn gặp phải: “Quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi
dân sự có phải xác định người đại diện theo pháp luật” của tác giả Hoàng Thị Việt
Anh đăng trên Tạp chí Nghề luật số 6 năm 2013; “Trao đổi từ thực tiễn giải quyết
việc dân sự tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự” của tác giả Nguyễn
Thị Hạnh, Nguyễn Văn Lin đăng trên Tạp chí Nghề luật số 6 năm 2014…
Trước tình hình đó, tác giả đã mạnh rạn nghiên cứu đề tài “Thủ tục giải
quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế
năng lực hành vi dân sự trong tố tụng dân sự Việt Nam” ở cấp độ luận văn thạc
sỹ với mong muốn đóng góp kiến thức xung quanh vấn đề này phục vụ cho việc
nghiên cứu, giảng dạy và thực hành về tố tụng dân sự.
3. Mục đích, nhiệm vụ của việc nghiên cứu đề tài
- Mục đích: Trên cơ sở nghiên cứu và làm rõ các quy định của pháp luật hiện
hành về thủ tục giải quyết việc dân sự nói chung và thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên
bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự
nói riêng, tìm hiểu thực tế áp dụng luật thực định để giải quyết yêu cầu tuyên bố
một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự
trong hoạt động xét xử của Tòa án qua đó nhằm tìm ra những bất cập của pháp luật
cũng như những vướng mắc trong thực tiễn; đề xuất phương hướng hoàn thiện, kiến


4

nghị các giải pháp góp phần hoàn thiện các quy định về vấn đề này trong pháp luật
TTDS Việt Nam.
- Nhiệm vụ của việc nghiên cứu đề tài:
+ Nghiên cứu làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận cơ bản về thủ tục giải quyết
yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực

hành vi dân sự;
+ Tìm hiểu một cách đầy đủ và có hệ thống quy định của pháp luật TTDS về
thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị
hạn chế năng lực hành vi dân sự trong TTDS Việt Nam;
+ Tìm và làm rõ các vấn đề, nội dung còn thiếu sót, chưa phù hợp trong quy
định của pháp luật hiện hành về thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất
năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
+ Nghiên cứu và đánh giá thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật về
thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị
hạn chế năng lực hành vi dân sự, đề xuất một số kiến nghị góp phần hoàn thiện các
quy định về vấn đề này.
4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu của đề tài
- Đối tượng nghiên cứu: Đề tài tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận
của thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc
bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; các quy định của pháp luật TTDS Việt Nam
hiện hành về thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi
dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; tìm hiểu thực tiễn áp dụng pháp
luật về vấn đề này qua hoạt động xét xử của TAND trong những năm gần đây.
- Phạm vi nghiên cứu:
Trong phạm vi của một Luận văn Thạc sỹ Luật học, tác giả chỉ tập trung
nghiên cứu về thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi
dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự trong Bộ luật TTDS Việt Nam hiện
hành; để có cơ sở nghiên cứu nội dung trên, tác giả có đề cập tới một số quy định về


5

tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi
dân sự trong BLDS ở mức độ khái quát, dẫn chiếu.
5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện được mục tiêu nghiên cứu nói trên, tác giả đã dựa trên phương
pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp
luật. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng các phương pháp nghiên cứu:
+ Phương pháp so sánh được sử dụng trong chương 1 khi trình bày về thủ tục
giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế
năng lực hành vi dân sự trong pháp luật Việt Nam qua các thời kỳ; sử dụng trong
chương 2 khi so sánh quy định về thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người
mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với các quy
định về thủ tục giải quyết việc dân sự nói chung;
+ Phương pháp lịch sử: nghiên cứu quy định của pháp luật tố tụng dân sự
Việt Nam giai đoạn trước năm 1945 đến nay;
+ Phương pháp mô tả, tình huống: sử dụng nhiều trong chương III khi nói về
thực trạng vấn đề, các vụ việc điển hình trên thực tế;
+ Phương pháp phân tích, quy nạp, diễn giải được sử dụng xuyên suốt trong
quá trình viết luận văn.
6. Bố cục của đề tài
Ngoài lời nói đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn được
kết cấu thành 3 chương:
Chương 1: Một số vấn đề lý luận về thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một
người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự
Chương 2: Quy định của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam hiện hành về thủ
tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn
chế năng lực hành vi dân sự
Chương 3: Thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự Việt
Nam về thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự
hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và một số kiến nghị


6


CHƯƠNG 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ THỦ TỤC GIẢI QUYẾT YÊU CẦU
TUYÊN BỐ MỘT NGƯỜI MẤT NĂNG LỰC HÀNH VI DÂN SỰ HOẶC
BỊ HẠN CHẾ NĂNG LỰC HÀNH VI DÂN SỰ
1.1. Khái quát về thủ tục giải quyết việc dân sự
Trong những giai đoạn trước đây của quá trình phát triển pháp luật TTDS thì
các thuật ngữ việc kiện dân sự, tranh chấp dân sự, vụ án dân sự đều được sử dụng
để chỉ những loại việc thuộc thẩm quyền giải quyết về dân sự của TAND, bao gồm
cả những việc kiện dân sự (có tranh chấp) và những việc dân sự không có tranh
chấp. Bộ luật TTDS năm 2004 ra đời (sau đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của BLTTDS – sau đây gọi tắt là BLTTDS sửa đổi) đã lần đầu tiên quy định về việc
dân sự, phân biệt giữa vụ án dân sự và việc dân sự bằng những khái niệm riêng và
quy định thủ tục riêng biệt để giải quyết việc dân sự phù hợp với những đặc thù của
loại việc này. Bộ luật TTDS sửa đổi đã đưa ra khái niệm về việc dân sự tại Điều
311: “Việc dân sự là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức không có tranh chấp, nhưng có
yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm
phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại,
lao động của mình hoặc của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác; yêu cầu Tòa án công
nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao
động”. Như vậy, có thể thấy, bản chất của việc dân sự là không có sự tranh chấp
giữa các bên về quyền và lợi ích mà chỉ dừng lại ở việc đương sự yêu cầu Tòa án
xác định một sự kiện pháp lý, công nhận hoặc không công nhận quyền về dân sự,
hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Xuất phát từ đặc thù riêng
biệt ấy, BLTTDS đã quy định một trình tự, thủ tục giải quyết áp dụng riêng với việc
dân sự - thủ tục giải quyết việc dân sự.
Khái niệm “thủ tục” thông thường được hiểu là thứ tự và cách thức làm việc
theo một lề thói đã được quy định. Trong từ điển Luật học, không có khái niệm thủ
tục đơn thuần mà chỉ có khái niệm “thủ tục tố tụng”. Thủ tục tố tụng được hiểu là



7

“cách thức trình tự và nghi thức tiến hành xem xét một vụ việc hoặc giải quyết một
vụ án đã được thụ lý hoặc khởi tố theo các quy định của pháp luật” [48,tr.729].
Pháp luật tố tụng Việt Nam chưa đưa ra khái niệm thế nào là thủ tục tố tụng, cũng
chưa định nghĩa cụ thể về thủ tục giải quyết việc dân sự. Tuy nhiên, cũng đã có
nhiều công trình khoa học đề cập tới khái niệm này, trong Đề tài nghiên cứu khoa
học cấp trường “Việc dân sự và thủ tục giải quyết việc dân sự tại Tòa án nhân dân”
của Trường Đại học Luật Hà Nội (năm 2008) có viết: “Thủ tục giải quyết việc dân
sự là thủ tục tố tụng dân sự, được Tòa án áp dụng để giải quyết các việc dân sự do
pháp luật quy định theo một trình tự đơn giản, nhanh gọn, do một hoặc một tập thể
Thẩm phán tiến hành” [45,tr.8]; hay trong “Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một
người mất tích hoặc là đã chết trong tố tụng dân sự Việt Nam”, Luận văn Thạc sỹ
luật học của tác giả Nguyễn Văn Tiến (năm 2011) cũng đã đưa ra khái niệm: “Thủ
tục giải quyết việc dân sự là cách thức, trình tự Tòa án có thẩm quyền tiến hành để
xem xét, giải quyết các việc dân sự theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự”
[41,tr.10]. Theo đó có thể hiểu, thủ tục giải quyết việc dân sự trước hết là thủ tục
TTDS, được Tòa án tiến hành để giải quyết các việc dân sự theo trình tự, thủ tục mà
pháp luật TTDS quy định.
Việc phân biệt thủ tục giải quyết vụ án dân sự và thủ tục giải quyết việc dân
sự là nhằm mục đích đơn giản hóa thủ tục tố tụng đối với việc giải quyết các yêu
cầu về dân sự không có tranh chấp. So với thủ tục giải quyết vụ án dân sự thì thời
hạn giải quyết việc dân sự ngắn hơn, thủ tục giải quyết việc dân sự cũng đơn giản
và ít phức tạp hơn:
- Thời hạn tố tụng: thời hạn tố tụng giải quyết việc dân sự thường ngắn hơn
so với thời hạn tố tụng giải quyết vụ án dân sự. Nếu như thời hạn tối đa chuẩn bị xét
xử đối với việc giải quyết những tranh chấp về dân sự và những tranh chấp về hôn
nhân và gia đình quy định tại Điều 25 và Điều 27 BLTTDS sửa đổi là sáu tháng; đối
với các tranh chấp về kinh doanh, thương mại và những tranh chấp về lao động quy
định tại Điều 29 và Điều 31 BLTTDS sửa đổi là ba tháng thì thời hạn tối đa chuẩn

bị phiên họp sơ thẩm giải quyết việc tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân


8

sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự, tuyên bố một người đã chết là ba mươi ngày kể
từ ngày thụ lý đơn; đối với thủ tục thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư
trú, tuyên bố một người mất tích thì thời hạn này là hai mươi ngày.
- Sự tham gia của Viện kiểm sát: Việc giải quyết việc dân sự phải có sự tham
gia của Viện kiểm sát. Theo quy định tại khoản 2 Điều 21 BLTTDS sửa đổi thì
VKSND phải tham gia tất cả các phiên họp giải quyết việc dân sự;
- Thành phần giải quyết việc dân sự: Thành phần giải quyết việc dân sự
không gọi là Hội đồng xét xử và cũng không có sự tham gia của Hội thẩm nhân dân
như trong thành phần xét xử sơ thẩm vụ án dân sự (gồm một Thâm phán và hai Hội
thẩm nhân dân; trường hợp đặc biệt gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm nhân dân).
Tùy theo tính chất, nội dung của mỗi loại việc dân sự mà thành phần giải quyết do
một Thẩm phán hoặc một tập thể gồm ba Thẩm phán giải quyết.
- Những người tham gia tố tụng: Khác với quá trình giải quyết vụ án dân sự,
BLTTDS không quy định cụ thể về đương sự trong việc dân sự. Tuy nhiên, theo
quy định tại các Điều 312, Điều 313 và Điều 314 BLTTDS sửa đổi thì những người
tham gia trong quá trình giải quyết việc dân sự gồm có: người yêu cầu (hoặc người
đại diện hợp pháp của họ); người có liên quan (hoặc người đại diện hợp pháp của
họ); người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu, người có liên quan.
Bên cạnh đó có sự tham gia của người làm chứng, người phiên dịch, người giám
định (nếu xét thấy cần thiết) phải tham gia phiên họp theo giấy triệu tâp của Tòa án.
- Thủ tục giải quyết: Cũng giống như vụ án dân sự, thủ tục giải quyết việc
dân sự cũng áp dụng những quy định của nguyên tắc hai cấp xét xử. Tức là quyết
định giải quyết việc dân sự cũng có thể bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn
nhất định để yêu cầu phúc thẩm lại (trừ quyết định quy định tại khoản 2, khoản 3
Điều 28 BLTTDS sửa đổi – quyết định giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly

hôn, nuôi con, chia tài sản sau khi ly hôn; quyết định giải quyết yêu cầu công nhận
sự thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn). Mặc dù vậy giữa
thủ tục sơ thẩm và phúc thẩm việc dân sự với thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm vụ án dân
sự vẫn có sự khác biệt. Đa số các loại việc dân sự Tòa án không tiến hành hòa giải;


9

thủ tục phiên họp giải quyết việc dân sự thường đơn giản hơn so với phiên tòa sơ
thẩm dân sự đó là không có thủ tục tranh luận, không có thủ tục nghị án trừ trường
hợp pháp luật có quy định khác. Song trong từng trường hợp cụ thể, thủ tục chuẩn
bị giải quyết việc dân sự lại có những đặc thù riêng như thủ tục thông báo tìm kiếm
người vắng mặt trên các phương tiện thông tin đại chúng, thủ tục giám định của cơ
quan y tế về khả năng nhận thức của người bị yêu cầu tuyên bố mất NLHVDS…;
thời hạn kháng cáo, kháng nghị quyết định giải quyết việc dân sự ngắn hơn so với
thời hạn kháng cáo, kháng nghị bản án sơ thẩm; thủ tục phúc thẩm các quyết định
giải quyết việc dân sự cũng đơn giản, không mở công khai, không triệu tập người
yêu cầu và những người có liên quan trừ khi Tòa án xét thấy cần thiết (Điều 318 và
Điều 280 BLTTDS sửa đổi).
Khi giải quyết việc dân sự cần lưu ý tới nguyên tắc áp dụng pháp luật, cụ thể:
Điều 311 BLTTDS sửa đổi quy định việc giải quyết các việc dân sự được thực hiện
theo các quy định tại Chương XX của BLTTDS và các quy định khác của Bộ luật
này, nếu không trái với quy định của Chương này. Theo đó, khi giải quyết việc dân
sự trước hết Tòa án áp dụng các quy định của Chương XX BLTTDS sửa đổi. Bên
cạnh đó, những quy định tại phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTDS
sửa đổi (từ Điều 1 đến Điều 160) cũng được áp dụng để giải quyết việc dân sự như
các quy định về chứng cứ và chứng minh, cấp, thông báo, tống đạt các văn bản tố
tụng… Riêng đối với những nguyên tắc cơ bản quy định tại Chương II BLTTDS
sửa đổi, về cơ bản, cũng được áp dụng để giải quyết việc dân sự. Song do đặc thù
riêng như trên đã phân tích nên nguyên tắc Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử quy

định tại Điều 11 BLTTDS sửa đổi và trong nhiều trường hợp nguyên tắc Tòa án xét
xử tập thể quy định tại Điều 14 BLTTDS sửa đổi không được áp dụng khi giải
quyết việc dân sự. Đối với những vấn đề mà Chương XX và “Những quy định
chung” của BLTTDS sửa đổi không quy định thì Tòa án sẽ áp dụng các quy định
khác của BLTTDS sửa đổi (như quy định về quyền và nghĩa vụ của đương sự, thủ
tục thụ lý, chuẩn bị giải quyết việc dân sự…), áp dụng tương tự như thủ tục giải
quyết vụ án dân sự, nếu không trái với quy định tại Chương XX BLTTDS sửa đổi.


10

1.2. Khái quát về thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng
lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự
1.2.1. Khái niệm thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực
hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự
Khi nghiên cứu về mối liên hệ giữa pháp luật nội dung và pháp luật tố tụng,
C.Mác đã kết luận rằng: “Thủ tục tố tụng và pháp luật liên hệ mật thiết với nhau
như hình thái của thực vật với thực vật, hình thái của động vật với thịt và máu của
động vật. Thủ tục tố tụng cũng như các luật pháp đều cùng phải quán triệt một tinh
thần bởi vì thủ tục tố tụng chỉ là hình thức tồn tại của luật, do đó cũng là biểu hiện
của đời sống bên trong của luật” [13,tr.158]. Từ mối quan hệ mật thiết ấy mà việc
nghiên cứu thủ tục TTDS không thể tách rời các quy định của pháp luật dân sự.
Vấn đề một người mất NLHVDS hoặc bị hạn chế NLHVDS đã được BLDS
năm 2005 quy định rõ, cụ thể: “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh
khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của
người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành
vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định” (khoản 1 Điều 22) và “Người
nghiện ma tuý, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình
thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan,
Toà án có thể ra quyết định tuyên bố là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự”

(khoản 1 Điều 23).
Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi
của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự; nó là thuộc tính nhân thân của
cá nhân và đầy đủ khi cá nhân đến tuổi thành niên. Tuy nhiên, cá nhân có thể bị coi
là mất NLHVDS nếu cá nhân đó bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể
nhận thức và làm chủ được hành vi của mình. Tình trạng mất khả năng nhận thức,
tức là “không thể nhận thức được về hậu quả hành vi trong trạng thái bình thường,
không làm chủ được hành vi của mình, hay nói cách khác là người đó không thể có
sự hòa hợp, thống nhất giữa ý chí và thể hiện ý chí” [47,tr.54]. Mất NLHVDS
không phải là một mức độ NLHVDS mà là một tình trạng của NLHVDS của cá


11

nhân trong một khoảng thời gian nhất định đối với cá nhân bị mắc các bệnh về tâm
thần hoặc bệnh khác mà ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và làm chủ hành vi.
Khi cá nhân được xác định là mất NLHVDS, hậu quả pháp lý đối với họ cũng tương
tự như đối với người không có NLHVDS. Bởi vậy, họ không thể tham gia vào các
quan hệ pháp luật dân sự, đồng thời, cũng không phải chịu trách nhiệm về những
hành vi trái pháp luật do họ gây ra. Giao dịch dân sự của người mất NLHVDS phải
do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
Khác với người mất NLHVDS, người bị hạn chế NLHVDS, xét về bản chất,
họ hoàn toàn có đầy đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Chỉ khi họ
nghiện ma túy, chất kích thích khác dẫn tới phá tán tài sản của gia đình thì mới bị
hạn chế NLHVDS nhằm đảm bảo quyền lợi cho những người có quyền và lợi ích về
tài sản liên quan đến họ. Mặc dù vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về “các chất kích
thích khác” song nghiện ma túy và các chất kích thích khác phải là nguyên nhân dẫn
đến phá tán tài sản của gia đình. Người bị hạn chế NLHVDS vẫn có thể tự mình xác
lập và thực hiện các giao dịch nhỏ nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, các
giao dịch khác chỉ có thể được xác lập và thực hiện với sự đồng ý của người đại

diện. Mục đích của hạn chế NLHVDS đối với người nghiện ma túy hoặc các chất
kích thích khác không chỉ là bảo vệ, bảo đảm sử dụng hợp lý tài sản của người đó,
của gia đình mà còn có ý nghĩa xã hội nhằm hạn chế các tệ nạn này.
Pháp luật của một số quốc gia trên thế giới nhìn chung đều có quy định về
những trường hợp tương tự khi xác định khả năng, năng lực hành vi dân sự của cá
nhân. Bộ luật dân sự và Thương mại Thái Lan quy định một người không được
minh mẫn có thể bị Tòa án tuyên bố là không có khả năng theo đơn yêu cầu của vợ,
chồng, em, cháu, người giám hộ, người trông nom hoặc của Ủy viên Công tố (Điều
29). Và Điều 34 Bộ luật này cũng xác định “Một người không có khả năng điều
hành công việc của chính mình do tật nguyền thân thể hoặc tinh thần hoang tưởng
thường xuyên hoặc say sưa thường xuyên, có thể bị Tòa án phán quyết coi như
không có khả năng…” [9]. Theo quy định tại Điều 281 BLTTDS năm 2003 của
Liên Bang Nga cũng xác định những người bị rối loạn tâm thần là những người


12

không có năng lực hành vi; người nghiện ma túy hoặc các chất kích thích khác là
những người hạn chế năng lực hành vi. Pháp luật dân sự Nhật Bản cũng quy định
những người thường xuyên nằm trong tình trạng suy nhược tinh thần có thể bị Tòa
hôn nhân – gia đình tuyên bố là không có năng lực hành vi (Điều 7). Không có năng
lực hành vi ở đây được hiểu là mất khả năng nhận thức, cụ thể là không có khả năng
nhận thức về hậu quả hành vi của mình trong trạng thái bình thường. Tuy nhiên,
Điều 11 BLDS Nhật Bản lại quy định những người đần độn, điếc, câm hoặc mù hay
những người hoang phí là những người bị hạn chế NLHVDS [8], trong đó những
người đần độn là những người mất khả năng nhận thức nhưng chưa đến mức bị
bệnh thần kinh; còn người phá tán là người “định đoạt tài sản một cách vô tội vạ,
không suy nghĩ” [49,tr.48]. Pháp luật dân sự nước ta không quy định về những
trường hợp trên, và thực tế cũng cho thấy người bị điếc, mù, câm thì khả năng nhận
thức của họ vẫn có thể phát triển bình thường, khả năng đối với các hành vi chỉ bị

hạn chế trong một phạm vi nào đó do họ bị những khiếm khuyết về mặt thể chất mà
thôi, do vậy mà dù được quy định trong BLDS Nhật Bản từ lâu song“việc quy định
mù, điếc, câm là căn cứ để công nhận người có năng lực hành vi hạn chế không
khỏi khiến nhiều người phân vân” [49,tr.48]. Như vậy có thể thấy, cá nhân khi đạt
đến độ tuổi nhất định với sự phát triển về thể chất, tâm sinh lý, có khả năng nhận
thức và điều khiển hành vi của mình thì đều được thừa nhận hoàn toàn có đủ năng
lực hành vi. Vấn đề chỉ được đặt ra khi họ có những khiếm khuyết nghiêm trọng về
thể chất hoặc nhân cách. Mặc dù vậy, những người mắc bệnh mà không nhận thức
được hành vi của mình hay những người nghiện ma túy hoặc các chất kích thích
khác mà thường xuyên có hành vi phá tán tài sản vẫn là người có NLHVDS đầy đủ
cho đến khi nào bị đặt trong tình trạng mất NLHVDS hoặc bị tuyên bố hạn chế
NLHVDS bằng một bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Do vậy, những vấn đề trên, theo quy định của BLDS năm 2005 mới chỉ là
điều kiện cần để một người bị coi là mất NLHVDS hoặc bị hạn chế NLHVDS, hay
nói cách khác đó mới chỉ là điều kiện về nội dung. Bên cạnh đó, họ còn phải có đủ
những điều kiện về tố tụng, tức là phải có quyết định tuyên bố của Tòa án trên cơ sở


13

yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan, riêng đối
với người mất NLHVDS còn phải căn cứ vào kết luận của tổ chức giám định. Khi
đó phải dựa trên những quy định của BLTTDS về vấn đề này với những trình tự,
thủ tục nhất định.
Do NLHVDS có liên quan trực tiếp tới quyền dân sự của mỗi cá nhân nên
chỉ có Tòa án mới có quyền tuyên bố một người đã thành niên mất NLHVDS hoặc
bị hạn chế NLHVDS theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định. Thủ
tục đó được BLTTDS quy định với tên gọi “Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố
một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự”.
Chương XXI thuộc Phần thứ Năm của BTTDS đã dành năm điều luật quy định về

thủ tục này. Có thể hiểu một cách khái quát: Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố
một người mất NLHVDS hoặc bị hạn chế NLHVDS là trình tự, thủ tục tố tụng do
Tòa án có thẩm quyền tiến hành để xem xét chấp nhận hay không chấp nhận yêu
cầu tuyên bố một người mất NLHVDS hoặc bị hạn chế NLHVDS từ giai đoạn thụ lý
đơn yêu cầu đến khi quyết định tuyên bố mất NLHVDS hoặc bị hạn chế NLHVDS có
hiêu lực pháp luật.
Về cơ bản thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất NLHVDS hoặc
bị hạn chế NLHVDS không có gì khác so với thủ tục giải quyết việc dân sự nói
chung. Tuy nhiên, những quy định cụ thể, chi tiết về vấn đề này đã tạo cơ sở cho
việc áp dụng, “chuyên môn hóa” một thủ tục riêng biệt với một loại việc có tính
chất riêng biệt là yêu cầu tuyên bố một người mất NLHVDS hoặc bị hạn chế
NLHVDS.
1.2.2. Ý nghĩa của thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng
lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự
Việc ghi nhận thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực
hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự cho thấy sự phát triển của
khoa học luật TTDS và dấu ấn sự của sự tham khảo pháp luật TTDS của một số
nước trên thế giới, có ý nghĩa to lớn cả về mặt pháp lý và xã hội.


14

Về mặt pháp lý, những quy định cụ thể, chi tiết về vấn đề này đã tạo cơ sở
cho việc áp dụng, “chuyên môn hóa” một thủ tục riêng biệt với một loại việc có tính
chất riêng biệt là yêu cầu tuyên bố một người mất NLHVDS hoặc bị hạn chế
NLHVDS. Đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng để tiến hành thủ tục xác định
năng lực hành vi dân sự của cá nhân, xác định một người bị mất năng lực hành vi
dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có năng lực hành vi dân sự khi cần
thiết. Các quy định này xác định rõ căn cứ, thẩm quyền, trình tự và thủ tục giải
quyết yêu cầu xác định năng lực hành vi dân sự của cá nhân bảo đảm cho việc giải

quyết yêu cầu này được thuận lợi, nhanh chóng và đúng đắn, tránh được những sai
sót có thể xảy ra trong quá trình giải quyết. Qua quá trình giải quyết yêu cầu tuyên
bố một người mất hoặc bị hạn chế NLHVDS, sẽ xác định được năng lực hành vi
của một cá nhân qua đó xác định được các giao dịch dân sự mà họ thực hiện là hợp
pháp hay không hợp pháp từ đó góp phần bảo vệ quyền lợi cho họ và cho cả những
người có liên quan đến họ.
Về mặt xã hội, với mục đích nhằm bảo vệ cao nhất những người không có
khả năng tự bảo vệ mình do những thương tổn của bệnh tật dẫn tới mất khả năng
nhận thức và điều khiển hành vi trong việc tham gia vào đời sống dân sự, những
quy định về thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất NLHVDS mang tính
nhân văn cao. Đồng thời nó cũng thể hiện sự giáo dục, giúp nhận thức và đẩy lùi
các tệ nạn ra khỏi đời sống, có ý nghĩa trong việc tác động mạnh mẽ tới lối sống
thiếu trách nhiệm của một bộ phận trong xã hội.
1.3. Cơ sở của việc xây dựng thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một
người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự
1.3.1. Cơ sở lý luận của việc xây dựng thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố
một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự
- Đường lối của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp: Trong công cuộc đổi
mới toàn diện đất nước hiện nay, cải cách tư pháp mà trọng tâm là tư pháp dân sự
và hoạt động của ngành TAND luôn là nhiệm vụ được đặc biệt quan tâm. Hội nghị
lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương khóa VIII Đảng ta đã chỉ rõ: “Hoạt động tư


15

pháp phải nhằm… bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân… bỏ thủ tục xét
xử sơ chung thẩm của Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án quân sự Trung ương.
Nghiên cứu áp dụng thủ tục rút gọn để xét xử kịp thời một số vụ án đơn giản, rõ
ràng” [1]. Như vậy, ngay từ những ngày đầu, Đảng ta đã cho thấy sự đột phá trong
công cuộc cải cách tư pháp thời kỳ đổi mới khi chỉ đạo tư tưởng nghiên cứu xây

dựng một cơ chế giải quyết linh hoạt, gọn nhẹ, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi
phí tố tụng của Nhà nước và của các đương sự đồng thời bảo vệ kịp thời quyền và
lợi ích hợp pháp của các đương sự đối với những vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng.
Sau khi BLTTDS ra đời, Nghị quyết số 48/NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ
chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010,
định hướng đến năm 2020 đã chỉ ra hướng cơ bản về cải cách tư pháp của nước ta:
“Cải các mạnh mẽ các thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng dân chủ, bình đẳng, công
khai, minh bạch, chặt chẽ, nhưng thuận tiện, đảm bảo sự tham gia giám sát của
nhân dân đối với hoạt động tư pháp, bảo đảm chất lượng tranh tụng tại các phiên
tòa xét xử, lấy kết quả tranh tụng tại tòa làm căn cứ quan trọng để phán quyết bản
án, coi đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp” [2]. Chiến
lược cải cách tư pháp đến năm 2020 tiếp tục khẳng định trong Nghị quyết số
49/NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ chính trị: “Cải cách tư pháp xuất phát từ yêu
cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, góp
phần hoàn thiện các thủ tục tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, công khai, dân chủ…
xây dựng cơ chế xét xử theo thủ tục rút gọn đối với những vụ án có đủ một số điều
kiện nhất định” [3]. Theo đó, có thể thấy rằng, việc xây dựng và hoàn thiện thủ tục
giải quyết việc dân sự nói chung và thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người
mất NLHVDS hoặc bị hạn chế NLHVDS nói riêng trong TTDS là việc làm tất yếu
để thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, phù hợp với đường lối của Đảng về cải
cách tư pháp và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đáp ứng đòi hỏi của xã hội trong
giai đoạn hiện nay.
- Đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa: Quan
điểm về cải cách tư pháp được thể hiện trong Nghị quyết số 49-NQ/TW chỉ rõ:


16

“Cải cách tư pháp phải đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, bảo đảm sự ổn
định chính trị, bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân

dân, do nhân dân, vì nhân dân, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công,
phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành
pháp, tư pháp” [3]. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực thi quyền lực của
mình dựa trên nền tảng pháp luật được ban hành theo thủ tục hiến định, do vậy, việc
xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn thiện là đòi hỏi và cũng là điều kiện tiên
quyết. “Tiếp tục hoàn thiện thủ tục tố tụng dân sự” theo tinh thần Nghị quyết số 49NQ/TW hướng tới thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, đồng thời nhằm đáp ứng
yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thời gian tới không
thể tách rời việc xây dựng và hoàn thiện thủ tục giải quyết việc dân sự trong đó có
thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất NLHVDS hoặc bị hạn chế
NLHVDS bên cạnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự.
1.3.2. Cơ sở thực tiễn của việc xây dựng thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố
một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự
Như đã nêu, cá nhân là chủ thể cơ bản và chủ yêu trong hầu hết các giao dịch
dân sự. Khi tham gia vào các giao dịch dân sự, sự đối xử ngang nhau của pháp luật
dành cho các chủ thể chỉ tỏ ra hợp lý một khi các chủ thể có khả năng nhận thức,
khả năng chịu trách nhiệm ngang nhau cũng như đều xứng đáng trong việc hưởng
quyền, đảm nhận nghĩa vụ. Tuy nhiên, trên thực tế điều này không phải lúc nào
cũng được đảm bảo. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau trong xã hội vẫn còn rất
nhiều những chủ thể không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình hoặc
nghiện ngập, phá tán tài sản… vẫn tham gia vào các giao dịch dân sự một cách chủ
động hoặc bị động, kể cả trong các quan hệ về thừa kế, hứa thưởng, thi có giải…
Chỉ khi những giao dịch này bị ảnh hưởng khi ấy mới đặt ra vấn đề cần có một hành
lang pháp lý nào để giải quyết những trường hợp này khi mà nó không chỉ gây ảnh
hưởng cho bên tham gia giao dịch mà còn cho chính bản thân những người không
có năng lực do họ không đủ khả năng đánh giá tầm quan trọng của các hệ quả pháp
lý mà giao dịch ấy có thể mang lại cho mình. Hàng năm, Tòa án các cấp vẫn phải


17


xét xử hàng loạt những vụ việc dân sự trong việc vô hiệu hóa các giao dịch dân sự
như thế. Bên cạnh đó, sự phát triển của xã hội, của nền kinh tế thị trường đã kéo
theo mặt trái của nó là các tệ nạn xã hội ngày một gia tăng. Nhiều gia đình phải
khốn đốn khi có những người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích đã tẩu tán
hết tài sản để lấy tiền tiêu sài. Đó là một thực tế xã hội cần phải ngăn chặn và pháp
luật dân sự, pháp luật TTDS cần có quy định cụ thể để ràng buộc những cá nhân
này, góp phần đẩy lùi các vấn nạn xã hội đồng thời làm bình ổn các giao dịch dân sự.
Một cơ sở thực tiễn nữa cũng rất quan trọng trong việc thúc đẩy việc xây
dựng thủ tục này trong pháp luật TTDS Việt Nam đó là đây không phải là một thủ
tục mới mà đã từng xuất hiện trong pháp luật của nhiều nước trên thế giới với
những tên gọi tương tự. Như pháp luật TTDS của Cộng hòa Liên bang Nga quy
định về “Thủ tục tuyên bố hạn chế năng lực hành vi của công dân, tuyên bố công
dân không có năng lực hành vi, hạn chế hoặc tước quyền định đoạt của người chưa
thành niên từ 14 đến 18 tuổi đối với thu nhập của mình” (Chương XXXI); hay quy
định trong BLTTDS của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa từ Điều 170 đến Điều 173
về “Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người không có năng lực hành vi dân
sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự” [45,tr.189-190]. Vì vậy việc xây dựng
thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất NLHVDS hoặc hạn chế
NLHVDS là phù hợp với xu thế chung, đáp ứng được yêu cầu xã hội, có thể tận
dụng được kinh nghiệm của những nước khác trên thế giới.
1.4. Lược sử quy định về thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người
mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự trong
pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam
1.4.1. Giai đoạn trước năm 1945
Ngày 2/12/1921 Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định ban hành văn bản
bốn bộ luật áp dụng cho Bắc Kỳ, trong đó có Luật dân sự, Thương sự tố tụng (Code
de Procedure civile et commerciale) gồm 373 điều luật chia thành bốn chương về
cách thức tố tụng, cách thức chấp hành án, các thủ tục, các quy tắc chung liên quan
đến việc xử án. Thủ tục giải quyết các vụ kiện dân sự được quy định trong Luật dân



18

sự, Thương sự tố tụng thi hành trong các tòa Nam án Bắc Kỳ và Bắc Kỳ pháp viện
biên chế (công bố bằng Nghị định nêu trên). Ở Trung Kỳ, thủ tục giải quyết các vụ
kiện dân sự được quy định trong Bộ luật dân sự thương sự, tố tụng Trung Kỳ và Bộ
Trung Kỳ pháp viện biên chế được ban hành vào năm 1935. Nhìn chung ở giai đoạn
này, vấn đề một người mất, bị hạn chế NLHVDS chưa được đề cập tới, do vậy thủ
tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất NLHVDS hoặc bị hạn chế NLHVDS
theo đó cũng chưa được định hình.
1.4.2. Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1989
Cách mạng tháng Tám thành công đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân
tộc Việt Nam, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngay sau khi dành được
chính quyền, để xây dựng, củng cố chính quyền cũng như để đáp ứng đòi hỏi mới
của đời sống dân sự, bên cạnh việc ban hành Sắc Lệnh số 47-SL ngày 10/10/1945
cho tạm giữ các luật lệ hiện hành ở Bắc, Trung, Nam bộ “cho đến khi ban hành
những bộ luật pháp duy nhất cho toàn cõi Việt Nam”, nếu “không trái với nguyên
tắc độc lập của nước Việt Nam và chính thể dân chủ cộng hòa” [36]. Tuy nhiên,
sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi, đất nước chia cắt làm hai miền
(1954-1975), miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, miền Nam vẫn tiếp tục đặt dưới
ách thống trị của chính quyền ngụy quyền Sài Gòn, khi đó pháp luật không được áp
dụng thống nhất trong cả nước. Ở hai miền Nam và Bắc của Việt Nam về cơ bản có
hai hệ thống Tòa án và hệ thống TTDS hoàn toàn khác nhau.
Thời kỳ này vẫn chưa có khái niệm về NLHVDS, mất hay hạn chế
NLHVDS. Ở miền Bắc mặc dù sau đó ban hành một loạt những văn bản pháp luật
TTDS mới nhưng thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất NLHVDS
hoặc hạn chế NLHVDS chưa được đề cập tới. Ở miền Nam, trong Thiên thứ chín
của Bộ dân Luật Sài Gòn năm 1973 có quy định các người vô năng. Chương thứ III
của phần này quy định về sự cấm quyền nhưng đối với những người trưởng thành
mà “ở trong tình trạng thường xuyên ngu độn hay điên rồ, sẽ bị cấm quyền, mặc

dầu có lúc tỉnh táo sáng suốt” (Điều thứ 346). Và Điều thứ 347 quy định “Phỗi
ngẫu của người ngu độn hay điên rồ, thân nhân đến hàng anh chị em con cô con


×