Tải bản đầy đủ (.pdf) (83 trang)

Mô hình quản trị công ty cổ phần tại việt nam hiện nay thực trạng và phương hướng hoàn thiện

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.1 MB, 83 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ TƢ PHÁP

TRƢỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

Phan Thị Bảo Yến

MÔ HÌNH QUẢN TRỊ CÔNG TY CỔ PHẦN TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY
– THỰC TRẠNG VÀ PHƢƠNG HƢỚNG HOÀN THIỆN
Chuyên ngành: Luật Kinh tế
Mã số: 60380107

LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC

NGƢỜI HƢỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS.TS BÙI NGUYÊN KHÁNH

HÀ NỘI - 2014


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học của riêng tôi.
Các số liệu, ví dụ và trích dẫn trong luận văn đảm bảo độ tin cậy, chính
xác và trung thực. Những kết luận khoa học của luận văn chưa từng
được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác.

TÁC GIẢ LUẬN VĂN

Phan Thị Bảo Yến




DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

1. Quản trị công ty

QTCT

2. Công ty cổ phần

CTCP

3. Công ty niêm yết

CTNY

4. Ngân hàng thế giới

WB

5. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế

OECD

6. Đại hội đồng cổ đông

ĐHĐCĐ

7. Hội đồng quản trị


HĐQT

8. Ban kiểm soát

BKS

9. Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc

GĐ/Tổng GĐ

10.Công bố thông tin

CBTT

11.Sở Giao dịch chứng khoán

SGDCK

12. Tổ chức Tài chính Quốc tế

IFC

13.Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

UBCKNN


MỤC LỤC

MỞ ĐẦU ------------------------------------------------------------------------------------------ 1

CHƢƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ QUẢN TRỊ CÔNG TY VÀ
PHÁP LUẬT VỀ MÔ HÌNH QUẢN TRỊ CÔNG TY CỔ PHẦN ---------------------5
1.1.

Khái niệm quản trị công ty ---------------------------------------------------------5

1.1.1 Quan niệm về quản trị công ty ----------------------------------------------------5
1.1.2 Các nguyên tắc quản trị công ty ---------------------------------------------------9
1.1.3 Nhu cầu điều chỉnh pháp luật đối với quản trị công ty----------------------- 12
1.2.

Mô hình quản trị công ty cổ phần ----------------------------------------------- 14

1.2.1 Khái niệm mô hình quản trị công ty cổ phần ---------------------------------- 14
1.2.2 Các mô hình quản trị công ty cổ phần điển hình trên thế giới -------------- 15
1.2.2.1 Mô hình hội đồng hai cấp (Two-Tier Board Model) ------------------- 15
1.2.2.2 Mô hình hội đồng một cấp (One-Tier Board Model) ------------------- 16
1.2.3 Kinh nghiệm pháp luật điều chỉnh mô hình quản trị CTCP trên thế giới-- 17
CHƢƠNG 2: PHÁP LUẬT VỀ MÔ HÌNH QUẢN TRỊ CÔNG TY CỔ PHẦN
TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY --------------------------------------------------------------- 21
2.1.

Quy định pháp luật về mô hình quản trị CTCP tại Việt Nam hiện nay - 21

2.1.1 Các loại hình công ty cổ phần tại Việt Nam hiện nay ------------------------ 21
2.1.2 Mô hình quản trị công ty cổ phần thông thường ------------------------------ 22
2.1.2.1 Cấu trúc mô hình quản trị CTCP thông thường ------------------------- 22
a. Cổ đông và Đại hội đồng cổ đông ------------------------------------------- 22
b. Hội đồng quản trị --------------------------------------------------------------- 23
c. Giám đốc/Tổng Giám đốc ----------------------------------------------------- 24

d. Ban kiểm soát ------------------------------------------------------------------ 25
2.1.2.2 Cơ chế thiết lập và hoạt động mô hình quản trị CTCP thông thường 26
a. Cơ chế thiết lập mô hình quản trị CTCP thông thường ------------------- 26
b. Cơ chế hoạt động của mô hình quản trị CTCP thông thường ------------ 28
c.

Chế độ công khai thông tin trong CTCP thông thường ------------------- 35

2.1.3 Mô hình quản trị công ty đại chúng -------------------------------------------- 36
2.1.3.1 Cấu trúc mô hình quản trị công ty đại chúng ---------------------------- 36
2.1.3.2 Cơ chế thiết lập và hoạt động của mô hình QT công ty đại chúng --- 37


a. Cổ đông -------------------------------------------------------------------------- 37
b. Đại hội đồng cổ đông ---------------------------------------------------------- 38
c. Hội đồng quản trị --------------------------------------------------------------- 39
d. Ban kiểm soát ------------------------------------------------------------------- 40
e. Chế độ công khai thông tin trong công ty đại chúng ---------------------- 41
f.

Đảm bảo quyền lợi các bên có quyền lợi liên quan ------------------------ 42

2.1.4 Mô hình quản trị công ty niêm yết ---------------------------------------------- 43
2.1.4.1 Cấu trúc mô hình quản trị công ty niêm yết------------------------------ 43
2.1.4.2 Cơ chế thiết lập và hoạt động của mô hình quản trị CTNY ----------- 45
a. Hội đồng quản trị --------------------------------------------------------------- 45
b. BKS và thành viên BKS ------------------------------------------------------- 45
c. Chế độ công khai thông tin trong công ty niêm yết ------------------------ 46
2.2.


Những bất cập trong pháp luật mô hình quản trị CTCP tại Việt Nam - 48

2.2.1 Nhiều quy định chưa rõ ràng và không thống nhất giữa các văn bản ------ 48
2.2.2 Các quy định về thiết lập và vận hành các thiết chế trong mô hình quản trị
công ty cổ phần có nhiều điểm bất hợp lý -------------------------------------------- 51
2.3.

Thực tiễn áp dụng pháp luật mô hình quản trị công ty của các công ty cổ

phần tại Việt Nam hiện nay ----------------------------------------------------------------- 54
2.3.1 Một số vi phạm phổ biến trong áp dụng mô hình QTCT tại Việt Nam ---- 54
a.Nhiều CTCP hạn chế quyền dự họp và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ
đông của cổ đông, phân biệt cổ đông lớn và cổ đông nhỏ --------------------- 55
b. Sự tồn tại của Ban kiểm soát trong công ty mang nặng tính hình thức - 57
c. Công ty niêm yết không thực hiện đầy đủ, kịp thời và chính xác nghĩa vụ
công bố thông tin ----------------------------------------------------------------------- 57
2.3.2 Đánh giá chất lượng thực thi pháp luật mô hình quản trị tại Việt Nam theo
các tiêu chuẩn quốc tế-------------------------------------------------------------------- 58
CHƢƠNG 3: PHƢƠNG HƢỚNG, GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT
VIỆT NAM VỀ MÔ HÌNH QUẢN TRỊ CÔNG TY CỔ PHẦN --------------------- 62
3.1.

Phƣơng hƣớng hoàn thiện pháp luật về mô hình quản trị CTCP -------- 62

3.2.

Giải pháp hoàn thiện pháp luật về mô hình quản trị công ty cổ phần -- 67

3.2.1 Hoàn thiện pháp luật mô hình quản trị đa hội đồng hiện nay --------------- 67
3.2.2 Xây dựng mô hình quản trị đơn hội đồng phù hợp --------------------------- 72

KẾT LUẬN ------------------------------------------------------------------------------------- 74


1

MỞ ĐẦU
1.

Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài

Kể từ năm 2000, khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã có sự phát triển hết sức
năng động. Số lượng các doanh nghiệp tăng lên nhanh chóng cùng với sự mở rộng quy
mô một cách mạnh mẽ, đặc biệt là các công ty cổ phần. Trong nền kinh tế thị trường ở
thời điểm hội nhập như hiện nay, so với các loại hình doanh nghiệp khác, công ty cổ
phần với những đặc thù về quy mô và khả năng huy động vốn linh hoạt, giữ vai trò
quan trọng trong thúc đẩy môi trường kinh doanh trong nước cũng như tìm kiếm các
cơ hội hợp tác kinh doanh quốc tế.
Tuy nhiên, thời gian qua, sự bất ổn trong nhiều công ty cổ phần lớn như Bibica,
Thủy Sản Sông Hậu… thể hiện nhiều vấn đề quan ngại liên quan đến quản trị công ty
như: tổ chức Đại hội cổ đông không đúng nguyên tắc, mâu thuẫn giữa Hội đồng quản
trị và Ban giám đốc, các quyền và lợi ích của cổ đông, nhất là cổ đông thiểu số bị vi
phạm, công ty niêm yết không công bố thông tin v.v… đã hạn chế hiệu quả hoạt động
của doanh nghiệp cũng như vai trò của nó trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó, từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường đến
nay, quy định về quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam là khá đơn giản nếu so sánh với
các thông lệ tốt của quốc tế. Việc hiểu và tăng cường thực hiện cũng như hoàn thiện cơ
chế về quản trị công ty trong thị trường vốn, đúng luật pháp, hướng đến sự phù hợp
với thông lệ quốc tế tốt nhất và các quy định quản trị đã trở thành một nhu cầu cấp
bách, đặc biệt của các công ty đại chúng, công ty niêm yết.
Với mong muốn tìm hiểu, chia sẻ những quan điểm, những căn cứ khoa học và từ

thực tiễn đang đặt ra các vấn đề liên quan đến quản trị công ty cổ phần hiện nay tôi lựa
chọn đề tài: “ Mô hình quản trị công ty cổ phần ở Việt Nam hiện nay – Thực trạng
và phương hướng hoàn thiện” làm đề tài luận văn tốt nghiệp.
2.

Tình hình nghiên cứu đề tài

Trên thế giới, quản trị công ty đã được chú trọng từ khá lâu. Đầu những năm 1990,
sự sụp đổ của nhiều tập đoàn kinh tế lớn của anh như Polly Beck, BIIC và Maxwell đã
đòi hỏi những bước cải thiện nhất định trong các thông lệ quản trị công ty để bảo vệ
các nhà đầu tư. Các bộ nguyên tắc quản trị công ty cũng như các báo cáo liên quan lần


2

lượt được ban hành và xuất bản. Năm 1999, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế
OECD xuất bản Các nguyên tắc quản trị công ty, là bộ quy chuẩn quốc tế đầu tiên về
quản trị công ty.
Ở Việt Nam, cùng với sự phát triển và gia tăng nhanh chóng các doanh nghiệp
trong khối kinh tế tư nhân, quản trị công ty cũng được các nhà đầu tư, quản lý kinh tế
và nghiên cứu chú trọng hơn. Các công trình liên quan đến vấn đề này đã được thực
hiện ở nhiều góc độ khác nhau.
Dưới góc độ kinh tế, các công trình thường xoay quanh vấn đề đánh giá thực trạng
và hướng dẫn quản trị cho doanh nghiệp. Một số công trình nổi bật như: “Hướng dẫn
về những thông lệ tốt nhất trong quản trị công ty cho Việt Nam” do Ủy ban Chứng
khoán Nhà nước soạn thảo và phát hành năm 2002; “So sánh thực trạng quản trị công
ty tại Việt Nam với các nguyên tắc Quản trị công ty của tổ chức hợp tác và phát triển
kinh tế OECD” – Học viện Tài chính và công ty tư vấn quản lý MCG nghiên cứu, năm
2004; “Thực trạng về quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam” – MPDF & IFC, năm 2004;
“Báo cáo đánh giá tình hình quản trị công ty của Việt Nam” do ngân hàng quốc tế

WB thực hiện, tháng 6/2006; “Cẩm nang quản trị công ty” được ban hành bởi Tổ
chức Tài chính Quốc tế IFC và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam trong
chương trình tư vấn của IFC ở Đông Á – Thái Bình Dương, năm 2010;
Dưới góc độ luật pháp, quản trị công ty gần đây thu hút khá nhiều bình luận, phân
tích từ nhiều tác giả trên các tạp chí chuyên ngành luật, một số vài viết như: “Đánh giá
khung pháp lý về quản trị công ty và các kiến nghị hoàn thiện” – TS.Lê Vũ Nam, Tạp
chí Nghiên cứu Lập pháp, số 14 năm 2012; “Lý luận và mô hình quản trị công ty ở
nước ngoài và vấn đề tiếp nhận vào Việt Nam” – PGS.TS Bùi Xuân Hải, Tạp chí Nhà
nước và Pháp luật, số 2 năm 2012; “Đảm bảo quyền lợi cổ đông công ty cổ phần theo
các nguyên tắc quản trị công ty của OECD” – Tạp chí Luật học, số 10 năm 2009;
“Tiếp cận quản trị công ty cổ phần trên phương diện kết hợp hài hòa lợi ích giữa các
bên” – Ths.Cao Đình Lành, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 2 năm 2008…
Mô hình về quản trị công ty tuy có được một số tác giả nhắc đến tuy nhiên chưa có
một cái nhìn toàn diện về vấn đề này.
3.

Phạm vi nghiên cứu đề tài

Luận văn chỉ tập trung đi sâu vào nghiên cứu hệ thống các văn bản pháp luật quy


3

định về mô hình quản trị công ty cổ phần, đối chiếu tính thống nhất giữa các văn bản
này cũng như so sánh với các thông lệ quản trị, các mô hình quản trị khác trên thế giới.
Phạm vi nghiên cứu thực tiễn áp dụng là hoạt động của các công ty cổ phần tại Việt
Nam, thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2005.
4.

Phƣơng pháp nghiên cứu đề tài


Trong luận văn có sử dụng đa dạng và kết hợp các phương pháp nghiên cứu luật
học phổ biến. Cụ thể:
- Phương pháp mô tả: Phương pháp này chủ yếu sử dụng để hệ thống quy định
hiện hành quy định về mô hình quản trị công ty cổ phần.
- Phương pháp phân tích: Được sử dụng trong quá trình đánh giá quy định của
pháp luật; lý giải các kiến nghị mà tác giả đề xuất cũng như phản biện lại các quan
điểm của một số tác giả khác.
- Phương pháp so sánh: đây là phương pháp được sử dụng khá nhiều trong luận
văn. Sự so sánh thể hiện ở ba phương diện:
+ Thứ nhất, so sánh các quy định pháp luật cùng điều chỉnh vấn đề quản trị công ty
ở các văn bản pháp luật khác nhau, như Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán…
+ Thứ hai, so sánh, đối chiếu giữa các quy định văn bản pháp luật ghi nhận với
cách xử sự thực tế trong các công ty cổ phần hiện nay với mục đích đánh giá mức độ
phù hợp của pháp luật với thực tiễn cũng như ý thức tuân thủ pháp luật quản trị công
ty của các chủ thể.
+ Thứ ba, so sánh các quy định pháp luật điều chỉnh mô hình quản trị công ty cổ
phần của Việt Nam với quy định một số quốc gia, tổ chức trên thế giới. Qua đó, đưa ra
những kiến nghị nhằm tạo sự hài hòa giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế.
5.

Mục đích, nhiệm vụ của việc nghiên cứu đề tài

Mục đích của nghiên cứu là làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về quản trị công ty và
pháp luật về mô hình quản trị công ty; phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật về mô
hình quản trị công ty cổ phần ở Việt nam hiện nay để từ đó đề xuất các phương hướng,
giải pháp hoàn thiện pháp luật về mô hình quản trị công ty cổ phần ở Việt Nam hiện
nay.
Để thực hiện mục tiêu trên, Luận văn có các nhiệm vụ nghiên cứu như sau:
- Nghiên cứu làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về quản trị công ty và pháp luật về



4

mô hình quản trị công ty;
- Phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật về mô hình quản trị công ty cổ phần ở
Việt Nam hiện nay;
- Nghiên cứu so sánh mô hình quản trị công ty cổ phần ở Việt Nam và một số quốc
gia trên thế giới;
- Đề xuất các phương hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật về mô hình quản trị
công ty cổ phần ở Việt Nam hiện nay.
6.

Cơ cấu của luận văn

Luận văn được kết cấu gồm 3 chương:
Chƣơng 1: Những vấn đề lý luận về QTCT và pháp luật về mô hình QTCT
Chƣơng 2: Pháp luật về mô hình quản trị CTCP tại Việt Nam hiện nay
Chƣơng 3: Phƣơng hƣớng, giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về mô
hình quản trị CTCP


5

CHƢƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ QUẢN TRỊ CÔNG TY VÀ
PHÁP LUẬT VỀ MÔ HÌNH QUẢN TRỊ CÔNG TY CỔ PHẦN
1.1. Khái niệm quản trị công ty
1.1.1 Quan niệm về quản trị công ty
Quản trị công ty (QTCT) là thuật ngữ pháp lý được chuyển ngữ từ khái niệm
“Coporate Governance”1. Tuy đã xuất hiện từ trước đó rất lâu nhưng cho đến đầu

những năm 1990, sau sự thất bại và khủng hoảng có hệ thống của nhiều công ty, tập
đoàn lớn trên thế giới, QTCT mới được chú trọng nghiên cứu nhằm giải quyết một
cách có hệ thống các vấn đề pháp lý, thể chế và thông lệ quản lý của các công ty2.
Dưới góc độ pháp lý, QTCT được giải thích bao gồm các quá trình áp dụng, thực thi
và rà soát các chính sách một cách đúng đắn và thường xuyên. Quá trình này thường
được thực hiện thông qua hội đồng quản trị, với mục đích giải trình và cân bằng quyền
lực, qua đó nâng cao giá trị bền vững của một công ty.3
Cho đến nay, kế thừa nguồn gốc cũng như điều chỉnh phù hợp với sự phát triển của
QTCT ở từng thể chế, thời kì, các nhà nghiên cứu trên thế giới đã đưa ra rất nhiều
quan điểm xung quanh nội dung của quản trị công ty. Theo đó, QTCT được nhìn nhận
dưới hai góc độ hẹp và rộng.
Theo nghĩa hẹp, QTCT được mô tả là các vấn đề về cấu trúc quản lý của công ty,
bao gồm các mối quan hệ giữa các thành viên, bộ phận trong công ty, như giữa Hội
đồng quản trị và Ban giám đốc; giữa Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát; hay giữa các
cổ đông và Ban giám đốc... với mục tiêu kiểm soát công ty. Quan điểm về quản trị
công ty trong Luật Công Ty của Vương Quốc Anh năm 1985, của giáo sư Giáo sư Ira
M. Millstein, Trường Quản lý Yale, Hoa Kỳ vào năm 1998, hay của Peter Gourvetich
và James J. Shinn trong tác phẩm “Quyền lực chính trị và kiểm soát công ty” được đề
cập theo cách nhìn này. Cụ thể:

1

Xem thêm World Bank (2006), Đánh giá Tình hình quản trị công ty của Việt Nam, Báo cáo về Tình hình tuân

thủ Chuẩn mực và Nguyên tắc (ROSC); IFC (2010), Cẩm nang quản trị công ty, Dự án quản trị công ty tại Việt
Nam, Hà Nội;
2

Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC (2010), Cầm nang quản trị công ty, Hà Nội


3

What is Governance?, Black’s Law Dictionary, />

6

Luật Công ty của Vương quốc Anh năm 1985 xác định: “Quản trị công ty là một
thiết chế pháp lý về mối quan hệ giữa cổ đông, các nhà quản lý và Kiểm soát viên”.
Cũng giống quan điểm đề cập trong Luật Công ty của Vương quốc Anh, Giáo sư Ira
M. Millstein cho rằng: “Quản trị công ty là việc công ty áp dụng những phương pháp
mang tính nội bộ để quản lý hoạt động của công ty. Nó được thể hiện qua những mối
liên hệ nội bộ về cơ cấu quyền hạn và trách nhiệm giữa các chủ thể góp vốn, hội đồng
quản trị và các nhà quản lý” .4
Tương tự, Peter Gourvetich và James J. Shinn trong tác phẩm “Quyền lực chính trị
và kiểm soát công ty” đề cập tới QTCT như một khái niệm "nói về quyền lực và trách
nhiệm. Nó là cấu trúc quyền lực trong đó mỗi công ty sẽ quyết định rõ ai chi tiền, ai
nhận tiền, ai chỉ định công việc; Ai quyết định về việc nghiên cứu và phát triển, về việc
sáp nhập và mua lại, cũng như thuê và sa thải giám đốc điều hành…”5.
Theo nghĩa rộng, QTCT thiết lập một tổ hợp các mối quan hệ giữa các bên tham gia
vào công ty và các mục tiêu đầy đủ của QTCT. Dưới góc nhìn nhận này, QTCT không
chỉ dừng lại ở quản lý nội bộ công ty mà còn quan tâm tới các bên có quyền lợi, nghĩa
vụ liên quan; mục tiêu của QTCT cũng không chỉ dừng lại ở điều hành và kiểm soát
công ty mà hướng tới đảm bảo hài hòa tất cả lợi ích của tất cả cổ đông, nhà đầu tư, các
bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và cả lợi ích xã hội. Hầu hết các tác giả, tổ chức
trên thế giới khi nghiên cứu đều phát triển nội dung của QTCT theo hướng này.
Trong một ấn phẩm về quản trị công ty của US RoundTable tháng 9 năm 1997,
quản trị công ty cũng được miêu tả “không phải là một mục tiêu trừu tượng, mà tồn tại
để phục vụ các mục đích của công ty bằng cách cung cấp một cấu trúc mà trong đó
các cổ đông, giám đốc và quản lý có thể theo đuổi một cách hiệu quả nhất các mục


4

Ira M. Millstein (trưởng nhóm nghiên cứu) (1998), Quản trị công ty nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp cận

nguồn vốn trên thị trường toàn cầu, Báo cáo đệ trình lên OECD của nhóm tư vấn kinh doanh về quản trị công ty,
CIEM & Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GTZ), NXB Giao Thông Vận tải, TPHCM
5

What is Corporate Governance?,

/>CG/


7

tiêu của công ty”6.
Tiếp nhận cách nhìn này, Ngân hàng thế giới (World Bank) định nghĩa: “Quản tri
công ty đề cập đến các cơ cấu và quá trình cho việc định hướng và kiểm soát các công
ty. Quản trị công ty liên quan đến mối quan hệ giữa ban giám đốc, Hội đồng quản trị,
các cổ đông lớn, các cổ đông nhỏ và những bên có quyền lợi liên quan”7.
Rõ ràng hơn, Phòng Thương mại quốc tế ICC (International Chamber of
Commerce) xác định “Quản trị công ty là mối quan hệ giữa các nhà quản lý công ty,
các giám đốc và các chủ sở hữu vốn, người dân và các tổ chức giữ và đầu tư vốn của
họ vào công ty để kiếm lợi nhuận. Nó đảm bảo rằng hội đồng quản trị chịu trách
nhiệm cho việc theo đuổi các mục tiêu của công ty và rằng các hệ thống của công ty
phù hợp với luật pháp và các quy tắc”8.
Tuy nhiên đến nay, định nghĩa về QTCT được xem là rộng nhất và có sức ảnh
hưởng nhiều nhất là của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD (Organization
for Economic Co-operation and Development) ghi nhận trong tài liệu mang tên “Các
nguyên tắc quản trị công ty”, được tổ chức này xuất bản năm 1999. Trong đó định

nghĩa “Quản trị công ty là những biện pháp nội bộ để điều hành và kiểm soát công ty,
liên quan đến các mối quan hệ giữa Ban giám đốc, Hội đồng quản trị và các cổ đông
của một công ty với các bên có quyền lợi liên quan. Quản trị công ty cũng tạo ra một
cơ cấu để đề ra các mục tiêu của công ty, và xác định các phương tiện để đạt được
những mục tiêu đó, cũng như để giám sát kết quả hoạt động của công ty. Quản trị
công ty chỉ được cho là có hiệu quả khi khích lệ được Ban giám đốc và Hội đồng quản
trị theo đuổi các mục tiêu vì lợi ích của công ty và của các cổ đông, cũng như phải tạo
điều kiện thuận lợi cho việc giám sát các hoạt động của công ty một cách hiệu quả, từ

6

“What is Corporate Governance”,

/>CG/
7

Ngân hàng Thế giới (WB) (2006), Báo cáo về Tình hình Tuân thủ Chuẩn mực và Nguyên Tắc (ROSC) quản trị

công ty, Đánh giá Tình hình Quản trị công ty của Việt Nam, Hà Nội


8

đó khuyến khích công ty sử dụng các nguồn lực một cách tốt hơn”9. Định nghĩa này
xác định một cách đầy đủ, rõ ràng phạm vi cũng như mục đích mà QTCT hướng tới.
Có thể thấy, tuy được diễn đạt theo những cách khác nhau nhưng QTCT khi nhìn
nhận theo nghĩa rộng đều bao hàm các đặc điểm:
- QTCT tạo ra cơ cấu và quy trình nhất định mà thông qua đó tất cả các mối quan
hệ giữa các bên liên quan đến công ty được thiết lập và xác định. Chẳng hạn, Hội đồng
quản trị bầu ra Ban kiểm soát nhằm giám sát hoạt động của Ban Giám đốc. Ban giám

đốc chịu sự giám sát của thể chế này, và thể chế này lại chịu trách nhiệm trước Hội
đồng quản trị. Quy trình này thường được thể hiện dưới dạng các trình tự, thủ tục về
quản lý năng lực hoạt động hoặc các chế độ báo cáo khác nhau;
- Mục đích trực tiếp của QTCT là xây dựng các cấu trúc và quy trình hoạt động
phục vụ cho điều hành và kiểm soát hoạt động của công ty;
- Mục đích gián tiếp và sâu xa mà QTCT hướng tới là phân chia một cách phù hợp
quyền lợi và trách nhiệm các bên có liên quan, từ đó tạo ra giá trị lâu dài cho các cổ
đông, những chủ thể đầu tư vốn vào công ty nhằm tìm kiếm lợi nhuận.
Tiếp nhận vào Việt Nam, khái niệm về QTCT lần đầu tiên được ghi nhận chính thức
tại Quy chế Quản trị công ty áp dụng cho các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch
chứng khoán/Trung tâm Giao dịch chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định số
12/2007/QĐ – BTC ngày 13/03/2007 (Quy chế Quản trị công ty áp dụng cho các công
ty niêm yết). Quy chế này định nghĩa: “Quản trị công ty là hệ thống các quy tắc để
đảm bảo cho công ty được định hướng điều hành và được kiểm soát một cách có hiệu
quả vì quyền lợi của cổ đông và những người liên quan đến công ty”

10

. Như vậy,

QTCT được tiếp nhận vào Việt Nam theo nghĩa rộng, tuy không giải thích một cách
chi tiết như OECD nhưng đã thể hiện sự kế thừa và phù hợp với quan điểm của OECD
cũng như của WB và ICC.
Trong các tài liệu pháp lý trên thế giới và cả ở Việt Nam, “Corporate Governance”

9

What is Corporate Governance?,
/>CG/
10

Điểm a, khoản 1, Điều 2 Quy chế Quản trị công ty áp dụng cho các công ty niêm yết


9

hay “Quản trị công ty” chỉ tập trung và được sử dụng để đề cập đến vấn đề này trong
công ty cổ phần, đặc biệt là các công ty đại chúng. Các quan niệm về QTCT của các
nhà nghiên cứu, các tổ chức trên thế giới hầu như đều đề cập tới các thiết chế đặc
trưng trong công ty cổ phần như Hội đồng quản trị, cổ đông. Bộ Các nguyên tắc QTCT
của OECD, ở lời giới thiệu có xác định rõ “Bộ Nguyên tắc này tập trung vào các công
ty cổ phần đại chúng”11. Điều này là phù hợp và dễ hiểu khi xem xét đặc trưng của
công ty cổ phần so với các loại hình công ty khác như doanh nghiệp tư nhân hay công
ty hợp danh. Cụ thể, trong công ty cổ phần, nhất là các công ty đại chúng, vốn của
công ty được chia thành nhiều phần và do nhiều cổ đông sở hữu, thường là hàng trăm
cho đến hàng nghìn cổ đông. Các cổ đông phần lớn không trực tiếp tham gia quản lý
công ty mà họ sở hữu cổ phần. Do đó, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhóm chủ
thể không hề nhỏ này, cơ cấu quy trình quản lý trong công ty cổ phần cần được chú
trọng và quy định một cách chặt chẽ hơn.
Ở Việt Nam, “Corporate Governance” được dịch sang là “quản trị công ty”. Tuy
nhiên, trên thực tế cụm từ này thường bị nhầm lẫn với “quản lý”, “điều hành” công ty
mặc dù có nội hàm rộng hơn rất nhiều. Từ điển tiếng Việt giải thích “quản lý là trông
nom và điều khiển hoạt động của một tổ chức”, còn “điều hành là sắp xếp vào quy
trình hoạt động chung”12. Luật Doanh nghiệp 2005, Điều 108 và Điều 116 cũng phân
định rõ hoạt động quản lý công ty là chức năng thuộc về hội đồng quản trị và điều
hành công ty được quy định là chức năng thuộc về Giám đốc/Tổng giám đốc. Như
vậy, quản trị công ty, theo quan điểm pháp luật Việt Nam tiếp nhận tại Quy chế Quản
trị công ty áp dụng cho các công ty niêm yết bao gồm trong đó hoạt động xây dựng cơ
chế cho cả quản lý và điều hành công ty. Khi nghiên cứu cũng như áp dụng trên thực
tiễn để đạt hiệu quả và nhất quán cần có cách hiểu đúng đắn các khái niệm trên.
1.1.2 Các nguyên tắc quản trị công ty

Nguyên tắc QTCT là những nguyên lý và quy tắc chỉ đạo mang tính định hướng cho
hoạt động quản trị công ty, nhằm phát huy hiệu quả vai trò của QTCT trong thúc đẩy

11

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (2004), Bộ Các nguyên tắc quản trị công ty, Lời giới thiệu

12

Tra tại tratu.soha.vn


10

phát triển bền vững công ty.
Ở phạm vi quốc tế, phải kể đến bộ Các nguyên tắc về quản trị công ty của tổ chức
Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD. Bộ Nguyên tắc này được Hội đồng Bộ trưởng
OECD phê chuẩn lần đầu vào năm 1999 và được rà soát sửa đổi năm 2002 căn cứ vào
thực tiễn phát triển kinh tế của các quốc gia. Trong Bộ nguyên tắc này, OECD xây
dựng sáu (06) nguyên tắc áp dụng cho hoạt động quản trị công ty, bao gồm:
Thứ nhất, đảm bảo cơ sở cho một khuôn khổ quản trị công ty hiệu quả. Khuôn khổ
quản trị công ty hiệu quả cần thúc đẩy tính minh bạch và hiệu quả của thị trường, phù
hợp với quy định của pháp luật, và phân định rõ ràng trách nhiệm giữa các cơ quan
giám sát, quản lý và cưỡng chế thực thi.
Thứ hai, quyền của cổ đông và các chức năng sở hữu cơ bản phải được bảo vệ và
tạo điều kiện thực hiện.
Thứ ba, đảm bảo đối xử bình đẳng đối với cổ đông. Theo đó, khuôn khổ QTCT cần
đảm bảo đối xử bình đẳng đối với mọi cổ đông, trong đó có cổ đông thiểu số, cổ đông
nước ngoài. Mọi cổ đông có cơ hội khiếu nại hiệu quả khi quyền của họ bị vi phạm.
Thứ tư, nguyên tắc về vai trò của các bên có quyền lợi liên quan trong QTCT. Theo

đó khuôn khổ QTCT phải công nhận quyền của các bên có quyền lợi liên quan đã
được pháp luật hay quan hệ hợp đồng quy định và phải khuyến khích sự hợp tác tích
cực giữa công ty và các bên có quyền lợi liên quan trong việc tạo dựng tài sản, việc
làm và ổn định tài chính cho doanh nghiệp.
Thứ năm, nguyên tắc về công bố thông tin và tính minh bạch. Cụ thể, khuôn khổ
QTCT phải đảm bảo việc công bố thông tin kịp thời và chính xác về mọi vấn đề quan
trọng liên quan đến công ty, bao gồm tình hình tài chính, tình hình hoạt động, sở hữu
và quản trị công ty.
Thứ sáu, nguyên tắc về trách nhiệm của Hội đồng quản trị. Theo đó, khuôn khổ
QTCT cần đảm bảo định hướng chiến lược của công ty, giám sát có hiệu quả công tác
quản lý của HĐQT và trách nhiệm của HĐQT đối với công ty và cổ đông.
Mỗi nguyên tắc được trình bày kèm các tiểu nguyên tắc bổ trợ và những lý giải cụ
thể giải thích cơ sở cũng như cách thức thực hiện để đảm bảo nguyên tắc đó.
Bộ Các nguyên tắc quản trị của OECD không mang tính bắt buộc, tuy nhiên từ lâu


11

đã trở thành chuẩn mực cho các nhà hoạch định chính sách, cho các nhà đầu tư, các
công ty và nhiều tổ chức khác trên thế giới. Nhiều quốc gia đã vận dụng các nguyên
tắc quản trị công ty của OECD và áp dụng để xây dựng hệ thống pháp luật, quy chế về
QTCT của mình. Bộ nguyên tắc của OECD hiện nay cũng là cơ sở để các định chế tài
chính quốc tế như Ngân hàng thế giới WB, Tổ chức Tài chính Quốc tế IMF... đánh giá
tình hình QTCT các nước. Qua đó, mức độ phù hợp giữa thực trạng pháp luật QTCT
mỗi nước với các nguyên tắc quản trị cơ bản của OECD thể hiện sự vững mạnh của
nền tài chính một quốc gia, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, tăng khả năng tiếp cận
nguồn vốn nước ngoài.
Vì vậy, các nguyên tắc QTCT mà OECD đưa ra đã và đang trở thành mục tiêu mà
quản trị công ty nhiều quốc gia theo đuổi.
Đối với Việt Nam, cũng như đa số các quốc gia khác, đang dần tiếp nhận các

nguyên tắc QTCT của OECD và thể chế hóa vào hệ thống pháp luật của mình. Quy
chế Quản trị công ty áp dụng cho các công ty niêm yết đã ghi nhận các nguyên tắc
QTCT được áp dụng là sáu (06) nguyên tắc mà OECD đưa ra, liệt kê cụ thể như sau:
-Đảm bảo một cơ cấu quản trị hiệu quả;
-Đảm bảo quyền lợi của cổ đông;
-Đối xử công bằng giữa các cổ đông;
-Đảm bảo vai trò của những người có quyền lợi liên quan đến công ty;
-Minh bạch trong hoạt động của công ty;13
Quy chế khẳng định những nguyên tắc cơ bản về QTCT được đặt ra nhằm bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông, thiết lập những chuẩn mực về hành vi, đạo đức
nghề nghiệp của các thành viên Hội đồng quản trị, Ban giám đốc, Ban kiểm soát và
cán bộ quản lý của các công ty niêm yết. Đồng thời cũng là cơ sở để đánh giá việc
thực hiện quản trị công ty của các công ty niêm yết14.
Phạm vi áp dụng các nguyên tắc QTCT mà Quy chế Quản trị công ty áp dụng cho

13

Điểm a khoản 1 Điều 2 Quy chế Quản trị công ty áp dụng cho các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng

khoán/Trung tâm Giao dịch Chứng khoán
14

Điều 1 Quy chế Quản trị công ty áp dụng cho các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán/Trung tâm

Giao dịch Chứng khoán


12

các công ty niêm yết quy định là tất cả các công ty niêm yết. Tuy nhiên, sau một thời

gian thực hiện, các nguyên tắc quản trị áp dụng đối với công ty niêm yết kể trên đã
được chuyển hóa thành các nguyên tắc quản trị áp dụng đối với các công ty đại chúng,
cụ thể: Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán 2010 đã sửa
Điều 28, khoản 2 của Luật chứng khoán 2006 như sau:
“Nguyên tắc quản trị công ty đại chúng bao gồm:
a) Bảo đảm cơ cấu quản trị hợp lý; bảo đảm hiệu quả hoạt động của Hội đồng quản
trị, Ban kiểm soát;
b) Bảo đảm quyền lợi của cổ đông, những người có liên quan;
c) Bảo đảm đối xử công bằng giữa các cổ đông;
d) Công khai, minh bạch mọi hoạt động của công ty.”
Có tác giả từng đề cập tới các nguyên tắc quản trị công ty ở Việt Nam như trình tự,
thủ tục về triệu tập và biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông; ứng cử, bầu cử, bổ nhiệm
và bãi nhiệm thành viên hội đồng quản trị; trình tự, thủ tục tổ chức họp hội đồng quản
trị; quy trình, thủ tục phối hợp hoạt động giữa hội đồng quản trị, ban kiểm soát và ban
giám đốc; quy định về đánh giá hoạt động, khen thưởng và kỷ luật đối với thành viên
hội đồng quản trị, ban kiểm soát…15. Tuy nhiên đây chỉ là các nguyên tắc áp dụng
trong những hoạt động quản trị nhất định, trong phạm vi nghiên cứu của đề tài này,
nguyên tắc quản trị công ty được đề cập là các nguyên tắc điều chỉnh chung hoạt động
QTCT mà OECD đưa ra cũng như Quy chế Quản trị công ty áp dụng cho các công ty
niêm yết và Luật Chứng khoán của Việt Nam đã ghi nhận.
Các nguyên tắc quản trị công ty là cơ sở để Việt Nam cũng như các công ty ban
hành quy chế quản trị riêng cho mình. Các Quy chế ban hành phù hợp và không trái
với các nguyên tắc quản trị được thừa nhận.
1.1.3 Nhu cầu điều chỉnh pháp luật đối với quản trị công ty
Trong quan niệm về QTCT mà OECD ghi nhận đã khẳng định QTCT là những biện
pháp nội bộ để điều hành và kiểm soát công ty; tạo ra một cơ cấu để đề ra các mục tiêu

15

Nguyễn Ngọc Bích (2008), “Mô hình quản trị trong công ty đại chúng”, Báo Doanh nhân, ngày 12/03/2008,


/>

13

của công ty, xác định các phương tiện để đạt được những mục tiêu đó và giám sát kết
quả hoạt động của công ty. Quản trị công ty chỉ được cho là có hiệu quả khi khích lệ
được Ban giám đốc và Hội đồng quản trị theo đuổi các mục tiêu vì lợi ích của công ty
và của các cổ đông, cũng như phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát các hoạt
động của công ty một cách hiệu quả, từ đó khuyến khích công ty sử dụng các nguồn
lực một cách tốt hơn16.
Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC, trong tài liệu về QTCT của mình cũng khẳng định,
mục tiêu mà QTCT hướng tới là nhằm phân chia một cách phù hợp quyền lợi và trách
nhiệm các bên liên quan, từ đó tạo ra giá trị lâu dài cho các cổ đông và những chủ thể
đầu tư vốn vào công ty nhằm tìm kiếm lợi nhuận.17
Khác với các loại hình công ty khác, trong công ty cổ phần, đặc biệt là công ty đại
chúng và công ty niêm yết, phần lớn chủ sở hữu không đồng thời là người quản lý
hoặc là người lao động của công ty. Hơn nữa, lợi ích của các nhóm chủ thể trong công
ty (chủ thể quản lý điều hành, chủ thể giám sát, cổ đông công ty, người có quyền lợi
liên quan…) thường ít khi đồng nhất với nhau.
Chính vì thế, để đảm bảo đạt được mục đích, các nguyên tắc cơ bản và cơ chế của
QTCT cần buộc tuân thủ ở mức độ nhất định và pháp luật là công cụ hữu hiệu giải
quyết vấn đề này.
Bên cạnh đó, quản trị công ty được đánh giá là yếu tố then chốt để đẩy mạnh hiệu
quả thị trường, phát triển kinh tế cũng như tăng cường lòng tin của nhà đầu tư. Sự tồn
tại của hệ thống quản trị công ty hiệu quả trong phạm vi một công ty và trong cả nền
kinh tế nói chung góp phần tạo ra mức độ tin tưởng, là nền tảng cho sự vận hành của
kinh tế thị trường. Nhờ đó, chi phí vốn thấp hơn và công ty khuyến khích sử dụng các
nguồn lực hiệu quả hơn, củng cố sự phát triển. Vai trò này của QTCT cũng đòi hỏi sự
can thiệp của pháp luật nhằm đảm bảo duy trì và phát triển nền kinh tế ổn định.

Tuy nhiên, đảm bảo quyền tự do kinh doanh cũng như quyền sở hữu của các cá

16

What is Corporate Governance?,
/>CG/
17
Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC (2010), Cẩm nang quản trị công ty, Dự án quản trị công ty tại Việt Nam, tr 8


14

nhân, tổ chức, pháp luật chỉ điều chỉnh hoạt QTCT theo phương pháp tối thiểu, theo
đó, trong mỗi vấn đề, các quy định về QTCT chỉ đưa ra các tiêu chuẩn mang tính chất
căn bản buộc các chủ thể liên quan phải áp dụng và pháp luật không hạn chế mức độ
can thiệp của các công ty vào mô hình quản trị của họ. Chẳng hạn, tiêu chuẩn về thành
viên Hội đồng quản trị, Giám đốc pháp luật yêu cầu là những đòi hỏi thiết yếu để tạo
nên khung cơ bản của mô hình QTCT, tùy thuộc vào điều kiện và nhu cầu, mỗi công
ty hoàn toàn có quyền định ra những yêu cầu khác cho thành viên hội đồng quản trị,
giám đốc công ty mình. Các quy định về tỷ lệ số phiếu biểu quyết thông qua, tỷ lệ cổ
đông có mặt để tiến hành họp đại hội đồng cổ đông hợp lệ, hay tỷ lệ thành viên hội
đồng quản trị độc lập cũng được quy định tương tự

18

. Chuẩn mực quản trị công ty

quốc tế hiện nay cũng điều chỉnh theo phương pháp này.
Về nội dung, khung pháp luật về quản trị công ty bao gồm ba bộ phận, cụ thể: Thứ
nhất là các nguyên tắc cơ bản điều chỉnh hoạt động QTCT. Thứ hai là các quy định về

cơ chế thiết lập và hoạt động của các mô hình QTCT, chẳng hạn trình tự, thủ tục bầu,
miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh trong công ty; cơ chế giám sát, báo cáo trong
công ty… Thứ ba là các quy định về các thiết chế trong mô hình QTCT như Đại hội
đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Giám đốc…được quy định tương ứng với vai trò,
chức năng, quyền và nghĩa vụ nhất định.
1.2. Mô hình quản trị công ty cổ phần
1.2.1 Khái niệm mô hình quản trị công ty cổ phần
Cho đến nay, chưa có văn bản nào định nghĩa cụ thể mô hình QTCT là gì. Tuy
nhiên, thực tiễn sử dụng cụm từ này cho thấy, có thể hiểu mô hình QTCT là hình mẫu
thực hiện QTCT trong một tổ chức kinh tế nhất định, trong đó bao gồm cấu trúc các
mối quan hệ trong công ty và nguyên tắc thiết, hoạt động của cấu trúc đó. Mô hình
QTCT thể hiện rõ sự phân chia và kiểm soát quyền lực trong một công ty, qua đó đánh
giá được mức độ đảm bảo lợi ích của công ty, của cổ đông và các bên có quyền lợi liên
quan khác.
Cấu trúc các mối quan hệ trong công ty thường đề cập về bộ máy điều hành, kiểm

18

Điều 102, Điều 104 Luật Doanh nghiệp 2005


15

soát công ty: bao gồm những vị trí nào, quyền lợi và trách nhiệm tương ứng. Cấu trúc
này không loại trừ vai trò của các cổ đông và các bên có quyền lợi liên quan khác.
Nguyên tắc thiết lập và hoạt động đề cập tới các cơ chế như: cơ chế hình thành các
vị trí trong bộ máy điều hành; cơ chế hoạt động cũng như giám sát lẫn nhau giữa các
vị trí; cơ chế đảm bảo các quyền lợi của công ty, cổ đông và các bên có quyền lợi liên
quan… Các cơ chế này thường được xây dựng dưới dạng các quy định về thủ tục, điều
kiện liên quan đến quản lý các hoạt động năng lực hoặc các chế độ báo cáo khác nhau.

Vấn đề xây dựng một mô hình QTCT như thế nào phụ thuộc vào bối cảnh lớn hơn
trong đó công ty hoạt động, bao gồm các chính sách kinh tế vĩ mô, mức độ cạnh tranh
trong thị trường sản phẩm và thị trường tư liệu sản xuất… Mô hình QTCT như thế nào
cũng phụ thuộc vào môi trường pháp lý, quản lý và tổ chức mỗi quốc gia. Ngoài ra,
các yếu tố như đạo đức, kinh doanh và ý thức của công ty về lợi ích môi trường và xã
hội của cộng đồng nơi công ty hoạt động cũng ảnh hưởng tới các đặc điểm nhất định
trong mô hình QTCT ở mỗi quốc gia khác nhau. Do đó, như Tổ chức Hợp tác và Phát
triển kinh tế OECD khẳng định “Không có mô hình quản trị công ty tốt duy nhất”19
mà sự tối ưu của một mô hình quản trị chỉ được xem xét khi đặt trong bối cảnh và áp
dụng cho nền kinh tế quốc gia cụ thể.
1.2.2 Các mô hình quản trị công ty cổ phần điển hình trên thế giới
Nhìn một cách tổng quan, hiện nay QTCT cổ phần trên thế giới tồn tại hai mô hình
cơ bản: Mô hình hội đồng kép hay còn gọi là hội đồng hai cấp (Dual Board hay TwoTier Board Model) và Mô hình Hội đồng đơn hay còn gọi là Hội đồng một cấp
(Unitary Board hay One-tier Board Model)
1.2.2.1 Mô hình hội đồng hai cấp (Two-Tier Board Model)
Mô hình hội đồng hai cấp có nguồn gốc từ Cộng hòa liên bang (CHLB) Đức với
cấu trúc nội bộ theo pháp luật CHLB Đức gồm: Đại hội đồng cổ đông, Aufsichtsrat và
Vorstand. Trong các tài liệu bằng tiếng Anh, Aufsichtrat được dịch là Supervisory
Board – Hội đồng quản lý, giám sát; còn Vorstand được dịch là Management Board –
Ban quản trị điều hành.

19

OECD (2004), Bộ nguyên tắc quản trị công ty, Lời giới thiệu


16

Cấu trúc hội đồng hai cấp theo pháp luật CHLB Đức có hai đặc điểm quan trọng:
Thứ nhất, cấu trúc bộ máy quản trị - điều hành có hai hội đồng theo thứ bậc (Twotier Board model) trong đó Hội đồng bậc trên là Supervisory Board – Hội đồng quản lý

và Hội đồng bên dưới là Management Board – Ban quản trị điều hành;
Thứ hai, có sự tham gia với một tỷ lệ nhất định của đại diện người lao động vào Hội
đồng bậc trên Supervisory Board (employees’ co-determination). Theo pháp luật công
ty và Bộ quy tắc quản trị công ty của CHLB Đức (German Corporate Governance
Code 2010), các cổ đông và người lao động sẽ bầu chọn thành viên của Hội đồng quản
lý, giám sát. Tỷ lệ số thành viên của Hội đồng quản lý giám sát do người lao động và
cổ đông bầu chọn sẽ phụ thuộc vào số lao động của công ty; đại diện cho người lao
động và cổ đông bầu chọn đều có quyền và nghĩa vụ như nhau. Đối với các công ty cổ
phần sử dụng trên năm trăm (500) lao động thì một phần ba (1/3) số thành viên của
Hội đồng quản lý giám sát sẽ do người lao động bầu chọn; nếu công ty sử dụng trên
hai nghìn (2000) lao động thì một phần hai (1/2) thành viên của Hội đồng quản lý
giám sát phải là đại diện do người lao động bầu chọn. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng
quản lý giám sát phải là người do cổ đông lựa chọn và vị trí này có lá phiếu quyết định
khi số phiếu thuận và phiếu chống bằng nhau. Hội đồng quản lý giám sát có quyền bổ
nhiệm, cách chức các thành viên của Ban quản trị điều hành, và trực tiếp tham gia vào
việc đưa ra các quyết định quan trọng trong việc quản trị công ty và giám sát các hoạt
động của Ban quản trị điều hành. Ban quản trị điều hành là cơ quan thực hiện chức
năng điều hành công việc kinh doanh hàng ngày của công ty.
1.2.2.2 Mô hình hội đồng một cấp (One-Tier Board Model)
Các công ty thành lập ở những quốc gia theo truyền thống Common Law như Mỹ,
Úc, New Zealand, Anh… thường có cấu trúc quản trị nội bộ theo mô hình hội đồng
một cấp. Tuy nhiên một số nước theo dòng họ Civil Law cũng chấp nhận mô hình cấu
trúc quản trị này. Cấu trúc quản trị nội bộ theo kiểu Hội đồng một cấp gồm có:
Shareholder’s Meeting (Đại hội đồng cổ đông) và Board of Directors (Hội đồng giám
đốc). Vì chỉ có một hội đồng thực hiện chức năng quản trị - điều hành công ty nên
người ta thường gọi đây là cấu trúc hội đồng một cấp (hay hội đông đơn). Các thành
viên của Hội đồng giám đốc sẽ do các cổ đông lựa chọn và có thể gồm đến hai mươi


17


(20) thành viên. Tuy nhiên, trong những trường hợp nhất định, Hội đồng Giám đốc
cũng có thể chỉ định bổ sung thành viên của chính mình.
Về chức năng, nhiệm vụ, theo mô hình này, pháp luật các nước thường quy định
mọi quyền lực và các vấn đề của công ty được trao cho Hội đồng Giám đốc trừ những
vấn đề mà pháp luật hoặc điều lệ công ty quy định phải thuộc về Đại hội đồng cổ
đông. Hội đồng giám đốc chỉ định các thành viên của mình hoặc chỉ định người khác
điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty mà trong đó, người đứng đầu
của bộ phận điều hành là Chief Executive Officer (CEO) hay Managing Director
(MD). Quyền lực các CEO sẽ do hội đồng giám đốc quyết định, vì thế, các CEO ở các
công ty khác nhau sẽ có vị trí, phạm vi quyền lực trong công ty khác nhau.
Mô hình quản trị công ty cổ phần theo kiểu hội đồng một cấp không có một cơ quan
chuyên trách, độc lập với Hội đồng giám đốc để giám sát những người quản lý. Tuy
nhiên, việc Hội đồng giám đốc được trao cho quá nhiều quyền lực nhưng lại không có
một cơ quan độc lập giám sát khiến nhiều công ty hoạt động không hiệu quả, đặc biệt
là các công ty niêm yết. Tình trạng này đã thúc đẩy việc tìm kiếm và chỉ định những
người độc lập về lợi ích và có thể đưa ra các ý kiến khách quan, độc lập trong công tác
quản trị công ty để bầu vào Hội đồng giám đốc – còn được gọi là các thành viên độc
lập không điều hành (Independent non-Executive Directors) của Hội đồng giám đốc.
1.2.3 Kinh nghiệm pháp luật điều chỉnh mô hình quản trị CTCP trên thế giới
Trong thực tiễn mô hình QTCT theo mô hình Hội đồng hai cấp ít được học hỏi và
áp dụng trên thế giới trong khi đó Mô hình quản trị Hội đồng một cấp dường như phổ
biến hơn. Trong khu vực Châu Âu, cho đến hiện nay, chỉ có một vài quốc gia đã chọn
mô hình quản trị hội đồng hai cấp là Áo, Thụy Sỹ, Hà Lan; một số nước khác chỉ tiếp
nhận ở mức độ hạn chế mang tính tự nguyện như Đan Mạch, Luxembourg và Thủy
Điển20. Việc áp đặt cấu trúc quản trị công ty cổ phần của mình cho các nhà đầu tư có
thể sẽ dẫn đến hạn chế tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài, vì vậy nhiều
quốc gia đã cho phép lựa chọn một cách linh hoạt hơn. Theo một khuyến nghị của Ủy
ban châu Âu từ năm 2001 – Statute of the European Public Company (Societas


20

Comparative study of Corporate governance codes relevant to the European union and its members states, tr3


18

Europaea) of 2001, Ủy ban Châu Âu dành cho các nước thành viên quyền lựa chọn mô
hình quản lí nội bộ có một cấp (Board of Directors), hai cấp (Aufsichtsrat và Vorstand)
hoặc nhiều hơn nữa, ví dụ theo mô hình Pháp có thể lựa chọn thêm Ủy ban thanh tra
trong công ty21. Một số nước công nghiệp phát triển, chẳng hạn Pháp và Ý, đã ban
hành luật cho phép các công ty lựa chọn cấu trúc quản trị trong số các mô hình được
pháp luật quy định trên cơ sở các hình mẫu phổ biến trên thế giới. Ví dụ, các CTCP ở
Pháp có thể lựa chọn một trong ba mô hình quản trị: (i) mô hình hội đồng kép theo
kiểu Đức, (ii) mô hình hội đồng đơn với sự phân tách hai chức vụ chủ tịch và tổng
giám đốc, và (iii) mô hình hội đồng đơn với chức chủ tịch, tổng giám đốc do một
người nắm giữ22. Đồng thời, căn cứ vào nhu cầu điều chỉnh từng thời kỳ, mỗi quốc gia
phát triển pháp luật mô hình quản trị của mình theo hướng phù hợp. Chẳng hạn, vào
những năm 1998, khi xảy ra hàng loạt vụ trộm cắp tài sản của công ty bởi những nhà
quản trị, nhà nước Đức đã ban hành Luật kiểm tra và minh bạch doanh nghiệp năm
1998 – Gesetzzur Kontrolle und Transparenz im Unternehmensbereich, trọng tâm là
tăng quyền giám sát cho Hội đồng quản trị, đặc biệt là việc giao cho Hội đồng quản trị
quyền thuê kiểm toán để xem xét tình hình tài chính của công ty. Bên cạnh đó, vấn đề
một người có thể tham gia quá nhiều Hội đồng quản trị của các công ty cũng được
quan tâm, từ đó tìm cách giám sát các xung đột lợi ích tiềm năng23.
Ở Việt Nam, mô hình quản trị cơ bản của công ty cổ phần được quy định tại Luật
Doanh nghiệp 2005. Theo đó, cấu trúc quản trị của công ty cổ phần ở Việt Nam, xét
một cách toàn diện, không phải là cấu trúc hội đồng một cấp theo mô hình luật công ty
Anh - Mỹ, cũng không phải cấu trúc hai cấp như mô hình của pháp luật CHLB Đức


21

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, “Sự thay đổi trong pháp luật công ty CHLB Đức và so sánh với pháp luật công ty

Việt Nam”, ngày 25 tháng 5 năm 2013, />22

Ths. Bùi Xuân Hải, “Cấu trúc quản trị nội bộ của công ty cổ phần Việt Nam”, ngày 24 tháng 5 năm 2013,

/>23

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, “Sự thay đổi trong pháp luật công ty CHLB Đức và so sánh với pháp luật công ty

Việt Nam”, ngày 25 tháng 5 năm 2013, />

19

mà mang tính pha trộn giữa hai mô hình này.
Cụ thể, cấu trúc của quản trị công ty cổ phần ở Việt Nam bao gồm: Đại hội đồng cổ
đông, Hội đồng quản trị, Giám đốc/Tổng giám đốc và Ban kiểm soát. Đại hội đồng cổ
đông là tập hợp tất cả cổ đông của công ty. Đại hội đồng cổ đông sẽ bầu ra thành viên
Hội đồng quản trị. Hội đồng quản trị bổ nhiệm một (01) thành viên hoặc thuê Giám
đốc/Tổng Giám đốc điều hành công việc hàng ngày của công ty. Đại hội đồng cổ đông
cũng thuê hoặc bổ nhiệm các thành viên của Ban kiểm soát. Ban kiểm soát có chức
năng giám sát hoạt động của Giám đốc/ Tổng Giám đốc và Hội đồng quản trị; chịu
trách nhiệm trước Đại hội đồng cổ đông.
So sánh với Mô hình hội đồng một cấp, tuy Hội đồng quản trị trong công ty Việt
Nam giống Hội đồng giám đốc ở chỗ cùng có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm
Giám đốc/Tổng giám đốc, tuy nhiên quyền lực nhỏ hơn rất nhiều. Chức danh Giám
đốc/Tổng Giám đốc ở hai mô hình cũng không hoàn toàn là một, bởi nếu pháp luật
Việt Nam quy định một số quyền hạn, chức năng tất yếu của Giám đốc/Tổng Giám

đốc thì trong Mô hình hội đồng một cấp, quyền lực của Giám đốc/Tổng Giám đốc
hoàn toàn phụ thuộc vào sự ủy nhiệm từ Hội đồng giám đốc.
So sánh với Mô hình hội đồng hai cấp, Hội đồng quản trị trong công ty cổ phần Việt
Nam có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm Tổng giám đốc và những chức danh quản
lý quan trọng khác trong công ty, cũng giám sát bộ máy điều hành, nhưng nó không có
chức năng giám sát rộng như Hội đồng quản lý, giám sát theo Luật Đức, vì một phần
quyền lực thuộc về Ban kiểm soát. Ban kiểm soát trong công ty cổ phần ở Việt Nam
do Đại hội đồng cổ đông bầu và có chức năng cơ bản là giám sát công tác quản lý,
điều hành của Hội đồng quản trị và Giám đốc/Tổng giám đốc, tuy nhiên không có
thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các thành viên của Hội đồng quản trị,
Giám đốc/Tổng giám đốc và những người quản lý điều hành công ty, cũng không có
chức năng tham gia quyết định các vấn đề quan trọng về quản trị công ty như Hội
đồng quản lý giám sát theo pháp luật CHLB Đức.24

24

Điều 123 Luật Doanh nghiệp 2005


20

KẾT LUẬN CHƢƠNG 1
Như vậy, hầu hết các quan điểm hiện nay đều thống nhất rằng QTCT là hệ thống
các mối quan hệ được xác định bởi các cơ cấu và quy trình nhằm định hướng và kiểm
soát công ty với mục đích phân chia quyền lợi và trách nhiệm một cách phù hợp, qua
đó làm gia tăng giá trị lâu dài của các cổ đông. Nhu cầu điều chỉnh pháp luật đối với
QTCT cổ phần là tất yếu xuất phát từ đặc thù về quy mô và quản lý của CTCP nhằm
đảm bảo lợi ích cho đa số cổ đông. Pháp luật điều chỉnh QTCT theo phương pháp tối
thiểu, theo đó một mặt đảm bảo khung pháp lý cơ bản cho quản trị ở mỗi công ty, mặt
khác không hạn chế mức độ can thiệp của mỗi công ty vào mô hình quản trị của chính

nó. Pháp luật QTCT hợp thành từ 3 bộ phận, bao gồm: Các nguyên tắc quản trị công
ty; quy định về các thiết chế hợp thành mô hình quản trị công ty và quy định về cơ
chế, cách thức vận hành, hoạt động của mô hình QTCT.
Trên thế giới, mô hình hội đồng đơn theo pháp luật Anh – Mỹ và mô hình hội đồng
kép bắt nguồn từ pháp luật CHLB Đức là hai mô hình QTCT truyền thống và điển
hình. Tuy nhiên, thông lệ quản trị trên thế giới đang phát triển theo xu hướng cho phép
các công ty lựa chọn mô hình linh hoạt, phù hợp với nhu cầu, điều kiện từng công ty.
Mô hình quản trị CTCP hiện nay tại Việt Nam được xem là sự pha trộn giữa hai mô
hình quản trị truyền thống này, thể hiện những điểm tiến bộ nhất định trong cấu trúc
quản trị.


×