Tải bản đầy đủ (.pdf) (79 trang)

Pháp luật về thừa kế quyền sử dụng đất

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (750.64 KB, 79 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ TƯ PHÁP

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

--------o0o--------

HỒ THỊ TRÂM

PHÁP LUẬT VỀ VIỆC LÀM CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Chuyên ngành: Luật Kinh tế
Mã số: 60 38 01 07

LUẬN VĂN THẠC SỸ LUẬT HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TIẾN SĨ ĐỖ NGÂN BÌNH

HÀ NỘI – 2013


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của
riêng tôi. Các số liệu, tư liệu trong luận văn là trung thực và có
nguồn gốc rõ ràng. Những kết quả nghiên cứu của Luận văn
này chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công trình nào.

TÁC GIẢ LUẬN VĂN


Hồ Thị Trâm


MỤC LỤC

LỜI CAM ĐOAN
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
MỞ ĐẦU ....................................................................................................... 1
1. Tính cấp thiết của đề tài .......................................................................... 1
2. Mục đích nghiên cứu............................................................................... 2
3. Phạm vi nghiên cứu................................................................................. 2
4. Phương pháp nghiên cứu ......................................................................... 2
5. Mục đích, nhiệm vụ của việc nghiên cứu đề tài ....................................... 3
6. Những kết quả nghiên cứu mới của luận văn........................................... 3
7. Kết cấu của luận văn ............................................................................... 4
CHƯƠNG I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ VIỆC LÀM CHO NGƯỜI
KHUYẾT TẬT VÀ PHÁP LUẬT VỀ VIỆC LÀM CHO NGƯỜI
KHUYẾT TẬT .............................................................................................. 5
1.1. Khái niệm người khuyết tật và quyền có việc làm của người khuyết tật5
1.1.1. Khái niệm người khuyết tật ............................................................... 5
1.1.2. Các quyền cơ bản của người khuyết tật ............................................. 8
1.1.3. Quyền có việc làm của người khuyết tật .......................................... 10
1.1.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc làm của người khuyết tật và quyền có
việc làm của người khuyết tật ................................................................... 12
1.2. Một số vấn đề lý luận về pháp luật việc làm cho người khuyết tật ...... 16
1.2.1. Sự cần thiết phải điều chỉnh bằng pháp luật đối với vấn đề việc làm
cho người khuyết tật ................................................................................. 16
1.2.2. Các nội dung cơ bản của pháp luật điều chỉnh vấn đề việc làm cho
người khuyết tật ........................................................................................ 19
CHƯƠNG II. THỰC TRẠNG BAN HÀNH VÀ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT

VỀ VIỆC LÀM CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT Ở VIỆT NAM .................... 25


2.1. Thực trạng ban hành pháp luật về việc làm cho người khuyết tật ở Việt
Nam .......................................................................................................... 25
2.1. 1. Nội dung cơ bản của pháp luật Việt Nam hiện hành về việc làm cho
người khuyết tật ........................................................................................ 25
2.1.1.1. Tuyển dụng lao động là người khuyết tật...................................... 25
2.1.1.2. Trách nhiệm của các chủ thể đối với việc làm của người
khuyết tật .................................................................................................. 26
2.1.1.3. Quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật trong lĩnh vực việc làm . 27
2.1.1.4. Giải quyết việc làm và tạo điều kiện làm việc cho người
khuyết tật ................................................................................................. 29
2.1.2. Những quy định mới trong Bộ luật Lao động 2012 về việc làm cho
người khuyết tật ........................................................................................ 31
2.1.3. Đánh giá chung về việc ban hành pháp luật việc làm cho người
khuyết tật ở Việt Nam ............................................................................... 34
2.1.3.1. Những kết quả .............................................................................. 34
2.1.3.2. Những hạn chế ............................................................................. 40
2.2. Thực trạng áp dụng pháp luật về việc làm cho người khuyết tật ở Việt
Nam .......................................................................................................... 44
2.2.1. Tình hình việc làm cho người khuyết tật ở Việt Nam ...................... 44
2.2.2. Thực trạng áp dụng pháp luật về việc làm cho người khuyết tật ở Việt
Nam và một số nguyên nhân cơ bản .......................................................... 50
CHƯƠNG III. GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ VIỆC LÀM
CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT Ở VIỆT NAM .............................................. 57
3.1. Sự cần thiết phải hoàn thiện pháp luật về việc làm cho người khuyết tật
ở Việt Nam ............................................................................................... 57
3.2. Phương hướng hoàn thiện pháp luật về việc làm cho người khuyết tật ở
Việt Nam .................................................................................................. 58



3.3. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về việc làm cho người khuyết tật
ở Việt Nam ............................................................................................... 61
KẾT LUẬN ................................................................................................. 69
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
1. BLLĐ: Bộ luật lao động
2. ILO: Tổ chức lao động quốc tế
3. NKT: Người khuyết tật
4. NSDLĐ: Người sử dụng lao động
5. TPHCM: Thành phố Hồ Chí Minh
6. UBND: Ủy ban nhân dân
7. UN: Liên hợp quốc


1

MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Việc làm là vấn đề quan trọng đối với mỗi người. Đối với người khuyết
tật (NKT), việc làm càng có ý nghĩa lớn lao hơn. Việc làm giúp NKT nuôi
sống bản thân, vươn lên trong cuộc sống, giúp NKT tự tin hòa nhập xã hội,
thay đổi được cách nhìn của mọi người đối với họ, góp phần tạo sự phát triển
kinh tế - xã hội. Tại Việt Nam, tỷ lệ người khuyết tật có việc làm ổn định rất
thấp. Hiện nay có hơn 15,5% dân số là người khuyết tật. Theo thống kê của
Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội, 30% số người khuyết tật hiện đang thất
nghiệp [22]. Mỗi năm Việt Nam mất 3% tổng sản phẩm quốc nội do thị

trường lao động không sử dụng hết nguồn lực lao động là NKT. Thực trạng
này cho thấy, hiện còn một nguồn lao động rất lớn mà xã hội chưa sử dụng hết
từ NKT. Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp tuyển dụng người lao động
vào làm việc không đủ về tỉ lệ NKT theo quy định của pháp luật. Lý do có thể
là các doanh nghiệp thiếu thông tin để tiếp cận với nguồn lực lao động là
NKT. Hoặc việc buộc phải sử dụng lao động là NKT chỉ vì sự nhân đạo của
người sử dụng lao động (NSDLĐ), hay theo chương trình hợp tác dự án với
các tổ chức nhân đạo nước ngoài, chưa thực sự vì nhu cầu tuyển dụng lao
động của doanh nghiệp. Trong khi thực tế là, tùy từng doanh nghiệp, tùy loại
hình sản xuất, kinh doanh, NKT có thể đảm đương được công việc một cách
hiệu quả. Bên cạnh các lý do nêu trên, việc NKT tìm việc làm khó khăn còn
có thêm nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khác. Ví dụ như rào cản môi
trường sống, thái độ cộng đồng, quan điểm tiêu cực của xã hội, bản thân NKT
và một phần do luật pháp. Chính vì thực trạng như trên, việc làm đối với NKT
trở thành một trong những vấn đề cần được sự quan tâm hơn nữa của Đảng,
Nhà nước và toàn xã hội. Giải quyết được vấn đề này sẽ phát huy nhân tố con
người, phát triển kinh tế, ổn định xã hội, đảm bảo quyền cơ bản của con


2

người, quyền được lao động và hòa nhập cộng đồng và các quyền và lợi ích
chính đáng khác của NKT.
Nhằm tìm hiểu rõ hơn quy định của pháp luật về vấn đề trên cũng như
đưa ra một số ý kiến đề hoàn thiện pháp luật liên quan đến NKT, tác giả đã
lựa chọn đề tài: “Pháp luật về việc làm cho người khuyết tật” để làm đề tài
nghiên cứu luận văn thạc sỹ luật học.
2. Mục đích nghiên cứu
Luận văn hướng tới mục đích phân tích và đánh giá các quy định của
pháp luật Việt Nam về việc làm cho NKT, từ đó chỉ rõ những bất cập trong

việc ban hành và áp dụng pháp luật. Trên cơ sở đó tìm kiếm các giải pháp
hoàn thiện , pháp luật về việc làm cho NKT, nâng cao hiệu quả áp dụng pháp
luật trong hoạt động giải quyết việc làm cho NKT ở Việt Nam.
3. Phạm vi nghiên cứu
Trong phạm vi một luận văn thạc sỹ, tác giả tập trung nghiên cứu các
nội dung cơ bản của pháp luật Việt Nam về việc làm cho NKT.
Do đó, luận văn tập trung vào các vấn đề sau đây: một số vấn đề lý luận
liên quan đến pháp luật về việc làm cho NKT; quy định của pháp luật Việt
Nam hiện hành về việc làm cho NKT; thực tiễn áp dụng pháp luật về việc làm
cho NKT; một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về việc làm cho NKT.
4. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện luận văn, tác giả chủ yếu vận dụng phương pháp luận của
chủ nghĩa Mác-Lê Nin. Cụ thể là, phương pháp duy vật biện chứng và phương
pháp duy vật lịch sử. Đây là phương pháp luận xuyên suốt quá trình nghiên
cứu và hoàn thiện luận văn.


3

Tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm pháp luật, đường lối, chủ
trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc làm cho NKT cũng là cơ sở
lý luận soi sáng cho việc phân tích và nghiên cứu đề tài.
Ngoài ra, tác giả luận văn còn sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ
thể như: Phương pháp phân tích, phương pháp tổng hợp, phương pháp so
sánh, phương pháp lịch sử, phương pháp lôgic và phương pháp bình luận.
5. Mục đích, nhiệm vụ của việc nghiên cứu đề tài
Luận văn có mục đích phân tích những vấn đề lý luận của pháp luật về
việc làm cho NKT; đánh giá thực trạng pháp luật, thực tiễn áp dụng pháp luật
việc làm cho NKT ở nước ta trong thời gian qua. Từ đó, đưa ra những phương
hướng và giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật về việc làm cho NKT ở

Việt Nam.
Với những mục đích nghiên cứu như trên, luận văn sẽ giải quyết các
nhiệm vụ cụ thể là: Nghiên cứu các quy định của pháp luật Việt Nam về việc
làm cho NKT; Đánh giá thực trạng pháp luật và thực tiễn quy định của pháp
luật về việc làm cho NKT; Khẳng định sự cần thiết phải hoàn thiện đồng thời
đưa ra một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về việc làm cho NKT.
6. Những kết quả nghiên cứu mới của luận văn
Một là, luận văn là một công trình khoa học trình bày một cách toàn
diện và tương đối đầy đủ những vấn đề lý luận về pháp luật việc làm cho
NKT. Với việc làm rõ một số vấn đề có tính lý luận của pháp luật về việc làm
cho NKT, luận văn góp phần hệ thống hóa các vấn đề lý luận về pháp luật việc
làm cho NKT.
Hai là, luận văn đã đánh giá một cách tương đối toàn diện thực trạng
quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng quy định pháp luật Việt Nam để giải


4

quyết vấn đề việc làm cho NKT; chỉ ra các bất cập trong pháp luật về việc làm
cho NKT.
Ba là, luận văn đã chỉ rõ phương hướng hoàn thiện và một số giải pháp,
kiến nghị mới nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật Việt Nam về việc
làm cho NKT.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, phụ lục và danh mục tài liệu tham
khảo, nội dung luận văn gồm ba chương:
Chương 1. Một số vấn đề lý luận về việc làm cho người khuyết tật và
pháp luật về việc làm cho người khuyết tật.
Chương 2. Thực trạng ban hành và thực hiện pháp luật về việc làm cho
người khuyết tật ở Việt Nam.

Chương 3. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về việc làm cho người
khuyết tật ở Việt Nam.
Do những nguyên nhân khách quan và chủ quan (trong đó có việc bản
thân tác giả cũng là NKT), việc hoàn thiện luận văn không tránh khỏi những
sai sót về nội dung và hình thức, tác giả rất mong nhận được sự thông cảm của
các Thầy, Cô. Đồng thời, tác giả cũng luôn trân trọng và tiếp thu ý kiến của
các Thầy, Cô để có thể hoàn thiện luận văn ở cấp độ cao hơn với chất lượng
tốt hơn.
Tác giả xin chân thành cảm ơn các Thầy, Cô giáo của trường Đại học
Luật Hà Nội, đặc biệt là Tiến sĩ Đỗ Ngân Bình - Giáo viên hướng dẫn luận
văn. Các Thầy, Cô đã truyền dạy kiến thức, tạo động lực và quan trọng nhất là
tạo niềm tin cho tác giả để tự tin vững bước trên con đường khó khăn của sự
nghiệp, để từng bước khẳng định vai trò của NKT trong cộng đồng.


5

CHƯƠNG I
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ VIỆC LÀM CHO NGƯỜI KHUYẾT
TẬT VÀ PHÁP LUẬT VỀ VIỆC LÀM CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT
1.1. Khái niệm người khuyết tật và quyền có việc làm của người khuyết tật
1.1.1. Khái niệm người khuyết tật
Xuất phát từ các quan điểm, góc độ tiếp cận khác nhau về NKT nên đến
thời điểm hiện tại vẫn chưa có một khái niệm chung thống nhất về NKT. Trên
thế giới hiện nay có hai quan điểm chính về thế nào là “NKT” gồm: quan
điểm khuyết tật cá nhân (hay quan điểm khuyết tật dưới góc độ y tế) và quan
điểm khuyết tật dưới góc độ xã hội.
Hai quan điểm này có ba điểm khác nhau cơ bản. Một là, nguồn gốc gây
nên khuyết tật được xác định: Quan điểm khuyết tật dưới góc độ y tế cho rằng
khuyết tật là ở chính bản thân cá nhân, cá nhân có những hạn chế, khiếm

khuyết còn quan điểm khuyết tật xã hội là ở xã hội, là sản phẩm của mô hình
xã hội. Hai là, bản chất khuyết tật: Quan điểm y tế coi bản chất của khuyết tật
là sự suy giảm về thể chất, cảm giác, trí tuệ, trong khi đó quan điểm khuyết tật
xã hội cho rằng bản chất của khuyết tật là các rào cản ngăn cản NKT tham gia
vào xã hội. Ba là, quan điểm y tế cho rằng phải cố gắng tìm ra các phương
pháp chữa trị bệnh tật, ngược lại quan điểm khuyết tật xã hội xác định các rào
cản và cách thay đổi để những người khiếm khuyết thích nghi, hội nhập xã
hội. Dựa trên các quan điểm đó có những định nghĩa khác nhau về khái niệm
NKT theo quy định pháp luật các nước.
Quan điểm khuyết tật dưới góc độ y tế nhìn nhận NKT như những người
có vấn đề về thể chất như mất hoặc suy giảm chức năng hoạt động và cần phải
điều trị, cần sự tác động của y tế. Khái niệm NKT theo quan điểm này nhấn
mạnh đến khiếm khuyết, hạn chế cá nhân mà ít hoặc không đề cập nhiều đến


6

các yếu tố về môi trường xã hội. Một số định nghĩa tiếp cận theo quan điểm
khuyết tật cá nhân như Trung Quốc, Ấn Độ, Philipin…như sau:
Điều 2 Luật của nước Cộng Hòa nhân dân Trung Hoa về bảo vệ NKT
ban hành năm 1990 quy định: “Người khuyết tật là một trong những người bị
bất thường, mất mát của một cơ quan nhất định hoặc chức năng tâm lí hay
sinh lí, hoặc trong cấu trúc giải phẫu và những người đã mất toàn bộ hoặc
một phần khả năng tham gia vào các hoạt động một cách bình thường. Người
khuyết tật là những người có thính giác, thị giác, lời nói hoặc khuyết tật về thể
chất, chậm phát triển tâm thần, rối loạn tâm thần, khuyết tật nhiều và/hoặc
khuyết tật khác”.
Khác với quan niệm khuyết tật dưới góc độ y tế, quan điểm khuyết tật xã
hội nhìn nhận NKT là hệ quả bị xã hội loại trừ và phân biệt vì có những khiếm
khuyết cơ thể. Do đó, nội dung khái niệm NKT nhấn mạnh đến yếu tố môi

trường xã hội khiến những người có khiếm khuyết cơ thể phải đối mặt với thái
độ kì thị, không được tiếp cận cơ sở vật chất, gặp nhiều khó khăn trong cuộc
sống. Một số khái niệm NKT tiếp cận theo quan điểm này như sau:
Khoản 1 Điều 1 Công ước số 159 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về
phục hồi chức năng lao động và việc làm của NKT năm 1983, quy định:
“Người khuyết tật dùng để chỉ một cá nhân mà khả năng có một việc làm phù
hợp, trụ lâu dài với công việc đó và thăng tiến với nó bị giảm sút đáng kể do
hậu quả của một khiếm khuyết về thể chất và tâm thần được thừa nhận”.
Công ước quốc tế về quyền của NKT của Liên hợp quốc (UN) năm 2006
định nghĩa: “Khuyết tật là kết quả của sự tương tác giữa những người có
khiếm khuyết và những rào cản về thái độ và môi trường mà ở đó hạn chế sự
tham gia một cách đầy đủ, và có hiệu quả vào các hoạt động trên cơ sở bình
đẳng với các thành viên khác trong xã hội.”


7

Điều 1 Công ước quốc tế về quyền của NKT định nghĩa: “Người khuyết
tật bao gồm những người bị suy giảm về thể chất, thần kinh, trí tuệ hay giác
quan trong một thời gian dài, có ảnh hưởng qua lại với hàng loạt những rào
cản có thể cản trở sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của người khuyết tật vào xã
hội trên cơ sở bình đẳng với những người khác”.
Đạo luật người khuyết tật Hoa Kỳ năm 1990 định nghĩa: “Người khuyết
tật là người có sự suy yếu về thể chất hay tinh thần gây ảnh hưởng đáng kể
đến một hay nhiều hoạt động quan trọng cuộc sống”.
Khoản 1 Điều 2 Luật người khuyết tật của Việt Nam định nghĩa: “Người
khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy
giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt,
học tập gặp khó khăn”.
Như vậy, có thể thấy các nước định nghĩa về khái niệm NKT không

thống nhất trong nội dung khái niệm NKT do quan điểm tiếp cận cũng như sự
khác nhau bởi các yếu tố văn hóa, điều kiện kinh tế xã hội và các tiêu chí xác
định khuyết tật.
Theo tác giả luận văn, định nghĩa khái niệm NKT phải phản ánh được
thực tế là NKT gặp các rào cản do các yếu tố xã hội, môi trường vật thể khi
tham gia vào các lĩnh vực cuộc sống trên cơ sở bình đẳng với những chủ thể
khác mà nền tảng là quyền con người. Do đó, có thể đưa ra định nghĩa khái
niệm NKT như sau:
Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể
hoặc bị suy giảm chức năng dẫn đến những hạn chế trong việc tham gia của
người khuyết tật vào hoạt động xã hội trên cơ sở bình đẳng với những chủ thể
khác mà nền tảng là quyền con người.


8

1.1.2. Các quyền cơ bản của người khuyết tật
Công ước Quốc tế về quyền của người khuyết tật năm 2006 đã ghi nhận
các quyền cơ bản của NKT như: Quyền được sống (Điều 10), quyền được
thừa nhận bình đẳng, quyền tự do và an toàn cá nhân, quyền sống độc lập và
hòa nhập cộng đồng, quyền được tôn trọng gia đình và tổ ấm, quyền tự do đi
lại, tự do cư trú và tự do quốc tịch, quyền tự do biểu đạt, chính kiến và tiếp
cận thông tin, quyền được bảo vệ không bị tra tấn, bị đối xử, áp dụng các hình
phạt tàn nhẫn, quyền không bị bóc lột, bạo hành và lạm dụng, quyền được
tham gia đời sống chính trị và cộng đồng, quyền tham gia các hoạt động văn
hóa, nghỉ ngơi, giải trí và thể thao, quyền hưởng các dịch vụ y tế, quyền được
hỗ trợ chức năng và phục hồi chức năng, quyền có mức sống thích đáng và
bảo trợ xã hội đầy đủ, quyền được tiếp cận giáo dục, quyền có cơ hội công
việc và việc làm.
Trong các quyền nêu trên, liên quan đến việc làm của NKT thì những

quyền sau đây có vai trò rất quan trọng:
Một là, quyền được thừa nhận bình đẳng. NKT được bình đẳng trước
pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách ngang bằng với những người
khác. Trong quan hệ lao động, NKT có năng lực pháp luật bình đẳng với
những người lao động khác như quyền tự do lựa chọn việc làm, tham gia
tuyển dụng, kí kết hợp đồng hoặc tự tạo việc làm, được trả lương, gia nhập
công đoàn....; có các nghĩa vụ như tuân thủ sự điều hành của người sử dụng
lao động, chấp hành nội quy, quy định tại nơi làm việc...Tức là NKT cũng có
quyền và nghĩa vụ chung của người lao động theo quy định của pháp luật bên
cạnh những quyền đặc thù chỉ dành riêng cho họ.
Quyền được thừa nhận bình đẳng còn được hiểu theo nghĩa quyền bình
đẳng về cơ hội. NKT tuy có khiếm khuyết về phần cơ thể này nhưng lại có sự
phát triển về phần khác, theo đó họ có khả năng đảm nhiệm những công việc


9

nhất định, vấn đề là xã hội, môi trường vật chất có thực sự tiếp cận để họ có
cơ hội làm việc hay không. Khi phá bỏ được những rào cản định kiến về NKT
và giao thông, phương tiện đi lại, thiết bị làm việc tiếp cận NKT thì họ có cơ
hội làm việc thuận lợi hơn, phát huy được những tiềm năng của mình, có cơ
hội tham gia và hòa nhập xã hội. Hiện nay, hầu hết các nước trong đó có Việt
Nam, quyền bình đẳng về cơ hội chưa được thực thi một cách tối đa do môi
trường tiếp cận NKT đang rất hạn chế. Ví dụ: NKT chân phải ngồi xe lăn
nhưng đôi tay của họ rất khéo léo, họ vẽ đồ họa rất giỏi, tuy nhiên, công ty
thiết kế đồ họa lại ở trên tầng cao mà không có thang máy, do đó, cơ hội có
việc làm của họ tại công ty đó không thuận lợi như những người bình thường.
Tóm lại, quyền được thừa nhận bình đẳng khẳng định địa vị pháp lí của
NKT ngang bằng với các chủ thể khác trong xã hội đồng thời thể hiện sự tôn
trọng giá trị của NKT, tạo điều kiện để NKT có thể phát huy khả năng của

mình, hòa nhập xã hội thông qua việc làm.
Hai là, quyền tự do và an toàn cá nhân. Quyền này thể hiện sự quan tâm
đến sự tự do, toàn vẹn về thể chất, tinh thần của NKT nói chung. Trong vấn đề
việc làm, pháp luật hạn chế hoặc không buộc NKT làm việc trong môi trường
độc hại, nguy hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của NKT.
Ba là, quyền không bị bóc lột, bạo hành và lạm dụng. Quyền này có vị
trí, vai trò quan trọng bảo vệ NKT trong quá trình lao động tránh sự bóc lột,
lao động khổ sai tại nơi làm việc. Trong quan hệ lao động, NSDLĐ có lợi thế
về tư liệu sản xuất, trong khi người lao động yếu thế về tư liệu lao động lại
yếu thế về thể chất nên rất có thể bị lạm dụng, cưỡng bức lao động. Vì vậy,
quyền không bị bóc lột, bạo hành và lạm dụng là công cụ pháp lí ngăn chặn
những ý nghĩ, hành vi của NSDLĐ đối với lao động là NKT.
Bốn là, quyền được tiếp cận giáo dục. Quyền này đặc biệt quan trọng bởi
giáo dục chính là con đường tiếp cập việc làm được dễ dàng hơn. Thông qua


10

giáo dục NKT được trang bị kiến thức, trình độ chuyên môn, kĩ năng cần thiết
để tham gia vào quan hệ lao động. NKT được đảm bảo hình thức giáo dục,
phương tiện tiếp cận đặc biệt, phù hợp với đặc điểm khiếm khuyết của họ. Ví
dụ: Người khiếm thị được học bằng chữ nổi Braille, người khiếm thính được
học bằng ngôn ngữ kí hiệu....Để thực hiện quyền này cho NKT, các quốc gia
cần đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp, thiết bị, giáo viên phù hợp. Nếu đảm bảo
tốt quyền này cho NKT chắc chắn trình độ, kĩ năng của NKT được nâng cao,
khâu giải quyết việc làm của NKT sẽ được cải thiện rõ rệt.
Năm là, quyền có cơ hội công việc và việc làm. Đây là quyền có quan hệ
mật thiết với quyền bình đẳng của NKT. Cũng giống như người bình thường,
NKT có nhu cầu sống, sinh hoạt, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội
của đất nước và chính công việc, việc làm đáp ứng được những nhu cầu chính

đáng của họ. Lao động tạo ra của cải vật chất, giúp con người mở rộng các
mối quan hệ, nâng cao được khả năng chuyên môn nghề nghiệp. Đặc biệt, việc
làm là con đường giúp NKT tự tin, hòa nhập với xã hội một cách nhanh nhất
và vững chắc nhất.
1.1.3. Quyền có việc làm của người khuyết tật
Như đã đề cập ở trên, quyền có việc làm là nội dung cơ bản của quyền
con người. “Quyền con người là những sự được phép mà tất cả thành viên
của cộng đồng nhân loại, không phân biệt giới tính, chủng tộc, tôn giáo, địa vị
xã hội…; đều có ngay từ khi sinh ra, đơn giản chỉ vì họ là con người” hay
“Quyền con người được hiểu là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và
khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia
và các thỏa thuận pháp lý quốc tế”[4].
Con người được sinh ra ai cũng có quyền bình đẳng ngang nhau, quyền
được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc. Muốn tạo dựng cuộc sống,
con người nói chung và NKT nói riêng cần phải lao động để tạo ra thu nhập,


11

tìm thấy ý nghĩa của mình trong cuộc sống. Do đó, quyền có việc làm là
quyền chính đáng và bắt nguồn từ quyền con người.
Con người sinh ra chịu sự tác động của hai yếu tố tự nhiên và yếu tố xã
hội. Bị khuyết tật là điều không ai mong muốn, có những người bị khuyết tật
bẩm sinh, có người do trong quá trình sống, lao động bị tai nạn, chiến tranh,
rủi ro khiến cơ thể gặp phải những khiếm khuyết. Do đó, bất kỳ ai cũng có thể
bị khuyết tật. Tuy nhiên, những quyền cơ bản của con người thì không thể bị
xâm phạm.
Việc đảm bảo các cơ hội việc làm cho NKT giúp NKT tạo dựng được
cuộc sống, hòa nhập xã hội. Ngược lại, hạn chế hay từ chối các cơ hội việc
làm công bằng cho NKT chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự

nghèo đói và tình trạng phân biệt đối xử đối với NKT. Đây cũng là lí do mà cả
UN và ILO đặc biệt quan tâm đến vấn đề việc làm cho NKT.
Công ước quốc tế về quyền của NKT ghi nhận tại Điều 27 – Công việc
và việc làm: “Các quốc gia thành viên công nhận quyền được làm việc của
người khuyết tật, trên cơ sở bình đẳng với người khác; trong đó bao gồm cả
quyền có cơ hội kiếm sống bằng một công việc được tự do lựa chọn hoặc chấp
nhận trong thị trường lao động và môi trường làm việc mở, hòa nhập và dễ
tiếp cận đối với người khuyết tật”.
Công ước số 159, ILO cũng quy định: Mọi quốc gia thành viên phải theo
điều kiện, thực tiễn và khả năng quốc gia để hình thành, thực hiện và định kì
xem xét lại chính sách quốc gia đối với việc tái thích ứng nghề nghiệp cho
những người có khuyết tật. Chính sách đó phải có mục tiêu bảo đảm rằng
những biện pháp tái thích ứng nghề nghiệp phải trong tầm sử dụng của mọi
đối tượng NKT và phải thúc đẩy được những cơ hội việc làm của NKT trên thị
trường lao động tự do. Chính sách đó phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng về


12

cơ hội giữa những người lao động có khuyết tật nói chung, giữa người lao
động nam giới có khuyết tật với người lao động nữ giới có khuyết tật.
Pháp luật các quốc gia tham gia Công ước quốc tế về quyền của người
khuyết tật năm 2006 đã có những thể chế hóa trong pháp luật nước nhà những
quy định phù hợp và thực thi quy định việc làm đối với NKT, trong đó có Việt
Nam. Việt nam đã nội luật hóa quyền có việc làm của NKT vào Luật người
khuyết tật (LNKT) và Bộ luật lao động (BLLĐ), đặc biệt là BLLĐ được sửa
đổi, bổ sung năm 2012.
Như vậy, có thể thấy quyền có việc làm của NKT khởi nguồn từ quyền tự
nhiên nhất là quyền con người. Vì họ là con người nên có quyền được xây
dựng cuộc sống trong cộng đồng xã hội. Chính việc làm là cầu nối đưa họ đến

với mọi người và được xã hội công nhận giá trị, phẩm chất. Quyền có việc
làm có ý nghĩa thiêng liêng trong đời sống của những người không may bị
khiếm khuyết cơ thể, tinh thần nhưng vẫn luôn có khát vọng sống, khát vọng
độc lập trong đời sống của bản thân và cống hiến sức lao động của mình vào
sự phát triển chung của xã hội.
1.1.4.

Các yếu tố ảnh hưởng đến việc làm của người khuyết tật và quyền
có việc làm của người khuyết tật

Có nhiều yếu tố khách quan cũng như chủ quan do hạn chế của bản thân
NKT ảnh hưởng đến vấn đề việc làm, cụ thể là:
Thứ nhất, nhận thức của NSDLĐ đối với NKT chưa đúng đắn, còn nhiều
phiến diện, chưa nhìn vào phần tích cực của NKT. NSDLĐ có định kiến cho
rằng NKT không đảm bảo sức khỏe làm việc, dẫn đến suy đoán khả năng làm
việc của NKT kém hiệu quả. “Nghiên cứu của Đại học Rutgers năm 2003 cho
biết 1/3 số người sử dụng lao động được khảo sát cho rằng, người khuyết tật
có thể không có hiệu quả thực hiện công việc theo yêu cầu nhiệm vụ” [16].


13

NSDLĐ có tâm lý so sánh giữa sức khỏe, ngoại hình của người không khuyết
tật với NKT. Họ nghĩ rằng người không khuyết tật mạnh khỏe hơn, di chuyển
dễ dàng nhanh nhẹn hơn nên sẽ đáp ứng được yêu cầu công việc hơn so với
người có những khiếm khuyết trên cơ thể. Sự e ngại này tạo ra sự phân biệt,
loại bỏ việc tuyển dụng NKT.
Lý do thứ hai tác động đến việc NSDLĐ không thuê NKT là tâm lý lo
ngại phải đầu tư các thiết bị tốn kém để phù hợp cho NKT làm việc. Ví dụ
như bộ bàn ghế phải thiết kế làm sao cho NKT cơ thể ngồi phù hợp để làm

việc trong khi đó đối với người bình thường thì không cần phải thiết kế đặc
thù. Do những tâm lý e ngại về thể trạng cũng như sự tốn kém, phiền phức
trong việc đảm bảo phương tiện làm việc tiếp cận dẫn đến nhận thức của
NSDLĐ về NKT một cách phiến diện. Do đó, mặc dù pháp luật có quy định tỉ
lệ nhất định phải nhận lao động là NKT vào làm việc thì NSDLĐ vẫn không
chấp hành. Thay vào đó họ sẵn sàng nộp phạt. Thực chất, nếu NSDLĐ có
được cái nhìn toàn diện hơn về NKT thì chắc chắn cơ hội việc làm của NKT
sẽ được tăng lên. NSDLĐ nên nhìn nhận NKT ở mặt tích cực của họ, ví dụ
như NKT rất ít thay đổi công việc, chăm chỉ, tuân thủ nghiêm các quy định
của doanh nghiệp, đặc biệt, thương hiệu của doanh nghiệp được khách hàng
biết đến, khách hàng ưu tiên mua sản phẩm của doanh nghiệp có sử dụng lao
động khuyết tật nhiều hơn. “Một nghiên cứu của Đại học Massachusetts chỉ
ra rằng 87% khách hàng thích mua hàng của các công ty có sử dụng lao động
tàn tật” [10]. Chính NKT sẽ góp phần tạo ra giá trị ổn định và tăng thị phần
cho doanh nghiệp. Từ những phân tích trên cho thấy nhận thức, quan điểm
của NSDLĐ đóng vai trò quan trọng trong vấn đề tuyển dụng NKT vào làm
việc. Sự thiếu lòng tin đối với năng lực làm việc của NKT đã dẫn đến việc
hạn chế tuyển dụng NKT, khiến xã hội lãng phí mất nguồn lao động chăm chỉ
và dồi dào này.


14

Thứ hai, cơ sở vật chất, môi trường, phương tiện làm việc, phương tiện đi
lại của NKT khiến cho NKT khó có việc làm phù hợp. Việc làm gắn liền với
môi trường vật thể: Phương tiện đi lại, đường sá, máy móc, nhà xưởng, trang
thiết bị, văn phòng... Đặc điểm của NKT là có những khiếm khuyết cơ thể gây
ra một số hạn chế phải nhờ đến phương tiện hỗ trợ như xe lăn, nhà cao tầng
phải có cửa rộng, thang máy... Để có cơ sở vật chất tiếp cận như vậy đòi hỏi
nhà nước, NSDLĐ phải đầu tư thiết kế, xây dựng, bố trí phù hợp với NKT.

Tuy nhiên, hầu hết các nước trên thế giới chưa đảm bảo được cơ sở vật chất
tiếp cận NKT cho nên hạn chế rất lớn quyền có việc làm của NKT.
Thứ ba, luật pháp, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước đối với
NSDLĐ và lao động khuyết tật. Pháp luật việc làm có các quy phạm pháp luật
là quy tắc xử sự áp dụng mang tính bắt buộc chung cho các chủ thể tham gia
quan hệ lao động. Bên cạnh đó, nhà nước còn quy định các chế tài để xử lí
những chủ thể vi phạm các nghĩa vụ được pháp luật quy định. Nếu quy định
chặt chẽ, mang tính khả thi góp phần tạo hành lang pháp lí, tạo nhiều cơ hội
việc làm cho NKT, ngược lại quy định pháp luật không phù hợp với đòi hỏi
khách quan của thực tiễn thì không cải thiện được thực trạng việc làm hiện
nay cho NKT, NKT sẽ phải đối mặt với sự kì thị, phân biệt. Ví dụ, quy định
thời gian làm việc của NKT ở Việt Nam hiện nay là không quá 7 giờ một ngày
là quy định có lợi cho NKT nhưng không khả thi trên thực tế vì NSDLĐ luôn
muốn lợi nhuận thu được là tối đa trong khi có sự ưu tiên về thời giờ làm việc
ít hơn lao động khác, NSDLĐ sẽ e ngại hiệu quả công việc, vì vậy, họ sẽ
không tuyển dụng NKT. Do đó, chính quy định này đã vô tình hạn chế cơ hội
việc làm của NKT.
Chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước đối với NKT và NSDLĐ khi
nhận NKT làm việc là yếu tố tác động rất lớn đến vấn đề việc làm cho NKT.
Bởi, khi nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống vật thể tiếp cận phục vụ quá trình


15

làm việc của NKT thì bản thân NKT có cơ hội đi lại tìm kiếm việc làm, dễ
dàng làm việc hiệu quả hơn. Ví dụ, nhà nước hỗ trợ phương tiện xe buýt cho
NKT thì việc đi lại phục vụ công việc của NKT thuận tiện hơn. Trong trường
hợp NKT tự tạo việc làm nếu có sự hỗ trợ vay vốn, miễn thuế thu nhập doanh
nghiệp thì NKT sẽ giảm bớt phần nào khó khăn, tiến tới làm ăn hiệu quả và có
lãi. Đối với NSDLĐ, có sự hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước tức là có động lực,

khuyến khích NSDLĐ tiếp nhận lao động khuyết tật và giải tỏa những e ngại
trong vấn đề đầu tư trang thiết bị tiếp cận NKT. Từ đó, cơ hội có việc làm bền
vững của NKT được nâng lên.
Thứ tư, trình độ học vấn, kĩ năng nghề nghiệp của NKT là yếu tố chủ
quan ảnh hưởng đến việc làm của NKT. Hiện nay, trình độ chuyên môn của
NKT vẫn còn thấp. NKT bị thiệt thòi bởi họ bị những khiếm khuyết về thể
chất, tinh thần do đó ảnh hưởng nhiều đến việc học hành. Học vấn là cơ sở để
có kiến thức phục vụ quá trình làm việc. Tuy nhiên, vì sức khỏe, hoàn cảnh
gia đình, điều kiện học tập mà NKT gặp khó khăn trong việc đến trường. Mặt
khác, các chương trình đào tạo nghề cho NKT chưa phù hợp, có ít trường
dành riêng cho NKT, học nghề chưa đi liền với tạo việc làm.
“Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của UN 90% trẻ em
khuyết tật ở các nước đang phát triển không được đưa đến trường. Về trình độ
học vấn nghiên cứu của UN thực hiện năm 1998 tỉ lệ biết đọc, biết viết ở
người trưởng thành bị khuyết tật trên toàn cầu là dưới 3%, ở phụ nữ khuyết
tật chỉ 1%” [16]. Trình độ học vấn thấp là một nguyên nhân khiến cho vấn đề
việc làm cho NKT trở nên khó khăn. NKT không được trang bị những kiến
thức chuyên môn cao, do đó, NKT chủ yếu đảm nhận những công việc đơn
giản, thủ công. Do vậy, để NKT ngày càng có thêm nhiều cơ hội việc làm
trong nhiều lĩnh vực khác nhau thì công tác giáo dục, đào tạo phải bài bản,
trình độ học vấn phải được nâng cao.


16

1.2.

Một số vấn đề lý luận về pháp luật việc làm cho người khuyết tật

1.2.1. Sự cần thiết phải điều chỉnh bằng pháp luật đối với vấn đề việc làm

cho người khuyết tật
Thứ nhất, xuất phát từ tầm quan trọng của việc làm đối với cuộc sống của
NKT, cụ thể như sau:
Việc làm giúp NKT có thu nhập, ổn định cuộc sống. Nếu NKT có việc
làm, đời sống vật chất cũng như tinh thần của NKT sẽ được nâng cao. Họ sẽ
có thu nhập để nuôi sống chính bản thân mình, không cần sống dựa vào sự
giúp đỡ của người khác, thậm chí họ có thể hỗ trợ gia đình và đóng góp cho xã
hội.
Bên cạnh đó, việc làm giúp NKT hòa nhập vào cộng đồng và tự tin hơn
trong cuộc sống. Nhiều NKT ý thức được vai trò và vị trí của họ trong xã hội,
tự tin vươn lên trong cuộc sống học tập và lao động như những không khuyết
tật. Việc làm sẽ là điều kiện và cơ hội tốt nhất để NKT trở nên tự tin trong
cuộc sống và tái hòa nhập cộng đồng do khi tham gia môi trường làm việc,
được tiếp xúc với nhiều người, hoạt động mang tính tập thể sẽ nhanh chóng
giúp họ hòa nhập xã hội. Mặt khác, việc làm tạo ra thu nhập cho NKT nên họ
sẽ cảm thấy tự tin hơn trong cuộc sống, thấy bản thân mình cũng có ích cho
gia đình, xã hội. Điều đó, ngày càng thúc đẩy họ làm việc và sống có ý nghĩa
hơn.
Ngoài ra, việc làm cho NKT góp phần phát huy nguồn nhân lực cho xã
hội. NKT là thành viên của xã hội không thể tách rời và họ cũng có trách
nhiệm trong việc tham gia vào các hoạt động của cộng đồng và đóng góp công
sức của mình vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia và
cũng có quyền được hưởng đầy đủ những thành quả phát triển của nhân loại.
Thực tế ở Việt Nam, NKT chiếm tỉ lệ tương đối nhiều, khoảng 5,3 triệu NKT


17

(chiếm 6,34% dân số). Dự báo trong nhiều năm tới, số lượng NKT ở Việt
Nam có khả năng tăng do tác động của ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng của

chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, tai nạn giao
thông, tai nạn lao động, hậu quả thiên tai. Nếu NKT được tạo điều kiện cần
thiết và tự mình vươn lên thì NKT có thể sống, hoạt động và đóng góp cho xã
hội theo sức khỏe và năng lực như những người không khuyết tật.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế, mỗi năm Việt Nam mất khoảng 3%
Tổng thu nhập quốc nội do thị trường lao động hạn chế tiếp nhận NKT. Thực
tế cho thấy, NKT cũng đã có những đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế của
đất nước. Hiện tại, có tới 75% NKT có khả năng lao động tham gia hoạt động
kinh tế, trong đó có tới 42,22% tự tạo việc làm. Điều này cho thấy NKT cũng
sẽ là lực lượng lao động, nguồn nhân lực của xã hội. Giải quyết việc làm cho
NKT cũng sẽ góp phần giải phóng và phát huy nguồn nhân lực cho xã hội.
Thứ hai, nhằm đáp ứng yêu cầu của Công ước về quyền của NKT của
Liên hợp quốc năm 2006. Ngày 22/10/2007, Việt Nam đã ký cam kết tham gia
Công ước về quyền của NKT, do đó, Việt Nam phải có sự rà soát để có sự
điều chỉnh các quy định trong pháp luật việc làm cho NKT; nội luật hóa các
quyền của NKT vào pháp luật nước nhà.
Thứ ba, bắt nguồn từ vai trò to lớn của NKT. Thực tế, cộng đồng người
trên thế giới cũng công nhận những giá trị đóng góp và tiềm năng to lớn của
NKT trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở các quốc gia. Hầu hết NKT
vẫn tham gia hoạt động kinh tế và xã hội và họ đã có những đóng góp đáng kể
vào quá trình phát triển của nhân loài điển hình như nhạc sĩ thiên tài
Beethoven bị khiếm thính nhưng vẫn để lại cho đời những tác phẩm âm nhạc
tuyệt vời. Giáo sư Stephen Hawking bị khuyết tật mắc bệnh thần kinh khiến
ông gần như mất hết khả năng cử động. Sau đó, ông phẫu thuật cắt khí quản


18

và không thể nói chuyện bình thường. Ông phải ngồi xe lăn, chỉ có thể nói
được qua một thiết bị tổng hợp tiếng gắn với một máy tính mà ông gõ chữ vào

đó. Hawking hiện là Giáo sư Lucasian, chức danh dành cho Giáo sư Toán học
của Đại học Cambridge. Từng đảm nhiệm vị trí này là những nhà khoa học
xuất chúng như Isaac Newton và Paul Dirac…[13]. Hoặc trường hợp Christine
Hà – Cô gái gốc Việt khiếm thị trở thành quán quân “Vua đầu bếp Mỹ” vào
ngày 10/09/2012 vừa qua. Những điển hình trên cho thấy NKT cũng lao động
miệt mài để nuôi sống bản thân, đóng góp vào sự phát triển của xã hội.
Thứ tư, hiện nay vẫn còn nhiều rào cản đối với NKT. Đó là các rào cản
về mặt tinh thần như sự phân biệt đối xử của xã hội về tuyển dụng, điều kiện
làm việc. Rào cản về mặt vật chất: Điều kiện cơ sở vật chất không cho phép
NKT tiếp cận và tham gia đầy đủ như không tiếp cận được giao thông công
cộng, không tiếp cận được các công sở, các tòa nhà làm việc. Rào cản về thể
chế như việc Nhà nước chưa có nhiều điều luật quy định về chống phân biệt
đối xử về cơ hội việc làm. Làm sao để phá bỏ các trở ngại trên cho NKT là bài
toán khó, vì vậy pháp luật cần có những quy định nhằm giải quyết vấn đề này.
Thứ năm, do những hạn chế của bản thân NKT. Có bộ phận NKT luôn ở
trong trạng thái tự ty, mặc cảm với số phận kém may mắn, mang tâm lí không
tự tin trong cuộc sống, sống thu mình, mang tâm lý sợ hãi, e ngại. Tâm lý này
ảnh hưởng rất lớn đến sự tham gia của họ vào đời sống xã hội và quan hệ lao
động. Do đó, việc làm đối với NKT cũng trở nên khó khăn đối với họ.“Trên
thế giới hiện có hơn 600 triệu người có khiếm khuyết về thể chất, cảm giác, trí
tuệ, hoặc tâm thần dưới các hình thức khác nhau. Con số này tương đương
khoảng 10% dân số thế giới. Quốc gia nào cũng có NKT và hơn 2/3 trong số
đó sống tại các nước đang phát triển” [6, tr1], trong đó có Việt Nam. NKT có
những khiếm khuyết về thể chất, trí tuệ, tâm thần gây nên những khó khăn cho


19

bản thân trong học tập, lao động, hơn nữa, sự quan tâm giáo dục, đào tạo, dạy
nghề của nhà nước và xã hội chưa thực sự sát sao dẫn đến trình độ học vấn, kỹ

năng nghề nghiệp của NKT còn thấp. Điều đó, ảnh hưởng đến khả năng có
việc làm của NKT.
1.2.2.

Các nội dung cơ bản của pháp luật điều chỉnh vấn đề việc làm
cho người khuyết tật

Nội dung cơ bản của pháp luật điều chỉnh vấn đề việc làm cho NKT bao
gồm:
Một là, quy định các nguyên tắc tuyển dụng lao động là NKT
Về nội dung này, pháp luật thường đề cập đến các nguyên tắc tuyển dụng
lao động sau đây:
Nguyên tắc nghiêm cấm phân biệt đối xử vì lí do khuyết tật. Nguyên tắc
này đảm bảo cho NKT được đối xử công bằng như những lao động khác trong
suốt quá trình tham gia quan hệ lao động, đặc biệt là bước tuyển dụng lao
động. Sở dĩ phải quy định nguyên tắc này bởi vì NKT là bộ phận yếu thế bởi
có những khiếm khuyết thể chất, tinh thần, gặp rất nhiều khó khăn, là đối
tượng dễ bị chèn ép, phân biệt, xa lánh. Đặc biệt trong lĩnh vực việc làm đòi
hỏi chuyên môn, kỹ năng thì sự phân biệt càng dễ nảy sinh kéo theo đó là sự
kì thị, phân biệt dẫn đến không tuyển dụng hoặc hạn chế tuyển dụng lao động
là NKT.
Nguyên tắc bình đẳng trong tuyển dụng lao động là NKT và không
khuyết tật. Pháp luật quy định nguyên tắc này nhằm tạo điều kiện tuyển dụng
lao động công bằng và thuận lợi cho NKT khi tham gia tuyển dụng để tham
gia vào quan hệ lao động, bao gồm: Bình đẳng về cơ hội; bình đẳng trả công,


×