Tải bản đầy đủ (.pdf) (98 trang)

CẢM HỨNG THẾ sự TRONG TRUYỆN NGẮN NAM bộ CUỐI THẾ kỷ XIX đầu THẾ kỷ XX

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (996.01 KB, 98 trang )

Luận văn tốt nghiệp

Sinh viên thực hiện: Phạm Thị Kim Trân

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

BỘ MÔN NGỮ VĂN

PHẠM THỊ KIM TRÂN
MSSV: 6095900

CẢM HỨNG THẾ SỰ TRONG TRUYỆN NGẮN NAM
BỘ CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẦU THẾ KỶ XX

Luận văn tốt nghiệp đại học
Ngành Ngữ Văn

Cán bộ hướng dẫn: ThS. HUỲNH THỊ LAN PHƯƠNG

1


Luận văn tốt nghiệp

Sinh viên thực hiện: Phạm Thị Kim Trân

ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
2. Lịch sử vấn đề


3. Mục đích nghiên cứu
4. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu
5. Phương pháp nghiên cứu

PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
1.1. Khái niệm về cảm hứng và cảm hứng thế sự
1.1.1. Khái niệm về cảm hứng sáng tác
1.1.2. Khái niệm về cảm hứng tư tưởng và cảm hứng chủ đạo
1.1.2.1. Cảm hứng tư tưởng
1.1.2.2. Cảm hứng chủ đạo
1.1.3. Khái niệm về cảm hứng thế sự

1.2. Những yếu tố khách quan góp phần tạo cảm hứng thế sự trong
truyện ngắn Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX
1.2.1. Hoàn cảnh chính trị, xã hội
1.2.2. Tình hình kinh tế
1.2.3. Đời sống văn hóa

1.3. Vài nét về truyện ngắn Nam Bộ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX
1.3.1. Lực lượng sáng tác
1.3.2. Các đề tài tiêu biểu

CHƯƠNG 2
CẢM HỨNG THẾ SỰ QUA NỘI DUNG MỘT SỐ TRUYỆN NGẮN
NAM BỘ CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẨU THẾ KỶ XX
2.1. Những vấn đề thế sự trong truyện ngắn Nam Bộ cuối thế kỉ XIX
đầu thế kỷ XX
2.1.1. Hiện thực về đời sống kinh tế của xã hội đương thời
2.1.1.1. Đời sống kinh tế nghèo nàn, lạc hậu

2


Luận văn tốt nghiệp

Sinh viên thực hiện: Phạm Thị Kim Trân

2.1.1.2. Vấn đề đồng tiền trong xã hội giao thời
2.1.2. Hiện thực về giai cấp thống trị
2.1.2.1. Quan lại bị tha hóa
2.1.2.2. Quan lại vô trách nhiệm
2.1.3. Vấn đề đạo đức và lối sống trong xã hội đương thời
2.1.3.1. Lối sống ăn chơi hưởng thụ phổ biến
2.1.3.2. Đạo đức con người bị sa sút nghiêm trọng

2.2. Quan điểm của các nhà văn trước những vấn đề thế sự
2.2.1. Sự lí giải của các nhà văn về thế sự
2.1.2 Cách giải quyết cho những vấn đề thế sự

CHƯƠNG 3
CÁC YẾU TỐ NGHỆ THUẬT GÓP PHẦN THỂ HIỆN
CẢM HỨNG THẾ SỰ
3.1. Ngôn ngữ
3.2. Nhân vật
3.3. Kết cấu truyện
3.4. Không gian nghệ thuật
3.5. Thời gian nghệ thuật
3.6. Chi tiết nghệ thuật

PHẦN KẾT LUẬN

TÀI LIỆU THAM KHẢO

3


Luận văn tốt nghiệp

Sinh viên thực hiện: Phạm Thị Kim Trân

PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Ở các giai đoạn trước, cảm hứng yêu nước, cảm hứng sử thi, cảm hứng
công dân,… được các nhà văn Việt Nam lấy làm cảm hứng chủ đạo cho tác
phẩm của mình thì giờ đây trước buổi bình minh của tiến trình hiện đại hóa văn
học, văn học hai miền Nam Bắc giai đoạn cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX
với những nhà văn bắt đầu hướng cái nhìn, sự quan tâm của mình nhiều hơn đến
hiện thực cuộc sống, họ bắt đầu nói nhiều hơn, suy ngẫm nhiều hơn về những giá
trị đạo đức, nhân cách sống của con người. Có thể nói, vấn đề thế sự là một trong
những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm từ độc giả bởi lẽ đó là những gì gần
gũi, gắn bó với đời sống con người. Đặc biệt là đối với người cầm bút bởi họ là
những người có tâm hồn nhạy cảm trước thời cuộc và cũng bởi để tạo nên những
tác phẩm có giá trị lớn thì tác phẩm đó phải mang tính hiện thực xã hội, gần gũi
với thực tế đời sống và phản ánh chân thực những vấn đề đang diễn ra trong
cuộc sống con người.
Xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, văn học Quốc ngữ Nam
Bộ đã có những cách tân đáng kể và được xem là sớm nhất nước ta, cũng như đã
đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của quá trình xây dựng nền văn học Quốc
ngữ hiện đại. Nói đến văn học Quốc ngữ Nam Bộ giai đoạn này là nói đến sự
mới mẻ, phong phú, đa dạng về đề tài, đặc biệt là ở mảng truyện ngắn, với những
nhà văn có tâm hồn luôn nhạy cảm trước cuộc đời, họ mang đến những sản phẩm

tinh thần hết sức gần gũi, phản ánh hết sức chân thực những vấn đề đang diễn ra
trong đời sống. Có thể nói rằng, truyện ngắn đã trở thành phương tiện đắc lực để
các nhà văn tái hiện một cách sinh động, đa diện, đa chiều về những chuyển biến
hết sức phức tạp của bối cảnh xã hội miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Tuy
nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan cho rằng Nam Bộ không
phải là “mảnh đất văn chương” vì thế một thời gian dài văn học Nam Bộ nói
chung, truyện ngắn Nam Bộ nói riêng không được chú trọng khảo sát. Song, đến
nay, sau nhiều thập niên bị lùi vào quên lãng thì mảng truyện ngắn Nam Bộ đã
trở về đúng vị trí của nó, bắt đầu nhận được sự quan tâm, tiến hành nghiên cứu
đúng mức ở những quy mô khác nhau.
4


Luận văn tốt nghiệp

Sinh viên thực hiện: Phạm Thị Kim Trân

Qua quá trình tìm hiểu, khảo sát các tác phẩm văn học Nam Bộ, người
viết chọn đề tài “Cảm hứng thế sự trong truyện ngắn Nam Bộ cuối thế kỷ XIX
đầu thế kỷ XX”, trước tiên là sự yêu thích đối với thể loại truyện ngắn, bên cạnh
đó nghiên cứu đề tài này một phần nào đó giúp người viết có cái nhìn sâu sắc
hơn, thấu đáu hơn về những vấn đề thế sự thông qua quan niệm của các nhà văn,
và cách mà họ lí giải cho những vấn đề ấy khi đưa ra trong tác phẩm của mình,
cũng như một phần nào đấy giúp người viết hiểu rõ hơn những đóng góp quí báo
mà các cây bút truyện ngắn Nam Bộ đã cống hiến. Như những thư kí trung thành
của thời đại, các ngòi bút Nam Bộ đã ghi dấu những điều văn học và xã hội cùng
trải qua trong lịch sử.

2. Lịch sử vấn đề
Trong những năm trở lại đây, mảng truyện ngắn Nam Bộ đã phần nào

khẳng định được ý nghĩa, giá trị của mình trong lòng độc giả, đồng thời bắt đầu
nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu thông qua việc sưu tầm,
tổng hợp, khảo sát, được tiến hành với những quy mô khác nhau. Ở nhà trường,
thì với các luận án tốt nghiệp Đại học, Thạc sĩ,… . Ở lĩnh vực nghiên cứu chuyên
môn, thì có các công trình của các cá nhân và tập thể. Về cơ bản, bước đầu đã có
những nghiên cứu, đánh giá đúng mức, thỏa đáng về mảng văn học này. Trong
cái nhìn tổng quan từ trước và sau năm 1975, những công trình nghiên cứu về
Văn học Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, có thể kể đến như:
Năm 1992, có công trình nghiên cứu của Bùi Đức Tịnh “Những bước đầu
của báo chí, truyện ngắn, tiểu thuyết và thơ mới (1865-1932)”, quyển sách được
xuất bản lần 2 (xuất bản lần thứ nhất năm 1975 không có những tác phẩm truyện
ngắn), lần này được tác giả bổ sung thêm vào mảng truyện ngắn đã góp phần làm
nội dung tác phẩm được phong phú và trọn vẹn hơn. Tuy chỉ vỏn vẹn với sáu
đoản thiên tiểu thuyết, song với lời nhận xét: “Nói chung, các truyện ngắn đáp
ứng yêu cầu của đa số độc giả đương thời hơn là thể hiện ảnh hưởng của văn
học Pháp. Mục đích của người viết là giúp người đọc “mua vui” và suy ngẫm về
nhân tình thế thái” [18; 126], nó cũng góp phần không nhỏ vào nguồn tư liệu có
giá trị cho quá trình khảo sát.
Năm 1997, khi bàn về chất lượng văn học trong các sách truyện ở miền
Nam cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, Cao Xuân Mỹ đã biên soạn quyển
5


Luận văn tốt nghiệp

Sinh viên thực hiện: Phạm Thị Kim Trân

“Truyện dài đầu tiên và Tuyển tập các truyện ngắn Nam Bộ (cuối thế kỷ XIX đến
đầu thế kỷ XX)”, tác phẩm không đi sâu vào bàn luận mà chỉ tổng hợp những
mẫu truyện ngắn, góp phần giúp cho các nhà nghiên cứu thuận tiện trong việc

tìm tư liệu khảo sát. Những câu chuyện trong 20 truyện ngắn của tập sách là
những chuyện đời thường của xã hội lúc bấy giờ. Tuyển tập ra đời có ý nghĩa
quan trọng, là cơ sở, tiền đề cho việc nghiên cứu và khảo sát truyện ngắn Nam
Bộ giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Đến năm 2000, tiếp nối những công trình trước đó, Cao Xuân Mỹ cùng
Mai Quốc Liên ra mắt bạn đọc quyển “Tuyển tập truyện ngắn và văn xuôi Nam
Bộ nửa đầu thế kỷ XX, tập 2”. Trong tuyển tập này, có những tác phẩm đoản
thiên tiểu thuyết thật đặc sắc của Trần Quang Nghiệp, mà theo Mai Quốc Liên
thì “Các đoản thiên tiểu thuyết của Trần Quang Nghiệp mà như ngày nay gọi là
truyện cực ngắn hay truyện mini là những hoạt động bi hài đầy tính thời sự mà
cho tới ngày nay vẫn còn nguyên giá trị” [9; 8]. Bên cạnh đó, ông còn nhận định
“Nội dung các đoản thiên tiểu thuyết của Trần Quang Nghiệp tập trung vào các
vấn đề đạo đức, nhân cách con người trong buổi giao thời nhố nhăng. Lời văn
nhẹ nhàng, dí dỏm nhưng tính phê phán lại sâu sắc, giàu ý nghĩa, người đọc
luôn rút ra được những bài học sau dấu “…” của truyện”. [9; 8]. Đây cũng là sự
đóng góp rất đáng kể cho văn học Nam Bộ giai đoạn đầu, vì rằng Trần Quang
Nghiệp cũng là một trong những cây bút tiêu biểu cho truyện ngắn Nam Bộ
đương thời.
Khi vai trò, vị trí của mảng truyện ngắn Nam Bộ giai đoạn đầu được nhìn
nhận và khẳng định thì việc tìm hiểu về chúng được phong phú và đa dạng hơn
với nhiều đề tài, chủ đề khác nhau. Song, đối với đề tài “Cảm hứng thế sự trong
truyện ngắn Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX” vẫn còn là vấn đề khá mới
mẻ trong nghiên cứu. Nhìn chung, các tác giả khi bắt tay vào nghiên cứu về
“cảm hứng thế sự” của văn học giai đoạn này thường đi sâu vào mảng tiểu
thuyết, hoặc ở truyện ngắn thì chỉ đi sâu vào vấn đề thế sự đặt ra trong những tác
phẩm của một nhà văn nhất định, chưa có sự nhận định về “nhân tình thế thái”
một cách rộng rãi, khác nhau giữa các quan điểm của nhiều cây bút truyện ngắn
cùng thời. Song, tất cả những công trình đấy là những đóng góp rất đáng kể,

6



Luận văn tốt nghiệp

Sinh viên thực hiện: Phạm Thị Kim Trân

đồng thời cũng là những nền tảng hết sức vững chắc cho sự nghiên cứu khảo sát
sau này và có thể kể đến những công trình như:
“Cảm hứng thế sự - điểm gặp gỡ và khác biệt giữa tiểu thuyết Hồ Biểu
Chánh với tiểu thuyết một số tác giả miền Bắc cùng thời” của hai tác giả Nguyễn
Văn Nở và Huỳnh Thị Lan Phương. Hoặc, “Cảm hứng thế sự trong truyện ngắn
Phạm Duy Tốn” (Luận văn tốt nghiệp đại học), người viết đã đưa ra cái nhìn, sự
trăn trở của nhà văn Phạm Duy Tốn trước những vấn đề thời cuộc,…
Trong quá trình nghiên cứu, kiến thức cũng như sự hiểu biết của người
viết còn rất nhiều hạn hẹp, vẫn chưa thực vững vàng nhưng người viết mong
rằng với đề tài này sẽ góp một phần nhỏ của mình vào nguồn tài liệu giúp tìm
hiểu và khảo sát về cảm hứng thế sự, về những chuyện đời, chuyện thế thái nhân
tình trong xã hội miền Nam buổi giao thời đã cùng trôi theo dòng chảy văn học.

3. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu đề tài “Cảm hứng thế sự trong truyện ngắn Nam Bộ cuối thế
kỷ XIX đầu thế kỷ XX”, mang đến cho chúng ta cái nhìn sâu sắc hơn về hiện thực
xã hội lúc bấy giờ, đồng thời còn giúp chúng ta thấu đáu hơn về quan điểm, về
cách nhìn, cách đánh giá, cũng như cách tái hiện chân dung cuộc sống của các
cây bút truyện ngắn ở miền Nam trong giai đoạn này. Qua sự lí giải về những
vấn đề thế sự mà các nhà văn đặt ra trong tác phẩm sẽ phần nào cho chúng ta
thấy rõ hơn từng bước phát triển của quá trình hiện đại hóa nền văn học nước
nhà.
Ngoài ra, nghiên cứu đề tài này sẽ giúp chúng ta càng hiểu rõ hơn về sự
đóng góp đáng kể của văn xuôi tự sự quốc ngữ Nam Bộ, trong đó có mảng

truyện ngắn với những nét mới trong cách nhìn, cách đánh giá hiện thực cuộc
sống con người của các tác giả, sẽ góp thêm cơ sở để khẳng định vị trí, vai trò đi
tiên phong của trong quá trình hiện đại hóa văn học đầu thế kỷ XX.

4. Phạm vi nghiên cứu
Với đề tài này, người viết sẽ tập trung khai thác những vấn đề thế sự mà
các nhà văn Nam Bộ đã đặt ra trong các tác phẩm của mình, tiêu biểu qua những
nội dung sau: sự sa sút nghiêm trọng về đạo đức và lối sống trong xã hội buổi
giao thời; xã hội xuất hiện những chuyện lường gạt phổ biến cũng vì háo danh,
ham tiền,…; quan hệ trong gia đình ngày càng lỏng lẻo; con người chạy theo lối
7


Luận văn tốt nghiệp

Sinh viên thực hiện: Phạm Thị Kim Trân

sống mới, thích ăn chơi, hưởng thụ, xa hoa; hiện thực về giai cấp thống trị phong
kiến đương thời: tham nhũng, vô trách nhiệm,… tất cả những yếu tố đấy mang
đến sự nhiễu nhương, rối ren, bất cập trong xã hội, phần nào làm vơi đi những
giá trị đạo đức vốn có của con người. Bên cạnh những nội dung thể hiện cảm
hứng thế sự thì còn có sự đóng góp rất lớn của các yếu tố nghệ thuật cũng góp
phần thể hiện cảm hứng ấy.
Để nghiên cứu về đề tài này, vì thời gian và sự hiểu biết có hạn, người
viết tìm hiểu thông qua một số đoản thiên tiểu thuyết Nam Bộ từ cuối thế kỷ XIX
đến đầu thế kỷ XX, mà tiêu biểu nhất là những đoản thiên tiểu thuyết của nhà
văn Trần Quang Nghiệp, nhà văn Bửu Đình và một số tác giả cùng thời khác.
Đồng thời, người viết cũng đối chiếu những vấn đề thế sự mà các nhà văn miền
Nam thể hiện với các nhà văn miền Bắc cùng thời (như Nguyễn Bá Học, Phạm
Duy Tốn), để giúp chúng ta có cái nhìn rõ nét và thông suốt hơn về những

chuyện đời, những việc đời nhưng không kém luân lí và bài học đạo đức cho
công chúng, độc giả ở cả hai miền Nam Bắc.

5. Phương pháp nghiên cứu
Với đề tài này, người viết vận dụng nhiều phương pháp để tiến hành
nghiên cứu. Trước nhất, người viết sử dụng các phương pháp như khảo sát,
thống kê, phân loại nhằm tổng hợp tài liệu để nắm rõ hơn những đoản thiên tiểu
thuyết của một số tác giả đã có công đóng góp cho kho tàng văn học Nam Bộ nói
chung và truyện ngắn Nam Bộ nói riêng, phương pháp này còn giúp người viết
có cái nhìn khái quát hơn về đối tượng nghiên cứu, đồng thời cũng giúp thuận
tiện cho quá trình khảo sát. Cùng với đó, người viết sử dụng kết hợp với các thao
tác phân tích, bình luận, chứng minh, nhằm làm rõ những vấn đề thế sự mà các
nhà văn đã đặt ra, cũng như những boăn khoăn, trăn trở, lí giải của họ thông qua
các tác phẩm của mình.
Bên cạnh đó, người viết còn sử dụng các phương pháp lịch sử, phương
pháp đồng đại, để đối chiếu hiện thực xã hội, những vấn đề thế sự xoay quanh
cuộc sống đời thường thông qua các đoản thiên tiểu thuyết của một số nhà văn
Nam Bộ với các tác phẩm của một số nhà văn Bắc Bộ cùng thời (Phạm Duy Tốn,
Nguyễn Bá Học).

8


Luận văn tốt nghiệp

Sinh viên thực hiện: Phạm Thị Kim Trân

PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1
NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

1.1. Khái niệm về cảm hứng và cảm hứng thế sự
1.1.1. Khái niệm về cảm hứng sáng tác
Tác phẩm văn chương là sản phẩm tinh thần đặc biệt của nhà văn, và để
có được sản phẩm tinh thần đặc biệt ấy, chắc chắn các nhà văn đã phải trải qua là
rất nhiều suy tư, trăn trở. Khi những “đứa con tinh thần” ra đời sẽ đánh dấu cho
cả chặng đường dày công khổ luyện, và chứa đựng tất cả tâm huyết, lòng nhiệt
thành cũng như sẽ giúp độc giả nhận định được tài năng của người cầm bút. Một
trong những nhân tố quan trọng góp phần làm nên phong cách nghệ thuật của
nhà văn đó là cảm hứng sáng tác. Ngoài vốn sống, những trải nghiệm phong phú
trước cuộc đời, và một năng khiếu bẩm sinh thì đòi hỏi nhà văn còn phải có một
tâm hồn nhạy cảm, tinh tế. Có như thế mới có cái nhìn sâu sắc và thể hiện vấn đề
lên trang viết một cách thật sâu sắc được, và cũng có như thế mới có thể làm
rung động lòng độc giả.
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, có rất nhiều ý kiến đã đề cập đến những
yếu tố về “cảm hứng”, “tưởng tượng” trong sáng tác tác phẩm văn học. Song,
cảm hứng ở đây được xem là nhân tố khơi nguồn cho mọi sự thăng hoa trong
sáng tạo nghệ thuật, hay khác hơn nó là động lực để làm nên giá trị của tác
phẩm. Đồng thời, cảm hứng là một trạng thái tâm hồn đặc biệt thuộc về người
nghệ sĩ, đó là trạng thái căng thẳng nhưng say mê khác thường và muốn làm
ngay một việc “khác thường”. Chính vì lẽ đó, đã có rất nhiều nhận định không
giống nhau về nó.
Trong bài Bàn về thơ Nôm (1917), Phạm Quỳnh nêu ý kiến: “Dù vậy cốt
nhất vẫn là phải nuôi lấy cái “hứng” ở trong lòng trước đã. Đã có cái cảm hứng
đặc biệt thì làm thế nào cũng tìm được lời thích đáng mà diễn ra”. Còn theo “Từ
điển thuật ngữ văn học” do Lê Bá Hán, Trần Đình Sử và Nguyễn Khắc Phi chủ
biên, có nêu định nghĩa về “cảm hứng”: “Cảm hứng là trạng thái tình cảm mãnh
liệt, say đắm xuyên suốt tác phẩm nghệ thuật, gắn liền với một tư tưởng xác

9



Luận văn tốt nghiệp

Sinh viên thực hiện: Phạm Thị Kim Trân

định, một sự đánh giá nhất định, gây tác động đến cảm xúc của những người tiếp
nhận tác phẩm”.
Cảm hứng như một cơn gió thổi đến làm mát dịu những tâm hồn khô khan
và đồng thời xoáy tung cảm xúc của họ, nói như Nguyễn Quỳnh trong lời tựa tập
Tây hồ mạn hứng của Ninh Tốn; “Người như sông biển, chữ như nước, hứng thì
như gió. Gió thổi tới sông biển, cho nên nước lay động làm thành gợn, thành
sóng, thành ba đào. Hứng chạm vào người ta cho nên chữ nổi dậy, không thể nín
được sinh ra ở trong lòng ngâm vịnh ở trong miệng, viết nên ở bút nghiêng, giấy
mực”.
Bên cạnh đó, trong quyển Từ điển tiếng việt 1999 - 2000 (Nguyễn Văn
Đạm chủ biên – Nxb Văn học tuổi trẻ, Hà Nội), cũng có định nghĩa về “cảm
hứng”: “Cảm hứng đó là luồng ý nghĩa tư tưởng có tính chất sáng tạo thường
đột nhiên nảy sinh trong lòng nhà văn”. Tiếp đến, Hoàng Trung Thông thì nói
đến những điều gợi cảm hứng cho người nghệ sĩ: “Đứng trước một cảnh đẹp,
người làm thơ cảm thấy hứng thú. Lăn vào một cuộc sống, chiến đấu và lao động
người làm thơ cũng cảm thấy hứng thú…”. Theo đó, nhà thơ đưa ra cách hiểu
của mình về cảm hứng như sau: “Cảm hứng được người ta xem như cái gì huyền
diệu nhưng thực ra nó là một sự đồng cảm giữa con người với con người, giữa
con người với thiên nhiên, giữa sự thành công và thất bại, nỗi đau và niềm vui,
vì thế cho nên ở Việt Nam mới có chữ “cụt hứng” hoặc là “mất hứng” để nói khi
ta không còn có sự tiếp nhận một cách sung mãn với thiên nhiên hay với cuộc
đời, với con người”.
Vì lẽ đó, cảm hứng sáng tác có thể là “niềm say mê”, cũng có thể đó là
những “ham muốn tích cực”, và khi những yếu tố ấy dâng cao trong lòng người
nghệ sĩ tự khắc sẽ đưa đến hành động. Tuy nhiên, cảm hứng không cho phép nhà

văn đặt ngòi bút lên trang viết của mình với những ý tưởng nhạt nhẽo, rỗng tuếch
mà phải là “khơi những nguồn chưa ai khơi và tìm những gì chưa có” (Đời thừa
– Nam Cao), để làm được điều đó ngoài cảm hứng ấp ủ, tích tụ trong lòng còn
cần phải có thời khắc thích hợp với ngọn lửa nhiệt huyết cao độ thì mới tạo được
sự thăng hoa, tỏa sáng. Suy cho cùng, cảm hứng chỉ là chất xúc tác nhằm khơi
nguồn cho những ý tưởng mới lạ và đứa con tinh thần của người cầm bút đẹp đẽ

10


Luận văn tốt nghiệp

Sinh viên thực hiện: Phạm Thị Kim Trân

hay xấu xí còn phụ thuộc vào sự rèn giũa tư duy của mỗi người thì mới mong
mang lại giá trị và có sức sống lâu bền trong lòng độc giả.
Như vậy, cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn chương được hình thành từ
xúc cảm của người nghệ sĩ trước hiện thực khách quan. Và sáng tác được xem là
sự giao hòa giữa tâm hồn nhà thơ và ngoại giới bằng cảm xúc. Qua các lối diễn
đạt khác nhau, nhiều ý kiến khác nhau về cảm hứng sáng tác, cho thấy nó là yếu
tố quan trọng được xem như một lớp nội dung của tác phẩm văn học, góp phần
đưa người nghệ sĩ tới đỉnh cao của cái đẹp và sáng tạo ra cái đẹp.

1.1.2. Khái niệm về cảm hứng tư tưởng và cảm hứng chủ đạo.
1.1.2.1. Cảm hứng tư tưởng
Theo Phương Lựu “Cảm hứng trong tác phẩm trước hết là niềm say mê
khẳng định chân lí, lí tưởng, phủ định sự giả dối và mọi hiện tượng xấu xa tiêu
cực, là thái độ ngợi ca đồng tình với những nhân vật chính diện, là sự phê phán,
tố cáo các thế lực đen tối, các hiện tượng tầm thường”.
Cảm hứng tư tưởng trong tác phẩm là những nhận thức, lí giải, là thái độ

của người cầm bút đối với “đứa con tinh thần” của mình. Nó được thể hiện ở cả
hai phương diện: nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Tư tưởng là linh hồn, là
hạt nhân, là kết tinh của những cảm nhận và nó được thể hiện sống động qua
những vấn đề nhân sinh trong tác phẩm. Nội dung của cảm hứng tư tưởng trong
tác phẩm đó là những tình cảm xã hội đã được ý thức và những tình cảm ấy,
hoặc có thể là sự khẳng định: ngợi ca, biết ơn, tin tưởng, yêu thương, đau xót,
thương tiếc,… hoặc có thể là sự phủ định những hiện tượng xấu xa, tiêu cực: tố
cáo, căm thù, phẫn nộ, châm biếm, chế giễu, mỉa mai,…
Có thể nói, cảm hứng tư tưởng thuộc về phương diện chủ quan của nội
dung tác phẩm và tư tưởng ấy náu mình trong những hình tượng sinh động,
những cảm hứng sâu lắng của tác giả. Theo Bêlinxki cho rằng: “Tư tưởng thơ, đó
không phải là phép tam đoạn luận, không phải là giáo điều mà là một ham mê
sống động, đó là cảm hứng”. Ông lại giải thích rằng: “Trong cảm hứng nhà thơ
là người yêu tư tưởng như yêu cái đẹp, yêu một sinh thể sống, thấm nhuần tư
tưởng một cách nhiệt tình”.
Như vậy, cảm hứng là một tình cảm mạnh mẽ, nó chứa đựng tư tưởng và
những ham muốn tích cực để đưa nhà văn đến hành động. Cảm hứng tư tưởng là
11


Luận văn tốt nghiệp

Sinh viên thực hiện: Phạm Thị Kim Trân

sức mạnh của tâm hồn, nó làm lay động tâm hồn và phát ra một sức mạnh hùng
hậu không mang dấu ấn của sự tầm thường, giả tạo. Có chăng, đó là những động
lực thúc đẩy người nghệ sĩ vươn tới những cảm hứng nghệ thuật chân chính, đích
thực.

1.1.2.2. Cảm hứng chủ đạo

Theo Bêlinxki - nhà lí luận văn học Xô Viết, cảm hứng chủ đạo được hiểu
như là “điều kiện không thể thiếu được của việc tạo ra những tác phẩm hiện
thực”, vì lẽ nó là động lực biến sự chiếm lĩnh thuần túy của trí óc về tư tưởng
thành một tình yêu mãnh liệt, một khát vọng nhiệt thành để châm ngòi cho
những hành động, những suy nghĩ tích cực.
Còn theo Hêghen thì, “Cảm hứng chủ đạo là tình thần thời đại xuất hiện
trong cá nhân”, mà ở đây “Cảm hứng chủ đạo cần hiểu là tình cảm xã hội của
thời đại xuất hiện trong tác phẩm”. Những cảm hứng ấy, có thể là cảm hứng yêu
nước, cảm hứng công dân, cảm hứng nhân loại, cảm hứng anh hùng,… nói đến
những cảm hứng ấy chính là nói đến những tình cảm mang ý tưởng lớn chi phối
sự đánh giá trong tác phẩm.
Những tư tưởng tầm thường, giả tạo sẽ không thể mang lại niềm say mê
cho người tiếp nhận, bởi cảm hứng chủ đạo như dòng mạch ngầm tư tưởng của
tác phẩm, là yếu tố làm chi phối, khuấy động không khí xúc cảm của cá nhân
người sáng tác lẫn đối tượng tiếp nhận thành quả sáng tạo. Hay nói cách khác, đó
là những rung động trong tâm hồn nhà văn chi phối sự thống nhất của cảm xúc
hiện tượng và hệ thống biểu cảm nghệ thuật của tác phẩm.
Xem xét cảm hứng chủ đạo của một tác phẩm ta phải có cái nhìn từ nhiều
bình diện. Cảm hứng chủ đạo với cái nhìn dưới tư cách là tác giả đối với hiện
thực được miêu tả, giúp ta có thể cắt nghĩa được sự vận động của một số yếu tố
nội dung, hình thức trong chỉnh thể tác phẩm. Nếu đặt cảm hứng chủ đạo với cái
nhìn dưới tư cách là yếu tố bản thân nội dung tác phẩm, sẽ giúp ta chỉ ra được
mạch cảm xúc tuôn chảy trong tác phẩm, cũng như lí giải được phần nào sức hấp
dẫn, sức sống của tác phẩm với công chúng, độ bền bỉ của tác phẩm với thời
gian.
Nói như vậy để thấy rằng, cảm hứng chủ đạo quả thực đóng vai trò vô
cùng quan trọng đối với quá trình sáng tạo và thưởng thức văn học nghệ thuật.
12



Luận văn tốt nghiệp

Sinh viên thực hiện: Phạm Thị Kim Trân

Nó như là sự hòa điệu tuyệt vời giữa thế giới quan và tài năng, bản lĩnh và mức
độ thâm nhập của người sáng tác vào hiện thực đời sống, cũng như nó có khả
năng làm thức tỉnh những tình cảm ở độc giả, làm tiền đề cho sự tiếp nhận sâu
sắc tác phẩm, biến quá trình tiếp nhận một cách khô khan thành tự nguyện nhờ
sự đồng cảm thăng hoa nghệ thuật.

1.1.3. Khái niệm về cảm hứng thế sự
Nói đến cảm hứng là nói đến trạng thái tâm hồn đặc biệt của người nghệ
sĩ nhằm khơi nguồn cho mọi sáng tạo nghệ thuật. Nói đến cảm hứng thế sự là nói
đến cảm hứng về cuộc sống đời thường, là những điều tai nghe mắt thấy trong
cuộc sống thường nhật để rồi bằng sự chiêm nghiệm thực tiễn người nghệ sĩ sẽ
chế tác ra “đứa con tinh thần” chứa đựng tất cả sự kì vọng của mình, và những
tác phẩm nghệ thuật ấy đó có thể là những suy nghĩ, tình cảm đối với cuộc sống,
là việc đời, là những lẽ thường và là cả những suy ngẫm về những con người
hiện tại. Những tác phẩm mang cảm hứng thế sự thường hướng đến những gì gần
gũi, và quen thuộc trong đời sống, mà ở đó người cầm bút đã lắng nghe bằng trái
tim nhiệt thành, để rồi từ những vụn vặt ấy họ đã giúp độc giả nhận ra chân giá
trị cuộc sống.

1.2. Những yếu tố khách quan góp phần tạo cảm hứng thế sự trong
truyện ngắn Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX
1.2.1. Hoàn cảnh chính trị, xã hội
Đầu năm 1858, thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên xâm lược nước ta ở
bán đảo Sơn Trà, đó cũng chính là bước mở đầu cho dã tâm khai thác và bình
định Việt Nam. Đến năm 1897, về cơ bản bọn thực dân phong kiến đã thực hiện
xong công cuộc chiếm lĩnh ở Việt Nam, chúng cử tên Pôn-đu-me sang làm toàn

quyền Đông Dương và từ đó nước ta từ một quốc gia có chủ quyền bỗng phút
chốc trở thành thuộc địa của một đế quốc lớn mạnh và xa lạ ở phương Tây. Bên
cạnh những công trình khai thác thuộc địa mang tính quy mô mà với chúng đó là
khai hóa văn minh, xây dựng trật tự mới, nhưng thực chất dưới chiêu bài khai
hóa ấy chỉ là những trò lừa bịp nhằm thực hiện chiến lược vơ vét khai thác tài
nguyên thiên nhiên của nước ta, bóc lột nhân dân để làm giàu cho chúng điển
hình là bọn chúng ban hành những chính sách cai trị hà khắc đối với nhân dân ta,
đẩy nhân dân ta lâm vào bao cảnh lầm than, khốn khổ. Núp dưới bộ mặt khai hóa
13


Luận văn tốt nghiệp

Sinh viên thực hiện: Phạm Thị Kim Trân

văn minh bọn chúng nhằm mưu đồ, dã tâm cướp nước ta, để thực hiện được điều
đó chúng ban hành Hội đồng tư vấn, bày trò dân chủ giả hiệu, lập ra Viện hàn
lâm Bắc kì để dựng lên cái qui luật bảo vệ và phát triển văn hóa. Dân tộc Việt
Nam nói chung, đồng bào miền Nam nói riêng dưới sự cai trị của thực dân Pháp
đã và đang phải đối mặt với những tháng ngày đau thương, bi đát nhất của lịch
sử. Xã hội xáo trộn đảo điên với bao cảnh lầm than, bao cảnh nhá nhem bất cập
và hứng chịu vẫn là những người dân vô tội vạ. Chính những lẽ trên, xã hội Việt
Nam phải chứng kiến, phải gánh chịu những thay đổi lớn cả về chính trị, kinh tế,
văn hóa, lẫn giáo dục.
Từ sau hòa ước năm 1884, Nam Bộ đã sớm trở thành xứ thuộc địa do thực
dân Pháp cai trị, cũng chính vì thế vùng đất này chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn
minh vật chất và văn minh tinh thần từ phương Tây. Sau khi chiếm được Nam
Kỳ, thực dân Pháp thành lập chính quyền quân sự mà mọi quyền lực đều nằm
trong tay chúng. Pháp đặt ra Hội đồng quản hạt Nam Kỳ trong đó có sáu người
Việt và sáu người Pháp, họ ráo riết đề bạt thuế vụ và ngân sách, cứ thế bọn

chúng tăng cường bóc lột nhân dân ta, ban đầu sự bóc lột của chúng chỉ là sưu
thuế, mức thuế còn nặng nề hơn cả triều đình nhà Nguyễn đã từng ban hành, về
sau chúng lại độc quyền về thuốc phiện và rượu. Dưới ách áp bức nặng nề của
thực dân Pháp, những cuộc vận động và đấu tranh cách mạng diễn ra ngày càng
sôi nỗi, liên tiếp dưới sự lãnh đạo của tầng lớp sĩ phu yêu nước phần nào được
tiếp thu tri thức tân học. Điển hình là phong trào “Cải cách duy tân” gắn với
những tên tuổi như: Phan Bội Châu, Cường Để, Nguyễn Thành Hiến, Trần
Chánh Chiếu,… Ngoài ra, phong trào Đông Du phát triển một cách mạnh mẽ ở
Nam Kỳ (1907-1908), con số du học sinh trên dưới hai trăm người, chỉ riêng ở
Nam Kỳ đã chiếm một trăm người trong tổng số. Sau vụ chống đi phu, chống
nộp thuế ở Trung Kỳ năm 1908 và nhất là vụ Hà thành đầu độc tháng 6 năm
1908, thực dân Pháp càng tăng cường đàn áp cuối cùng phong trào Duy tân cũng
tan rã. Riêng ở Nam Kỳ, vẫn tồn tại những Hội kín âm thầm tập hợp lực lượng
chờ cơ hội khởi nghĩa. Có các cuộc khởi nghĩa của Phan Xích Long năm 1913,
cuộc đánh phá Khám lớn của quân dân ở Sài Gòn diễn ra năm 1916,... Tuy
nhiên, do thiếu tổ chức, thiếu sự chỉ huy nên cuối cùng các phong trào ròng rã rồi

14


Luận văn tốt nghiệp

Sinh viên thực hiện: Phạm Thị Kim Trân

cũng thất bại, song vẫn thấy được tinh thần yêu nước mãnh liệt và tinh thần
kháng Pháp quật cường của nhân dân ta.
Chính sách khai thác thuộc địa đã làm cho vùng đất Nam Bộ mang những
đặc điểm riêng về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa so với Bắc Bộ và Trung Bộ.
Xã hội có những thay đổi sâu sắc trong buổi giao thời, đáng chú ý là sự xuất hiện
của tầng lớp tiểu tư sản thị dân, bộ phận công chúng mới ở các đô thị. Những

người nông dân đói khổ bỏ ruộng nương lên thành thị kiếm sống, một số ít người
thì được làm việc trong các công xưởng, nhà máy hay đồn điền thực dân, đa số
còn lại trở thành những anh bồi, những phu xe, những vú em, con ở, những
người “mua gánh bán bưng” và một bộ phận thì trở thành lưu manh, gái điếm,…
Trong sự tái cấu trúc về mặt xã hội của Nam Bộ thời kì này, đáng chú ý nhất là
sự xuất hiện của tầng lớp tiểu tư sản, bộ phận công chúng mới ở các đô thị,
những người nông dân nghèo, đói khổ bỏ ruộng nương lên thành thị kiếm sống,
kéo theo xã hội tăng đáng kể số lượng dân nghèo thành thị với đời sống tạm bợ
bấp bênh. Dân số tập trung ngày càng cao ở các đô thị đồng thời cũng kéo theo
nhiều sự hỗn tạp và tệ nạn xã hội. Khi thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc
địa lần thứ hai, xã hội miền Nam tiếp tục biến đổi theo con đường tư sản hóa,
theo hướng của xã hội hiện đại phương Tây. Pháp đầu tư vào Việt Nam mạnh mẽ
hơn, chúng tăng cường khai thác đất đai để xuất khẩu gạo, lập đồn điền để trồng
cao su, cà phê và các loại cây công nghiệp khác. Thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn
từ đó trở thành trung tâm chính trị, văn hóa của cả vùng đất Nam Bộ.
Chính những biến động của xã hội miền Nam buổi giao thời, đã tạo những
cảm hứng sâu sắc cho giới văn nghệ sĩ Nam Bộ và có lẽ đó cũng là nơi ra đời
cho những tác phẩm chứa chan suy ngẫm về những sự đời, việc đời trong giai
đoạn này.

1.2.2. Tình hình kinh tế
Cuối thế kỷ XIX, kinh tế nước ta vẫn là nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu.
Trong quá trình mở rộng khai thác thuộc địa bọn thực dân có đầu tư vốn vào
nước ta, tuy có đầu tư về nhân lực và kỹ thuật, song lại rất hạn chế. Nhìn chung,
nền kinh tế nước ta vẫn trong tình trạng mất cân bằng, bị phụ thuộc chặt chẽ vào
kinh tế Pháp.

15



Luận văn tốt nghiệp

Sinh viên thực hiện: Phạm Thị Kim Trân

Bấy giờ về mặt kinh tế, để thuận tiện cho việc khai thác triệt để, Pháp tăng
cường xây dựng cơ sở vật chất ở Nam Kỳ. Pháp cho xây dựng cảng Sài Gòn, mở
đường tuyến xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho, xây cầu trên sông Vàm cỏ, bến phà Mỹ
Thuận qua sông Tiền, Sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều công xưởng ở Sài Gòn - Chợ
Lớn như đóng thuyền, vận tải đường sông, nhà máy xay lúa đã được xây dựng …
Đường sá được mở rộng hơn, có được sự thông thương vận chuyển, việc sản
xuất lúa gạo cứ gia tăng, chi phí vận chuyển hàng hóa thấp mang lại nhiều lợi
nhuận kinh tế. Những năm chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) cũng
không gây ảnh hưởng đáng kể đến thị trường lúa gạo tại Nam Kỳ, Pháp tiếp tục
cho đào thêm kênh chiến lược nhằm đưa lúa gạo tận Cà Mau xa xôi lên đến Sài
Gòn. Những người tham gia hoạt động kinh tế ở các lĩnh vực thương mại, sản
xuất với các tiệm buôn, vựa lúa, cơ xưởng sản xuất lớn nhỏ tùy theo quy mô đã
trở thành tầng lớp tiểu tư sản và tư sản. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng,
đặc biệt là ở Sài Gòn, Chợ Lớn. Dân số đô thị ngày càng đông, cuộc sống đô thị
ngày càng phức tạp, thành phần dân cư ngày càng đa dạng với sự xuất hiện của
các giai cấp và tầng lớp xã hội khác nhau: công nhân, tư sản bản xứ và tiểu tư
sản thị dân…
Đầu thế kỷ XX, nền kinh tế có sự phát triển hơn trước, đất nước trên con
đường tư sản hóa. Tuy nhiên, thì sự phát triển không đồng đều giữa các vùng
miền trên cả nước, khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, giữa
người giàu và người nghèo ngày càng rõ rệt. Chính những điều đó, đã mang đến
sự bất công, cũng như những rối ren phức tạp trong xã hội đương thời.

1.2.3. Đời sống văn hóa
Năm 1867, Pháp chiếm trọn sáu tỉnh Nam Kỳ, và đề ra nghị định dùng
chữ Quốc ngữ La-tinh trong các giấy tờ chính thức. Có thể nói, chữ Quốc ngữ là

một tiền đề văn hóa rất quan trọng của văn học miền Nam giai đoạn cuối thế kỷ
XIX đến đầu thế kỷ XX. Chữ Quốc ngữ đã được sáng tạo và xuất hiện vào
khoảng nửa đầu thế kỷ XVII, tuy nhiên nó chỉ được sử dụng trong bộ phận đạo
công giáo. Họ dùng chữ Quốc ngữ để truyền đạo và nhằm vào trước hết là giai
cấp nông dân nghèo khổ, cùng đinh ở nông thôn vì những người này không am
tường về chữ Hán, chữ Nôm nên các giáo sĩ buộc phải nghĩ ra một thứ chữ để
ghi lại và truyền bá những điều giảng dạy. Song, lúc bấy giờ có nhiều ý kiến trái
16


Luận văn tốt nghiệp

Sinh viên thực hiện: Phạm Thị Kim Trân

chiều hoặc đồng tình ủng hộ học tập chữ Quốc ngữ, hoặc phản đối kịch liệt việc
học chữ mà theo họ đó là “chữ của lũ cướp nước”. Lúc bấy giờ, tờ Gia Định báo,
ngày 15-04-1867 có cho đăng một đoạn nói về sự hữu dụng của chữ Quốc ngữ:
“Thầy Ký (Trương Vĩnh Ký) dạy học, có làm sách mẹo dạy tiếng Lang Sa, có chữ
Quốc ngữ để người ta dễ học. Những người kí lục giỏi, siêng năng, lo học chữ
Quốc ngữ vì có hai mươi bốn chữ cái mà viết đặng muôn ngàn chuyện, chữ chi
mắc rẻ cũng viết đặng, không phải như chữ ta, học già đời mà có chữ lạ viết
không ra, ở đấy có phủ Tường (Tôn Thọ Tường) đã học đặng chữ Quốc ngữ, viết
đặng, học đặng. Chữ ấy chẳng khó đâu, ra công học một đôi tháng thì thuộc
hết”, để giúp nhân dân ta có cái nhìn thông thoáng hơn về việc tiếp thu hình thức
chữ mới này.
Do chỉ phổ biến hạn chế trong phạm vi tôn giáo nên trong một thời gian
dài chữ Quốc ngữ tuy có phát triển nhưng chưa tạo được ảnh hưởng rộng ngoài
xã hội. Chữ Quốc ngữ còn vấp phải sự chống đối quyết liệt của đại đa số nhân
dân trong thời kì đầu, nhất là khi thực dân Pháp đổ quân xâm lược nước ta.
Phong trào “bình Tây sát tả” đã góp phần hạn chế sự phát triển chữ Quốc ngữ.

Đa số sĩ phu Nho học đều không hưởng ứng việc học tập chữ Quốc ngữ vì họ
vốn gắn bó lâu đời vớ chữ Hán mà với họ đó là “chữ của ta”, “chữ của thánh
hiền” và cũng bởi do quan niệm chữ Quốc ngữ là sản phẩm của ngoại bang, tất
cả những gì liên quan đến Pháp đều xấu, thái độ bài xích rất dữ dội, họ cho rằng
đó là “chữ của Tây”, “chữ của lũ cướp nước”. Dân tộc Việt Nam, với tinh thần
nồng nàn yêu nước, ban đầu đã kháng cự và không cho con em mình học chữ
Quốc ngữ đến mức người Pháp phải dùng biện pháp cưỡng chế, bắt đi học như đi
sưu. Trên thực tế khi xâm lược Nam Bộ, thực dân Pháp cũng đã nghĩ đến việc sử
dụng chữ Quốc ngữ để làm công cụ nô dịch và đồng hóa nhân dân ta. Thư của
giám mục Puginier gửi cho Tổng trưởng thuộc địa Pháp có đoạn viết: “Điều thứ
nhất phải làm là bỏ chữ Nho và trước hết thay thế bằng tiếng An Nam với chữ
viết Âu châu gọi là “quốc ngữ” rồi sau đó bằng tiếng Pháp”. Ý đồ của bọn thực
dân là tách Việt Nam ra khỏi ảnh hưởng của văn hóa Trung hoa đễ người Việt dễ
rơi vào vòng ảnh hưởng văn hóa Pháp. Khi chiếm xong Nam kỳ, chính quyền
thực dân đã nhanh chóng thực hiện mưu đồ này và chính sách phổ biến chữ
Quốc ngữ do đó rất được coi trọng. Trước tiên trong lĩnh vực hành chính, chữ
17


Luận văn tốt nghiệp

Sinh viên thực hiện: Phạm Thị Kim Trân

Quốc ngữ từng bước trở thành văn tự chính thức trong giao tiếp hành chính.
Nhiều thông tư nghị định đã được ban hành để thể chế hóa chủ trương này. Nghị
định ngày 22-2-1869 ghi rõ: “Kể từ ngày 1-4-1869 tất cả các giấy tờ chính thức,
nghị định, quyết định, ấn lệnh, phán quyết, thông tư,… đều sẽ được viết bằng
mẫu tự Âu châu với những chữ kí của người có thẩm quyền”. Kế đến nghị định
ngày 6-4-1878 yêu cầu: “Kể từ ngày 1-1-1888 không một tuyển dụng nào được
thi hành, không một thang trật tự nào được cho phép trong ngạch phủ, huyện,

tổng, đối với bất cứ ai không ở trong tình trạng viết được chữ Quốc ngữ”. Thực
dân Pháp cũng đẩy mạnh việc đưa chữ Quốc ngữ vào lĩnh vực giáo dục. Kỳ thi
Hương đã bị xóa bỏ trước nhất ở Nam Bộ. Nghị định ngày 14-6-1880 cho phép
“mỗi làng, thị trấn của tổng không có trường Pháp sẽ thiết lập một trường dạy
chữ Quốc ngữ” và “những làng nhỏ có một trường dạy chữ Quốc ngữ sẽ được
miễn mọi thuế đóng cho trường hàng tổng”. Thực dân Pháp dùng cả biện pháp
cưỡng chế để bắt thiếu niên đi học. Sau khi thành lập Sở học chánh Nam Bộ,
ngày 17-3-1879 thực dân Pháp ban hành chương trình giáo dục Pháp – Việt ở
Nam Bộ. Chương trình gồm có hai cấp, trong đó ở cấp tiểu học ngoài tiếng Pháp,
chữ Quốc ngữ cũng được giảng dạy chính thức trong môn tập đọc và viết tường
thuật. Tuy nhiên, ở hai lớp cuối bậc tiểu học thì phải dùng hoàn toàn tiếng Pháp,
và đó đã trở thành qui định bắt buộc.
Đến những năm đầu thế kỷ XX trở đi, nhờ tiếp xúc với sách vở, báo chí
nước ngoài, nhờ ảnh hưởng của các phong trào Duy Tân luôn kêu gọi “trước hết
hãy học ngay chữ Quốc ngữ”, nhiều người dân Nam Kỳ đã thấy rõ được ưu thế
và sự thuận tiện của chữ Quốc Ngữ. Một phần vì lợi ích của sự giao tiếp và phần
vì cuộc sống mưu sinh, hầu hết những người thạo chữ Quốc ngữ rất dễ dàng tìm
việc làm và số người ưu tú còn được Pháp đưa đi du học. Điều mà thực dân Pháp
không thể ngờ tới đó là chữ Quốc ngữ đã khơi gợi ở nhân dân ta lòng yêu nước,
thức tỉnh nhân dân ta về sự thống nhất gắn bó dân tộc và đã trở thành tiếng nói
chung trong toàn dân.
Bước vào chế độ thuộc địa, trên danh nghĩa, vùng đất Nam kì cũng được
hưởng quyền tự do báo chí. Tuy nhiên, qua hệ thống các phương tiện truyền
thông đại chúng, bọn thực dân Pháp chỉ muốn lợi dụng sự thiết lập ấy nhằm
mang lại lợi ích cho chế độ thực dân của chúng mà thôi. Song, tầng lớp trí thức
18


Luận văn tốt nghiệp


Sinh viên thực hiện: Phạm Thị Kim Trân

Nam kì đã biết nắm bắt và lợi dụng ngay quyền “tự do báo chí” để nhằm chống
lại bè lũ cướp nước. Những năm đầu của thế kỷ XX, Nam Bộ đã có sự xuất hiện
của báo chí, điển hình là tờ Nông cổ mín đàm (1901). Sau đó là sự ra đời của tờ
báo nổi tiếng Lục tỉnh tân văn (1907),… Ngoài ra, các nhà văn tiên phong trong
giai đoạn này đã mau mắn phóng tác những tác phẩm văn học phương Tây bằng
chữ Quốc ngữ và thông qua phương tiện báo chí để truyền bá nhằm phục vụ kịp
thời cho tầng lớp độc giả mới. Do nhu cầu phản ánh, nắm bắt thông tin về cơ chế
thị trường và nhịp sống đô thị trong xã hội ngày càng cao, báo chí phát triển một
cách mạnh mẽ ở Nam kỳ đã thúc đẩy quá trình sáng tác và hình thành đội ngũ
các nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp hơn. Và để không ngừng thu hút đa dạng
các tầng lớp độc giả, báo chí thường đăng tải nhiều kì với những tiểu thuyết,
phóng sự, truyện ngắn,… Trong đó, truyện ngắn có lợi thế hơn hết, tuy dung
lượng nhỏ nhưng có thể chứa đựng nhiều vấn đề khác nhau về ý nghĩa cuộc sống
và cũng như phản ánh kịp thời những biến động không ngừng của tâm tư, tình
cảm, và số phận con người trong sự phức tạp của xã hội giao thời. Các nhà văn
Nam Bộ đã có ý thức về sức mạnh ngòi bút của mình cũng như vai trò của công
chúng trong việc phát triển nền văn học mới và họ cũng ý thức được rằng, không
có con đường nào mang tác phẩm văn học đến độc giả nhanh bằng con đường
báo chí.
Như vậy, Nam bộ là vùng đất đầu tiên sử dụng chữ Quốc ngữ như chữ
viết chính thức ở Việt Nam. Chữ Quốc ngữ vốn dễ học tập và nắm bắt, tỏ ra rất
thích hợp cho nền văn học mới, một nền văn học mang tính chất đại chúng. Việc
chữ Quốc ngữ được sử dụng một cách rộng rãi đã “khiến cho số lượng độc giả
tăng lên nhanh chóng” như nhà nghiên cứu Trung Quốc Nhan Bảo nhận xét.
Chữ Quốc ngữ như cầu nối để văn hóa Việt Nam nhanh chóng tiếp xúc văn hóa
phương Tây và đóng vai trò tích cực cho sự phát triển của Văn học Việt Nam nói
chung, thể loại truyện ngắn của miền Nam nói riêng.


1.3. Vài nét về truyện ngắn Nam Bộ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX
1.3.1. Lực lượng sáng tác
Truyện ngắn Nam Bộ giai đoạn cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX là sản
phẩm tinh thần đặc biệt của một đội ngũ sáng tác hoàn toàn khác so với thế hệ
cha ông về cả quan niệm sống và viết. Song, trên nền chung, vẫn là những nhà
19


Luận văn tốt nghiệp

Sinh viên thực hiện: Phạm Thị Kim Trân

nho bị dứt khỏi môi trường sinh hoạt truyền thống, bị đẩy vào môi trường đô thị
và chấp nhận văn chương như một thứ nghề để mưu sinh.
Bước vào thập niên 20, 30 của thế kỷ XX, có thể nói đoản thiên tiểu
thuyết đã nở rộ với hàng trăm tác giả và tác phẩm được đăng trên Đông Pháp
thời báo, Nam Kỳ kinh tế báo, Thần chung, Tân thế kỷ (bao gồm cả những truyện
ngắn dự thi và dịch thuật), nhưng các sáng tác ấy đa phần của những nhà văn
không chuyên và trong số đó phải kể đến sự đóng góp đáng kể của nhà văn Trần
Quang Nghiệp với những đoản thiên tiểu thuyết tiêu biểu như: Chọn đá thử
vàng, Gặp người bạn cũ, Trên lầm dưới lỗi, Chuyến xe trưa, Hai bó giấy, Người
thương của tôi, Ăn mày trúng số,…
Ngoài cây bút tiêu biểu là Trần Quang Nghiệp, truyện ngắn miền Nam
giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX còn có rất nhiều tác phẩm của các tác
giả không chuyên khác, chẳng hạn như: Chủ nhà phong lưu (1911) của Toản,
Thời sự tiểu thuyết (1911) của Huỳnh Minh Phụng, Vịt một cẳng (1911) của P.
Hòa, Ôi! Ái tình (1922) của Công Bình, Bạch Công tử gặp Hắc Công tử (1925)
của Mộng Xuân, Cũng vì ham bằng cấp tú tài (1931) của Thanh Nhàn, Cười ra
nước mắt (1931) của Thái Bình Dương, Đồ hèn mạt (1931) của Thức Anh, Bà
chủ nhà và tên Sốp-phơ (1931) của Vũ Văn Đang, Dưới cội đào (1932) của

Khổng Lồ,…
Các nhà văn Nam Bộ trong giai đoạn này, thường sử dụng ngôn ngữ và
lối diễn đạt hết sức Nam Bộ cho các tác phẩm của mình. Trong dung lượng là
truyện ngắn, các nhà văn đã tái hiện khá sinh động những bức tranh về hiện thực
cuộc sống và mang những dấu ấn riêng góp phần cho những suy ngẫm, những
cảm hứng thế sự về thế thái nhân tình trong xã hội buổi giao thời.

1.3.2. Các đề tài tiêu biểu
Vào giai đoạn cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, Văn học Nam Bộ nói
chung, truyện ngắn Nam Bộ nói riêng phần lớn chứa đựng quan niệm sáng tác
của người cầm bút là đưa hiện thực đời sống, những điều chân chất đang diễn ra
hằng ngày trước cuộc đời thực vào tác phẩm. Từng tác phẩm như những lát cắt
rất chi tiết về cuộc đời, giúp độc giả thấm nhuần và ngẫm suy về những giá trị
đạo đức vốn có của con người. Cũng chính vì thế, đề tài các tác phẩm văn
chương trong giai đoạn này rất phong phú, đa dạng, muôn màu vạn trạng, song
20


Luận văn tốt nghiệp

Sinh viên thực hiện: Phạm Thị Kim Trân

cũng thật gần gũi thân quen với những điều bình dị trong cuộc sống, và tất cả
đều được các nhà văn Nam Bộ cống hiến cho đời, giúp ích cho xã hội.
Các đề tài tiêu biểu từ cuộc sống nông thôn cho đến cuộc sống thành thị;
đề tài về tình yêu, hôn nhân, gia đình; Cho đến những lối sống mới, với những
chuyện lường gạt phổ biến;… tất cả đều được miêu tả, phản ánh một cách khá
sâu sắc và sinh động qua các khía cạnh cụ thể ở các chủ đề khác nhau như: vấn
đề đạo đức, nhân cách con người trong xã hội giao thời; vấn đề tình bạn, tình
yêu; vấn đề đồng tiền; vấn đề giáo dục trong xã hội đương thời; hiện thực về giai

cấp thống trị… Chính sự phong phú và đa dạng về đề tài mang đến sự đóng góp
to lớn cho kho tàng truyện ngắn miền Nam giai đoạn này.

21


Luận văn tốt nghiệp

Sinh viên thực hiện: Phạm Thị Kim Trân

CHƯƠNG 2
CẢM HỨNG THẾ SỰ QUA NỘI DUNG MỘT SỐ
TRUYỆN NGẮN NAM BỘ CUỐI THẾ KỶ XIX
ĐẦU THẾ KỶ XX
2.1. Những vấn đề thế sự trong truyện ngắn Nam Bộ cuối thể kỷ XIX
đầu thế kỷ XX
2.1.1. Hiện thực về đời sống kinh tế của xã hội đương thời
2.1.1.1. Đời sống kinh tế nghèo nàn, lạc hậu
Từ bao đời nay, đất nước Việt Nam vốn dĩ là một đất nước nông nghiệp,
người dân Việt Nam nói chung, đồng bào miền Nam nói riêng, đã có sự gắn bó
máu thịt với cây lúa, với cánh đồng, thế nhưng khi gót giày xâm lược của thực
dân Pháp đặt lên toàn bờ cõi với dã tâm muốn biến nước ta thành thuộc địa thì
nền kinh tế Việt Nam từ kinh tế nông nghiệp lạc hậu nay luồng gió “khai hóa” đã
bật tung tất cả và chuyển dần sang nền kinh tế tư bản, thật không dễ dàng cho
dân tộc Việt một sớm một chiều có thể thích nghi. Bộ mặt xã hội phong kiến, đặc
biệt là xã hội nông thôn Nam Bộ biến đổi một cách sâu sắc và chưa từng thấy
trong lịch sử dân tộc, chính những biến đổi này đã phơi bày tất cả những mặt hạn
chế, rối ren của xã hội. Người nông dân một nắng hai sương bao đời gắn bó với
đồng ruộng nay bị đẩy khỏi mảnh đất của mình, và trôi dạt về thành thị, nơi có
những nhà máy, cơ sở sản xuất của các nhà tư bản nổi lên. Những người nông

dân tuy quần quật “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng họ được làm chủ
trên cánh đồng của mình thì giờ đây trở thành những người làm thuê với lương
công rẻ mạt hoặc trở thành phu xe, bồi bếp, con ở trong gia đình giàu, hoặc một
số sa vào con đường cùng quẫn, trở thành những kẻ lưu manh, gái điếm, trộm
cướp…, cũng từ đó mà tầng lớp dân nghèo thành thị ra đời. Ngoài ra, một số bộ
phận trong xã hội làm ăn buôn bán phát đạt đã lập nên những cơ sở kinh doanh,
sản xuất và đã tạo ra tầng lớp tiểu tư sản, tư sản thành thị trong xã hội. Những
biến động sâu sắc của xã hội khiến đời sống người dân càng trở nên nghèo nàn
lạc hậu, cùng quẫn và bế tắc hơn.

22


Luận văn tốt nghiệp

Sinh viên thực hiện: Phạm Thị Kim Trân

Trong các truyện ngắn Nam Bộ giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX,
các tác giả truyện ngắn miền Nam thường không chú trọng khai thác kĩ mảng đề
tài về đời sống kinh tế nghèo nàn, lạc hậu của người dân Nam Bộ và nếu có khai
thác thì cũng không nhắc đến một cách trực tiếp mà chỉ thông qua câu chuyện về
một vùng quê nào đó ở các tỉnh phía Bắc. Điển hình qua tác phẩm Cười ra nước
mắt, nhà văn Nam Bộ Thái Bình Dương đã mượn bối cảnh nạn đói, nạn rét đến
thê lương, đã dày xéo, đẩy đưa một gia đình nhỏ ở vùng quê Thái Bình vào hoàn
cảnh khốn cùng, bế tắc nhằm làm nền chung cho sự xuống cấp đến thảm hại của
nền kinh tế nước nhà. Mở truyện, tác giả đã dựng lên trước mắt người đọc là
hình ảnh “Trời chập chạng, một người đàn bà chỉ mặc một cái ướm, ngồi chài
bài dưới đất, ru một đứa con dại độ 2 tuổi đang nằm khóc u oa trong nôi, một
đứa nhỏ nữa, độ 6, 7 tuổi, ở trần ở truồng, má cóp má xanh, hai chơn tay ốm
nhôm như ống sậy, đứng một bên mẹ nó khóc rên: “Rét lắm bu ôi! Đói lắm bu

ôi!”.”, chúng ta thấy cái nghèo đói dường như đang bủa vây gia đình ấy “Nầy
con ôi, vú cũng đói cũng rét như con vậy! Con nán chờ một chốc nữa, bố đi lãnh
tiền và gạo về đây thì tha hồ mà no con ạ!”. Suốt cả năm trời quần quật, vất vả
làm lụng chỉ mong kiếm đủ cái ăn, mong một manh áo lành chống chọi cái rét
thế mà trong không khí tết đến như vầy gia đình ấy họ nghèo vẫn cứ hoàn nghèo,
đói rét thì vẫn cứ hoàn đói rét.
Dù nhà văn Thái Bình Dương không trực tiếp nói đến nạn nghèo, nạn đói
của xã hội Nam Bộ nhưng thông qua lời nói của nhân vật người chồng, người
cha trong gia đình khi đi xin trợ cấp từ hội đồng cứu tế trở về “Bấy nhiêu gạo đó,
ăn nhơn nhịn cho tới mồng 4 Tết, chớ nếu ăn thật no thì hụt rồi không biết xin ai
nữa, bu nó nghe không”, cũng đủ cho độc giả nhận ra hiện thực về sự lạc hậu,
xuống cấp của nền kinh tế và qua đấy độc giả sẽ tự ngầm hiểu về thực trạng của
đồng bào Nam Bộ trong buổi giao thời. Nam Bộ là vùng đất phì nhiêu màu mỡ,
mưa thuận gió hòa, thế nhưng trong tình hình chung của nền kinh tế nước nhà thì
vùng đất ấy cũng không tránh khỏi cái nghèo, cái đói đang vây bủa. ;… Song ,
qua truyện ngắn Cười ra nước mắt, còn giúp chúng ta phần nào nhận ra trong cái
nhìn của các tác giả truyện ngắn Nam Bộ có gì đó không được lạc quan, đặc biệt
là đối với thực trạng nền kinh tế nước nhà trong giai đoạn hiện thời.

23


Luận văn tốt nghiệp

Sinh viên thực hiện: Phạm Thị Kim Trân

Dù không trực tiếp đưa vào trang văn của mình những thực trạng khó
khăn của kinh tế, xã hội Nam Bộ, nhưng trong một số tác phẩm ta vẫn có thể bắt
gặp các nhà văn Nam Bộ đã hướng cái nhìn của mình vào xã hội, với hình ảnh
ông lão già phải đi ăn xin từng đồng, từng cắt được bố thí từ lòng thương hại của

mọi người trong tác phẩm Ăn mày trúng số của nhà văn Trần Quang Nghiệp; hay
hình ảnh chị vú nghèo đáng thương phải đi ở đợ cho lão Huyện giàu, để rồi chị
bị lão ta hại đời con gái trong tác phẩm Lỗi bù lỗi,…
Bên cạnh những số phận, những cảnh đời nghèo khó đã được các nhà văn
Nam Bộ phát hiện trên trang viết, thì dưới ngòi bút của các tác giả miền Bắc là
biết bao mảnh đời phải sống trong cảnh lầm than “thấy có một người gầy gò, yếu
đuối, khẳng kheo, cố công cùng sức kéo miết cái xe tay, mà không sao nhích
được, xe chồng chất hai bồ xem chừng đã nặng, lại còn một mụ vắt vẻo trong xe”
(Câu chuyện thương tâm), Phạm Duy Tốn đã xây dựng hình ảnh một người dân
nghèo đại diện cho biết bao tầng lớp nghèo khổ ngoài xã hội, với thân hình thì
ốm yếu, gầy guộc họ đánh đổi cả danh dự của mình chỉ vì cuộc sống mưu sinh,
chỉ vì vài đồng bạc cắt và chính cuộc sống thiếu thốn ấy đã vắt kiệt sức khỏe của
họ, họ lê từng bước, từng bước chân để kéo xe với đầy ắp những đồ đạc mà đúng
ra công việc nặng nhọc ấy phải nhờ vào sức kéo của vật nuôi.
Đời sống kinh tế khó khăn, khiến nhân dân ta phải hứng chịu và đối mặt
với biết bao thách thức, gian khổ. Dù xã hội miền Bắc hay miền Nam trong buổi
giao thời, thì những cảnh lầm than, cơ cực của dân nghèo cũng cứ thế mà ngồn
ngộn hiện lên trên từng trang viết.

2.1.1.2. Vấn đề đồng tiền trong xã hội giao thời
Trong xã hội giao thời, đồng tiền lên ngôi và chi phối mọi mặt đời sống
con người. Thật ra, vấn đề đồng tiền không phải là vấn đề mới mẻ trong văn học,
đã một thời các cụ Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Tú Xương,… từng lên án gay
gắt và đặt nó vào đời sống nhân vật mình. Song, vấn đề đồng tiền hiện lên trong
xã hội giao thời cũng không kém phần nhức nhối, điển hình như trong tác phẩm
Chuyến xe trưa, Trần Quang Nghiệp đã khắc họa hình ảnh cô ba Dung, cô đang
tuổi kén chồng, vì nhẹ dạ cả tin cộng với lòng tham mù quáng đã giết chết đời
cô. Với ngoại hình “coi cũng được”, đôi khi cũng có một vài anh trêu nhưng cô
không ưng bụng vì “Cái quân phèn đóng mốc cẵng, ai thèm!”. Cuộc sống xa hoa
24



Luận văn tốt nghiệp

Sinh viên thực hiện: Phạm Thị Kim Trân

giàu có, sự chớp nhoáng, ảo ảnh nơi đô thị đã làm cô tham mê. Theo thư người
chị, cô khăn gối lên Sài gòn để “kén chồng”, với cô thì chồng mình phải là người
trai đứng đắn, giàu sang, vợ chồng yêu thương nhau, sống rất đầm ấm hạnh
phúc. “Cô mơ màng thấy mình ở Sài Gòn cùng với một người trai đúng đắn lắm;
chồng vợ yêu thương nhau, một bước không rời, thường cùng nhau ăn ở nhà
hàng xem hát cải lương, gia đình rất là yên vui đầm ấm”. Và cuối cùng người cô
chọn trong phút chốc là thầy Lớn, người đàn ông đi cùng cô trong chuyến xe từ
Cần Thơ lên Sài Gòn, và ông ta cũng là mẫu người chồng mà cô hằng mơ tưởng.
Vì sự ham mê vật chất, cô khờ dại cả tin lời của gã đàn ông ấy, những lời ngon
ngọt như mật rước vào tai hóa ra là những tiêu chuẩn “giăng bẫy” của kẻ lọc lừa,
qua cuộc trò chuyện giữa thầy Lớn và thầy nhỏ đi cùng: chọn vợ thầy chọn “cô
gái ở đồng”, “ở vừa lòng tôi là đủ”, và tất cả những lời cởi mở khoe mẻ về tài
sản của mình đã làm cô ba Dung hoa mắt. Đến Sài Gòn thay vì đến nhà chị kén
một tấm chồng qua mai mối, cô ba Dung một mạch khăn gối theo, ăn ở với thầy
Lớn. Để cuối cùng, “Tôi với cô không phải là có duyên nợ, nợ duyên chi chi
nhưng thấy cô có vàng bạc chút đỉnh mà không biết xài, ý cô cũng muốn chồng
nên tôi vô làm chồng cô tạm trong mấy ngày và dạy cô ăn xài chơi cho biết. Hôm
nay tôi xin kiếu cô nhưng cũng còn nghĩ lại chút tình, để cho cô hai đồng về xe”,
sự thực phũ phàng đến với đời cô “Cô khi không mà lớn bụng”, đó là bằng chứng
cho sự nhơ nhớp, mất tất cả danh dự vì một tấm chồng “đúng đắn”, âu đó cũng là
kết quả cho mối tình hào nhoáng vì ham mê đời sống kiêm tiền.
Ở đây, việc cô ba Dung mơ ước cho mình một người chồng đúng đắn,
giàu sang, thương yêu cô là điều rất đỗi bình thường như bao cô gái khác, nhưng
cô cũng hết sức thực tế khi chỉ muốn có một tấm chồng giàu, nhiều tiền nhiều

của mà quên đi hạnh phúc thực sự của mái ấm gia đình. Trong phút chốc, chính
đồng tiền đã làm mờ mắt và giết chết đời cô. Cô đã đi nhằm “chuyến xe trưa” và
chuyến xe ấy mang đến đời cô nhiều điều ngang trái. Phải chăng cuộc đời người
như một chuyến xe trưa và hành khách thì phải luôn luôn cẩn trọng trước khi
bước lên chuyến xe ấy, kẻo kết quả cuối cùng ta lại đổ thừa cho việc “đi nhằm
chuyến xe trưa?”. Điều đáng lên án ở đây chính là những con người lường lọc,
dối trá cứ thế ung dung, tồn tại, sống trên những đồng tiền lừa bịp, rồi sẽ còn biết
bao “cô ba Dung” nhẹ dạ, đánh đỗi cuộc đời mình cho chúng nữa?
25


×