Tải bản đầy đủ (.pdf) (69 trang)

HỆ THỐNG NHÂN vật TRONG TRUYỆN THƠ “lục vân TIÊN”

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (307.62 KB, 69 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

BỘ MÔN NGỮ VĂN

NGÔ THỊ MỸ HƯƠNG
MSSV: 6095779

HỆ THỐNG NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN THƠ
“LỤC VÂN TIÊN”

Luận văn tốt nghiệp đại học
Ngành Ngữ Văn

Cán bộ hướng dẫn: ThS. GVC. PHAN THỊ MỸ HẰNG


ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài

2. Lịch sử vấn đề
3. Mục đích nghiên cứu
4. Phạm vi nghiên cứu
5. Phương pháp nghiên cứu

PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
1.1.

Giới thiệu Nguyễn Đình Chiểu và truyện thơ “Lục Vân Tiên”



1.1.1. Nguyễn Đình Chiểu
1.1.2. Truyện thơ “Lục Vân Tiên”

1.2.

Khái quát nhân vật trong tác phẩm văn học

1.2.1. Khái niệm về nhân vật văn học
1.2.2. Chức năng nhân vật văn học
1.3.

Đặc điểm của hệ thống nhân vật trong một số truyện thơ Nôm trung đại
Việt Nam

1.3.1. Nhân vật nhất phiến về tính cách
1.3.2. Nhân vật phân tuyến đối lập về tính cách

CHƯƠNG 2: ĐẶC ĐIỂM CỦA HỆ THỐNG NHÂN VẬT
TRONG TRUYỆN THƠ “ LỤC VÂN TIÊN”
Nhân vật trong “Lục Vân Tiên” tuân thủ tính cách nhất phiến của hệ
thống nhân vật trong truyện thơ Nôm trung đại
2.1.1. Tính cách nhân vật được xây dựng sẵn, cố định
2.1.2. Biến cố xảy ra với nhân vật được xây dựng theo ý muốn chủ quan của tác
giả
2.2. Nhân vật trong “Lục Vân Tiên” tuân thủ tính cách đối lập theo tuyến của
hệ thống nhân vật trong truyện thơ Nôm trung đại Việt Nam
2.2.1. Sự đối lập giữa trung – nịnh
2.2.2. Sự đối lập giữa chính – tà
2.2.3. Sự đối lập giữa thiện – ác

2.2.4. Sự đối lập giữa tốt – xấu
2.1.


CHƯƠNG 3: NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG HỆ THỐNG NHÂN
VẬT TRONG TRUYỆN THƠ “LỤC VÂN TIÊN”
3.1.
Nghệ thuật giới thiệu nhân vật
3.1.1. Ngôn ngữ của người kể chuyện

3.1.1.1.Giới thiệu nhân vật trực tiếp
3.1.1.2.Giới thiệu nhân vật gián tiếp
3.1.2. Ngôn ngữ của nhân vật
3.1.2.1. Dùng lời để tự che đậy mà lộ liễu
3.1.2.2. Dùng lời để tự thố lộ mà kín đáo
3.2. Sự kết hợp giữa hành động nhân vật và hành vi ngôn ngữ
3.2.1. Nhân vật nói đi đôi với làm
3.2.2. Nhân vật nói ít làm nhiều
3.2.3. Nhân vật chỉ làm không nói
3.2.4. Nhân vật nói một đường làm một nẻo
PHẦN KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
NHẬN XÉT CỦA CÁN BỘ HƯỚNG DẪN


PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Khi viết về Nguyễn Đình Chiểu, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét: “ Trên
trời có những những vì sao có những ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của
chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng. Văn thơ

của Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy.”[21; tr83]. Nhận định của Thủ tướng Phạm Văn
Đồng đã khái quát phần nào về cuộc đời cũng như những đóng góp của Nguyễn Đình
Chiểu cho nền văn học Việt Nam nói chung và văn học miền Nam nói riêng.
Nguyễn Đình Chiểu là một trong những nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nam
giai đoạn cuối thế kỉ XIX. Ông đã có nhiều đóng góp lớn lao cho sự nghiệp phát triển
của nền văn học dân tộc. Cuộc đời của ông dù nghiệt ngã nhưng sự nghiệp của con
người ấy không vì thế mà buông xuôi theo số phận. Vượt qua số phận để đứng vững
trước sóng gió của cuộc đời chính là thái độ sống có văn hóa, là nhân cách cao đẹp của
Nguyễn Đình Chiểu.
Trong sự nghiệp sáng tác, Nguyễn Đình Chiểu đã đạt được nhiều thành quả,
nhưng thành quả lao động xuất sắc nhất của ông là ở ba lĩnh vực: nhà văn, nhà giáo
đồng thời là một thầy thuốc đầy y đức. Ở ông hội tụ tất cả những phẩm chất của kẻ sĩ
lúc bấy giờ đó là “nhân”, “trí”, “dũng”.
Có thể thấy rằng, trên cương vị là một nhà thơ, cái sâu sắc, thâm thúy trong sáng
tác của Nguyễn Đình Chiểu chính là ở chỗ khen chê, biểu dương, phê phán, yêu ghét
rõ ràng, chính tà minh bạch, hợp đạo lý, thuận tình người, theo đúng chuẩn mực văn
hóa Việt Nam.Với thái độ sống ấy, Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tạo ra những tác phẩm
truyện thơ Nôm có giá trị cả về nội dung và nghệ thuật: Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà
Mậu, Ngư Tiều y thuật vấn đáp. Đặc biệt với truyện thơ Lục Vân Tiên, thông qua hệ
thống nhân vật trong tác phẩm, chúng tôi nhận thấy tác giả đã xây dựng một hệ thống
nhân vật rất kì công, hệ thống nhân vật gần gũi với đời sống chúng ta.
Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu bắt nguồn từ văn hóa dân gian, chính vì thế có sức
lôi cuốn người đọc. Nhiều thế hệ đi qua đã từng thuộc nhiều câu thơ trong Lục Vân
Tiên, nhân dân kể nhau nghe rồi truyền từ đời này sang đời khác. Một trong những
thành công để tạo nên sức hấp dẫn của Lục Vân Tiên là xây dựng thành công “ Hệ


thống nhân vật trong truyện thơ Lục Vân Tiên”, với những đặc điểm quen thuộc và
gần gũi như những nhân vật của đời sống.
Mỗi nhân vật là một tính cách, không trùng lặp, có thể tiêu biểu cho từng loại

người trong xã hội. Từ đó tạo nên sự đa dạng trong hệ thống nhân vật của Lục Vân
Tiên.
Với mong muốn tìm hiểu đặc trưng của “Hệ thống nhân vật trong truyện thơ Lục
Vân Tiên”, nhằm khẳng định tài năng của Nguyễn Đình Chiểu trong lĩnh vực giáo dục
đạo làm người thông qua từng nhân vật nhưng cũng là những biểu trưng về một thuộc
tính nào đó: trung – nịnh, chính – tà, thiện – ác, tốt – xấu.
“ Những tác phẩm nghệ thuật lớn, thật sự là lớn, khi mà nó vừa tầm với mọi
người và được mọi người thông hiểu” ( Lép Tônxtôi ). Nhận định đó thật đúng khi nói
về tác phẩm Lục Vân Tiên. Trải qua bao năm tháng, tác phẩm Lục Vân Tiên vẫn tồn tại
và để lại một giá trị to lớn cho văn học cũng như cho đời sống.

2. Lịch sử nghiên cứu
Nguyễn Đình Chiểu đã hiến dâng cả cuộc đời và sự nghiệp văn chương của mình
cho sự nghiệp vì dân, vì nước. Tên tuổi của ông luôn là niềm tự hào của nền văn hóa,
văn học dân tộc. Nguyễn Đình Chiểu được giới nghiên cứu phê bình tập trung tìm
hiểu, khảo cứu phê bình trên nhiều lĩnh vực, khía cạnh khác nhau. Cho đến nay, nhiều
tư liệu đã thống kê được hàng trăm công trình nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiểu đã
được công bố. Có thể kể ra một số công trình tiêu biểu sau đây.
Nghiên cứu về truyện thơ Nôm Nguyễn Đình Chiểu cũng đã có hàng trăm công
trình nghiên cứu lớn nhỏ đề cập tới, nhất là nghiên cứu về truyện thơ Lục Vân Tiên –
tác phẩm tiêu biểu cho thời kì sáng tác đầu của Nguyễn Đình Chiểu. Tiêu biểu là các
tác giả như: Nguyễn Lộc, Nguyễn Ngọc Thiện, Vũ Khiêu, Vũ Đình Liên, Lê Trí Viễn,
Ca Văn Thỉnh, Trần Văn Giàu, Nguyễn Phong Nam.
Một số công trình nghiên cứu mang tính bao quát, toàn diện như: Nguyễn Đình
Chiểu về tác gia và tác phẩm[21] của Nguyễn Ngọc Thiện( Chủ biên). Quyển Văn học
Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX [12] của Nguyễn Lộc. Quyển Đến với thơ Nguyễn Đình
Chiểu[17] của nhiều tác giả.
Về “Đặc điểm của hệ thống nhân vật trong truyện thơ Lục Vân Tiên” có một số
bài viết đề cập đến đặc điểm trên, chẳng hạn:



Quyển Đến với thơ Nguyễn Đình Chiểu[17] của nhiều tác giả có bài viết “ Lục
Vân Tiên một tác phẩm đề cao chủ nghĩa yêu nước, cuộc đấu tranh một mất một còn
giữa thiện và ác, giữa chính và tà” , tác giả Bảo Định Giang đã đưa ra nhận định“
Nhưng điều đáng chú ý là, tất cả những kẻ tàn nhẫn, xấu xa nhất, những tên vô lại,
bọn người lòng heo, dạ chó cuối cùng đều bị trừng phạt. Trái lại, người trung trinh,
tiết nghĩa, ăn ở chung thủy và phải đạo đều được sáng danh, được thỏa mãn mơ ước
chính đáng của mình.”. Khẳng định rằng “ Trong cuộc đấu tranh một mất, một còn
giữa thiện và ác, giữa chính và tà, nhằm nâng cao phẩm giá làm người, Nguyễn Đình
Chiểu, với truyện thơ Lục vân Tiên, đã hiến dâng cho đời một tác phẩm có giá trị.”
Trong bài viết, tác giả đã khái quát phần nào về hai tuyến đối lập về tính cách trong tác
phẩm Lục Vân Tiên, tác giả đã phân tích hai tuyến đối lập giữa thiện và ác, giữa chính
và tà.
Quyển Nguyễn Đình Chiểu về tác gia và tác phẩm[21] của Nguyễn Ngọc Thiện
( Chủ biên ) có bài viết “ Con đường thơ của Nguyễn Đình Chiểu”, tác giả Nguyễn
Huệ Chi đã đưa ra nhận xét về con đường thơ của Nguyễn Đình Chiểu, về tác phẩm
Lục Vân Tiên:“ Chính vì thế, trong toàn truyện Lục Vân Tiên, các loại nhân vật trung
và nịnh hiện lên rõ nét, nhưng cũng có ít nhân vật nào đơn thuần là sự minh họa khô
khan của trung hay nịnh. Ta bắt gặp trong đó cả một thế giới đang thực sống. Và cái
làm cho ta tách bạch được trắng hay đen giữa cái thế phức tạp ấy, không phải là một
ít tiêu chuẩn đạo đức định sẵn, cỨ đem áp dụng là trắng đen khắc nổi bật lên. Cái làm
cho ta nhìn thấu ruột gan của các nhân vật, yêu và ghét đúng như quan niệm yêu và
ghét của người viết, đó chính là sự bộc trực và chân thành của tình cảm mà tác giả
Nguyễn Đình Chiểu dồn vào ngòi bút của mình.”[21; tr623] và “ Rõ ràng, vẫn dưới
hình thức mối quan hệ chính tà như trong hầu hết các truyện Nôm, Nguyễn Đình
Chiểu đã biết đem một màu sắc mới vào cho câu chuyện, Ông không một chiều tán
dương cách nhìn đời cứng nhắc, bất biến. Ông tìm ra mối quan hệ hợp lý giữa cái
phần có thể đứng yên và phần biến động, giữa yếu tố đổi thay và yếu tố cần kiên định,
ở ngoài xã hội cũng như trong mỗi con người. Nếu không biết dựa chắc vào nhân dân,
nắm vững quy luật của đời sống hiện thực, thì khó lòng rút ra kết luận hợp lý như

vậy.”[21; tr627]. Tác giả đã phân tích, đưa ra ý kiến của mình, đề cập đến phần nào về
tuyến đối lập giữa trung và nịnh, giữa chính và tà.


Quyển Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX [12] của Nguyễn Lộc, tác giả đưa
ra ý kiến khái quát “ Lối kết cấu này không có gì mới so với phần lớn truyện Nôm giai
đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX. Đáng chú ý trong Lục Vân Tiên là sự
đối lập ở đây không phải nói chung giữa hai tuyến nhân vật, mà đối lập trong từng
cặp nhân vật một.”[12; tr643]. Ông đã phân tích khá cụ thể về các tuyến đối lập,
không chỉ đối lập về tuyến mà còn có sự đối lập giữa các cặp nhân vật.
Về “ Nghệ thuật xây dựng hệ thống nhân vật trong truyện thơ Lục Vân Tiên”, có
một số bài viết nghiên cứu, đánh giá về ngôn ngữ của tác phẩm Lục Vân Tiên:
Quyển Văn học Việt Nam( Nửa cuối thế kỉ XVIII – hết thế kỉ XIX)[12] của
Nguyễn Lộc, ông khái quát về ngôn ngữ “ Ngôn ngữ của Lục Vân Tiên hết sức mộc
mạc, giản dị, đó là thứ ngôn ngữ vừa kể vừa làm động tác, và nghe kể là hiểu ngay tức
khắc.”[12; tr647]. Bài viết đã điểm qua những đặc trưng nổi bật về ngôn ngữ trong
truyện thơ Lục Vân Tiên.
Quyển Nguyễn Đình Chiểu về tác gia và tác phẩm[21] của Nguyễn Ngọc
Thiện( Chủ biên), bài viết của Xuân Diệu “ Đọc lại thơ văn Nguyễn Đình Chiểu”, ông
đánh giá “ Cao hơn từ ngữ, tôi muốn nói đến ngôn ngữ của Nguyễn Đình Chiểu. Một
ngôn ngữ bình dân, thông dụng, chân thật, thực tế, có cái vị thơm, có cái hương vị văn
miền Nam.”. Xuân Diệu đã đưa ra nhận định khá là cụ thể về ngôn ngữ trong truyện
Lục Vân Tiên. Với bài“ Văn hóa truyền thống trong truyện Lục Vân Tiên và cuộc sống
của tác phẩm”, tác giả Huỳnh Ngọc Trảng, ông đã nghiên cứu và nói đến ngôn ngữ
giới thiệu nhân vật “ Lời giới thiệu nhân vật bằng cách xưng tên lại không khác với lối
bạch lối xướng trong tuồng.”[21; tr477]. Tác giả phân tích và đưa ra những ý kiến về
ngôn ngữ thơ trong Lục Vân Tiên cũng khá là chi tiết và sâu sắc.
Nhìn chung, truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu được xem xét và
nhìn nhận một cách khái quát nhiều phương diện khác nhau về “ Hệ thống nhân vật
trong truyện thơ Lục Vân Tiên” song chỉ dừng lại ở mức độ nhận định về văn bản, thể

loại, kết cấu, ngôn ngữ của tác phẩm.
Trên đây là một số công trình nghiên cứu tiêu biểu về Nguyễn Đình Chiểu và
truyện thơ Nôm của ông. Trong quá trình nghiên cứu đề tài này, chúng tôi có tiếp thu
một cách sáng tạo các công trình nghiên cứu có liên quan để hoàn thành đề tài.


3. Mục đích nghiên cứu
Chúng tôi hoàn thành luận văn theo những đề mục định hướng trong đề cương
tổng quát nhằm:
Nêu vài nét chính về Nguyễn Đình Chiểu và Lục Vân Tiên để định hình một cách
khái quát về tác giả và tác phẩm.
Nhằm xác định rõ hơn và định hướng một cách kỹ thêm về một số vấn đề liên
quan đến tính cách nhân vật trong truyện thơ trung đại nói chung và truyện thơ của
Nguyễn Đình Chiểu nói riêng.
Bên cạnh đó, hiểu biết sâu sắc hơn về “Đặc điểm của hệ thống nhân vật trong
truyện thơ Lục Vân Tiên” cũng như về “Nghệ thuật xây dựng hệ thống nhân vật trong
truyện thơ Lục Vân Tiên”.
Khẳng định tài năng của Nguyễn Đình Chiểu trong việc vận dụng sáng tạo các
phương pháp xây dựng nhân vật trong Văn học trung đại vào “Hệ thống nhân vật
trong truyện thơ Lục Vân Tiên”.

4. Phạm vi nghiên cứu
Trong giới hạn của đề tài chúng tôi chủ yếu đề cập đến “Hệ thống nhân vật trong
truyện thơ Lục Vân Tiên”. Trên cơ sở kế thừa đặc trưng của truyện thơ Nôm trung đại
Việt Nam để làm rõ “ Đặc điểm của hệ thống nhân vật trong truyện thơ Lục Vân
Tiên” và “ Nghệ thuật xây dựng hệ thống nhân vật trong truyện thơ Lục Vân Tiên”.
Tài liệu được dẫn liên quan đến truyện thơ Lục Vân Tiên được sử dụng trong
quyển Nguyễn Đình Chiểu về tác gia và tác phẩm[21] của Nguyễn Ngọc Thiện( Chủ
biên ) là chủ yếu, văn bản truyện Lục Vân Tiên[3] do Lại Ngọc Cang( Khảo đính và
giới thiệu), một số tài liệu khác có liên quan đến tác giả và tác phẩm.

Trong khi thực hiện luận văn, chúng tôi cũng sử dụng tài liệu về lí luận văn học,
từ điển thuật ngữ, phê bình nghiên cứu văn học như: Lí luận văn học[9], Phương Lựu (
Chủ biên), Từ điển thuật ngữ văn học[10], Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc
Phi, Nguyễn Đình Chiểu tác phẩm và dư luận[18], nhiều tác giả…

5. Phương pháp nghiên cứu
Trong đề tài nghiên cứu này, chúng tôi đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu:
Phương pháp so sánh: Dựa vào đặc trưng truyện thơ Nôm trung đại, so sánh với
các truyện thơ Nôm khác để thấy những điểm giống và khác, để có thể xác định từng
tuyến nhân vật trong truyện thơ Lục Vân Tiên.


Phương pháp chứng minh: Dùng phương pháp chứng minh những câu thơ có liên
quan đến từng nhân vật trong các tuyến của truyện thơ Lục Vân Tiên để thấy rõ đặc
điểm cơ bản của hệ thống nhân vật trong truyện thơ Lục Vân Tiên.
Phương pháp phân tích – tổng hợp: Khi đã chứng minh, chúng tôi dùng phương
pháp phân tích để làm nổi bật đặc điểm từng nhân vật và làm rõ vấn đề cần nghiên
cứu. Sau khi hoàn thành thao tác phân tích, chúng tôi dùng phương pháp tổng hợp để
đưa ra nhận định, kết luận về nội dung đã phân tích.
Phân loại nhân vật trong Lục Vân Tiên, chúng tôi xác định nhân vật theo các
tuyến nhân vật trong hệ thống truyện, sau đó thống kê và nhận xét hệ thống nhân vật
trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Khi thực hiện việc nghiên cứu đề tài “Hệ thống nhân
vật trong truyện thơ Lục Vân Tiên”, chúng tôi muốn đóng góp một phần nhỏ của mình
để làm rõ hệ thống nhân vật trong tác phẩm một cách toàn diện và bao quát hơn. Số
lượng nhân vật khá phong phú, chúng tôi sẽ phân chia nhân vật thành các tuyến: trung
– nịnh, chính – tà, thiện – ác, tốt – xấu... Nhằm tìm ra một hệ thống nhân vật chặt chẽ
và đầy đủ nhất.
Tất cả các phương pháp trên đều góp phần hoàn thiện việc nghiên cứu đề tài một
cách hiệu quả nhất.



PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
1.1. Giới thiệu Nguyễn Đình Chiểu và truyện thơ “Lục Vân Tiên”
1.1.1. Nguyễn Đình Chiểu
1.1.1.1. Cuộc đời
Nguyễn Đình Chiểu tự Mạch Trạch, hiệu Trọng Phủ, sau khi mù lấy hiệu là Hối
Trai, sinh ngày 1-7-1822 tại quê mẹ ở làng Tân Thới, tỉnh Gia Định và mất ngày 3-71888 ở làng An Đức, quận Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Thân sinh của ông là Nguyễn Đình
Huy, người xã Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, ông làm Thơ lại văn hàn
ty của tổng trấn Lê Văn Duyệt. Mẹ của ông là bà Trương Thị Thiệt, người Gia Định.
Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu trải qua nhiều bước thăng trầm, đã phải sống và
chịu nhiều khổ đau. Chính những chuỗi ngày ấy đã tác động một cách sâu sắc đến
nhận thức của ông.
Thời thơ ấu cho đến năm 11, 12 tuổi Nguyễn Đình Chiểu đã được sống và học
tập có nền nếp bên cạnh mẹ. Việc nuôi dạy của mẹ đã có ảnh hưởng lớn đến sự hình
thành tư tưởng sau này của ông. Ông đã chứng kiến cảnh loạn lạc của xã hội lúc bấy
giờ, những cuộc nổi dậy của đồng bào bị triều đình Huế đàn áp. Đặc biệt là cuộc khởi
nghĩa của Lê Văn Khôi ở Gia Định. Chính cuộc nổi dậy này cũng đã ảnh hưởng trực
tiếp đến gia đình Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Đình Huy phải chạy trốn ra Huế và bị
cách chức.
Năm 1833, ông theo cha chạy giặc ra Huế, ông được gửi vào gia đình quan Thái
phó, hằng ngày vừa lo việc chiêu đãi hầu hạ vừa học tập. Cuộc sống 8 năm của ông ở
đây đã giúp ông nhận rõ hơn về sự phức tạp của triều đình, ông cũng đã có điều kiện
để tiếp thu văn hóa dân tộc.
Năm 1840, ông về lại Gia Định ôn luyện chờ cơ hội để đi thi. Năm Quý Mão
(1843) ông ra thi và đỗ tú tài. Năm 1847, ông trở ra Huế để chuẩn bị dự thi năm Kỷ
Dậu (1849). Trong lúc này ông nhận được tin mẹ mất, giữa đường về vì quá thương
khóc mẹ, lo buồn mà lâm bệnh dẫn đến mù mắt.



Ông bị mù và khi trở về nhà lại gặp phải cảnh éo le, chua chát: vị hôn thê bội
ước, gia đình sa sút...Năm 1851, sau khi mãn tang mẹ, ông mở trường dạy học, làm
thầy thuốc và sáng tác văn học. Học trò nghe danh ông đến thọ giáo rất đông, từ đó
ông mới nổi danh là Đồ Chiểu, cũng trong thời kì này ông viết truyện Lục Vân Tiên.
Một người học trò của ông là Lê Tăng Quýnh, vì nể tài năng và nhân cách, cũng vừa
thương cảm cho hoàn cảnh của thầy mình, ông đã đem gả em gái của mình cho ông.
Ông lấy vợ vào khoảng năm 1854 là bà Lê Thị Điền (người làng Thanh Ba, huyện
Phước Lộc, quận Cần Giuộc, tỉnh Gia Định).
Năm 1859, Pháp xâm lược nước ta, Nguyễn Đình Chiểu phải chạy về quê vợ lánh
nạn và tiếp tục dạy học. Nguyễn Đình Chiểu dạy học ở Cần Giuộc được ba năm thì
quân Pháp tiến đánh, ở đây ông cũng đã sáng tác bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, ông
chạy về quận Ba Tri ( Bến Tre ) ẩn náu và dạy học cho đến cuối đời.
Cuộc đời của ông từ khi Pháp xâm lược cũng bước sang trang mới, ông bắt đầu
ghi lại những sự kiện lịch sử của đất nước, các tác phẩm của ông gắn liền với những
diễn biến lịch sử, ông trở thành nhà thơ yêu nước lớn của dân tộc.
Với Nguyễn Đình Chiểu, sống ở đời quan trọng nhất là đạo làm người, giữ trọn
khí tiết, có thể gói gọn trong hai câu thơ:
“Sự đời thà khuất đôi tròng thịt
Lòng đạo xin tròn một tấm gương”
( Ngư Tiều y thuật vấn đáp)
“ Cả cuộc đời, ở lĩnh vực nào Nguyễn Đình Chiểu cũng dốc lòng tâm nguyện
đem chí bình sinh thực thi một đạo lớn: đạo làm người, một nghĩa lớn: phò chính trừ
tà” [21; tr17]

1.1.1.2. Sự nghiệp văn chương
Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Đình Chiểu chia làm hai giai đoạn
Giai đoạn đầu là những năm năm mươi của thế kỉ XIX. Ông đã sáng tác hai tập
truyện dài là “Lục Vân Tiên” và “Dương Từ - Hà Mậu”.
Truyện “Lục Vân Tiên” mang yếu tố tự truyện, điểm nhấn mạnh là nói về đạo

làm người. Tác phẩm “Dương Từ - Hà Mậu” thể hiện tinh thần yêu nước thiết tha, ông
đã kêu gọi mọi người nhận ra kẻ thù chung, nêu rõ trách nhiệm và bổn phận của mọi
người dân, là lời kêu gọi mọi người trở về với chính đạo, tạo ra sức mạnh chống giặc.


Giai đoạn này được xem là “thời kì hình thành và khẳng định tư tưởng yêu nước
yêu dân, tư tưởng nhân nghĩa coi như một bộ phận của triết lý nhân sinh của ông”
[21; tr50]
Giai đoạn thứ hai là thời kì kháng chiến chống Pháp. Đây có thể được xem là giai
đoạn phát triển và rực rỡ trong sự nghiệp văn chương của ông.
Ông sáng tác truyện dài “ Ngư Tiều y thuật vấn đáp”. Ông viết tác phẩm này khi
ông về Ba Tri ( 1862 ), đây là một quyển sách dày viết về nghề thuốc chữa bệnh. Qua
câu chuyện của hai nhân vật chính Ngư và Tiều đi tìm thầy học chữa bệnh, không chỉ
để chữa bệnh cho dân mà còn là học đạo để cứu đời, cứu nước. Ông tiếp tục biểu
dương đạo đức làm người, phản ánh những vấn đề thời sự mà ông luôn quan tâm và
cảm thấy đau lòng.
Các bài thơ Đường luật, các bài Hịch, Văn tế. Tiêu biểu: “Văn tế nghĩa sĩ Cần
Giuộc”(1861), “ Mười hai bài thơ và bài văn tế Trương Định” (1864), “Mười bài thơ
điếu Phan Tòng” (1868), “Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh” (1874)...
“Cuộc đời và sự nghiệp văn học của nhà thơ mù đất Đồng Nai là một bài học lớn
về lòng yêu nước, về việc sử dụng văn học làm vũ khí chiến đấu. Thủ tướng Phạm Văn
Đồng ví thơ văn của ông như “ những vì sao có ánh sáng khác thường”, và “ mắt
chúng ta phải chăm chú nhìn mới thấy và càng nhìn thì càng thấy sáng” [21; tr636].
Sự nghiệp văn chương của ông tuy không quá đồ sộ, nhưng đã chứng tỏ được ông
là một nhà thơ, nhà giáo, đồng thời là thầy thuốc giỏi, với những đóng góp của ông
trong các lĩnh vực, ông xứng đáng là nhà văn hóa lớn của dân tộc ta cuối thế kỉ XIX.

1.1.2. Truyện thơ “Lục Vân Tiên”
Hoàn cảnh sáng tác
Lục Vân Tiên là tác phẩm thơ Nôm được sáng tác trước khi Pháp xâm lược nước

ta. Nguyễn Đình Chiểu sinh vào thời loạn lạc, tình đời bị đảo lộn, đạo lý làm người
dần đổi khác, khi chứng kiến cảnh đó ông đã cùng với cuộc đời của chính ông mà viết
thành truyện Lục Vân Tiên để khuyên răn người đời.
Tóm tắt truyện thơ “Lục Vân Tiên”
Truyện Lục Vân Tiên gồm 2082 câu thơ lục bát, cốt truyện dựa trên mô - típ
thường thấy trong văn học trung đại là: Gặp gỡ – tai biến – đoàn tụ.
Lục Vân Tiên, nhân vật chính trong truyện. Là một người học trò nghèo, có đức
có tài, văn võ song toàn. Trên đường lên kinh đô đi thi Lục Vân Tiên gặp bọn cướp bắt


Kiều Nguyệt Nga. Lục Vân Tiên đã đánh tan lũ cướp cứu thoát Kiều Nguyệt Nga.
Cuộc gặp gỡ tình cờ đã làm cho hai người co tình cảm và gắn bó với nhau. Sau đó hai
người phải xa nhau, Kiều Nguyệt Nga theo cha về sở lỵ, Lục Vân Tiên tiếp tục lên
Kinh đi thi. Lục Vân Tiên đã gặp Hớn Minh, Vương Tử Trực là hai người bạn tốt, bên
cạnh đó cũng đã gặp hai kẻ xấu Trịnh Hâm và Bùi Kiệm. Hôm sắp vào trường thi thì
Lục Vân Tiên nhận được tin mẹ mất, chàng bỏ thi và trở về nhà chịu tang mẹ. Trên
đường về, vì quá đau buồn nên Lục Vân Tiên bị ốm nặng và bị mù cả hai mắt. Trước
cơn hoạn nạn đó, Lục Vân Tiên gặp phải tên bạn xấu Trịnh Hâm lập mưu đẩy xuống
sông. Lục Vân Tiên may mắn được vợ chồng ông Ngư cứu giúp. Lục Vân Tiên khi đó
tìm đến gia đình vợ được đính ước trước khi đi thi là Võ Thể Loan, mong có chỗ
nương nhờ để qua cơn hoạn nạn. Nhưng gia đình họ Võ nhẫn tâm bội ước, đem Lục
Vân Tiên vứt vào hang Thương Tòng. Lần này, Lục Vân Tiên được ông Tiều cứu
thoát, gặp lại Hớn Minh, cả hai đến ở nhờ một ngôi chùa giữa rừng.
Kiều Nguyệt Nga từ lúc gặp Lục Vân Tiên không lúc nào quên được người ân
nhân đã cứu mình thoát khỏi bọn cướp. Vì thương nhớ Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt
Nga đã họa một bức chân dung của Lục Vân Tiên luôn mang theo bên mình, nàng tự
nhủ với lòng sẽ chung thủy với Lục Vân Tiên đến suốt đời. Khi nghe tin Lục Vân Tiên
bị nạn, nàng quyết thủ tiết thờ chàng. Trong triều đình, có viên quan Thái sư muốn hỏi
Kiều Nguyệt Nga cho con của hắn nhưng bị nàng từ chối. Lúc đó đất nước có giặc Ô
Qua xâm chiếm, tên Thái sư bèn nhân cơ hội này trả thù. Hắn tâu vua xin đưa Kiều

Nguyệt Nga đi cống giặc Ô Qua. Kiều Nguyệt Nga vì thương cha cũng đành phải tuân
theo, trên đường đi, nàng nhảy xuống sông tự vẫn để giữ trọn lòng chung thủy với Vân
Tiên. Kiều Nguyệt Nga được Phật Quan Âm cứu sống và trôi dạt vào vườn nhà Bùi
ông. Bùi ông cùng với con là Bùi Kiệm ra sức dụ dỗ nàng lấy Bùi Kiệm. Kiều Nguyệt
Nga tìm cách trốn vào rừng, ở nhà bà lão dệt vải.
Lục Vân Tiên về sau được thuốc tiên chữa cho sáng mắt, chàng ra ứng thí và đỗ
Trạng nguyên. Được vua cử đi đánh giặc Ô Qua, Lục Vân Tiên đã tiến cử Hớn Minh
cùng đi với mình. Lục Vân Tiên đánh tan bọn giặc, trên đường trở về, chàng gặp lại
Kiều Nguyệt Nga. Cả hai sum họp hạnh phúc. Những bọn gian ác đều phải đền tội.


1.2. Khái quát về nhân vật trong tác phẩm văn học
1.2.1. Khái niệm nhân vật trong văn học
Nhân vật văn học là con người được nhà văn miêu tả trong tác phẩm bằng
phương tiện văn học. Những con người này có thể được miêu tả kỹ hay sơ lược, sinh
động hay không rõ nét, xuất hiện một hay nhiều lần, thường xuyên hay từng lúc, giữ
vai trò quan trọng nhiều, ít hoặc không ảnh hưởng nhiều lắm đối với tác phẩm.
Nhân vật văn học có thể là con người có tên (như Tấm Cám, Thúy Vân, Thúy Kiều,
Từ Hải, Kim Trọng...), có thể là những người không có tên (như thằng bán tơ, viên
quan, mụ quản gia...) hay có thể là một đại từ nhân xưng nào đó (như một số nhân vật
xưng tôi trong các truyện ngắn, tiểu thuyết hiện đại, như mình - ta trong ca dao...).
Khái niệm con người này cũng cần được hiểu một cách rộng rãi trên 2 phương diện: số
lượng: hầu hết các tác phẩm từ văn học dân gian đến văn học hiện đại đều tập trung
miêu tả số phận của con người. Về chất lượng: dù nhà văn miêu tả thần linh, ma quỉ,
đồ vật... nhưng lại gán cho nó những phẩm chất của con người.
Trong nhiều trường hợp, khái niệm nhân vật được sử dụng một cách ẩn dụ nhằm
chỉ một hiện tượng nổi bật nào đó trong tác phẩm. Chẳng hạn, người ta thường nói đến
nhân dân như là một nhân vật trung tâm trong Chiến tranh và hòa bình của L. Tônxtôi,
ca cao là nhân vật chính trong Ðất dữ của G. Amađô, chiếc quan tài là nhân vật trong
tác phẩm Chiếc quan tài của Nguyễn Công Hoan...Tô Hoài nhận xét về Chiếc quan

tài: "Trong truyện ngắn Chiếc quan tài của Nguyễn Công Hoan, nhân vật không phải
là người mà là một chiếc quan tài. Nhưng chiếc quan tài ấy chẳng phải là vô tri mà là
một sự thê thảm, một bản án tố cáo chế độ thảm khốc thời Pháp thuộc. Như vậy, chiếc
quan tài cũng là một thứ nhân vật". Tuy vậy, nhìn chung, nhân vật vẫn là hình tượng
của con người trong tác phẩm văn học.
Nhân vật văn học là một hiện tượng nghệ thuật có tính ước lệ, có những dấu hiệu
để nhận biết: tên gọi, những dấu hiệu về tiểu sử, nghề nghiệp, những đặc điểm
riêng...Những dấu hiệu đó thường được giới thiệu ngay từ đầu và thông thường, sự
phát triển về sau của nhân vật gắn bó mật thiết với những giới thiệu ban đầu đó. Việc
giới thiệu Thúy Vân, Thúy Kiều khác nhau dường như cũng báo trước về số phận của
mỗi người sau này:
“ Vân xem trang trọng khác vời,
Khuân trăng đầy đặn nét ngài nở nang.


Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.
Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn.
Làn thu thủy, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.”
( Câu 19-26 )
Gắn liền với những suy nghĩ, nói năng, hành động trong quá trình phát triển về
sau của nhân vật.
Nhân vật văn học không giống với các nhân vật thuộc các loại hình nghệ thuật
khác. Nhân vật văn học luôn hứa hẹn những điều sẽ xảy ra, những điều chưa biết trong
quá trình giao tiếp. Đồng thời nhân vật văn học mang tính chất hồi cố.Nội dung của
nhân vật nằm trong sự thể hiện của nó.

1.2.2. Chức năng của nhân vật trong văn học

Nhân vật văn học có chức năng khái quát những tính cách, hiện thực cuộc sống
và thể hiện quan niệm của nhà văn về cuộc đời. Khi xây dựng nhân vật, nhà văn có
mục đích gắn liền nó với những vấn đề mà nhà văn muốn đề cập đến trong tác phẩm.
Vì vậy, tìm hiểu nhân vật trong tác phẩm, bên cạnh việc xác định những nét tính cách
của nó, cần nhận ra những vấn đề của hiện thực và quan niệm của nhà văn mà nhân vật
muốn thể hiện. Chẳng hạn, khi nhắc đến một nhân vật, nhất là các nhân vật chính,
người ta thường nghĩ đến các vấn đề gắn liền với nhân vật đó. Gắn liền với Kiều là
thân phận của người phụ nữ có tài sắc trong xã hội cũ. Gắn liền với Kim Trọng là vấn
đề tình yêu và ước mơ vươn tới hạnh phúc. Gắn liền với Từ Hải là vấn đề đấu tranh để
thực hiện khát vọng tự do, công lí...Trong Nhị Độ Mai, Mai Bá Cao đã thể hiện một
viên quan chân chính, vì dân vì nước, một con người đề cao trung nghĩa. Đằng sau
nhân vật trong truyện cổ tích là vấn đề đấu tranh giữa thiện và ác, tốt và xấu, giàu và
nghèo, những ước mơ tốt đẹp của con người…
Do nhân vật có chức năng khái quát những tính cách, hiện thực cuộc sống và thể
hiện quan niệm của nhà văn về cuộc đời cho nên trong quá trình mô tả nhân vật, nhà
văn có quyền lựa chọn những chi tiết, yếu tố mà họ cho là cần thiết bộc lộ được quan
niệm của mình về con người và cuộc sống. Chính vì vậy, không nên đồng nhất nhân
vật văn học với con người trong cuộc đời. Khi phân tích, nghiên cứu nhân vật, việc đối


chiếu, so sánh có thể cần thiết để hiểu rõ thêm về nhân vật, nhất là những nhân vật có
nguyên mẫu ngoài cuộc đời (anh hùng Núp trong Ðất nước đứng lên; Chị Sứ trong
Hòn Ðất...) nhưng cũng cần luôn luôn nhớ rằng nhân vật văn học là một sáng tạo nghệ
thuật độc đáo gắn liền với ý đồ tư tưởng của nhà văn trong việc nêu lên những vấn đề
của hiện thực cuộc sống. Betông Brecht cho rằng: "Các nhân vật của tác phẩm nghệ
thuật không phải giản đơn là những bản dập của những con người sống mà là những
hình tượng được khắc họa phù hợp với ý đồ tư tưởng của tác giả".

1.3. Đặc điểm của hệ thống nhân vật trong một số truyện thơ Nôm trung
đại Việt Nam

1.3.1. Nhân vật nhất phiến về tính cách
Các truyện thơ Nôm trung đại đều có nhân vật nhất phiến về tính cách, chúng ta
thấy rõ ở một số truyện thơ như: Truyện Kiều của Nguyễn Du, Hoa Tiên của Nguyễn
Huy Tự, Nhị Độ Mai ( khuyết danh)...
Tính cách nhất phiến là tính cách được biểu hiện từ đầu cho đến cuối truyện đều
không có gì thay đổi, tốt thì tốt hẳn, xấu thì xấu hẳn, không có sự biến chuyển.
“...tất cả những anh hàn sĩ nghèo rớt mồng tơi ấy, nếu “ truy nguyên lý lịch”
thì đều xuất thân từ các tầng lớp “cao quý” của xã hội phong kiến, đều là con trời,
con quan tể tướng, con quan ngự sử...” [12; tr477].
Tính cách thường thấy ở các nhân vật nam chính là trung quân, có tinh thần hiếu
học, là một trang nam tử hán.
Lương Sinh trong truyện Hoa Tiên là chàng trai hào hoa phong nhã, có tài và có
tình yêu say đắm nồng nàn với Dao Tiên:
“ Họ Diêu sáng vẻ môn mi,
Điềm lành sớm ứng lân nhi một chàng,
Húy Phương Châu, tự Diệc Thương,
Phong tư điềm giá từ chương toát loài.
Mặt hoa tài gấm gồm hai,
Đua chân nhảy phượng, sánh vi cưỡi kình.”
( Câu 15–20 )
Mai Lương Ngọc trong Nhị Độ Mai là chàng trai cũng được miêu tả là đấng nam
nhi với đủ tài, phẩm chất cao quí, cũng có một tấm lòng vì người mình yêu:
“... Trời cho văn tử đáng tài trạng nguyên.


Đặt tên Lương Ngọc dõi truyền,
Thông minh rất mực phương tiên trên đời.”
( Câu 22-24 )
Kim Trọng trong Truyện Kiều chàng Kim thì đầy đủ phẩm chất của một bậc anh
tài, là một mẫu người điển hình mà mọi người ao ước:

“ Họ Kim tên Trọng, vốn nhà trâm anh.
Nền phú hậu, bậc tài danh,
Văn chương nết đất, thông minh tính trời.
Phong tư tài mạo tót vời,
Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa.”
( Câu 148-152 )
“ Như một thông lệ, trong các truyện Nôm Việt Nam, nhân vật phụ nữ chính
diện thường được giới thiệu đẹp và có tài. Tài và sắc thường là công thức để diễn tả
nhân vật phụ nữ chính diện mà nhiều nhà thơ không cần băn khoăn gì về nội dung của
nó”[12; tr347]
Tính cách ở các nhân vật nữ chính là những phẩm chất cao quí với đầy đủ công
dung ngôn hạnh, chung thủy với tình yêu, thảo kính cha mẹ.
Dao Tiên trong truyện Hoa Tiên được miêu tả có một tài sắc vẹn toàn, biết bao
đấng nam nhi đã phải say mê tài sắc của nàng Dao Tiên:
“ Dao Tiên một tỉnh tiếng bay,
Phỏng chừng đôi tám, xuân nay chưa nhiều.
Vẹn lo khung dệt, bàn thêu,
Chữ đề thiếp Tuyết, cầm treo phả đồng.
Chiều thanh, vẻ lịch càng nồng,
Thuyền quyên đáng mặt anh hùng nát gan.
Lắng nghe riêng những bàn hoàn,
Trước tòa đứng sững, bên màn ngồi quên.”
( Câu 105-202 )
Ngọc Khanh cũng không kém gì Dao Tiên về sắc cũng như về tài, mỗi người là
mỗi vẻ đẹp khác nhau:
“ Họ Lưu một gái tên là Ngọc Khanh.
Tuần mười lẻ bảy xuân xanh,


Người trang trọng, nết đoan trinh vẹn mười.”

( Câu 850-852 )
Hạnh Nguyên trong Nhị Độ Mai, nàng là một người con gái đẹp, có tài, tính tình
nết na thùy mị, hiếu thảo với cha mẹ của mình:
" Tiểu thư cất bút vâng lời,
Bên tường cũng vịnh một bài nối sau.
Khen tài nhả ngọc phun châu,
Ba vần già dặn, bốn câu thanh kỳ."
( Câu 789-792 )
" Có chi ra phận má hồng,
Khôn đem chữ hiếu, đền công chũa cù."
( Câu 946-958 )
“ Rằng: con chút phận nữ hài,
Công cha nghĩa mẹ chốc mười mấy niên.
Môn mi mong những nhờ duyên,
Ngỡ đem tất cỏ báo đền ba xuân.
Hiểm thay trước kẻ gian thần,
Xui nên kẻ Tấn người Tần như không.”
( Câu 947-952 )
Thúy Vân trong Truyện Kiều có một chân dung thật đẹp, có sự nghiêm trang,
đúng đắn. Một sắc đẹp có thể nói là không thể chê vào đâu được:
“ Vân xem trang trọng khác vời,
Khuân trăng đầy đặn nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.”
(Câu 19-22 )
Một số nhân vật phụ trong truyện thơ Nôm trung đại cũng đều mang những tính
cách giống nhau.
Hỉ đồng trong Nhị Độ Mai trung thành với chủ, quyên sinh để chủ có cơ hội
sống:
“ Trong mình sẵn gói tì sương,

Giở ra nuốt ực quyết đường quyên sinh.


Nghĩ người con trẻ thương tình,
Nghĩa thầy tớ nặng thân mình xem không.”
( Câu 562-566 )
Các nhân vật phản diện là những tên gian thần, âm mưu hãm hại người lành. Lư
Kỷ, Hoàng Tung trong Nhị Độ Mai, Hồ Tôn Hiến trong Truyện Kiều.
Hồ Tôn Hiến đại diện cho thế lực hắc ám, là viên quan ti tiện, không giúp cho
dân mà còn ỷ quyền hà hiếp nhân dân, thể hiện bức tranh đen tối về bộ mặt quan lại
đương thời:
“Năm năm hừng cứ một phương hải tần.
Có quan tổng đốc trọng thần,
Là Hồ Tôn Hiến kinh luân gồm tài.
Đẩy xe vâng chỉ đặc sai,
Tiên nghi bát liễu, việc ngoài đổng nhung.”
( Câu 2450-2454 )
Tóm lại, các nhân vật trong một số truyện thơ Nôm trung đại Việt Nam đều có sự
nhất phiến về tính cách, là một đặc điểm mà chúng ta thường thấy trong nền văn học
thơ Nôm trung đại.

1.3.2. Nhân vật phân tuyến đối lập về tính cách
Đối lập về tính cách là những nhân vật trong truyện có những tính cách đối lập
nhau giữa tốt – xấu, thiện – ác... Dựa vào các cốt truyện cũng như hệ thống nhân vật
thường thấy trong truyện thơ Nôm trung đại mà chúng ta có thể thấy rõ được sự phân
tuyến đối lập về tính cách ấy.
Đặc điểm này chúng ta nhận thấy rõ nét trong các truyện thơ Nôm trung đại.
Truyện Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự có các cặp đối lập nhau về tính cách.
Chẳng hạn. Lương sinh đối lập với Diêu sinh.
Lương sinh thì rụt rè hèn yếu trong truyện tình yêu với Dao Tiên, có những lúc

chàng đắn đo về con đường công danh sự nghiệp, về nghĩa tình với Dao Tiên, không
mạnh dạn quyết định mọi việc:
“ Sinh rằng: Chút nghĩa tri dao,
Chưa sum họp đã nỡ nào chia phôi.
Dắt tơ nay mới vâng lời,
Đành hay người định thì trời cũng theo.


Sớm khuya gác gấm buồng thêu,
Ngọc vàng mình phải nâng niu lấy mình.
Rầy mai lá thắm chim xanh,
Quả mai chi để trên cành bẩy ba.
Tình xa bao quản người xa,
Tương tri có thế mới là tương tri.”
( Câu 904-912 )
“Về dinh ngẫm nghĩ việc nhà:
Đành người có nghĩa sao ta vô tình?
Bến Tương việc hãy rành rành,
Nào ai kết cỏ ngậm vành chi đâu?
Vì ai cho thiệt thòi nhau?
Dễ ai dứt được mối sầu cho đan?
Chưa cầm sắt, cũng tao khang,
Nối dây thế chẳng vội vàng lắm ru?
Mai sau chín suối thấy nhau,
Cậy ai đổi lấy mặt đâu với người?
Duyên kia trót đã nặng lời,
Kiếp trời trong mấy thu trời quản đâu.”
( Câu 1643-1654 )
Diêu sinh lại khác, chàng quả quyết trong mọi chuyện, chàng đã khuyên Lương
sinh rất phù hợp với đạo lý ở đời, nhờ đó mà Lương sinh quyết định mọi việc dễ dàng,

đúng đắn:
“ Thôi thôi anh đã lầm rồi!
Chấp kinh thế chẳng ra hơi trần trần.
Tình phu phụ, nghĩa quân thân.
Trong tam cương ấy xem phần nào hơn?
Tôi con một phận thờn bơn,
Xe duyên là mấy đội ơn cao dầy.
Băn khoăn thung cỗi huyên gầy,
Tấm lòng hữu thất đến rầy chưa nguôi.
Mặc người tựa cửa hôm mai,


Cầm lòng vì lấy một người thế ru?
Sợ khi đương bể mà đâu,
Hiếu tình lại dở dang nhau, mặc lòng.
Nghĩa kia dành tạc non sông,
Biển vàng mà thế chữ đồng cũng cân.
Dù chưa cắt hết tơ trần,
Đành rằng lập miếu phong thần về sau.
Âý lời tâm phúc cùng nhau,
Còn như đo đắn nông sâu tại người.”
( Câu 1659-1678 )
Sự đối lập được thể hiện rõ ràng giữa Dao Tiên, Ngọc Khanh với Vân Hương,
Bích Nguyệt.
Dao Tiên và Ngọc Khanh thì e dè, giữ ý tứ, thủ tiết trong lễ giáo phong kiến và
trong cả tình yêu, dù cũng có nhưng quan niệm mới mẻ về tình yêu, song cả hai cũng
chưa thể vượt qua được tất cả, nhất là Ngọc Khanh:
“ Quở rằng: Ai nhủ ngươi mà,
Đặt bày phong nguyệt dèm pha cương thường.”
Bàn riêng những sự mới rồi:

Mấy lời Hương, Nguyệt là lời nói ngay.
Lân la mười sáu thu nay,
Tơ kia cuốn, bóng kia xoay, mấy mà…
Xót thay cho kẻ vì ta,
Liễu gầy, trăng lạnh sa đà bấy lâu!
Giá nào, nào dễ mấy đâu?
Duyên nào, nào biết về sau nhường nào?”
( Câu 615-622 )
“ Đã là thác dạ gửi lòng,
Liệu xem họ phải gạn gùng lắm chi?
Người hay gỗ đá tri tri,
Đã đành tình ấy còn suy nỗi này.
Thói đời: giọt nước làn mây,
Đấu nào ao được vơi đầy mà tin?


Lại khi đôi tuổi kén duyên,
Biết rằng đã hẳn như nguyền cho chưa?
Bây giờ chẳng rõ bây giờ,
Càng dây điều nghĩ mà dơ trò cười.”
( Câu 102-612 )
“ Rằng: Cương thường nặng núi non,
Hãy còn trời đất hãy còn di luân.
Vẻ chi một mảnh hồng quần,
Chưa hoa đành đã Đông quân mất rồi.
Thôi thôi đã vậy thì thôi,
Chiếc thân dẫu nát, muôn đời càng thanh.
Luân thường quyết gánh lấy mình,
Nêu gương trinh bạch rành rành cho coi!”
( Câu 1403-1410 )

“ Trông vời trời nước đăm đăm,
Đem thân băng tuyết gởi hàm giao long.
Bất tinh chi bấy hóa công,
Cho người lấy mảnh má hồng làm chi?
Người hạn nghĩa, khách dung nghi.
Làm cho trâm gẫy binh lìa mới thôi.
Mênh mông bể khổ sóng trôi,
Biết rằng phúc thiện có trời hay không?”
( Câu 1485-1493 )
Vân Hương và Bích Nguyệt lại rất cởi mở về quan niệm tình yêu khi đã giúp cho
cô chủ của mình đến với tình yêu của mình, nêu lên cái quan niêm thủ tiết lỗi thời. Dù
chỉ là nữ tỳ, nhưng quả thật hai nàng có những quan niệm về tình yêu hết sức mới mẻ:
“ Tưởng người lấy liễu mà suy,
Người khi xuân cỗi, liễu khi thu cằn.
Liễu kia thu lại còn xuân,
Người kia xuân dễ mấy lần xanh chăng?”
( Câu 585-588 )
“ Riêng người gối lẻ tương tư là sầu,


Nên soi đâu cũng một màu thanh cao.
Làm người nên nghĩ lấy nao,
Một xuân một tuổi nỡ nào luống qua.
Dù vui dù tẻ cũng là,
Bóng đưa trăng mọc, trăng tà đợi ai?”
( Câu 600-606 )
Trong truyện Nhị Độ Mai( khuyết danh), có các cặp đối lập nhau về tính cách.
Chẳng hạn giữa Mai Bá Cao đối lập với Lư Kỷ, Hoàng Tung.
Mai Bá Cao là một vị quan trung quân, ông một lòng vì dân vì nước, không màng
danh lợi ở đời, hết lòng phục vụ đất nước, ông có một lòng nhân nghĩa cao vời:

" Thường Châu có kẻ thanh trung,
Bá Cao là chữ, vốn dòng họ Mai."
( Câu 19-20 )
"Rằng ta vốn kẻ trung thần,
Trên vì nước, dưới vì dân mới là!
Ví bằng theo thói người ta,
Uốn lưng cong gối cũng nhơ một đời.
Lọ là cầu cạnh chi ai,
Chẳng trong lang miếu cũng ngoài điền viên.”
( Câu 47-52 )
“ Phen này quyết với quyền gian đối đầu.
Sẻ đàn phượng một chắc đâu,
Cái lo này để về sau tày trời.”
( Câu 92-94 )
“ Mai công nổi trận đùng đùng,
Rằng: Phen này quyết chẳng dung loài hồ,
Vào đây ta sẽ hay cho,
Đừng Tung đừng Kỷ hết Lư hết Hoàng.
Mạt nào bắt chước thế thường,
Thiết tha ban tối khoe khoang giữa ngày.”
( Câu 241-246 )
“ Già này dù thác cũng vinh,


Suối vàng khuất mặt cũng khinh khích cười.”
( Câu 333-334)
Lư Kỷ là tên quan ỷ quyền thế, chức tước để bóc lột người dân, con người thấp
hèn vì lợi ích bản thân mà hãm hại người hiền tài:
"Bấy lâu Lư Kỷ tướng công,
Tuy quyền tước lớn, mà phong độ hèn.

Túi tham của đút chật lèn,
Dung bên gian đảng, ghét bên hiền tài."
( Câu 33-36 )
Tên quan Hoàng Tung cũng là một tên hà hiếp người dân, hắn cùng với tên Lư
Kỷ ra tay hãm hại Mai Bá Cao:
“ Tung nghe ra giọng đâm hông,
Mặt ngăn ngắt tím mắt sòng sọc trông.”
( Câu 385-386 )
Về phía các nhân vật nữ có sự đối lập rõ nét giữa hai nhân vật Hầu Loan với
Hạnh Nguyên.
Hầu Loan có mối hôn ước với Mai Lương Ngọc nhưng khi nhà họ Mai gặp nạn
thì liền chối bỏ liền, không muốn giữ lại mối duyên này:
“Nào hay Hầu thị là người bạc đen.
Dứt lời trở mặt quở liền:
Tội nhân ai dễ có quyền dám dong..."
( Câu 550-552 )
Hạnh Nguyên nàng là một người con gái không những đẹp người mà còn đẹp nết,
chung thủy với tình yêu, không bội bạc:
" Tiểu thư ra trước vườn hoa,
Khấn năm bảy lượt, lạy và bốn phen.
Lòng thành thấu cửa trùng thiên,
Cành phàm đã chắp hoa tiên bao giờ."
( Câu 741-744 )
Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, có nhiều cặp đối lập về tính cách. Đầu tiên
nổi bật nhất là Thúy Kiều đối lập với Hoạn Thư.


Kiều thì tài sắc vẹn toàn, là người khôn ngoan biết điều, là người con gái đa tình,
biết đường kính trọng, biết lời phải chăng:
“ Kiều càng sắc sảo mặn mà,

So bề tài sắc lại là phần hơn.
Làn thu thủy, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai...”
( Câu 23-28 )
“ Khen cho thật đã nên rằng,
Khôn ngoan đến mực, nói năng phải lời.
Tha ra thì cũng may đời,
Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen.”
( Câu 2373-2376 )
Hoạn Thư lại là người có tâm cơ, có thủ đoạn, có quyền pháp, ngữ ngôn thì rất
hoạt náo, khôn ngoan vô cùng:
“ Tiểu thư nổi giận đùng đùng:
Gớm tay thêu dệt, ra lòng trêu ngươi.
Chồng tao nào phải như ai,
Điều này hẳn miệng những lời thị phi.”
( 1557-1560 )
“ Rằng tôi chút phận đàn bà,
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình!
Nghĩ cho khi các viết kinh,
Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo.
Lòng riêng riêng cũng kính yêu,
Chồng chung ai dễ ai chiều cho ai!
Trót lòng gây việc chông gai,
Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng?”
( Câu 2365-2372 )
Bên cạnh sự đối lập ở các nhân vật nữ, cũng có những cặp nhân vật nam đối lập
về tính cách. Ví như Từ Hải đối lập với Mã Giám Sinh.



×