Tải bản đầy đủ (.pdf) (77 trang)

NGHỆ THUẬT sử DỤNG điển cố TRONG tác PHẨM cư TRẦN lạc đạo PHÚ của TRẦN NHÂN tôn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (699.95 KB, 77 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI & NV

BỘ MÔN NGỮ VĂN

ĐỖ VĂN VIỆT

NGHỆ THUẬT SỬ DỤNG ĐIỂN CỐ TRONG
TÁC PHẨM CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ
CỦA TRẦN NHÂN TÔNG

Luận văn tốt nghiệp đại học
Ngành Ngữ Văn

Cán bộ hướng dẫn: ThS. GV BÙI THỊ THÚY MINH

Cần Thơ, 5 - 2011


ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT
A. PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
3. Mục đích nghiên cứu
4. Đối tượng phạm vi nghiên cứu
5. Phương pháp nghiên cứu

B. PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG I: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
1. Điển, điển cố và điển tích
2. Viêc sử dụng điển cố trong nền văn học trung đại


3. Thể loại phú và phú đời Trần
3.1. Thể loại phú
3.1.1.Nguồn gốc, sự ra đời và phát triển phú đời Trần
3.2. Phú đời Trần
3.2.1.Nội dung phú đời Trần
3.2.1.1.Thể hiện tinh dân tộc, ca ngợi thiên nhiên, đất nước và con người thời Trần
3.2.1.2. Thể hiện chí khí, khát vọng của kẻ sĩ
3.2.1.3. Thể hiện tinh thần triết luận về vũ trụ và nhân sinh, cảm khoái thời thế, bày tỏ
sự thất vọng và nhu cầu thay đổi hiện tại xã hội
3.2.2. Đặc điểm về hình thức phú đời Trần
3.2.2.1. Phú cổ
3.2.2.2. Phú cận thể


CHƯƠNG II: TÌM HIỂU VỀ TÁC GIẢ TRẦN NHÂN TÔNG VÀ
TÁC PHẨM CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ
1. Tác giả
2. Tác phẩm Cư trần lạc đạo phú
2.1. Hoàn cảnh sáng tác
2.2. Nội dung tác phẩm
2.3. Giá trị tư tưởng tác phẩm
2.3.1. Chủ thuyết Cư trần lạc đạo
2.3.2. Tinh thần nhập thế
3. Mối quan hệ tam giáo đồng nguyên

CHƯƠNG III: ĐIỂN CỐ TRONG TÁC PHẨM CƯ TRẦN LẠC
ĐẠO PHÚ CỦA TRẦN NHÂN TÔNG
1. Số lượng và tần xuất sử dụng điển cố
2. Điển cố Phật giáo trong tác phẩm Cư trần lạc đạo phú
2.1. Đặc điểm điển cố trong tác phẩm Cư trần lạc đạo phú

2.2. Điển cố phật giáo trong tác phẩm Cư trần lạc đạo phú
3. Nghệ thuật sử dụng điển cố trong tác phẩm Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân
Tông
3.1. Sử dụng điển một cách khéo léo và tài tình
3.1.1. Chuyển mã điển cố âm Hán Việt sang âm Thuần Việt
3.1.2. Chuyển mã điển cố âm Hán Việt sang âm bán Việt hóa
3.1.3. Kết hợp văn cảnh với điển cố âm Hán Việt
3.2. Kết hợp điển cố vào câu phú một cách linh hoạt, uyển chuyển và độc đáo
3.2.1. Kết hợp điển cố và câu phú một cách linh hoạt và uyển chuển
3.2.2. Kết hợp điển cố và câu phú một cách độc đáo
3.3. Xây dựng phép đối của điển cố trong câu phú


3.3.1. Phép đối ngẫu điển cố trong câu phú
3.3.2. Kết hợp nhiều điển cố trong câu phú
4. Ý nghĩa của việc nghiên cứu điển cố trong tác phẩm Cư trần lạc đạo phú của Trần
Nhân Tông

C. PHẦN KẾT LUẬN
Phụ lục
Tài liệu tham khảo
Mục lục


A. PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Văn học Việt Nam đã trải qua chặng đường hơn hai ngàn năm cùng với lịch sử
dân tộc, hơn một thiên niên kỷ đã đi qua với bao biến đổi thăng trầm. Từ thủa sơ khai
đến nay, chúng ta đã có một kho tàng văn học vô cùng phong phú, hấp dẫn, mà trong
đó còn chứa đựng bao nhiêu thách thức và bí ẩn đối với những người nghiên cứu và

độc giả miệt mài tìm tòi, khám phá.
Mỗi loại hình nghệ thuật đều có một chất liệu riêng để diễn đạt. Hội họa có chất
liệu là màu sắc, âm nhạc có chất liệu là âm thanh và văn chương cũng vậy. Chất liệu
của văn chương chính là ngôn ngữ song điều quan trọng nhất là trong xuất chặng
đường dài phát triển của văn học Việt Nam, cũng cùng là chất liệu ngôn ngữ nhưng
mỗi giai đoạn lịch sử, văn học lại thể hiện khác nhau. Chính điều này mang lại đặc
trưng riêng cho từng giai đoạn văn học đó.
Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định: Đặc trưng nổi bật văn học trung đại là
việc các tác giả thường hay sử dụng điển cố cho các sáng tác của mình. Và việc sử
dụng điển cố thực sự trở thành đặc trưng của nền văn học trung đại.
Các công trình, đề tài nghiên cứu khoa học của các nhà nghiên cứu đã cho
người đọc thấy được nhiều hơn công dụng của việc sử dụng điển cố trong các sáng tác
thơ văn xưa, như làm cho câu thơ trở nên sang trọng, quý phái, uyên bác, hàm súc, lời
ít ý nhiều, ý tại ngôn ngoại… Và các tác giả sử dụng điển khéo léo, nhuần nhuyễn bao
nhiêu thì càng cho thấy được tài năng cũng như sự uyên thâm của người sáng tác bấy
nhiêu.
Tuy nhiên, ngày nay khi cuộc sống đô thị phát triển, sống trong thời buổi kinh
tế thị trường con người ngày càng quay mặt đi với văn chương chạy theo những giá trị
vật chất. Khác với các cụ nho ngày xưa, ngày nay văn chương đã từ lâu không còn là
“món ăn tinh thần” không thể thiếu đối với đời sống mỗi con người. Và có lẽ cũng vì
thế mà đã từ lâu điển cố không còn là dễ hiểu, dễ nhớ đối với con người hiện đại. Quả
đúng như vậy, ngày nay khi người đọc bắt gặp một đoạn thơ có sử dụng điển cố, người
đọc sẽ không thể hiểu hết ý nghĩa thâm thúy của câu thơ nếu không có phần chú thích,
giải thích nghĩa của điển cố nêu trên. Từ đó, chúng ta ngày càng xa rời một đặc trưng,
một thủ pháp nghệ thuật vốn là nổi bật của nền văn học trung đại nước nhà.


Chính những lý do ấy đã tạo cho tôi, một người yêu văn chương, được học về
văn chương và có thể sống nhờ nghiệp văn chương nhiều băn khoăn, trăn trở và thôi
thúc tôi chọn đề tài “Nghệ thuật sử dụng điển cố trong tác phẩm Cư trần lạc đạo phú

của Trần Nhân Tông”. Với đề tài nghiên cứu “Nghệ thuật sử dụng điển cố trong tác
phẩm Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông”, tôi mong muốn thông qua đề tài này
mọi người có thêm một hướng tiếp cận mới và sâu sắc về một tác phẩm văn chương.
Và cũng thông qua đề tài này, mọi người cũng có thể biết nhiều hơn về việc các các
nhà văn, nhà thơ xưa đã sử dụng điển cố như thế nào trong tác phẩm của mình. Từ đó,
người đọc có thể hiểu và yêu thích nền văn học trung đại nước nhà hơn.

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Nghiên cứu, đánh giá việc sử dụng điển cố trong thơ văn trung đại từ trước tới
nay đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đến với nhiều công trình lớn và có tâm
huyết.
Trong quyển Việt Nam văn học sử yếu của tác giả Dương Quảng Hàm trong
“Chương thứ mười bảy: Tính cách chính của tác phẩm trong văn chương: các điển cố”.
Ở chương này Dương Quảng Hàm đã nêu lên được điển cố là gì? và các cách dùng
điển cố. Ông còn nêu lên công dụng của các cách dùng điển cố như làm cho câu văn
“gọn gàng, ít chữ mà nhiều ý…” [6;172]. Và cũng ở trong chương này Dương Quảng
Hàm còn dẫn thêm bài viết Việc dùng điển trong thơ văn để làm phần đọc thêm và
nghiên cứu thêm cho bạn đọc hiểu hơn về việc dụng điển cố trong quốc văn ngày nay.
Quyển Những thế giới nghệ thuật thơ của Trần Đình Sử, ông cũng đề cập đến
điển cố. Trong mục “Tính cổ điển”, ông nêu lên khái niệm điển cố và đưa ra một số ví
dụ để chứng minh. Bên cạnh đó, để tăng sức thuyết phục ông còn dẫn chứng thêm ý
kiến của Đỗ Phủ khi bàn về điển cố “Dùng điển như dùng muối” [20;30].
Quyển Nghệ thuật ngôn ngữ thơ đường của 2 tác giả Cao Hữu Công và Mai Tổ
Lâm ở mục số III.2 tác giả này cũng có nghiên cứu và đề cập đến “Điển cố và nguyên
mẫu lịch sử” trong mục này Cao Hữu Công và Mai Tổ Loan đã nêu lên được phạm vi
định nghĩa của điển cố và giải thích được nhiều vấn đề như: Cấu trúc của điển cố, điển
cố được thể hiện như thế nào, nguyên bản lịch sử ra sao [3;288].
Cũng viết về điển cố trong một công trình khác, quyển Thi pháp thơ đường của
tác giả Quách Tấn trong bức thư thứ 17 và 18 cũng đề cập tới vấn đề thế nào là dùng
điển? và ông cũng nêu lên được các cách dùng điển của cổ nhân như: Minh dụng, thái



dụng, áp dụng, tá dụng [22;228]. Từ đó, ông giúp cho người đọc hiểu biết hơn về điển
và áp dụng vào trong sáng tác.
Nhìn chung, bốn công trình nghiên cứu trên chỉ dừng lại ở mức khái quát,
nghiên cứu sơ lược về điển cố còn việc điển cố được sử dụng như thế nào và mang đặc
điểm nghệ thuật gì trong từng tác phẩm thì các các tác giả này chưa đề cập đến.
Sau này mới có một số công trình nghiên cứu về việc sử dụng điển cố trong
một tác phẩm như công trình nghiên cứu của Trần Đình Sử trong quyển Thi pháp
Truyện Kiều ông có dành một số mục để nói về điển tích trong Truyện Kiều, tác dụng
của các điển cố trong tác phẩm. Mỗi một điển cố sử dụng trong tác phẩm có một hiệu
quả nghệ thuật khác nhau.
Cũng nói về Truyện Kiều trong quyển Điển tích Truyện Kiều tác giả Phạm Đan
Quế cũng đi vào phân tích cái hay trong điển tích Truyện Kiều đó là dùng một cách
“đích đáng, gọn gàng, nhuần nhuyễn, ý vị….” [17;6]. Nhưng trọng tâm của quyển sách
tác giả chỉ đi vào phân tích 61 điển tích mà ông cho là có nhiều dị bản.
Trong những năm gần đây trong công trình nghiên cứu Điển cố và nghệ thuật
sử dụng điển cố trong truyện thơ và ngâm khúc giai đoạn văn học nửa cuối thế kỷ
XVIII – đầu thế kỷ XIX của tác giả Đoàn Ánh Loan đã cho chúng ta một cách nhìn khái
quát hơn và cụ thể hơn về việc sử dụng điển cố trong nền văn học trung đại. Với công
trình nghiên cứu này tác giả đã giải quyết được nhiều vấn đề lớn về điển cố như khái
niệm điển cố, tính chất của điển cố, điển cố được sử dụng như thế nào... Đặc điểm và
các cách sử dụng điển cố của các nhà văn, nhà thơ trung đại cũng được tác giả bàn đến
và song song trong những đề mục đó là nhiều dẫn chứng trong Chinh phụ ngâm và
Cung oán ngâm khúc để chứng minh rất thuyết phục.
Nghiên cứu về điển cố thì rất nhiều nhưng riêng đối với việc nghiên cứu về việc
sử dụng điển cố trong Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông thì vẫn còn rất khiêm
tốn. Trong bài viết Tìm hiểu giá trị Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông của tác
giả Trần Lý Trai, bài viết này đã đi sâu vào nghiên cứu, tìm hiểu khá tốt và sâu sắc về
tác phẩm Cư trần lạc đạo phú. Trần Lý Trai đã nêu lên được nhiều nội dung cơ bản

của tác phẩm như “Giá trị nội dung tư tưởng thiền học” [30;36], “Tinh thần nhập thế”
[30;40] của Trần Nhân Tông trong tác phẩm. Tuy nhiên, do nghiên cứu chủ yếu là tác
phẩm nên việc sử dụng điển cố và nghệ thuật trong tác phẩm còn chưa được nhắc tới.


Tóm lại, tất cả các công trình nghiên cứu trên đều thể hiện được sự công phu, tỉ
mỉ và tích cực của các tác giả. Các công trình này đưa lại cho người đọc một cái nhìn
toàn diện về việc sử dụng điển cố trong nền văn học trung đại nước ta và các công
trình trên cũng là cơ sở cho chúng tôi nghiên cứu đề tài “Nghệ thuật sử dụng điển cố
trong tác phẩm Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông”. Trong quá trình thực hiện
đề tài còn nhiều thiếu sót kính mong quý thầy cô giúp đỡ và có ý kiến để đề tài thành
công tốt đẹp.

3. Mục đích nghiên cứu
Khi đi sâu vào nghiên cứu đề tài này chúng ta cần đạt được mục đích nghiên
cứu đó là:
 Tìm hiểu những nét nổi bật về nội dung và nghệ thuật cùng những giá trị tác
phẩm Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông.
 Khảo sát thống kê điển cố trong cách thể hiện của tác phẩm.
 Phân tích, đánh giá hiệu quả nghệ thuật sử dụng điển cố trong tác phẩm để thấy
được giá trị cũng như những đóng góp của tác phẩm Cư trần lạc đạo phú trong nền
văn học dân tộc.

4. Đối tượng phạm vi nghiên cứu
Đề tài nghiên cứu chủ yếu của chúng tôi là tác phẩm Cư trần lạc đạo phú cho
nên phạm vi nghiên cứu của đề tài này cũng cũng tập trung gói gọn trong tác phẩm Cư
trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông và các vấn đề liên quan tới điển cố, nghệ thuật
sử dụng điển cố trong tác phẩm Cư trần lạc đạo phú.

5. Phương pháp nghiên cứu

Khi nghiên cứu khoa học, việc lựa chọn phương pháp thực hiện là rất quan
trọng. Đề tài luận văn “Nghệ thuật sử dụng điển cố trong tác phẩm Cư trần lạc đạo
phú của Trần Nhân Tông” cũng là một đề tài nghiên cứu khoa học nên việc lựa chọn
phương pháp nghiên cứu cũng rất quan trọng đối với sự thành công của đề tài.
Đối với đề tài này, chúng tôi chủ yếu sử dụng một số phương pháp sau: Tìm
hiểu về điển cố trước tiên chúng tôi đi vào khảo sát, thống kê toàn bộ điển cố trong
mười hội của tác phẩm Cư trần lạc đạo phú. Từ những khảo sát, thống kê đó chúng tôi
đi vào phân loại, phân tích, đánh giá, chứng minh để làm rõ những đặc trưng nổi bật và


riêng biệt của tác phẩm Cư trần lạc đạo phú so với các tác phẩm khác. Trong các
phương pháp trên thì phương pháp phân tích, chứng minh là quan trọng nhất.


B. PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG I: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
1. Điển, điển cố và điển tích
Trước khi đi vào định nghĩa điển cố là gì, chúng tôi sẽ đi vào khảo sát các cách
gọi tên của một số nhà nghiên cứu vế thuật ngữ điển cố và thống nhất ở luận văn này
một cách gọi duy nhất để tránh sự khó hiểu cho người đọc cũng như người nghiên cứu.
Bởi vì, trong quá trình nghiên cứu về điển cố cũng như các cách sử dụng điển cố
chúng tôi nhận thấy các nhà nghiên cứu chưa đi đến thống nhất được quan điểm về tên
gọi cũng như định nghĩa về điển cố.
Nhìn chung, qua thống kê một số tài liệu nghiên cứu chúng tôi thấy nổi lên một
số tên gọi sau: Về điển cố chúng ta bắt gặp một số tên gọi như Điển cố Trung Hoa của
Võ Ngọc Châu, Văn học điển cố thuyết minh của Nguyễn Huy Nhường, Điển cố văn
học của Đinh Gia Khánh. Về thuật ngữ điển tích chúng ta bắt gặp Điển tích Truyện
Kiều của Phạm Đan Quế, Điển tích chọn lọc của Mộng Bình Sơn, hay Truyện điển tích
của Nguyễn Huy Chú. Ngoài ra, một số tác giả khác như Nguyễn Thạch Giang gọi
chung là Điển nghĩa văn học Nôm Việt Nam hay tác giả Đặng Đức Siêu với tên gọi là

Ngữ liệu văn học...
Do không thống nhất được tên gọi nên việc đưa ra một khái niệm chung vẫn
chưa hoàn toàn thống nhất, nhiều khái niệm đã được đưa ra thể hiện nhiều quan điểm
của các tác giả:
Trong quyển Việt Nam văn học sử yếu tác giả Dương Quảng Hàm đưa ra khái
niệm chung về điển: “Điển 典 (nghĩa đen là việc cũ) là một chữ hoặc một câu có ám
chỉ đến một việc cũ, một sự tích xưa khiến cho người đọc phải nhớ đến việc ấy, sự tích
ấy mới hiểu được ý nghĩa và cái lý thú của câu văn. Dùng điển chữ nho gọi là dụng
điển (用典) hoặc sử sự (史事) (nghĩa đen là khiến việc) ý nói sai khiến việc đời xưa cho
nó có thể ứng dụng vào bài văn của mình” [6;170].
Theo tác giả Bửu Kế: “Điển 典 là sách sử, cố 故 là cũ từ đó đưa ra khái niệm
Điển cố là truyện cũ đã từng chép trong sách xưa” [12;170]


Quan niệm của Thiều Chửu trong Hán việt từ điển cũng gần giống như tác giả
Bửu Kế. Ông cho rằng: “Điển 典 là kinh điển, sự cũ [4;52], cố 故 là cũ [4;306]. Như
vậy, điển cố là những gì đạt đến độ kinh điển mẫu mực”.
Trong quyển Thi pháp thơ Đường tác giả Quách Tấn có trích dẫn “Thơ cũ của
Việt Nam và Trung Hoa còn có một đặc điểm nữa bên cạnh phép đối ngẫu lá phép
dụng sự tức là dùng điển cố gọi tắt là dụng điển”. Như vậy, ở quan niện trên tác giả
Quách Tấn đã đánh đồng 2 khái niệm điển và điển cố, ông cho rằng: “Dụng điển là lấy
sự tích nơi kinh sử đời xưa, mượn chữ, mượn ý trong câu văn, câu thơ cũ, trong cổ ngữ
… đem vào trong tác phẩm để nói được kín đáo, được bóng bẩy, được gọn gàng, nhất
là gọn gàng những tình ý mà số chữ giới hạn trong câu văn, câu thơ không thể nói đầy
đủ” [22;224].
Tác giả Đoàn Ánh Loan thì lại cho rằng điển cố bao gồm cả điển tích: “Điển cố
là những truyện xưa, tích cũ, được dùng làm phương tiện diễn đạt ý tưởng một cách
ngắn gọn, hàm xúc. Điển cố là một kho tàng quý báu của một nền văn hóa, là hình ảnh
sinh động của sự tích lịch sử (nhà cỏ, thang võ, thường đảm ngọa tâm,...), là hình ảnh
đất nước địa phương (Xích Bích, Mịch La, Lư Sơn Chân Diện,...), là kinh nghiệm quý

báu được tích lũy từ cuộc sống của tiền nhân (thực thiếu sự phồn, Ngu Công di
sơn,…), là phẩm chất đạo đức con người (ôm cây đợi thỏ, khắc thuyền tìm gươm, vẽ
rắn thêm chân,…)” [13;20].
Tác giả Mộng Bình Sơn thì lại có sự phân biệt rạch ròi, ông cho rằng: “Điển
tích là những câu chuyện ngắn gọn hoặc những câu chuyện trong sách đời trước chứa
đựng một nội dung xã hội và văn hóa sâu sắc được lưu truyền qua sử sách đời trước và
được tác giả của mọi thời kì thừa nhận giá trị điển tích của nó” [19;5].
Tác giả Phạm Đan Quế lại có sự phân biệt giữa điển, điển cố, điển tích, ông cho
rằng :
“Điển 典 là một chữ hoặc một câu ám chỉ đến việc cũ, một sự tích đời xưa làm
cho người đọc nhớ tới việc ấy, câu chuyện ấy mà hiểu được ý nghĩa cũng như cái lý
thú của câu văn.
Điển cố 典 故 là một sự việc hay câu chữ trong sách đời trước được dẫn trong
thơ văn.
Điển tích 典 昔 là những câu chyện trong sách đời trước được dẫn lại cô đúc
trong tác phẩm” [17;8].


Bên cạnh các cách gọi tên điển, điển cố, điển tích Đặng Đức Siêu lại chọn cho
mình một tên gọi mới Ngữ liệu văn học và theo ông dẫn ra trong công trình nghiên cứu
của mình ngữ liệu ở đây bao gồm: “Điển cố, từ ngữ, thàng ngữ, nhân danh, địa danh,
tên, chức quan, danh ngôn, …có ý nghĩa biểu trưng [18;18]. Ngoài ra, nó còn bao gồm
một số từ ngữ cổ rút ra từ ca dao, ngạn ngữ được tác giả trung đại Việt Nam đưa vào
tác phẩm của mình dưới dạng điển cố” và “Một số từ ngữ, điển cố Phật giáo thường
thấy trong thơ văn Hán Nôm” từ đó ta thấy, quan điểm Đặng Đức Siêu, ông cho rằng
ngữ liệu bao hàm rất rộng cả điển cố, điển và điển tích. Ông hoàn toàn không có sự
phân biệt giữa ba phạm trù này.
Mặc dù có nhiều cách giải thích khác nhau về điển cố nhưng chúng ta thấy các
cách giải thích ấy đều giống nhau ở bốn điều cơ bản sau đây:
Thứ nhất, điển cố xuất hiện trong các tác phẩm văn thơ.

Thứ hai, điển cố bao gốm hai loại: Điển cố câu chuyện và điển cố từ ngữ.
Thứ ba, điển cố câu chuyện là những chuyện thuộc thời cổ đại, hoặc ở trong
sách xưa.
Thứ tư, điển cố từ ngữ được dẫn dụng phải có xuất xứ từ trong sách xưa.
Từ những khảo cứu trên cho ta thấy các nhà nghiên cứu đều chưa tìm thấy được
một khái niệm chung nhất cho việc dùng điển. Các khái niệm mà các tác giả đưa ra
luôn có sự lẫn lộn, bao hàm lẫn nhau. Đây cũng là một khó khăn khiến cho việc học
tập và tiếp cận thơ văn trung đại nước ta trở nên xa lạ với bạn đọc cũng như nhiều
người nghiên cứu.
Từ thực tế đó, dựa trên cơ sở định nghĩa về điển cố của tác giả Trần Đình Sử
trong quyển Những thế giới nghệ thuật thơ- Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội- 1997
nhóm nghiên cứu chúng tôi xin được khái quát lại định nghĩa điển cố như sau: “Điển
cố là những sự việc, câu chữ của tác phẩm văn học đời trước đã đạt tới mức chuẩn
mực được nhiều người biết tới và thừa nhận, được sử dụng lại trong tác phẩm văn học
mới nhằm tăng cường sức biểu hiện, mở rộng và đổi mới ý thơ thì gọi là điển cố”
Bên cạnh đó, để tránh sự nhập nhằng khó hiểu cho người đọc, nhóm nghiên cứu
chúng tôi sẽ chọn một tên gọi thống nhất đó là tên gọi “điển cố” trong xuất quá trình
nghiên cứu đề tài “Nghệ thuật sử dụng điển cố trong tác phẩm Cư trần lạc đạo phú của
Trần Nhân Tông”.

2. Vấn đề sử dụng điển cố trong nền văn học trung đại


Trong lịch sử dân tộc, đất nước ta đã từng trải qua hơn một ngàn năm đô hộ
phương bắc. Chính những điều này đã ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần, tư tưởng,
văn hóa và xã hội nước ta. Chữ Hán từng được xem là chữ viết “độc tôn” trong nền
văn học nước ta qua nhiều thế kỷ do ảnh hưởng của đô hộ. Tuy nhiên, do tinh thần tự
lực, tự cường cũng như ý thức dân tộc các bậc tiền nhân xưa đã khẳng định tinh thần
độc lập và khả năng sáng tạo của mình khi cho ra đời chữ Nôm. Mặc dù, chữ Nôm
không được lưu truyền rông rãi, không được xem là chữ viết chính của dân tộc và đưa

vào thi cử nhưng cũng đã cho thấy sự ý thức và cố gắng sáng tạo không mệt mỏi của
cha ông ta khi không muốn bị đồng hóa.
Bên cạnh những điều đã làm được, nhìn chung văn học nước ta còn chịu ảnh
hưởng khá nhiều từ nền văn hóa Trung Quốc. Đặc biệt là trong thời kì trung đại, chúng
ta chịu ảnh hưởng nhiều từ đề tài, chủ đề, tư tưởng, cũng như vận dụng các thể thơ
trong sáng tác, nhất là việc sử dụng điển cố trong các sáng tác của mình. Tác giả Phạm
Đan Quế nhận xét: “Dùng điển vốn là một thói quen đã trở thành tập quán trong sáng
tác thơ văn xưa kéo dài xuất từ thời kì cổ đại đến trung đại của các nền văn học chịu
ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa. Biết bao sự tích trong Sử - Sách, Kinh Truyện, biết bao ý tứ câu chữ trong thơ văn cổ điển Trung Quốc đã được các nhân văn
thi sĩ ta sử dụng như những hình ảnh, câu chữ tách rời nguyên bản như một kho từ
vựng để trở thành lối vay mượn mang tính từ chương thuần túy” [17;5]. Ở đây, không
phải là chúng tôi cho rằng việc ảnh hưởng Trung Hoa trong việc sử dụng điển cố trong
sáng tác là xấu, vì thực chất việc sử dụng điển cố trong sáng tác cũng có nhiều tác
dụng tốt. Biểu đạt bằng điển cố là một hình thức thể hiện sâu sắc, hấp dẫn, với nội
dung cụ thể, hàm xúc, đầy hình tượng và vì lẽ đó mà điển cố được dùng phổ biến trong
văn học, nhất là văn học trung đại.
Nói về mục đích dùng điển trong sáng tác văn học trung đại, Lê Quý Đôn phát
biểu. Ông cho rằng: “Ta thường làm thơ có 3 điểm chính: Một là tình, hai là cảnh, ba
là sự. Trong lòng có cảm xúc thực sự, rung cảm nên lời. Thực tế bên ngoài gây thành
ý, rồi dùng điển tích để nói việc ngày nay, chép việc ngày xưa hay thuật truyện hiện
đại, đến tự nhiên có thần.” [28;2]. Từ phát biểu của Lê Quý Đôn ta thấy, người xưa
dùng điển trong sáng tác như một phương tiện hữu hiệu để thể hiện, bộc lộ tư tưởng,
tình cảm của mình.


Đặc điểm của điển cố là dùng hình tuợng biểu trưng diễn đạt bất cứ lãnh vực
nào của cuộc sống được nhiều người sử dụng, sửa chữa thành cố định. Tuy nhiên, nói
điển cố trở thành cố định là nói về mặt ý nghĩa chứ không phải mặt hình thức, bởi vì
nó tùy thuộc vào sự vận dụng đa hình, đa dạng của mỗi người trong cách diễn đạt của
mình. Điển cố bao giờ cũng gồm hai nghĩa: Nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa đen của

điển cố do bản thân nó mang lại, nhiều hình tượng, cụ thể, sinh động. Nghĩa bóng
mang tính khái quát, trìu tượng, có khi cho một sự vật, một tính chất hay một hành
động nên rất đa dạng, rất nhiều biểu cảm. Sử dụng điển cố chính là vận dụng hài hòa
nghĩa đen và nghĩa bóng làm phương tiện ý nghĩa, mục đích biểu trưng và sau đó thể
hiện thái độ người sử dụng.
Điển cố trong văn học Phuơng Đông nói chung và văn học Trung Hoa, Việt
Nam nói riêng đuợc xem như là một chất liệu mang chức năng xây dựng hình tượng
một cách sâu sắc, nhiều ý nghĩa. Điển cố vừa mang chức năng nhận thức vừa mang
chức năng biểu cảm. Điển cố là hiện tượng nghệ thuật tạo sự liên tưởng đặc biệt, biểu
hiện tâm hồn tác giả và gợi cảm cho người đọc vì tính đa nghĩa và sinh động, điển cố
có thể giúp người đọc nhận thức vấn đề sâu sắc và tinh tế hơn. Sự hình thành điển cố
trong văn học không đơn thuần là một biện pháp nghệ thuật mà thực tế do quan niệm
triết học chi phối.
Trong văn học trung đại người viết thường thích dùng điển cố trong sáng tác
của mình bởi nhiều lý do. Trước hết, là do để tạo hình ảnh sinh động cho bài văn tránh
khô khan, trần trụi chỉ một vài câu chữ mà hàm chứa cả triết lý cuộc đời làm cho ý
nghĩa sâu sắc ngoài lời nói. Hơn nữa, do quy định khắt khe của khuân khổ, câu chữ,
niên luật của các thể thơ xưa buộc người viết phải tuân theo những quy cũ. Trong số
câu chữ hạn định của bài thơ muốn thể hiện hết tư tưởng, ước vọng của người viết thì
cách giải quyết tốt nhất là sử dụng điển cố, lấy chuyện xưa để kể truyện ngày nay.
Như đã nói ở phần đặc điểm của điển cố, điển cố bao giờ cũng gồm hai tầng
nghĩa là nghĩa đen và nghĩa bóng. Nếu người viết khéo vận dụng thì đó sẽ là phương
tiện giúp lời, ý thêm đậm đà lý thú. Diễn đạt được những sự việc mà không thể dùng
lời mà nói hết được. Ví dụ trong Chinh phụ ngâm có câu:
“Chí làm trai dặm nghìn da ngựa,
Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao”.


Điển da ngựa do chữ Mã cách khoả thi (da ngựa bọc thây) là điển chỉ trong Mã
Viện truyện có ghi: “Làm trai nên chết ở chiến trường biên ải lấy da ngựa bọc thây

chôn, sao lại chết ở trên giường trong tay đàn bà trẻ con?”. Ý nói kẻ làm trai phải có
chí tung hoành thiên hạ, nên xem cái chết nơi chiến trường là danh dự, không nên bó
chí ở xó nhà làm nhụt nhuệ khí người trai.
Điển Thái Sơn (núi Thái Sơn bên Trung Quốc ý chỉ vật nặng), hồng mao ( lông
con ngỗng trời ý chỉ vật nhẹ) sách xưa có ghi lại: “Người ta ai cũng một lần chết, có
cái chết nặng hơn núi Thái sơn, có cái chết nhẹ hơn lông hồng.”. Ý nói kẻ làm trai nên
tìm lấy cái chết vinh quang, xứng đáng, hơn là chết trong sự ươn hèn.
Chỉ dùng có ba điển Da ngựa, Thái sơn và Hồng mao mà ý thơ sâu sắc hơn gấp
bội. Sức diễn tả mãnh liệt tô đậm ý chí của đấng nam nhi. Không cần diễn tả dài dòng
nhưng hiệu quả của câu thơ tăng lên rất nhiều.
Bên cạnh đó, điển cố còn giúp cho người sáng tác diễn tả được những điều khó
nói mà nếu nói thành lời sẽ thô tục, khiếm nhã, làm cho câu thơ, câu văn nhẹ nhàng,
thanh nhã, nghiêm túc. Ví dụ Truyện Kiều có câu:
“Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay,
Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi Trương.
Mây mưa đánh đổ đá vàng,
Quá chiều nên đã chán trường yến anh”
Điển Thôi Trương kể về câu truyện có chàng Trương Sinh đến chơi đất Bồ, trọ
ở chùa Phổ Cứu. Gặp bọn quân lính quấy rối, người đàn bà họ Thôi trọ cùng chùa với
chàng rất sợ hãi, chàng đã ra tay cứu giúp. Nhân đó bà mời chàng về đãi tiệc, chàng
gặp con gái bà tên Oanh Oanh, nhờ người tỳ nữ làm mối để kết tình. Vài năm trôi qua,
Oanh Oanh lấy chồng, chàng Trương cũng kết hôn với người khác. Từ đó, không còn
ai nhớ lại chuyện cũ nữa ý chỉ nam nữ lén lút tư tình với nhau trước khi kết hôn.
Điển mây mưa (vân vũ) truyện kể vua nước Sở (Sở Hoài Vương) đi chơi ở Cao
Đường, nằm mộng thấy thần nữ đến xin hầu chăn gối. Khi từ biệt luyến tiếc nàng nói:
“Thiếp sớm làm mây, tối làm mưa” ý chỉ trai gái trao tình ân ái với nhau. Chỉ với hai
điển mây mưa và Thôi Trương thi hào Nguyễn Du cho người đọc thấy được sự khéo
léo của Kiều trong việc từ chối cũng như nhẹ nhàng dạy cho Kim Trọng về việc phải
nghiêm túc trong truyện tình yêu. Ý thô nhưng lời rất thanh tao.



Ngoài ra, tác giả trung đại còn sử dụng điển cố như những dẫn chứng, ví dụ
minh họa bởi vì nếu vận dụng tốt sẽ giúp tăng sức thuyết phục cũng như lý lẽ cho lập
luận làm cho lập luận trở nên vững trắc, xác thực rõ ràng. Đó cũng là sự thể hiện của
tính uyên bác và là tài năng của người sáng tác.
Về phương thức sử dụng điển cố trong văn học trung đại, nhìn chung đều dựa
trên cơ sở vay mượn những sự kiện, yếu tố, chi tiết, nhân vật, hình ảnh từ những câu
chuyện hoặc câu thơ, câu văn được chép trong sách xưa. Điển cố như những rừng rậm
chứa nhiếu loại thực vật phong phú, đa dạng, nhiều màu sắc, muốn khai thác hiệu quả
điển cố làm phương tiện biểu đạt văn sĩ dùng nhiều cách thức khác nhau. Thông qua
sự vay mượn đó nhà văn tùy theo nội dung, ý nghĩa và yêu cầu của thể loại văn mà
chọn lựa và áp dụng vào trong tác phẩm của mình.
Tóm lại, chính những đặc điểm ưu việt cùng với nhiều lý do khác nhau đã làm
cho điển cố trở thành một trong những đặc trưng văn học trung đại Việt Nam. Tuy
nhiên, chúng ta không nên vì thế mà quá lạm dụng điển cố. Đỗ Phủ ngày xưa cho rằng:
“Dùng điển như dùng muối, tức không thể dùng nhiều, đồng thời dùng điển phải hòa
tan, tự nhiên, không nhìn thấy, dùng điển phải thoát sáo, linh hoạt, làm ra ý mới thì
mới hay” [20;30]. Trong nền văn học của ta do ảnh hưởng Hán học nên chủ yếu các
sáng tác của các văn sĩ xưa vẫn còn dùng nhiều điển trong sách vở Trung Hoa. Trong
tác phẩm Cư trần lạc đạo phú tác giả đã cố gắng thoát khỏi khuân sáo của điển cố
Trung Hoa bằng việc sáng tác tác phẩm bằng chữ Nôm và sử dụng nhiều điển cố âm
Thuần Việt nhưng không vì thế mà bài phú mất đi giá trị. Tác phẩm đã cho người đọc
thấy được tài năng Trần Nhân Tông và khẳng định Cư trần lạc đạo phú là một tác
phẩm lớn trong nền văn học nước ta.

3. Thể loại phú và phú đời Trần
3.1. Thể loại phú
3.1.1. Nguồn gốc, sự ra đời và phát triển phú đời Trần
Phú là một thể loại văn học quan trọng của Trung Quốc, ra đời từ thời chiến
quốc. Tên thể loại phú do Tuân Huống đặt ra để gọi tên cho tác phẩm của mình. Lưu

Hiệp viết : “Xét về nguồn gốc, rõ ràng phú bắt nguồn từ nước Sở, thịnh lên ở đời
Hán”. Nhưng ông cũng chỉ ra rằng phú có nguồn gốc sâu xa hơn : “Ban Cố cho phú là
một thể loại thơ cổ. Đến khi Khuất Nguyên làm Ly tao, thì thơ phú mới bắt đầu lan


rộng. Phú bắt nguồn từ các nhà thơ, lấy cơ sở từ sở từ” [7;134]. Như vậy ta có thể thấy
được phú có nguồn gốc sâu xa từ văn học Trung Hoa. Phú gồm có 5 thể : Tao thể, tán
thể (còn gọi là phú cổ thể), biền lệ (biền thể), luật thể và văn thể.
Ở Việt Nam, phú không có điều kiện xuất hiện ở xã hội phật giáo đời Lý do
nhiều nguyên nhân khách quan về điều kiện lịch sử và tư duy, tình cảm của con người.
Nó được sử dụng chủ yếu ở thời Trần, khi mà vai trò của đạo Nho được đề cao và việc
xây dựng nhà nước phong kiến Nho giáo được kính trọng.
Phú Việt Nam được mở đầu với bài phú Nôm của Trần Nhân Tông, Lý Đạo Tái
và Mạc Đĩnh Chi vào cuối thế kỷ thứ XIII đầu thế kỷ XIV. Phú của Trần Nhân Tông
có đối tượng, biền ngẫu làm theo lối trữ tình ngôi thứ nhất chia thành mười hội và kết
lại bằng bài kệ. Phú dạy con của Mạc Đĩnh Chi gồm 204 câu 4 chữ. Đây là những bài
phú có nội dung và hình thức độc đáo khó thấy có ở phú của Trung Quốc.
Phú là một thể loại văn học nhằm phô diễn tư tưởng, tình cảm, ý chí của kẻ sĩ
với non sông đất nước, đối với thánh triều. Những điều này cũng được thể hiện khá rõ
trong ba bài phú ra đời sớm nhất thời Trần là Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân
Tông, Vịnh Vân Yên tự phú của Lý Đạo Tái và Giáo tử phú của Mạc Đĩnh Chi. Một
điều đáng chú ý là trong số ba bài phú chữ Nôm ra đời sớm nhất vào thời Trần thì có
tới hai bài xuất xứ từ thiền phái Trúc Lâm đó là hai bài phú Cư trần lạc đạo phú của
Trần Nhân Tông và Vịnh Vân Yên tự phú của Lý Đạo Tái. Nội dung hai bài phú Cư
trần lạc đạo phú và Vịnh Vân Yên tự phú nêu lên những tư tưởng quen thuộc của thiền
phái. Tuy nhiên, không vì thế mà hai bài phú này không thể hiện hết được thuộc tính
của phú là tả chí. Cái “chí” ở đây được Đặng Thai Mai giải thích: “Ta nên hiểu chữ
“chí” ở đây là “tâm” của kẻ sĩ. Cho nên “chí” không chỉ có phần nghị lực, phần ý chí
mà thôi mà nó có phần tâm tình kẻ sĩ nữa” [30;44].
Với ba bài phú nêu trên, người đọc đã biết đến phú chữ Nôm. Tuy nhiên, phải

đến cuối thời Lê nó mới bắt đầu nở rộ và đạt đến mức điêu luyện, tinh xảo. Người thực
sự khơi dòng cho phú Nôm là Nguyễn Hàng với Đại hồng phong cảnh phú và Tịch cư
ninh thể phú. Từ đây trở đi phú Nôm mới bắt đầu được ưa chuộng, về sau phú Nôm
tiếp tục phát triển theo hai hướng. Thứ nhất là ca ngợi và tỏ chí như tác phẩm Ngã ba
hạc phú của Nguyễn Bá Lân, Tụng Tây Hồ phú của Nguyễn Huy Lượng... Thứ hai là
giáo huấn với các bài phú khuyết danh như: Răn cờ bạc, Răn rượu, Khuyên thế nhân...
Phú Nôm giàu tính hiện thực, nhiều bài đạt thành tựu cao về nghệ thuật.


Tóm lại, phú có nguồn gốc xâu xa từ văn học Trung Hoa. Khi du nhập vào
nước ta phú bắt đầu xuất hiện vào thời Trần với ba bài phú chữ Nôm của Trần Nhân
Tông, Lý Đạo Tái, Mạc Đĩnh Chi và ngày càng phát triển đạt những thành tựu cao về
cả nội dung lẫn nghệ thuật.

3.2. Phú đời Trần
3.2.1. Nội dung phú đời Trần
3.2.1.1. Thể hiện tinh dân tộc, ca ngợi thiên nhiên, đất nước và con
người thời Trần
Phú thời Trần Thể hiện tinh thần quật cường của dân tộc, ca ngợi công đức của
các vị vua Trần trong chống xâm lược và xây dựng đất nước. Bày tỏ tâm trạng hào
hứng, phấn khởi của con người trước thiên nhiên, đất nước tươi đẹp, giàu có, bày tỏ
khát vọng hòa bình. Đó là tinh thần Bạch đằng giang phú của Trương Hán Siêu, Trảm
xà kiếm phú của Sử Hy Nhan, Thiên hưng trấn phú của Nguyễn Bá Thông…, Những
bài phú của thời thịnh Trần (1225 -1340). Bạch đằng giang phú là bài ca hào hùng của
thời đại phô diễn vẻ đẹp tráng lệ của khí thế dân tộc qua những hình ảnh chói lọi trong
kháng chiến chống quân Nguyên Mông:
“Đương khi:
Muôn đội thuyền bày, hai quân giáo chỉ
Gươm tuất sáng lòa cờ bay đỏ khé.
Tướng bắc quân nam, hai bên đối lũy.

Đã nổi gió mà bay mây, lại kinh thiên mà động địa.
Kìa Tất Liệt thế cường, Lưu công chước quỷ.
Nó bảo rằng:
Phen này một trận gieo roi, quét sạch Nam bang bốn cõi.
Thế nhưng : Trời cũng chiều người, hung đồ hết lối.
Khác nào khi xưa:
Trận Xích Bích, quân Tào Tháo tan tác tro bay;
Bến Hợp Phì, giặc Bồ Kiên lát giây cháy rụi.
Đến nay nước sông tuy chảy hoài,
Mà nhục quân thu khôn rửa nổi.
Tái tạo công lao, muôn đời ca ngợi.”


Non sông đất nước tươi đẹp cũng là niềm tự hào và ca ngợi bất tận của các tác
giả:
“Lớp lớp sóng kình muôn dặm, thướt tha đuôi trĩ một màu.
Nước trời một sắc, phong cảnh ba thu.”

3.2.1.2. Thể hiện chí khí, khát vọng của kẻ sĩ
Phú thời Trần bộc lộ chí hướng, khát vọng của kẻ sĩ mong muốn phò trợ giúp
nước, thi thố tài “kinh bang tế thế”, can gián vua chúa mong muốn giúp vua sửa đức,
trở thành “minh quân”, bày tỏ khát vọng “phò nghiêng đỡ lệch”. Tiêu biểu là Ngọc
tỉnh liên phú của Mạc Đĩnh Chi, Cần chính lâu phú của Nguyễn Pháp, Diệp mã nhi
phú của Nguyễn Phi Khanh, Cảnh Minh Phú của Đào Sư Tích, Quan chu nhạc phú
của Nguyễn Nhữ Bật,…
Những bài phú loại này chủ yếu xuất hiện trong thời vãn Trần, bắt đầu từ Trần
Dụ Tông (1341 – 1369 ). Thời kỳ này, giai cấp thống trị sau một khoảng thời gian
“nằm gai nếm mật”, “đồng cam cộng khổ” với nhân dân, nay bắt đầu đi vào xa hoa
hưởng lạc và triều đình nhà Trần cũng bắt đầu nghiêng ngửa vì những biến động xã
hội. Ý thức được điều này, các tầng lớp nho sĩ đề ra yêu cầu cấp thiết là nhà vua phải

“tu thân”. Trong bài Thang bàn phú (phú cái chậu vua Thành Bang) một tác giả đã viết
hết sức xúc động:
“Mặt trời là biểu tượng của nhà vua
Chiếc chậu là tượng hình của mặt nguyệt.
Tuy dáng tròn vẫn không đổi thể xưa,
Mà ánh sáng vẫn luôn đổi mới.
Chắc thánh nhân khi thể nghiệm đạo trời,
Sẽ nhận ở chậu này nhiều tâm đắc”.
Cảm hứng can gián, khuyến phúng xuất hiện ở hàng loạt phú thời này, phản ánh
một vấn đề xã hội có tính cấp thiết, bức xúc của lịch sử. Trong Cầm chính lâu phú
Nguyễn Pháp khuyên vua không nên ăn chơi xa xỉ, mà phải chăm chỉ việc chiều chính:
“Thanh sắc lánh xa chẳng thiết;
Bắn săn bỏ dứt không chơi.
Cầm gấm vóc không cho là quý ;
Mặc giản đơn làm trước mọi người…
Thức khuya dậy sớm, sử dụng hiền tài.


Thân coi chính sự, nắm hết quyền oai.
Đức Nghiêu Thuấn mong rằng sánh kịp;
Công vua Văn cố gắng theo đòi”.

3.2.1.3. Thể hiện tinh thần triết luận về vũ trụ và nhân sinh, cảm
khoái thời thế, bày tỏ sự thất vọng và nhu cầu thay đổi hiện tại xã hội
Điều này thể hiện trong các bài phú của Trương Hán Siêu, Đào Sư Tích, Trần
Công Cẩn….Bạch đằng giang phú là một bài ca nhưng lại mang cả một nỗi bi ai ngấm
ngầm. Đó là tâm trạng thương xót cho những ai đã ngã xuống trên dòng sông này:
“Bờ lau xào xạc, bến lách đùi hiu,
Sông chìm giáo gãy, gò đầy xương khô.
Buồn vì cảnh thảm, đứng lặng giờ lâu…”

Và man mác nỗi buồn hoài cổ:
“Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá,
Mà nay dấu vết luống còn lưu…
Khách chơi sông chừ ủ mặt,
Người hoài cổ chừ lệ chan….”

3.2.2. Đặc điểm về hình thức phú đời Trần
Phú đời Trần có nghệ thuật khá điêu luyện và thuần thục. Phú chủ yếu được làm
theo hai thể cổ thể và cận thể. Âm điệu hài hòa, đối chỉnh, lời ý chặt chẽ. Lê Quý Đôn
từng nhận xét “Văn thể phú về triều nhà Trần phần nhiều khôi kỳ, hùng vĩ, lưu loát,
đẹp đẽ, âm vận, cách điệu giống như văn nhà Tống” [7;152]. Sau đây tôi xin được dẫn
một số nét chính về đặc điểm của hai thể phú: Cổ thể và cận thể.

3.2.2.1. Phú cổ thể
Phú cổ thể chính là một thể văn vốn là từ thơ cổ phong dãn ra, do đó cách kết
cấu rộng rãi, các đoạn mạch cũng không cần phải chặt chẽ chỉ cần vần mà không cần
đối, cũng không cần hạn số vần nhất định mỗi câu có thể là bốn từ, bảy từ hay nhiều từ
theo lối trường đoản cú không cân đối. Những bài phú hoàn toàn dùng câu bốn từ (gọi
là phú tứ tự), dùng hoàn toàn câu bảy từ (gọi là phú thất tự). Những bài phối theo lối
trường đoản cú, lối văn xuôi có vần gọi là phú lưu thủy. Ngoài ra, những bài phú có


những câu đệm từ hề (chừ), gọi là phú theo điệu Sở từ. Sau đây, chúng tôi xin dẫn một
số ví dụ tiêu biểu
Ví dụ 1: Trích đoạn đầu bài phú Tài bàn làm thể tứ tự:
“Tài bàn, tài bàn! Ai sinh ra chàng? Trăm hai mươi quân,
Phu bá kéo hàng. Cũng văn, cũng sách cũng chi, lão, thang.
Nào ăn, nào đánh, muốn dọc muốn ngang. Có lạ gì đâu, khác chín lưng
khàn.
Từ khi mới sang, vát mặt nghênh ngang; đi dâu theo đó, sum họp thành

làng” .
(Khuyết danh)
Ví dụ 2: Trích đoạn đầu của bài Ngọc tỉnh liên phú của Mạc Đĩnh Chi, làm theo
thể Lưu thủy:
“Khách có kể: nơi nhà cao tựa ghế, trưa mùa hạ nắng hồng
Ao trong ngắm làn nước biếc. nhạc phù vịnh phúc Phù dung.
Chợt có người: Mặc áo quê, đội mũ vàng.
Hỏi: “Ở đâu lại?” Rằng: “Từ Họa sơn”
Bèn bắc ghế, bèn mời ngồi…”
Ví dụ 3: Trích đoạn đầu của bài Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu,
làm thể Lưu thủy có pha lối Sở từ:
“Khách có kẻ giương buồm giong gió chơi vơi, lướt bể chơi trăng mải
miết.
Sớm gõ thuyền chừ Nguyên Tương; chiều lần thăm chừ Vũ Nguyệt
Cửu giang, Ngũ hồ, Tam Ngô, Bách Việt,
Nơi có người đi đâu mà chẳng biết.
Đầm Vân mộng chứa trong kho tư tưởng cũng nhiều,
Mã tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết.
Bèn giữa dòng chừ buông chèo; học Tử trường chừ thú tiêu giao...”
Bài Ngọc tỉnh liên phú và bài Bạch Đằng giang phú đều theo lối Lưu thủy, câu
dài câu ngắn không nhất định và không buộc phải đối nhau. Nhưng thỉnh thoảng cũng
có câu đối nhau. Bài sau chỉ khác bài trước ở chỗ thỉnh thoảng có pha điệu Sở từ.

3.2.2.2. Phú cận thể


Phú cận thể hay phú Đường luật: Nếu phú cổ thể ít được dùng trong văn học
quốc âm thì phú cận thể hầu như được dùng phổ biến. Thể phú này có từ đời Đường
nên đời sau gọi là phú Đường luật. So với phú cổ thể, phú Đường luật có kết cấu chặt
chẽ, theo một số quy luật nhất định.

Về cách đặt câu: Câu trong phú Đường luật phải có vần và phải đối nhau.
Vần có hai lối: Độc vận, nghĩa là xuất cả bài chỉ có một vần. Liên vận, nghĩa là
bài thơ gồm có nhiều vần. Vần thì có thể vần bằng, có thể vần trắc, độc vận cũng có
thể hoặc bằng, hoặc trắc. Gieo vần có hai cách: Phóng vận, tức là tự người làm buộc
phải theo một vần (độc vận) hay nhiều vần (liên vận) nhất định. Hạn vận. Trong phú
liên vận, từ câu trên chuyển xuống câu dưới, từ đoạn trên chuyển xuống đoạn dưới đều
tự do thay đổi vần lúc nào cũng được, miễn là nằm trong một đoạn mạch bố cục.
Câu trong phú Đường luật khác câu trong phú cổ thể là phải đối nhau dù đặt
theo lối bát tự, song quan, cách cú hay hạc tất. Đối là phải đối thanh đi với đối ý.
Trong câu bát tự và song quan, nếu từ cuối câu trên là trắc thì từ cuối câu dưới là bằng
hoặc ngược lại. Trong câu cách cú hay hạc tất, từ đậu (tức là từ cuối trong vế đầu trong
câu cách cú hay từ cuối trong vế đầu và vế thứ hai trong câu hạc tất) cũng phải theo
luật lệ đó. Đấy là luật của hệ thống ngang, còn có niên của hệ thống dọc, tức là quan
hệ về thanh giữa các câu bát tự, song quan, cách cú, hạc tất trong một bài phú. Thí dụ:
“Khổ dạng trâm anh
Nết na chương phủ
Hoi miệng sữa còn giọt máu, nét hào hoa chừng ná Tấn Dương; Chòm
tóc xanh vừa chấm ngang vai, lời khi nghiệp chững so Y, Phó”.
Ở đây, hai câu bát tự chuyển xuống hai câu cách cú. Như vậy, từ “phủ” ở cuối
câu thứ hai bát tự là trắc phải ăn khớp với từ “máu” là từ đậu cũng trắc ở cuối vế thứ
nhất câu đầu cách cú kế tiếp. Cũng như vậy, từ “Dương” là bằng ở cuối câu đầu cách
cú phải ăn khớp với từ “vai” là từ đậu cũng bằng ở cuối vế thứ nhất câu thứ hai cách
cú, v.v…Có thể tóm tắt niêm trong bốn câu nói trên như sau: Phủ(trắc), Máu(trắc),
Dương (bằng),Vai (bằng), Phó (trắc)... Như vậy là thanh trắc hay thanh bằng phải
niêm từng cặp với nhau, nếu lẻ là thất niêm.
Về cách bố cục: Cách sắp đặt đoạn mạch trong một bài cú Đường luật cũng chặt
chẽ như trong một bài thơ Đường luật, nghĩa là cũng đủ khai, thừa, thực, luận, kết.


Trong một bài phú, thường người ta chia ra 5 hoặc 6 đoạn: Lung, biện nguyên, thích

thục, phù diễn, nghị luận, kết.
Những phần đề cập bên trên chỉ là khái quát, thực chất một bài phú thường gồm
4 đoạn: Đoạn mở, đoạn giải thích, đoạn bình luận và đoạn kết. Ở đoạn mở đầu cũng
như ở phần đầu mỗi đoạn không dùng câu dài như cách cú hay hạc tất, mà chỉ dùng
câu ngắn như bát tự, song quan, rồi mới đến câu dài. Trong mỗi đoạn thường gieo một
vần (nếu bài có nhiều vần), nhưng cũng có thể gieo nhiều vần, nếu không muốn gò bó.
Đó là những nét chính về hình thức nghệ thuật phú đời Trần.

CHƯƠNG II: TÌM HIỂU VỀ TÁC GIẢ


TRẦN NHÂN TÔNG VÀ TÁC PHẨM
CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ
1. Tác giả
Trần Nhân Tông 陳仁宗(1258 – 1308) tên thật là Trần Khâm 陳昑. Ông sinh ngày
11 tháng 11 năm Mậu Ngọ. Niên hiệu nguyên phong thứ 8. Trần Nhân Tông là con
trưởng vua Trần Thánh Tông 陳聖宗, mẹ là Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu.
Đại việt sử ký toàn thư có ghi lại: “Trần Nhân Tông được tinh anh thánh nhân, thuần
túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng, hai cung cho là
lạ, gọi là Kim Tiền đồng tử. Trên vai có một nốt ruồi đen nên có thể gánh vác việc
lớn” [5;54].
Vốn bản tính thông minh, đa tài và học rộng về Phật học cũng rất tinh tường,
thường cùng các vị tôn đức trong thiền gia giảng cứu thiền học. Nhất là được sự giáo
huấn của Tuệ Trung thượng sĩ nên Trần Nhân Tông am hiểu Phật pháp đến mức uyên
đáo.
Năm 16 tuổi được lập làm thái tử, Trần Nhân Tông có ý tù chối xin nhường cho
em nhưng không được vua cha chấp nhận. Năm 21 tuổi được vua cha truyền ngôi và
lấy hiệu là Thiện Bảo Nguyên Niên.
Trong thời gian người tại vị đất nước gặp rất nhiều khó khăn, khi người vừa lên
ngôi nhà Nguyên cũng vừa diệt xong nhà Tống và có ý đồ xâm chiếm nước ta. Lợi

dụng chú của Trần Nhân Tông là Trần Di Ái cùng Lê Tuân, Lê Mục đi sứ sang Trung
Quốc. Vua nhà Nguyên phong Trần Di Ái làm An Nam Quốc Vương và sai Xài Thung
đem quân sang xâm lược nước ta lần thứ nhất. Vốn là người có thể gánh vác được việc
lớn cùng sự anh minh, tài trí cộng thêm sự giúp sức của quan tài, tướng giỏi. Trần
Nhân Tông cùng với quân và dân cả nước đã đánh tan 3 lần xâm lược của quân
Nguyên Mông.
Đại việt sử ký toàn thư nhân định “Trần Nhân Tông là một vị vua nhân từ, hòa
nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng đời trước. Thực sự là một vị vua hiền đời
Trần”[5;54].
Bên cạnh hậu thế ca ngợi là một vị anh hùng, tài trí có công chống giặc Nguyên
mà đồng thời Trần Nhân Tông còn được biết đến như một nhà thiền học Phật giáo.
Vốn yêu thích đạo Phật từ nhỏ, sau khi tại vị 14 năm Trần Nhân Tông truyền ngôi cho


vua Anh Tông và lên làm Thái Thượng Hoàng. Ông ở ngôi Thái Thượng Hoàng được
5 năm, thấy vua Anh Tông có thể tự mình trông coi quốc sự. Trần Nhân Tông quyết
định xuất gia ở núi Yên Tử lấy đạo hiệu là Trúc Lâm Đại Sĩ. Ông đã khai sáng ra phái
Thiền Viện Trúc Lâm đồng thời là vị tổ sư thứ nhất của phái thiền này.
Năm 1038 Trần Nhân Tông mất tại am Ngọa Vân núi Yên Tử (Đông Triều,
Quảng Ninh). Trần Nhân Tông tại vị ngôi vua 14 năm, làm Thái Thượng Hoàng 5
năm, và xuất gia 8 năm, thọ 51 tuổi.
Tóm lại, Trần Nhân Tông là một vị vua đặc biệt nhất trong các vị vua của Việt
Nam xưa. Ngài vừa là một vị anh quân, anh hùng một thời, vừa là một thiền sư đạo
cao đức trọng là một tấm gương sáng cho nhiều thế hệ sau noi theo.

2. Tác phẩm
2.1. Hoàn cảnh sáng tác
Trần Nhân Tông từng sáng tác rất nhiều nhưng hiện nay đã bị thất truyền, các
sáng tác của ông chủ yếu là viết về Phật học. Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác nhiều tác
phẩm thi ca nhưng hiện nay cũng không còn, chỉ còn lại 25 bài in trong Việt âm thi

tập. Hai bài phú nổi tiếng của Trần Nhân Tông đó là Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú
lâm tuyền thành đạo ca (thơ 4 chữ bằng tiếng Việt) đều được in trong Thiền tông bản
hạnh.
Bài Cư trần lạc đạo phú tức là bài phú Cư trần lạc đạo (bài phú ở cõi trần vui
với đạo) được sáng tác trong khoảng 6 năm người làm Thái Thượng Hoàng (1279 –
1300) để hướng dẫn vua Anh Tông trị vì Và ta cũng thấy rõ điều này trong hội thứ
nhất khi người viết:
“ Mình ngồi thành thị
命憹城市
Nết dụng sơn lâm”
涅用山林
(Hội thứ nhất)
Hai câu trên có nghĩa là “Mình ngồi thành thị” ý chỉ người đang ở triều đình,
nơi chốn kinh đô thành thị làm Thái Thượng Hoàng hướng dẫn cho con trông coi việc
nước nhưng tinh thần hay hành động của người giống như người ở núi rừng “Nết dùng


×