Tải bản đầy đủ (.pdf) (129 trang)

NHỮNG TƯƠNG ĐỒNG và dị BIỆT GIỮA sử THI “ILIAT” của HOMERE (HY lạp) và sử THI “RAMAYANA”CỦA VALMIKI (ấn độ)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (786.01 KB, 129 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
BỘ MÔN NGỮ VĂN

NGUYỄN THỊ THỦY TIÊN
MSSV: 6095894

NHỮNG TƯƠNG ĐỒNG VÀ DỊ BIỆT GIỮA
SỬ THI “ILIAT” CỦA HOMERE (HY LẠP) VÀ
SỬ THI “RAMAYANA” CỦA VALMIKI (ẤN ĐỘ)

Luận văn tốt nghiệp Đại học
Ngành Cử nhân Ngữ văn – Khóa 35

CBHD: TRẦN VŨ THỊ GIANG LAM

CẦN THƠ, 4/2013


ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
2. Lịch sử vấn đề
3. Mục đích nghiên cứu
4. Phạm vi nghiên cứu
5. Phương pháp nghiên cứu

PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: TÌM HIỂU CHUNG VỀ VĂN HỌC SO SÁNH VÀ
THỂ LOẠI SỬ THI
1.1. Tìm hiểu chung về văn học so sánh


1.1.1. Tên gọi
1.1.2. Mục đích nghiên cứu
1.1.3. Đối tượng nghiên cứu
1.1.4. Phương pháp luận và các phương pháp khác của văn học so sánh
1.1.5. Phạm vi và chủ đề nghiên cứu của văn học so sánh
1.2. Tìm hiểu chung về thể loại sử thi
1.2.1. Khái niệm sử thi
1.2.2. Sự ra đời của sử thi
1.2.3. Đặc điểm của thể loại sử thi
1.2.3.1. Về nội dung
1.2.3.2. Về nghệ thuật

CHƯƠNG 2: GIỚI THIỆU VỀ HOMERE VÀ SỬ THI “ILIAT”
(HY LẠP) – NHÀ VIẾT SỬ VALMIKI VÀ BỘ SỬ THI
“RAMAYANA” (ẤN ĐỘ)
2.1. Vài nét về đất nước và văn hóa Hy Lạp
2.1.1. Đất nước Hy Lạp
2.1.2. Văn hóa Hy Lạp
2.2. Tác giả Homere và sử thi “Iliat”
2.2.1. Tác giả Homere
2.2.1.1. Tiểu sử và các sáng tác
2.2.1.2. Vấn đề Homere
2.2.1.3. Việc nghiên cứu tác giả Homere qua các thời đại
2.2.2. Sử thi “Iliat”
2.2.2.1. Vài nét về sử thi “Iliat” của Homere


2.2.2.2. Tóm tắt nội dung
2.3 . Đất nước và văn hóa Ấn Độ
2.3.1. Đất nước Ấn Độ

2.3.2. Văn hóa Ấn Độ
2.4. Nhà viết sử Valmiki và bộ sử thi “Ramayana”
2.4.1. Nhà viết sử Valmiki
2.4.2. Bộ sử thi “Ramayana”
2.4.2.1. Vài nét về sử thi “Ramayana”
2.4.2.2. Sức ảnh hưởng của bộ sử thi
2.4.2.3. Tóm tắt nội dung

CHƯƠNG 3: SỬ THI “ILIAT” CỦA HOMERE (HY LẠP) VÀ SỬ
THI “RAMAYANA” CỦA VALMIKI (ẤN ĐỘ) NHỮNG NÉT
TƯƠNG ĐỒNG VÀ DỊ BIỆT
3.1. Những tương đồng
3.1.1. Nội dung
3.1.1.1 Đề tài
3.1.1.2. Bức tranh hiện thực xã hội
3.1.1.3. Hình tượng nhân vật
3.1.1.4. Khát vọng của con người
3.1.1.4. Các quan hệ gia đình, xã hội
3.1.1.6. Nguyên nhân của các cuộc giao tranh
3.1.2. Nghệ thuật
3.1.2.1 Lối miêu tả chi tiết, tỉ mỉ, cụ thể
3.1.2.2 Nghệ thuật so sánh
3.1.2.3. Cách viết cường điệu, phóng đại, lí tưởng hóa
3.1.2.4. Lối sử dụng định ngữ
3.1.2.5. Cách nói lặp lại
3.1.2.6. Những đoạn thuyết lí
3.2. Những dị biệt
3.2.1. Yếu tố thần linh
3.2.2. Yếu tố thiên nhiên
3.2.3. Số phận của người anh hùng

3.2.4. Hình tượng người phụ nữ
3.2.5. Vai trò của con người
3.2.6. Miêu tả tâm lí nhân vật
3.2.7. Không gian và thời gian nghệ thuật

PHẦN KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM KHẢO


PHẦN MỞ ĐẦU


1. Lí do chọn đề tài
Đã từ lâu đất nước Hy Lạp được mọi người trên thế giới biết đến và
công nhận là một trong những “cái nôi” của nền văn minh nhân loại. Nền văn
minh Hy Lạp đã đạt được những thành tựu rực rỡ có sức ảnh hưởng sâu rộng
đến nền văn minh quanh khu vực Địa Trung Hải, các nước Châu Âu và châu
Mỹ,... Hy Lạp còn được cả thế giới biết đến với những nét văn hóa đặc trưng
như về văn học, kiến trúc, triết học, toán học. Một trong những tác phẩm nổi
tiếng của văn học Hy Lạp cổ đại là thần thoại Hy Lạp, một tập hợp gồm nhiều
truyền thuyết về các vị thần như Dơt, Hêra, Athena, Apôlông. Nổi bật hơn cả là
hai bộ sử thi “Iliat” và “Ôđixê” của tác giả Homere, hai tác phẩm này đã phản
ánh phần nào đời sống vật chất tinh thần và văn hóa xã hội dồi dào của người
Hy Lạp cổ đại. Đi vào tìm hiểu hai tác phẩm này là đi vào tìm hiểu về đất nước
và văn hóa Hy Lạp cổ đại. Với tác phẩm “Iliat” còn cho chúng ta thấy rõ hơn
về các cuộc chiến tranh bộ lạc, về sự anh dũng của các vị anh hùng với khát
vọng và ước mơ cao cả. Khám phá về một thế giới thần linh với quyền lực siêu
phàm và những chiến công hiển hách, về một giai đoạn lịch sử đầy cam go,
quyết liệt nhưng cũng không kém phần bi hùng của nhân dân Hy Lạp...
Ăngghen đã từng nhận xét: “Sử thi của Homere với toàn bộ thần thoại là những

di sản chính mà người Hy Lạp đã đem từ thời dã man đến văn minh”. Triết học
Hy Lạp là nền móng của triết học phương Tây với các nhà triết học nổi tiếng
như Thales, Platon, Aristote... Toán học và khoa học Hy Lạp đạt được khá
nhiều thành tựu rực rỡ với các nhà khoa học bậc thầy như Pythagoras,
Archimedes. Họ đã phát minh ra những định lý cơ sở cho toán học và khoa học
hiện đại. Kiến trúc Hy Lạp cũng đạt được nhiều thành tựu to lớn với các công
trình tiêu biểu như đền Parthenon, các khu di tích Olympia, Delphi với hàng
loạt các đền đài, quảng trường, nhà hát, sân vận động khác. Hy Lạp cũng là nơi
ra đời Thế vận hội (Olympic) đầu tiên vào năm 776 trước Công nguyên và


được tổ chức 4 năm một lần, khởi nguồn của Thế vận hội Olympic hiện đại
ngày nay. Bên cạnh đất nước Hy Lạp với bề dày lịch sử lâu đời là đất nước Ấn
Độ. Ấn Độ là nơi sinh trưởng của bốn tôn giáo lớn trên thế giới: Ấn Độ giáo
(Hindu), Phật giáo, đạo Jaini và đạo Sikh. Ấn Độ còn được cho là một đại diện
tiêu biểu cho nền văn hóa phương Đông. Nền văn minh Ấn Độ cũng là một
trong những nền văn minh nổi tiếng và thuộc về những nền văn minh cổ nhất
thế giới như: nền văn minh Ai Cập cổ đại, nền văn minh Hy Lạp, nền văn minh
La Mã, nền văn minh Tây Á, nền văn minh Trung Hoa, nền văn minh Maya và
nền văn minh Andes. Với nền văn minh sông Ấn phát triển rực rỡ cách đây
năm ngàn năm, nó không chỉ ảnh hưởng đến các nước trong khu vực Nam Á,
Đông Nam Á; nước Việt Nam và các nước lân cận khác như Campuchia, Thái
lan,... Mà các nước ngoài khu vực cũng chịu ảnh hưởng khá nhiều từ nền văn
minh Ấn Độ như Mỹ, Anh,…Qua đó cho chúng ta thấy được sức ảnh hưởng
cùng với những thành tựu đáng nể mà khó có nền văn hóa nào trên thế giới có
thể mang lại cho nhân loại như nền văn hóa Ấn Độ. Văn minh Ấn Độ đã để lại
những thành tựu to lớn về kiến trúc, tư tưởng, tôn giáo tiêu biểu về kiến trúc có
những công trình nổi tiếng như Taj Mahal và các công trình kiến trúc có ảnh
hưởng Hồi giáo là di sản từ triều đại Mughal. Ngoài ra, về văn học, chữ viết
cũng đạt được những thành công, tiêu biểu có hai bộ sử thi “Ramayana” và

“Mahabharata”. Hai bộ sử thi này được đánh giá như một bộ “bách khoa toàn
thư” phản ánh mọi mặt về đời sống xã hội của đất nước Ấn Độ thời cổ đại. Tác
phẩm “Ramayana” có dung lượng nhỏ hơn tác phẩm “Mahabharata” nhưng nó
lại có sự ảnh hưởng rộng rãi hơn. Nó mô tả về cuộc đời đầy sóng gió của chàng
hoàng tử Rama, cùng mối tình chung thủy giữa chàng và nàng Xita xinh đẹp
đồng thời cũng là người cùng chàng vượt qua bao sóng gió. Tác phẩm đã ảnh
hưởng đến văn học dân gian của nhiều nước Đông Nam Á. Nước ta còn đưa bộ
sử thi “Ramayana” vào giảng dạy trong chương trình học phổ thông và Đại học
để giúp học sinh phần nào tiếp cận và tìm hiểu về tác phẩm văn học xuất sắc
này.
Được tiếp xúc với các bộ sử thi trên trong chương trình học phổ thông
qua các đoạn trích như: Rama buộc tội, Hồ Pampa hay qua các học phần văn


học châu Âu, văn học Ấn Độ - Nhật Bản ở chương trình học Đại học đã giúp
cho người viết có được những hiểu biết cơ bản về thể loại sử thi cũng như tìm
hiểu sơ qua về nội dung tác phẩm. Bên cạnh đó, nghiên cứu văn học không chỉ
tìm hiểu quá trình phát triển của riêng nó, của riêng một đất nước hay một dân
tộc mà còn đi sâu vào tìm hiểu các mối quan hệ, các hiện tượng và tác phẩm
văn học của nhiều đất nước và nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới. Ngày nay,
cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ, khoảng cách của mọi
người ngày càng được thu hẹp. Con người càng có điều kiện giao lưu, tìm hiểu
văn hóa của nhau hơn. Xuất phát từ những điều kiện và nhu cầu hiểu biết ngày
càng cao của mọi người cộng với niềm đam mê học hỏi và nghiên cứu văn học
đã trở thành một động lực thôi thúc người viết chọn đề tài “Những tương đồng
và dị biệt giữa sử thi “Iliat” của Homere (Hy Lạp) và sử thi “Ramayana” của
Valmiki (Ấn Độ).”
Thực hiện việc nghiên cứu đề tài này người viết mong muốn góp một
phần những hiểu biết và kiến thức của mình vào việc tìm hiểu, lí giải những nét
tương đồng và dị biệt của hai bộ sử thi cũng như giữa hai nền văn học có lịch

sử lâu đời trên thế giới. Đồng thời thông qua việc nghiên cứu đề tài này người
viết còn có cơ hội trau dồi thêm vốn hiểu biết và học hỏi thêm nhiều kiến thức
quý báu về văn hóa, văn học, về đời sống xã hội của người Hy Lạp và Ấn Độ
cổ đại.

2. Lịch sử vấn đề
Mỗi một dân tộc, mỗi một đất nước đều có những nét văn hóa đặc trưng
của riêng mình. Mỗi một tác phẩm đều mang trong mình những giá trị riêng,
tuy nhiên những giá trị đó cũng không hoàn toàn tách ra khỏi cái chung của
một tác phẩm văn chương. Vì vậy, có thể nói giữa sử thi “Iliat” của Homere và
sử thi “Ramayana” của Valmiki có những nét tương đồng và dị biệt về nhiều
phương diện từ nội dung cho đến nghệ thuật.
Việc tìm ra mối quan hệ giữa các hiện tượng văn học với nhau là một
việc làm khá mới mẻ trong nghiên cứu thuộc lĩnh vực văn học so sánh. Không
những thế, văn học so sánh lại là một bộ môn nghiên cứu khoa học ra đời muộn
hơn các bộ môn khác như: lí luận văn học, phê bình văn học. Tuy nhiên, bộ


môn này đã có những đóng góp đáng kể trong việc tìm hiểu cũng như phát huy
tích cực vai trò của mình trong lĩnh vực nghiên cứu văn học. Nó đã dần được
công nhận là một ngành khoa học chuyên biệt với phương pháp luận riêng.
Đề tài “Những tương đồng và dị biệt giữa sử thi “Iliat” của Homere (Hy
Lạp) và sử thi “Ramayana” của Valmiki (Ấn Độ) là một đề tài còn khá xa lạ
với người viết. Tuy đã có một vài công trình nghiên cứu nhưng hầu như nó chỉ
mới được nghiên cứu ở từng mảng nhỏ, chỉ được đề cập ở những mức độ, góc
độ và khía cạnh nào đó chứ chưa được khảo sát toàn diện. Như đi vào tìm hiểu
những nét tương đồng và dị biệt trong nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật, tính
nhân văn trong tác phẩm, mối quan hệ giữa tác phẩm sử thi với truyền
thông,..Để làm cho bài viết của mình phong phú và thuyết phục hơn, người viết
đã tìm hiểu, thu thập thêm các tài liệu tham khảo và nhận thấy có rất nhiều ý

kiến của giới nghiên cứu về hai tác phẩm sử thi “Iliat” và “Ramayana” nói
riêng, về thể loại sự thi nói chung.
Trong quyển “Văn học Việt Nam – Văn học dân gian những công trình
nghiên cứu”, Giáo sư Lưu Đức Trung có đưa ra nhận định về một thế giới thần
thoại kì ảo, với những vị thần và các hệ thống thần vũ trụ, thần thiên nhiên có
quan hệ mật thiết với con người. Đó vừa là nét đặc trưng của thần thoại Ấn Độ
vừa là một yếu tố không thể tách rời trong sử thi “Ramayana”. Theo ông “Nội
dung thần thoại Ấn Độ rất phong phú và hết sức hấp dẫn”. Trước tiên là hệ
thống các thần vũ trụ, thiên nhiên, sau đó là đến hệ thống các thần sáng tạo và
thủy tổ loài người, hệ thống bộ ba thần tượng Torimutri,…Hầu như các nhân
vật trong sử thi “Ramayana”, đều có nguồn gốc từ các vị thần. Rama là hiện
thân của thần Visnu, tướng khỉ Hanuman là con của thần gió, Xita là con của
mẹ đất được sinh ra từ những luống cày,...Nguyễn Văn Khỏa trong phần viết về
“Thần thoại Hy Lạp” cũng có đưa ra những nhận định của mình về nguồn gốc
của thần thoại Hy Lạp về những giá trị to lớn mà nó đem lại cho đời sống con
người.
Khi đề cập đến những quan niệm về sử thi, và những giá trị tốt đẹp của
nó mang lại, Giáo sư Đinh Gia Khánh, cho rằng: “Những áng sử thi ấy biến
mất từ lâu rồi, hệ thống thần thoại vì thế cũng tan rã. Tuy nhiên, những mảnh


vụn của hệ thống thần thoại ấy vẫn còn tồn tại trong ký ức của nhân dân cũng
như trong nhiều nghi thức thờ cúng và phong tục cho mãi đến thời kỳ cận đại”
[8; tr. 169]. Và ông quan niệm “ Sử thi là những áng thơ ca thuật lại lịch sử kì
vĩ của sự hình thành đất nước dân tộc. Đó là những áng thơ ca đúc kết những
điều truyền thuyết và những mâu thuẫn thần thoại ở địa phương, của nhiều thị
tộc, nhiều bộ lạc thành hệ thống rộng lớn để miêu tả nguồn gốc vũ trụ, đất
nước, nguồn gốc loài người, nguồn gốc dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ
quốc gia trong buổi bình minh của lịch sử.” [8; tr. 181]. Cũng trong quyển
sách này, Bùi Mạnh Nhị có trích dẫn ý kiến của Giáo sư Đặng Văn Lung, đó là:

“con đường phát triển từ sử thi thần thoại đến sử thi nguyên thủy là con đường
phủ định về mặt nội dung, tăng cường hình thức nghệ thuật. Các hình tượng
thẩm mỹ vươn lên đến mức điển hình cho cả bộ tộc và dân tộc đại diện cho sức
mạnh của tập thể. Nội dung tôn giáo rơi rụng dần” [8; tr. 181]. Người viết có
cơ hội tiếp cận với những ý kiến khác nhau của những nhà nghiên cứu hàng
đầu từ đó có được cách hiểu kĩ và đúng đắn hơn về sử thi. Qua thời gian, cùng
với quy luật đào thải của mình, những giá trị văn hóa tốt đẹp sẽ được gìn giữ và
phát huy còn những điều lạc hậu, không phù hợp sẽ dần dần biến mất. Trong cả
hai bộ sử thi “Iliat” và “Ramayana”, có rất nhiều đoạn viết về các nghi thức
cúng thần, và các buổi lễ, đã cho chúng ta thấy được về một thời đại vô cùng
rực rỡ đã đi qua.
Về nguồn gốc sử thi cũng đã thu hút nhiều giới nghiên cứu văn học lẫn
triết học nước ngoài quan tâm. Trong tác phẩm “Nghệ thuật thơ ca” thế kỷ IV
TCN, Arixtôt cho rằng: “Về kết cấu của cốt truyện sử thi là nội dung bao gồm
nhiều cốt truyện.”. Ông còn chỉ ra cái khác thường trong sử thi, theo ông “Sử
thi có khả năng biểu hiện những điều phi lý nguồn gốc của sự khác thường” [8;
tr.176]. Còn Hêghen với Những bài giảng về mĩ học đã có những đóng góp
quan trọng cho lí luận sử thi, ông cho rằng: “Sử thi ảnh hưởng với tư cách là
một hiện tượng thơ ca gắn liền với một thời kỳ nhất định” và có những qui định
đặc biệt về trạng thái chung của thế giới sử thi, hành động sử thi cá nhân, thế
giới sử thi với tư cách là một tổng thể hợp nhất. Những ý kiến này đã cho
chúng ta thấy được việc đưa vào các yếu tố thần linh, những đoạn thể hiện sức


mạnh và chiến công của người anh hùng trong các tác phẩm sử thi đều nhằm
mục đích và ý nghĩa riêng. Chúng được tạo ra theo trí tưởng tượng, ước mơ và
khao khát về những điều tốt đẹp sẽ đến với con người. C.Mac cũng đưa ra vấn
đề trong “Anh hùng ca của Homere”, tác giả Nguyễn Văn Khỏa, ông cho rằng:
“Không bao giờ có thể sáng tạo ra dưới cái hình thức cổ điển lẫy lừng một thời
trong lịch sử thế giới khi mà sáng tác nghệ thuật đã bắt đầu với tư cách là sáng

tạo nghệ thuật” [4; tr. 322].
Bên cạnh những nghiên cứu có tính chất lí luận của các nhà nghiên cứu
trong và ngoài nước về thể loại sử thi, đi vào phân tích những tương đồng và dị
biệt của sử thi Hy Lạp và sử thi Ấn Độ cũng có một số ý kiến sau:
Trong quyển “Văn học Ấn Độ” của tác giả Lưu Đức Trung, C.Mac đưa
ra nhận xét về sử thi Ấn Độ, “Chúng ta không được quên rằng những công xã
nhỏ bé ấy mang dấu vết của những sự khác nhau về đẳng cấp và của chế độ nô
lệ, rằng những công xã ấy làm cho con người phục tùng những hoàn cảnh bên
ngoài chứ không nâng con người lên địa vị làm chủ những hoàn cảnh ấy, rằng
những công xã ấy đã biến trạng thái xã hội con người tự động phát triển thành
số phận bất biến do tự nhiên quyết định trước và tạo ra sự sùng bái tự nhiên
một cách man rợ: tính chất hèn hạ của sự sùng bái đó đặc biệt nổi bật trong sự
việc sau: Con người lại phải thành kính quỳ gối trước con khỉ Hanuman và con
bò Sabha” [11; tr. 147]. Ngược lại, sử thi Hy Lạp lí tưởng hóa con người, con
người tượng trưng cho ước mơ, hoài bão ảnh hưởng của thần linh rất mạnh
mẽ… Lưu Đức Trung còn đề cập đến các đặc điểm khác của sử thi Ấn Độ như:
những hình ảnh tượng trưng và phóng đại, hình ảnh thiên nhiên, đề tài. Trong
quyển sách này Max Mulơ khi so sánh thần thoại Ấn Độ và Hy Lạp cũng có đề
cập đến một khía cạnh khác đó là đời sống tinh thần, tôn giáo và ảnh hưởng của
nó đến lối sống và đạo đức của con người: “Kinh Vêđa thật sự là thần phả của
chủng tộc Arian, còn thần phả của Hêsiôđơ chỉ là bản phỏng của các hình ảnh
gốc” [11; tr. 40].
Trong các bài nghiên cứu của sinh viên cũng có đưa ra những ý kiến so
sánh giữa các tác phẩm sử thi với các đề tài về: Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân
vật trong sử thi “Ôđixê” của Homere (Hy Lạp) và sử thi “Ramayana” của


Valmiki (Ấn Độ) của sinh viên Nguyễn Thị Ái Vân hay “Những tương đồng và
dị biệt giữa sử thi “Đăm Săn” (Việt Nam) và sử thi “Iliat” “Ôđixê” của Homere
(Hy Lạp) là đề tài tìm hiểu của sinh viên Lê Anh Thư.

Từ những nghiên cứu trên cho thấy, mặc dù chưa có một cách nhìn toàn
diện thể hiện mối quan hệ giữa hai bộ sử thi “Iliat” của Homere (Hy Lạp) và
“Ramayana” của Valmiki (Ấn Độ) nhưng ở những mức độ khác nhau các nhà
nghiên cứu đã chỉ ra được mối quan hệ giữa hai tác phẩm sử thi của Hy Lạp và
sử thi của Ấn Độ. Đây sẽ là những cơ sở quan trọng để người viết tham khảo
và khai thác trong quá trình triển khai đề tài.
3. Mục đích yêu cầu
Khi bắt tay vào tìm hiểu đề tài người viết đã vạch ra những mục đích cụ
thể, đạt được những mục đích này tức là đã giải quyết được những vấn đề trọng
tâm của đề tài.
Thứ nhất, đi vào tìm hiểu đề tài này người viết mong muốn tìm ra mối
quan hệ giữa hai tác phẩm sử thi “Iliat” của Homere và sử thi “Ramayana” của
Valmiki. Mối quan hệ giữa hai tác phẩm này thể hiện ở nhiều phương diện
khác nhau mà người viết cần có sự liên hệ, so sánh.
Thứ hai, thông qua đề tài người viết còn nhằm mục đích tìm hiểu lý
thuyết về văn học so sánh với tư cách là một bộ môn khoa học. Từ đó, người
viết có thể vận dụng những lí thuyết này một cách phù hợp, góp phần làm cho
quá trình nghiên cứu đạt hiệu quả. Mặc khác, người viết còn hướng tới việc tìm
hiểu các tác phẩm sử thi tiêu biểu của các nước trên thế giới như: “Iliat” (Hy
Lạp) và “Ramayana” (Ấn Độ). Bên cạnh đó, người viết cũng có cơ hội tiếp cận
tìm hiểu sâu hơn về hai nền văn minh Hy Lạp và Ấn Độ với những giá trị đã
được công nhận theo thời gian mà không ai có thể phủ nhận.

4. Phạm vi nghiên cứu
Trên cơ sở kế thừa và phát huy, người viết có điều kiện khá thuận lợi khi
tìm hiểu đề tài nên trong quá trình thực hiện người viết tập trung vào những tác
phẩm sau:
- Iliat và Ôđixê của Phan Thị Miến (dịch), Nhà xuất bản văn học,
2009.



- Ramayana. Sử thi Ấn Độ của Phạm Thủy Ba (dịch) và Phan Ngọc
(giới thiệu), Nhà xuất bản văn học Hà Nội, 1988.
Ngoài ra, người viết còn căn cứ vào các nguồn tài liệu khác nhau như:
Sách nghiên cứu, giáo trình, tạp chí,…để có thêm nhiều nội dung để góp phần
làm cho đề tài của mình thêm phong phú và đáng tin cậy hơn.
Từ việc xác định cho mình một phạm vi nghiên cứu nhất định, người
viết sẽ đi sâu vào tìm hiểu và có sự đối chiếu giữa hai tác phẩm “Iliat” và
“Ramayana” về các phương diện như nội dung và nghệ thuật. Ở phương diện
nội dung người viết sẽ tập trung vào phân tích những tương đồng và dị biệt về
đề tài, bối cảnh xã hội, nhân vật người anh hùng giữa hai tác phẩm. Còn về
phương diện nghệ thuật, người viết sẽ dựa vào những biện pháp so sánh, lối
viết phóng đại, cường điệu hóa, lối miêu tả chi tiết cụ thể, lối sử dụng định ngữ,
những đoạn thuyết lí để tiếp cận. Không những thế, người viết còn đi vào tìm
hiểu thêm những dị biệt về yếu tố thần linh, hình tượng người phụ nữ và nghệ
thuật miêu tả tâm lí nhân vật để làm bật nổi lên những giá trị cũng như những
đóng góp đáng kể của hai tác phẩm sử thi này vào việc phục dựng về cuộc sống
của người dân hai nước Hy Lạp và Ấn Độ cổ đại.
5. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu là một phương tiện quan trọng để người viết
tiến hành khi thực hiện đề tài. Để giúp cho việc trình bày bài viết mạch lạc, rõ
ràng, có khoa học người viết sẽ sử dụng những phương pháp chính sau:
- Phương pháp lịch sử: Để tiếp cận tác giả, tác phẩm.
- Phương pháp phân tích vấn đề: Để đi vào triển khai, phân tích, lí giải
và nhận xét vấn đề.
- Phương pháp hệ thống: Nhằm hệ thống lại từng phương diện của vấn
đề để từ đó người viết có được cái nhìn toàn diện. logic và khoa học khi đánh
giá.
- Phương pháp tổng hợp: Để tổng hợp lại những vấn đề đã nghiên cứu.
- Phương pháp so sánh, thống kê, đối chiếu: Do yêu cầu của đề tài là chỉ

ra những nét tương đồng và dị biệt giữa hai bộ sử thi “Iliat” và “Ramayana”
nên đây sẽ là phương pháp người viết sử dụng xuyên suốt trong quá trình tìm


hiểu và triển khai đề tài. Người viết cũng sẽ vận dụng những phương diện lí
luận của văn học so sánh vào quá trình nghiên cứu.


PHẦN NỘI DUNG

CHƯƠNG 1: TÌM HIỂU CHUNG VỀ VĂN HỌC SO SÁNH VÀ
THỂ LOẠI SỬ THI
1.1. Tìm hiểu chung về văn học so sánh
1.1.1. Tên gọi
Thuật ngữ “văn học so sánh” đã xuất hiện từ thế kỷ XVIII, nó được hình
thành từ sự giao lưu văn hóa giữa các nước trên thế giới. Tuy nhiên, vào thời
gian này vẫn chưa có một công trình nghiên cứu so sánh nào có tầm cỡ và theo


đúng phương pháp một cách khoa học cả. Đến năm 1886, một công trình tổng
hợp đầu tiên về lịch sử văn học thế giới của Macauly Posnett (Anh) xuất hiện
với đầu đề “Văn học so sánh” (Conparative Literature), đánh dấu sự hình thành
chính thức của bộ môn văn học so sánh với tính cách là một bộ môn độc lập.
Bên cạnh thuật ngữ “văn học so sánh”, người Pháp và người Anh còn có
một số thuật ngữ nữa, chính xác hơn nhưng phức tạp hơn, đó là các thuật ngữ
“lịch sử các nền văn học được so sánh”, “lịch sử so sánh các nền văn học”.
Song, kể từ nửa cuối thế kỷ XIX cho đến nay, nhiều nước đã chấp nhận dùng
thuật ngữ “văn học so sánh”. Về việc định nghĩa văn học so sánh trong giới
nghiên cứu có đưa ra rất nhiều quan niệm khác nhau. Trước hết, theo quan
niệm chung của các nhà so sánh luận ở buổi đầu thế kỷ XX cho rằng: “văn học

so sánh là một khoa học nghiên cứu các mối quan hệ trực tiếp giữa các nền văn
học khác nhau”. Cùng đưa ra quan niệm về văn học so sánh, trong quyển “Lí
luận văn học so sánh” Nguyễn Văn Dân có nhận định: “văn học so sánh là một
bộ môn khoa học nghiên cứu các mối quan hệ giữa các nền văn học dân tộc”
[2; tr.19]. Theo ông, văn học so sánh cũng là một môn khoa học nghiên cứu các
mối quan hệ giữa các nền văn học; tuy nhiên với quan niệm này ông đã phần
nào thu hẹp phạm vi nghiên cứu lại chỉ ở mức độ dân tộc. Đồng quan điểm
trên, trong quyển “Từ điển thuật ngữ văn học” nhóm tác giả Lê Bá Hân, Trần
Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi cho rằng: “văn học so sánh là một ngành của
nghiên cứu văn học, của lịch sử văn học chuyên khảo sát những liên hệ và quan
hệ có tính quốc tế (liên dân tộc) của văn học, những tương đồng và khác biệt
giữa các hiện tượng văn học ở các nước khác nhau” [3; tr. 208].
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu khoa học cũng như các nhà nghiên cứu
văn học tuy có đưa ra những quan niệm riêng nhưng họ đều đã nhìn nhận văn
học so sánh là một bộ môn khoa học cần thiết nhằm phục vụ trước hết cho văn
học sử dân tộc và văn học sử thế giới. Họ còn cho chúng ta thấy được, so sánh
không phải chỉ là để tìm ra những nguồn gốc vay mượn, những ảnh hưởng trực
tiếp, hoặc là chỉ để tìm ra những điểm giống nhau giữa các hiện tượng được so
sánh mà so sánh còn có nhiệm vụ chứng minh sự khác biệt nhằm bác bỏ một
giả thiết nào đó về khả năng có sự ảnh hưởng. Từ đó giúp cho chúng ta có được


cách nhìn nhận, cách tiếp cận mới và phong phú hơn đối với các tác phầm sử
thi nói riêng cũng như với các tác phẩm văn học nói chung; thuộc nhiều dân tộc
và quốc gia khác nhau trên thế giới.
1.1.2. Mục đích nghiên cứu
Bộ môn văn học so sánh có nhiều mục tiêu, nhưng cho đến nay chúng ta
chấp nhận hai mục đích cơ bản. Trước hết đó là xác định tính khái quát của văn
học nhân loại tiếp đến là chứng minh tính đặc thù của các nền văn học dân tộc.
Với hai mục đích cơ bản này, các nhà nghiên cứu đã thể hiện chúng thông qua

một cặp phạm trù về cái chung và cái riêng. Đây là một cặp phạm trù của phép
biện chứng triết học, được thể hiện ra bằng một cặp phạm trù cụ thể hơn, đó là
cặp phạm trù cái quốc tế - cái dân tộc. Trong văn học so sánh, phân biệt cái đặc
thù dân tộc với cái quốc tế là một việc làm cần thiết. Nhưng tuyệt đối không
được coi đó là một mục đích tự thân. Mà cái chính là phải phát hiện ra sự vận
động của cái đặc thù trong mối quan hệ với cái đặc thù khác để dẫn đến xu
hướng trở thành cái chung. Tuy nhiên, sự vận động này không phải do các nhà
so sánh luận áp đặt mà là một hiện tượng khách quan của văn học mà nhà so
sánh luận có nhiệm vụ phát giác và hướng dẫn nó. Cần phải thống nhất ngay từ
đầu quan điểm triết học như vậy thì trong nghiên cứu mới có thể không mâu
thuẫn nhau trong cách đánh giá hiện tượng văn học, trong cách diễn đạt ý kiến
nhận xét.
1.1.3. Đối tượng nghiên cứu
Khi nghiên cứu về đối tượng của văn học so sánh, các nhà nghiên cứu
đã tập trung vào ba đối tượng chính. Đối tượng thứ nhất là nghiên cứu các mối
quan hệ trực tiếp, thứ hai là nghiên cứu các điểm tương đồng và cuối cùng là
nghiên cứu các điểm khác biệt độc lập. Ở đối tượng thứ nhất, các nhà khoa học
quan tâm nghiên cứu đến sự ảnh hưởng và vay mượn. Họ tiến hành đối chiếu
các văn bản để tìm ra những điểm giống nhau về các mặt: tư tưởng, đề tài,
phong cách, kỹ thuật xây dựng tác phẩm,…để xác định các hiện tượng giao lưu
văn học một cách thuần túy thực chứng, thuần túy sự kiện. Có nhiều khía cạnh
ảnh hưởng rất phong phú như: sự ảnh hưởng về mặt đề tài, về mặt tư tưởng và
tình cảm, về mặt thể loại, loại hình, phong cách, về mặt kỹ thuật xây dựng tác


phẩm. Bên cạnh đó, nghiên cứu sự ảnh hưởng không nên chỉ đứng từ góc độ
của cái ảnh hưởng, mà còn phải đứng từ góc độ của cái bị ảnh hưởng, phải xuất
phát từ yêu cầu xã hội thực tế của cái bị ảnh hưởng. Vay mượn là một trong
những kiểu ảnh hưởng nhưng nó không chi phối toàn bộ sự nghiệp sáng tác,
một người có thể mượn nhiều tích và một tích có thể được nhiều người vay

mượn. Tuy nhiên, nhiệm vụ của nhà nghiên cứu văn học so sánh là phải tìm ra
được nguồn gốc vay mượn để xác định tác phẩm vay mượn và đánh giá đóng
góp của người cho vay. Ở đối tượng thứ hai, khi đi vào nghiên cứu các điểm
tương đồng; nó được các nhà khoa học đánh giá là phương pháp nghiên cứu
quan hệ tương đồng đã có từ thời cổ đại qua Plutark cho đến những nhà nghiên
cứu văn học người Pháp thế kỷ XVII. Có hai loại hiện tượng tương đồng:
tương đồng lịch sử, bao gồm hiện tượng tương đồng cùng thời và tương đồng
kế tiếp; và tương đồng phi lịch sử. Trong hiện tượng tương đồng lịch sử, học
nhận thấy nó là tương đồng của những trào lưu thuộc các nền văn học kế cận
nhau như các trào lưu thời Phục Hưng, thời cổ điển, Ánh Sáng, lãng mạn,…ở
châu Âu và phương Tây. Còn ở hiện tượng tương đồng phi lịch sử, thì đó là sự
giống nhau giữa các nền văn học cách xa nhau về thời gian và không gian.
Việc nghiên cứu những hiện tượng tương đồng trên đã giúp mở ra
những chân trời rộng rãi. Nó có thể giúp tiến tới việc nghiên cứu tâm lý – xã
hội học chung cho các dân tộc, tới việc xây dựng nên một đại gia đình các nhà
văn và nó còn tiến tới một quan điểm mỹ học khái quát có khả năng chứng
minh được những đặc tính chủ yếu của nghệ thuật. Ở đối tượng thứ ba, nghiên
cứu các điểm khác biệt độc lập, các nhà khoa học đã có thể được khảo sát đồng
thời với việc khảo sát các mối quan hệ trực tiếp và các hiện tượng tương đồng;
nó nằm trong hai đối tượng này, bổ sung cho chúng, làm cho văn học so sánh
trở thành một bộ môn hoàn chỉnh và hữu hiệu. Như vậy, việc so sánh các điểm
khác biệt độc lập không phải là mục đích tự thân, không phải chỉ để chứng
minh đơn thuần rằng cái này khác cái kia, mà nó nhằm phục vụ những mục tiêu
rất cụ thể của nhà nghiên cứu.
1.1.4. Phương pháp luận và các phương pháp khác của văn học so sánh


Trong cuốn “ Lí luận văn học so sánh”, Nguyễn Văn Dân cho rằng:
Phương pháp luận nghiên cứu văn học là một lĩnh vực khoa học nghiên cứu về
các phương pháp nghiên cứu văn học, phục vụ cho lý luận, lịch sử và phê bình

văn học” [2, tr. 85]. Như vậy, với tư cách là một bộ môn khoa học, văn học so
sánh có thể được sử dụng với nhiều phương pháp khác nhau. Việc áp dụng
phương pháp nào là tùy thuộc vào yêu cầu của đối tượng và mục tiêu của công
trình nghiên cứu. Nhà so sánh luận có thể áp dụng từ những phương pháp cổ
điển nhất đến những phương pháp hiện đại nhất. Từ khi ra đời đến nay, văn học
so sánh đã áp dụng rất nhiều phương pháp khác nhau như: phương pháp so
sánh thực chứng, phương pháp ngữ nghĩa, phương pháp xã hội học, phương
pháp so sánh lịch sử, phương pháp kí hiệu học, phương pháp cấu trúc, phương
pháp phân tích tâm lý, phương pháp so sánh loại hình, phương pháp phân tích
văn bản, phương pháp phân tích tiểu sử, v.v…Tùy theo quy mô của công trình
nghiên cứu và góc độ tiếp nhận, chúng ta có thể áp dụng một hoặc nhiều
phương pháp cùng một lúc. Với cách áp dụng này, mỗi phương pháp sẽ có thể
hỗ trợ và bổ sung cho nhau góp phần làm cho công việc nghiên cứu trở nên rõ
ràng, dễ dàng và nhanh chóng hơn.
1.2. Tìm hiểu chung về thể loại sử thi
1.2.1. Khái niệm và sự ra đời của sử thi
Tìm hiểu khái niệm “sử thi” là tiền đề quan trọng để đi vào các phương
diện khác của sử thi. Theo cuốn “ Từ điển văn học”, tác giả Lại Nguyên Ân cho
rằng, sử thi (dịch từ tiếng Hy Lạp: Cpos). Thuật ngữ mang hai hàm nghĩa rộng
và hẹp có khu biệt mà các nền học thuật chịu ảnh hưởng quan niệm văn học và
mỹ học châu Âu đều tiếp nhận. Trong nghĩa rộng cũng gọi là tự sự, một trong
ba thể loại văn học, phân biệt với trữ tình và kịch. Còn trong nghĩa hẹp và
chuyên biệt, sử thi chỉ một hoặc một nhóm thể loại trong tự sự, đó là sử thi anh
hùng, tức là những thiên tự sự kể về quá khứ anh hùng, hàm chứa những bức
tranh rộng và hoàn chỉnh về đời sống nhân dân và về những anh hùng, dũng sĩ
đại diện cho một thế giới sử thi nào đó, thống nhất, hài hòa. Sử thi anh hùng
tồn tại cả dưới dạng truyền miệng lẫn dưới dạng được ghi chép thành sách, số
đông những bản chép các thiên sử thi anh hùng tiêu biểu đều có ngọn nguồn



dân gian, bản thân các đặc điểm của thể loại này cũng hình thành ở cấp độ dân
gian. Không chỉ có ý kiến của Lại Nguyên Ân, trong quyển “Từ điển thuật ngữ
văn học” của tác giả Lê Bá Hán thuật ngữ “sử thi” được hiểu“ sử thi còn được
gọi là anh hùng ca, là thể loại tác phẩm tự sự dài nhất xuất hiện sớm trong lịch
sử văn học các dân tộc nhằm ca ngợi sự nghiệp anh hùng có tính dân tộc trong
buổi bình minh lịch sử, về kết cấu sử thi là một câu chuyện được kể lại có đầu
có đuôi với quy mô lớn, các nhân vật chính của sử thi là các anh hùng, tráng sĩ
tiêu biểu cho sức mạnh thể chất và tinh thần, cho ý chí và trí thông minh, lòng
dũng cảm của cộng đồng được miêu tả khá tỉ mỉ, đầy đủ từ cách ăn mặc, trang
bị đi đứng đến những trận giao chiến với kẻ thù, những chiến công lừng lẫy và
đôi khi cả trong những nét sinh hoạt đời thường, điều đáng chú ý là tất cả
những cái này được miêu tả kỳ diệu khác thường. Sở dĩ như vậy là vì sử thi ra
đời vào thời điểm tiếp nối sau thần thoại, tức là từ thế giới của các vị thần bắt
đầu chuyển sang thế giới của con người, do đó cái nhìn đậm màu sắc thần kỳ
nói trên đối với các nhân vật trong sử thi là không tránh khỏi. Trong sử thi thì
chủ yếu miêu tả hành động của nhân vật hơn là rung động. Những câu chuyện
kể, cốt truyện thường được bổ sung thêm những mô tả có tính chất tĩnh tại và
những cuộc đối thoại trang trọng có tính nghi thức” [3; tr. 376]. Ông đã đề cập
đến một cách gọi khác của sử thi đó là anh hùng ca, rất có thể chúng ta khi tiếp
cận với thể loại này sẽ có nhầm lẫn giữa cách gọi tên này với một thể loại khác.
Ngoài ra, ông còn chỉ ra được thời gian ra đời của sử thi, về kết cấu, các nhân
vật cũng như sự ảnh hưởng của những yếu tố kỳ diệu khác thường trong sử thi
do sự ảnh hưởng của thể loại thần thoại đã xuất hiện trước đó. Tuy nhiên, quan
niệm của ông khá dài và còn thêm những đoạn giải thích hơi thừa khiến cho
người tiếp nhận khi tiếp cận nó khó nắm bắt được nội dung chính.
Cũng đưa ra khái niệm sử thi, trong quyển “ Lí luận văn học”, tác giả
Phương Lựu định nghĩa về anh hùng ca (sử thi) như sau: “Anh hùng ca (sử thi)
là thể loại tự sự thể hiện tập trung cho loại chủ đề lịch sử dân tộc, điều chủ yếu
ở chỗ anh hùng ca là thể loại tự sự miêu tả các sự kiện quan trọng có ý nghĩa
quyết định đối với đời sống tinh thần và vận mệnh của dân tộc và nhân dân” [5;

tr. 380]. Với khái niệm này, tác giả Phương Lựu đã phần nào đáp ứng được nhu


cầu muốn tìm hiểu của mọi người nhưng so với các khái niệm trước của Lê Bá
Hán và sau của V.E. Guxep thì nó cũng còn khá chung chung. Còn V.E.Guxep,
ông nêu rõ sử thi “đó là những truyện kể bằng lời ca hoặc nửa kể nửa ca về sự
đấu tranh của thị tộc – bộ lạc – bộ tộc – nhân dân cho sự tồn tại và nền độc lập
của mình trong sự xung đột với những lực lượng thù địch. Trung tâm của loại
sử thi này là người anh hùng mang phẩm chất ưu tú của tập thể và đại diện cho
tập thể trong mọi hành động. Sử thi anh hùng là những trang sử thi hùng tráng
của quá khứ, nó giáo dục tình cảm yêu nước của các thế hệ mới, chức năng
sinh hoạt xã hội của những bài ca này thực sự là ở chỗ đó [8; tr. 180]. Với
những nhận định trên, người viết nhận thấy quan niệm của V.E.Guxep là hoàn
chỉnh và phù hợp nhất; nó không quá dài cũng như không quá chung chung.
Người viết thông qua đó có thể hiểu và có được một cách tiếp cận đầy đủ hơn
về thể loại sử thi.
Ngày nay, sử thi anh hùng còn lại với chúng ta dưới dạng các thiên anh
hùng ca cỡ lớn, được ghi chép thành sách như: Iliat, Ôđixê, Ramayana,
Mahabharata, hay dưới dạng truyền miệng: Đam San, Đẻ đất đẻ nước,.., hoặc
dưới dạng các bài ca sử thi ngắn Bưlina của Nga, Junas của Nam Tư, đã được
xâu chuỗi phần nào thành liên hoàn. Thường thấy các tác phẩm dưới dạng lời
ca và lời thơ hòa lẫn vào nhau; rất hiếm gặp dưới dạng văn xuôi.
1.2.2. Đặc điểm của thể loại sử thi
1.2.2.1. Về nội dung
Đề cập đến nội dung sử thi, trong cuốn “Từ điển văn học”, tác giả Lại
Nguyên Ân có nhận xét đến các dạng của sử thi. Đầu tiên, ở dạng cổ xưa của
sử thi ông cho rằng tính anh hùng hiện diện trong vỏ bọc thần thoại hoang
đường (các dũng sĩ không chỉ có sức mạnh chiến đấu mà còn có sức mạnh ma
thuật; kẻ địch trong sử thi luôn hiện diện dưới dạng quái vật giả tưởng); những
đề tài chính: chiến đấu chống các quái vật; người anh hùng đi hỏi vợ; sự trả thù

của dòng họ. Tiếp đến, ở dạng cổ điển của sử thi, thì các dũng sĩ kiêm thủ lĩnh
và các chiến binh đại diện dân tộc ở tầm lịch sử, các kẻ thù của họ thường được
thống nhất với “bọn xâm lược”, cũng ở tầm lịch sử - những kẻ áp bức, ngoại
bang và dị giáo. Được ca ngợi ở dạng sử thi cổ điển là các nhân vật và biến cố


lịch sử (hoặc ngụy lịch sử), mặc dù bản thân sự miêu tả các chất liệu lịch sử bị
phụ thuộc vào các sơ đồ cốt truyện truyền thống, đôi khi dùng cả các mô hình
nghi lễ thần thoai. Cái nền sử thi thuờng là cuộc đấu tranh của hai bộ lạc hoặc
bộ tộc, sắc tộc (ít nhiều tương ứng với lịch sử thật sự). Trung tâm thường là các
sự kiện quân sự mang tính lịch sử (cuộc chiến tranh Troie trong “Iliat”), đôi khi
mang tính thần thoai. Quyền lực thuờng được tập trung trong tay các ông vua
sử thi, nhưng những người có hành động tích cực là các dũng sĩ, ở tính cách
của kiểu người này chẳng những có sự can đảm mà còn có tính độc lập, ngang
bướng, thậm chí điên khùng.
Cùng bàn về nội dung của sử thi, trong cuốn “Lí luận văn học” tác giả
Phương Lựu cũng đã đề cập đến các đặc trưng về nội dung của thể loại sử thi.
Đặc trưng thứ nhất của anh hùng ca là biểu hiện ý thức cộng đồng của nhân
dân, của dân tộc đối với quá khứ vẻ vang của mình. Mở rộng ra nội dung của
anh hùng ca là các sự kiện có ý nghĩa toàn dân, toàn dân tộc. Đó là chiến tranh,
cách mạng, là sự đổi thay, thử thách tồn vong của đất nước. Các sự kiện đó đòi
hỏi các thành viên dân tộc một quan điểm nhất trí, đòi hỏi mọi người đối xử với
nhau như anh em, đòi hỏi nhà thơ “dùng quan điểm của nhân dân mình để xem
xét sự kiện, chứ không tách mình ra ngoài sự kiện đó”. Thứ hai, các anh hùng
của anh hùng ca đều là người đại diện cho sức mạnh hùng hậu của toàn thể
nhân dân thời đó, đó là anh hùng nhân dân. Thứ ba, đặc điểm của nhân vật anh
hùng ca là tầm cỡ dân tộc. Cái đẹp của họ là cái đẹp dân tộc. Cái giàu mạnh của
họ là giàu mạnh dân tộc, cá tính của họ cũng là của dân tộc. Ông còn cho rằng,
anh hùng ca không nhất thiết là miêu tả các cuộc xung đột quân sự, các anh
hùng chiến trận, mà còn thể hiện tinh thần, trí tuệ bộ tộc và thời đại lịch sử. Sau

cùng, theo sự tìm hiểu nghiên cứu của mình, ông cho rằng anh hùng ca là sự
miêu tả với quy mô rộng lớn toàn bộ đời sống nhân dân từ sinh hoạt đạo đức,
phong tục, tín ngưỡng. Mọi phương diện của đời sống nhân dân từ lớn nhất đến
nhỏ nhất, đều được thể hiện cùng với các sự kiện được miêu tả. Như vậy, với
cách nhận định trên, ông đã cho chúng ta thấy được những đặc trưng nổi bật
cũng như những điểm khác biệt giữa nội dung sử thi với nội dung của các thể
loại văn học khác.


Hêghen khi viết về nội dung sử thi cũng có đưa ý kiến của mình, ông chỉ
rõ mặc dù xuất hiện khá sớm vào lúc con người còn chưa lí giải được hết các
hiện tượng trong cuộc sống và đồng thời viết về những đề tài như chiến tranh
tranh giành địa vị, mở rộng lãnh thổ, đòi lại danh dự,… nhưng “Trong sử thi
bao gồm toàn bộ những gì làm thành cuộc sống nên thơ của con người”.[ 7;
tr.177] Ông đã nêu lên được ngoài những toan tính, tranh giành thì mỗi tác
phẩm sử thi còn cho chúng ta thấy được những đóng góp tích cực của mình, là
làm cho đời sống con người trở nên thú vị và nên thơ hơn chứ không quá đơn
giản hay tẻ nhạt. Giáo sư Đinh Gia Khánh cũng có đưa ra nhận định về nội
dung sử thi “Sử thi là những áng thơ ca thuật lại lịch sử kì vĩ của sự hình thành
đất nước dân tộc. Đó là những áng thơ ca đúc kết những điều truyền thuyết và
những mẫu thần thoại ở nhiều địa phương, của thị tộc, nhiều bộ lạc thành hệ
thống rộng lớn để miêu tả nguồn gốc vũ trụ, đất nước, nguồn gốc loài người,
nguồn gốc dân tộc và sự nghiệp xây dựng bảo vệ quốc gia trong buổi bình
minh của lịch sử”.

[ 7; tr.181]. Bàn về nội dung sử thi, chúng ta có thể

thấy được có rất nhiều ý kiến được đưa ra. Mỗi người một ý kiến một quan
niệm nhưng đều có chung một mục đích duy nhất đó tìm ra được những đặc
trưng cũng như là nội dung của sử thi. Chúng ta không thể khép cho ý kiến hay

nhận định nào là đúng nhất mà chỉ có thể xem xét và lựa chọn cho mình một ý
kiến hợp lí nhất. Thông qua những ý kiến nghiên cứu trên, người viết nhận thấy
phần đánh giá của tác giả Phương Lựu là dễ tiếp nhận và hợp lí nhất. Từ đó,
người viết sẽ có hướng tiếp cận và giải quyết vấn đề trong những phần sau của
đề tài được nhanh chóng hơn.
1.2.2.2 Về nghệ thuật
Trong một tác phẩm nghệ thuật, hai phương diện nội dung và nghệ thuật
luôn có mối quan hệ chặt chẽ, bổ sung và hỗ trợ cho nhau. Nó giúp cho chúng
ta có được sự tiếp cận và hiểu biết đầy đủ hơn về tác phẩm. Vì vậy, trong cuốn
“Từ điển văn học” nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân có đưa ra nhận xét: “Sử thi
thiên về miêu tả các hành động (hành vi) của các nhân vật chứ không phải các
xúc cảm trong tâm hồn họ, nhưng lời kể chuyện vẫn có thêm các đoạn mô tả
tĩnh tại, hành động của các dũng sĩ được miêu tả như một trạng thái cố định,


như một "bức tranh" đầy tính thi ca. Bởi vậy nguyên tắc tạo hình tĩnh tại ưu
thắng một cách nghịch lý trong sử thi. Thế giới cố định và tương đối đơn điệu
của sử thi tương ứng với các nền sử thi bất biến, và thuờng là cái nền có tiết tấu
nhạc tính riêng, dưới dạng những câu thơ đều đặn. Tính đơn điệu của thế giới
sử thi còn do việc bảo lưu chỉnh thể tác phẩm, trong khi người ta thuờng tập
trung chú ý đến các đoạn , các chi tiết. Mỹ học của sử thi tương ứng với thi
pháp sử thi, vốn hoàn toàn là thi pháp lặp lại, bắt đầu từ các đoạn nghi thức cố
định, sau đó là những tập hợp cố định các hình ảnh và môtip được lặp lại, kết
thúc bằng những đoạn lặp lại, thuờng là lặp lại ba lần”. Nhận xét này của ông
đã phần nào giúp chúng ta hình dung được một vài đặc điểm chủ yếu của nghệ
thuật sử thi. Trước hết, đó là nghệ thuật miêu tả, nó được dùng để miêu tả hầu
hết các hành động của các nhân vật. Và tiếp đến đó là cách viết lặp lại, đây
cũng là nghệ thuật thường thấy trong các tác phẩm sử thi. Một quan niệm khác
về nghệ thuật sử thi đó là của Hêghen, ông đã chỉ ra “Chất liệu trữ tình và kịch
đều có mặt trong thơ sử thi nhưng chúng không làm thành cái cơ sở mà chỉ là

những yếu tố phụ” [7; tr. 177]. Quan niệm này không bác bỏ ý kiến trên mà
còn góp phần làm cho nghệ thuật sử thi thêm phong phú và sinh động. Không
dừng lại ở hai quan niệm trên, trong cuốn “Lí luận văn học” tác giả Phương
Lựu cũng có đề cập: “Đặc điểm nổi bật trong lời văn anh hùng ca là lối trần
thuật khoan thai, trầm tĩnh, tường tận, mang sắc thái ngợi ca, phong cách cường
điệu cao cả. Văn anh hùng ca nói chung không bị câu thúc bởi cảm giác thời
gian.” [ 5; tr. 387]. Cũng cùng bàn về nghệ thuật sử thi, nhà nghiên cứu Võ
Quang Nhơn đã đưa ra quan điểm: “Một trong những yếu tố góp phần tạo nên
giá trị độc đáo và trường cửu của các bản sử thi là yếu tố ngôn ngữ”. Đó là thứ
“ngôn ngữ tình cảm”, “ngôn ngữ giàu nhạc điệu”, cách nói có vần có điệu, tạo
nên âm hưởng hài hòa và có sự liên kết chặt chẽ với nhau giữa các vế trong
một câu”. [ 8; tr. 312]. Bên cạnh đó, ông còn cho rằng: “Các yếu tố nghệ thuật
của ngôn ngữ văn xuôi, ngôn ngữ thơ ca, âm nhạc và cả ngôn ngữ sân khấu là
một tổng thể kết hợp hài hòa, gắn bó hữu cơ với nhau tạo nên giá trị độc đáo
không thể nào bắt chước được của các bản sử thi anh hùng”. [8; tr. 177]. Như
vậy, với việc mỗi người một cách hiểu, một cách phát hiện khác nhau, các nhà


nghiên cứu đã cho chúng ta thấy được sự phong phú của nghệ thuật sử thi;
đồng thời còn phản ánh được mức độ phát triển trong tư duy con người thời cổ,
cách sử dụng các biện pháp nghệ thuật một cách nhuần nhuyễn và vô cùng
khoa học của họ.
Nhìn chung những tìm hiểu chung về lý thuyết liên quan đến khái niệm,
đến những đặc điểm về nội dung và nghệ thuật của thể loại sử thi đều đã được
giới nghiên cứu tìm hiểu, phân tích, làm rõ ở nhiều khía cạnh khác nhau nhưng
hiện nay giữa các ý kiến vẫn chưa có sự thống nhất và đi đến một cách hiểu
chung. Người viết đã dựa vào những nội dung và những cứ liệu được nhiều
người trong giới nghiên cứu công nhận và đồng tình để làm cơ sở cho bài luận
văn của mình.


CHƯƠNG 2: GIỚI THIỆU VỀ HOMERE VÀ SỬ THI
“ILIAT” (HY LẠP) – NHÀ VIẾT SỬ VALMIKI VÀ BỘ
SỬ THI “RAMAYANA” (ẤN ĐỘ)
2.1. Vài nét về đất nước và văn hóa Hy Lạp
2.1.1. Đất nước Hy Lạp
Hy Lạp có quốc danh hiện tại là Cộng hòa Hy Lạp, là một quốc gia
thuộc khu vực châu Âu, nằm phía nam bán đảo Balkan. Hy Lạp giáp với các
nước Albania, Cộng hòa Macedonia và Bulgaria về phía bắc, giáp với Thổ Nhĩ
Kỳ về phía đông. Biển Aegea bao bọc phía đông và phía nam Hy Lạp, còn biển
Ionia nằm ở phía tây. Phần lớn địa hình của đất nước này là núi non hiểm trở.
Hy Lạp có rất nhiều những hòn đảo lớn nhỏ thuộc khu vực Địa Trung Hải. Hy
Lạp còn là một trong những nền văn minh rực rỡ nhất thời cổ đại, có ảnh
hưởng sâu rộng đến nền văn minh quanh khu vực Địa Trung Hải. Đây là nơi ra
đời của nền dân chủ, triết học phương Tây và Thế vận hội Olympic. Đến thời
trung cổ, Hy Lạp trở thành một bộ phận của Đế chế Byzantine, rồi sau đó lại
nằm trong Đế chế Ottoman trong gần bốn thế kỉ. Năm 1821, nhân dân Hy Lạp
đã nổi dậy khởi nghĩa và giành lại độc lập cho dân tộc. Đất nước Hy Lạp ngày
nay là một quốc gia phát triển. Hy Lạp là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế
như Liên Hiệp Quốc, NATO, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD,


Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO. Năm 1981, Hy Lạp trở thành một thành
viên của Liên minh Châu Âu. Vào thời kỳ Đồ Đồng, tại Hy Lạp đã xuất hiện
hai nền văn minh lớn là nền văn minh Minoan trên đảo Crete và nền văn minh
Mycenae trên bán đảo Peloponnese thuộc miền nam Hy Lạp. Khoảng năm
1200 TCN nền văn minh Mycenae sụy đổ đã dẫn tới một thời kỳ khủng hoảng
tại Hy Lạp kéo dài hơn ba thế kỷ với tên gọi Kỷ nguyên Bóng tối.
Hy Lạp cổ đại. Khoảng thế kỷ 8 TCN, Hy Lạp bắt đầu thoát ra khỏi Kỷ
nguyên Bóng tối. Nền kinh tế phát triển khiến Hy Lạp trở thành một đất nước
giàu có. Đơn vị hành chính cơ bản ở Hy Lạp cổ đại là các thành bang. Thông

thường ở các thành bang hay xảy ra xung đột với nhau để tranh giành lãnh thổ,
trong đó hai thành bang Athena và Sparta là có ảnh hưởng đặc biệt trong lịch
sử Hy Lạp. Chế độ chiếm hữu nô lệ phát triển mạnh ở Hy Lạp cổ đại. Dưới thời
vua Alexandros Đại đế của vương quốc Macedonia, người Hy Lạp đã có những
cuộc bành trướng rộng khắp Ai Cập, Ba Tư và Ấn Độ, dẫn đến việc người Hy
Lạp thống trị và định cư ở nhiều cùng đất xa xôi. Điều đó đã làm ảnh hưởng
văn hóa Hy Lạp ra nhiều nơi, thời kỳ này được gọi là thời kỳ Hy Lạp hóa. Về
sau khi đế chế La Mã thành lập và trở nên hùng mạnh, Hy Lạp đã trở thành một
tỉnh của La Mã nhưng những ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp cổ đại vẫn được
duy trì và phát triển. Hy Lạp cổ đại là thời kỳ lịch sử Hy Lạp bao trùm toàn bộ
khu vực Đại Trung Hải và biển Đen, thời kỳ này kéo dài gần một nghìn năm,
đến khi Kitô giáo xuất hiện. Các nhà sử học coi nó là nền tảng văn hóa cho văn
minh phương Tây.
Xã hội Hy Lạp cổ đại có những nét đặc trưng là sự phân chia giữa người
tự do và nô lệ, vai trò khác nhau giữa nam giới và nữ giới, sự ít phân biệt địa vị
xã hội dựa trên gốc gác ra đời và sự quan trong của tôn giáo. Chỉ có những
người tự do mới có quyền làm cư dân thành phố và được bảo vệ đầy đủ bởi luật
pháp trong một thành bang. Ngược lại, nô lệ không có quyền lực và địa vị. Họ
có quyền có gia đình và tài sản riêng, tuy nhiên không có quyền chính trị.
Người Hy Lạp tại các thành phố thường ở trong những khu nhà với những căn
hộ thấp hoặc những ngôi nhà dành cho một gia đình tùy theo thu nhập. Công
dân cũng sống trong các làng nhỏ và các nông trại nằm trong vùng nông thôn


×