Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

ks HSG VAN 6 vĩnh tuong1314

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (78.53 KB, 3 trang )

PHÒNG GD&ĐT VĨNH TƯỜNG

ĐỀ KHẢO SÁT HSG NĂM HỌC 2013-2014

MÔN: NGỮ VĂN - LỚP 6
Thời gian làm bài: 120 phút
Câu 1 (3,0 điểm):
Trong bài thơ “Hạt gạo làng ta”, nhà thơ Trần Đăng Khoa có viết:
“ Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trong hồ nước đầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi đắng cay...
Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy…”
(Trích : “Tuyển thơ Trần Đăng Khoa” - NXB Thanh Niên 2001 - Trang 109-110)
Trình bày cảm nhận của em khi đọc đoạn thơ trên .
Câu 2 (1,0 điểm):
Tìm những nghĩa khác nhau của từ nhóm trong đoạn thơ sau và cho biết từ nhóm
nào được dùng với nghĩa gốc, từ nhóm nào được dùng với nghĩa chuyển?
“ Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi


Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ.”
(Bằng Việt – Bếp lửa)
Câu 3 (6,0 điểm):
Trên một ghế đá trong công viên, một học sinh đang hướng dẫn một cậu bé đánh
giày giải toán (hoặc bài tập tiếng Việt). Em hãy kể lại câu chuyện giữa hai bạn nhỏ
ấy.

Cán bộ coi khảo sát không giải thích gì thêm
Họ và tên học sinh dự thi:………………………………………;SBD:……………
/>

PHÒNG GD&ĐT VĨNH TƯỜNG

HD CHẤM SÁT HSG NĂM HỌC 2013-2014

MÔN: NGỮ VĂN - LỚP: 6
Câu 1 (3 điểm):
I/ Yêu cầu:
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, có thể có những phát hiện
và cảm thụ riêng nhưng cần đạt được một số ý cơ bản như sau:
- Vị trí đoạn thơ: Đây là hai khổ thơ đầu trong bài Hạt gạo làng ta, diễn tả
những rung động, suy ngẫm sâu sắc của nhà thơ về hạt gạo quê hương.
- Hạt gạo xưa nay vốn là hình ảnh của sự vất vả, lam lũ, nhọc nhằn một nắng
hai sương để nuôi sống con người. Hạt gạo cũng là món quà thơm thảo của quê
hương đất nước nhiều nắng mưa, bão bùng nhưng tươi đẹp này. Người xưa từng nói
gạo là ngọc của đất trời, Trần Đăng Khoa đã phát hiện ra điều kỳ diệu ấy trong hạt
gạo nhỏ bé, bình dị. Hạt gạo mang đủ cả hương thơm, vị đậm, tình yêu thiết tha với
quê hương, gia đình trong lời hát của mẹ…Tất cả như thấm sâu trong từng hạt gạo.
- Từ cái bình dị tưởng như không có cũng không sao ấy, Trần Đăng Khoa đã

thấy cả sự vật lộn vất vả của bao người nông dân Việt nam, của bao bà mẹ Việt Nam
trong “bão tháng bảy”, trong “mưa tháng ba”, trong nắng, nóng của của mùa hè
“những trưa tháng sáu”… để làm ra hạt gạo. Cái đặc sắc nhất trong đoạn thơ là hình
ảnh“Những trưa tháng sáu/ Nước như ai nấu/Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ”… thì
“Mẹ em xuống cấy”. Sự đối lập đã dựng được hình ảnh một bà mẹ Việt Nam bình dị
mà vĩ đại. Khi thiên nhiên khắc nghiệt đến cả những sinh vật tự nhiên cũng không
chịu đựng nổi thì bà mẹ ấy đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên nhiên một cách tự
nhiên, bình thản. Câu thơ “Mẹ em xuống cấy” gây được xúc động trong lòng người
đọc.
- Trong cái dẻo thơm một hạt mà ca dao Việt Nam đã từng nói mang cả bao ý
nghĩa. Trần Đăng Khoa đã rất hiểu cái giá của hạt gạo mà người làm ra nó (có cả mẹ
anh) đã ngóng trông, chờ đợi biết bao ngày... Bao bà mẹ Việt Nam đã từng trông trời,
trông đất, trông mây, trông mưa, trông nắng… để khi “chân cứng, đá mềm” mới
được yên. “Hạt gạo làng ta” không chỉ là bài ca về hạt gạo mà là bài ca về đất nước,
con người Việt Nam hôm qua, hôm nay và mai sau.
- Ngôn từ ở đoạn thơ thật giản dị nhưng đầy sức gợi. Giọng điệu thiết tha đã
gieo vào lòng người đọc bao bồi hồi, xúc động.
II/ Cách cho điểm:
- Điểm 3,0: Đạt được các yêu cầu nêu trên. Văn viết chặt chẽ, mạch lạc, có cảm xúc,
thể hiện sự sáng tạo, không mắc lỗi diễn đạt thông thường.
- Điểm 2,0: Đạt được 2/3 yêu cầu về kiến thức. Còn mắc một số lỗi diễn đạt.
- Điểm 1,0: Nội dung sơ sài. Diễn đạt yếu, mắc nhiều lỗi về câu, từ, chính tả.
- Điểm 0: Sai lạc hoàn toàn về cả nội dung và phương pháp.

/>

Câu 2 (1 điểm):
- Từ “nhóm” trong câu thơ thứ nhất chỉ động tác hoạt động của con người làm cho
lửa bén vào củi, rơm..., cháy lên để nấu nướng hoặc sưởi ấm – nghĩa gốc. (0,25điểm)
- Nghĩa của từ “nhóm” trong câu thứ hai là: nhen lên, khơi gợi lên niềm yêu thương

trong con người – nghĩa chuyển.
(0,25điểm)
- Trong câu thơ thứ ba, từ “nhóm” có nghĩa giống nghĩa của từ này ở câu thứ nhất –
nhóm bếp lửa để “nấu nồi xôi gạo mới”.
(0,25điểm)
- “Nhóm” trong câu thứ tư giống nghĩa từ “nhóm” trong câu thứ hai: Khơi gợi lên bao
tình cảm, hoài bão... cao đẹp trong tâm hồn con người – nghĩa chuyển.
(0,25điểm)
Câu 3 (6 điểm):
* Về hình thức kể chuyện:
- Nên chọn kể theo ngôi thứ ba để có thể kể chuyện một cách linh hoạt.
- Nên đan xen hiện tại, quá khứ. Trình tự các ý phải đảm bảo logic.
- Bố cục bài kể chuyện rõ ràng, hợp lí.
- Diễn đạt trong sáng, mạch lạc. Văn viết có cảm xúc, sinh động.
* Về nội dung:
- Xây dựng được hai nhân vật chính – bạn học sinh và cậu bé bán giày với tên gọi,
hoàn cảnh, tính cách cụ thể, rõ nét.
- Các tình tiết xoay quanh hai nhân vật phải làm toát lên chủ đề và ý nghĩa giáo dục
của câu chuyện: tình cảm tương thân, tương ái; lòng say mê học tập…
- Câu chuyện phải được đặt vào thời gian, không gian cụ thể.
* Một số ý chính cần đạt:
a/ Mở bài (0,5 điểm): Giới thiệu nhân vật, sự việc chính và hoàn cảnh không gian
thời gian của câu chuyện.
b/ Thân bài (5 điểm):
Kể thật chi tiết về lời nói, cử chỉ, dáng vẻ của hai bạn trong lúc giải bài tập (ý trọng
tâm).
Có thể kể ngược lên các sự việc diễn ra từ trước: sự gặp gỡ hoặc mối quan hệ giữa
hai bạn…
Thái độ, cử chỉ, lời nói của hai bạn sau khi làm bài.
c/ Kết bài (0,5 điểm):

Kể sự việc kết thúc và nêu cảm nghĩ của người kể.
Lưu ý: Học sinh có thể kể chuyện theo trình tự khác, không nhất thiết phải theo đúng
trình tự nêu trên, miễn sao diễn biến cốt truyện hợp lí, hấp dẫn, bộc lộ được chủ đề.
Khuyến khích những bài viết thể hiện sự sáng tạo, kể chuyện có nghệ thuật qua sự kết
hợp miêu tả, biểu cảm và sử dụng biện pháp tu từ.

/>


Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×