Tải bản đầy đủ (.pdf) (117 trang)

LUẬN văn sư PHẠM sử TRẠI GIAM tù BINH CỘNG sản VIỆT NAM PHÚ QUỐC TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG mĩ (1967 1973)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (3.89 MB, 117 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA SƯ PHẠM
BỘ MÔN SƯ PHẠM LỊCH SỬ

Luận văn tốt nghiệp
Khóa 35
Đề tài

TRẠI GIAM TÙ BINH
CỘNG SẢN VIỆT NAM/PHÚ QUỐC
TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MĨ
(1967-1973)

Cán bộ hướng dẫn
Th.s Trần Minh Thuận

Sinh viên thực hiện
Nguyễn Bích Xoàn
Mssv: 6095984

Cần Thơ, 5/2013

1


LỜI CẢM ƠN

Để hoàn thành luận văn này tôi chân thành gửi lời cảm ơn đến:
Các thầy cô trong bộ môn SP. Lịch sử đã dạy bảo, truyền đạt cho tôi nhiều kinh
nghiệm quí báo suốt 4 năm học qua. Đặc biệt là thầy Trần Minh Thuận-cố vấn học
tập lớp sp. Lịch sử K35, đã tận tình hướng dẫn tôi trong quá trình tìm hiểu và


nghiên cứu đề tài “Trại giam tù binh Phú Quốc trong cuộc kháng chiến chống Mĩ
(1967-1973)”. Ngoài ra, từng thành viên trong lớp SP.Lịch sử K35 cũng đã giúp đỡ
và động viên tôi rất nhiều những lúc khó khăn về học tập hay trong cuộc sống.
Mặc dù đề tài nghiên cứu của tôi đã dược hoàn thành nhưng vẫn còn rất nhiều
thiếu sót không thể nào tránh khỏi. Do đó, những ý kiến nhận xét của thầy, cô và các
bạn là những tư liệu quý báo cho tôi tiếp tục học tập về sau.

2


MỤC LỤC

Phần MỞ ĐẦU ....................................................................................................... 5
1. Lý do chọn đề tài và mục đích nghiên cứu........................................................... 5
2. Lịch sử nghiên cứu đề tài .................................................................................... 5
3. Phạm vi nghiên cứu và giới hạn đề tài ................................................................. 6
4. Phương pháp nghiên cứu ..................................................................................... 7
5. Cấu trúc luận văn ............................................................................................... 7
Phần NỘI DUNG.................................................................................................... 8
Chương 1: Khái quát sự ra đời và tổ chức Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú
Quốc ....................................................................................................................... 8
1.1 Sơ lược về đảo Phú Quốc .................................................................................. 8
1.1.1 Phú Quốc- đất và người................................................................................. 8
1.1.2 Phú Quốc trong hành trình lịch sử ................................................................. 11
1.2 Khái quát sự ra đời và tổ chức của Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú
Quốc ..................................................................................................................... 16
1.2.1 Âm mưu của Mĩ-Ngụy ................................................................................ 16
1.2.2 Vị trí, quy mô, cách bố trí trại giam ............................................................. 18
1.2.3 Tổ chức của trại giam .................................................................................. 21
1.2.4 Số lượng và thành phần tù binh ................................................................... 26

1.2.4.1 Số lượng ................................................................................................ 26
1.2.4.2 Thành phần ............................................................................................. 29
1.2.5 Tổ chức giam giữ ........................................................................................ 32
Chương 2: Tội ác của Mỹ-ngụy và tổ chức đấu tranh của tù binh .......................... 34
2.1. Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc- Một “địa ngục trần gian” điển
hình....................................................................................................................... 34
2.1.1 Âm mưu của địch ........................................................................................ 34
2.1.2 Các chế độ trong trại giam........................................................................... 35
2.1.3 Một số hình thức tra tấn giết hại tù binh ...................................................... 42
2.1.4 Chiến dịch cưỡng ép tù binh chiêu hồi......................................................... 61
2.1.4.1 Âm mưu và kế hoạch cưỡng ép chiêu hồi ................................................ 61

3


2.1.4.2 Nội dung các bước tiến hành ................................................................... 62
2.1.4.3 Diễn biến chiến dịch cưỡng ép chiêu hồi tại một số phân khu trọng điểm 63
2.1.5. Công ước quốc tế và những hành động bưng bít sự thật, che mắt quốc tế ... 67
2.2. Tổ chức đấu tranh của tù binh Phú Quốc ........................................................ 70
2.2.1. Mục tiêu đấu tranh...................................................................................... 70
2.2.2. Tổ chức lãnh đạo và công tác tư tưởng, chính trị, sinh hoạt trong trại giam 71
2.2.2.1. Tổ chức lãnh đạo Đảng và tổ chức quần chúng....................................... 71
2.2.2.2. Công tác tư tưởng chính trị và sinh hoạt trong trại giam ......................... 76
2.2.3. Phong trào đấu tranh của tù binh ................................................................ 78
2.2.3.1. Nội dung các cuộc đấu tranh................................................................... 78
2.2.3.2. Những hình thức đấu tranh tiêu biểu....................................................... 79
2.2.2.3. Vượt ngục trở về với cách mạng ............................................................. 86
Chương 3. Những thành quả đạt được trong cuộc đấu tranh của tù binh và vấn đề
trao trả tù binh....................................................................................................... 94
3.1 Nỗi đau và niềm kiêu hãnh của người tù cộng sản ........................................... 94

3.2 Nhà tù- Trường học cách mạng ....................................................................... 97
3.3 Vấn đề trao trả tù binh ................................................................................... 103
Phần KẾT LUẬN................................................................................................108
PHỤ LỤC ...........................................................................................................110
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHỦ YẾU .................................................................116

4


PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài và mục đích nghiên cứu
Từ lúc còn học phổ thông, tôi đã có nghe báo, đài và những người lớn tuổi
nhắc đến Nhà tù Phú Quốc với những tội ác và các hình thức tra tấn dã man của
bọn cai ngục đối xử với người tù. Điều đó đã khơi gợi cho tôi trí tò mò về nhà tù ở
nơi hòn đảo xa xôi ấy. Tuy nhiên, khi lên Cần Thơ học, tôi mới có điều kiện đọc
nhiều thông tin và được nghe kể những mẫu chuyện về Trại giam tù binh Phú Quốc.
Những câu chuyện ấy đã làm tôi thực sự rất xúc động, càng căm ghét chế độ đối xử
với tù binh của bọn Mỹ-ngụy bao nhiêu lại càng cảm phục tinh thần đấu tranh của
người chiến sĩ cách mạng bấy nhiêu. Điều đó thôi thúc tôi tiếp tục tìm hiểu và tiến
hành nghiên cứu về Trại giam tù binh Phú Quốc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, song song với cuộc kháng chiến
trực tiếp trên chiến trường, có một cuộc chiến đấu cũng không kém phần gay go và
ác liệt. Đó là cuộc đấu tranh của những tù binh cộng sản Việt Nam với bọn cai ngục
ác ôn trong các nhà tù Mĩ-ngụy. Đây là một cuộc chiến đấu đặc biệt khẳng định rõ ý
chí của người lính cụ Hồ sau khi đã bị sa cơ rơi vào tay giặc. Một mảnh ghép lịch
sử mà chúng ta không thể quên và không được phép quên. Để tìm hiểu sâu hơn về
các chế độ giam giữ trong Trại giam tù binh Phú Quốc, những hình thức tra tấn dã
man gắn liền với những tội ác của ddichj đối với các chiến sĩ tù binh và phong trào
đấu tranh của họ diễn ra như thế nào, có những đặc điểm gì đặc biệt, đồng thời
thông qua đó, để củng cố hơn lòng yêu dân tộc, và trách nhiệm của cá nhân mỗi

người trong giai đoạn hiện nay. Đó là lí do tôi chọn đề tài: “Trại giam tù binh Cộng
sản Việt Nam/Phú Quốc trong cuộc kháng chiến chống Mĩ (1967-1973)”. Tôi hi
vọng rằng với kiến thức giới hạn của mình, tôi sẽ cố gắng truyền đạt cho học sinh
trong tương lai những hiểu biết về tinh thần đấu tranh kiên trung của bộ đội ta trong
lao tù khắc nghiệt của bọn Mỹ-ngụy cùng những âm mưu thâm độc của chúng,
bằng cách lồng ghép trong các bài học có liên quan.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Từ khi Trại giam tù binh Phú Quốc được thành lập năm 1967, đến nay đã có
rất nhiều tài liệu Viết về những vấn đề liên quan đến nhà tù.
Ngoài những bài báo của chế độ Việt Nam Cộng hòa đăng bài nói về cuộc đấu

5


tranh của tù binh nổi dậy chống bọn cai ngục nhà tù với lời lẽ vu khống và che đậy
sự thật nhằm bảo vệ chế độ của chúng. Tháng 9/1973, nhà xuất bản Phổ Thông cho
ra đời cuốn sách “Địa ngục trần gian” dành một phần riêng nói sơ lược về bộ máy
khổng lồ giết người nơi ngục tù Phú Quốc nhằm góp phần tố cáo phía Hoa Kỳ và
chính quyền Sài Gòn tiếp tục theo đuổi âm mưu duy trì chế độ độc tài phát xích ,
chống lại hòa bình, chống lại hòa hợp dân tộc đi ngược lại nguyện vọng của nhân
dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới.
Đến năm 1974, nhà xuất bản Văn nghệ giải phóng tiếp tục cho xuất bản cuốn
sách “Thoát khỏi ngục tù Sài Gòn chúng tôi vạch tội” do hai tác giả người nước
ngoài là Pie-Rơ đê-Bri, Rê Măng-Rax viết. Trong tác phẩm, họ dựa vào tài liệu do
các tù binh Phú Quốc được đưa về Chí Hòa cung cấp, giới thiệu sơ về nhà tù Phú
Quốc, tố cáo những chính sách và thủ đoạn dã man của bọn cai ngục đối với tù binh
tay không tất sắt trong trại giam.
Từ khi đất nước hoàn toàn được thống nhất năm 1975, người ta có nhiều thời
gian và tư liệu để nghiên cứu nhiều hơn về Trại giam tù binh Cộng sản Việt
Nam/Phú Quốc. Cuốn sách “Trại giam tù binh Phú Quốc những trang sử đẫm máu”

đã được Trần Văn Kiêm nghiên cứu, được nhà xuất bản tổng hợp TP Hồ Chí Minh
cho xuất bản và tái bản nhiều lần ở những năm tiếp theo. Năm 1995, nhà xuất bản
TP Hồ Chí Minh cũng cho xuất bản tác phẩm “Đây các nhà Tù Mỹ-ngụy”, trong đó
có phần dành riêng mô tả về các hình thức bóc lột, tra tấn tù binh ở nhà tù Phú
Quốc.
Năm 1992, từ những khảo sát thực tế và nghiên cứu về trại giam tù binh Phú
Quốc, nhà văn Chu Lai đã viết cuốn sách “Nhà Lao Cây Dừa” kể về những câu
chuyện từ các nhân vật đã từng là tù binh hoặc có liên quan đến trại giam tù binh
Phú Quốc.
Năm 1995, sở Văn hóa thông tin thể thao Kiên Giang cho phát hành “Kỷ yếu
Hội thảo: Trại giam tù binh Phú Quốc”, trong đó tập hợp rất nhiều bài viết nghiên
cứu về trại giam và các bài viết từ những người đã từng là tù binh của nhà tù Phú
Quốc.
Về sau, nhiều nhà nghiên cứu tiếp tục sưu tầm, thu thập thông tin viết báo,
sách vở cùng những công trình nghiên cứu về trại giam. Trong đó có một số cuốn

6


sách như “Nhà tù Côn Đảo, nhà lao Phú Quốc” được nhà xuất bản Lao động xuất
bản năm 2005, “Huyền thoại Phú Quốc” do nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất
bản năm 2008, “Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo nhà Lao Phú Quốc” được xuất bản
năm 2011. Năm 2012, Ban liên lạc cựu tù binh Việt Nam trên cơ sở nghiên cứu và
thu thập tài liệu đã cho ra đời tác phẩm “Trại giam tù binh Phú Quốc thời kỳ chống
thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược”.
3. Phạm vi nghiên cứu và giới hạn đề tài
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là: Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú
Quốc trong cuộc kháng chiến chống Mĩ (1967-1973).
Không gian nghiên cứu giới hạn trong Trại giam tù binh Cộng sản Việt
Nam/Phú Quốc. Thời gian nghiên cứu từ lúc trại giam được Mỹ-ngụy xây dựng và

đưa vào sử dụng năm 1967 đến năm 1973, khi tù binh được trao trả theo Hiệp định
Paris, Trại giam tù binh Phú Quốc cũng chấm dứt vai trò của mình.
4. Phương pháp nghiên cứu
Để hoàn thành luận văn này tôi đã sử dụng một số phương pháp như: điền dã,
phương pháp lịch sử, phân tích, so sánh, tổng hợp, phỏng vấn một số nhân vật là
cựu tù binh Phú Quốc…
4. Cấu trúc luận văn
Ngoài các phần mở đầu, kết luận, phụ lục và các tài liệu tham khảo, thì luận
văn gồm có 3 chương:
Chương 1: Khái quát sự ra đời và tổ chức Trại giam tù binh Cộng sản Việt
Nam/Phú Quốc.
Chương 2: Tội ác của Mỹ-ngụy và tổ chức đấu tranh của tù binh
Chương 3. Những thành quả đạt được trong cuộc đấu tranh của tù binh ở trại
giam tù binh Phú Quốc

7


PHẦN NỘI DUNG
Chương 1: KHÁI QUÁT SỰ RA ĐỜI VÀ TỔ CHỨC TRẠI GIAM TÙ
BINH CỘNG SẢN VIỆT NAM/PHÚ QUỐC
1.1 SƠ LƯỢC VỀ ĐẢO PHÚ QUỐC
1.1.1 Phú Quốc-Đất và người
 Địa lý tự nhiên
Phú Quốc còn được mệnh danh là Đảo Ngọc, là hòn đảo lớn nhất nước ta
(Diện tích khoảng 600km vuông, chiều dài Nam Bắc khoảng 40km, chiều ngang
rộng khoảng 20km, nơi hẹp nhất khoảng 3km) nằm về phía Tây Nam thuộc vịnh
Thái Lan. Phú Quốc là một mảnh đất hình tam giác, mũi hướng về phía Nam, ở vị
trí từ 10 độ 01' đến 10 độ 27' vĩ Bắc và từ 103 độ 51' đến 10 4 độ 50' kinh Đông,
cách Hà Tiên từ Hàm Ninh độ 25 hải lý (40 km); cách Rạch Giá từ An Thới khoảng

62 hải lý (100km). Phía Bắc cách đất liền thuộc tỉnh Kampốt (Campuchia) khoảng
14 hải lý.
Rừng núi là đặc trưng đầu tiên của đảo Phú Quốc với khoảng 99 ngọn núi, chủ
yếu là núi đất đỏ kết hợp với đá Granit chạy thành những dãy song song từ Bắc
xuống Nam, phía Bắc thấp dần về phía Nam. Dãy núi Hàm Ninh uốn lượn theo bờ
biển phía Đông của đảo từ Bắc xuống Nam dài khoảng 30km, Đỉnh cao nhất là núi
Chùa (hay núi Chúa) cao 603m. Phần trung tâm của Bắc đảo và rải rác phía Tây
Bắc và Đông Nam là một vùng đất thấp, lầy lội. Đất ở các khu này mang tính chất
của đất phèn. Núi rừng Phú Quốc cùng những thảm thực vật phong phú nơi đây hòa
quyện vào nhau tạo nên một sắc thái rất riêng cho đảo.
Hệ thống sông rạch quan trọng phần lớn bắt nguồn từ dãy Hàm Ninh đổ ra bờ
biển phía Tây, như Rạch Tràm chảy ra phía Bắc núi Hàm Rồng, rạch Cửa Cạn trải
qua vùng đất thấp ở trung tâm Bắc đảo về làng Cửa Cạn, rạch Dương Đông dài
7km chảy về thị trấn Dương Đông. Riêng Rạch Đầm và rạch Hàm Ninh chảy về
phía Đông của đảo. Hầu hết các con rạch ở Phú Quốc không đóng vai trò giao
thông chính, tuy nhiên đó lại là một phần quan trọng trong cuộc sống nhiều loài
sinh vật và con người nơi đây.
Sách Đại Nam Nhất Thống Chí có ghi: “Đảo Phú Quốc ở giữa biển phía Tây
Nam huyện Hà Châu, đường đi một ngày một đêm đến được. Trước kia thuộc đạo

8


Long Xuyên, năm Gia Long thứ mười tám vì sự cận tiện, trích cho lệ vào Hà Tiên.
Đỉnh núi chọc trời, các ngọn hướng về phương Bắc. Đông Tây cách nhau 200 dặm,
Nam Bắc cách nhau 100 dặm, không có hổ báo mà nhiều lợn rừng, trong núi có
hươu nai; yến sào, dây mây, gỗ tốt, đồi mồi, hải sâm, quế thơm. Đất ưa cấy lúa sớm
trồng các thứ đậu, ngô, dưa, ít cấy lúa nếp. Trong núi sản huyền phách, sắc óng ánh
như sơn, có thể dùng làm hạt đeo, cục lớn có thể tạc hộp trầu, chén, dĩa. Có khi có
long diên hương. Lại có cây hắc ban hương, ngoài vỏ có chấm lốm đốm, đen như

trầm hương non, chất nhẹ, vị kém, gỗ to, ruột rỗng, có thể dùng làm ống bút”
[15;18]. Qua đó cho thấy, do điều kiện tự nhiên phong phú với rừng vàng, biển bạc
nên sản vật thiên nhiên Phú Quốc rất đa dạng.
Phú Quốc có hơn 20.000 héc-ta đất nông nghiệp hay có thể trồng một số loại
cây công nghiệp. Đất đai ít nhưng lại có nhiều loại, từ đất cát, đất bùn ngập mặn
đến phù sa cổ, đất đồi núi. Khí hậu vùng Phú Quốc khá ôn hòa, trung bình từ 24
đến 27 độ. Tháng nóng nhất (tháng 3,4) lên khoảng 31 đến 38 độ. Đất và khí hậu
Phú Quốc thuận lợi phát triển một số loài cây công nghiệp nhiệt đới như cây tiêu,
cây điều, dừa...Khoảng năm 1890, một số người Pháp được đặc quyền bảo lãnh tù
nhân để đưa ra đảo trồng dừa làm “khổ sai”. Đến những năm đầu thế kỷ XIX lại
tiếp tục thử nghiệm trồng cao su. Lúc cao điểm, diện tích các đồn điền cao su lên
đến khoảng 3.900 héc-ta. Nhưng lợi nhuận không cao do sở phí vận chuyển về đất
liền quá tốn kém. Ngày nay chỉ còn sót lại một vài gốc cây dừa và cao su già khẳng
khiu. Hiện nay, nghề trồng tiêu ở Phú Quốc rất phát triển. Trước năm 1945, nghề
này gần như là Độc quyền của người Hải Nam, dần về sau, người Việt cũng trồng.
Tiêu là một loại gia vị được xem là đặc sản của đảo Phú Quốc. Bên cạnh đó, Phú
Quốc còn nổi tiếng với giống chó đặc trưng, rất khôn và giỏi săn thú. Khoáng sản
nổi tiếng của Phú Quốc là “Huyền”.
Giao thông đường bộ ban đầu ở Phú Quốc là những con đường mòn từ xóm
vào rừng, khu vực sản xuất lúc cư dân đã tập trung sinh sống thành xóm ấp trên
đảo Phú Quốc. Dần trở thành những đường mòn liên lạc giữa Cửa Cạn, Dương
Đông và Hàm Ninh. Đến khi thực dân Pháp vào xâm lược, chúng mới mở con
đường liên tỉnh số 47 từ Dương Đông đi Hàm Ninh và Dương Đông đi An Thới.
Hiện nay, huyện Phú Quốc đã được đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, nhiều

9


tuyến đường được mở rộng phục vụ cho công cuộc phát triển xã hội.
 Sự hình thành cộng đồng dân cư

Trước khi Mạc Cửu đến lập trấn Hà Tiên (1780), vùng đất này đã có cư dân
địa phương sinh sống, trong đó cộng đồng người Việt chiếm phần lớn. Mạc Cửu đã
có công triệu tập họ thành lập nên những làng xóm. Phú Quốc được coi là một
trong 7 thôn xã mà Mạc Cửu đã tập hợp để xin sáp nhập vào đất Đàng Trong. Theo
đó, nhóm cư dân người Hoa cũng đến đây sinh sống.
Vào giữa thế kỷ thứ XVI - XVII, những lưu dân người Việt từ miền Bắc, miền
Trung với nhiều lí do khác nhau đã vào đây sinh sống. Những cư dân ban đầu đến
với đảo Phú Quốc có thể bằng đường biển cùng những phương tiện thô sơ nhất.
Trong đó có cả một bộ phận người Hoa. Nơi định cư đầu tiên của lớp người này là
các cửa sông, những nơi có thể đậu tàu thuyền, khuất gió và dễ dàng cho việc tiến
sâu vào đảo tìm nguồn lương thực và nước ngọt. Đó là các xóm cư dân ở Hàm
Ninh, Cửa Cạn, Dương Đông, rồi đến Giếng Tiên An Thới...Các di tích cổ hiện nay
vẫn còn sót lại ở những nơi này.
Địa bạ triều Nguyễn được lập năm 1867 xác định Phú Quốc có 10 thôn: An
Thới, Dương Đông, Mỹ Thanh, Phú Đông, Thới Thạnh, Cẩm Sơn, Hàm Ninh, Tân
Lập, Phước Lộc và Tiên Tỉnh.
Trong khoảng thời gian từ thế kỷ XVI – XVIII, Phú Quốc còn là nơi trú nạn
của một số thương thuyền từ Phương Bắc về vùng Mã Lai, Java...hay từ phương
Tây sang phương Đông. Cuối thế kỷ XVIII, một số quân lính của Nguyễn Ánh
cũng ở lại nơi đây trong lúc dừng chân củng cố lực lượng. Bên cạnh đó, còn có một
số người tỵ nạn chiến tranh, không chịu sống dưới chế độ phong kiến hay tránh tù
tội mà đến vùng đảo này sinh sống.
Khi thực dân Pháp chiếm tỉnh Hà Tiên năm 1867 và chia ba tỉnh miền Tây
Nam Bộ (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) thành 10 tiểu khu, Phú Quốc thuộc Tiểu
khu Hà Tiên. Năm 1899, Tiểu khu Hà Tiên được đổi thành tỉnh Hà Tiên, Phú Quốc
lại trở thành một trong bốn quận của tỉnh Hà Tiên (Châu Thành, Giang Thành, Hòn
Chông và Phú quốc).
Trong nửa đầu thế kỷ XX, Phú Quốc lại đón nhận một lớp người mới đến từ
Trung Quốc. (những người Trung Quốc bị bắt đến Phú Quốc làm nhân công hay tàn


10


quân Trung Hoa Quốc dân đảng còn ở lại sau khi rút hẳn về Đài Loan).
Ngày 15/04/1946, thực dân Pháp tái chiếm quận lị Phú Quốc. Phú Quốc bị sáp
nhập vào tỉnh Rạch Giá. Đến tháng 2/1955, Chúng lại tái nhập Phú Quốc vào tỉnh
Hà Tiên. Năm 1957, theo nghị định số 281-BNV/HC/ND, Phú Quốc trực thuộc tỉnh
Kiêng Giang.
Từ năm 1869 đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, cư dân đảo Phú
Quốc không vượt quá con số 6.000 người. [1;24] Từ khi thực dân Pháp thành lập
Căn Cây Dừa, Mỹ – ngụy thành lập Trại giam tù binh Phú Quốc (giam giữ có lúc
lên đến 40.000 tù binh), số người trên đảo tăng lên nhanh chóng. Năm 1973, Trại
giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc giải thể, hai năm sau miền Nam được
giải phóng, một số tù binh và gia đình binh sĩ ngụy cũng tình nguyện ở lại đảo sinh
sống. Nhiều tù binh vượt ngục cũng tình nguyện ở lại đảo sống và công tác.
Sau khi chiến tranh biên giới kết thúc, tình hình vùng biển phía Tây Nam đã
ổn định, nhân dân khắp nơi trong cả nước đã về Phú Quốc lập nghiệp làm cho dân
số Phú Quốc tăng lên một cách đáng kể.
Theo thống kê của tỉnh Kiên Giang, dân cư trên đảo Phú Quốc đã lên đến
93.000 người (năm 2003).
Cho đến hiện nay, Phú Quốc đã tiếp nhận hầu khắp các luồng văn hóa dân
gian trên các vùng miền đất nước và một phần của văn hóa Trung Hoa thông qua sự
đa dạng về thành phần dân cư cũng như sự phức tạp trong lịch sử tụ cư ở Phú
Quốc. Điều này đã có công tạo nên một nền văn hóa dân gian riêng, đặc thù của
Phú Quốc.
Hiện nay, Phú Quốc được chia thành 2 thị trấn (Dương Đông, An Thới) và 8
xã (Dương Tơ, Cửa Cạn, Gành Dầu, Cửa Dương, Bãi Thơm, Hòn Thơm, Hàm Ninh
và Thổ Châu).
Huyện đảo Phú Quốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thành
trung tâm thương mại, du lịch của quốc gia và quốc tế theo Quyết định số

1802/QĐ-TTg ngày 11/12/2008.
1.1.2 Phú Quốc trong hành trình lịch sử
Từ khi Mạc Cửu thành lập trấn Hà Tiên (1708), Phú Quốc thuộc trấn Hà Tiên
và cùng hòa vào dòng chảy chung của lịch sử nước nhà. Với vị trí chiến lược của

11


đảo, người dân Phú Quốc đã không ngừng khẳng định tầm quan trọng và sức mạnh
tự lực, tự cường đóng góp không ít cho cả nước trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội,
quân sự...
Từ thế kỷ thứ XV-XVI, trên Phú Quốc đã có những nhóm cư dân sinh sống và
khai thác tài nguyên thiên nhiên. Bước sang thế kỷ thứ XVII, cuộc sống của người
dân khá yên bình dưới quyền quản lí của Tổng binh Mạc Cửu.
Đến cuối thế kỷ thứ XVIII, Phú Quốc đã chứng kiến cuộc chiến tranh giữa
Tây Sơn và Nguyễn Ánh với vai trò là thần dân của Chúa Nguyễn. Trong những
năm 90 của thế kỷ XVIII, người dân Phú Quốc lại cùng binh lính của Nguyễn Ánh
chống chọi lại bọn hải tặc Mã Lai. Đời sống nhân dân Phú Quốc được nâng lên khi
Nguyễn Ánh lên làm vua và có nhiều chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, cư dân Phú
Quốc lại phải tiếp tục chịu đựng nhiều tổn thất trong chiến tranh giữa Việt Nam và
Xiêm La, Cao Miên cùng với nạn cướp biển quấy nhiễu dưới thời Minh Mạng và
Thiệu Trị.
Khi thực dân Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ, làng Cửa Cạn, Phú Quốc
đã trở thành căn cứ địa cuối cùng của nghĩa quân anh hùng Nguyễn Trung Trực
chống Pháp sau trận đồn Kiên Giang ngày 16/6/1868 đến lúc ông hy sinh ngày
27/10/1868. Trong suốt ba tháng đó, nhân dân cùng núi rừng Phú Quốc đã che chở
cho ông. Tiêu biểu là hai nhà yêu nước Nguyễn Văn Điền và Nguyễn Văn Ngợi.
Trong suốt thời gian từ năm 1868 đến năm 1930, khi thực dân Pháp đã đặt ách
cai trị lên đảo. Nền kinh tế có bước phát triển, nhưng ý thức chống Pháp của người
dân vẫn luôn âm ĩ mặc dù không có những hoạt động đáng kể.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930, tinh thần đấu tranh chống
Pháp giành độc lập của người dân được khơi dậy bằng những hoạt động cụ thể.
Tháng 5/1932, công nhân các đồn điền Phú Quốc đấu tranh đòi cải thiện công việc
nặng nhọc và tăng lương với bọn địa chủ thắng lợi, gây tiếng vang lớn ở tỉnh Kiên
Giang và khắp miền Tây Nam Bộ. Hành động đấu tranh đó lại tiếp tục được phát
huy trong cuộc nổi dậy của công nhân tại đồn điền Cây Dừa cuối năm 1936.
Từ năm 1941 đến năm 1944, thầy giáo Đoàn Phong đã giác ngộ một số thanh
niên tiến bộ đứng lên chống Pháp – Nhật gieo những hạt giống đỏ cho cách mạng
sau này. “Trong thời gian này, thực dân pháp đưa tù nhân ra Phú Quốc thiết lập ba

12


trại tù với khoảng 1.000 người với mục đích dùng tù nhân làm cu li cho các công
trường, đến cuối năm 1943 đầu năm 1944 thì giải thể” [1;27]
Cùng với cả nước, nhân dân Phú Quốc tự mình đứng lên giành chính quyền
trong tay phát xít Nhật năm 1945 dù chưa có tổ chức Đảng lãnh đạo. Tỉnh lỵ Hà
Tiên cướp chính quyền thành công ngày 28/8/1945, sau đó cử người ra thành lập
ban cán sự Đảng Phú Quốc. Ban Cán sự Đảng nhanh chóng đẩy mạnh hoạt động,
kết nạp đảng viên mới và tổ chức lãnh đạo nhân dân kháng chiến. Những đảng viên
đầu tiên thành lập nên Chi bộ của Phú Quốc là những chiến sĩ vượt ngục Côn Lôn
trở về và hoạt động công khai đến khi Phú Quốc bị thực dân Pháp tái chiếm ngày
15/4/1946 và thiết lập lại bộ máy cai trị trên đảo.
Với âm mưu biến Phú Quốc thành căn cứ quân sự lâu dài, thực dân pháp đã
đưa quân đội ra cai trị rồi đặt tên là Phân khu biệt lập tự trị (Sous – Secteur
Autonome de Phú Quốc) năm 1949. Đặc biệt trong thời gian này, Đảng bộ và nhân
dân huyện đảo Phú Quốc phải đối mặt với một tình thế hết sức khó khăn và phức
tạp, đó chính là hiện tượng 26.000 tàn quân Trung Hoa Quốc dân đảng được tàu
Pháp đưa đến đảo Phú Quốc. Từ lúc lực lượng Trung Hoa Quốc dân đảng được đưa
ra Phú Quốc đến khi chúng rút đi ngày 23/5/1953, Đảng bộ và nhân dân Phú Quốc

phải đối mặt với một tình thế hết sức khó khăn, phức tạp bởi sự tương quan lực
lượng giữa nhân dân và cán bộ ta với địch trên lệch nhau rất lớn, toàn đảo ta chỉ
khoảng 8.000 người, trong khi đó chỉ riêng quân Tưởng Giới Thạch đã lên đến
26.000 tên. Tuy nhiên, Huyện ủy Phú Quốc đã kịp thời nhìn nhận tình hình và chủ
trương hòa hoãn với địch, tranh thủ làm công tác binh vận nhằm giải quyết một số
khó khăn trước mắt, giúp ta dần xây dựng được cơ sở trong hàng ngũ của địch.
Khi quân Tưởng rút đi, thực dân Pháp lại biến căn cứ của họ ở đồn điền Cây
Dừa thành lập trại giam tù binh gọi là “Căng Cây Dừa”, giam giữ khoảng 14.000
lượt tù binh. Đảng bộ và nhân dân Phú Quốc lại tiếp tục tiến hành một cuộc đấu
tranh mới trong đó có việc tổ chức đón tù binh vượt ngục ra ngoài tham gia kháng
chiến. Hoạt động của quân dân Phú Quốc ngày càng tích cực và mạnh mẽ với nhiều
hình thức tổ chức đánh địch tại chợ Dương Đông, bắn rơi máy bay địch.
Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình
ở Đông Dương được ký kết. Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta thắng

13


lợi vẻ vang. Thực dân Pháp buộc phải đưa quân về nước nhưng ngay sau đó, đế
quốc Mỹ đã nhảy vào miền Nam, dựng nên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm
không thi hành hiệp định. Nhân dân Miền Nam và Phú Quốc lại phải đương đầu với
cuộc đấu tranh mới.
Tháng 2/1955, địch cho tái nhập Phú Quốc về tỉnh Hà Tiên. Chúng cho tay
chân đến từng xóm ấp để họp dân, tuyên truyền, xuyên tạc hiệp định Genève và
cuộc đấu tranh của nhân dân ta, đồng thời đàn áp, trả thù dã man những người
kháng chiến cũ. Điều đó lại càng làm cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm
lược ngày thêm quyết liệt, đã hình thành hai vùng khá rõ rệt: Vùng giải phóng và
vùng địch tạm chiếm.
Cuối năm 1955, ngụy quyền Sài Gòn xây dựng “Trại Huấn chính Cây Dừa”
tại địa điểm Căng Cây Dừa cũ. Nhân dân Phú Quốc lại tiếp tục cùng chi bộ xã

Dương Tơ đấu tranh và tìm cơ hội giải thoát cho tù nhân. Chỉ trong một thời gian
ngắn, Chi bộ xã Dương Tơ đã xây dựng được trên 10 cơ sở trong hàng ngũ binh
lính ở trại giam. Đặc biệt, từ tháng 2/1956 một số trạm chờ đón đưa các đồng chí
vượt ngục về cơ sở đã được tổ chức và đi vào hoạt động.
Trong những năm 1955-1959 là những năm tháng đầy khó khăn và thử thách,
chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đã tiến hành nhiều thủ đoạn đàn áp dã man
nằm khống chế nhân dân và trả thù những người kháng chiến cũ. Trong tình hình
mới, Đảng bộ Phú Quốc lại cùng nhân dân đấu tranh đòi thi hành Hiệp định
Genève, tiến tới thành lập lực lượng vũ trang (8/1960) chiến đấu bảo vệ thành quả
cách mạng đã giành được trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm
lược.
Hưởng ứng Cao trào Đồng Khởi, quân và dân Phú Quốc đã giành được nhiều
thắng lợi quan trọng. Căn cứ địa kháng chiến của huyện Phú Quốc được xây dựng ở
Khu Tượng thuộc xã Cửa Dương. Các xã trong huyện lúc bấy giờ như Dương Tơ,
Hàm Ninh cũng có những lõm căn cứ làm chỗ dựa cho lực lượng cách mạng hoạt
động.
Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời.
Đầu tháng 3/1961, Mặt trận Dân tộc Giải phóng huyện Phú Quốc cũng được thành
lập do đồng chí Hồ Văn Giàu (Năm Nhất) làm Chủ tịch. Sau Đồng Khởi, chính

14


quyền Sài Gòn thực hiện quốc sách ấp chiến lược, dồn dân vào các khu tập trung,
hình thành các ấp chiến lược nhằm tách dân ra khỏi phong trào cách mạng. Tuy
nhiên, hành động này đã gặp phải sự kháng cự quyết liệt của quần chúng nhân dân
và lực lượng cách mạng. Huyện ủy đã chỉ đạo các chi bộ xã tích cực tuyên truyền,
giáo dục nhân dân cùng phá ấp chiến lược, trở về ruộng vườn của mình sinh hoạt và
sản xuất. Phong trào đấu tranh của nhân dân vẫn diễn ra sôi nổi mặc dù trong hai
năm 1966-1967, đảo Phú Quốc hoàn toàn bị cô lập với đất liền và hoạt động đánh

phá biển đảo của Mỹ-ngụy ngày càng ác liệt.
Tháng 7/1967, Mỹ-ngụy thành lập Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú
Quốc. Đây là trại giam tù binh lớn nhất miền Nam, có lúc tù nhân lên đến 40.000
người.
Sau chuyến vượt biển mạo hiểm của đồng chí Lâm Kiên Trì ( Năm Trì), Phó
Bí thư Tỉnh ủy, cùng đoàn cán bộ của tỉnh vào giữa tháng 8/1967, đường dây liên
lạc giữa đất liền với Phú Quốc lại được thông suốt, góp phần củng cố và tăng cường
thêm sức mạnh cho hòn đảo nằm ở phía Tây Nam đất nước.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, một lần nữa
đường dây liên lạc của Phú Quốc với đất liền bị phá hỏng, chỉ nhận được tin từ Đài
Phát thanh Giải phóng và Đài phát thanh Sài Gòn của địch, nhưng Đảng bộ và nhân
dân Phú Quốc lại một lần nữa khẳng định tinh thần đấu tranh bất khuất và tự chủ
của mình bằng những trận đánh, kết hợp ba mũi giáp công một cách khéo léo...
nhằm hưởng ứng cuộc Tổng tiến công bằng tất cả khả năng của mình.
Năm 1970, Mỹ-ngụy thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Dưới
sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và sự chỉ huy trực tiếp của Quận đội, quân và dân Phú Quốc
đã tổ chức tấn công liên tục vào hàng ngũ địch với khoảng 70 trận đánh. Bên cạnh
đó, Huyện ủy còn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tìm cách liên lạc và báo tin cho anh
em tù binh biết hoạt động kháng chiến của quân dân Phú Quốc bằng nhiều hình
thức như treo cờ Mặt trận ở đỉnh núi gần Bãi Khem cho tù binh nhìn thấy và tổ
chức đón tiếp nhiệt tình tù binh vượt ngục trở về với cách mạng...
Ngày 27/01/1973, Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết buộc Mỹ phải rút
hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, quân ngụy
vẫn ngang nhiên đánh phá cách mạng, thực hiện lấn đất, giành dân, ra sức đóng

15


thêm đồn bót để kìm kẹp, quản lý nhân dân trên đảo, khống chế hoạt động cách
mạng.

Tiếp tục phát huy truyền thống tự lực, tự cường, Đảng bộ và quân, dân đảo
Phú Quốc đã cương quyết giữ vững căn cứ địa cách mạng và liên tục tấn công tiêu
diệt, tiêu hao sinh lực địch cùng cả nước chiến đấu giành thắng lợi cuối cùng với
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trưa 30/4/1975, lực lượng vũ trang huyện tấn
công, bao vây các đồn Cửa Cạn, Hàm Ninh...tăng cường vây ép địch, đồng thời tổ
chức lực lượng tiến công giải phóng thị trấn Dương Đông vào lúc 17 giờ ngày
30/4/1975 (tức chỉ vài giờ sau khi Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn tuyên bố đầu
hàng). Phú Quốc hoàn toàn giải phóng.
Sau khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và tay sai kết thúc, quân ta từng
bước đẩy lùi bọn Khmer đỏ về Campuchia, Miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhân
dân Phú Quốc tiếp tục công cuộc xây dựng đất nước trong không khí hòa bình, độc
lập. Nền kinh tế Phú Quốc phát triển một cách nhanh chóng, đời sống nhân dân
từng bước cải thiện, xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu.
Mặc dù hòn đảo Phú Quốc cách xa đất liền, chịu sự kiềm kẹp gắt gao của địch
và có những lúc khó khăn, không nhận được chỉ thị trực tiếp của Tỉnh ủy, nhưng
quân và dân huyện đảo đều một lòng hướng về cách mạng, tích cực tham gia kháng
chiến, chống lại chính sách chia rẽ, ly gián của kẻ thù. Hàng ngàn lượt quần chúng
bị địch bắt bớ, tra tấn, tù đày; hàng trăm người bị hãm hại, hy sinh... Quân dân Phú
Quốc được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân
dân cho 4 địa phương và đơn vị cùng hàng ngàn Huân, Huy chương các loại.
1.2. KHÁI QUÁT SỰ RA ĐỜI VÀ TỔ CHỨC CỦA TRẠI GIAM TÙ
BINH CỘNG SẢN VIỆT NAM/PHÚ QUỐC.
1.2.1 Âm mưu của Mĩ-Ngụy
Đầu năm 1965, Trước nguy cơ thất bại hoàn toàn của chiến lược “Chiến tranh
đặc biệt”, để cứu nguy cho tình hình hiện tại và thực hiện âm mưu lâu dài hơn ở
nước ta, Tổng thống Mỹ Giônxơn bắt đầu thông qua kế hoạch tiến hành cuộc
“Chiến tranh cục bộ”.
Chiến lược “Chiến tranh cục bộ” chính thức bắt đầu từ giữa năm 1965 với lực
lượng chủ yếu là quân viễn chinh Mỹ, quân chư hầu và quân đội Việt Nam cộng


16


hòa. Mỹ đã mở hàng loạt cuộc hành quân lớn trên chiến trường miền Nam với mục
tiêu “tìm diệt” và “bình định” vào căn cứ cách mạng hòng tiêu diệt cơ quan đầu não
và lực lượng kháng chiến của ta. Mỹ-ngụy chủ trương bắt tất cả những ai bị nghi
ngờ “có liên quan đến Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam” bất kể ở vùng giải
phóng hoặc vùng tranh chấp, gán bừa cho hai chữ “Việt Cộng” rồi tống họ vào nhà
giam nhằm làm cạn nguồn nhân lực của cách mạng.
Số lượng người bị địch bắt ngày càng đông, trước tình hình đó, địch chủ
trương xây dựng ở mỗi vùng chiến thuật một trại giam tù binh. Ngoài ra chúng còn
lập thêm một trại giam tù binh đặt dưới quyền cai quản của bộ quốc phòng chính
quyền Sài Gòn.
Sau một thời kỳ xây dựng, từ ngày 1/5/1966 đến ngày 18/9/1967, Mỹ-ngụy
lần lượt đưa vào sử dụng các trại giam tù binh tại những vùng chiến thuật như sau:
Trại giam tù binh vùng 3 chiến thuật (Biên Hòa), hoạt động từ ngày 1/5/1966. Trại
giam tù binh vùng 2 chiến thuật (Plây-cu), hoạt động từ ngày 1/9/1966. Trại giam tù
binh vùng 1 chiến thuật (Đà Nẵng), hoạt động từ ngày 1/12/1966. Trại giam tù binh
vùng 4 chiến thuật (Cần Thơ), hoạt động từ ngày 30/4/1967. Trại giam tù binh nữ
đặt vùng 2 chiến thuật (Quy Nhơn), hoạt động từ ngày 18/6/1967. Trại giam tù binh
trung ương (Phú Quốc) hoạt động từ ngày 6/7/1967 và vừa hoạt động vừa mở rộng.
Tên chính thức của trại này là “Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc”.
Người ta thường gọi tắt là “Trại giam tù binh Phú Quốc”.
Từ khi Trại giam tù binh Phú Quốc hoạt động, những chiến sĩ thuộc các lực
lượng vũ trang trước kia bị giam ở Côn Đảo và các nhà tù khác lần lượt được đưa
về giam tại Phú Quốc.
Trại giam tù binh Phú Quốc ra đời và hoạt động hoàn toàn nằm trong sự tính
toán, cân nhắc của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai. Sở dĩ chọn đảo Phú Quốc để
lập trại giam tù binh là vì hòn đảo tuy lớn nhưng lại nằm trên biển, điều đó gây khó
khăn cho lực lượng cách mạng khi liên lạc nhưng lại thuận lợi cho Mỹ-ngụy trong

vấn đề quản lí tù nhân. Tù binh hoàn toàn bị cô lập, khó có thể theo dõi được diễn
biến cuộc chiến cũng như phong trào đấu tranh cách mạng, khó tìm được đường về
cách mạng và đất liền nếu vượt ngục, đồng thời cũng ngăn cản ý muốn phá ngục
giải thoát tù binh của các lực lượng bên ngoài.

17


Thay vào đó, Bọn cai tù có thể mạnh tay đàn áp tù binh, thực hành nhiều hình
thức tra tấn dã man, thậm chí thủ tiêu hàng hoạt tù binh nhằm hủy diệt tinh thần và
thể xác của họ. Đồng thời, trả thù cho đồng bọn của chúng bị giết hại trên chiến
trường, củng cố lại niềm tin vào Mỹ cùng chế độ Sài Gòn đang suy thoái và thỏa
mãn bản chất ngông cuồng, hiếu chiến, bất chấp Công ước quốc tế Genève, (mặc
dù chúng đã ký tham gia ngày 14/11/1953) mà không sợ dư luận trong nước và
quốc tế phát hiện.
Mặc khác, Mỹ-ngụy cũng tìm mọi cách, cố gắng giam giữ tù binh để bảo toàn
vốn liếng chính trị nhằm trao đổi tù binh với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng
hòa Miền Nam Việt Nam khi chiến tranh kết thúc.
“Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc hoạt động từ năm 1967 và
tồn tại cho đến ngày HIệp định Paris được ký kết, hai bên trao trả tù binh (3/1973).
Mỹ-ngụy đã giam giữ khoảng 40.000 lượt tù binh, cách ly họ với đồng đội, quê
hương, gia đình, buộc họ phải chịu đựng một cuộc sống địa ngục trần gian ở Phú
Quốc. Trong đó, chúng đã giết hại hơn 4.000 tù trai trẻ, tràn đầy sức sống để họ
phải vĩnh viễn nằm lại dưới lòng biển mênh mông làm mồi cho cá, hay giữa lòng
đất lạnh lẽo của của Phú Quốc; cưỡng ép 10.973 tù binh vào trại Tân sinh hoạt để
suốt cuộc đời mang nặng nỗi mặc cảm phản bội cách mạng. Còn những tù binh may
mắn sống sót trở về đa số bị thương tật, bị tàn phế và ít nhất cũng bị di chứng nặng
nề, bệnh tật do phải chịu chế độ giam giữ hà khắc của bọn giám thị, bị đánh đập
nhiều ngày trong trại giam và một số tù binh thể xác đau đớn, tinh thần khủng
hoảng...đã trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”.

Tuy nhiên, những thủ đoạn tàn bạo và nham hiểm của kẻ thù vẫn không thể
nào khất phục được ý chí kiên trung của người chiến sĩ cách mạng.
1.2.2 Vị trí, quy mô, cách bố trí trại giam.
Sau khi Trại giam Cây Dừa ngưng hoạt động năm 1954, hơn một năm sau,
ngụy quyền Sài Gòn sửa sang lại khu nhà đổ nát của Trại Giam Cây Dừa lập ra Trại
huấn chính Cây Dừa. Trại đã giam giữ gần 1.000 tù chính trị cả nam lẫn nữ, đến
năm 1957 thì chấm dứt hoạt động.
Sau 9 năm, Mỹ-ngụy tiếp tục cho xây dựng “Trại giam tù binh cộng sản Việt
Nam/Phú Quốc” rộng gấp 10 lần Trại giam tù binh Căng Cây Dừa thời Pháp và

18


chính thức đưa vào sử dụng từ ngày 6/7/1967.
Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc tọa lạc tại thung lũng An
Thới, trước kia là ấp 5, xã Dương Tơ, sau giải phóng tách ra thành xã An Thới.
Toàn bộ khu giam bao gồm các khu giam tù binh, nhà ở của Sở Chỉ huy, Ban Điều
hành và các tiểu đoàn lính quân cảnh, nhà làm việc của giám thị các khu giam...
được xây dựng hai bên Quốc lộ 46, từ dốc miếu Cô Sáu đến Cầu Bà Đầm (Cầu
Sấu) với chiều dày khoảng 5km, diện tích khoảng 4000 hécta.
Toàn bộ trại giam có 12 khu (khu 12 chỉ dùng trong lúc trao trả tù binh) được
đánh số từ 1 đến 12. Mỗi khu có bốn phân khu (A, B, C, D). Mỗi phân khu gọi tên
kèm theo thứ tự của mỗi khu, ví dụ khu 3 có bốn phân khu A3, B3, C3, D3, hay khu
5 cũng gồm bốn phân khu A5, B5, C5, D5... Riêng khu 1 và 2 có hai phân khu còn
gọi là phân khu đôi (Số phòng giam có 18 phòng, gấp đôi các phân khu khác). Các
phân khu được bố trí giống nhau, phân khu A và B, C và D nằm kề sát nhau, chỉ
cách nhau bằng những hàng rào, dây kẽm gai, phân khu C và D cách nhau khoảng
100 mét.
Mỗi phân khu có chiều dài 150 mét và chiều rộng 50 mét, gồm 11 căn nhà
trong đó có 9 nhà giam được chia thành 3 dãy, đánh số từ 1 đến 9, phòng cách

phòng và dãy cách dãy khoảng 5 mét. Hai ngôi nhà tương tự phòng giam nằm
ngang ở phía trước, 1 dùng làm nhà điều hành cho đội trật tự ở hoặc dùng làm nơi
phạt vạ, đánh đập, tù binh khi cần thiết. Giữa các nhà giam được để trống, riêng ở
một số phân khu đặc biệt như Phân khu B2, Phân khu biệt lập C8 thì ở giữa các nhà
giam có hàng rào, dây kẽm gai ngăn cách, chỉ chừa một lối đi khoảng 0,8 mét.
Trong các phân khu có một đến hai giếng nước do tù binh tự đào để lấy nước sinh
hoạt, riêng khu 5 có 2 phân khu C và D không thể đào được giếng nên địch cho xây
một cái hồ bằng xi măng để đựng nước do xe bồn chở đến.
Có tổng số gần 500 ngôi nhà trên toàn trại giam (không kể nhà của Ban Điều
hành từng khu giam và nhà ở của quân cảnh, nhà làm việc của Sở Chỉ huy, Ban
điều hành Trại giam). Tất cả phòng giam chủ yếu điều được làm bằng tôn thiếc,
chiều dày 20 mét, chiều rộng 5 mét, giam giữ từ 80 đến 120 người. Ở hai đầu có lối
ra vào rộng 0,8 mét; vách có 4 cửa sổ, từ mặt đất lên 0.3 mét rào bằng dây thép gai,
phần trên vách ngăn bằng tôn thiết, hai đầu phòng có 2 bóng điện. Ban đầu sàn nhà

19


làm bằng đất như vì tù binh đào hầm vượt ngục nhiều mà miệng hầm điều mở ở
trong phòng nên chúng lại tiến hành tráng nền bằng xi măng để chống đào hầm.
Sau đó thấy với nền bằng xi măng, tù binh vẫn đào hầm thành công, chúng lại tiếp
tục làm thêm sạp gỗ cao lên khoảng 0,8 mét.
Phía sau các dãy nhà ở của tù binh có hai nhà nhỏ, ngang 5 mét, dài 10 mét
cũng được làm bằng thép và tôn thiếc dùng làm nhà vệ sinh và nhà tắm cho tù binh.
Nhà cầu gồm hai bệ xi măng với 4 ô, phía dưới mỗi ô đặt nửa chiếc thùng phuy để
đựng phân… Mỗi ngày quân cảnh áp giải tù binh khiêng đi đổ ở bên ngoài.
Mỗi phân khu có một cổng lớn dành cho xe chở nước và thực phẩm ra vào,
cạnh đó là một cổng nhỏ dành cho người đi lại. Bên cạnh cổng ra vào là phòng làm
việc của giám thị phân khu (có nơi phòng giám thị đặt ở giữa hai hàng rào kẽm gai,
có nơi đặt hẳn bên ngoài cạnh đường xe chạy… Các đồ dùng làm bếp, đồ dùng lao

động, muối ăn… được để ở nhà làm việc của giám thị phân khu hoặc nhà trực ở
cổng ra vào. Mỗi chiều khi nấu cơm xong đều phải mạng ra để đấy. Giám thị không
cho để những thứ ấy trong phân khu vì sợ tù nhân sẽ dùng làm vũ khí chống lại
chúng. Đầu nhà bếp của mỗi phân khu có treo một chiếc kẻng dùng báo hiệu lệnh:
điểm danh, xuống bếp khiêng cơm về phòng ăn, lấy nước uống,… Đối diện nhà bếp
và nhà trống là sân điểm danh. Hằng ngày tù binh phải ra giữa sân xếp hàng điểm
danh 3 lần, sáng, trưa, chiều, trong đó điểm danh sáng, chiều là để giao ca giữa
quân cảnh và giám thị.
Chung quanh mỗi phân khu có nhiều lớp hàng rào dây kẽm gai được đan cột
dày đặc: hàng rào giới hạn bên trong, hàng rào chính, hàng rào ngoài cùng… Bên
ngoài hàng rào có những bãi mìn dày đặc bao quanh. Bên trong những lớp hàng rào
được thả chó Béc-giê và ngỗng đi tuần vào ban đêm.
Ở hai phân khu liền kề có 6 chòi gác cao hoạt động suốt ngày đêm. Hệ thống
ánh sáng của trại giam được trang bị quy mô chiếu sáng khắp các khu giam nhằm
ngăn chặn tù binh vượt ngục, khoảng 30 mét lại có một trụ điện lắp hai bóng đèn
loại 120W, một bóng quay vào trong và một bóng quay ra ngoài. Trên 12 góc pháo
đài điều có đèn pha loại 500W lưu động chiếu vào khu giam với góc 45 độ, bán
kính 180 độ. Mỗi khu giam có 2 máy phát điện loại 50 KVA được chia ca sử dụng
từ 19 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Trên hàng rào bên ngoài còn đặt loại ánh sáng

20


phụ bằng ống bơ có dầu và giẻ đốt phòng khi mất điện.
Mỗi khi trong các khu giam tù binh đấu tranh, địch rào thêm một lớp bùng
nhùng sát phòng giam để ngăn chặn tù binh giữa các phòng liên lạc với nhau. Tù
binh phải đứng cách lớp bùng nhùng bên trong mà chúng gọi là hàng rào giới hạn
khoảng 2 mét, nếu ai không chấp hành sẽ bị bắn chết.
Khi xây dựng trại giam, địch phong tỏa con lộ 46 không cho dân đi lại mà
dùng để mở con đường giáp biển phía tây để đi từ An Thới tới thị trấn Dương

Đông. Đồng thời, chúng cho rải chất độc hóa học hủy diệt cây rừng và các loài thực
vật khác tạo thành một vành đai rộng lớn bao chung quanh trại giam nhằm đề
phòng tù binh trốn trại và ngăn ngừa lực lượng cách mạng từ bên ngoài tấn công
vào giải thoát tù binh. Nhiều lần địch rải chất độc phủ lên các khu trại giam làm cho
bầu không khí giống như bị phủ một lớp sương mù làm ảnh hưởng lớn đến toàn bộ
tù binh trong trại.
Dọc theo con lộ 46, tính từ ngã ba An Thới lên Cầu Sấu, các khu giam và các
đơn vị cai quản trại giam được bố trí như sau:
- Bên phải là đội công binh, qua dốc Miếu Cô Sáu, trụ sở Tiểu đoàn 14 quân
cảnh; Trung đội Quân khuyển, Bộ Chỉ huy Trại giam, khu tù binh người Thượng;
đường rẽ vào trại giam quân kỷ luật và bãi Khem, khu 2, trụ sở tiểu đoàn 8 quân
cảnh, nhà thờ, đường vào Nghĩa địa tù binh ở Đồi 100, khu 5, khu7, trụ sở Tiểu
đoàn 9 quân cảnh, khu 10 và bên trong khu 5 là khu 11 và 12.
- Bên trái có khu thăm nuôi (đối diện Tiểu đoàn 14 quân cảnh), khu 1, bệnh
viện, trụ sở Tiểu đoàn 7 quân cảnh, khu 3, khu 4, khu 6, đường rẽ vào Đồi 37 lên
Đài Kiểm báo và rẽ phải đi Dương Đông, khu 8 và khu 9.
1.2.3 Tổ chức của trại giam.
Căn cứ theo văn bản số 107-1 của Phòng nhì Bộ Tổng tham mưu ngụy thì
Phòng 1 Bộ Tổng tham mưu chịu trách nhiệm về việc điều hòa đường lối đối xử với
tù binh cộng sản như quản trị kế toán chung về tù binh cộng sản, thiết lập kế hoạch
xây cất trại giam, đúc kết trình cấp trên các kết quả về đường lối đối xử với tù binh
Cộng sản. Do đó, Phòng một bộ tổng tham mưu phối hợp với Phòng quân cảnh Bộ
tổng tham mưu về việc quản trị tù binh.
Bộ máy quản lý điều hành của Mỹ-ngụy ở Trại giam tù binh Phú Quốc

21


khoảng 2.000 nhân viên và sĩ quan. Điều hành Trại giam tù binh Phú Quốc là một
Bộ chỉ huy, lúc đầu do một thiếu tá quân cảnh làm chỉ huy trưởng. Thời gian sau,

do số lượng tù binh và quân cảnh tăng lên nên người chỉ huy trưởng trại giam phải
có cấp bậc trung tá hoặc đại tá.
Bên cạnh Bộ chỉ huy ngụy có một Ban Cố vấn Mỹ do một cố vấn trưởng là
trung tá và một cố vấn phó cấp thiếu tá phụ trách. Mọi hoạt động chủ trương điều
phải thông qua Ban cố vấn. Toàn trại giam Phú Quốc có khoảng 50 cố vấn Mỹ,
riêng Ban chỉ huy có 20 tên.
Dưới Bộ chỉ huy trại giam có các ban chuyên môn, các tiểu đoàn quân cảnh.
Khi có huấn thị về “kế hoạch chuyển hướng và phân loại tù binh”, tức là kế hoạch
lừa gạt và cưỡng ép chiêu hồi, địch thành lập một cơ quan liên bộ lấy tên là “Khối
chuyển hướng và phân loại tù binh cộng sản Việt Nam” trực thuộc Tổng cục chiến
tranh chính trị và trực tiếp chỉ đạo các “Ban chuyển hướng và phân loại tù binh
Cộng sản Việt Nam”
Các ban chuyên môn gồm: Ban Giám thị, Ban An ninh, Ban Điều hành, Ban
Truyền tin, Ban Tiếp liệu, Ban Quản trị Nhân viên và Văn phòng.
Bộ Chỉ huy trại giam gồm: Một chỉ huy trưởng và một chỉ huy phó.
“- Từ 1968- 1969: Thiếu tá Đoàn Đức Hải.
- Từ tháng 7/1969-11/1971: Trung tá Nguyễn Hữu Phước; Chỉ huy phó: Thiếu
tá Phan Ngọc Thức.
- Từ 1971- 1973: Chỉ huy trưởng gồm các tên: Trung tá Phan Ngọc Thủy, Đại
tá Trần Vĩnh Đắc, Trung tá Bùi Bằng Dực…” [17;88]
Ban Giám thị: theo quy định của Trung tâm Cải huấn Trung ương, “Ban giám
thị gồm các nhân viên nghành chuyên môn, trong đó chánh giám trị và giám thị có
nhiệm vụ canh gác trong khu vực được giao phó. Mọi vi phạm phải báo cáo ngay
lên phó quản đốc. Các chánh giám thị và giám thị phải mang sắc phục trong và
ngoài giờ làm việc nếu còn ở trong nội qui trung tâm. Không được rời khỏi nơi
canh gác, không được tiếp xúc và không có quyền trừng phạt can phạm nhân. Phải
biết sử dụng vũ khí nhưng chỉ được sử dụng khi có bạo loạn hay để tự vệ…”
[1;118]
Trong Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc, Ban giám thị gồm một


22


tên tổng giám thị đứng đầu với 13 đến 15 nhân viên. Ban có một hệ thống chân rết
xuống đến các phân khu. Mỗi khu có một giám thị trưởng, có thể là sĩ quan cấp úy
(chuẩn úy, thiếu úy hoặc là một sĩ quan cấp thượng sĩ nếu làm việc tích cực). Mỗi
phân khu có hai đến ba hạ sĩ quan quân cảnh thường là cấp trung sĩ làm giám thị,
trực tiếp điều hành công việc hằng ngày như điểm danh, lo việc ăn ở, cho đi khám
bệnh, cắt cử người đi tạp dịch, đi đổ rát, đổ phân. Họ là những người tiếp xúc trực
tiếp với tù binh, có ảnh hưởng lớn đến tình hình căng thẳng hay êm diệu của phân
khu. Mặc dù đã có những qui định cụ thể về nhiệm vụ và quyền hạn của giám thị
nhưng Ban Giám thị vẫn thường vi phạm những quy định mà chúng đặt ra ở trên.
Những tên ác ôn thường hay chửi bới, đánh đập thậm chí tra tấn giết hại tù binh…
Điều đó khiến cho không khí trong tù càng thêm căng thẳng hơn, những cuộc đấu
tranh của tù binh ở Trại giam tù binh Phú Quốc luôn diễn ra mạnh mẽ và sôi nổi
hơn các nơi khác.
Theo thống kê, Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc có những
giám thị ác ôn khét tiếng như: Trung úy Hiển (từ 1968- 1969), Đại úy Lê Hoài Ân
(từ 7/1969-1970), Trung úy Lê Minh Hoàng (từ 1970-1972)…
Ban An ninh: “có nhiệm vụ phụ trách công tác an ninh, trật tự tại các khu
giam, kiểm soát thư tín, bưu điện từ bên ngoài gửi vào cho tù binh và từ tù binh gửi
ra, điều hành việc thăm nuôi, tổ chức tình báo, tiếp phát lao dịch áp giải can phạm
và phòng hỏa”… Ở trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc, Ban An Ninh là
nơi gây ra rất nhiều tội ác dã man với tù binh. Ban An ninh có chân rết ở các tiểu
đoàn, chúng thường đưa những tên tù binh phản bội vào sống trong các phân khu
cùng với tù binh để thu thập tin tức, những sinh hoạt bí mật trong tù như học tập,
đấu tranh, tổ chức vượt ngục… sau đó báo cáo lại cho chúng. Nếu ai bị nghi ngờ,
Ban An ninh sẽ gọi lên để tra tấn tìm người lãnh đạo… Trong các cuộc tra khảo,
Ban Anh ninh có thể đánh chết hoặc tàn phế mà không cần phải chịu trách nhiệm về
tính mạng và thương tật của họ. Những tên lính quân cảnh bị nghi ngờ có cảm tình

với tù binh cũng bị gọi lên tra tấn, đánh đập. Đặc biệt, Trung úy Nguyễn Văn Ơn là
một trong những tên nổi tiếng gian ác và xảo nguyệt.
Ban Điều hành: có trách nhiệm theo dõi sổ xuất nhập tù binh, hồ sơ lý lịch,
theo dõi tình trạng giam giữ và phóng thích tù nhân… Trong trại giam tù binh Phú

23


Quốc, Ban điều hành chủ yếu thực hiện việc tuyển chọn, bố trí và xáo trộn tù binh ở
các phân khu theo chủ trương của Bộ chỉ huy trại giam. Từ năm 1968-1969 có
Trung úy Ngự và từ tháng 7/1969-11/1071 có Đại úy Trần Văn Qui là những tên nổi
tiếng gian ác nằm trong Ban Điều hành.
Nơi làm việc của Ban Giám thị, Ban Điều hành và Ban An ninh ở chung một
cụm, cùng nhau kết hợp khủng bố và tra tấn tù binh bằng nhiều hình thức ác độc.
Riêng các ban khác ít có quan hệ trực tiếp với tù binh.
Ban chuyển hướng tư tưởng và phân loại tù binh: Nhằm hủy diệt hoàn toàn ý
chí và sức mạnh của tù binh, ngày 8/3/1969, Trung tướng Tổng trưởng Bộ Quốc
phòng chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Vĩ đã ký Huấn thị số 979- QP/HC/1/TB
ấn định kế hoạch chuyển hướng tư tưởng và phân loại tù binh Cộng sản Việt Nam
với mục đích “tranh thủ tù binh về với chính nghĩa quốc gia khi chiến tranh chấm
dứt”.
Huấn thị qui định, tại mỗi trại giam có một cơ quan đặc trách công tác Chuyển
hướng và Phân loại tù binh Cộng sản Việt Nam. Ban này trực thuộc Tổng Cục
Chiến tranh chính trị về vấn đề điều hành và kỷ thuật chuyển hướng và phân loại tù
binh, chỉ huy trưởng trại giam về kỹ luật và tác phong làm việc.
Thực chất Ban chuyển hướng và phân loại tù binh là một tổ chức chuyên trách
công việc theo dõi diễn biến tư tưởng và trình độ giác ngộ của tù binh và lên kế
hoạch dụ dỗ, lừa gạt và cưỡng ép chiêu hồi, chủ yếu là dùng vũ lực đánh đập,
khủng bố ép buộc tù binh từ bỏ lý tưởng cách mạng cao đẹp mà quay đầu lại với
nhân dân, với tổ quốc.

Trong Trại giam tù binh Phú Quốc, Ban Chuyển hướng và Phân loại tù binh
do một tên sĩ quan cấp úy điều khiển. Bọn chúng thực hiện việc chuyển hướng và
phân loại tù binh theo các chương trình “cải huấn” do Chính quyền Sài Gòn đề ra.
Đó là nguyên nhân chính làm cho hàng ngàn người phải bị thương tật, tàn phế thậm
chí là hi sinh vì không chịu đầu hàng và ép buộc, mấy ngàn người phải vào các khu
Tân sinh hoạt tức là khu chiêu hồi do chúng dựng lên.
Lực lượng canh giữ trại giam: có bốn tiểu đoàn quân cảnh bao gồm: Tiểu
đoàn 7, 8, 9 và 14, mỗi tiểu đoàn có khoảng 400-500 tên lính. Những lúc cần sẽ
tăng cường thêm một đại đội của tiểu đoàn 5. Chỉ huy các tiểu đoàn trực tiếp nhận

24


nhiệm vụ từ Bộ chỉ huy trại giam. Mỗi tiểu đoàn phụ trách ba khu giam, Mỗi đại
đội phụ trách một khu và đại đội trưởng kiêm chức trưởng khu giam.
Lính quân cảnh được chọn lựa rất kỹ, phần nhiều là những tên có nợ máu với
nhân dân, có hận thù với cách mạng và đặc biệt trung thành với chế độ Việt Nam
Cộng hòa. Lính quân cảnh ở trong các nhà tôn hay nhà bạt dựng lên phía trước và
phía sau khu giam, tạo thành một vành đai canh giữ tù binh đề phòng vượt ngục.
Với sự hỗ trợ đắc lực của bọn trật tự, chiều hồi, lính quân cảnh có nhiệm vụ
canh gác và ngăn chặn những hành động phản ứng đấu tranh của tù binh. Nhiều tên
quân cảnh luôn tìm mọi cớ đánh đập, tra tấn hủy diệt thể xác, tinh thần của tù binh
và xem những việc làm đó như một trò tiêu khiển…
Ở mỗi liên phân khu (A+B hay C+D) có 6 chòi canh do lính quân cảnh canh
gác ngày đêm. Buổi tối, lính quân cảnh tuần tra xung quanh các hàng rào kẽm gai
rồi đến từng phòng ngủ của tù binh hai hoặc ba lần để điểm danh. Ban ngày sẽ có
một hoặc hai quân cảnh vào từng phân khu để tuần tra kiểm soát tất cả các hoạt
động của tù binh đề phòng tù binh tổ chức đấu tranh, đào hầm vượt ngục… Ngoài
ra, quân cảnh còn có nhiệm vụ dẫn tù binh đi làm tạp dịch bên ngoài, lấy củi, đổ
rác, khám bệnh…

Lực lượng quân cảnh của trại giam được phân công như sau:
- Tiểu đoàn 7 quân cảnh có 4 đại đội: Phụ trách các khu 1, 2, 3. Chỉ huy tiểu
đoàn từ năm 1969 đến tháng 11/1971 gồm: Thiếu tá Mã Sinh Quy-Tiểu đoàn
trưởng; Đại úy Lê Tấn Phát-Tiểu đoàn phó.
- Tiểu đoàn 8 quân cảnh có 4 đại đội: Phụ trách các khu giam 4, 5, 6. Từ năm
1969 đến tháng 11/1971, Thiếu tá Phạm Văn Có làm Tiểu đoàn trưởng; Đại úy Cao
Văn Diệp làm tiểu đoàn phó.
- Tiểu đoàn 9 quân cảnh phụ trách các khu giam 7, 8, 9 gồm 4 đại đội. Từ năm
1969 đến tháng 11/1971, Thiếu tá Bảo Thọ làm Tiểu đoàn trưởng, Đại úy Nguyễn
Văn Châu làm Tiểu đoàn phó.
- Tiểu đoàn 14 quân cảnh là tiểu đoàn dự bị, là lực lượng tăng cường đàn áp
các cuộc đấu tranh của tù binh, hành quân truy tìm tù binh vượt ngục, tăng cường
tuần tiễu cả khu vực trại giam. Sau đó khi địch chuyển tù binh đến giam giữ tại khu
10 và khu 11, Tiểu đoàn 14 quân cảnh có thêm nhiệm vụ phụ trách canh giữ hai khu

25


×