Tải bản đầy đủ (.doc) (1 trang)

Maxim Gorky tự trách mình

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (45.59 KB, 1 trang )

Văn hào Maxim Gorky trách mình...đọc nhiều
Mặc dù từng phải vất vả, cực nhọc trong việc mưu sinh, song ngay từ thuở thiếu thời, văn
hào Nga Maxim Gorky luôn tỏ ra là một cậu bé hiếu học, chăm chỉ việc đèn sách. Thật khó
có thể liệt kê hết những đầu sách mà cậu đã ngốn ngấu đọc trong những năm tháng cơ
hàn ấy.
Bản thân Gorky sau này cũng có nhiều câu danh ngôn thể hiện tình yêu của ông đối với
sách, cùng những đánh giá trang trọng về tác dụng của việc đọc sách.
Ấy thế nhưng, trong tư cách của người sáng tạo, đã có lúc nghiêm khắc nhìn lại những gì
mình viết, Gorky đã buộc phải lên tiếng phê phán cái tác hại của việc… đọc nhiều, như thể
với bản thân ông, nó là "con dao hai lưỡi".
Trong thư gửi danh họa Ilya Repin ngày 5/12/1899, nhân đề cập tới truyện ngắn "Người
độc giả" ông sáng tác cách đấy 4 năm, Gorky đã thổ lộ rằng ông không hài lòng với mình vì
đọc sách nhiều như vậy nên ông "đã mất mát rất nhiều những cái độc đáo, những cái của
riêng tôi, những cái mà bẩm sinh tôi vẫn có". Với tư cách một nhà văn, ông nhận thấy mình
"không tự do trong ý nghĩ của mình - cũng như nhiều người khác - nhiều khi tôi vận dụng
những sự việc và những ý nghĩ mà tôi đã hấp thụ vào mình khi đọc sách của người khác
chứ không phải đã được bản thân mình thể nghiệm bằng tâm hồn mình". Đến đây, Gorky
nghiêm khắc đặt câu hỏi: "Sáng bằng một ánh sáng phản chiếu - như thế có xứng đáng với
một con người hay không?". Và ông tự trả lời: "Không xứng đáng".
Dĩ nhiên chúng ta đều hiểu, cách đặt vấn đề của Gorky, nếu có đúng, thì chỉ đúng với một
vài sáng tác của Gorky ở giai đoạn đầu, là thời gian ông thường xuyên nhận được sự chỉ
bảo, thậm chí là chỉ trích của những bậc thầy nghiêm khắc như Lev Tolstoy và Anton
Chekhov. Gorky từng kể lại rằng, buổi ông gặp Tolstoy và nghe Tolstoy "phán" về truyện
"Hai mươi sáu anh chàng và một cô gái" ông mới viết, thì thái độ của Lev Tolstoy làm ông
cảm thấy như bị xúc phạm: "Đứng trên quan điểm thông thường mà xét thì lời lẽ của ông
ta là cả một từ ngữ thô tục. Tôi đâm ngượng và thậm chí trạnh lòng nữa: Tôi tưởng ông
cho tôi không đủ sức hiểu một thứ ngôn ngữ nào khác thế". Tất nhiên, Gorky là một người
rất có bản lĩnh, ngay sau đó ông hiểu ra rằng "Trạnh lòng như thế là dại".
Có lẽ, vì từng được các bậc đàn anh "rèn rũa" một cách... khắc nghiệt như vậy nên sau
này, khi đưa ra những góp ý, nhận xét về tác phẩm của các nhà văn trẻ, Gorky luôn thể
hiện sự trân trọng người đối thoại.


Trong thư gửi nhà văn trẻ Ivanov, sau khi có một đôi ý kiến khuyên nhủ nhà văn trẻ, Gorky
viết: "Anh hãy tin rằng đây không phải là lời khuyên của một nhà văn hay một ông thầy - tôi
chưa bao giờ dạy ai viết văn với tư cách một nhà văn, xưa nay tôi chỉ nói với các nhà văn
với tư cách một độc giả chăm chỉ, yêu văn học hơn mọi thứ trên đời".
Một lần khác, được hỏi về thi ca và sân khấu, Gorky bộc bạch: "Về nền thi ca và các nhà
thơ lớn, thì tôi xin miễn nói đến. Tôi không phải là người am hiểu lĩnh vực này, tôi đã mất
khả năng thưởng thức thơ ca, và phải khó nhọc lắm mới đọc được... Tôi cũng sẽ không nói
đến sân khấu. Trước hết là tôi cảm thấy mình không hiểu mấy về ngành này, thứ đến là tôi
rất ít đi xem kịch...".
Một con người vốn tri thức, vốn hiểu biết đời sống đầy mình, vậy mà khiêm tốn đến vậy,
thật khác xa với những kẻ lĩnh vực nào cũng tỏ ra thông tuệ, hễ gặp ý kiến phản bác lại
mình là tỏ ra giận dữ, gửi đơn từ kiện cáo khắp đây đó, coi người đối thoại với mình là hạ
đẳng, rơm rác...

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×