Tải bản đầy đủ (.doc) (7 trang)

TIỂU LUẬN KINH tế CHÍNH TRỊ vận dụng tư tưởng hồ chí minh về phát triển nguồn nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (65.41 KB, 7 trang )

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nguồn nhân lực trong sự
nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước hiện nay đang đặt ra những yêu cầu mới
cho nguồn lực con người. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng khẳng định: “Phát triển,
nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và coi
đây là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển nhanh, bền vững đất
nước”(1). Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về con người xã hội chủ nghĩa vào chiến
lược nâng cao nguồn nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa là
một nhiệm vụ quan trọng để thực hiện chiến lược đổi mới toàn diện đất nước tạo
tiền đề đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng
hiện đại hóa.
1. Trên cơ sở lý luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh,
trong đường lối lãnh đạo, Đảng Cộng sản việt Nam xác định: “Con người là trung
tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển” (2). Quan điểm này đã
thể hiện nhận thức khoa học của Đảng ta về bản chất con người trong mối quan hệ
biện chứng của sự phát triển. Đồng thời, khẳng định sự nhận thức rõ tư tưởng Hồ
Chí Minh về bản chất con người và con người xã hội chủ nghĩa sẽ là cơ sở lý luận
về Đảng và Nhà nước ta coi trọng vai trò con người để từ đó hoạch định đúng
Chiến lược con người trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
Con người là vốn quý của xã hội nên con người giữ vai trò vừa là chủ thể, vừa
là sản phẩm của tiến trình cải biến tự nhiên và xã hội. Điều đó khẳng định, con
người chính là mục tiêu phát triển cao nhất của mọi quá trình phát triển tự nhiên,
xã hội, đồng thời cũng là động lực của quá trình phát triển đó.
Với ý nghĩa nêu trên, con người đã trở thành nhân tố then chốt và là nhân tố
quyết định của sự phát triển lịch sử. Bởi vì, chỉ có con người mới có trí tuệ và năng
lực sáng tạo theo chiều hướng tiến bộ. Nói một cách khác, nhân tố con người là
một tiềm năng vô tận của sự phát triển. Điều đó đồng nghĩa với việc nhân tố con
người là cơ sở để hình thành nên nguồn lực con người, nhất là nguồn lực con người
có chất lượng cao.



“Nguồn lực con người (hay còn gọi là nguồn nhân lực, nguồn tài nguyên
người) là nhân tố con người được xem xét, dự tính như một tiềm năng, một điều
kiện cần và có thể phát huy thành động lực cho một quá trình phát triển xã hội,
một chiến lược phát triển xã hội trong những thời gian, không gian xác định” (3).
Nguồn lực con người được xem xét ở các tiêu chí: Số lượng và chất lượng con
người (bao gồm cả thể chất và tinh thần, sức khỏe và trí tuệ, năng lực và phẩm
chất); là tổng thể chất dự trữ, những tiềm năng, những lực lượng thể hiện sức mạnh
và sự tác động của con người trong việc cải tạo tự nhiên và xã hội; là sự kết hợp
sức lực và thể lực tạo nên năng lực sáng tạo, chất lượng, hiệu quả hoạt động và
triển vọng phát triển mới của con người; là kinh nghiệm sống, đặc biệt là kinh
nghiệm được tích lũy qua sự nếm trải trực tiếp của con người tạo thành thói quen,
kỹ năng tổng hợp của mỗi người, của cộng đồng. Điều kiện để nguồn lực con
người đạt tới các tiêu chí đó khi: “người lao động có trí tuệ cao, có tay nghề thành
thạo, có phẩm chất tốt đẹp, được đào tạo, bồi dưỡng và phát huy bởi một nền giáo
dục tiên tiến gắn liền với một nền khoa học, công nghệ hiện đại”(4).
2. Ngay từ những ngày hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã có nhận thức
sâu sắc về con người và nhân tố con người. Ở Hồ Chí Minh, khái niệm con người
luôn luôn được nhắc đến như một mục tiêu thiêng liêng và cao cả của sự nghiệp
cách mạng mà cả cuộc đời Người hằng theo đuổi. Tư tưởng về con người, về việc
giải phóng và phát triển con người, coi con người là nhân tố quyết định thành công
của cách mạng luôn quán xuyến trong tư duy, đường lối và phương pháp lãnh đạo
cách mạng của Hồ chí Minh. Người đã bộc bạch ham muốn tột độ của Người
là: Đất nước được hoàn toàn độc lập, tự do. Đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc,
ai cũng được học hành. Vì sự ham muốn tột độ đó mà Hồ Chí Minh đã phải trải
qua 30 năm bôn ba ở nước ngoài, phải sống xa gia đình, quê hương, đất nước, chịu
đựng bao khó khăn, gian khổ, phải vượt qua vô vàn những gian truân, thử thách để
tìm ra chân lý cách mạng, con đường cách mạng giành độc lập, tự do cho Tổ quốc
và hạnh phúc cho nhân dân.
Với tư duy biện chứng sâu sắc về phát triển cùng với tầm nhìn “vượt gộp”,
trong tư tưởng, Hồ Chí Minh quan niệm: Đất nước được độc lập, tự do phải gắn



liền với ấm no và hạnh phúc cho con người ở những hưởng thụ cụ thể: ăn, mặc, ở,
học tập, việc làm… những điều kiện đó chỉ ở chế độ xã hội chủ nghĩa mới
có. Người nói: “Chủ nghĩa xã hội là mọi người được ăn no, mặc ấm, sung sướng,
tự do”(5), là “Được ấm no, hạnh phúc và học hành tiến bộ”(6). Mục đích của “Chủ
nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu, nước mạnh” (7), là “Không ngừng nâng cao
đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”(8).
Xác định được mục tiêu và bản chất của chủ nghĩa xã hội, trên cương vị lãnh
đạo của mình, Hồ Chí Minh đã lựa chọn con đường cách mạng giải phóng dân tộc
tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng xã
hội, giải phóng con người và chủ nghĩa xã hội là con đường phát triển tất yếu của
đất nước. Do đó, Người yêu cầu: “Muốn xã hội chủ nghĩa, phải có người xã hội
chủ nghĩa. Muốn có người xã hội chủ nghĩa, phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa” (9).
Những con người xã hội chủ nghĩa trong tư tưởng Hồ Chí Minh thực chất là những
con người mới, những con người từ thân phận nô lệ vì mất nước vươn lên làm chủ
xã hội, làm chủ sự phát triển của đất nước độc lập, tự do. Họ có vị trí và vai trò
quan trọng trong quá trình phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để khẳng định được vị trí và vai trò then chốt này thì con người xã hội chủ nghĩa
trong tư tưởng Hồ Chí Minh phải là con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp
ứng được những yêu cầu và đòi hỏi của chủ nghĩa xã hội với đặc trưng cơ bản là
phải vừa “hồng”, vừa “chuyên”.
“Hồng” và “chuyên” là quan điểm nổi bật và có tính bao quát trong tư tưởng
Hồ Chí Minh về bản chất con người mới xã hội chủ nghĩa. Hồng là phẩm chất, là
đạo đức của người cách mạng: yêu nước, trung với nước, hiếu với dân; yêu thương
con người, sống có nghĩa, có tình; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; chống
chủ nghĩa cá nhân và có tinh thần quốc tế trong sáng. Chuyên là sự thể hiện trí tuệ,
là tài năng, là năng lực của cá nhân con người gắn liền với sự khổ công học tập,
rèn luyện để có tri thức, nâng cao tri thức và dùng chính những tri thức mình có
được để phục vụ lợi ích cho sự phát triển của cộng đồng, của chủ nghĩa xã hội.

Hồng và chuyên, hay cách gọi khác là đức và tài trong mỗi con người đều rất cần
thiết. Đây là hai mặt cơ bản của con người mới nói riêng và được xem như nội hàm


của khái niệm con người mới xã hội chủ nghĩa trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Người
nói: Đức là gốc nhưng tài là quan trọng và luôn dặn mọi người không được xem
nhẹ mặt nào: có đức mà không có tài thì không khác ông Bụt trong chùa, không
làm hại ai nhưng cũng không làm được gì có ích cho mọi người. Có tài mà không
có đức thì sẽ trở thành kẻ phá hoại.
Lời nói của Người có ý nghĩa như một thông điệp để mong muốn mỗi con
người hãy lấy cái thiện làm phương châm sống và rèn luyện cho chính mình để
phấn đấu trở thành con người có ích cho cộng đồng, cho chủ nghĩa xã hội và cho
nhân loại.
Như vậy, theo Hồ Chí Minh, hồng và chuyên của con người Việt Nam trong sự
phát triển được hiểu là quá trình con người tự hoàn thiện bản thân theo yêu cầu của
sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và rèn luyện mình thành con người chủ
nghĩa xã hội. Điều đó đòi hỏi trước hết sự phấn đấu vươn lên không ngừng của mỗi
cá nhân con người theo hướng tự giác đấu tranh với những mặt lạc hậu, mặt xấu
vốn tồn tại như bản năng tự nhiên của con người, đồng thời phải không ngừng học
tập, tu dưỡng đạo đức cách mạng, lấy đạo đức cách mạng làm gốc “cũng như sông
phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không
gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi
mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(10). Đồng thời, giữ gìn và phát huy
những phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa đạo
đức của nhân loại. Sau đó, quan trọng hơn là tham gia tích cực của con người vào
sự cải tạo xã hội theo hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội mà cụ thể ở nước ta là thực
hiện sự nghiệp giải phóng dân tộc kết hợp với cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Sự kết hợp này, đòi hỏi con người Việt Nam phải có nhận thức mới về tư tưởng
trong ý thức hệ. Từ ý thức cộng đồng, từ tinh thần yêu nước trong phạm vi dân tộc
mang tính truyền thống phải được bổ sung và kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa

vô sản. Để từ đó, động lực lớn nhất của đất nước là chủ nghĩa dân tộc đã mang nội
hàm mới, kết hợp giữa truyền thống với hiện đại, dân tộc với quốc tế và từ đó con
người xã hội chủ nghĩa vốn được hình thành trong cách mạng dân tộc dân chủ, cần


phải vuơn lên tự rèn luyện phẩm chất đạo đức, có ý thức phấn đấu suốt đời vì mục
tiêu cao cả của lý tưởng chủ nghĩa xã hội.
Song hành cùng với nhận thức về tư tưởng, Hồ Chí Minh luôn coi trọng và rèn
luyện ý thức phục vụ con người, phụng sự Tổ quốc và coi đây là một trong những
nhân tố then chốt trong bản chất con người xã hội chủ nghĩa. Để làm được điều đó,
Người đòi hỏi mỗi cá nhân con người xã hội chủ nghĩa phải là người gương mẫu,
có tinh thần vì nước, vì dân, có tình yêu thương con người và phải biết hi sinh cái
tôi của cá nhân mình để cống hiến và coi việc phục vụ nhân dân là niềm hạnh
phúc, là nghĩa vụ thiêng liêng của đời người.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Ở một khía cạnh khác, nói đến con người xã hội
chủ nghĩa là nói đến những người có tinh thần sáng tạo, làm chủ được khoa học
công nghệ, ham học hỏi, biết vươn lên trong cuộc sống, trong công việc, luôn bổ
sung kiến thức, trí tuệ và năng lực bằng con đường học tập đáp ứng nhu cầu của
cách mạng xã hội chủ nghĩa: “Chủ nghĩa xã hội cộng với khoa học, chắc chắn sẽ
đưa loài người đến hạnh phúc vô tận (11)”. Do đó, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh, đề
cao và nêu bật vai trò của giáo dục đào tạo trong tiến trình xây dựng con người mới
xã hội chủ nghĩa và coi đó là một chiến lược lâu dài. “Vì lợi ích trăm năm thì phải
trồng người”, Người luôn đặt niềm tin vào khả năng của giáo dục với mong
muốn: có gì vẻ vang hơn là nghề giáo dục, đào tạo những thế hệ sau này tích cực
góp phần xây dựng Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa cộng sản. Người gửi gắm ở thế
hệ trẻ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không , dân tộc Việt Nam có
bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không,
chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”(12).
3. Với bất cứ một quốc gia nào thì vấn đề con người và nguồn lực con người
luôn giữ vị trí quan trọng. Đây là nhân tố có tính chất quyết định đến sự thành công

hay thất bại trong sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Trong đường lối
lãnh đạo, Đảng xác định: “Chúng ta cần hiểu sâu sắc những giá trị lớn lao và ý
nghĩa quyết định của nhân tố con người, chủ thể của mọi sáng tạo, mọi nguồn của
cải vật chất và văn hóa, mọi nền văn minh quốc gia… Con người phát triển cao về
trí tuệ, cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức là


nguồn động lực của sự nghiệp xây dựng xã hội mới, đồng thời là mục tiêu của chủ
nghĩa xã hội”(13).
Ở giai đoạn văn minh hiện nay, loài người đã đạt tới một trình độ nhận thức
mới về tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và phát triển con người. Trong đó,
phát triển con người được xem là thước đo sự phát triển của mỗi quốc gia. Do đó,
“Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất
lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển ứng
dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng
và lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho sự phát triển nhanh, hiệu quả và
bền vững”(14).
Trong tiến trình hội nhập theo xu thế phát triển chung toàn cầu, công cuộc đổi
mới gắn liền với đường lối đẩy mạnh nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đất nước
Việt Nam muốn phát triển nhanh, mạnh và bền vững thì đòi hỏi nguồn lực con
người phải bảo đảm được cả yêu cầu về chất lượng cũng như số lượng. Trên cơ sở
nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng của Người về bản chất con
người xã hội chủ nghĩa nói riêng, ngoài công tác đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức
cho nhân tố con người Việt Nam, coi trọng, bồi dưỡng và tôn vinh nhân tài vì “hiền
tài là nguyên khí quốc gia” thì cần coi trọng việc nâng cao chất lượng nguồn lực
con ngươi gắn liền với Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo. Bởi vì, chỉ có
phát triển giáo dục, đào tạo mới nâng cao chất lượng dân trí, đào tạo được nhân
lực, bồi dưỡng nhân tài, trang bị chuyên môn, nghiệp vụ, văn hóa, đạo đức, ý thức
kỷ luật lao động cho con người…
Bản chất, hay nói cách khác chất lượng của nguồn lực con người, là sức mạnh

trí tuệ và tay nghề. Muốn nâng cao chất lượng nguồn lực con người, đặc biệt là
nhân lực có chất lượng cao thì phải coi trọng công tác giáo dục, đào tạo và khẳng
định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu như sinh thời Hồ Chí Minh vẫn
thường nhấn mạnh. Do đó, để đáp ứng được yêu cầu về nguồn lực con người với
các tiêu chí đặt ra thì phải đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng
chuẩn hóa; đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học; đổi mới cơ
chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đào


tạo. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, coi trọng giáo dục đạo đức,
lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ thuật thực hành. Đẩy mạnh đào tạo nghề đáp ứng
nhu cầu phát triển của đất nước. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kết hợp
chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội; xây dựng xã hội học tập, tạo cơ
hội và tạo điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời. Đồng thời, đẩy mạnh
công tác xã hội hóa, huy động toàn xã hội chăm lo phát triển giáo dục, mở rộng các
hình thức đào tạo và thực hiện tốt yêu cầu bình đẳng về cơ hội học tập và các chính
sách xã hội trong giáo dục; Biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo nhằm
phát huy tính tích cực và chủ động của con người v.v… Các trường chuyên nghiệp
và đại học tập trung đào tạo nguồn nhân lực đủ khả năng tiếp cận công nghệ tiên
tiến như trong Cương lĩnh phát triển kinh tế - xã hội đã được Đảng ta xác
định phát triển khoa học và công nghệ thực sự là động lực then chốt của quá trình
phát triển nhanh và bền vững. Do đó, giáo dục và đào tạo phải bảo đảm tập trung
đào tạo đội ngũ nhân lực cho công nghiệp hóa – hiện đại hóa đáp ứng được cả 2
tiêu chí đại trà và chuyên sâu, cả số lượng và chất lượng.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một quá trình tất yếu mang tính quy luật phổ
biến để xây dựng đất nước giàu mạnh. Quá trình này đòi hỏi bước chuyển về chất
của xã hội nhất là ở nước ta chuyển từ nền văn minh nông nghiệp sang văn minh
công nghiệp đòi hỏi phải có sự nỗ lực về trí tuệ, kỹ năng, bản lĩnh của cả dân tộc.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về con người xã hội chủ nghĩa vào chiến lược
nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa

là điều kiện đảm bảo để đất nước Việt Nam phát triển bền vững, thực hiện mục tiêu
dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và vững bước đi lên chủ nghĩa
xã hội.



×