Tải bản đầy đủ (.pdf) (77 trang)

ẢNH HƯỞNG của THIOUREA kết hợp với một số CHẤT điều hòa SINH TRƯỞNG lên sự KÍCH THÍCH TRỔ HOA SAU KHI tưới PACLOBUTRAZOL TRÊN XOÀI cát CHU tại HUYỆN cái bè, TỈNH TIỀN GIANG

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (4.74 MB, 77 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA NÔNG NGHIỆP & SINH HỌC ỨNG DỤNG

NGUYỄN CÔNG DANH

ẢNH HƯỞNG CỦA THIOUREA KẾT HỢP VỚI MỘT
SỐ CHẤT ĐIỀU HÒA SINH TRƯỞNG LÊN SỰ
KÍCH THÍCH TRỔ HOA SAU KHI TƯỚI
PACLOBUTRAZOL TRÊN XOÀI
CÁT CHU (Mangifera indica L.)
TẠI HUYỆN CÁI BÈ,
TỈNH TIỀN GIANG

Luận văn tốt nghiệp
Ngành: TRỒNG TRỌT

Cần Thơ, 2012


TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA NÔNG NGHIỆP & SINH HỌC ỨNG DỤNG

Luận văn tốt nghiệp
Ngành: TRỒNG TRỌT

Tên đề tài:

ẢNH HƯỞNG CỦA THIOUREA KẾT HỢP VỚI MỘT
SỐ CHẤT ĐIỀU HÒA SINH TRƯỞNG LÊN SỰ
KÍCH THÍCH TRỔ HOA SAU KHI TƯỚI
PACLOBUTRAZOL TRÊN XOÀI


CÁT CHU (Mangifera indica L.)
TẠI HUYỆN CÁI BÈ,
TỈNH TIỀN GIANG

Giáo viên hướng dẫn:
PGS.TS. Trần Văn Hâu
Sinh viên thực hiện:
Nguyễn Công Danh
MSSV: 3083478
Lớp: TT0811A1
Cần Thơ, 2012


i

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA NÔNG NGHIỆP VÀ SINH HỌC ỨNG DỤNG
­­­­­оОо­­­­

Luận văn tốt nghiệp Kỹ sư ngành Trồng trọt

ẢNH HƯỞNG CỦA THIOUREA KẾT HỢP VỚI MỘT SỐ
CHẤT ĐIỀU HÒA SINH TRƯỞNG LÊN SỰ KÍCH
THÍCH TRỔ HOA SAU KHI TƯỚI
PACLOBUTRAZOL TRÊN XOÀI
CÁT CHU (Mangifera indica L.)
TẠI HUYỆN CÁI BÈ TỈNH TIỀN GIANG

Do sinh viên Nguyễn Công Danh thực hiện.
Kính trình lên Hội đồng chấm luận văn tốt nghiệp.

Cần Thơ, ngày

tháng

năm 2012

Cán bộ hướng dẫn

PGS.TS. Trần Văn Hâu


ii

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA NÔNG NGHIỆP VÀ SINH HỌC ỨNG DỤNG
­­­­­оОо­­­­
Hội đồng chấm luận văn tốt nghiệp đã chấp nhận luận văn tốt nghiệp Kỹ sư ngành
Trồng trọt với đề tài:

ẢNH HƯỞNG CỦA THIOUREA KẾT HỢP VỚI MỘT SỐ
CHẤT ĐIỀU HÒA SINH TRƯỞNG LÊN SỰ KÍCH
THÍCH TRỔ HOA SAU KHI TƯỚI
PACLOBUTRAZOL TRÊN XOÀI
CÁT CHU (Mangifera indica L.)
TẠI HUYỆN CÁI BÈ TỈNH TIỀN GIANG

Do sinh viên Nguyễn Công Danh thực hiện và bảo vệ trước Hội đồng.
Ý kiến của Hội đồng chấm luận văn tốt nghiệp ……………………………………
……………………………………………………………………………………………
..…..……………………………………………………………………………………....

Luận văn tốt nghiệp được Hội đồng đánh giá ở mức:……………………………………

DUYỆT KHOA
Trưởng Khoa Nông Nghiệp & SHƯD

Cần Thơ, ngày

tháng

năm 2012

Chủ tịch Hội đồng


iii

LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của bản thân. Các số liệu, kết
quả trình bày trong luận văn tốt nghiệp là trung thực và chưa được ai công bố trong bất
kỳ công trình luận văn nào trước đây.

Tác giả luận văn

NGUYỄN CÔNG DANH


iv

TIỂU SỬ CÁ NHÂN
Họ và tên: NGUYỄN CÔNG DANH

Ngày sinh: 20-12-1990
Họ và tên cha: NGUYỄN VĂN LIÊM
Họ và tên mẹ: HUỲNH THỊ HỒNG
Quê quán: xã Đông Bình, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.
Quá trình học tập:
1996-2001: Trường Tiểu Học Đông Bình “A”.
2001-2005: Trường Trung Học Cơ Sở Đông Bình.
2005-2008: Trường Phổ Thông Trung Học Bình Minh.
2008-2012: Trường Đại học Cần Thơ, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng
dụng, ngành Trồng trọt, khóa 34.


v

LỜI CẢM TẠ

Kính dâng!
Cha mẹ lòng biết ơn, thương yêu vô hạn, Người đã suốt đời tận tụy vì sự nghiệp
và tương lai của con.
Tỏ lòng biết ơn sâu sắc
Thầy Trần Văn Hâu đã tận tình hướng dẫn, chỉ bảo, chỉnh sửa, truyền đạt nhiều
kiến thức và kinh nghiệm quý báu giúp em hoàn thành đề tài tốt nghiệp này.
Chân thành cảm ơn
Cô cố vấn học tập Nguyễn Thị Xuân Thu, thầy cố vấn Phạm Văn Trọng Tính,
cùng toàn thể quý thầy cô khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, trường Đại học
Cần Thơ đã truyền đạt những kiến thức cho em trong suốt thời gian học tại trường.
Các anh, chị Bộ môn Khoa Học Cây Trồng đặc biệt là các anh Trần Sỹ Hiếu,
Phan Huỳnh Anh đã hết lòng giúp đỡ và truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm quý
báo cho em thực hiện đề tài luận văn tốt nghiệp.
Các bạn Nguyễn Chí Linh, Trần Minh Vương, Nguyễn Hoàng Huân và các bạn

trong lớp đã nhiệt tình giúp đỡ tôi trong quá trình làm luận văn.
Chân thành ghi ơn
Chú Luận và chú Tân tại Trại giống cây ăn trái Hòa Hưng, đã tận tình giúp đỡ
và tạo điều kiện cho tôi thực hiện và hoàn thành thí nghiệm này.
Thân gởi đến
Các bạn lớp Trồng trọt K34 lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt trong
tương lai.


vi

Nguyễn Công Danh, 2012. Ảnh hưởng của thiourea kết hợp với một số chất điều hòa
sinh trưởng lên sự kích thích trổ hoa sau khi tưới paclobutrazol trên xoài cát Chu
(Mangifera indica L.) tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Luận văn tốt nghiệp Kỹ sư
Trồng trọt, Khoa Nông nghiệp & Sinh học Ứng dụng, Đại học Cần Thơ.
Cán bộ hướng dẫn: PGS. TS. Trần Văn Hâu.

TÓM LƯỢC
Đề tài được thực hiện nhằm tìm hiểu tác động của một số chất điều hòa sinh trưởng
lên sự kích thích trổ hoa trên xoài cát Chu. Đề tài được thực hiện trên cây xoài cát Chu
6 năm tuổi, tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, phân tích mẫu tại phòng
thí nghiệm Bộ môn Khoa học Cây Trồng, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng,
Trường Đại học Cần Thơ từ tháng 8/2010 đến 3/2011. Thí nghiệm được bố trí theo thể
thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên, với 5 nghiệm thức và 4 lần lặp lại, mỗi lần lặp lại
tương ứng với một cây. Tất cả các nghiệm thức được kết hợp với thiourea 0,5% để
phun kích thích trổ hoa vào giai đoạn 60 ngày sau khi xử lý PBZ (1,5 g a.i./m đường
kính tán) và sau đó 10 ngày phun lại lần hai (thiourea kết hợp chất điều hòa sinh
trưởng) với nồng độ giảm 50%. Các nghiệm thức bao gồm: Nghiệm thức A: đối chứng
(không có chất điều hòa sinh trưởng), nghiệm thức B: phun GA3 20 ppm, nghiệm thức
C: phun 2,4-D 20 ppm, nghiệm thức D: phun NAA 20 ppm và nghiệm thức E: phun

Atonik 1,8% DD (1:3000). Kết quả cho thấy, phun kết hợp với NAA, 2,4-D hay Atonik
không làm tăng tỉ lệ ra hoa. Tỉ lệ ra hoa giảm khi phun kết hợp với GA3. Phun kết hợp
với NAA làm tỉ lệ hoa lưỡng tính thấp hơn so với đối chứng. Phun kết hợp GA3 hoặc
NAA làm giảm sự rụng trái non giúp tăng tỉ lệ trái còn lại trên phát hoa so với đối
chứng. Phun kích thích trổ hoa bằng thiourea 0,5% kết hợp với các chất điều hòa sinh
trưởng không làm ảnh hưởng đến thành phần trọng lượng và phẩm chất trái xoài cát
Chu.


vii

MỤC LỤC
Đề mục

Trang

Lời cam đoan

iii

Tiểu sử cá nhân

iv

Lời cảm tạ

v

Tóm lược


vi

Mục lục

vii

Danh sách bảng

x

Danh sách hình

xi

MỞ ĐẦU

1

CHƯƠNG 1 LƯỢC KHẢO TÀI LIỆU

2

1.1

TÌNH HÌNH SẢN XUẤT XOÀI TRÊN THẾ GIỚI VÀ Ở VIỆT NAM 2

1.1.1

Trên thế giới


2

1.1.2

Ở Việt Nam

2

1.2

ĐẶC TÍNH THỰC VẬT

3

1.2.1

Rễ

3

1.2.2

Thân

3

1.2.3




3

1.2.4

Hoa

3

1.2.5

Trái

4

1.3

ĐẶC ĐIỂM XOÀI CÁT CHU

4

1.4

SỰ RA HOA CỦA CÂY XOÀI

4

1.4.1

Đặc điểm ra hoa


4

1.4.2

Sự nở hoa

6

1.4.3

Đặc điểm phát hoa

6

1.5

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG LÊN SỰ RA HOA XOÀI

7

1.5.1

Khí hậu

7

1.5.2

Giống


8


viii

1.5.3

Tuổi chồi

1.5.4

Tuổi lá

10

1.5.5

Các chất đồng hóa trong lá

10

1.6

SỰ ĐẬU TRÁI, RỤNG TRÁI, SỰ SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN

9

CỦA TRÁI

11


1.6.1

Sự đậu trái

11

1.6.2

Sự rụng trái non

12

1.6.3

Sự sinh trưởng và phát triển trái

13

1.7

HÓA CHẤT KÍCH THÍCH RA HOA

13

1.7.1

Paclobutrazol (PBZ)

13


1.7.1.1

Đặc tính của PBZ

13

1.7.1.2

Phương pháp xử lý PBZ

14

1.7.1.3

Liều lượng xử lý PBZ

14

1.7.1.4

Hiệu quả của PBZ lên sự ra hoa, năng suất và phẩm chất trái

15

1.7.2

Thiourea

15


1.7.2.1

Đặc tính của Thiourea

15

1.7.2.2

Hiệu quả của Thiourea lên sự ra hoa

16

1.7.2.3

PBZ kết hợp với Thiourea

16

1.7.3

Chất điều hòa sinh trưởng

17

1.7.3.1

Auxin

17


1.7.3.2

Gibberellin (GA)

18

1.7.3.3

Atonik

19

CHƯƠNG 2 PHƯƠNG TIỆN VÀ PHƯƠNG PHÁP THÍ NGHIỆM

20

2.1

PHƯƠNG TIỆN

20

2.1.1

Thời gian và địa điểm thí nghiệm

20

2.1.2


Vật liệu thí nghiệm

21

2.2

PHƯƠNG PHÁP

21

2.2.1

Bố trí thí nghiệm

21


ix

2.2.2

Qui trình chăm sóc

22

2.2.3

Các chỉ tiêu theo dõi và phương pháp thu thập số liệu


23

2.2.4

Phương pháp phân tích

24

2.3

XỬ LÝ SỐ LIỆU THÍ NGHIỆM

26

CHƯƠNG 3 KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

27

3.1

GHI NHẬN TỔNG QUÁT

27

3.1.1

Số liệu khí tượng trong thời gian thực hiện

27


3.1.2

Đặc tính nông học

29

3.2

TỈ LỆ RA HOA

30

3.3

ĐẶC TÍNH PHÁT HOA

31

3.4

TỈ LỆ TRÁI CÒN LẠI TRÊN PHÁT HOA

33

3.5

NĂNG SUẤT VÀ THÀNH PHẦN NĂNG SUẤT

35


3.6

THÀNH PHẦN TRỌNG LƯỢNG TRÁI XOÀI

38

3.7

PHẨM CHẤT TRÁI

39

CHƯƠNG 4 KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ
TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ CHƯƠNG

40


x

DANH SÁCH BẢNG

Bảng

Tên bảng

Trang

3.1


Đặc tính nông học của xoài cát Chu 6 năm tuổi ở các nghiệm thức xử
lý hóa chất kích thích trổ hoa tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, năm
2010

29

3.2

Ảnh hưởng của chất điều hòa sinh trưởng đến tỉ lệ ra hoa và rụng lá
của xoài cát Chu 6 năm tuổi ở các nghiệm thức xử lý hóa chất kích
thích trổ hoa tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, năm 2010

30

3.3

Ảnh hưởng của chất điều hòa sinh trưởng đến các đặc tính phát hoa
của xoài cát Chu 6 năm tuổi ở các nghiệm thức xử lý hóa chất kích
thích trổ hoa tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, năm 2010

32

3.4

Ảnh hưởng của chất điều hòa sinh trưởng đến năng suất và thành phần
năng suất của xoài cát Chu 6 năm tuổi ở các nghiệm thức xử lý hóa
chất kích thích trổ hoa tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, năm 2010.

35


3.5

Ảnh hưởng của chất điều hòa sinh trưởng đến kích thước trái của xoài
cát Chu 6 năm tuổi ở các nghiệm thức xử lý hóa chất kích thích trổ hoa
tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, năm 2010

36

3.6

Sự tương quan giữa các chỉ tiêu ra hoa và đậu trái với năng suất xoài
cát Chu 6 năm tuổi tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang

37

3.7

Ảnh hưởng của chất điều hòa sinh trưởng đến đặc tính nông học của
xoài cát Chu 6 năm tuổi ở các nghiệm thức xử lý hóa chất kích thích
trổ hoa tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, năm 2010

38

3.8

Ảnh hưởng của chất điều hòa sinh trưởng đến phẩm chất trái của xoài

39


cát Chu 6 năm tuổi ở các nghiệm thức xử lý hóa chất kích thích trổ hoa
tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, năm 2010.


xi

DANH SÁCH HÌNH

Hình

Tên hình

Trang

2.1

Liếp xoài cát Chu 6 năm tuổi tại trại giống cây ăn trái Hòa Hưng, xã
Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang

20

2.2

Tổng hợp quy trình ra hoa đến thu hoạch của xoài cát Chu 6 năm tuổi
tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang

23

3.1


Số liệu khí tượng thủy văn tại Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long,
từ tháng 8/2010 đến tháng 3/2011

3.1

3.2

Tỉ lệ trái còn lại trên phát hoa từ 7 ngày sau đậu trái đến khi thu hoạch
của xoài cát Chu 6 năm tuổi tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang

33

3.3

Tốc độ rụng trái/ngày trong giai đoạn 35 ngày đầu (sau đậu trái) của
xoài cát Chu 6 năm tuổi tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang

34


1

MỞ ĐẦU
Xoài là một loại cây ăn trái nhiệt đới có giá trị kinh tế cao. Ở nước ta, xoài
được trồng khắp nơi trên cả nước. Theo thống kê của viện Quy hoạch kinh tế Nông
Nghiệp (2008), diện tích xoài ở Việt Nam là 85.500 hecta, được trồng tập trung
nhiều nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với diện tích 41.800 hecta.
Trong các giống xoài hiện nay, giống xoài cát Chu là một trong những giống
xoài đang được ưa chuộng trên thị trường. Trái xoài cát Chu có chất lượng ngon,
không có hiện tượng cho trái cách năm (nếu bón phân đầy đủ) như các giống xoài

khác, rất dễ ra hoa vào mùa thuận và tỉ lệ đậu trái cao (Nguyễn Phước Tuyên và Võ
Hùng Nhiệm, 2005). Đây là giống xoài chủ lực ở huyện Cái Bè (Tiền Giang). Theo
số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang
(2008), diện tích trồng xoài cát Chu (khoảng 2.000 ha) tương đương với diện tích
trồng xoài cát Hòa Lộc, trong tổng số khoảng 8.000 ha đất trồng xoài ở tỉnh này.
Trong điều kiện tự nhiên ở ĐBSCL, cây xoài thường ra hoa tự nhiên vào
tháng 12 – 1 và thu hoạch tập trung vào tháng 4 – 5 (Trần Văn Hâu, 2008), làm giá
cả trái xoài biến động rất lớn theo mùa vụ. Quá trình ra hoa xoài chịu ảnh hưởng bởi
nhiều yếu tố, trong đó có chất điều hòa sinh trưởng. Hiện nay, đã có nhiều nghiên
cứu áp dụng biện pháp xử lý ra hoa xoài trái vụ, rải vụ bằng hóa chất để bán xoài
được giá hơn. Lê Thị Thanh Thủy (2010) kết luận, trong vụ nghịch khi xử lý PBZ
(1,5 g a.i./m đường kính tán) kết hợp phun thiourea 0,5% vào thời điểm 1,5 và 2
tháng sau khi tưới PBZ trên xoài cát Chu 7 năm tuổi thì đạt tỉ lệ ra hoa và năng suất
tốt nhất. Trên cơ sở kế thừa các nghiên cứu xử lý ra hoa bằng hóa chất thì đề tài:
“Ảnh hưởng của Thiourea kết hợp với một số chất điều hòa sinh trưởng lên sự
kích thích trổ hoa sau khi tưới Paclobutrazol trên xoài cát Chu tại huyện Cái
Bè, tỉnh Tiền Giang” được thực hiện nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của các chất điều
hòa sinh trưởng lên quá trình kích thích trổ hoa xoài cát Chu.


2

CHƯƠNG 1
LƯỢC KHẢO TÀI LIỆU
1.1 TÌNH HÌNH SẢN XUẤT XOÀI TRÊN THẾ GIỚI VÀ Ở VIỆT NAM
1.1.1 Trên thế giới
Xoài (Mangifera indica L.) thuộc họ đào lộn hột (Anacardiaceae) là một
trong những cây ăn trái được trồng rất lâu đời ở Ấn Độ, chiếm 2/3 tổng lượng xoài
trên thế giới, với diện tích hơn một triệu hecta. Đến nay trên thế giới có gần 90 nước
trồng xoài với diện tích hàng triệu hecta (Nguyễn Văn Luật et al., 2004). Xoài cũng

là loại cây ăn trái quan trọng nhất ở châu Á, và hiện đang đứng hàng thứ năm về sản
lượng trong các loại cây ăn trái lớn trên thế giới sau chuối (105.815.354 tấn), quýt
(105.440.168 tấn), nho (65.584.233 tấn), và táo (59.444.377 tấn). Sản lượng xoài
trên thế giới đã gia tăng 67% từ 16.903.407 (tấn) năm 1990 lên 28.221.510 (tấn)
năm 2005. Năm quốc gia sản xuất xoài hàng đầu hiện nay là Ấn Độ (13.501.000
tấn), Trung Quốc (3.715.292 tấn), Mexico (1.911.267 tấn), Indonesia (1.818.619
tấn) và Thái Lan (1.800.000 tấn) (FAOSTAT, 2006).
1.1.2 Ở Việt Nam
Ở nước ta, xoài được trồng khắp nơi trên cả nước. Theo thống kê của viện
Quy hoạch kinh tế Nông Nghiệp (2008), diện tích xoài ở Việt Nam là 85.500 hecta.
Nhưng được trồng tập trung trên ba vùng chính: vùng ĐBSCL (41.800 hecta), miền
Đông Nam bộ (21.000 hecta) và Duyên hải miền Trung (8.500 hecta). Các tỉnh
trồng nhiều xoài là Khánh Hoà (6.500 hecta) với 42.000 tấn, Tiền Giang (6.800
hecta) với 85.500 tấn, Đồng Tháp (7.300 hecta) với 51.600 tấn, Vĩnh Long (4.600
hecta) với 47.500 tấn, Cần Thơ (2.600 hecta) với 8.700 tấn và Hậu Giang (5.000
hecta) với 19.500 tấn. Theo Đoàn Hữu Tiến và Tạ Minh Tuấn (2007), thì ĐBSCL là
vùng có diện tích trồng xoài lớn nhất với 40.400 hecta với sản lượng 237.928 tấn
xoài hàng hóa cung cấp cho thị trường, trong đó giống xoài cát Chu có sản lượng
lớn nhất với 23,5% sản lượng xoài của ĐBSCL.


3

1.2 ĐẶC TÍNH THỰC VẬT
1.2.1 Rễ
Rễ xoài ăn sâu xuống đất nên xoài chịu hạn rất giỏi. Phần lớn rễ tập trung
trong phạm vi cách gốc 2 m và ở tầng đất 1,25 m, chỉ có rễ cái ăn sâu đến 6 – 8 m.
Trong những năm đầu rễ phát triển nhanh hơn các bộ phận khác trên cây, đến năm
thứ 5 – 6 rễ có thể ăn sâu đến 5,5 m (Phạm Thị Hương et al., 2003).
1.2.2 Thân

Xoài là loại cây ăn trái lâu năm, thân có thể cao khoảng 10 đến 15 m. Trong
điều kiện tự nhiên thân cây có thể có đường kính 1 m. Thân cây xoài ghép có chiều
cao thấp hơn và tán rộng hơn so với cây nhân giống bằng hạt (Phạm Thị Hương et
al., 2003). Theo Nguyễn Bảo Vệ và Lê Thanh Phong (2011), tất cả các giống xoài
đều có dạng cây thẳng, vỏ thân từ hơi sần sùi đến sần sùi, tập tính phân cành
nghiêng và có màu thân từ trắng xám lợt đến nâu trắng lợt.
1.2.3 Lá
Lá có dạng lá đơn, nguyên hình lưỡi mác thuôn, màu xanh đậm, dai. Chiều
dài lá 15 – 30 cm, rộng 4 – 8 cm, có khoảng 12 – 30 cặp gân chính nối liền với
cuống lá dài khoảng 10 cm. Lá non mới mọc có màu nâu đỏ, tím, mềm mại. Bộ lá
phát triển mạnh ở những cây tơ, mỗi đợt ra lá cành vươn dài thêm khoảng 40 – 50
cm. Tùy theo tuổi cây, giống, tình trạng sinh trưởng mà mỗi năm xoài có thể ra từ 1
– 5 cơi đọt (Nguyễn Bảo Vệ và Lê Thanh Phong, 2011). Theo Trần Thế Tục (1998),
ở ĐBSCL xoài có chiều dài phiến lá từ 19,6 – 30,1 cm, chiều rộng phiến lá từ 4,4 –
7,2 cm. Đuôi lá chỉ có một dạng nhọn nhưng mức độ nhọn khác nhau tùy giống. Lá
non đạt kích thước ổn định sau hai tuần và lá chuyển xanh hoàn toàn sau 35 ngày.
1.2.4 Hoa
Hoa xoài mọc ra từ đỉnh sinh trưởng của chồi, dài từ 30 – 40 cm, mỗi gié hoa
chứa khoảng 300 – 5.000 hoa. Phát hoa có màu vàng lục đến hồng. Cánh hoa có
màu trắng tím hay hồng, gồm có 5 cánh hoa, 5 đài hoa màu xanh, 5 nhị đực mà chỉ


4

có 2 nhị đực hữu thụ. Bầu nhụy chứa một túi noãn, vòi nhụy ngắn. Trên một chùm
hoa có cả hoa đực và hoa lưỡng tính (Nguyễn Bảo Vệ và Lê Thanh Phong, 2011).
1.2.5 Trái
Trái có hình trứng đến thuôn dài, trái dài từ 8 – 10 cm, rộng trái từ 6 – 7 cm,
thịt trái có màu vàng, từ vàng đến vàng nhạt, hơi đỏ hoặc màu hơi lục giống vỏ trái.
Giữa trái có hột, vỏ bao hột rất cứng, có ít hoặc nhiều xơ. Thời gian từ khi trổ hoa

đến khi thu hoạch từ 3 – 4 tháng. Thời gian đầu trái phát triển mạnh theo chiều dài,
khi đạt đến kích thước tối đa thì phát triển mạnh chiều ngang và hong (Nguyễn Bảo
Vệ và Lê Thanh Phong, 2011). Theo Nguyễn Văn Luật et al. (2004), xoài cát Chu
có trọng lượng trái trung bình từ 300 – 400g, tỉ lệ phần ăn được khá cao (78 – 80%),
cấu trúc thịt trái mịn, chắc và độ Brix cao (18 – 20%).
1.3 ĐẶC ĐIỂM XOÀI CÁT CHU
Xoài cát Chu là loại cây đại mộc. Theo Võ Thế Truyền (2001), đây là giống
xoài có khả năng sinh trưởng mạnh, tàn lớn, cây cao. Theo Nguyễn Văn Luật et al.
(2004) cho rằng xoài cát Chu có phẩm chất ngon, cấu trúc thịt mịn, dẻo và cho năng
suất cao hơn so với các giống xoài khác. Xoài cát Chu là giống xoài dễ ra hoa, đậu
trái, cho năng suất ổn định, từ khi trổ hoa đến khi thu hoạch khá dài, khoảng 3,5 – 4
tháng (Nguyễn Bảo Vệ và Lê Thanh Phong, 2004). Theo Lê Vĩnh Thúc (1998), trái
xoài cát Chu lớn trung bình (329 g), thịt trái dày (2,3 cm), hột nhỏ (11% trọng
lượng trái) nên tỉ lệ phần ăn được nhiều (76,5%). Nơi đầu trái, chỗ đính cuống, nổi
nhọn lên, có lẽ vì vậy mà gọi là cát Chu. Cây xoài cát Chu 15 năm tuổi cho năng
suất 300 kg/năm, 20 năm tuổi cho 600 kg/năm và cây 30 năm tuổi có thể cho năng
suất đạt 1.200 kg/năm.
1.4 SỰ RA HOA CỦA CÂY XOÀI
1.4.1 Đặc điểm ra hoa
Trong điều kiện tự nhiên ở ĐBSCL, cây xoài thường ra hoa tự nhiên vào
tháng 12 – 1 và thu hoạch tập trung vào tháng 4 – 5. Cây xoài ra hoa trên chồi tận


5

ngọn và có hai loại là hoa đực và hoa lưỡng tính (Trần Văn Hâu, 2008). Theo
Chacko (1991), cơ chế ra hoa xoài cho tới nay vẫn là một điều bí ẩn. Sau khi hình
thành, mầm hoa sẽ đi vào thời kỳ miên trạng trừ khi có điều kiện thích hợp để ra
hoa. Chồi giai đoạn này rất dễ đáp ứng với chất kích thích. Nếu có các yếu tố tác
động đưa mầm hoa ra khỏi thời kỳ miên trạng thì mầm hoa sẽ phát triển và cây sẽ ra

hoa (Bugante, 1995).
Toàn bộ quá trình phân hoá mầm hoa xảy ra rất nhanh và tất cả các giai đoạn
phát triển từ khi phân hoá mầm hoa đến khi hoàn tất hoa nở mất 28-32 ngày (Singh
et al., 1968, trích dẫn bởi Trần Văn Hâu, 2008). Thời kỳ phân hoá mầm hoa đến thu
hoạch có ý nghĩa quan trọng trong việc hoạch định kế hoạch các biện pháp canh tác
đồng thời cũng ảnh hưởng đến cường độ ra hoa (Singh, 1968). Theo Bùi Trang Việt
(2003), hoa thành lập từ mô phân sinh chồi ngọn hay chồi nách qua ba giai đoạn
chính: chuyển tiếp ra hoa, khởi phát hoa, tăng trưởng và nở hoa. Sự chuyển tiếp ra
hoa gây nên các biến đổi sâu sắc của mô phân sinh ngọn, từ mô phân sinh dinh
dưỡng thành mô phân sinh tiền hoa. Đây là sự đánh thức mô phân sinh chờ. Theo
Bugante (1995), cho rằng sự khởi phát hoa xuất hiện từ 4 – 9 tháng sau khi chồi
xuất hiện. Mầm hoa ở thời kỳ này sẽ đáp ứng với sự kích thích ra hoa bằng cách
hun khói hoặc xử lý bằng hóa chất. Theo Trần Văn Hâu (2008), quá trình từ lúc ra
đọt đến khi đủ khả năng ra hoa từ 4 tháng trên cây xoài trưởng thành và quá trình ra
hoa xoài trải qua chín giai đoạn: Giai đoạn ra đọt, giai đoạn tích luỹ chất dinh
dưỡng, giai đoạn phát triển rễ, giai đoạn nghĩ ngắn, giai đoạn đủ khả năng ra hoa,
giai đoạn bắt đầu tượng hoa, giai đoạn miên trạng, giai đoạn quyết định sự ra hoa và
giai đoạn trổ hoa.
Sự ra hoa còn phụ thuộc vào sự dao động của nhiệt độ và khả năng mang trái
của mùa trước. Trong nhóm các cây ra hoa trên chồi tận ngọn, thì cây xoài có đặc
điểm khác hơn là trong thời kì mang trái cây xoài không ra đọt (trên chồi mang
trái). Đặc tính này làm cho xoài không phát triển được tán cây trong giai đoạn mang
trái và gây ra tình trạng cho trái cách năm (Cull, 1991). Còn Bondad (1980) cho
rằng xoài ra hoa theo mùa và cách năm mà nguyên nhân có thể là do đặc tính sinh


6

trưởng của cây xoài. Sự ra hoa xoài còn tùy thuộc vào giống và phương pháp nhân
giống. Đối với cây xoài được nhân giống bằng phương pháp vô tính có khi vừa

trồng 5 tháng đã ra hoa.
1.4.2 Sự nở hoa
Cây xoài là cây tự thụ nhưng quá trình thụ phấn chỉ xảy ra khi có côn trùng
truyền phấn, chủ yếu là các loại ruồi nhà. Theo Trần Thượng Tuấn et al. (1997) thì
hoa lưỡng tính của xoài thường nằm ở ngọn phát hoa và đầu các gié chính. Khi nở,
các hoa xoài có đường kính khoảng 5 - 8 mm đồng thời tiết ra mật thơm để quyến
rủ côn trùng đến thụ phấn. Hoa xoài thường nở vào lúc sáng sớm (8 – 12 giờ) và kết
thúc vào buổi chiều (Lê Thanh Điền, 2008). Tuy nhiên, một số tác giả lại cho rằng
hoa xoài bắt đầu nở từ ban đêm và kết thúc nở vào sáng hôm sau (Winston, 1992).
Thời gian nở hoa của xoài biến động lớn tùy thuộc vào giống và các vùng khí hậu
khác nhau và có liên quan chặt chẽ với quá trình phân hóa mầm hoa (Phạm Thị
Hương et al., 2003).
Hoa xoài không nở theo một trật tự nhất định nào mà bắt đầu nở rất lâu trước
khi chùm hoa đạt được sự phát dục đầy đủ. Để các hoa trên một chùm hoa nở hết
cần 2 – 3 tuần đến 1 tháng tùy thuộc vào nhiệt độ trong thời gian nở hoa. Nếu nhiệt
độ thấp thời gian nở hoa kéo dài và ngược lại nhiệt độ cao thời gian nở hoa ngắn lại.
Hoặc độ ẩm cao và thời tiết u ám cũng làm cho quá trình này bị chậm lại. Như vậy,
nhiệt độ là yếu tố chi phối nhiều nhất đến sự nở hoa của xoài (Phạm Thị Hương et
al., 2003).
1.4.3 Đặc điểm phát hoa
Phát hoa mọc ở ngọn các nhánh đã phát triển đầy đủ trong năm trước, phát
hoa dài 10 – 60 cm, mang nhiều nhánh, trên một chùm hoa có rất nhiều hoa và theo
tác giả số lượng hoa biến động rất lớn, từ 200 - 4000 hoa ( Trần Thế Tục, 1998).
Theo Mukherjee (1953), thì tổng số hoa trên phát hoa có thể từ 1.000 – 6.000 hoa
tùy theo giống. Trên chùm hoa, các hoa lưỡng tính thường phân bố tập trung ở phần


7

dưới của chùm hoa và phần trên rất ít, tuy nhiên sự phân bố này còn phụ thuộc vào

đặc điểm của từng giống.
Nhiệt độ thấp (10 – 15oC) trong suốt quá trình ra hoa, cây xoài cho chủ yếu
là hoa đực, trong khi nhiệt độ cao sẽ làm tăng tỉ lệ hoa lưỡng tính (Tseng và Chang,
1983). Như vậy, nhiệt độ đóng vai trò quan trọng trong giới tính của hoa.
Scholefield và Oag (1984), chia phát hoa ra thành ba phần và cho rằng phần đỉnh
phát hoa có tỉ lệ hoa lưỡng tính nhiều hơn 2 – 2,5 lần so với hai phần còn lại, nhưng
tổng số hoa ở phần gốc thì cao hơn nhiều.
1.5 CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG LÊN SỰ RA HOA XOÀI
1.5.1 Khí hậu
Khí hậu có khả năng tác động mạnh đến sinh trưởng cũng như ra hoa của cây
xoài (Chacko, 1991), trong đó yếu tố nhiệt độ là quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự
ra hoa. Theo kết quả nghiên cứu của Núnẽz-Elisea và Davenport (1995) kết luận
rằng nhiệt độ thấp là yếu tố kích thích sự ra hoa, không phải do quang kỳ ngắn và
nhiệt độ cao là yếu tố ức chế sự ra hoa chứ không phải do quang kỳ dài. Nhiệt độ
thấp và khô hạn trong một thời gian tạo ra “stress” sẽ ngăn cản hoặc ức chế sự hoạt
động của nơi chứa các chất dự trữ mà nó sẽ cạnh tranh với mô phân sinh và tạo ra
điều kiện cần thiết tổng hợp ra chất kích thích ra hoa dẫn đến sự kích thích ra hoa
(Chacko, 1991). Tuy nhiên, theo Whiley (1993), trong điều kiện khí hậu nhiệt đới,
lượng mưa hàng năm nhiều và không có sự xuất hiện rõ rệt của mùa đông lạnh hàng
năm là yếu tố quan trọng cản trở sự kích thích ra hoa xoài. Yếu tố nhiệt độ tác động
lên toàn bộ cây nhưng yếu tố nhiệt độ thấp tác động nhiều lên chồi (Bernier et al.,
1993). Núnẽz-Elisea và Davenport (1993) khi nghiên cứu ảnh hưởng của nhiệt độ
thấp lên sự ra hoa của xoài Tommy Atkin, khẳng định rằng mầm hoa chỉ xuất hiện
dưới điều kiện nhiệt độ thấp và giới hạn nhiệt độ chuyển từ tình trạng sinh trưởng
sang sinh sản tùy thuộc vào từng giống. Mỗi giống có đáp ứng yêu cầu nhiêt độ
khác nhau. Các giống xoài miền Bắc Ấn sẽ không ra hoa trong điều kiện nhiệt độ


8


trên 17 oC, trong khi đó nếu nhiệt độ xuống dưới 7 oC thì các giống này đều ra hoa
rất tốt (Maas, 1989).
Sự ra hoa xoài có liên quan đến khả năng quang tổng hợp (Chacko, 1991).
Kết quả quan sát về sự đáp ứng của xoài đối với quang kỳ, Chacko và Randhawa
(1971) thấy rằng xoài ra hoa không phải trong điều kiện ngày ngắn hơn 12 giờ mà là
ra hoa trong điều kiện ngày có số giờ chiếu sáng nhất định.
Sự khô hạn cũng có vai trò chủ yếu trong sự ra hoa xoài ở vùng gần xích đạo
vì nhiệt độ tối thiểu hàng năm cao không đủ kích thích ra hoa cho xoài (Davenport,
1992). Theo kết quả nghiên cứu của Bally et al. (1997), cho thấy giống xoài
“Kensington Pride” nếu đặt trong điều kiện khô hạn trong 3 năm liên tục thì tỉ lệ
chồi ra hoa cao hơn so với các cây xoài có tưới tiêu đầy đủ. Trong điều kiện nhiệt
độ thấp, trung bình thấp nhất vào khoảng 15oC, thì cây xoài ra hoa mà không cần để
ý đến điều kiện khô hạn. Như vậy, sự khô hạn thúc đẩy sự phát triển mầm hoa đã
được kích thích (Núnẽz-Elisea và Davenport, 1994). Ngập úng cũng là yếu tố giúp
xoài ra hoa dễ dàng. Để chứng minh điều này, Kohli và Reddy (1985) đã cho cây
xoài 2 năm tuổi vào chậu và sau 55 ngày thì có hai cây ra hoa. Kết quả khảo sát của
Rameshwar et al. (1988), trên 18 cây xoài giống “Mahmuda vikarabak”, 5 năm tuổi,
bị ngập trong suốt 2 tháng đã cho ra hoa 65%. Như vậy, điều kiện ngập cũng có thể
dùng để kích thích ra hoa cây xoài. Ngoài ra, ẩm độ đất và ẩm độ tương đối của
không khí cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc ra hoa của nhiều loại cây
trồng (Whyte, 1960, trích dẫn bởi Trần Văn Hâu, 2008).
1.5.2 Giống
Giống là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự ra hoa trên
cây xoài. Các giống xoài ở miền Bắc Ấn Độ có khuynh hướng ra hoa cách năm
trong khi các giống xoài ở miền Nam thì ra hoa hàng năm (Pandey và Kishore,
1987). Theo Chacko (1991), các giống khác nhau có đặc tính ra hoa cũng khác nhau
khi đáp ứng với điều kiện môi trường. Nếu năng suất mùa trước quá cao thì cây sẽ
dễ bị kiệt sức và giảm khả năng ra hoa mùa sau (Thimmaraju, 1996). Đây là một



9

trong những nguyên nhân dẫn đến sự ra hoa khác nhau của từng giống xoài. Các
giống xoài đa phôi ở Philippines như Pico, Carabao và Puhutan thì rất dễ đáp ứng
với nitrate kali trong khi các giống xoài đơn phôi có nguồn gốc Ấn Độ thì đáp ứng
kém với hoá chất này (Bondad, 1977). Theo Trần Văn Hâu (1997), giống xoài cát
Hòa Lộc được ghi nhận là giống khó kích thích ra hoa, ra hoa không tập trung,
trong khi các giống xoài Thanh Ca, xoài Hòn, xoài Bưởi, xoài cát Chu là những
giống dễ ra hoa.
1.5.3 Tuổi chồi
Theo Trần Văn Hâu (2008), sự khởi mầm hoa trên cây xoài là kết quả tác
động phức tạp giữa các giai đoạn phát triển của chồi và yếu tố môi trường. Tuổi
chồi khác nhau thì đáp ứng ra hoa khác nhau đối với từng liều lượng và hóa chất
kích thích, vì độ thành thục của chồi có quan hệ với sự tổng hợp các chất kích thích
ra hoa trong cây (Chacko, 1991). Sự phát triển của một chồi thường kéo dài trong
hai tuần, hình thành từ 10 – 20 lá và đi vào giai đoạn miên trạng hay nghỉ từ hai
tháng đến một năm tùy thuộc vào tuổi của cây và điều kiện môi trường (Davenport
et al., 2001). Chồi còn non, mang lá có màu xanh sáng, hay lá già thường ra đọt
thay vì ra hoa khi có điều kiện kích thích thích hợp cho sự ra hoa (Núnẽz-Elisea và
Davenport, 1995). Theo kết quả quan sát thực tế của Kulkarni (2002), ghi nhận rằng
chồi mang lá già có thể ra hoa với ngưỡng tối thiểu của nhiệt độ thấp trong khi chồi
chưa trưởng thành đòi hỏi yếu tố nhiệt độ thấp ở mức độ cao hơn hoặc trải qua
ngưỡng nhiệt độ thấp lâu hơn. Sự trưởng thành của chồi có ý nghĩa quan trọng lên
sự ra hoa. Tuy nhiên, trong thời kỳ nghỉ, chồi trưởng thành sẽ không đáp ứng với sự
kích thích. Tuỳ vào tháng ra đọt, sự khởi phát hoa có thể xuất hiện từ 4-9 tháng sau
khi đâm chồi (Bugante, 1995). Trái lại, Chadha và Pal (1986) cho rằng sự sinh
trưởng của chồi ít nhiều do sự quyết định bởi đặc tính của giống và sự phân hoá
mầm trái ở cây ra trái hàng năm là một đặc tính hàng niên. Đối với những cây ra trái
cách năm, năm thuận hay năm nghịch bị chi phối bởi sự phân hoá mầm hoa hơn là
tuổi và sự ngừng sinh trưởng của chồi.



10

1.5.4 Tuổi lá
Theo Sen et al.(1972), lá có vai trò quan trọng trong sự kích thích ra hoa. Lá
còn non không có khả năng thúc đẩy sự ra hoa vì mầm hoa chỉ khởi phát trên những
chồi sinh trưởng miên trạng là những chồi mang lá đã phát triển hoàn toàn, có màu
xanh đậm và cứng do đã hóa lignin (Núnẽz-Elisea và Davenport, 1994). Trong thực
tế sản xuất ở ĐBSCL, khi tiến hành kích thích ra hoa cho cây xoài thì tuổi lá là yếu
tố quan trọng quyết định thời điểm kích thích ra hoa, tuy nhiên yếu tố này còn tùy
thuộc vào từng giống khác nhau (Trần Văn Hâu, 2008). Theo kết quả nghiên cứu
của Trần Văn Hâu và Lê Thị Thanh Thủy (2008), để xác định tuổi lá thích hợp kích
thích ra hoa trên giống xoài cát Hòa Lộc bằng cách xử lý PBZ với liều lượng 1 g
a.i./m đường kính tán khi lá được 15, 30 và 60 ngày tuổi và kích thích ra hoa bằng
thiourea ở nồng độ 0,5% sau khi xử lý PBZ đều có hiệu quả cao hơn so với không
xử lý nhưng xử lý PBZ khi lá 15 ngày tuổi (lá đạt kích thước tối đa, có màu hồng
đậm) đạt tỉ lệ ra hoa cao nhất (83,6%). Qua khảo sát tuổi lá có thể đáp ứng với việc
kích thích ra hoa trong điều kiện nhiệt độ thấp (18/10oC ngày và đêm), NúnẽzElisea và Davenport (1995) nhận thấy tỉ lệ ra hoa ở lá 2, 4 và 8 tuần tuổi có giá trị
lần lượt là 8%, 15% và 64% sau 60 ngày xử lý. Tỉ lệ ra hoa thấp hơn nếu chỉ xử lý
nhiệt độ thấp ở 40 ngày hoặc ngắn hơn. Kết quả này cho thấy tuổi lá và thời gian xử
lý không thích hợp thì cây sẽ ra chồi với tỉ lệ ngược lại. Theo Bernier et al. (1981,
trích dẫn bởi Trần Văn Hâu, 2008), tuổi lá tăng sẽ thúc đẩy sự kích thích ra hoa và
làm giảm các chất ức chế.
1.5.5 Các chất đồng hóa trong lá
Theo Bondad (1989), sự ra hoa có liên hệ với hàm lượng Carbohydrate và
đạm. Các nghiên cứu cho thấy hàm lượng đạm và tỉ lệ C/N đóng vai trò quan trọng
trong việc ra hoa xoài. Theo Bodson và Bernier (1985, trích dẫn bởi Trần Văn Hâu,
2005), cho rằng cảm ứng ra hoa là “sự chênh lệch dinh dưỡng”, sự tăng hàm lượng
chất đồng hóa ở ngọn như nhu cầu chính yếu đầu tiên cho sự chuyển tiếp ra hoa. Để

giải thích vai trò của chất đạm và chất Carbohydrate biến đổi trên sự ra hoa của cây


11

xoài, Chadha và Pal (1986) khẳng định rằng trong nhiều trường hợp không có sự
liên quan giữa sự phân hoá mầm hoa với chất đạm và Carbohydrate trong chồi
nhưng chất đạm và Carbohydrate dự trữ giữ vai trò quan trọng trong sự phân hoá
mầm hoa.
Carbohydrate được hình thành thông qua quá trình quang hợp trên lá.
Carbohydrate nằm ở dạng đường và có thể di chuyển đến những mô đang phát triển
hoặc dự trữ ở nơi nào đó nhưng cuối cùng sẽ được lưu lại ở mô trưởng thành.
Carbohydrate dự trữ thường nằm ở dạng tinh bột không hòa tan, có thể di chuyển
trở lại để tái sử dụng cho một phần khác của cây. Tuy nhiên để có thể tái sử dụng thì
nó phải biến đổi sang dạng đường. Nếu cây đang trong quá trình ra hoa, hoặc trái
đang tăng trưởng thì Carbohydrate di động sẽ được vận chuyển đến những nơi này
(Cull et al., 1995).
Các chồi sắp ra hoa có tổng hàm lượng đạm cao nhưng không có liên quan
với hàm lượng đạm ở thân và lá (Chacko, 1968, trích dẫn bởi Pandey, 1988). Theo
Gazit (1960, trích dẫn bởi Whiley, 1989) tìm thấy rằng chồi ra hoa có hàm lượng
tinh bột cao hơn so với chồi không ra hoa trong lúc Suryanarayana (1978, trích dẫn
bởi Trần Văn Hâu, 2008) cho biết hàm lượng tinh bột cao trong thân và lá có liên
quan trực tiếp đến việc cải thiện sự ra hoa và tăng khả năng sản xuất của cây xoài.
Pathak và Pandey (1978) báo cáo rằng có sự tích luỹ chất đạm trước khi ra hoa trên
xoài Dashehari. Hơn nữa, cây mà mùa trước mang nhiều trái và hiện tại không có ra
hoa thì hàm lượng chất đạm thấp hơn so với cây sinh sản.
1.6 SỰ ĐẬU TRÁI, RỤNG TRÁI, SỰ SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN
CỦA TRÁI
1.6.1 Sự đậu trái
Sự đậu trái có thể được hiểu như là sự tăng trưởng nhanh của bầu noãn sau

khi hoa được thụ phấn và thụ tinh. Tỉ lệ đậu trái ban đầu của phát hoa xoài có mối
tương quan trực tiếp với phát hoa hoàn chỉnh, mặc dù tỉ lệ đậu trái sau cùng không
phụ thuộc vào tỉ lệ này (Iyer et al., 1989). Sự đậu trái là yếu tố xác định năng suất


12

của cây xoài. Mặc dù xoài có rất nhiều hoa lưỡng tính nhưng khả năng đậu trái của
xoài rất thấp. Nguyên nhân có thể là do một số lượng lớn hoa lưỡng tính không
được thụ phấn, hoặc hạt phấn không có khả năng nảy mầm trên vòi nhụy, hoặc sự
hiện diện của các loại hoa dị hình, do có hiện tượng bất thụ. Ngoài ra việc thụ phấn
còn bị ảnh hưởng bởi côn trùng, bệnh, gió, điều kiện ẩm độ môi trường và yếu tố di
truyền. Trong đó, tỉ lệ hoa lưỡng tính là điểm đặc trưng của giống và cũng yếu tố
quan trọng ảnh hưởng đến khả năng đậu trái ban đầu (Trần Thế Tục, 1998). Singh
(1954) cho rằng chỉ có 0,1% hoặc thấp hơn số hoa lưỡng có thể cho trái vào lúc thu
hoạch.
1.6.2 Sự rụng trái non
Theo Chang et al. (1982, trích dẫn bởi Trần Văn Hâu, 2008), khả năng mang
trái của cây xoài phụ thuộc vào năng suất trái mùa trước, cách tỉa cành, tình trạng
dinh dưỡng và điều kiện thời tiết. Hiện tượng rụng trái non ở xoài xảy ra rất nặng và
có thể xảy ra ở tất cả các giai đoạn của trái. Singh (1959), đã chia quá trình phát
triển trái của xoài thành bốn giai đoạn: Giai đoạn trứng cá, giai đoạn hạt đậu, giai
đoạn hòn bi và giai đoạn phát triển đầy đủ. Theo Núnẽz-Elisea và Davenport (1983,
trích dẫn bởi Trần Thị Bé Hồng, 2001), phần lớn những phát hoa mất tất cả các trái
non đậu đầu tiên, số trái rụng trong bốn tuần đầu chiếm hơn 90% của toàn bộ số trái
trên phát hoa và đến giai đoạn thu hoạch số trái còn lại trên phát hoa chỉ chiếm
khoảng 0,61%. Sự rụng trái ở xoài xảy ra là do ảnh hưởng tương tác của các yếu tố
bên ngoài cũng như các đặc tính cố hữu bên trong của giống và xảy ra ngẫu nhiên
không phụ thuộc vào kích thước hoặc vị trí trên phát hoa. Có nhiều nguyên nhân
làm xoài rụng trái non như: Hoa đực nhiều, hoa lưỡng tính có thể đậu trái ít, mưa,

ẩm độ không khí cao, sâu bệnh và giống… (Vũ Công Hậu, 2000). Theo Trần Văn
Hâu (2008), sự thiếu các chất điều hòa sinh trưởng như auxin, gibberellin và
cytokinin sẽ làm rụng trái non nhưng điều này có thể khắc phục bằng cách phun các
chất điều hòa sinh trưởng ngoại sinh.


×