HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT KẺ THÙ
TRONG TIỂU THUYẾT THƯỢNG ĐỨC CỦA NGUYỄN BẢO
Nguyễn Thị Diễm My
Đại Học Đà Lạt
I. MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Chúng tôi đã học, đã đọc khá nhiều
tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cách
mạng. Tội ác của kẻ thù - bọn xâm lược,
bọn tay sai bán nước - hiện lên trên từng
trang viết. Nhưng đọc Thượng Đức của nhà
văn Nguyễn Bảo, tôi hiểu thêm một góc
khuất khác trong con người nhân vật kẻ thù.
Bên cạnh cái xấu xa, tàn ác, chất "người"
trong nhân vật kẻ thù được tác giả khắc họa
khá đậm nét. Đến với tiểu thuyết Thượng
Đức, ta không bắt gặp một cách trực diện
tội ác, sự điên cuồng chém giết của những
tên ngụy quân mà là nhìn thấu nội tâm của
chúng. Đây là điều rất đáng ghi nhận.
Chiến tranh đã là quá vãng. Cần thiết
có cái nhìn toàn diện, khách quan về những
con người đứng bêm kia chiến tuyến. Đơn
giản bởi một điều, họ cũng là NGƯỜI, cái
khác cơ bản là ở sự lựa chọn chính trị.
2. Lịch sử vấn đề
Thượng Đức là cuốn tiểu thuyết ra
đời do hưởng ứng “Cuộc vận động sáng tác
tiểu thuyết sử thi về đề tài chiến tranh cách
mạng” của Bộ Quốc phòng. Tính đến thời
điểm chúng tôi tiến hành khảo sát đề tài này
thì chưa có một công trình nghiên cứu nào
về tác phẩm Thượng Đức.
Tuy vậy, chúng ta có thể tìm thấy
những nhận xét về tiểu thuyết này trong
một số bài viết như: Ký ức chiến tranh
(Bùi Việt Thắng), Dấu ấn Thượng Đức
(Nguyễn Hữu Qúy), Thượng Đức - một
cách nhận diện chiến tranh: trung thực,
giàu cảm xúc (Đỗ Viết Nghiệm). Đó là
những suy nghĩ, những cảm xúc của những
người trong nghề. Bên cạnh đó còn có
những bài viết khác của bạn đọc.
Dưới đây, chúng tôi xin trích dẫn một
vài nhận xét tiêu biểu xung quanh vấn đề
"Hình tượng nhân vật kẻ thù" trong tiểu
thuyết Thượng Đức của nhà văn Nguyễn
Bảo.
Từ Nữ Triệu Vương trong bài
Thượng Đức đã nhận xét: "Tiểu thuyết đã
xây dựng hai tuyến nhân vật rõ nét, phong
phú, đa dạng về số phận, tính cách. Các
nhân vật trong tác phẩm không đơn giản,
một chiều, không theo cách hiểu cách nghĩ
thông thường mà rất "người”. Tác giả bài
viết đặc biệt đánh giá cao ngòi bút tiểu
thuyết Nguyễn Bảo khi xây dựng nhân vật
trung tá quận trưởng Nguyễn Quốc Hùng.
Cùng quan điểm là ý kiến của Bùi Việt
Thắng: “Trong Thượng Đức, nhà văn đã
dành một số trang không ít để miêu tả nhân
vật kẻ thù: “Đã qua rồi cái thời ấu trĩ khi
nói về kẻ thù thì chỉ thấy chúng tàn bạo và
dốt nát, chúng là cổ máy giết người. Gần
đây, trong tiểu thuyết viết về chiến tranh,
nhân vật kẻ thù đã được thể hiện trong một
quan niệm nghệ thuật khác. Nhân vật trung
tá quận trưởng Nguyễn Quốc Hùng và nhân
vật tiểu đoàn trưởng Hà Văn Lầu trong
Thượng Đức được nhà văn"đối xử công
bằng" hơn. Cả hai nhân vật này đều được
nhà văn thể hiện cả phần "con người trong
con người" - nghĩa là ngoài bộ mặt một sĩ
quan được xếp vào loại có nợ máu với dân
thì trong mỗi cá nhân đó vẫn không mất đi
phần con người như bất kỳ ai( có yêu
thương hờn giận, có chờ đợi nhớ nhung, có
kỷ niệm và mơ ước…)".
3. Phương pháp nghiên cứu
Xuất phát từ yêu cầu và mục đích của
hướng tới của đề tài, chúng tôi đã sử dụng
các phương pháp nghiên cứu như: phương
pháp phân tích - tổng hợp, phương pháp hệ
thống. Bên cạnh đó, chúng tôi còn vận dụng
thao tác so sánh.
4. Bố cục đề tài
Ngoài Phần mở đầu và Kết luận, đề
tài khảo sát bốn nội dung, được trình bày
như sau:
1. Khái quát hình tượng nhân vật kẻ thù
trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1954-
1975
2. Giá trị nội dung tiểu thuyết Thượng Đức
của Nguyễn Bảo
3. Nhân vật kẻ thù trong tiểu thuyết
Thượng Đức của Nguyễn Bảo
4. Nghệ thuật xây dựng nhân vật kẻ thù của
Nguyễn Bảo trong tiểu thuyết Thượng
Đức
II. NỘI DUNG
1. Khái quát hình tượng nhân vật
kẻ thù trong tiểu thuyết Việt Nam giai
đoạn 1954-1975
Những năm 1954-1975 là thời kỳ nở
rộ của tiểu thuyết sử thi, đặ biệt là tiểu
thuyết cách mạng miền Nam 1965-1970.
Mô tả kẻ thù, các tác giả đã vạch trần âm
mưu, thủ đoạn cũng như bản chất xấu xa,
phản động của chúng trong cuộc đối đầu
sinh tử với nhân dân, với cách mạng. Thằng
Xăm trong tiểu thuyết Hòn Đất của Anh
Đức là một tên ác ôn mang bản chất của
giai cấp địa chủ " thù cách mạng với tất cả
nỗi căm oán chứa chất trong bao năm". Hắn
đã không từ một thủ đoạn man rợ nào trong
khi chống phá cách mạng. Nhân vật Ba Phổ
trong Gia đình má Bảy (Phan Tứ) cũng là
một tên địa chủ ác ôn được miêu tả tập
trung ở dục vọng tiền và quyền. Hình ảnh
thằng Phổ hiện ra chống cánh tay xăm
chàm vào hông, gườm gườm con mắt lồi
"một chén gạo cho Cộng sản là một chén
máu!" ám ảnh người đọc. Trong tiểu thuyết
Đất Quảng của Nguyễn Trung Thành, Hứa
Min được dựng lên như một tên căm thù
giai cấp điên cuồng nhất. Min là kẻ nuôi ý
chí phục thù cách mạng, biết tạm nén
những thú ăn chơi sa đọa, tập trung vào
mục đích phản cách mạng.
Trên đây là một số nhân vật phản
diện được miêu tả bằng những nét thù
nghịch, đối lập với những người chiến sĩ
cách mạng. Bên cạnh đó còn có những nhân
vật khác như thiếu tá Sằng, vợ chồng Ba
Phi trong Hòn Đất, vợ chồng Ba Sồi, đại
diện Hiếm, cảnh sát Âu trong Ở xã Trung
Nghĩa, Quản Mun, trung úy Đào trong tiểu
thuyết Rừng U Minh. Chúng đã được các
nhà văn phác họa với những nét tạo hình
khá sinh động, làm cho người đọc nhận
thức rõ hơn, sâu hơn bản chất xấu xa và
nguy hiểm của kẻ thù. Nguyễn Thi đã mô tả
chân dung đại diện Hiếm (Ở xã Trung
Nghĩa) bằng những nét sắc sảo: " Hắn ngồi
sau cái bàn tròn, mặt bàn bằng đá cẩm
thạch rộng đến tám cái lưng hắn đặt cũng
lọt. Chính vì cái khối to lớn bè bè trước mặt
nên người hắn trông nhỏ choắt. Trên mặt
hắn chỉ có hai cái tai và sống mũi là không
động đậy còn thì toàn bộ đều đang nhăn
nhó kể cả cặp kính trễ xuống như cũng
đang chuẩn bị nhảy ra ngoài".
Nhân vật Hứa Xâng trong Đất
Quảng được nhà văn Nguyễn Trung Thành
vạch rõ bản chất gian ác của kẻ thù: " trước
đã theo Tây nay lại về cướp ruộng đất và
giết người, nó đứng sau ngọn đèn cày đó,
gầy và cao, bóng lắc lư trên tường trắng
bệch như một con rắn khổng lồ lạnh lùng
trườn từ mặt đất lên trần nhà".
Như vậy, nhân vật kẻ thù trong tiểu
thuyết Việt Nam giai đoạn 1954-1975 là
điển hình cho những nét tính cách tàn ác,
hiểm độc.. Đó là những kẻ phản động trong
tư tưởng, độc ác điên cuồng trong chống
phá cách mạng và đồi trụy trong sinh hoạt.
Nhìn chung, chúng được xây dựng ở cực
đối nghịch với nhân vật anh hùng, tạo nên
hai phe đối lập địch - ta, thiện - ác, chính -
tà và chúng thường bị đẩy về phía ác quỷ.
Đây là cách thức xây dựng nhân vật kẻ thù
phục vụ cho mục đích chính trị, theo yêu
cầu của cuộc chiến đấu lúc bấy giờ. Trong
điều kiện hoàn cảnh chiến tranh, các nhà
văn của chúng ta nói chung chưa thật hiểu
kẻ thù một cách sâu sắc, toàn diện. Do vậy
nhân vật kẻ thù còn sơ lược, chưa có cá
tính, chưa có đời sống tâm lý sinh động.
Hình tượng nhân vật kẻ thù chỉ làm nền cho
hình tượng nhân vật anh hùng, mà quên một
điều rằng, trong thực tế, trừ một bộ phận
quân đội trong chính quyền ngụy trở thành
những kẻ ác ôn thì đa số sĩ quan, binh lính
quân đội Sài Gòn phải sống trong cảnh bắt
buộc phải cầm súng. Bởi lẽ, trước hết họ
vẫn là người nhưng phải đi trên con đường
lầm lạc và lý tưởng của họ khác hẳn lý
tưởng của những người Cộng sản.
2. Giá trị nội dung tiểu thuyết
Thượng Đức của Nguyễn Bảo
Sau năm 1975, đăc biệt là trong thời
kỳ đổi mới của văn xuôi tái hiện chiến tranh
cách mạng, nhiều tác phẩm xuất sắc đã ra
đời, trong đó có Thượng Đức của Nguyễn
Bảo.
Nguyễn Bảo họ tên khai sinh là
Nguyễn Ngọc Bảo, bút danh Nguyễn Bảo.
Ông sinh ngày 2 tháng 4 năm 1948, quê gốc
Vĩnh Thạnh, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Tốt
nghiệp khoa văn trường Đại học Tổng hợp
Hà Nội năm 1971, Nguyễn Bảo vào công
tác và chiến đấu ở chiến trường khu V trong
suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Sau
năm 1975, Nguyễn Bảo về làm Biên tập
viên tạp chí Văn nghệ quân đội. Hiện nhà
văn là đại tá, Tổng biên tập Tạp chí Văn
nghệ quân đội, Đảng viên Đảng Cộng sản
Việt Nam, hội viên Hội nhà văn Việt Nam.
Với tiểu thuyết Thượng Đức, nhà văn
Nguyễn Bảo đã nhận được bằng khen của
Bộ Quốc phòng và tặng thưởng của Hội nhà
văn Việt Nam năm 2006.
Thượng Đức là cuốn tiểu thuyết sử
thi tái hiện chiến tranh cách mạng chống
Mỹ cứu nước vào giai đoạn cuối. Chiến
dịch Thượng Đức được Nguyễn Bảo chọn
làm sự kiện xuyên suốt cuốn tiểu thuyết
cùng tên của mình.
Thượng Đức là cụm cứ điểm kiên cố,
vững chắc án ngữ vòng ngoài ở phía Tây
Nam căn cứ liên hiệp hải - lục - không quân
Đà Nẵng của Mỹ - ngụy. Đây là một căn cứ
vô cùng hiểm yếu. Hiểu được điều này,
địch đã xây dựng Thượng Đức thành một
“cánh cửa thép”. Ba lần tấn công Thượng
Đức trước đó ta đều thất bại. Bộ Tổng tham
mưu phải điều Sư đoàn 304, quân chủ lực
của Bộ vào tác chiến với bộ đội và nhân
dân khu V, quyết tâm giải phóng Thượng
Đức cho bằng được. Trải qua hai cuộc tấn
công vào chi khu quận lỵ Thượng Đức,
quân ta đã giành được thắng lợi. Chiến dịch
được miêu tả một cách sinh động và hấp
dẫn. Nhiều nhân vật tạo cho độc giả ấn
tượng khó quên: tướng Hai Mạnh - Tư lệnh
quân khu V, tướng Nguyễn Chánh - Phó Tư
lệnh - Chính ủy quân khu V, Đại tá Hoàng
Đan - quân đoàn phó, Lê Công Phê - Sư
trưởng Sư 304 và cả đồng chí Sáu Nam -
Chủ tịch tỉnh Quảng - Đà nữa. Dưới sự chỉ
huy của họ là lớp lớp những chiến sĩ kiên
trung, chiến đấu với một tinh thần gan góc,
quả cảm và sẵn sàng hy sinh cho thắng lợi
cuối cùng. Đó là những con người như Tiểu
đoàn trưởng Nguyễn Quỳ, Tiểu đoàn phó
Ngoãn, anh trinh sát vui tính Toản, anh lính
trẻ Tấn, cán bộ địa phương Hoàng Thủy và
cả cô gái mảnh dẻ nhưng vô cùng gan dạ
Cẩm Linh.
Ngòi bút của Nguyễn Bảo không chỉ
dừng lại ở việc miêu tả nhân vật anh hùng
mà tác giả còn đi sâu khám phá bản chất
nhân vật kẻ thù. Nổi bật là nhân vật quận
trưởng Nguyễn Quốc Hùng - một sĩ quan
trung thành với lý tưởng phụng sự cho chế
độ Việt Nam cộng hòa, tiểu đoàn trưởng Hà
Văn Lầu thô lỗ, tục tằn nhưng chiến đấu
với lòng tận trung của người lính. Bên cạnh
đó còn có quận phó Nguyễn Trung Tín
sống thực tế, tư lệnh quân đoàn 1 vùng I
chiến thuật Ngô Quang Trưởng "chỉ tay
năm ngón", ấp trưởng Nguyễn Bá hèn nhát.
Tác giả đã mang đến cho chúng ta cái nhìn
mới mẻ, khách quan về nhân vật kẻ thù: bên
cạnh bản chất hung ác, phản động, vẫn tồn
tại trong con người chúng những mặt tính
cách rất “người”. Chính điều này làm cho
tác phẩm mang đầy giá trị chân thực.
3. Nhân vật kẻ thù trong tiểu thuyết
Thượng Đức của Nguyễn Bảo
Nguyễn Bảo đã có cái nhìn khách
quan khi xây dựng nhân vật kẻ thù trong
tiểu thuyết Thượng Đức. Mỗi nhân vật kẻ
thù trong tác phẩm đều có đời sống riêng,
tính cách riêng và có số phận riêng.
3.1. Nhân vật trung tá quận trưởng
Nguyễn Quốc Hùng
Nguyễn Quốc Hùng là quận trưởng
chi khu quận lỵ Thượng Đức. Nguyễn Quốc
Hùng được nhà văn xây dựng với những
nét tính cách chân thật. Hùng là hình tượng
của một sĩ quan quân đội cộng hòa trung
thành với lý tưởng phụng sự chế độ miền
Nam . Ở Hùng không có cái thô lỗ, tàn bạo
của nhân vật kẻ thù mà ta quen hình dung.
Nổi bật nơi y là một người đàn ông lịch
lãm, hấp dẫn; một người chồng, người cha
có trách nhiệm với gia đình; đặc biệt đối
với người dân ấp Hà Tân, Hùng đã tạo
được niềm tin trong họ vào cái chế độ mà y
tôn thờ, bảo vệ.
Xây dựng nhân vật quận trưởng Hùng
trong mối quan hệ với gia đình, với người
dân, thái độ của y trong cuộc tranh luận với
Lầu và Tín, Nguyễn Bảo đã tạo nên một
viên sĩ quan nguỵ đầy cá tính. Nhân vật này
đã có những khoảnh khắc sống trong dằn
vặt rất “người”. Tuy vậy, tác giả cũng
không quên vạch trần bản chất của một tên
nguỵ quân trong hắn.
Có thể nói rằng, hình tượng nhân vật
Nguyễn Quốc Hùng là nơi hội tụ điểm nhìn
mới mẻ của Nguyễn Bảo. Đọc Thượng
Đức, độc giả không hề bắt gặp ở y cái độc
ác, tàn bạo của một nhân vật kẻ thù mà đâu
đó, chỉ là hành động đường cùng của một
tên giặc. Hùng là một sĩ quan có tinh thần
quốc gia, trung thành với chế độ, dũng cảm
và có tài chỉ huy. Y cũng là một con người,
có thể không hẳn là tốt nhưng là người sống
có lý tưởng, có ước mơ và cũng có trái tim
yêu thương tha thiết. Bi kịch của y là đã
chọn đi trên con đường lầm lạc. Nguyễn
Bảo đã thật “ưu ái” và dành cho Hùng thiện
cảm khi để cho nhân vật này chọn cái chết.
Xây dựng nhân vật Nguyễn Quốc
Hùng với đầy đủ những phẩm chất “người”
và “không người” trong một con người cụ
thể, nhà văn Nguyễn Bảo đã làm cho cái
thang độ nhân vật phản diện không còn
đậm màu tội ác như nhân vật kẻ thù trong
tiểu thuyết chiến tranh giai đoạn 1954-
1975. Đây là thành công nổi bật trong khắc
họa hình tượng nhân vật kẻ thù trong tiểu
thuyết Thượng Đức của nhà văn Nguyễn
Bảo.
3.2. Nhân vật thiếu tá tiểu đoàn
trưởng Hà Văn Lầu
Hà Văn Lầu là một kiểu sĩ quan ngụy
khác với Nguyễn Quốc Hùng mà nhà văn
Nguyễn Bảo đã xây dựng. Lầu không đẹp
trai, học thức như Hùng, cũng không lịch
thiệp, đứng đắn như Hùng. Hắn là một kẻ
làm hết mình và chơi cũng hết mình. Lầu
theo đuổi quan niệm sống phóng túng và lối
ăn chơi trác táng của đám sĩ quan binh lính
quốc gia. Tuy nhiên, hắn là một người có
nghĩa khí. Trong cuộc tranh luận với Hùng
và Tín, về trách nhiệm đối với quốc gia,
Lầu đã tỏ rõ thái độ kiên quyết của mình.
Như vậy, nhân vật Hà Văn Lầu được
nhà văn dựng lên với tính cách của một tiểu
đoàn trưởng xông xáo, cơ mưu, chống
Cộng quyết liệt. Lầu là một nhân vật sĩ
quan nguỵ mang đậm chất phản diện. Hình
tượng nhân vật kẻ thù trong tiểu thuyết
Thượng Đức nhờ đó cũng trở nên đa dạng
hơn.
3.3. Nhân vật thiếu tá quận phó
Nguyễn Trung Tín
Nhân vật quận phó Nguyễn Trung
Tín trong tác phẩm không được tác giả xây
dựng đậm nét như Hùng và Lầu nhưng qua
cuộc tranh luận lý tưởng giữa ba con người
này, ta cũng phần nào hình dung được con
người y. Tín là người có học, biết rộng hiểu
và là một kẻ thức thời. Tín “sáng suốt” hơn
Hùng và Lầu ở chỗ, y đã nhận ra bản chất
của cái chế độ mà y và các bạn y đang tận
tụy phục vụ.
3.4. Hình ảnh binh lính quốc gia
Nhìn chung hình ảnh binh lính nguỵ
trong tác phẩm hiện lên như là những kẻ chỉ
biết phục tùng và hèn nhát. Tuy vậy,
Nguyễn Bảo đã cho độc giả một cái nhìn
thiện cảm hơn khi ông để cho một tên lính
nguỵ kịp “thức tỉnh”. Hành động này của
hắn phần nào nói lên tư tưởng chung của
tác phẩm: bản chất “người” luôn tồn tại
trong con người nhân vật kẻ thù.
3.5. Nhân vật kẻ thù trong bộ máy
dân sự
Nổi bật trong đám tay sai này là ấp
trưởng ấp Hà Tân: Nguyễn Bá. Y là một kẻ
chiêu hồi, phản cách mạng. Vì hèn nhát, sợ
chết, hắn đã làm tay sai cho giặc. Bên cạnh
bản chất ti tiện, phần “người” trong Bá vẫn
chưa mất hết. Thay vì giết vợ con Hoàng
Thuỷ, Bá đã bí mật đưa họ về Đà Nẵng.
Trong tác phẩm, Nguyễn Bảo đã xây
dựng nhân vật Nguyễn Bá với một thế giới
nội tâm không đơn giản.
4. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
kẻ thù của Nguyễn Bảo trong tiểu thuyết
Thượng Đức
Vận dụng nghệ thuật xây dựng nhân
vật tiểu thuyết, Nguyễn Bảo đã tạo nên hình
tượng nhân vật kẻ thù đậm nét. Nhà văn
không chỉ coi trọng miêu tả ngoại hình
nhân vật, đặt nhân vật trong những hoàn
cảnh cụ thể để họ bộc lộ bản chất, mà ông
còn chú ý khai thác thế giới nội tâm nhân
vật. Nhờ đó, hình tượng nhân vật kẻ thù
trong tiểu thuyết Thượng Đức trở nên đa
dạng và phức tạp.
4.1. Mô tả ngoại hình, khắc hoạ
tính cách nhân vật thông qua ngôn ngữ,
hành động
Nhân vật kẻ thù trong tiểu thuyết
Thượng Đức đã đạt được sự thống nhất
giữa dáng vẻ bên ngoài và bản chất bên
trong. Không những thế, tác giả còn đặt
nhân vật trong những tình huống cụ thể để
họ bộc lộ tính cách thông qua hành động
cũngnhư ngôn ngữ riêng. Nhân vật Hà Văn
Lầu bộc lộ mình bằng hành động nghĩa khí
“cắt máu ăn thề”. Nguyễn Bá hiện rõ bản
chất trong hoàn cảnh bị Hoàng Thuỷ hỏi
tội. Ngôn ngữ mà nhà văn cho nhân vật này
“diễn xướng” là ngôn ngữ của một kẻ xu
nịnh, hèn nhát.
Có thể nói rằng, với nghệ thuật khắc
hoạ chân dung nhân vật thông qua ngôn
ngữ và hành động, bộ mặt nhân vật kẻ thù
trong Thượng Đức hiện lên với đúng bản
chất của chúng.
4.2. Xây dựng tình huống đối thoại
Nguyễn Bảo đã khéo léo sáng tạo nên
cuộc tranh luận lý tưởng giữa Hùng, Lầu và
Tín. Một cuộc họp bàn về kế hoạch đánh trả
Cộng quân đã trở thành “bàn giải phẫu” để
“mổ xẻ” cái gọi là lý tưởng của những viên
sĩ quan ngụy. Từ chỗ là tình huống đối
thoại giữa ba người, tác giả chuyển sang sự
đối thoại gay gắt của từng cặp nhân vật
một. Qua đây con người họ bộc lộ một cách
chân thật. Cuộc đối thoại giữa Hoàng Thủy
và Nguyễn Bá có y nghĩa tương tự.
Xây dựng tình huống đối thoại giữa
các nhân vật, tác giả đã để cho nhân vật tự
bộc lộ bản chất, tạo cho mỗi nhân vật trong
cuốn tiểu thuyết này mang những nét tính
cách riêng và có số phận riêng.
4.3. Hướng vào thế giới nội tâm nhân
vật
Bên cạnh việc khai thác một cách tối
đa những nét tính cachstrong các mối quan
hệ khác nhau, Nguyễn Bảo đã đi sâu vào
thế giới nội tâm nhân vật. Nhà văn đã để
cho nhân vật Nguyễn Quốc Hùng độc thoại
nội tâm, sống với dòng ký ức và suy nghĩ
về cái hiện thực mà y đang phải đối mặt.
Hướng vào thế giới nội tâm nhân vật,
tác giả đã dựng nên một Nguyễn Quốc
Hùng thật sâu sắc, một nhân vật có cá tính
và có đời sống nội tâm khá phức tạp.
III. KẾT LUẬN
Hơn sáu trăm trang sách đưa người
đọc trở về với một chiến dịch đánh địch
trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Ở
đó, những con người ở phía ta và địch hiện
lên với những số phận riêng, tính cách
riêng. Họ mang trong mình lý tưởng sống
lớn lao và tận trung với cái lý tưởng đó.
Trong Thượng Đức, con người kẻ
thù hiện lên chân thật với những gì vốn có
của nó, không bị bôi nhọ, khinh bỉ mà
ngược lại, họ được nhìn nhận một cách
khách quan, trung thực.
Cuộc sống đưa đẩy khiến con người
đôi lúc phải sống như một “hình nhân hai
mặt”. Một mặt, họ sống đúng với bản chất
của mình. Và mặt kia, đôi khi ẩn hiện dưới
ngoài muôn màu muôn vẻ. Những viên sĩ
quan, binh lính quốc gia, thậm chí những
tên tay sai như ấp trưởng Nguyễn Bá…
người thì không nhìn nhận đúng lý tưởng,
kẻ không vượt qua được cám dỗ tầm
thường mà đi ngược lại lợi ích dân tộc, trở