Tải bản đầy đủ (.doc) (6 trang)

phat trien tin dung vi mo

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (100.84 KB, 6 trang )

PHÁT TRIỂN TÍN DỤNG VI MÔ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN
1.

Giới thiệu

Tín dụng vi mô là một trong số những nội dung quan trọng của tài chính vi mô – vấn đề được
đề cập nhiều trong những năm gần đây, nó hướng đến cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và
thuận tiện cho những thành phần có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương nhằm góp phần tạo cơ hội
thoát nghèo cũng như luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội. Sức hút của mô
hình này càng ngày càng trở nên mạnh mẽ và lan tỏa đến các quốc gia đang
phát triển, bởi những nơi này thường có hơn nửa dân số sống trên địa bàn
nông thôn, năng suất lao động thấp và ít được tiếp cận với các dịch vụ tài
chính chính thức, trong khi đó tín dụng vi mô lại có khả năng mở ra cánh cửa
cho người nghèo khởi nghiệp sản xuất kinh doanh, tạo dựng tài sản, ổn định
chi tiêu, cải thiện đời sống, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Mặt
khác, cũng giống như nhiều tỉnh trên đất nước Việt Nam, hiện tại Phú Yên
đang có tỷ lệ dân số sống ở vùng nông thôn chiếm hơn 76%, trong số đó có
rất nhiều hộ nghèo không thể tiếp cận với các nguồn vốn chính thức để thoát
nghèo. Do đó, việc mở rộng và phát triển tín dụng vi mô trên địa bàn tỉnh Phú
Yên là hành động rất thiết thực nhằm góp phần khơi dậy tinh thần làm giàu vì
gia đình và cộng đồng cho mọi thành phần kinh tế.
Từ khóa: Tín dụng vi mô, tài chính vi mô Phú Yên.
2.

Đặc trưng của tín dụng vi mô

Trong nền kinh tế thị trường, tín dụng hoạt động rất đa dạng và phong phú, và lúc nào cũng
vậy, một quan hệ tín dụng chuẩn mực phải thể hiện những đặc trưng sau:
Thứ nhất, đây là quan hệ tín dụng chuyển nhượng giá trị mang tính chất tạm thời. Ở đây, tính
chất tạm thời đề cập đến thời gian sử dụng lượng giá trị đó. Nó là kết quả của sự thoả thuận giữa
các đối tác tham gia quá trình chuyển nhượng để đảm bảo sự phù hợp giữa thời gian nhàn rỗi và


thời gian cần sử dụng lượng giá trị đó. Thực chất đây là sự chuyển nhượng vốn tạm thời.
Thứ hai, quan hệ tín dụng mang tính hoàn trả. Sự hoàn trả là đặc trưng quan trọng của quan
hệ tín dụng. Lượng vốn chuyển nhượng phải được hoàn trả đúng hạn về thời gian và về giá trị
bao gồm cả gốc lẫn lãi. Phần lãi phải đảm bảo cho lượng giá trị thu về lớn hơn lượng giá trị ban
đầu. Phần chênh lệch này là giá cả của quyền sử dụng vốn tạm thời, hoặc nói một cách khác, nó
là giá trả cho sự hy sinh quyền sử dụng vốn hiện tại của người sở hữu, vì thế nó phải đủ hấp dẫn
để người sở hữu có thể sẵn sàng hy sinh quyền sử dụng vốn đó.
Thứ ba, quan hệ tín dụng được xây dựng trên cơ sở tin tưởng giữa người đi vay và người cho
vay: Có thể nói đây là điều kiện tiên quyết để thiết lập quan hệ tín dụng. Người cho vay tin tưởng
rằng vốn sẽ được hoàn trả khi đến hạn. Người đi vay cũng tin tưởng vào khả năng phát huy hiệu

1


quả của vốn vay. Sự gặp gỡ giữa người đi vay và người cho vay về điểm này sẽ là điều kiện hình
thành quan hệ tín dụng. Cơ sở của sự tin tưởng đó có thể do uy tín của người đi vay, do giá trị tài
sản thế chấp hoặc do sự bảo lãnh của người thứ ba.
Khác với tín dụng chính thức quy mô lớn, tín dụng vi mô có đặc điểm nổi bật là hướng tới
người nghèo bằng những khoản vay nhỏ có hoặc không có thế chấp, chủ yếu dùng để đầu tư vào
nông nghiệp – một lĩnh vực hoạt động trong môi trường có độ rủi ro về thiên tai rất lớn. Do đó,
các nhà quản lý tín dụng vi mô thường phải đối mặt với một số vấn đề về thông tin bất cân xứng
(Nguyễn Thị Đông & Lê Thị Kim Huệ, 2012), cụ thể như sau:
Một là, các tổ chức tín dụng luôn hiểu biết về người đi vay cũng như mục đích sử dụng số
tiền đi vay ít hơn chính bản thân người đi vay. Trên thị trường tín dụng vi mô, bằng cách trình
bày những phương án kinh doanh có hiệu quả hay những lý do chính đáng để vay vốn thì người
đi vay sẽ được vay một khoản vốn nho nhỏ mà họ có thể không bị đòi hỏi bất cứ một ràng buộc
nào về tài sản dùng để thế chấp. Còn đối với tổ chức tín dụng, họ trao tiền ngày hôm nay để nhận
lấy lời hứa hẹn về tiền bạc trong tương lai, và thực hiện những hành động để làm cho những lời
hứa ấy có khả năng hoàn thành hơn. Rõ ràng, mặc dù nhân viên tín dụng đã có những nghiệp vụ
cơ bản, nhưng họ cũng không thể phân biệt được một cách chắc chắn đâu là những người đi vay

có phẩm chất cao (những người trả được nợ) và đâu là những người đi vay có phẩm chất thấp
(những người không trả được nợ). Chỉ có người đi vay mới là người hiểu rõ nhất về việc họ có trả
được nợ hay không.
Hai là, việc bảo đảm rằng người đi vay sẽ thực hiện những cố gắng cần thiết nhằm làm tăng
khả năng thanh toán được vốn vay là rất tốn kém, nó được thể hiện qua hành vi tâm lý ỷ lại. Hành
vi này xảy ra sau khi bên đi vay đã đạt được mục đích vay của mình. Lẽ ra, khi vay được vốn thì
bên đi vay phải thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký kết giữa hai bên và đồng thời cũng phải nỗ
lực sử dụng số vốn vay sao cho có hiệu quả để đảm bảo khả năng trả được cả gốc lẫn lãi cho tổ
chức tín dụng. Nhưng thỉnh thoảng vẫn có trường hợp khi đã đạt được mục đích vay được tiền,
người đi vay dễ nảy sinh tâm lý tắc trách trong việc sử dụng vốn vay, không nỗ lực tối đa trong
việc khắc phục những khó khăn trong quá trình thực hiện dự án hoặc cố tình sử dụng vốn vay vào
mục đích khác mà họ biết rõ rằng, nếu biết trút vốn vay vào những mục đích này thì tuyệt nhiên
các tổ chức tín dụng sẽ không bao giờ đồng ý cho họ vay.
Ba là, buộc những người vay vốn trả nợ là rất khó khăn. Một trong những đặc trưng cơ bản
của thị trường tín dụng nói chung là đối với bất kỳ khoản vay nào cũng có khả năng là dự án sử
dụng khoản vay ấy sẽ được thực hiện một cách yếu kém đến mức người vay không trả được nợ.
Trên thực tế đối với các tổ chức tín dụng vi mô hiện nay, các điều khoản pháp lý chưa rõ ràng,
đầy đủ nên vấn đề thu hồi đủ số tiền đã cho vay bằng luật pháp là điều khó thực hiện được.
3. Thực trạng phát triển tín dụng vi mô trên địa bàn tỉnh Phú Yên
Phú Yên là một tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung Bộ, với tỷ lệ dân số hoạt động trong lĩnh vực
nông – ngư nghiệp chiếm đa số nên đây là địa bàn rất phù hợp để các hoạt động tài chính vi mô

2


phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, cho đến nay, ngoài các chương trình tài chính vi mô của ngân hàng
chính sách xã hội, các quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội có phạm vi hoạt
động trên toàn quốc như Hội phụ nữ, Hội nông dân, thì Phú Yên vẫn chưa đón nhận được thêm
sự hiện diện của bất kỳ tổ chức tài chính vi mô chính thức và bán chính thức nào. Đối với hệ
thống quỹ tín dụng nhân dân, mặc dù đã được thành lập hơn 15 năm nay nhưng số lượng vẫn rất

hạn chế, hiện tại mới chỉ có bốn quỹ tín dụng nhân dân cơ sở hoạt động ở hai huyện và một thành
phố, bao gồm các quỹ tín dụng Châu Thành (TP. Tuy Hòa), Chí Thạnh (huyện Tuy An), Hòa Trị
và Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) nên khả năng tiếp cận vốn vay của các hộ nghèo hoặc các hộ có
thu nhập thấp còn thấp. Tính đến thời điểm 30/6/2015, các quỹ tín dụng đã giải quyết nhu cầu
vốn vay cho thành viên để phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ, ngành nghề với 1.021 số thành
viên đang vay vốn, đạt mức bình quân 22 triệu đồng/thành viên (NHNN chi nhánh tỉnh Phú Yên,
2015). Vốn cho vay của quỹ tập trung lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn, chiếm 50,3%
trên tổng dư nợ. Hiện tại, các quỹ tín dụng nhân dân chưa cho vay hộ nghèo ngoài thành viên,
nên số lượng các hộ gia đình tại Phú Yên vay lãi suất cao ở khu vực tín dụng phi chính thức vẫn
rất lớn, đặc biệt là đối với những hộ ngư dân khi đến mùa sửa chữa tàu thuyền hoặc đến mùa câu
cá thì tỷ lệ hộ vay chiếm khoảng 70 – 80% trong tổng số các hộ trên địa bàn (Tấn Quỳnh, 2014).
Hiện tượng này sẽ tiếp tục diễn ra, bởi các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh Phú Yên
không những ít mà còn có vốn điều lệ rất thấp, khiến các quỹ gặp nhiều khó khăn trong việc mở
rộng quy mô hoạt động và khả năng chống đỡ rủi ro.
Một tín hiệu đáng mừng trong những năm gần đây là cơ cấu tín dụng trên địa bàn tỉnh đã liên
tục chuyển đổi theo hướng tích cực, tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên và là thế mạnh của tỉnh,
trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, từ năm 2009, ngân hàng chính sách xã hội
tỉnh Phú Yên bắt đầu ưu tiên sử dụng nguồn vồn tín dụng giải quyết việc làm tập trung cho vay
các dự án phát triển làng nghề truyền thống, thu hút nhiều lao động. Nhiều dự án được vay vốn
đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần khôi phục làng nghề truyền thống, giải quyết việc làm
cho hàng trăm lao động địa phương như dự án phát triển làng nghề đan lát ở xã Hòa An, huyện
Phú Hòa, phát triển làng nghề chiếu cói ở xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, khôi phục và
phát triển làng nghề chiếu cói xã An Cư, huyện Tuy An, làng nghề chế biến cá cơm thôn Hòa An,
xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu, làng nghề đan ngư lưới cụ và làm nước mắm tại thôn Tiên Châu ở
xã An Ninh Tây, huyện Tuy An... Việc cho vay theo dự án có ưu điểm lớn là giúp người dân dân
sản xuất tập trung, chia sẻ kinh nghiệm với nhau, liên kết tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định;
ngân hàng cũng dễ dàng quản lý vốn vay. Tuy nhiên, mặt hạn chế của chiến lược vay theo dự án
là thời gian xét duyệt vay vốn chậm, đôi khi làm lỡ cơ hội kinh doanh của người vay vốn.
4. Tiềm năng phát triển tín dụng vi mô tại Phú Yên
Nông nghiệp nông thôn luôn là địa bàn rộng lớn đối với hầu hết các tỉnh trên đất nước Việt

Nam, trong đó có Phú Yên, với dân số nông thôn chiếm 76%, lực lượng lao động chiếm 71% dân
số (Cục Thống kê tỉnh Phú Yên, 2015). Đây là thị trường tài chính - tín dụng màu mỡ nhưng lại

3


chưa được các ngân hàng thương mại chú trọng bởi mức sống thấp dẫn đến khả năng tiết kiệm
thấp nên sẽ rất tốn kém trong quản lý cả về mức độ huy động vốn lẫn giải ngân vốn. Chính vì sự
ngại ngần của tổ chức tín dụng chính thức đã khiến cho các loại hình tín dụng phi chính thức có
điều kiện phát triển để trở thành tổ chức tín dụng đang hoạt động mạnh mẽ nhất và có mức bao
phủ rộng nhất trên địa bàn nông thôn Phú Yên. Loại hình này thường được hoạt động theo nhóm
có số lượng thành viên dao động trong khoảng từ 5 đến 30 người, được thiết lập trên cơ sở tự
nguyện của các cá nhân tham gia. Mỗi nhóm huy động từ chính các thành viên trong nhóm và chỉ
dùng để cung cấp vốn cho các thành viên trong nhóm, mức đóng góp tùy theo năng lực tài chính
của nhóm. Một số nhóm chơi có lãi, một số khác thì không. Một số nhóm thống nhất mục đích sử
dụng tiền như nhóm hụi xây nhà, hụi hiếu, hụi hỉ. Một số nhóm khác lại không quy định, người
tham gia có thể sử dụng tiền bốc thăm hụi vào bất cứ việc gì tùy theo nhu cầu. Tín dụng phi chính
thức đã tồn tại rất lâu như là một nét truyền thống tương thân tương ái, giúp nhau cùng tiến bộ.
Tuy nhiên, loại hình tổ chức này lại không có quy định phải đăng ký tại bất kỳ cơ quan quản lý
nhà nước nào, đồng thời, cũng không có cơ quan nào được giao trách nhiệm quản lý nó, nên việc
lợi dụng lòng tin của những người chơi hụi để lừa đảo là vấn đề thường xảy ra. Do đó, bên cạnh
một số người tham gia nhóm hụi, rất nhiều người còn lại cũng có những khoản tiết kiệm nhỏ
nhưng không biết đặt lòng tin vào ai, và tổ chức tín dụng vi mô có thể được coi là nơi an toàn để
người dân tham gia gửi tiền tiết kiệm nhằm phục vụ cho mục đích tương lai của họ. Nếu đầu tư
vào khu vực nông thôn, các tổ chức tài chính vi mô không những nhận được sự khích lệ từ chính
sách của Nhà nước về chủ trương chú trọng phát triển nông nghiệp, mà còn có cơ hội giúp nông
dân xây dựng chiến lược tiết kiệm hợp lý để thoát nghèo thành công.
Ngoài ra, như đã đề cập, phạm vi hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Phú
Yên còn thưa thớt, chưa bảo phủ hết toàn bộ phường xã trong các huyện nên mức độ tiếp cận vốn
của các hộ nghèo vẫn còn bị hạn chế. Đa số các nguồn vốn đầu tư cho các hoạt động kinh tế nhỏ

lẻ của những hộ gia đình này đều là vay mượn từ người thân hoặc từ một số người cho vay lấy
lãi. Lý do để họ lựa chọn chấp nhận vay với lãi suất cao hơn ngân hàng là vì họ chỉ có khả năng
vay những món tiền nhỏ, khoảng chừng vài triệu đồng nên không thể đến vay tại ngân hàng với
thủ tục rườm rà và thời gian chờ đợi để được giải ngân lâu. Rõ ràng, nông nghiệp, nông thôn Phú
Yên đang là một phân khúc hấp dẫn nhưng còn bỏ ngõ đối với các tổ chức tín dụng. Nông
nghiệp, nông thôn không chỉ là cơ hội kinh doanh mà còn là cơ hội để các tổ chức tài chính vi mô
góp sức mình trong việc tạo điều kiện cho các hộ gia đình nghèo có khả năng tiếp cận được các
dịch vụ, sản phẩm tài chính cũng như đào tạo nghề để thoát nghèo bền vững.
5. Một số gợi ý chính sách nhằm phát triển tín dụng vi mô trên địa bàn tỉnh Phú Yên
Tín dụng vi mô đã được chứng minh là công cụ mạnh mẽ để chống lại đói nghèo tại nhiều
quốc gia trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Để hoạt động tín dụng vi mô lan tỏa nhiều hơn đến
người dân Phú Yên, thiết nghĩ cả chính quyền trung ương và địa phương cần có những nỗ lực cụ
thể trong việc tạo ra một hành lang pháp lý riêng, đồng bộ và phù hợp với đặc trưng hoạt động

4


của các tổ chức cung cấp dịch vụ tín dụng vi mô. Với sự hậu thuẫn về mặt pháp lý, chắc chắn các
tổ chức tín dụng sẽ có điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều ở khâu xử lý và thu hồi các khoản nợ khó
đòi. Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước cũng cần có những chính sách hỗ trợ để khuyến khích sự
phát triển bền vững của các tổ chức tín dụng vi mô như chính sách thuế hay lãi suất, hoặc cho
phép vốn tham gia vào tổ chức tín dụng vi mô không bị giảm trừ khi tính tỷ lệ an toàn vốn hoạt
động của tổ chức tín dụng (Ngô Văn Tuấn, 2016). Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để tạo ra một
mô hình ngân hàng xã hội phi lợi nhuận thành công như Grameen bank, chính phủ Bangladesh đã
thực hiện chính sách miễn thuế cho tổ chức này trong một khoảng thời gian rất dài, và sau đó chỉ
đánh thuế đối với những hoạt động kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận.
Bên cạnh việc hỗ trợ về mặt pháp lý, để sàng lọc những người đi vay có khả năng thanh toán
được nợ thì một trong những cách thức đầu tiên mà tổ chức tín dụng phải áp dụng là thu thập
thông tin. Để có thông tin với chất lượng cao, tránh tình trạng thông tin không cân xứng và mất
thông tin, các tổ chức tín dụng cần chú ý tới việc thu thập thông tin thường xuyên, cập nhật thông

tin về khách hàng hiện tại cũng như khách hàng tiềm năng; thu thập thêm thông tin về các yếu tố
môi trường kinh tế, chính trị, xã hội nông thôn hoặc có thể tự thu thập thông tin bằng việc sử
dụng các nguồn chính thức đáng tin cậy, theo những tiêu chuẩn và chỉ số thông tin nhất định. Hơn
nữa, để quản lý thông tin hiệu quả, công nghệ thông tin cần được ứng dụng ở mức tối đa trong
việc xây dựng hệ thống thu thập, xử lý và phân tích thông tin cho cảnh báo và xử lý rủi ro. Muốn
làm được điều này, rõ ràng các tổ chức tín dụng còn phải đầu tư về con người bằng cách tuyển
dụng, đào tạo và tập huấn cán bộ tín dụng đáp ứng yêu cầu công việc trong điều kiện mới.
Ngoài ra, với mục đích xã hội là giúp người dân thoát nghèo hiệu quả, các tổ chức tín dụng vi
mô cũng luôn quan tâm đến việc nâng cao kiến thức tài chính cho người dân để họ có thể tối ưu
hóa khả năng sử dụng nguồn tài chính của mình. Thiết nghĩ, trong trường hợp này, phụ nữ thường
là người giữ tay hòm chìa khóa trong gia đình, nên nếu được tiếp cận học hỏi, hiểu và sử dụng
nhiều hơn các dịch vụ tài chính thì trước hết sẽ tốt cho họ trong quản lý tài chính, chi tiêu của
chính gia đình mình. Đơn cử, với những khoản vay chỉ vài trăm nghìn đồng hay việc mở các tài
khoản tiết kiệm chỉ mấy chục nghìn đồng mà chỉ có phụ nữ mới thực hiện được, điều đó nói lên
sự phù hợp của người phụ nữ hơn nam giới trong việc kết nối và nhân rộng loại hình tài chính vi
mô. Đồng thời, bằng khả năng thuyết phục, tư vấn, phụ nữ cũng có thể hỗ trợ tốt công tác giáo
dục về cách thức sử dụng các dịch vụ tài chính vi mô cho những người thân trong gia đình và
cộng đồng xung quanh họ. Chú trọng vào phụ nữ sẽ giúp tăng độ bao phủ về tín dụng vi mô
nhanh hơn, do đó trong chiến lược phát triển tín dụng vi mô trên địa bàn tỉnh Phú Yên, các nhà
quản lý nên có sự kết nối với các tổ chức đoàn thể của từng xã, đặc biệt là Hội phụ nữ để dễ dàng
tập hợp, từ đó tạo sự gắn kết, chia sẽ kinh nghiệm và huấn luyện họ tiến tới tiếp cận các tổ chức
tài chính vi mô một cách tự nhiên và hiệu quả.
Cuối cùng, tín dụng vi mô chỉ là một loại hình dịch vụ trong rất nhiều các dịch vụ xã hội khác
của tổ chức tài chính vi mô. Mục tiêu của nó là hướng tới phục vụ người nghèo, người có thu

5


nhập thấp tiếp cận được với nguồn vốn một cách dễ dàng và có sự hỗ trợ của các chuyên gia để
các hộ gia đình này sử dụng nguồn vốn hiệu quả nhằm thoát nghèo. Đây là mục tiêu hết sức nhân

văn, mà nếu nó lan tỏa đến được càng nhiều địa bàn thì công tác xóa đói giảm nghèo càng nhanh
chóng thành công trong thời gian ngắn. Do đó, việc nâng cao nhận thức xã hội về hoạt động của
các tổ chức tài chính vi mô thông qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục tiêu, vai trò và
hiệu quả hoạt động của các tổ chức này là điều nên làm thường xuyên ở ngay tại các thôn xã.
Đồng thời, để người dân tin tưởng và giao phó tài sản của mình cho các tổ chức tín dụng vi mô,
các tổ chức này cũng cần phải minh bạch và công khai thông tin trong khuôn khổ của pháp luật.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thị Đông & Lê Thị Kim Huệ (2012), “Vấn đề bất cân xứng thông tin trên thị trường
tín dụng phi chính thức tại Việt Nam”, Tạp chí Công nghệ Ngân hàng, Tháng 5/2012.
2. Cục thống kê Tỉnh Phú Yên (2015), Niên giám thống kê Phú Yên, Nxb Thống Kê.
3. Ngân hàng Nhà nước chi nhán tỉnh Phú Yên (2015), Báo cáo sơ kết hoạt động của quỹ tín
dụng nhân dân 6 tháng đầu năm 2015 và phương hướng hoạt động 6 tháng cuối năm 2015,
Phú Yên.
4. Ngô Văn Tuấn (2016), “Tài chính vi mô trên thế giới và gợi ý phát triển tại Việt Nam”, Tạp
chí Tài chính, Tháng 9.
5. Tấn Quỳnh (2014), Tín dụng đen ở làng biển miền Trung, truy cập ngày 31/07/2017.

6



Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×