Tải bản đầy đủ (.pdf) (27 trang)

Đặc điểm ngôn ngữ của các văn bản thuyết minh bảo tàng trong tiếng Việt và t

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (508.61 KB, 27 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

NGUYỄN THỊ QUỲNH HOA

ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ CỦA CÁC VĂN BẢN
THUYẾT MINH BẢO TÀNG TRONG TIẾNG VIỆT
VÀ TIẾNG ANH TỪ QUAN ĐIỂM NGÔN NGỮ
HỌC CHỨC NĂNG HỆ THỐNG

Chuyên ngành: Ngôn ngữ học so sánh, đối chiếu
Mã số: 9 22 20 24

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC

HÀ NỘI - 2018


Công trình được hoàn thành tại:
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
Người hướng dẫn khoa học: GS. TS. Hoàng Văn Vân

Phản biện 1:

GS.TS. Đinh Văn Đức

Phản biện 2:

GS.TS. Nguyễn Văn Quang



Phản biện 3:

PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương

Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Học
viện họp
tại Học viện Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội
Việt Nam, 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.
vào hồi…giờ….phút, ngày….tháng….năm 2018

Có thể tìm hiểu luận án tại thư viện:
-

Thư viện Quốc gia Việt Nam

-

Thư viện Học viện Khoa học Xã hội


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Bảo tàng là nơi “cất giữ những tài liệu, hiện vật có ý nghĩa lịch sử.”
(Hoàng Phê, 2010, tr. 64). Để khách tham quan/độc giả của Bảo tàng hiểu
được ngọn ngành những tài liệu, hiện vật có ý nghĩa lịch sử được sưu tầm,
cất giữ và trưng bày nơi đây, rất cần có những văn bản thuyết minh. Nếu
văn bản thuyết minh được viết bằng tiếng mẹ đẻ của khách tham quan/độc
giả thì việc tiếp thu thông tin hầu như không có gì khó khăn, cản trở. Song
nếu khách tham quan/độc giả là những cộng đồng người nói tiếng Anh, thì

việc lĩnh hội thông tin chắc chắn phụ thuộc vào chất lượng của bản dịch
văn bản thuyết minh bảo tàng (VBTMBT). Trong trường hợp này rất dễ
có thể xảy ra sự xung đột về ngôn ngữ và văn hóa giữa hai cộng đồng dân
tộc khác nhau. Bởi vì mỗi dân tộc có một ngôn ngữ và nền văn hóa riêng
mang đặc trưng dân tộc. Chính vì vậy, việc vận dụng lí thuyết Ngôn ngữ
học chức năng hệ thống (SFL) để phân tích VBTMBT sẽ giúp làm sáng rõ
những điểm tương đồng và khác biệt về đặc điểm ngôn ngữ và văn hóa dân
tộc được thể hiện trong VBTMBT tiếng Việt và tiếng Anh. Kết quả là, việc
chuyển dịch VBTMBT từ tiếng Việt sang tiếng Anh và ngược lại sẽ hiệu
quả hơn, và như vậy có thể tránh việc làm sai lệch ý nghĩa và giá trị lịch sử
của hiện vật được trưng bày/nhân vật được tôn vinh trong bảo tàng.
Tất cả những điều đã trình bày ở trên chính là lí do chủ yếu để
chúng tôi lựa chọn đề tài nghiên cứu: Đặc điểm ngôn ngữ của các văn bản
thuyết minh bảo tàng trong tiếng Việt và tiếng Anh từ quan điểm Ngôn ngữ
học chức năng hệ thống.
2. Mục đích nghiên cứu
(i) Phân tích để tìm ra đặc điểm ngôn ngữ điển hình được hình thành
trong VBTMBT trong tiếng Việt và tiếng Anh; (ii) Đối chiếu để tìm ra
những điểm tương đồng và khác biệt về ngôn ngữ trong VBTMBT tiếng

1


Việt và tiếng Anh trên các bình diện: Nghĩa liên nhân, hệ thống chuyển tác,
quy chiếu và thể loại. Luận án trả lời hai câu hỏi nghiên cứu sau: (a)
VBTMBT có những đặc điểm ngôn ngữ nổi trội nào để khu biệt chúng với
những kiểu văn bản khác?; (b) VBTMBT tiếng Việt và tiếng Anh có những
tương đồng và khác biệt gì về nghĩa liên nhân, hệ thống chuyển tác, quy
chiếu và thể loại?
3. Nhiệm vụ nghiên cứu: (i) Nghiên cứu, hệ thống hóa cơ sở lí thuyết

của SFL về diễn ngôn, phân tích diễn ngôn, nghĩa liên nhân, hệ thống
chuyển tác, hệ thống quy chiếu và thể loại để làm cơ sở triển khai đề tài
luận án; (ii) Phân tích, miêu tả và đối chiếu nghĩa liên nhân, hệ thống
chuyển tác, quy chiếu và thể loại trong VBTMBT tiếng Việt và tiếng Anh;
(iii) Đưa ra kết luận chung về đặc điểm từ vựng – ngữ nghĩa, ngữ pháp và
các mục đích giao tiếp khác nhau được thể hiện trong các VBTMBT này.
4. Đối tượng, phạm vi và nguồn ngữ liệu nghiên cứu: (i) Đối tượng
nghiên cứu là đặc điểm ngôn ngữ điển hình của VBTMBT tiếng Việt và
tiếng Anh; (ii) Phạm vi nghiên cứu của luận án gồm những bình diện sau:
nghĩa liên nhân, chuyển tác, quy chiếu và thể loại; (iii) Nguồn ngữ liệu là
những VBTMBT mở rộng được sử dụng nội bộ, thu thập từ sách hướng dẫn
hiện vật hoặc từ trên trang web của ba cặp bảo tàng sau: (a) Bảo tàng Lịch
sử Quốc gia Việt Nam – Bảo tàng Quốc gia Anh; (b) Bảo tàng Phụ nữ Việt
Nam – Bảo tàng Lịch sử Phụ nữ Mỹ; (c) Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam –
Bảo tàng Mỹ thuật Boston của Mỹ. Luận án lựa chọn 30 VBTMBT tiếng
Việt và 30 VBTMBT tiếng Anh về các loại hình hiện vật hoặc nhân vật để
phân tích và đối chiếu.
5. Phương pháp nghiên cứu: (i) Phương pháp đối chiếu: được sử
dụng để tìm ra sự tương đồng và khác biệt về: Nghĩa liên nhân, chuyển tác,
quy chiếu và thể loại trong VBTMBT tiếng Việt và tiếng Anh; (ii) Phương
pháp phân tích diễn ngôn: được sử dụng để tìm hiểu ý nghĩa liên nhân

2


được sử dụng ra sao; hệ tư tưởng đã tạo ra những đặc điểm ngôn ngữ nào;
những yếu tố ảnh hưởng tới tần số xuất hiện của quy chiếu; mục đích và cấu
trúc của các văn bản là gì; (iii) Phương pháp miêu tả: được sử dụng để tìm
ta một số đặc điểm ngôn ngữ trong VBTMBT tiếng Việt và tiếng Anh; Thủ
pháp thống kê: được sử dụng để chỉ ra mức độ phổ biến hoặc tần số xuất

hiện của từng loại đặc điểm ngôn ngữ trong VBTMBT.
Khung lí thuyết dùng để phân tích và miêu tả diễn ngôn chủ yếu dựa
vào lí thuyết của Halliday & Hasan (1976, 1994) và các nhà nghiên cứu
khác như Martin & While (2005) và Martin & Rose (2008), Hoàng Văn
Vân (2005, 2012), v.v...
6. Đóng góp của luận án: (i) Ý nghĩa khoa học: luận án hi vọng sẽ có
những đóng góp cho lí luận ngôn ngữ học một số cứ liệu về đặc điểm ngôn
ngữ của VBTMBT tiếng Việt và tiếng Anh, những nét tương đồng và khác
biệt về đặc điểm ngôn ngữ giữa hai loại văn bản này. Do vậy luận án đã
góp phần làm phong phú thêm phương pháp phân tích diễn ngôn về một
thể loại văn bản cụ thể trong tiếng Việt và tiếng Anh; (ii) Ý nghĩa thực
tiễn: kết quả nghiên cứu của luận án sẽ giúp người kiến tạo VBTMBT
tiếng Việt và tiếng Anh hiểu rõ hơn về việc sử dụng ngôn ngữ trong từng
ngữ cảnh cụ thể để từ đó có thể soạn thảo ra những VBTMBT có chất
lượng cao và hấp dẫn. Ngoài ra, việc hiểu được quy ước diễn ngôn, cấu
trúc ngôn ngữ bề mặt và xa hơn nữa là các giá trị văn hóa được thể hiện
trong VBTMBT ở hai ngôn ngữ, sẽ giúp việc chuyển dịch những văn bản
này từ tiếng Việt sang tiếng Anh (hoặc ngược lại) một cách hiệu quả.
7. Bố cục của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận án
gồm 4 chương: Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lí luận;
Chương 2: Đối chiếu sự thể hiện của nghĩa liên nhân trong VBTMBT tiếng
Việt và tiếng Anh; Chương 3: Đối chiếu hệ thống chuyển tác; Chương 4:

3


Đối chiếu sự thể hiện của hệ thống quy chiếu và thể loại trong VBTMBT
tiếng Việt và tiếng Anh.
CHƯƠNG 1

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÍ LUẬN
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.1.1.Tổng quan nghiên cứu về diễn ngôn và SFL trên thế giới
1.1.1.1. Tổng quan các nghiên cứu về diễn ngôn trên thế giới: Công
trình nghiên cứu diễn ngôn đầu tiên là của Harris (1952), sau đó đã có rất
nhiều công trình nghiên cứu diễn ngôn và phân tích diễn ngôn như
Discourse Structure and Human Knowledge (Cấu trúc diễn ngôn và tri
thức loài người) của Chafe (1970), Pragmatics and the Description of
Discourse (Ngữ dụng và việc miêu tả diễn ngôn) của Fillmore (1981),
Language, Context, and Text (Ngôn ngữ, ngữ cảnh và văn bản) của
Halliday & Hasan (1989), v.v... Như vậy, những công trình nghiên cứu về
diễn ngôn ở trên là nền móng vững chắc cho các nghiên cứu sau này. Các
nhà nghiên cứu được kế thừa và có điều kiện phát triển lý thuyết của họ để
phân tích từng thể loại diễn ngôn cụ thể.
1.1.1.2. Tổng quan các nghiên cứu về Ngôn ngữ học chức năng hệ
thống trên thế giới: Lí thuyết chức năng hệ thống được Halliday sáng lập và
được phát triển bởi nhiều nhà ngôn ngữ học hàng đầu thế giới như Halliday
& Hasan, Eggins, Bloors & Bloors, Thompson, Martin và White, v.v... Đặc
biệt, nghiên cứu của Halliday tập trung vào ba siêu chức năng ngôn ngữ: (i)
Siêu chức năng tư tưởng diễn đạt ‘nội dung’: đó là trải nghiệm của người
nói về thế giới thực, bao gồm cả nhận thức bên trong của người nói; (ii)
Siêu chức năng liên nhân liên quan tới việc thiết lập và duy trì mối quan hệ
xã hội; (iii) Siêu chức năng ngôn bản liên quan tới việc cung cấp các đường
dẫn tới ngôn ngữ và các đặc điểm tình huống mà ở đó nó được sử dụng.

4


1.1.2. Tổng quan về diễn ngôn và nghiên cứu dựa vào khung ngữ
pháp chức năng hệ thống để phân tích ngữ pháp ở Việt Nam

1.1.2.1 Tổng quan nghiên cứu về diễn ngôn ở Việt Nam
Một trong những nghiên cứu đầu tiên về diễn ngôn ở Việt Nam là của
Trần Ngọc Thêm (1985) với nhan đề Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt.
Đến nay đã có nhiều nhà Việt ngữ học nghiên cứu về lĩnh vực này như:
Diệp Quang Ban (1998) Văn bản và Liên kết trong tiếng Việt; cuốn
Introducing Discourse Analysis (Dẫn luận phân tích diễn ngôn) của Hoàng
Văn Vân (2006). Như vậy, những nghiên cứu về diễn ngôn ở Việt Nam đã
góp phần làm sáng rõ lí thuyết về diễn ngôn và đặc điểm của diễn ngôn
trong một số lĩnh vực cụ thể.
1.1.2.2. Tổng quan những nghiên cứu dựa vào khung ngữ pháp chức năng
hệ thống để phân tích ở Việt Nam
Trong lĩnh vực miêu tả ngữ pháp, Cao Xuân Hạo (1991) đã nghiên
cứu Tiếng Việt: Sơ thảo Ngữ pháp chức năng: Câu trong tiếng Việt; Hoàng
Văn Vân (1997, 2005, 2012) đã đi sâu nghiên cứu Ngữ pháp kinh nghiệm
của cú tiếng Việt – miêu tả theo quan điểm chức năng hệ thống; Nghiên
cứu của Thái Minh Đức (1998) có nhan đề A Systemic Functional
Interpretation of Vietnamese Grammar đã thuyết giải hệ thống ngữ pháp
của ngôn ngữ tiếng Việt; Diệp Quang Ban (2005) đã tập trung nghiên cứu
Ngữ pháp tiếng Việt; Công trình Cơ sở ngữ nghĩa phân tích cú pháp của
Nguyễn Văn Hiệp (2012) đã làm rõ sự phân loại các kiểu sự tình của
Halliday.
Trong lĩnh vực đối chiếu một số bình diện ngữ pháp, Đỗ Tuấn Minh
(2007) đã nghiên cứu Cấu trúc Đề-Thuyết trong tiếng Anh và tiếng Việt;
Nguyễn Thị Minh Tâm (2013) về Đối chiếu mối quan hệ Logic – Ngữ
nghĩa trong tổ hợp cú tiếng Anh và tiếng Việt; nghiên cứu của Tôn Nữ Mỹ

5


Nhật (2005) về Phân tích diễn ngôn quảng cáo du lịch trong tiếng Anh và

tiếng Việt,v.v...
1.1.3. Tổng quan những nghiên cứu về đặc điểm ngôn ngữ của văn
bản thuyết minh bảo tàng trên thế giới và ở Việt Nam
1.1.3.1. Những nghiên cứu về đặc điểm ngôn ngữ của văn bản thuyết
minh bảo tàng trên thế giới
Ravelli (2006), Purser (2000) và Serrel (1996) đều nhận định, ngôn
ngữ trong VBTMBT phải có độ chính xác cao, không sử dụng ngôn ngữ
thông thường nhưng cũng không quá hàn lâm vì khách tham quan đa dạng
về độ tuổi và trình độ nhận thức. Ravelli (2006) cho rằng, thể loại của
VBTMBT rất phong phú và đa dạng, phụ thuộc vào mục đích giao tiếp của
từng loại văn bản. Cuốn Museum Languages: Objects and texts được biên
tập bởi Kavanagh (1991) đã chỉ ra, cần phải đặc biệt chú ý tới việc lựa chọn
ngôn từ trong VBTMBT vì chúng sẽ được sử dụng để giao tiếp trong bảo
tàng.
1.1.3.2. Những nghiên cứu về đặc điểm ngôn ngữ của văn bản thuyết
minh bảo tàng ở Việt Nam
Ở Việt Nam vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nào đề cập tới đặc
điểm ngôn ngữ của VBTMBT. Như vậy, luận án này là công trình nghiên
cứu đầu tiên tập trung phân tích, miêu tả và đối chiếu một cách toàn diện và
chuyên sâu về đặc điểm ngôn ngữ của VBTMBT tiếng Việt và tiếng Anh
dưới ánh sáng của SFL.
1.2. Cơ sở lí luận
1.2.1. Lí thuyết về diễn ngôn, phân tích diễn ngôn và thể loại
1.2.1.1. Diễn ngôn (văn bản): Theo Cook (dẫn theo Nunan, 1993),
diễn ngôn là các chuỗi ngôn ngữ được cảm nhận như có ý nghĩa, thống nhất
và có mục đích. Trái lại, văn bản là một chuỗi ngôn ngữ giải thuyết được ở
mặt hình thức, nằm ngoài ngữ cảnh. Halliday & Hasan (1976, tr. 1-2) đã

6



thống hợp hai thuật ngữ này và cho rằng, “Văn bản có thể là bất kì đoạn
văn nào, viết hay nói, dài hay ngắn tạo nên một chỉnh thể thống nhất hoàn
chỉnh”. Hoàng Văn Vân (2006) đi theo quan điểm trên với Halliday &
Hasan và cho rằng , “… ngôn bản hay diễn ngôn là ngôn ngữ trong sử
dụng; điều này có nghĩa là không một ngôn bản nào diễn ra mà không có
ngôn cảnh”. Như vậy, rất khó để phân biệt ranh giới giữa văn bản và diễn
ngôn bởi trong diễn ngôn có văn bản và trong văn bản có diễn ngôn. Do
vậy, chúng tôi sẽ sử dụng thuật ngữ “diễn ngôn” và “văn bản” thay thế cho
nhau trong luận án.
1.2.1.2. Phân tích diễn ngôn: Brown & Yule (1983) cho rằng, phân
tích diễn ngôn là phân tích ngữ pháp, ngữ nghĩa và dụng học. Halliday
(1994) đưa ra nhận định bao quát hơn, phân tích diễn ngôn phải được xây
dựng trên việc nghiên cứu hệ thống của một ngôn ngữ. Đồng thời, lí do chủ
yếu cho việc nghiên cứu hệ thống là nhằm làm sáng rõ diễn ngôn – điều
người ta nói và viết, nghe và đọc. Như vậy, việc phân tích diễn ngôn giúp
các nhà nghiên cứu ngôn ngữ có cái nhìn thấu đáo hơn đối với việc ngôn
ngữ được sử dụng như thế nào trong từng tình huống ngôn ngữ và văn hóa
khác nhau.
1.2.1.3. Thể loại: Theo Bhatia (1993), thể loại là một sự kiện giao tiếp
được đặc trưng hóa bởi những mục đích giao tiếp khác nhau và được nhận
diện, hiểu được bởi những thành viên của cộng đồng chuyên môn hoặc hàn
lâm mà ở đó nó thường xuyên diễn ra. Martin (1997b, 2000s) cho rằng,
“thể loại là một quy trình xã hội có mục đích và được phân đoạn”. Tóm lại,
trong những nền văn hóa khác nhau, thì cấu trúc thể loại của các văn bản
cũng khác nhau, và tùy vào mục đích giao tiếp của từng loại văn bản mà
các tiểu thể loại sẽ được sử dụng.
1.2.2. Lí thuyết liên quan tới văn bản thuyết minh bảo tàng, phong
cách và thể loại của chúng


7


1.2.2.1. Định nghĩa về thuyết minh (thuyết giải): Theo Kreps (2000),
thuật ngữ “thuyết giải” là giải thích về một điều gì đó hoặc trình bày hiện
vật và kiến thức dưới dạng “một ngôn ngữ” mà người xem có thể hiểu
được. Serrell (1996) cho rằng, “thuyết giải” không chỉ đưa ra thông tin và
khuyến khích sự tham gia. Nó còn là sự giao tiếp giữa kiến thức của người
hướng dẫn và người nghe. Như vậy, việc thuyết giải cũng cần có sự tương
tác và phản hồi nhất định từ độc giả để phần thuyết giải được hiệu quả hơn.
1.2.2.2. Văn bản thuyết minh bảo tàng: Theo Lord & Lord (2009), tài
liệu thuyết minh bao gồm nhãn chú thích hiện vật, chú giải dán tường, chú
giải viết trên giấy khổ rộng, hướng dẫn trong phần trưng bày và các thuyết
minh bằng âm thanh. Như vậy, VBTMBT được thiết kế với nhiều định
dạng khác nhau cùng với sự đa dạng về tên gọi nhưng chúng có chung một
mục đích là giao tiếp với công chúng.
1.2.2.3. Phong cách và thể loại của văn bản thuyết minh bảo tàng:

Theo

Ferguson & et al (1995), phong cách của VBTMBT không nên quá hàn
lâm. Và rằng những văn bản quá hàn lâm sẽ rất dày đặc và trừu tượng trong
bối cảnh bảo tàng. Về thể loại, Ravelli (2006) cho rằng, những thể loại phổ
biến được sử dụng trong các VBTMBT là: thông báo, giải thích, trình bày,
chỉ dẫn, thảo luận và miêu tả.
1.2.3. Nghĩa liên nhân
1.2.3.1. Hệ thống thức:(a) Hệ thống thức tiếng Anh: Theo Derewianka
& Jones (2012), hệ thống thức là cách mà ở đó chúng ta sử dụng ngôn ngữ
để trao đổi thông tin và hàng hóa hoặc dịch vụ. Halliday (1994) nhận định,
thành phần thức có chức năng ngữ nghĩa được xác định rõ ràng và nó mang

gánh nặng của cú như là một sự tương tác. Tác giả đã chỉ ra năm loại thức
trong tiếng Anh, đó là: Thức tuyên bố (trình bày), thức chỉ định, thức cầu
khiến và thức nghi vấn; (b) Hệ thống thức tiếng Việt: Theo Diệp Quang
Ban (2013, tr. 29 & 31), thức của câu là giá trị tình thái (TT) trong sử dụng

8


và nó là cơ sở để xác lập các kiểu câu. Thức của câu có mặt trong tiếng
Việt là: Thức trình bày, thức nghi vấn, thức cầu khiến và thức cảm thán.
1.2.3.2. Tình thái:(a) Tình thái trong tiếng Anh: Theo Halliday (1994,
tr.75), tình thái “là sự đánh giá của người nói về khả năng hoặc sự bắt buộc
liên quan tới điều được nói”. Tình thái được chia thành TT hóa và đạo
nghĩa hóa. Tình thái hoá liên quan tới nghĩa phán đoán và có thể được nhận
diện thông qua các tác tử TT hữu định hoặc thông qua phụ ngữ TT khả
năng và thường xuyên và các tiểu loại khác. Đạo nghĩa hóa phản ánh nghĩa
kiến nghị, gồm hai tiểu loại: (i) bổn phận - và (ii) thiên hướng; (b) Tình thái
trong tiếng Việt: Nguyễn Văn Hiệp (2012) đã phân loại TT thành tình thái
nhận thức và tình thái đạo nghĩa. Tình thái nhận thức thể hiện vị thế hiểu
biết của cá nhân người nói đối với tính chân thực của điều được nói tới
trong câu dựa trên bằng chứng hoặc cơ sở suy luận. Trái lại, TT đạo nghĩa
liên quan tới sự bắt buộc (hay cấm đoán) và sự cho phép (hay miễn trừ).
Luận án dựa chủ yếu vào khung lí thuyết của Halliday để phân tích TT
và việc nhận diện của chúng trong VBTMBT tiếng Việt và tiếng Anh. Tuy
nhiên, khi phân tích TT trong VBTMBT tiếng Việt, chúng tôi cũng tham
khảo một số công trình nghiên cứu TT của các nhà Việt ngữ học như
Nguyễn Văn Hiệp (2009), Diệp Quang Ban (2013).
1.2.3.3. Hệ thống ngôi: (a) Hệ thống ngôi tiếng Anh: Halliday (1994)
nhận định, hệ thống ngôi vừa đóng vai trò như là một đại từ và vừa được
xem như là một đại từ sở hữu. Ngoài ra, Stephan & Patzold (1992) cho

rằng, việc lựa chọn đại từ chỉ ngôi có thể ảnh hưởng đến khoảng cách hoặc
sự gần gũi giữa những người tham gia giao tiếp; (b) Hệ thống ngôi tiếng
Việt: Theo Hữu Đạt (2009, tr. 37), “hệ thống các từ xưng gọi trong tiếng
Việt không phải là một hệ thống khép kín mà là một hệ thống luôn luôn
mở”. Như vậy, tùy vào đối tượng giao tiếp, địa vị xã hội, tuổi tác của người

9


tham gia giao tiếp hay cảm xúc lúc giao tiếp mà đại từ chỉ ngôi được sử
dụng.
1.2.4. Một số khái niệm liên quan tới siêu chức năng tư tưởng
1.2.4.1. Lí thuyết về chuyển tác: Theo Halliday (1994), hệ thống chuyển
tác là hệ thống lựa chọn về ngữ pháp để diễn giải những điều ‘đang diễn ra’ –
sự kiện, hành động, cảm giác, ý nghĩa, tồn tại và sự trở thành. Hoàng Văn
Vân (2012) nhận định, sáu kiểu quá trình và chín loại chu cảnh được
Halliday đề xuất cũng tồn tại trong tiếng Việt.
1.2.4.2 Lí thuyết về thực từ: (a) Lí thuyết về thực từ trong tiếng Anh:
Theo Halliday (1985), mật độ thực từ được xác định bằng cách đếm số
lượng từ thuộc “các lớp từ mở” như danh từ, động từ, tính từ; (b) Lí thuyết
về thực từ trong tiếng Việt: Nguyễn Thiện Giáp (2010) cho rằng, thực từ là
những từ có nghĩa từ vựng độc lập, có khả năng hoạt động với tư cách là
các thành phần của câu. Theo tác giả, trong tiếng Việt, người ta thường xếp
danh từ, vị từ, tính từ, số từ, đại từ vào thực từ. Luận án theo quan điểm
nhận diện thực từ của Halliday nhưng khi nhận diện thực từ trong tiếng
Việt, chúng chỉ gồm danh từ, động từ và tính từ, không có trạng từ.
1.2.5. Một số khái niệm liên quan tới siêu chức năng ngôn bản
1.2.5.1. Quy chiếu trong tiếng Anh: Theo Halliday và Hasan (1976, tr.
31), “Thay vì được diễn giải chính xác về mặt ngữ nghĩa, chúng quy chiếu
sang những yếu tố khác để diễn giải ý nghĩa của chúng”. Quy chiếu được

phân thành quy chiếu tình huống ngoại chỉ và quy chiếu ngôn bản (hồi chỉ
và khứ chỉ). Bên cạnh đó, còn có ba tiểu loại quy chiếu: quy chiếu ngôi, chỉ
định và so sánh.
1.2.5.2. Quy chiếu trong tiếng Việt:
Theo Nguyễn văn Hiệp (2009), đại từ hồi chỉ, khứ chỉ (gồm những đại
từ như: ông, bà , nó, đó, thế, này...) tham gia thể hiện nghĩa miêu tả của
câu, đồng thời thực hiện chức năng liên kết. Tác giả cũng nhận định, những

10


kiểu liên kết này được quy vào phương thức liên kết quy chiếu trong hệ
thống liên kết của Halliday (1985).
Luận án dựa chủ yếu vào khung lí thuyết của Halliday (1985 & 1994
để phân tích quy chiếu trong VBTMBT tiếng Việt và tiếng Anh. Đồng thời
tham khảo lí thuyết của nhà ngôn ngữ học Nguyễn Văn Hiệp (2009) về
quy chiếu để tìm ra sự tương đồng và khác biệt trong việc sử dụng quy
chiếu giữa VBTMBT tiếng Việt và tiếng Anh.
1.2.6. Lí thuyết về phân tích đối chiếu
Theo Richards (1992, tr.83), phân tích đối chiếu là sự đối chiếu về
hệ thống ngôn ngữ của hai ngôn ngữ như là hệ thống âm thanh hoặc hệ
thống ngữ pháp. Lê Quang Thiêm (2008) cho rằng, việc nghiên cứu đối
chiếu câu, ngoài những lợi ích lí luận và thực tiễn chung, còn trực tiếp giúp
cho việc học nói, học cách diễn đạt, giúp nâng cao hiệu quả của việc giao
tiếp, dịch thuật Việt – Anh, Anh – Việt. Như vậy, phân tích đối chiếu giúp
chúng ta hiểu rõ hơn những tương đồng và khác biệt giữa hai ngôn ngữ. Từ
đó, chúng ta có thể thích nghi với những khác biệt đó.
1.3. Tiểu kết
Chương này đã trình bày tổng quan nghiên cứu về diễn ngôn, Ngôn
ngữ học chức năng hệ thống trên thế giới và ở Việt Nam. Đặc biệt, ba siêu

chức năng ngôn ngữ trong công trình nghiên cứu của Halliday (1994) đã
được trình bày cụ thể và chi tiết hơn: Siêu chức năng tư tưởng, siêu chức
năng liên nhân và siêu chức năng ngôn bản. Chương này cũng tổng quan
những nghiên cứu về đặc điểm ngôn ngữ trong VBTMBT trên thế giới và ở
Việt Nam. Trong đó, chúng tôi đã đi sâu trình bày về phong cách viết, thể
loại và mật độ thực từ trong VBTMBT ở Úc và London được Ravelli
(2006) chọn khảo sát. Hơn thế, lí thuyết về diễn ngôn, phân tích diễn ngôn,
phong cách và thể loại cùng với lí thuyết liên quan tới VBTMBT cũng
được trình bày theo trật tự logic. Bên cạnh đó, lí thuyết về nghĩa liên nhân

11


cùng với lí thuyết về hệ thống chuyển tác và quy chiếu cũng được giải thích
một cách tường minh cùng các ví dụ minh họa. Cuối cùng, lí thuyết về
phân tích đối chiếu đã được trình bày để làm cơ sở cho việc phân tích đối
chiếu VBTMBT giữa hai ngôn ngữ.
CHƯƠNG 2
ĐỐI CHIẾU SỰ THỂ HIỆN CỦA NGHĨA LIÊN NHÂN TRONG
VBTMBT TIẾNG VIỆT VÀ TIẾNG ANH
2.1. Đối chiếu sự thể hiện của nghĩa liên nhân trong văn bản
thuyết minh bảo tàng tiếng Việt và tiếng Anh
2.1.1. Kết quả đối chiếu hệ thống thức trong VBTMBT tiếng Việt và
tiếng Anh
Kết quả phân tích chỉ ra, không có sự khác biệt trong việc sử dụng
các loại thức trong VBTMBT tiếng Việt và tiếng Anh. Sự tương đồng được
thể hiện như sau: thức tuyên bố được sử dụng cao nhất trong cả VBTMBT
tiếng Việt và tiếng Anh. Điều này cho thấy, người viết VBTMBT tiếng
Việt và tiếng Anh đã thể hiện sự cam kết cao trong việc cung cấp thông tin
về hiện vật/nhân vật tới người đọc.

2.1.2. Kết quả đối chiếu sự thể hiện của tình thái trong văn bản
thuyết minh bảo tàng tiếng Việt và tiếng Anh
(i) Tần số xuất hiện của TT trong VBTMBT tiếng Việt và tiếng Anh là
khác nhau: 126 lần và 159 lần tương ứng cho từng ngôn ngữ. Cụ thể, TT
hóa trong VBTMBT tiếng Việt là 113 lần và 156 lần đối với VBTMBT
tiếng Anh. Đạo nghĩa hóa xuất hiện 13 lần trong VBTMBT tiếng Việt và 3
lần trong VBTMBT tiếng Anh; (ii) Sự thể hiện của tình thái hóa: Phụ ngữ
TT xác suất chỉ được sử dụng 1 lần trong VBTMBT tiếng Việt. Trái lại,
chúng đã xuất hiện 17 lần trong VBTMBT tiếng Anh; Tác tử TT xuất hiện
trong VBTMBT tiếng Việt là 2 lần nhưng chúng được sử dụng trong

12


VBTMBT tiếng Anh là 28 lần. Như vậy, người viết VBTMBT tiếng Việt có
khuynh hướng cung cấp thông tin liên quan tới hiện vật/nhân vật mang tính
khẳng định chủ quan mà ít đưa ra những giả định hay ước đoán về thông tin
được nói tới; Vị từ TT nhận thức trong VBTMBT tiếng Việt đã xuất hiện 4
lần, trong khi đó, chúng được sử dụng 20 lần trong VBTMBT tiếng Anh.
Trong VBTMBT tiếng Việt, chỉ có tác tử TT ở mức độ thấp được
sử dụng, trong khi đó, tác tử TT ở cả mức độ thấp lẫn trung bình đã xuất
hiện trong VBTMBT tiếng Anh. Điều này cho thấy, người viết VBTMBT
tiếng Anh đã chọn khảo sát không dùng “quyền lực” của mình để áp đặt vào
thông tin đưa ra mà diễn giải theo hướng mở, tạo cơ hội cho người đọc đưa
ra quan điểm và tương tác với bảo tàng, (iii) Đạo nghĩa hóa được sử dụng
trong VBTMBT tiếng Việt là 13 lần, nhiều hơn 10 lần so với VBTMBT
tiếng Anh.
2.1.3. Đối chiếu hệ thống ngôi trong VBTMBT tiếng Việt và Anh
Hệ thống ngôi trong VBTMBT tiếng Việt được sử dụng nghèo nàn
với sự xuất hiện duy nhất của ngôi thứ ba (63 lần). Trong khi đó, ngôi thứ

nhất và ngôi thứ ba đã xuất hiện trong VBMTBT tiếng Anh, với 196 lần.
Bên cạnh đó, ngôi thứ nhất we (gồm cả người đọc) chỉ được sử dụng trong
VBTMBT tiếng Anh. Điều này cho thấy, VBTMBT tiếng Việt có khuynh
hướng ít chú trọng vào việc lựa chọn cách xưng hô để tạo hiệu ứng cao
trong giao tiếp với độc giả.
2.2. Tiểu kết
Trên cơ sở đối chiếu nghĩa liên nhân, có thể rút ra một số nhận xét
sau: (i) Hệ thống thức trong VBTMBT tiếng Việt và tiếng Anh được nhận
diện thông qua duy nhất một loại thức, đó là thức tuyên bố. Việc Thức
tuyên bố được sử dụng phổ biến trong VBTMBT tiếng Việt và tiếng Anh
chứng tỏ việc cung cấp thông tin liên quan đến hiện vật/nhân vật của bảo
tàng tới độc giả là rất cao; (ii) Tình thái: (a) tổng số TT trong VBTMBT

13


tiếng Việt (126) thấp hơn so với tổng số TT trong VBTMBT tiếng Anh
(159); (b) phụ ngữ TT biểu thị tính xác suất gần như không được sử dụng
trong VBTMBT tiếng Việt nhưng chúng lại xuất hiện 17 lần trong
VBTMBT tiếng Anh; (c) tác tử TT và vị từ TT nhận thức trong VBTMBT
tiếng Anh xuất hiện nổi trội hơn so với VBTMBT tiếng Việt; (d) số lượng
đạo nghĩa hóa trong VBTMBT tiếng Việt là 13 lần, trong khi đó, nó xuất
hiện 3 lần trong VBTMBT tiếng Anh; (iii) hệ thống ngôi trong VBTMBT
tiếng Việt được sử dụng đơn giản và ít đa dạng hơn so với hệ thống ngôi
trong VBTMBT tiếng Anh.
CHƯƠNG 3
ĐỐI CHIẾU HỆ THỐNG CHUYỂN TÁC TRONG VBTMBT TIẾNG
VIỆT VÀ TIẾNG ANH
3.1. Đối chiếu quá trình, chu cảnh, mật độ thực từ và cấu trúc
chủ động/bị động trong VBTMBT tiếng Việt và tiếng Anh

3.1.1. Các kiểu quá trình trong VBTMBT tiếng Việt và Anh
Trong khi quá trình quan hệ được sử dụng với tần số cao trong
VBTMBT tiếng Việt để thông báo, miêu tả hay đưa ra định nghĩa về các
đặc điểm và giá trị của hiện vật/nhân vật, thì quá trình vật chất lại xuất hiện
nhiều nhất trong VBTMBT tiếng Anh để trình bày hoặc giải thích. Quá
trình tinh thần trong VBTMBT tiếng Việt xuất hiện với tần số thấp hơn một
chút (16 lần) so với VBTMVT tiếng Anh (20 lần). Bên cạnh đó, quá trình
hành vi chỉ xuất hiện 1 lần trong VBTMBT tiếng Việt mà không xuất hiện
trong tiếng Anh. Có thể thấy, các VBTMBT tiếng Việt có khuynh hướng
“trầm” trong việc cung cấp thông tin, trong khi đó, VBTMBT tiếng Anh có
khuynh hướng tập trung vào việc diễn giải các “hành động” được thực hiện.
3.1.2. Chu cảnh trong VBTMBT tiếng Việt và tiếng Anh

14


Chu cảnh định vị được sử dụng trong VBTMBT tiếng Việt là 164
lần, trong khi đó, loại chu cảnh này trong VBTMBT tiếng Anh là 196 lần.
Chu cảnh vấn đề và chu cảnh nguyên nhân không được sử dụng nhiều trong
cả hai ngôn ngữ mà lẽ ra hai loại chu cảnh này nên được xuất hiện nhiều
hơn vì chúng trả lời cho những câu hỏi như: tại sao? (ví dụ: tại sao hiện vật
được công nhận là quý hiếm); như thế nào? (ví dụ: hiện vật được làm/chế
tác ra sao/như thế nào?); Cuối cùng, chu cảnh vai diễn chỉ xuất hiện trong
VBTMBT tiếng Anh mà không xuất hiện trong VBTMBT tiếng Việt.
3.1.3. Mật độ thực từ trong VBTMBT tiếng Việt và tiếng Anh
Mật độ thực từ trong VBTMBT tiếng Việt cao hơn khoảng 0,4
từ/cú so với VBTMBT tiếng Anh. Ngoài ra, số lượng thực từ trong
VBTMBT tiếng Việt không được phân bố đều trong các cú (có một số cú
lên tới 21 từ/cú). Theo Derewianka (2011), một cú mà có tới 10 từ trở lên là
quá đậm đặc và chỉ phù hợp với những văn bản viết dành cho người lớn.

Điều này có nghĩa là, VBTMBT tiếng Việt dường như chưa thực sự phù
hợp với mọi đối tượng, lứa tuổi độc giả.
3.1.4. Cấu trúc/dạng chủ động và bị động trong VBTMBT tiếng
Việt và tiếng Anh
Người viết VBTMBT tiếng Việt và tiếng Anh đã sử dụng nhiều cấu
trúc/dạng chủ động hơn cấu trúc/dạng bị động. Tuy nhiên, dạng bị động
trong VBTMBT tiếng Anh xuất hiện cao hơn một chút so với VBTMBT
tiếng việt. Điều đó cho thấy, cách thuyết giải trong VBTMBT tiếng Việt có
khuynh hướng đơn giản hơn so với VBTMBT tiếng Anh.
3.2. Tiểu kết
Kết quả phân tích hệ thống chuyển tác cho thấy, quá trình quan hệ
và quá trình vật chất được sử dụng nhiều nhất trong VBTMBT tiếng Việt
và tiếng Anh. Tuy nhiên, trong VBTMBT tiếng Việt, quá trình quan hệ
xuất hiện nhiều hơn so với tiếng Anh. Trong khi đó, quá trình vật chất

15


trong VBTMBT tiếng Anh lại chiếm ưu thế hơn so với tiếng Việt. Bảy kiểu
loại chu cảnh đã được sử dụng trong cả ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh
với sự phổ biến của chu cảnh định vị, phong cách và đồng hành. Điều đáng
chú ý, chu cảnh quan điểm chỉ xuất hiện trong VBTMBT tiếng Việt. Trong
khi đó, chu cảnh vai diễn đã được sử dụng trong VBTMBT tiếng Anh. Về
thực từ, lượng thực từ xuất hiện trong VBTMBT tiếng Việt và tiếng Anh là
không quá dày đặc. Tuy nhiên, số lượng thực từ trong VBTMBT tiếng Việt
không được phân bố đều trong từng cú, nên có sự quá tải trong một số cú.
Cấu trúc/dạng chủ động được sử dụng vượt trội hơn nhiều so với cấu
trúc/dạng bị động trong cả VBTMBT tiếng Việt và tiếng Anh, mặc dù số
lượng cú ở dạng bị động trong VBTMBT tiếng Anh xuất hiện nhiều hơn
một chút so với VBTMBT tiếng Việt.

CHƯƠNG 4
ĐỐI CHIẾU SỰ THỂ HIỆN CỦA QUY CHIẾU VÀ THỂ LOẠI
TRONG VBTMBT TIẾNG VIỆT VÀ TIẾNG ANH
4.1. Đối chiếu sự thể hiện của quy chiếu trong văn bản thuyết
minh bảo tàng tiếng Việt và tiếng Anh
4.1.1. Sự thể hiện của quy chiếu ngoại chỉ, hồi chỉ, khứ chỉ trong
VBTMBT tiếng Việt và tiếng Anh
Tổng số quy chiếu trong VBTMBT tiếng Việt là 102 lần và trong
VBTMBT tiếng Anh là 546 lần. Quy chiếu ngoại chỉ xuất hiện trong
VBTMBT tiếng Việt (10 lần) thấp hơn nhiều so với loại quy chiếu này
trong VBTMBT tiếng Anh (176 lần). Trong khi quy chiếu hồi chỉ trong
VBTMBT tiếng Việt được sử dụng 79 lần, loại quy chiếu này xuất hiện
trong VBTMBT tiếng Anh là 305 lần. Cuối cùng, quy chiếu khứ chỉ trong
hai ngôn ngữ được sử dụng với tỉ lệ thấp nhất với 13 lần đối với tiếng Việt
và 65 lần đối với tiếng Anh. Rõ ràng, một trong những tiêu chí của

16


VBTMBT là đảm bảo tính tường minh, ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu. Vì
vậy, khi quy chiếu khứ chỉ được sử dụng với tần số cao, nó sẽ làm cho
VBTMBT trở lên phức tạp. Tóm lại, VBTMBT tiếng Anh có tần số sử
dụng quy chiếu cao hơn so với VBTMBT tiếng Việt nên có độ gắn kết
nhiều hơn.
4.1.2. Sự thể hiện của quy chiếu ngôi, chỉ định và so sánh trong văn
bản thuyết minh bảo tàng tiếng Việt và tiếng Anh
Trong khi quy chiếu ngôi trong VBTMBT tiếng Việt được sử dụng là
63 lần, thì chúng lại xuất hiện trong VBTMBT tiếng Anh là 196 lần. Quy
chiếu chỉ định trong VBTMBT tiếng Anh chiếm 351 lần, loại quy chiếu này
chỉ xuất hiện 26 lần trong VBTMBT tiếng Việt. Quy chiếu so sánh được sử

dụng trong VBTMBT tiếng Việt và tiếng Anh là rất thấp, với 13 lần và 11
lần tương ứng đối với từng ngôn ngữ.

Điều này có thể được lý giải như

sau: những hiện vật được trưng bày/những nhân vật được tôn vinh trong
bảo tàng là “độc bản” nên khó có hiện vật/nhân vật thứ hai để so sánh.
4.1.3. Sự khác nhau trong việc sử dụng phương tiện quy chiếu ngôi,
chỉ định, so sánh trong VBTMBT tiếng Việt và tiếng Anh
Trong VBTMBT tiếng Việt, cụm tính từ sở hữu “của mình” có thể
được sử dụng để quy chiếu hồi chỉ với ngôi thứ ba số ít, ngôi thứ nhất và
ngôi thứ hai số nhiều. Trái lại, quy chiếu ngôi trong VBTMBT tiếng Anh
“phải có cùng giống và ngôi với từ được quy chiếu”. Đại từ “nó” (it) trong
VBTMBT tiếng Việt ít được sử dụng, trong khi đó, it (nó) trong VBTMBT
tiếng Anh thường được sử dụng để quy chiếu với vật đã được đề cập trước
đó. Mạo từ xác định the trong tiếng Anh được sử dụng để quy chiếu, trong
khi đó, phụ từ xác định trong tiếng Việt như: các, những,... lại không có
khả năng làm liên kết.
4.2. Đối chiếu thể loại trong VBTMBT tiếng Việt và tiếng Anh

17


Trong VBTMBT tiếng Việt, bốn tiểu thể loại được sử dụng gồm: thông
báo miêu tả, trình bày, thuật lại tiểu sử, trình bày kết hợp với miêu tả.
Trong khi đó, bảy tiểu thể loại được sử dụng trong VBTMBT tiếng Anh là:
giải thích, trình bày, thuật lại tiểu sử, miêu tả, giải thích kết hợp với miêu
tả, thông báo miêu tả, thuật lại lịch sử kết hợp với miêu tả; trong khi thể
loại thông báo miêu tả được sử dụng trong 8 VBTMBT tiếng Việt, thì chỉ
có 2 VBTMBT tiếng Anh sử dụng thể loại này. Mặc dù một số VBTMBT

tiếng Việt và tiếng Anh đều thuyết giải về cùng loại hình hiện vật hoặc nhân
vật, nhưng thể loại của chúng lại khác nhau. Chẳng hạn, văn bản thuyết
minh về “Tượng đá” trong VBTMBT tiếng Việt thuộc thể loại thông báo
miêu tả, trong khi đó, cùng loại hình văn bản này trong tiếng Anh lại thuộc
thể loại giải thích.
4.3. Tiểu kết
Tần số xuất hiện của quy chiếu trong VBTMBT tiếng Việt là 102 lần
và trong tiếng Anh là 546 lần. Trong đó, quy chiếu hồi chỉ trong VBTMBT
tiếng Việt và tiếng Anh xuất hiện nhiều nhất so với quy chiếu ngoại chỉ và
khứ chỉ, 79 lần và 305 lần tương ứng cho từng ngôn ngữ. Quy chiếu chỉ
định trong VBTMBT tiếng Anh là 351 lần và trong VBTMBT tiếng Việt là
26 lần. Sự chênh lệch này là do có sự góp mặt của mạo từ xác định the
trong tiếng Anh, trong khi đó, phụ từ xác định trong tiếng Việt như: các,
những, mỗi,... lại không có khả năng làm liên kết trong và giữa các câu.
Một số từ quy chiếu ngôi trong VBTMBT tiếng Việt được sử dụng một
cách linh hoạt. Trái lại, từ quy chiếu ngôi trong VBTMBT tiếng Anh “phải
có cùng giống và ngôi với từ được quy chiếu”. Về thể loại, trong khi chỉ có
4 tiểu thể loại được dùng trong VBTMBT tiếng Việt, thì 7 tiểu thể loại đã
xuất hiện trong VBTMBT tiếng Anh. Như vậy, VBTMBT tiếng Anh có
nhiều mục đích giao tiếp hơn so với VBTMBT tiếng Việt. Điều đáng chú ý,

18


VBTMBT tiếng Việt có khuynh hướng viết theo thể loại thông báo miêu
tả.Trái lại, VBTMBT tiếng Anh sử dụng thể loại giải thích và trình bày.
KẾT LUẬN
Kết quả nghiên cứu đặc điểm ngôn ngữ của VBTMBT được chọn
khảo sát trong tiếng Việt và tiếng Anh từ quan điểm của SFL cho phép rút
ra những kết luận cơ bản sau:

1. Về nghĩa liên nhân: (a) Thức: Thức tuyên bố được sử dụng
nhiều nhất trong cả VBTMBT tiếng Việt và tiếng Anh. Điều đó cho thấy,
việc tạo dựng mối quan hệ tương tác hai chiều giữa bảo tàng và độc giả ở
cả hai ngôn ngữ chưa cao hoặc chưa thực sự “cởi mở”; (b) Tình thái:
Người viết VBTMBT trong hai ngôn ngữ đã sử dụng TT để thuyết giải
thông tin liên quan tới hiện vật/nhân vật. Vì vậy, các văn bản này không
phải là văn bản với những thông tin “thô” mà đã có sự “can thiệp” của
người viết. Tuy nhiên, (i) tổng số lần xuất hiện của TT trong VBTMBT
tiếng Việt thấp hơn so với tiếng Anh. Theo văn hóa Việt Nam, khi cung cấp
hay tiếp nhận thông tin, người viết/đọc thường né tránh phán xét hay đưa ra
sự đánh giá của mình đối với thông tin được cung cấp. Như vậy, VBTMBT
tiếng Việt có khuynh hướng ít “thương thuyết” với độc giả hơn so với
VBTMBT tiếng Anh; (ii) phụ ngữ TT biểu thị tính xác suất trong
VBTMBT tiếng Việt xuất hiện ít hơn nhiều so với VBTMBT tiếng Anh.
Điều đó chứng tỏ, người viết VBTMBT tiếng Anh có khuynh hướng “lôi
kéo” người đọc tham gia vào hoạt động thuyết minh của bảo tàng; (iii)
trong khi phụ ngữ TT trong VBTMBT tiếng Việt thường được sử dụng với
mức độ cam kết cao, phụ ngữ TT ở mức độ cam kết thấp và trung bình lại
xuất hiện trong VBTMBT tiếng Anh. Điều đó chứng tỏ, người viết
VBTMBT tiếng Việt chưa có nhiều chiến lược giao tiếp với mọi cung bậc
thái độ khác nhau so với người viết VBTMBT tiếng Anh; (iv) đạo nghĩa

19


hóa trong VBTMBT tiếng Việt được sử dụng với tần số cao hơn so với
VBTMBT tiếng Anh. Điều này cho thấy, VBTMBT tiếng Việt được viết
với tinh thần văn hóa Việt: “coi trọng đạo nghĩa”, “khiêm nhường”; (c) Hệ
thống ngôi: Trong khi ngôi thứ ba chỉ xuất hiện trong VBTMBT tiếng Việt,
ngôi thứ nhất we (chúng ta: gồm cả người đọc) đôi khi được sử dụng trong

VBTMBT tiếng Anh cùng với ngôi thứ ba. Điều này cho thấy, việc sử dụng
hệ thống ngôi trong VBTMBT tiếng Việt có khuynh hướng đơn điệu và vì
vậy, ít có sự giao tiếp hai chiều với độc giả hơn.
Tóm lại, về bình diện nghĩa liên nhân, người viết VBTMBT tiếng
Anh nhận thức rõ việc thuyết minh không chỉ là sự giao tiếp một chiều mà
còn có sự đồng hành của độc giả.Trong khi đó, người viết VBTMBT tiếng
Việt dường như chưa chú trọng đến đối tác giao tiếp (độc giả) để có thể gây
ảnh hưởng hoặc đạt được những sự hợp tác nhất định giữa bảo tàng và độc
giả. Rõ ràng, các phương tiện biểu thị ý nghĩa liên nhân trong VBTMBT có
tác động trực tiếp đến sự lĩnh hội của người đọc. Chẳng hạn, việc sử dụng
đại từ chỉ ngôi không đúng hay không sử dụng TT trong diễn ngôn, lại gây
sốc văn hóa thì người đọc VBTMBT sẽ không có tâm lý bình thường mà
lĩnh hội văn bản. Ví dụ: Người đọc phương Tây sẽ cảm thấy “lạ lẫm” với độ
sát thực của thông tin trong VBTMBT, khi những phương tiện biểu thị TT
không được sử dụng xuyên suốt văn bản. Trong khi đó, nếu biết cách sử
dụng những phương tiện biểu thị TT sẽ tạo được thiện cảm cho người đọc.
2. Về hệ thống chuyển tác: (a) Các quá trình: Quá trình quan hệ và
vật chất đã được sử dụng với tần số cao trong hai ngôn ngữ. Điều này cho
thấy, VBTMBT tiếng Việt và tiếng Anh có khuynh hướng chú trọng nhiều
vào việc thuyết giải hiện trạng và “sự vận động” của hiện vật/nhân vật.
Ngoài ra, quá trình tinh thần đã xuất hiện với tần số gần tương đương nhau
ở cả hai ngôn ngữ. Như vậy, ở chừng mực nào đó hai loại văn bản này đã
có sự bộc lộ cảm xúc hay sự đánh giá của người viết đối với thông tin về

20


hiện vật/nhân vật. Tuy nhiên, (i) trong VBTMBT tiếng Việt quá trình quan
hệ đã được sử dụng nhiều nhất để diễn giải hiện vật/nhân vật. Trái lại, quá
trình vật chất lại xuất hiện với tần số cao nhất trong VBTMBT tiếng Anh.

Kết quả là, VBTMBT tiếng Việt có khuynh hướng ‘tĩnh’ trong việc cung
cấp thông tin về hiện vật/nhân vật. Trái lại, VBTMBT tiếng Anh có khuynh
hướng ‘động’; (ii) quá trình hành vi chỉ xuất hiện 1 lần trong VBTMBT
tiếng Việt. Điều này chứng tỏ, VBTMBT tiếng Việt và tiếng Anh ở một
chừng mực nào đó được diễn giải theo một mặt “phẳng”. Nghĩa là, các góc
cạnh của vấn đề chưa thực sự được “xới” lên, và trong nhiều trường hợp,
người đọc phải sử dụng trí tượng tượng của mình để diễn giải. Tóm lại, nếu
các hiện vật bảo tàng/nhân vật được tôn vinh mà không có sự thuyết minh
kỹ càng, đa chiều thì cũng không thể thu hút, hấp dẫn được người đọc; (b)
Các loại chu cảnh: (i) chu cảnh định vị trong VBTMBT tiếng Việt được sử
dụng với tần số thấp hơn so với VBTMBT tiếng Anh. Điều này nói nên
rằng, VBTMBT tiếng Việt dường như chưa chú trọng nhiều tới thông tin về
địa điểm, nguồn gốc, niên đại của hiện vật hay xuất xứ của nhân vật; (ii)
chu cảnh vấn đề và chu cảnh nguyên nhân lẽ ra xuất hiện nhiều hơn trong
cả hai ngôn ngữ. Tuy nhiên, ở chừng mực nào đó, VBTMBT trong hai
ngôn ngữ đã lí giải được những “bằng chứng” của thông tin đưa ra; (iii) chu
cảnh vai diễn chỉ xuất hiện trong VBTMBT tiếng Anh mà không xuất hiện
trong VBTMBT tiếng Việt. Theo văn hóa phương Tây, khi nói về nghề
nghiệp người ta thường không đưa ra những nhận định mang tính bền vững
về “chức danh” mà sử dụng chu cảnh vai diễn để diễn đạt; (c) Mật độ thực
từ: Trong khi mật độ thực từ trung bình được sử dụng trong VBTMBT
tiếng Việt là 5,4 từ/cú, thì mật độ thực từ xuất hiện trong VBTMBT tiếng
Anh 5,0 từ/cú. Như vậy, với một chừng mực nào đó, hai loại văn bản này
không bị coi là quá gây áp lực đối với việc đọc. Tuy nhiên, nhiều cú trong
VBTMBT tiếng Việt lên tới khoảng 20 từ/cú. Điều này cho thấy, VBTMBT

21


tiếng Việt được chọn khảo sát dường như chưa có chiến lược phù hợp để

thu hút các nhóm độc giả tiềm năng ở mọi lứa tuổi. Thêm vào đó, người
đọc có thể bị sao nhãng thông tin chính trong cú khi lượng thực từ được sử
dụng quá dày đặc trong đó; (d) Cấu trúc/dạng chủ động/bị động: Cấu
trúc/dạng chủ động trong VBTMBT tiếng Việt và tiếng Anh được sử dụng
nhiều hơn so với cấu trúc/dạng bị động. Điều này cho thấy, việc thuyết giải
trong VBTMBT ở hai ngôn ngữ theo một “hướng thẳng”, ít có sự chuyển
đảo và vì vậy thông tin đưa ra là tường minh, rõ ràng và dễ hiểu.
Tóm lại, về bình diện chuyển tác, VBTMBT tiếng Việt có khuynh
hướng thiên về cách viết theo tư duy trực quan. Trong khi đó, VBTMBT
tiếng Anh có khuynh hướng thiên về cách viết theo tư duy lý tính. Tuy
nhiên, với một chừng mực nào đó, cả hai loại VBTMBT tiếng Việt và tiếng
Anh chưa thể hiện hết “tinh thần của hệ tư tưởng” vì quá trình tinh thần và
hành vi chưa được sử dụng nhiều để chuyển tải thông tin.
3. Về quy chiếu: (i) Tần số xuất hiện của quy chiếu trong VBTMBT
tiếng Việt là 102 lần và trong VBTMBT tiếng Anh là 546 lần. Điều đáng
chú ý, mạo từ xác định the trong tiếng Anh được sử dụng để quy chiếu,
trong khi đó, phụ từ xác định trong tiếng Việt như: các, những, mỗi,... lại
không có khả năng làm liên kết trong và giữa các câu. Như vậy, sự đa dạng
hơn của các phương tiện quy chiếu cùng với ý thức sử dụng chúng của
người viết tiếng Anh đã dẫn tới tần số xuất hiện cao của quy chiếu trong
VBTMBT tiếng Anh; (ii) Quy chiếu hồi chỉ xuất hiện 79 lần trong
VBTMBT tiếng Việt và 305 lần trong VBTMBT tiếng Anh. Điều này
chứng tỏ VBTMBT tiếng Việt có khuynh hướng ít “hồi hướng” với thông
tin đã được đề cập trước đó; (iii) Tần số xuất hiện của quy chiếu ngôi trong
VBTMBT tiếng Việt là 106 lần, và 196 lần đối với VBTMBT tiếng Anh.
Có thể thấy, trong diễn ngôn phương Tây, tên riêng hay danh từ chỉ vật
thường không được sử dụng xuyên suốt văn bản để quy chiếu, thay vào đó

22



là những đại từ chỉ ngôi hoặc chỉ định. Tóm lại, các cú trong VBTMBT
tiếng Anh có độ liên kết chặt chẽ và mạch lạc hơn so với các cú trong
VBTMBT tiếng Việt.
4. Về thể loại: (i) Các tiểu thể loại được sử dụng trong VBTMBT
tiếng Việt (4lần) thấp hơn so với VBTMBT tiếng Anh (7 lần). Như vậy,
VBTMBT tiếng Việt được cho là chưa đa dạng về mục đích giao tiếp; (ii)
trong khi thể loại thông báo miêu tả được dùng 8 lần trong VBTMBT tiếng
Việt, thể loại này trong VBTMBT tiếng Anh chỉ xuất hiện 2 lần.
Tóm lại, về bình diện thể loại, VBTMBT tiếng Việt được cho là
mới chỉ dừng lại ở việc tổng hợp, miêu tả hay trình bày. Vì vậy, chúng
dường như chưa thể hiện “sự truyền dẫn” hay chưa có nhiều chiến lược để
thu hút người đọc vào những phần tiếp theo của văn bản. Trong khi đó,
VBTMBT tiếng Anh không chỉ giúp độc giả nhận diện, khai thác thông tin
mà còn gây sự chú ý bằng cách đưa ra các hiện tượng để tạo sự tò mò của
độc giả rồi thuyết giải hoặc đưa ra những định hướng tiếp theo tới người
đọc.

23


×