MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ ÔN TẬP THƠ MỚI TRONG
CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN 11, TẬP II, BAN CƠ BẢN
Tác giả: Trần Thị Hằng
GV: Trường THPT Hai Bà Trưng
I. VỊ TRÍ CỦA THƠ MỚI TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN Ở TRƯỜNG
PHỔ THÔNG
1. Ở nhà trường phổ thông, Thơ mới là một mảng thơ hay, vì vậy so với các tác phẩm thơ
cổ, nhìn chung giáo viên, học sinh khá hứng thú. Tuy nhiên, việc dạy học các tác phẩm
Thơ mới ở trường trung học phổ thông hiện nay chưa đạt kết quả như mong muốn.Việc
dạy học Thơ mới, ở mức độ nhất định còn theo sở thích, cảm tính, chưa kể đến những học
sinh chuyên Khoa học tự nhiên. Làm thế nào để việc ôn tập Thơ mới sao cho hiệu quả là
việc bức thiết của nhà trường phổ thông hiện nay.
1. Cấu trúc chương trình Thơ mới ở lớp 11
Sách giáo khoa Ngữ Văn 11,tập 2, ban cơ bản gồm các tác phẩm (kể cả các tác phẩm đọc
thêm:
- Vội vàng – Xuân Diệu
- Tràng giang – Huy Cận
- Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử
- Tương tư – Nguyễn Bính
- Chiều xuân – Anh Thơ
II. THỰC TRẠNG CỦA VIỆC DẠY VÀ HỌC THƠ MỚI Ở TRƯỜNG PHỔ
THÔNG
Để có thể đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả ôn tập Thơ mới trong chương trình
Ngữ Văn 11, tập 2, ban cơ bản, người viết đã tiến hành khảo sát thực trạng dạy học Thơ
mới ở trường. Qua khảo sát, người viết nhận thấy:
1. Về kiến thức các tác phẩm dài, phân phối thời gian ít.
2. Học sinh thích Thơ mới nhưng ít hiểu biết hoặc hiểu biết hời hợt về khái quát về Thơ
mới.
3. Kỹ năng hệ thống hoá kiến thức trọng tâm và kỹ năng làm bài văn nghị luận xoay
quanh các tác phẩm Thơ mới còn hạn chế.
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ ÔN TẬP THƠ MỚI TRONG
CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN 11, TẬP II, BAN CƠ BẢN
1. GIẢI PHÁP THỨ NHẤT: ÔN TẬP KHÁI QUÁT PHONG TRÀO THƠ MỚI
(1932 – 1945)
1.1. Hoàn cảnh lịch sử xã hội
Một trào lưu văn học ra đời bao giờ cũng phản ánh những đòi hỏi nhất định của lịch sử xã
hội.Bởi nó là tiếng nói, là nhu cầu thẩm mỹ của một giai cấp, tầng lớp người trong xã
hội.Thơ mới là tiếng nói của giai cấp tư sản và tiểu tư sản. Sự xuất hiện của hai giai cấp
này với những tư tưởng tình cảm mới, những thị hiếu thẩm mỹ mới cùng với sự giao lưu
văn học Đông Tây là nguyên nhân chính dẫn đến sự ra đời của Phong trào Thơ mới 19321945.
1.2. Các thời kỳ phát triển của Phong trào Thơ mới
a. Giai đoạn 1932-1935
Đây là giai đoạn diễn ra cuộc đấu tranh giữa thơ mới và thơ cũ. Sau bài khởi xướng của
Phan Khôi, một loạt các nhà thơ như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Thông, Vũ Đình Liên
liên tiếp công kích thơ Đường luật, hô hào bỏ niêm, luật, đối, bỏ điển tích, sáo ngữ …
b. Giai đoạn 1936-1939
Đây là giai đoạn Thơ mới chiếm ưu thế tuyệt đối so với thơ cũ trên nhiều bình diện, nhất
là về mặt thể loại. Giai đọan này xuất hiện nhiều tên tuổi lớn như Xuân Diệu (tập Thơ
thơ -1938), Hàn Mặc Tử (Gái quê -1936, Đau thương -1937), Chế Lan Viên (Điêu tàn 1937), Bích Khê (Tinh huyết - 1939), … Đặc biệt sự góp mặt của Xuân Diệu, nhà thơ mới
nhất trong các nhà Thơ mới, vừa mới bước vào làng thơ đã được người ta dành cho một
chỗ ngồi yên ổn. Xuân Diệu chính là nhà thơ tiêu biểu nhất của giai đoạn này.
c. Giai đoạn 1940-1945
Từ năm 1940 trở đi xuất hiện nhiều khuynh hướng, tiêu biểu là nhóm Dạ Đài gồm Vũ
Hoàng Chương, Trần Dần, Đinh Hùng…; nhóm Xuân Thu Nhã Tập có Nguyễn Xuân
Sanh, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Đỗ Cung…; nhóm Trường thơ Loạn có Chế Lan Viên, Hàn
Mặc Tử, Bích Khê,…
1.3. Những mặt tích cực, tiến bộ của Phong trào Thơ mới
a. Tinh thần dân tộc sâu sắc
Thơ mới luôn ấp ủ một tinh thần dân tộc, một lòng khao khát tự do.
b. Tâm sự yêu nước thiết tha
Có thể nói, tinh thần dân tộc là một động lực tinh thần để giúp các nhà Thơ mới ấp ủ lòng
yêu nước. Quê hương đất nước thân thương đã trở thành cảm hứng trong nhiều bài thơ.
Đó là hình ảnh Chùa Hương trong thơ Nguyễn Nhược Pháp (Em đi Chùa Hương); hình
ảnh làng chài nơi cửa biển quê hương trong thơ Tế Hanh (Quê hương) v.v…
Bên cạnh những mặt tích cực và tiến bộ nói trên, Phong trào Thơ mới còn bộc lộ một vài
hạn chế. Một số khuynh hướng ở thời kỳ cuối rơi vào bế tắc, không tìm được lối ra, thậm
chí thoát ly một cách tiêu cực. Điều đó đã tác động không tốt đến một bộ phận các nhà
Thơ mới trong quá trình nhận đường những năm đầu sau cách mạng tháng Tám.
1.4. Đặc điểm nổi bật của Phong trào Thơ mới
a. Về nội dung
- Sự khẳng định cái Tôi.
- Nỗi buồn cô đơn.
- Cảm hứng về thiên nhiên và tình yêu.
b. Một số đặc sắc về nghệ thuật
- Về thể loại, ban đầu Thơ mới phá phách một cách phóng túng nhưng dần dần trở về với
các thể thơ truyền thống quen thuộc như thơ ngũ ngôn, thất ngôn, thơ lục bát. Các bài thơ
ngũ ngôn có Tiếng thu (Lưu Trọng Lư), Ông Đồ (Vũ Đình Liên), Em đi chùa
Hương (Nguyễn Nhược Pháp)… Các nhà thơ Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên,
T.T.KH chủ yếu viết theo thể thơ thất ngôn, còn Nguyễn Bính, Thế Lữ lại dùng thể thơ
lục bát v.v…
- Cách hiệp vần trong Thơ mới rất phong phú, ít sử dụng một vần (độc vận) mà dùng
nhiều vần như trong thơ cổ phong trường thiên: vần ôm, vần lưng, vần chân, vần liên
tiếp, vần gián cách hoặc không theo một trật tự nhất định…
2. GIẢI PHÁP THỨ 2: HỆ THỐNG HOÁ KIẾN THỨC CƠ BẢN MỘT SỐ TÁC
PHẨM THƠ MỚI TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN 11, TẬP 2, BAN CƠ
BẢN
BÀI THƠ: VỘI VÀNG (Xuân Diệu)
BÀI THƠ: TRÀNG GIANG (Huy Cận)
BÀI THƠ: ĐÂY THÔN VĨ DẠ (Hàn Mặc Tử)
I. Vài nét về tác giả, tác phẩm
1. Tác giả
2. Tác phẩm
II. Nội dung, nghệ thuật
1. Nội dung
2. Nghệ thuật
3.GIẢI PHÁP THỨ BA: RÈN KỸ NĂNG LÀM BÀI VĂN NGHỊ LUẬN XOAY
QUANH CÁC TÁC PHẨM THƠ MỚI ĐÃ HỌC.
KIỂU BÀI 1: PHÂN TÍCH/ CẢM NHẬN BÀI THƠ, ĐOẠN THƠ
Công thức làm bài:
1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả
- Giới thiệu tác phẩm
- Giới thiệu đoạn trích (nếu đề yêu cầu phân tích/ cảm nhận một đoạn trích)
2. Thân bài:
a/ Phân tích/ cảm nhận bài thơ/ đoạn trích
- Đoạn 1
- Đoạn 2
- Đoạn 3
- Đoạn n
Phân tích / cảm nhận từ nghệ thuật để nhận ra nội dung
Chú ý:
- Kiểu bài phân tích thiên về tính khách quan
- Kiểu bài cảm nhận bộc lộ rõ yếu tố chủ quan (nhận xét, đánh giá, cảm xúc, tình cảm của
người viết)
b/ Tổng hợp, đánh giá:
- Giá trị nội dung
- Đặc sắc nghệ thuật
3. Kết bài: Khẳng định giá trị của tác phẩm và vị trí của tác giả.
Đề: Cảm nhận của em về 13 câu thơ đầu trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu?
Hướng dẫn làm bài:
1. Mở bài:
- Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà Thơ mới (Hoài Thanh)
- Xuất xứ: Nằm trong tập Thơ thơ – là tập thơ đầu tay của nhà thơ Xuân Diệu, ngay khi
mới ra đời đã gây được tiếng vang lớn. Vội vàng là một trong những bài thơ xuất sắc nhất
của tập thơ.
- Bài thơ thể hiện cái tôi khao khát giao cảm với cuộc đời cũng như quan niệm sống độc
đáo, mới mẻ của tác giả. 13 câu thơ đầulà tôi say đắm với cuộc sống tươi đẹp nơi trần thế.
2. Thân bài
a. Cảm nhận khổ thơ: Tình yêu thiết tha cuộc sống trần thế
- Mở đầu bài thơ là khổ thơ ngũ ngôn thể hiện cái ước muốn kỳ lạ của thi sĩ, là
ước muốn quay lại quy luật của tự nhiên:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đi đừng bay đi
+ Đây là 4 câu thơ của ước muốn.Điệp ngữ tôi muốn được nhắc lại hai lần. Sau
hàng ngàn năm của văn học phi ngã, thơ mới luôn khẳng định cái tôi cá nhân, Xuân Diệu
mở đầu khẳng định bằng cái tôi ước muốn.
+ Nhà thơ muốn tắt nắng, buộc gió. Nắng, gió là hiện tượng thiên nhiên vĩnh cửu,
bất biến trong vũ trụ.Ước muốn này sẽ trở nên phi lí vì khó có thể thực hiện được.
+ Các từ cho, đừng điệp trong câu 2, 4:
Cho màu đừng nhạt mất
Cho hương đừng bay đi
Điệp từ này gợi cảm giác van nài, khẩn khoản. Cảm hứng thơ đã xuất hiện ý thơ
của tác giả: nhà thơ muốn tắt nắng, buộc gió để nắng đừng phai màu, để gió đừng thổi, để
hương còn giữ mãi. Hoá ra cách nói tắt nắng, buộc gió không phải vì ghét nó mà là cách
nói rất thơ, rất lãng mạn để thể hiện một niềm vui yêu vô cùng, say đắm vô cùng của thi
nhân yêu vô cùng những màu, những hương của cuộc đời và nâng niu, trân trọng và giữ
gìn trong vòng tay, trong tâm hồn tha thiết yêu của mình.
- Thi sĩ say đắm với cuộc sống tươi đẹp nơi trần thế:
+ Từ của nối liền 4 câu thơ trên với 9 câu thơ dưới, Xuân Diệu muốn
tắt nắng, buộc gió để giữ hương sắc của cuộc đời.
+ Điệp ngữ: này đây điệp lại nhiều lần gợi cảm giác hân hoan, sung sướng, hạnh
phúc vô cùng. Ở đây có sự giàu có phong phú đến mức thừa thãi, đến mức tuyệt
vời của hương sắc mà nhà thơ muốn níu giữ.Này đây hiện hữu hương sắc của
cuộc sống không phải quá khứ, nơi khác mà ở ngày đay, trong lúc này.Một lần
nữa cuộc sống tươi đẹp nơi trần thế hiện hữu cả ở không gian và thời gian.Sau
điệp ngữ này là bức tranh cuộc sống hiện ra.
+ Bức tranh chan chứa xuân tình được nhìn bằng trái tim mê đắm, khao khát
được tận hưởng, chiêm ngưỡng, chiếm lĩnh:
ong bướm này đây tuần tháng mật vừa là mật ngọt của thiên nhiên, hoa trái vừa
liên tưởng đến tuần trăng mật của đời người. Tuần trăng mật là thời gian ngọt
ngào nhất, nồng nàn nhất của những ý vị yêu đương.Thông qua sự liên tưởng
này, với Xuân Diệu thời gian của đời người hình như lúc nào cũng là tuần trăng
mật của lứa đôi, lúc nào cũng ngọt ngào nhất.
hoa đồng nội xanh rì/ lá cành tơ phơ phất: vẻ đẹp tràn đầy sức sống, một màu
xanh tràn đầy sức sống với những sắc hương hoa. Từ láy phơ phất, tơ phơ, cụm
từ nhiều thanh bằng cành tơ phơ phất đã gợi hình ảnh những cành lá nõn nà,
non tơ, mềm mại đung đưa trong gió, gợi vẻ yếu đuối, mong manh khiến người
ta muốn nâng niu, giữ gìn.
yến anh – khúc tình si: tiếng hót của chim chóc được Xuân Diệu cụ thể hoá qua
hình ảnh của chim yến và chim anh. Chim yến và chim anh là loài chim biểu
tượng của tình yêu lứa đôi, hạnh phúc (loài chim luôn bay cùng nhau).Tiếng hót
của của chúng không chỉ hiện lên với âm thanh véo von, ríu rít mà còn là khúc
tình si mê đắm của lứa đôi.
ánh sáng chớp hàng mi/ Mỗi sáng sớm thần Vui hằng gõ cửa. Nếu văn học trung
đại, thiên nhiên là chuẩn mực của cái đẹp thì đến với thơ mới, Xuân Diệu ông
quan niệm hoàn toàn khác: còn người là chuẩn mực của cái đẹp, thiên nhiên
muốn đẹp thì phải trong sự so sánh với con người (Lá liễu dài như một nét
mi). Trong bài thơ này, anh sáng ấy không phải toả ra từ mặt trời mà toả ra từ
sau cái chớp mắt của hàng mi thiếu nữ. Sau cái chớp mắt ấy ánh sáng toả khắp
nơi đem đến tình yêu, sự sống cho khắp thế gian. Nên nhà thơ đón đợi ánh sáng
như thần Vui hằng gõ cửa.Chúng ta có thể cảm nhận cái bồn chồn bên trong
trong nghe tiếng gõ của bên ngoài.Đó là xúc cảm niềm yêu của nhà thơ. Niềm
yêu của nhà thơ không muốn bỏ lỡ một ngày, một giờ, một khoảng khắc của một
ngày mới, những nhiều vui mới, say đắm mới.
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần, câu thơ 8 chữ ngắt 3/5 trọng
tâm ngon.Tháng giêng ngon - ẩn dụ chuyển đổi cảm giác mùa xuân tuyệt vời,
tuổi trẻ tuyệt vời. So sánh có sắc thái nhục cảm như một cặp môi gần, gợi cái mê
đắm, quyến rũ, mê đắm. Tất cả cuộc đời ấy như đang trong tầm tay, giữ tuổi trẻ
tuyệt vời nhất. Bức tranh chan chứa xuân tình, bức tranh làm nên niềm đắm say,
khao khát tận hưởng là nguyên nhân cho ước muốn nhà thơ thể hiện trong bốn
câu đầu.
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa, câu thơ ngắt nhịp 3/5 với dấu chấm ngắt giữa
dòng giống như ngừng lặng sau những xúc cảm. Nhà thơ sung sướng vì vẻ đẹp cuộc sống
nơi trần thế, ngay lập tức thi nhân đã ngừng lặng vì cảm giác “vội vàng một nửa”. Một
nửa sung sướng, một nửa vội vàng. Nhà thơ vừa sung sướng vừa vội vàng. Nhà thơ vừa
khao khát yêu, khao khát sống vừa lo âu, hoài nghi, chán nản vì cuộc đời ngắn ngủi.
=>Thông qua phép điệp từ, điệp ngữ, láy vần, điệp thanh, hoán dụ, ẩn dụ, có cả sự chi
phối của quan niệm con người là chuẩn mực cái đẹp, Xuân Diệu làm nổi bật bức tranh
hình ảnh cuộc đời tràn đầy âm thanh, màu sắc, tràn đầy nồng nàn tình yêu khiến cho bức
tranh thiên nhiên như cựa quậy, sinh sôi vận động đầy hương sắc khiến cho thi nhân vừa
mê đắm, vừa lo sợ sao phải giữ gìn nó cho nó khỏi tuột khỏi tầm tay.
b. Tổng hợp, đánh giá:
- Đoạn thơ thể hiện sống mới mẻ, vội vàng, cuồng nhiệt, cuống quýt như chạy đua với
thời gian để tận hưởng màu sắc, hương vị, vẻ đẹp của cõi trần gian và cũng là thể hiện cái
tôi ham sống, muốn tận hưởng cuộc sống,…
- Sử dụng nghệ thuật điệp từ, điệp ngữ, các tính từ mạnh cộng với nghệ thuật liệt kê để
thể hiện nhịp sống hối hả, sôi nổi, cuồng nhiệt gấp gáp, cuống quýt của tác giả. Thể thơ
tự do, ngôn từ hết sức táo bạo và đầy sáng tạo là một thành công đặc sắc của Xuân Diệu.
3. Kết bài:
Đoạn thơ thể hiện một khát vọng sống thiết tha, mãnh liệt rất trần đời.Một hương vị lạ
góp phần làm đa dạng sự mới mẻ trong phong trào thơ mới. Dù rằng thơ Xuân Diệu
mang một phong cách rất Tây nhưng nhìn chung lầu thơ của ông được xây dựng trên
mảnh đất thơ ca truyền thống. Sự tiếp thu những tư tưởng mới, biết hoà nhập nhưng
không hoà tan là nét chung rất đáng ngợi ca khâm phục của Xuan Diệu nói riêng và các
nhà thơ mới nói chung. Vì thế Xuân Diệu xứng đáng là nhà thơ mới nhất trong các nhà
thơ mới (Hoài Thanh).
KIỂU BÀI 2: CHỨNG MINH MỘT Ý KIẾN
Công thức làm bài:
1/ Mở bài:
- Giới thiệu tác giả
- Giới thiệu tác phẩm
- Trích dẫn ý kiến
2/ Thân bài:
a. Giải thích ý kiến: 5 – 7 dòng, tìm từ khóa, giải thích từ đó để xem ý kiến muốn truyền
tải đến người đọc điều gì?
b. Chứng minh ý kiến: dùng lí lẽ, dẫn chứng làm sáng tỏ ý kiến.
c. Bàn luận về ý kiến:
- Ý kiến đúng hay sai?
- Vì sao lại có ý kiến như vậy?
3/ Kết bài:
- Khẳng định lại vấn đề, đánh giá về tác phẩm và vị trí của tác giả.
Đề :Cái “tôi” Xuân Diệu trong bài thơ Vội vàng (Theo Ngữ văn 11, tập 2, NXB Giáo
dục Việt Nam)
Hướng dẫn làm bài
1. Mở bài
- Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới (Hoài Thanh)
- Xuất xứ: Nằm trong tập Thơ thơ – là tập thơ đầu tay của nhà thơ Xuân Diệu, ngay khi
mới ra đời đã gây được tiếng vang lớn. Vội vàng là một trong những bài thơ xuất sắc nhất
của tập thơ.
- Bài thơ thể hiện cái tôi say đắm với cuộc sống tươi đẹp nơi trần thế; cái tôi cảm nhận
mới mẻ về thời gian; cái tôi khao khát mãnh liệt và có tâm thế sống cuồng nhiệt tích cực.
2. Thân bài:
2.1. Giải thích: Cái tôi:là dấu ấn, là vân tay, là một biểu hiện của phong cách nhà thơ thể
hiện trong tác phẩm.
2.2. Phân tích, cảm nhận về cái tôi trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu
a. Cái “tôi” say đắm với cuộc sống tươi đẹp nơi trần thế: biểu hiện:
* Cái “tôi” ước muốn của Xuân Diệu (4 câu đầu)
٭Cái tôi say đắm với cuộc sống tươi đẹp nơi trần thế: (9 câu tiếp)
b. Cái tôi quan niệm tích cực về thời gian và tuổi trẻ
(Từ câu 14 đến câu 30)
c. Cái tôi khao khát tận hưởng vẻ đẹp của cuộc đời (9 câu cuối)
2.3. Bàn luận, đánh giá
- Cái tôi Xuân Diệu thể hiện qua bài thơ rất điển hình cho thời đại thơ mới. Sự hình thành
của cái tôi này do nhiều yếu tố chi phối, nhưng quan trọng nhất do bản thân thi sĩ luôn là
người khát khao giao cảm với cuộc đời.
- Liên hệ cái tôi trong thơ Huy Cận, trong thơ Hàn Mặc Tử,…
3. Kết bài
Qua bài thơ, chúng ta thấy được cách thể hiện tâm trạng của Xuân Diệu trong bài thơ Vội
vànglà rất mới, rất lạ, rất Xuân Diệu, xưa nay chưa từng có. Hình ảnh và ngôn ngữ thơ rất
mới lạ và táo bạo, nhưng chính cái táo báo ấy mới giúp tác giả thể hiện cái tôi trữ tình
trong bài thơ, mới bày tỏ hết sự nồng nàn say đắm của lòng yêu. Bài thơ như lời giục giã
yêu đương, lời kêu gọi tuổi trẻ hãy sống cho sôi nổi và mãnh liệt. Qua đó tác giả giúp
chúng ta khám phá ra chân giá trị của cuộc đời mà nếu sống hời hợt, nông nổi thì khó
nhận ra được.
KIỂU BÀI 3: KIỂU BÀI SO SÁNH
Công thức làm bài:
1. Mở bài:
- Giới thiệu 2 tác giả và 2 tác phẩm
- Giới thiệu 2 đoạn thơ/ 2 chi tiết/ 2 nhân vật/ 2 hình tượng nghệ thuật/ …
2. Thân bài:
a/ Cảm nhận về 2 đoạn văn/ đoạn thơ/ chi tiết/ nhân vật/ hình tượng nghệ thuật/ …
Trình bày về từng đối tượng theo các ý như sau:
- Giới thiệu vị trí, diễn biến dẫn đến đoạn thơ/ chi tiết… (tóm tắt ngắn gọn)
- Cảm nhận về đoạn thơ/ chi tiết/ nhân vật/ hình tượng nghệ thuật/…
- Đánh giá
+ Giá trị nội dung tư tưởng được truyền tải.
+ Đặc sắc nghệ thuật.
b/ So sánh
- Điểm chung (giống nhau)
+ Về nội dung
+ Về nghệ thuật
- Điểm riêng (khác nhau)
+ Về nội dung
+ Về nghệ thuật
c) Lí giải
- Vì sao giống?
- Vì sao khác? (Thường căn cứ vào: hoàn cảnh sáng tác, phong cách nghệ thuật của tác
giả)
3. Kết bài
- Khẳng định vấn đề
- Khẳng định giá trị của tác phẩm và vị trí của tác giả
Đề : Cảm nhận của anh/ chị về hai đoạn thơ sau:
Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
( Trích Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, Ngữ văn 11, tập 2)
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song,
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
( TríchTràng giang của Huy Cận, Ngữ văn 11, tập 2)
Hướng dẫn làm bài
1. Mở bài
- Hàn Mặc Tử là nhà thơ lớn của phong trào Thơ mới, cuộc đời bi thương, hồn thơ phong
phú, kì lạ, sức sáng tạo mạnh mẽ, luôn bộc lộ một tình yêu đau đớn hướng về trần
thế. Đây thôn Vĩ Dạ là thi phẩm xuất sắc thể hiện tấm lòng thiết tha đến khắc khoải của
nhà thơ với thiên nhiên và cuộc sống.Khổ thơ trên là khổ 2 cảu bài thơ đó là cảnh mây
trời, sông nước xứ Huế và dự cảm chia xa.
- Huy Cận là nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới và thơ sau Cách mạng tháng Tám,
hồn thơ đậm chất cổ điển, giàu suy tưởng, triết lí, nổi bật về cảm hứng thiên nhiên, tạo
vật. Tràng giang là một bài thơ xuất sắc thể hiện nỗi buồn sầu trước tạo vật mênh mông,
hoang vắng, đồng thời bày tỏ một lòng yêu nước kín đáo.Khổ thơ trên là khổ thơ 1 của
bài thơ đó là bức tranh sông nước buồn vắng.
2. Thân bài
a. Cảm nhận, phân tích từng đoạn thơ
٭Đoạn thơ trong bài Đây thôn Vĩ Dạ
- Nội dung:
+ Khung cảnh thiên nhiên trời mây - sông nước đang chuyển mình vào đêm trăng với
những chia lìa, phiêu tán, chơ vơ; đượm vẻ huyền ảo và buồn hiu hắt.
+ Hiện lên một cái tôi đang khát khao vượt thoát nỗi cô đơn, với niềm mong mỏi đầy
phấp phỏng được gặp gỡ, sẻ chia, gắn bó.
- Nghệ thuật:
+ Hình ảnh thơ vừa thực vừa ảo, có tính tượng trưng, giàu sức gợi.
+ Phối hợp tả cảnh ngụ tình với trực tiếp biểu cảm; kết hợp biến đổi nhịp điệu với biện
pháp trùng điệp; dùng cấu trúc đối lập, phép nhân hoá, câu hỏi tu từ.
٭Cảm nhận, phân tích đoạn thơ trong bài Tràng giang
- Nội dung:
+ Bức tranh tràng giang vào lúc hoàng hôn tráng lệ mà rợn ngợp, với mây chiều chất
ngất hùng vĩ, chim chiều nhỏ bé đơn côi.
+ Hiện lên một cái tôi trong tâm trạng bơ vơ, lạc lõng của kẻ lữ thứ, chẳng cần cơn cớ
trực tiếp mà mong ước đoàn tụ vẫn cứ dậy lên như sóng trong lòng.
- Nghệ thuật:
+ Hình ảnh, ngôn từ, âm hưởng đậm chất cổ điển Đường thi.
+ Kết hợp thủ pháp đối lập truyền thống với phép đảo ngữ hiện đại, bút pháp tả cảnh giàu
tính tạo hình.
b. So sánh
- Tương đồng: Cùng miêu tả bức tranh thiên nhiên trời - nước, qua đó bộc lộ nỗi buồn và
tình yêu đối với tạo vật và cuộc sống; sử dụng thể thơ thất ngôn điêu luyện, kết hợp tả
cảnh ngụ tình với trực tiếp biểu cảm.
- Khác biệt: Đoạn thơ trong Đây thôn Vĩ Dạ: là nỗi buồn của một người khát khao sống,
thiết tha gắn bó với cõi đời nhưng tự cảm thấy mong manh, vô vọng; trội về những thi
liệu trực quan từ trải nghiệm của chính mình. Đoạn thơ trong Tràng giang: bộc lộ nỗi
buồn rợn ngợp trước tạo vật mênh mông, hoang vắng cùng mặc cảm lạc loài của người
đứng trên quê hương mà thấy thiếu quê hương; trội về những thi liệu cổ điển hấp thu từ
Đường thi.
c. Lý giải
- Vì sao giống: mang tâm sự chung của thanh niên trí thức tiểu tư sản lúc bấy giờ
- Vì sao khác:
+ Hoàn cảnh sáng tác
+ Phong cách nghệ thuật của mỗi tác giả
3. Kết bài
- Đây là hai khổ thơ tiêu biểu của hai tác phẩm của hai trong ba gương mặt xuất sắc nhất
của phong trào thơ mới.
- Qua đó, ta thấy được phong cách nghệ thuật của hai nhà thơ…
KIỂU BÀI 4: KIỂU BÀI NGHỊ LUẬN VỀ VẤN ĐỀ XÃ HỘI ĐẶT RA TRONG
TÁC PHẨM VĂN HỌC.
Công thức làm bài
1.Mở bài:
- Giới thiệu tác phẩm văn học
- Giới thiệu được vấn đề nghị luận ở dạng khái quát nhất và định hướng đi, phạm vi của
bài viết.
2. Thân bài:
Bài viết cho dạng này, ở phần thân bài thường gồm hai nội dung lớn:
– Phần một:
Phân tích, giới thiệu và nêu vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học.
+ Nếu đề văn nêu sẵn vấn đề rút ra từ một tác phẩm đã học, thì phân tích qua vấn đề ấy
đã được thể hiện như thế nào trong tác phẩm.
+ Nếu đề nêu một văn bản chưa học, không cho sẵn vấn đề, thì cần đọc hiểu, phân tích để
rút ra vấn đề xã hội và ý nghĩa của vấn đề trước khi vào phần hai.
– Phần hai (trọng tâm):
Nghị luận về vấn đề xã hội rút ra từ tác phẩm văn học.Khi đã có vấn đề (đề tài, chủ đề)
cần bàn bạc rồi, thì mới bắt đầu làm bài nghị luận xã hội, nêu lên suy nghĩ của bản thân
mình về vấn đề ấy. Tùy thuộc kiểu bài ( nghị luận về tư tưởng đạo lí, hay nghị luận về
hiện tượng xã hội ) mà xác định các bước làm bài phù hợp.
3. Kết bài: Phần kết bài có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá vấn đề đặt ra ở mở bài và đã giải
quyết ở thân bài, góp phần tạo tính hoàn chỉnh, trọn vẹn cho bài văn.
Đề: Anh/ chị hãy phân tích đoạn thơ dưới đây để làm nổi bật quan niệm về thời gian
của Xuân Diệu? Anh/ chị có suy nghĩ gì về quan niệm ấy?
Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian;
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lạị
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt….
Con gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi ?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa ?
Chẳng bao giờ, ôi !chẳng bao giờ nữa…
Mau đi thôi! mùa chưa ngả chiều hôm,”
(Trích: Vội vàng (Xuân Diệu)
Hướng dẫn làm bài
1. Mở bài:
+ Giới thiệu bài thơ Vội vàng, trích dẫn khổ thơ trong đề bài
+ Giới thiệu vấn đề nghị luận: Quan niệm về thời gian của Xuân Diệu và của bản thân
học sinh.
2. Thân bài
Bước 1: Phân tích đoạn thơ để làm nổi bật quan niệm của Xuân Diệu về thời gian. Có các
ý cơ bản sau:
+ Thời gian trôi đi rất nhanh:
Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già
+ Thời gian tuyến tính, một đi không trở lại
+ Thời gian của vũ trụ thì tuần hoàn nhưng thời gian dành cho mỗi con người là hữu hạn:
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lạị
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
+ Thời gian có ý nghĩa nhất của con người là lúc còn trẻ
->Xuân Diệu gửi gắm thông điệp: Bạn trẻ hãy biết quý trọng thời gian
Bước 2: Nghị luận về thời gian
+ Quan điểm: Quan niệm của Xuân Diệu là quan niệm đúng đắn, tiến bộ, thể hiện cái
nhìn biện chứng về thời gian
+ Chứng minh: HS có thể chứng minh bằng lí lẽ, lập luận, dẫn chứng thực tế
- Sử dụng thời gian để học tập tốt, lao động tốt thì chúng ta sẽ tạo ra nhiều của cải vật
chất và tinh thần, góp phần dựng xây đất nước ngày càng giàu đẹp.
- Không biết quý thời gian, phung phí thời gian vào những việc vô bổ, không có mục đích
không hướng đến tương lai là chúng ta tự hủy hoại cuộc đời mình.
+ Bài học cuộc sống:
- Nhận thức đúng về giá trị của thời gian, tận dụng từng giây từng phút để làm những
việc có ích, để ta sẽ không bao giờ hối hận, nuối tiếc vì đã lãng phí, đã để thời gian trôi
qua vô nghĩa.
- Trân trọng thời gian, tuổi trẻ, sử dụng thời gian hợp lí
- Sống có ích, có nghĩa khi thời gian chưa trôi qua mất
3. Kết bài: Khẳng định quan niệm sống đúng đắn
Thời gian qua đi không lấy lại được. Mỗi con người chỉ có một quỹ thời gian nhất định
để sống, học tập và lao động. Vậy trong suốt thời gian ấy, chúng ta phải làm gì để đến khi
nhắm mắt xuôi tay, không phải ân hận vì những năm tháng sống hoài sống phí?. Đó là
câu hỏi lớn đặt ra cho cả đời người, do đó chúng ta phải biết quý thời gian mình đang
sống.
4. GIẢI PHÁP THỨ TƯ: ĐA DẠNG HOÁ HÌNH THỨC KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ
Với việc kiểm tra thường xuyên, giáo viên cần đa dạng hoá để học sinh phải tự giác
học tập.
- Kiểm tra vở ghi: Kiểm tra chữ viết, kiểm tra nội dung ghi chép có đầy đủ không (nhắc
nhở về cách ghi chép)
- Kiểm tra sách, tài liệu - sách tham khảo, vở nháp của học sinh. Học sinh nào chưa có,
chưa đúng yêu cầu nhắc nhở để kiểm tra lại.Nên giới thiệu một số sách tham khảo cho
học sinh sưu tầm để học tập.
- Kiểm tra đầu giờ:
+ Kiểm tra miệng: Nội dung đã nhắc từ tiết trước
+ Vừa kiểm tra miệng, vừa kiểm tra viết: Kiểm tra miệng có thể là tác giả, bài văn; kiểm
tra viết có thể cho học sinh viết nội dung nghệ thuật của tác phẩm truyện, bài thơ,…
* Đối với học sinh chưa thuộc, làm bài chưa đạt yêu cầu. Lần đầu cho về nhà học lại, làm
lại bài kiểm tra, lần 2 bố trí riêng một buổi để kiểm tra nếu không sửa chữa sẽ mời gia
đình đến để thông báo, trao đổi thêm. Đối với những học sinh cá biệt như lười học, yếu kĩ
năng, ... giáo viên nên lập một danh sách riêng để chú ý kiểm tra nhiều hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hoài Thanh, Hoài Chân (1993), Một thời đại trong thi ca , NXB Giáo dục, Hà Nội.
2. Phan Cự Đệ (1999), Văn học lãng mạn Việt Nam 1930-1945, NXB Giáo dục.
3. Đỗ Đức Hiểu (2003), Thơ mới, cuộc nổi loạn của ngôn từ NXB Giáo dục, Hà Nội.
4. Chu Văn Sơn (2003), Ba đỉnh cao Thơ mới, NXB Giáo dục, Hà Nội.
5. Đỗ Lai Thuý (1994), Con mắt thơ NXB lao động.
6. TS. Tôn Thảo Miên (tuyển chọn) (2008), Thơ Hàn Mặc Tử tác phẩm và lời bình,
Nxb Văn học
Tác giả: Trần Thị Hằng
Nguồn tin: THPT Hai Bà Trưn