Hai anh em nghèo vượt lên số phận.
Sinh ra ở vùng quê nghèo, mẹ bị tâm thần, bố đau ốm quanh
năm, cuộc sống chỉ biết trông chờ vào những ngày “băng rừng”
của hai em. Nhưng không lùi bước trước số phận, Trần Thị Thái
và Trần Văn Lương đã biến ước mơ của mình thành hiện thực
khi đưa bước chân của vùng quê nghèo lần đầu tiên vào ĐH.
Gập ghềnh đường đến trường...
Trên con đường khúc khuỷu, chúng tôi tìm đến nhà của ông Trần
Văn Dị, bố của hai em Thái và Lương. Hình ảnh đập vào mắt đầu
tiên là căn nhà gỗ mục nát nằm chềnh ềnh bên mép núi thuộc xóm
Vĩnh Tân, Hương Vĩnh (Hương Khê, Hà Tĩnh), nơi sống của gia đình
hai anh em.
Căn nhà khoảng 12m2 chẳng có gì đáng giá ngoài bàn để uống
nước, xung quanh được quây bởi những tấm ván, mái nhà lợp bằng
lá cọ đã thủng gần hết, ngồi trong nhà mà như đứng ngoài trời...
Nhìn về phía xa, hai anh em Thái, Lương đang đội trên đầu một bó
củi từ rừng về, mặt mũi lem luốc với những bước chân nặng nề.
Trong tiếng vắng lặng của khu rừng, lâu lâu lại có những tiếng cười
có vẻ ghê sợ của bà Đậu Thị Thái (mẹ hai em).
Chúng tôi gặp ông Trần Văn Dị (60 tuổi) trong bộ xương gầy guộc,
nặng chưa đầy 40kg, mới mò dậy từ tấm chăn nghe. Ông kể: “Khi
nào cũng thế, hai đứa mà được nghỉ dài ngày thì phải về nhà giúp
gia đình. Vì Lương cũng lớn rồi, giờ mà nó đi rừng thì một ngày cũng
kiếm được vài trăm, chứ ở thành phố khó kiếm tiền lắm”.
Thái ngồi ngoài cùng bên trái, tiếp theo lần lượt
là bố, Lương, mẹ.
Uống một ngụm nước chè ông thở dài: “Nhìn bà ấy thì chú biết đó, từ
khi là thanh niên xung phong về, bà bị chấn thương. Sống với gia
đình 10 năm, căn bệnh tái phát nên chẳng giúp được gì cả...”.
Trước đây, ông đi rừng chặt mây bán, đốn củi... sau này chạy “cùng
đường”, ông mới xin được vào làm công nhân ở Nông trường 20/4
(nông trường trồng chè thuộc Hương Khê) kiếm tiền nuôi hai anh em.
“Khi đó nghĩ là cho một đứa đi học thôi, nhưng thấy đứa này được đi
mà đứa khác ở nhà thì thương nó. Thôi thì cố gắng cho cháu đi học
rồi đến đâu thì đến. Đời mình khổ thì phải làm sao cho con nó đỡ
đi...”.
Sau vài năm làm công nhân, do sức khỏe yếu, ông không làm được
nữa, khi đó Lương đang học lớp 10 còn em thì học lớp 8, hai đứa trẻ
đang tuổi ăn học, cuộc sống khó khăn không biết nhìn vào đâu để có
miếng ăn hàng ngày. Buổi sáng, các em đi học, buổi chiều, hai em
vào rừng đốn củi, chặt mây để mang về xuôi bán... phụ giúp với bố
để có tiền ăn học, mua thuốc thang cho mẹ.
Nơi gia đình ông sống tách biệt với mọi người, lâu lâu vào rừng mới
gặp một người đi rừng. “Ở đây dường như ốm đau chẳng biết nhờ
cậy ai, mấy cha con, mẹ con chỉ biết động viên nhau mà sống thôi!”,
ông Dị hướng mặt ra phía xa...
Bao nhiêu năm lam lũ giữa rừng núi thiếu thốn đủ bề không thể ngăn
được bước chân của hai anh em “rừng” đến trường và thực hiện ước
mơ của mình.
Vươn lên từ vùng đất nghèo...
Cách trường học chừng 10km, mỗi ngày, hai anh em phải thức dậy
lúc 4 giờ sáng, dắt nhau băng qua rừng núi để đến trường. Nhiều
năm liền các em đều đạt học sinh giỏi, xuất sắc của Trường THPT
Hương Khê.
Trong các năm học cấp I, II, III, hai anh em luôn nhận được học bổng
của trường. Những khoản tiền đó đã thôi thúc hai em đến trường và
quyết tâm làm một điều gì để vơi bớt sự nhọc nhằn của bố.
Cuộc sống nghèo khổ nhiều lúc đã khiến hai em nản chí. Lương tâm
sự: “Có nhiều lần hai anh em học bài, nhìn thấy bố lam lũ cho tới
khuya, mẹ thì ngồi hát, hái hoa..., bọn em vừa thương mẹ, vừa tội
cho bố. Những lúc như vậy em chỉ biết khóc. Rồi nghĩ, hay là để cho
em đi học, mình ở nhà đỡ đần cho bố. Nhưng rồi bố nói, các con cứ
đi học, đời các con mà như bố thì không được, dù bố có ăn xin thì
các con vẫn phải đi học nghe chưa, thế là em quay mặt khóc, bố lại
vỗ vai động viên".
Không phụ lòng mong mỏi của bố, hai anh em Lương và Thái đã
thực hiện được ước mơ của mình. Lương đã đậu vào trường ĐH Sư
phạm Huế, Thái (em Lương) cũng đậu vào trường ĐH Ngoại ngữ
Huế, hai anh em đã biến ước mơ của gia đình và cả vùng quê nghèo
vào ĐH.
Vào học, hai anh em đã sống trong cảnh chật vật, mỗi tháng bố làm
cật lực gửi cho hai anh em mỗi người 300.000 đồng, hai anh em phải
đi làm gia sư để có thêm tiền ăn học.
Giờ đây, Lương đã học năm 3 của trường ĐH Sư phạm Huế, còn
Thái học năm 1 ĐH Ngoại ngữ Huế. Cuộc sống lại khó khăn hơn cho
em Lương khi em bị căn bệnh ung thư dạ dày. Có lẽ ước mơ của em
trở thành giáo viên về dạy cho làng mình thêm khó. “Em cũng không
biết mình có vượt qua nổi không. Trước đây chỉ có tiền ăn học mà
cũng đã khó khăn, nay lại thêm bệnh tật thì...!”, Lương lắc đầu, nước
mắt giàn dụa trào ra trong tiếng nấc nghẹn ngào của số phận trớ trêu