Tải bản đầy đủ (.docx) (17 trang)

Người đương thời thơ mới bàn về thơ xuân diệu

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (109.83 KB, 17 trang )

Người đương thời Thơ mới bàn về thơ Xuân
Diệu
09/04/2012 10:39




Trước Cách mạng tháng Tám, Xuân Diệu xuất bản hai tập thơ: Thơ thơ (1938) và Gửi hương cho
gió (1945). Tập thơ trước xuất hiện khi phong trào Thơ mới phát triển lên đến đỉnh điểm và thi
phẩm này cũng chính là một đỉnh cao của Thơ mới; còn lại tập thơ sau ra đời khi phong trào đã
đến hồi chung kết và cuộc cách mạng xã hội hầu như đã đẩy toàn bộ nền Thơ mới vào quá khứ.

Trong giới hạn cụ thể, ở đây chúng tôi chỉ điểm lại những ý kiến của người trong
cuộc, người đương thời với phong trào Thơ mới bàn về thơ Xuân Diệu. Đó chính là
những cách đọc, điểm, bình, tiếp nhận, thẩm thơ của người đương thời, chưa bị pha
phách bởi đủ mọi thứ định kiến, thành kiến, thiên kiến khác nhau…
Trên thực tế, ngay từ khi những bài thơ đầu tiên mới xuất hiện trên báo, chàng thi
sĩ chưa đầy hai mươi tuổi Xuân Diệu đã được đón chào nồng nhiệt. Đương khi ấy,
nhà thơ Thế Lữ “vừng sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam” (Hoài
Thanh - Hoài Chân) vốn nổi danh từ vài ba năm trước và đang phụ trách trang thơ


trên báo Ngày nay đã tinh tế nhận ra mầm triệu tươi xanh của một giọng thơ ngay
từ khi bài thơ còn chưa được in:
“Trong những văn thơ của các bạn gửi đến Phong hoá hồi báo còn sống, một hôm
chúng tôi nhận được một bài thơ ngắn dưới ký Xuân Diệu. Bài thơ ấy tả cái sức
huyền diệu, cái lực thần tiên của âm nhạc vang động tới tâm hồn. Tác giả thấy
hương thơm của hoa, thấy vị say của rượu ngọt, màu hương của ánh sáng và những
cánh sương khói hiển hiện lẫn lộn trong giòng suối, lời chim và tiếng khóc than.
Ý thơ tỏ ra thi sĩ có một tâm hồn đằm thắm và rất dễ cảm xúc, nhưng lời thơ chưa
được chải chuốt: ngượng nghịu như những ngón tay đờn uốn nắn còn non. Cách đó


ít lâu, ông Xuân Diệu gửi đến một bài thứ hai sửa lại bài trước, trong đó chúng tôi
thấy sự âu yếm của thi sĩ đối với nghệ thuật mình, và sự cố gắng diễn đạt những
cảm tưởng của mình bằng những lời xứng đáng. Ông khuyên người yêu hãy lắng
nghe “khúc nhạc thơm” nhuần thấm, hãy “uống thơ tan trong khúc nhạc” và:
Hãy tự buông cho khúc nhạc hường
Dẫn vào thế giới của Du Dương;
Ngừng hơi thở lại, xem trong ấy
Hiển hiện hoa và phảng phất hương...
Đó là bốn câu chu đáo nhất trong mười sáu câu bối rối và mơ hồ.
Bài thơ bởi thế không đăng, nhưng chúng tôi chắc thế nào cái thiên tài còn khép
nép kia sẽ có lúc nẩy nở ra, và khi đó sẽ có những màu đậm đà, những ánh sán lạn.
Quả nhiên sự mong ước của chúng tôi thành sự thực”…


Thế Lữ đồng cảm, đắm say với những sắc thái trữ tình của hồn thơ Xuân Diệu:
“Người ta đoán thấy dáng điệu đê mê bát ngát của người thi sĩ đa tình trong lúc say
sưa đau đớn, người ta hưởng những vị chua chát kỳ dị đằm thắm của nỗi xót
thương. Có phải không, ông đã gợi ra hết được những điều mong manh u ẩn trong
lòng người và cùng với chúng ta cùng chung những lời thở than tuyệt vọng.
Bởi vì nhà thi sĩ biết yêu, theo nghĩa rộng rãi nhất của tình yêu. Ông có tấm lòng
đắm đuối của tất cả mọi người: yêu nhan sắc, yêu non sông, yêu thơ ca, và yêu cả
những nỗi buồn thương, nhớ tiếc. Mà yêu là yêu chứ không nghĩ đến tại sao yêu?
Ông trả lời cho lòng ông rằng:
Ai đem phân chất một mùi hương,
Hay bản cầm ca? Tôi chỉ thương,
Chỉ mặc tình theo giòng cảm xúc,
Như thuyền ngư phủ lạc trong sương.
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu !
Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,

Bằng mây nhẹ nhẹ gió hiu hiu?
Cho nên nhà thi sĩ lúc nào cũng có cớ để cho tâm hồn rung động. Một ngày chủ
nhật bỏ phí đi quá nửa, đủ khiến ông xa xôi nghĩ đến những ngày dần phai:
Thong thả chiều vàng thong thả lại...


Rồi đi... đêm xám tới dần dần...
Cứ thế mà bay cho đến hết
Những ngày, những tháng, những mùa xuân.
Ông ví những giờ trong những ngày tốt đẹp ấy như những bó hoa tươi mà ông ôm
ấp trong tay, nhưng ông phải tiếc than vì bó hoa không còn được mãi:
Vừa mới khi mai tôi cảm thấy
Trong tay ôm một bó hoa cười.
Ngọn gió thời gian không ngớt thổi,
Giờ tàn như những cánh hoa rơi.
Mùa xuân với những tiếng chim ca ánh sáng; với những nụ cười thắm, kết bằng
những cánh hồng với hơi gió xuân thơm nhởn nhơ và vô ý, lả lơi thổi cho cành mai
cợt ghẹo nhánh đào, với những tiếng cây reo hớn hở mà nghệ thuật của ông đã đúc
vào những câu thanh lịch xiêt bao đậm đà:
Giữa vườn ánh ỏi tiếng chim vui,
Thiếu nữ nhìn sương chói mặt trời.
Sao buổi đầu xuân êm ái thế!
Cánh hồng kết những nụ cười tươi
Ánh sáng ôm trùm những ngọn cao
Cây vàng rung nắng lá xôn xao


Gió thơm phơ phất bay vô ý
Đem động cành mai với nhánh đào .
Đêm trăng có những ánh vàng reo thành tiếng dưới ngọn bút ông:

Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá,
Ánh sáng tuôn đầy các lối đi.
Tôi với người yêu qua nhè nhẹ,
Im lìm không dám nói năng chi.
Mùa thu với những hoa lá lả lơi và xao động, với những luồng run rẩy lạnh lẽo, với
những đêm quang sáng và những ngày buồn tênh:
Thỉnh thoảng nàng Trăng tự ngẩn ngơ,
Non xa khởi sự nhạt sương mờ,
Đã nghe rét mướt luồn trong gió,
Đã vắng người sang những chuyến đò.
Ở tình cảnh nào, Xuân Diệu cũng có lời mềm mại, hoặc sán lạn, đê mê, hoặc lả lơi
sung sướng, hoặc buồn bã tha thiết như tiếng thở than tận cõi sâu kín của tâm hồn.
Nhà thi sĩ ấy bảo ta rằng:
Tất cả tôi run rẩy tựa dây đàn.


Mà đó là những giây đờn huyền bí kết bởi muôn sợi tình cảm thiết tha, bởi những
cảnh sắc anh linh khiến cho nhà thi sĩ dễ xúc động hát lên những tiếng đẹp đẽ ngọt
ngào đã yên ủi được chúng ta trong cuộc đời thực hiện.
Sự cảm động dồi dào và quí báu của ông còn cho ta thấy nhiều hứng vị của cái
chân tài đặc biệt ấy. Tôi mong rằng sẽ được dịp nói đến thơ của Xuân Diệu nhiều
hơn để lại được ca tụng nhà thi sĩ của tuổi xuân, của lòng yêu, và của ánh sáng
(Một nhà thi sĩ mới - Xuân Diệu. Ngày nay, số 46, Xuân 1937).
Chỉ qua giữa năm sau, Thế Lữ đã có dịp viết lời tựa cho tập Thơ thơ của Xuân
Diệu và cho in báo ngay trước khi tập thơ ra đời:
“Nhân dịp đầu xuân năm xưa, tôi đã được hưởng một sự sung sướng tươi đẹp như
nắng xuân: là mách cho các bạn yêu thơ biết một nhà thi sĩ mới. Nhà thi sĩ ấy là
một chàng trai trẻ hiền hậu và say mê, tóc như mây vướng trên đài trán thơ ngây,
mắt như bao luyến mọi người, và miệng cười mở rộng như tấm lòng sẵn sàng ân ái.
Chàng ta từ hồi ấy đi trên đường thơ, hái những bông hoa gặp dưới bước chân,

những hương sắc nẩy ra bởi ánh sáng của lòng chàng. Chàng kết thành một cụm
đầu mùa để làm quà cho trần gian. Cụm hoa ấy ta đang cầm ở trong tay và người
tặng hoa kia là Xuân Diệu…"
Biết sống, biết yêu là biết suy tưởng, và bởi thế biết sầu, biết buồn. Thơ Xuân Diệu
là hơi thở thầm kín, giấu diếm, trong đó ẩn sự huyền bí, sự mênh mông ghê rợn của
một đêm trăng, sự não nùng bao la của một buổi chiều, và tất cả tâm hồn khó hiểu
của người, của đời, của cảnh sắc.
Rồi càng khó hiểu, người thi sĩ hay thu kia càng cố tìm để hiểu. Xuân Diệu tha
thiết sống nên tha thiết tìm, và nhất là tìm mình. Ông dò xét cái “thế giới bên
trong”, lượm lặt từng sợi tơ mềm yếu, từng mảnh nhớ thương, từng chút vụn sầu


tủi. Ông cứ buông tha cho ý chí theo nỗi lòng. Đó cũng là sự khôn ngoan và cũng
là một can đảm. Bởi vì:
Phải can đảm mới bền gan yếu đuối;
Phải khôn ngoan mới dư trí dại khờ.
Khi chịu mất một ít kiêu càng để được thêm rất nhiều sự sống, ông đã du ngoạn
trong xứ yêu đương mà ông quen thuộc đường lối; trong cái xứ chông gai chơm
chởm, nhưng cũng thơm tho mát mẻ vì có hoa, có suối và có bóng cây. Ở đâu, ông
cũng lắng tai để nghe nỗi lòng mình; cũng chăm mắt để tự nhận xét và chính khi
nhà thơ ấy mải mê phân tích trong trái tim mình để xem những sợi tơ tình cảm, ông
đã có ý ấp tay vào ngực nhân loại để nghe trái tim của muôn đời, của muôn người.
Sự ham muốn của người nam nhi này to rộng làm sao! Và sự sống của nhà thi sĩ
này cũng thực mạnh mẽ đầy đủ. Ở trong Xuân Diệu, người, khách đa tình và thi
nhân không ai làm thiệt thòi cho ai.
Thế mà con người phức tạp cũng đơn sơ và người thiết thực cũng mơ mộng. Câu
thơ của Xuân Diệu là hình ảnh rõ rệt tâm hồn Xuân Diệu: vui sống, sầu não, băn
khoăn, thanh thản, sâu sắc và thơ ngây.
Đem phô bày những màu ngọc, những lệ châu trong nắng sương tình cảm, thơ
Xuân Diệu chuộng ánh sáng nhưng thực ra vẫn còn bao vẻ u huyền, mỗi câu thơ

của ông nhiều ý nhiều lời hơn nhiều chữ. Đó không phải chỉ một hương gió
thoảng, đó là một tiếng sung sướng đè nén, một điệu thơ dài thấm thía trong có
nhiều giọng vang ngân.
Thi sĩ nghe thấu sự mơ hồ cũng như đã thạo dò xét những điều tinh tế. Nhạc trầm,
giọt lệ im, hồn tương tư treo ở màn tơ trắng, hương sắc của bốn mùa... mọi sự đều


lần lượt nói với ông những lời chí lý và nghệ thuật của ông nhắc lại cho ta cùng
nghe.
Nhà thi sĩ thân yêu đã âu yếm chia sẻ cho ta nỗi lòng của ông, và khi cùng với ông,
ta yêu, vui, thương nhớ hay băn khoăn, tức là ta đã an ủi được lòng con người đa
tình ấy” (Tựa “Thơ thơ” của Xuân Diệu. Ngày nay, số 119, ra ngày 17-7-1938)…
Cũng ngay trong khoảng thời gian này, Thế Lữ đang phụ trách mục Tin thơ đã nhận
ra những ảnh hưởng rõ nét từ thơ Xuân Diệu đến cây bút mới Tế Hanh. Khi nhận
được mấy bài thơ của Tế Hanh, Thế Lữ bình phẩm:
“Cũng đáng yêu, những câu thơ sau này, tả cái buồn buổi chiều của Tế Hanh, một
bạn làm thơ không nản chí. Ông Tế Hanh trước có gửi thơ nhưng tôi không nói đến
vì tôi còn đợi ở ông những bài có ý vị hơn bài Chiều là dấu vết một sự tấn tới đáng
mừng: Làn gió đen đêm tự xứ Buồn/ Đưa chiều từng mảnh choáng trời luôn/
Quanh tôi, bóng tối bao vây đặc/ Vài mảnh dần lên tới đáy hồn (…). Nhưng,…
ông Tế Hanh vẫn chưa chịu kén chọn lời thơ. Hai câu tôi đánh dấu trên kia, ý còn
hồ đồ vì những lời còn ngượng. Ở bài Chiều cũng như bài ở Ý xuân, trong đó tôi
thấy ông chịu ảnh hưởng rõ ràng của Xuân Diệu…” (Tin thơ. Ngày nay, số 121, ra
ngày 31-7-1938)…
Trong bài viết giới thiệu về Xuân Diệu nhân tập Thơ thơ mới ra đời, nhà phê bình
nổi tiếng Lê Tràng Kiều bày tỏ tiếng nói phê bình, công kích những người không
tiếp nhận được Thơ mới và cũng không hiểu được Xuân Diệu “là người có thể đại
biểu cho lối Thơ mới, lối thơ nhố nhăng, đương thịnh hành bây giờ”, “bao nhiêu
người khác ghét Thơ mới chỉ vì thành kiến”, “đám người ghét thơ mới mà ghét chỉ
vì cái lẽ giản dị là họ chẳng bao giờ chịu đọc và đọc một cách kỹ càng, đừng nói

chi độ lượng”…, từ đó đặt tập Thơ thơ của Xuân Diệu trong tương quan những tác


gia Thơ mới tiêu biểu đương thời: “Thực ra tôi cũng phải nhận rằng: thơ Xuân
Diệu không được như thơ Lưu Trọng Lư hay thơ Thế Lữ có thể cảm hóa người ta
ngay tự phút đầu và bênh vực được một cách hùng hồn lối thơ mới vì thơ muốn
cảm hóa người ta, trước hết phải có âm nhạc, mà âm nhạc ở trong thơ Xuân Diệu
hình như không phải là mối lo âu thứ nhất. Nhan nhản ở trong cuốn thơ Xuân
Diệu, ta thấy những câu trúc trắc, khấp khểnh, đọc lên thật là mệt nhọc”… Trên cơ
sở đó, Lê Tràng Kiều thẳng thắn chỉ rõ phần non kém trong tập Thơ thơ:
“Lại thêm thơ Xuân Diệu chuộng “Ý” hơn “TỨ”, chuộng tư tưởng hơn tình cảm,
hơn hình ảnh. Mà khi đã chuộng về ý, về tư tưởng thì lẽ tất nhiên người ta cần phải
rõ ràng, phải sáng sủa, phải tỉ mỉ, phải vụn vặt. Và cũng vì thế, cái lỗi to nhất ở
trong thơ Xuân Diệu là sự “nôm na”. Lắm câu đọc lên thật nghe như là văn xuôi
mà lại là một thứ văn xuôi xoàng xĩnh nữa.
Ta hãy đọc:
Chủ nhật cầu nguyện, còn trọn vẹn
Tôi chưa tiêu mất một giờ nào
Như đứa trẻ con ôm cái bánh
E dè tôi muốn giữ cho lâu.
(Giờ tàn)
Thật là xoàng xĩnh. Thật là “đồ tồi”.


Nhưng những cái vụng về sơ xuất đó tôi tưởng chỉ là những vụng về sơ xuất cần
cho một “thiên tài vừa mới nẩy nở” mà thôi. Người ta mới đẻ ra mà đã là “thầy
thợ” ngay, ấy là một điều không tốt.
Nếu thơ Xuân Diệu nhiều khi rất nôm na - nôm na cho đến chỉ là một “đồ tồi” - thì
nhiều khi - cũng có lắm cái tư tưởng - đẹp trong như viên ngọc bích:
Một tối bầu trời đắm sắc mây

Cây tím nghiêng xuống nhánh hoa gầy,
Hoa nghiêng xuống cỏ, trong khi cỏ
Nghiêng xuống làn rêu một tối đầy.

Những lời huyền bí tỏa lên trăng
Những ý bao la rủ xuống trần
Những tiếng ân tình hoa bảo gió
Gió đèo thỏ thẻ bảo hoa xuân...
(Với bàn tay ấy)
Làm sao cắt nghĩa được chữ yêu
Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt


Bằng mây nhẹ nhẹ, gió hiu hiu...

Cô hãy là nơi mấy khóm dừa
Dầm chân trong nước, đứng say sưa;
Để tôi là kẻ qua sa mạc
Tạm lánh hè gay: - thế cũng vừa.
(Vì sao)
Trên kia, tôi có nói về âm nhạc, thơ Xuân Diệu không được chăm lo một cách chu
đáo! Ý tôi muốn nói rằng: trong cuốn thơ xinh ấy có nhiều câu, nhiều chữ rất
ngang tai, sai trật với sự tiết tấu tự phiêu của thanh âm. Xuân Diệu đã không chú
trọng đến âm điệu của từng câu, từng chữ rời rạc”...
Tuy nhiên, về cơ bản Lê Tràng Kiều khẳng định và đánh giá cao tài năng Xuân
Diệu với cả chứng cứ và sự cảm nhận, phân tích sắc nét:
“Nhưng cái âm điệu toàn bài thì trong thơ Xuân Diệu là một sự hòa hợp kỳ diệu,
tài tình, rất tài tình - nếu không phải có những ngón tay của một nhạc công thì khó
lòng có thể nẩy ra được:

Trăng vừa đủ sáng để gây mơ
Gió nhịp theo đêm, không vội vàng;
Khí trời quanh tôi làm bằng tơ


Khí trời quanh tôi làm bằng thơ.

Cây có bình yên; khuya tĩnh mịch
Bỗng đâu lên khúc Lạc Âm Thiều...
Nhị hồ để bốc niềm cô tịch,
Không khóc, nhưng mà buồn hiu hiu...

Điệu ngả sang bài Mạnh Lệ Quân
Thu gồm xa vắng tự muôn đời.
Sương nương theo trăng ngừng lưng trời,
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi...

Tiếng đàn thầm dịu dẫn tôi đi
Qua những sân cung rộng hải hồ.
Có phải A Phòng hay Cô Tô?
- Lá liễu dài như một nét mi.


... Và nàng Lộng Ngọc lấy Tiêu Lang
Cưỡi hạc một đêm bay lên trời,
Vua Trần Hậu Chúa ngó trăng vàng
Khúc Hậu Đình Hoa đương lên khơi.

Linh hồn lưu giữa bể du dương...
Tôi thấy xiêm nghê nổi gió lùa

Những nàng cung nữ ước mơ vua,
Không biết bao giờ nguôi nhớ thương.

Tôi yêu Bao Tự mặt sầu bi
Tôi yêu Ly Cơ hình nhịp nhàng
Tôi tưởng tôi là Đường Minh Hoàng
Trong cung nhớ nàng Dương Quý Phi.
(Nhị hồ)
Thật là với những chữ “thần” nhạc công đã sáng tạo một không khí mà ở trong
mình không còn nhận ra mình nữa. Ta tưởng được đưa dẫn tới một thế giới nào có
sự bình lặng và trong trẻo của một tiên giới mà những bộ mặt hay những chòm cây,


những chim muông hay những lối đi có một vẻ hiền hậu, khả ái lạ thường. Chỉ một
sự sáng tạo ấy cũng đủ làm cho ta quên hết những cái vụng về, những cái nhố
nhăng của nhà thi sĩ trẻ tuổi ấy”...
Rồi từ hiện tượng thơ Xuân Diệu, Lê Tràng Kiều đi đến quan niệm và nhận định
chung về công việc phê bình văn chương, nghệ thuật:
“Người ta nhao nhao lên công kích nhà thơ ấy, theo ý tôi chỉ là vì thiếu “độ lượng”
- điều kiện cần thiết để hiểu một nhà thơ.
“Hãy yêu để mà hiểu” - nhà tư tưởng Guyau thật đã đau khổ lắm mới nói được câu
từng trải ấy.
Khi người ta đã không sẵn sàng yêu thì mắt người ta mờ đi bởi thành kiến, còn
thấy gì nữa.
Chê là một việc rất dễ. Nhưng tìm lấy một chỗ để khen mới là việc rất khó. Vì con
người ta chỉ là một nghệ sĩ có nghĩa gì đâu, bên nhà nghệ sĩ tuyệt hào ấy là Hóa
công. Ta phải tìm ở mỗi nơi, ở mỗi người, một chút ít hay, một chút ít đẹp, để góp
lại và đúc lên thành một khối hoàn hảo” (Tiểu thuyết thứ Năm, số 20, ra ngày 16-31939)…
Từ một cách cảm nhận khác, Đông Chi đã giới thiệu tập Thơ thơ trên báo Mai ở
Sài Gòn - nơi cội nguồn của phong trào Thơ mới - với tất cả sự bỡ ngỡ, ngưỡng mộ

và niềm hy vọng:
"Thi sĩ ấy, đã làm cho người ta ngạc nhiên, sửng sốt. Ngạc nhiên vì có những vần
thơ quá táo bạo, gan dạ. Sửng sốt vì đã dựng ý nhiều hơn từ. Đọc một câu cho đến
một bài, thấy trùng điệp những ý tưởng mới mẻ, đầy màu sắc, sinh khí thuộc về


triết lý, về biện - chứng - pháp. Bởi những lẽ ấy, khi đọc hết tập Thơ Thơ, tôi nhận
thấy Xuân Diệu là một thi nhân triết lý (un poete philosophe).
Thơ của Xuân Diệu mới quá, nhứt là mới ở trong sự khó hiểu. Khó hiểu đến đỗi
người ta phải gào thét lên rằng thơ Xuân Diệu bí hiểm.
Bởi đọc thơ Xuân Diệu phải mệt nhọc vì sự suy nghĩ, tìm tòi, nên người ta cho là
bí hiểm (...).
Bác hết những ý tưởng nông nổi, những quan niệm hẹp hòi, tôi nói Xuân Diệu, một
nhà thi sĩ, một thiên tài tương lai đương mở một con đường mới cho các thi gia sau
này. Nói như A. Gide, thi sĩ cũng như văn sĩ, phải đi trước thời đại. Bởi Xuân Diệu
đã đi trước mọi người, nguồn tình cảm đã đem hồn thơ rung động đến chỗ tuyệt
đích, làm cho người ta khó hiểu, mà phải ngộ nhận. Sự thật, sau đây 10, 20 năm,
người ta sẽ hiểu Xuân Diệu nhiều hơn (...).
Trời đất đã sanh ra kiếp thi nhân là bắt phải sống bằng mộng, bằng mơ, nên thơ của
Xuân Diệu là một linh hồn ham sống, sống bởi sự rung động mãnh liệt của con tim,
của Người, của Nàng. Càng gần gũi với tạo vật thiên nhiên, ông thấy mình như có
một nguồn sống liên lạc mật thiết không thể xa rời đi được. Ông thả cho hồn mộng
bay bổng lên mây tía, đón lấy bao nhiêu nhạc hường du dương, não nùng, đón lấy
tất cả vũ trụ lớn lao, ấp ủ trong lòng để ngâm nga, ca ngợi vẻ đẹp bất tuyệt, vô
cùng (...).
Đại khái những vần thơ bất tuyệt đó sẽ còn hứa hẹn cho ta nhiều tương lai rực rỡ
hơn nữa. Xuân Diệu sẽ đi từ chỗ chiến thắng đến chỗ chiến thắng, đã xây đắp cho
nghệ thuật thêm dồi dào, phong phú (Il marche de victoire en victoire, il multiplie
les chef-d’ceuvre). Hôm nay, ta chưa hiểu ông, gần ông, nhưng ngày mai ông sẽ là
một người bạn thân, có một nguồn cảm hứng mới mẻ, sáng láng, bất tuyệt, đem



đến cho ta bao nhiêu tình cảm êm đềm, đằm thắm. Ta thấy Xuân Diệu sống trong
lòng ta với bao nhiêu tiếng nhạc du dương, ấm cúng, tưởng chừng như mình đã bị
Xuân Diệu thi vị hóa mất rồi. Vì thơ ông mới luôn và sống trong lòng ta luôn"
(Thơ Xuân Diệu. Mai, S., số 79, ra ngày 31 Mars 1939)...
Gián cách qua vài bốn năm, Hoài Thanh - Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam
(1942) ngoài việc trích tuyển 15 bài đã nhận xét về tập Thơ thơ và thơ Xuân Diệu
đương thời nói chung:
“Bây giờ khó mà nói được cái ngạc nhiên của làng thơ Việt Nam hồi Xuân Diệu
đến. Người đã đến giữa chúng ta với một y phục tối tân và chúng ta đã rụt rè không
muốn làm thân với con người có hình thức phương xa ấy. Nhưng rồi chúng ta cũng
quen dần, vì ta thấy người tình đồng hương vẫn nặng (…).
Bởi Xuân Diệu đã gửi trong thơ của người lẫn với một chút hương xưa của đất
nước, bao nhiêu nỗi niềm riêng của thanh niên bây giờ - Xuân Diệu mới nhất trong
các nhà thơ mới - nên chi những người lòng còn trẻ mới thích đọc Xuân Diệu, mà
đã thích thì phải mê. Xuân Diệu không như Huy Cận vừa bước vào làng thơ đã
được người ta dành ngay cho một chỗ ngồi yên ổn. Xuân Diệu đến giữa chúng ta
tới nay đã ngót năm năm mà những tiếng khen chê vẫn chưa ngớt. Người khen,
khen hết sức; người chê, chê không tiếc lời”…
Nối tiếp ngay trong năm 1942, Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại (Quyển ba)
cũng cùng một hướng nhìn với Hoài Thanh - Hoài Chân khi luận bình về gương
mặt thơ Xuân Diệu:
“Người ta còn nhớ cái hồi tập Thơ thơ của Xuân Diệu ra đời cách đây bốn năm. Có
lẽ trừ thanh niên, còn hầu hết mọi người trí thức đều phải chặc lưỡi mà kêu: Thơ
đâu lại có thứ thơ quái gở như thế! (...).


Nhưng muốn cho công bình, ta phải phê bình tập Thơ thơ trong hoàn cảnh mới của
nó, nghĩa là hãy hiểu lấy nguồn hứng của Xuân Diệu và những ý tưởng rất mới mẻ

của ông; ta cũng lại phải chú ý đến những chữ, những câu, những vần, những điệu
trong những bài thơ mới ấy, để hiểu lấy cái nhạc điệu mới nữa (…).
Xuân Diệu thật là một người có tâm hồn thi sĩ. Ông làm thơ với sự nồng nàn, tha
thiết, nên ông không phải tay thợ thơ, một tay có tài gọt dũa, từng chữ, từng câu.
Cũng vì thế mà trong tập Thơ thơ của ông, đã có những đoạn thật du dương xen
với những đoạn quá tầm thường cả về ý lẫn lời và âm điệu, chỉ kéo lại được cái
thành thật mà thôi (…).
Nhưng chính vì có cả cái hay lẫn cái dở, cả những cái rất thấp với những cái rất
cao, nên đọc Thơ thơ tôi thấy thú vị hơn đọc những tập thơ tuy không có cái dở,
nhưng đến cái hay cũng không có nốt”…
Như vậy, qua mấy ý kiến của Thế Lữ, Lê Tràng Kiều, Đông Chi, Hoài Thanh Hoài Chân, Vũ Ngọc Phan cũng cho thấy rõ tiếng nói của người đương thời và
người trong cuộc về tiếng thơ Xuân Diệu. Họ không chỉ nồng nhiệt ngợi ca, đón
chào mà còn chỉ rõ cả những đặc điểm và giá trị, nội dung và hình thức, chất thơ và
những yếu tố khả biến, ý nghĩa cách tân và những giá trị lâu bền, những thành công
và thử nghiệm “quá tầm thường”… Riêng tập thơ Gửi hương cho gió (1945) ra đời
vào chặng cuối phong trào Thơ mới và đúng vào lúc cuộc cách mạng giải phóng
dân tộc dâng cao, khiến cho thơ Xuân Diệu và toàn bộ nền thơ cũng chuyển sang
một hướng mới, tự vận động, thay đổi và tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh xã
hội…
Hà Nội, tháng 2-2012



×