Tải bản đầy đủ (.docx) (8 trang)

Những văn tài mới nở

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (62.45 KB, 8 trang )

Những văn tài mới nở:
Chế Lan Viên − thi sĩ của vương quốc Chiêm
Thành

Trăng sáng như hào quang của ngọc lạ.

Tôi đã đốt đỉnh trầm đặt trên án…trong thanh khí của nguồn mơ hoa…, vì tối hôm
nay tôi chuốt lại [a] ngòi bút, mượn hương thơm đưa đẩy lời văn…để giới thiệu một
nhà thơ mới. Tôi đã lấy hết tinh lực của hồn, của máu, hấp lại thành một sức mạnh.
Nhưng chưa đủ. Tôi đến phải thành tâm, lạy các vì tinh tú, cầu nguyện với những linh
hồn thơ, từ muôn năm trước về giúp cho ngòi bút tôi thêm thành thực, lột được chút ít
tinh thần văn thơ của ông Chế Lan Viên.

Đảo ngược lại thời gian trong giây phút, ta mơ thấy cả một dân tộc hào hùng! Chiêm
Lạp (hay là Lâm Ấp) mà lâu đài tráng lệ đóng từ Quảng Bình, Quảng Ngãi vào tới
Phan Rang, Bình Thuận, lấn hết cả giang san của nước Việt…Nhưng sau cuộc “Nam
tiến” oanh liệt, còn đâu những thành quách kiêu căng của đám người Hời?

Một dân tộc có lịch sử, có văn minh như Chiêm Thành ngờ đâu lại chịu số kiếp điêu
tàn, tiêu diệt! Còn chăng chỉ những ngọn tháp lở lói rải rác đôi nơi cùng với thời gian
cố ngạo lại làn nắng úa, và trong đêm sương nặng nề, lắng nghe tiếng oán hờn không
bờ bến của những cô hồn vong tộc.

Tôi được ông Chế Lan Viên cho xem tập thơ Điêu tàn của ông trước khi xuất bản.
Điêu tàn đã hình dung cả một thời sáng sủa táo bạo, lẫy lừng, trong hơi nặc nồng của


máu người tử sĩ, thơm tho bên mình nàng Chiêm nữ…và ủ ê như gió lạnh ngập không
gian, và não nùng như tơ trăng ngã im lìm trên cỏ ướt.

Tôi phải kinh ngạc như mọi người khi nhìn thấy ông Chế Lan Viên, một thư sinh hiền


lành như một nàng gái mới lớn lên…Làm sao trong tấm linh hồn chất phác ấy đã sớm
nở ra những nguồn thơ mới lạ mằn mặn như nước suối Vichy song vẫn ngon môi và
mát dạ. Đọc hết tập Điêu tàn, tôi chỉ nghe mãi những tiếng căm hờn đắm đuối như
ánh sáng của vừng trăng tan ra thành khí lạnh; tôi chỉ thấy những vẻ hoang tàn rã rời
một khi sao vỡ…

Ông Chế Lan Viên, nếu không phải là trích tiên ở thượng giới bị đưa xuống trần gian
thì hẳn là một người có “máu” Chàm, nghĩa là kiếp trước ông vốn nòi giống Chiêm
Thành vậy. Không thế làm sao ông lại khóc được, − khóc một cách ngon lành…Tôi
nhận thấy cái khóc của ông bằng nước mắt thì ít, mà khóc bằng phổi bằng tim bằng
hồn bằng máu thì nhiều.

Trong khi ông mường tượng [b] đến cảnh khốc liệt của giải đất Chàm, tự nhiên bùng
lửa đỏ, tiếng vàng ngọc tan chảy với tiếng đền đài đổ nát thì ông cảm thấy:

Máu đào tuôn tràn ngập [c] cả lòng ta
Cả thân ta dầu tan trong hơi thở…

Nhìn thời gian tàn phá những cảnh tráng lệ nguy nga trước, “trên đường về” hôm nay
ông chỉ còn gặp những dấu điêu tàn:

Đây, những tháp gầy mòn vì mong đợi,
Những đền xưa đổ nát dưới thời gian,
Những sông vắng lê mình trong đêm tối


Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than

và này:


Đây những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn,
Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi.

Trên những mô đất nhuốm thắm ánh tà dương, biết đâu, đấy chẳng phải là cung điện
phi tần, mà những hàng đế vương Hời đã mê mệt với hồng nhan:

Đây trong ánh ngọc lưu ly mờ ảo,
Vua quan Chiêm say đắm thịt da ngà, [d]
Những Chiêm nữ mơ màng trong tiếng sáo
Cùng nhịp nhàng uyển chuyển uốn mình hoa.

Thi sĩ nghiệm rằng những cảnh hoan lạc đê mê ấy là hình ảnh của thảm hoạ mất nước,
nên chi càng nghĩ đến cuộc binh đao, thi sĩ càng hoảng hốt:

Mà vì đâu những đêm mờ vắng vẻ,
Bên tai ta xào xạc tiếng chân người
Mà rộn ràng loa vang và ngựa hí,
Mà đao thương xoang xoảng dân Chiêm ơi!


Ông Chế Lan Viên đã làm sống lại cả một thời kinh hãi, nhuộm màu lưu huyết. Ta đọc
đến phải hồi hộp, có lúc sửng sốt, rít lên như một bại quân tẩu thoát trong ngàn sâu…
những cảnh xương máu hỗn độn nặng nề như bước chân con chiến tượng chuyển
rừng, đã qua…Thi nhân bấy giờ chỉ ngồi than và mường tượng [b] nhớ tiếc ngày trôi,
phác hoạ lại trong tâm hồn những mẩu đời rạng rỡ, phấp phới như lá cờ trương…

Cái cảnh hồn nhiên phớt màu an lạc thật là tài tình trong những nét đơn sơ:

Đây những cảnh thái bình trong Chiêm quốc,
Những cô thôn hồng nhuộm nắng chiều tươi

Những Chiêm nữ nhẹ nhàng quay về ấp
Áo hồng nâu phủ phất xoã lời vui…

Trước vẻ hoang tàn, những đêm “không một mối trăng ngà rung muôn lá − mà bóng
đêm đầy đặc khí u buồn”, chập chờn theo lửa đốm:

Ta hãy nghe trong mồ sâu lạnh lẽo,
Tiếng thịt người nẩy nở, tiếng xương rên.
Ta hãy nghe mơ màng trong cỏ héo,
Tiếng cô hồn lặng thở khí giời đêm.

Nhưng với những hình ảnh mơ hồ, rờn rợn ấy, với tiếng kêu thiêng không chạm vỡ ấy
cũng chưa linh động và mầu nhiệm bằng dáng của ma trơi trong lúc lặng:

Đôi cành khô tìm gì trong đêm vắng


Vươn thân gầy ngăn đón gót ma Hời,
Lắng nghe xem bóng người bay lẳng lặng
Về tinh cầu giá lạnh chốn xa xôi…

Bãi tha ma hiu quạnh ấy từng phút lại ghê thêm như bóng tối lan tràn, vồ vập cả bao
la…

Ông Chế Lan Viên thi sĩ của dân Chiêm đã sống với những giờ trầm mặc giữa đồng
hoang đã thấy và đã nghe những hình những tiếng mơ hồ và huyền bí, và đã nhập hồn
vào với gió với mây.

Những khi ông nằm dài trên cửa tháp há miệng chực đớp sao rơi, ông thấy hình như
núi đá biến dần ra mây khói, trôi ngập cả dải Ngân Hà, ông lại than thở:


Ta vẫn biết nước kia trôi mãi mãi,
Chẳng bao giờ còn giở lại nguồn xa
...........................
Mạch máu ta là những suối đau thương
Mà quả đất là khối sầu vô hạn
Mà mỗi người là một lời ta thán

Văn thơ của ông cũng ví như ánh sáng không nguồn, như dư âm của một cung đàn
cuối mãi đến ngàn xa, và vì thế người ta càng nhận rõ một triết lý, một ý định, một thở
dài, trong những bài não nuột. Cả thế giới, cả ánh sáng thơm tho, cả những lời thiết
tha thương nhớ đều tan dần trong bóng tối…Đời chỉ là hư ảo, là một làn hương mơ…


Cả tập Điêu tàn như một bài văn tế của Bossuet, như một lời than của Shakespeare,
như một tiếng sao rụng im lìm không tiếng dội:

Vì có bao giờ tiếng lòng tôi vang động
Tiếng lòng tôi vang động đến Hư Vô…

Sự khủng khiếp với sự chết đối với Chế Lan Viên không có gì là dấu diếm nữa. Đây,
một sọ dừa rỏn gáy, để trước mặt ông, hãy nghe lời ông phán hỏi:

Này chiếc sọ dừa người kia mi hỡi
Dưới làn xanh mỏng mảnh của đầu mi
Mi nhớ gì, tưởng gì trong đêm tối
Mi trông mong, ao ước những điều chi?
Mi nhớ đến những cảnh pháp trường ghê rởn
Sọ muôn người lần lượt đuổi nhau rơi
Hay mi nhớ những đêm mờ rùng rợn

Hồn mi bay trong đám lửa ma trơi?

Nhưng cái sọ dừa vô tri ấy vẫn còn nhe hai hàm răng trắng tinh nguyền rủa lại lời của
ông, khiến cho ông điên tiết lên:

Hỡi chiếc sọ! ta vô cùng rồ dại
Muốn giết mi trong sức mạnh tay ta


Để những giọt máu đào còn đọng lại
Theo hồn ta tuôn chảy những lời thơ
Ta muốn cắn mi ra từng mảnh vụn
Muốn điên cuồng nuốt cả khối xương khô
Để nếm lại cả một thời xưa cũ
Cả một giòng năm tháng đã trôi qua.

Nói tóm lại trong tập Điêu tàn, một lời thơ là một lời nức nở, như hạt sương nức nở
dưới trời mai.

Tôi đã hớp từng búng máu [e] mê man từng ngụm buồn lả lướt và đã nút [g] hết chất
ngọt ngào trong lỗ miệng người Chiêm nữ.

Tôi đã để lại những niềm kinh hãi, ở trên bãi tha ma, bịt hết tai mắt để đừng nghe thất
tuỷ xương nghiến âm thầm trong những cỗ quan tài mục nát.

Tôi đã sống với phút giây choáng váng mà một người tráng sĩ Hời một khi lâm trận
mà mí mắt vụt nhiên trào huyết.

Tôi đã lẳng lặng nhìn trăng mơ tưởng cái cảnh hồn nhiên của một xứ mà sắc đẹp hay
phô phang dưới làn nắng mỏng.


Linh hồn tôi, tuỷ não tôi đã thấm thía, đã ăn sâu những mùi vị não nề.


Và tôi đã no nóc, đã hả hê, đã sung sướng khi nhận chân được cái tài hoa của ông Chế
Lan Viên và thấy ở ông: một linh hồn thi sĩ.

● Nguồn: Tràng an báo, Huế, 6 Juillet 1937.

GHI CHÚ (của Lại Nguyên Ân, người sưu tầm)

[a]

báo gốc là “chuốc lại”, ở đây sửa là “chuốt lại”.

[b]

báo gốc là “mườn tượng”, ở đây sửa là “mường tượng”.

[c]

báo gốc là “tràng ngập”, ở đây sửa là “tràn ngập”.

[d]

báo gốc là “vua quan say đắm thịt da ngà”, ở đây thêm “Chiêm” sau từ thứ ba, thành
“vua quan Chiêm..” như trong bản “Điêu tàn” hiện hành.
[e]

báo gốc là “lớp từng bưng máu”, ở đây sửa là “hớp từng búng máu”.


[g]

báo gốc là “đủ nút”, ở đây sửa là “đã nút”.



Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×