Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

Bao tang va bien doi khi hau

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (222.81 KB, 10 trang )

BẢO TÀNG VÀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Nguyễn Hải Ninh
Quá trình biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của nó đến đời sống con người
đã được biết đến từ nhiều thế kỷ nay. Nguyên do gây nên biến đổi khí hậu hay
khủng hoảng khí hậu thì cũng đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra. Tựu trung, các
nghiên cứu đều cho rằng hành động của con người, với việc khai thác, sử
dụng các nguồn nhiên liệu trong lòng đất và thải khí CO2 vào khí quyển, là
nguyên nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu.
Vậy, vai trò của bảo tàng trước vấn đề này là gì? Bảo tàng có thể tham
gia vào quá trình giải quyết khủng hoảng khí hậu toàn cầu hay không? câu trả
lời thực sự là khó xác định. Tuy nhiên, những câu hỏi này đáng để các bảo
tàng suy nghĩ cho việc định hướng các hoạt động của mình, đặc biệt là với
việc hiểu rõ được nguyên do của biến đổi khí hậu, tác động của nó tới môi
trường sống và yếu tố con người trong quá trình biến đổi của khí hậu toàn cầu.
Khi đó, các bảo tàng, với những lợi thế của mình, hoàn toàn có thể tiếp tục
phát triển nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày và đặc biệt là giáo dục về tác hại của
khủng hoảng khí hậu và vai trò của mỗi cá nhân trong việc chung tay bảo vệ
trái đất – ngôi nhà chung của cả nhân loại.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi thử đề xuất một số hướng suy
nghĩ nhằm thể hiện rõ vai trò của bảo tàng trước một vấn đề mang tính toàn
cầu: Sự biến đổi khí hậu và tác động của nó đến hiện tại và tương lai.
1. Trưng bày, giáo dục trong bảo tàng và biến đổi khí hậu:
Đúng như chủ đề cho Ngày bảo tàng quốc tế 2012 của ICOM là "Bảo
tàng trong một thế giới đang thay đổi. Thách thức mới - Nguồn cảm hứng
mới" (Museums in a Changing World. New challenges, New inspirations),
trong đó, ICOM khuyến khích các bảo tàng cần tăng cường sự hợp tác giữa
các bảo tàng và với các đơn vị nghiên cứu khác trong các hoạt động nghiên
cứu và trưng bày. Cụ thể trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu, nếu các
bảo tàng có sự hợp tác với các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành, các cơ quan
1



của Chính phủ, Bộ, Ban, ngành khác trong lĩnh vực nghiên cứu về biến đổi
khí hậu, thì các kết quả nghiên cứu, các con số thông kê, các kế hoạch đối phó
với biến đổi khí hậu sẽ đến được với công chúng, theo một hình thức khác với
các phương tiện truyền thông truyền thống, một cách tích cực và hiệu quả.
Trên thực tế, có thể nói, từ lâu các bảo tàng đã gắn hoạt động của mình
tới các hoạt động nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Những phần
trưng bày và giới thiệu về thiên nhiên, địa lý, khí hậu… tại phần lớn các bảo
tàng tỉnh, thành phố là một ví dụ. Tuy nhiên, nếu bảo tàng đề cập đến những
vấn đề cấp thiết của biến đổi khí hậu và tác động của nó đến môi trường tự
nhiên của tỉnh, thành phố mình, thì hiệu quả của nội dung trưng bày này sẽ
hấp dẫn hơn, “cập nhật” hơn và đặc biệt tính giáo dục của nội dung trưng bày
này sẽ sâu sắc hơn và có khả năng hạn chế việc áp “sách giáo khoa” vào hoạt
động trưng bày của bảo tàng.
Đặc biệt là với nội dung trưng bày về tri thức bản địa thông qua những
kết quả nghiên cứu đã được thực hiện lâu nay, cũng sẽ là những “chất liệu”
hấp dẫn để các bảo tàng trưng bày về việc con người thích ứng với sự biến đổi
của thiên nhiên, của môi trường sống ở các vùng miền. Những khu rừng
thiêng, rừng ma của người Dao, người Thái, người Hà Nhì hay như những
kiến thức truyền khẩu của người Mông về việc “bảo vệ” rừng đầu nguồn và
“bảo vệ” nguồn nước đều là những bài học thú vị về việc ứng xử của con
người với thiên nhiên, những bài học về bảo vệ môi trường vì chính cuộc sống
tương lai của họ. Hơn nữa, nếu các bảo tàng làm cầu nối giữa những chủ
trương bảo vệ rừng của Chính phủ đến với đồng bào dân tộc, gắn kết và thông
qua những tri thức bản địa vốn có của họ về thái độ thân thiện với môi trường
thiên nhiên và đa dạng sinh học thì hiệu quả của các chương trình sẽ có những
tác động mạnh mẽ và nhanh chóng hơn.
Cùng với cách tiếp cận như trên, trong phạm vị nghiên cứu về đa dạng
văn hoá cũng có thể là một “phông nền” cho các câu chuyện về biến đổi khí
hậu trong bảo tàng, đặc biệt là với các chương trình giáo dục về chủ đề này

trong các hoạt động của bảo tàng. Có thể thấy, vai trò quan trọng của bảo tàng
trong việc nâng cao sự tôn trọng của công đồng với tính đa dạng văn hoá vùng
2


miền là rất rõ ràng, rất nhiều cuộc trưng bày, cả ở Việt Nam và quốc tế đề cập
đến nội dung này. Tuy nhiên, câu hỏi ở đây là biến đổi khí hậu tác động đến
sự đa dạng văn hoá thế nào và bảo tàng trưng bày gì để kể câu chuyện này.
Trên thực tế, tác động biến đổi khí hậu đến sự đa dạng văn hoá là không trực
tiếp, nhưng biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến việc dịch chuyển khu vực
sinh sống của nhiều cộng đồng dân cư. Từ sự thay đổi địa lý khu vực sinh
sống của con người dẫn đến việc môi trường sống, môi trường canh tác và cả
môi trường tín ngưỡng cũng bị biến đổi ít nhiều. Đồng thời, tác động đó có thể
dẫn đến việc mất đi một số tri thức dân gian, phong tục tập quán, và sinh ra
những phong tục, tập quán mới. Như vậy, trưng bày và giáo dục thái độ tôn
trọng sự đa dạng văn hoá trong bảo tàng cũng là một hoạt động hướng tới việc
giáo dục về biến đổi khí hậu. Bảo tồn sự đa dạng văn hoá, thích ứng với sự
thay đổi môi trường văn hoá một cách bền vững, khai thác và canh tác vùng
đất mới một cách hiệu quả sẽ là một tác nhân quan trọng trong việc bảo vệ
môi trường sinh thái vùng đất sinh sống của cộng đồng.
Tương tự, khái niệm phát triển bền vững trong văn hoá cũng đã được
bàn thảo từ lâu, là chủ đề của nhiều hội thảo, mục tiêu hướng tới của nhiều
cuộc trưng bày trong bảo tàng. Phát triển bền vững trong văn hoá là yếu tố
quan trọng giúp cho xã hội và cộng đồng nhằm bảo vệ môi trường sống, môi
trường canh tác và môi trường tín ngưỡng là quan điểm đã được nhiều nhà
khoa học khẳng định. Tuy nhiên, bảo tàng trưng bày thế nào, giáo dục thế nào,
sưu tầm hiện vật gì? Chúng tôi xin dẫn ra đây một ví dụ liên quan đến việc
khai thác thế mạnh của các bảo tàng trong việc chuyển tải các nghiên cứu về
biến đối khí hậu vào các hoạt động của mình: Vấn đề xây quá nhiều đập nước
cho thuỷ điện ở đầu nguồn sông Mê Kông. Dưới đây là một đoạn trích báo

cáo Đánh giá môi trường Chiến lược của thuỷ điện dòng chính Mê Kông, của
ICEM – Trung tâm quốc tế Quản lý môi trường, thực hiện năm 2010, như sau:
“Khoảng 75% diện tích hồ chứa (100.000 ha) nằm trong luồng sông
Mekong. Don Sahong, Pak Lay, Luang Prabang có hơn 40% hồ nằm trong
luồng sông, trong khi Xayaburi, Ban Koum, và Pak Chom có hơn 85% nằm
trong luồng sông (Hình 32). 25,000 ha đất rừng sẽ bị ngập, cùng với 8000 ha
3


đất canh tác. Hầu hết rừng nằm gần sông Mekong đã bị suy thoái. … Đập
Sambor sẽ làm ngập hơn 16.000 ha đất trên cạn (khoảng 50% tổng). …
1.370km2 đất ven sông sẽ bị ngập vĩnh viễn bởi mực nước cao trong các hồ
chứa đập dòng chính. Tác động lớn nhất đối với hệ trên cạn là đối với hệ sinh
thái đất ngập nước. Khoảng 40% đất ngập nước của sông Mekong là nằm ở
các đoạn có dự án và 17% sẽ bị ngập vĩnh viễn bởi các đập dòng chính
(17%)”.
Những con số trên đây có thể gây ấn tượng cho bất kỳ nhà quản lý tài
nguyên, nhà hoạch định chiến lược quy hoạch, hay các nhà nghiên cứu phát
triển nông nghiệp, thuỷ sản nào. Nhưng trên thực tế, những con số này, khó có
thể làm “xúc động” các em học sinh, đối tượng khách tham quan bảo tàng –
những người có trách nhiệm không nhỏ trong việc ứng phó với những tác
động này đến cuộc sống trong tương lai. Vậy, vai trò của bảo tàng ở đây là
chuyển tải các con số ấn tượng trên thông qua các “câu chuyện” cụ thể, thực
tế để có thể tác động đến được các đối tượng khách tham quan của chúng ta.
Lấy ví dụ như câu chuyện “Đánh cá” của người dân An Giang, một trong 9
câu chuyện của Trưng bày: Câu chuyện sông Mê Kông – Thách thức và Ước
mơ (được trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và Bảo tàng An Giang
năm 2009), kể về sự thay đổi nguồn tài nguyên cá trên sông, sự cạnh tranh về
phương thức khai thác tài nguyên trên sông Mê Kông, để “minh hoạ” cho
những con số trên. Như vậy, các câu chuyện cụ thể từ những người chịu tác

động trực tiếp của biến đổi khí hậu, sẽ là những câu chuyện hữu ích, dễ gây ấn
tượng hơn là các con số thống kê khoa học về biến đổi khí hậu.
Như vậy, có thể thấy rằng gần như mọi nội dung trong trưng bày bảo
tàng đều có thể hướng tới đề tài về biến đổi khí hậu. Vấn đề ở đây là phương
pháp kết nối các nội dung trưng bày trong bảo tàng với các chương trình giáo
dục về biến đổi khí hậu và việc thích ứng với nó. Sự sáng tạo của các curator
và các nhà giáo dục trong bảo tàng ở đây là rất quan trọng. Sáng tạo ra những
câu hỏi kích thích sự suy nghĩ, trải nghiệm tư duy cho các đối tượng khách
của chúng ta trong bảo tàng chắc chắn sẽ đem lại những hiệu quả tích cực
trong trưng bày. Những câu hỏi như: Băng tan ở Nam Cực có ảnh hưởng đến
4


giao thông ở thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội không? hoặc Nghị định thư
Kyoto là nhiệm vụ của quốc gia hay của mỗi cá nhân? (Việt Nam đã ký Nghị
định thư Kyoto vào ngày 3/12/1998 và phê chuẩn vào ngày 25/9/2002). Nếu
được các bảo tàng khai thác với hướng tiếp cận thông qua các câu chuyện cụ
thể, gần gũi với giới trẻ, có thể phần nào góp phần tác động đến tư duy, đến
hành động của họ trước hiện tượng biến đổi khí hậu và góp phần giáo dục họ
chuẩn bị tốt cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai.
Chúng tôi lại xin trích một câu của Al Gore, Phó Tổng thống Hoa
Kỳ, trong video nổi tiếng của ông về biến đổi khí hậu: Những suy nghĩ mới
của Al Gore về khủng hoảng khí hậu - (Al Gore's new thinking on the climate
crisis) để làm gợi ý cho hướng suy nghĩ, nghiên cứu, trưng bày và giáo dục
trong bảo tàng về vấn đề này: “Thay đổi những chiếc bóng đèn còn quan
trọng hơn là thay đổi những điều luật”. Có thể hiểu điều này trong các hoạt
động của bảo tàng là các cuộc trưng bày, các chương trình giáo dục trong và
ngoài bảo tàng nếu tác động được đến khách tham quan để họ có những hành
động, những ứng xử, dù nhỏ nhất, nhằm bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi
trường là bảo tàng đã rất thành công, chứ không phải đề cập đến những vấn đề

quá vĩ mô, những lời nhắn nhủ tầm quốc gia, hoặc những kết quả nghiên cứu
chi tiết, đồ sồ và khó hiểu (đối với khách tham quan nhỏ tuổi). Vì nếu vậy, đôi
khi khách tham quan của chúng ta lại cảm nhận vấn đề là vĩ mô, là vấn đề có
tầm cỡ quốc gia, cho nên giải quyết vấn đề đó cũng phải là quốc gia, chứ
không phải là từ những hành động nhỏ của mỗi cá nhân.
2. Tính “gương mẫu” của bảo tàng trong quá trình giải quyết
khủng hoảng khí hậu toàn cầu:
a. “Gương mẫu” trong thiết kế kiến trúc bảo tàng:
Không quá khó để có thể thấy rằng quá trình xây dựng một công trình
kiến trúc đã sử dụng nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường đến thế
nào. Tiếp sau đó, việc vận hành và bảo dưỡng công trình kiến trúc đó cũng
gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường không kém gì việc xây dựng
công trình này. Do vậy, việc thiết kế mới hay tu sửa công trình kiến trúc bảo
tàng cần lưu tâm đến những vấn đề về bảo vệ môi trường, thích nghi và giảm
5


thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Hay nói cách khác, ứng dụng công nghệ
“xanh” trong bất kỳ dự án thiết kế mới hay tu sửa công trình kiến trúc bảo
tàng nào đều có thể là giải pháp bền vững, an toàn và kinh tế trong điều kiện
khí hậu có những biến đổi thất thường như hiện nay.
Định hướng này không chỉ phù hợp với các khuyến nghị về bảo vệ môi
trường mà còn đem lại lợi ích kinh tế lâu dài trong quá trình hoạt động của
bảo tàng. Hơn nữa, với chức năng giáo dục của bảo tàng, những bài học từ
việc ứng dụng công nghệ “xanh” sẽ là những “thực tiễn” gần gũi, thú vị và cụ
thể với các đối tượng khách tham quan của bảo tàng, đặc biệt là trẻ em và học
sinh, sinh viên.
Xin lấy Đại sứ quán Thuỵ Điển ở Hà Nội làm một ví dụ cho việc ứng
dụng công nghệ “xanh” trong quá trình vận hành một công trình kiến trúc. Đại
sứ quán Thuỵ Điển ở Hà Nội là một trong những đơn vị tài trợ cho Việt Nam

nhiều dự án bảo vệ môi trường, nghiên cứu biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Chính vì vậy, Đại sứ quán Thuỵ Điển ở Hà Nội luôn nỗ lực ứng dụng công
nghệ “xanh” cho hoạt động của chính Đại sứ quán như là một minh chứng cho
nỗ lực của mình trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Nước nóng đều là từ
năng lượng mặt trời, rác thải được xử lý thành đất cho cây cảnh, giá điện giảm
30% nhờ khuyến khích toàn bộ nhân viên tiết kiện điện và sử dụng các thiết bị
tiết kiệm điện, giảm khí thải C02 bằng việc giảm thiểu sử dụng ô tô đi lại trong
thành phố, và sử dụng các đối tác cung ứng vật tư, thiết bị có sản phẩm thân
thiện môi trường. Đồng thời, hoạt động này của họ được giới thiệu rộng rãi
cho khách đến làm việc, khách vào tra cứu tư liệu tại website của Đại sứ quán,
vì vậy, các hoạt động bảo vệ môi trường của Đại sứ quán Thuỵ Điển ở Hà Nội
không chỉ có tác dụng cụ thể mà còn là một công cụ giáo dục về bảo vệ môi
trường rất hữu ích.
Một việc “gương mẫu” nữa của bảo tàng là vấn đề liên quan đến khái
niệm GDP “Xanh”. GDP “xanh” có thể hiểu là: GDP xanh = GDP - chi phí
tiêu dùng tài nguyên và mất mát về môi trường do các hoạt động kinh tế gây
ra. Khó có thể áp khái niệm này cho hoạt động của các bảo tàng, tuy nhiên,
đây cũng là một cách suy nghĩ khi đầu tư và xây dựng một bảo tàng. Đánh giá
6


hiệu quả xã hội của bảo tàng đem lại so sánh với mức độ đầu tư kinh phí, mức
độ gây hại môi trường do công trình bảo tàng đó gây ra. Để rồi chúng ta có
một “GDP xanh” cho bảo tàng, một khoản đầu tư có ích cho xã hội. Việc xây
bảo tàng to hay bảo tàng nhỏ, đầu tư nhiều hay ít không phải là tiêu chí đánh
giá giá trị của bảo tàng với xã hội, mà tác động của các hoạt động trong bảo
tàng đến xã hội tương ứng với “độ lớn” của bảo tàng mới là tiêu chí đánh giá
sự hữu ích của một bảo tàng với xã hội.
Chúng tôi muốn lấy Bảo tàng Bom Mìn ở Siêm Riệp, Cam Pu Chia để
làm ví dụ cho việc đánh giá hiệu quả của hoạt động bảo tàng không quá phụ

thuộc vào mức đầu tư kiến trúc hay tổng mức kinh phí cho hoạt động của bảo
tàng. Thành lập năm 1997, trưng bày phần lớn ở ngoài trời, một số nhà trưng
bày là nhà cấp 4, mái tôn, không có điều hoà chỉ có quạt, bàn ghế cho khách
tham quan có khi là chính vỏ bom, mìn. Tuy vậy, Bảo tàng Bom Mìn có sức
hấp dẫn du khách chính là ở chỗ Bảo tàng hình thành trên bãi vỏ mìn đồ sộ
(sưu tập độc đáo) kết quả sau nhiều năm thu thập, tháo gỡ bom, mìn sau chiến
tranh. Dần dần, với sự với sự hỗ trợ kinh nghiệm về bảo tàng học, những
người rà phá bom, mìn đã tự phân loại, chú thích về các loại bom, mìn (trưng
bày tốt); tự kể các câu chuyện về quá trình dà, phá bom, mìn (chương trình
giáo dục hấp dẫn); các câu chuyện về hậu quả của bom, mìn sau chiến tranh
(nhân chứng sống). Sự hấp dẫn này đã đem đến cho Bảo tàng số lượng khách
tham quan ngày càng nhiều. Uy tín của Bảo tàng nay đã vượt ra khỏi biên giới
của Cam Pu Chia, các quỹ quốc tế đã hỗ trợ và Bảo tàng Bom Mìn giờ đã trở
thành một đơn vị hoạt động xã hội tích cực ở Siêm Riệp.
Có thể thấy, ngay việc xây dựng và vận hành công trình kiến trúc bảo
tàng đã có thể là những bài học giáo dục cụ thể, hấp dẫn cho khách tham quan
bảo tàng. Kết quả các cuộc trưng bày, số lượng khách tham quan, kết quả của
các chương trình giáo dục cho cộng đồng, và ảnh hưởng của các hoạt động
của bảo tàng đến nhận thức của xã hội về vấn đề mà bảo tàng đã đề cập đến
cần phải tương xứng với quy mô của bảo tàng. Như vậy mới có thể nói rằng
đầu tư kinh phí cho việc xây dựng bảo tàng đó là hữu ích.

7


b.”Gương mẫu” trong mọi hoạt động:
Một bảo tàng trưng bày, giáo dục về biến đổi khí hậu và tác động của
nó đến đời sống của con người không thể lại sử dụng các vật liệu gây nguy hại
đến môi trường hay sử dụng năng lượng quá nhiều. Việc đó có thể xem như
một trưng bày sử dụng nhiều hiện vật phục chế. Những hiện vật “giả” đó có

thể đẹp, có thể hấp dẫn về thẩm mỹ nhưng giá trị văn hoá của những sản phẩm
đó có thể sẽ làm hỏng uy tín của các trưng bày trong bảo tàng. Vì vậy, gương
mẫu đầu tiên trong bảo tàng là cố gắng tối đa sử dụng các thiết bị, vật liệu
không gây hại đến môi trường, có nguồn gốc bền vững trong các cuộc trưng
bày của bảo tàng.
Cũng giống như việc ứng dụng công nghệ “xanh” trong kiến trúc bảo
tàng, những chủ trương, quy tắc và hành động nhằm tiết giảm chi phí cho
nhiên liệu, vận hành và quản trị, văn phòng…, những hoạt động đã được thực
hiện lâu nay tại các bảo tàng, đều có thể coi là những giải pháp nhằm thích
ứng với biến đổi khí hậu. Do vậy, việc lưu tâm đến quá trình giảm thiểu tác
động của biến đổi khí hậu không chỉ là các nghiên cứu, các cuộc trưng bày,
hội thảo. Mà chương trình giáo dục thuyết phục nhất, hiệu quả nhất chính là
sự “gương mẫu” của mỗi bảo tàng trong mọi hoạt động của mình. Sự gương
mẫu đó có thể ở trong nhiều hình thức hoạt động của bảo tàng, như: quản trị
và vận hành bảo tàng; Vật liệu và năng lượng sử dụng trong trưng bày; Tái sự
dụng năng lượng; giảm thiểu khí thải ô nhiễm; sử dụng nguồn nước hiệu quả;
cây xanh trong bảo tàng; giáo cụ trong các chương trình giáo dục; quà tặng,
sách, đồ lưu niệm…
Nhắc lại chủ đề và các khuyến nghị của ICOM năm 2012, cùng với các
nội dung đã bàn trên đây, chúng ta có thể thấy rằng việc tăng cường hợp tác
giữa các bảo tàng và đơn vị nghiên cứu sẽ đem lại những lợi ích chung cho cả
các đối tác lẫn cộng đồng. Trong vấn đề thích ứng biến đổi khí hậu, việc phối
hợp nhiều bảo tàng để tổ chức các cuộc trưng bày, triển khai các chương trình
giáo dục trong và ngoài bảo tàng sẽ đem lại những hiệu quả về tiết kiệm chi
phí, nhưng tác động đến xã hội một cách rộng rãi và hiệu quả. Đặc biệt, khi ở
Việt Nam chúng ta có nhiều các bảo tàng có những đặc tính tự nhiên vùng
8


miền tương đồng: các bảo tàng miền núi Bắc Bộ, các bảo tàng vùng Tây

Nguyên… Mô hình hoạt động “Nhóm” trên thực tế đã đem lại những hiệu quả
tích cực cho nhiều bảo tàng trên thế giới. Bảo tàng Văn hoá thế giới, Thuỵ
Điển là một ví dụ, đây là một “tập đoàn” bảo tàng gồm 4 bảo tàng hợp thành:
Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Cổ vật Viễn Đông, Bảo tàng Cổ vật Địa
Trung Hải và Cận Đông và Bảo tàng Văn hóa Thế giới. Tuy với những nội
dung trưng bày khác nhau, nhưng các bảo tàng này chung các nhóm nghiên
cứu quảng bá, chiến lược quảng cáo, chiến lược hợp tác quốc tế, ban tài chính,
xưởng xây dựng… và chung cả những kết quả nghiên cứu, chương trình giáo
dục, cửa hàng lưu niệm… Với mô hình hoạt động tiết kiệm và hiệu quả như
vậy, Bảo tàng Văn hoá thế giới, Thuỵ Điển đã trở thành một trong những bảo
tàng có nhiều hoạt động văn hóa nhất vùng Bắc Âu, và những hoạt động của
Bảo tàng nay còn vươn tới các nước Châu Á, Châu Phi và cả các nước vùng
Tây Nam Á và Ai Cập.
Như vậy, có lẽ đã đến thời điểm chúng ta cần tính đến việc xây dựng
chương trình chung của các bảo tàng liên vùng, liên quốc gia nhằm vào mục
tiêu chung là trao đổi trưng bày và giáo dục về vấn đề biến đổi khí hậu. Phát
huy hết khả năng của bảo tàng với tư cách là một thiết chế văn hóa đặc thù có
đầy đủ khả năng làm thay đổi nhận thức và định hướng hành vi cho cộng
đồng. Đồng thời, với xu thế phát triển bảo tàng học hiện đại, và với bối cảnh
thế giới đang đứng trước sự đe dọa của biến đổi khí hậu, có thể nói rằng các
bảo tàng, bất kể loại hình nào, cũng đều có thể tham gia, trưng bày hay giáo
dục các nội dung liên quan đến chủ đề về biến đổi khí hậu. Để thực sự có hiệu
quả, trước hết các bảo tàng cần phát huy tốt tính “gương mẫu” trong mọi hoạt
động của mình. Sự “gương mẫu” này cùng với các cuộc trưng bày, các
chương trình giáo dục khi được triển khai và giới thiệu sẽ có thể tác động đến
đông đảo khách tham quan của bảo tàng nhắm tới mục đích giáo dục sự hiểu
biết về biến đổi khí hậu và vai trò của mỗi cá nhân trong việc ứng phó với các
tác động của biến đổi khí hậu đến tương lai. Hơn nữa, với thế mạnh về trưng
bày hiện vật, chương trình giáo dục hấp dẫn, các bảo tàng có thể gắn các câu
chuyện cụ thể và dễ hiểu với các kết quả nghiên cứu khoa học về biến đổi khí

9


hậu để qua đó các lời nhắn nhủ, cảnh báo về biến đổi khí hậu sẽ được chuyển
tải tới công chúng một cách thân thiện, hiệu quả hơn và từ đó mà có những
hành vi, kế hoạch hoạt động cụ thể góp phần thích ứng tốt với nguy cơ biến
đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu./.
N.H.N
Tài liệu tham khảo:
1. Biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Báo cáo chuyên
đề, Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, Khoa Tài nguyên và
Môi trường, 2009.
2. Đánh giá môi trường chiến lược của thủy điện dòng chính Mekong báo

cáo cuố́i cùng, Soạn thảo cho Ủy hội Mekong quốc tế, Do ICEM –
Trung tâm quốc tế Quản lý môi trường, Tháng 10, 2010.
3. Green Embassy,
< />4. Nghiên cứu tri thức bản địa trong bảo vệ rừng của người Mông tại khu

BTTN Hang Kia - Pà Cò, tỉnh Hòa Bình, Phạm Quốc Hùng (Viện Điều
tra Qui hoạch Rừng) Hoàng Ngọc Ý (Trường Đại học Lâm nghiệp Việt
Nam), 10/2009.
5. Mô đun 11: Tri thức bản địa và sự bền vững,
< />6. “Tìm kiếm nơi trú ẩn: Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên tình trạng di
cư và mất chỗ ở của con người”, Trung tâm Con người và Thiên nhiên
(PanNature Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), 5/2009.
7. Tuyên bố của ASEAN về biến đổi khí hậu,
< />ticle&id=381:tuyen-b-ca-asean-v-ng-pho-bin-i-khi-hu&catid=115:tintc-s-kin&Itemid=330>

10




Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×