Phân tâm học cấu trúc và lí thuyết ngôn ngữ của J.Lacan
Posted on Tháng Bảy 9, 2013 by chumonglong
S
tandard
Rate This
J.LACAN (19011981)
Chu Mộng Long – Chuẩn bị cho công trình dài hơi Lịch sử và Diễn ngôn, Blog Chu
Mộng Long đăng trước bài viết đã được in trong sách Văn học hậu hiện đại – Lí thuyết và
thực tiễn (NXB Đại học Sư phạm, 2012) để bạn đọc có được cái cầu nối đi tiếp sang Chủ
nghĩa hậu hiện đại. Bài viết không dễ đọc cho những ai chưa được nhập môn về Phân tâm
học và Cấu trúc luận, nhưng biết làm sao được khi đạo học không có con đường tắt, tất cả
tháp tri thức đều được xây từ nền móng xây lên.
————————————
PHÂN TÂM HỌC CẤU TRÚC
VÀ LÝ THUYẾT NGÔN NGỮ CỦA J. LACAN
Người ta nói, nửa sau thế kỉ XX, “tinh thần thế giới” đã di chuyển từ nước Đức về tả ngạn
sông Rhin, Paris trở thành mảnh đất tư tưởng giàu sáng tạo nhất. Các bộ óc lớn của thời đại đang
chen vai đến đỉnh cao trí tuệ nhân loại: Roland Barthes, Claude Levi-Strauss, Jacques Derrida,
Jean-François Lyotard, Michel Foucault, và không thể quên sự hiện diện của Jacques Lacan
(1901 -1981).
Các học thuyết với những tư tưởng cấp tiến trong sự phản biện không ngừng giữa chúng đã
thúc đẩy thế giới vận động, trong đó Phân tâm học cấu trúc(Structural Psychoanalysis) của
Lacan nổi bật như chiếc cầu tương giao và tranh chấp giữa các trào lưu Hiện đại (Modernism) và
Hậu hiện đại (Postmodernism).
Tác phẩm của Lacan đồ sộ và được quảng bá toàn cầu, nhưng tại Việt Nam, do đi tắt đón
đầu, ông ít được biết đến, hoặc biết một cách sơ sài trong sương mờ của hiếm hoi những lời giới
thiệu, hoặc dịch qua sự diễn dịch của người khác.
Bài viết này lần đầu giới thiệu tư tưởng chính của Lacan, bổ sung một số khía cạnh chưa
được nói đến hoặc nói một cách sơ sài tại Việt Nam, và hệ thống hóa những mảnh vỡ tư tưởng
Lacan bay lạc vào trong những nhà tư tưởng khác, đặc biệt nhấn mạnh vấn đề cấu trúc ngôn ngữ
mà chúng ta đang quan tâm. Lacan thực hiện một lối viết khó đến mức bí hiểm bởi ảnh hưởng
chủ nghĩa tượng trưng và siêu thực Pháp. Vì thế, đọc Lacan sẽ luôn luôn là một sự đọc lại, các
diễn ngôn về Lacan vẫn tiếp tục như một sự diễn dịch vô tận, cho nên, rất nhiều chỗ bài viết này
phỏng/dịch theo từ các chuyên gia hàng đầu về Lacan như Malcolm Bowie, Dylan
Evans, Elizabeth Wright, đặc biệt là Stephen Ross,…, và hiển nhiên, điều không tránh khỏi là sự
khúc xạ qua cách hiểu và diễn đạt chủ quan của người viết.
1. Mô hình cấu trúc RSI trong phân tâm học Lacan
Với lập trường “quay trở lại Freud”, Lacan trong mọi trường hợp đã sử dụng Freud làm nền
tảng cho cấu trúc luận của mình. Freud ví hoạt động tinh thần của con người như tảng băng mà có
đến chín phần mười lấp chìm trong sâu thẳm, Lacan xác định rằng, phần hiển lộ chính là Biểu
trưng (The Symbolic) và kìm nén bên dưới nó là Tưởng tượng (The Imaginary) và cái Thực
tồn (The Real). Vì thế, thay ba đặc khu của phân tâm học cổ điển: Cái ấy (Id), Bản ngã (Ego),
và Siêu ngã(Superego) bằng ba đặc tính: Thực tồn, Tưởng tượng và Biểu trưng, Lacan xác lập
một mô hình cấu trúc mở và động trong vòng xoắn kép giữa chúng, tiến đến phá vỡ hệ thống tự
trị và khép kín của cấu trúc luận cổ điển. Cái vòng xoắn kép ấy được biểu thị bằng gút
Borromean:
Figure 1 – a 2D representation
Figure 2 – a 3D representation
Ba mặt này gắn kết biện chứng trong cấu trúc tinh thần của chủ thể, Lacan ví như “một
Chúa Ba Ngôi vô đạo mà các thành viên của nó có thể gọi là Kẻ lừa gạt (Fraud), Kẻ vắng
mặt (Absence) và Kẻ không có khả năng (Impossibility)” [1, tr.112].
Gọi là kẻ lừa gạt, vì cái Thực tồn không bao giờ hiển lộ đầy đủ, toàn vẹn và đúng như nó
vốn có trước chủ thể mà lừa dối chủ thể qua ảo ảnh của Tưởng tượng. Lacan định nghĩa, Thực
tồn là cái “không thể tả được” (ineffable) và “không có khả năng” (impossible). Thực tồn sinh
động, sâu sắc và phức tạp, nhưng đối với chủ thể lại là ảo ảnh, hời hợt và ngẫu nhiên. […].
Cái Thực tồn “vừa là bên trong vừa là bên ngoài, và phụ thuộc một cách hờ hững với sự minh
mẫn và sự ngu xuẩn của chủ thể” [1, tr.110]. Và như vậy, Thực tồn bị nấp dưới bóng Tưởng
tượng, trong khi Tưởng tượng chỉ là một sự thay thế tạm thời cho cái Thực tồn không hiện hữu,
vắng mặt. Rốt cuộc, mọi nhận diện của chúng ta về chúng ta và về thế giới đều thông qua Biểu
trưng – cái đã điều chỉnh Tưởng tượng vào trật tự hợp lí của kinh nghiệm và tư duy.
Như vậy, cấu trúc tinh thần của con người như là sản phẩm tác động của quyền lực vô hình
lên ý thức chủ quan tạo nên sự kìm nén bên trong của những xung động bản năng, từ đó cấu
thành nên bản chất của chủ thể; về căn bản, cấu trúc phân tâm học Lacan được biểu đạt bằng sự
mô tả đồng đại. Ba lớp: Thực tồn, Biểu trưng và Tưởng tượng đồng hành như những vòng xoắn
kép. Chỗ giao nhau của RSI cấu thành toàn bộ đời sống tinh thần của con người, dù có hay
không trong một phương thức dồn nén hay trong những hiệu ứng khác nhau mà nó sinh ra –
“chúng đều bao trùm lên toàn bộ lĩnh vực phân tâm học” [3, tr.132].
Gút Borromean là một khái niệm hình học topo của RSI mà mỗi lớp được miêu tả như là một
vòng tròn móc nối với mỗi vòng tròn khác. Nó là “một cách minh họa sự phụ thuộc lẫn nhau giữa
ba lớp: Thực tồn, Biểu trưng và Tưởng tượng, như là một cách thăm dò mà ở đó ba lớp có đặc
điểm riêng và tương tác qua lại” [3, 19-20]. Giá trị chính của nó nằm trong sự thật mà nó “được
cấu thành từ hai kết nối riêng biệt với nhau bởi một cái thứ ba, và như thế, bất kì một kết nối nào
đó đòi hỏi khắt khe thì toàn bộ bị gãy đổ ra từng mảng” [1, tr.194]. Có nghĩa là, mỗi một lớp là cơ
bản trong toàn bộ hệ thống cấu trúc mà bất cứ sự chia cắt của một khâu nào cũng sẽ dẫn đến kết
quả tự động là sự gãy đổ mối liên hệ toàn vẹn, với kết quả thảm hại cho sự cấu thành cái tôi cá
nhân và trở ngại cho nó: “mỗi thời hạn được duy trì chỉ trên quan hệ không gian topo của nó với
những cái khác” [5, tr.89].
Với cấu trúc đồng đại qua mô hình RSI, Lacan thực hiện một cuộc hủy tạo phân tâm học
ngoạn mục. Ông gạt bỏ cái gọi là con người thuần túy hỗn độn tự nhiên trong tư tưởng của Freud
lẫn con người trật tự, lí tính của Hegel, Descartes và cả Saussure, Levi-Strauss. Chủ thể tính được
hình thành với tất cả nghịch lý, xung đột giữa trật tự và phi trật tự, giữa lí tính và phi lí tính. Bắt
đầu từ Giai đoạn gương (The Mirror Stage) – một cách nói ước lệ cho quá trình hình thành bản
ngã bằng sự nhận dạng của đứa trẻ thông qua tìm thấy ảo ảnh của chính nó. Gần như cách nói của
Hegel, nó nhân đôi mình lên, dị thể hóa trong đối tượng bên ngoài nhưng không phải để xác
lập trật tự hình thức của ý niệm mà đi đến sự đồng hóa trong sự ngộ nhận và nhầm lẫn giữa ảo ảnh
và hiện thực, vì thế sự đồng hóa cũng đồng nghĩa với sự tha hóa và lệch lạc nhận
thức (misrecognition), nó vừa là nó vừa không phải là chính nó đã tạo nên một cái tôi có tính tiên
nghiệm (a priori). Bản ngã, như quan niệm truyền thống, chỉ là một khuynh hướng thổi phồng của
cái tôi ảo tưởng. Lacan cho rằng, nó chỉ là một kí hiệu của bệnh lí: “cái tôi được cấu trúc chính xác
giống như một triệu chứng. Tại trung tâm của chủ thể, nó chỉ là một triệu chứng đặc quyền, triệu
chứng con người tuyệt hảo, bệnh tâm thần của con người” [5, tr.62]. Tôi tư duy là tôi tồn tại kiểu
Descartes là một sự thất bại trong nhận thức. Tư duy chỉ là thói quen của kinh nghiệm làm cho
cái Thực tồn trong tính toàn vẹn của nó bị phân rã và Tưởng tượng trong sự mong manh của nó bị
kìm nén trong các Biểu trưng, và vì thế nó không bao giờ tiếp cận được Thực tồn là gì, nhưng mặt
khác, chính Biểu trưng che đậy nhưng lại đánh thức cái Thực tồn và Tưởng tượng trong xu hướng
trở về trạng thái nguyên lai như một thứ dục vọng tự nhiên. Trong điều kiện “phát triển huyền bí
của cá nhân”, sự tham gia của Biểu trưng là bước cuối cùng sau giai đoạn gương, điểm nhận
dạng Tưởng tượng mà nó xác định sự hình thành bản ngã nhượng bộ cho trật tự Biểu trưng. Tại
điểm này, cái tôi đã thích nghi với cấu hình lưỡng phân của chính nó và khác nó, rốt cuộc, nhận
dạng của chính đứa trẻ như là đối tượng của chức năng làm cha – nguyên lí dịch chuyển của Freud
– quyền lực can thiệp vào trong sự hứng thú của đứa trẻ đối với thân thể người mẹ. Cái “không”
hay sự cấm đoán nguyên thủy này của ngôn ngữ đập vỡ sự nhận dạng Tưởng tượng của đứa trẻ với
mẹ nó và bắt đầu đặt bản thân vào Biểu trưng, trật tự của những luật lệ, cấm đoán của người cha,
và nảy sinh thèm muốn lẫn mặc cảm. Quá trình này tiến triển bởi sự sử dụng của đứa trẻ về ngôn
ngữ để phát âm những khái niệm trừu tượng thay thế cho tất cả. Trong khi sự nhận dạng
của Tưởng tượng “thừa nhận vài mặt cần thiết được chia sẻ” thì sự biểu trưng hóa lại bao hàm “sự
nhận dạng chủ thể với một sự ngăn cấm”, với cái mà nó không được phép (bởi không có khả
năng), và như vậy với cái vắng mặt hoặc thiếu hụt với tư cách là sự thật của tính chủ quan. Từ
điểm này trên cá nhân là một chủ thể được tạo ra bởi một hoạt động ngôn ngữ. “Hoạt động ngôn
ngữ này có tính chất nội bộ, ngôn ngữ được làm ra từ ngôn ngữ với tính chất tượng hình nguyên
thủy về sự tham dự của trẻ thơ trong thế giới mang tính xã hội. Quá trình này là thân thuộc với cái
nó làm ra cái tôi trong một xã hội thành những thực thể hợp pháp được gọi là chủ thể tuyệt đối bởi
sự xác nhận võ đoán của một uy quyền không thể chối cãi về một diễn ngôn đặc biệt, trong trường
hợp này là diễn ngôn hợp pháp” [5, tr.309].
Trong phạm vi mô tả cấu trúc phân tâm học, trái với Thực tồn là cái thường bị đánh đồng
với cái không thể xảy ra vàkhông thể diễn tả, và Tưởng tượng với cái viễn vông và lừa dối, Biểu
trưng lại được đánh đồng với uy quyền và luật lệ, Lacan đã duy trì tốt trong tất cả mọi hoàn cảnh
về uy quyền của Biểu trưng, một điểm nhấn dứt khoát vạch ra sức mạnh của nó từ hai sự chứng
minh là đúng. Thứ nhất, Biểu trưng là mức độ cao nhất vượt trên Tưởng tượng và Thực tồn, bởi vì
nó chỉ là phương tiện trong cái mà chúng ta có thể hiểu một trong hai lớp sau đó. Mọi cố gắng định
nghĩa, hiểu biết, lĩnh hội, thậm chí suy nghĩ một cách giản dị hoặc đi vào Thực tồn hoặc Tưởng
tượng sẽ bị chi phối tất yếu bởi địa vị thống trị của Biểu trưng. Bởi vì, chỉ thông qua phương tiện
là Biểu trưng, chúng ta mới có thể tự diễn đạt quá trình và kết luận về sự suy ngẫm của chúng ta về
chúng ta. Thứ hai, Biểu trưng là quan trọng nhất ở một phương thức cấu trúc sâu hơn trong sự
thống trị của nó đối với hai lớp khác. Sự thống trị này mở rộng ngoài giới hạn ngôn ngữ cơ bản của
sự lĩnh hội ý thức đến cấu trúc tinh thần của chính nó. Có nghĩa là, Biểu trưng có hiệu lực tại điểm
bắt chéo cắt qua hai lớp khác để phân chia chúng trên các mặt làm cho chúng hữu dụng. Uy thế
này có lẽ được chứng minh rõ ràng nhất bằng sự tác động với cái mà Biểu trưng đòi hỏi kiềm chế
là Thực tồn và Tưởng tượng, mặc dù sự kiềm chế này chưa bao giờ thành công hoàn toàn, vì chúng
luôn có xu hướng trỗi dậy như một nhu cầu giải phóng tự nhiên.
Trong cách nhìn ấy, với Lacan, vô thức là một cấu trúc phức tạp của tinh thần, nó chỉ bắt
đầu xuất hiện khi con người tham gia vào đời sống văn hóa xã hội. Nó là sản phẩm của xung đột
và hòa hoãn giữa tự nhiên và văn hóa xã hội, giữa ham muốn và trật tự luật lệ, giữa tính toàn vẹn
và tính bị phân mảnh. Điểm khác biệt giữa Lacan với Freud là trong khi Freud nhấn mạnh vào
bản tính tự nhiên và sinh lí mà con người có thể nhận diện thông qua kết tập các mảnh vỡ trong
giấc mơ, Lacan lại nhấn mạnh vào tính văn hóa xã hội đã tạo ra lối mòn và sự chệch hướng trong
nhận thức thông thường. Theo Lacan, bản tính tự nhiên và sinh lí là cái toàn vẹn nhưng không
thể nhận diện được trọn vẹn vì nó luôn luôn bị phân mảnh, tức bị cắt xén, biên tập bởi trật tự và
luật lệ của Biểu trưng. Bao viền xung quanh đời sống chúng ta là những Biểu trưng với hình thức
ước lệ là kí hiệu ngôn ngữ, cho nên không có chủ thể nào độc lập với trật tự Biểu trưng vàngôn
ngữ, chính Biểu trưng và ngôn ngữ đã đi vào chiều sâu tinh thần và điều hành cuộc sống của
chúng ta, nó che đậy và kìm nén sự thực và tư tưởng làm cho chúng ta rơi vào trạng thái vô
minh hay ngộ nhận (misrecognition). Nói một cách đơn giản (trong khi bản chất của vấn đề
không hề đơn giản), chúng ta luôn bị (nhưng lại tự tin là được) nói và hành động theo các nguyên
tắc của trật tự và luật lệ mà quên rằng thực chất cuộc sống không phải thế, chúng ta ít có cơ hội
phản tỉnh rằng, các Biểu trưng và ngôn ngữ đã tạo thành thứ mặt nạ che đậy thực chất cuộc sống
luôn muốn nổi loạn ở xung quanh chúng ta và trong chúng ta.
2. Lý thuyết mới về ngôn ngữ
2.1. Ba mặt của kí hiệu
Vô thức không nên hiểu là sự thiếu ý thức mà là một cõi riêng, thầm kín, bí mật trong cấu
trúc tâm lí của con người. Nó hiển lộ nơi bề mặt của trật tự Biểu trưng nhưng lại ẩn mật những
xung lực có tính bản năng dục vọng không thể thực hiện được, hoặc không thể chấp nhận trong
điều kiện con người bị bao phủ bởi quyền lực vô hình của trật tự và luật lệ.
Vì thế, Biểu trưng, “một chiều kích ngôn ngữ cơ bản”, trong cái nhìn của Lacan đã mang
trong mình nó ba mặt: cái biểu đạt (signifier)– mặt thứ nhất được nhận diện qua tri giác, cái được
biểu đạt (signified) gồm hai mặt sau vô hình: Tưởng tượng và Thực tồn trong vòng xoắn của
không gian ba chiều chứ không còn trên mặt phẳng nối liền cái biểu đạt/ cái được biểu đạt như
Saussure. Tất nhiên, quan hệ giữa ba mặt này hoàn toàn bất định chứ không tất định như hai mặt
của một tờ giấy bởi mâu thuẫn giữa tính trật tự của Biểu trưng với tính tự do của Tưởng tượng và
vô minh của cái Thực tồn.
Lacan không quan tâm đến một thứ vô thức tồn tại trước ngôn ngữ mà chỉ lưu tâm đến một
thứ vô thức bắt đầu hiện hữu sau khi con người đã sở đắc ngôn ngữ. Ông nói vô thức được cấu
trúc như một ngôn ngữ, nó còn là sản phẩm của ngôn ngữ. Bởi vì vô thức vận hành bằng các kí
hiệu, ẩn dụ, biểu trưng, và trong nghĩa này nó giống như một ngôn ngữ [4, tr.15].
Lacan sử dụng lại cặp nhị nguyên cái biểu đạt/ cái được biểu đạt của Saussure, nhưng hoàn
toàn theo mô hình cấu trúc phân tâm. Saussure không quan tâm đến “đám tinh vân hỗn độn” của
địa hạt tư tưởng trước khi ngôn ngữ hình thành, nhưng coi như mặc nhiên thừa nhận một giai
đoạn tiền ngôn ngữ trong cấu trúc tinh thần nhân loại. Tuy nhiên, do nhấn mạnh vai trò của ngôn
ngữ, Saussure đi đến mặc định, ngôn ngữ đã tách lọc sự hỗn độn của âm thanh và sự hỗn độn của
cảm giác và ghép đôi chúng lại thành hai mặt của kí hiệu: cái biểu đạt (âm) và cái được biểu
đạt (khái niệm), và chúng hoạt động trên đường thẳng của sự nối kết. Chỗ Saussure bỏ ngỏ chính
là: làm cách nào chúng ta đi từ sự rối rắm đến sự khu biệt và ý nghĩa được hình thành? Hơn nữa,
tính chất cố định trong cấu trúc luận của Saussure thực chất là sự lí tưởng hóa ngôn ngữ như là
công cụ đặc hiệu của tư duy, trong khi sự thực không đơn giản thế.
Thứ nhất, như Elizabeth Wright diễn giải, “Lacan cũng có một khái niệm về sự hỗn độn,
nhưng nó không phải là sự hỗn độn của tư tưởng. Nhiều nhất cũng chỉ có thể nói được đó là một
trạng thái của nhu cầu bên trong với một sự chỉ dẫn thuộc bản năng ở mức tối thiểu. Kinh
nghiệm trẻ thơ là một sự rối rắm, mơ hồ mà Lacan gọi là “l’hommelette” – một kiểu chơi chữ.
Hai ý nghĩa trong sự chơi chữ này đều thích đáng: home –lette – “con người nhỏ bé” (little man)
và “omelette” – “khối vô định dạng” (shapeless mass) của quả trứng đã vỡ trong chảo tương ứng
với sự mơ hồ của nhu cầu bên trong. Chính là dựa trên “khối vô định dạng” này mà ngôn ngữ bắt
đầu hành chức. Tuy nhiên, sự hành chức của nó không đi ngay đến sự cố định: cái biểu đạt không
được đảm bảo về mặt logic bởi sự tách lọc chúng từ khối vô định dạng. Lacan đưa ra một mô tả
cho thấy cái biểu đạt chuyển di trên chuỗi liên tục như thế nào, và những ý nghĩa thay đổi ra sao”
[8, 119].
Thứ hai, cũng theo Elizabeth Wright, sự mô tả ấy bắt đầu từ tính bất định trên cặp nhị
phân cái biểu đạt/ cái được biểu đạt của kí hiệu mà Saussure bảo chúng gắn kết như hai mặt của
một tờ giấy. Sự thật, nếu quy chiếu cái biểu đạt, sản phẩm của trật tự Biểu trưng, với cái được
biểu đạt, khái niệm hay tưởng tượng về đối tượng, quan hệ này không bao giờ trùng khít
bởi Tưởng tượng vốn tự do lại bị kìm nén trong trật tự sắp xếp của cái biểu đạt hay Biểu trưng.
Một ví dụ đơn giản theo Elizabeth Wright, nếu đem áp cái biểu đạt khác cho cùng một cái
được biểu đạt, tất yếu sẽ kéo theo một sự khác biệt trong cách diễn giải:
Như vậy, mảnh giấy trong ẩn dụ về kí hiệu của Saussure phải có ba mặt: mặt trước, khái
niệm Door, và hai mặt sau, âm thanh Ladies và âm thanh Gentlemen. Chỗ này chính Lacan cũng
không phân biệt giữa đối tượng tri giác: hình ảnh cánh cửa, và khái niệm nằm ở bên kia cánh
cửa, nhưng điều này không làm mất đi giá trị những phản tư của ông về Saussure.
Điều nữa, có thể cùng là một cái biểu đạt giống nhau có thể áp dụng với những cái được
biểu đạt khác nhau:
Cách nào thì cũng có ba mặt. Trong trường hợp này, chúng ta có hai mặt trước, hai cái được
biểu đạt là hình ảnhngười đàn ông và cánh cửa, còn mặt sau chỉ có một cái biểu
đạt là Gentlemen.
Không phải Saussure không biết về sự thay đổi này, nhưng ông lại biện minh bằng sự biến
đổi lịch đại, bởi vì, lập trường quan điểm của ông chỉ muốn chọn một lát cắt đồng đại – ngôn ngữ
tĩnh trạng tại một thời điểm lí tưởng. Với Saussure, cái biểu đạt không bao giờ trượt đi trên chuỗi
liên tục của cái được biểu đạt. Hệ quy chiếu mà Saussure xác lập là lấy kí hiệu ngôn ngữ làm
tiêu điểm, điều mà sau này Derrida đã phản biện Saussure, rằng cái tiêu điểm đó trong hệ thống
của nhà ngôn ngữ học cấu trúc vẫn còn “dội lại tinh thần của một thứ chủ nghĩa ngôn trung luận”
(“a certain logocentric resonance”), nó cự tuyệt hoàn toàn những tác động của sự thực bị gọi là
bên ngoài vào trong trí não của con người.
Dưới nhãn quan phân tâm học, Lacan tìm thấy cái biểu đạt bị trượt đi trên chuỗi liên tục,
trên một trường (field) mà từ đó cái được biểu đạt được lựa chọn để định vị. Đó là trường gì, có
phải đó là “đám tinh vân hỗn độn” như Saussure nói. Saussure hoàn toàn bỏ qua sự thực, đúng
hơn là lảng tránh sự rắc rối của nó, trong khi đó Lacan lại tìm cách định vị sự thực và xác lập nó
trong mối tương quan ba mặt: Thực tồn, Tưởng tượng, Biểu trưng và xác lập một hệ hình lý
thuyết mới về cấu trúc ngôn ngữ kể từ sau Saussure.
Chính trên cái Thực tồn và sự phản chiếu của nó qua Tưởng tượng mà ngôn ngữ với tư cách
là một chiều kích khác của Biểu trưng được vận hành, Lacan gọi nó là cái “nằm ở ngoài sự cố
chấp của các ký hiệu” [5, tr.53 -54]. Lacan xem bao viền toàn bộ đời sống con người là một mạng
lưới của các ký hiệu, biểu trưng nhưng “sự can thiệp và nhịp đập” của ham muốn và tưởng tượng
lại là chiều sâu bên trong mạng lưới ấy [5, tr.68]. “Dù ham muốn “xác định” bạn nhưng một cách
nghịch lý, nó lại thoát khỏi sự cứng nhắc về mặt logic của hệ thống biểu nghĩa. Nếu ham muốn có
thể “can thiệp” vào hệ thống, nó tham dự vào cái Thực tồn. Dường như có những yếu tố vừa nằm
bên trong chủ thể – những ham muốn của anh ta – và ở bên ngoài chủ thể – thế giới vật lý – cả hai
đều có thể làm đảo lộn hệ thống kí hiệu” [8, tr.121].
2.2. Trật tự Biểu trưng và Ngôn ngữ (The Symbolic Order and Language)
Lacan vạch ra cho hệ thống căn bản của cấu trúc và chức năng của Biểu trưng dựa trên chữ
viết tượng hình và các kí hiệu của huyền thoại. Nhân tố đầu tiên của sự ảnh hưởng này là Nhân
chủng học cấu trúc của Marcel Mauss và Claude Lévi-Strauss mà quan niệm của họ về xã hội và
chức năng xã hội như là cấu trúc và chức năng xã hội hình thành trên cái mà Lacan dựng lên
quan niệm của ông ta về trật tự Biểu trưng [2, tr.201]. Rất đơn giản, mượn khái niệm về chức
năng Biểu trưng từ Lévi-Strauss và Mauss, cũng như “tán dương Marcel Mauss chỉ ra cấu trúc xã
hội là Biểu trưng” [2, tr.201], trong phần chính của tuyển tập tác phẩm nổi tiếng nhất, Ecrits,
Lacan đã sửa lại hàng loạt các nguyên lí và phương pháp tiếp cận mới [7, tr.11].
Lacan “giảm bớt Lévi-Strauss về cái gọi là tư tưởng mà cuộc sống xã hội đã được cấu trúc từ
trước bởi những luật lệ nào đó điều chỉnh mối quan hệ họ hàng và trao đổi quà tặng. Khái niệm quà
tặng, và của một vòng trao đổi, như thế là căn bản để đi đến khái niệm của Lacan về Biểu trưng”
[4, tr.153,182]. “Vì rằng hình thức căn bản nhất của sự trao đổi là thông tin của chính nó (trao đổi
về ngôn từ, quà tặng của lời nói); và vì những khái niệm của luật lệ và của cấu trúc là không thể
tưởng tượng nổi nếu không có ngôn ngữ, Biểu trưng là một chiều kích ngôn ngữ cơ bản” [2,
tr.201].
Quan niệm của Lacan về Biểu trưng như là “một chiều kích ngôn ngữ cơ bản” gợi đến sự
khu biệt giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt của Saussure, nhưng Biểu trưng thuộc lĩnh vực
của cái biểu đạt, trong khi Tưởng tượng và Thực tồn thuộc lĩnh vực của cái được biểu đạt. Chìa
khóa trong quan niệm của Sausure về mối quan hệ nhị phân này là, sự liên kết mỗi cái biểu
đạt đã định sẵn với cái được biểu đạt là võ đoán. Cái biểu đạt chỉ đạt đến giá trị (value) trong
cách thức đối lập và liên hệ với cái biểu đạt khác. Vì sự nối kết giữa cái biểu đạt và cái được
biểu đạt là võ đoán, nên con đường duy nhất cho mọi thứ ổn định có thể vẫn được sử dụng nếu
như cái biểu đạt liên hợp thường xuyên với một cái được biểu đạt cụ thể vẫn giữ sự khẳng định
của nó thông qua một cách thức của sự phân biệt không phải từ những cái được biểu đạt khác mà
lại từ những cái biểu đạt khác – nó xác quyết quyền của nó đối với nghĩa không phải bằng sự
biểu đạt một sự nối kết chắc chắn đến cái được biểu đạt, mà bằng sự biểu đạt một mối quan hệ
phủ định đến tất cả cái biểu đạt khác. Và vì hướng vào sự truy cập đến cái được biểu đạt (Tưởng
tượng và Thực tồn) của mọi cái biểu đạt định sẵn là cái không thể xảy ra hoặc không thể truyền
đạt thông tin, cho nên chúng ta bị giới hạn trong trò chơi liên tục của cái biểu đạttrong chừng
mực chúng ta cố gắng sử dụng ngôn ngữ để giải quyết thế giới của chúng ta, một cách tiếp cận
mà hiệu quả đáng kinh ngạc là mang lại tính võ đoán về sự nối kết cái biểu đạt/ được biểu
đạt trong mọi trường hợp định sẵn. “Quan niệm của Lacan về Biểu trưng, mặc dù nó được khai
báo bằng khái niệm này trong tổng thể của nó, tập trung vào lĩnh vực của cái biểu đạt, định
vị cái được biểu đạt trong Tưởng tượng và điều đó bị loại trừ ra khỏi tính nhị phân này trong
cái Thực tồn” [7, tr.14].
2.3. Ẩn dụ và Hoán dụ (Metaphor and Metonymy)
Quan niệm nói chung về ngôn ngữ mà Lacan mượn từ Saussure thêm vào sự khu biệt
giữa ẩn dụ và hoán dụ của Jakobson, dẫn đến kết quả tương ứng của cấu trúc luận ngôn ngữ
phân tâm học trong cái nhìn mới của Lacan.
Trên nền tảng của sự khu biệt giữa hai loại chứng mất ngôn ngữ, Jakobson đã chỉ ra hai trục
đối lập căn bản của ngôn ngữ: trục ẩn dụ xử lí sự lựa chọn của quan hệ ngôn ngữ và chú ý đến sự
thay thế của chúng, còn trục hoán dụ xử lí sự kết hợp của quan hệ ngôn ngữ (cả hai liên tục và
đồng thời). Ẩn dụ vì thế tương ứng với quan hệ biến hóa của Saussure (cái nắm giữ trong sự vắng
mặt) còn hoán dụ tương ứng với quan hệ cú pháp (cái nắm giữ sự hiện diện) [2, tr.111].
Có nghĩa là, ẩn dụ có thể nhìn thấy như là quan hệ dọc, nằm trong chỗ mà ranh giới
giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt cắt ngang qua, như là cái biểu đạt băng qua trong cái
được biểu đạt và một cái biểu đạt mới được nảy sinh. Chẳng hạn, trong ẩn dụ “Juliet là mặt trời”
(Juliet is the sun), những cái biểu đạt khác nhau có thể được đặt trong vị trí của “mặt trời”: rực
rỡ, chói sáng, đẹp đẽ, xinh tươi (glorious, bright, fair, beautiful) bởi vì trải qua vạch chắn
giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt, nối liền cái mà đối tượng cần định rõ như “Juliet,” và trở
thành những cái được biểu đạt của cái biểu đạt mới, “mặt trời” [2, tr.111]). Quá trình này là cấu
trúc căn bản của sự nhận dạng vì nó xuất hiện trong tưởng tượng“vì cốt ở sự thay thế chính nó
cho một cái khác” [2, tr.113]. Và quá trình này thoát khỏi Biểu trưng để thay bằng Tưởng tượng,
Lacan xem nó như là cấu trúc căn bản của kí hiệu, như là một chỉ dẫn về một sự thất bại của quá
trình biểu trưng hóa tưởng tượng: “nếu kí hiệu là một ẩn dụ, nó không là một ẩn dụ để nói rằng
[…] kí hiệu cũng là một ẩn dụ” [1, tr.175].
Lacan mượn thuật ngữ của Jakobson để quan tâm nhiều hơn về trật tự Biểu trưng là hoán
dụ: “Lacan nối kết hoán dụ theo Jakobson, với trục kết hợp của ngôn ngữ, như là đối lập với trục
thay thế” [2, tr.113]. Nếu ẩn dụ đã là một quá trình của sự thay thế, nhờ đó một cái biểu đạt đi
đến đại diện cho một cái khác trong quan hệ với cái được biểu đạt định sẵn, thì sau đó hoán dụ
hoàn toàn là một sự vận động lịch đại vượt qua vạch chắn những cái biểu đạt khác nhau từ một
cái được biểu đạt. Trong sự tương phản với chiều vận động thẳng đứng của ẩn dụ, nó là một
chiều vận động ngang chạy dọc theo chuỗi biểu đạt, vì “một cái biểu đạt liên tục dựa vào một cái
khác trong một sự trì hoãn thường xuyên của nghĩa” [2, tr.114]. Do chỉ trong lĩnh vực
này nghĩa mới phát sinh, cho nên sự phụ thuộc của Biểu trưng vào chức năng hoán dụ của quan
hệ cái biểu đạt thực sự trở thành tâm điểm đầu tiên về mối quan tâm của Lacan với ngôn ngữ.
Ông nhấn mạnh sự trì hoãn (deferral) về nghĩa của hoán dụ mà nó được tổ chức trong trò chơi
liên tục của những cái biểu đạt, liên quan đến sự vận động sẵn sàng của chuỗi những cái biểu
đạt trên khắp những cái được biểu đạt như làslippage (nguyên tiếng Pháp: glissement – sự
trượt). Thứ bậc của sự vận động này dọc theo chuỗi biểu đạt như một sự trượt làm nổi bật lối
viết lại của Lacan về Saussure: quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt từ trạng thái cố
định (dù là võ đoán) chuyển thành bất định một cách sâu sắc.
2.4. Các mấu chần (Quilting Points)
Đối với Lacan, sự nối kết giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt chỉ là lâm thời, trong khi
Saussure đã nhìn thấy toàn bộ hệ thống ít nhiều có cơ sở vững chắc, cố định. Tất nhiên, Lacan
vẫn nhìn thấy thỉnh thoảng những điểm ổn định. Những điểm ổn định ấy được xem như là
những mấu chần (“poins de capition”, or “quilting points” – thuật ngữ này mượn từ hình ảnh các
mấu chần của đường may trên tấm nệm), những điểm mà “cái biểu đạt dừng lại rồi vận động đến
một điểm khác (glissement – sự trượt), cứ thế vô tận của sự biểu đạt” [5, tr.303] để sản sinh ra
“ảo ảnh cần thiết của một nghĩa cố định” [2, tr.149].
Có lẽ đặc trưng quan trọng nhất của những mấu chần này là tính ổn định chỉ như là dự phòng,
nhưng cần thiết, một ảo ảnh, mà nó có vẻ như là nghĩa sâu sắc được sinh ra bởi ẩn dụ và trên quy
mô lớn toàn bộ sự nhận dạng của Tưởng tượng. Thực vậy, một cách hiểu chính xác và dễ dàng
quan niệm về cả hai ẩn dụ và những mấu chần như là trường hợp của nhận dạng Tưởng tượng phá
vỡ tính nguyên vẹn và sự hợp lí của chính trật tự Biểu trưng. Mặc dầu sự phá vỡ này, nói đúng ra,
là không thân thiện với trật tự Biểu trưng, chúng cũng quan trọng đến sự sống còn của nó như là
lĩnh vực cho sự sản sinh ra nghĩa, vì sự phá vỡ như thế đáp ứng cho sự neo lại của chuỗi biểu
đạt và giữ nó lại bằng sự chuyển giao vào trong một quá trình tâm thần của ngôn ngữ thuần túy có
liên quan chính nó mà thậm chí không có ảo ảnh của quan hệ bên ngoài [2, tr.149].
2.5. Chuỗi biểu đạt (Chain of Signification)
Chuỗi biểu đạt thuộc vị trí đặc quyền ở tình thế tạm thời, chủ quan, và trên hết, dục
vọng trong lí thuyết của Lacan. Nó không chỉ thuộc về trật tự Biểu trưng, mặc dù nó thực hiện
trong và cũng thiếu chân thực bởi Tưởng tượng. Nó nằm ở chỗ cái biểu đạt “li dị” khỏi cái được
biểu đạt trong trò chơi liên tục của nó về nghĩa phái sinh lâm thời, một cách duy trì châm ngôn
của lí thuyết Saussure: “Nghĩa không tìm thấy trong bất kì một cái biểu đạt nào, mà trong trò
chơi giữa nhữngcái biểu đạt dọc theo chuỗi biểu đạt và vì thế bất định” [2, tr.185]. Trong
khi nghĩa kết hợp với sự tương tác giữa Biểu trưng và Tưởng tượng (qua mấu chần) chỉ là một
chức năng lâm thời, phi thực tế, và chóng vánh của sự nối kết giữa cái biểu đạt và cái được biểu
đạt, quan niệm của Lacan về chuỗi biểu đạt biến ý nghĩa thành một sản phẩm của sự dự
phòng và sự trì hoãn (anticipation and deferral): “cái biểu đạt, bằng bản chất của nó, luôn luôn
dự phòng nghĩa bởi sự bộc lộ chiều kích của nó trước nó” [2, tr.153].
Chuỗi biểu đạt, vì thế, về căn bản trên trục lịch đại, liên tục mở ra và liên tục phát sinh
trong hoạt động ngôn ngữ: “Một chuỗi biểu đạt có thể không bao giờ hoàn tất, vì nó luôn luôn có
khả năng thêm vào nó một cái biểu đạt khác, không giới hạn (ad infinitum), […] sự biểu đạt
không hiện diện bất kì tại một điểm nào trong chuỗi này, nhưng nghĩa “nhất định phải” nằm
trong sự vận động từ một cái biểu đạt này đến một cái biểu đạt khác” [2, tr.187–188]. Không cái
biểu đạt cá nhân nào mà nó đi đến sự hình thành chuỗi biểu đạt chứa đựng nghĩa trong một
hướng rõ ràng, nhưng phần nào nghĩa“nhất định phải” (insists) như là một chức năng của sự
tương tác giữa chúng. Lacan đã làm sáng tỏ nét khu biệt này như là phân biệt giữa một bên là
quan niệm về chuỗi biểu đạt trong cái mà nghĩa “bao hàm” (consists) nằm trong một cái biểu
đạt định sẵn và một bên là sự thừa nhận “định danh trước” (pre-eminence) về “sự khẳng định”
(insistence) như là sự sản sinh của nghĩa. Nghĩa của một trường hợp định sẵn về sự biểu đạt
không thể dễ dàng thấy rõ từ diện mạo bên ngoài của một kí hiệu mà cần phải được suy luận từ
sự biểu lộ bề ngoài của một nghĩa mà nó luôn luôn ở trong một nơi khác và không đầy đủ: “nó ở
trong chuỗi của cái biểu đạt mà nghĩa “nhất định phải” nhưng không nhân tố nào của nó “bao
hàm” trong sự biểu đạt của cái mà nó có khả năng tức thời” [5, tr.153]. Trong sự không hoàn
thành căn bản của nó và sự sản sinh khác nhau của nghĩa, chuỗi biểu đạt có lẽ được mô tả rõ
ràng nhất bởi khái niệm différance (khác – hoãn) của Derrida, đến cái mà nó mang lại một quan
hệ khái niệm chặt chẽ và nguồn gốc trí tuệ.
Mặt lịch đại bất khả giải đoán thu hút cả trong thuật ngữ Derrida lẫn “sự khẳng định” của
Lacan về nghĩa không chỉ thách thức quan niệm truyền thống về sự biểu đạt như là quy trình của
quan hệ và sự tương đương giữa cái biểu đạt vàcái được biểu đạt (chưa kể đến kí hiệu và vật ám
chỉ), mà còn ẩn chứa bản chất thời gian sâu sắc của chuỗi biểu đạt: “chuỗi biểu đạt” mà nó xếp
vào ngôn ngữ của vô thức và ngôn ngữ của lời nói thông thường là bởi sự xác định thường xuyên
trên sự chuyển động hướng tới một dục vọng tương lai […] tính chất lâm thời của nó dường như
trôi tuột một cách kì quặc và không có bản sắc – sự dịch chuyển “mạch lạc”, tính liên tục “mạch
lạc”, một sự đi chệch mục tiêu hoặc trôi tuột qua mà nó vận động về phía trước với sự trôi chảy
không thể chặn lại” [1, tr.179]. Quan tâm sít sao đến sự vận động của thời gian là chuỗi biểu
đạt mà mọi cố gắng mô tả sự trượt của cái biểu đạt trên mọi cái được biểu đạt gợi lên một sự
chuyển động tương liên chạy suốt trên trục thời gian. Thực vậy, sự tương liên này làm cho quan
niệm của Lacan về tính tạm thời cố hữu của sự biểu đạt là không cần thiết một sự vận động “về
phía trước”. Đúng hơn, trong khi Lacan hoàn toàn nhấn mạnh một cách chắc chắn đặc tính thời
gian của chuỗi biểu đạt, thì ông ta đã không nắm được rằng tính chất tạm thời này cần xuất phát
từ trong một sự điều khiển đã định sẵn: “Tính chất đường kẻ mà Saussure nắm giữ để cấu thành
nên chuỗi phát ngôn, trong sự phù hợp với sự phát ra của nó bởi một sự đơn giọng và với vị trí
nằm ngang của nó trong lối viết của chúng ta – nếu đường kẻ này là cần thiết, trên thực tế, nó
không đủ khả năng. Nó đặt vào chuỗi phát ngôn chỉ trong sự điều khiển trong cái mà nó được
định hướng cuối cùng, được thực hiện như là một nhân tố biểu hiện trong tất cả ngôn ngữ, trong
điều mà câu “Peter hits Paul” đảo ngược thời gian của nó khi lời nói này bị lộn ngược” [5,
tr.154].
Một phần lí lẽ về tính lâm thời này là căn bản để quan niệm của Lacan về chuỗi biểu đạt là
cái mà nó phân bố vào vị trí trung tâm của sự tái diễn trong quy trình của sự biểu đạt và sự trì
hoãn. Nghĩa là, mỗi trường hợp biểu đạt, mỗi cái biểu đạt rõ ràng, chỉ tái diễn hoạt động của sự
trì hoãn và phát tán mà nó kéo lại cách dùng ngôn ngữ đầu tiên của tuổi thơ để phát âm rõ ràng
mang tính nhị nguyên giữa hiện hữu và vắng mặt đã bị cái Thực tồn ám ảnh mà phân tâm học
cho rằng liên quan đến việc có mặt và vắng mặt của người mẹ, dù có thực tế biểu trưng hóa hay
không trong sự cấm đoán của người cha. Vì sự cần thiết của cảm giác để phát âm xen kẽ giữa sự
vắng mặt và hiện diện của người mẹ, đứa trẻ đập vỡ quan hệ của mình với mẹ mình trong cả hai
phạm trù, làm cho sự vắng mặt của bà mẹ có một nét đặc trưng hiện thời của thế giới Biểu
trưng, cái mà đứa trẻ đã vấp phải. “Bằng cách phân biệt giữa sự hiện diện và sự vắng mặtcủa
người mẹ, trẻ em do đó tạo ra một nhị phân của biểu trưng nguyên sơ mà ngay lập tức loại bỏ tức
thì kinh nghiệm thân xác của mình và của mẹ (như một đối tượng trong thế giới) để
đến một khoảng cách vĩnh viễn” [7, tr.20]. Từ đó về sau, ngay cả khi người mẹ là hiện diện đối
với đứa trẻ, bà ta sẽvẫn luôn luôn vắng mặt một phần bởi đức hạnh có tính đại
diện của bà trongtrật tự Biểu trưng. Trẻ em trải qua những chấn thương bởi sự tham gia vàotrật
tự Biểu trưng trongthời điểm nguyên thủy mà nó (bị điều khiển bởi cấm chỉcủa cha “No” –
“Không”) gọi sự vắng mặt như là một cái gì đó có thể được cung cấp nội dung và sự hiện
diện (dù huyền ảo). “Sự mặc khải này cũng nói lên, tuy rằng,thực tế cái hiện diện, cái luôn
luôn bị ám ảnh bởi cái vắng mặt, một tính năng được nhấn mạnh vĩnh viễn thông qua sự khẳng
địnhtrật tựBiểu trưngtrên sự cung cấp một cái biểu đạt (tuy tùy tiện) đánh dấu sự thiếu hụt của tất
cả sự hiện diện – đánh dấu thựcra chỉ đơn thuần là mang mặt nạ cho cái vắng mặt (a mask for
absence). “Tính trì hoãn vô tận và tính phù du của tất cả sự biểu đạt,vì thế đặc trưng cho mối
quan hệ của trẻ không chỉ với mẹ mà còn với tất cả các đối tượng khác trong thế giới, sự ghét bỏ
du nhập như một điều kiện tồn tại kể từ tất cả các mối quan hệ như thế là một phần của bộ
máy cảm nhận, tức là luôn luôn sẵn sàng được tổ chức bởiquá trình của Biểu trưng” [7, tr.20].
3. Tạm kết
Luận đề Vô thức được cấu trúc như một ngôn ngữ, hơn nữa còn là sản phẩm của ngôn
ngữ là một sự phản biện nghiêm túc và cũng đầy tính chất gây hấn đối với phân tâm học lẫn cấu
trúc luận trong lúc người ta tưởng chừng các đại tự sự này đã thành kinh điển.
Viết lại Freud, Lacan không từ bỏ hạt nhân cấu trúc tâm lý mà ông tổ phân tâm học đã đặt
ra, điều mà giới nghiên cứu sùng bái Freud hay phản bác Freud đều phải thừa nhận chính nó đã
chiếu sáng vào vùng tăm tối nhất của đời sống tinh thần chúng ta. Bộ tam phân của cái gọi là Id,
Ego, Superego được duy trì, nhưng cái gốc rễ của dục vọng bản năng thú vật ở con người bị cắt
bỏ, bởi không có lí do gì có sự đồng hóa giữa người và thú vật, mặc dù hành vi của cả hai có lúc
không khác nhau. Nói cách khác, vô thức không tồn tại ở súc vật, hay ở con người nguyên sơ.
Con người khi sở đắc ngôn ngữ, tức là khi nó có ý thức với những trật tự và luật lệ khắt khe mới
xuất hiện trạng thái vô thức: những dục vọng sâu kín, những tưởng tượng hư ảo để che đậy sự
thực, những hành vi vô ý thức cùng với sự mặc cảm tội lỗi và thức tỉnh lương tâm, kể cả sự ngụy
biện để che đậy tội lỗi của chính mình.
Lacan xây dựng lí thuyết ngôn ngữ như một sự kế thừa Saussure, Levi-Strauss, Jakobson
với ý thức tuân thủ nghiêm ngặt phương pháp luận khoa học của cấu trúc luận, nhưng điều ông
mở ra mới mẻ cho khoa học tương lai là chấp nhận hiện thực sống động hơn là lý tưởng hóa
bằng lát cắt đồng đại được mệnh danh là chân lí phổ quát. Tính nhị nguyên của hệ thống cấu trúc
ổn định và chặt chẽ: cái biểu đạt/ cái được biểu đạt, ẩn dụ/ hoán dụ… được thay thế thành một
hệ thống bất ổn và lỏng lẻo, thậm chí đầy kịch tính dưới cái nhìn phân tâm học. Bộ ba: Thực tồn,
Tưởng tượng, Biểu trưng trong vòng xoắn kép RSI mô tả sâu sắc sự vận động và chuyển biến đa
cực trong cấu trúc tinh thần nhân loại; chúng gắn kết, dồn nén và phân rã trong nhiều tình huống
khác nhau của đời sống. Hệ thống cấu trúc của Lacan là một hệ thống mở, chúng ta đang sống
trong trật tự do diễn ngôn quyền lực sắp đặt, bắt đầu từ các quan hệ xã hội và bao viền xung
quanh ta là những biểu trưng ước lệ chủ quan, nhưng bên trong thứ trật tự giả tạo ấy vẫn tiềm ẩn
sự thực của những biến động và thay đổi, một hệ thống có thể bị phân rã ra và các hệ thống mới
hình thành. Rốt cuộc chân lí không thuộc về sự thực, vì không có sự thực khách quan khi đã đi
vào tinh thần chủ thể với đầy ảo tưởng và nhầm lẫn, nó chuyển dịch theo cơ chế quyền lực và tri
thức, đến lúc chân lí chỉ được nhận ra bằng sự tương tác giữa các diễn ngôn như một cuộc đối
thoại vô tận của cuộc sống con người. Chiếc cầu Lacan bị bỏ qua để thay thế thành đại lộ của
những tư tưởng lớn ảnh hưởng cả thời đại như Jacques Derrida, Jean-François Lyotard, Michel
Foucault… Giải cấu trúc luận(Deconstructionism) ra đời như một sự mở màn cho các trào lưu
hậu hiện đại mà ảnh hưởng của nó bao trùm lên mọi lĩnh vực triết học, xã hội học, kinh tế –
chính trị học…
Quy Nhơn 12/2012
————————————————————————
1. Malcolm Bowie, Lacan, Cambridge, MA: Harvard University Press, (1991).
2. Dylan Evans, An Introductory Dictionary of Lacanian Psychoanalysis, New York:
Routledge, (1996).
3. Dylan Evans, “From Lacan to Darwin” in The Literary Animal, Northwestern University
Press, (2005), pp.38-55.
4. Bruce Fink, The Lacanian Subject: Between Language and Jouissance. Princeton, NJ:
Princeton University Press, (1995).
5. Jacques Lacan, Écrits: A Selection, Alan Sheridan, trans. London: Tavistock
Publications Limited, (1977).
6. Claude Lévi-Strauss, Structural Anthropology, Allen Lane, The Penguin, (1968).
7. Stephen Ross, A Very Brief Introduction to Lacan. The University of Victoria, (2002).
8. Elizabeth Wright, “Lacan and Structural Psychoanalysis”,Modern Literary Theory: A
Comparative Introduction, Edit by Ann Jefferson and David Robey, Batsford Academic and
Education Ltd, London, (1982), tr.119-133.