Tải bản đầy đủ (.docx) (6 trang)

Lý thuyết tiếp nhận trong đời sống văn chương hiện nay

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (75.37 KB, 6 trang )

Các nhà nghiên cứu ở nước ta và trên thế giới hầu như đã đi tới nhất trí xem tiếp nhận là
một lĩnh vực lớn, góp phần hoàn thiện bức tranh lý luận văn chương hiện đại của nhân loại
trong thế kỷ XX. Ấy là bởi, bước vào thời hiện đại, cùng với tính khách quan và tính lý trí, tính
chủ thể được xã hội đặc biệt đề cao. Theo nhận xét của M. Gorky, ở thời dã man, bộ lạc thường
xuyên “sợ uy quyền độc đoán của cá nhân và có thái độ thù địch với nó”. Ông có dẫn ra lối ứng
xử của người Bunga ở vùng sông Vonga thời cổ: “Nếu họ thấy một người có trí khôn phi
thường và hiểu biết sự vật sâu sắc, họ nói ‘Đã đến lúc hắn phải đi phụng sự thượng đế’, đoạn
bắt lấy người đó, đem treo lên cây cho đến khi nào cái xác rữa ra từng mảnh”. Còn người Xôza
lại có lệ như sau: “Khi bầu thủ lĩnh xong, họ chòng một sợi dây thòng lọng vào cổ hắn và hỏi
xem hắn muốn cái trị nhân dân bao nhiêu lâu. Thủ lĩnh nói bao nhiêu thì phải cai trị đúng bằng
ấy, nếu không họ sẽ giết chết hắn”. Những tục lệ tượng tự khá phổ biến trong thời tiền - hiện
đại, thể hiện tâm trạng lo sợ của thị tộc, bộ lạc trước sự phát triển của yếu tố cá nhân trong
tương quan với lợi ích và xu hướng chung của tập thể (1, tr.65). Tình trạng này tỏ ra xa lạ vớ
con người văn minh hiện đại mong muốn tìm sức mạnh cộng đồng trong sức mạnh của từng cá
nhân, và xem sự hoàn thiện của mỗi cá nhân là mục đích tối thượng của cả cộng đồng.

Tính tích cực chủ động của con người càng được biểu hiện rõ rệt và càng được đòi hỏi
cao khi các cuộc cách mạng và đổi mới diễn ra. Nhờ thế đã nảy sinh ra nhiều cách đọc, cách
hiểu khác nhau về cùng một tác phẩm. Nên xem mỗi cách đọc, cách hiểu ấy có lẽ tồn tại riêng
bổ sung cho nhau mà không nhất thiết phủ định lẫn nhau. Thậm chí có thể xem đó là chuyện tự
nhiên, hơn thế, là chuyện tất nhiên trong tiếp nhận dưới cái nhìn hiện đại. Tôi muốn nhấn mạnh
tớimục tiêu khai sáng của mọi hành vi văn hóa đích thực. Vâng, văn hóa phải hướng tới
việc giải phóng tinh thần con người, giúp cho mọi người được tự do thật sự. Muốn vậy, cần
phải học để có thể thừa nhận rồi đi tới tôn trọng cái khác mình. Vì trong xã hội, sự tự do của
mỗi người là điều kiện cho sự tự do của mọi người. Không phải vô cớ mà nhà thơ đương đại
nổi tiếng Trung Quốc Bắc Đảo lại viết rằng: “Ở đời có rất nhiều nguyên tắc, và trong số này
nhiều nguyên tắc mâu thuẫn nhau. Chấp nhận sự tồn tại những nguyên tắc của người khác là
nền tảng cho sự tồn tại của chính chúng ta”. Từ đó, ông đề nghị nên hiểu hàm nghĩa tính dân
tộc – một phạm trù mỹ học được nhiều người tôn sùng, theo một cách mới, một cách khác:
“Đặc tính dân tộc không phải một dấu ấn đơn giản, mà nó phải phản ánh được tinh thần dân tộc
phức tạp của chúng ta” (tienve.org). Không “đơn giản” nghĩa là giàu có. Không “đơn


giản” còn có nghĩa là không một chiều.

Từ đó, nên xem phản tiếp nhận là sản phẩm của tư tưởng văn hóa tiên phong thời hiện
đại trong những xứ sở thật sự văn minh luôn tôn trọng và đề cao từng cá nhân con người trong
mối giao hòa mật thiết, không thể tách rời với cộng đồng. Bởi lẽ, trong các hoạt động tinh thần
của con người và xã hội thì văn chương, nghệ thuật bao giờ cũng được xem là một trong những
hiện tượng sống động và nhạy cảm nhất. Xem xét, thẩm định nó chưa bao giờ là công việc dễ


dàng - một lần là có thể cho tất cả, mọi người và mọi thời. Chẳng hạn, ở ta, truyện ký Sống như
anh của Trần Đình Vân một thời được xem là “bài ca lớn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng”
còn truyện ký Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi là “mẫu mực của chủ nghĩa anh hùng cách
mạng”. Đánh giá mang tính chính thống ấy giờ đây đã nhiều phần thay đổi. Vì thời thế cơ bản
đã thay đổi. Mọi giá trị đều mang tích lịch sử là bởi thế. Có lịch sử ngắn, lại có lịch sử dài lâu.
Nhà thơ Tố Hữu vào những ngày cuối đời hoàn toàn có cơ sở để nghĩ rằng: “Trước kia có nhiều
việc tưởng có thể đánh giá được trong một hai thập kỷ, ngày nay có sự việc lại là chuyện của cả
thế kỷ” (2, tr.17). Ví như, trước đây, có lần Tố Hữu viết: Phan Bội Châu với câu thơ dậy
sóng chan chứa cảm thông trong nhiệt hứng đề cao, còn Phan Châu Trinh thì lạc lối trời Âu
nghĩa là bị xem là hạn chế hơn. Theo giáo sư Hà Minh Đức thì sau này “ông đã sửa lại” và xem
hai cụ đều là “cách mạng, mang phẩm chất cách mạng” (2, tr.18). Cũng theo giáo sư, ở Thư
viện Trung ương, có lúc người ta băn khoăn không biết xếp hồi ký Bất khuất của Nguyễn Đức
Thuận vào ô phích nào, chính trị hay văn học, và cuối cùng đành xếp cả vào hai loại (2, tr.18).
Nên xem những trường hợp tương tự trong lịch sử văn chương là bình thường, và ở góc độ
khác có thể xem đó chính là báu vật của công cuộc Đổi mới được khởi đầu từ năm 1986 đến
nay. Dưới ánh sáng của tư tưởng mới, nhà văn Đỗ Chu viết trong Thăm thẳm bóng người: “Đến
hôm nay thì người Việt Nam nào cũng có thể hiểu Truyện Kiều là một áng văn bất hủ, cả những
người chưa kịp đọc Kiều cũng cho Nguyễn Du là nhà thơ lớn. Nhưng vua Tự Đức khi gấp cuốn
sách ấy lại đã nói, anh này nếu còn sống thì trẫm nọc ra đánh cho trăm roi. Mà Tự Đức đâu
phải ông vua ít chữ, khi bà vợ yêu là Bằng Phi mất, ông ấy đã có những câu thơ rất hiếm
thấy, Xếp tàn y lại để dành hơi. Khóc vợ đến thế là yêu khôn xiết…Lại như ông Mao một nhân

vật lịch sử không dễ bàn, nhưng về thơ chắc chắn đấy là một nhà thơ lớn, rất đa tình, Ngã thất
kiều Dương quân thất Liễu, ta mất nàng Dương em mất chàng Liễu…Văn chương của những
bậc đế vương xưa nay đều rất đáng nể, đáng nể vì nó có mang khí phách vương giả, Nhưng có
điều cũng rất đáng quan ngại, đó là khi họ bàn về thi ca học thuật. Trong những người ấy hy
hữu lắm mới tìm ra nổi một vài người có thể xem là “vô thằng” tức là không còn gì trói buộc,
có đủ bản lĩnh vượt ra khỏi cái bóng quyền lực của mình mỗi khi đứng trước quyền lực thi ca”
(3, tr.9 - 10).

Thực ra, ngay từ cổ xưa, nhiều người thuộc nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới đã có
những suy nghĩ rất tân tiến, vượt trước thời mình sống khá xa. Đạo sỹ Ấn Độ sống vào khoảng
thế kỷ thứ X là Abhinavagupta có đoạn thơ ẩn chứa không ít minh triết của mọi thời đại : “Khi
người ta ra công suy nghĩ và tưởng tượng, người ta có thể nói rằng: điều này là chân lý, điều
kia là chân lý. Sự thực tất cả đều là chân lý. Trong các ý nghĩ thành thực phát sinh tự thâm tâm
ta, không có cái gì là mâu thuẫn. Các nhà hiền triết chỉ tranh luận với nhau về từ ngữ mà thôi”
(4, tr.17). Nghĩa là, có nhiều con đường khác nhau dẫn đến chân lý. Vả chăng, cũng không có
cái đúng tuyệt đối trên đời. Mỗi người bởi vậy chỉ có thể tiếp cận những khía cạnh khác nhau
của sự thật. Tất thảy tùy thuộc vào chỗ đứng và lối nhìn của từng người trong từng trường hợp


cụ thể. Đối thoại và tranh biện vì thế bao giời cũng cần thiết trên con đường kiếm tìm chân lý
đích thực. Xin nhớ lại ý kiến của M. Montaigne (1533 - 1592) trong Essais (Thể nghiệm) - tác
phẩm chủ yếu mà ông dành hầu như cả cuộc đời để viết và sửa. Trong luận văn này ông bàn
bạc rất thấu đáo về nghệ thuật tranh biện. Về vai trò của nó, ông viết: “Sự rèn luyện tự nhiên
và có hiệu quả nhất đối với trí tuệ của chúng ta, theo ý tôi là tránh biện. Nếu như giờ đây tôi
buộc phải có một lựa chọn, thì tôi cảm thấy, điều này thì tôi đón chắc, thà chọn bị mù mắt còn
hơn là bị câm hay bị điếc…”. Ông lý giải: “Những tưởng tượng của anh ta sẽ mời gọi những
tưởng tượng của tôi. Lòng ghen ghét, niềm vinh quang, sự tranh cãi thúc đẩy tôi, và nâng tô
lên cao hơn cái tầm của chính bản thân tôi. Còn sự nhất trí thì lại là phẩm chất của một cái gì
hoàn toàn buồn chán trong sự diễn giảng”. Ông nói: “Trước mỗi sự đối lập, ta thường không
xem nó có đúng hay không, trái hay phải, mà lại chỉ xem chống lại nó như thế nào. Thay vì

dang tay đón nhận, ta lại nhe nanh dương vuốt ra”. Theo ông đó là một thói quen không hay
Nên nghĩ: “Khi người ta đối lập với tôi thì người ta đánh thức sự chú ý của tôi, chứ không phải
cơn giận dữ của tôi; tôi tiến thêm dần tới chỗ con người đối lập với tôi, con người đang dạy dỗ
tôi. Sự nghiệp chân lý cần phải là sự nghiệp chung của người này lẫn người kia” (5). Đó là
những lời khuyên bảo chân tình, xuất phát từ sự trải nghiệm nghiêm túc nhất.

Muốn có đối thoại khoa học thật sự, thì về nguyên tắc, những người tham gia không
được phép cho mình luôn hơn người. Nhất là về mặt trí lự. Nhân vô thập toàn – cổ nhân từng
dạy vậy. Dường như ai cũng thấy như thế là phải. Thế nhưng, trên thực tế, rất ít người chịu
đựng được sự chê bai nhiều khi rất đúng và rất thật của người khác. Họ lại càng ngại nói ra cái
xấu, cái hạn chế của mình và của giới mình. Nên học E. Poe. Ông có thói quen nói thẳng những
ý nghĩ của mình. Trong 125 bài báo và 26 tiểu luận, dưới ngòi bút phân tích, phê phán sắc sảo
nghiêm khắc đến nghiệt ngã của ông, nhiều nhà văn Mỹ đương thời hiện lên như những bức
chân dung độc địa và tàn nhẫn. Vậy mà không mấy nhà văn lên tiếng phản ứng. Có thể họ hiểu
được động cơ phê bình đúng đắn của E. Poe. Cũng có thể, các nhà văn đó đủ tài trí vượt thoát
khỏi mọi sự phen chê ở đời. Dù vì bất cứ lý do gì thì hiện tượng này cũng đáng để hậu bối
chúng ta suy nghĩ, học hỏi. Hay như nhà thơ, nhà phê bình người Pháp P. Valéry. Khi nhìn nhận
đời sống thi ca dân tộc thời hiện đại, ông không chút e dè đưa ra nhận xét: “Đúng là từ khoảng
300 năm nay, người Pháp được học để quên đi bản chất thực sự của thơ và đi ngược lại nơi thi
ca trú ngụ” (6, tr.175). Ông phê phán phải nói là thật đích đáng: “Tôi cảm thấy rằng chẳng có
lĩnh vực nào được trí ham hiểu biết của con người quan tâm đến mà sự quan sát bản thân các sự
vật lại kém được coi trọng như vậy” (6, tr.175). Không dừng lại đó, P. Valéry còn chỉ ra nguyên
cớ dẫn tới tình trạng đó: “Thật là không may là trong số những người không mấy yêu Thơ… lại
có nhiều người có trách nhiệm, hoặc do định mệnh, phải phán sử thuyết trình về Thơ, kích thích
và nuôi dưỡng sự ham thích Thơ, nói tóm lại là giảng dạy về những gì mà bản thân họ không sở
hữu. Thường là họ mang hết cả trí thông minh và lòng nhiệt tình vào công việc này: chính vì
vậy mà hậu quả của điều này thật đáng lo ngại” (6, tr.176). Chắc không ít người liên đới từng


đọc những lời phán xét này. Kể cả những thủ phạm đáng vạch mặt và chê trách nữa. Nhưng hầu

như tất cả đều bình tâm lắng nghe, xem cái gì phải cái gì chưa phải hoặc không phải, để rồ
mỗi người có thể lớn lên từ những lời nói thật, tựa như thứ thuốc đắng có tác dụng giã tật mộ
cách diệu kỳ. Có như vậy, xã hội và văn chương mới có điều kiện đi về phía chân trời ta mơ
ước…

Cần thấy việc nhận chân ra tính chủ thể ở trình độ cao chính là ưu thế của tiếp nhận hiện
đại. Không có và không thể có kết luận cuối cùng trong đánh giá một hiện tượng văn chương
bất kỳ. Chẳng hạn, cho đến giờ, câu hỏi vở kịch Vua Lear là kiệt tác hay thất bại của
Shakespear? vẫn còn để ngỏ. Không phải ai cũng thích kiệt tác này của nhà soạn kịch Anh vĩ
đại. Tiểu thuyết gia W. Thackeray cho đây là tác phẩm “nhàm chán”, khi ông xem vào năm
1847. Ông thú nhận: “Quả là báng bổ nếu bảo rằng vở kịch của Shakespear thật tồi tệ, nhưng
tôi không thể không nghĩ thế”. Theo một số người, Vua Lear tiền hậu bất nhất, khiến nhiều ch
tiết trong vở kịch trở nên khó hiểu. Như, trong cảnh cuối, vua Lear than vãn: “Đứa ngốc nhếch
của ta đã bị treo cổ”. Người ta không biết rõ ông đang nói tới ai, tới Fool, nhân vật biến mất
không một lời giải thích ở hồi ba, hay là đứa con gái đã chết Cordelia của mình. Một số khác
chê vở kịch vì rất khó dựng trên sân khấu. Năm 1822, nhà viết tiểu luận Ch. Lamb nhận xét:
“Xem vở Vua Lear chẳng có gì đáng kể ngoài sự chán ngắt và ghê tởm …Về căn bản, vở kịch
này không thể trình diễn trên sân khấu được”…Có ý kiến lại không hài lòng với vở kịch vì tính
bạo lực, tàn ác có xu hướng lan tràn thái quá. S. Johnson bên cạnh việc thừa nhận không có vở
kịch nào “tạo được sự chú ý bền lâu như vậy” hay “làm kích thích những đam mê và hấp dẫn
trí tò mò tới mức như thế”, vẫn thẳng thừng nói: “Rất nhiều năm trước tôi đã thực sự bị sốc
trước cái chết của Cordelia. Tôi không biết mình có thể chịu đựng lại được cảm giác đó nữa
không khi phải xem những cảnh cuối cùng của vở kịch” (7)

Nhưng cũng cần thấy mặt hạn chế của lối tiếp nhận hiện đại để có thể chủ động hơn
trong giáo dục thẩm mỹ. Ví như, có lẽ chưa bao giờ như trong thời gian gần đây ở Trung Quốc
lại xuất hiện nhiều loại sách phê phán đến thế. Hết Đánh cờ cùng ma quỷ phê phán năm nhà
văn nổi tiếng như Mạc Ngôn, Giả Bình Ao, Trì Lợi …do hàng chục tiến sỹ văn học viết, đến
hai cuốn Thập tác gia phê phán thư, một của Chu Đại Khả, một của Vương Sóc. Họ hạ bệ các
nhà văn vốn được xem là “kinh điển” như Vương Mông, Bắc Đảo… hay Lỗ Tấn, Dư Hoa… Và

gần đây là cuốn phê phán Thủy Hử truyện, Tam quốc diễn nghĩa – những Đại danh tác Trung
Hoa, của Vương Học Thái và Lý Tân Vũ. Họ xem hai tác phẩm này chứa nhiều độc hại. Theo
Vương Học Thái thì cái có hại trong Thủy Hử truyện là đã tuyên dương “văn hóa du dân” và
“mỹ học bạo lực”. Còn với Lý Tân Vũ, giáo sư Viện Văn học Đại học Cát Lâm, thì điều không
thể chấp nhận của Tam quốc diễn nghĩa là đã “dĩ văn loạn sử”. Các nhân vật chính trong tác
phẩm này khác xa với cuốn lịch sử Tam quốc chí của Trần Thọ. Các danh tác khác như Hồng
lâu mộng thì với họ chỉ là thế giới của những cô gái đẹp nhăng nhít, còn Tây du ký thì chỉ tạo


nên hình ảnh tưởng tượng, không thật về tinh thần Trung quốc… Thực ra, trước đây Lỗ Tấn
cũng từng không tán thành quan điểm chỉ chống tham quan, không chống hoàng đế trong Thủy
Hử truyện, coi đó là một khiếm khuyết lớn. Song ông chưa bao giờ hoài nghi giá trị và địa v
văn chương của tứ đại danh tác cả (8).

Trong bài Văn học Pháp đang đi về đâu? (9), tác giả Trần Hinh nêu lên nhiều hiện tượng
cảm thụ văn chương lệch lạc trong nhà trường Pháp hiện thời khiến nhiều người cảm thấy bất
an. Nếu như trước đây từng có thế hệ độc giả say mê Đỏ và đen của Stendhal, hay Bà
Bovary của Flaubert, thì trái lại, cô sinh viên Francoise, 19 tuổi, học năm cuối trường trung học
lại nói: “Tôi ghét cay ghét đắng Đỏ và đen. Đó là một cực hình mới khiếp sợ làm sao!”. Mộ
sinh viên Anh ngữ năm thứ hai thì nói: “Tôi không thể hiểu nổi tại sao người ta bắt đọc Bà
Bovary ở trường, tác phẩm hoàn toàn tởm lợm và nhợt nhạt”. Có thực tế là văn hóa nghe nhìn
lấn lướt văn hóa đọc đang là một trong những nguyên cớ khiến học sinh, sinh viên ngày càng
xa rời tinh hoa của truyền thống văn chương cổ điển. Từ năm 1975, Đài truyền hình Pháp sáng
lập chương trình giới thiệu, quảng bá văn chương với tên Apostrophes. Tuy nhiên, chương trình
này ngừng phát sóng từ 22/6/1990, sau 724 buổi, mặc dầu được coi là một trong 20 sự kiện ấn
tượng nhất trong 20 năm. Ở nước ta cũng có tình trạng tượng tự. Chẳng hạn, một số học sinh
phổ thông tỏ ra không thích Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, vì cho tác
phẩm này xa lạ với kinh nghiệm đời sống cùng ngôn ngữ của con người trẻ tuổi Việt Nam
đương đại.


Đà Lạt,
8/4/2013

..............................................................................................................................................
.......................................................................
TÀI LIỆU CHÚ THÍCH
1. Gorky M. - Gorky bàn về văn học, Tập 1, Nxb Văn học, HN, 1970.

2. Nhiều tác giả - Những vấn đề mới trong nghiên cứu và giảng dạy văn học – Nxb Đại học
Quốc gia Hà Nội, 2006.
3. Tạp chí Nhà văn, Số 8/2007.


4. Lê Xuân Khoa - Nhập môn triết học Ấn Độ, Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn, 1965.
5. Báo Văn nghệ, 35 - 36/2004.
6. Tạp chí Văn học Nước ngoài, số 3/2006.
7. Báo Văn nghệ, số 45, 2007).
8. Làn sóng phê phán mới - Báo Văn nghệ, số 33/2004.
9. Tạp chí Văn học Nước ngoài, số 4/1997.
Lý thuyết tiếp nhận trong đời sống văn chương hiện nay



×