Tải bản đầy đủ (.pdf) (87 trang)

Thế giới nhân vật trong truyện viết cho thiếu nhi của nguyễn huy tưởng

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.24 MB, 87 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

LẠI THỊ MAI HƯƠNG

THẾ GIỚI NHÂN VẬT
TRONG TRUYỆN VIẾT CHO THIẾU NHI
CỦA NGUYỄN HUY TƯỞNG

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM

HÀ NỘI, 2018


VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

LẠI THỊ MAI HƯƠNG

THẾ GIỚI NHÂN VẬT
TRONG TRUYỆN VIẾT CHO THIẾU NHI
CỦA NGUYỄN HUY TƯỞNG

Chuyên ngành: Văn học việt nam
Mã số: 8 22 01 21

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC


TS. HOÀNG TỐ MAI

HÀ NỘI, 2018


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận văn thạc sĩ Thế giới nhân vật trong truyện viết cho
thiếu nhi của Nguyễn Huy Tưởng là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Tất cả
những tham khảo và kế thừa đều được trích dẫn và tham chiếu đầy đủ. Kết quả
nghiên cứu này chưa được công bố trong công trình nghiên cứu nào từ trước đến
nay.
Hà Nội ngày 30 tháng 3 năm 2018
Người viết luận văn

Lại Thị Mai Hương


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1
Chương 1. NHỮNG DẠNG NHÂN VẬT PHỔ BIẾN TRONG VĂN HỌC
VIẾT CHO THIẾU NHI ................................................................................ 9
1.1. Nhân vật trong văn học ........................................................................... 9
1.2. Những dạng nhân vật thường xuất hiện trong văn học viết cho thiếu nhi
...................................................................................................................... 17
Chương 2. NHỮNG DẠNG NHÂN VẬT TIÊU BIỂU TRONG TRUYỆN
VIẾT CHO THIẾU NHI CỦA NGUYỄN HUY TƯỞNG ........................ 24
2.1. Dạng nhân vật thường xuất hiện trong các truyện dân gian viết lại ..... 24
2.2. Dạng nhân vật thường xuất hiện trong các truyện viết về đề tài lịch sử
...................................................................................................................... 40
Chương 3. PHƯƠNG THỨC THỂ HIỆN NHÂN VẬT TRONG

TRUYỆN VIẾT CHO THIẾU NHI CỦA NGUYỄN HUY TƯỞNG ...... 47
3.1. nghệ thuật xây dựng nhân vật ............................................................... 47
3.2. không gian nghệ thuật ........................................................................... 68
KẾT LUẬN .................................................................................................... 76
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ..................................................... 79


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
1. Văn học có vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách trẻ em cả về đạo
đức, trí tuệ và tình cảm thẩm mĩ. Trên thế giới, các tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi
đã xuất hiện từ rất xa xưa. Nhiều sáng tác trở thành tác phẩm kinh điển của nền văn học
nhân loại như: Truyện cổ Andersen, Không gia đình của Hector Malot, Những tấm
lòng cao cả của Edmondo De Amicis.... Ở Việt Nam, từ đầu thế kỉ XX bắt đầu xuất
hiện các tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi, nhưng phải từ sau Cách mạng tháng Tám
năm 1945, mảng văn học thiếu nhi mới chính thức được hình thành. Nhắc đến thế hệ
nhà văn đặt nền móng cho văn học thiếu nhi Việt Nam hiện đại, không thể không nhắc
đến các các tên tuổi như Tô Hoài, Võ Quảng, Đoàn Giỏi, Phạm Hổ…, và đặc biệt là
Nguyễn Huy Tưởng. Đối với văn học Việt Nam thiếu nhi Việt Nam hiện đại, ông
không chỉ là người đặt nền tảng, mà còn là một đỉnh cao cho đến hôm nay.
2. Nhân vật văn học là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo gắn liền với ý đồ tư
tưởng của nhà văn trong việc nêu lên những vấn đề của hiện thực cuộc sống. Bertolt
Brecht cho rằng: "Các nhân vật của tác phẩm nghệ thuật không phải giản đơn là
những bản dập của những con người sống mà là những hình tượng được khắc họa
phù hợp với ý đồ tư tưởng của tác giả". Nhân vật mang chở nội dung phản ánh, tư
tưởng, chủ đề của tác phẩm, là nơi kí thác quan niệm về con người, về nhân sinh
của nhà văn. Ðọc một tác phẩm, đọng lại sâu sắc nhất trong tâm hồn người đọc
thường là số phận, tình cảm, cảm xúc của những con người được nhà văn thể hiện.
Nhà văn Tô Hoài cho rằng "Nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy, giải quyết
hết thảy trong một sáng tác". Nhân vật là căn cứ quan trọng giúp người đọc có thể

hiểu được phong cách nghệ thuật và tư tưởng nghệ thuật của nhà văn. Điều này có ý
nghĩa đặc biệt quan trọng khi nghiên cứu tác phẩm cũng như tác gia văn học.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
1. Vài nét về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng sinh ngày 6/5/1912 trong một gia đình nhà Nho
tại làng Dục Tú, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Dục Tú, Đông Anh, Hà

1


Nội). Từ trước cách mạng, ông đã tham gia hoạt động Văn hóa cứu quốc, phấn đấu
vì một nền văn hóa dân tộc dân chủ, tiến bộ. Nguyễn Huy Tưởng sáng tác nhiều và
thành công ở nhiều thể loại: tiểu thuyết lịch sử, kịch, văn học thiếu nhi… Ông
khẳng định được tên tuổi và vị trí trong làng văn với những tác phẩm có giá trị về
văn chương và lịch sử: Đêm hội Long Trì, (tiểu thuyết, 1942), An Tư công
chúa (tiểu thuyết,1944), Truyện Anh Lục (tiểu thuyết, 1955), Bốn năm sau (tiểu
thuyết,1959), Sống mãi với Thủ đô (tiểu thuyết, 1960), Vũ Như Tô (kịch, 1943), Cột
đồng Mã Viện (kịch,1944), Bắc Sơn (kịch, 1946), Lũy hoa (kịch, 1960), Ký sự Cao
Lạng (truyện kí, 1951)... Bên cạnh đó là các tác phẩm cho thiếu nhi được bạn đọc
nhỏ tuổi yêu thích như: Cô bé gan dạ (1940), Chiếc bánh chưng (1942), An Dương
Vương xây thành ốc (1957), Kể chuyện vua Quang Trung (1959), Tìm mẹ (1960),
Lá cờ thêu sáu chữ vàng (1960)… Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải
thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt đầu tiên.
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng dành trọn đời để sáng tác về các đề tài lịch sử,
kháng chiến, về thủ đô Hà Nội. Nhà phê bình, nghiên cứu Nguyên An từng nhận
định: “Nếu không có Nguyễn Huy Tưởng thì văn đàn hiện đại Việt Nam, nhất là ở
mảng lịch sử - truyền thống sẽ vơi đi sự bề thế, vẻ kì vĩ, tráng lệ và chất bi thương
hào hùng, mặc dù cạnh ông đã có Tô Hoài, và sau ông, cũng đã có các tác giả đáng
nể như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Mộng
Giác, Bút Ngữ, Hà Ân, Nguyễn Quang Thân…”. Các nhà nghiên cứu cũng khẳng

định vai trò quan trọng của Nguyễn Huy Tưởng trong mảng sáng tác cho thiếu nhi,
coi ông là một trong những người đặt nền móng cho văn học thiếu nhi Việt Nam.
Năm 1940, Nguyễn Huy Tưởng bắt đầu viết những truyện ngắn đầu tiên cho thiếu
nhi trong loạt sách "Hoa xuân". Sáng tác cuối cùng của ông, truyện Lá cờ thêu sáu
chữ vàng cũng là tác phẩm viết cho thiếu nhi.
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng quan niệm: “Phàm văn chương mục đích thứ nhất
là để dạy dỗ thiếu niên, cốt làm sao cho bao giờ họ cũng có một tấm lòng bồng bồng,
bột bột mà vẫn biết lẽ phải và vẫn biết thương nhau”. Với tâm niệm ấy, Nguyễn Huy
Tưởng luôn nghĩ cách làm sao để thiếu nhi có nhiều sách văn để đọc, để học. Trước

2


năm 1945, ông đã tham gia viết sách về những người anh hùng nhỏ tuổi như Trần
Quốc Toản, Trần Nhật Duật… giúp trẻ em hiểu về lịch sử nước nhà. Trong những
năm kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Huy Tưởng cùng các nhà văn Tô Hoài, Hồ
Trúc, nhạc sĩ Phong Nhã… dựng tủ sách cho thiếu nhi lấy tên là Kim Đồng (tiền thân
của Nhà xuất bản Kim Đồng ngày nay). Đến năm 1957, với cương vị là Giám đốc
Nhà xuất bản Kim Đồng - nhà xuất bản đầu tiên cho thiếu nhi, Nguyễn Huy Tưởng
góp phần quan trọng đặt nền móng, mở ra một tương lai tốt đẹp cho văn học trẻ em,
khi ấy là một mảng đề tài còn nhiều khoảng trống. Ông cùng các nhà văn khác nỗ lực
góp sức cho văn học thiếu nhi thời ấy. Trước tấm lòng của Nguyễn Huy Tưởng dành
cho trẻ em, nhạc sĩ Văn Cao viết tặng ông: “Những giọt mực của anh /Chấm vào
những năm chiến đấu/ Nhỏ từng giọt máu,/ Trĩu vai anh bao nhiêu tích sử/ Nặng lắm
giọt máu tươi/Anh viết về trẻ nhỏ/ Cũng nặng giọt máu tươi/ Những trang anh hùng
ca nổi tiếng/ Và dòng máu nơi anh/ Những giọt mực cạn dần”.
Truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Huy Tưởng phong phú về đề tài và
phong cách thể hiện, nhưng tư tưởng xuyên suốt là lòng yêu nước, niềm tự hào về
lịch sử dân tộc, lòng nhân ái của con người, niềm tin thiện thắng ác. Ông đem đến
cho trẻ thơ những câu chuyện lịch sử, những câu chuyện cổ tích thần kì "vừa lạ lùng

xanh biếc, vừa mênh mông những tưởng tượng kì ảo mà trong đó chất chứa cả một
kho vàng ngọc những tình cảm yêu thương, những lòng tin, những chí khí dời núi
lấp biển của người Việt Nam, của truyền thống Việt Nam" (Tô Hoài).
Hiện nay, mảng văn học thiếu nhi nước ta ngày càng phát triển, đề tài ngày
càng mở rộng. Nhưng những câu chuyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Huy Tưởng
vẫn được bạn đọc nhỏ tuổi đón nhận, trân trọng, nâng niu.
2. Những công trình nghiên cứu về Nguyễn Huy Tưởng
Nguyễn Huy Tưởng cùng với sự nghiệp của ông đã nhận được sự quan tâm của
dư luận và giới nghiên cứu từ khá sớm. Nhiều công trình nghiên cứu về Nguyễn
Huy Tưởng được ấn hành. Sớm nhất, có thể tính đến chuyên luận Nguyễn Huy Tưởng
(1912-1960) của Phan Cự Đệ và Hà Minh Đức xuất bản năm 1966. Toàn bộ chương
một của cuốn sách viết về sự chuyển biến tư tưởng, con đường đến với văn chương

3


và hành trình sáng tạo nghệ thuật của nhà văn. Tiếp đó, các tác giả đi sâu phân tích
nội dung xã hội của tác phẩm gắn với hiện thực cuộc sống. Điều đáng ghi nhận là khi
nghiên cứu tác phẩm Nguyễn Huy tưởng, các tác giả khảo sát tư liệu, gắn tác phẩm
với bối cảnh thời đại, hoàn cảnh sáng tác tại thời điểm cụ thể để thấy được ý nghĩa xã
hội, tính thời sự và những hiệu ứng tích cực trong sáng tác của nhà văn.
Sau này, những vấn đề đặt ra trong sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng tiếp tục trở
thành đề tài được bàn luận, nghiên cứu trên các diễn đàn khoa học với các bài viết
công phu của các nhà nghiên cứu Phong Lê, Hà Minh Đức, Bích Thu, Tôn Thảo
Miên, Đỗ Đức Hiểu, Phạm Vĩnh Cư, Trần Đăng Suyền, Nguyên Ngọc, Tô Hoài,
Nguyễn Minh Châu… Bên cạnh đó là các Hội thảo khoa học về cuộc đời, sự
nghiệp, về những giá trị tư tưởng trong tác phẩm Nguyễn Huy Tưởng dành được sự
quan tâm rộng rãi của giới nghiên cứu, phê bình. Mỗi cuộc hội thảo lại cho bạn đọc
nhận diện những giá trị vượt thời gian trong các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy
Tưởng. Các nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình đưa ra những đánh giá khách quan

khẳng định vai trò, vị thế văn chương Nguyễn Huy Tưởng đối với sự phát triển của
nền văn học dân tộc.
Một số công trình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Huy Tưởng tiếp
tục ra mắt bạn đọc, như cuốn Nguyễn Huy Tưởng về tác gia, tác phẩm (Bích Thu,
Tôn Thảo Miên tuyển chọn giới thiệu); Nguyễn Huy Tưởng khát vọng một đời văn
(Phương Ngân tuyển chọn và biên soạn)… Bộ ấn phẩm do tác giả Nguyễn Huy
Thắng, con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng biên soạn: Nguyễn Huy Tưởng một
thời và mãi mãi; Nguyễn Huy tưởng còn với thời gian; Nguyễn Huy Tưởng trong
vầng sáng hồi nhớ; Nguyễn Huy Tưởng trước khi là nhà văn; Nguyễn Huy Tưởng
với người thân; Nguyễn Huy Tưởng, văn và người… khắc họa một cách chân thực,
rõ nét gương mặt nhà văn, nhà văn hóa Nguyễn Huy Tưởng trong cuộc sống đời
thường và trong sáng tạo văn chương.
Nhân dịp niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và 50 năm ngày mất nhà văn,
ấn phẩm Nguyễn Huy Tưởng một nhà văn Hà Nội (Nxb Hà Nội, 2011) được xuất
bản. Cuốn sách giới thiệu bài viết của nhiều nhà nghiên cứu tên tuổi: Phạm Xuân

4


Nguyên, Phong Lê, Dương Trung Quốc, Lê Phương Liên… Đây là những bài viết,
bài tham luận của các học giả, các nhà nghiên cứu trong Hội thảo khoa học
“Nguyễn Huy Tưởng với Hà Nội” (do Hội Nhà văn, Viện Văn học và Nhà xuất bản
Kim Đồng tổ chức). Các tác giả cho người đọc hiểu thêm những đóng góp và cống
hiến của Nguyễn Huy Tưởng - người nối dài những vẻ đẹp của Thăng Long, Hà
Nội. Năm 2015, kỉ niệm 55 năm nhà văn qua đời, Hội thảo Khoa học “Nhà văn
Nguyễn Huy Tưởng – từ khởi nguồn Dục Tú, Đông Anh” do quê hương ông phối
hợp với Hội Nhà văn Việt Nam và một số cơ quan khác, trong đó có Nhà xuất bản
Kim Đồng thực hiện. Ấn phẩm Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng – từ khởi nguồn Dục
Tú, Đông Anh (Nxb Kim Đồng, 2015) được xuất bản. Cuốn sách tập hợp các bài
viết tham gia cuộc Hội thảo cùng một số hồi ức của nhà văn và người thân, bạn bè

về quê hương, gia đình, tuổi thơ của nhà văn. Những bài viết góp phần khẳng định
sự nghiệp của nhà văn trên nhiều bình diện: nhà văn, nhà văn hóa, nhà cách mạng,
người góp công đặt nền móng cho văn học thiếu nhi…
Ngoài những công trình nghiên cứu về Nguyễn Huy Tưởng, một số ấn phẩm in
tác phẩm Nguyễn Huy Tưởng có nhiều giá trị trong việc giúp người đọc thuận lợi
khi tiếp cận sáng tác và tìm hiểu cuộc đời nhà văn như: Bộ sách Nguyễn Huy Tưởng
toàn tập do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 1996. Bộ sách tập hợp tương đối
đầy đủ các tác phẩm của nhà văn ở tất cả các thể loại. Năm 2006, Nhật kí Nguyễn
Huy Tưởng được Nhà xuất bảnThanh niên xuất bản. Qua cuốn Nhật kí, người hiểu
rõ hơn về quá trình lao động nghệ thuật và những khát vọng lớn của nhà văn muốn
cống hiến cho văn học dân tộc. Những trang Nhật kí được ghi chép cẩn thận trong
suốt 30 năm sống - hoạt động cách mạng và sáng tác, với trên 1.700 trang in.
Chuyện đời, chuyện nghề, những tâm tư tình cảm... được nhà văn ghi lại sinh động,
chân thực, giản dị. Nhà văn cũng gửi gắm, kí thác những tư tưởng, những bức thông
điệp để đối thoại với chính mình và với cuộc đời. Đây là quan niệm về nghề văn
ông ghi trong Nhật kí: “Một nghề nghiệp cao quý biết bao là nghề viết văn. Đưa lại
cho đời một bó đuốc không to thì nhỏ. Có nghề nào thú vị hơn nghề văn, nó lấy

5


nguyên liệu chính là con người – một cái gì đẹp nhất, toàn diện nhất, kì diệu nhất
của sự sáng tạo” (Nhật kí Nguyễn Huy Tưởng, ghi ngày 16/6/1956).
Bên cạnh công trình nghiên cứu được xuất bản còn có những luận án tiến sĩ
hoặc luận văn thạc sĩ về sáng tác Nguyễn Huy Tưởng đã bảo vệ thành công như:
Thể tài lịch sử - dân tộc trong sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng (Trần Thị Hồng
Minh, Đại học Sư phạm Hà Nội, 2011); Mạch lạc trong văn bản kịch Vũ Như Tô
của Nguyễn Huy Tưởng (Đỗ Thị Bích Phượng, Đại học Sư phạm Hà Nội, 2011);
Điểm nhìn trong kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng (Bùi Thị Tú, Đại học Sư
phạm Hà Nội, 2012), Phong cách nghệ thuật Nguyễn Huy Tưởng (Nguyễn Huy

Phòng, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Hà Nội, 2016)...
3. Những công trình nghiên cứu về mảng sáng tác dành cho thiếu nhi của
Nguyễn Huy Tưởng
Nhìn chung những công trình nghiên cứu dạng này vẫn còn khá thưa thớt, chủ yếu
là các bài viết in trên báo. Có thể kể đến một số bài như: Nguyễn Huy Tưởng, nhà văn
tài hoa (Đỗ Ngọc Yên), Nguyễn Huy Tưởng và những trang viết cho tuổi thơ (Nguyễn
Huy Phòng), Nguyễn Huy Tưởng đã viết tác phẩm Tìm Mẹ như thế nào (Nguyễn Huy
Thắng), Nguyễn Huy Tưởng với truyện cổ tích (Vân Thanh), Nhà văn Nguyễn Huy
Tưởng, từ nguồn cổ tích quê hương (Lê Phương Liên), Nguyễn Huy Tưởng và nghệ
thuật khắc họa nhân vật lịch sử trong truyện viết cho thiếu nhi (Liên Hương)… Các tác
giả đều khẳng định vai trò của nhà văn đối với văn học thiếu nhi và khẳng định những
giá trị của truyện thiếu nhi Nguyễn Huy Tưởng.
Bên cạnh đó là một số luận văn nghiên cứu mảng truyện thiếu nhi của Nguyễn
Huy Tưởng đã bảo vệ thành công như: Thi pháp văn xuôi tự sự trong truyện viết
cho thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (luận văn thạc sĩ, Nguyễn Hữu Nhất,
Đại học khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, 2016), Phong cách Nguyễn Huy
Tưởng qua truyện viết cho thiếu nhi (luận văn thạc sĩ, Nguyễn Thị Thúy, Trường
Đại học Sư Phạm Hà Nội 2, 2016), Truyện cổ viết lại của Nguyễn Huy Tưởng (khóa
luận tốt nghiệp đại học, Nguyễn Xuân Thịnh, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, 2016)…

6


Có thể thấy, Nguyễn Huy Tưởng và trước tác của ông đã nhận được sự quan
tâm của dư luận nói chung và giới nghiên cứu nói riêng. Với sự hạn chế về thời gian
và tư liệu nên việc tổng thuật chưa được đầy đủ như mong muốn. Tuy nhiên, người
viết cũng đã cố gắng khái quát những nét chính của vấn đề. Nhìn chung, ở mỗi công
trình nghiên cứu, các tác giả đã đề cập đến những khía cạnh tiêu biểu, nổi bật trong
những tác phẩm cụ thể của Nguyễn Huy Tưởng. Tuy nhiên về thế giới nhân vật và
nghệ thuật khắc họa nhân vật trong truyện thiếu nhi Nguyễn Huy Tưởng vẫn chưa

có công trình nào khai thác một cách có hệ thống.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Với đề tài này, chúng tôi muốn đem lại một cách nhìn hệ thống về thế giới
nhân vật trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Huy Tưởng. Đồng thời chỉ ra
những đặc điểm riêng trong việc xây dựng nhân vật của nhà văn.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
- Tìm hiểu khái niệm và chức năng của nhân vật văn học, các dạng nhân vật
tiêu biểu thường xuất hiện trong văn học viết cho thiếu nhi.
- Nghiên cứu các kiểu nhân vật và nghệ thuật khắc họa nhân vật trong truyện
viết cho thiếu nhi của Nguyễn Huy Tưởng.
4.2. Phạm vi tư liệu
Trong khuôn khổ của luận văn, chúng tôi khảo sát thế giới nhân vật trong hai
tập truyện:
- Nguyễn Huy Tưởng - Những truyện hay viết cho thiếu nhi, Nxb Kim Đồng, 2016.
- Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Nxb Kim Đồng, 2012.
Ngoài ra, chúng tôi cũng liên hệ một số tác phẩm khác của Nguyễn Huy Tưởng
và một số tác giả khác trong nước có tác phẩm liên quan đến đề tài của luận văn.
5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
Trong luận văn này chúng tôi chủ yếu sử dụng các phương pháp:
- Phương pháp loại hình
- Phương pháp phân tích văn bản

7


- Phương pháp so sánh
- Phương pháp phân loại, thống kê.
6. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn của luận văn
Với đề tài này, chúng tôi hi vọng góp một phần nhỏ vào việc tìm hiểu cống

hiến của Nguyễn Huy Tưởng trong mảng sáng tác dành cho thiếu nhi. Ngoài ra
chúng tôi cũng muốn góp phần vào tiến trình nghiên cứu truyện thiếu nhi Việt Nam
hiện đại. Chúng tôi hi vọng mảng sáng tác dành cho thiếu nhi ngày một thu hút
lượng tác giả và lượng bạn đọc đông đảo hơn bởi giá trị nghệ thuật và giá trị nhân
văn của nó. Nếu thành công, đề tài cũng là tài liệu tham khảo có ích cho giáo viên
trong việc giảng dạy tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng trong các trường phổ thông.
7. Cơ cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu thao khảo, nội dung chính của luận
văn gồm ba vấn đề chính:
Chương 1: Những dạng nhân vật phổ biến trong văn học viết cho thiếu nhi
Chương 2: Những dạng nhân vật tiêu biểu trong truyện viết cho thiếu nhi của
Nguyễn Huy Tưởng
Chương 3: Phương thức thể hiện nhân vật trong truyện viết cho thiếu nhi của
Nguyễn Huy Tưởng

8


Chương 1
NHỮNG DẠNG NHÂN VẬT PHỔ BIẾN
TRONG VĂN HỌC VIẾT CHO THIẾU NHI
1.1. Nhân vật trong văn học
1.1.1. Tìm hiểu về nhân vật
1.1.1.1. Thế nào là nhân vật văn học?
Trong một tác phẩm văn học, nhân vật luôn giữ vị trí trung tâm. Những sự
kiện kinh tế, chính trị, xã hội, ngoại cảnh thiên nhiên hoặc lời bình luận... đều góp
phần tạo nên sự phong phú cho tác phẩm nhưng việc xây dựng nhân vật là yếu tố
chính quyết định chất lượng của tác phẩm. Nhà văn Tô Hoài cho rằng: "Nhân vật là
nơi duy nhất tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác”. Thật vậy,
nhân vật không chỉ là nơi bộc lộ tư tưởng, chủ đề tác phẩm mà còn là nơi tập trung

các giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Thành bại của một đời văn, của một tác phẩm
phụ thuộc rất nhiều vào việc xây dựng nhân vật.
Vậy “nhân vật văn học” được hiểu như thế nào?
Theo Lại Nguyên Ân trong 150 thuật ngữ văn học: nhân vật văn học là hình
tượng nghệ thuật về con người, một trong những dấu hiệu về sự tồn tại toàn vẹn của
con người trong nghệ thuật ngôn từ. Trong Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán,
Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên), nhân vật văn học được định nghĩa
như sau: “Con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học. Nhân vật văn học
có thể có tên riêng (Tấm Cám, Chị Dậu, anh Pha), cũng có thể không có tên riêng
như thằng bán tơ, một mụ nào (trong Truyện Kiều). Trong truyện cổ tích, ngụ ngôn,
đồng thoại, thần được đưa ra để nói chuyện con người. Khái niệm nhân vật văn học
có khi được sử dụng như một ẩn dụ, không chỉ một con người cụ thể nào cả, mà chỉ
một hiện tượng nổi bật nào đó trong tác phẩm. Chẳng hạn, có thể nói: nhân dân là
nhân vật chính trong Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, đồng tiền là nhân vật
chính trong Ơ-giê-ni Gơ-răng-đê của Ban-dắc” [41,tr.235].
Như vậy, phạm vi của khái niệm nhân vật văn học khá rộng lớn. Đó là những
con người có tên hoặc không có tên được miêu tả trong tác phẩm, hoặc có thể chỉ

9


hiện ra qua một đại từ nhân xưng nào đó (các nhân vật xưng “tôi” trong các
truyện ngắn, tiểu thuyết hiện đại; “mình”, “ta” trong ca dao...). Có khi, nhân vật
không phải là con người mà chỉ là một con thỏ, con rùa biết thi chạy, một cái kim
khâu biết nói, biết suy nghĩ… Và có cả nhân vật là ma, quỷ thần, tiên. Những sự
vật, những đồ vật trở thành nhân vật khi được nhân hóa, có hành động, có tâm hồn,
tính cách như con người. Không phải vô cớ mà nhà văn Tô Hoài cho rằng: "Trong
truyện ngắn Chiếc quan tài của Nguyễn Công Hoan, nhân vật không phải là người
mà là một chiếc quan tài. Nhưng chiếc quan tài ấy chẳng phải là vô tri mà là một sự
thê thảm, một bản án tố cáo chế độ thảm khốc thời Pháp thuộc. Như vậy "chiếc

quan tài" cũng là một thứ nhân vật".
Biểu hiện nhân vật trong tác phẩm muôn hình vạn trạng. Có nhân vật hiện ra
đầy đặn từ ngoại hình cho đến nội tâm, từ hành động cho đến tiểu sử như trong tác
phẩm tự sự. Có nhân vật lại chỉ hiện ra qua ngôn ngữ như trong kịch bản văn học.
Có nhân vật lại chỉ được bộc lộ qua cảm xúc, ý nghĩ như nhân vật trong tác phẩm
trữ tình. Có nhân vật không được khắc họa chân dung, ngoại hình, hành động nhưng
người đọc vẫn nhận ra qua lời kể như nhân vật người kể chuyện... Muốn nhận diện
nhân vật cần phải căn cứ vào những đặc điểm của nó. Trước hết có thể căn cứ vào
tên gọi của nhân vật. Có thể đó là một cái tên riêng cụ thể như An Dương Vương,
Thạch Sanh, Thúy Vân, Thúy Kiều, lão Hạc ... Nhưng cũng có khi tên gọi theo nghề
nghiệp, tiểu sử, hay một đặc điểm đặc biệt nào đó như anh trai cày, chàng mồ côi,
bà hoàng hậu... Cũng có khi tên nhân vật là tên gọi những con vật, đồ vật như cáo,
thỏ, rùa, cây kim, bông hoa..., hoặc là tên gọi những nhân vật tưởng tượng: mụ phù
thủy, Ngọc Hoàng, Tiên, Bụt... Tuy nhiên nếu chỉ căn cứ vào tên gọi thì có khi chưa
nhận diện đúng nhân vật. Cho nên sau tên gọi thường là những đặc điểm về tiểu sử,
tính cách. Các đặc điểm nghề nghiệp tiểu sử, tính cách cho ta nhận biết nhân vật
một cách sâu sắc hơn, nhận biết rõ hơn ý nghĩa xã hội mà nhân vật khái quát.
Nhân vật văn học có những đặc điểm khác với nhân vật của các loại hình nghệ
thuật khác. Nhân vật văn học là nhân vật của tưởng tượng, liên tưởng nên không
"hữu hình", "nhìn thấy được" như trong điêu khắc, hội họa hay sân khấu, điện ảnh.

10


Qua ngôn từ, người đọc tưởng tượng và hình dung nhân vật theo khả năng liên
tưởng của mình. Qua văn Nam Cao người đọc hình dung ra Lão Hạc, Thứ, Điền,
Hộ... Mỗi người có khả năng liên tưởng, tưởng tượng khác nhau nên nhân vật văn
học được cảm nhận cũng không giống nhau. Mỗi người sẽ có "gương mặt" nhân vật
riêng của mình tuy cùng đọc một tác phẩm. Mặt khác, do hình tượng văn học là
hình tượng "thời gian" cho nên nhân vật văn học là nhân vật quá trình. Nhân vật

hiện dần ra trong quá trình nên muốn tiếp nhận được người đọc phải nhớ lại những
gì xảy ra cho nhân vật trước đó.
Tóm lại, nhân vật trong tác phẩm văn học là những con người hay những sự
vật mang cốt cách của con người được xây bằng các phương tiện của nghệ thuật
ngôn từ.
1.1.1.2. Thế giới nhân vật trong tác phẩm văn học
Khái niệm thế giới nhân vật bao quát sâu rộng hơn khái niệm nhân vật văn
học. Thế giới nhân vật là hệ thống nhân vật được tổ chức tạo thành một chỉnh thể
nghệ thuật, trong đó mỗi nhân vật là một yếu tố của chỉnh thể. Đó là một mô hình
nghệ thuật có cấu trúc riêng, quy luật riêng, thể hiện ở đặc điểm tâm lí con người,
không gian, thời gian, xã hội… gắn liền với một quan niệm nhất định về chúng của
tác giả. Trong thế giới nhân vật, người ta có thể phân chia thành các tiểu loại nhân
vật nhỏ hơn (nhóm nhân vật) dựa vào những căn cứ, tiêu chí nhất định.
Thế giới nhân vật là sản phẩm của hoạt động nghệ thuật có ý thức của nhà văn.
Thế giới đó không chỉ tồn tại trong tác phẩm văn học mà còn tồn tại trong trí tưởng
tượng của độc giả. Xét về phía độc giả, thế giới nhân vật là sự cảm nhận của người
đọc về hình tượng các nhân vật trong tác phẩm, từ hình dáng đến nội tâm, việc làm,
các mối quan hệ của chúng. Từ đó, đọc giả rút ra được những ý nghĩa của tác phẩm
về nhiều phương diện. Nhiệm vụ của người tiếp nhận văn học là phải tìm được chìa
khóa để mở ra con đường khám phá thế giới nhân vật đó.
Các nhà văn lớn bao giờ cũng tạo cho mình một thế giới nhân vật mang đậm
dấu ấn cá nhân. Thế giới nhân vật của Nguyễn Tuân là những nho sĩ cuối mùa, những
đào hát, bồi tàu, họa sĩ tài hoa, có tâm lương trong sáng, sống ngông nghênh, kiêu

11


bạt, qua đó thể hiện tinh thần yêu nước, thái độ bất hòa với xã hội thực dân, ngợi ca
những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc. Thế giới nhân vật của Nguyên Hồng là
những con người lao động nghèo khổ dưới chế độ thực dân nửa phong kiến…, đằng

sau thế giới nhân vật ấy, ta nhận ra thái độ tố cái chế độ xã hội gay gắt và tấm lòng
nhân đạo luôn yêu thương trân trọng những con người nghèo khổ của ông.
Như vậy, nhân vật văn học nói riêng và thế giới nhân vật văn học nói chung thể
hiện quan điểm của nhà văn về con người, là nơi nhà văn gửi gắm, kí thác những tâm
tư ước vọng cùng những vấn đề triết lí nhân sinh.
1.1.2. Các dạng nhân vật trong tác phẩm văn học
Thế giới nhân vật trong văn học vô cùng phong phú. Trong lịch sử văn học có
biết bao nhiêu nhân vật với những diện mạo, tính cách khác nhau. Ngay thế giới
nhân vật của riêng một nhà văn hay riêng một tác phẩm cũng đã rất phong phú,
không nhân vật nào giống nhân vật nào. Có bao nhiêu nhân vật có bấy nhiêu dáng
vẻ, bấy nhiêu cuộc đời, mỗi nhân vật là một sáng tạo độc đáo, không lặp lại của nhà
văn. Tuy nhiên, xét về mặt nội dung tư tưởng, kết cấu, chất lượng miêu tả..., có thể
thấy những hiện tượng lặp đi lặp lại tạo thành các dạng nhân vật nhất định. Nhưng
ranh giới để phân loại nhân vật không phải lúc nào cũng rõ ràng. Vì vậy, việc phân
chia nhân vật thành các loại cũng mang tính chất tương đối. Ở đây, nêu lên một số
dạng nhân vật thường gặp:
1.1.2.1. Từ góc độ nội dung tư tưởng, căn cứ vào phẩm chất nhân vật có thể
chia thành: nhân vật chính diện, nhân vật phản diện, nhân vật trung gian.
Nhân vật chính diện (còn gọi là nhân vật tích cực) là loại nhân vật có phẩm
chất tốt đẹp, đại diện cho cái tốt, cái thiện. Dạng nhân vật này thường là nơi gửi
gắm những khát vọng cao cả của nhà văn và thời đại. Vì thế, phần nhiều nhân vật
chính diện đã trở thành nhân vật lí tưởng của thời đại mình. Ví dụ: Người quân tử
trong văn học cổ phương Đông, hoặc người chiến sĩ trong văn học cách mạng là
những nhân vật chính diện mang lí tưởng của một thời.
Ngược lại với nhân vật chính diện là nhân vật phản diện (còn gọi là nhân vật
tiêu cực). Nhân vật phản diện đại diện cho cái xấu, cái ác, mang những phẩm chất

12



xấu xa, trái với đạo lí, lí tưởng. Họ đại diện cho những thế lực xấu xa ngăn cản cái
tốt, cái đẹp. Như mẹ con Cám trong Tấm Cám, Bùi Kiệm, Trịnh Hâm trong Lục
Vân Tiên v.v... Đứng giữa nhân vật chính diện và phản diện là nhân vật trung gian.
Đây là dạng nhân vật có thể tốt lên hoặc xấu đi tùy theo tác động của hoàn cảnh.
Tuy nhiên, sự phân biệt nhân vật chính diện và nhân vật phản diện không phải
bao giờ cũng rạch ròi, rõ nét. Trong những thời kì đối kháng xã hội, đối kháng giai
cấp, tư tưởng sâu sắc thường xuất hiện hai loại nhân vật này, thậm chí còn tạo nên
những tuyến đối lập. Trong truyện kể dân gian, trong truyện Nôm phân tuyến nhân
vật chính diện và phản diện rất rõ. Một bên là Thạch Sanh, một bên là Lí Thông
(Thạch Sanh); một bên là Lục Văn Tiên, Kiều Nguyệt Nga, Tử Trực, Hớn Minh...,
một bên là Võ Công, Bùi Kiệm, Trịnh Hâm, Đặng Sinh (Lục Vân Tiên) v.v... Trong
những anh hùng ca cổ đại lại không có nhân vật phản diện. Chẳng hạn như trong
anh hùng ca Iliade của Homere dù Asin đánh thành Troy, giết Hecto thì Asin vẫn là
người anh hùng. Cả Hecto cũng vậy, dù bị tiêu diệt vẫn là nhân vật chính diện. Đến
văn học hiện thực chủ nghĩa vấn đề phân biệt chính diện và phản diện trở nên phức
tạp hơn. Ở chủ nghĩa hiện thực, nhân vật đã trở thành tính cách, có khi bao hàm cả
đặc điểm chính diện và phản diện, nên khó xếp nhân vật thuần túy là phản diện hay
chính diện. Có những nhân vật có thể phân biệt ngay như chị Dậu và Nghị Quế
trong Tắt đèn, Bá Kiến trong Chí Phèo... Nhưng có nhân vật như Chí Phèo chẳng
hạn, thật khó xếp vào loại nào. Hắn vừa được xem là "con quỉ dữ" của làng Vũ Đại,
lại là nỗi khát khao lương thiện của con người... Vì vậy, trong chủ nghĩa hiện thực
không nhất thiết lúc nào cũng phân biệt chính diện và phản diện. Sự "đa diện" của
nhân vật tính cách trong chủ nghĩa hiện thực đã khiến cho nó không chỉ là đại diện
cho một "diện" nào nữa mà nhiều khi là tất cả.
1.1.2.2. Từ góc độ kết cấu - cốt truyện có thể chia thành: nhân vật chính,
nhân vật trung tâm, nhân vật phụ.
Nhân vật giữ vai trò then chốt, xuất hiện nhiều trong tác phẩm gọi là nhân vật
chính. Nhân vật chính liên quan đến các sự kiện chính, hành động chính của tác
phẩm. Nhân vật chính thường được khắc họa tương đối đầy đặn trên các mặt ngoại


13


hình, nội tâm, tính cách... Nhân vật chính góp phần bộc lộ nội dung tư tưởng của tác
phẩm, thể hiện tài năng của nhà văn.
Mỗi nhà văn, mỗi thời đại đều có nhân vật chính của mình. Nhân vật chính thể
hiện tư tưởng của nhà văn và thời đại. Nhân vật chính trong sáng tác của Nam Cao
là những số phận bi kịch, những con người bị tha hóa dù đó là nông dân hay trí
thức. Thạch Lam chú ý đến những con người bé nhỏ, những số phận mòn mỏi nơi
một góc khuất nào đó của cuộc sống... Nhân vật chính của nhà văn giúp người đọc
hiểu được tư tưởng, mong ước của họ trước cuộc đời.
Nếu một tác phẩm có nhiều nhân vật chính thì nhân vật chính quan trọng nhất,
có ý nghĩa xuyên suốt tác phẩm được gọi là nhân vật trung tâm. Đó là các nhân vật
như Enma Bovary, Kiều, Hamlet... Các mâu thuẫn, các vấn đề trung tâm thường
được tập trung và bộc lộ ở các nhân vật trung tâm này. Cho nên trong nhiều trường
hợp người ta lấy tên nhân vật trung tâm đặt tên cho tác phẩm như Don Quijote,
Othello, A. Q chính truyện,...
Trong tác phẩm, ngoài nhân vật giữ vai trò chính, còn có nhân vật giữ vai trò
phụ, đó là nhân vật phụ. Gọi là nhân vật phụ là vì nhân vật giữ "vai trò phụ" chứ
không phải không quan trọng. Đó là loại nhân vật có tính chất bổ sung, nhưng
không thể thiếu, nó khiến cho cốt truyện tiếp tục phát triển. Chẳng hạn "thằng bán
tơ" trong Truyện Kiều. Đó là nhân vật “rất phụ” nhưng không có nhân vật này thì sẽ
cũng không có sự kiện "gia biến" dẫn đến các sự kiện "bán mình", "15 năm lưu lạc"
của Kiều...
1.1.2.3. Xét từ góc độ thể loại có thể chia thành: nhân vật tự sự, nhân vật
kịch, nhân vật trữ tình.
Nhân vật tự sự là nhân vật được miêu tả theo phương thức tự sự, thường xuất
hiện trong các tác phẩm tự sự như tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa, truyện thơ.
Đây là loại nhân vật được miêu tả đầy đặn nhất, ít bị hạn chế. Nhân vật kịch là nhân
vật được miêu tả theo phương thức kịch, chủ yếu xuất hiện trong kịch. Kịch viết là

để diễn, bị hạn chế bởi không gian và thời gian nên nhân vật kịch chỉ được miêu tả
ở những khâu xung đột căng thẳng nhất. Nhân vật trữ tình là nhân vật được xây

14


dựng theo phương thức trữ tình, trực tiếp thể hiện cảm xúc, ý nghĩ trong tác phẩm.
Nhân vật trữ tình thường xuất hiện trong cá thể loại như thơ trữ tình, bút kí, tùy
bút... nhưng chủ yếu là trong thơ trữ tình và thường gọi là "cái tôi trữ tình".
1.1.2.4. Xét từ góc độ chất lượng nghệ thuật, người ta thường dùng các khái
niệm tính cách và điển hình
Tính cách là những nhân vật được khắc họa có chiều sâu với diện mạo và
những đặc điểm tâm lí tương đối rõ nét, đủ định hình để nhận ra đặc điểm của nhân
vật đó. Thuật ngữ tính cách cũng có khi được dùng với nghĩa là một phương diện
quan trọng của nhân vật để phân biệt với các phương diện khác như chân dung,
ngoại hình. Tính cách đạt đến mức độ thật sâu sắc thì đó là điển hình. Chỉ trong
những tác phẩm xuất sắc mới có những tính cách đạt đến trình độ điển hình. Đó là
các tính cách như A.Q, Apagon, Hamlet, Don Quijote, Chí Phèo...
1.1.2.5. Từ góc độ cấu trúc nhân vật có thể chia thành: nhân vật chức năng,
nhân vật tư tưởng, nhân vật loại hình, nhân vật tính cách.
Nhân vật chức năng là loại nhân vật thực hiện một số chức năng nào đó.
Chẳng hạn như trong truyện cổ tích, Bụt là nhân vật thực hiện chức năng "ban phép
màu" hoặc "thử lòng", mụ phù thủy thực hiện chức năng cản trở, hãm hại người tốt.
Các nhân vật chức năng thường được cấu trúc như một phương tiện, công cụ. Nhân
vật chỉ xuất hiện ở chức năng mà nó đảm nhận. Do vậy phẩm chất nhân vật dường
như không thay đổi từ đầu đến cuối. Đời sống nội tâm của nhân vật cũng không
được miêu tả. Loại nhân vật chức năng chủ yếu xuất hiện trong văn học dân gian và
văn học cổ trung đại (bụt, thần, đại bàng, anh hùng đánh chằn tinh cứu người đẹp,
mụ phù thủy...)
Nhân vật loại hình là loại nhân vật mà ở đó có một nét tính cách được tô đậm,

tiêu biểu cho loại người nào đó trong xã hội của những thời đại nhất định. Loại
nhân vật này thường được tập trung miêu tả một nét tính cách nổi bật và thường nét
tính cách đó trở thành tên gọi của nhân vật. Như nét "keo kiệt" của Apagon, nét
"đạo đức giả" của Tartufe trong hài kịch Molière... Những nét tính cách của nhân
vật thể hiện sâu sắc, thậm chí nhiều khi đạt đến trình độ điển hình, nhưng không

15


tránh khỏi sự phiến diện. Cho nên có người đã gọi đây là những nhân vật "lép kẹp"
để phân biệt với loại nhân vật tính cách "đầy đặn".
Nhân vật tính cách là loại nhân vật có cá tính đầy đặn nhiều mặt. Đây là nhân
vật "vừa lạ, vừa quen". "Lạ" vì cái độc đáo của cá tính, tính cách. "Quen" vì mang
trong nó sự khái quát cao, tiêu biểu cho nhiều hiện tượng cùng loại. Cấu trúc nhân
vật tính cách là khả năng cao nhất của các loại nhân vật trong việc khái quát và
chiếm lĩnh thực tại. Theo nghĩa chặt chẽ nhất, nhân vật tính cách chỉ có thể xuất
hiện ở chủ nghĩa hiện thực. Các nhân vật như Anna Kanenina của L. Tolstoi,
Hamlet, Othello của W. Shakespeare, Bovari của G. Flaubert, Kiều của Nguyễn
Du... là những nhân vật tính cách. Nét khác nhau căn bản giữa nhân vật tính cách và
nhân vật loại hình là ở chỗ một bên tính cách đa diện như một cá nhân, còn một bên
chỉ có một nét tính cách được tô đậm thành loại hình.
Nhân vật tư tưởng là loại nhân vật giữ chức năng bộc lộ một tư tưởng, một
quan niệm nào đó. Nhân vật tư tưởng thường giữ vai trò "cái loa" phát ngôn cho tư
tưởng tác giả. Trong Những người khốn khổ của V. Hugo, những nhân vật như Jean
vant Jean, Jave đều được xem là nhân vật tư tưởng. Jean vant Jean hoạt động theo tư
tưởng phụng sự con người, còn Jave lại là biểu hiện của tư tưởng phụng sự luật pháp.
Các nhân vật như Đạm Tiên trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, ông Quán trong Lục
Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu cũng là loại nhân vật tư tưởng, giữ vai trò "phát
ngôn" cho tác giả. Đạm Tiên "phát ngôn" cho tư tưởng "tài mệnh tương đố" của
Nguyễn Du, ông Quán phát ngôn cho tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu.

1.1.3. Vai trò của nhân vật trong tác phẩm văn học
Nhân vật văn học có chức năng khái quát những tính cách, hiện thực cuộc
sống và thể hiện quan niệm của nhà văn về cuộc đời. Khi xây dựng nhân vật, nhà
văn có mục đích gắn nhân vật với những vấn đề mình muốn đề cập đến trong tác
phẩm. Vì vậy, tìm hiểu nhân vật trong tác phẩm, bên cạnh việc xác định những nét
tính cách, cần nhận ra những vấn đề của hiện thực và quan niệm của nhà văn mà
nhân vật muốn thể hiện. Chẳng hạn, gắn liền với Kiều là thân phận của người phụ
nữ có tài sắc trong xã hội cũ. Gắn liền với Kim Trọng là vấn đề tình yêu và ước mơ

16


vươn tới hạnh phúc. Gắn liền với Từ Hải là vấn đề đấu tranh để thực hiện khát vọng
tự do, công lí. Nhân vật Chí Phèo của Nam Cao thể hiện quá trình lưu manh hóa của
một bộ phận nông dân trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Nhiều nhân vật trong
truyện cổ tích gắn với vấn đề đấu tranh giữa thiện và ác, tốt và xấu, giàu và nghèo,
những ước mơ tốt đẹp của con người...
Trong quá trình mô tả nhân vật, nhà văn có quyền lựa chọn những chi tiết,
yếu tố mà họ cho là cần thiết bộc lộ được quan niệm của mình về con người và cuộc
sống. Vì vậy, không nên đồng nhất nhân vật văn học với con người trong cuộc đời. Khi
phân tích, nghiên cứu nhân vật, việc đối chiếu, so sánh có thể cần thiết để hiểu rõ thêm
về nhân vật, nhất là những nhân vật có nguyên mẫu ngoài cuộc đời (anh hùng Núp
trong Ðất nước đứng lên; Chị Sứ trong Hòn Ðất...) nhưng phải nhớ rằng nhân vật văn
học là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo gắn liền với ý đồ tư tưởng của nhà văn.
1.2. Những dạng nhân vật thường xuất hiện trong văn học viết cho thiếu
nhi
Thế giới nhân vật trong truyện viết cho thiếu nhi vô cùng đa dạng. Với khuôn khổ
của luận văn đi sâu nghiên cứu thế giới nhân vật trong truyện viết cho thiếu nhi của
Nguyễn Huy Tưởng (truyện viết cho thiếu nhi Nguyễn Huy tưởng gồm có các mảng:
viết lại truyện dân gian và viết theo đề tài lịch sử), chúng tôi chỉ đề cập đến những dạng

nhân vật xuất hiện trong truyện dân gian và truyện viết về đề tài lịch sử.
1.2.1. Nhân vật con người thông thường
Trong các truyện dân gian dành cho thiếu nhi, các tác giả dành nhiều sự quan
tâm đến những người lương thiện, hiền lành, chăm chỉ nhưng phải chịu nhiều bất
công, đau khổ. Trong xã hội, họ là những người lao động nghèo, không có thế lực,
địa vị: người làm thuê, đi ở, người mồ côi, người xấu xí… Trong gia đình họ là
những người em, người con riêng, người con dâu…. Cuộc đời của họ thường thay
đổi theo hướng lúc lúc đầu là bất hạnh, sau được hạnh phúc, giàu sang, xứng đáng
với phẩm chất tốt đẹp của họ.
Trong truyện dân gian, kiểu nhân vật mồ côi xuất hiện khá phổ biến với các
motif thường gặp sau: nhân vật mồ côi ở với gì ghẻ và em cùng cha khác mẹ (Tấm

17


cám), nhân vật mồ côi ở với anh hoặc chú (Cây khế), nhân vật mồ côi là tráng sĩ
(Thạch Sanh)… Thường những nhân vật này có cuộc sống nghèo khó, không nơi
nương tựa, vô cùng thiếu thốn cả vật chất lẫn tình cảm. Nhưng trong hoàn cảnh nào,
họ vẫn sáng ngời vẻ đẹp nhân cách: chân thật, hiền lành, đức độ. Trong truyện dân
gian Việt Nam, nhân vật điển hình là cô Tấm mồ côi cả cha lẫn mẹ, bị mẹ kế hãm hại
hết lần này đến lần khác. Nhờ có Bụt giúp đỡ, dù trải qua nhiều kiếp nạn, kết thúc
truyện Tấm trở về xinh đẹp hơn xưa và sống hạnh phúc bên nhà vua. Những nhân vật
kiểu này thường xuất hiện trong truyện cổ tích thần kì. Bên cạnh motif nhân vật mồ
côi, truyện cổ tích thần kì còn có những motif nhân vật khác: nhân vật có tài lạ,
nhân vật nghèo khổ đi làm thuê cho địa chủ hoặc phú ông (Cây tre trăm đốt, Sự tích
con khỉ), nhân vật có hình dạng xấu xí (Sọ Dừa, Lấy vợ Cóc, Lấy chồng Dê). Nhân
vật trong truyện cổ tích thần kì có sự phân biệt rõ ràng thành hai tuyến đối lập nhau:
tuyến thiện và tuyến ác. Các nhân được xây dựng một chiều, đã tốt là tốt từ đầu đến
cuối, ngược lại đã xấu là xấu từ đầu đến kết thúc, nhân vật xuất hiện từ đầu với
nhân cách nào thì đến cuối chuyện vẫn nhân cách đó. Nhân vật thường không có

tính cách cá nhân, các nhân vật trong cùng tuyến có bản chất giống nhau, tính cách
gần giống nhau và có số phận cũng như kết cục gần giống nhau. Đó là loại nhân vật
chức năng, được sắp xếp theo một mạch cốt truyện để thực hiện chức năng chuyển
tải một thông điệp nào đó.
Trong cổ tích còn một số motif nhân vật khác xuất hiện trong những truyện cổ
tích hiện thực: Nhân vật tài năng nhưng bất hạnh (Trương Chi), nhân vật đức hạnh
có người vợ hoặc người chồng tình nghĩa (Gái ngoan dạy chồng, Giết chó khuyên
chồng, Mài dao dạy vợ), nhân vật đức hạnh có người bạn tốt, người dân trung thực
(Trọng nghĩa khinh tài, Người ăn mía và người chủ vườn), nhân vật xấu xa và
người vợ hoặc người chồng bất nghĩa hay đứa con bất hiếu, kẻ lừa đảo (Đồng tiền
Vạn Lịch, Tiếc gà chôn mẹ)…
Ngoài những motif nhân vật kể trên, trong cổ tích còn có motif nhân vật có
những đặc điểm riêng, tính cách riêng thường xuất hiện trong những truyện cổ tích
sự tích. Ở họ là những sinh hoạt rất đời thường, những sai lầm và cách xử sự trước

18


cuộc sống và con người cũng rất đời thường. Nhân vật cổ tích sự tích không có sự
phân tuyến thiện tuyến ác, giữa họ là các mối quan hệ ràng buộc, không có nhân vật
tốt cũng không có nhân vật xấu, các nhân vật đều có những sai lầm và những điều
tốt đẹp. Những nhân vật này rất gần với nhân vật trong văn học hiện đại. Nhân vật
cổ tích sự tích được xây đựng để ngợi ca, để phê phán. Thông qua các nhân vật
trong Sự tích Trầu Cau, Sự tích con Sam ca ngợi tình cảm thủy chung, son sắc của
vợ chồng và tình cảm anh em thắm thiết yêu thương. Sự tích chim Quốc ca ngợi tình
bạn gắn bó bền chặt. Các Truyện Sự tích con muỗi, Sự tích Dã Tràng phê phán thói
bạc tình, phản trắc của người vợ. Sự tích chim Đa Đa phê phán những người làm
cha, làm mẹ nhưng độc ác, nhẫn tâm...
1.2.2. Nhân vật thần kì, siêu nhiên
Đó là những con người kì diệu hoặc vật kì diệu. Đây là những nhân vật không

có thật, là sản phẩm của trí tưởng tưởng và niềm tin của tác giả dân gian. Trong thế
giới cổ tích, mọi điều diễn ra, mọi xung đột được giải quyết theo hướng mà nhân
dân mong muốn đều là nhờ sự can thiệp của nhân vật đặc biệt này. Họ luôn đứng về
tuyến nhân vật thiện để che chở, giúp đỡ mỗi khi họ gặp khó khăn hay nguy hiểm.
Chẳng hạn như Bụt giúp anh Khoai trong Cây tre trăm đốt, Bụt giúp Tấm trong
Tấm Cám, cây cung thần, cây đàn thần, cái niêu cơm thần kì của Thạch Sanh, Rùa
Vàng giúp An Dương Vương xây thành…
Đối lập với những nhân vật thần kì thuộc phía thiện, chính nghĩa là những
nhân vật như hung thần, yêu quái, phù thủy thường xuất hiện để cản trở, hãm hại
người tốt.
Ngoài hai loại nhân vật thần kì đối lập nhau, trong truyện dân gian còn có
một loại nhân vật thần kì trung lập, không đứng về phía bên nào như phượng hoàng
trong truyện Cây khế, đàn khỉ trong truyện Hà rầm hà rạc…
1.2.3. Nhân vật lịch sử
Đây là dạng nhân vật thường xuất hiện trong truyền thuyết. Họ là những
nhân vật lịch sử được tái tạo. Tác giả dân gian hư cấu, sáng tạo trên nền lịch sử
(thường là lí tưởng hóa những sự kiện, con người mà họ ca ngợi). Nhân vật trong

19


truyền thuyết cũng được xây dựng bằng chuỗi hành động giống như trong cổ tích và
có số phận không thể đảo ngược so với sự thật lịch sử. Nhân vật chính có thể là
nhân vật trung tâm của một truyện hoặc một chuỗi truyện.
Nhân vật lịch sử trong truyền thuyết có thể chia thành hai loại chính: Một là
nhân vật truyền thuyết khởi nguyên và anh hùng văn hóa. Nhân vật khởi nguyên
giải thích về nguồn gốc và quá trình hình thành các thị tộc, bộ tộc, bộ lạc, gia tộc,
các làng xã, các thủy tổ của các làng nghề thủ công truyền thống. Nhân vật anh
hùng văn hóa trong huyền thoại giải thích những cái trước đây chưa có, xa lạ với
con người hoặc những thứ mà con người chưa đủ khả năng để giải thích. Họ có khả

năng điều chỉnh môi trường tự nhiên và xã hội. Trong truyền thuyết Việt Nam, tiêu
biểu cho kiểu anh hùng văn hóa là Lạc Long Quân, Âu cơ... họ là những nhân vật
khai sáng, là thủy tổ của loài người. Mẹ Âu Cơ sinh ra đồng bào ta trong bọc trứng,
Lạc Long Quân tiêu diệt Ngư Tinh, Mộc Tinh... cứu sống con người và dạy cho họ
biết cách làm ăn, sinh sống. Hai là nhân vật anh hùng lịch sử. Đó là những con
người có thật trong lịch sử. Tự bản thân họ không có sức mạnh phi thường như thần
linh nhưng họ có sức mạnh từ thần linh, được thần linh trợ giúp như: Lê Lợi, An
Dương Vương, Bà Triệu...
Các nhân vật lịch sử được xây đựng trước thời đại Hùng Vương còn xa lạ với
đời sống con người nhưng càng về sau này, họ càng được xây dựng một cách gần
gũi, đời thường hơn. Công trạng của họ cũng là một phần công trạng của nhân dân;
họ được nhân dân yêu mến, kính trọng và bảo vệ mỗi khi gặp nguy hiểm. Điển hình
là truyền thuyết về người anh hùng Lê Lợi. Phần lớn các câu chuyện xung quanh Lê
Lợi đều kể về những lần Lê Lợi bị giặc vây đuổi và được dân cứu thoát. Những
người giúp Lê Lợi là những con người bình thường, không phải là thần thánh. Có
lần là một người nông dân đang làm ruộng, có lần là một bà lão bán nước ở quán
bên đường…
Hai biện pháp thường áp dụng để xây dựng nhân vật truyền thuyết là thần
thánh hóa các hiện tượng tự nhiên và thần thánh hóa các hoạt động của con người.
Thần thánh hóa các hiện tượng tự nhiên như thần Kim Quy trong truyền thuyết An

20


Dương Vương (Sự tích Loa Thành), vật thần như ngựa sắt trong truyền thuyết
Thánh Gióng… Nhưng biện pháp chủ yếu, phổ biến trong truyền thuyết vẫn là thần
thánh hóa các hoạt động con người. Có hai cách xây dựng nhân vật chính: Thần
thánh hóa bản thân nhân vật như Lạc Long Quân, Âu Cơ, Sơn Tinh, Thủy Tinh,
Thánh Gióng. Cách thứ hai là thần thánh hóa nhân vật bằng cách bao quanh nhân
vật chính những yếu tố hoang đường, kì diệu. An Dương Vương, Lê Lợi không có

yếu tố của thần thánh nhưng được các lực lượng thần thánh giúp đỡ như thần Kim
Quy, Long Quân… Nhân vật xây dựng theo cách này có nhân tính, nhân cách rõ
hơn loại nhân vật được xây dựng theo cách thứ nhất.
1.2.4. Nhân vật loài vật
Nhân vật loài vật trong tác phẩm văn học là những con vật được nhân hóa,
chúng có thể biết nói và có những suy nghĩ, hành động như con người. Tác giả nói
về loài vật nhưng không đơn thuần là dừng lại ở loài vật mà dùng loài vật để nói
chuyện của loài người, cách ứng xử trong đời sống và xã hội của loài người.
Nhà nghiên cứu Lê Trường Phát cho rằng: “Hình ảnh các con vật cùng mối
quan hệ giữa chúng vừa phải giống chúng tồn tại ngoài đời thực, nghĩa là trong cái
thế giới hoang dã của chúng, vừa mang theo đặc tính của con người và mối quan hệ
giữa người với người”. Điều này làm cho các nhân vật chính trong truyện cổ tích
loài vật có tính chất hai mặt: mặt “tự nhiên” tức là giống những con vật thật ngoài
đời (vật nuôi), ngoài tự nhiên (vật hoang dã), lại vừa mang tính “xã hội” nghĩa là lại
vừa giống với những bản chất khác nhau của các hạng người trong xã hội.
Nhân vật loài vật được nhân hóa một cách hồn nhiên trong trí tưởng tượng của
dân gian. Thế giới nhân vật loài vật đã làm cho các truyện kể thêm phong phú, sống
động, hấp dẫn.
* Nguyên tắc xây dựng nhân vật trong truyện dân gian
Nhân vật trong truyện dân gian là những nhân vật chức năng. Tác giả dân
gian xây dựng nên những nhân vật đó để gửi gắm những tâm tư, tình cảm, mong
ước, khát vọng của mình và cũng để tìm cách lí giải cho những hiện tượng con
người chưa giải thích được bằng khoa học.

21


×