Tải bản đầy đủ (.pdf) (87 trang)

Thế giới nhân vật trong truyện viết cho thiếu nhi của nguyễn huy tưởng ( Luận văn thạc sĩ)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (861.31 KB, 87 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

LẠI THỊ MAI HƯƠNG

THẾ GIỚI NHÂN VẬT
TRONG TRUYỆN VIẾT CHO THIẾU NHI
CỦA NGUYỄN HUY TƯỞNG

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM

HÀ NỘI, 2018


VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

LẠI THỊ MAI HƯƠNG

THẾ GIỚI NHÂN VẬT
TRONG TRUYỆN VIẾT CHO THIẾU NHI
CỦA NGUYỄN HUY TƯỞNG

Chuyên ngành: Văn học việt nam
Mã số: 8 22 01 21

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC


TS. HOÀNG TỐ MAI

HÀ NỘI, 2018


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận văn thạc sĩ Thế giới nhân vật trong truyện viết cho
thiếu nhi của Nguyễn Huy Tưởng là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Tất cả
những tham khảo và kế thừa đều được trích dẫn và tham chiếu đầy đủ. Kết quả
nghiên cứu này chưa được công bố trong công trình nghiên cứu nào từ trước đến
nay.
Hà Nội ngày 30 tháng 3 năm 2018
Người viết luận văn

Lại Thị Mai Hương


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1
Chương 1. NHỮNG DẠNG NHÂN VẬT PHỔ BIẾN TRONG VĂN HỌC
VIẾT CHO THIẾU NHI ................................................................................ 9
1.1. Nhân vật trong văn học ........................................................................... 9
1.2. Những dạng nhân vật thường xuất hiện trong văn học viết cho thiếu nhi
...................................................................................................................... 17
Chương 2. NHỮNG DẠNG NHÂN VẬT TIÊU BIỂU TRONG TRUYỆN
VIẾT CHO THIẾU NHI CỦA NGUYỄN HUY TƯỞNG ........................ 24
2.1. Dạng nhân vật thường xuất hiện trong các truyện dân gian viết lại ..... 24
2.2. Dạng nhân vật thường xuất hiện trong các truyện viết về đề tài lịch sử
...................................................................................................................... 40
Chương 3. PHƯƠNG THỨC THỂ HIỆN NHÂN VẬT TRONG

TRUYỆN VIẾT CHO THIẾU NHI CỦA NGUYỄN HUY TƯỞNG ...... 47
3.1. nghệ thuật xây dựng nhân vật ............................................................... 47
3.2. không gian nghệ thuật ........................................................................... 68
KẾT LUẬN .................................................................................................... 76
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ..................................................... 79


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
1. Văn học có vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách trẻ em cả về đạo
đức, trí tuệ và tình cảm thẩm mĩ. Trên thế giới, các tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi
đã xuất hiện từ rất xa xưa. Nhiều sáng tác trở thành tác phẩm kinh điển của nền văn học
nhân loại như: Truyện cổ Andersen, Không gia đình của Hector Malot, Những tấm
lòng cao cả của Edmondo De Amicis.... Ở Việt Nam, từ đầu thế kỉ XX bắt đầu xuất
hiện các tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi, nhưng phải từ sau Cách mạng tháng Tám
năm 1945, mảng văn học thiếu nhi mới chính thức được hình thành. Nhắc đến thế hệ
nhà văn đặt nền móng cho văn học thiếu nhi Việt Nam hiện đại, không thể không nhắc
đến các các tên tuổi như Tô Hoài, Võ Quảng, Đoàn Giỏi, Phạm Hổ…, và đặc biệt là
Nguyễn Huy Tưởng. Đối với văn học Việt Nam thiếu nhi Việt Nam hiện đại, ông
không chỉ là người đặt nền tảng, mà còn là một đỉnh cao cho đến hôm nay.
2. Nhân vật văn học là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo gắn liền với ý đồ tư
tưởng của nhà văn trong việc nêu lên những vấn đề của hiện thực cuộc sống. Bertolt
Brecht cho rằng: "Các nhân vật của tác phẩm nghệ thuật không phải giản đơn là
những bản dập của những con người sống mà là những hình tượng được khắc họa
phù hợp với ý đồ tư tưởng của tác giả". Nhân vật mang chở nội dung phản ánh, tư
tưởng, chủ đề của tác phẩm, là nơi kí thác quan niệm về con người, về nhân sinh
của nhà văn. Ðọc một tác phẩm, đọng lại sâu sắc nhất trong tâm hồn người đọc
thường là số phận, tình cảm, cảm xúc của những con người được nhà văn thể hiện.
Nhà văn Tô Hoài cho rằng "Nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy, giải quyết
hết thảy trong một sáng tác". Nhân vật là căn cứ quan trọng giúp người đọc có thể

hiểu được phong cách nghệ thuật và tư tưởng nghệ thuật của nhà văn. Điều này có ý
nghĩa đặc biệt quan trọng khi nghiên cứu tác phẩm cũng như tác gia văn học.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
1. Vài nét về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng sinh ngày 6/5/1912 trong một gia đình nhà Nho
tại làng Dục Tú, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Dục Tú, Đông Anh, Hà

1


Nội). Từ trước cách mạng, ông đã tham gia hoạt động Văn hóa cứu quốc, phấn đấu
vì một nền văn hóa dân tộc dân chủ, tiến bộ. Nguyễn Huy Tưởng sáng tác nhiều và
thành công ở nhiều thể loại: tiểu thuyết lịch sử, kịch, văn học thiếu nhi… Ông
khẳng định được tên tuổi và vị trí trong làng văn với những tác phẩm có giá trị về
văn chương và lịch sử: Đêm hội Long Trì, (tiểu thuyết, 1942), An Tư công
chúa (tiểu thuyết,1944), Truyện Anh Lục (tiểu thuyết, 1955), Bốn năm sau (tiểu
thuyết,1959), Sống mãi với Thủ đô (tiểu thuyết, 1960), Vũ Như Tô (kịch, 1943), Cột
đồng Mã Viện (kịch,1944), Bắc Sơn (kịch, 1946), Lũy hoa (kịch, 1960), Ký sự Cao
Lạng (truyện kí, 1951)... Bên cạnh đó là các tác phẩm cho thiếu nhi được bạn đọc
nhỏ tuổi yêu thích như: Cô bé gan dạ (1940), Chiếc bánh chưng (1942), An Dương
Vương xây thành ốc (1957), Kể chuyện vua Quang Trung (1959), Tìm mẹ (1960),
Lá cờ thêu sáu chữ vàng (1960)… Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải
thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt đầu tiên.
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng dành trọn đời để sáng tác về các đề tài lịch sử,
kháng chiến, về thủ đô Hà Nội. Nhà phê bình, nghiên cứu Nguyên An từng nhận
định: “Nếu không có Nguyễn Huy Tưởng thì văn đàn hiện đại Việt Nam, nhất là ở
mảng lịch sử - truyền thống sẽ vơi đi sự bề thế, vẻ kì vĩ, tráng lệ và chất bi thương
hào hùng, mặc dù cạnh ông đã có Tô Hoài, và sau ông, cũng đã có các tác giả đáng
nể như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Mộng
Giác, Bút Ngữ, Hà Ân, Nguyễn Quang Thân…”. Các nhà nghiên cứu cũng khẳng

định vai trò quan trọng của Nguyễn Huy Tưởng trong mảng sáng tác cho thiếu nhi,
coi ông là một trong những người đặt nền móng cho văn học thiếu nhi Việt Nam.
Năm 1940, Nguyễn Huy Tưởng bắt đầu viết những truyện ngắn đầu tiên cho thiếu
nhi trong loạt sách "Hoa xuân". Sáng tác cuối cùng của ông, truyện Lá cờ thêu sáu
chữ vàng cũng là tác phẩm viết cho thiếu nhi.
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng quan niệm: “Phàm văn chương mục đích thứ nhất
là để dạy dỗ thiếu niên, cốt làm sao cho bao giờ họ cũng có một tấm lòng bồng bồng,
bột bột mà vẫn biết lẽ phải và vẫn biết thương nhau”. Với tâm niệm ấy, Nguyễn Huy
Tưởng luôn nghĩ cách làm sao để thiếu nhi có nhiều sách văn để đọc, để học. Trước

2


năm 1945, ông đã tham gia viết sách về những người anh hùng nhỏ tuổi như Trần
Quốc Toản, Trần Nhật Duật… giúp trẻ em hiểu về lịch sử nước nhà. Trong những
năm kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Huy Tưởng cùng các nhà văn Tô Hoài, Hồ
Trúc, nhạc sĩ Phong Nhã… dựng tủ sách cho thiếu nhi lấy tên là Kim Đồng (tiền thân
của Nhà xuất bản Kim Đồng ngày nay). Đến năm 1957, với cương vị là Giám đốc
Nhà xuất bản Kim Đồng - nhà xuất bản đầu tiên cho thiếu nhi, Nguyễn Huy Tưởng
góp phần quan trọng đặt nền móng, mở ra một tương lai tốt đẹp cho văn học trẻ em,
khi ấy là một mảng đề tài còn nhiều khoảng trống. Ông cùng các nhà văn khác nỗ lực
góp sức cho văn học thiếu nhi thời ấy. Trước tấm lòng của Nguyễn Huy Tưởng dành
cho trẻ em, nhạc sĩ Văn Cao viết tặng ông: “Những giọt mực của anh /Chấm vào
những năm chiến đấu/ Nhỏ từng giọt máu,/ Trĩu vai anh bao nhiêu tích sử/ Nặng lắm
giọt máu tươi/Anh viết về trẻ nhỏ/ Cũng nặng giọt máu tươi/ Những trang anh hùng
ca nổi tiếng/ Và dòng máu nơi anh/ Những giọt mực cạn dần”.
Truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Huy Tưởng phong phú về đề tài và
phong cách thể hiện, nhưng tư tưởng xuyên suốt là lòng yêu nước, niềm tự hào về
lịch sử dân tộc, lòng nhân ái của con người, niềm tin thiện thắng ác. Ông đem đến
cho trẻ thơ những câu chuyện lịch sử, những câu chuyện cổ tích thần kì "vừa lạ lùng

xanh biếc, vừa mênh mông những tưởng tượng kì ảo mà trong đó chất chứa cả một
kho vàng ngọc những tình cảm yêu thương, những lòng tin, những chí khí dời núi
lấp biển của người Việt Nam, của truyền thống Việt Nam" (Tô Hoài).
Hiện nay, mảng văn học thiếu nhi nước ta ngày càng phát triển, đề tài ngày
càng mở rộng. Nhưng những câu chuyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Huy Tưởng
vẫn được bạn đọc nhỏ tuổi đón nhận, trân trọng, nâng niu.
2. Những công trình nghiên cứu về Nguyễn Huy Tưởng
Nguyễn Huy Tưởng cùng với sự nghiệp của ông đã nhận được sự quan tâm của
dư luận và giới nghiên cứu từ khá sớm. Nhiều công trình nghiên cứu về Nguyễn
Huy Tưởng được ấn hành. Sớm nhất, có thể tính đến chuyên luận Nguyễn Huy Tưởng
(1912-1960) của Phan Cự Đệ và Hà Minh Đức xuất bản năm 1966. Toàn bộ chương
một của cuốn sách viết về sự chuyển biến tư tưởng, con đường đến với văn chương

3


và hành trình sáng tạo nghệ thuật của nhà văn. Tiếp đó, các tác giả đi sâu phân tích
nội dung xã hội của tác phẩm gắn với hiện thực cuộc sống. Điều đáng ghi nhận là khi
nghiên cứu tác phẩm Nguyễn Huy tưởng, các tác giả khảo sát tư liệu, gắn tác phẩm
với bối cảnh thời đại, hoàn cảnh sáng tác tại thời điểm cụ thể để thấy được ý nghĩa xã
hội, tính thời sự và những hiệu ứng tích cực trong sáng tác của nhà văn.
Sau này, những vấn đề đặt ra trong sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng tiếp tục trở
thành đề tài được bàn luận, nghiên cứu trên các diễn đàn khoa học với các bài viết
công phu của các nhà nghiên cứu Phong Lê, Hà Minh Đức, Bích Thu, Tôn Thảo
Miên, Đỗ Đức Hiểu, Phạm Vĩnh Cư, Trần Đăng Suyền, Nguyên Ngọc, Tô Hoài,
Nguyễn Minh Châu… Bên cạnh đó là các Hội thảo khoa học về cuộc đời, sự
nghiệp, về những giá trị tư tưởng trong tác phẩm Nguyễn Huy Tưởng dành được sự
quan tâm rộng rãi của giới nghiên cứu, phê bình. Mỗi cuộc hội thảo lại cho bạn đọc
nhận diện những giá trị vượt thời gian trong các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy
Tưởng. Các nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình đưa ra những đánh giá khách quan

khẳng định vai trò, vị thế văn chương Nguyễn Huy Tưởng đối với sự phát triển của
nền văn học dân tộc.
Một số công trình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Huy Tưởng tiếp
tục ra mắt bạn đọc, như cuốn Nguyễn Huy Tưởng về tác gia, tác phẩm (Bích Thu,
Tôn Thảo Miên tuyển chọn giới thiệu); Nguyễn Huy Tưởng khát vọng một đời văn
(Phương Ngân tuyển chọn và biên soạn)… Bộ ấn phẩm do tác giả Nguyễn Huy
Thắng, con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng biên soạn: Nguyễn Huy Tưởng một
thời và mãi mãi; Nguyễn Huy tưởng còn với thời gian; Nguyễn Huy Tưởng trong
vầng sáng hồi nhớ; Nguyễn Huy Tưởng trước khi là nhà văn; Nguyễn Huy Tưởng
với người thân; Nguyễn Huy Tưởng, văn và người… khắc họa một cách chân thực,
rõ nét gương mặt nhà văn, nhà văn hóa Nguyễn Huy Tưởng trong cuộc sống đời
thường và trong sáng tạo văn chương.
Nhân dịp niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và 50 năm ngày mất nhà văn,
ấn phẩm Nguyễn Huy Tưởng một nhà văn Hà Nội (Nxb Hà Nội, 2011) được xuất
bản. Cuốn sách giới thiệu bài viết của nhiều nhà nghiên cứu tên tuổi: Phạm Xuân

4


Nguyên, Phong Lê, Dương Trung Quốc, Lê Phương Liên… Đây là những bài viết,
bài tham luận của các học giả, các nhà nghiên cứu trong Hội thảo khoa học
“Nguyễn Huy Tưởng với Hà Nội” (do Hội Nhà văn, Viện Văn học và Nhà xuất bản
Kim Đồng tổ chức). Các tác giả cho người đọc hiểu thêm những đóng góp và cống
hiến của Nguyễn Huy Tưởng - người nối dài những vẻ đẹp của Thăng Long, Hà
Nội. Năm 2015, kỉ niệm 55 năm nhà văn qua đời, Hội thảo Khoa học “Nhà văn
Nguyễn Huy Tưởng – từ khởi nguồn Dục Tú, Đông Anh” do quê hương ông phối
hợp với Hội Nhà văn Việt Nam và một số cơ quan khác, trong đó có Nhà xuất bản
Kim Đồng thực hiện. Ấn phẩm Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng – từ khởi nguồn Dục
Tú, Đông Anh (Nxb Kim Đồng, 2015) được xuất bản. Cuốn sách tập hợp các bài
viết tham gia cuộc Hội thảo cùng một số hồi ức của nhà văn và người thân, bạn bè

về quê hương, gia đình, tuổi thơ của nhà văn. Những bài viết góp phần khẳng định
sự nghiệp của nhà văn trên nhiều bình diện: nhà văn, nhà văn hóa, nhà cách mạng,
người góp công đặt nền móng cho văn học thiếu nhi…
Ngoài những công trình nghiên cứu về Nguyễn Huy Tưởng, một số ấn phẩm in
tác phẩm Nguyễn Huy Tưởng có nhiều giá trị trong việc giúp người đọc thuận lợi
khi tiếp cận sáng tác và tìm hiểu cuộc đời nhà văn như: Bộ sách Nguyễn Huy Tưởng
toàn tập do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 1996. Bộ sách tập hợp tương đối
đầy đủ các tác phẩm của nhà văn ở tất cả các thể loại. Năm 2006, Nhật kí Nguyễn
Huy Tưởng được Nhà xuất bảnThanh niên xuất bản. Qua cuốn Nhật kí, người hiểu
rõ hơn về quá trình lao động nghệ thuật và những khát vọng lớn của nhà văn muốn
cống hiến cho văn học dân tộc. Những trang Nhật kí được ghi chép cẩn thận trong
suốt 30 năm sống - hoạt động cách mạng và sáng tác, với trên 1.700 trang in.
Chuyện đời, chuyện nghề, những tâm tư tình cảm... được nhà văn ghi lại sinh động,
chân thực, giản dị. Nhà văn cũng gửi gắm, kí thác những tư tưởng, những bức thông
điệp để đối thoại với chính mình và với cuộc đời. Đây là quan niệm về nghề văn
ông ghi trong Nhật kí: “Một nghề nghiệp cao quý biết bao là nghề viết văn. Đưa lại
cho đời một bó đuốc không to thì nhỏ. Có nghề nào thú vị hơn nghề văn, nó lấy

5


nguyên liệu chính là con người – một cái gì đẹp nhất, toàn diện nhất, kì diệu nhất
của sự sáng tạo” (Nhật kí Nguyễn Huy Tưởng, ghi ngày 16/6/1956).
Bên cạnh công trình nghiên cứu được xuất bản còn có những luận án tiến sĩ
hoặc luận văn thạc sĩ về sáng tác Nguyễn Huy Tưởng đã bảo vệ thành công như:
Thể tài lịch sử - dân tộc trong sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng (Trần Thị Hồng
Minh, Đại học Sư phạm Hà Nội, 2011); Mạch lạc trong văn bản kịch Vũ Như Tô
của Nguyễn Huy Tưởng (Đỗ Thị Bích Phượng, Đại học Sư phạm Hà Nội, 2011);
Điểm nhìn trong kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng (Bùi Thị Tú, Đại học Sư
phạm Hà Nội, 2012), Phong cách nghệ thuật Nguyễn Huy Tưởng (Nguyễn Huy

Phòng, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Hà Nội, 2016)...
3. Những công trình nghiên cứu về mảng sáng tác dành cho thiếu nhi của
Nguyễn Huy Tưởng
Nhìn chung những công trình nghiên cứu dạng này vẫn còn khá thưa thớt, chủ yếu
là các bài viết in trên báo. Có thể kể đến một số bài như: Nguyễn Huy Tưởng, nhà văn
tài hoa (Đỗ Ngọc Yên), Nguyễn Huy Tưởng và những trang viết cho tuổi thơ (Nguyễn
Huy Phòng), Nguyễn Huy Tưởng đã viết tác phẩm Tìm Mẹ như thế nào (Nguyễn Huy
Thắng), Nguyễn Huy Tưởng với truyện cổ tích (Vân Thanh), Nhà văn Nguyễn Huy
Tưởng, từ nguồn cổ tích quê hương (Lê Phương Liên), Nguyễn Huy Tưởng và nghệ
thuật khắc họa nhân vật lịch sử trong truyện viết cho thiếu nhi (Liên Hương)… Các tác
giả đều khẳng định vai trò của nhà văn đối với văn học thiếu nhi và khẳng định những
giá trị của truyện thiếu nhi Nguyễn Huy Tưởng.
Bên cạnh đó là một số luận văn nghiên cứu mảng truyện thiếu nhi của Nguyễn
Huy Tưởng đã bảo vệ thành công như: Thi pháp văn xuôi tự sự trong truyện viết
cho thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (luận văn thạc sĩ, Nguyễn Hữu Nhất,
Đại học khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, 2016), Phong cách Nguyễn Huy
Tưởng qua truyện viết cho thiếu nhi (luận văn thạc sĩ, Nguyễn Thị Thúy, Trường
Đại học Sư Phạm Hà Nội 2, 2016), Truyện cổ viết lại của Nguyễn Huy Tưởng (khóa
luận tốt nghiệp đại học, Nguyễn Xuân Thịnh, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, 2016)…

6


Có thể thấy, Nguyễn Huy Tưởng và trước tác của ông đã nhận được sự quan
tâm của dư luận nói chung và giới nghiên cứu nói riêng. Với sự hạn chế về thời gian
và tư liệu nên việc tổng thuật chưa được đầy đủ như mong muốn. Tuy nhiên, người
viết cũng đã cố gắng khái quát những nét chính của vấn đề. Nhìn chung, ở mỗi công
trình nghiên cứu, các tác giả đã đề cập đến những khía cạnh tiêu biểu, nổi bật trong
những tác phẩm cụ thể của Nguyễn Huy Tưởng. Tuy nhiên về thế giới nhân vật và
nghệ thuật khắc họa nhân vật trong truyện thiếu nhi Nguyễn Huy Tưởng vẫn chưa

có công trình nào khai thác một cách có hệ thống.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Với đề tài này, chúng tôi muốn đem lại một cách nhìn hệ thống về thế giới
nhân vật trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Huy Tưởng. Đồng thời chỉ ra
những đặc điểm riêng trong việc xây dựng nhân vật của nhà văn.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
- Tìm hiểu khái niệm và chức năng của nhân vật văn học, các dạng nhân vật
tiêu biểu thường xuất hiện trong văn học viết cho thiếu nhi.
- Nghiên cứu các kiểu nhân vật và nghệ thuật khắc họa nhân vật trong truyện
viết cho thiếu nhi của Nguyễn Huy Tưởng.
4.2. Phạm vi tư liệu
Trong khuôn khổ của luận văn, chúng tôi khảo sát thế giới nhân vật trong hai
tập truyện:
- Nguyễn Huy Tưởng - Những truyện hay viết cho thiếu nhi, Nxb Kim Đồng, 2016.
- Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Nxb Kim Đồng, 2012.
Ngoài ra, chúng tôi cũng liên hệ một số tác phẩm khác của Nguyễn Huy Tưởng
và một số tác giả khác trong nước có tác phẩm liên quan đến đề tài của luận văn.
5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
Trong luận văn này chúng tôi chủ yếu sử dụng các phương pháp:
- Phương pháp loại hình
- Phương pháp phân tích văn bản

7


- Phương pháp so sánh
- Phương pháp phân loại, thống kê.
6. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn của luận văn
Với đề tài này, chúng tôi hi vọng góp một phần nhỏ vào việc tìm hiểu cống

hiến của Nguyễn Huy Tưởng trong mảng sáng tác dành cho thiếu nhi. Ngoài ra
chúng tôi cũng muốn góp phần vào tiến trình nghiên cứu truyện thiếu nhi Việt Nam
hiện đại. Chúng tôi hi vọng mảng sáng tác dành cho thiếu nhi ngày một thu hút
lượng tác giả và lượng bạn đọc đông đảo hơn bởi giá trị nghệ thuật và giá trị nhân
văn của nó. Nếu thành công, đề tài cũng là tài liệu tham khảo có ích cho giáo viên
trong việc giảng dạy tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng trong các trường phổ thông.
7. Cơ cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu thao khảo, nội dung chính của luận
văn gồm ba vấn đề chính:
Chương 1: Những dạng nhân vật phổ biến trong văn học viết cho thiếu nhi
Chương 2: Những dạng nhân vật tiêu biểu trong truyện viết cho thiếu nhi của
Nguyễn Huy Tưởng
Chương 3: Phương thức thể hiện nhân vật trong truyện viết cho thiếu nhi của
Nguyễn Huy Tưởng

8


Luận văn đầy đủ ở file:Luận văn Full















×