Tải bản đầy đủ (.pdf) (84 trang)

NGHIÊN CỨU CÁC PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ HẠT GIỐNG, ẢNH HƯỞNG CỦA KÍCH THƯỚC HẠT VÀ THÀNH PHẦN RUỘT BẦU ĐẾN SỰ SINH TRƯỞNG CỦA CÂY BẠCH ĐÀN TRẮNG (Eucalyptus tereticornis. J. E. Smith) TRONG GIAI ĐOẠN VƯỜN ƯƠM

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (740.38 KB, 84 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP

NGHIÊN CỨU CÁC PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ HẠT GIỐNG,
ẢNH HƯỞNG CỦA KÍCH THƯỚC HẠT VÀ THÀNH PHẦN
RUỘT BẦU ĐẾN SỰ SINH TRƯỞNG CỦA CÂY BẠCH
ĐÀN TRẮNG (Eucalyptus tereticornis. J. E. Smith)
TRONG GIAI ĐOẠN VƯỜN ƯƠM

Sinh viên thực hiện: NGUYỄN CẢNH TRINH
Ngành: LÂM NGHIỆP
Niên khóa: 2004 – 2008

Tháng 07/2008


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

NGHIÊN CỨU CÁC PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ HẠT GIỐNG,
ẢNH HƯỞNG CỦA KÍCH THƯỚC HẠT VÀ THÀNH PHẦN
RUỘT BẦU ĐẾN SỰ SINH TRƯỞNG CỦA CÂY BẠCH ĐÀN
TRẮNG (Eucalyptus tereticornis. J. E. Smith)
TRONG GIAI ĐOẠN VƯỜN ƯƠM

Tác giả
NGUYỄN CẢNH TRINH

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP KỸ SƯ


CHUYÊN NGÀNH LÂM NGHIỆP

Giáo viên hướng dẫn:
ThS. LÊ HUỲNH

Tháng 07/2008
i


LỜI CẢM ƠN!
Tận đáy lòng mình con xin ghi tạc lòng biết ơn sâu nặng đến ba mẹ - những
người đã sinh thành, dưỡng dục và cho con những gì tốt đẹp nhất trên đời này để con
có được ngày hôm nay.
Em vô cùng biết ơn các thầy cô trong trường đại học Nông Lâm đặc biệt là các
thầy cô trong khoa Lâm nghiệp đã tận tình giảng dạy, truyền thụ cho em những kiến
thức quý báu.
Em xin gửi lời cảm ơn chân thành đến thầy Lê Huỳnh – người đã tận tâm giảng
dạy và tận tình hướng dẫn, giúp em hoàn thành đề tài này.
Em xin gửi lời cảm ơn chân thành đến anh Phan Văn Trọng – cán bộ phụ trách
vườn ươM khoa Lâm Nghiệp đã tận tình chỉ bảo, giúp đỡ em trong suốt quá trình hoàn
thành đề tài này.
Mình xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các bạn trong nhóm Tứ Liều đã cùng
mình trải qua những khó khăn trong thời sinh viên và đã tận tình giúp đỡ mình trong
quá trình hoàn thành đề tài này.
Mình xin cảm ơn chân thành đến các bạn trong tập thể lớp DH04LN đã tận tình
giúp đỡ mình trong suốt thời gian mình học tại trường.

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 7 năm 2008
Sinh viên thực hiện
NGUYỄN CẢNH TRINH


ii


TÓM TẮT
Đề tài nghiên cứu: Nghiên cứu các phương pháp xử lí hạt giống, ảnh hưởng
của kích thước hạt và thành phần ruột bầu đến sự sinh trưởng của cây Bạch đàn
trắng (Eucalyptus tereticornis. J.E.Smith) trong giai đoạn vườn ươm.
Thời gian thực hiện từ ngày 04 tháng 04 năm 2008 đến ngày 30 tháng 06 năm
2008. Đề tài tiến hành 3 thí nghiệm: thí nghiệm 1: xử lý hạt giống bằng 3 phương
pháp: ngâm hạt trong nước nóng, ngâm hạt trong dung dịch KMnO4 0,05 %, xử lý
bằng nhiệt độ và gieo hạt trên 3 giá thể: cát, tro trấu, hỗn hợp đất; thí nghiệm 2: gieo
hai loại hạt bạch đàn trắng, loại thứ nhất có đường kính lớn nhất nhỏ hơn 1,4 mm, loại
thứ hai có đường kính lớn nhất lớn hơn 1,6 mm; thí nghiệm 3: cấy cây con của hai loại
hạt trên hai loại ruột bầu, loại thứ nhất là hỗn hợp đất gồm 7 phần đất + 2 phần tro trấu
+ 1 phần phân chuồng, loại thứ hai là hỗn hợp đất gồm 6 phần đất + 2 phần tro trấu + 2
phần phân chuồng. Kết quả thu đươc như sau:
Hạt xử lý bằng nước nóng và gieo trên giá thể cát thích hợp nhất trong 9
nghiệm thức cho sự nảy mầm của hạt bạch đàn trắng.
Hai loại hạt cho kết quả nảy mầm như nhau.
Cây từ hạt có đường kính lớn hơn 1,6 mm ở 2 tuần tuổi có chiều cao lớn hơn và
tổng số lá trung bình nhiều hơn cây từ hạt có đường kính nhỏ hơn 1,4 mm.
Cây từ hạt có đường kính lớn hơn 1,6 mm và cây từ hạt có đường kính nhỏ hơn
1,4 mm có tỉ lệ sống như nhau sau 15 ngày cấy vào bầu.
Cây từ hạt có đường kính lớn hơn 1,6 mm ở 1 tháng tuổi có chiều cao lớn hơn
và tổng số lá trung bình nhiều hơn cây từ hạt có đường kính nhỏ hơn 1,4 mm.
Cây được cấy trên hai loại ruột bầu có tỉ lệ sống như nhau sau 15 ngày cấy vào
bầu.
Cây được cấy trên hại loại ruột bầu có chiều cao trung bình, tổng số lá trung
bình như nhau.


iii


MỤC LỤC

Trang

Trang tựa

i

Lời cảm ơn

ii

Tóm tắt

iii

Mục lục

iv

Danh sách các bảng

vii

Danh sách các hình


viii

Danh sách các phụ lục

ix

Chương 1 - MỞ ĐẦU

1

1.1. Đặt vấn đề

1

1.2. Mục đích nghiên cứu

3

1.3. Mục tiêu nghiên cứu

3

1.4. Giới hạn của đề tài

4

Chương 2 - TỔNG QUAN

5


2.1. Đặc điểm tự nhiên khu vực nghiên cứu

5

2.1.1. Vị trí địa lí

5

2.1.2. Địa hình

5

2.1.3. Lượng mưa

5

2.1.4. Nhiệt độ

6

2.1.5. Gió

6

2.1.6. Ánh sáng

6

2.2. Giới thiệu về cây Bạch đàn trắng


7

2.2.1 Danh pháp

7

2.2.2. Đặc điểm hình thái

7

2.2.3. Đặc điểm sinh thái

8

2.2.4. Công dụng

8

2.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự nảy mầm của hạt
2.3.1. Phương pháp xử lý hạt trước khi gieo
2.3.1.1. Xử lý các loại hạt có vỏ cứng
iv

8
9
9


2.3.1.2. Xử lý hạt ngủ sinh lý (phôi ngủ)


9

2.3.1.3. Tủ một lớp áo bên ngoài hạt

9

2.3.1.4. Xử lý hạt Bạch đàn trắng

9

2.3.2. Giá thể gieo hạt

10

2.3.3. Độ ẩm và sự thoáng khí

10

2.3.4. Nhiệt độ

11

2.3.5. Ánh sáng

11

2.4. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây con trong giai
đoạn vườn ươm

11


2.4.1.Trọng lượng hạt

11

2.4.2. Giá thể

11

2.4.3. Ánh sáng

12

2.4.4. Chế độ tưới nước

12

Chương 3 - NỘI DUNG, VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

13

3.1. Địa điểm nghiên cứu

13

3.2. Nội dung nghiên cứu

13

3.3. Vật liệu thí nghiệm


13

3.4. Phương pháp nghiên cứu

15

3.4.1. Đánh giá sự biến động về kích thước của lô hạt

15

3.4.2. Thí nghiệm 1: Ảnh hưởng của phương pháp xử lý hạt giống và
giá thể gieo hạt đến quá trình nảy mầm của hạt Bạch đàn trắng

15

3.4.3. Thí nghiệm 2: Ảnh hưởng của kích thước hạt đến sự nảy mầm,
và sự sinhtrưởng của cây con 2 tuần tuổi.

21

3.4.4. Thí nghiệm 3: Ảnh hưởng của kích thước hạt và thành phần ruột
bầu đến sự sinh trưởng của cây con 1 tháng tuổi ở giai đoạn
vườn ươm

22

3.5. Phương pháp xử lý số liệu

25


Chương 4 - KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

26

4.1. Sự biến động về kích thước hạt Bạch đàn trắng trong lô hạt

26

4.2. Ảnh hưởng của các phương pháp xử lý hạt giống và giá thể gieo hạt
đến sự nảy mầm của hạt bạch đàn trắng
v

28


4.3. Ảnh hưởng của kích thước hạt đến sự nảy mầm của hạt

37

4.4. Ảnh hưởng của kích thước hạt đến sự sinh trưởng của cây con

40

4.4.1. Ảnh hưởng của kích thước hạt đến tổng số lá và chiều cao vút
ngọn của cây con hai tuần tuổi

40

4.4.2. Ảnh hưởng của kích thước hạt và thành phần ruột bầu đến sinh

trưởng của cây con 1 tháng tuổi.

43

Chương 5 - KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

47

5.1. Kết luận

47

5.2. Kiến nghị

49

TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC

vi


DANH SÁCH CÁC BẢNG
Trang

Bảng 3.1. Sơ đồ bố trí thí nghiệm 1

18

Bảng 3.2. Kí hiệu các nghiệm thức trong thí nghiệm 1.


19

Bảng 3.3. Sơ đồ bố trí thí nghiệm 2.

23

Bảng 3.4. Kí hiệu các nghiệm thức trong thí nghiệm 2

23

Bảng 4.1. Kết quả đo đếm đường kính lớn nhất của 100 hạt

26

Bảng 4.2. Kếtquả nảy mầm trong thí nghiệm 1

29

Bảng 4.3. Kết quả phân tích phương sai ảnh hưởng của phương pháp xử lý hạt giống
và giá thể gieo hạt đến thế nảy mầm của hạt.
Bảng 4.4. Thế nảy mầm của hạt ở các nghiệm thức.

30
33

Bảng 4.5. Kết quả phân tích phương sai ảnh hưởng của phương pháp xử lý hạt giống
và giá thể gieo hạt đến thế nảy mầm của hạt.
Bảng 4.6. thời gian nảy mầm ở các nghiệm thức trong thí nghiệm 1


34
35

Bảng 4.7. Kết quả ảnh hưởng của phương pháp xử lý hạt giống và giá thể gieo hạt đến
thời gian nảy mầm trung bình của hạt.

36

Bảng 4.8. Kết quả nảy mầm trong thí nghiệm 2.

37

Bảng 4.9. Các chỉ tiêu nảy mầm của hạt trong thí nghiệm 2

38

Bảng 4.10. Kết quả phân tích phương sai tỉ lệ nảy mầm trong thí nghiệm 2.

39

Bảng 4.11. Kết quả phân tích phương sai thế nảy mầm trong thí nghiệm 2

40

Bảng 4.12. Ảnh hưởng của kích thước hạt đến số lá và chiều cao vút ngọn

41

Bảng 4.13. Kết quả phân tích phương sai ảnh hưởng của kích thước hạt đến sinh
trưởng số lá của cây con.


41

Bảng 4.14. Kết quả phân tích phương sai ảnh hưởng của kích thước hạt đến sinh
trưởng chiều cao vút ngọn.

42

Bảng 4.15. Kết quả đếm số cây sống sau 1 tháng gieo ươm.

43

Bảng 4.16. Chiều cao và tổng số lá trung bình trên một cây ở các nghiệm thức

44

Bảng 4.17. Kết quả phân tích phương sai ảnh hưởng của kích thước hạt và thành phần
ruột bầu đến chiều cao của cây con 1 tháng tuổi.

44

Bảng 4.18. Kết quả phân tích phương sai ảnh hưởng của kích thước hạt và giá thể gieo
hạt đến tổng số lá của cây 1 táng tuổi.
vii

45


DANH SÁCH CÁC HÌNH
Trang

Hình 2.1. Hình vẽ cành, lá hoa và quả cây bạch đàn trắng

7

Hình 4.1. Sự biến động về kích thước của các hạt trong lô hạt.

27

Hình 4.2. Biểu đồ phân bố các hạt theo đường kính lớn nhất của hạt.

27

Hình 4.3. Tỷ lệ nảy mầm ở các nghiệm thức.

29

Hình 4.4. Biểu diễn thế nảy mầm ở các nghiệm thức.

33

Hình 4.5. Biểu đồ so sánh thời gian nảy mầm của hạt ở các nghiệm thức.

35

Hình 4.6. Biểu đồ diễn biến nảy mầm của hai loại hạt.

38

Hình 4.7. Biểu đồ so sánh sự nảy mầm ở hai loại hạt


39

viii


DANH SÁCH CÁC PHỤ LỤC
Phụ lục 1. Bảng theo dõi kết quả nảy mầm trên các nghiệm thức trong thí nghiệm 1
Phụ lục 1.1. Kết quả nảy mầm trên nghiệm thức NT1
Phụ lục 1.2. Kết quả nảy mầm trên nghiệm thức NT2.
Phụ lục 1.3. Kết quả nảy mầm trên nghiệm thức NT3.
Phụ lục 1.4. Kết quả nảy mầm trên nghiệm thức NT4
Phụ lục 1.5. Kết quả nảy mầm trên nghiệm thức NT5.
Phụ lục 1.6. Kết quả nảy mầm trên nghiệm thức NT6
Phụ lục 1.7. Kết quả nảy mầm trên nghiệm thức NT7
Phụ lục 1.8. Kết quả nảy mầm trên nghiệm thức NT8
Phụ lục 1.9. Kết quả nảy mầm trên nghiệm thức NT9.
Phụ lục 2. Bảng theo dõi kết quả nảy mầm trên các nghiệm thức trong thí nghiệm 2
Phụ lục 2.1. Kết quả nảy mầm trên nghiệm thức NT1
Phụ lục 2.2. Kết quả nảy mầm trên nghiệm thức NT2.
Phụ lục 3. Kết quả phân tích phương sai ảnh hưởng của phương pháp xử lý hạt giống
và giá thể gieo hạt đến tỉ lệ nảy mầm của hạt trong thí nghiệm 1 trên phần mềm
StatgraphicsPlus 3.0.
Phụ lục 4. Kết quả phân tích phương sai ảnh hưởng của phương pháp xử lý hạt giống
và giá thể gieo hạt đến thế nảy mầm trong thí nghiệm 1.
Phụ lục 5. Kết quả phân tích phương sai ảnh hưởng của phương pháp xử lý hạt giống
và giá thể gieo hạt đến thời gian nảy mầm trung bình của hạt.
Phụ lục 6. Kết quả phân tích phương sai ảnh hưởng của kích thước hạt đến tỉ lệ nảy
mầm trong thí nghiệm 2 trên Statgraphics Plus 3.0
Phụ lục 7. Kết quả phân tích phương sai ảnh hưởng của kích thước hạt đến thế nảy
mầm trong thí nghiệm 2 trên Statgraphics Plus 3.0

Phụ lục 8. Kết quả đo đếm số lá và chiều cao.
Phụ lục 9. Kết quả phân tích phương sai ảnh hưởng của kích thước hạt đến sinh trưởng
số lá trong thí nghiệm 3 trên Statgraphics Plus 3.0
Phụ lục 10. Kết quả phân tích phương sai ảnh hưởng của kích thước hạt đến chiều cao
của cây trong thí nghiệm 2 trên Statgraphics Plus 3.0
ix


Phụ lục 11. Kết quả đếm số cây sống sau 1 tháng gieo ươm.
Phụ lục 12. Kết quả phân tích phương sai ảnh hưởng của kích thước hạt và giá thể đến
tỉ lệ sống của cây con sau 1 tháng tuổi
Phụ lục 13. Kết quả đo chiều cao trong thí nghiệm 3.
Phụ lục 14. Kết quả phân tích phương sai ảnh hưởng của kích thước hạt và giá thể gieo
hạt đến chiều cao của cây.
Phụ lục 15. Kết quả đếm tổng số lá trong thí nghiệm 3.
Phụ lục 16. Kết quả phân tích phương sai ảnh hưởng của kích thước hạt và giá thể gieo
hạt đến tổng số lá của cây.
Phụ lục 17. Các hình thí nghiệm.

x


Chương 1
MỞ ĐẦU
1.1. Đặt vấn đề
Rừng được xem là mái nhà, là lá phổi xanh của trái đất. Hằng ngày, rừng cung
cấp khí oxy cho chúng ta và hút lấy khí cacbonic do chính chúng ta thải ra. Từ xa xưa,
khi vừa xuất hiện tổ tiên loài người đã sống dựa vào rừng. Khi đó, rừng là môi trường
sống, là nơi cung cấp thức ăn, chổ ở, thuốc chữa bệnh,... cho con người. Theo quy luật
tiến hóa, xã hội loài người ngày càng phát triển. Tuy nhiên, cho dù xã hội loài người

có phát triển đến đâu thì vai trò của rừng đối với đời sống con người cũng không kém
đi phần quan trọng, rừng vẫn là nơi sinh sống của hơn 300 triệu người trên thế giới, có
khoảng 1,6 triệu người sống phụ thuộc hoàn toàn vào rừng, thương mại lâm sản hằng
năm trên thế giới trị giá khoảng 270 tỷ USD, năng lượng gỗ củi chiếm 7 – 9 % năng
lượng trên thế giới (theo CNN, 11. 2005). Bên cạnh vai trò về kinh tế, xã hội của rừng
đã được biết đến từ lâu, khi xã hội phát triển, đời sống con người ngày một nâng cao,
các ngành công nghiệp đạt đến trình độ phát triển hiện đại, nhiều khu đô thị sầm uất
được hình thành thì tầm quan trọng của rừng còn được chú ý ở một khía cạnh mới đó
là khía cạnh bảo vệ môi trường sinh thái. Hằng năm, thực vật rừng thải ra 200 tỷ tấn
khí oxy và hấp thụ hơn 300 tỷ tấn khí cacbonic ( Hà Chu Chử, báo Nông nghiệp và
phát triển nông thôn, kỳ 1, tháng 6/2006, tr.83 - 85).
Trong giai đoạn hiện nay, dân số trên thế giới đã vượt qua con số sáu tỉ người
kéo theo các nhu cầu về gỗ và các sản phẩm, dịch vụ từ rừng ngày càng tăng. Bên cạnh
đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp hóa, đô thị hóa nhất là ở các nước đang
phát triển dẫn đến nhiều hậu quả xấu về môi trường sinh thái như: ô nhiễm môi trường,
hiệu ứng nhà kính, hạn hán, sa mạc hóa, lũ lụt,…Trong khi đó, diện tích rừng trên thế
giới ngày càng suy giảm do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến nhiều chức năng
của rừng bị suy giảm đặc biệt là chức năng sinh thái. Chính vì vậy, công tác trồng
rừng, làm giàu rừng ngày càng nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia, nhiều tổ
1


chức trên thế giới. Ở Việt Nam, chính phủ cũng quan tâm nhiều đến công tác trồng
rừng và bảo vệ rừng. Nhiều dự án trồng rừng, bảo vệ rừng đã được chính phủ tiến hành
triển khai như dự án trồng rừng 327, dự án 661 trồng mới năm triệu ha rừng, các quyết
định thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia,…nhiều diện tích rừng đã
được trồng mới. Tuy nhiên, không phải lúc nào công tác trồng cũng đạt được thành
công như mong đợi. Để một dự án trồng rừng thành công thì đòi hỏi phải thực hiện tốt
nhiều công tác chuẩn bị trước trong đó công tác giống, công tác chuẩn bị cây con ở
vườn ươm là vô cùng quan trọng bởi vì chỉ có những giống cây tốt, những cây con

khỏe mạnh khi đem trồng mới cho ra những khu rừng sinh trưởng, phát triển tốt, đáp
ứng tốt mục đích, mục tiêu của việc trồng rừng. Chính vì vậy, nhiệm vụ của các nhà
lâm nghiệp không những phải nghiên cứu, lai tạo ra những giống cây rừng mới có tốc
độ sinh trưởng nhanh, có hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam mà còn
phải nghiên cứu những phương pháp nhân giống có hiệu quả kinh tế nhằm tạo ra
những cây con khỏe mạnh để đáp ứng nhu cầu trồng rừng .
Phương pháp nhân giống hữu tính là phương pháp đã được áp dụng từ lâu. Đây
là phương pháp nhân giống đơn giản, cho phép tạo ra một lúc số lượng lớn cây con
(đối với những loài sai hạt) có thể đáp ứng nhu cầu trồng rừng.
Bạch đàn trắng ( Eucalyptus tereticornis. J. E. Smith) là loài cây sinh trưởng
nhanh, được nhập nội vào Việt Nam từ Úc, đã được trồng ở nhiều địa phương và cho
hiệu quả kinh tế cao. Khi trồng loài cây này, việc xử lí hạt giống đã được áp dụng
nhiều phương pháp khác nhau. Tuy nhiên, không phải tất cả các phương pháp xử lí hạt
giống loài Bạch đàn này đều có kết quả như mong đợi. Trên thực tế, một số nông hộ
không cần xử lý trước khi gieo mà tiến hành gieo trực tiếp lên liếp gieo. Phương pháp
này đơn giản, dễ làm nhưng tỉ lệ nảy mầm không cao gây lãng phí hạt giống. Công ty
cổ phần giống Lâm nghiệp vùng Nam Bộ khuyến cáo: hạt giống trước khi gieo nên xử
lý bằng thuốc tím (KMnO4) nồng độ 0,05 % sau đó vớt ra rửa sạch và cho vào túi vải ủ
(mỗi túi từ 20 đến 30 gram), mỗi ngày rửa lại bằng nước ấm một lần và ủ lại. sau 3
ngày thì đem gieo lên luống đã chuẩn bị sẵn. Tuy đây là phương pháp được khuyến
cáo là cho tỷ lệ nảy mầm cao nhưng trong thực tế không phải cơ sở sản xuất nào cũng
có thuốc tím để sử dụng hơn nữa việc sử dụng thuốc tím với nồng độ chính xác không
phải là chuyện dễ dàng nhất là đối với nông dân, hạt Bạch đàn trắng có kích thước nhỏ
2


nên rất khó khăn trong việc rửa hạt vì dễ làm rơi vãi đồng thời việc rửa hạt hằng ngày
cũng mất thời gian và đòi hỏi sự tỉ mỉ. Kích thước hạt hay chính xác hơn là trọng
lượng hạt ảnh hưởng đến khả năng nảy mầm, sức nảy mầm của hạt cũng như khả năng
sinh trưởng, phát triển của cây con bởi vì trong những điều kiện nhất định những hạt

có kích thước lớn khối lượng nặng sẽ chứa lượng dinh dưỡng tích lũy lớn, lượng dinh
dưỡng này rất quan trọng đối với cây con trong gíai đoạn vườn ươm nhất là thời kì
trước khi cấy cây con vào bầu, khi hệ rễ cũng như lá của cây chưa phất triển hoàn
thiện để hút nước và dưỡng chất từ môi trường bên ngoài một cách có hiệu quả
(Nguyễn Văn Thêm, 2001; Nguyễn Văn Sở, 2004). Hạt của loài Bạch đàn trắng có
kích thước nhỏ, trọng lượng hạt nhỏ. Theo công ty cổ phần giống Lâm Nghiệp khu vực
Nam Bộ (2008), một kg hạt Bạch đàn trắng có tới 1.080.000 hạt, vì kích thước, trọng
lượng của hạt nhỏ nên trong quá trình thu hái, làm sạch hạt người ta ít chú ý đến việc
phân biệt hạt lớn nhỏ mà điều này có thể ảnh hưởng đến sự nảy mầm của hạt cũng như
sự sinh trưởng, phất triển của cây con. Xuất phát từ thực tế này, được sự đồng ý của
khoa Lâm Nghiệp và sự hướng dẫn của thầy Lê Huỳnh chúng tôi tiến hành thực hiện
đề tài : “Nghiên cứu các phương pháp xử lí hạt giống, ảnh hưởng của kích thước
hạt và thành phần ruột bầu đến sự sinh trưởng của cây Bạch đàn trắng
(Eucalyptus tereticornis. J.E.Smith ) trong giai đoạn vườn ươm”. Với mong muốn
góp phần tìm ra phương pháp xử lý hạt giống trước khi gieo phù hợp với loài cây này
để áp dụng vào sản xuất đồng thời cung cấp một số thông tin về sinh trưởng của loài
Bạch đàn trắng trong giai đoạn vườn ươm.
1.2. Mục đích nghiên cứu
Đề tài thực hiện với mục đích:
 Tìm ra những phương pháp xử lí hạt giống phù hợp với loài Bạch đàn
trắng
 Cung cấp được một số thông tin về sinh trưởng của loài Bạch đàn trắng
trong giai đoạn vườn ươm.
1.3. Mục tiêu nghiên cứu
 Thử nghiệm một số phương pháp xử lí hạt giống cây Bạch đàn trắng.
 Nghiên cứu ảnh hưởng của các giá thể: tro trấu, cát, hỗn hợp gồm đất +
phân chuồng + tro trấu đến sự nảy mầm của hạt Bạch đàn trắng.
3



 Nghiên cứu sự ảnh hưởng của kích thước hạt đến sự nảy mầm của hạt.
 Nghiên cứu ảnh hưởng của kích thước hạt và thành phần ruột bầu đến
sinh trưởng cây Bạch đàn trắng 2 tuần tuổi trong giai đoạn vườn ươm.
 Nghiên cứu ảnh hưởng của kích thước hạt và thành phần ruột bầu đến
sinh trưởng cây Bạch đàn trắng 1 tháng tuổi trong giai đoạn vườn ươm.
1.4. Giới hạn của đề tài
Sự nảy mầm của hạt chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố như: giá thể, phương
pháp xử lí hạt giống, nhiệt độ, độ ẩm, …Nhưng do điều kiện không cho phép nên đề
tài chỉ tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của phương pháp xử lí hạt giống và giá thể
gieo hạt đến sự nảy mầm của hạt bạch đàn trắng.
Khi tiến hành thí nghiệm phải đảm bảo nguyên tắc đồng nhất tức là ngoài nhân
tố cần so sánh thì nhân tố còn lại phải đồng nhất ở các lô thí nghiệm nhưng do điều
kiện không cho phép, không có máy đo độ ẩm nên việc kiểm soát độ ẩm ở các lô thí
nghiệm chỉ bằng kinh nghiệm nên không đạt được sự đồng nhất tối đa về yếu tố này.
Do thời gian nghiên cứu quá ngắn từ ngày 25/04/2008 đến ngày 25/06/2008 nên
thí nghiệm chỉ theo dõi được 4 tuần đầu trong giai đoạn vườn ươm của cây con. Sau đề
tài này tác giả mong muốn các sinh viên khóa sau sẽ theo dõi để bổ sung thêm kết quả
làm cho đề tài hoàn thiện hơn.
Do kinh nghiệm nghiên cứu còn hạn chế nên trong quá trình thực hiện đề tài
còn nhiều thiếu sót kính mong quý thầy cô, các bạn và các độc giả góp ý, bổ sung để
đề tài này thêm hoàn thiện.

4


Chương 2
TỔNG QUAN
2.1. Đặc điểm tự nhiên khu vực nghiên cứu
Theo Trần Hợp (1998) (dẫn theo Nguyễn Quốc Ấn, 2005):
2.1.1. Vị trí địa lí

Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí địa lí:
 Từ 10o22’ đến 11o10’ độ vĩ Bắc.
 Từ 106o22’ đến 107o02’ độ kinh Đông.
 Phía Bắc giáp tỉnh Tây Ninh.
 Phía Đông giáp hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương.
 Phía Tây giáp tỉnh Long An.
 Phía Nam tiếp giáp với Biển Đông.
2.1.2. Địa hình
Nhìn chung, thành phố Hồ Chí Minh có địa hình bằng phẳng, dốc thoai thoải
theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Đi sâu hơn, địa hình thành phố Hồ Chí Minh có thể
chia làm 4 dạng chính:
 Dạng đồi gò lượn sóng cao nhất ở Bắc Củ Chi, và một số khu vực thuộc
Hóc Môn, Thủ Đức, có độ chênh cao từ 5 – 35m.
 Dạng tương đối bằng phẳng dọc quốc lộ Nam Bình Chánh, một phần
Nhà Bè, ven sông Sài Gòn, có độ chênh cao 1- 2m.
 Dạng trũng lầy thuộc Nam kênh An Hạ, Lê Minh Xuân, Nam Nhà Bè,
Bắc Cần Giờ và một phần ở Thủ Đức, có độ chênh cao 0,5 – 1m.
 Dạng thấp mới hình thành ven biển Cần Giờ.
2.1.3. Lượng mưa
Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, có
hai mùa rõ rệt: mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 11 dương lịch, mùa
khô bắt đầu từ tháng 12 và kết thúc vào tháng 4 dương lịch năm sau.
5


Theo số liệu đo đếm của trạm khí tượng Tân Sơn Nhất:
 Lượng mưa bình quân năm: 1949 mm
 Lượng mưa cao nhất: 2718 mm.
 Lượng mưa thấp nhất: 1392 mm.
 Số ngày mưa bình quân: 159 ngày.

2.1.4. Nhiệt độ
Cũng theo trạm khí tượng Tân Sơn Nhất, thành phố Hồ Chí Minh có nhiệt độ
cao, ít thay đổi giữa các tháng trong năm.
 Nhiệt độ bình quân năm 27oC.
 Nhiệt độ thấp nhất 13,7oC.
 Nhiệt độ cao nhất 40oC.
2.1.5. Gió
Thành phố hồ chí Minh chịu ảnh hướng của hai hướng gió chính:
 Hướng gió Tây – Tây Nam thổi vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10,
hoạt động mạnh vào các tháng 7, 8 thường đem theo mưa.
 Hướng gió Bắc – Đông Bắc thổi vào mùa khô, hoạt động mạnh vào các
tháng 2, 3 làm tăng lượng bốc hơi nước.
2.1.6. Ánh sáng
Trung bình mỗi năm, thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 2286 giờ nắng. Như
vậy, bình quân mỗi ngày có khoảng 6,3 giờ nắng. Số giờ nắng trong ngày phụ thuộc
vào lượng mây và phụ thuộc vào mùa. Thông thường số giờ nắng hằng ngày trong
mùa khô nhiều hơn trong mùa mưa.
Lượng bốc hơi nước tương đối lớn: Trung bình lượng bốc hơi hằng năm là 1399
mm. Lượng bốc hơi nước trong mùa mưa khoảng 2 – 3 mm/ngày và lượng bốc hơi
trong mùa khô khoảng 5 – 6 mm/ ngày.
2.2. Giới thiệu về cây Bạch đàn trắng
2.2.1 Danh pháp
 Tên Việt Nam: Bạch đàn trắng, Bạch đàn trắng lá nhỏ,…
 Tên khoa học: Eucalyptus tereticornis J.E. Smith
 Chi: Khuynh Diệp Eucalyptus
 Họ phụ Khuynh Diệp Leptomonoideae
6


 Họ Sim Myrtaceae

 Bộ Sim Myrtales
 Phân lớp hoa hồng Rosidae
 Lớp Ngọc Lan MAGNOLIOPSIDA
 Ngành Ngọc Lan MAGNOLIOPHYTA
2.2.2. Đặc điểm hình thái

Hình 2.1. Hình vẽ cành, lá hoa và quả cây bạch đàn trắng
(Eucalyptus tereticornis.J.E.Smith). 1. cành lá mang hoa, 2.hoa và nắp,
3. tán quả và quả tách riêng (Nguyễn Thượng Hiền, 2005)

Theo Trần Hợp (2003), Bạch đàn trắng lá nhỏ là loài cây gỗ lớn, nơi nguyên
sản có thể cao tới 45 – 50m, đường kính đạt 2m. Vỏ mỏng, nhẵn, màu trắng xám hay
xám nhạt, bong từng mảng vỏ mỏng. Vỏ ở gốc thô và không bong.
Lá đơn mọc cách. Ở cây non hoặc cành, chồi non, lá có dạng hình tròn đến
ngọn giáo rộng tới 10 cm. Lá trưởng thành có dạng hình ngọn giáo hẹp, cong hình lưỡi
liềm, dài 10 – 17cm, rộng 1,2 – 3 cm, nhọn dần về phía đầu, gốc hình nêm. Cuống lá
dài 1,3 – 2 cm. Gân bên mảnh, khá rõ. Gân mép đều đặn.
7


Cụm hoa dạng tán ở nách lá, mang 4 – 8 hoa. Cuống chung tròn, dài 0,6 – 1,2
cm. Hoa màu trắng vàng hoặc trắng xanh, nhỏ, đường kính 4 – 6 mm. Cuống hoa dài 3
– 6 mm, ống tràng dạng mủ, đầu nhọn dần, dài 0,7 – 1,2 cm, gấp 2 – 4 lần ống đài
dạng đấu ở gốc. Nhị đực nhiều, dài 6 – 12 cm.
Quả nang hình trứng hoặc hình cầu, đường kính 3 – 8 mm.
2.2.3. Đặc điểm sinh thái
Cây nguyên sản ở Australia, mọc trên đất bồi tích tụ vùng duyên hải. Cây được
nhập nội vào trồng ở Việt Nam từ khá lâu. Cây ưa khí hậu nóng ẩm, biên độ sinh thái
rộng, sinh trưởng nhanh, tốt trên nhiều loại đất kể cả đất phèn. Cây ưa sáng. Hiện là
loài cây được trồng rất phổ biến ở các tỉnh Trung Bộ và Nam Bộ ( Công ty cổ phần

giống Lâm Nghiệp vùng Nam Bộ, 2008).
Đối với Bạch đàn trắng (E.tereticornis), nhiệt độ thích hợp nhất từ 18oC đến
32oC, lượng mưa bình quân 1.400 - 1.800 mm/năm, độ cao so với mặt biển từ 100 đến
300m, độ dày tầng đất từ 50 đến 100 cm, đất nâu, vàng, phù sa bồi tụ thích hợp nhất,
thích hợp vừa là nhóm đất chua phèn, ít thích hợp là cát, vùng bán khô hạn, kém thích
hợp là nhóm đất mặn, cát di động, đất phèn, mùn trên núi, xói mòn trơ đá. Như vậy ở
miền Nam vùng trồng bạch đàn thích hợp nhất là Tây Ninh (87%), còn gọi là các tỉnh
Bình Dương, Bình Phước và Đồng Nai (46%). Tỉnh có diện tích đất ít thích hợp là Bà
Rịa - Vũng Tàu và TP. HCM (28-37%) (Tạp chí Khoa học phổ thông, Số 548, 11/
2000, tr.26-29).
2.2.4. Công dụng
Gỗ màu hồng nhạt, mịn, khá cứng, có thể dùng trong xây dựng, làm mộc, làm tà
vẹt, làm nguyên liệu giấy.
Lá có tinh dầu thơm được chiết xuất làm dược liệu,…
2.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự nảy mầm của hạt
Quá trình nảy mầm của hạt chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố khác nhau. Mỗi
nhân tố lại ảnh tác động đến quá trình nảy mầm theo những chiều hướng khác nhau.
Các nhân tố chính ảnh hưởng đến sự nảy mầm của hạt đó là: phương pháp xử lý hạt
trước khi gieo, giá thể gieo hạt, độ ẩm và sự thoáng khí, nhiệt độ, ánh sáng, …(Giáo
trình trồng rừng, khoa Lâm nghiêp, trường Đại học Nông Nghiệp IV, 1977).

8


2.3.1. Phương pháp xử lý hạt trước khi gieo
Theo Nguyễn Văn Sở và Trần Thế Phong (2003 ), thông thường các hạt trước
khi đem gieo đều ở trạng thái ngủ do hai nguyên nhân chủ yếu đó là do vỏ hạt dày
không thấm nước hay không cho khí oxy đi qua hoặc do phôi hạt ngủ sinh lý. Do vậy,
trước khi gieo ươm phải có các biện pháp xử lý để phá trạng thái ngủ của hạt. Tùy
thuộc vào đặc tính của từng loại hạt, tùy thuộc vào loại trạng thái ngủ, tùy thuộc vào

điều kiện thực tế cho phép mà có phương pháp xử lý thích hợp.
2.3.1.1. Xử lý các loại hạt có vỏ cứng
Theo Nguyễn Văn Sở và Trần Thế Phong (2003), đối với các loại hạt ngủ do có
vỏ dày, cứng ngăn không cho nước và ôxy thấm qua thường được xử lý bằng các
phương pháp sau:
 Làm trầy hạt bằng cơ giới.
 Dùng axít an mòn.
 Ngâm hạt vào nước có nhiệt độ khác nhau.
 Dùng sút ăn mòn.
2.3.1.2. Xử lý hạt ngủ sinh lý (phôi ngủ)
Phần lớn các loại hạt ngủ sinh lý đều được phá ngủ bằng hóa chất. Ngoài ra
người ta còn sử dụng phương pháp giấm lạnh để phá ngủ sinh lý ở một số loài thông
nhiệt đới.
2.3.1.3. Tủ một lớp áo bên ngoài hạt
Hạt được tủ một lớp áo bên ngoài bằng các vật liệu đã khử trùng và thêm một
số hóa chất.
2.3.1.4. Xử lý hạt Bạch đàn trắng
Bạch đàn trắng ( Eucaliptus tereticornis. J. E.Smith) là loài cây có hạt không có
vỏ dày, cũng không phải là loài có hạt ngủ do phôi ngủ nhưng vì để cho hạt giữ được
sức nảy mầm trong thời gian dài, phải tồn trữ trong điều kiện thiếu ẩm độ. Chính vì
vậy, trước khi gieo, hạt nên được xử lý trước để thúc đẩy quá trình nảy mầm diễn ra
nhanh hơn giảm nguy cơ bị các loài côn trùng, nấm bệnh tấn công khi gieo ươm.
Một số nông hộ không cần xử lý trước khi gieo mà tiến hành gieo trực tiếp lên
liếp gieo.

9


Công ty cổ phần giống Lâm nghiệp vùng Nam Bộ khuyến cáo : hạt giống trước
khi gieo nên xử lý bằng thuốc tím (KMnO4) nồng độ 0,05 % sau đó vớt ra rửa sạch và

cho vào túi vải ủ (mỗi túi từ 20 đến 30 gram), mỗi ngày rửa lại bằng nước ấm một lần
và ủ lại. sau 3 ngày thì đem gieo lên luống đã chuẩn bị sẵn.
2.3.2. Giá thể gieo hạt
Theo giáo trình trồng rừng của khoa Lâm nghiệp, trường Đại học Nông Nghiệp
IV (1977), giá thể gieo hạt ảnh hưởng nhiều đến quá trình nảy mầm của hạt. Tùy từng
loại hạt khác nhau mà chọn giá thể gieo hạt khác nhau cho phù hợp. Các giá thể
thường dùng để gieo hạt hạt gồm có giấy thấm, than bùn hạt, cát, mica, xốp,…Những
yêu cầu chủ yếu của một giá thể gieo hạt là:
 Không độc với cây mầm.
 Không chứa các loại vi sinh vật gây bệnh.
 Tơi xốp và thoáng khí.
 Phải phổ biến và dễ sử dụng.
2.3.3. Độ ẩm và sự thoáng khí
Theo giáo trình trồng rừng của khoa Lâm nghiệp, trường Đại học Nông Nghiệp
IV (1977), nước là điều kiện thứ nhất để hạt nảy mầm. Ở thời kì đầu, hạt hút nước
nhiều và nhanh. Theo tài liệu của Liên Xô thì trong 4 giờ đầu, hạt Thông, Vân sam đã
hút được 50 % lượng nước cần thiết.
Cũng theo giáo trình trồng rừng của khoa Lâm Nghiệp, trường Đại học Nông
Lâm (1977), loài cây khác nhau và ở mỗi giai đoạn nảy mầm khác nhau yêu cầu lượng
nước nhiều hay ít cũng khác nhau. Vì nước rất cần thiết cho nẩy mầm ở giai đoạn đầu
nên trước khi gieo hạt chúng ta thường xử lý bằng cách ngâm hạt vào nước. Tuy nhiên,
ở giai đoạn sau nếu ẩm độ quá lớn sẽ cản trở cho việc nảy mầm bởi vì, nước nhiều sẽ
cản trở cho việc hút dưỡng khí và cản trở quá trình hô hấp của hạt. Nhưng nếu ẩm độ
quá thấp sẽ làm cho các quá trình sinh hóa không được bình thường thậm chí bị đình
trệ, không xảy ra được do thiếu nước. Do vậy, trong quá trình nảy mầm của hạt phải
đảm bảo cung cấp đủ nước cho hạt để đảm bảo ẩm độ phù hợp cho sự nảy mầm của
hạt. Rất nhiều thí nghiệm chứng minh rằng ẩm độ thích hợp cho hạt nảy mầm ở môi
trường nảy mầm là 60 %.

10



2.3.4. Nhiệt độ
Nhiệt độ là một trong những nhân tố ảnh hưởng mạnh đến sự nảy mầm của hạt.
Hạt của những loài cây khác nhau cần những nhiệt độ khác nhau để quá trình nảy mầm
được diễn ra thuận lợi.
2.3.5. Ánh sáng
Ánh sáng cũng là một nhân tố sinh thái ít nhiều có ảnh hưởng đến quá trình nảy
mầm. Nguyên nhân ảnh hưởng của ánh sáng đến sự nảy mầm của hạt chưa có tài liệu
giải thích rõ ràng. Có ý kiến cho rằng: ánh sáng kích thích hoạt động của một số men
trong quá trình nảy mầm. Có một số loài cây không chịu ảnh hưởng của ánh sáng trong
quá trình nảy mầm (Giáo trình trồng rừng, khoa Lâm nghiệp, trường Đại học Nông
Nghiệp IV, 1977).
2.4. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây con trong giai đoạn vườn
ươm
Trong giai đoạn vườn ươm, nhất là thời kì cây mạ (thời kì trước khi cây được
cấy vào bầu đất), cây còn non yếu, chưa kịp thích nghi với những thay đổi của môi
trường bên ngoài. Thời kì này cây chịu tác động mạnh của nhiều yếu tố như: Trọng
lượng hạt (dinh dưỡng trong dự trữ trong hạt), thành phần giá thể gieo hạt, ánh sáng,
nhiệt độ, chế độ nước tưới,…( Nguyễn Văn Thêm, 2001; Trương Mai Hồng, 2003)
2.4.1.Trọng lượng hạt
Trọng lượng hạt quyết định lượng dinh dưỡng dự trữ trong hạt. Lượng dinh
dưỡng này sẽ cung cấp cho cây mầm và thời kì cây mạ khi mà rễ cây chưa phát triển
hoàn thiện để thực hiện nhiệm vụ hút chất dinh dưỡng để nuôi cây. Chính vì vậy trọng
lượng hạt không chỉ ảnh hưởng đến sự nảy mầm của hạt mà còn ảnh hưởng đến sự
sinh trưởng, phát triển và chống chịu sâu bệnh của cây con. Những hạt có kích thước,
trọng lượng lớn sẽ có lượng dinh dưỡng dự trữ nhiều, cây con mọc lên khỏe mạnh,
sinh trưởng, phát triển nhanh, chống chịu tốt với sâu bệnh hại so với những hạt có kích
thước, trọng lượng nhỏ.
2.4.2. Giá thể

Giá thể là nơi cung cấp dinh dưỡng cho cây, là môi trường để rễ cây phát triển.
Thông thường, giá thể gieo hạt cũng chính là giá thể của cây con trong giai đọan đầu
khi cây con chưa được cấy vào bầu. Chính vì vậy ngoài việc phải lựa chọn giá thể phù
11


hợp cho sự nảy mầm của hạt để gieo hạt còn phải lựa chọn hỗn hợp có thành phần ruột
bầu phù hợp với sự sinh trưởng của cây con trong giai đoạn này. Nếu như cây được
cấy vào giá thể phù hợp đảm bảo lượng dinh dưỡng, khả năng giữ nước và thoát nước
tốt thì cây sẽ sinh trưởng và phát triển tốt và ngược lại.
2.4.3. Ánh sáng
Ánh sáng là một trong những nhân tố sinh thái ảnh hưởng mạnh nhất đến sự
sinh trưởng phát triển của cây trong suốt đời sống của cây. Mỗi loài cây khác nhau
thích nghi với những điều kiện chiếu sáng khác nhau, cùng một loài cây nhưng ở từng
giai đoạn khác nhau thích hợp với từng điều kiện chiếu sáng khác nhau. Trong giai
đoạn đầu ở vườn ươm, do cấu tạo lá của cây chưa hoàn thiện nên cây con rất nhạy cảm
với những thay đổi của cường độ chiếu sáng (Nguyễn Văn Thêm, 2001).
2.4.4. Chế độ tưới nước
Nước cần thiết trong suốt đời sống của cây. Mỗi loài cây khác nhau cần lượng
nước tưới khác nhau. Trong giai đoạn vườn ươm chế độ nước tưới là vô cùng quan
trọng. Cây phải đảm bảo được cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho sự sinh trưởng và
phát triển nhưng không được để cây quá thừa nước sẽ làm cho đất thiếu thông thoáng
gây ức chế quá trình hút nước và dinh dưỡng của rễ cây làm cho cây bị úng và tạo điều
kiện cho nấm bệnh phát triển ( Nguyễn Thị Bình, 2004).
Ngoài những yếu tố trên, sự sinh trưởng và phát triển của cây con trong giai
đoạn vườn ươm còn phụ thuộc vào sự phát triển của cỏ dại và nấm bệnh.

12



Chương 3
NỘI DUNG, VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.1. Địa điểm nghiên cứu
Đề tài được thực hiện tại vườn ươm của khoa Lâm Nghiệp, trường đại học
Nông Lâm, Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.
3.2. Nội dung nghiên cứu
 Đánh giá sự biến động về kích thước của hạt Bạch đàn trắng (Eucalyptus
tereticornis. J. E. Smith) trong lô hạt.
 Thử nghiệm các phương pháp xử lý hạt Bạch đàn trắng trước khi gieo.
 Nghiên cứu ảnh hưởng của các giá thể: cát, tro trấu, hỗn hợp đất gồm 7
phần đất + 2 phần tro trấu + 1 phần phân chuồng đến các chỉ tiêu nảy mầm:
tỉ lệ nảy mầm, thế năng nảy mầm, thời gian nảy mầm trung bình của hạt
Bạch đàn trắng tại vườn ươm.
 Nghiên cứu ảnh hưởng của kích thước hạt đến các chỉ tiêu nảy mầm: tỉ lệ
nảy mầm, thế năng nảy mầm, thời gian nảy mầm của hạt Bạch đàn trắng tại
vườn ươm.
 Nghiên cứu ảnh hưởng của kích thước hạt đến sự sinh trưởng của cây
con ở loài Bạch đàn trắng trong 2 tuần đầu (trước khi cấy vào bầu) ở giai
đoạn vườn ươm bằng cách đo các chỉ tiêu: chiều cao của cây, sinh trưởng
số lá.
 Nghiên cứu ảnh hưởng của kích thước hạt và thành phần ruột bầu đến sự
sinh trưởng của cây con ở loài Bạch đàn trắng trong 1 tháng tuổi.
3.3. Vật liệu thí nghiệm
 Hạt bạch đàn trắng được mua ở công ty cổ phần giống Lâm Nghiệp vùng
Nam Bộ có các thông số như sau:
 Nơi thu hái: Canh Vinh – Vân Canh – Bình Định.
 Số hiệu lô hạt: 08/15
13



 Ngày sản xuất: 14/4/2008.
 Phương thức bảo quản: Bảo quản ở nhiệt độ 15oC
 Hàm lượng nước: 7 %
 Trọng lượng 1000 hạt: 0,926 gram.
 Số hạt trong 1 kg: 1.080.000 hạt.
 Tỉ lệ nảy mầm thử nghiệm trên giá thể giấy thấm: 88 %.
Sau khi mua hạt về tiến hành loại bỏ mày hạt và tạp vật, dùng kính lúp chọn lựa
những hạt chắc để dùng làm thí nghiệm. Hạt chắc là những hạt sáng, khi dùng tay đè
xuống cảm thấy tròn, đầy.
 Giá thể gieo hạt:
Đề tài thực hiện gieo hạt trên 3 loại giá thể:
 Giá thể 1: Tro trấu sau khi đốt được nghiền nhỏ.
 Giá thể 2: Cát được rây qua lưới rây có kích thước lỗ 2 x 2 mm.
 Giá thể 3: Hỗn hợp được trộn với tỉ lệ: 7 phần đất + 2 phần tro trấu + 1
phần phân chuồng (theo thể tích).
Đất được lấy ở tầng đất mặt ở vườn ươm, là đất thịt nhẹ, được làm nhỏ và loại
bỏ rễ cây. Phân chuồng sử dụng ở đây là phân bò đã ủ hoai.
Tất cả các giá thể sau khi chuẩn bị xong được khử trùng bằng phương pháp sấy
khô ở 250oC trong 6 giờ đồng hồ bằng lò sấy ở phòng thí nghiệm sinh lý thực vật của
khoa Lâm Nghiệp.
 Hộp gieo hạt: Các giá thể sau khi chuẩn bị xong được cho vào hộp nhựa có
kích thước: sâu 9 cm, dài 30 cm, rộng 20 cm.
 Kính lúp: Dùng để phân loại hạt theo kích thước và lựa hạt để đem gieo.
 Thước mica có độ chia nhỏ tới 1mm để đo chiều cao của cây.
 Bình phun sương 100 ml để tưới nước giữ ẩm cho giá thể.
 Lò sấy để sấy giá thể gieo hạt
 Nhiệt kế dùng để đo nhiệt độ của nước
 Thuốc tím KMnO4 để xử lý hạt giống
 Túi nhựa PE để cấy cây con sử dụng loại túi màu đen có kích thước10 x 17
cm được đục 4 lỗ ở thân để thoát nước.

14


×