Tải bản đầy đủ (.docx) (14 trang)

Tiểu luận tư pháp quốc tế

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (91.41 KB, 14 trang )

Đề tài: Chứng minh rằng: “Tư pháp quốc tế là một ngành luật độc lập
trong hệ thống pháp luật của một quốc gia”.
Lời mở đầu
Ngày nay, quá trình Hội nhập hóa, Toàn cầu hóa diễn ra ngày một mạnh
mẽ, mọi quốc gia, dân tộc đều chịu sự ảnh hưởng tác động mạnh mẽ của quá
trình này như một lẽ tất yếu của quy luật phát triển. Vấn đề quốc tế liên quan tới
các quan hệ chính trị giữa các quốc gia, tổ chức liên quốc gia và các dân tộc
đang đấu tranh giành quyền tự quyết dân tộc được điều chỉnh bởi Công pháp
quốc tế. Còn các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng được điều chỉnh bởi ngành luật
riêng biệt, độc lập với đặc điểm riêng của nó phù hợp tình hình chính trị, kinh
tế- xã hội của mỗi quốc gia là Tư pháp quốc tế. Có thể thấy, các quan hệ dân sự
càng ngày càng phát triển, chừng nào còn giao lưu quốc tế thì khi đó Tư pháp
quốc tế còn phát triển mạnh. Như một lẽ tự nhiên, tất yếu, Tư pháp quốc là một
ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật của một quốc gia, bởi tính đặc trưng
riêng của ngành luật này.
Sau đây, tôi chọn đề tài Chứng minh rằng:“Tư pháp quốc tế là một ngành
luật độc lập trong hệ thống pháp luật của một quốc gia” để làm rõ tính chất độc
lập riêng có, đặc điểm riêng biệt của ngành luật này trong hệ thống pháp luật
quốc gia.

1


I. Khái quát chung về hệ thống pháp luật
1. Khái niệm hệ thống pháp luật
Hệ thống pháp luật là tập hợp các quy định pháp luật, các nguồn pháp
luật, các hoạt động pháp luật… ở những phương diện và phạm vi khác nhau có
sự liên kết chặt chẽ, thống nhất với nhau có tác động ảnh hưởng qua lại lẫn
nhau trong quá trình thực hiện việc điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ xã
hội1.
2. Cấu trúc của hệ thống pháp luật Việt Nam


Cấu trúc của hệ thống pháp luật là tập hợp của tất cả các quy định pháp
luật do Nhà nước ban hành có mối liên hệ chặt chẽ và thống nhất nội tại với
nhau từ những bộ phận nhỏ hơn, được xác lập phù hợp với tính chất, đặc điểm
của các quan hệ xã hội mà chúng điều chỉnh.
Pháp luật Việt Nam được cấu trúc từ các thành tố cơ bản là quy phạm
pháp luật, chế định pháp luật và ngành luật. Trong đó, quy phạm pháp luật là
thành tố của hệ thống pháp luật được cấu tạo từ các bộ phận quy định, giả định,
chế tài. Chế định là thành tố được hình thành từ một nhóm quy phạm pháp luật
điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội có liên quan đến nhau mật thiết thuộc cùng
một loại. Ngành luật là thành tố được hợp thành từ các quy phạm pháp luật điều
chỉnh một loại quan hệ xã hội (những loại quan hệ xã hội có chung tính chất
thuộc một lĩnh vực nhất định) bằng những phương pháp nhất định2.
Hệ thống pháp luật Việt Nam bao gồm 12 đến 15 ngành luật, tùy theo mục
đích, tính chất mà các học giả còn phân định thêm một số ngành luật khác, trong
đó Tư pháp quốc tế được coi là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật.
II. Quan niệm về Tư pháp quốc tế trong pháp luật ở một số quốc gia
Lịch sử hình thành của Tư pháp quốc tế: Thế kỉ V sau công nguyên, đề
quốc La Mã đã tan rã và hình thành ở các nước Châu Âu các hoạt động giao
thương, điển hình là buôn bán vàng, vải, nô lệ; ở Châu Á vẫn hạn chế, chủ yếu
1 Tập bài giảng Lí luận chung về nhà nước và pháp luật, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, 2017, trang 165.
2 Tập bài giảng Lí luận chung về nhà nước và pháp luật, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, 2017, trang 170,
171.

2


là hoạt động trong nước. Các quy chế pháp lí manh nha hình thành trong thời kì
này bao gồm: qui chế pháp lí nhân thân chịu sự điều chỉnh của pháp luật nước
đang sinh sống và quy chế pháp lí lãnh thổ chịu sự tác động của pháp luật nước
sở tại. Đến thế kỉ XIX, dưới sự ảnh hưởng của học thuyết quốc tịch, lấy yếu tố

quốc tịch làm căn cứ để áp dụng luật điểu chỉnh các quan hệ, các đạo luật thời kì
này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của học thuyết quốc tịch: Bộ luật dân sự Đức
1900, Bộ luật dân sự Tây Ban Nha 1889… những ảnh hưởng đó trong thời kì
này đó là những quan hệ giữa cá nhân, tổ chức không có sự tham gia của yếu tố
Nhà nước, sau đó ngành luật tư phát triển và lan rộng toàn thế giới. Đến giữa thế
kỉ XIX, thuật ngữ “Tư pháp quốc tế” chính thức ra đời ở Hoa Kì và được sử
dụng phổ biến trên Thế giới đến nay. Quan hệ pháp luật tư pháp quốc tế là quan
hệ giữa cá nhân, pháp nhân, quốc gia có yếu tố nước ngoài nhưng vẫn gắn liền
và nằm trong hệ thống pháp luật của quốc gia. Chính vì tính liên quan, sự “rắc
rối” giữa hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia với nhau và xuất phát từ quan
điểm Tư pháp quốc tế là để giải quyết xung đột pháp luật giữa hệ thống pháp
luật của các quốc gia nên một số quốc gia như Úc, Anh không có khái niệm về
Tư pháp quốc tế mà sử dụng khái niệm Luật xung đột (Conflict of Law).
Đối với Cộng hòa Pháp, quốc gia mà Việt Nam có sự ảnh hưởng pháp luật
lâu dài suốt thời kì Pháp thuộc cũng có những quy định về Tư pháp quốc tế khá
lâu đời. Pháp được biết đến không chỉ là nơi sản sinh ra luật thành văn với Bộ
luật Dân sự Napoleon năm 1804 mà còn là nơi hình thành các nguyên tắc cơ bản
của Tư pháp quốc tế. Theo mô hình của Cộng hòa Pháp, luật thực định tồn tại
cũng không có khái niệm về Tư pháp quốc tế, các học giả nổi tiếng đã đưa ra
khái niệm Tư pháp quốc tế nhằm thống nhất cách hiểu: “Tư pháp quốc tế là một
ngành luật nghiên cứu về việc giải quyết xung đột pháp luật trong lĩnh vực tư
pháp ; ở đó hiện diện ít nhất một yếu tố nước ngoài như các bên hoặc có quốc
tịch khác nhau, hoặc cư trú trên lãnh thổ của các nước khác nhau, hoặc bị ràng
buộc bởi các cam kết được thực hiện tại một nước khác với nước nơi mà họ
đang cư trú”. Hai vấn đề chủ yếu mà Tư pháp quốc tế của Pháp phải giải quyết
là xung đột về luật áp dụng và xung đột về lựa chọn cơ quan giải quyết tranh
3


chấp. Tư pháp quốc tế của Pháp cũng chủ yếu giải quyết vấn đề của người nước

ngoài trên lãnh thổ Pháp thông qua giải quyết xung đột dựa trên hệ thuộc luật
quốc tịch và hệ thuộc luật nơi cư trú.
Về nguồn luật, nguồn Tư pháp quốc tế của Pháp bao gồm các điều ước
quốc tế và luật nội địa. Trong đó, sự phát triển mở rộng giao lưu dân sự, thương
mại giữa các nước diễn ra ngày một mạnh mẽ, hàng loạt hiệp định được kí kết,
đây được coi là một nguồn quan trong để giải quyết các xung đột pháp luật. Với
nguồn luật nội địa, tại Bộ luật dân sự Napoleon 1804 quy định các nguyên tắc
nền tảng của Tư pháp quốc tế Pháp tại điều 3: “Luật về trật tự công cộng và luật
về an ninh có tính chất bắt buộc đối với tất cả mọi người sinh sống trên lãnh thổ
Pháp. Bất động sản, kể cả do người nước ngoài chiếm hữu được điều chỉnh bởi
luật của Pháp. Luật về tình trạng nhân thân và năng lực của cá nhân điều chỉnh
đối với công dân Pháp, kể cả khi họ sinh sống ở nước ngoài”. Ngoài ra, các án
lệ của Tòa án phúc thẩm và Tòa án phá án- Tòa án tối cao của Pháp cũng được
coi là nguồn giải thích các nguyên tắc chung Tư pháp quốc tế của pháp.
Về giải quyết xung đột chọn cơ quan tài phán, một vụ việc giải quyết cần
xác định rõ vụ việc đó được giải quyết theo tố tụng trọng tài hay tố tụng tòa án.
Với xung đột chọn trọng tài cần phải có căn cứ có điều khoản thỏa thuận trọng
tài và khi phát sinh tranh chấp hai bên thống nhất chọn trọng tài xét xử, các vấn
đề thỏa thuận có thể là phạm vi thẩm quyền, thủ tục, thời gian, địa điểm giải
quyết… Khi xuất hiện trọng tài có yếu tố nước ngoài, với án lệ nổi tiếng Dalico
(ngày 20/12/1993) Tòa án tối cao cho rằng: “Sự tồn tại và hiệu lực của một thỏa
thuận trọng tài được đánh giá căn cứ trên quy phạm về trật tự công cộng và ý chí
thỏa thuận của các bên mà không cần căn cứ vào các quy định pháp luật của
quốc gia cụ thể”. Với xung đột chọn Tòa án, với án lệ Pe’lassa (ngày
19/10/1959) đã quy định: “ Yếu tố nước ngoài của một bên không phải là lí do
dẫn đến kết luận tòa án không có thẩm quyền giải quyết vụ việc, mà thẩm quyền
quốc tế của tòa án được xác định bằng sự mở rộng của quy phạm về thẩm quyền
quốc gia trên lãnh thổ Pháp”; về sau án lệ Scheffel (ngày 30/10/1962) đã chi tiết
4



thẩm quyền quốc tế của Tòa án Pháp và Bộ luật tố tụng dân sự Pháp đã chuyển
hóa thành các quy phạm cụ thể trong luật, theo đó sẽ áp dụng hệ thuộc luật quốc
tịch trong tranh chấp khi giải quyết xung đột tại Tòa án Pháp- điều kiện bắt buộc
là nguyên đơn hoặc bị đơn phải là người, pháp nhân Pháp, trường hợp ngoại lệ
theo án lệ Weiss(ngày 27/05/1970) bao gồm các tranh chấp liên quan đến bất
động sản và yêu cầu phân chia bất động sản ở nước ngoài và yêu cầu liên quan
đến thi hành phán quyết ở ngoài lãnh thổ Pháp.
Về giải quyết xung đột luật nội dung, giải quyết xung đột luật nội dung
nghĩa là sẽ xác định áp dụng luật của nước nào để giải quyết tranh chấp có yếu
tố nước ngoài, các quy phạm được chọn không trực tiếp giải quyết khía cạnh nội
dung của vụ việc mà chỉ xác định rõ hệ thống pháp luật nào để vận dụng vào
giải quyết vụ việc cụ thể đó. Tư pháp quốc tế Pháp phân ra làm hai trường hợp
giải quyết xung đột luật áp dụng là theo không gian và trường hợp khi cả hai hệ
thống pháp luật cùng có thể được áp dụng. Thứ nhất, giải quyết xung đột pháp
luật theo không gian tức là tìm ra yếu tố gắn bó mật thiết nhất thường là nơi cư
trú và quốc tịch của các bên. Thứ hai, giải quyết xung đột pháp luật khi cả hai hệ
thống pháp luật cùng có thể được áp dụng, như trường hợp Tòa án Pháp giải
quyết tranh chấp về điều kiện kết hôn giữa một công dân Pháp và một công dân
Việt Nam, khi đó Tòa án sẽ phải căn cứ vào cả hai hệ thống luật để xác định độ
tuổi kết hôn của công dân mỗi nước.
Về công nhận và thi hành phán quyết của cơ quan tài phán nước ngoài
trên lãnh thổ Pháp, đến năm 1964 với án lệ Munzer đã chấp nhận việc công
nhận và thi hành phán quyết của cơ quan tài phán nước ngoài vào lãnh thổ Pháp
với một số điều kiện: một là cơ quan tài phán nước ngoài phải có “thẩm quyền
quốc tế” tức là trong trường hợp mà quy phạm giải quyết xung đột của Pháp
không trao thẩm quyền chuyên biệt cho Tòa án Pháp thì Tòa án nước ngoài được
công nhận thẩm quyền quốc tế nếu tranh chấp gắn với quốc gia mà thẩm phán
xét xử và việc lựa chọn cơ quan tài phán không có yếu tố sai lầm, hai là thủ tục
tố tụng trước cơ quan tài phán nước ngoài phải tỏ ra hợp lệ xét trên quan điểm

5


bảo lưu trật tự công của Pháp và việc tôn trọng quyền bào chữa, ba là quyết định
được ban hành phải phù hợp với trật tự công cộng, một phán quyết không được
công nhận nếu trái với các nguyên tắc cơ bản của trật tự công sẽ không được
công nhận.
III. Vị trí của Tư pháp quốc tế trong hệ thống pháp luật
Tư pháp quốc tế là tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan
hệ dân sự, thương mại, kinh doanh, đầu tư, hôn nhân gia đình, lao động và tố
tụng dân sự có yếu tố nước ngoài. Theo lí luận chung về nhà nước và pháp luật,
để một ngành luật được coi là có vị trí độc lập trong hệ thống pháp luật, cần phải
đáp ứng điều kiện nhất định về đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh.
Đối tượng điều chỉnh là quan hệ xã hội nhất định được luật quy định điều chỉnh.
Phương pháp điều chỉnh là cách thức, phương thức tác động đối tượng điều
chỉnh. Theo đó, Tư pháp quốc tế có đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều
chỉnh riêng biệt.
1. Đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế
Đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế bao gồm các quan hệ “có tính
dân sự” và “có yếu tố nước ngoài”. Trong đó, có tính chất dân sự được hiểu là
các quan hệ dân sự, thương mại, kinh doanh, đầu tư, hôn nhân gia đình, lao động
và tố tụng dân sự. Còn đối với “yếu tố nước ngoài” được quy định tại Bộ Luật
dân sự 2015 ở khoản 2 Điều 663 và khoản 2 Điều 464 Bộ luật tố tụng dân sự
2015 bao gồm:
“1. Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài.
Người nước ngoài là những người không mang quốc tịch Việt Nam hoặc người
không quốc tịch. Pháp nhân nước ngoài là những tổ chức, cơ quan không có trụ
sở, văn phòng đại diện hay chi nhánh tại Việt Nam. Tuy nhiên cá nhân, pháp
nhân nước ngoài ở đây cũng bao gồm cả quốc gia nước ngoài hoặc các tổ chức
quốc tế.

2. Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc
xác lập thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài.
6


3. Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối
tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.
Đối tượng của quan hệ có thể là tài sản hoặc lợi ích khác, các tài sản hoặc lợi
ích khác này đều ở nước ngoài”.
Tóm lại, đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế phải có dấu hiệu về
quan hệ dân sự được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả tố tụng dân sự và dấu
hiệu về yếu tố nước ngoài được hiểu trên ba khía cạnh: một là dấu hiệu về chủ
thể tham gia quan hệ là trường hợp có ít nhất một bên chủ thể tham gia quan hệ
là người, pháp nhân nước ngoài, hai là dấu hiệu đối tượng của quan hệ là đối
tượng là tài sản hoặc lợi ích khác tồn tại ở nước ngoài, ba là dấu hiệu về căn cứ
làm phát sinh, thay đổi, thực hiện hay chấm dứt quan hệ xảy ra ở nước ngoài.
2. Phân biệt đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế với đối tượng điều
chỉnh của các nghành luật có liên quan
Đối tượng điều chỉnh của pháp luật nói chung và của các ngành luật nói
riêng đều là các quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh. Với mỗi ngành luật
riêng biệt lại có đối tượng điều chỉnh riêng biệt. Từ đó, đối tượng điều chỉnh trở
thành dấu hiệu đặc trưng phân biệt ngành luật này và ngành luật khác.
Thứ nhất, sự khác nhau giữa đối tượng điều chỉnh Tư pháp quốc tế và đối
tượng điều chỉnh của Luật dân sự. Về phạm vi các quan hệ xã hội do hai nghành
luật này điều chỉnh: Bộ luật dân sự điều chỉnh các quan hệ dân sự theo nghĩa
rộng nhưng phạm vi chủ quyền, nội địa quốc gia. Còn Tư pháp quốc tế không
chỉ điều chỉnh các quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản thuộc lĩnh vực dân sự
mà còn điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình, thương mại, lao động, tố
tụng dân sự. Mặt khác, các quan hệ dân sự do Tư pháp quốc tế điều chỉnh là
quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản có yếu tố nước ngoài.

Thứ hai, sự khác nhau giữa đối tượng điều chỉnh Tư pháp quốc tế và Công
pháp quốc tế, biểu hiện ở tính chất quan hệ xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của
chúng. Tư pháp quốc tế chỉ điều chỉnh các quan hệ dân sự (theo nghĩa rộng) có
yếu tố nước ngoài. Mặt khác, Công pháp quốc tế chỉ điều chỉnh các quan hệ

7


chính trị được phát sinh giữa các chủ thể Công pháp quốc tế mà chủ yếu là giữa
các quốc gia với nhau.
3. Phương pháp điều chỉnh của Tư pháp quốc tế
Phương pháp điều chỉnh của Tư pháp quốc tế là tổng thể những biện pháp
cách thức để tác động đến các đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế, gồm
có hai phương pháp là phương pháp thực chất và phương pháp xung đột.
3.1 Phương pháp thực chất
Phương pháp thực chất là phương pháp trực tiếp giải quyết ngay quan hệ
pháp lí phát sinh bằng cách xác định trực tiếp quyền và nghĩa vụ của các bên
tham gia quan hệ. Phương pháp này được thực hiện trên cơ sở áp dụng các quy
phạm pháp luật thực chất (quy phạm thực chất là quy phạm phân định thẩm
quyền, nghĩa vụ trực tiếp rõ ràng của các bên tham gia vào quan hệ dân sự quốc
tế đó) được xây dựng trong pháp luật quốc gia, điều ước quốc tế và tập quán
quốc tế có liên quan. Khi áp dụng phương pháp này, các vấn đề pháp lý có yếu
tố nước ngoài sẽ được giải quyết ngay bằng các quy phạm pháp luật thực chất đã
được xây dựng sẵn trong đó chỉ rõ quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của các
bên, đồng thời đưa ra giải pháp cụ thể cho các vấn đề có liên quan.
Ưu điểm khi áp dụng phương pháp thực chất là các vấn đề pháp lý có yếu
tố nước ngoài sẽ được giải quyết ngay bằng các quy phạm pháp luật thực chất đã
được xây dựng sẵn trong đó chỉ rõ quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của các
bên và đưa ra giải pháp cụ thể cho các vấn đề.
Hạn chế của phương pháp này là do được thực hiện trên cơ sở áp dụng

các quy phạm pháp luật thực chất được xây dựng trong pháp luật quốc gia, điều
ước quốc tế và tập quán quốc tế có liên quan. Do đó, quy phạm thực chất được
thống nhất không nhiều, không điều chỉnh được hết quan hệ tư pháp.
3.2 Phương pháp xung đột
Phương pháp xung đột là phương pháp điều chỉnh quan hệ một cách gián
tiếp. Phương pháp này không đưa ra phương án giải quyết trực tiếp ngay quan
hệ mà điều chỉnh quan hệ bằng cách lựa chọn một hệ thống pháp luật cụ thể
trong số các hệ thống pháp luật liên quan, rồi dùng hệ thống pháp luật đó để giải
8


quyết quan hệ thông qua hệ thống quy phạm xung đột (quy phạm xung đột là
quy phạm xác định pháp luật nước nào cần phải áp dụng để giải quyết quan hệ
dân sự có yếu tố nước ngoài trong từng trường hợp cụ thể). Các quy phạm xung
đột được thể hiện trong luật quốc gia và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành
viên. Đây là phương pháp điều chỉnh được sử dụng phổ biến trong Tư pháp quốc
tế. Phương pháp này khá phức tạp do phải trải qua quá trình lựa chọn pháp luật
để áp dụng nên việc điều chỉnh quan hệ Tư pháp quốc tế rất mất thời gian. Nhiều
trường hợp, quy phạm xung đột dẫn chiếu đến quy phạm nước thứ ba, việc tìm
hiểu pháp luật của nước thứ ba là rất khó khăn đối với các bên đương sự và các
cơ quan có thẩm quyền, vì mỗi nước có một chế độ chính trị- xã hội khác nhau.
Tóm lại, giống như những ngành luật khác thuộc hệ thống pháp luật Việt
Nam, Tư pháp quốc tế là một ngành luật có đối tượng điều chỉnh và phương
pháp điều chỉnh riêng biệt. Điều này cũng chứng minh rằng, Tư pháp quốc tế có
vị trí độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
4. Nguyên tắc cơ bản của Tư pháp quốc tế
Để Tư pháp quốc tế được vận động trơn tru, đòi hỏi phải có những nguyên
tắc là nền tảng định hướng cho quá trình vận dụng, áp dụng các quy phạm riêng
biệt của Tư pháp quốc tế.
4.1. Nguyên tắc bình đẳng về mặt pháp lí giữa các chế độ sở hữu của các

quốc gia khác nhau
Tại điều 12 Hiến pháp 2013 quy định nội dung cơ bản của nguyên tắc nhà
nước Việt Nam không phân biệt đối xử giữa các chế độ sở hữu của các quốc gia
khác nhau trên thế giới, các chế độ sở hữu này được đối xử bình đẳng với nhau
về mặt pháp lí, không phân biệt chế độ chính trị, kinh tế, xã hội mà quốc gia
theo đuổi. Nguyên tắc này xuất phát từ nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế là
bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia. Nguyên tắc này có ý nghĩa không những
đảm bảo cho hoạt động giải thích và áp dụng pháp luật nước ngoài trong Tư
pháp quốc tế Việt Nam được vận hành một cách khách quan, thuận lợi mà còn
đảm bảo sự bình đẳng về pháp lí giữa các chủ thể đến từ các quốc gia khác nhau
9


khi tham gia vào quan hệ Tư pháp quốc tế góp phần phát triển giao lưu dân sự
quốc tế.
4.2. Nguyên tắc quyền miễn trừ của quốc gia
Tại điều 100 BLDS 2015, Công ước Liên Hợp Quốc năm 2004 về quyền
miễn trừ tài phán, tài sản của quốc gia …quy định nội dung cơ bản về quốc gia
trong quan hệ Tư pháp quốc tế nếu không có sự đồng ý của quốc gia thì không
có một cơ quan nhà nước nào được phép xét xử, áp dụng các biện pháp nhằm
đảm bảo cho vụ kiện, thi hành án đối với quốc gia cũng như áp dụng các biện
pháp như tịch thu, sai áp, bắt giữ... các tài sản thuộc sở hữu quốc gia, trừ trường
hợp quốc gia từ bỏ quyền miễn trừ. Nguyên tắc này bảo đảm cho quốc gia khi
tham gia vào quan hệ Tư pháp quốc tế được hưởng quyền miễn trừ về tư pháp và
miễn trừ đối với tất cả tài sản thuộc sở hữu quốc gia.
4.3. Nguyên tắc không phân biệt đối xử trong quan hệ giữa công dân Việt
Nam với người nước ngoài và giữa người nước ngoài với nhau tại Việt Nam
Tại điều 16, điều 48 Hiến Pháp 2013 quy định nội dung cơ bản khi tham
gia vào quan hệ Tư pháp quốc tế, người nước ngoài được đối xử bình đẳng với
nhau và với công dân Việt Nam, không phân biệt nguồn gốc, chủng tộc, tôn

giáo, quan điểm chính trị...Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực vẫn phải chịu những
hạn chế nhất định. Nguyên tắc này đảm bảo sự bình đẳng cho người nước ngoài
khi tham gia vào quan hệ tư pháp tương tự như đối với công dân Việt Nam.
4.4. Nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của các bên
Tại điều 1 Hiến chương Liên Hợp Quốc 1945, Tuyên bố 2625
(24/10/1970) Liên hợp quốc với nội dung nguyên tắc quy định pháp luật cho
phép các bên thỏa thuận luật áp dụng đối với các quan hệ đó, tuy nhiên không
phải tất các mọi lĩnh vực mà Tư pháp quốc tế điều chỉnh các bên đều được phép
lựa chọn luật áp dụng. Các bên chỉ được lựa chọn luật áp dụng trong lĩnh vực
hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nguyên tắc này góp phần bảo
đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên trong giao dịch Tư pháp
quốc tế.
4.5. Nguyên tắc có đi có lại
10


Tại điều 423, điều 465 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Điều 4 Luật tương trợ
tư pháp 2007 quy định nội dung của nguyên tắc quy định quyền và nghĩa vụ của
người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam được xây dựng và bảo
đảm thực thi trên cơ sở các quyền và nghĩa vụ mà công dân, pháp nhân Việt
Nam được quy định và đảm bảo thực thi ở nước ngoài tương ứng. Từ đó, nhằm
mục đích bảo hộ triệt để quyền, lợi ích chính đáng của công dân, pháp nhân của
Việt Nam ở nước ngoài cũng như công dân, pháp hân nước ngoài tại Việt Nam
trong quan hệ Tư pháp quốc tế.
Từ những nhận định trên về đối tượng điều chỉnh, phương pháp điều
chỉnh và các nguyên tắc cơ bản của Tư pháp quốc tế, ta có thể hiểu: “Tư pháp
quốc tế là ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật quốc gia, bao gồm các
quy phạm pháp luật, nguyên tắc pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự theo
nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài”.3
IV.Một số kiến nghị trong quá trình xây dựng Tư pháp quốc tế tại Việt Nam

Ở Việt Nam, dưới góc độ xây dựng và áp dụng pháp luật, ngành luật Tư
pháp quốc tế nói riêng cũng gắn liền với công cuộc xây dựng đất nước. Các
quan hệ hợp tác quốc tế về các lĩnh vực dân sự, kinh doanh thương mại, lao
động… có yếu tố nước ngoài ngày một nhiều, đây là tính tất yếu của sự phát
triển. Nhận thức được tầm quan trọng của Tư pháp quốc tế, Đảng và Nhà nước
ta đã gia nhập hàng loạt các điều ước quốc tế điều chỉnh quan hệ Tư pháp quốc
tế, đồng thời ban hành nhiều quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ đó.
Tuy nhiên, hiện nay các quy phạm Tư pháp quốc tế còn nằm khá rải rác
trong các luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn, do đó cần thiết phải ban
hành Luật Tư pháp quốc tế Việt Nam. Việc xây dựng luật riêng về Tư pháp quốc
tế không phải chỉ là tác các phần, nội dung trong luật khác và ghép thành một
luật mà còn phải thảo luận trao đổi để thống nhất nột dung, do đó nhìn chung sẽ
rất khó khăn cả về kĩ thuật và nội dung, tuy nhiên việc hệ thống hóa Luật riêng
biệt sẽ tạo ra nhiều điểm thuận lợi trong việc tiếp cận và áp dụng pháp luật:
3 Đây là quan điểm chính thống và đa số của học giả tại Việt Nam. Trường đại học Luật Hà Nội, trang 25, Giáo
trình tư pháp quốc tế, Nhà xuất bản tư pháp Hà Nội, 2017.

11


Một là, vấn đề tiếp cận dễ dàng, đơn giản và dễ hiểu hơn từ đó có cái nhìn
toàn diện về Tư pháp quốc tế, do đã thống nhất trong một luật riêng, các quy
định không nằm rải rác, tránh được sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa quy phạm
các luật.
Hai là, quá trình pháp điển hóa vô hình chung góp phần thúc đẩy giao lưu
dân sự (theo nghĩa rộng) quốc tế bởi các quy định rõ ràng, các quy phạm mâu
thuẫn bị loại bỏ, thu gọn hệ thống văn bản hướng dẫn, tăng sự an toàn cho hành
lang pháp lí. Khi đó cơ sở pháp lí minh bạch, rõ ràng thì các nước quốc tế sẽ sẵn
sàng thiết lập các quan hệ dân sự với Việt Nam hơn, và công dân Việt Nam cũng
sẽ tự tin khi hình thành các quan hệ dân sự với người nước ngoài.

Cuối cùng, tạo đà để thuận lợi trong quá trình sửa đổi, bổ sung, tức là
nâng cao khả năng tương thích với tình hình thực tế. Bởi hiện nay, các luật nội
dung điều chỉnh khá nhiều như luật hôn nhân gia đình, luật thương mại, luật lao
động, luật đầu tư, luật xây dựng, bộ luật dân sự, luật nhà ở,... việc sửa đổi lại
không tiến hành nhất thể được, sửa trước sửa sau, thêm vào đó hàng loạt các văn
bản dưới luật hướng dẫn, bổ sung sửa đội các văn bản điều đó vừa mất thời gian,
vừa tốn kém. Vì vậy, một luật riêng biệt sẽ không chỉ nâng cao hiệu quả điều
chỉnh mà thuận lợi cả quá trình xây dựng, sửa đổi và thực tiễn áp dụng.

Kết luận

12


Có thể khẳng định, ngày nay những quan hệ dân sự theo nghĩa rộng và tố
tụng dân sự không chỉ được giới hạn trong phạm vi mỗi quốc gia, dân tộc mà
còn mở rộng trên toàn Thế giới bởi sự ảnh hưởng của xu thế chung. Sự xuất hiện
của Tư pháp quốc tế đóng vai trò quan trọng, hữu hiệu trong việc giải quyết các
quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài và tố tụng dân sự có yếu tố
nước ngoài. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam nói riêng và hệ thống pháp luật
trên thế giới nói chung, Tư pháp quốc tế ngày một khẳng định vị trí độc lập của
mình trong hệ thống pháp luật. Tư pháp quốc tế vừa là một ngành luật độc lập,
vừa là ngành luật trong hệ thống pháp luật quốc gia bổ sung chặt chẽ, tác động
qua lại với các ngành luật khác giúp hệ thống pháp luật mỗi quốc gia ngày một
tiệm cận với nhau. Tư pháp quốc tế một mặt giúp củng cố và hợp tác giữa các
quốc gia trên cở sở phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế, mặt
khác Tư pháp quốc tế cũng xác định và bảo vệ lợi ích của cá nhân, pháp nhân và
quốc gia tham gia vào quan hệ dân sự có yêu tố nước ngoài. Do đó, Nhà nước ta
cần có sự quan tâm thích đáng hơn nữa về Tư pháp quốc tế để ngành luật này
phát huy được giá trị của mình./.


Danh mục tài liệu tham khảo

13


1. Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
2. Trường đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Tư pháp quốc tế, Nhà xuất bản Tư
pháp, 2017.
3. Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Tập bài giảng Lí luận chung về nhà nước
và pháp luật, 2017.
4. />MaTT=222201655428803970&MaMT=22 – Bài viết: Ngô Quốc Chiến, TS.
Giảng viên Khoa Luật Trường đại học Ngoại Thương, Việt Nam cần xây dựng
Luật Tư pháp Quốc tế, ngày 22/02/2016.
5. –
Bài viết: Nguyễn Hữu Huyên, TS. Phó Vụ trưởng vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư
pháp, Nghiên cứu tư pháp quốc tế của Cộng hòa Pháp, vương quốc Bỉ và Liên
bang Thụy Sĩ, ngày 09/01/2015.

14



×