Tải bản đầy đủ (.pdf) (94 trang)

Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng trong mối tương quan giữa bộ luật dân sự 2015 với luật thương mại 2005 từ thực tiễn xét xử tại tòa án nhân dân tỉnh bắc giang

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (17.15 MB, 94 trang )

TRẦN THỊ HÀ

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
VIỆN ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘI

LUẬT KINH TẾ

LUẬN VĂN THẠC SỸ
CHUYÊN NGÀNH: LUẬT KINH TẾ

TRÁCH NHIỆM DO VI PHẠM HỢP ĐỒNG
TRONG MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA BỘ LUẬT DÂN SỰ
2015 VỚI LUẬT THƯƠNG MẠI 2005
TỪ THỰC TIỄN XÉT XỬ TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG

2015 - 2017

TRẦN THỊ HÀ

HÀ NỘI – 2017


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
VIỆN ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘI

LUẬN VĂN THẠC SỸ

TRÁCH NHIỆM DO VI PHẠM HỢP ĐỒNG TRONG MỐI
TƯƠNG QUAN GIỮA BỘ LUẬT DÂN SỰ 2015 VỚI LUẬT
THƯƠNG MẠI 2005 TỪ THỰC TIỄN XÉT XỬ TẠI TÒA ÁN


NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

TRẦN THỊ HÀ

CHUYÊN NGÀNH: LUẬT KINH TẾ
MÃ SỐ: 60.38.01.07

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS. TS. BÙI ĐĂNG HIẾU

HÀ NỘI - 2017


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi.
Các số liệu, kết quả nêu trong luận văn là trung thực và chưa từng được
công bố trong bất kỳ công trình nào khác.

TÁC GIẢ LUẬN VĂN

Trần Thị Hà


LỜI CẢM ƠN
Luận văn tốt nghiệp cao học được hoàn thành tại Viện Đại học Mở Hà
Nội. Có được bản luận văn tốt nghiệp này, em xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành
và sâu sắc nhất đến PGS. TS. Bùi Đăng Hiếu – người đã trực tiếp hướng dẫn,
giúp đỡ em với những chỉ dẫn tận tình trong suốt quá trình triển khai, nghiên cứu
và hoàn thành đề tài “Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng trong mối tương
quan giữa Bộ luật Dân sự năm 2015 với Luật Thương mại năm 2005 từ thực

tiễn xét xử tại Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang”.
Xin chân thành cảm ơn các thầy, các cô giáo chuyên ngành Luật Kinh tế
đã trực tiếp giảng dạy, truyền đạt những kiến thức khoa học chuyên ngành cho
em trong những năm tháng qua.
Xin gửi tới Khoa sau đại học Viện đại học mở Hà Nội và Tòa án nhân dân
thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang lời cảm ơn sâu sắc vì đã tạo mọi điều kiện
thuận lợi giúp em hoàn thành đề tài nghiên cứu.
Luận văn này không thể tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế. Em mong
được sự đóng góp và chỉ bảo chân thành của các thầy, cô để em có thể hoàn thiện
hơn nữa quan điểm và nhận thức về đề tài.
Sau cùng, em xin được kính chúc quý thầy, cô thật dồi dào sức khỏe, niềm
tin và nhiệt huyết để tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao đẹp của mình truyền đạt kiến
thức cho thế hệ mai sau.
Trân trọng !
Hà Nội, ngày 20 tháng 9 năm 2017
Học viên thực hiện

Trần Thị Hà


MỤC LỤC

PHẦN MỞ ĐẦU.........................................................................................................1
1. Lý do chọn đề tài.....................................................................................................1
2. Tổng quan tình hình nghiên cứu..............................................................................2
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu..........................................................................4
3.1. Mục đích của việc nghiên cứu đề tài....................................................................4
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu đề tài..................................................................................4
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu...........................................................................4
4.1. Đối tượng nghiên cứu...........................................................................................4

4.2. Phạm vi nghiên cứu..............................................................................................5
5. Phương pháp nghiên cứu.........................................................................................5
6. Kết quả nghiên cứu mới và giá trị ứng dụng của đề tài...........................................5
7. Kết cấu của luận văn...............................................................................................6
Chương 1....................................................................................................................7
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ TRÁCH NHIỆM DO VI...... PHẠM HỢP ĐỒNG
TRONG MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA........................................................................7
BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2015 VỚI LUẬT THƯƠNG MẠI...................................7
1.1. Khái niệm và đặc điểm của trách nhiệm do vi phạm hợp đồng............................7
1.1.1.Khái niệm trách nhiệm do vi phạm hợp đồng …………………….................7
1.1.2. Đặc điểm của trách nhiệm do vi phạm hợp đồng..............................................8
1.2. Căn cứ phát sinh trách nhiệm do vi phạm hợp đồng...........................................10
1.3. Các hình thức trách nhiệm do vi phạm hợp đồng...............................................14
1.3.1. Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng......................................................14
1.3.2. Phạt vi phạm....................................................................................................28
1.4. Không chịu trách nhiệm do không thể thực hiện hợp đồng và miễn trách nhiệm
do vi phạm hợp đồng.................................................................................................39
1.4.1. Không chịu trách nhiệm do không thể thực hiện hợp đồng.............................40

1


1.4.2. Miễn, giảm trách nhiệm khi một bên vi phạm hợp đồng.................................43
Chương 2................................................................................................................... 44
TRÁCH NHIỆM DO VI PHẠM HỢP ĐỒNG..........................................................44
QUA MỘT SỐ VỤ ÁN GIẢI QUYẾT.....................................................................44
TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG.....................................................44
2.1. Trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ thanh toán.....................................................44
2.1.2. Liên quan đến hợp đồng theo mẫu của các tổ chức tín dụng...........................44
2.1.2. Tình trạng bên vay chiếm dụng vốn................................................................50

2.2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại........................................................................53
2.2.1. Thỏa thuận bồi thường thiệt hại không phải chứng minh................................53
2.2.2. Bồi thường thiệt hại khi bên bị thiệt hại vi phạm hợp đồng với bên thứ ba.....55
2.3. Trách nhiệm phạt vi phạm hợp đồng..................................................................56
Chương 3................................................................................................................... 61
MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM.................................................................................61
HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VÀ THỰC THI PHÁP LUẬT...................................61
VỀ TRÁCH NHIỆM DO VI PHẠM HỢP ĐỒNG....................................................61
3.1. Hoàn thiện các quy định pháp luật.....................................................................61
3.1.1. Về quy định liên quan đến phạt vi phạm.........................................................61
3.1.2. Về quy định bồi thường thiệt hại.....................................................................62
3.1.3. Về việc bồi hoàn chi phí hạn chế thiệt hại.......................................................66
3.1.4. Quy định về sự kiện bất khả kháng.................................................................66
3.2. Nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp của Tòa án, Trọng tài.........................67
3.3. Tăng cường phổ biến pháp luật hợp đồng cho công dân....................................69
PHẦN KẾT LUẬN...................................................................................................70

2


PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Từ khoảng năm 2010 trở lại đây, vi phạm hợp đồng có xu hướng gia tăng
nhanh chóng - đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, đồng thời xuất hiện những
hành vi vi phạm có tính chất phức tạp đối với những hợp đồng có giá trị kinh tế cao.
Điều này được thể hiện phần nào qua số liệu thống kê những vụ án có vi phạm hợp
đồng được Tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục sơ thẩm. Cụ thể: từ năm 2006 đến
năm 2011 (trong 5 năm), hệ thống Tòa án nước ta đã thụ lý giải quyết 38.077 vụ án
và từ năm 2012 đến hết năm 2014 (trong 3 năm), hệ thống Tòa án đã thụ lý giải
quyết 48.524 vụ án về tranh chấp do vi phạm hợp đồng [9, tr.19]. Nguyên nhân của

tình trạng này một phần do nhận thức pháp luật của người dân, doanh nghiệp chưa
cao, một phần do mâu thuẫn, hạn chế của quy định pháp luật và một phần do thực
thi pháp luật.
Để giảm số trường hợp vi phạm hợp đồng cần thực hiện đồng bộ nhiều biện
pháp như đề cao đạo đức trong kinh doanh, nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật
cho người dân, tuyên truyền pháp luật về hợp đồng cho người dân, đặc biệt là các
chủ thể kinh doanh, ... Trong đó, song song với việc hoàn thiện hệ thống quy định
pháp luật về hợp đồng, các cơ quan tài phán như Tòa án, Trọng tài cần áp dụng
đúng trách nhiệm pháp lý đối với bên vi phạm hợp đồng. Hiện nay, việc nâng cao ý
thức pháp luật cho người dân tương đối khó khăn; hệ thống văn bản quy phạm pháp
luật còn nhiều mâu thuẫn, bất cập gây khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật và
việc giải quyết tranh chấp còn chưa thống nhất giữa các Tòa án, Trung tâm Trọng
tài.
Xung quanh vấn đề vi phạm hợp đồng, trong giới nghiên cứu luật học còn
nhiều quan điểm khác nhau khi xác định một hành vi là vi phạm cơ bản hay không
cơ bản, căn cứ phát sinh trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, các trường hợp áp dụng
trách nhiệm cụ thể, các trường hợp không phải chịu trách nhiệm ... Những trường
hợp còn nhiều quan điểm này cần phải được xác định rõ và thống nhất cách giải
thích, áp dụng pháp luật, từ đó có những đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản pháp
luật.
Về mặt lý luận, đã có nhiều công trình nghiên cứu, phân tích về trách nhiệm
pháp lý do vi phạm hợp đồng, đặc biệt là trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng

1


trong lĩnh vực thương mại. Trong các nghiên cứu, bài viết về trách nhiệm do vi
phạm hợp đồng, tác giả nhất trí với một số quan điểm và không nhất trí với một số
quan điểm. Mặt khác, sau khi Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực, chưa có nhiều
nghiên cứu về trách nhiệm trong hợp đồng. Và theo tìm hiểu của tác giả, chưa có

nghiên cứu nào về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng nói chung đồng thời so sánh
quy định về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng trong Bộ luật Dân sự năm 2015 với
Luật Thương mại năm 2005.
Từ hiện trạng về tranh chấp do vi phạm hợp đồng trên thực tế, cùng với
những tồn tại về mặt quy định pháp luật và những vấn đề chưa thống nhất về mặt lý
luận, có thể thấy nghiên cứu về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng là cần thiết. Vì
vậy, tác giả lựa chọn đề tài “Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng trong mối tương
quan giữa Bộ luật Dân sự 2015 với Luật Thương mại 2005 từ thực tiễn xét xử
tại Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang” để thực hiện luận văn tốt nghiệp. Từ thực tế
thực hiện trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, thực tế giải quyết tranh chấp tại Tòa
án, luận văn sẽ đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống quy định pháp
luật về hợp đồng, nâng cao ý thức pháp luật của người dân – doanh nghiệp cũng
như nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp.
2. Tổng quan tình hình nghiên cứu
Phần nhiều các nghiên cứu, bài viết liên quan đến luận văn ở Việt Nam hiện
nay là về các biện pháp chế tài, chế độ trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng thương
mại, cụ thể là:
+ Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng
mua bán hàng hóa theo Bộ luật Thương mại thống nhất Hoa Kỳ” của Trường Đại
học Ngoại thương năm 2005.
+ Đề tài “Vấn đề miễn trách nhiệm trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc
tế” – Khóa luận tốt nghiệp tại Đại học Luật Hà Nội của tác giả Phạm Thị Sao năm
2011.
+ Đề tài “Điều khoản lãi suất trong hợp đồng tín dụng ở Việt Nam” – Khóa
luận tốt nghiệp tại Đại học Luật Hà Nội của tác giả Vũ Thị Mai Loan năm 2011.

2


+ Đề tài “Vấn đề miễn trách nhiệm trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc

tế” – Khóa luận tốt nghiệp tại Đại học Luật Hà Nội của tác giả Nguyễn Thị Hương
năm 2012.
+ Bài viết “Vướng mắc trong việc giải quyết yêu cầu trả tiền lãi trên một số
tiền chậm thanh toán trong hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại ở Việt Nam”
của tác giả Nguyễn Thanh Tùng, đăng trên tạp chí Tòa án nhân dân, số 21 năm
2013.
+ Bài viết “So sánh các quy định về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng trong
Luật Thương mại Việt Nam 2005 và Công ước Viên 1980” của tác giả Phan Thị
Thanh Thủy, đăng trên Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Luật học, số 3
năm 2014.
+ Đề tài “Trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng thương mại ở Việt Nam
hiện nay” – Luận án tiến sĩ luật học của tác giả Lê Thị Tuyết Hà năm 2016.
Có một số nghiên cứu, bài viết về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng dân sự
thì đều thực hiện trước khi Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực. Đó là:
+ Đề tài “Trách nhiệm dân sự trong hợp đồng” – Luận văn thạc sĩ của tác giả
Đinh Hồng Ngân năm 2006.
+ Đề tài “Trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng” - Khóa luận tốt nghiệp
tại Đại học Luật Hà Nội của tác giả Trần Việt Anh năm 2010.
+ Đề tài “Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng – Một số vấn đề
lý luận và thực tiễn” – Luận văn thạc sĩ của tác giả Nguyễn Hoàng Long năm 2014.
Chưa có nghiên cứu nào thể hiện sự tương quan về trách nhiệm do vi phạm
hợp đồng giữa Bộ luật Dân sự năm 2015 với Luật Thương mại năm 2005.
Luận văn xuất phát từ lý luận về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, đánh giá
việc áp dụng các quy định pháp luật và thực tiễn giải quyết tranh chấp về hợp đồng
tại Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang để đưa ra một số đề xuất nhằm giải quyết,
phòng ngừa vi phạm hợp đồng. Luận văn đã nghiên cứu tương đối toàn diện mối
tương quan giữa Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005 trên các
khía cạnh liên quan đến trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, có tham khảo một số

3



quy định pháp luật thương mại quốc tế. Đề tài không có sự trùng lặp về nội dung so
với các bài viết, công trình nghiên cứu công bố trước đây.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích của việc nghiên cứu đề tài
- Làm rõ lý luận về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng theo quy định trong Bộ
luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005. Tìm hiểu thực tế giải quyết
một số vụ tranh chấp về vi phạm hợp đồng tại Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang.
- Chỉ ra những điểm hợp lý, những điểm chưa hợp lý, chưa thống nhất trong
các quy định về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng. Đề xuất những kiến nghị hoàn
thiện quy định pháp luật, nâng cao ý thức thực hiện hợp đồng và hiệu quả giải quyết
tranh chấp do vi phạm hợp đồng tại Tòa án.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu đề tài
- Nghiên cứu, tìm hiểu quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại về
trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
- Làm rõ cơ sở lý luận về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
- Đánh giá thực tiễn thực hiện quy định pháp luật về trách nhiệm do vi phạm
hợp đồng và thực tiễn giải quyết tranh chấp về vi phạm hợp đồng, chỉ ra những
điểm cần khắc phục.
- Đề xuất phương hướng hoàn thiện quy định của pháp luật, nâng cao ý thức
thực hiện hợp đồng và hiệu quả giải quyết tranh chấp do vi phạm hợp đồng tại Tòa
án.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
+ Các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005
về hợp đồng.
+ Một số bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang về trách nhiệm do vi
phạm hợp đồng.
+ Một số văn bản của Tòa án nhân dân tối cao liên quan đến tranh chấp về

hợp đồng.

4


4.2. Phạm vi nghiên cứu
Trong khuôn khổ một luận văn thạc sĩ luật học, tác giả chỉ tập trung nghiên
cứu các quy định về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng trong pháp luật dân sự Việt
Nam nói chung, không xem xét trách nhiệm do vi phạm hợp đồng trong các lĩnh
vực khác và pháp luật quốc tế. Luận văn có trích dẫn một số nội dung về trách
nhiệm do vi phạm hợp đồng trong văn bản pháp luật quốc tế nhưng chỉ có ý nghĩa
tham khảo cách quy định, không tiến hành so sánh, phân tích sâu.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện được mục tiêu nghiên cứu nói trên, việc nghiên cứu được tiến
hành dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh
về Nhà nước và pháp luật, các quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về quản lý Nhà
nước, quản lý xã hội cũng như chủ trương, quan điểm về việc xây dựng pháp luật
dân sự.
Luận văn được thực hiện trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật
biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, sử dụng các phương pháp nghiên cứu như:
phân tích, tổng hợp, so sánh … Nguồn tài liệu nghiên cứu là các văn bản pháp luật
về hợp đồng; một số nghiên cứu về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng trong lĩnh vực
dân sự, thương mại và một số bản án liên quan đến trách nhiệm do vi phạm hợp
đồng của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang.
6. Kết quả nghiên cứu mới và giá trị ứng dụng của đề tài
Đề tài là công trình nghiên cứu có hệ thống về trách nhiệm do vi phạm hợp
đồng trong Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại và những vướng mắc, tồn tại khi áp
dụng quy định pháp luật cũng như khi giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Đề tài đã
góp phần bổ sung về mặt lý luận và thực tiễn cho lĩnh vực nghiên cứu với các kết
quả sau đây:

- Đề tài đã làm rõ được cơ sở lý luận của trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
Cụ thể, đề tài đã xây dựng khái niệm, chỉ rõ các đặc điểm, căn cứ phát sinh, nội
dung các loại trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; các trường hợp không phải chịu
trách nhiệm do không thực hiện hợp đồng.

5


- Đề tài đã làm rõ mối tương quan về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng giữa
Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005; nêu lên những bất cập về mặt quy
định pháp luật.
- Thông qua các vụ án về vi phạm hợp đồng trong thực tiễn xét xử tại Tòa án
nhân dân tỉnh Bắc Giang, đề tài nêu lên những tồn tại trong quá trình thực hiện hợp
đồng và giải quyết tranh chấp tại Tòa án.
- Đề tài đã đề xuất kiến nghị hoàn thiện một số quy định pháp luật; đề xuất
giải pháp nâng cao ý thức pháp luật cho người dân và nâng cao hiệu quả giải quyết
tranh chấp tại Tòa án, Trọng tài.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung luận
văn gồm 3 Chương:
Chương 1: Một số vấn đề lý luận về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng trong
mối tương quan giữa Bộ luật Dân sự năm 2015 với Luật Thương mại
Chương 2: Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng qua một số vụ án giải quyết tại
Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang
Chương 3: Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật và thực thi pháp luật
về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.

6



Chương 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ TRÁCH NHIỆM DO VI
PHẠM HỢP ĐỒNG TRONG MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA
BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2015 VỚI LUẬT THƯƠNG MẠI

1.1. Khái niệm và đặc điểm của trách nhiệm do vi phạm hợp đồng
1.1.1. Khái niệm trách nhiệm do vi phạm hợp đồng
Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng là trách nhiệm pháp lý (trách nhiệm dân
sự), theo đó, bên vi phạm sẽ phải chịu những hậu quả bất lợi về mặt pháp lý tương
ứng với hành vi vi phạm hợp đồng mà mình gây ra. Để xác định khái niệm trách
nhiệm do vi phạm hợp đồng trước hết cần xác định thế nào là vi phạm hợp đồng.
Pháp luật Việt Nam đã có quy định khái niệm vi phạm hợp đồng tại khoản 12, Điều
3, Luật Thương mại năm 2005, theo đó, “vi phạm hợp đồng là việc một bên không
thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không dúng nghĩa vụ theo thỏa
thuận giữa các bên hoặc theo quy định của luật này”. Như vậy, hành vi vi phạm hợp
đồng là không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc có thực hiện nhưng không
đúng, không đủ các nghĩa vụ đã thỏa thuận hoặc pháp luật quy định. Thực chất,
“thực hiện không đầy đủ” nghĩa vụ hợp đồng chính là thực hiện không đúng nghĩa
vụ hợp đồng. Việc thêm cụm từ “thực hiện không đầy đủ” chỉ giúp người đọc dễ
hình dung rằng “thực hiện không đúng nghĩa vụ” còn bao gồm các trường hợp như
giao thiếu về mặt số lượng hàng hóa, thiếu bộ phận (chi tiết), không đạt chất lượng
như thỏa thuận, … Suy rộng ra, “thực hiện không đúng nghĩa vụ” cũng bao gồm
“không thực hiện nghĩa vụ”. Do đó, có thể xác định vi phạm hợp đồng là việc một
bên không thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng.
Khi hành vi vi phạm hợp đồng xảy ra thì đồng thời phát sinh trách nhiệm của
bên vi phạm đối với bên bị vi phạm, đó là trách nhiệm do vi phạm hợp đồng. Trách

7



nhiệm do vi phạm hợp đồng còn được gọi là trách nhiệm trong hợp đồng để phân
biệt với trách nhiệm ngoài hợp đồng. Điểm khác biệt cơ bản là trách nhiệm trong
hợp đồng được xác định dựa trên nội dung thỏa thuận của hợp đồng còn trách
nhiệm ngoài hợp đồng phát sinh khi có thiệt hại xảy ra ngoài thỏa thuận hoặc không
có thỏa thuận.
1.1.2. Đặc điểm của trách nhiệm do vi phạm hợp đồng
Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng là một loại trách nhiệm dân sự nên giống
như các loại trách nhiệm dân sự khác, trách nhiệm do vi phạm hợp đồng phát sinh
trên cơ sở có hành vi vi phạm các cam kết, thỏa thuận của các bên trong hợp đồng.
Đồng thời, trách nhiệm do vi phạm hợp đồng có những đặc điểm riêng, đó là:
- Được áp dụng đối với hợp đồng đã có hiệu lực pháp luật và phát sinh trong
quá trình thực hiện hợp đồng.
Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng chỉ phát sinh sau khi hợp đồng đó có hiệu
lực pháp luật và có hành vi vi phạm những thỏa thuận của các bên. Cho nên, trách
nhiệm do vi phạm hợp đồng thường phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Một số trường hợp trách nhiệm do vi phạm hợp đồng phát sinh sau khi các bên đã
thực hiện xong hợp đồng, ví dụ như sau khi sử dụng sản phẩm được vài tháng, bên
mua mới phát hiện khuyết tật của hàng hóa.
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng là loại trách nhiệm pháp lý mang tính tài
sản.
Việc thực hiện trách nhiệm do vi phạm hợp đồng khiến bên vi phạm phải
chịu những hậu quả bất lợi về tài sản như nộp tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt
hại, hoàn trả các chi phí hợp lý khi bên bị vi phạm áp dụng biện pháp ngăn chặn,
hạn chế thiệt hại …
- Cơ sở phát sinh trách nhiệm là hành vi vi phạm hợp đồng.
Khi hợp đồng có hiệu lực pháp luật thì các nội dung thỏa thuận trong hợp
đồng có giá trị bắt buộc thực hiện, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lý của các

8



bên. Việc một bên vi phạm các thỏa thuận này làm phát sinh trách nhiệm của bên đó
với bên bị vi phạm, còn bên vi phạm phải chịu trách nhiệm như thế nào thì phụ
thuộc vào yêu cầu của bên bị vi phạm và đánh giá của cơ quan giải quyết trường
hợp có tranh chấp.
- Chủ thể chịu trách nhiệm là bên vi phạm hợp đồng.
Bên vi phạm hợp đồng phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với bên bị vi
phạm, không phụ thuộc nguyên nhân của hành vi vi phạm là do ai gây ra. Trường
hợp hậu quả của việc vi phạm hợp đồng dẫn đến việc vi phạm hợp đồng với bên thứ
ba thì bên vi phạm cũng chỉ chịu trách nhiệm đối với bên bị vi phạm, còn bên bị vi
phạm sẽ chịu trách nhiệm với bên thứ ba.
- Mức độ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng phụ thuộc vào thỏa thuận trong
hợp đồng.
Nội dung thỏa thuận của các bên trong hợp đồng là căn cứ để xác định mức
độ trách nhiệm bên vi phạm hợp đồng phải chịu. Về nguyên tắc, khi hai bên đã thỏa
thuận về trách nhiệm vi phạm hợp đồng thì mức độ trách nhiệm hoàn toàn dựa trên
thỏa thuận đó, còn một số trường hợp áp dụng theo quy định pháp luật như khi thỏa
thuận phạt vi phạm quá cao hoặc nội dung hợp đồng chỉ thỏa thuận phải bồi thường
thiệt hại, phải phạt vi phạm mà không đưa ra mức cụ thể hoặc khi nghĩa vụ không
thực hiện được hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.
- Thực hiện xong trách nhiệm do vi phạm hợp đồng không làm chấm dứt hợp
đồng.
Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng phát sinh khi có hành vi vi phạm hợp
đồng, mục đích của thỏa thuận trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng là để răn đe,
phòng ngừa các bên vi phạm hợp đồng và hạn chế tổn thất, bù đắp thiệt hại cho bên
bị vi phạm. Do đó, khi bên vi phạm hợp đồng thực hiện xong trách nhiệm bồi
thường thiệt hại hoặc phạt vi phạm thì có thể coi là đã trả lại tình trạng hợp đồng
như trước khi có hành vi vi phạm và hợp đồng lại tiếp tục được thực hiện. Hợp

9



đồng chỉ chấm dứt khi có thỏa thuận của các bên hoặc thuộc trường hợp đương
nhiên chấm dứt hợp đồng mà pháp luật quy định.
Như vậy, trách nhiệm do vi phạm hợp đồng là một loại trách nhiệm pháp lý,
phát sinh khi có hành vi vi phạm hợp đồng và chủ yếu được xác định trên nội dung
thỏa thuận của các bên trong hợp đồng. Trước khi giao kết hợp đồng, các bên đều
đã rõ trách nhiệm mình phải chịu nếu vi phạm hợp đồng nên trách nhiệm do vi
phạm hợp đồng không chỉ có ý nghĩa đền bù tổn thất đã gây ra mà còn phòng tránh,
hạn chế trường hợp vi phạm hợp đồng.
1.2. Căn cứ phát sinh trách nhiệm do vi phạm hợp đồng
Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng phát sinh khi có những căn cứ nhất định.
Mỗi loại trách nhiệm lại có căn cứ phát sinh khác nhau nhưng đều phải có những
yếu tố sau: có hành vi vi phạm hợp đồng; có thỏa thuận trong hợp đồng hoặc pháp
luật quy định; có lỗi của bên vi phạm hợp đồng.
- Có hành vi vi phạm hợp đồng:
Hành vi vi phạm hợp đồng là căn cứ phát sinh tất cả các hình thức trách
nhiệm do vi phạm hợp đồng. Hành vi vi phạm hợp đồng là xử sự của các chủ thể
không phù hợp với thỏa thuận trong hợp đồng, biểu hiện cụ thể là hành vi thực hiện
không đúng hoặc không thực hiện nghĩa vụ. Nghĩa vụ mà các bên phải thực hiện
không chỉ là những thỏa thuận được viết trong hợp đồng mà còn bao gồm những
nghĩa vụ theo quy định pháp luật. Vì vậy để xác định một hành vi có vi phạm hợp
đồng hay không cần dựa trên nội dung hợp đồng và quy định pháp luật.
Bộ luật Dân sự có quy định một số nghĩa vụ cơ bản của các bên khi giao kết
hợp đồng như bên bán có nghĩa vụ giao hàng, bên mua có nghĩa vụ trả tiền, bên cho
thuê có nghĩa vụ giao tài sản thuê, bên thuê có nghĩa vụ quản lý tài sản trong thời
gian thuê… Đây là những nghĩa vụ cơ bản nhất trong quan hệ hợp đồng vì vậy nếu
nội dung hợp đồng không có những nghĩa vụ này thì các bên vẫn phải thực hiện vì
pháp luật đã quy định. Việc pháp luật quy định những điều khoản này giúp bớt được


một số nội dung thỏa thuận về những quyền nghĩa vụ thông thường, khiến cho nội

10


dung hợp đồng ngắn gọn hơn, tiết kiệm thời gian, công sức của các bên tham gia
hợp đồng.
Đối với hành vi vi phạm hợp đồng thương mại, Luật Thương mại phân chia
thành hai loại là vi phạm cơ bản và vi phạm không cơ bản. Khoản 13, Điều 3 Luật
Thương mại năm 2005 quy định: “Vi phạm cơ bản là sự vi phạm hợp đồng của một
bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp
đồng”. Luật Thương mại không quy định thế nào là vi phạm không cơ bản nên có
thể hiểu những vi phạm không phải vi phạm cơ bản là vi phạm không cơ bản. Việc
phân loại hành vi vi phạm hợp đồng thương mại thành vi phạm cơ bản và vi phạm
không cơ bản là cơ sở cho việc áp dụng các hình thức chế tài như tạm ngừng thực
hiện hợp đồng, đình chỉ hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng. Điều 293 Luật Thương mại
quy định: “Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, bên bị vi phạm không được
áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc
hủy bỏ thực hiện hợp đồng đối với vi phạm không cơ bản”. Khoản 1 Điều 313 Luật
Thương mại quy định: “Trường hợp có thỏa thuận về gia hàng, cung ứng dịch vụ
từng phần, nếu một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình trong việc giao hàng,
cung ứng dịch vụ và việc này cấu thành một vi phạm cơ bản đối với lần giao hàng,
cung ứng dịch vụ đó thì bên kia có quyền tuyên bố hủy bỏ hợp đồng đối với lần
giao hàng, cung ứng dịch vụ đó”. Theo quy định này, bên bị vi phạm chỉ có thể tạm
ngừng, đình chỉ hoặc hủy bỏ hợp đồng khi có hành vi vi phạm cơ bản.
Tuy nhiên để xác định một hành vi vi phạm là vi phạm cơ bản hay vi phạm
không cơ bản thì không dễ. Dù Luật Thương mại đã quy định thế nào là vi phạm cơ
bản nhưng rất khó xác định xem bên bị vi phạm có đạt được mục đích của việc giao
kết hợp đồng hay không. Mục đích khi giao kết hợp đồng của mỗi bên không bắt
buộc phải công khai, việc xác định mục đích của bên bị vi phạm là dựa trên quan

điểm của họ hoặc suy đoán theo bản chất hợp đồng. Mặt khác, mục đích khi giao
kết hợp đồng của bên bị vi phạm có thể không phải lợi ích, giá trị trao đổi mà hai
bên cùng hướng tới. Như vậy, căn cứ “mục đích khi giao kết hợp đồng” là trừu
tượng và thực tế một bên không cần biết mục đích của bên kia khi giao kết hợp

11


đồng. Ví dụ: Công ty A ký hợp đồng mua thủy sản của Công ty B, đồng thời Công
ty A ký hợp đồng xuất khẩu số thủy sản này cho Công ty D. Có thể xác định, mục
đích mua thủy sản của công ty A là để xuất khẩu. Do công ty B giao hàng kém chất
lượng, lô hàng không đạt tiêu chuẩn nên công ty A không thể xuất khẩu. Mục đích
của Công ty A khi mua thủy sản không đạt được nên việc giao hàng kém chất lượng
của Công ty B là vi phạm cơ bản.
Cũng phân chia hành vi vi phạm hợp đồng thành vi phạm cơ bản và vi phạm
không cơ bản nhưng Công ước Viên năm 1980 quy định rõ hơn về vi phạm cơ bản.
Theo Điều 25 Công ước Viên năm 1980: “một sự vi phạm cơ bản hợp đồng do một
bên gây ra là vi phạm cơ bản nếu sự vi phạm đó làm cho bên kia bị thiệt hại mà
người bị thiệt hại trong một chừng mực đang kể bị mất cái mà họ có quyền chờ đợi
trên cơ sở hợp đồng, trừ phi bên vi phạm không tiên liệu được và một người có lí trí
minh mẫn cũng không tiên liệu được nếu họ ở vào hoàn cảnh tương tự”. Quy định
này khiến hậu quả của vi phạm cơ bản là bên bị vi phạm mất “lợi ích chờ đợi trên
cơ sở hợp đồng” dễ xác định hơn là bên bị vi phạm “không đạt được mục đích khi
giao kết hợp đồng”. Ở ví dụ trên, nếu áp dụng quy định của Công ước Viên năm
1980, công ty A có thể yêu cầu công ty B bồi thường cả những thiệt hại do vi phạm
hợp đồng xuất khẩu với bên thứ ba.
Như vậy, có hành vi vi phạm hợp đồng là căn cứ đầu tiên làm phát sinh trách
nhiệm do vi phạm hợp đồng.
- Có thỏa thuận trong hợp đồng hoặc pháp luật quy định
Sau khi có hành vi vi phạm hợp đồng, nếu hợp đồng có thỏa thuận về vi

phạm này hoặc pháp luật có quy định thì sẽ làm phát sinh trách nhiệm của bên vi
phạm. Trước hết việc xem xét hành vi vi phạm có làm phát sinh trách nhiệm dân sự
đối với bên vi phạm hay không phải căn cứ vào nội dung thỏa thuận trong hợp đồng
và sau đó là quy định pháp luật có liên quan.
Nếu hợp đồng có thỏa thuận về hành vi vi phạm và nội dung thỏa thuận này
không trái quy định pháp luật thì thỏa thuận đó được áp dụng. Nếu hợp đồng có

12


thỏa thuận về hành vi vi phạm và nội dung thỏa thuận này trái quy định pháp luật
thì thỏa thuận đó không có hiệu lực và việc có phát sinh trách nhiệm dân sự của bên
vi phạm hay không được căn cứ vào quy định pháp luật. Nếu hợp đồng không có
thỏa thuận về hành vi vi phạm thì việc có phát sinh trách nhiệm dân sự của bên vi
phạm hay không hoàn toàn dựa trên quy định pháp luật.
Ví dụ: A cho B thuê nhà làm địa điểm kinh doanh. Hai bên thỏa thuận: B
được sử dụng tất cả tài sản, đồ dùng sinh hoạt trong nhà và không được sửa chữa
làm thay đổi kiến trúc nhà. Bên vi phạm hợp đồng phải chịu phạt 50.000.000 đồng.
Trong thời gian sử dụng nhà thuê, B làm hư hỏng một số tài sản của A. Về nguyên
tắc, khi B làm hư hỏng tài sản của A thì phải bồi thường, trừ trường hợp hai bên có
thỏa thuận khác. Nếu trong hợp đồng thuê nhà hai bên có thỏa thuận B không phải
chịu trách nhiệm khi tài sản sinh hoạt trong nhà hư hỏng thì B không phải chịu
trách nhiệm gì. Nếu trong hợp đồng hai bên thỏa thuận trường hợp tài sản sinh hoạt
hư hỏng B phải sửa chữa hoặc bồi thường thì trách nhiệm của B được xác định theo
nội dung thỏa thuận. Nếu hai bên không có thỏa thuận về trách nhiệm của B thì
theo quy định pháp luật B có trách nhiệm sửa chữa tài sản đó (khắc phục thiệt hại)
hoặc bồi thường thiệt hại cho A. Nếu B có hành vi sửa chữa, cải tạo làm thay đổi
kiến trúc nhà thuê thì B phải chịu phạt vi phạm 50.000.000 đồng theo thỏa thuận.
Trường hợp có hành vi vi phạm hợp đồng, nội dung hợp đồng có thỏa thuận
về hành vi vi phạm nhưng không thỏa thuận rõ mức độ trách nhiệm bên vi phạm

phải chịu thì mức độ trách nhiệm này được xác định dựa trên quy đinh pháp luật.
Trong ví dụ trên, nếu hai bên chỉ thỏa thuận “trường hợp B sửa chữa, cải tạo làm
thay đổi kiến trúc nhà thuê thì B phải chịu phạt vi phạm theo quy định pháp luật”
mà không thỏa thuận rõ mức phạt vi phạm thì khi B làm thay đổi kiến trúc nhà mức
phạt vi phạm B phải chịu được xác định theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, pháp
luật không quy định mức phạt cụ thể mà chỉ quy định mức phạt vi phạm tối đa nên
sau khi B vi phạm, nếu hai bên thỏa thuận được mức phạt thì điều khoản phạt vị
phạm ban đầu sẽ thực hiện được; nếu hai bên không thỏa thuận được mức phạt cụ
thể thì điều khoản phạt vi phạm ban đầu không thực hiện được. Thực tế, sau khi B

13


vi phạm hai bên thường không thỏa thuận được mức phạt vi phạm cụ thể và A chỉ
có thể yêu cầu B bồi thường thiệt hại.
- Bên vi phạm hợp đồng có lỗi
Bên vi phạm hợp đồng có lỗi hoặc không có lỗi là một căn cứ để xác định họ
có phải chịu trách nhiệm do vi phạm hợp đồng hay không. Lỗi là trạng thái tâm lý
và mức độ nhận thức của một người đối với hành vi của họ và hậu quả của hành vi
đó. Trạng thái tâm lý và khả năng nhận thức chỉ được xem xét đối với cá nhân. Khi
bên vi phạm hợp đồng là tổ chức thì có thể xác định lỗi của tổ chức dựa trên hành
vi của người đứng đầu tổ chức (lỗi của người đại diện hợp pháp của tổ chức đó).
Lỗi được xác định theo nguyên tắc suy đoán, nghĩa là trong điều kiện hoàn
cảnh có khả năng thực hiện hợp đồng mà không thực hiện đúng hợp đồng là có lỗi.
Mọi hành vi vi phạm hợp đồng đều được suy đoán là có lỗi. Bên vi phạm hợp đồng
không có lỗi thì phải chứng minh, bên bị vi phạm và cơ quan tài phán không có
nghĩa vụ chứng minh lỗi của bên vi phạm. Nguyên tắc suy đoán lỗi được áp dụng
khi xác định trách nhiệm của bên vi phạm hợp đồng là nhằm bảo vệ lợi ích của bên
bị vi phạm trong mọi trường hợp.
Ngoài các căn cứ chung nói trên, mỗi biện pháp trách nhiệm do vi phạm hợp

đồng lại có những căn cứ riêng: biện pháp bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp
đồng phải có thiệt hại thực tế và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và
thiệt hại đó; biện pháp phạt vi phạm phải có thỏa thuận giữa các bên trong nội dung
hợp đồng.
1.3. Các hình thức trách nhiệm do vi phạm hợp đồng
1.3.1. Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng
Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành
vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm (khoản 1 Điều 302 Luật Thương
mại). Trách nhiệm bồi thường thiệt hại nhằm bù đắp, khôi phục lợi ích vật chất bị
thiệt hại cho nên bồi thường thiệt hại chỉ được áp dụng khi có thiệt hại thực tế và

14


luôn phải xem xét mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt
hại đó.
 Điều kiện áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các căn cứ, điều kiện là:
có hành vi vi phạm, có thiệt hại thực tế xảy ra, hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên
nhân trực tiếp gây ra thiệt hại đó, có lỗi của bên vi phạm. Nghĩa là ngoài các căn cứ
chung làm phát sinh trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, điều kiện áp dụng trách
nhiệm bồi thường thiệt hại có 2 căn cứ riêng:
- Có thiệt hại thực tế xảy ra
Thiệt hại thực tế do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra là căn cứ bắt buộc để
áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Thiệt hại của bên bị vi phạm phải là thiệt
hại về vật chất, phải tính toán xác định được mức độ, giá trị thiệt hại. Mức độ thiệt
hại là một căn cứ để xác định mức bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
Thiệt hại thực tế được chia thành hai loại là thiệt hại trực tiếp và thiệt hại
gián tiếp. Thiệt hại trực tiếp là những thiệt hại đã xảy ra mà hành vi vi phạm là
nguyên nhân duy nhất gây ra thiệt hại đó và thường xác định được rất rõ ràng, chính

xác. Biểu hiện cụ thể của thiệt hại trực tiếp là tài sản bị mất mát, hư hỏng, bị giảm
sút về số lượng và chất lượng, chi phí để ngăn chặn và hạn chế thiệt hại … Thiệt hại
gián tiếp là những thiệt hại suy đoán (dựa trên tài liệu, chứng cứ) như thu nhập thực
tế bị mất, bị giảm sút, khoản lợi nhuận mà đáng lẽ bên bị vi phạm có được, thiệt hại
về tài sản vô hình, tiền phạt hợp đồng và bồi thường thiệt hại bên bị vi phạm phải
trả cho bên thứ ba do hậu quả trực tiếp của sự vi phạm hợp đồng.
Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ hợp
đồng bao gồm: tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục
thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, khoản lợi đáng lẽ được hưởng
của bên bị vi phạm. Luật Thương mại năm 2005 quy định về các khoản thiệt hại do
vi phạm hợp đồng rải rác ở các điều luật như các Điều 302, 306, theo đó các khoản

15


thiệt hại gồm: giá trị tổn thất trực tiếp thực tế mà bên bị vi phạm phải chịu, khoản
lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
Luật Thương mại còn quy định về vi phạm trước thời hạn. Khi một bên vi
phạm trước thời hạn thì thiệt hại là thiệt hại dự đoán (do chưa xảy ra hành vi vi
phạm hợp đồng). Khi đó, bên bị vi phạm có thể yêu cầu bên vi phạm trả những
khoản mất mát xác định khi ký kết hợp đồng còn chi phí để ngăn chặn thiệt hại có
thể chưa phát sinh nên trường hợp xác định vi phạm hợp đồng trước thời hạn có thể
làm giảm khoản bồi thường cho bên vi phạm, có thể làm giảm hoặc tránh được thiệt
hại giữa bên bị vi phạm với bên thứ ba. Như vậy thì cả bên vi phạm và bên bị vi
phạm đều có lợi, đồng thời có thể hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra.
- Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại thực tế xảy ra
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, khi có hành vi vi phạm, không phải mọi
thiệt hại xảy ra đối với bên bị vi phạm đều do bên vi phạm chịu trách nhiệm. Bên vi
phạm chỉ phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại trực tiếp do hành vi vi phạm
của mình gây ra. Để yêu cầu bên vi phạm bồi thường thiệt hại, bên bị vi phạm phải

chứng minh được có thiệt hại, xác định được giá trị bị thiệt hại và có mối quan hệ
nhân quả giữa hành vi vi phạm với thiệt hại đó. Trường hợp không có mối quan hệ
nhân quả thì bên vi phạm không phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại xảy ra.
Mối quan hệ nhân quả nghĩa là hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân
trực tiếp gây ra thiệt hại và thiệt hại đó chỉ xảy ra do có hành vi vi phạm này. Hành
vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại khi hành vi vi phạm luôn hàm
chứa khả năng dẫn đến thiệt hại và thiệt hại xảy ra là hậu quả tất yếu, là sự hiện
thực hóa khả năng này trong điều kiện phù hợp. Nhưng thực tế, một hành vi vi
phạm là nguyên nhân gây ra nhiều thiệt hại và một thiệt hại có thể do nhiều nguyên
nhân tác động gây ra cho nên việc xác định hành vi vi phạm A có gây ra thiệt hại B
hay không hoặc phần nào trong thiệt hại B do hành vi vi phạm A gây ra tương đối
dễ nhầm lẫn. Việc chứng minh được thiệt hại B xảy ra chỉ do hành vi vi phạm A
giúp xác định chính xác mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại, từ

16


đó xác định đúng mức thiệt hại mà bên vi phạm phải chịu trách nhiệm. Để làm
được việc này cần sự phối hợp giữa bên vi phạm – bên bị vi phạm với cơ quan tài
phán, đồng thời hai bên cần đưa ra những căn cứ rõ ràng, xác thực và cơ quan tài
phán cần xem xét, đánh giá khách quan khả năng xảy ra thiệt hại, như vậy mới xác
định được chính xác mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt
hại xảy ra. Bên vi phạm phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ phần thiệt hại do
hành vi của mình gây ra.
Đối với vi phạm trước thời hạn thì thiệt hại là thiệt hại dự kiến, không phải
thiệt hại thực tế. Trường hợp này mối quan hệ nhân quả cũng là dự kiến vì chưa có
hành vi vi phạm xảy ra. Thông thường vi phạm hợp đồng trước thời hạn là do hai
bên thỏa thuận, cùng dự kiến từ khi ký kết hợp đồng do đó pháp luật nên quy định
bồi thường thiệt hại khi vi phạm hợp đồng trước thời hạn thực hiện theo thỏa thuận
của các bên.

Có một ngoại lệ của căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được
quy định tại khoản 3 Điều 418 Bộ luật Dân sự đó là khi hợp đồng có điều khoản
phạt vi phạm thì đồng thời phải có thỏa thuận bồi thường thiệt hại nếu không có
thỏa thuận bồi thường thiệt hại hoặc thỏa thuận không phải bồi thường thiệt hại thì
không làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bên vi phạm hợp đồng.
 Nội dung của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng
Bên vi phạm hợp đồng thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại bằng cách
trả cho bên bị vi phạm giá trị vật chất bị tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng của
mình gây ra.
Giá trị bồi thường thiệt hại được xác định theo nguyên tắc “bồi thường toàn
bộ thiệt hại”, không giới hạn bởi giá trị hợp đồng. Toàn bộ thiệt hại bao gồm: tổn
thât thực tế, chi phí ngăn chặn hạn chế hậu quả, khoản lợi trực tiếp bên bị vi phạm
đáng lẽ được hưởng, chi phí phải trả cho bên thứ ba do hậu quả trực tiếp của sự vi
phạm hợp đồng gây ra. Vì vậy trong nhiều trường hợp, tiền bồi thường thiệt hại lớn

17


hơn nhiều so với giá trị hợp đồng đã vi phạm hoặc giá trị hợp đồng mà bên bị vi
phạm phải chịu phạt, chịu bồi thường với bên thứ ba.
Bên vi phạm hợp đồng chỉ phải bồi thường trong phạm vi thiệt hại mà bên bị
vi phạm yêu cầu. Bên bị vi phạm có nghĩa vụ chứng minh những thiệt hại mà mình
phải gánh chịu, mức độ thiệt hại, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp
đồng và thiệt hại đó. Trường hợp bên bị vi phạm yêu cầu bồi thường thu nhập bị
mất, khoản lợi nhuận đáng lẽ được hưởng hoặc khoản tiền phạt, bồi thường thiệt hại
đối với bên thứ ba do hậu quả trực tiếp của hành vi vi phạm hợp đồng thì bên bị vi
phạm phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh khoản thu nhập, lợi nhuận hoặc tiền phạt
đó là có thật và việc mất thu nhập, lợi nhuận, phải chịu phạt – bồi thường với bên
thứ ba là do hành vi vi phạm hợp đồng trực tiếp gây ra.
Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh việc vi phạm hợp đồng do

trở ngại nằm ngoài tầm kiểm soát của họ nghĩa là bên vi phạm không có lỗi, từ đó
họ có thể không phải chịu hoặc được giảm trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Các
trường hợp áp dụng trách nhiệm do vi phạm hợp đồng đều thực hiện nguyên tắc
“lỗi suy đoán”, theo đó bên vi phạm hợp đồng luôn có lỗi trừ khi bên vi phạm
chứng minh được là họ không có lỗi.
Trong hợp đồng thương mại, bên bị vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ áp dụng
các biện pháp ngăn chặn, hạn chế thiệt hại xảy ra (Điều 305 Luật Thương mại). Nếu
bên bị vi phạm không áp dụng các biên pháp hợp lý để hạn chế tổn thất thì bên vi
phạm có quyền yêu cầu giảm giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức thiệt hại đáng lẽ
có thể hạn chế được.
 Quy định về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng trong Bộ luật Dân
sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005
- Về phạm vi thiệt hại được yêu cầu bồi thường:
Khoản 3 Điều 419 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “theo yêu cầu của
người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường về tinh thần cho

18


người có quyền”. Theo quy định này, phạm vi thiệt hại được yêu cầu bồi thường
gồm cả thiệt hại về tinh thần.
Khoản 2 Điều 302 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “giá trị bồi thường
thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do
bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng
nếu không có hành vi vi phạm”. Như vậy Luật Thương mại quy định phạm vi thiệt
hại được yêu cầu bồi thường chỉ là thiệt hại vật chất trực tiếp và thực tế, không tính
đến thiệt hại về tinh thần, thiệt hại gián tiếp và thiệt hại suy đoán.
Việc phân biệt thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần giúp xác định
nghĩa vụ chứng minh và mức bồi thường. Bên bị thiệt hại có nghĩa vụ chứng minh
thiệt hại xảy ra, đối với thiệt hại vật chất thì có thể chứng minh bằng hiện trạng tài

sản hư hỏng, khoản lợi nhuận đáng lẽ được hưởng, tiền phạt do vi phạm hợp đồng
với bên thứ ba được thể hiện qua chứng từ, hợp đồng với bên thứ ba. Còn thiệt hại
tinh thần thì bên bị vi phạm có nghĩa vụ chứng minh như thế nào? Có tài liệu gì để
thể hiện sự ảnh hưởng về tinh thần của bên bị vi phạm? Thiệt hại về vật chất tương
đối rõ ràng và có thể tính toán được trong khi thiệt hại về tinh thần chỉ có thể đoán
định, ước tính và mức bồi thường thiệt hại về tinh thần mà Tòa án ấn định cũng chỉ
mang ý nghĩa tượng trưng. Như vậy, việc xác định mức thiệt hại về tinh thần là rất
phức tạp và việc quyết định mức bồi thường thiệt hại về tinh thần là một khó khăn
của cơ quan giải quyết tranh chấp.
Thiệt hại về tinh thần không chỉ xảy ra khi có hành vi xâm phạm tính mạng,
sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín. Trong nhiều trường hợp hành vi vi phạm hợp
đồng có thể khiến bên bị vi phạm phải chịu tổn thất về tinh thần. Tổn thất tinh thần
thường xảy ra với bên bị vi phạm trong hợp đồng dịch vụ, phổ biến nhất là những
hợp đồng trong lĩnh vực liên quan trực tiếp đến tinh thần như vui chơi, giải trí, văn
hóa – nghệ thuật. Ví dụ: khán giả mua vé xem ca nhạc nhưng ca sĩ biểu diễn là
người khác, không đúng với thông tin quảng cáo; chủ vật nuôi gửi thú cưng đến
trung tâm chăm sóc để làm vệ sinh nhưng thú cưng bị cháy lông; đặt dịch vụ điện

19


×