Tải bản đầy đủ (.doc) (11 trang)

NỘI DUNG THỰC HÀNH, THÍ NGHIỆM SINH HỌC CẤP THPT

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (182.05 KB, 11 trang )

NỘI DUNG THỰC HÀNH, THÍ NGHIỆM SINH HỌC CẤP THPT
Tăng Văn Đại- GV trường THPT Lê Xoay
LỜI GIỚI THIỆU
Theo Luật giáo dục 2005 được Quốc hội nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá X, kì họp
thứ 10 quy định: “Hoạt động giáo dục phải được thực hiện theo nguyên lí học đi đôi với hành, giáo dục
gắn với lao động sản xuất, lí luận gắn với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và
giáo dục xã hội”.
Do điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường không đủ để đáp ứng yêu cầu của các bài thực hành. Kĩ
năng thực hành với nhiều giáo viên, đặc biệt giáo viên mới ra trường còn nhiều bỡ ngỡ, nội dung các bài
thực hành trong sách giáo khoa còn nhiều bất cập về vật liệu, cách thức tiến hành và kết quả. Mặt khác,
hiện nay có rất ít tài liệu hướng dẫn cụ thể các bài thực hành trong chương trình sách giáo khoa. Điều
này làm cho nhiều giáo viên cảm thấy khó khăn khi dạy các bài có nội dung thực hành có trong chương
trình.
Hiện nay có nhiều đổi mới trong thi cử, tróng đó các đề thi thường có tỉ trọng điểm nhất định các câu
hỏi liên quan đến nội dung thực hành. Đặc biệt các đề thi học sinh giỏi các cấp đều có câu hỏi thực hành.
Vì vậy, việc giáo viên nghiên cứu và dạy các nội dung thực hành cho học sinh là cần thiết để đáp ứng thi
cử hiện nay. Với những lí do đó tôi tiến hành xây dựng chuyên đề “Xây dựng tài liệu hướng dẫn các nội
dung thực hành thí nghiệm môn Sinh học cấp trung học phổ thông” nhằm giúp giáo viên và học sinh
thực hiện tốt các nội dung thực hành thí nghiệm môn Sinh học ở trường phổ thông.

NỘI DUNG THỰC HÀNH, THÍ NGHIỆM SINH HỌC CẤP THPT
Chủ đề 1: Thành phần hoá học của tế bào
Thí nghiệm 1: Thí nghiệm nhận biết một số thành phần hoá học của tế bào
1. Dụng cụ, hoá chất, mẫu vật
- Khoai lang, xà lách, sữa, dầu ăn, hồ tinh bột, lòng trắng trứng, gan lợn hoặc gan gà, thịt lợn nạc.
- Ống nghiệm, đèn cồn, ống nhỏ giọt, cốc đong, thuốc thử Phelinh, KI, HCl, NaOH, CuSO 4, giấy lọc, nước cất,
nước rửa bát, chén, màn lọc, giấy lọc, que tre.
2. Tiến hành
a. Nhận biết tinh bột
- Giã 50 gram củ khoai lang trong cối sứ, hoà 20ml nước cất lọc lấy 5ml dịch lọc cho vào ống nghiệm 1.
- Lấy 5ml hồ tinh bột vào ống nghiệm 2. Thêm vài giọt thuốc thử Iod vào 2 ống nghiệm, quan sát thay đổi màu.


- Nhỏ thuốc thử Phelinh vào ống nghiệm 2. Quan sát màu sắc.
*Kết quả:
- Ống nghiệm 1, 2 sau khi nhỏ dung dịch Iot thấy tạo thành phức màu xanh tím.
- Nhỏ dung dịch Phelinh vào ống nghiệm 2 thu được kết tủa đỏ gạch Cu2O.
Giải thích: Khi đun dung dịch đường glucôzơ (hoặc 5ml sữa) với vài giọt dung dịch phêlinh (thuốc thử đặc trưng
với đối với đường có tính khử) → kết tủa màu đỏ gạch.
 Đường khử + 2Cu(OH)2 → Cu2O + ½ O2 + đường bị ôxy hóa.
b. Nhận biết lipit:
- Nhỏ vài giọt dầu ăn, lên tờ giấy trắng.
- Nhỏ vài giọt nước đường lên tờ giấy trắng.
- Quan sát và so sánh vết loang ở hai tờ giấy. Giải thích.
c. Nhận biết prôtêin:
- Lấy một lòng trắng trứng + 0,5 lít nước + 3 ml dung dịch NaOH quấy đều.
- Lấy 10 ml dung dịch này cho vào ống nghiệm.
- Nhỏ vài giọt dung dịch CuSO4 rồi lắc ống nghiệm.
- Quan sát hiện tượng xảy ra.
*Kết quả: Prôtêin trong lòng trắng trứng (albumin) đông tụ trong môi trường kiềm.
Thí nghiệm 2: Chứng minh vật chất di truyền của virut là ADN chứ không phải prôtêin


*T/n của Frederick Griffish 1928 (Anh): Ở vi khuẩn gây viêm phổi (Streptococcus pneumoniae)
- Chủng gây bệnh: có vỏ bao, tạo khuẩn lạc láng (smooth) → Chủng S.
- Chủng không gây bệnh: không có vỏ bao, tạo khuẩn lạc sần (rough) → Chủng R.
+ Chủng vi khuẩn S tiêm cho chuột → Chuột chết.
+ Chủng vi khuẩn S* chết (đun nóng) tiêm cho chuột → Chuột sống.
+ Chủng vi khuẩn R tiêm cho chuột → Chuột sống.
+ Chủng vi khuẩn R + chủng S* chết (đun nóng) tiêm cho chuột → Chuột chết.
+ Nhưng Griffith chưa phát hiện được bản chất hóa học của nhân tố chuyển dạng.
- Đến 1944 O.Avery đã xác định chất hoá học truyền khả năng gây bệnh từ chủng S sang chủng R là ADN.
+ Avery tiến hành phá vỡ tế bào của chủng vi khuẩn đã chết bới đun nóng, rồi tiến hành chiết xuất các thành

phần từ dịch chiết tế bào. Ở mỗi phương thức Avery tiến hành làm bất hoạt từng nhóm chất (ADN, ARN, protein).
Sau đó dịch chiết được trộn và kiểm tra khả năng biến nạp vào chủng vi khuẩn không độc còn sống. Kết quả chỉ
dịch chiết chứa ADN (không bị bất hoạt) mới gây ra hiện tượng biến nạp như của Griffith.
* T/n của A.Hershey-M.Chase 1952:
- Sử dụng đồng vị phóng xạ 32P, 35S. Một dòng virus nuôi cấy được nhiễm 32P, và 1 dòng nhiễm 35S. Khi đem
tiêm trực tiếp ADN của T2 vào E. coli thì E. coli bị lây nhiễm, còn tiêm protein của T 2 vào E.coli thì E.coli không
bị lây nhiễm.
- Sau chu trình lây nhiễm virus vào tế bào E.Coli, dùng máy quay li tâm tách bỏ virus bám ngoài vi khuẩn.
Nghiên cứu phát hiện thấy 35S ở ngoài tế bào và vỏ bọc trống rỗng, 32P trong tế bào. Hershey-Chase kết luận phân
tử ADN là vật chất mang TTDT chứ không phải là protein.
* Thí nghiệm của Franken và Corat (1957) đã sử dụng mô hình ở virus khảm thuốc lá (TMV) để chứng minh axit
nuclêic là vật chất di truyền.
- Type A --> phá huỷ tách ARN và protein rời

protein A + lõi ARN B.
Trộn, tạo con lai

- Type B --> phá huỷ tách ARN và protein rời
protein B + lõi ARN A.
- Cho các virus lai lây nhiễm vào thuốc lá, lại phân lập được dòng virus A và B.
- Kết luận: Thông tin di truyền chứa đựng trong ARN chứ không phải trong protein.
Thí nghiệm 3: Thí nghiệm về tính chất của enzim
1. Dụng cụ, hoá chất, mẫu vật:
- Một vài củ khoai tây sống và khoai tây đã luộc chín.
- Dao, ống nhỏ giọt, dung dịch H2O2 .
2. Tiến hành
a. Thí nghiệm về enzim catalaza
*Cơ sở:
- Tính đặc hiệu cơ chất của enzim.
+ H2O2 ------------> H2O + O2 (xt: Enzim catalaza).

- Catalaza có trong củ khgoai tây.
- Enzim bị biến tính ở nhiệt độ cao.
* Tiến hành:
+ Luộc 1 củ khoai tây, thái lát mỏng 1 củ khoai tây sống, 1 củ chín.
+ Nhỏ dung dịch H2O2 lên 2 lát cắt và quan sát.
* Kết quả:
+ Lát khoai tây sống: Có khí thoát ra, do enzim catalaza phân huỷ H 2O2 và giải phóng O2.
+ Lát khoai tây chín: Không có hiện tượng gì do enzim đã bị biến tính khi luộc ở nhiệt độ cao.
b. Thí nghiệm sử dụng enzim trong quả dứa tươi để tách chiết ADN.
* Cơ sở thí nghiệm:
+ NST có trong nhân tế bào nhân thực có cấu tạo từ ADN và protein.
+ Sử dụng nước rửa bát để phá huỷ màng lipit ở màng tế bào và màng nhân.
+ Enzim protaza có trong quả dứa tươi phân huỷ protein mà không phân huỷ ADN (tính đặc hiệu cơ chất).
+ Sử dụng cồn để kết tinh ADN.
* Tiến hành:
+ Nghiền mẫu vật: gan gà nghiền + nước rửa bát, thu lấy dịch lọc.
+ Sử dụng proteaza trong quả dứa tươi để phân huỷ protein.
+ Sử dụng cồn để tách chiết ADN.
+ Tách ADN khỏi lớp cồn.


Chủ đề 2: Cấu trúc tế bào.
Thí nghiệm 1: Thí nghiệm chứng minh màng sinh chất có tính “khảm - lỏng”.
* Tiến hành: Lai tế bào xôma người và tế bào xôma chuột.
* Kết quả: Hai màng tế bào hoà nhập vào nhau, các protein người xen kẽ protein chuột.
* Giải thích: màng tế bào cấu tạo từ phốt pho lipit rất linh động nên hoà nhập được với nhau. Các protein trên
màng nằm rải rác nên chúng xếp xen kẽ nhau.
Chủ đề 3: Trao đổi chất ở tế bào
Thí nghiệm 1: Tính thấm chọn lọc của màng tế bào
* Tiến hành:

- Gọt vỏ củ khoai tây, cắt làm đôi, khoét bỏ phần ruột của mỗi nửa củ (A và B)
- Đặt 2 cốc làm bằng củ khoai vào hai đĩa pettri.
- Lấy một củ khoai tây khác có kích thước tương tự (còn chưa gọt vỏ) đem đun trong nước sôi 5’.
- Gọt vỏ rồi cắt đôi củ khoai tây này.
- Khoét ruột nửa củ khoai tây đã luộc chín (cốc C) đặt vào đĩa pettri khác
- Rót nước cất vào cốc A; rót dung dịch đường đậm đặc vào cốc B và C có đánh dấu mực nước.
- Quan sát sự thay đổi mực nước trong khoang các cốc.
* Kết quả:
- Cốc A: Mực nước giảm do tế sống hút nước.
- Cốc B: Mực nước tăng do tế bào bị mất nước vào dung dịch đường.
- Cốc C: Mực nước không đổi do tế bào chết không có tính thấm chọn lọc.
Thí nghiệm 2: So sánh tính thấm của màng sinh chất và màng nhân tạo (chỉ có lớp kép photpholipit) với Na + và
glixerol.
* Tiến hành: Cho NaCl, glyxerol vào lần lượt ống nghiệm chứa tế bào sinh vật và ống nghiệm chứa tế bào nhân
tạo.
* Kết quả:
- Glyxerol thấm được qua màng sinh chất và màng nhân tạo.
- Na+ chỉ thấm qua màng sinh chất, không thấm qua màng nhân tạo.
* Giải thích:
- Glyxerol có bản chất là lipit nên dễ dàng đi qua lớp kép phốt pho lipit.
- Na+ là ion mang điện nên chỉ đi qua bơm đặc hiệu trên màng sinh chất.
Thí nghiệm 3: Các thí nghiệm về quang hợp
1) Chứng minh lá cây màu đỏ có chứa diệp lục
* Tiến hành: Cho lá màu đỏ vào nước sôi hoặc cồn 900.
* Kết quả: Lá cây dần chuyển từ màu đỏ sang màu xanh.
* Giải thích: Carotenoit tan trong nước sôi, dễ tan trong cồn; diệp lục không tan trong nước sôi, tan chậm trong
cồn.
2. Chứng minh thực vật quang hợp mạnh ở vùng ánh sáng đỏ và xanh tím.
* Tiến hành: Khi chiếu ánh sáng trắng qua lăng kính vào 1 sợi tảo dài trong dung dịch có các vi khuẩn hiếu khí.
* Kết quả: Vi khuẩn hiếu khí tập trung ở hai đầu sợi tảo.

* Giải thích:
- Chiếu ánh sáng qua lăng kính ánh sáng phân thành 7 dải màu: đỏ - da cam – vàng - lục – lam – chàm - tím chiếu
vào sợi tảo theo thứ tự từ đỏ đến tím từ đầu này đến đầu kia. Một đầu sợi tảo hấp thụ tia đỏ đầu kia hấp thụ tia tím
nên quang hợp xảy ra mạnh nhất, thải nhiều oxy nhất và vi khuẩn hiếu khí sẽ tập trung ở đây.
3. Thí nghiệm chiết rút sắc tố.
* Tiến hành: Cắt nhỏ lá cây màu đỏ rồi cho vào dung dịch cồn 900.
* Kết quả:
- Lá cây chuyển dần từ màu đỏ sang màu xanh nhạt.
- Dung dịch cồn đỏ dần sau chuyển sang màu xanh.
* Giải thích:
- Nguyên tắc thí nghiệm: Dựa vào khả năng hoà tan khác nhau của các sắc tố trong cùng một loại dung môi.
- Carotenoit tan trong cồn nhanh hơn diệp lục.


4. Thí nghiệm chứng minh sự cần thiết có CO2 đối với quang hợp.
Thí nghiệm 1:
- Trồng cây trong chậu để ở chỗ tối 2 ngày.
- Lồng 1 lá cây vào bình tam giác A chứa nước ở đáy và đạy kín, tiếp đó lồng 1 lá tương tự và bình tam giác B
chứa dung dịch KOH và đạy kín.
- Để cây ngoài sáng trong 5 giờ.
- Sau đó thử tinh bột ở hai lá bằng thuốc thử chứa Iôt.
Giải thích:
+ Để trong tối trước đó 2 ngày để lá hô hấp làm giảm lượng tinh bột có trong lá.
+ Thử tinh bột thấy lá bình A có màu xanh đen. Do lá cây lấy CO 2, H2O dưới tác dụng của ánh sáng, lá cây
quang hợp tạo ra tinh bột. Nên khi thử với dung dịch Iôt đã xảy ra phản ứng màu đặc trưng với thuốc thử.
+ Lá trong bình B không chuyển màu. Do CO 2 trong bình kết hợp với KOH tạo muối (KHCO 3, K2CO3), nên
trong bình này không tiến hành quang hợp được.
Thí nghiệm 2:
- Đặt 2 cành rong có kích thước tương tự vào 2 ống nghiệm đổ đầy nước đun sôi để nguội, và gốc cành rong
hướng lên trên. Sau đóc ho thêm 1 ít muối NaHCO 3 vào 1 trong 2 ống nghiệm, đổ 1 lớp dầu thực vật lên trên mặt

nước để ngăn cách không khí hoà tan vào nước.
+ Quan sát số bọt khí nổi lên.
- Kết quả: Ống nghiệm chỉ có nước đun sôi để nguội không có bọt khí, còn ống có NaHCO 3 cso nhiều bọt khí
thoát ra.
5. Thí nghiệm phát hiện tinh bột trong lá cây.
*Nguyên liệu: Cây xanh, cốc thuỷ tinh, đèn cồn, cồn, dung dịch Iôt.
* Cách làm:
+ Đun lá tươi trong nước 10 phút. Làm lá mất màu.
+ Đặt lá vào cốc chứa cồn, đặt lên cốc đun cách thuỷ. Lấy lá khỏi dung dịch cồn và nhúng vào nước sôi. Để lá
mềm trở lại vì khi đun trong cồn lá rất giòn.
+ Nhỏ vài giọt Iôt lên lá và quan sát. Màu lá chuyển xanh đen là có chứa tinh bột.
* Giải thích: Đun sôi lá trong nước làm mềm lá, phá vỡ lớp cutin, làm giết chết mô lá.
- Đun sôi lá trong cồn để làm mất màu lá, vì cồn làm hoà tan diệp lục có trong lá.
- Cần bỏ lá vào nước nóng sau khi đun sôi trong cồn, vì sau khi đun sôi lá trong cồn, lá rất giòn, dễ gãy vụn.
Cần bỏ lá vào nước nóng để làm mềm lá trở lại.
6. Làm thí nghiệm chứng minh cường độ quang hợp phụ thuộc vào cường độ ánh sáng.
- Chọn 3 cành rong đuôi chó có kích thước tương tự nhau, đặt vào các cốc thuỷ tinh đựng đầy nước.
- Đặt các cốc thí nghiệm cách đèn điện 500W ở vị trí khác nhau 10cm, 20cm, 50cm.
- Đếm số bọt khí thoát ra trong cùng 1 khoảng thời gian 5-10 phút.
- Kết quả: Cốc càng gần nguồn sáng thì bọt khí càng nhiều, chứng tỏ cường độ ánh sáng đã ảnh hưởng tới
cường độ quang hợp của cây. Lúc cường độ ánh sáng yếu thì quang hợp giảm.
7. Thí nghiệm chứng minh quang hợp thu CO2 và hô hấp thải CO2.
-Chuẩn bị:
+Lá có diện tích gần như nhau.
+ 3 bình thuỷ tinh, cốc, phễu, dụng cụ chuẩn độ, giấy đen.
+ Hoá chất: Ba(OH)2 0,02N, HCl 0,02N, thuốc thử phênolftalêin.
- Cách làm: +Bình A: không có lá
+ Bình B có lá.
+ Bình C có lá nhưng bịt kín bằng giấy đen.
+ Cho cả 3 bình chiếu sáng. Sau 3 phút nhanh chóng lấy lá ra khỏi bình. Cho vào mỗi bình 20ml Ba(OH) 2

0,02N lắc đều thấy kết tủa trắng ở đáy bình. Chuẩn độ Ba(OH) 2 thừa bằng HCl. Tính lượng HCl từ khi bắt đầu
chuẩn độ đến khi dung dịch mất màu hồng.
- Nguyên tắc:+Hấp thụ CO2 nhờ Ba(OH)2 : CO2 + Ba(OH)2 → BaCO3 + H2O
+ Chuẩn độ Ba(OH)2 thừa bằng HCl
Ba(OH)2 + HCl = BaCl2 + H2O.
- Giải thích: +Mức tiêu tốn HCl để chuẩn độ theo thứ tự: Bình B > bình A> bình C.
Bình B: Có quang hợp nên tiêu tốn nhiều HCl nhất do Ba(OH)2 dư nhiều nhất.
Bình C: Có quá trình hô hấp nên tiêu tốn nhiều HCl ít nhất do HCl dư ít nhất.


Bình A: Để kiểm tra số HCl tiêu tốn nằm giữa bình B và bình C.
7. Thí nghiệm chứng minh vai trò của CO2 với quang hợp.
- Cho 2 cành rong đuôi chó tương tự nhau vào 2 cốc đựng nước đun sôi để nguội. Thêm ít muối Na 2CO3 vào
cốc 1. Đổ 1 lớp dầu thực vật lên mặt nước để ngăn cản không khí hoà tan vào nước.
- Đặt thí nghiệm ra ngoài ánh sáng.
*Kết quả:
+Ống nghiệm chỉ có nước đun sôi để nguội không có bọt khí.
+Ống nghiệm có Na2CO3 có nhiều bọt khí thoát ra.
-Giải thích:
+Dùng nước đun sôi để nguội để loại bỏ khí CO2 hoà tan trong nước.
+Thí nghiệm này chứng tỏ CO2 cần cho cây xanh quang hợp.
8. Thí nghiệm quang hợp thải khí O2.
- Lấy cốc thuỷ tinh đầy nước, cho vài cành rong đuôi chó vào cốc thuỷ tinh, úp phễu vào cốc thuỷ tinh đựng
nước. Dùng ống nghiệm chứa đầy nước úp ngược lên cuống phễu sao cho trong ống nghiệm không có bọt khí.
Đưa thí nghiệm ra ngoài ánh sáng hoặc dưới bóng đèn điện.
- Kết quả: Sau 3-4 giờ trong ống nghiệm chứa nhiều khí sẽ ép nước trong ống nghiệm xuống.
- Dùng tay bịt kín miệng ống nghiệm, đưa ra khỏi cốc lật ngược lại. Dùng que nhang đang cháy hé đưa vào ống
nghiệm, đầu que nhang sẽ loé sáng. Do khí trong ống nghiệm chủ yếu là khí O2.
9. Sử dụng điểm bù ánh sáng để xác định cây ưa bóng, cây ưa sáng.
-Điểm bù ánh sáng là điểm ở cường đọánh sáng ở đó cường độ quang hợp bằng cường độ hô hấp.

-Như vậy ở một cường đọ ánh sáng nào đó, một cây thải CO 2 còn một cây vẫn hấy thụ CO 2, thì nghĩa là một
cây cần nhiều ánh sáng (cây ưa sáng) và cây kia cần ít ánh sáng (cây ưa bóng).
10. Để phân biệt cây C3 và cây C4:
a. Đưa 2 cây vào chuông thủy tinh kín và chiếu sáng liên tục.
b. Trồng cây trong nhà kính có thể điều chỉnh nồng độ oxy.
c. Đo cường độ quang hợp (mg CO2/dm2 lá.giờ) ở điều kiện ánh sáng cao, nhiệt độ cao.
Kết quả:
a. Cây chết trước là cây C 3. vì điểm bù CO2 ở thực vật C3 và C4 khác nhau. Nguyên tắc của thí nghiệm là dựa
vào điểm bù của cây C3 và C4. Cây C4 có điểm bù CO2 thấp hơn cây C3.
b. Hô hấp sáng chỉ có ở thực vật C3. Hô hấp sáng lại phụ thuộc vào nồng độ Oxy.
c. Cường độ quang hợp của cây C4 cao gấp đôi cây C3 đặc biệt khi I as cao, t0 cao. Khi nhiệt độ, ánh sáng cao,
cây C3 đóng khí khổng để chống mất nước nên xảy ra hô hấp sáng làm giảm cường độ quang hợp. Cây C4 chịu
được điều kiện nhiệt độ, ánh sáng cao, không xảy ra hô hấp sáng nên quang hợp không giảm.
11: Chứng minh trong quá trình quang hợp nước sinh ra ở pha tối.
- Chứng minh nước sinh ra từ pha tối dựa trên phản ứng quang hợp đầy đủ.
6 CO2 + 12 H2O → C6H12O6 + 6O2 + 6H2O
* Tiến hành: dùng ôxy nguyên tử đánh dấu ( 18O) trong CO2, khi quang hợp thấy ôxy nguyên tử đánh dấu có
trong glucôzơ và H2O. Như vậy, ôxy của nước (vế phải) là ôxy từ CO 2. Vì CO2 chỉ tham gia ở pha tối, do đó kết
luận H2O sinh ra trong quang hợp từ pha tối.
12. Chứng minh nguồn gốc của O2 tạo thành trong quang hợp từ CO2 hay H2O..
* Tiến hành: dùng ôxy nguyên tử đánh dấu ( 18O) trong H2O, khi quang hợp thấy ôxy nguyên tử đánh dấu có
trong O2. Như vậy, ôxy tạo thành trong quang hợp có nguồn gốc từ H2O nhờ quá trình quang phân ly nước.
2H2O → 4H+ + 4e- + O2
Thí nghiệm 4: Các thí nghiệm về hô hấp ở thực vật
1. Thí nghiệm chứng minh hô hấp thải CO2.
- Cho vào 2 ống nghiệm đựng 5-10ml nước vôi trong. Treo túi hạt nảy mầm vào 2 ống nghiệm và đạy chặt nút.
- Ống 1: Hạt bình thường.
- Ống 2: Hạt đã đun nóng trong 2-5 phút.
- Kết quả: Ống 1 nước vôi trong bị đục do có CO2 tạo ra trong hô hấp phản ứng với Ca(OH)2 tạo kết tủa.
CO2 + Ca(OH)2 = CaCO3 + H2O



+ Ống nghiệm 2 nước vôi vần trong do hạt bị chết không xảy ra hô hấp nên không có CO 2 tạo thành.
2. Thí nghiệm chứng minh quá trình hô hấp là quá trình phát nhiệt.
- Đưa hạt đang nảy mầm vào bình thuỷ tinh, và 1 bình chứa hạt khô. Sau 8-10 giờ xác định nhiệt độ 2 bình
bằng nhiệt kế.
- Kết quả: Bình chứa hạt đang nảy mầm có nhiệt độ cao hơn. Do cường độ hô hấp của hạt đang nảy mầm rất
mạnh nên nhiệt sinh ra nhiều, làm tăng nhiệt độ trong bình.
Thí nghiệm 5: Thí nghiệm về vai trò của phân bón
* Tiến hành:
- Pha dung dịch dinh dưỡng NPK với nồng độ 1g/lít.
- Rót dung dịch NPK vào chậu thí nghiệm 2, rót nước sạch vào chậu đối chứng 1.
- Đặt hai tấm xốp đã đục lỗ nhỏ vào 2 chậu.
- Chọn các hạt nảy mầm có kích thước tương đương nhau, xếp hạt nảy mầm lên tấm xốp.
- Chiếu sáng hàng ngày cho hai chậu cây, theo dõi sự sinh trưởng của cây.
* Kết quả:
- Sau 7 ngày đo chiều cao của 25 cây trong mỗi chậu thì thấy rằng, các cây trồng ở chậu thí nghiệm có NPK thì
lá có màu xanh non hơn, thân cây cao hơn các cây ở chậu đối chứng. Rễ cây ở chậu thí nghiệm dài hơn rễ cây ở
chậu đối chứng.
* Giải thích:
- Chậu thí nghiệm được cung cấp đầy đủ các nguyên tố khoáng N, P, K giúp cây tổng hợp diệp lục tốt, sinh
trưởng nhanh hơn các cây ở chậu đối chứng không được cung đủ các các nguyên tố khoáng.
Chủ đề 4: Phân bào
Thí nghiệm 1: Chứng minh nhân đôi ADN theo cơ chế bán bảo toàn.
* Thí nghiệm của Meselson và Stahl: Nuôi vi khuẩn E.Coli trong môi trường chỉ có 15N thu được vi khuẩn có
ADN chỉ chứa 15N. Chuyển vi khuẩn này sang môi trường chỉ có 14N qua 1 số thế hệ. Sau mỗi thế hệ đều tách
ADN quay li tâm siêu tốc thấy trong môi trường 14N có nồng độ 15N =1/2. Chứng tỏ mỗi ADN chứa 1 sợi cũ và 1
sợi mới được tổng hợp.
* Kế luận: Tái bản ADN diễn ra theo kiểu bán bảo toàn.
Thí nghiệm 2: Quan sát các kì nguyên phân

1. Quan sát tiêu bản cố định:
+ Đưa tiêu bản lên kính. Lúc đầu dùng vật kính có bội giác x 40 để lựa chọn vùng có tế bào đạt yêu cầu quan
sát. Sau đó chuyển bội giác lớn hơn để quan sát tiếp.
+ Trong tiêu bản đồng thời có các tế bào đang ở các kì phân bào khác nhau.
2. Làm tiêu bản tạm thời:
- Lấy 4 – 5 rễ hành cho vào đĩa kính cùng với dung dịch axêtôcacmin.
- Đun nóng trên đèn cồn trong 6 phút ( không cho sôi) rồi chờ 30 – 40 phút để các rễ được nhuộm màu
- Đặt lên phiến kính một giọt axit axêtic 45%, dùng kim mũi mác lấy rễ hành đặt lên phiến kính, dùng dao cạo
cắt một khoảng mô phân sinh ở đầu mút rễ chừng 1,5 – 2 mm và bổ đôi. Loại bỏ phần còn lại.
- Đậy lá kính lên vật mẫu, dùng giấy lọc hút axit axêtic thừa.
- Dùng đầu cán gỗ của kim mũi mác chà lên lá kính theo một chiều để các tế bào của mô phân sinh đầu rễ hành
dàn thành 1 lớp.
- Đưa tiêu bản tạm thời lên kính và tiến hành quan sát.
Câu hỏi: Tại sao khi lấy mẫu tế bào để quan sát người ta thường lấy 1 nhóm tế bào ở đỉnh rễ cây?
- Các tế bào ở đỉnh rễ thuộc tế bào mô phân sinh nên có khả năng nguyên phân.
- Lấy 1 nhóm tế bào để có thể quan sát được nhiều tế bào đang nguyên phân ở những giai đoạn khác nhau.
3. Quan sát các dạng đột biến số lượng NST trên tiêu bản cố định ở người
* Tiến hành:
- Đặt tiêu bản lên kính hiển và nhìn từ ngoài để điều chỉnh vị trí có mẫu vật vào giữa vùng sáng.
- Quan sát tiêu bản ở vật kính x10 để xác định vị trí tế bào có NST.
- Quan sát tiêu bản bộ NST ở vật kính x40, chỉnh độ nét của kính.
- Quan sát hình thái, đếm số lượng NST.
Ví dụ: Người mắc hội chứng Đao có 47 NST, trong đó NST 21 có 3 chiếc.


Chủ đề 5: Vi sinh vật
Thí nghiệm 1: Lên men lăctic và lên men etylic
1. Dụng cụ, hoá chất, mẫu vật
- 3 ống nghiệm đường kính 1-1,5cm, dài 15cm).
- Bánh men đã được giã nhỏ, rây mịn.

- 20ml dung dịch đường saccarôzơ 10%.
- 20ml nước đun sôi để nguội.
- Hộp sữa đặc, 1 hộp vinamilk, thìa, cốc đong, lọ nhưa, ấm đun nước, cải bắp, dao con, dung dịch muối ăn
NaCl, bình nhựa.
2. Tiến hành
a. Lên men etylic.
- Cho vào đáy ống nghiệm 2,3 : 1gram bột bánh men.
- Đổ 10ml dung dịch đường vào ống 1, 2.
- Đổ 10ml nước sôi nguội vào ống 3.
- Để các ống nghiệm trên ở nhiệt độ 30-320C, quan sát hiện tượng.
*Kết quả:
- Ống 1, 3 không có hiện tượng do ở ống 1 không có bánh men, ống 3 không có đường nên không xảy ra quá
trình lên men.
- Ống 2 có hiện tượng sủi bọt khí, có mùi rượu. Vì nấm men đã lên men etylic biến đường thành rượu và CO 2
theo sơ đồ: Đường saccarôzơ ------> glucôzơ -----------> 2C 2H5OH + 2CO2.
b. Lên men lắctic.
* Làm sữa chua
- Cho 1 hộp sữa đặc với 3 hộp nước 40-50 0C (2 sôi + 3 lạnh) vào lọ nhựa. Cho hộp sữa vinamilk vào trộn đều
rồi đạy kín để ở 400C trong 3-5 giờ sẽ thu được sữa chua.
- Sau khi thu được sữa chua thì chia ra cốc rồi bảo quản trong tủ lạnh.
-Kết quả: Sau khi lên men, sữa từ dạng lỏng chuyển thành dạng đặc sệt, có mùi thơm đặc trưng, có vị chua của
axit lactic. Nguyên nhân sữa từ dạng lỏng chuyển thành dạng đặc sệt là vi khuẩn lactic lên men lăctic tạo axit
lăctic làm pH giảm, gây đông tụ prôtêin trong sữa (cazein).
- Sữa chua là 1 loại thực phẩm bổ dưỡng. Trong sữa chua chứa nhiều chất dinh dưỡng như prôtêin, axit amin,
lipit, đường, vitamin, chứa hệ vi sinh vật có lợi, kích thích tiêu hoá. Trong sữa chua có pH thấp nên hầu như
không có vi sinh vật gây bệnh
* Làm muối rau quả
- Rửa sạch rau cải, cắt khúc, để ráo nước (có thể phơi héo trước).
- Cho rau vào lọ nhựa, đổ ngập nước muối NaCl 5-6%, nén chặt, đạy kín rồi để ở nơi ấm 30-32 0C.
- Sau 2-3 ngày sẽ thu được dưa chua thơm ngon.

Chủ đề 6. Trao đổi nước và ion khoáng ở thực vật
Thí nghiệm 1: Hiện tượng co và phản co nguyên sinh
1. Dụng cụ, hoá chất, mẫu vật:
a. Mẫu vật:
- Lá thài lài tía (hoặc dong riềng, chuối hoa…) có tế bào với kích thước tương đối lớn và dễ tách lớp biểu bì ra
khỏi lá.
b. Dụng cụ và hoá chất:
- Kính hiển vi quang học với vật kính 10, 40 và thị kính 10 hoặc 15, phiến kính, lá kính.
- Lưỡi dao cạo râu, nước cất, ống nhỏ giọt, dung dịch muối hoặc đường loãng, giấy thấm.
2. Tiến hành
- Dùng lưỡi dao cạo tách lớp tế bào biểu bì lá cây thài lài tía đặt lên phiến kính đã chuẩn bị sẵn giọt nước cất.
Đặt lá kính lên mẫu vật, dùng giấy thấm hút bớt nước phía ngoài.
- Đặt phiến kínhlên kính hiển vi quan sát ở vật kính x10 để quan sát vùng có mẫu vật.
- Chuyển sang vật kính x40 để quan sát cấu trúc tế bào cho rõ hơn.
Kết quả: Lúc này khí khổng mở, do tế bào khí khổng hút nước làm khí khổng mở.
- Lấy tiêu bản khỏi kính hiển vi, nhỏ giọt muỗi loãng vào rìa lá kính, dùng giấy thấm nước phía đối diện sau đó
đưa lên kính quan sát.


Kết quả: Tế bào co nguyên sinh, khí khổng đóng lại. Do tế bào mất nước làm khí khổng đóng, đồng thời chất
nguyên sinh co lại làm màng tế bào tách khỏi thành tế bào.
Lấy tiêu bản ra khỏi kính hiển vi, nhỏ giọt nước cất lên rìa lá kính, dùng giấy thấm hút nước phía đối diện. Lên
kính và quan sát hiện tượng.
Kết quả: Tế bào hút nước, chất nguyên sinh dãn ra áp sát thành tế bào (hiện tượng phản co nguyên sinh).
Thí nghiệm 2: Thí nghiệm tính áp suất thẩm thấu (ASTT) của tế bào
*Cơ sở của phương pháp:
+ Dịch bào chứa nhiều chất vô cơ, hữu cơ khác nhau tạo nên lực hút nước cho tế bào gọi là áp suất thẩm thấu.
+ Khi tế bào bắt đầu co nguyên sinh góc thì ASTT của tế bào tương đương ASTT của dung dịch.
+ Xác định ASTT của dung dịch theo công thức:
P=RTCi

P : ASTT (atm)
C : Nồng độ dung dịch (M)
R = 0,082
i = 1+α(n-1) với n là số ion phân ly, α là hằng số điện ly.
* Tiến hành:
- Chuẩn bị dung dịch NaCl hoặc saccarozơ với nồng độ từ 0,1M đến 0,7M.
- Cắt lớp biểu bì tế bào thài lài tía đưa lên lam kính đã có sẵn giọt nước cất.
- Nhỏ bắt đầu từ dung dịch có nồng độ cao nhất vào lớp biểu bì sau 10-30 phút rồi quan sát dưới kính hiển vi.
- Sau mỗi lần nhỏ dung dịch mới phải rửa sạch dung dịch cũ.
- Tìm nồng độ dung dịch mà làm cho tế bào bắt đầu co nguyên sinh (co nguyên sinh góc với 50% số tế bào).
- Xác định áp suất thẩm thấu của tế bào theo công thức trên.
Thí nghiệm 3: Chứng minh rễ có khả năng hút nước và khoáng chủ động.
- Hiện tượng ứ giọt: Đặc chậu cây trong chuông thuỷ tinh kín. Sau một thời gian thấy các giọt nước đọng ở
mép lá.
- Hiện tượng rỉ nhựa: Cắt ngang thân cây còn non ở sát mặt đất. Quan sát thấy có nước và nhựa cây trào lên.
* Giải thích: Khi ức chế quá trình thoát hơi nước (cắt bỏ bộ lá hoặc đặt cây trong môi trường bão hoà hơi nước)
nhưng nước vẫn được hút vào rễ và vận chuyển lên lá.
Thí nghiệm 4: Thí nghiệm so sánh tốc độ thoát hơi nước ở 2 mặt của lá.
* Tiến hành:
- Dùng 2 miếng giấy lọc có tẩm coban clorua 5% đã sấy khô (màu xanh) đặt lên mặt trên và mặt đưới của lá.
- Đặt tiếp 2 lam kính lên cả mặt trên và mặt đưới của lá, dùng kẹp, kẹp lại.
- Bấm đồng hồ để tính thời gian giấy lọc chuyển từ màu xanh sang màu hồng.
* Kết quả:
- Miếng giấy lọc thấm CoCl2 ở mặt dưới lá chuyển từ màu xanh sang màu hồng nhanh hơn và đậm hơn miếng
giấy lọc ở mặt trên lá.
* Giải thích:
- Mặt dưới lá có nhiều khí khổng hơn mặt trên lá. Mặt khác, mặt dưới lá thường có lớp cutin mỏng hơn mặt
trên.
Thí nghiệm 5: Thí nghiệm xác định cường độ thoát hơi nước qua lá bằng phương pháp cân nhanh.
- Cường độ thoát hơi nước là đại lượng đo khả năng thoát hơi nước của thực vật, tính bằng số mg nước thoát ra

trong 1 đơn vị thời gian và trên 1 đơn vị diện tích thoát hơi nước.
T = mg H2O/dm2 lá/giờ.
- Tiến hành: Sử dụng dụng cụ của Garo: CaCl 2 được dùng để hút hơi nước thoát ra. Cân khối lượng CaCl 2
trước và sau thí nghiệm để thấy được lượng nước thoát ra ở 2 mặt của lá.
- Tính diện tích lá bằng phương pháp cân lá.
Thí nghiệm 6: Thí nghiệm xác định cường độ thoát hơi nước theo các giờ trong ngày.
- Con đường thoát hơi nước qua khí khổng lớn và thường giảm vào ban trưa. Căn cứ số liệu ta vẽ đồ thị có trục
tung là cường độ thoát hơi nước, trục hoành là thời gian, đồ thị có 2 đỉnh sẽ là đồ thị thoát hơi nước qua khí
khổng, còn đồ thị thấp hơn, có 1 đỉnh là đồ thị của con đường thoát hơi nước qua bề mặt lá.


Chủ đề 7: Các hoạt động sinh lý ở động vật
Thí nghiệm 1: Đo huyết áp ở người
* Tiến hành: Người được đo nằm ở tư thế thoải mái hoặc ngồi, duỗi cánh tay, kéo áo sát nách. Quấn bao cao su
bọc vải của huyết áp kế quanh cánh tay trái phía trên khuỷu tay. Vặn núm xoay và bơm khí vào bao cao su của
huyết áp kế đến khi kim đồng hồ chỉ 160-180mmHg. Vặn mở từ từ núm xoay để xả khí và dùng ống nghe tim
mạch để nghe tiếng đập đầu tiên thì đọc trên đồng hồ và ghi kết quả đó là huyết áp tối đa. Tiếp tục xả hơi sẽ nghe
tiếng đập đều đều và bắt đầu không nghe thấy tiếng đập nữa thì đọc chỉ số đồng hồ, đó là huyết áp tối thiểu.
Thí nghiệm 2: Đo nhịp tim ở người
* Tiến hành: Đếm nhịp tim qua bắt mạch cổ tay. Ấn 3 ngón tay vào rãnh cổ tay và đếm số lần mạch đập trong 1
phút. Đếm 3 lần rồi lấy kết quả nhịp tim là trung bình cộng 3 lần đếm.
* Kết quả: Nhịp tim ở người bình thường là 75 nhịp/phút.
Thí nghiệm 3: Đo thân nhiệt ở người
* Tiến hành: Kẹp nhiệt kế vào nách trong 2 – 5 phút, rồi lấy ra và đọc kết quả.
Thí nghiệm 4: Thí nghiệm về tính tự động của tim
* Tiến hành:
- Huỷ tuỷ ếch: Chọc kim nhọn vào gáy con ếch đến khi các chi ếch duỗi thẳng.
- Mổ lộ tim ếch.
- Kẹp mỏm tim, buộc dây chỉ các động mạch và tĩnh mạch tim.
- Nhấc quả tim ra khổng lồng ngực ếch và cho vào dung dịch muối sinh lý.

- Quan sát hoạt động của tim ếch.
* Kết quả: Tim vẫn duy trì co bóp một thời gian ngắn.
* Giải thích: Do tim có tính tự động.
Chủ đề 8: Cảm ứng ở sinh vật
Thí nghiệm 1: Thí nghiệm về tính hướng sáng ở thực vật
* Tiến hành: Đặt cây còn non trong hộp kín có khoét một lỗ nhỏ cho ánh sáng chiếu vào từ một phía.
* Kết quả: Ngọn mọc cong hướng về phía ánh sáng (hướng về phía có lỗ khoét).
* Giải thích: Phía khuất ánh sáng có nồng độ auxin cao kích thích tế bào phân chia và kéo dài nhanh làm ngọn cây
mọc cong về phía ánh sáng
Thí nghiệm 2: Thí nghiệm về ứng động không sinh trưởng ở thực vật
* Tiến hành: Chạm cơ học lên cây trinh nữ thấy lá cây cụp lại, sau một thời gian lá cây lại xoè ra.
* Giải thích: Khi có va chạm làm xuất hiện xung động làm mở kênh K+, ion K+ vận chuyển xuống các tế bào phía
dưới ở chỗ phình (thể gối), làm các tế bào phía trên mất sức trương và lá cụp lại. Sau 1 thời gian các ion K + vận
chuyển trở lại làm lá xoè ra.
Thí nghiệm 3: Thí nghiệm thành lập phản xạ có điều kiện ở động vật
* Cơ sở của thí nghiệm:
- Phải kết hợp đồng thời tác nhân kích thích gây phản xạ không điều kiện và tác nhân kích thích gây phản xạ có
điều kiện.
- Có sự hình thành đường liên hệ thần kinh tạm thời trên vỏ não.
- Lặp lại thí nghiệm nhiều lần để tăng cường khả năng ghi nhớ.
* Tiến hành: Kết hợp vừa cho chó ăn vừa bật nhạc. Lặp lại thí nghiệm nhiều lần cho đến khi chỉ cần bật nhạc thì
chó đã chạy tới và tiết nước bọt.
Chủ đề 9: Sinh trưởng, phát triển ở sinh vật
Thí nghiệm 1: Thí nghiệm chứng minh vị trí tổng hợp và vai trò của hoocmôn Auxin.
* Tiến hành: Trồng 2 cây, sau đó ngắt ngọn một cây. Sau 2 ngày, quan sát hướng mọc của ngọn cây với ánh sáng
một phía. Sau đó, cắt chồi đỉnh của cây còn lại và đặt lên đó miếng thạch agar cho phép chất hữu cơ đi qua.
* Kết quả: Ngọn cây có đặt tấm thạch agar vẫn còn tính hướng sáng.


* Kết luận: Auxin được sinh ra chủ yếu ở chồi đỉnh và vận chuyến có cực từ ngọn xuống rễ cây.

Thí nghiệm 2: Thí nghiệm chứng minh thực chất cây ngày ngắn là cây đêm dài.
* Tiến hành: Trồng cây ngày ngắn cho ra hoa trong điều kiện ngày ngắn. Làm gián đoạn đêm dài bằng thời gian
chiếu sáng ngắn thì cây không ra hoa. Làm thí nghiệm tương tự, trồng cây ngày dài trong điều kiện ngày dài, làm
gián đoạn thời gian đêm tối bằng thời gian chiếu sáng ngắn thì cây ngày dài vẫn ra hoa.
* Kết luận: Thời gian đêm dài quyết định sự ra hoa của cây ngày ngắn.
Chủ đề 10: Sinh sản ở sinh vật
Thí nghiệm 1: Thực hành nhân giống vô tính ở thực vật
1. Giâm cành và giâm lá
- Giâm cành:
+ Cắt cành rau ngót, sắn, dâu tằm thành các đoạn ngắn 10-15cm (gọi là hom).
+ Cắm cành (hom) xuống đất ẩm, một phần cành ở trên mặt đất.
+ Chăm sóc cho cành ra chồi.
- Ưu điểm:
+Hệ số nhân giống cao
+Cây con giữ được đặc tính di truyền của cây mẹ
+Cây sớm ra hoa kết quả.
- Nhược điểm: Đòi hỏi tỉ mỉ, chăm sóc cẩn thận trong thời gian ở vườn ươm.
2. Ghép cành
- Dùng dao sắc cắt vát đoạn cành ghép và cắt gốc ghép một lát cắt tương tự. Đặt cành ghép tiếp xúc với gốc
ghép.
- Buộc dây chặt.
- Chăm sóc cành ghép cho cành nảy chồi.
-Ưu điểm:
+Giữ được đặc tính di truyền của cây bố mẹ.
+Thời gian nhân giống nhanh, sớm ra hoa, kết quả.
+Cây thấp, tán gọn, dễ chăm soc, thu hoạch.
- Nhược điểm: Đòi hỏi tỉ mỉ, người ghép có kĩ thuật
3. Ghép chồi
- Rạch lớp vỏ trên gốc ghép hình chữ T dài khoảng 2cm
- Cắt mắt ghép có sẵn chồi ngủ đặt vào vị trí gốc ghép sao cho tiếp xúc là tối đa.

- Buộc dây chặt, tránh làm gãy chồi ngủ.
- Chăm sóc cây đến khi chồi ngủ mọc chồi mới.
-Ưu điểm:
+ Giữ được đặc tính di truyền của cây bố mẹ.
+ Thời gian nhân giống nhanh, sớm ra hoa, kết quả.
+ Cây thấp, tán gọn, dễ chăm soc, thu hoạch.
+ Hệ số nhân giống cao.
- Nhược điểm: Đòi hỏi tỉ mỉ, người ghép có kĩ thuật.
Chủ đề 11: Lai giống
Thí nghiệm 1: Thực hành nhân giống vô tính
1. Chuẩn bị cây bố mẹ
- Chọn giống: chọn các giống cây khác nhau rõ ràng về hình dạng hoặc màu sắc quả để có thể phân biệt dể
dàng bằng mắt thường.
- Gieo hạt những cây dùng làm bố trước những cây dùng làm mẹ từ 8 đến 10 ngày.
- Khi cây bố ra hoa thì tỉa bớt số hoa trong chùm và ngắt bỏ những quả non để tập trung lấy phấn được tốt.
- Khi cây mẹ ra được 9 lá thì bấm ngọn và chỉ để 2 cành, mỗi cành lấy 3 chùm hoa, mỗi chùm hoa lấy từ 3 đến 5
quả.
- Chọn những hoa còn là nụ có màu vàng nhạt để khử nhị (hoa chưa tự thụ phấn).
- Dùng kim mũi mác tách 1 bao phấn ra nếu phấn còn là chất trắng sữa hay màu xanh thì được. Nếu phấn đã là
hạt màu trắng thì không được.
- Đùng ngón trỏ và ngón cái của tay để giữ lấy nụ hoa.


- Tay phải cầm kẹp tách bao hoa ra, tỉa từng nhị một, cần làm nhẹ tay tránh để đầu nhuỵ và bầu nhuỵ bị thương
tổn.
- Trên mỗi chùm chọn 4 đến 6 hoa cùng lúc và là những hoa mập để khử nhị, cắt tỉa bỏ những hoa khác.
- Bao các hoa đã khử nhị bằng bao cách li.
2. Thụ phấn:
- Chọn những hoa đã nở xoè, đầu nhị to màu xanh sẫm, có dịch nhờn.
- Thu hạt phấn trên cây bố: chọn hoa vừa nở, cánh hoa và bao phấn vàng tươi, khi chín hạt phấn chín tròn và

trắng.
- Dùng kẹp ngắt nhị bỏ vào đĩa đồng hồ.
- Đùng bút lông chà nhẹ trên các bao phấn để hạt phấn bung ra.
- Dùng bút lông chấm hạt phấn cây bố lên đầu nhuỵ hoa của cây mẹ đã khử nhị.
- Bao chùm hoa đã thụ phấn bằng túi cách li, buộc nhãn, ghi ngày và công thức lai.
3. Chăm sóc và thu hoạch:
- Tưới nước đầy đủ.
- Khi quả lai chín thì thu hoạch, cẩn thận tránh nhầm lẫn các công thức lai.
- Bổ từng quả trải hạt lên tờ giấy lọc ghi công thức lai và thứ tự quả lên tờ giấy đó.
- Phơi khô hạt ở chổ mát khi cần gieo thì ngâm tờ giấy đó vào nước lã hạt sẽ tách ra.
4. Xử lí kết quả lai
- Kết qủa thí nghiệm được tổ hợp lại và xử lí theo phương pháp thống kê (giá trị X2)
- Cách tính giá trị X2:
X2 = ∑(O-E)2 / E
Trong đó, O là số liệu quan sát (tỉ lệ phân li kiểu hình của phép lai).
E là số liệu lí thuyết (tỉ lệ phân li kiều hình theo lí thuyết).
- Tra bảng giá trị X2 dựa trên số bậc tự do. Xác định bậc tự do bằng cách lấy số loại kiểu hình trừ đi 1. Tra bảng
để tìm xác suất p của giá trị X2 với số hàng là số bậc tự do và cột p ứng với giá trị p=0,05. Nếu giá trị X2 nhỏ hơn
hoặc bằng giá trị X2 ở cột p=0,05 thì chấp nhận giả thuyết H 0. Nghĩa là tỉ lệ phân li thực nghiệm phù hợp với tỉ lệ
phân li lý thuyết.
- Nếu giá trị X2 lớn giá trị X2 ở cột p=0,05 thì bác bỏ giả thuyết H0. Nghĩa là tỉ lệ phân li thực nghiệm sai khác
với tỉ lệ phân li lý thuyết không phải do yếu tố ngẫu nhiên mà do nguyên nhân khác.
- Ví dụ: Khi cho F1 tự thụ phấn được F2 có 166 quả tròn và 28 quả dài. Liệu đây có phải tỉ lệ 3:1 hay không? Hãy
lập giả thuyết chứng minh điều đó. Biết giá trị X2 ở hàng 1 ứng với cột p=0,05 là 3,841.
*Hướng dẫn:
- Giả thuyết (H0) rằng, tỉ lệ của phép lai nói trên phù hợp với tỉ lệ 3:1 của Menđen.
- Tính giá trị X2 :
Kiểu hình
O
E

(O-E)2 / E
Quả tròn
166
145,5
2,888
Quả dài
28
48,5
8,665

193
193
11,553
- Ta thấy, giá trị X2 của thí nghiệm lớn hơn giá trị X2 lí thuyết (X2 thực nghiệm = 11.553 > X2 lí thuyết = 3,841).
Vậy, tỉ lệ của phép lai trên không phải là tỉ lệ 3:1.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thành Đạt, Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Xuân Viết (2005), Tài liệu bồi dưỡng thường xuyên giáo viên
THPT chu kì III (2004-2007) môn Sinh học, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.
2. Nguyễn Thành Đạt, Lê Đình Tuấn, Nguyễn Như Khanh, 2010, Sinh học 11, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
3. Nguyễn Thành Đạt, Phạm Văn Lập, Đặc Hữu Lanh, Mai Sỹ Tuấn, 2007, Sinh học 12 Cơ bản, Nxb Giáo dục,
Hà Nội.
4. Vũ văn Vụ, Vũ Đức Lưu, Nguyễn Như Hiền, Trần Văn Kiên, Nguyễn Duy Minh, Nguyễn Quang Vinh, 2010,
Sinh học 11 Nâng cao, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
5. Vũ văn Vụ, Vũ Thanh Tâm, Hoàng Quý Lý, Trần Dụ Chi, Lê Hồng Điệp, 2004, Thực tập Sinh lý Thực vật, Nxb
Đại học Quốc gia Hà Nội.




×