Tải bản đầy đủ (.pdf) (103 trang)

Nhân vật nữ trong tiểu thuyết nguyễn đình tú

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.13 MB, 103 trang )

HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
––––––––––––––––––––––––

NGUYỄN THỊ THANH HÀ

NHÂN VẬT NỮ TRONG TIỂU THUYẾT
NGUYỄN ĐÌNH TÚ

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ,
VĂN HỌC VÀ VĂN HOÁ VIỆT NAM

THÁI NGUYÊN - 2018


ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
––––––––––––––––––––––––

NGUYỄN THỊ THANH HÀ

NHÂN VẬT NỮ TRONG
TIỂU THUYẾT NGUYỄN ĐÌNH TÚ
Ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 8.22.01.21

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ,
VĂN HỌC VÀ VĂN HOÁ VIỆT NAM

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Cao Thị Hảo


THÁI NGUYÊN - 2018


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các nội
dung nghiên cứu và kết quả trong đề tài này là trung thực, khách quan và chưa
được công bố trong bất cứ công trình nghiên cứu nào trước đây.
Thái Nguyên, tháng 6 năm 2018
Tác giả luận văn

Nguyễn Thị Thanh Hà

i


LỜI CẢM ƠN
Trước tiên, tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn và sự tri ân sâu sắc tới
PGS.TS Cao Thị Hảo, người đã hướng dẫn tận tình, chu đáo, đầy trách nhiệm
và có những chỉ dẫn khoa học giúp tôi hoàn thành luận văn này.
Tôi xin trân trọng cảm ơn Ban chủ nhiệm, các thầy cô giáo Khoa Ngữ
văn và Phòng đào tạo Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đã tham gia giảng
dạy, giúp đỡ và tạo mọi điều kiện để tôi hoàn thành khóa học.
Cuối cùng tôi xin được chân thành cảm ơn gia đình, bạn bè, đồng nghiệp
những người đã luôn ở bên động viên, khuyến khích và giúp đỡ tôi trong suốt
quá trình học tập và thực hiện luận văn.
Thái Nguyên, tháng 6 năm 2018
Tác giả luận văn

Nguyễn Thị Thanh Hà


ii


MỤC LỤC
Lời cam đoan ........................................................................................................ i
Lời cảm ơn ........................................................................................................... ii
Mục lục ............................................................................................................... iii
MỞ ĐẦU ............................................................................................................. 1
1. Lí do chọn đề tài .............................................................................................. 1
2. Lịch sử vấn đề………………………………………………………………..3
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ................................................................... 8
4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu .................................................................. 9
5. Phương pháp nghiên cứu ................................................................................. 9
6. Đóng góp của luận văn .................................................................................. 10
7. Cấu trúc luận văn ........................................................................................... 10
NỘI DUNG ....................................................................................................... 11
Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÍ LUẬN CHUNG VÀ HÀNH TRÌNH
SÁNG TÁC CỦA NGUYỄN ĐÌNH TÚ......................................................... 11
1.1. Những vấn đề lí luận chung ........................................................................ 11
1.1.1. Khái niệm nhân vật văn học .................................................................... 11
1.1.2. Vai trò của nhân vật trong tác phẩm văn học .......................................... 13
1.1.3. Nhân vật trong tiểu thuyết ....................................................................... 14
1.2. Vấn đề nữ quyền trong văn học Việt Nam hiện đại ................................... 16
1.2.1. Vấn đề nữ quyền và văn hóa xã hội thời hiện đại ................................... 16
1.2.2. Quá trình phát triển vấn đề nữ quyền trong văn học Việt Nam đương
đại và tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú ................................................................... 18
1.3. Tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú trong bối cảnh tiểu thuyết Việt Nam
đương đại ........................................................................................................... 20
1.3.1. Khái quát chung về tiểu thuyết Việt Nam đương đại .............................. 20
1.3.2. Đóng góp của tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú ............................................ 27


iii


Tiểu kết chương 1 .............................................................................................. 34
Chương 2: NHÂN VẬT NỮ VỚI NHỮNG KHUÔN DIỆN ĐA DẠNG
TRONG TIỂU THUYẾT NGUYỄN ĐÌNH TÚ ........................................... 35
2.1. Nhân vật nữ với dục vọng bá chủ thế giới ngầm........................................ 35
2.1.1. Con đường đến với vị trí bá chủ thế giới ngầm ....................................... 35
2.1.2. Quyền năng của người phụ nữ trong thế giới ngầm ................................ 38
2.2. Người phụ nữ với khát vọng yêu và kiếm tìm hạnh phúc .......................... 42
2.3. Nhân vật nữ với hoàn cảnh sống đầy bi kịch thời hiện đại ........................ 48
2.3.1. Thiên tính nữ tiềm ẩn trong chân dung kẻ tội phạm ............................... 48
2.3.2. Quá trình đấu tranh để sinh tồn đầy bi kịch ............................................ 51
2.4. Người phụ nữ bị tha hóa bởi hoàn cảnh sống ............................................. 56
2.4.1. Những hoài nghi, vỡ mộng ...................................................................... 56
2.4.2. Lối sống buông thả, phó mặc .................................................................. 62
Tiểu kết chương 2 .............................................................................................. 66
Chương 3: MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN
NHÂN VẬT NỮ TRONG TIỂU THUYẾT NGUYỄN ĐÌNH TÚ .............. 67
3.1. Xây dựng nhân vật qua miêu tả ngoại hình và nội tâm .............................. 67
3.1.1. Xây dựng nhân vật qua miêu tả ngoại hình ............................................. 67
3.1.2. Xây dựng nhân vật qua miêu tả nội tâm .................................................. 71
3.2. Xây dựng nhân vật qua ngôn ngữ nghệ thuật ............................................. 79
3.2.1. Ngôn ngữ thông tục, đời thường............................................................. 79
3.2.2. Ngôn ngữ mang màu sắc sex ................................................................. 84
Tiểu kết chương 3 .............................................................................................. 88
KẾT LUẬN....................................................................................................... 89
TÀI LIỆU THAM KHẢO............................................................................... 92


iv


MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1. Kết thúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ, đất nước thống nhất
bước vào giai đoạn xây dựng, phát triển trong quỹ đạo hòa bình, mở ra cho văn
học những tiền đề mới nhưng cũng đem lại nhiều thách thức mới. Đó là thời kỳ
con người “không tìm được sự tĩnh lặng của cuộc sống và tâm hồn trong mỗi
âm thanh tích tắc của chiếc đồng hồ thời đại” [40, tr.61]. Để bắt nhịp, chuyển
tải được cái phức tạp của sự thay đổi ấy, nền văn học Việt Nam đã có những
bước chuyển mình rất mạnh mẽ được ghi nhận ở hầu hết các thể loại trong đó
có tiểu thuyết. Tiểu thuyết được định nghĩa là “Tác phẩm tự sự cỡ lớn có khả
năng phản ánh hiện thực đời sống ở mọi giới hạn không gian và thời gian” [18,
tr.328]. Tiểu thuyết có khả năng khám phá cuộc sống ở nhiều chiều và nhiều
khía cạnh đời tư khác nhau nên nó đi vào thượng tầng kiến trúc của văn học
nghệ thuật như một xương sống vô cùng quan trọng. Tiểu thuyết chính là “hiện
thân của cái phức tạp, cái đa dạng và phong phú” [70, tr.103]. Không ít nhà
văn đặc biệt các nhà văn trẻ thế hệ 7x, 8x lựa chọn tiểu thuyết để thể nghiệm,
tìm tòi và khẳng định cá tính sáng tạo của mình. Hiện nay tiểu thuyết đang
được nghiên cứu dưới nhiều góc độ: đề tài, cốt truyện, ngôn ngữ… Và xu
hướng tiếp cận từ phương diện nhân vật cũng mang lại nhiều khám phá thú vị
đối với lĩnh vực tiểu thuyết đương đại hiện nay. Bởi qua đó, bạn đọc thấy được
khuôn diện đời sống xã hội và tài năng nghệ thuật của nhà văn.
1.2. Bên cạnh thế hệ các nhà văn đã được khẳng định vai trò, vị thế vững
chắc trên văn đàn, một đội ngũ các cây bút trẻ thuộc thế hệ 7x, 8x đã chấp nhận
mạo hiểm, sẵn sàng thể nghiệm, làm mới tiểu thuyết ngay trong cuộc “trở dạ
đau đớn” để sinh thành một loạt tiểu thuyết mới với lối viết mới, tư duy mới,
cách khám phá mới. Mỗi người một vẻ, những cây bút trẻ đã tạo nên một
không gian đa chiều cho văn học thời đại mới - thời kỳ hội nhập và toàn cầu

hóa. Trong số các tác giả thế hệ 7x, 8x như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc
Thuần, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Phạm Duy Nghĩa, Phạm Thị Hoài…
Nguyễn Đình Tú nổi lên như một hiện tượng văn chương đầy triển vọng. Bốn
1


mươi mốt tuổi, Nguyễn Đình Tú đã trình làng tám tiểu thuyết. Ma Văn Kháng
không ngần ngại khi khẳng định Nguyễn Đình Tú là “nhà tiểu thuyết lực lưỡng”,
“một triển vọng đầy hứa hẹn của văn xuôi hiện nay” [dẫn theo 24, tr.9].
Đời sống đương đại vốn rất phức tạp, điều cốt lõi là nhà văn nói được gì
giữa “đống hỗn độn” ấy của cuộc sống. Không phải ngẫu nhiên mà tiểu thuyết
hôm nay luôn khiến cho người ta phải suy tư, và nhiều khi nó trở thành “Người
bạn đồng hành chung thủy của con người, bảo vệ con người bằng việc thường
xuyên nhắc nhở, thức tỉnh, tôn vinh những giá trị nhân văn” [70, tr. 100]. Tiểu
thuyết Nguyễn Đình Tú đã “thức tỉnh, tôn vinh những giá trị nhân văn” từ việc
đi tìm và giải mã “cái tôi bí ẩn” bằng một lối viết đầy sáng tạo và mới mẻ, thể
hiện được những trải nghiệm cũng như bản lĩnh của một cây bút sớm trưởng
thành khi tuổi còn rất trẻ. Với kinh nghiệm vốn có của một người học luật, từng
làm việc trong Viện kiểm sát cộng với tài năng của bản thân, Nguyễn Đình Tú
đã khá nhạy bén khi khám phá, thể hiện những góc khuất của đời sống xã hội
và con người thời hiện đại, đề cập đến thực trạng suy thoái, băng hoại đạo đức,
nhân cách của con người, đặc biệt là ở giới trẻ bằng một hướng tiếp cận mới
mà như nhà văn Chu Lai nói “không né tránh bất cứ thứ gì mà cuộc sống khuất
lấp ngổn ngang đang phô bày”. Ngụp lặn trong đống “ngổn ngang”, “xô bồ”,
những góc khuất của đời sống xã hội thời kì hiện đại, Nguyễn Đình Tú tập
trung khai thác các hình tượng nhân vật đặc biệt là nhân vật nữ với nhiều khuôn
diện khác nhau.
1.3. Nhà văn đã thể hiện được quan niệm nghệ thuật của mình về con
người thông qua thế giới nhân vật. Đồng thời giúp người đọc nhận thấy tư
tưởng, tình cảm, khát vọng mà nhà văn muốn truyền tải qua tác tấc phẩm của

mình. Đọc các tiểu thuyết Hồ sơ một tử tù (2002), Bên dòng Sầu Diện (2006),
Nháp (2007), Phiên bản (2009), Kín (2010), Hoang tâm (2013), Xác phàm
(2014), Cô mặc sầu (2015) của Nguyễn Đình Tú, người đọc luôn bị ám ảnh bởi
một thế giới nhân vật với nhiều giai tầng cứ vẫy vùng, ngụp lặn trong cái xã hội
đầy rẫy những cám dỗ, những mảng tối - sáng tranh chấp, xô đẩy khiến họ luôn

2


bị rơi vào trạng thái mất phương hướng. Song có lẽ day dứt, ám ảnh hơn cả vẫn
là các nhân vật thuộc giới nữ. Họ cũng đang phải đối diện với biết bao thử
thách của cuộc sống, để rồi “vừa tự đập tan nát mình vỡ vụn, vừa ráng chịu
đau đớn, tự tay “khâu vá” lại những mảnh vụn nát ấy cho lành lặn?” [51]. Hầu
hết, nhân vật nữ chính hay phụ trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú tuy thân
phận, vị thế, hoàn cảnh sống… khác nhau nhưng đều mang trong mình “bi kịch
cơ bản hiện nay của tầng lớp thanh niên đô thị đương đại Việt Nam”. Tiếp xúc
với các nhân vật nữ trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú, người đọc như được
tiếp xúc trực tiếp với mặt trái của cuộc sống hiện thực. Và nhà văn muốn truyền
tải những vấn đề nóng hổi của thời đại, những vấn đề không thể dửng dưng,
lạnh lùng của xã hội Việt Nam cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI, đó là “bi kịch
của giới nữ” trước những mặt trái của cuộc sống với biết bao xô bồ, hỗn độn và
cạm bẫy. Nguyễn Đình Tú đã không ngần ngại bóc trần những mảng tối trong góc
khuất sâu thẳm nhất của đời sống tình cảm, tâm, sinh lí người phụ nữ để qua đó
hiểu, cảm thông, trân trọng và mong muốn mọi người trong xã hội hãy có một cái
nhìn khách quan, toàn diện về người phụ nữ Việt Nam trong thời kì mới.
Với những lí do nêu trên, chúng tôi lựa chọn nghiên cứu đề tài Nhân vật
nữ trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú. Qua đó góp phần khẳng định giá trị tiểu
thuyết Nguyễn Đình Tú đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo về lối sống
cho thế hệ trẻ hôm nay.
2. Lịch sử vấn đề

Vốn được học ngành luật, lại là nhà văn công tác trong quân đội cùng với
sự quan sát tinh tường, phán đoán và lí giải sắc sảo, Nguyễn Đình Tú đã rèn
cho mình một bản lĩnh khi viết văn. Những tiểu thuyết đầu tiên của Nguyễn
Đình Tú đã thu hút nhiều sự quan tâm, chú ý của bạn đọc và giới phê bình ngay
khi được công bố. Bên cạnh những ý kiến khen ngợi, đánh giá cao vẫn còn một
số ý kiến chưa thực sự hài lòng với những gì mà Nguyễn Đình Tú đã mang lại
cho văn học Việt Nam thời gian qua. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc dư luận
về Nguyễn Đình Tú và tiểu thuyết của anh vẫn đang rất sôi nổi. Mặc dù còn

3


những ý kiến trái chiều, song những bài báo, những công trình nghiên cứu về
Nguyễn Đình Tú đã góp phần khẳng định chỗ đứng của nhà văn trẻ này trong
đời sống văn học hiện đại. Dù tiếp cận tiểu thuyết của anh dưới góc độ nào,
chúng ta cũng không thể phủ nhận ý thức tìm tòi, quá trình lao động nghệ thuật
nghiêm túc, những ý tưởng ấp ủ, trau chuốt của Nguyễn Đình Tú trong quá
trình cách tân tiểu thuyết Việt Nam.
Qua những lời giới thiệu tác phẩm, một số bài viết trên các trang tạp chí,
website văn học, giới nghiên cứu, phê bình đã tập trung quan tâm nghiên cứu
đề cập đến một số khía cạnh tiêu biểu của tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú như vấn
đề thời đại mà nhà văn đặt ra trong tác phẩm, điểm nhìn trần thuật.v.v. Chẳng
hạn, Trần Tố Loan trên cơ sở phân tích điểm nhìn nghệ thuật trong tiểu thuyết
Nguyễn Đình Tú đã kết luận: “Tiểu thuyết của anh thường sử dụng phối hợp
điểm nhìn của người kể chuyện và nhân vật. Sự phối hợp giữa ngôi kể thứ nhất
(xưng tôi) và thứ ba (xưng hắn, thị) khiến câu chuyện linh hoạt hơn” [38]. Nói
về tiểu thuyết Nháp, nhà văn Chu Lai cho rằng : “Đó là quả đấm của nhịp điệu
nhanh, mạnh, hiện đại, cuồng nộ, nhịp điệu của giới trẻ toàn cầu mà trong đó
ta thấy cả bóng dáng của hiphop, của blog, của thủ thuật cắt dán tinh xảo, ẩn
chìm, của nối mạng và án mạng, của các pha tình dục thẳng căng, của những

cảnh đời dưới đáy thô rám đến nhợn người, của các tính cách nổi hằn, nổi mụn
nhưng sau đó, cái kết tủa, điều lắng lại là tình yêu, tình bạn, tình đời thao thiết
nhiều khi đến yếu đuối, bịn rịn” [33, tr.10].
Một số bài nghiên cứu đã đề cập đến thế giới nhân vật trong tiểu thuyết
Nguyễn Đình Tú song mới tiếp cận ở việc nhìn nhận đánh giá khái quát chung
về các nhân vật hoặc những nhận xét, đánh giá nhân vật trong một tác phẩm cụ
thể. Hầu hết, các tác giả chưa đi sâu lí giải, khám phá những điểm nổi bật về
hình ảnh người phụ nữ trong các tiểu thuyết của nhà văn này. Đoàn Minh Tâm
có một phát hiện và nhận xét rất tinh tế về tiểu thuyết Nháp: “Các nhân vật
trong Nháp chỉ có hành động và hành động. Qua hành động nhân vật tự bộc lộ
bản thân mình. Độc giả tùy vào trình độ tri thức, vốn sống, sự hiểu biết của
4


mình để cảm nhận, đánh giá về tác phẩm theo những chiều kích đa dạng mà
không phải chịu bất cứ một sự lệ thuộc nào. Đơn cử như vấn đề làm sao để
hạnh phúc, con người phải làm gì để tìm được sự thanh thản cho tâm hồn, các
nhân vật trong Nháp không tranh luận với nhau, mỗi người trong họ tự đi tìm
câu trả lời cho mình” [50].
Khi đọc Phiên bản, Ma Văn Kháng cho rằng: “Thế giới tội phạm, một lát
cắt của đời sống hiện thực! Xa lạ chăng chỉ là, ở nơi đây không có cái thường
quy, cái phổ biến. Thống trị ở nơi đây là cái hỗn mang chi sơ, là những bản
năng kinh thiên động địa, là cái ác độc, là thói tàn bạo thâm căn. Thế giới tội
phạm, một bước lùi của lịch sử nhân loại!” [31]. Tác giả Đoàn Ánh Dương
khẳng định: “Nguyễn Đình Tú không lập hồ sơ tội phạm bằng án tích mà chủ
yếu bằng thương tích” hoặc “Không chú ý đi sâu xây dựng những tình huống,
tình tiết giàu kịch tính, những hình ảnh li kì, gay cấn giống như tác phẩm trinh
thám hay hồ sơ tội phạm thường thấy mà cố gắng đi vào thể hiện tâm trạng
nhân vật, thái độ và cảm xúc của nhân vật trong cái nhìn hồi cố” [8]. Rõ ràng
thành công của Nguyễn Đình Tú đã được khẳng định ở phương thức xây dựng

nhân vật.
Nguyễn Thị Minh Thái trong bài viết Kín - một dòng tiểu thuyết miên
man đã nhấn mạnh: “Cuộc sống nhân vật tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú phải
chăng như đóa sen đầu mùa hạ còn phong kín nhụy hương? Hay là viết về cuốn
tiểu thuyết của Tú, phải chăng đến cuốn thứ năm, vẫn là một dòng chảy mải
miết, miên man nhằm xâm nhập, thám hiểm vào tận ngóc ngách thế giới bên
trong đầy hoang vu rợn ngợp, đầy khắc khoải, đan cài vô số chuyển động ngược
chiều: các nhân vật trẻ của Tú vừa tự đập nát mình vỡ vụn, vừa ráng chịu đau
đớn, tự tay “khâu vá” lại những mảnh giấy vụn ấy cho lành lặn?” [51]. Lê
Quốc Hiếu đưa ra đánh giá Kín trong sự so sánh với các tiểu thuyết khác: “Nếu
như ở Nháp ta thấy, có nồng nặc mùi sex, chuyện sex thì ở Phiên bản lại đề cập
chủ yếu đến vấn đề bạo lực. Còn ở Kín, cuốn tiểu thuyết được trình làng gần
đây nhất lại “dàn trải” ra nhiều vấn đề đang còn tồn tại một cách bức bối
trong giơi trẻ đương đại như: sex, quần hôn, bụi đời, lên đồng, chuyện về mẫu

5


Liễu Hạnh… Tuy nhiên, từng đấy vấn đề trong Kín, theo tôi, cũng chỉ nhằm tập
trung nổi bật lên vấn đề: thân phận lạc loài, hoang hoải đến hoài nghi vỡ mộng
của giới trẻ trong xã hội hiện đại” [22].
Trên trang Thể thao & Văn hóa, Việt Quỳnh đưa ra nhận định về nhân
vật khi đọc Hoang tâm: “Các nhân vật trong tiểu thuyết của anh có thể từ cuộc
sống bước vào, cũng có thể là do anh sáng tạo ra, nhưng tựu trung, họ luôn
mang nhiều bi kịch. Không đau đớn về thân thể cũng là tâm hồn, không thương
tích trên người thì cũng thương tích về ký ức. Điểm giống nhau nữa, các nhân
vật dù vẻ bề ngoài gai góc, thì bên trong vẫn mang cái âm tính giàu lãng mạn
chất nữ, hay chiêm nghiệm, ưa phán xét, giải thích” [47]. Tác giả đã nhấn
mạnh “cái âm tính” của nhân vật nữ nhưng chưa đi sâu phân tích kĩ vấn đề.
Bên cạnh những bài giới thiệu, bài báo kể trên còn một số bài viết như:

Nguyễn Đình Tú - nhà văn hai trong một (Bùi Việt Thắng); Không có “vùng
cấm” trong tiểu thuyết trẻ (Bùi Việt Thắng); Nháp không chỉ là một thông điệp
lạnh lùng (Võ Thị Xuân Hà); Văn chương sạch sẽ quá sẽ không còn đời sống
(Sơn Huy); Trình ba Phiên bản về một con người (Thủy Anna); Nhà văn
Nguyễn Đình Tú và tiểu thuyết Phiên bản: Tội ác mang gương mặt đàn bà
(Hoài Hương); Hoàng Anh với Nháp hay là một sự xới xáo đáng ghi nhận;
Lương Nguyên có Nháp với nỗi cô đơn và sex; Phạm Thùy Linh với Phiên bản
góc tiếp cận nhân văn; Nguyễn Tuấn Anh với Phiên bản những mảng tối của
cuộc đời; Nga Sơn với Phiên bản hay một cuộc vượt thoát để tìm về với bản
ngã; Phong Lan với Nguyễn Đình Tú và hé lộ Kín; Tiểu Quyên với Kín những
vòng tròn mồ côi; Dương Tử với Kín và nỗi hoang mang thời đại… Hầu hết các
bài viết trên đã đề cập một số khía cạnh liên quan đến nhân vật trong tiểu
thuyết của anh song vẫn là đánh giá, xem xét nhân vật trong một tác phẩm ở
những khía cạnh như: Bản tính con người, con người trước sự tác động của
hoàn cảnh, tính cách nhân vật, đời sống tâm lí, khát vọng tình dục, nguyên
nhân phạm tội của con người… mà chưa có bài viết nào đi sâu tìm hiểu một
cách hệ thống về nhân vật nữ trong tất cả các tiểu thuyết của nhà văn trẻ này.

6


Tuy nhiên, những bài viết trên cũng là những gợi ý đáng quý để tác giả
luận văn có thêm cơ sở đi sâu tìm hiểu thế giới nhân vật nữ trong tiểu thuyết
Nguyễn Đình Tú.
Nghiên cứu về tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú còn phải kể đến một số
luận văn thạc sĩ như: Hiện thực trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú của Phạm
Anh Hào; Tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú của Nguyễn Thị Bình; Tiểu thuyết
Nguyễn Đình Tú: sự dung hợp văn học đặc tuyển và văn học đại chúng của
Tuấn Anh; Điểm nhìn nghệ thuật trong sáng tác của Nguyễn Đình Tú của Trần
Tố Loan; Phản biện sex trong Nháp của Lê Nhật Tăng … Và đặc biệt là một số

khóa luận đã nghiên cứu và ít nhiều đề cập đến một khía cạnh nào đó liên quan
đến thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú như: Tạ Thị Lan
Phương với đề tài: Nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú; Nhóm ngành
khoa học xã hội với: Vấn đề thân phận con người trong tiểu thuyết Nguyễn
Đình Tú. Các khoá luận này đã tập trung khai thác quan niệm nghệ thuật về con
người, các loại nhân vật, nghệ thuật xây dựng nhân vật, hoàn cảnh, số phận
mang tính chất tổng thể, khái quát về nhân vật trong tiểu thuyết của Nguyễn
Đình Tú. Tuy nhiên, vấn đề về kiểu nhân vật nữ, hoàn cảnh số phận, đời sống
tâm, sinh lí, nghệ thuật xây dựng nhân vật nữ trong tiểu thuyết của nhà văn
chưa được đề cập đến hoặc chưa khai thác, khám phá sâu.
Những bài viết trên, ở một mức độ nhất định đều có xu hướng tìm ra
những nét độc đáo ở các phương diện như: con người trước tác động của hoàn
cảnh xã hội, con người bản năng, ý thức nhân phẩm, vấn đề tâm linh, điểm nhìn
trần thuật, ngôn ngữ, hình tượng nhân vật… trong từng tiểu thuyết cụ thể. Đây
là nguồn tư liệu tham khảo có ý nghĩa quý giá để chúng tôi triển khai đề tài
nghiên cứu của mình.
Ngoài ra, người thực hiện luận văn còn tham khảo một số bài phỏng vấn
được đăng tải trên các trang web như: “Nháp không chỉ có sex và giết người”
(eVan.com), “Tác phẩm của tôi không chỉ có bạo lực + sex” (eVan.com),
“Bạn đọc sẽ không chết chìm trong Kín” (eVan.com), “Nguyễn Đình Tú: Văn
học lặn vào trong ồn ã” (An ninh thế giới), Nguyễn Đình Tú không tránh sắc
7


dục trong sách mới (http://giaitri)… Thông qua các bài phỏng vấn, Nguyễn
Đình Tú đã chia sẻ những vấn đề liên quan đến tác phẩm, quan niệm, tư tưởng
của mình về cuộc đời, con người và văn học có chi phối tới sáng tác của anh.
Tuy không trực tiếp bày tỏ quan niệm về việc xây dựng nhân vật nữ trong tiểu
thuyết nhưng Nguyễn Đình Tú cũng cho thấy những quan điểm riêng về việc
xây dựng nhân vật của mình. Và đây cũng là cơ sở quan trọng đối với tác giả

luận văn khi tiến hành nghiên cứu đề tài này.
Qua tìm hiểu các bài, các công trình nghiên cứu trên, chúng tôi nhận thấy
các tác giả đã chỉ ra nét độc đáo và mới mẻ trong cách viết tiểu thuyết của
Nguyễn Đình Tú. Một số bài viết đã đưa ra những nhận xét, đánh giá tinh tế,
sâu sắc mang tính gợi mở về thế giới nhân vật và nghệ thuật xây dựng nhân vật
trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú song quả thực qua khảo sát, chúng tôi chưa
thấy có công trình nghiên cứu hay bài viết nào đi sâu khám phá, tìm hiểu vấn đề
nhân vật nữ trong tiểu thuyết của nhà văn này. Vì vậy, đề tài mà chúng tôi thực
hiện không trùng lặp với những kết quả nghiên cứu trước đó. Trên cơ sở tiếp thu
những ý kiến, đánh giá của các tác giả đi trước cùng với sự tìm hiểu của bản
thân, chúng tôi lựa chọn nghiên cứu đề tài Nhân vật nữ trong tiểu thuyết
Nguyễn Đình Tú. Hi vọng, luận văn sẽ góp thêm một cách kiến giải về hình
tượng người phụ nữ trong xã hội hiện đại qua tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn
Đình Tú. Thông qua nghiên cứu này góp phần làm rõ hơn vai trò của Nguyễn
Đình Tú trong quá trình cách tân, hiện đại hóa tiểu thuyết Việt Nam.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Nhân vật nữ trong tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Luận văn nghiên cứu nhân vật nữ trong tám cuốn tiểu thuyết, cụ thể gồm
các tiểu thuyết sau: Hồ sơ một tử tù (2002), Bên dòng Sầu Diện (2006), Nháp
(2007), Phiên bản (2009), Kín (2010), Hoàng tâm (2013), Xác phàm (2014),
Cô mặc sầu (2015).

8


4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
4.1. Mục đích nghiên cứu
Luận văn muốn hướng tới khám phá những điểm chung, điểm riêng,

trong cách thức xây dựng nhân vật nữ ở tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú. Nhận
diện các mô hình nhân vật nữ trong tiểu thuyết của nhà văn. Tập trung phân
tích nhân vật nữ trên các bình diện khác nhau. Đi sâu tìm hiểu các thủ pháp
nghệ thuật được sử dụng để xây dựng nhân vật nữ trong tiểu thuyết của Nguyễn
Đình Tú.
4.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Luận văn tập trung làm sáng tỏ những vấn đề lí luận chung về nhân vật
văn học, nhân vật trong tiểu thuyết, chỉ ra những nét nổi bật về nhân vật nữ
trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại và nhân vật nữ trong tiểu thuyết của nhà
văn Nguyễn Đình Tú. Tìm hiểu những đặc điểm và các phương diện nghệ thuật
tiêu biểu trong việc xây dựng nhân vật nữ ở tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú.
Từ đó cho thấy những đóng góp tiêu biểu của Nguyễn Đình Tú cho văn học
Việt Nam đương đại
5. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài này chúng tôi sử dụng một số phương pháp nghiên
cứu chính sau:
5.1. Phương pháp phân tích, tổng hợp: Đây được xác định là phương pháp
chủ đạo của đề tài. Trên cơ sở phân tích tám cuốn tiểu thuyết đã được chọn làm đối
tượng nghiên cứu, chúng tôi sẽ tổng hợp để chỉ ra những đặc điểm nổi bật của nhân
vật nữ trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú.
5.2. Phương pháp nghiên cứu thi pháp học: vận dụng lí thuyết thi pháp
học về nghệ thuật xây dựng nhân vật để làm nổi bật đặc điểm của hệ thống
nhân vật nữ trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú.
5.3. Phương pháp khảo sát - thống kê: Chúng tôi sử dụng phương pháp
khảo sát - thống kê nhân vật nữ trong sáng tác của Nguyễn Đình Tú trên nhiều
phương diện, để từ đó phân loại nhân vật, tìm hiểu thấu đáo hơn các đặc điểm
của nhân vật nữ cũng như các thủ pháp nghệ thuật xây dựng nhân vật nữ trong
tiểu thuyết của nhà văn.

9



5.4. Phương pháp hệ thống: Là một trong những yếu tố cấu thành chỉnh
thể tác phẩm, nhân vật nữ được xem xét trong mối tương quan với cả hệ thống
nhân vật, với cốt truyện, với giọng điệu, với hệ thống các yếu tố nghệ thuật thể
hiện ngoại hình, nội tâm… Sử dụng phương pháp này giúp cho việc tìm hiểu
nhân vật nữ trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú đạt đến cái nhìn sâu sắc và toàn
diện hơn.
5.5. Phương pháp loại hình: sử dụng cách phân chia theo loại hình nhân
vật để tìm ra những kiểu nhân vật nữ có đặc điểm chung trong tiểu thuyết
Nguyễn Đình Tú.
5.6. Phương pháp so sánh, đối chiếu: được sử dụng để khu biệt những
đặc điểm của các nhân vật nữ trong tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú với nhân
vật nữ của các nhà văn cùng thời.
6. Đóng góp của luận văn
Đây là luận văn đầu tiên nghiên cứu một cách hệ thống và đầy đủ về thế
giới nhân vật nữ trong tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú.
Qua việc nghiên cứu, luận văn đã góp một góc tiếp cận mới đối với tiểu
thuyết của Nguyễn Đình Tú thông qua thế giới nhân vật nữ. Từ đây khẳng định
những đóng góp tiêu biểu và vị trí của nhà văn trong dòng chảy văn học Việt
Nam đương đại.
Việc nghiên cứu luận văn cũng góp phần khẳng định vị trí của dòng văn
xuôi viết về vấn đề an ninh xã hội ở Việt Nam giai đoạn từ sau 1986 đến nay,
trong đó Nguyễn Đình Tú là một cây bút tiêu biểu.
7. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, phần Nội
dung của luận văn gồm 03 chương:
Chương 1: Những vấn đề lí luận chung và hành trình sáng tác của
Nguyễn Đình Tú.
Chương 2: Nhân vật nữ với những khuôn diện đa dạng trong tiểu thuyết

Nguyễn Đình Tú.
Chương 3: Một số phương diện nghệ thuật thể hiện nhân vật nữ trong
tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú.

10


NỘI DUNG
Chương 1
NHỮNG VẤN ĐỀ LÍ LUẬN CHUNG
VÀ HÀNH TRÌNH SÁNG TÁC CỦA NGUYỄN ĐÌNH TÚ
1.1. Những vấn đề lí luận chung
1.1.1. Khái niệm nhân vật văn học
Tác phẩm văn học là thành quả của lao động sáng tạo nghệ thuật của nhà
văn. Một tác phẩm văn học được tạo nên từ sự phức hợp của nhiều yếu tố trong
đó không thể thiếu yếu tố nhân vật: “Văn học không thể thiếu nhân vật, bởi vì
đó là hình thức cơ bản để qua đó văn học miêu tả thế giới một cách hình
tượng” [39, tr.277]. Thật vậy, một tác phẩm văn học có thể có nhiều hoặc ít
nhân vật nhưng không tác phẩm nào lại hoàn toàn không có nhân vật. Nhân vật
luôn là trung tâm của sáng tác văn học, là hình chiếu tư tưởng và năng lực nghệ
thuật của nhà văn, là hình thức cơ bản để văn học miêu tả thế giới một cách
hình tượng. Chức năng của nó là khái quát những quy luật phong phú của cuộc
sống con người, từ đó bộc lộ những hiểu biết, quan niệm và những trăn trở, ước
mơ của người nghệ sĩ.
Nhấn mạnh đến chức năng của nhân vật trong tác phẩm văn học, trong
cuốn Từ điển văn học, các tác giả cho rằng nhân vật văn học có chức năng quan
trọng trong việc thể hiện nội dung và hình thức của tác phẩm văn học: “Nhân
vật là yếu tố cơ bản nhất trong tác phẩm văn học, tiêu điểm để bộc lộ chủ đề, tư
tưởng chủ đề và đến lượt mình nó lại được các yếu tố có tính chất hình thức
của tác phẩm tập trung khắc họa. Nhân vật do đó là nơi tập trung giá trị tư

tưởng - nghệ thuật của tác phẩm văn học” [44, tr.86 ]. Nhân vật đóng vai trò là
yếu tố hàng đầu của tác phẩm, là phương diện để nhà văn truyền tải tư tưởng,
thể hiện cá tính sáng tạo của mình, đồng thời mang quan niệm có tính nghệ
thuật của nhà văn về thời đại, đặc biệt trong các sáng tác thuộc thể loại tự sự.
Trong cuốn 150 thuật ngữ văn học, tác giả Lại Nguyên Ân quan niệm:
“Nhân vật văn học là một trong những khái niệm trung tâm để xem xét sáng tác
của một nhà văn, một khuynh hướng, trường phái hoặc dòng phong cách. Nhân
11


vật văn học là hình tượng nghệ thuật về con người. Một trong những dấu hiệu
về sự tồn tại toàn vẹn của con người trong nghệ thuật ngôn từ. Bên cạnh con
người, nhân vật văn học có khi là các con vật, các loài cây, các sinh thể hoang
đường được gán cho những đặc điểm giống con người” [2, tr.241]. Quan niệm
này đã xem xét nhân vật trong mối tương quan với cá tính sáng tạo, phong cách
nhà văn, khuynh hướng, trường phái văn học.
Còn đây là cách nhìn nhận về nhân vật của nhà nghiên cứu Hà Minh
Đức: “Nhân vật văn học là một hiện tượng nghệ thuật mang tính ước lệ, đó
không phải là sự sao chụp mọi chi tiết biểu hiện của con người mà chỉ là sự thể
hiện con người qua những đặc điểm hình về tiểu sử, nghề nghiệp, tính cách…
Và cần chú ý thêm một điều: thực ra khái niệm nhân vật thường được quan
niệm với một phạm vi rộng hơn nhiều, đó không chỉ là con người, những con
người có tên hoặc không tên, được khắc họa sâu đậm hoặc chỉ xuất hiện
thoáng qua trong tác phẩm mà còn có thể là những sự vật, loài vật khác ít
nhiều mang bóng dáng, tính cách con người… Cũng có khi đó không phải là
những con người hoặc có liên quan tới con người, được thể hiện nổi bật trong
tác phẩm” [14, tr.126].
Điểm qua một vài khái niệm trên, chúng ta thấy tuy nhìn nhận nhân vật ở
nhiều khía cạnh khác nhau nhưng các nhà nghiên cứu, phê bình đều thống nhất
rằng con người trong tác phẩm văn học chính là nhân vật văn học và nhân vật

ấy là đứa con tinh thần của nhà văn, thể hiện quan niệm và lý tưởng thẩm mỹ
của nhà văn về cuộc đời và con người. Nhân vật là đối tượng mà văn học miêu
tả nhằm phản ánh đời sống hiện thực, là yếu tố cơ bản nhất của tác phẩm được
xây dựng bằng những phương tiện nghệ thuật mang tính ước lệ thể hiện sự sáng
tạo của nhà văn. Tuy nhân vật văn học phản ánh đời sống hiện thực nhưng
không đồng nhất những con người có thật ngoài đời. Chúng có những đặc trưng
nghệ thuật và được thể hiện trong tác phẩm bằng các phương tiện văn học
thông qua lăng kính chủ quan của nhà văn, nhưng không vì thế mà nhân vật
kém phần chân thật. Mỗi tác phẩm văn học, không thể thiếu nhân vật văn học
bởi vì nó là phương tiện quan trọng nhất của tác phẩm quyết định phần lớn tới

12


các yếu tố như: cốt truyện, chi tiết, ngôn ngữ và thậm chí cả kết cấu. Với vị trí
quan trọng ấy nhân vật trở thành đối tượng không thể bỏ qua khi tìm hiểu,
nghiên cứu về một nhà văn nào đó.
1.1.2. Vai trò của nhân vật trong tác phẩm văn học
Như trên đã phân tích, nhân vật không chỉ là tiêu chí đánh giá tài năng
nghệ thuật của nhà văn, trong tác phẩm nhân vật còn là phương tiện khái quát
hiện thực: “Chức năng của nhân vật là khái quát những quy luật của cuộc sống
con người, thể hiện những hiểu biết, những ao ước và kì vọng về con người”
[39, tr.279]. Nói cách khác nhân vật là phương tiện nghệ thuật để qua đó nhà
văn khái quát các vấn đề đời sống và con người, là nơi để nhà văn gửi gắm
những quan niệm, những băn khoăn, trăn trở trước các vấn đề cuộc sống.
Nhân vật có vai trò quan trọng quyết định nội dung, tư tưởng của tác phẩm:
“Thứ nhất, nhân vật là phương tiện quan trọng để nhà văn khái quát
hiện thực đời sống. Hiện thực đời sống được tái hiện thông qua thế giới nghệ
thuật người nghệ sĩ miêu tả trong tác phẩm mà nhân vật lại là yếu tố không thể
thiếu trong thế giới nghệ thuật ấy.

Thứ hai, nhân vật là phương tiện khái quát các tính cách, số phận con
người và các quan niệm về chúng.
Thứ ba, nhân vật là người dẫn dắt ta vào một thế giới đời sống. Nói khác đi,
nó là công cụ, là chìa khóa để mở rộng các mảng đề tài mới, rộng lớn và sâu sắc.
Thứ tư, nhân vật thể hiện tư tưởng, quan niệm nghệ thuật cũng như lý
tưởng thẩm mỹ của tác giả về cuộc đời, con người: “Nhân vật văn học được
sáng tạo ra, hư cấu để khái quát và biểu hiện tư tưởng, thái độ đối với cuộc
sống. Ca ngợi nhân vật là ca ngợi đời, lên án nhân vật là lên án đời, xót xa cho
nhân vật là xót xa cho đời. Do vậy tìm hiểu nhân vật là tìm hiểu cách hiểu về
cuộc đời của tác giả đối với con người” [46, tr.16].
Đối với hình thức tác phẩm, nói như G. N. Pospelov thì: “Nhân vật là
phương diện có tính thứ nhất trong hình thức tác phẩm. Nó quyết định phần lớn
vừa cốt truyện, vừa lựa chọn chi tiết, vừa ngôn ngữ, vừa kết cấu” [15, tr.157].

13


Có nghĩa là nhân vật đóng vai trò quyết định tạo nên mối liên kết giữa các yếu
tố thuộc hình thức.
Quả thật, trong quá trình tiếp xúc với tác phẩm, người đọc thường chú ý
đến các nhân vật khi theo dõi diễn tiến của các sự kiện. Chính nhân vật là yếu
tố quan trọng tạo nên tính hấp dẫn của câu chuyện được kể. Nhiều khi, người
đọc chỉ mải mê theo dõi bước đi của nhân vật, sống cùng cảm xúc của nhân vật
như chính mình đang trực tiếp tham gia đời sống của nhân vật. Thực tế chứng
minh rằng, một tác phẩm văn chương được đánh giá là có giá trị, có chiều sâu,
có sức sống lâu bền khi tác phẩm ấy khắc họa rõ nét, chân thực, sinh động hình
tượng các nhân vật. Đặc biệt đối với thể loại tiểu thuyết, nhân vật có vai trò hết
sức quan trọng, bởi tiểu thuyết là tác phẩm tự sự cỡ lớn có khả năng phản ánh hiện
thực ở tất cả mọi giới hạn không gian và thời gian, tái hiện bức tranh hiện thực
rộng lớn một cách bao quát, sinh động trên cả bề rộng lẫn chiều sâu của nó. Nhân

vật trong tiểu thuyết là yếu tố đầu tiên của mọi sự sáng tạo nghệ thuật, là hạt nhân
quan trọng để nhà văn giải quyết những vấn đề của xã hội. Tìm hiểu nhân vật,
người đọc có thể thấy được thái độ, tình cảm, tư tưởng mà nhà văn gửi gắm trong
tác phẩm.
1.1.3. Nhân vật trong tiểu thuyết
Nếu như nhân vật là yếu tố quan trọng không thể thiếu trong tác phẩm
văn học thì tiểu thuyết lại càng không thể không có nhân vật bởi nhân vật trong
tiểu thuyết là linh hồn của tác phẩm. Với đặc trưng là “một thể loại lớn trong
phương thức tự sự, có năng lực phản ánh hiện thực một cách bao quát và sinh
động, tái hiện những bức tranh về đời sống thông qua những tính cách và hoàn
cảnh điển hình rộng rãi” [4, tr.78] nên số lượng nhân vật trong tiểu thuyết
thường nhiều và được các nhà văn kì công xây dựng, trau truốt, gọt giũa, để
nhân vật trở nên hoàn thiện ở mọi phương diện từ ngoại hình, tính cách, phẩm
chất đến thế giới nội tâm... Khẳng định vai trò của nhân vật trong tiểu thuyết,
nhà văn Nguyễn Đình Thi cho rằng: “Vấn đề trung tâm của nghệ thuật viết tiểu
thuyết là miêu tả con người và con đường đi của họ trong xã hội. Người viết
tiểu thuyết nghĩ mọi vấn đề phải thông qua nhân vật, xuất phát từ nhân vật hơn

14


là từ sự việc. Một cuốn tiểu thuyết có đứng được hay không là ở chỗ nó tạo ra
được những nhân vật và cho bạn đọc nhớ được hay không” [55, tr.78].
Nhân vật tiểu thuyết trước hết phải là nhân vật văn học, bên cạnh những
đặc điểm chung của nhân vật văn học, nhân vật tiểu thuyết vẫn có những đặc
điểm riêng không thể trộn lẫn với các thể loại tự sự khác.
Nếu như nhân vật sử thi, nhân vật kịch, nhân vật trong truyện thời kỳ
trung đại thường được khắc họa một cách đơn giản, phù hợp với quan niệm của
thời đại thì nhân vật trong tiểu thuyết luôn được khắc họa tỉ mỉ và luôn là nhân
vật sống. Nhân vật trong tiểu thuyết có hình hài, thể xác, tâm hồn… và đặc biệt

không xa lạ trong những mối quan hệ cụ thể với đời thường. Soi mình vào mỗi
nhân vật trong tiểu thuyết người đọc luôn thấy mình với những nỗi niềm, suy
tư, trăn trở rất đời thường. Nói như nhà văn Vũ Bằng: “Một nhân vật sống là
một nhân vật phản chiếu cái hình ảnh của đời, là một nhân vật như chúng ta
đây, một nhân vật rất gần, rất thân thiết chúng ta, một nhân vật mà nhìn vào đó
thấy như nhìn vào lòng ta vậy. Một nhân vật sống chứ không phải nói nhiều, hò
hét nhiều, hành động nhiều nhưng tự gây ra sự tình, biến cố, chỉ định lấy những
cảnh ngộ và cảm nghĩ rất phiền phức. Sống ở đây là sống cả vật chất lẫn tinh
thần, sống cái đời sống bên ngoài và sống cả cái đời sống bên trong nữa, mà có
khi lại sống cái đời sống bên trong nhiều hơn bên ngoài” [3, tr.73]. Chính đặc
điểm này đã làm cho nhân vật tiểu thuyết trở nên cụ thể, chân thực như những
con người thật của cuộc đời.
Vì có cuộc đời khá dài và sinh động như cuộc đời thật nên nhân vật trong
tiểu thuyết có một quá trình phát triển tính cách như con người. Tất nhiên tính
cách của nhân vật tiểu thuyết không tự nhiên sinh ra mà đều phải do nhà văn
sáng tạo, đều là hiện thân cho tư tưởng, tình cảm của nhà văn. Nhưng tư tưởng
của nhân vật trong tiểu thuyết không phải lúc nào cũng đồng nhất với tư tưởng
của nhà văn mà nhiều khi nhân vật tiểu thuyết đã tự thân vận động để thay đổi
cả hình hài, tính cách và tự định liệu số phận của mình một cách phù hợp nhất.
Nhân vật tiểu thuyết không phải là những con người thụ động mà “là một nhà

15


tư tưởng” (M.Bakhtin), tự thân vận động để mang tư tưởng riêng trên nền hình
hài tư tưởng nhân vật mà nhà văn dự định xây dựng.
Trên đây chỉ là một vài đặc điểm nổi bật của nhân vật trong tiểu thuyết.
Có thể còn nhiều biểu hiện khác mà các thể loại tự sự khác cũng có tuy nhiên ở
tiểu thuyết những đặc điểm này là nổi bật, rõ nét. Đó là cơ sở để chúng tôi
nghiên cứu tìm hiểu về nhân vật trong tiểu thuyết nói chung và góp phần khảo

sát, tìm hiểu lí giải thế giới nhân vật, đặc biệt là nhân vật nữ trong sáng tác của
nhà văn trẻ tài năng Nguyễn Đình Tú.
1.2. Vấn đề nữ quyền trong văn học Việt Nam hiện đại
1.2.1. Vấn đề nữ quyền và văn hóa xã hội thời hiện đại
Nữ quyền có thể hiểu là "Quyền bình đẳng của phụ nữ trên mọi lĩnh vực
kinh tế, xã hội và giáo dục. Khái niệm nữ quyền nếu hiểu ở cấp độ rộng là
quyền lợi của người phụ nữ đặt trong thế tương quan với quyền lợi của nam
giới để đạt đến cái gọi là nam nữ bình quyền. Ở cấp độ hẹp thì nữ quyền có
mối liên quan với các khái niệm như giới tính, phái tính trong văn học. Nếu
giới tính, phái tính là những công cụ để khu biệt đặc tính giữa hai phái
(nam/nữ) thì khái niệm nữ quyền không chỉ dừng lại ở đó mà mục đích của nó
hướng tới là sự bình quyền của nam/nữ đồng thời tạo ra hệ quy chuẩn riêng
của nữ giới” [dẫn theo 35, tr.7]. Ở phương tây thế kỉ XX, nhiều cuộc đấu tranh
cho nữ quyền đã nổ ra một cách mạnh mẽ, tiêu biểu là Đan Mạch. Họ đòi
quyền được đi bầu Hội đồng hàng tỉnh và thị xã, đòi quyền bình đẳng nam nữ
trong chính trị và việc làm. Họ lên tiếng đòi nam giới phải có trách nhiệm
chung trong việc chăm sóc, nuôi dạy con cái và làm mọi việc nhà. Ở Pháp là sự
đấu tranh mạnh mẽ với những hoạt động có tính chất lan tỏa rộng khắp cả nước
để nhằm khẳng định quyền của người phụ nữ như: việc sáng lập và điều khiển
tờ báo LaFonde (sự nổi loạn) của bà Marguerite Durand. Trong các bài xã
thuyết, tờ báo đòi hỏi phụ nữ phải được ghi tên vào danh sách những người
được chính phủ Pháp thưởng Bắc Đẩu Bội Tinh, phải được ra tranh cử vào
Quốc hội Pháp. Bà tích cực đòi quyền được tự do hành nghề, đòi được hưởng
lương bằng với nam, quyền người vợ được giữ lương do mình làm ra. Còn ở

16


Châu Mĩ, với khẩu hiệu “đàn bà là tương lai nhân loại, thế kỉ XXI là thế kỉ đàn
bà” [32] người phụ nữ đã đấu tranh đòi quyền bình đẳng với nam giới và

khẳng định vị thế của mình. Sự đấu tranh mạnh mẽ ấy là tiền đề để Phê bình nữ
quyền được hình thành và các lý thuyết về giới được quan tâm từ đấy.
Ở Việt Nam những năm cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI, cùng với quá
trình hội nhập vấn đề phụ nữ đã được đặc biệt quan tâm. Ngay từ những năm
đầu thế kỷ XX, trên Đăng cổ tùng báo đã có mục Nhời đàn bà như một diễn
đàn của phụ nữ và cho đến năm 1920 như nhận xét của nhà Việt Nam học
người Úc David Marr: “Phụ nữ và xã hội đã trở thành điểm tập trung chú ý mà
các vấn đề khác thường xoay quanh nó”. Điều này phản ánh vai trò quan trọng
và những đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam trong xã hội. Thực ra, những
yếu tố của nữ quyền đã có trong văn học truyền thống, đến văn học trung đại
trở nên cụ thể, rõ nét hơn qua những vần thơ trong bài Làm lẽ: “Chém cha cái
kiếp lấy chồng chung” (Hồ Xuân Hương), hay Truyện Kiều Nguyễn Du cũng
có những vần thơ khẳng định quyền tự do lựa chọn tình yêu cho mình của nhân
vật Thúy Kiều với hành động “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” sang
nhà Kim Trọng để cùng Thề nguyền. Những năm gần đây, vấn đề nữ quyền
được bùng nổ trong văn học đương đại với những cách viết đầy táo bạo. Đặc
biệt là vấn đề tình dục của nữ giới được đăng tải nhiều trên các trang báo, nhiều
diễn đàn, nhiều Blog cá nhân… và được đón nhận với một cái nhìn cởi mở hơn.
Nếu trước đây, viết về giới nữ, các nhà văn thường chỉ khuôn trong những
chuyện lặt vặt, giản dị thì nay họ bung thoát, mổ xẻ cả những vấn đề tế nhị,
nhạy cảm nhất, vấn đề tình dục và sinh lí nữ. Vấn đề nhạy cảm vốn khó nói ở
người phụ nữ nay lại được viết một cách thẳng thừng, không một chút ngại
ngần, giấu giếm, thoải mái biểu đạt bằng nhiều dạng thức khác nhau.
Như vậy, đánh giá một cách khách quan thì sự đấu tranh đòi quyền bình
đẳng của giới nữ cách này, cách khác đều đem đến cho vấn đề nữ quyền trở
thành một hiện tượng văn hóa xã hội đáng quan tâm của thời kì hiện đại. Trần
Thiện Khanh cho rằng: “Ngày nay, có thể nói, là thời đại văn học nữ (quyền)
bung ra, rộng khắp chưa từng thấy, là thời đại những tiếng nói đã mất bắt đầu
trở lại, những tiếng nói trước kia bị đặt bên lề trở nên quan trọng, những tiếng
17



nói của “kẻ Khác” vang lên giữa “thế giới của chúng ta”; thời đại phụ nữ
bước vào văn học một cách tự tin, đàng hoàng và đầy thách thức: giờ đây tiếng
nói trở thành một hành động (lựa chọn, chất vấn, phản kháng…) chứ không là
một thân phận như trước kia. Bên cạnh những tiếng nói văn học nữ trong nước
với sự tham gia của nhiều thế hệ còn có tiếng nói nhiều bè cộng hưởng của văn
học nữ hải ngoại” [dẫn theo 21]. Rõ ràng vấn đề nữ quyền đã được quan tâm
trong đời sống xã hội Việt Nam.
1.2.2. Quá trình phát triển vấn đề nữ quyền trong văn học Việt Nam đương
đại và tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú
Trong bài viết Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn học
Việt Nam đương đại, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp cho rằng: “Văn học
nữ tính chỉ có thể xuất hiện trong điều kiện xã hội đạt đến một trình độ dân chủ
thực sự” [13]. Kể từ năm 1986 đến nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của
đất nước và những nỗ lực tạo nên sự bình đẳng về giới đã giúp người phụ nữ
thoát khỏi sự áp chế của nam giới. Họ có khả năng tồn tại độc lập và có khả
năng tự quyết số phận của mình. Gắn với người phụ nữ không chỉ là những
công việc nội trợ, là quanh quẩn ở góc nhà, xó bếp mà họ đã chủ động và được
tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội. Nhiều phụ nữ được cử giữ những
chức vụ cao trong hệ thống chính trị. Nhưng quan trọng hơn, một cách tự giác ý
thức về giới đã ăn sâu vào tâm thức của đội ngũ cầm bút và tạo nên âm hưởng
nữ quyền trong văn học. Ở văn học dân gian, bị áp chế bởi trong tâm lí chung
phổ biến của xã hội luôn xác nhận đàn ông là kẻ mạnh, chủ động, chinh phục
trong mọi hoàn cảnh, đàn bà luôn luôn bị lệ thuộc nên âm hưởng nữ quyền bị lu
mờ. Văn học trung đại với quan niệm “trọng nam khinh nữ”, hình ảnh người
phụ nữ được xuất hiện nhiều, mặc dù có bộc lộ tinh thần phản kháng, nổi loạn
nhưng chủ yếu vẫn là những tiếng than thân trách phận. Phải đến sau 1945, với
sự ra đời của Hội phụ nữ Việt Nam vai trò của người phụ nữ mới đặc biệt được
đề cao. Trong nhiều tác phẩm người phụ nữ được hình dung như những người

anh hùng tiêu biểu cho vẻ đẹp của thời đại: Chị Sứ (Hòn đất của Anh Đức), chị
Út Tịch (Người mẹ cầm súng - Nguyễn Thi), Nguyệt (Mảnh trăng cuối rừng -

18


Nguyễn Minh Châu)… Tuy nhiên do yêu cầu của phương pháp sáng tác hiện
thực xã hội chủ nghĩa, đời sống tinh thần của nữ giới mới được khai thác nhiều
ở khía cạnh xã hội mà chưa chú ý đến đặc trưng về giới. Vấn đề nữ quyền chủ
yếu nằm trong hệ tư tưởng chung của thời đại chứ chưa được nhà văn quan tâm
kiến tạo thành tư tưởng nghệ thuật riêng của mình. Từ sau 1986, Việt Nam
chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của văn học nữ tính mang âm hưởng nữ
quyền với sự góp mặt của những cây bút thực sự tài năng: Phong Điệp, Phạm
Duy Nghĩa, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái, Tạ
Duy Anh, Võ Thị Hảo, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Đình Tú… Trong tác phẩm
của họ, hình ảnh người phụ nữ được khai thác với nhiều góc cạnh khác nhau,
nhiều lối viết khác nhau. Ví như vấn đề dục tính ở người phụ nữ trước vốn luôn
bị né tránh thì nay họ lại viết nhiều, và viết khá nhạy bén. Có lẽ bởi “Tính dục
có vẻ là mặt trận duy nhất mà phái nam có và chịu thua phái nữ. Thành trì bảo
vệ cho phái nam còn một góc hớ hênh là tính dục. Do đó không có gì lạ khi
phái nữ cần nói lên tiếng nói phản kháng hay nữ quyền thì họ dùng ngay lợi khí
tính dục” [58, tr.9].
Trong Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư) hình ảnh người phụ nữ
được miêu tả đầy bản năng bạo liệt, trần trụi. Đặc biệt là trong tác phẩm Bóng
đè, Đỗ Hoàng Diệu đã mượn hiện tượng bóng đè để miêu tả những pha bị
cưỡng hiếp cực kì chi tiết. Qua đó, nhà văn đã khắc họa thành công hình ảnh
người phụ nữ với dục tính. Cô dùng người nữ và dục tính như một bộ mã để
gửi đi một thông điệp của mình cho cuộc sống này: Hãy yêu thương phụ nữ,
trân trọng những khát khao mang ý nghĩa bản năng, khát khao được yêu và
được quan hệ tình dục. Nếu Đỗ Hoàng Diệu mượn giấc mơ để mô tả chuyện

tình dục thì ở I am đàn bà, Y Ban phô bày bản năng dục tính của nhân vật một
cách trực diện, với những ham muốn tình dục được bộc lộ một cách tự nhiên.
Cùng với những cây bút mới nổi như Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu, Y
Ban… các sáng tác của Phong Điệp, Phạm Duy Nghĩa, Bảo Ninh, Nguyễn
Bình Phương, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Võ Thị Hảo, ... đem đến cho văn học

19


×