Tải bản đầy đủ (.doc) (8 trang)

Tiểu luận xã hội học dân số

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (86.76 KB, 8 trang )

1
THỜI KỲ QUÁ ĐỘ MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH
MỞ ĐẦU
Tỷ số giới tính của dân số toàn thế giới là 101 nam trên 100 nữ có thể coi là cân
bằng giới tính. Phân tích dựa trên số liệu tổng điều tra dân số quốc gia hiện có cho
thấy trong mấy thập kỷ vừa qua, tình trạng mất cân bằng về tỷ số giới tính theo
chiều hướng nhiều trẻ em trai đã tăng ở một số nước trên thế giới đã dẫn tới tình
trạng mất cân bằng giới tính.
Mất cân bằng giới tính khi sinh: là số trẻ trai sinh ra còn sống cao hơn hoặc thấp
hơn ngưỡng bình thường so với 100 trẻ gái..
Tỷ số giới tính khi sinh (SRB) là số lượng bé trai trên 100 bé gái khi sinh. SRB
ở mức bình thường dao động trong khoảng 103-106 tùy theo quốc gia hay khu vực
địa lý. SRB có ý nghĩa quyết định đến tỷ số giới tính chung của dân số, và qua đó
ảnh hưởng đến nhiều vấn đề: kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh và an sinh xã
hội… SRB tăng cao hơn mức bình thường trong nhiều năm liên tục sẽ dẫn tới tình
trạng mất cân bằng giới tính trong xã hội thời kỳ tiếp theo. Khi SRB cao hơn ở
mức 106 trở lên và kéo dài liên tục trong nhiều năm, tình trạng mất cân bằng giới
tính trong dân số của độ tuổi hôn nhân sẽ xảy ra sau đó từ 15- 20 năm.
Các bước quá độ dân số
Bước quá độ thứ nhất bắt đầu cách đây khoảng 10.000 năm, gắn với việc định
hình và bắt đầu phát triển xã hội nông nghiệp.
Bước quá độ thứ hai bắt đầu với cuộc cách mạng công nghiệp ở các nước Tây
Âu ở giữa thế kỷ 17.
Bước quá độ thứ ba bắt đầu từ khoảng giữa thế kỷ 19 khi mức sinh bắt đầu
giảm. Đến năm 1930, mức sinh đã ổn định ở mức thấp tại các nước công nghiệp
(về cơ bản kết thúc quá trình công nghiệp hoá).
Bước quá độ thứ tư trong phát triển dân số đã diễn ra trong thời kỳ sau chiến
tranh Thế giới lần thứ II. Sự bùng nổ dân số đã xảy ra ở các nước kém phát triển do
mức chết giảm xuống nhờ phát triển y tế, giáo dục và nông nghiệp.
Bước quá độ thứ năm bắt đầu từ những năm 1970 khi mức sinh giảm xuống
nhanh chóng ở các nước kém phát triển (bắt đầu phát triển công nghiệp).


Bước quá độ thứ sáu. Tại tất cả các nước ở thời kỳ hậu công nghiệp hoá, mức
sinh tiếp tục giảm và hiện nay ở dưới mức sinh thay thế cần thiết.
Thực trạng tại Việt Nam, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, tỷ số giới
tính khi sinh (GTKS) đã tăng từ khoảng 106 bé trai trên 100 bé gái vào năm 2000,


2
lên 110,5 bé trai vào năm 2009; 112,6 năm 2013; 112,4 năm 2014; 113 năm 2015
và 112,2 năm 2016.
Có thể thấy rằng, trong mấy năm gần đây mất cân bằng giới tính khi sinh ở
nước ta diễn ra với tốc độ nhanh, ngày càng lan rộng và đã đến mức nghiêm trọng.
Theo số liệu thống kê (năm 2016) cả nước hiện vẫn còn 45 tỉnh, thành phố có tỉ số
giới tính khi sinh (tỉ lệ trẻ trai/trẻ gái) gia tăng và ở mức cao. Theo khảo sát khác từ
Viện Khoa học giáo dục Việt Nam mới đây cho thấy, cả nước có 10 tỉnh, thành phố
có tỉ lệ mất cân bằng GTKS cao nhất gồm: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc
Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh và Quảng Ngãi
(trong đó Hưng Yên có tỷ lệ mất cân bằng GTKS cao nhất 130,7)…Đây là những
địa phương thuộc vùng kinh tế năng động, tư tưởng Nho giáo khá nặng nề, sự ưa
thích con trai mãnh liệt và người dân có điều kiện tiếp cận khá dễ dàng các dịch vụ
chọn lọc trước sinh. Điều này có nghĩa là những vùng có đời sống kinh tế khá hơn
đang dẫn đầu với một hình thức kỳ thị mới đối với trẻ em gái. Tỷ số GTKS đã tăng
lên ở cả thành thị và nông thôn, nhưng tăng mạnh hơn ở khu vực thành thị (đặc biệt
ở Hà Nội theo thống kê đến hết quý I/2017, tỷ số giới tính khi sinh của nhiều
huyện lên tới trên 120 trẻ trai/100 trẻ gái như tại Hà Đông, Sơn Tây, Thạch Thất,
Hoài Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mê Linh...). Ở Việt Nam, không giống nhiều
quốc gia khác, tỷ số GTKS mất cân bằng ngay ở lần sinh đầu tiên của các cặp vợ
chồng. Năm 2009, tỷ số này là 110,2 ở lần sinh đầu, 109 ở lần sinh thứ hai và 115,5
ở lần sinh thứ ba (và thậm chí đến 132 nếu hai con đầu là gái). Việc lựa chọn giới
tính thai nhi ngay ở lần sinh đầu tiên hầu hết chỉ xảy ra ở khu vực thành thị. Tỷ số
GTKS gia tăng ở 4 vùng là trung du và miền núi phía bắc, Đồng bằng sông Hồng,

Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, tại trung du và miền núi phía
Bắc tăng từ 108,5 lên 116,1 trẻ trai/100 trẻ gái và ở Đồng bằng sông Cửu Long
tăng từ 109,9 lên 114,1trẻ trai/100 trẻ gái. Trong khi ở Bắc Trung Bộ, duyên hải
miền Trung và Đông Nam Bộ, tỉ số GTKS có mức giảm từ 109,7 xuống 105,5.
Ở Việt Nam trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ nông nghiệp sang
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đồng thời cũng kéo theo những thay đổi trong tư duy
nhận thức về vai trò, vị thế của nam và nữ trong xã hội. Tuy Luật bình đẳng giới đã
phổ biến nhưng tâm lý ưa chuộng con trai vẫn tồn tại trong tư tưởng của các gia
đình Việt Nam góp phần gây nên mất cân bằng giới tính khi sinh. Có thể kể đến
các nguyên nhân chính gây nên tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là:
Thứ nhất: Phong tục tập quán, tâm lý xã hội truyền thống, tư tưởng nho giáo
phải có con trai nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên. Một trong những giá trị của
Nho giáo là mô hình gia đình truyền thống, trong đó việc nối dõi tông đường, thờ
phụng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ là những giá trị nền tảng. Trong nền văn hoá
đó, tâm lý ưa thích con trai trở nên mãnh liệt cho mỗi cá nhân, mỗi cặp vợ chồng,


3
mỗi gia đình và mỗi dòng họ. Ví dụ như: từ khi chuẩn bị kết hôn, nhà trai phải chủ
động, ngay trên thiếp mời dự đám cưới, phông chữ trang trí cũng thường lấy tên
nhà trai trước. Khi cưới xong con gái theo chồng, lo cho nhà chồng. Người chồng
thường là chủ hộ trong gia đình, có quyền quyết định những việc lớn. Đến khi có
con, phải theo họ của bố. Quan niệm có con trai mới được xem là đã có con - “nhất
nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một nam là có, mười nữ cũng như không), không
có con trai là tuyệt tự. Khi cha mẹ chết, con trai được đứng trước, con gái đứng
sau, chỉ có cháu trai mới được bê bát hương ông, bà; con trai mới được vào nơi thờ
tự, đóng góp giỗ tổ tiên. Trách nhiệm đó chủ yếu thuộc về con trai và họ sẽ cảm
thấy lo lắng, không an tâm trong tương lai nếu chưa có con trai.
Thứ hai: Do tính chất công việc phải đòi hỏi lao động cơ bắp của con trai,
trụ cột về lao động đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân (ở nhiều vùng nông

thôn, ở các lĩnh vực công việc nặng nhọc, đặc biệt là công việc trong các ngành
Nông - Lâm -Ngư nghiệp, khai thác khoáng sản, đi biển đánh bắt thuỷ hải sản xa
bờ …đều đòi hỏi sức lao động cơ bắp của nam giới. Chính vì vậy, con trai vừa là
trụ cột về tinh thần, vừa là trụ cột về kinh tế cho cả gia đình).
Thứ ba: Do chế độ an sinh chưa đảm bảo, hiện nay có khoảng 70% dân số
sống ở nông thôn không có lương hưu bảo hiểm tuổi già, họ cần con trai để phụng
dưỡng chăm sóc. Trách nhiệm đó chủ yếu thuộc về con trai vì họ sẽ cảm thấy lo
lắng và không an tâm trong tương lai nếu chưa có con trai.
Thứ tư: Do chính sách đối với nữ giới chưa thoả đáng, bình đẳng giới có mặt
chưa được quan tâm đầy đủ, những chính sách giải quyết các vấn đề liên quan đến
bất bình đẳng giới chưa thật thỏa đáng cũng góp phần thúc đẩy một số phụ nữ chủ
động tìm kiếm các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh.
Thứ năm: Là nhóm các nguyên nhân trực tiếp. Lạm dụng những tiến bộ khoa
học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh như: Áp dụng một số kỹ
thuật trước lúc có thai (chế độ ăn uống, chọn ngày phóng noãn…); trong lúc thụ
thai (chọn thời điểm phóng noãn, chọn phương pháp thụ tinh, lọc rửa tinh trùng để
chọn tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y,…); hoặc sau khi đã có thai (sử dụng siêu
âm, bắt mạch, chọc hút dịch ối,…) để chẩn đoán giới tính thai nhi, kết hợp với phá
thai chọn lọc giới tính (nếu là thai trai thì để lại, nếu là thai gái thì bỏ đi). Ảnh
hưởng từ việc giảm sinh và tác động của các yếu tố kinh tế, phúc lợi xã hội. Áp lực
giảm sinh với khuyến cáo mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1 đến 2 con cũng là nguyên
nhân gián tiếp tác động đến thực trạng này. Ðể sinh ít con mà vẫn đảm bảo có con
trai như mong muốn, các cặp vợ chồng không thể áp dụng "quy luật dừng", mà
sinh đến khi nào có con trai mới thôi, nên họ đã sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới
tính trước sinh nhằm đáp ứng được cả hai mục tiêu nói trên.


4
Có thể thấy rằng nguyên nhân của việc mất cân bằng giới tính khi sinh chính
là sự bất bình đẳng giữa nam và nữ, định kiến về giới, ưa thích con trai, thái độ

xem thường giá trị phụ nữ đã ăn sâu, bám rễ vào các quan niệm văn hóa, tư tưởng
truyền thống lâu đời đã tạo nên áp lực nặng nề đối với phụ nữ về việc phải sinh con
trai. Xét về một mặt nào đó, nam giới vẫn được ưu ái, coi trọng hơn. Ví dụ để
tuyển dụng một vị trí việc làm trong khi có hai ứng cử viên nam và nữ thì bao giờ
nam cũng được lựa chọn với lý do: Nam giới có xu hướng hành động nhanh chóng,
quyết đoán, trong khi phụ nữ có xu hướng thụ động, bị cảm xúc chi phối. Phụ nữ
yếu hơn nam giới về thể chất, bởi vì trong hàng triệu năm tiến hóa phụ nữ không
thực hiện nhiệm vụ yêu cầu cao về thể chất như nam giới (phụ nữ hái lượm, nam
giới săn thú). Chức năng não: Nam giới tư duy logic học tốt hơn. Nam giới có tinh
thần sẵn sàng đối mặt với thử thách cao hơn phụ nữ. Tại Việt Nam ở thời kỳ hậu
công nghiệp hoá, mức sinh tiếp tục giảm và đến khi ở dưới mức sinh thay thế cần
thiết đây là thời điểm kết thúc quá độ dân số như một điều kiện tiên quyết dẫn đến
mất cân bằng giới tính khi sinh.
Hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh cũng xảy ra ở một số nước châu
Á. Từ cuối những năm 70, khi xuất hiện máy siêu âm, kỹ thuật chọc ối, xét nghiệm
máu, gen... đã giúp cho các cặp vợ chồng biết được giới tính thai nhi. Mất cân bằng
giới tính khi sinh thường xảy ra ở các quốc gia thực hiện chính sách dân số hạn chế
sinh đẻ, gia đình ít con (1-2 con) như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và một số
nước Trung Á như Azecbaizan, Acmênia... Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA)
mới đây đã lên tiếng báo động tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng do
tâm lý trọng nam ở các nước thuộc châu Á. Ước tính nam giới tại châu lục này
đang nhiều hơn nữ giới 100 triệu người, trong đó chênh lệch lớn nhất là ở Trung
Quốc và Ấn Độ. UNFPA dự báo đến năm 2030, chỉ riêng tại hai quốc gia trên, nam
giới trong độ tuổi kết hôn sẽ nhiều gấp rưỡi nữ giới. Tại Trung Quốc, do truyền
thống "trọng nam khinh nữ" và nhiều thập kỷ áp dụng chính sách một con, đất
nước này đã chứng kiến sự mất cân bằng giới tính nghiêm trọng ở khu vực nông
thôn. Theo ước tính của UNFPA, hiện cứ 106,2 đàn ông Trung Quốc thì mới có
100 phụ nữ. Thực trạng này là nguyên nhân của hiện tượng “cành cây không
nhánh" chỉ việc nam giới không tìm được vợ. Dự báo đến năm 2030, khoảng 1/4 số
đàn ông Trung Quốc ở độ tuổi 30 sẽ không thể kết hôn. Tại Ấn Độ, nam giới chiếm

đa số lực lượng lao động cũng như dân số. Theo ước tính của Tổ chức Lao động
quốc tế, tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động Ấn Độ ở khoảng 27% vào năm
2014, thấp hơn so với mức 50% của trung bình toàn cầu. Sự mất cân bằng trong
lực lượng lao động đồng nghĩa với việc quốc gia này đang bỏ lỡ tiềm năng lớn
trong phát triển. Trong nhiều thập kỷ, Hàn Quốc là điển hình về xu hướng "trọng
nam khinh nữ". Năm 1990, khi các tiến bộ y học đã có thể hỗ trợ việc chẩn đoán
giới tính, sự chênh lệch giữa tỷ lệ trẻ nam-nữ khi sinh ở nước này tăng vọt đến


5
mức cao nhất thế giới, với 116,5 bé trai so với 100 bé gái sinh ra. Chỉ trong một thế
hệ, Hàn Quốc từ một xã hội "khát" con trai trở thành một xã hội nơi các bé gái
được chào đón tha thiết. Công nghiệp hóa, đô thị hóa và sự giáo dục cùng với cuộc
"nổi dậy" của phái nữ đã loại bỏ những tàn dư "thâm căn cố đế" nhiều thập kỷ coi
con trai là cần thiết để thừa kế gia tài, hương hỏa tổ tiên, chăm sóc cha mẹ và nối
dõi cho dòng họ. Đến năm 2015, theo Liên hợp quốc, tỷ lệ giới tính khi sinh của
quốc gia này đã trở lại mức bình thường là 101 bé gái so với 100 bé trai sinh ra. Sự
đảo chiều thần kỳ ấy đã mang đến những bài học quan trọng cho những "người
khổng lồ" ở châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ, nơi 1/3 dân số thế giới vẫn tiếp tục
nuôi dưỡng giấc mộng có con trai. Như vậy hiện tại Hàn Quốc là nước duy nhất
trong khu vực cho đến nay đã thành công trong giải quyết vấn đề mất cân bằng
giới tính khi sinh.
Trong bài viết này câu hỏi nghiên cứu được tác giả đặt ra là: liệu có một thời
kỳ quá độ về mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam hay không?
Trước hết tác giả xin khái quát về thời kỳ quá độ dân số: Thời kì trước quá
độ, thích ứng với xã hội mà trong đó con người sống phụ thuộc hoàn toàn vào tự
nhiện, phương thức chủ yếu là du canh du cư, nông nghiệp lạc hậu,.. mức sống
thấp, dịch bệnh nhiều, tỷ lệ chết cao. Để tồn tại và phát triển, con người phải sinh
đẻ nhiều. Mức sinh cao, mức chết cao dẫn đến sự gia tăng dân số diễn ra rất chậm
chạp, thời kì này được coi là thời kì “cân bằng dân số lãng phí”. Tiếp đến là thời

kì quá độ có thể chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn 1 thích ứng với xã hội nông
nghiệp phát triển, bắt đầu công nghiệp hóa, nhờ những thành tựu trong y học mà
con người có thể thanh toán những căn bệnh gây chết người hàng loạt như: tiêu
chảy, đậu mùa... làm mức chết giảm nhanh, trong khi đó mức sinh vẫn giữ nguyên,
thậm chí tăng chút ít do đời sống và sức khỏe sản phụ được cải thiện. Trạng thái
cân bằng truyền thống giữa mức sinh và mức chết cao bị phá vỡ và bắt đầu xuất
hiện sự bùng nổ dân số. Giai đoạn 2 thích ứng với quá trình công nghiệp hóa và đô
thị hóa ngày càng phát triển. Trình độ học vấn của con người được nâng cao. Tỷ
suất sinh (CBR) và tỷ suất chết (CDR) tiếp tục giảm, nhưng CDR giảm nhanh hơn
dẫn đến tỷ suất tăng tự nhiên có xu hướng giảm, tuổi thọ của con người tăng lên.
Giai đoạn 3 do ở giai đoạn trước tuổi thọ của con người được nâng lên dẫn đến
dân số bị lão hóa trong giai đoạn này, tỷ suất chết có xu hướng nâng cao một chút.
Giai đoạn này CBR và CDR cân bằng thấp bảo đảm tái sản xuất dân số giản đơn.
Cuối cùng là thời kỳ sau quá độ đặc trưng của thời kỳ này là mức chết thấp tương
đối ổn định và mức sinh thấp với những biến động nhỏ.
Dưới sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất
trên thế giới, lực lượng sản xuất phát triển, điều kiện sống của con người được cải
thiện, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn nên tỉ suất tử vong giảm mạnh. Từ


6
những năm 1980 trở lại đây, ở một số quốc gia châu Á tình trạng mất cân bằng giới
tính khi sinh tăng cao, số lượng bé trai được sinh ra nhiều hơn bé gái. Trong khi đó
ở Việt Nam, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra muộn hơn so với hầu
hết các nước khác.Tỷ số mất cân bằng GTKS ở Việt Nam chỉ tăng lên khi công
nghệ siêu âm phát triển rộng rãi, tạo điều kiện cho việc xác định giới tính trước khi
sinh. Do lực lượng sản xuất phát triển, điều kiện sống của con người được cải
thiện, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn nên tỉ suất tử vong giảm mạnh. Sự
chênh lệch giữa mức sinh và mức tử rất lớn, dân số tăng nhanh, trong giai đoạn này
đã xảy ra hiện tượng bùng nổ dân số. Giai đoạn quá độ dân số kéo dài hay rút ngắn

phụ thuộc vào điều kiện kinh tế – xã hội của từng nước (nhóm nước). Thực chất,
con người có thể điều khiển quá trình quá độ dân số bằng những biện pháp khác
nhau (như Hàn Quốc),
Trong bối cảnh xã hội Việt Nam bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện
đại hóa, toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế thế giới, nhiều chuyển biến lớn lao đã xảy
ra, tất yếu khiến quy mô gia đình truyền thống không còn thích nghi được với hoàn
cảnh xã hội mới, diễn ra sự biến đổi một số chuẩn mực, giá trị xã hội về dân số, gia
đình theo biến đổi phát triển xã hội từ truyền thống đến hiện đại … trong đó có
biến đổi quan niệm về giá trị con trai, con gái. Chẳng hạn, ngày nay sự bình đẳng
đã được đề cao hơn, những chuẩn mực lạc hậu cũng được loại bỏ nhằm hướng tới
một xã hội tiến bộ hơn. Đáng kể nhất là việc giải phóng phụ nữ: họ được đối xử
bình đẳng hơn và có nhiều điều kiện để phát triển, nâng cao vị thế xã hội của mình;
vai trò của họ trong cuộc sống, trong sản xuất,... ngày càng trở nên quan trọng hơn,
gánh nặng gia đình cũng dần được chia sẻ và cơ hội phát huy tiềm năng cũng đến
nhiều hơn, được toàn xã hội công nhận. Bình đẳng nam nữ, con trai, con gái đã
thay đổi tiến bộ rất nhiều chẳng hạn đã có nhiều phụ nữ đảm nhiệm các chức vụ
quan trọng của nhà nước như bà Nguyễn Thị Kim Ngân là thành viên trong Bộ
Chính trị, là chủ tịch Quốc hội, có 2/4 Phó Chủ tịch Quốc hội là nữ nhiệm kỳ 20112016, nữ giới là đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2011-2016 là 24.4%, và nhiều phụ nữ
giữ vị trí quan trọng khác trong bộ máy nhà nước. Tuy nhiên ở mức độ phát triển
hiện nay của xã hội VN, con trai ở mức độ nào đó vẫn được coi trọng hơn con gái,
trong các cơ quan hành chính sự nghiệp nhà nước tỷ lệ nữ giới là lãnh đạo mới chỉ
chiếm 1/3, đa số cấp trưởng vẫn là nam giới. Trong xã hội nói chung, giá trị con
trai vẫn được đề cao hơn so với con gái. Đây là một trong những nguyên nhân
chính dẫn tới mất cân bằng giới tính khi sinh.
Do ảnh hưởng quan niệm phải có con trai để nối dõi bắt nguồn sâu xa từ
những phong tục, tập quán, từ truyền thống đã để lại nhiều hậu quả cho việc
MCBGTKS hiện nay. Hậu quả của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt
Nam đã được tổ chức UNFPA cảnh báo: Nếu xu hướng này lặp lại và lan rộng diễn
ra với tốc độ nhanh sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng trong tương lai, ảnh hưởng



7
đáng kể đến cơ cấu giới tính và nhân khẩu học. Cũng theo dự báo của UNFPA, nếu
tiếp tục tăng như vậy các năm tiếp theo sẽ tác động nặng nề đến thế hệ nam thanh
niên được sinh ra sau năm 2005 vì khi bước vào độ tuổi lập gia đình vào những
năm 2030 thì nhóm nam giới này sẽ dư thừa so với phụ nữ cùng lứa tuổi 10%. Nếu
không có can thiệp hiệu quả để giảm mất cân bằng giới tính khi sinh thì sau 20
năm nữa Việt Nam sẽ có 4,3 triệu thanh niên ít có cơ hội lấy được vợ trong nước.
Dù làm tốt can thiệp để giảm mất cân bằng giới tính khi sinh thì con số đó cũng
còn tới 2,3 triệu. Người ta quan ngại về sự bạo hành ở một xã hội khi có nhiều nam
giới độc thân. Nhóm nam giới gặp khó khăn trong việc tìm vợ hoặc không thể lấy
được vợ, phải duy trì cuộc sống độc thân có thể gây ra những bất ổn về trật tự an
toàn ở cộng đồng, làm gia tăng tệ nạn mại dâm, buôn bán trẻ em gái, phụ nữ và các
loại tội phạm xã hội khác do nhu cầu tình dục của họ không được đáp ứng. Nếu
Việt Nam không nhanh chóng tìm biện pháp khắc phục tình trạng mất cân bằng
giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ phát triển kinh tế- xã hội
của đất nước.
Xã hội tiếp tục phát triển, các giá trị, chuẩn mực xã hội tiếp tục biến đổi theo
tiến trình phát triển, trong đó, giá trị con trai, con gái cũng tiếp tục biến đổi theo
hướng ngày càng bình đẳng hơn, con gái sẽ hoàn toàn bình đẳng với con trai, thậm
chí con gái được coi trọng hơn (như trường hợp Hàn Quốc đã nêu trên); Phát triển
là nhu cầu tự thân của mỗi xã hội, do đó nó luôn phải tự điều chỉnh cơ cấu cũng
như các mối quan hệ nội tại bên trong và với bên ngoài để tiếp tục phát triển. Như
vậy, khi Việt Nam phát triển xa hơn, đạt tới trình độ gần bằng hoặc bằng với Hàn
Quốc ở thập kỷ đầu của thế kỷ 21, chúng ta có thể trở lại trạng thái cân bằng giới
tính khi sinh.
KẾT LUẬN
Như vậy với các lập luận đã trình bày trong bài viết có thể khẳng định rằng
Việt Nam và một số nước ở Châu Á trong tiến trình phát triển xã hội đang rơi vào
thời kỳ quá độ về mất cân bằng giới tính khi sinh. Nước ta chịu ảnh hưởng rất sâu

sắc của Nho Giáo, Phật Giáo,… và trải qua hàng nghìn năm phong kiến, tư tưởng
Nho Giáo vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Việc quan niệm phải có con trai để nối dõi
cũng bắt nguồn sâu xa từ những phong tục, tập quán, từ truyền thống chứ hoàn
toàn không dựa trên cơ sở khoa học nào. Cho đến ngày nay, truyền thống đó vẫn
không thay đổi, nào là người con gái phải có tam tòng tứ đức, công, dung, ngôn,
hạnh. Ngày nay, khi xây dựng gia đình mọi người đều biết rằng (và là điều hiển
nhiển) người con gái phải về nhà chồng ở, phải lo toan công việc cho nhà chồng,
còn bên nhà vợ, người con rể có lo thì cũng chỉ là phụ.Từ những quan niệm đó ta
thấy, nếu không có con trai rõ ràng khi các con gái đi lấy chồng hết thì chỉ còn lại
mỗi bố mẹ già ở với nhau, và không có con trai nối dõi nên sẽ tuyệt tự. Ở các nước


8
tiên tiến thì hai ông bà già sống với nhau là bình thường, họ cảm thấy rất vui vẻ an
dưỡng tuổi già, đi du lịch đây đó, hoàn toàn không vướng bận chuyện con cháu.
Còn ở ta thì khác, chúng ta chưa có hệ thống nhà dưỡng lão có thể tiếp nhận tất cả
những người già không nơi nương tựa, và xã hội cũng chưa đủ giầu để có thể chu
cấp cho tất cả những người già không có thu nhập một khoản có thể đủ trang trải
cho cuộc sống, cho nên tư tưởng bao trùm vẫn là khi về già nhờ ở con cái (trẻ cậy
cha, già cậy con). Do đó, giải pháp của vấn đề không chỉ là tập trung giải quyết
hiện tượng như: Siêu âm hay phá thai lựa chọn giới tính. Mà chúng ta cần nhìn
nhận vấn đề trong bối cảnh rộng lớn của phát triển kinh tế xã hội khi mà nam giới
được coi trọng hơn nữ giới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Dân số học – PGS, TS. Nguyễn Đình Tấn – Th.s. Nguyễn Văn Đoàn.
UNFPA, 2009. Những biến đổi gần đây về tỷ số giới tính khi sinh ở Việt nam.
(Tổng cục thống kê, Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009).
Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế, 2016).Kết quả Đề án kiểm soát
mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) giai đoạn 2016-2025.
Tổng cục Thống kê, Tỷ số giới tính khi sinh ở Việt nam: các bằng chứng mới về

thực trạng, xu hướng và những sự khác biệt.



×