BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
BỘ TƯ PHÁP
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI
NGUYỄN THÀNH LONG
TỘI DÂM Ô ĐỐI VỚI TRẺ EM TRONG PHÁP LUẬT
HÌNH SỰ VIỆT NAM
LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC
Hà Nội - 2017
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
BỘ TƯ PHÁP
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI
NGUYỄN THÀNH LONG
TỘI DÂM Ô ĐỐI VỚI TRẺ EM TRONG PHÁP LUẬT
HÌNH SỰ VIỆT NAM
LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC
Chuyên ngành: Luật hình sự và tố tụng hình sự
Mã số:
60380104
Người hướng dẫn khoa học: TS Nguyễn Tuyết Mai
Hà Nội - 2017
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học độc lập của riêng
tôi.
Các kết quả nêu trong Luận văn chưa được công bố trong bất kỳ công
trình nào khác. Các số liệu trong luận văn là trung thực, có nguồn gốc rõ ràng,
được trích dẫn đúng theo quy định.
Tôi xin chịu trách nhiệm về tính chính xác và trung thực của Luận văn
này.
Tác giả luận văn
Nguyễn Thành Long
BẢNG TỪ VIẾT TẮT
BLHS
Bộ luật hình sự
CTTP
Cấu thành tội phạm
HĐTP
Hội đồng thẩm phán
TNHS
Trách nhiệm hình sự
TAND
Tòa án nhân dân
TANDTC
Tòa án nhân dân tối cao
TTLT
Thông tư liên tịch
XHTD
Xâm hại tình dục
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ....................................................................................................... 1
CHƯƠNG I QUY ĐỊNH VỀ TỘI DÂM Ô ĐỐI VỚI TRẺ EM TRONG
BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 1999 ................................................................. 7
1.1. Những khái niệm chung đối với tội dâm ô đối với trẻ em ........................ 7
1.1.1. Khái niệm xâm hại tình dục trẻ em ....................................................... 7
1.1.2. Khái niệm hành vi dâm ô đối với trẻ em ............................................. 10
1.1.3. Khái niệm tội dâm ô đối với trẻ em ..................................................... 12
1.2. Các dấu hiệu pháp lý của tội dâm ô đối với trẻ em trong quy định của
BLHS năm 1999........................................................................................... 14
1.2.1. Các dấu hiệu định tội của tội dâm ô đối với trẻ em ............................. 15
1.2.2. Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng của tội dâm ô đối với trẻ
em ................................................................................................................ 29
KẾT LUẬN CHƯƠNG I ........................................................................... 39
CHƯƠNG 2 QUY ĐỊNH VỀ TỘI DÂM Ô ĐỐI VỚI TRẺ EM TRONG
BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 VÀ MỘT SỐ ĐỀ XUẤT BẢO ĐẢM
HIỆU QUẢ ÁP DỤNG QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM
2015 ............................................................................................................. 40
2.1. Những nội dung sửa đổi quy định về tội dâm ô đối với trẻ em trong
BLHS năm 2015........................................................................................... 40
2.2. Một số vấn đề cần chú ý khi triển khai áp dụng quy định của BLHS năm
2015 về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi ............................................... 45
2.2.1. Phân biệt hành vi khách quan của tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi
với hành vi khách quan của các tội phạm tình dục khác đối với người dưới 16
tuổi trong BLHS năm 2015 ........................................................................... 45
2.2.2. Vấn đề về độ tuổi pháp lý của trẻ em .................................................. 59
2.2.3. Vấn đề nhận thức chủ quan của người phạm tội đối với độ tuổi của nạn
nhân ............................................................................................................. 62
2.3. Một số đề xuất nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật hình sự Việt Nam về
tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi ............................................................ 66
2.3.1. Hướng dẫn áp dụng pháp luật Hình sự ............................................... 66
2.3.2. Nâng cao năng lực, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp
lý và đạo đức nghề nghiệp cho những người tiến hành tố tụng ..................... 71
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2 ........................................................................... 74
KẾT LUẬN ................................................................................................. 75
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................... 77
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Ở Châu Á và Thái Bình Dương cũng như nhiều khu vực khác trên thế
giới, tình trạng xâm hại tình dục đối với trẻ em diễn ra khá nghiêm trọng, xâm
phạm đến quyền cơ bản của trẻ em. Luật pháp quốc tế quy định rõ ràng rằng
các quốc gia có nghĩa vụ thực hiện "tích cực" để ngăn chặn và đối phó với
xâm hại tình dục trẻ em. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc thực thi
không hiệu quả, không thích đáng các khuôn khổ pháp lý liên quan đến ngăn
chặn và trừng trị tội phạm xâm hại tình dục trẻ em dẫn đến việc trẻ em phải
đối mặt với nguy cơ bị xâm hại ngày càng nghiêm trọng.
Là quốc gia đầu tiên tại châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn
Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1990, Việt Nam đã thể hiện
sự chú trọng và tầm nhìn chiến lược trong việc bảo vệ quyền của trẻ em từ
rất sớm. Để bảo vệ các quyền trẻ em theo nội dung của Công ước, Việt
Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp lý khác nhau, trong đó có các quy
định của pháp luật hình sự quy định về các tội phạm xâm hại tình dục đối
với trẻ em. Việc quy định tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trong Bộ luật
hình sự của nước ta đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xử lý loại tội phạm
này cũng như góp phần to lớn vào công cuộc phòng, chống tội phạm xâm
hại tình dục, giữ vững trật tự an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích của công dân.
Tuy nhiên, các hành vi xâm hại trẻ em có chiều hướng ngày càng gia tăng,
chủ yếu tập trung vào nhóm tội xâm hại tình dục như: tội hiếp dâm trẻ em,
tội cưỡng dâm trẻ em, tội giao cấu với trẻ em, tội dâm ô đối với trẻ em,…
Đặc biệt, tình hình tội phạm dâm ô đối với trẻ em đang là vấn đề đáng báo
động. Hiện nay, tội phạm dâm ô đối với trẻ em ngày càng nhiều, hành vi
xâm hại ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp. Hậu quả của tội phạm dâm ô
đối với trẻ em không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, danh dự, nhân
2
phẩm mà còn tác động lâu dài, để lại hậu quả nặng nề về tâm sinh lý đối
với sự phát triển của trẻ em về sau.
Thực tiễn đấu tranh chống tội dâm ô đối với trẻ em thời gian qua cho
thấy dâm ô đối với trẻ em là loại tội phạm rất khó xử lý. Việc thu thập chứng
cứ để chứng minh đối với loại tội phạm này không hề đơn giản và luôn gặp
khó khăn. Trong quá trình giải quyết các vụ án dâm ô đối với trẻ em, các cơ
quan tiến hành tố tụng còn có những nhận thức khác nhau, chưa thực sự đầy
đủ về các quy định của pháp luật, dẫn đến quan điểm khác nhau về định tội
danh và đường lối xử lý giải quyết vụ án.
Đề tài nghiên cứu tội dâm ô đối với trẻ em trong pháp luật hình sự Việt
Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai, áp dụng có hiệu quả pháp
luật hình sự đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm. Đặc biệt trong giai đoạn
hiện nay, khi mà Bộ luật hình sự năm 2015 mới được ban hành cần có các
nghiên cứu đánh giá, nâng cao hiệu quả áp dụng các quy định của BLHS.
Do vậy, tôi quyết định chọn đề tài “Tội dâm ô đối với trẻ em trong pháp
luật hình sự Việt Nam” làm đề tài nghiên cứu cho luận văn thạc sĩ của mình.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Tội dâm ô đối với trẻ em là tội phạm thuộc nhóm các tội phạm về tình
dục - một trong các nhóm tội xảy ra khá phổ biến trên thực tế. Qua nghiên
cứu, tác giả nhận thấy các công trình nghiên cứu về tội dâm ô đối với trẻ em
được thực hiện theo các hướng sau:
Thứ nhất, các công trình nghiên cứu quy định của BLHS có nội dung
nghiên cứu về dấu hiệu pháp lý của tội dâm ô đối với trẻ em. Trong đó tiêu
biểu là: Trịnh Thị Thu Hương (2004), Các tội xâm phạm tình dục trẻ em
trong luật hình sự Việt Nam và đấu tranh chống loại tội phạm này, Luận văn
thạc sỹ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội; Nguyễn Minh Hương
(2014), Các tội xâm hại tình dục trẻ em trong luật hình sự Việt Nam, Luận
văn Thạc sỹ luật học, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội; Lê Thị
3
Diễm Hằng (2016), Các tội xâm phạm tình dục trẻ em – So sánh pháp luật
hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự một số nước, Luận văn thạc sỹ Luật
học, Trường Đại học Luật Hà Nội. Tuy nhiên, có thể thấy rằng các nghiên cứu
trên đây mới chỉ dừng ở việc chỉ ra các dấu hiệu pháp lý của tội dâm ô đối với
trẻ em trong mối liên hệ với các tội phạm tình dục khác trong BLHS mà chưa
đi sâu nghiên cứu cụ thể các dấu hiệu pháp lý của tội dâm ô đối với trẻ em.
Một số công trình có nội dung bình luận quy định về tội dâm ô đối với
trẻ em trong BLHS năm 1999 như: Đinh Văn Quế (2006), Bình luận khoa
học chuyên sâu Bộ luật hình sự năm 1999 (Tập 1), các tội xâm phạm tính
mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, NXB. Tư pháp, Hà
Nội; Trần Quốc Văn (2011), Cần sửa đổi các Điều 115 và Điều 116 Bộ
luật Hình sự hiện hành, Kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, (09),
tr.34-36; Phạm Quang Huy (2016), Tội dâm ô với trẻ em: Một số thực
trạng và giải pháp pháp lý, Nghiên cứu lập pháp, Viện nghiên cứu lập
pháp, (13), tr. 44-51,…
Thứ hai, các công trình nghiên cứu có nội dung liên quan về tội dâm ô
đối với trẻ em. Đây là các công trình nghiên cứu mà đối tượng nghiên cứu
trực tiếp không phải là tội dâm ô đối với trẻ em mà chỉ đề cập đến các nội
dung liên quan đến tội dâm ô đối với trẻ em. Trong đó có thể kể đến: Nguyễn
Ngọc Hòa (2001), Các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh
dự của con người - So sánh giữa Bộ luật hình sự năm 1999 và Bộ luật hình sự
năm 1985, Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, (01), tr.30-33; Trần Văn
Luyện (2001), Những điểm mới cơ bản về các tội xâm phạm tính mạng, sức
khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người trong Bộ luật Hình sự năm 1999,
(03), tr.65-71; Phạm Văn Báu (2002), Phạm tội đối với trẻ em – những vấn đề
lý luận thực tiễn, Tạp chí Luật học, (3), tr.3-8; Nguyễn Phương Lan (2013),
Hành vi xâm hại tình dục trẻ em và vấn đề bảo vệ quyền trẻ em, Luật học, Trường
Đại học Luật Hà Nội, (09), tr.23-31; Nguyễn Thị Ngọc Linh (2016), Khái niệm
4
giao cấu và hành vi quan hệ tình dục khác từ Điều 141 đến Điều 146 điểm mới của
Bộ luật hình sự năm 2015, Nghề luật, Học viện Tư pháp, (2), tr.61,…
Các công trình nghiên cứu trên đây ở những mức độ và phạm vi khác
nhau đều đã đề cập và bình luận về tội phạm dâm ô đối với trẻ em. Tuy
nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một công trình nghiên cứu
chuyên sâu về các quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 và Bộ luật hình
sự năm 2015 về vấn đề này. Trên cơ sở tiếp thu, kế thừa những thành tựu
khoa học của các công trình nghiên cứu đã công bố, Luận văn tiếp tục tìm
hiểu, bổ sung và hoàn thiện hệ thống cơ sở lý luận của pháp luật về tội dâm
ô đối với trẻ em, đồng thời đóng góp một công trình nghiên cứu chuyên sâu
về tội dâm ô đối với trẻ em theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 và
Bộ luật hình sự năm 2015.
3. Đối tượng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu của luận văn
Đối tượng nghiên cứu: Luận văn tập trung nghiên cứu, phân tích đánh
giá các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về tội dâm ô đối với trẻ em
trong mối liên hệ với một số tội phạm khác.
Phạm vi nghiên cứu: Luận văn giới hạn nghiên cứu các quy định của
BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015 về tội dâm ô đối với trẻ em.
4. Mục tiêu nghiên cứu của luận văn
Đề tài được nghiên cứu nhằm làm rõ các đặc điểm của tội dâm ô đối với
trẻ em, các dấu hiệu pháp lý của tội dâm ô đối với trẻ em theo quy định hiện
hành, những điểm mới của trong quy định BLHS năm 2015 về tội dâm ô đối
với trẻ em. Trên cơ sở đó, tác giả đánh giá các quy định của BLHS năm 2015,
đồng thời đưa ra một số lưu ý khi triển khai thi hành các quy định này.
5. Các câu hỏi nghiên cứu
Luận văn được nghiên cứu nhằm trả lời những câu hỏi sau:
- Dấu hiệu pháp lý của tội dâm ô đối với trẻ em được quy định trong
BLHS năm 1999 như thế nào ?
5
- Những điểm mới của của tội dâm ô đối với trẻ em trong BLHS năm
2015 so với BLHS năm 1999 là gì ?
- Những vấn đề vướng mắc về lý luận và thực tiễn khi triển khai thi hành
BLHS năm 2015 về tội dâm ô đối với trẻ em là gì ?
6. Phương pháp nghiên cứu
Để giải quyết các nội dung nghiên cứu và mục đích mà đề tài đặt ra, luận
văn chủ yếu sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau đây:
- Phương pháp luận nghiên cứu khoa học duy vật biện chứng và duy vật
lịch sử của Chủ nghĩa Mác - Lênin;
- Phương pháp phân tích, đánh giá, tổng hợp được sử dụng để nghiên
cứu những vấn đề lý luận cơ bản của tội dâm ô đối với trẻ em trong pháp luật
hình sự;
- Phương pháp luật so sánh, phương pháp phân tích, phương pháp đánh
giá, phương pháp bình luận được sử dụng để nghiên cứu quy định về tội dâm
ô đối với trẻ em trong Bộ luật hình sự;
- Phương pháp tổng hợp, phương pháp diễn giải, phương pháp quy
nạp… được sử dụng để nghiên cứu về các yêu cầu hoàn thiện quy định pháp
luật về tội dâm ô đối với trẻ em, các giải pháp triển khai áp dụng quy định của
BLHS năm 2015 về tội dâm ô đối với trẻ em.
7. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận văn
Luận văn được thực hiện với mong muốn của tác giả sẽ đóng góp một
công trình nghiên cứu chuyên sâu về tội dâm ô đối với trẻ em trong pháp luật
hình sự Việt Nam. Các vấn đề tác giả đưa ra trong luận văn nhằm đưa đến
cách nhận thức đúng đắn về bản chất của tội dâm ô đối với trẻ em trên cơ sở
phân tích những quy định của của BLHS Việt Nam năm 1999 và BLHS năm
2015. Kết quả nghiên cứu của luận văn có ý nghĩa góp phần triển khai thi
hành quy định của BLHS năm 2015. Tác giả hi vọng luận văn sẽ là một tài
6
liệu tham khảo cho cho việc đào tạo và nghiên cứu cũng như cho việc xây
dựng và áp dụng pháp luật trong thực tiễn.
8. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục,
luận văn được kết cấu thành 2 chương, cụ thể:
Chương 1: Quy định về tội dâm ô đối với trẻ em trong Bộ luật hình sự
năm 1999.
Chương 2: Quy định về tội dâm ô đối với trẻ em trong Bộ luật hình sự
năm 2015 và một số đề xuất bảo đảm hiệu quả áp dụng quy định của Bộ luật
hình sự năm 2015.
7
CHƯƠNG I
QUY ĐỊNH VỀ TỘI DÂM Ô ĐỐI VỚI TRẺ EM TRONG BỘ
LUẬT HÌNH SỰ NĂM 1999
1.1. Những khái niệm chung đối với tội dâm ô đối với trẻ em
1.1.1. Khái niệm xâm hại tình dục trẻ em
Theo quan điểm của Liên hợp quốc, trẻ em là đối tượng thuộc nhóm
yếu thế trong xã hội. Đây cũng chính là nhóm đối tượng dễ bị xâm hại bởi
các tội phạm khác nhau, trong đó có các tội phạm xâm hại tình dục. Các tội
phạm xâm hại tình dục đối với trẻ em là nhóm tội phạm xảy ra khá phổ biến.
Tuy nhiên, thực tế giải quyết các vụ án liên quan đến tội phạm xâm hại
tình dục đối với trẻ em cho thấy, không phải lúc nào người áp dụng pháp
luật cũng có những nhận thức thống nhất về các quy định pháp luật liên quan
đến loại tội phạm này. Mặc dù bộ luật hình sự đã có quy định về các dấu
hiệu pháp lý của từng tội phạm nhưng trong một số trường hợp, việc nhận
thức hành vi phạm tội trong nhóm các tội phạm xâm hại tình dục đối với trẻ
em còn gặp khó khăn. Do vậy, để có thể hiểu đúng các tội phạm này thì cần
đi vào nghiên cứu cơ sở để nhà làm luật xây dựng các nhóm tội phạm này:
các hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em. Vậy hiểu như nào là xâm hại
tình dục đối với trẻ em ? Xâm hại tình dục trẻ em có đặc điểm gì khác với
các trường hợp xâm hại khác ?
Xét về ngữ nghĩa, “Xâm hại là xâm hại đến khiến cho bị tổn hại ” còn
“Tình dục là nhu cầu tự nhiên của con người về quan hệ tính giao”.1 Như
vậy về ngữ nghĩa xâm hại tình dục được hiểu là cách hành vi gây tổn hại đến
trẻ em về quan hệ tính giao.
Hiện nay, chưa có một định nghĩa thống nhất của quốc tế về khái niệm
xâm hại tình dục trẻ em. Mỗi quốc gia khác nhau lại tiếp cận về xâm hại tình
1
Viện ngôn ngữ học (2002), Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, Trung tâm từ điển học Hà Nội, Đà Nẵng.
8
dục dưới một góc độ khác nhau. Đối với pháp luật Việt Nam thì xâm hại tình
dục trẻ em được hiểu là:
“Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép
buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục,
bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em
vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.”2
Như vậy, theo pháp luật Việt Nam thì xâm hại tình dục trẻ em được hiểu
là việc dùng các thủ đoạn khác nhau như dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép
buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục.
Trẻ em là đối tượng đang trong giai đoạn phát triển hoàn thiện bản thân
về mặt tâm lý và sinh lý, cho nên việc tiếp xúc với tình dục quá sớm sẽ gây
ra những ảnh hưởng nghiêm trọng cho trẻ em mà ngay cả bản thân họ vẫn
chưa nhận thức được. Hậu quả của việc thực hiện các hoạt động tình dục đối
với trẻ không chỉ gây tổn thương cơ thể và những hậu quả nhất thời mà còn
có thể ảnh hưởng rất lâu dài về sau này. Những hậu quả lâu dài này có thể
biểu hiện từ nhẹ cho đến những rối loạn rất nặng nề không chỉ liên quan đến
sức khỏe sinh sản mà còn liên quan đến khả năng học tập, khả năng hòa
nhập gia đình và xã hội cũng như đối với sức khỏe tâm thần của trẻ em. Do
vậy mà bất kì hành vi ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia các hoạt động
tình dục dưới mọi hình thức đều là xâm hại tình dục trẻ em, kể cả các trong
trường hợp sự đồng tình của trẻ em.
Hành vi xâm hại tình dục trẻ em rất đa dạng, được biểu hiệu dưới nhiều
hình thức khác nhau. Căn cứ vào một số tiêu chí có thể phân loại xâm hại tình
dục thành các dạng như sau:
Thứ nhất, căn cứ theo mục đích thì xâm hại tình dục được chia thành lạm
dụng tình dục và bóc lột tình dục.
2
Khoản 8 Điều 4 Luật trẻ em năm 2016
9
+ Lạm dụng tình dục trẻ em là các hành vi xâm hại tình dục với trẻ em
nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu tình dục của chính người có hành vi xâm
hại. Lạm dụng tình dục trẻ em phổ biến ở các dạng: hiếp dâm trẻ em, giao cấu
với trẻ em, loạn luân (giữa cha/mẹ và con gái/trai), hành vi dâm ô (nhằm thoả
mãn dục vọng của mình, nhưng không có giao cấu)…
+ Bóc lột tình dục trẻ em là sử dụng trẻ em để thoả mãn dục vọng của
người lớn nhằm mục đích kiếm tiền, trục lợi. Bóc lột tình dục trẻ em phổ biến
ở dạng: mại dâm trẻ em, buôn bán trẻ em nhằm mục đích mại dâm, văn hoá
phẩm khiêu dâm, sử dụng hình ảnh trẻ em làm mục đích kinh doanh.
Thứ hai, căn cứ vào cách thức thực hiện hành vi xâm hại tình dục có thể
phân thành các dạng:
+ Hành vi xâm hại tình dục có sự tiếp xúc với cơ thể của trẻ em. Các
hành vi xâm hại ở dạng này có thể là các dạng xâm hại tình dục có thâm nhập
như giao cấu với trẻ em hoặc bằng các dạng không có thâm nhập như động
chạm vào các bộ phận trên cơ thể trẻ em…
+ Hành vi xâm hại tình dục không có sự tiếp xúc với cơ thể trẻ em. Các
hành vi xâm hại tình dục ở dạng này có thể là sử dụng trẻ em để trình diễn
khiêu dâm, sản xuất các ấn phẩm khiêu dâm, chứng kiến trẻ em thực hiện các
hành vi khiêu dâm hoặc buộc trẻ em phải chứng kiến các hành vi khiêu
dâm…
Có thể thấy các hành vi xâm hại tình dục trẻ em này đã xâm phạm
nghiêm trọng đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm
đặc biệt là quyền được tôn trọng và bất khả xâm phạm về tình dục của trẻ
em. Căn cứ vào tính chất mức độ nguy hiểm của các hành vi xâm hại này mà
nhà làm luật tội phạm hóa các hành vi này thành các tội phạm cụ thể trong
BLHS.
10
1.1.2. Khái niệm hành vi dâm ô đối với trẻ em
Dâm ô đối với trẻ em là một trong các dạng hành vi xâm hại tình dục đối
với trẻ em. Đây là một trong các dạng hành vi xâm hại tình dục trẻ em được
quy định là tội phạm từ rất sớm. Từ trước đến nay, về mặt pháp lý định nghĩa
hành vi “dâm ô” thường được viện dẫn theo Bản tổng kết và hướng dẫn
đường lối xét xử tội hiếp dâm và các tội phạm khác về mặt tình dục số 329HS2 ngày ngày 11 tháng 5 năm 1967 (Sau đây gọi tắt là Bản tổng kết 329HS2). Đây là văn bản đầu tiên quy định một cách hệ thống các tội phạm xâm
hại tình dục nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng.
Theo Bản tổng kết số 329-HS2 thì hành vi dâm ô được hiểu là:
“Dâm ô tức là có hành vi bỉ ổi đối với người khác, tuy không phải là
hành vi giao cấu nhưng cũng nhằm thỏa mãn tình dục của mình hoặc khêu
gợi bản năng tình dục người đó”3.
Như vậy, theo hướng dẫn của Bản tổng kết 329-HS2 thì hành vi dâm ô là
một dạng hành vi lạm dụng tình dục đối với trẻ em. Đây là các hành vi sử
dụng trẻ em như một công cụ nhằm thỏa mãn hoặc khêu gợi nhu cầu tình dục
của chính bản thân người phạm tội hoặc khêu gợi bản năng tình dục của
người khác nhưng không phải là hành vi “giao cấu”. Các hành vi này chỉ
dừng lại ở việc tác động ở bên ngoài cơ thể của nạn nhân mà không có sự
giao cấu. Tức là không có “sự cọ sát trực tiếp dương vật vào bộ phận sinh dục
của người phụ nữ với ý thức ấn sâu vào trong không kể sự xâm nhập của
dương vật là sâu hay cạn, không kể có xuất tinh hay không”4.
Các hành vi này có thể biểu hiện ở một số dạng như “dùng tay sờ mó
hoặc kích thích bộ phận sinh dục, tác động dương vật vào những chỗ khác
trong thân thể người phụ nữ ngoài bộ phận sinh dục hoặc chỉ quệt bên ngoài
bộ phận sinh dục không có ý định ấn vào trong, ấn dương vật vào sau quần,
3
4
Tòa án nhân dân tối cao, Hệ thống hóa luật lệ về hình sự, Tập I, Hà Nội, tr. 389
Tòa án nhân dân tối cao, Hệ thống hóa luật lệ về hình sự, tập I, Hà Nội tr.389.
11
cho xuất tinh vào sau quần, bắt nạn nhân sờ mó bộ phận sinh dục của
mình”5.
Bên cạnh định nghĩa được mô tả trong Bản tổng kết 329-HS2 thì khái
niệm “dâm ô” cũng được đề cập trong một số tài liệu khoa học pháp lý.
Trong cuốn Từ điển luật học do Viện khoa học pháp lý biên tập thì dâm
ô được hiểu là :
“Hành vi xúc phạm nhân phẩm người khác nhằm kích thích hoặc thỏa
mãn tình dục, trừ hành vi giao cấu với chính người bị xúc phạm.
Dâm ô bao gồm nhiều loại hành vi khác nhau. Những hành vi này cùng
có đặc điểm chung là xúc phạm người khác qua hành vi bất kì có tính tình
dục, trừ hành vi giao cấu với chính người bị xúc phạm. Người bị xúc phạm
của hành vi dâm ô có thể là đối tượng của hành vi dâm ô (bị hành vi tình dục
tác động đến thân thể như bị sờ mó…hoặc bị buộc phải thực hiện hành vi tình
dục như phải sờ mó bộ phận sinh dục của người phạm tội…) hoặc có thể bị
buộc phải chứng kiến hành vi tình dục.”6
Còn trong cuốn Giáo trình luật hình sự Việt Nam tập I của Trường Đại
học Luật Hà Nội cũng đã xác định dâm ô là “hành vi tình dục nhưng không
phải là hành vi giao cấu”7. Giáo trình Luật hình sự Việt Nam tập I của
Trường Đại học Luật Hà Nội cũng chỉ rõ hành vi dâm ô là các hành vi có đặc
điểm “thỏa mãn” nhu cầu của người thực hiện hoặc “khêu gợi” nhu cầu tình
dục. Hành vi dâm ô có thể là hành vi tác động trực tiếp vào nạn nhân hoặc
nạn nhân cũng có thể chỉ là người trực tiếp chứng kiến các hành vi này.
Các định nghĩa “dâm ô” trong các tài liệu pháp lí khác về cơ bản là
tương đồng với khái niệm “dâm ô” được hướng dẫn trong Bản tổng kết 329HS2 khi đều xác định dâm ô là các hành vi tình dục có tính chất “thỏa mãn
5
Tòa án nhân dân tối cao, Hệ thống hóa luật lệ về hình sự, Tập I, Hà Nội, tr. 389
Bộ Tư pháp, Viện khoa học pháp lý (2006), Từ điển luật học, Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
7
Trường Đại học Luật Hà Nội (2014), Giáo trình luật hình sự Việt Nam, (tập I), Nxb. Công an nhân dân,
tr.439
6
12
hoặc khêu gợi nhu cầu tình dục nhưng không phải hành vi giao cấu”. Tuy
nhiên, trong Giáo trình luật hình sự Việt Nam tập I của Trường Đại học Luật
Hà Nội cùng với cuốn Từ điển luật học do Viện khoa học pháp lý biên tập đã
bổ sung thêm một dạng hành vi mà Bản tổng kết 329-HS2 chưa đề cập đến:
hành vi buộc trẻ em phải trực tiếp chứng kiến các hành vi tình dục. Đây là
một trong các dạng hành vi dâm ô đã được thực tiễn xét xét xử xác định và
thừa nhận nhằm bảo vệ trẻ em trước các hành vi xâm hại tình dục.
Từ những phân tích ở trên, có thể đưa ra khái niệm về hành vi dâm ô với
trẻ em như sau:
Dâm ô với trẻ em là các hành vi tình dục tác động vào trẻ em nhằm thỏa
mãn, khêu gợi nhu cầu tình dục cuả người đó hoặc khêu gợi, kích thích nhu
cầu tình dục của trẻ em nhưng không phải là hành vi giao cấu.
Hành vi dâm ô với trẻ em bao gồm các hành vi tác động trực tiếp lên cơ
thể của trẻ em (động chạm vào cơ quan sinh dục, ngực của trẻ em…); buộc trẻ
em tác động lên cơ thể của người phạm tội hoặc người khác (cầm nắm, vuốt
ve bộ phân sinh dục của người phạm tội hoặc người khác…) hoặc tác động
thông qua việc bắt trẻ em trực tiếp chứng kiến các hành vi tình dục.
1.1.3. Khái niệm tội dâm ô đối với trẻ em
Trong pháp luật hình sự Việt Nam chưa có khái niệm cụ thể về “tội dâm
ô đối với trẻ em”, do vậy để xây dựng được khái niệm về tội dâm ô đối với trẻ
em cần dựa trên khái niệm tội phạm được quy định trong BLHS.
Điều 8 BLHS năm 1999 đã đưa ra khái niệm về tội phạm như sau: “Tội
phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người
có năng lực TNHS thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ
quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế
độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền,
lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân
phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm
13
phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa”. Có thể nói
khái niệm tội phạm này là khái niệm có tính khoa học đã thể hiện tập trung
nhất quan điểm của Nhà nước ta về tội phạm. Nó không những là cơ sở khoa
học thống nhất cho việc xác định những loại tội phạm cụ thể trong phần các
tội phạm của BLHS mà nó còn là cơ sở cho việc nhận thức và áp dụng đúng
đắn những điều luật quy định về từng tội phạm cụ thể.
Từ khái niệm trên của tội phạm, có thể xác định khái niệm về tội dâm ô
đối với trẻ em như sau:
Tội dâm ô đối với trẻ em là hành vi cố ý động chạm, tiếp xúc với các bộ
phận nhạy cảm trên cơ thể của trẻ em; buộc trẻ em động chạm, tiếp xúc với
các bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc buộc trẻ em trực tiếp chứng
kiến các hành vi tình dục nhằm thỏa mãn, khêu gợi nhu cầu tình dục của
người phạm tội hoặc kích thích, khêu gợi nhu cầu tình dục của trẻ em nhưng
không phải là hành vi giao cấu.
Nhìn chung, tội dâm ô đối với trẻ em có những dấu hiệu pháp lý đặc
trưng sau:
Thứ nhất, về khách thể của tội dâm ô đối với trẻ em.
Khách thể của tội dâm ô đối với trẻ em là các quan hệ về nhân thân, cụ
thể là danh dự, nhân phẩm của trẻ em. Để gây thiệt hại đến khách thể này, tội
phạm xâm hại thông qua việc tác động đến đối tượng tác động của tội phạm,
đó là trẻ em (người dưới 16 tuổi).
Thứ hai, về mặt khách quan của tội dâm ô đối với trẻ em.
Hành vi của tội dâm ô đối với trẻ em đặc trưng bởi hành vi dâm ô. Đây
là các hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em có tính chất nhằm thỏa mãn
hoặc khêu gợi nhu cầu tình dục của người phạm tội hoặc trẻ em nhưng không
phải là hành vi giao cấu.
14
Tội dâm ô đối với trẻ em là tội phạm có cấu thành hình thức, do vậy hậu
quả không phải là dấu hiệu bắt buộc để định tội danh đối với tội dâm ô đối
với trẻ em.
Thứ ba, về mặt chủ quan của tội dâm ô đối với trẻ em.
Lỗi đối với tội dâm ô đối với trẻ em là lỗi cố ý. Khi thực hiện hành vi
dâm ô đối với trẻ em, người phạm tội nhận thức được hành vi dâm ô đối với
trẻ em của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện hành vi này để
thỏa mãn nhu cầu tình dục của mình.
Thứ tư, về chủ thể của tội dâm ô đối với trẻ em.
Theo quy định của BLHS năm 1985 trở về trước thì chủ thể của tội dâm
ô đối với trẻ em chỉ là người có năng lực trách nhiệm hình sự, đạt độ tuổi theo
luật định và có hành vi dâm ô đối với trẻ em. Tuy nhiên, từ BLHS năm 1999
trở về sau thì chủ thể của tội phạm này ngoài thỏa mãn các điều kiện trên còn
phải là người đã thành niên (người từ đủ 18 tuổi trở lên).
1.2. Các dấu hiệu pháp lý của tội dâm ô đối với trẻ em trong quy
định của BLHS năm 1999
Bộ luật hình sự năm 1999 được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ VI thông
qua ngày 21 tháng 12 năm 1999 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7
năm 2000). Bộ luật hình sự năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và
có hiệu lực từ ngày 01/01/2010. Tuy nhiên, nội dung quy định về tội dâm ô
đối với trẻ em vẫn không thay đổi. Điều 116 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ
sung năm 2009 (nay gọi là BLHS năm 1999) quy định về tội dâm ô đối với
trẻ em như sau:
Điều 116. Tội dâm ô đối với trẻ em
1. Người nào đã thành niên mà có hành vi dâm ô đối với trẻ em, thì bị
phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
15
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ
ba năm đến bảy năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều trẻ em;
c) Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo
dục, chữa bệnh;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng,
thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành
nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Theo quy định tại Điều 116 BLHS năm 1999 thì tội dâm ô đối với trẻ
em có các dấu hiệu pháp lý sau đây:
1.2.1. Các dấu hiệu định tội của tội dâm ô đối với trẻ em
Các dấu hiệu định tội là các dấu hiệu đặc trưng điển hình, phản ánh
được đầy đủ tính nguy hiểm của tội phạm, để phân biệt tội phạm này với tội
phạm khác cũng như để phân biệt giữa trường hợp là tội phạm với trường
hợp không phải là tội phạm. Đó là các dấu hiệu được quy định trong cấu
thành tội phạm cơ bản của tội phạm cụ thể được ghi nhận tại phần các tội
phạm của BLHS. Theo quy định tại Điều 116 BLHS năm 1999, tội dâm ô
đối với trẻ em có các dấu hiệu định tội như sau:
Khách thể của tội dâm ô đối với trẻ em
Khách thể của tội phạm là những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo
vệ và bị hành vi phạm tội xâm hại. Với ý nghĩa là những quan hệ xã hội bị
tội phạm gây thiệt hại hoặc đe dọa gậy thiệt hại, khách thể của tội phạm là
một trong bốn yếu tố cấu thành có vị trí đặc biệt. Không có khách thể của tội
16
phạm thì sẽ không có tội phạm8. Việc nghiên cứu khách thể của tội phạm có
ý nghĩa quan trọng trong việc việc xác định tính chất và mức độ nguy hiểm
của hành vi phạm tội cũng như đối với việc định tội danh và quyết định hình
phạt trên thực tế.
Khách thể của tội phạm là cơ sở cho việc hệ thống hóa các quy phạm
pháp luật trong Phần các tội phạm của BLHS. Các tội phạm xâm hại cùng
nhóm quan hệ xã hội thì được xếp vào cùng một chương trong BLHS.
Tội dâm ô đối với trẻ em lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật hình
sự năm 1985 sửa đổi, bổ sung năm 1997 (là lần sửa đổi thứ 4 của BLHS năm
1985). Trong đó tội dâm ô đối với trẻ em được quy định tại Điều 202b thuộc
Chương VIII – “Các tội xâm phạm an toàn, trật tự công cộng và trật tự quản
lý hành chính”. Như vậy, tội dâm ô đối với trẻ em thuộc nhóm các tội phạm
xâm phạm đến trật tự công cộng, khách thể của tội dâm ô đối với trẻ em
được xác định là trật tự công cộng.
Khi BLHS năm 1999 được ban hành, nhà làm luật đã chuyển tội dâm ô
đối với trẻ em từ chương “Các tội xâm phạm an toàn, trật tự công cộng và
trật tự quản lý hành chính” về chương “Các tội xâm phạm tính mạng, sức
khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người”.
Đây là một trong những điểm mới của BLHS năm 1999 so với BLHS
năm 1985, thể hiện sự thay đổi nhận thức mới về tội dâm ô đối với trẻ em,
đảm bảo tính logic, khoa học, chặt chẽ về kỹ thuật lập pháp và phù hợp với
tình hình hình thực tế, diễn biến thực tế của tội phạm. Qua thực tiễn đấu
tranh chống tội phạm dâm ô đối với trẻ em và về mặt lí luận thì hành vi dâm
ô xâm hại trực tiếp đến danh dự, nhân phẩm của trẻ em, ảnh hưởng đến sự
phát triển bình thường về tâm sinh lý của trẻ em. Hành vi dâm ô mặc dù có
thể xâm phạm đến thuần phong mỹ tục của Việt Nam nhưng đối tượng chính
8
Trường Đại học Luật Hà Nội (2014), Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam Tập 1, NXB. Công an nhân dân,
tr.88
17
của tội phạm là con người. Chủ thể của hành vi dâm ô đã coi con người như
phương tiện để thỏa mãn một cách bất hợp pháp nhu cầu tình dục của mình.
Chính vì vậy, việc xếp tội dâm ô đối với trẻ em vào chương các tội xâm
phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người và cụ thể là
nhóm các tội xâm hại đến danh dự, nhân phẩm con người là hoàn toàn hợp
lý.9
Theo đó, tội dâm ô đối với trẻ em được quy định trong BLHS năm
1999 tại Chương XII – “Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm,
danh dự, của con người”. Khách thể của tội dâm ô đối với trẻ em là quyền
được tôn trọng nhân phẩm, danh dự và cụ thể là quyền được phát triển bình
thường về tình dục của trẻ em.
Là yếu tố quan trọng của tội phạm nhưng khách thể của tội phạm không
phải luôn được mô tả đầy đủ trong các cấu thành tội phạm. Trong cấu thành
tội phạm thường chỉ mô tả đối tượng tác động của tội phạm. Đối tượng tác
động của tội phạm là một bộ phận quan trọng của khách thể bị tội phạm trực
tiếp tác động, qua đó gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho khách thể
của tội phạm.
Theo nguyên tắc này, cấu thành tội phạm của tội dâm ô đối với trẻ em
không mô tả khách thể vào trong quy định của điều luật mà chỉ mô tả đối
tượng tác động của tội phạm. Theo tội danh và mô tả trong điều luật thì đối
tượng tác động của tội dâm ô đối với trẻ em là trẻ em. Thông qua việc tác
động đến trẻ em mà người phạm tội xâm phạm khách thể của tội phạm.
Trẻ em là đối tượng tác động của tội dâm ô đối với trẻ em nhưng trong
BLHS năm 1999 lại không đưa ra định nghĩa về khái niệm cũng như hướng
dẫn cách xác định trẻ em. Việc xác định đối tượng tác động trẻ em được viện
dẫn căn cứ vào các quy định của văn bản pháp luật chuyên ngành tương ứng
9
Nguyễn Ngọc Hòa (2000), Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người – so
sánh giữa BLHS năm 1999 và BLHS năm 1985, Tạp chí Luật học, số 1.
18
là Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1991, sửa đổi bổ sung năm
2004. Theo luật này trẻ em được hiểu là “công dân Việt Nam dưới 16 tuổi”.
Trẻ em theo quy định tại Điều 116 BLHS năm 1999 có thể được hiểu là
cả trẻ em nam hoặc trẻ em nữ, điều kiện duy nhất là các em trong độ tuổi
“dưới 16 tuổi”.
Hiện nay, việc xác định tuổi của trẻ em thường được căn cứ theo hướng
dẫn tại phần IX Nghị quyết số 02/HĐTP ban hành ngày 05 tháng 1 năm
1986 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về “Hướng dẫn áp
dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự” (Nghị quyết số 02/HĐTP). Nghị
quyết số 02/HĐTP mặc dù không trực tiếp quy định về cách xác định độ tuổi
của trẻ em nhưng đã hướng dẫn xác định trường hợp “đủ 16 tuổi”. Theo đó,
độ tuổi của trẻ em phải xác định theo tuổi tròn. Ví dụ: Trường hợp người
sinh ngày 01 tháng 1 năm 2000 thì đến ngày 01 tháng 1 năm 2016 mới đủ 16
tuổi. Để xác định chính xác ngày, tháng, năm sinh của trẻ em, phải căn cứ
vào các tài liệu hợp pháp như giấy khai sinh, sổ hộ khẩu gia đình, các giấy
tờ, tài liệu khác… Các tài liệu này phải được thu thập theo trình tự, quy định
của pháp luật.
Trong trường hợp đã tiến hành các biện pháp hợp pháp mà không xác
định chính xác ngày tháng năm sinh của của trẻ em thì theo hướng dẫn tại
Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BLĐTBXH
ngày 12 tháng 07 năm 2011 của Viện kiểm sát nhân tối cao, Tòa án nhân dân
tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội “Hướng dẫn thi
hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự đối với người tham gia tố
tụng là người chưa thành niên”, tuổi của trẻ em được xác định như sau:
“Trường hợp xác định tháng sinh cụ thể, nhưng không xác định được
ngày sinh trong tháng đó thì lấy ngày mùng một của tháng đó làm ngày
sinh;
19
Trường hợp xác định được quý cụ thể của năm, nhưng không xác định
được ngày tháng nào trong quý đó thì lấy ngày mùng một của tháng đầu của
quý đó làm ngày sinh;
Trường hợp xác định được cụ thể nửa đầu năm hay nửa cuối năm,
nhưng không xác định được ngày tháng nào trong nửa đầu năm hoặc nửa
cuối năm đó thì lấy ngày mùng một tháng Giêng hoặc ngày mùng một tháng
Bảy tương ứng của năm đó làm ngày sinh;
Trường hợp xác định được năm sinh cụ thể nhưng không xác định
được ngày tháng sinh thì lấy ngày mùng một tháng Giêng của năm đó làm
ngày sinh.
Trường hợp không xác định được năm sinh của người bị hại là người
chưa thành niên thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi của họ.”10
Mặt khách quan của tội dâm ô đối với trẻ em
Mặt khách quan của tội phạm là mặt bên ngoài của tội phạm, bao gồm
những biểu hiện của tội phạm diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách
quan: hành vi nguy hiểm cho xã hội, hậu quả nguy hiểm cho xã hội, mối
quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả nguy hiểm cho xã hội, những biểu
hiện khác của mặt khách quan như thời gian phạm tội, địa điểm phạm tội,
công cụ phương tiện phạm tội…11. Tuy nhiên, không phải dấu hiệu nào của
mặt khách quan cũng được phản ánh trong cấu thành tội phạm cơ bản. Việc
mô tả các dấu hiệu thuộc mặt khách quan ở tội phạm cụ thể phụ thuộc vào
bản chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm cũng như để đáp ứng yêu cầu
đấu tranh phòng chống tội phạm đó. Trong các dấu hiệu thuộc mặt khách
quan chỉ có duy nhất hành vi nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu bắt buộc phải
có ở tất cả cấu thành tội phạm cơ bản. Các dấu hiệu khác thuộc mặt khách
quan chỉ được quy định là dấu hiệu bắt buộc ở một số tội phạm.
10
Điều 12 Chương 3 - Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH của Viện
kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công An, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động Thương binh Xã hội
11
Trường Đại học Luật Hà Nội (2014), Giáo trình luật hình sự Việt Nam, tập I, Nxb. Công an nhân dân,tr.87.