ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN
---------------------
NGUYỄN THỊ THÙY DUNG
NGHIÊN CỨU MỐI LIÊN HỆ GIỮA CÁC PHỨC HỆ BÀO TỬ, PHẤN
HOA TRONG TRẦM TÍCH TẦNG MẶT VỚI HỆ THỰC VẬT HIỆN ĐẠI
VÙNG BIỂN CỤM ĐẢO CÔ TÔ - THANH LÂN VÀ Ý NGHĨA CỦA CHÚNG
LUẬN VĂN THẠC SỸ KHOA HỌC
Hà Nội, 2017
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN
---------------------
NGUYỄN THỊ THÙY DUNG
NGHIÊN CỨU MỐI LIÊN HỆ GIỮA CÁC PHỨC HỆ BÀO TỬ, PHẤN
HOA TRONG TRẦM TÍCH TẦNG MẶT VỚI HỆ THỰC VẬT HIỆN ĐẠI
VÙNG BIỂN CỤM ĐẢO CÔ TÔ - THANH LÂN VÀ Ý NGHĨA CỦA CHÚNG
Chuyên ngành: Địa chất học
Mã số
: 60440201
LUẬN VĂN THẠC SỸ KHOA HỌC
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG
NGƯỜI HƯỚNG DẪN
GS.TS. Tạ Hòa Phương
TS. Nguyễn Thùy Dương
Hà Nội, 2017
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi và được sự
hướng dẫn khoa học của TS. Nguyễn Thùy Dương. Các số liệu, kết quả nêu trong
Luận văn là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công trình nào
khác. Những số liệu được tác giả thu thập và tham khảo từ các công trình nghiên
cứu khác đã được trích dẫn nguồn gốc rõ ràng và được ghi trong phần tài liệu tham
khảo. Nếu có phát hiện bất kỳ sự gian lận nào tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Hà Nội, ngày
tháng
năm 2017
Tác giả luận văn
Nguyễn Thị Thùy Dung
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ......................................................................................................................... 1
CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN VỀ KHU VỰC NGHIÊN CỨU ....................................... 4
1.1.ĐẶC ĐIỂM ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN ................................................................. 4
1.2. ĐIỀU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI ....................................................................... 7
1.3. ĐẶC ĐIỂM ĐỊA CHẤT KHU VỰC NGHIÊN CỨU ....................................... 4
1.3.1. Đặc điểm địa chất trên đảo ........................................................................... 9
1.3.2. Đặc điểm địa chất phần biển ven đảo ......................................................... 10
CHƯƠNG 2. CƠ SỞ TÀI LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ..................... 13
2.1. CƠ SỞ TÀI LIỆU .............................................................................................. 13
2.1.1. Nguồn tài liệu thu thập ............................................................................... 13
2.1.2. Nguồn tài liệu trực tiếp nghiên cứu phục vụ đề tài ..................................... 13
2.2. CÁC PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ............................................................ 15
2.2.1. Phương pháp nghiên cứu ngoài thực địa .................................................... 15
2.2.3. Phương pháp phân tích thành phần chính (PCA) ....................................... 27
CHƯƠNG 3. MỐI LIÊN HỆ GIỮA CÁC PHỨC HỆ BÀO TỬ, PHẤN HOA VỚI
HỆ THỰC VẬT HIỆN ĐẠI KHU VỰC NGHIÊN CỨU VÀ Ý NGHĨA CỦA
CHÚNG ......................................................................................................................... 29
3.1. ĐẶC ĐIỂM HỆ THỰC VẬT TRÊN ĐẢO ....................................................... 29
3.2. ĐẶC TRƯNG CÁC PHỨC HỆ BÀO TỬ, PHẤN HOA TRONG TRẦM
TÍCH TẦNG MẶT ................................................................................................... 32
3.3. MỐI LIÊN HỆ GIỮA CÁC PHỨC HỆ BẢO TỬ, PHẤN HOA VỚI HỆ
THỰC VẬT HIỆN ĐẠI ............................................................................................ 41
3.4. Ý NGHĨA CỦA NGHIÊN CỨU TRONG KHÔI PHỤC CỔ MÔI TRƯỜNG 47
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ....................................................................................... 50
1. Kết luận ................................................................................................................. 50
2. Kiến nghị............................................................................................................... 50
TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................................. 51
PHỤ LỤC
MỞ ĐẦU
“Palynology” là chuyên ngành nghiên cứu về các hóa thạch được cấu tạo từ
vật chất hữu cơ có độ bền cao được gọi là “palynomorph”, trong đó có hóa thạch
bào tử, phấn hoa. Ứng dụng cơ bản của palynology là dựa vào mối liên hệ giữa các
dạng palynomorph với môi trường để nghiên cứu biến đổi khí hậu, sinh địa tầng, cổ
sinh thái…[12, 55]. Cơ sở ban đầu của palynology chính là dựa trên sự quan sát các
hạt phấn hoa và bào tử, được hình thành từ cuối Thế kỷ 17. Các mô tả đầu tiên về
bào tử, phấn hoa có thể do một nhà thực vật học người Anh thực hiện - Nehemia
Grew, sau đó được phát triển như là một nguyên tắc nghiên cứu từ năm 1916 với
các nghiên cứu của Lennart Von Post - nhà địa chất Thụy Điển, đã xác định các hạt
phấn mức độ chi hoặc loài trong than bùn và thiết lập biểu đồ phấn hoa đầu tiên để
khôi phục lại thảm thực vật và sự thay đổi khí hậu trong thời kỳ sau băng hà ở Tây
Bắc Châu Âu [55].
Bào tử, phấn hoa được bảo tồn rất tốt trong trầm tích, đặc biệt là các trầm
tích hình thành trong môi trường nước như sông, hồ, đầm lầy, biển nông ven bờ nên
thường được sử dụng trong các nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Cũng
như ứng dụng của palynology nói chung, việc nghiên cứu về các phức hệ bào tử,
phấn hoa cho phép khôi phục lại các điều kiện cổ môi trường, cổ sinh thái, cổ khí
hậu, cổ địa lý…của khu vực nghiên cứu [12].
Sự phong phú, đa dạng của các nghiên cứu trên thế giới sử dụng phương
pháp phân tích bào tử, phấn hoa đã minh chứng cho tầm quan trọng của chúng trong
nghiên cứu cổ môi trường, cổ khí hậu, cổ sinh thái…. Các phức hệ bào tử, phấn hoa
được nghiên cứu trong các môi trường trầm tích biển [46, 51], hồ [36, 39], bồn [30,
33], vũng vịnh [31, 42], đầm lầy ngập mặn [35, 47]… đã thiết lập được các cơ sở
khoa học cho việc luận giải và khôi phục cổ môi trường [36, 42, 53], cổ thực vật
[33, 39, 52], cổ khí hậu [30, 33, 39, 53], cổ sinh thái [47, 54], lịch sử dao động mực
nước biển [30, 35, 42]. Phương thức phổ biến được sử dụng là nghiên cứu mối liên
hệ giữa các phức hệ bào tử, phấn hoa với hệ thực vật hiện đại.
Đối với khu vực vùng biển và biển nông ven bờ, trên thế giới đã có rất nhiều
nghiên cứu thiết lập mối liên hệ giữa thảm thực vật trên bờ và các phức hệ bào tử,
phấn hoa trong trầm tích biển. Các nghiên cứu trước đây về bào tử, phấn hoa trong
trầm tích tầng mặt đã chỉ ra rằng phấn hoa được vận chuyển bởi gió chiếm ưu thế
trong trầm tích ngoài khơi và gần khu vực bờ biển nơi có ít hoặc không có dòng
chảy từ sông, ví dụ như phía Đông bắc Nhật Bản và Tây Bắc Thái Bình Dương [38]
và Tây Bắc Châu Phi [40]. Các nghiên cứu trước đây gần phía Tây Úc [43] và gần
Đông Nam Indonesia [44] đã cho thấy một mối liên hệ mật thiết giữa các dấu hiệu
phấn hoa trong trầm tích biển và hệ thực vật. Mudie [48], Mudie và Mc Carthy [49]
đã thảo luận về mối liên hệ giữa các phức hệ phấn hoa trong trầm tích biển và hệ
1
thực vật ở rìa phía Đông Canada. Sự thay đổi phân bố trong không gian của phấn
hoa liên quan tới hướng gió, tốc độ gió và hệ thực vật. Ở khu vực Biển Đông, các
nghiên cứu của Sun et al. (1999) [51] và Luo et al. (2013, 2014) [45, 46] đã cho
thấy nước và gió đều đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển các hạt phấn
khi đến đại dương. Luo et al. [45] đã chỉ ra rằng đối với khu vực vùng biển độ sâu
<200m nước thì bào tử, phấn hoa được vận chuyển chủ yếu bởi nước và dòng triều,
còn đối với khu vực vùng biển độ sâu >200m nước thì sự vận chuyển bởi gió chiếm
ưu thế.
Ở Việt Nam, phương pháp phân tích bào tử, phấn hoa được Trần Đình Nhân
giới thiệu từ năm 1962 [21]. Sau đó, phương pháp này được các tác giả như Nguyễn
Thị Á, Nguyễn Đức Tùng, Phạm Văn Hải sử dụng trong các nghiên cứu về địa tầng
[1, 2, 18, 19]. Các nghiên cứu của Nguyễn Địch Dỹ [13, 14] và Nguyễn Đức Tùng
[28] đã cho thấy vai trò của phương pháp bào tử, phấn hoa trong nghiên cứu khảo
cổ học. Phạm Văn Hải [18], Đinh Văn Thuận và nnk [26] cũng đã sử dụng phương
pháp này trong nghiên cứu khôi phục lịch sử phát triển của các hệ thực vật. Từ
những nghiên cứu của các tác giả như Nguyễn Đức Tùng và nnk [27], Bùi Đức
Thắng [23, 24], Dương Xuân Đào [16, 17], phấn hoa học đã đóng góp vai trò to lớn
trong việc luận giải và khôi phục điều kiện môi trường trầm tích ở Việt Nam. Gần
đây nhất, các nghiên cứu của Đinh Văn Thuận [25], Nguyễn Thùy Dương [7, 8, 9,
10, 11] đã sử dụng phương pháp phân tích bào tử, phấn hoa trong nghiên cứu cổ
thực vật, cổ môi trường, cổ khí hậu…. Việc nghiên cứu về cơ chế vận chuyển bào
tử, phấn hoa đã góp phần cung cấp dữ liệu cho việc luận giải được sự thay đổi về
môi trường lắng đọng trầm tích hay sự thay đổi điều kiện khí hậu, sinh thái của hệ
thực vật trong một thời kỳ nhất định [8]. Nguyễn Thùy Dương và Đinh Văn Thuận
[11] cũng đã đưa ra các thảo luận về luận giải đặc điểm điều kiện môi trường dựa
trên các phức hệ bào tử, phấn hoa trong trầm tích Holocen ở vùng đồng bằng Sông
Hồng dựa trên các công trình đã công bố về luận giải điều kiện môi trường lắng
đọng trầm tích dựa trên kết quả phân tích bào tử, phấn hoa.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, các công trình nghiên cứu sử dụng phương pháp bào
tử, phấn hoa trong nghiên cứu khôi phục điều kiện cổ môi trường chủ yếu mới chỉ
tập trung vào khu vực đồng bằng Sông Hồng và khu vực đồng bằng sông Cửu
Long. Các nghiên cứu ứng dụng phương pháp này cho vùng biển, biển nông ven bờ,
đặc biệt là ven các đảo còn rất hạn chế. Để góp phần cung cấp dữ liệu cho các
nghiên cứu sau này về nghiên cứu cổ môi trường, cổ khí hậu, cổ sinh thái, học viên
đã chọn luận văn thạc sĩ với đề tài: “Nghiên cứu mối liên hệ giữa các phức hệ bào
tử, phấn hoa trong trầm tích tầng mặt với hệ thực vật hiện đại vùng biển cụm đảo
Cô Tô – Thanh Lân và ý nghĩa của chúng”.
Luận văn được thực hiện dựa trên cơ sở nghiên cứu về các phức hệ bào tử,
phấn hoa, là nhóm palynomorph có mặt khá phổ biến trong trầm tích Holocen khu
2
vực nghiên cứu (vị trí khu vực nghiên cứu được thể hiện trong Hình 1.1) với các
mục tiêu: (1) Nghiên cứu đặc điểm phân bố của các phức hệ bào tử phấn hoa trong
trầm tích tầng mặt khu vực nghiên cứu và hệ thực vật trên đảo và (2) Nghiên cứu
mối liên hệ giữa các phức hệ bào tử, phấn hoa với hệ thực vật hiện đại, từ đó thấy
được ý nghĩa của phương pháp bào tử, phấn hoa trong nghiên cứu, khôi phục cổ
môi trường.
Kết quả nghiên cứu của luận văn đã rút ra được một số điểm mới sau:
- Phân biệt được một số kiểu môi trường trầm tích khu vực nghiên cứu dựa
trên các phức hệ bào tử, phấn hoa.
- Xác định được một số loài ưu thế trong hệ thực vật hiện đại có ý nghĩa đối
với việc luận giải và khôi phục cổ môi trường do phấn hoa của chúng được lưu giữ
và phản ánh được sự ưu thế của nó trong các phức hệ bào tử, phấn hoa trong trầm
tích tầng mặt khu vực nghiên cứu.
Luận văn được thực hiện tại Bộ môn Địa chất lịch sử, Khoa Địa chất, Trường
Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, dưới sự hướng dẫn khoa
học của TS. Nguyễn Thùy Dương. Tác giả xin bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn sâu
sắc đối với sự hướng dẫn khoa học tận tình, đầy tâm huyết của cô.
Đề tài luận văn nhận được sự hỗ trợ khoa học từ Dự án thành phần 2: “Điều
tra địa mạo, địa chất, khoáng sản một số đảo và cụm đảo lớn, quan trọng” trong
quá trình học viên tham gia thực hiện Báo cáo chuyên đề “Lập bản đồ địa chất –
khoáng sản vùng biển cụm đảo Cô Tô – Vĩnh Thực, tỷ lệ 1:50.000” và Báo cáo tổng
kết “Điều tra địa mạo, địa chất, khoáng sản vùng biển cụm đảo Cô Tô – Vĩnh Thực,
tỷ lệ 1:50.000” do Trung tâm Điều tra tài nguyên – môi trường biển chủ trì thực
hiện và Đề tài mã số 105.03-2015.35 do TS. Nguyễn Thùy Dương làm chủ nhiệm
đề tài. Tác giả xin chân thành cảm ơn những sự giúp đỡ quý báu đó.
Tác giả cũng xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ và sự góp ý của các thầy cô
thuộc Bộ môn Địa chất lịch sử, Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên
- Đại học Quốc gia Hà Nội, Lãnh đạo Trung tâm Điều tra tài nguyên - môi trường
biển và bạn bè đồng nghiệp trong quá trình thực hiện luận văn.
Xin chân thành cảm ơn: Phòng Đào tạo Sau đại học, Khoa Địa chất, Bộ môn
Địa chất lịch sử, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội,
Trung tâm Điều tra tài nguyên - môi trường biển đã tạo điều kiện thuận lợi để tác
giả hoàn thành luận văn này.
Do điều kiện nghiên cứu còn nhiều hạn chế nên luận văn không thể tránh
khỏi những thiếu sót và hạn chế nhất định, kính mong nhận được những ý kiến đóng
góp của các thầy cô giáo, các nhà khoa học, các đồng nghiệp quan tâm đến vấn đề
nghiên cứu.
3
CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN VỀ KHU VỰC NGHIÊN CỨU
1.1.
ĐẶC ĐIỂM ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
1.1.1. Vị trí địa lý
Cô Tô là huyện đảo nằm trong khu vực vịnh Bắc Bộ của tỉnh Quảng Ninh,
thuộc vòng cung đảo gần bờ biển Đông Bắc Việt Nam, cách thành phố Hạ Long
khoảng 150km và cách đất liền khoảng 80km. Huyện bao gồm hơn 30 hòn đảo lớn
nhỏ, trong đó có đảo Cô Tô và đảo Thanh Lân là lớn nhất [20].
- Đảo Cô Tô có dạng gần hình vòng cung, lưng quay về phía Đông Bắc, dài
khoảng 7km theo phương Tây Bắc - Đông Nam, rộng 2,5-4km. Diện tích phần nổi
lúc thủy triều cao khoảng 14 km2, lúc triều thấp khoảng 22 km2, trung bình khoảng
18 km2. Trên đảo có ngọn hải đăng, thuyền bè cách xa từ 40-60km có thể nhìn thấy
được.
- Đảo Thanh Lân dài khoảng 10km theo phương Đông Bắc - Tây Nam, chiều
rộng nơi rộng nhất khoảng 2km. Diện tích khoảng 17 km2.
Hình 1.1. Vị trí khu vực cụm đảo Cô Tô – Thanh Lân
1.1.2. Đặc điểm khí hậu
Theo Báo cáo năm 2014 của Ủy ban Nhân dân huyện Cô Tô [4], huyện đảo
Cô Tô được đặc trưng bởi khí hậu nhiệt đới gió mùa có mùa đông lạnh mang đậm
tính chất khí hậu hải dương với nhiệt độ trung bình năm 22 - 230C, lượng mưa trung
bình 1700 - 1900 mm/năm. Khí hậu được phân làm 2 mùa rõ rệt: nóng và ẩm vào
mùa hè (tháng 5 - 10), khô và lạnh vào mùa đông (tháng 11 năm trước đến tháng 4
4
năm sau).
- Chế độ nắng: khá dồi dào trung bình đạt từ 1700-1820 giờ/năm và có sự
phân hóa theo mùa. Từ tháng 4 đến 12, số giờ nắng trung bình trên 100 giờ/tháng,
cao nhất vào tháng 7. Tháng 1- 3 số giờ nắng dưới 100 giờ/năm.
- Chế độ nhiệt: ổn định với nhiệt độ trung bình nhiều năm là 22 - 230C phân
hóa thành 2 mùa rõ rệt: mùa hè (tháng 5 - 10), mùa đông (tháng 11 - 4).
- Chế độ mưa ẩm: Lượng mưa trung bình năm dao động từ 1700 - 1900
mm/năm và có sự phân hóa theo mùa:
+ Mùa mưa: từ tháng 5 đến tháng 10, mùa ít mưa: từ tháng 11 năm trước đến
tháng 4 năm sau.
+ Độ ẩm không khí: Độ ẩm không khí trung bình năm đạt 83 - 84%. Đạt cực
tiểu vào nửa đầu mùa đông và cực đại vào tháng 3 và tháng 4.
- Chế độ gió: thường thịnh hành 2 loại gió chính:
+ Gió mùa Đông Nam: xuất hiện vào mùa hè,
+ Gió mùa Đông Bắc: xuất hiện vào mùa khô (tháng 10 - 4 năm sau).
- Bão: Hàng năm, huyện Cô Tô thường chịu ảnh hưởng trực tiếp của 5 - 7
cơn bão với sức gió từ cấp 8 - 11. Bão thường xuất hiện vào tháng 6 đến tháng 9
kèm theo gió mạnh và mưa lớn gây thiệt hại lớn cho người dân.
1.1.3. Đặc điểm thủy văn, hải văn
Theo Báo cáo năm 2014 của Ủy ban Nhân dân huyện Cô Tô [4], đặc điểm
thủy, hải văn của huyện đảo Cô Tô như sau:
a) Đặc điểm thủy văn
Hệ thống sông suối trên đảo ít và ngắn, dốc. Toàn huyện có 13 con suối có
chiều dài trên 1 km, được phân bố chủ yếu ở đảo Thanh Lân (9 suối), đảo Cô Tô lớn
(có 3 suối) và đảo Cô Tô con (1 suối).
Chế độ thủy văn có sự phân hóa theo mùa: Mùa mưa lượng nước khá dồi
dào, tuy nhiên vào mùa khô nước suối cạn, nguồn nước sinh hoạt của cư dân trên
đảo chủ yếu dựa vào mạch nước ngầm và các hồ chứa trên đảo.
Toàn huyện có 21 hồ, đập để chứa nước cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất
cho người dân. Do vậy, các hồ chứa có vai trò vô cùng quan trọng đáp ứng nhu cầu
sử dụng của người dân và du khách tham quan lưu trú trên đảo.
b) Đặc điểm hải văn
+ Chế độ sóng: Huyện đảo Cô Tô là khu vực có chế độ hải văn điển hình cho
vùng vịnh Bắc Bộ. Chế độ hải văn khu vực quần đảo Cô Tô phụ thuộc vào hoàn lưu
của hai loại gió mùa (gió mùa đông bắc và gió mùa đông nam).
+ Chế độ thuỷ triều: chịu ảnh hưởng chung của chế độ nhật triều đều và thuần
nhất của Vịnh Bắc Bộ. Biên độ triều vùng này cao nhất Việt Nam từ 3 - 4 m. Hướng
của thuỷ triều cũng thay đổi vào các mùa trong năm.
5
Tại vùng nước xung quanh đảo Cô Tô, sóng thịnh hành về mùa đông là
hướng đông bắc và đông - đông bắc; với độ cao trung bình từ 0,7 đến 1,3m, độ cao
cực đại đạt 2,3-2,8 m. Mùa hè, từ tháng 6 đến tháng 8, hướng sóng thịnh hành là
nam và nam - đông nam, độ cao trung bình từ 0,7 - 0,9m, độ cao cực đại có thể tới
3,5-4,5m, cá biệt, sóng trong bão có thể tới 5-6m. Trong thời gian chuyển tiếp, phổ
biến là hướng sóng đông bắc và đông nam.
1.1.4. Đặc điểm địa hình
a) Địa hình trên đảo
- Đảo Cô Tô có dạng đồi núi thấp và bãi bồi. Diện tích đồi núi chiếm trên
50%, còn lại là đồng bằng và bãi cát. Từ Tây Bắc xuống Đông Nam có các đỉnh núi
cao trên 100m, đỉnh núi cao nhất 166m, trên núi cây cối rậm rạp, rừng tự nhiên và
rừng trồng bao phủ kín các đỉnh núi và sườn núi. Các thung lũng được khai phá để
trồng lúa và hoa màu, xây dựng nhà cửa thành một số cụm dân cư tập trung. Diện
tích đất nông nghiệp khoảng 350ha trong đó diện tích cấy lúa khoảng 220ha. Xung
quanh đảo là những bãi cát và đá ngầm, chỉ một số nơi tàu thuyền mới có thể đi lại
được.
- Đảo Cô Tô Con cũng được cấu thành bằng một dãy núi thấp chạy suốt
chiều dài từ Đông Bắc xuống Tây Nam với độ cao cực đại là 106,7 m. Ngoài ra, độ
cao trên 100m còn gặp cả trên những đảo rất nhỏ, như Hòn Núi Nhọn (148,6 m),
Hòn Bồ Cát (138,5m). Tất cả những đảo còn lại đều chỉ ứng với tiêu chí địa hình
đồi, với độ cao từ vài chục mét đến dưới 100m. Địa hình núi có sườn dốc phần
nhiều trên 200, có chỗ tới 50-600. Ở những nơi núi lan ra sát biển và đang bị biển
phá mòn, rất phổ biến những vách dốc đứng.
- Đảo Thanh Lân có dạng địa hình núi, các đỉnh núi tạo thành dải núi kéo dài
theo phương ĐB-TN. Phía Tây Bắc có các đỉnh cao trên 100m, ở giữa có đỉnh cao
nhất 210m và giảm dần về phía Tây Nam với đỉnh cao 155m. Sườn núi dốc 15-30o
phủ bởi cây cối. Thực vật trên đảo rậm rạp, tất cả đều thuộc dạng núi đất. Các thung
lũng trên đảo đã được khai phá thành ruộng lúa hoặc trồng màu. Trên sườn đồi lân
cận, các khu dân cư trồng nhiều loại cây ăn quả như nhãn, cam.
Xung quanh bờ đảo có nhiều vách đá, không cao, hầu hết là cát kết dạng
quarzit nhiều màu sắc, một số nơi gần cửa các thung lũng là các bãi cát, tàu thuyền
loại lớn và trung bình không thể tiếp cận đảo mà phải trung chuyển bằng các thuyền
nhỏ.
Trên đảo từng có đường ô tô, chủ yếu dành cho xe xích chở khí tài trong thời
gian chiến tranh biên giới. Nhiều đoạn rất dốc, rất ít sử dụng nên bị các trận mưa to
tàn phá, cây cối mọc lan tràn rất khó đi lại.
6
Trên đảo có một số nhánh suối bắt nguồn từ dải núi ở trung tâm. Do diện tích
đảo nhỏ, lưu vực các suối thường không lớn. Lưu lượng đo được từ 1,4 l/s đến 2,4
l/s.
b) Địa hình đáy biển
Nhìn chung, địa hình đáy biển vùng biển đảo Cô Tô khá phức tạp và dốc.
Phía Nam và Đông Nam đảo có xu hướng dốc hơn khu vực phía Bắc và Tây Bắc.
Tuy nhiên khu vực phía Bắc và Tây Bắc, địa hình phức tạp với các trũng ngầm và
cồn ngầm. [20]
1.1.5. Lớp phủ thực vật
Cô Tô là một trong những khu vực có đa dạng sinh học cao của tỉnh Quảng
Ninh. Theo Quyết định số 3541/QĐ-UBND ngày 26/12/2013 của Ủy ban Nhân dân
tỉnh Quảng Ninh, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của huyện Cô Tô là
3.379ha, chiếm hơn 71%; trong đó đất có rừng là 2.767ha, độ che phủ của rừng là
58,2%. Tài nguyên rừng của huyện đảo Cô Tô được đánh giá theo diện tích và giá trị
của thảm thực vật. Năm 2013, huyện Cô Tô có 2.090,57 ha rừng, chiếm 44% tổng diện
tích tự nhiên huyện (giảm so với năm 2005 là 2.328,45 ha rừng, chiếm 49,2% diện tích
tự nhiên), trong đó rừng tự nhiên là 1080 ha, rừng trồng 1008 ha. So với năm 2005 thì
diện tích tự nhiên hiện nay có xu hướng tăng lên và diện tích rừng trồng giảm xuống.
Rừng trên đảo đa số là rừng phục hồi, có nhiều loại cây gỗ thuộc họ trâm, họ
bứa, họ thân dầu, họ đậu, long lão, lim, giao, bồ hòn, thông, keo... Ngoài cây thân
gỗ còn có nhiều loại cây dược liệu quý như: sâm sắn, chè khe, chè vằng,…Một số
loài cây có thể khai thác, phát triển làm cây cảnh rất đẹp và có giá trị kinh tế cao:
Tùng La hán, cây Cứt chuột (tên địa phương cây Thèn đen), nguyệt quế, si, sộp,…
[4].
1.2. ĐIỀU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI
1.2.1. Đặc điểm dân cư và lao động
Huyện đảo Cô Tô có 3 đơn vị hành chính: Thị trấn Cô Tô, xã Thanh Lân và
xã Đồng Tiến. Mật độ dân cư trên địa bàn huyện phân bố không đều, bình quân
khoảng 109 người/km2, tập trung cao ở thị trấn Cô Tô 329 người/ km2, trong khi ở
xã Đồng Tiến là 102 người / km2 và ở xã Thanh Lân chỉ là 46 người / km2.
Từ khi huyện đảo Cô Tô được thành lập (1994) dân số huyện đảo tăng lên
không ngừng. Theo số liệu thống kê của UBND huyện Cô Tô năm 2012, trên địa
bàn huyện có 1491 hộ dân, tổng dân số là 5856 người. Dân cư thuộc 03 dân tộc
(Kinh, Sán Dìu, Hoa), có nguồn gốc từ 06 tỉnh thành trong cả nước ra xây dựng
kinh tế mới: Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương.
Năm 2012, tổng dân số huyện Cô Tô là 5856 người. Số lao động là 3.371
7
người chiếm 60% tổng dân số, trong đó lao động nông nghiệp là 1.500 người, còn
lại là lao động phi nông nghiệp. Dân cư thường sống tập trung ở những nơi trung
tâm xã, thị trấn (tập trung nhiều nhất ở thị trấn Cô Tô). Ngoài các cư dân sống định
cư lâu dài trên các đảo còn có một số cư dân sống bán trú (theo mùa) và lực lượng
vũ trang, an ninh trên các đảo.
1.2.2. Văn hóa, xã hội
Cộng đồng dân cư trên đảo đoàn kết, chăm chỉ sản xuất và làm kinh tế, ở
nhiều làng, nhân dân đã chủ động xây dựng quy ước, hương ước, đã có 11/12 thôn,
tổ dân phố xây dựng song ước. Phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hoá
phát triển đều và khá mạnh mẽ, đời sống của nhân dân đã dần đi vào ổn định và
ngày càng có dấu hiệu sung túc. Cùng với các cấp chính quyền người dân đã tích
cực tham gia vào các hoạt động xã hội chung như phòng chống và bài trừ các tệ nạn
xã hội, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, xây dựng cuộc sống văn hóa trên quê
hương mới của mình…
Huyện đảo Cô Tô đã có điện lưới quốc gia từ năm 2013, nên đời sống văn
hoá của cư dân trên đảo được nâng cao, thuận lợi cho phát triển kinh tế.
1.2.3. Du lịch
Cụm đảo Cô Tô – Thanh Lân có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Yếu tố
làm nên ưu thế to lớn của du lịch biển đảo ven bờ gồm tính đa dạng của cảnh quan,
thắng cảnh, đặc thù nổi bật về địa chất - địa mạo, phong phú về nguồn gen, giống
cây con và sinh vật biển.
Ngoài ra còn có điều kiện khí hậu thuận lợi, môi trường trong sạch, đa dạng
các loại hình du lịch. Một yếu tố quan trọng để phát huy tiềm năng du lịch các đảo
ven bờ là khả năng liên kết chặt chẽ với các trung tâm và các tuyến du lịch lớn đã
hình thành ở trên bờ, tạo thành với chúng một thể thống nhất. Cụm đảo Cô Tô –
Thanh Lân có điều kiện thuận lợi để tạo mối liên kết chặt chẽ với các trung tâm du
lịch lớn như Hạ Long - Cửa Ông - Vân Đồn - Móng Cái.
Tiềm năng du lịch đảo - biển còn gắn liền với việc bảo tồn thiên nhiên trên
đảo: các thảm thực vật còn được bảo vệ tốt trên đảo sẽ là những vốn quý cho phát
triển du lịch - sinh thái, bảo vệ môi trường và nguồn nước ngọt trên đảo.
1.2.4. Giao thông
Giao thông trên đảo Cô Tô có hai cảng dân sự ở phía tây nam và đông bắc
đảo, tàu thuyền từ đất liền có thể ra vào khá dễ dàng, đã xây dựng một cầu cảng 100
tấn rất thuận tiện cho việc lên xuống của khách bộ hành. Các loại xe lớn, máy móc
có thể cập cảng này và lên đảo theo các bãi cát. Phía bắc đảo có một trạm quân sự, ở
những nơi khác từ tàu muốn lên đảo phải dùng thuyền nhỏ để trung chuyển.
8
Nhìn chung điều kiện giao thông trên đảo không quá khó khăn, tuy nhiên từ
trục đường ô tô đi vào các điểm dân cư, các nơi có yêu cầu cấp nước giao thông rất
khó khăn, mặt đường hẹp không thuận lợi cho xe cơ giới qua lại, chỉ có thể vận
chuyển bằng xe công nông, xe cải tiến, và khiêng vác.
Hiện tại, đầu mối giao thông quan trọng nhất của Cô Tô với đất liền là thông
qua thị trấn Cái Rồng, huyện lỵ của huyện Vân Đồn. Với việc có cầu thay phà Cửa
Ông, đảo Cái Bầu gần như đã trở thành lục địa ven biển và tương lai không xa thị
trấn Cái Rồng và đảo Cái Bầu sẽ phát triển mạnh mẽ về kinh tế biển, rất thuận lợi
cho Cô Tô. Khi đó Cô Tô còn có thể nối trực tiếp các tuyến giao thông quan trọng
với cảng Vạn Hoa. Ngoài ra, Cô Tô còn có thể nối trực tiếp với thành phố Hạ Long,
một đầu mối du lịch và dịch vụ quan trọng. Hơn nữa, Cô Tô còn có thể liên hệ trực
tiếp với thị xã Móng Cái, một cửa khẩu với thị trường hàng hải sản và du lịch Trung
Quốc đầy triển vọng.
Đường thủy tới đảo Cô Tô - Thanh Lân khá thuận lợi, từ các tỉnh Thái Bình,
Hải Phòng tàu thuyền đánh cá và chở hàng thường ra vào đảo này. Tàu khách từ
cảng Cái Rồng ra đảo Cô Tô và Thanh Lân 1 tuần có 3 chuyến vào các ngày thứ 2,
thứ 4 và thứ 6. Từ Cô Tô trở về Cái Rồng vào các ngày thứ 3, thứ 5 và thứ 7. Việc
thuê tàu thuyền và đi lại khá dễ dàng.
1.3. ĐẶC ĐIỂM ĐỊA CHẤT KHU VỰC NGHIÊN CỨU
1.3.1. Đặc điểm địa chất trên đảo
Giới Paleozoi
Hệ Ordovic trên - hệ Silur
1. Hệ tầng Cô Tô (O3-Sct)
Hệ tầng Cô Tô được Dovjikov A. E. và Jamoida A. I. xác lập vào năm 1961
và ban đầu được định tuổi Neogen. Sau đó, nhờ sự phát hiện nhiều hóa thạch Bút đá
ở đảo Cô Tô, Thanh Lân và nhiều đảo khác nên Trần Văn Trị và nnk (1972) đã định
tuổi Ordovic – Silur sớm cho hệ tầng này. Hệ tầng phân bố rộng rãi trên đảo Cô Tô,
đảo Cô Tô Con và đảo Thanh Lân với mặt cắt được chia thành 2 phụ hệ tầng.
- Phụ hệ tầng dưới (O3-Sct1) phân bố ở đảo Cô Tô, đảo Cô Tô Con, thành
phần gồm cát kết chứa mảnh đá phun trào axit, phân lớp dày, xen thấu kính sạn kết
và lớp mỏng sét kết, bột kết cấu tạo sọc dải. Đá xen kẽ nhau có tính phân nhịp. Dày
khoảng 1.000m.
- Phụ hệ tầng trên (O3-Sct2) phân bố rải rác ở đảo Thanh Lân, gồm bột kết,
sét kết xen nhịp nhàng với cát chứa mảnh đá phun trào axit và đá phiến sét silic.
Dày khoảng 700m.
9
Giới Kainozoi
Hệ Đệ tứ
2. Trầm tích Holocen trên (Q23)
Trầm tích biển (mQ23) phân bố trong các bãi triều ven đảo Cô Tô và đảo
Thanh Lân, thường là các bãi, cồn cát dọc theo bờ biển hiện nay. Thành phần chủ
yếu là cát thạch anh 90-95%, vụn đá và các khoáng vật khác 5-10%, đôi nơi gặp
tích tụ tại chỗ với khối lượng nhỏ cuội biển và cuội san hô biển, tảng kích thước từ
5-30cm, độ mài tròn khá tốt, chiều dày 2-5m [20].
1.3.2. Đặc điểm địa chất phần biển ven đảo
Giới Paleozoi
Hệ Ordovic trên - hệ Silur
1. Hệ tầng Cô Tô? (O3-Sct?)
Các đá thuộc hệ tầng Cô Tô lộ thành chỏm nhỏ ở đáy biển khu vực phía
Đông Bắc đảo Thanh Lân và phía Bắc đảo Cô Tô. Thành phần thạch học gồm cát
kết tuf hạt lớn, phân lớp dày, xen thấu kính sạn kết và lớp mỏng sét kết, bột kết cấu
tạo sọc dải, cát kết tuf và đá phiến sét silic [20].
Giới Kainozoi
Hệ Đệ tứ
2. Trầm tích Pleistocen giữa, phần trên (Q12b)
Trầm tích biển (mQ12b)
Thành tạo này không lộ trên đáy biển mà chỉ gặp trên các mặt cắt địa chấn
nông phân giải cao và phủ trực tiếp lên đá gốc hệ tầng Cô Tô (O3-Sct?). Thành phần
trầm tích được liên hệ đối sánh với các tài liệu đã có chủ yếu là cấp hạt mịn như bột
cát, bột sét, phân lớp ngang. Bề dày theo băng địa chấn là 1-5m [20].
3. Trầm tích Pleistocen trên, phần dưới (Q13a)
Trầm tích biển (mQ13a)
Thành tạo này lộ rải rác 3 chỏm nhỏ phía Đông Nam và 1 chỏm nhỏ phía
Bắc đảo Thanh Lân. Đặc điểm trầm tích là bùn cát, cát bùn lẫn sét loang lổ màu
xám vàng, nâu, dạng dẻo mềm. Thành phần cấp hạt: sạn 0-7,2%; cát 46,7-78%; bột
14-33%; sét 3,9-25,4%. Kích thước hạt trung bình nhỏ Md 0,07-0,39mm; độ chọn
lọc trung bình đến kém So 1,67-5,67; Sk 0,14-0,98 [20].
4. Trầm tích Pleistocen trên, phần trên - Holocen giữa (Q13b-Q22)
Trầm tích biển (mQ13b-Q22)
Thành tạo này lộ diện rộng kéo dài ở phía Bắc, Đông, Đông Nam đảo Cô Tô
10
ở độ sâu từ 12-15m nước trở ra hết diện tích khảo sát. Thành phần trầm tích là cát,
cát bùn, cát bùn chứa sạn, cát sạn, sạn cát màu xám, xám nâu, xám phớt xanh.
Thành phần cấp hạt: sạn 0-18,4%; cát 36,4-99,64%; bột 0,36-37,1%, sét 0-34,9%.
Kích thước trung bình không đều từ nhỏ đến thô Md 0.02-0.91mm; độ mài tròn tốt
đến rất kém So 1,23-8,58; Sk 0,07-1,69 [20].
Theo tài liệu từ báo cáo chuyên đề “Lập bản đồ địa chất – khoáng sản vùng
biển cụm đảo Cô Tô – Vĩnh Thực, tỷ lệ 1:50.000”, trầm tích chứa tổ hợp
foraminifera: Pseudorotalia indopacifica; Pseudorotalia schroeteriana; Bigenerina
nodosaria;
Elphidium
advenum;
Ammonia
beccarii;
Textularia
foliacea;
Quinqueloculina philippinensis; Gypsina vesicularis; Cellathus craticulatus;
Amphistegina lessonii; Spiroloculina penglaiensis; Elphidium advenum,… Tổ hợp
hóa thạch này cho phép định tuổi trầm tích là Holocen sớm giữa (Q 21-2) và kết luận
môi trường biển nông ven bờ [20].
5. Trầm tích Holocen trên (Q23)
Trầm tích biển (mQ23)
Thành tạo trầm tích này phân bố rộng quanh đảo, kéo dài từ bờ đảo ra đến độ
sâu 12-15m nước, một số khu vực ra đến độ sâu 15-20m nước. Đặc điểm trầm tích
là cát, cát bùn, cát bùn chứa sạn, cát sạn, sạn sỏi màu xám sáng, xám nâu, xám
vàng. Thành phần cấp hạt: sạn 0-53%, cát 12,5-100%, bột 0-43,98%, sét 0-45,9%.
Kích thước hạt trung bình từ nhỏ đến rất thô Md 0,01-2,35mm; độ mài tròn tốt đến
rất kém So 1,1-7,66; Sk 0,08-2,8 [20].
Theo tài liệu từ báo cáo chuyên đề “Lập bản đồ địa chất – khoáng sản vùng
biển cụm đảo Cô Tô – Vĩnh Thực, tỷ lệ 1:50.000”, trầm tích chứa tổ hợp
foraminifera: Cellathus craticulatus; Textularia foliacea; Ammonia beccarii;
Bolivina punctata; Elphidium advenum; Trochammina nitida; Quinqueloculina
reticulata; Spiroloculina penglaiensis; Reussella spengnerii; Quinqueloculina
philippinensis,… Tổ hợp hóa thạch này cho phép định tuổi trầm tích là Holocen
sớm giữa (Q21-2) và kết luận môi trường biển nông ven bờ [20].
Kết quả phân tích bào tử, phấn hoa cho thấy trong tập trầm tích này cũng khá
phong phú các giống loài: Carya sp.; Keteleria sp.; Picea sp.; Pinus sp.; Quercus
sp.; Rhizophora sp. (TVNM); Casuarina sp. (TVNL); Gramineae gen indet;
Carpinus sp.; Bruguiera sp. (TVNM); Castanopsis/Lithocarpus sp.; Exoecaria sp.
(TVNL); Acrostichum sp. (TVNL); Athyrium sp.; Cyathea sp.; Sellaginella sp.;
Aegiceras sp. (TVNM); Cyperus sp. (TVNL); Compositae gen indet.,... Tổ hợp hóa
thạch cho phép định tuổi trầm tích là Holocen (Q2) và kết luận môi trường biển
11
nông ven bờ [20]. (Ghi chú: TVNM - phấn hoa thực vật ngập mặn, TVNL - phấn
hoa thực vật nước lợ)
Trầm tích chứa tảo Diatomea: Diploneis splendida; Diploneis elliptica;
Melosira praegranulata; Rhaphoneis suriella; Actinocyclus ehrenbergii;
Actinocyclus divisus; Hyalodiscus sp.; Thalassiosira excentrica; Thalassiosira
kozlovii; Thalassiosira pacifica; Coscinodiscus marginatus; Coscinodiscus
perforatus; Coscinodiscus pseudoincertus;….Tổ hợp hóa thạch cho phép định tuổi
trầm tích là Holocen trên (Q23) và kết luận môi trường biển nông ven bờ [20].
Kết quả luận giải chỉ số Fe/Mn (một trong những chỉ thị về tướng của trầm
tích) cho thấy chỉ số này dao động trong khoảng 109,36-459,5, chứng tỏ các thành
tạo trầm tích này được hình thành trong môi trường nước nông, ven bờ; modul tổng
kiềm (NM + KM): (Na2O+K2O)/Al2O3 = 1,06-10,55 chứng tỏ thành tạo này lắng
đọng trong môi trường kiềm cao. Chỉ số phong hoá hoá học (CIA): 100 *
Al2O3/(Al2O3+ CaO+Na2O+K2O) = 5,57-29,92 chứng tỏ nguồn vật liệu chưa bị
phong hóa. Bề dày tầng trầm tích dao động từ 0,2-3m [20].
12
CHƯƠNG 2. CƠ SỞ TÀI LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. CƠ SỞ TÀI LIỆU
2.1.1. Nguồn tài liệu thu thập
- Các bài báo đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước sử dụng phương pháp
phân tích bào tử phấn hoa trong việc nghiên cứu và khôi phục cổ môi trường, cổ khí
hậu, cổ sinh thái.
- Các tài liệu phân tích độ hạt, cổ sinh.
- Một số báo cáo chuyên đề thuộc Dự án thành phần 2 “Điều tra địa mạo,
địa chất, khoáng sản một số đảo và cụm đảo lớn, quan trọng” (sau đây gọi tắt là Dự
án thành phần 2), bao gồm:
+ Báo cáo chuyên đề “Lập bản đồ địa chất – khoáng sản vùng biển cụm đảo
Cô Tô – Vĩnh Thực, tỷ lệ 1:50.000”.
+ Báo cáo tổng kết “Điều tra địa mạo, địa chất, khoáng sản vùng biển cụm
đảo Cô Tô – Vĩnh Thực, tỷ lệ 1:50.000”.
+ Báo cáo chuyên đề “Lập bản đồ địa mạo đáy biển và dọc đường bờ cụm
đảo Cô Tô – Vĩnh Thực, tỷ lệ 1:50.000”.
2.1.2. Nguồn tài liệu trực tiếp nghiên cứu phục vụ đề tài
Nguồn tài liệu trực tiếp nghiên cứu phục vụ đề tài bao gồm 14 mẫu trầm tích
tầng mặt thu thập từ Dự án thành phần 2, 03 mẫu trầm trầm tích tầng mặt được học
viên trực tiếp lấy tại khu vực rừng ngập mặn gần đập Trường Xuân, xã Đồng Tiến
(Hình 2.2) và các tài liệu khảo sát hệ thống thủy văn và hệ thực vật trên đảo. Cơ sở
lựa chọn 14 mẫu trầm tích tầng mặt vùng biển ven bờ cụm đảo Cô Tô – Thanh Lân
được xây dựng theo tuyến đại diện cho các khu vực và khoảng cách khác nhau so
với bờ, cụ thể như sau:
+ 03 tuyến nằm phần phía Đông Nam khu vực nghiên cứu, trong đó: 01
tuyến từ bờ đảo Cô Tô ra độ sâu 30m nước (Tuyến 01), 02 tuyến song song với bờ
(Tuyến 02 và Tuyến 03).
+ 01 tuyến nằm ở phần phía Bắc khu vực nghiên cứu, dọc theo hướng Tây
Bắc – Đông Nam từ khu vực Hòn Chòi Canh dọc theo khu vực giữa các đảo Cô Tô
Con, Hòn Cá Chép, Hòn Thoải Rơi đến phần phía Tây Bắc đảo Thanh Lân (Tuyến
04).
Vị trí các tuyến, điểm lấy mẫu thu thập trong trầm tích tầng mặt vùng biển
nông ven bờ từ Dự án thành phần 2 được thể hiện trong Bảng 2.1 và Hình. 2.1.
13
Bảng 2.1: Tọa độ các điểm lấy mẫu phân tích bào tử, phấn hoa thu thập từ
Dự án thành phần 2
STT
1
Số hiệu mẫu
CT16-T139
Vĩ độ
21 05'59,1''
Kinh độ
107o45'51,7''
2
CT16-T141
21o05'29,4''
107o46'23,4''
3
CT16-T143
21o04'56,6''
107o46'58,0''
4
CT16-T145
21o04'22,4''
107o47'31,7''
5
CT16-T135
21o03'12,5''
107o49'18,9''
6
CT16-B401
20o58'07,9''
107o46'41,5''
7
CT16-T337
20o57'47,0''
107o49'23,3''
8
CT16-T290
20o57'16,6''
107o51'09,8''
9
CT16-T567
20o55'31,1''
107o43'35,5''
10
CT16-T377
20o57'13,2''
107o48'44,8''
11
CT16-T169
21o00'02,8''
107o51'19,5''
12
CT16-T493
20o55'17,2
107o47'14,3''
13
CT16-T129
20o59'46,9''
107o53'22,6''
14
CT16-T100
21o00'14,3
107o54'10,8''
o
Hình 2.1. Sơ đồ tuyến phân tích mẫu bào tử, phấn hoa thu thập từ
Dự án thành phần 2
14
2.2. CÁC PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.2.1. Phương pháp nghiên cứu ngoài thực địa
Nhằm làm sáng tỏ đặc điểm hệ thực vật trên đảo Cô Tô, học viên đã tiến
hành khảo sát bổ sung các loài thực vật ưu thế dọc theo hệ thống thủy văn quanh
đảo Cô Tô từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 7 năm 2017 như khu vực Bãi đá Móng
Rồng (Hình 2.3a), Bãi Hồng Vàn (Hình 2.3b), Bắc Vàn, Vàn Chảy (Hình 2.3d), đặc
biệt là khu vực rừng ngập mặn tại đập Trường Xuân, xã Đồng Tiến (Hình 2.3c).
Trong quá trình khảo sát thực địa, 03 trầm tích tầng mặt tại khu vực rừng
ngập mặn cạnh đập Trường Xuân, xã Đồng Tiến đã được trực tiếp thu thập để phân
tích bào tử, phấn hoa nhằm xác định khả năng lưu giữ của các dạng phấn hoa thực
vật ngập mặn trong trầm tích bãi triều có rừng ngập mặn. Ba mẫu này được lấy theo
1 tuyến từ rìa rừng ngập mặn ra phía biển (Hình 2.2), bao gồm:
- Mẫu CT-01: bên cạnh rìa khu vực rừng ngập mặn .
- Mẫu CT-02: trong khu vực rừng ngập mặn, vào phía trong khoảng 5m, cách
vị trí lấy mẫu CT-01 khoảng 15m.
- Mẫu CT-03: trong rừng ngập mặn, vào phía trong khoảng 25m, cách vị trí
lấy mẫu CT-02 khoảng 20m.
Thêm vào đó, các mẫu lấy tại khu vực rừng ngập mặn được phân tích để đối
sánh về sự phân bố của các phức hệ bào tử, phấn hoa trong khu vực rừng ngập mặn
và trong trầm tích khu vực biển nông ven bờ 0-30m nước của cụm đảo Cô Tô –
Thanh Lân đã được thu thập từ Dự án thành phần 2.
Hình 2.2. Vị trí khu vực rừng ngập mặn và điểm lấy 3 mẫu CT-01, CT-02, CT-03
15
a) Bãi đá Móng Rồng
b) Khu vực Bãi Hồng Vàn
c) Rừng ngập mặn tại xã Đồng Tiến
d) Bãi Vàn Chảy
Hình 2.3. Một số điểm khảo sát tại khu vực trên đảo Cô Tô
2.2.2. Phương pháp phân tích bào tử, phấn hoa
a. Cơ sở của phương pháp
Phân tích bào tử phấn hoa là phương pháp nghiên cứu dựa trên các bằng
chứng về bào tử, phấn hoa và mối quan hệ giữa bào tử và phấn hoa với hệ thực vật
hiện đại và thường được áp dụng trong các nghiên cứu địa chất, địa mạo, cổ sinh
thái, cổ khí hậu, cổ địa lý.
Nguyên lý cơ bản của phương pháp này là phấn hoa được phát tán bởi thực
vật, được vận chuyển bởi không khí hoặc nước và được lắng đọng trong một môi
trường nhất định trên mặt đất. Nghiên cứu các di tích bào tử và phấn hoa trong các
môi trường đó cho phép các nhà nghiên cứu khôi phục điều kiện lắng đọng các dạng
hóa thạch này. Nếu các hạt bào tử, phấn hoa được lắng đọng trong các môi trường
16
nước như sông, hồ, đầm lầy, biển nông ven bờ, nó sẽ được lắng đọng cùng với các
vật liệu trầm tích và trở thành một loại hóa thạch trong trầm tích. Dựa vào thành
phần bào tử, phấn hoa trong trầm tích có thể giúp khôi phục đặc điểm hệ thực vật ở
một khu vực nào đó. Hơn nữa, đặc điểm của một hệ thực vật bị chi phối bởi điều
kiện khí hậu nên có thể sử dụng kết quả phân tích bào tử, phấn hoa để khôi phục
điều kiện cổ khí hậu của khu vực đó. Một trong những cơ sở để khôi phục điều kiện
cổ khí hậu là sự tương đồng về mối quan hệ giữa hệ thực vật và điều kiện khí hậu
trong quá khứ và hiện nay [12].
Điều kiện động lực của môi trường trầm tích cũng quy định khả năng bảo
tồn, mức độ phong phú của các dạng bào tử, phấn hoa nên việc phân tích hóa thạch
bào tử phấn hoa trong trầm tích cũng cho phép các nhà nghiên cứu khôi phục điều
kiện lắng đọng trầm tích chứa chúng. Một trong những hạn chế của phương pháp
phân tích bào tử, phấn hoa trong nghiên cứu điều kiện cổ môi trường là các hạt phấn
hoa của một hệ thực vật được phát tán và lắng đọng ở các khoảng cách khác nhau
và phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác nhau như gió, dòng nước. Thường thì những
điều kiện này thay đổi nhiều giữa quá khứ và hiện tại, chính vì vậy đòi hỏi những
người nghiên cứu phải có những luận giải hợp lý dựa trên nhiều công cụ khác nhau.
Để có thể nhận diện được các dạng bào tử, phấn hoa trong trầm tích thì trước
tiên cần phải nắm được đặc điểm hình thái của chúng. Các đặc điểm hình thái dưới
đây của các dạng bào tử, phấn hoa được mô tả dựa theo tài liệu của Faegri et al.
(1989) và Huang (1972) [34, 37].
- Hình thái chung của bào tử
Bào tử là cơ quan sinh sản của thực vật Dương xỉ. Hình thái của bào tử được
đặc trưng bằng hình dạng, cấu tạo rãnh, cấu tạo vách và kích thước. Hình dạng của
hạt bào tử phụ thuộc vào kiểu phân chia từ tế bào mẹ. Có hai loại bào tử là bào tử
dạng hạt đậu – bào tử một rãnh và bào tử dạng tam giác – bào tử ba rãnh (Hình 2.4).
Bào tử dạng hạt đậu
Bào tử dạng tam giác
Hình 2.4: Các dạng hình thái của bào tử
17
Việc chia tác từ tế bào mẹ đã để lại cấu tạo dạng chữ Y trên bào từ tam giác.
Rãnh này có thể kéo dài đến đỉnh hoặc chỉ dài bằng 1/2 hoặc 1/3 khoảng cách từ
tâm đến đỉnh. Một số dạng bào tử tam giác và bào tử hạt đậu được thể hiện trong
Hình 2.5 và Hình 2.6.
Hình 2.5. Một số dạng của bào tử tam giác
Hình 2.6. Một số dạng của bào tử hạt đậu
- Hình thái chung của phấn hoa
Phấn hoa thực chất là tế bào sinh sản của thực vật hạt trần (Pinophyta) và hạt
kín (Magnoliophyta). Ở thực vật hạt trần, ngoài hạt phấn còn có các túi khí gắn trên
thân hạt phấn. Một trong những yếu tố để nhận dạng phấn hoa của các loài hạt trần
là đặc điểm về kích thước, số lượng và tỉ lệ của các túi khí với hạt phấn. Khác với
thực vật hạt trần, thực vật hạt kín rất đa dạng không chỉ về hình thái hạt, cấu tạo
màng mà còn phong phú về các kiểu miệng.
Để miêu tả hình dạng hạt phấn khi nhìn từ trục xích đạo, người ta dựa vào tỷ
lệ giữa chiều dài của trục cực và trục xích đạo, ký hiệu là P/E (Bảng 2.2).
18
Bảng 2.2. Phân loại hình thái của phấn hoa dựa vào tỷ lệ P/E
1
P/E < 0.5
Rất dẹt (Peroblate)
2
P/E = 0.5 – 0.75
Dẹt (Oblate)
3
P/E = 0.75 – 0.88
Hơi dẹt (Subolate)
4
P/E = 0.75 – 0.88
Dẹt – tròn (Oblate – Spheroidal)
5
P/E = 1.0
Tròn (Spheroidal)
6
P/E = 1.0 – 1.14
Thon – tròn
7
P/E = 1.14 – 1.33
Hơi thon (Subprolate)
8
P/E = 1.33 – 2.0
Thon (Prolate)
9
P/E > 2.0
Rất thon (Perprolate)
Tuy dựa vào tỷ lệ chiều dài của trục cực với trục xích đạo từ mặt xích đạo để
xác định hình thái của phấn hoa nhưng nhiều khi điều đó lại gặp rất nhiều khó khăn
bởi không phải lúc nào cũng xác định được tỷ lệ P/E của chúng. Do đó, ngoài
những hình thái dựa vào tỷ lệ P/E , người ta còn phân loại hạt phấn dựa trên hình
dạng như hình thoi, hình quả lê (Hình 2.7).
Hình 2.7: Một số dạng hình thái của phấn hoa nhìn từ trục xích đạo [37]
(1- rất dẹt; 2- dẹt; 3- hơi dẹt; 4- dẹt – cầu; 5- cầu; 6- thon – cầu; 7- hơi thon; 8- thon; 9- rất
thon; 10- hình thoi; 11- hình chữ nhật, 12- hình quả lê)
Hình thái của hạt phấn không chỉ được xác định từ mặt xích đạo mà còn
được xác định cả từ mặt cực. Hình thái hạt phấn nhìn từ mặt cực được mô tả trên
Hình 2.8.
19
Hình 2.8: Một số dạng hình thái của phấn hoa nhìn từ trục cực [37]
(1- Tròn (Circular); 2- Hình hoa (Circular-lobate); 3- Dạng tam giác cạnh lồi có miệng ở
đỉnh (Semi-angular); 4- Dạng tam giác cạnh lồi có miệng ở cạnh (Inter-semi-angular); 5- Dạng tam
giác (Angular); 6- Dạng tam giác có miệng ở cạnh (Inter-angular); 7- Dạng tam giác cạnh hơi lõm
(Semi-lobate); 8- Dạng tam giác cạnh thẳng có miệng ở cạnh (Inter-semi-lobate); 9- Dạng tam giác
cạnh lõm (Lobate); 10- Dạng tam giác lõm có miệng rất sâu ở cạnh (Inter-lobate); 11-12- Dạng 6
cạnh (Hexagonal – Inter-hexagonal); 13- Dạng gần tam giác (Subangular); 14- Dạng gần tam giác
có miệng ở cạnh (Inter-subangular); 15- Dạng chữ nhật hoặc thoi (Rectangular/Rhomboidal); 16Dạng ống (Tubular))
Để nhận dạng bất cứ hạt phấn nào thì đặc điểm đầu tiên cần phải chú ý là
miệng (aperture). Miệng của phấn hoa được chia thành hai dạng là lỗ (pori), kiểu
miệng tròn hoặc có dạng elip với tỉ lệ chiều dài và bề rộng nhỏ hơn 2 và rãnh
(colpi), kiểu miệng thon dài với tỉ lệ chiểu dài và bề rộng lớn hơn 2. Nếu những hạt
phấn chỉ có lỗ được gọi là porate, chỉ có rãnh được gọi là colpate và nếu có cả lỗ và
rãnh được gọi là colporate.
Một trong những cơ sở được dùng để phân loại các dạng phấn hoa chính là
số lượng miệng trên bề mặt phấn. Phân loại này về cơ bản là đơn giản và phù hợp.
Số miệng được biểu thị bởi các tiền tố mono- (một), di- (hai), tri- (ba)… trước các
thuật ngữ như colpate, colporate, porate. Còn trong trường hợp nhiều hơn sáu miệng
thì tiền tố được sử dụng là poly-. Trong hầu hết các trường hợp mà lỗ hoặc rãnh
được sắp xếp đều nhau gần mặt xích đạo của hạt phấn thì ra thêm tiền tố zono-. Còn
nếu trong trường hợp mà các miệng rải rác ở khắp trên bề mặt của hạt phấn thì sử
dụng tiền tố panto-. Hình 2.9 mô tả các dạng các kiểu miệng của bào tử, phấn hoa
hạt trần và phấn hoa hạt kín.
20
Hình 2.9: Các kiểu miệng của phấn (số miệng, đặc điểm, vị trí) [37]
(1- Dạng có túi khí; 2- Dạng không miệng nhưng có mầu;3- Dạng ba rãnh hình chữ Y;4- Dạng một
hoặc hai rãnh;5- Dạng ba rãnh;6- Dạng có miệng ghép nối với nhau ở gần cực;7- Dạng có miệng tách ra làm
hai nhánh ở gần đỉnh và nối với nhau ở cực, tạo thành các khu vực độc lập;8- Dạng miệng có xoắn ốc; 9Dạng bốn rãnh; 10- Dạng có bốn hoặc sáu rãnh; 11- Dạng có nhiều miệng rải rác trên bề mặt phấn;12- Dạng
một lỗ; 13- Dạng hai lỗ; 14- Dạng ba lỗ; 15- Dạng có từ 4 đến 6 lỗ; 16- Dạng có nhiều lỗ phân bố khắp trên
bề mặt phấn; 17- Dạng có hai lỗ hai rãnh; 18- Dạng có ba lỗ ba rãnh; 19- Dạng bốn đến sáu lỗ cũng như rãnh;
20- Dạng có nhiều lỗ và rãnh khắp bề mặt phấn; 21-22 Dạng phấn hoa có cả miệng kiểu đơn giản và kiểu
miệng kép; 23- Dạng có khoảng trống rộng, giống như cửa sổ, không có tầng cột; 24- Dạng bộ tứ; 25- Dạng
phấn hoa gồm nhiều hơn bốn hạt phấn)
21